Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 94

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Bản Tham Luận Common Sense của Thomas Paine


“Kẻ ăn mày” góp phần tạo nên hai cuộc cách mạng long trời lở đất

Thứ Bảy, ngày 16/11/2019 00:30 AM (GMT+7)

Trong lịch sử thế giới, nhà tư tưởng này cũng là người duy nhất được mời vào hội đồng nhà nước của hai trong những quốc gia tư sản lớn nhất phương Tây thời kỳ cận đại.

“Kẻ ăn mày” góp phần tạo nên hai cuộc cách mạng long trời lở đất - 1
Thomas Paine, nhà tư tưởng có ảnh hưởng trực tiếp đến 2 cuộc cách mạng tư sản lớn nhất thế giới
Ông là người có thể biến những cuộc phản kháng lẻ tẻ ở một số nước phương Tây thành những cuộc khởi nghĩa lớn chưa từng thấy. Dường như ông cứ đến nơi nào thì nơi đó lại nổ ra những cuộc cách mạng long trời lở đất, đến mức giới sử gia sau này đặt cho ông biệt danh là “Kẻ ăn mày cách mạng”.
Ông là Thomas Paine, nhà triết học, nhà cách mạng, tác giả của nhiều công trình được phương Tây đánh giá là mang tư tưởng khai sáng vĩ đại, trong đó có “Lẽ Thường” và “Quyền con người”, 2 kiệt tác ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc Cách mạng giành độc lập của nước Mỹ, và cuộc Cách mạng tư sản Pháp.
Thuở thiếu thời và cuộc sống tại Anh
Thomas Paine sinh ngày 29.1.1737 trong một gia đình trung lưu tại Thetford, Nortfolk, Anh. Sự nghiệp học vấn của Paine thuở nhỏ không có gì đặc biệt, khi ông đã sớm bỏ học ở trường từ năm 13 tuổi để theo học nghề thủ công từ bố mình. Nhưng chỉ ít lâu sau, ông bỏ nhà để tới London, sống chật vật bằng đủ nghề trước khi trở thành một nhân viên sở thuế. Với nhiệm vụ săn lùng những kẻ buôn lậu và đi thu thuế rượu, thuốc lá, Thomas Paine dành dụm số tiền thù lao ít ỏi của mình để mua sách và các thiết bị khoa học. Đó là khoảng thời gian mà những tư tưởng xã hội của ông dần chớm nở.

“Kẻ ăn mày” góp phần tạo nên hai cuộc cách mạng long trời lở đất - 2
Căn nhà là nơi sinh của Thomas Paine tại Thetford, Nortfolk, Anh
Dù vậy, thời trai trẻ của Paine tại nước Anh chỉ được nhớ đến bởi những thất bại liên tiếp. Ông trải qua 2 cuộc hôn nhân chóng vánh, có một sự nghiệp không mấy hạnh phúc, và thậm chí còn bị đuổi khỏi sở thuế vào năm 1772, sau khi ông nộp một bản điều trần đòi tăng lương bổng của các nhân viên và chỉ trích tình trạng tham nhũng của những người đứng đầu ngành thuế vụ vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, đúng vào thời điểm tuyệt vọng nhất, một bước ngoặt quan trọng đã xảy đến với Paine khi ông gặp được khoa học gia, nhà tư tưởng Benjamin Franklin. Chính Franklin là người đã khuyên Paine nên sang Mỹ để bắt đầu một cuộc sống mới, và đã gửi thư giới thiệu Paine cho người con rể của mình là Richard Bache.
Sang Mỹ và trở thành nhà cách mạng
Thomas Paine đến Philadelphia, Mỹ vào ngày 30.11.1974, và được Richard Bache giới thiệu đến Robert Atkin, người sau này đã cùng ông sáng lập ra tờ Tạp chí Pennsylvania và làm chủ bút trong suốt 18 tháng.
Trong thời gian đó, Paine đã cho xuất bản nhiều bài báo cùng với một số bài thơ, phần lớn đều để khuyết danh hoặc được ông viết dưới nhiều bút danh khác nhau. Trong số này, đáng chú ý có bài báo tựa đề “Nô lệ châu Phi tại châu Mỹ”, một bản cáo trạng đanh thép của Thomas Paine đối với tình trạng buôn bán nô lệ tại Lục địa Đen, dưới bút danh “Công lý và Nhân loại.”
Paine sang Mỹ đúng vào thời điểm những xung đột giữa người dân thuộc địa và chính quyền Anh đã ở mức đỉnh điểm. Sau những cuộc giao tranh đẫm máu tại Lexington và Concord, vào ngày 19.4.1775, Thomas Paine lập luận rằng cuộc đấu tranh của nước Mỹ không thể chỉ dừng lại ở việc chống lại những khoản thuế từ chính quốc, mà phải là một cuộc cách mạng dành độc lập một cách toàn diện. Những tư tưởng trên đã được ông chắp bút thành tác phẩm kinh điển Lẽ thường (Common Sense), được chính thức xuất bản vào ngày 10.1.1776.
Trong Lẽ thường, Thomas Paine phân tích thực trạng, hoàn cảnh và quan hệ của các Thuộc địa đối với nước Anh. Với lý luận chặt chẽ và văn chương nghị luận sắc bén, ông đã giúp cho người dân Mỹ ở thuộc địa nhìn rõ vấn đề và chọn cho mình hướng đi đúng đắn. Paine dùng văn phong và từ ngữ giản dị để trình bày những vấn đề phức tạp thuộc về triết học, tôn giáo và chính trị nhằm vào đối tượng chính là đại chúng.
“Kẻ ăn mày” góp phần tạo nên hai cuộc cách mạng long trời lở đất - 3
Trang đầu tiên bản thảo gốc tác phẩm Lẽ Thường"của Thomas Paine
Tác phẩm dày 50 trang của Thomas Paine ngay lập tức trở thành một cơn sốt trên toàn nước Mỹ, với hơn 500.000 bản được bán ra chỉ trong vài tháng. Hơn cả một quyển sách, Lẽ Thường còn gây ảnh hưởng lớn đến việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ vào năm 1776.
Trong giai đoạn chiến tranh sau đó, Thomas Paine tình nguyện làm trợ lý cho tướng Nathanael Greene của phe cách mạng. Đóng góp to lớn nhất của ông cho thời gian này là 16 văn kiện có tiêu đề Khủng Hoảng được xuất bản từ năm 1776 đến năm 1783, với bút danh Lẽ Thường.
Đoạn mở đầu Văn kiện số I của loạt bài Khủng Hoảng cho đến nay vẫn là một trong những áng “thiên cổ hùng văn” của thời kỳ Cách mạng Mỹ, đến mức vào năm 1776, khi quân cách mạng lâm vào tình cảnh nguy khốn và đứng trước bờ vực tan rã, đích thân George Washington đã đọc to nó lên để khích lệ tinh thần binh sĩ:
“Đây là lúc thử thách dũng khí của mọi người. Trong cuộc khủng hoảng này, người chiến sĩ và nhà ái quốc tùy thời sẽ co đầu rụt cổ trước bổn phận đối với xứ sở, nhưng kẻ nào ở trong hàng ngũ chiến đấu lúc này thì kẻ ấy đáng được mọi người yêu mến và biết ơn... Chúng ta có một niềm khích lệ lớn lao rằng cuộc chiến càng khó khăn, thì chiến thắng càng vinh quang.
Những gì chúng ta đạt được quá rẻ mạt, chúng ta cũng đánh giá quá thấp một điều rằng: Chỉ có lòng bác ái mới khiến mọi thứ trở nên có giá trị. Thượng đế luôn biết làm thế nào để đặt ra một giá trị phù hợp cho những tạo vật của Người; và hiển nhiên, sẽ thật kỳ lạ nếu 2 tiếng “tự do” lại không được trân trọng một cách thiêng liêng.”
Các tác phẩm của Thomas Paine, cùng với chiến thắng vang dội ngay sau đó của quân cách mạng trong Trận Trenton vào cuối năm 1776, đã truyền cảm hứng và thôi thúc mạnh mẽ nhiều binh sĩ Mỹ, dự kiến sẽ giải ngũ vào ngày 1.1 năm sau, tiếp tục cầm súng chiến đấu trở lại.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, Thomas Paine được Quốc hội lâm thời bổ nhiệm chức thư ký Ủy ban Đối ngoại vào năm 1777, và chức thư ký của Đại hội đồng Pennsylvania vào ngày 2.11.1779. Nhận thấy quân đội Mỹ đang dần chán nản vì thiếu lương thực và khan hiếm vật tư, ông đã trích 500 đô la tiền lương của mình để hỗ trợ các binh lính, đồng thời kêu gọi nước Pháp hỗ trợ tiền bạc, quần áo và đạn dược cho chính phủ cách mạng. Những đóng góp của ông có vai trò quan trọng đối với thắng lợi quyết định của cuộc chiến giành độc lập tại Mỹ vào năm 1783.
“Kẻ ăn mày” góp phần tạo nên hai cuộc cách mạng long trời lở đất - 4
Những tác phẩm của Thomas Paine đều tác động trực tiếp đến thắng lợi quyết định của cuộc Cách mạng Mỹ
Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến kết thúc, Paine lâm vào cảnh nghèo khổ do đã hiến tặng phần lớn tiền bạc của mình cho các lực lượng cách mạng. Hơn nữa, ông không hề nhận được bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ các tác phẩm yêu nước của ông, dù chúng đều bán đắt như tôm tươi.
Trong cảnh túng quẫn, Paine đã phải đệ đơn xin hỗ trợ tài chính từ Quốc hội ở thủ đô Washington, và cuối cùng đã được chính quyền bang Pennsylvania chu cấp 500 bảng và một trang trại ở New Rochelle, nơi ông dành thời gian nghiên cứu các phát minh kỳ lạ như cầu sắt không trụ hay nến đốt không khói.
Trở về châu Âu và nếm đủ vinh nhục
Vào tháng 4.1787, Thomas Paine trở về cố hương Anh, tiếp tục hoạt động chính trị trong thời điểm làn sóng cách mạng đang dâng trào tại châu Âu, đặc biệt là Pháp.
Năm 1791, bất bình trước quan điểm của cuốn sách Trầm tư về Cách mạng Pháp) của tướng Edmund Burke trong việc công kích cuộc cách mạng tư sản của nước này, Thomas Paine đã viết tác phẩm kinh điển thứ 2 của đời mình mang tên Quyền Con Người (Rights of Man)
Không chỉ ủng hộ cách mạng Pháp và các nguyên tắc cơ bản của nền cộng hòa, ông còn thông qua Quyền Con Người để nêu ra những lý do bất mãn trong xã hội châu Âu, công kích chế độ quý tộc và chế độ thừa kế tước vị, thậm chí kêu gọi người dân Anh hãy tự cầm lấy vũ khí để lật đổ chế độ quân chủ.
Cũng như Lẽ Thường, Quyền Con Người tiếp tục trở thành một cơn sốt ngay khi vừa xuất bản, với khoảng 200.000 bản đã được bán ra ở Anh, Scotland, và Wales, và khoảng 100.000 bản được tiêu thụ ở Mỹ. Nhưng cũng vì tác phẩm của mình, Thomas Paine bị Chính phủ Anh kết tội phản quốc, cấm lưu hành sách của ông, đồng thời phát lệnh truy nã ông trên toàn quốc.
“Kẻ ăn mày” góp phần tạo nên hai cuộc cách mạng long trời lở đất - 5
Tranh biếm họa Thomas Paine và tác phẩm Quyền Con Người của họa sĩ Isaac Cruikshank, với tên gọi Wha Wants Me
May mắn thay, Thomas Paine đã kịp thời lên tàu sang Pháp, và được đón tiếp tại đây như một người hùng. Dù một chữ Pháp bẻ đôi cũng không biết, song Paine vẫn được phong làm công dân danh dự và được mời vào Hội đồng Nhà nước của chính quyền tư sản Pháp.
Là người ủng hộ cuộc cách mạng Pháp, song Thomas Paine lại phản đối việc xử trảm vua Louis XVI cùng các thành viên phe bảo hoàng. Cho nên khi phái cực đoan của Maximilien de Robespierre lên nắm quyền, ông bị tống giam vào tháng 12.1793. Trong thời gian ở tù, ông viết phần đầu của cuốn Thời Đại Lý Trí (The Age of Reason).
Cuốn sách tiếp tục gây nhiều tranh cãi vì nó phê phán thần quyền và những tham vọng chính trị, đồng thời tỏ ý hoài nghi những giá trị của Kinh Thánh, đến mức chính phủ Anh từng ra lệnh truy tố bất kỳ ai có ý định xuất bản hay lưu hành nó. Tuy nhiên ở Mỹ, Thời Đại Lý Trí vẫn gây ảnh hưởng lớn khi được tái bản 4 lần trong năm 1794, 7 lần vào năm 1795 và 2 lần nữa vào năm 1796.
Sau 11 tháng ngồi tù, Thomas Paine được trả tự do nhờ sự can thiệp của James Monroe, công sứ Mỹ tại Pháp. Ông ở lại Pháp, xuất bản tiếp phần 2 và 3 của cuốn trên trước khi sang Mỹ theo lời mời của Tổng thống Jefferson.
Quay về Mỹ và sống những năm cuối đời
Paine trở lại Mỹ năm 1802, chỉ để nhận ra các tác phẩm và tên tuổi của ông hầu như đã bị lãng quên, trừ danh xưng “kẻ kích động quần chúng” đặt cho ông. Ông bị bạn cũ xa lánh, bị tước quyền bầu cử ở thành phố New York, bị các quán trọ từ chối cho thuê phòng, và cả nguyện vọng được chôn cất trong nghĩa trang tại một thánh đường địa phương cũng bị từ chối. Paine sống lẻ loi trong cảnh túng thiếu và khi chết, ông được an táng trong trang trại mà chính quyền New York cấp cho ông từ hồi chiến tranh cách mạng. Chỉ có sáu người dự đám tang của ông.
Phải mãi đến 1 thế kỷ sau, tên tuổi và những đóng góp vĩ đại của Thomas Paine mới dần được công nhận. Tháng 1.1937, tờ báo Anh The Times gọi Paine là “Voltaire của nước Anh”, khi ví ông với 1 trong 3 nhà tư tưởng vĩ đại nhất nước Pháp của thời kỳ Khai sáng, và coi ông là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc Cách mạng Mỹ. Đến năm 1952, tro cốt của Thomas Paine mới được cải táng tại Đại sảnh Danh vọng của trường Đại học New York. Tượng đài của ông cho đến nay được dựng lên ở rất nhiều nơi tại Mỹ, Anh và Pháp.
“Kẻ ăn mày” góp phần tạo nên hai cuộc cách mạng long trời lở đất - 6
Tượng đài Thomas Paine tại quê hương ông ở Thetford, Vương quốc Anh
Có lẽ không một ai xứng đáng với danh hiệu “Người khai sáng nước Mỹ độc lập” hơn Thomas Paine. Chính ông là người đầu tiên dùng danh từ “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”, chính ông đã tiên đoán là danh xưng “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” sẽ rền vang trong lịch sử y như hào quang của Đế chế Anh một thời, và cũng chính ông đã tuyên bố: “Trong một giới hạn rộng lớn, chính nghĩa của nước Mỹ là chính nghĩa của toàn thể nhân loại.” Không có câu nói nào chứng tỏ rõ khí chất của Paine hơn câu nói: “Nơi nào không có tự do thì nơi đó là đất nước tôi” mà ông đã dùng để đáp lại câu: “Đâu có tự do thì đó là đất nước tôi” của Franklin.
“Thomas Paine không cần đến những đền đài kỷ niệm do bàn tay con người xây cất; ông đã tự xây cất cho chính mình một đài kỷ niệm trong thâm tâm tất cả những người yêu chuộng tự do.”
-Andrew Jackson, Tổng thống thứ VII Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - 
Nguồn: http://danviet.vn/ho-so-tu-lieu/ke-an-may-gop-phan-tao-nen-hai-cuoc-cach-mang-long-troi-lo-dat-1...

Theo Việt Anh (Dân Việt)




Lần duy nhất thủ đô và Nhà Trắng của Mỹ bị đốt phá tơi bời, Tổng thống phải tháo chạy

Chủ Nhật, ngày 03/11/2019 12:00 PM (GMT+7)

Ít ai ngờ rằng Nhà Trắng – một trong những công trình được xem là biểu tượng quyền lực của thế giới, “pháo đài bất khả xâm phạm” của phương Tây, đã từng bị đốt phá tơi bời, trong thất bại ê chề của nước Mỹ.

Lần duy nhất thủ đô và Nhà Trắng của Mỹ bị đốt phá tơi bời, Tổng thống phải tháo chạy - 1
Nhà Trắng – biểu tượng quyền lực của nước Mỹ  
Nhà Trắng (The White House) là nơi sinh sống và làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ, được khởi công xây dựng 13.10.1792 và hoàn thành vào ngày 1.11.1800, theo yêu cầu của Tổng Tống đầu tiên của nước Mỹ - George Washington.
Với tổng diện tích mặt sàn 5.100 mét vuông, được xây dựng bằng sa thạch, bên ngoài sơn trắng thể hiện sự minh bạch của chính quyền, Nhà Trắng từ lâu đã được xem là biểu tượng, là niềm tự hào của nước Mỹ.
Tuy nhiên, trong lần đầu tiên Mỹ tuyên chiến trực tiếp với một quốc gia khác - nước Anh, Mỹ đã chuốc lấy thất bại nặng nề. Thủ đô Washington bị chiếm đóng và Nhà Trắng cũng không tránh khỏi số phận bị hủy hoại.
Nằm trong cuộc chiến tranh Mỹ - Anh, diễn ra từ năm 1812 đến 1815, sự kiện Nhà Trắng bị đốt phá đến nay vẫn còn là một vết nhơ mà người Mỹ tránh nhắc tới.
Trước hết, phải kể đến nguồn cơn của sự kiện đặc biệt này. Trong cuộc chiến giữa hoàng đế Napoleon của nước Pháp với Anh, nước Mỹ đã giữ thái độ trung lập và buôn bán với cả hai phe.

Người Anh không thích điều này, hải quân Anh đã phong tỏa vùng biển Đại Tây Dương, bắt giữ tàu bè và ngăn cản giao thương giữa Mỹ với châu Âu, khiến cho Mỹ vô cùng tức giận.
Mặt khác, trong cuộc chiến Anh – Pháp, đã có đến khoảng 11.000 thủy quân Anh đào ngũ, bỏ trốn lên các tàu buôn của Hoa Kỳ với hi vọng trở thành công dân Mỹ. Nước Anh không công nhận việc Mỹ tiếp nhận những đào binh này. Hải quân Anh đã tổ chức những cuộc lục soát, truy lùng và bắt giữ lại những người này ngay trên các tàu buôn của Mỹ.
Đỉnh điểm là sự kiện Chesapeake, diễn ra vào ngày 22 tháng 6 năm 1807, hải quân Anh đã tấn công tàu chiến lớn Chesapeake của Mỹ để bắt lại 4 thủy thủ đào ngũ trốn trong tàu này. Tàu Chesapeake thất bại và người Mỹ bấy giờ coi đó là nỗi ô nhục.
Lần duy nhất thủ đô và Nhà Trắng của Mỹ bị đốt phá tơi bời, Tổng thống phải tháo chạy - 2
Nhà Trắng đã bị đốt cháy trong sự kiện chiến tranh Mỹ - Anh (ảnh minh họa)
Anh sau đó thậm chí còn đưa ra yêu sách cưỡng bức những người Mỹ da trắng gốc Anh, dù đang là công dân Mỹ, phải lên đường nhập ngũ vào hải quân Anh để chiến đấu với Pháp.
Mỹ đã vô cùng tức tối khi việc cưỡng bức nhập ngũ ngày càng mở rộng. Các tàu quân sự của Anh neo ngay ngoài cảng của Hoa Kỳ, trên lãnh hải Hoa Kỳ và ngang nhiên khám xét tàu thuyền để tìm đào binh, hàng lậu và bắt lính.
Chưa dừng lại ở đó, Anh còn hỗ trợ tiền bạc và vũ khí cho những bộ tộc người Da Đỏ nổi dậy quấy phá, cướp bóc dân Mỹ tại những vùng canh tác trù phú.
“Con giun xéo lắm cũng quằn”, ngày 18 tháng 6 năm 1812, Mỹ chính thức tuyên chiến với Anh, đây cũng là lần đầu tiên mà Mỹ tuyên chiến với một cuộc gia khác. Cuộc chiến diễn ra giữa một bên là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và một bên là Liên quân Anh, thuộc địa Canada và bộ lạc da đỏ Tecumseh.
Dù là bên tuyên chiến nhưng Mỹ đã không làm tốt công tác chuẩn bị. Vào năm 1812, lục quân chính quy Mỹ khi đó chỉ có không đến 12.000 người. Quốc hội Mỹ đã phải thông qua đạo luật cho phép mở rộng lục quân thường trực lên 35.000 người.
Tuy nhiên, do sử dụng biện pháp kêu gọi tự nguyện nhập ngũ nên quân số của Mỹ tăng lên không đáng kể. Chính quyền đã trả quá ít tiền cho binh lính, cùng với đó, có rất ít các sĩ quan được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm.
Tổng Thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ - ông Madison, trước hết cho mở cuộc tấn công vào Canada (thuộc địa lúc bấy giờ của Anh) và cho rằng lực lượng của mình sẽ dễ dàng chiếm lấy Canada. Từ đó, chiến thắng này sẽ trở thành bàn đạp, để Mỹ tiến hành đám phán với Anh, trên vị thế của kẻ chiến thắng.
Nào ngờ, nước Mỹ đã sai, người Canada thà trung thành với hoàng gia Anh còn hơn là muốn độc lập rồi phụ thuộc và Mỹ. Quân đồn trú Anh ở Canada cùng với người bản địa đã đẩy lui quân Mỹ.
Lần duy nhất thủ đô và Nhà Trắng của Mỹ bị đốt phá tơi bời, Tổng thống phải tháo chạy - 3
Trận Bladensburg, quân Mỹ đại bại (ảnh minh họa)
Sau đó không lâu, viện binh từ Anh cũng kéo tới, đổ bộ vào tiểu bang Virginia (Mỹ), quân Mỹ lập tức rơi vào thế gọng kìm của Anh. Đầu năm 1814, quân Pháp do hoàng đế Napoleon lãnh đạo bị đánh bại và Anh lập lức dồn toàn bộ lực lượng để áp đảo Hoa Kỳ.
Trải qua nhiều trận chiến lớn nhỏ, quân Anh lần lượt đẩy lui quân Mỹ và tiến tới áp sát, đe dọa thủ đô Washington. Ngày 24 tháng 08 năm 1814, trận Bladensburg tại bang Mary Land (Mỹ) diễn ra.
Lực lượng Anh với hơn 4.000 thủy quân lục chiến, 60 khẩu pháo, đã đánh bại 7.000 quân Mỹ (phần lớn là dân binh) với 18 khẩu đại bác. Tổng thống Hoa Kỳ Madison cùng toàn bộ nội các phải bỏ chạy khỏi thủ đô Washington.
Từ Bladensburg, Maryland, quân Anh tiến thẳng vào Washington. Lấy cớ trả đũa cho vụ người Mỹ thiêu hủy và cướp phá thành phố York (ngày nay là thành phố Toronto - Canada) trong trận York vào năm 1813, và vụ đốt rụi những tòa nhà nghị viện lập pháp ở đó. Người Anh đã đốt cháy Nhà Trắng, đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử thủ đô của Hoa Kỳ bị tàn phá như vậy.
Tuy nhiên, vào thời đó, người ta cho rằng việc đốt phá nhà cửa của người dân là hành động vi phạm nguyên tắc chiến tranh, vì vậy chỉ có những công trình thuộc về chính phủ Mỹ trong thành phố bị thiêu rụi.
Mặt khác, nhiều cơ sở quân sự, các khu kho bãi, nhà xưởng cũng bị người Mỹ phá hủy để tránh việc chúng rơi vào tay quân Anh. Sự kiện này còn được lịch sử gọi là “Đại Hỏa hoạn Washington”.
Lần duy nhất thủ đô và Nhà Trắng của Mỹ bị đốt phá tơi bời, Tổng thống phải tháo chạy - 4
Quân Anh đã phải rút chạy khỏi Washington vì cơn giông lốc bất thường, Nhà Trắng vì vậy được cứu thoát (ảnh minh họa)
Tuy vậy, người Anh cũng chỉ chiếm giữ được Washington trong vòng 26 tiếng đồng hồ. Một trận cuồng phong lớn, kèm theo mưa giông đã khiến cho quân Anh đóng tại Washington gặp nhiều khó khăn.
Cơn lốc thậm chí còn cuốn bay cả đại bác, làm nổ tung các thùng thuốc súng làm một số quân Anh thiệt mạng và bị thương. Cơn giông lốc kèm mưa cũng đã dập tắt hết các đám cháy.
Đại tá Robert Ross – chỉ huy lực lượng Anh tại Washington, đã phải ra lệnh rút quân. Sự kiện này được gọi là “Cơn bão cứu tinh của Washington”. Sau đó, người Anh không thể quay lại chiếm đóng thành phố này thêm một lần nào nữa.
Cuộc chiến tranh giữa Mỹ với Anh kéo dài tới năm 1815, khiến cho cả hai đều mệt mỏi. Sau đó, phía Mỹ hứa sẽ không can thiệp vào Canada, còn phía Anh cũng hứa không cản trở thương mại nữa, chiến tranh chấm dứt.
Cả hai bên kí Hiệp định hòa bình Ghent và cùng nhau rút quân. Cuộc chiến tranh này là lần đầu tiên và duy nhất từ trước tới nay một kẻ thù có thể tấn công và chiếm đóng thủ đô Washington của Hoa Kỳ và thiêu cháy Nhà Trắng – biểu tượng quyền lực của Hoa Kỳ.
Nhà Trắng sau đó được tái xây dựng vào đầu năm 1815 và hoàn thành đúng thời gian cho lễ nhậm chức của Tổng thống James Monroe vào năm 1817.
Lần duy nhất thủ đô và Nhà Trắng của Mỹ bị đốt phá tơi bời, Tổng thống phải tháo chạy - 5
Đại sứ quán Anh từng phải đứng ra xin lỗi người dân Mỹ khi gợi nhắc lại sự kiện đốt Nhà Trắng (ảnh: BBC News)
Sự kiện Nhà Trắng bị đốt luôn khiến người Mỹ khó chịu mỗi khi nhắc lại. Ngày 26/8/2014, Đại sứ quán Anh ở Washington đã phải gửi lời xin lỗi công khai sau khi bị người dùng trên mạng xã hội Twitter chỉ trích vì đăng ảnh chiếc bánh kem được trang trí bằng pháo hoa, kỷ niệm 200 năm Nhà Trắng bị quân đội Anh đốt cháy.
Chuột rơi xuống từ trần Nhà Trắng, trúng đùi phóng viên
Các phóng viên có mặt tại Nhà Trắng hôm 1-10 đã có một phen bất ngờ khi chứng kiến một con chuột rơi từ trần nhà xuống.

Theo Vương Nam (Dân Việt)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét