Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

BỘ MẶT CHIẾN TRANH 62

 
Một Mai Giã Từ Vũ Khí - Duy Khánh

-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng rồi thì nên lấy tang lễ mà xử".
-Giống như bóng tối không thể làm tiêu tan bóng tối, thì hận thù không thể xoa dịu được hận thù, và chiến tranh không thể xóa bỏ được chiến tranh.
-Chỉ có sự thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống, sự thấu hiểu về tính bất hạnh, vô nghĩa tột cùng của cái chết và sự cảm thông, yêu thương sâu sắc đồng loại mới có thể ngăn chặn được chiến tranh!
-Một khi còn tình cảm dân tộc hẹp hòi, lòng tham vị kỷ và cái tâm hận thù của con người, thì vẫn còn chiến tranh. 
 
Vietnam War Footage - Ramblin Gamblin Man
------------------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Đây là những kẻ THỐNG TRỊ TÀN BẠO và ĐỘC ÁC NHẤT LỊCH SỬ nhân loại - Bí Ẩn Lịch Sử Thế Giới

Vì lý do gì mà viên Đại úy được phong vượt cấp lên Thiếu tướng?

Lê Ngọc |

Vì lý do gì mà viên Đại úy được phong vượt cấp lên Thiếu tướng?
Naumov trong một chuyến công tác; Nguồn: zen.yandex.ru

Nhờ các thành tích đặc biệt xuất sắc, Đại úy Naumov được phong vượt cấp lên Thiếu tướng lúc anh mới 35 tuổi đời.

Đại úy Mikhail Naumov đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại tại biên giới phía tây gần thành phố Lviv - nơi anh đang làm nhiệm vụ tại một đơn vị đội bộ đội biên phòng. Trong những trận đánh sau đó, những người lính biên phòng bị bao vây và chia cắt. Không thể thoát khỏi vòng vây, Naumov quyết định ở lại chiến đấu ngay trong lòng địch. Cuối tháng 11/1941, Naumov và một số chiến sĩ còn sống sót mới bắt được liên lạc với du kích vùng Sumy.
Vì lý do gì mà viên Đại úy được phong vượt cấp lên Thiếu tướng? - Ảnh 1.
Du kích hoạt động trong vùng địch hậu tại Ukraine; Nguồn: historygreatrussia.ru
Đầu năm 1942, Naumov được chỉ định làm Tham mưu trưởng lực lượng du kích khu rừng Hinel, kiêm chỉ huy phân đội của mình. Từ tháng 10/1942 đến tháng 1/1943, là Tham mưu trưởng lực lượng du kích tỉnh Sumy và nhờ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, Naumov trở thành Chỉ huy của đơn vị du kích (tương đương cấp sư đoàn), bao gồm bảy phân đội, ở Ukraine. Vì sự quả cảm trong chiến đấu, anh đã được tặng thưởng huy chương "Vì lòng can đảm".
Tháng 2/1943, Numov đã chỉ huy du kích dùng ngựa hành quân và mở một cuộc đột kích vào hậu phương quân Đức. Các du kích quân đã vượt qua hơn 2.379 km (qua 18 con sông lớn) trong 65 ngày từ vùng Kursk đến Belarus. Ở hậu phương Đức, họ đã cho nổ tung các cầu đường sắt có ý nghĩa chiến lược, nhiều kho chứa đạn dược và thực phẩm, phá hủy nhiều cơ sở vật chất của quân phát xít. Trong chiến dịch đột kích này, du kích quân đã đánh 47 trận, tiêu diệt 2.770 quân địch, phá hủy 2 máy bay, 3 xe tăng, 97 xe vận tải, 7 đoàn tàu và 140 toa xe, 4 trung tâm liên lạc, 5 đường cao tốc và 5 cầu đường sắt, 14 km đường dây liên lạc…
Nhờ các thành tích chiến đấu của phong trào du kích, tháng 3/1943, Naumov được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Khi kết quả cuộc đột kích dưới sự chỉ huy của Đại úy Naumov được báo cáo với lãnh tụ Stalin, ông lắc đầu: "Đại úy... Không, không thể như thế - phải là tướng!" Theo lệnh của Stalin, ngày 9/4/1943, Đại úy Naumov được thăng quân hàm Thiếu tướng, lúc anh mới 35 tuổi đời. Naumov trở thành một trong những tướng lĩnh trẻ nhất của Hồng quân Liên Xô, và trường hợp phong tướng vượt cấp cho viên đại úy này là độc nhất vô nhị trong lịch sử quân sự.
Sau khi người chỉ huy trẻ Naumov trở thành một vị tướng, các đơn vị du kích của anh tiếp tục thực hiện các đợt đột kích thứ 2 và thứ 3 đánh vào các căn cứ hậu cần của Đức. Tổng cộng, họ đã vượt qua hơn 10.000km, đã tổ chức trên 300 trận đánh lớn nhỏ. Điều thú vị là ngày 15/9/1943, trong một trận đánh, toàn bộ một đại đội của quân đoàn Armenia thuộc lực lượng bảo vệ Đức Quốc xã với hơn 240 tay súng và vũ khí vũ khí đầy đủ, đã nhập về phe du kích, đưa quân số du kích lên khoảng 2.000 người.
Vì lý do gì mà viên Đại úy được phong vượt cấp lên Thiếu tướng? - Ảnh 2.
Chân dung tướng Mikhail Naumov; Nguồn: wikipedia.org
Naumov tích cực xây dựng lực lượng, thành lập các phân đội du kích mới từ những người hoạt động bí mật và chống phát xít. Vào thời đỉnh cao, quân số du kích lên đến 7.500 người với đầy đủ trang bị.
Bằng các hoạt động quân sự của mình, đội quân du kích Naumov đã gây ra những thiệt hại to lớn về nhân lực và trang thiết bị cho các đơn vị phía sau của Đức quốc xã, làm mất tinh thần chiến đấu của chúng. Họ đã tiêu diệt được 12.000 lính và sỹ quan Đức - gần bằng quân số đầy đủ của một sư đoàn.
Về sau, tướng Naumov được cử tham gia các khóa bổ túc và huấn luyện và ông đã kinh qua nhiều cương vị từ Sư đoàn phó sư đoàn cơ giới cận vệ đến Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, Tư lệnh các lực lượng Nội vụ Ukraine; năm 1960 ông chuyển sang ngạch dự bị. Năm 1974, tướng Mikhail Ivanovich Naumov qua đời ở tuổi 66. Để vinh danh ông, nhiều đường phố, trường học và một chiếc tàu tuần tra của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô đã được đặt tên Mikhail Naumov./.

Vị tướng kì tài giúp Thành Cát Tư Hãn đánh đâu thắng đấy

Thứ Năm, ngày 13/10/2016 00:30 AM (GMT+7)

Ông chỉ huy hơn 20 chiến dịch lớn, kéo quân xâm chiếm 32 quốc gia và giành chiến thắng trong 65 trận chiến quan trọng, chinh phục nhiều lãnh thổ hơn bất kì vị tướng nào trên thế giới.

Vị tướng kì tài giúp Thành Cát Tư Hãn đánh đâu thắng đấy - 1
Tốc Bất Đài - vị tướng huyền thoại dưới thời Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng quân sự và tầm nhìn lỗi lạc. Đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lập nên được xem là quốc gia có diện tích liền mạch và lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn.
Tốc Bất Đài là một tướng tài thuộc tộc người Ô Lương Hải và là cánh tay phải đắc lực của Thành Cát Tư Hãn trong việc xây dựng và mở rộng đế chế Mông Cổ. Ông chỉ huy hơn 20 chiến dịch lớn, kéo quân xâm lược 32 quốc gia và giành chiến thắng trong 65 trận chiến quan trọng. Tốc Bất Đài là người chinh phục nhiều vùng lãnh thổ hơn bất kì vị tướng nào trong lịch sử thế giới.
Tốc Bất Đài giành chiến thắng bởi chiến lược phức hợp, sáng tạo và khả năng điều binh, khiển tướng tài tình dù các đơn vị có thể cách xa nhau hàng trăm kilomet. Ông là người đã lên kế hoạch và tấn công đạo quân của Hungary và Ba Lan chỉ trong 4 ngày dù cách xa đối phương 500km.
Các sử gia cho rằng Tốc Bất Đài sinh ra vào năm 1175 ở phía tây sông Onon, giờ đây thuộc địa phận Mông Cổ. Ông là người thuộc bộ tộc Ô Lương Hải. Gia đình của Tốc Bất Đài có quan hệ gần gũi với Thiết Mộc Chân (sau này là Thành Cát Tư Hãn) trong nhiều đời.
Dù không có mối quan hệ họ hàng nhưng Tốc Bất Đài là minh chứng cho thấy đế chế Mông Cổ được xây dựng theo chế độ tuyển lựa người tài.  Lúc ra đời, Tốc Bất Đài chỉ là một thường dân và là con trai của thợ rèn Cốt Đãi Ngột Lang. Năm lên 14 tuổi, Tốc Bất Đài rời bỏ bộ tộc của mình và gia nhập quân của Thiết Mộc Chân theo bước chân anh trai mình. Tốc Bất Đài leo lên từng vị trí trong quân đội Mông Cổ bằng tài năng lỗi lạc dù không hề có quan hệ máu mủ ruột rà với Thành Cát Tư Hãn.
Vị tướng kì tài giúp Thành Cát Tư Hãn đánh đâu thắng đấy - 2
Tích trữ lương thảo và chú trọng đội ngũ hậu cần là một ưu điểm hàng đầu của Tốc Bất Đài trước những trận chiến dai dẳng.
Trong vòng 10 năm, Tốc Bất Đài trở thành một trong “tứ dũng” được Thành Cát Tư Hãn hết sức tin dùng, gồm Bác Nhĩ Truật, Giả Lặc Miệt, Mộc Hoa Lê và Tốc Bất Đài. Trong cuốn “Lịch sử đế chế Mông Cổ” có nhắc tới Tốc Bất Đài trong vai trò cánh tay phải của Thành Cát Tư Hãn: “Họ là tứ dũng của Thiết Mộc Chân. Trán họ bằng đồng thau, móng vuốt như những chiếc kéo, lưỡi họ như chiếc dùi, đầu cứng hơn sắt. Trong ngày chinh phạt, họ uống máu kẻ thù. Nhìn xem, khi họ được thả ra, miệng họ đầy nước dãi của sự hân hoan. Tứ dũng đó là Bác Nhĩ Truật, Giả Lặc Miệt , Mộc Hoa Lê và Tốc Bất Đài”.
Tốc Bất Đài cùng với Thành Cát Tư Hãn đã nhận ra tầm quan trọng của chiến lược vây hãm trong thế trận chiến tranh với kẻ thù. Thậm chí trong trong những lần giao chiến trên đồng bằng, ông cũng sử dụng kế sách này.
Tốc Bất Đài được biết tới là người rất giỏi thu phục tù binh và tận dụng những tài năng riêng biệt của họ, đặc biệt là những kĩ sư, nhà quân sự lành nghề. Tốc Bất Đài rất tài năng trong việc thu thập thông tin tình báo và lên kế hoạch chi tiết trước khi xung trận.
Chẳng hạn trong cuộc chiến với quân Hungary, Tốc Bất Đài cho quân do thám kĩ càng trước một năm. Ông tự thiết kế chiến sách phù hợp với từng đối tượng tấn công và điều chỉnh tùy tình hình thực địa và thời tiết.
Tốc Bất Đài ưu tiên sử dụng kị binh nhẹ, biến quân sĩ thành những tốp nhỏ có khả năng phục kích, “luồn sâu đánh hiểm” và tiêu diệt tàn quân kẻ địch cho tới khi chúng không còn sức kháng cự. Tốc Bất Đài vẫn duy trì kỉ luật quân đội bằng các bài tập khắc nghiệt và đảm bảo quân sĩ hành quân dài ngày mà không biết mệt mỏi. Tốc Bất Đài thường tấn công những địa điểm yếu nhất của kẻ thù trước khi tung đòn quyết định.
Chiến dịch đầu tiên
Vị tướng kì tài giúp Thành Cát Tư Hãn đánh đâu thắng đấy - 3
Trận chiến đầu tiên tiêu diệt đế chế Khwarism (Ảnh minh họa).
Trận đánh đầu tiên của Tốc Bất Đài là săn lùng người Merkit ở hạ lưu sông Orkhon, Mông Cổ ngày nay. Tốc Bất Đài đã đánh bại họ tại sông Chuy năm 1216 và tiếp tục xâm lược vùng lãnh thổ Wild Kipchak (phía tây Thổ Nhĩ Kỳ). Ngay sau đó, Quốc vương Mohammad II của vương quốc Khwarizm (Iran ngày nay) tấn công Tốc Bất Đài nhưng bị phản đòn và quân thua tan tác.
Thành Cát Tư Hãn dẫn quân Mông Cổ về phía tây năm 1219 để xâm lược đế quốc Khwarism khi nước này giết hại sứ giả quân Mông Cổ. Tốc Bất Đài là tướng chỉ huy trận đánh quan trọng trên. Với hơn 10 vạn quân tinh nhuệ, quân Mông Cổ vẫn còn quá ít ỏi so với lực lượng của đế quốc Khwarism. Tuy nhiên, cách thức hành quân thần tốc và các kế sách khôn khéo, quân Mông Cổ đã tiêu diệt Khwarism sau vài trận chiến khốc liệt.
Quốc vương Mohammad II định chạy trốn tới vùng trung tâm Ba Tư nhưng bị Tốc Bất Đài cùng tướng Triết Biệt truy sát với 2 vạn quân. Mohammad lẩn trốn thành công nhưng bị ốm và chết ở một làng ven biển Casipan năm 1221.
Mùa đông năm đó, Tốc Bất Đài đóng quân ở vùng Azerbaijan. Tại đây, ông nghĩ ra ý tưởng bao vây biển Caspian để bọc hậu, tấn công tộc người Wild Kipchak và Cuman (tộc người Thổ du mục sống ở miền tây). Cũng như những kịch bản quen thuộc, Tốc Bất Đài chinh phạt hoàn toàn khu vực tây Thổ Nhĩ Kỳ và hợp quân với Thành Cát Tư Hãn để trở về nước.
Đánh Tây Hạ và Kim
Tốc Bất Đài đóng vai trò quan trọng trong trận chiến tấn công Tây Hạ năm 1226. Liền đó năm 1227, ông định thôn tính nhà Kim dọc sông Vị. Chiến dịch này bị tạm hoãn một thời gian vì Thành Cát Tư Hãn đột ngột qua đời ở vùng núi Trung Quốc ở tuổi 66. Con trai Thành Cát Tư Hãn là Oa Khoát Đài nối ngôi cha.
Từ năm 1230 đến 1232, quân Mông Cổ tấn công hai lần hòng tiêu diệt nhà Kim nhưng bất thành. Quân sĩ nhà Kim đông hơn và địa hình phức tạp khiến Tốc Bất Đài không thể đạt được tham vọng của mình. Phải tới năm 1234, khi Tốc Bất Đài liên thủ với nhà Tống thì nhà Kim mới bị tiêu diệt.
Tấn công Trung và Đông Âu
Vị tướng kì tài giúp Thành Cát Tư Hãn đánh đâu thắng đấy - 4
Trận chiến Mohi và Lenigca là hai chiến thắng điển hình của kị binh Mông Cổ trước các chiến binh châu Âu.
Cuộc tấn công cuối cùng vào châu Âu là do Tốc Bất Đài lên kế hoạch và thực hiện. Sau khi tiêu diệt nhiều vương quốc ở liên bang Nga, Tốc Bất Đài cử do thám tới Ba Lan, Hungary, Áo nhằm chuẩn bị tấn công trung tâm châu Âu.
Sau khi có được bức tranh tổng thể của châu Âu nhờ lực lượng do thám gửi về, Tốc Bất Đài chuẩn bị kế hoạch tấn công dưới sự chỉ huy của Bạt Đô và hai hoàng tử khác. Dù Bạt Đô là thống lĩnh quân đội nhưng người chỉ huy thực tế là Tốc Bất Đài. Ông có mặt ở hai chiến dịch miền nam và miền bắc ở đại công quốc Kiev Rus (Đông Âu ngày nay).
Tốc Bất Đài cũng đích thân chỉ huy trận đánh vào vương quốc Hungary.  Khi lực lượng quân Hợp Đan (con trai thứ hai của Oa Khoát Đài) chiến thắng trong trận Legnica (tiêu diệt quân liên quân châu Âu) và quân Quý Do (con trai cả của Oa Khoát Đài) chiến thắng ở vùng Transylvania (Romania ngày nay), việc duy nhất của Tốc Bất Đài là đợi họ có mặt ở đồng bằng Hungary.
Khi biết quân Hungary tới giao chiến, Tốc Bất Đài ngay lập tức điều quân rút lui khỏi sông Sajo, nhử khiến quân địch đuổi theo. Đây là kế sách cổ xưa của đế quốc Mông Cổ và kẻ địch đã bị sập bẫy. Lúc này, quân Mông Cổ đã phục kích sẵn trong rừng và chờ đợi quân Hungary phơi mình trên đồng bằng Mohi rộng lớn.
Vị tướng kì tài giúp Thành Cát Tư Hãn đánh đâu thắng đấy - 5
Quân Mông Cổ truy sát tàn quân (Ảnh minh họa).
Một ngày sau trận thắng Legnica, Tốc Bất Đài tấn công trận chiến Mohi lịch sử ngày 10.4.1241. Một đơn vị quân Mông Cổ bí mật vượt sông và tấn công vào sườn nam khu lều trại của lính Hungary. Đội hình chính vượt sông Sajo bằng cầu nhưng bị quân Hungary chống trả dữ dội. Tốc Bất Đài đã sử dụng máy bắn đá để dẹp đường cho kị binh và bộ binh tấn công.
Dàn cung thủ Hungary gây ra tổn thất ít nhiều cho quân Mông Cổ. Tốc Bất Đài khi đó không muốn đối mặt với lực lượng cung thủ Hungary thiện chiến trang bị cả dao, kiếm và đội hình tốt nên chọn cách tách lực lượng cung thủ này ra.
Quân Mông Cổ khi tấn công vờ rút lui, để lộ khoảng trống đội hình. Quân Hungary hăm hở lao vào khiến cung thủ không được che chắn và mất kỉ luật vốn có. Theo đúng tính toán của Tốc Bất Đài, quân Hungary rơi vào một vùng đầm lầy ngập nước khiến ngựa không thể di chuyển. Cung thủ Mông Cổ lúc này chỉ việc bắn hạ bất kì mục tiêu nào theo sở thích. Sử liệu cho thấy xác quân Hungary lấp đầy đường sau 2 ngày giao tranh. Toàn bộ 4 vạn binh sĩ, giám mục và tổng giám mục ở Sajo của quân đội Hungary đều chịu chung số phận bi thảm. Quân Mông Cổ chỉ thiệt hại chưa đầy 1.000 người.
Những năm cuối đời
Vị tướng kì tài giúp Thành Cát Tư Hãn đánh đâu thắng đấy - 6
Trước khi kết thúc binh nghiệp, Tốc Bất Đài diệt nốt nhà Tống, rộng đường cho việc thành lập nhà Nguyên ở Trung Quốc.
Cuối năm 1241, Tốc Bất Đài đề xuất kế hoạch tấn công đế chế La Mã. Tuy nhiên, cái chết đột ngột của Oa Khoát Đài khiến kế hoạch xâm lăng này bị hoãn vô thời hạn. Hoàng đế mới của đế chế Mông Cổ mời Tốc Bất Đài ở tuổi 70 chỉ huy chiến dịch chống quân Tống năm 1246-47. Đây là chiến dịch cuối cùng của quân Mông Cổ trước khi thống nhất toàn cõi Trung Quốc và lập nên triều nhà Nguyên.
Sau khi diệt Tống, Tốc Bất Đài trở về quê nhà vào năm 1248  và sống phần đời còn lại bên dòng sông Tuul (gần thủ đô Ulanbator ngày nay). Ông qua đời năm 72 tuổi.
____________
Trận chiến Dã Hồ Lĩnh chỉ là một trận chiến nhỏ trong hàng ngàn trận chiến của Thành Cát Tư Hãn, nhưng đây là bước đệm quan trọng để ông chinh phạt và làm chủ hoàn toàn Trung Quốc rộng lớn. Đáng lưu ý, trận chiến chỉ diễn ra trong vòng 8 tháng và quân Mông Cổ được nghỉ ngơi hẳn một tháng giữa hai lần xung trận. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 14.10 để hiểu thêm về chiến thắng lẫy lừng nhất của Thành Cát Tư Hãn.

Theo Quang Minh – Tổng hợp (Dân Việt)

Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn

Thứ Sáu, ngày 14/10/2016 00:30 AM (GMT+7)

Trận Dã Hổ Lĩnh mở rộng cửa cho Thành Cát Tư Hãn kéo quân chinh phạt hoàn toàn Trung Quốc, chiếm cứ một vùng lãnh thổ rộng lớn và nhiều tài nguyên.

Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 1
Thành Cát Tư Hãn là chỉ huy trận đánh Dã Hồ Lĩnh lịch sử tiêu diệt hơn 500.000 quân nhà Kim.
Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng quân sự và tầm nhìn lỗi lạc. Đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lập nên được xem là quốc gia có diện tích liền mạch và lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn.
Trận chiến Dã Hồ Lĩnh là một trận đấu then chốt giữa quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn cầm quân và tộc người Nữ Chân của triều đại nhà Kim. Trận Dã Hồ Lĩnh diễn ra trong bối cảnh Thành Cát Tư Hãn củng cố xong lực lượng trên toàn cõi Mông Cổ và bắt đầu đưa quân chinh phạt Trung Quốc, bắt đầu bằng cuộc chiến với nhà Kim.
Thời điểm diễn ra trận chiến lịch sử này là từ tháng 3 đến tháng 10.1211 tại Dã Hồ Lĩnh, gần phía tây bắc huyện Vạn Toàn, Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc ngày nay. Sau trận Dã Hồ Lĩnh, quân nhà Kim nhanh chóng suy yếu và tàn lụi.
Bối cảnh lịch sử
Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 2
Quân Mông Cổ công thành trước nhà Kim (Ảnh minh họa).
Năm 1206, Thiết Mộc Chân thống nhất tất cả các bộ lạc ở Mông Cổ dưới trướng của mình và được phong danh hiệu Thành Cát Tư Hãn (Bá chủ vũ trụ). Triều đình nhà Kim do tộc người Nữ Chân kiểm soát ở phía bắc Trung Quốc là “cái gai” trong mắt Thành Cát Tư Hãn nếu ông muốn chinh phạt thế giới. Chưa kể trong quá khứ, nhà Kim thường xuyên quấy phá và bắt Mông Cổ phải cống nộp lễ vật.
Trước đây, nhà Kim đã phát triển chính sách “chia để trị” rất hiệu quả khiến quân Mông Cổ luôn chịu sự cai quản, áp bức. Khi nhận ra kế sách này không còn phù hợp, nhà Kim bắt đầu lên kế hoạch tấn công đế chế Mông Cổ để diệt trừ hậu họa. Bắt đầu từ thời hoàng đế Chương Tông, nhà Kim đã xây dựng một tuyến phòng ngự kiên cố dài 300km dọc đường biên giới phía bắc. Nhiều học giả gọi đây là “Vạn Lý Trường Thành của nhà Kim”.
Đầu năm 1204, Thành Cát Tư Hãn chinh phạt tộc người Ongud ở biên giới phía bắc nhà Kim. Bộ tộc này có nhiệm vụ giúp nhà Kim cai quản biên giới trong một thời gian dài. Sau chiến thắng, Thành Cát Tư Hãn cũng liên minh với nhà Ongud bằng cách gả con gái của ông cho con trai của tộc trưởng.
Quân Mông Cổ kiểm soát vùng phía bắc núi Âm và bắt đầu tích trữ lương thảo, chuẩn bị vũ khí tấn công nhà Kim trong tương lai gần. Không những vậy, quân của Thành Cát Tư Hãn còn mua chuộc người Nữ Chân đầu hàng hoặc bỏ trốn sang Mông Cổ. Hoàng đế triều Kim là Hoàn Nhan Vĩnh Tề đánh giá thấp sức mạnh của quân Mông Cổ nên bỏ qua phần cảnh giới và tự vệ ở biên giới. Ông luôn lầm tưởng rằng quân nhà Kim mạnh gấp bội so với quân Mông Cổ.
Năm 1210, Thành Cát Tư Hãn sỉ nhục Hoàn Nhan Vĩnh Tề bằng cách công khai nói rằng hoàng đế triều Kim hèn nhát và không đủ tư cách thiên tử. Thành Cát Tư Hãn còn nói: “Hoàng đế phải là người nhà trời như ta mới phải”.
Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 3
Đạo quân Mông Cổ thiện chiến đã sớm thể hiện năng lực của mình trước nhà Kim không có đội hình và ý chí chiến đấu kém (ảnh minh họa)
Khi Hoàn Nhan Vĩnh Tề biết tin, ông vô cùng giận dữ và ra lệnh xử tử sứ giả người Mông Cổ. Căng thẳng giữa hai bên bắt đầu leo thang chóng mặt. Sau đó một năm, quân Mông Cổ tấn công nhà Kim với quân số lên tới 90.000 người và chỉ để lại 2.000 người canh phòng ở căn cứ. Điều này đồng nghĩa 97% quân Mông Cổ được huy động cho trận chiến.
Trước khi tham chiến, Thành Cát Tư Hãn cầu nguyện với thần bầu trời Tengri trên sông Kherlen với hy vọng quân Mông Cổ sẽ giành chiến thắng. Thành Cát Tư Hãn cũng thề sẽ rửa hận cho tổ tiên là Yêm Ba Hài bị xử tử năm 1146 dưới lệnh của hoàng đế nhà Kim là Hy Tông.
Trong 8 tháng giao tranh dữ dội, trận Dã Hồ Lĩnh có ba mốc lịch sử quan trọng
Trận chiến Ô Sa Bảo
Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 4
Phim tư liệu về Thành Cát Tư Hãn.
Quân sư của nhà Kim là Độc Cát Tư Trung dẫn một lượng lớn 750.000 quân nhà Kim tới vùng biên giới phía tây bắc. Mục tiêu của Độc Cát Tư Trung là củng cố “Vạn Lý Trường Thành của nhà Kim” và ngăn quân Mông Cổ tiến sâu hơn về phía Nam.
Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho con trai thứ ba là Oa Khoát Đài chỉ huy một lực lượng đơn lẻ tấn công vào kinh thành Tây Kinh (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc ngày nay) và ngăn chặn kẻ địch “đổ bê tông”. Thành Cát Tư Hãn đích thân dẫn một đạo quân khác tấn công Ô Sa Bảo và chiếm được Ô Nguyệt Doanh. Phòng tuyến quan trọng của nhà Kim bước đầu bị phá hủy. Độc Cát Tư Trung cũng bị giết trong trận chiến này và quân nhà Kim nhanh chóng rơi vào cảnh tan tác.
Trận chiến Ô Sa Bảo diễn ra trong ba tháng và kết thúc vào tháng 6.1211. Quân Mông Cổ nghỉ ngơi một tháng trước khi tiến vào Dã Hồ Lĩnh và gửi một sứ giả gặp triều đình nhà Kim.
Trận Dã Hồ Lĩnh và Hoan Nhi Chủy
Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 5
Thành Cát Tư Hãn đã khiến lịch sử Trung Quốc thay đổi sau khi diệt xong nhà Kim.
Hoàn Nhan Thừa Dụ là người kế nhiệm Độc Cát Tư Trung trong vai trò quân sư đã ra lệnh cho dân ở 3 thành phố là Hằng Châu, Xương Châu, Phủ Châu di chuyển về Dã Hồ Lĩnh. Mục tiêu của ông là tận dụng địa hình núi non của Dã Hồ Lĩnh để ngăn bước kị binh Mông Cổ.
Triều đình nhà Kim cử Thạch Mạt Minh An, một người gốc du mục Mông Cổ thuộc bộ lạc Khitan ra điều đình với Thành Cát Tư Hãn. Dù vậy, chủ soái của quân Mông Cổ đã thuyết phục và chiêu hàng thành công Thạch Mạt Minh An. Thậm chí người này còn cung cấp những thông tin tình báo quân sự quan trọng về quân nhà Kim cho Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn sai tướng tài là Mộc Hoa Lê chỉ huy lực lượng Bát Lỗ Doanh tấn công chớp nhoáng vào quân nhà Kim qua lối Hoan Nhi Chủy (tỉnh Hà Bắc ngày nay). Trước trận chiến, Mộc Hoa Lê hứa với Thành Cát Tư Hãn: “Thần nguyện chết nếu không tiêu diệt được quân nhà Kim”. Lời tuyên bố này của tướng Mộc Hoa Lê khiến tinh thần quân sĩ lên rất cao.
Do địa hình ở Dã Hồ Lĩnh núi non hiểm trở, quân Mông Cổ không thể sử dụng chiến thuật kị binh nên phải dắt bộ ngựa. Dù vậy với tinh thần phấn chấn, quân Mông Cổ dễ dàng tiêu diệt khu trại chính của Hoàn Nhan Thừa Dụ bằng chiến thuật du kích rồi mới đánh lớn.
Quân Kim mất tổng cộng 300.000 lính trong trận chiến tháng 8.2011 này. Tướng của nhà Kim là Hoàn Nhan Cửu Cân cũng bị chém chết. Một trận chiến Dã Hồ Lĩnh đã đủ khiến binh lực hơn chục năm tích lũy của nhà Kim bị hủy diệt hoàn toàn.
Trận Quái Hà Bảo
Trận chiến kinh điển nhất sự nghiệp Thành Cát Tư Hãn - 6
Vó ngựa Mông Cổ khiến nhà Kim lụn bại trong vòng chưa đây 8 tháng.
Hoàn Nhan Thừa Dụ sau khi thua trận kéo tàn quân còn lại về tập hợp ở Quái Hà Bảo. Dù vậy, lực lượng này cũng sớm bị quân Mông Cổ phát hiện và tiêu diệt trong tháng 10.1211. Sau ba ngày bao vây và giao tranh, quân Mông Cổ đã tiêu diệt hoàn toàn tàn quân sót lại. Chỉ mỗi Hoàn Nhan Thừa Dụ là thoát hiểm một cách bí ẩn và được thay thế bởi Đồ Đan Dật.
Sau ba trận chiến lớn, hoàng đế nhà Kim là Hoàn Nhan Vĩnh Tề bị tướng của mình là Hồ Sa Hổ giết hại ở Trung Đô (Bắc Kinh ngày nay). Hồ Sa Hổ sau đó chiếm quyền kiểm soát đất nước.
Quân Thành Cát Tư Hãn tiếp tục tấn công và bao vây Trung Đô trong suốt 4 năm. Trong thời gian này, cư dân Trung Đô sống rất khổ sở vì đói ăn và thiếu thốn nên sau đó phải xin hàng.
Thành Cát Tư Hãn cho phép quân Kim được kiểm soát Trung Đô nhưng phải nộp chiến phí gồm 500 nam, 500 nữ, 3.000 ngựa. Mùa hè năm 1212, hoàng đế Tuyên Tông từ bỏ Trung Đô và rời tới tỉnh Hà Nam ngày nay.
Trận Dã Hồ Lĩnh khiến quân nhà Kim thiệt hại hơn 500.000 người. 10 thành phố lớn của triều nhà Kim bị quân Mông Cổ tiêu diệt hoàn toàn. Dù nhà Kim vẫn tồn tại sau đó 20 năm nhưng thực lực hầu như đã tắt. Con đường chinh phục hoàn toàn Trung Quốc của Thành Cát Tư Hãn cũng rộng mở hơn sau khi chinh phạt nhà Kim.
___________
Trung Quốc là vùng đất màu mỡ, rộng lớn mà Thành Cát Tư Hãn luôn muốn chinh phục để trở thành bá chủ thiên hạ. Phải mất tới 60 năm liên tục chinh chiến và 50 năm kể từ ngày Thành Cát Tư Hãn qua đời, Trung Quốc mới bị thần phục hoàn toàn. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 15.10 để hiểu thêm về quá trình chinh phục Trung Quốc đầy huy hoàng của Thành Cát Tư Hãn.
Theo Quang Minh - Tổng hợp (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét