Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

KÝ ỨC CHÓI LỌI 131

 
                                                    TIẾN BƯỚC DƯỚI LÁ QUÂN KỲ
-Không Cộng sản mà hơn người Cộng sản 
Thắng giặc lẫy lừng, chẳng bợn công danh!
Ôi, cuộc đời trái ngang, sầu thảm
Vẫn lạc quan, kiên định bước quân hành!?

Đâu phải dễ tình yêu Tổ Quốc
Trong vũng lầy dâu bể, đua ganh!
-----------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Góc Khuất Cuộc Đời ĐẶNG VĂN VIỆT - Hùm Xám Đường Số 4 | Thắng Trận Như Chẻ Tre Khiến Địch Kiêng Nể

Người anh hùng chưa được vinh danh

Bác Đặng Văn Việt đi xe máy đến nhà tôi để tặng cuốn sách “Hùm xám đường số 4” do NXB Văn học phối hợp với Sputnik xuất bản. Tôi ngạc nhiên khi thấy vị cựu chiến binh 97 tuổi tay chống gậy mà đi xe máy như thanh niên.

Bác bảo tôi: “Tôi đến tìm anh để tặng sách vì nhớ đến Thày Lân”. Hoá ra đây là chàng trai xứ Nghệ là học trò của bố tôi tại trường Khải Định, cùng thời với các bác mà tôi từng quen biết như Lê Văn Giạng, Ngô Điền, Hoàng Đình Phu… Các bác này nay đã là người thiên cổ ít ai có được tuổi 97 như bác Việt hôm nay.
Tuy nghe danh Anh hùm xám đường số 4 từ khi còn là học sinh trung học nhưng hôm nay tôi mới được đọc câu chuyện sinh động của vị lão thành cách mạng này. Cụ tham gia cách mạng từ năm 1943, khi tôi mới 5 tuổi. Năm 1945 cụ đã là Giám đốc Trường quân chính Trung bộ. Về giai đoạn này cụ kể để tác giả Nguyễn Thế Nghiệp ghi lại như sau: “Sau khi đỗ Tú tài Việt ra Hà Nội học Đại học Y khoa và tham gia Tổng hội Sinh viên cứu quốc rồi trở thành thành viên bí mật của Việt Minh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Việt tham gia tổ Hướng đạo đi thu gom xác người chết đói để đưa đi chôn, mỗi hố cả trăm xác người. Rời Hà Nội, Việt trở về Huế tham gia trường Thanh niên tiền tuyến của luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu.
Việt bắt đầu hoạt động trong tổ Việt Minh dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Anh. Sáng ngày 20/8/1945, Việt  trực tiếp đảm nhiệm việc cắm lá cờ đỏ sao vàng rộng 100 m2 trên cột cờ Huế trước sự hân hoan của đông đảo nhân dân kinh đô Huế. Hai hôm sau, ngày 23/8/1945, hàng chục vạn người ủng hộ Việt Minh đã nổi dậy giành chính quyền tại Huế. Việt cùng 42 Thanh niên tiền tuyến khác trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của Cách mạng tháng Tám tại Huế. 
Sau chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947, ở tuổi 27 Việt được điều từ trường Võ bị Trần Quốc Tuấn về làm Trưởng phòng Tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu. Ít lâu sau trực tiếp tham gia chiến đấu và trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 đến năm 1949 và tiếp theo là  Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 đến tậ n năm 1953. Ít ai nhớ rằng Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 (Trung đoàn trưởng là Lê Trọng Tấn) là hai Trung đoàn chủ lực đầu tiên của nước ta (!). Chiến công lừng lẫy của Đặng Văn Việt là giai đoạn là Chỉ huy Mặt trận đường số 4 (1947-1950). Trung đoàn 174 do anh chỉ huy đã hai lần được tuyên dương Anh hùng, 2 tiểu đoàn cũng được tuyên dương Anh hùng, 10 cán bộ, chiến sĩ được phong Anh hùng,  nhiều cán bộ được phong quân hàm cấp Tướng (1 Thượng tướng, 6 Trung tướng, 12 Thiếu tướng, 100 Đại tá. Vậy mà người Trung đoàn trưởng đầu tiên Đặng Văn Việt chỉ được giữ mãi đến cuối đời quân hàm Trung tá (!). Ông không hề nản lòng và tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ mới không kém phần khó khăn như Chủ nhiệm huấn luyện ở Trường sĩ quan lục quân Việt Nam (1954-1960) rồi được chuyển ngành làm Cục phó, rồi Cục trưởng Cục xây dựng tại Bộ Xây dựng và Bộ Thuỷ sản (1960-1980)
Người được mệnh danh là Hùm xám đường số 4 đến hôm nay chỉ có quân hàm cao nhất là Trung tá và chưa một lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang. 
Đánh giá về ông, anh hùng La Văn Cầu đã phải thốt lên: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ Thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá: “ Ở Việt, về tài và đức là điều không cần bàn đến: Sáng tạo về quân sự , vững vàng về chính trị, khả năng thể hiện trong văn học thật dồi dào”. Đại tướng Chu Huy Mân đánh giá: “Tôi kính trọng và hiểu Đặng Văn Việt. Đây là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, trong quan hệ với đồng đội. Tôi xác nhận điều này, vì khi Việt giữ chức Trung đoàn trưởng tôi là Chính trị viên Trung đoàn 174”. Đại tướng Lê Trọng Tấn nhận xét: “Anh Đặng Văn Việt luôn nhanh chóng tìm ra những cách đánh sáng tạo, thích hợp với thực tiễn chiến trường của trận đánh và của chiến dịch. Quyết định đánh Đông Khê trước khi nổ ra Chiến dịch Biên giới là một quyết định đầy trí tuệ và đầy tinh thần trách nhiệm.
Đặng Văn Việt là một quân nhân cách mạng, suốt cuộc đời có quá nhiều bão táp, nhưng lúc nào cũng tươi cười và sáng tạo trong khi còn nhiều thiếu thốn”. Đại tướng Văn Tiến Dũng chia sẻ: “Khi tôi ở Cục Chính trị (hồi đầu thời kỳ chống Pháp) tôi đã được biết tài và đức của anh Việt. Anh Việt nhẫn nại lắm, vững vàng lắm. Anh Việt giỏi lý luận, giỏi chỉ huy. Thật đáng kính”. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo xác nhận: “Đặng Văn Việt là nhà chỉ huy có tầm quốc gia. Mặc dầu anh chỉ là trung tá. Anh có tầm quốc gia bởi vì anh rất giỏi phân tích thực tiễn chiến trường và biết đưa ra những quyết định sáng suốt làm giảm xương máu và giảm sự hy sinh của chiến sĩ. Anh Việt còn là nhà lý luận cừ khôi của Quân đội cách mạng”. Thiếu tướng Cao Pha tâm sự: “Đường số 4 như một tấm Huân chương gắn lên ngực Đặng Văn Việt để xác nhận: Việt đánh giặc giỏi, ít tốn xương máu của chiến sĩ… Tinh thần cao thượng, tấm gương sáng của Việt làm cho tôi và nhiều đồng đội xúc động tận đáy lòng”.
Không chỉ các tướng lĩnh, các bạn chiến đấu của Đặng Văn Việt bày tỏ lòng yêu quý và kính nể Việt, mà ngay những tướng tá Pháp cũng phải khâm phục người Trung tá thâm niên này. Tướng Marcel Bigeard, nguyên Đại tướng, Bộ trưởng quốc phòng Pháp, khi xưa là Trung uý phó chỉ huy phân khu Na Sầm và sau là Thiếu tá, tù binh ta ở Điện Biên Phủ, năm 1998 trở lại thăm nước ta và nhất thiết muốn gặp mặt Đặng Văn Việt.
Trong buổi hội ngộ với người lính già bên kia chiến tuyến Bigeard đã nói: “Chúng tôi là những cựu binh Pháp đã chiến đấu tại đường số 4 hay tại một số mặt trận ở Đông Dương đều xin kính chào Ngài- người chiến thắng tại đường số 4, một người chỉ huy chiến trận không ai chê trách được, người mà chúng tôi phải kính nể.” Trong thư gửi Đặng Văn Việt , đại tá Charles de Pirey viết: “Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra kẻ đối địch nguy hiểm nhất, kẻ đã làm chúng tôi thất điên bát đảo trên Đường số 4 này lại là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi, người chỉ huy các lực lượng vũ trang Việt Minh trên một vùng chiến lược quan trọng. Đó là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn nổi tiếng 174- Trung tá Đặng Văn Việt”.
Người lính già Đặng Văn Việt với các danh hiệu được tôn vinh như Vua đường số 4, Hùm xám đường số 4, Đặng Siêu Việt, Anh hùng trong lòng dân…, người trung đoàn trưởng của hai Trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, người đã tham chiến 120 trận chống giặc ngoại xâm và chiến thắng 116 trận, người có nhiều sáng kiến được đánh giá rất cao để giảm thương vong cho chiến sĩ, người được các tướng lính của ta và của đối phương hết lời ca ngợi… nay đã ở tuổi 97. Cụ hết sức xứng đáng với các huân chương cao quý đã được trao tặng: Huân chương Chiến thắng Hạng Nhất, Huân chương chiến công Hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất, Huân chương Độc lập Hạng Hai…
Tuy nhiên có một điều băn khoăn của tôi cũng như của đông đảo các đồng đội của ông, không sao giải đáp nổi. Đó là vì sao ông suốt đời chỉ mang quân hàm Trung tá và chưa bao giờ được phong danh hiệu Anh hùng quân đội?
Tìm hiểu về ông, tôi được biết bà nội của ông là con gái của cụ Cao Xuân Dục (1842-1923), một vị đại thần có nhiều cống hiến lớn lao trong sự nghiệp văn hoá- giáo dục thời nhà Nguyễn. Ông nội của Đặng Văn Việt là Đặng Văn Thụy , người đỗ Tiến sĩ Đình nguyên Hoàng Giáp (cùng năm thi với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng), người từng làm Tế tửu (Hiệu trưởng) trường Quốc tử giám tại Huế. Thân phụ của Đặng Văn Việt là Đặng Văn Hướng (1987-1954) , ông đỗ Cử nhân năm 18 tuổi, đỗ Phó Bảng năm 32 tuổi, đỗ Thành Chung thời Pháp thuộc và làm Thượng thư Hình bộ thời Vua Bảo Đại và làm Tổng đốc Nghệ An thời Trần Trọng Kim.
Ông từng bí mật ủng hộ phong trào Việt Minh, có quan hệ cộng tác với đồng chí Trần Văn Cung (Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An) và Lê Viết Lượng (sau này là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Trung Bộ). Chính ông đã thay viên Lãnh binh chính quyền thân Nhật, thay những Tri huyện chống Việt Minh. Khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám bùng nổ, chính Tổng đốc Đặng Văn Hướng đã nhanh chóng giao ấn tín, vũ khí, tiền bạc cho chính quyền Cách mạng. Sau đó ông tham gia Việt Minh Liên khu IV , rồi Chính phủ Cụ Hồ đã mời ông giữ chức Bộ trưởng phụ trách các tỉnh Thanh-Nghệ Tĩnh. Năm 1953, Bác Hồ  cử các đồng chí Hoàng Quốc Việt và Trần Công Tường  về làng Nho Lâm mời Đặng Văn Hướng lên Việt Bắc làm việc bên cạnh Chính phủ. Nhưng đau đớn thay các ông này chưa kịp đi thì đầu năm 1954, Đặng Văn Hướng đã bị đấu tố và bị chết trong Cải cách Ruộng đất (!). 
Còn thân mẫu của Đặng Văn Việt là ai? Đó là bà Hoàng Thị Hiến, con gái cụ Hoàng Đạo Phương- anh ruột cụ Hoàng Đạo Thuý. 
Một lý lịch tạm “trích ngang” như vậy để mong sao lão chiến binh Đặng Văn Việt khi về với cõi vĩnh hằng không chỉ vẫn mang quân hàm Trung tá và chưa một lần được vinh danh Anh hùng các lực lượng vũ trang
Tôi kính mong những trang viết này được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét.  
Nguyễn Lân Dũng
 
Hành Quân Xa - Trọng Tấn ft. Tốp Nam

Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim

Hoàng Trường Giang lược ghi |
Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim
Trung tá Đặng Văn Việt thời trẻ

"Cuộc đời tôi chinh chiến 15 năm, đánh hơn trăm trận, bị thương 5 lần, 30 lần chết hụt..., bản thân gia đình cũng điêu đứng oan khiên... nhưng vẫn rất đau vì mất người yêu."

Kỳ 1: Chuyện cảm động ghi ở Bệnh viện Hữu nghị: 4 vị tướng cúi đầu bên giường một vị trung tá (Xem tại đây)
Kỳ 2: Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Kỳ đài Huế (Xem tại đây)
Kỳ 3: Công đồn Mộc Châu - Trận đánh để đời (Xem tại đây)
Kỳ 4: Nhân kiệt
Quãng thời gian tôi biết và "giao lưu" với Đặng Văn Việt, huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm trung tá, chưa tròn chục năm, không phải dài nhưng cũng cảm nhận được phần nào con người ông. Trí tuệ, bản lĩnh hay tài năng quân sự thì đã được khách quan khẳng định. Nhưng tinh thần, ý chí của ông ấy mới là điều tôi thực sự kính mộ. Tôi thích gọi ông là một bậc Nhân Kiệt.
Tình yêu có lý lẽ riêng…
Có một lần mùa hè nóng bức, tôi mời ông Việt ra quán bia hơi ngay đầu ngõ 7 Hòa Bình để nhâm nhi cốc bia tâm sự. Tôi hỏi ông về chuyện tình yêu hồi trẻ, ông thoáng chút buồn rồi nói một câu danh ngôn tiếng Pháp làm tôi giật mình: "Le coeur a ses raisons que la raison ignore" (Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được).
Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim - Ảnh 1.
"Hùm xám" Đặng Văn Việt đi uống bia kể chuyện... tình yêu.
Thế rồi ông kể lại sự kiện ngay sau cách mạng tháng 8, ông mất đi người vừa là vợ, vừa là mối tình đầu:
"… Ngày ấy tôi học Trường Quốc học Huế, tuổi trẻ trung, sung sức, đẹp trai, con quan, lại học giỏi ... Nói thật tôi đi tán gái đâu là đổ ở đó. Nhưng tôi theo cách mạng, tôi nghĩ một lòng phải giải phóng dân tộc nên không tính chuyện yêu đương ủy mị, gạt bỏ bao nhiêu thư tình và những lời ong bướm...
Năm tháng đó, có một người con gái xứ Huế là bạn của em gái tôi, cô ấy học Trường nữ sinh Đồng Khánh. Chúng tôi lớn lên bên nhau, ít khi nói chuyện nhưng tâm hồn và trái tim in hằn hình bóng nhau. Tôi yêu lúc nào không hay. Mối tình đầu đẹp đẽ và bao hoài vọng.
Tôi thi tú tài rồi ra Hà Nội học Đại học Y Đông Dương, chúng tôi vẫn thư từ trong mấy năm trời cho tới năm 1945 tôi trở lại Huế. Tình cảm đôi lứa ngày càng sâu nặng thì cũng là lúc cách mạng bùng lên, tôi vào bộ đội, ra chiến trường. Cô ấy ở nhà, xinh đẹp tài năng, nhiều người theo đuổi. Ba tôi sợ không giữ được cô ấy nên gọi tôi về cưới.
Khi đó ba cô ấy là quan Thượng thư triều đình (tương đương Bộ trưởng), ba tôi là Tham tri (tương đương Thứ trưởng), hai gia đình đồng ý vun vén. Tôi từ chiến trường trở về làm lễ cưới trang trọng và hân hoan... Tôi còn chưa kịp "động phòng" thì 3 ngày sau lên đường đi chiến đấu, bỏ cô ấy ở nhà.
Tôi trở thành trung đoàn trưởng bộ binh chủ lực, chỉ huy hơn 5.000 quân ở biên giới, nhiệm vụ cách mạng nặng nề, tôi không còn nghĩ tới điều gì... Cô ấy ở nhà đi theo sự lựa chọn khác. Tôi mất cô ấy là điều không tránh khỏi. Nhanh chóng, bất ngờ và bặt vô âm tín...
Mối tình đầu như vết dao cứa vào tim, như xé lòng xé ruột ra, đến bây giờ cũng hơn 70 năm rồi mà sao tôi không quên được. Cuộc đời tôi chinh chiến 15 năm, đánh hơn trăm trận, bị thương 5 lần, 30 lần chết hụt, chứng kiến bao cảnh máu đổ đầu rơi, bản thân gia đình cũng điêu đứng oan khiên... nhưng vẫn rất đau vì mất người yêu.
Tình yêu là thứ không lý giải được, nay tôi trăm tuổi, nói chuyện tình yêu thì nghe phi lý, nhưng thực sự có những nỗi đau đi theo trọn đời, thậm chí theo sang cả kiếp khác..."
Nói đoạn đến đây, "Hùm xám" bỗng ngưng lại, nâng cốc bia lên dốc một hơi cạn đáy, đôi mắt ông thoáng ướt nhìn ra xa con đường thành phố đầy xe cộ ồn ào.
Đừng làm "kẻ ghét đời"
7 tháng nay, ông Việt cùng vợ chồng người con trai chuyển sang thuê nhà tại khu chung cư bên ngõ 6 Hòa Bình để có thang máy cho ông tiện đi lại. Đến cổng khu, chỉ cần hỏi ông già trăm tuổi hay chạy chiếc xe máy ba bánh là ai cũng chỉ đến tận phòng.
Có lẽ sức sống kỳ diệu của con người chỉ chưa đầy 2 tháng nữa là bước sang tuổi 100 này có được một phần không nhỏ chính là từ cái tâm trong sáng, nghị lực tinh thần vô biên cùng với suy nghĩ "mình chẳng bao giờ già" của ông.
Sau khi về hưu, cuộc sống ông có lúc lao đao phải đạp xe đưa bánh kẹo kiếm sống. Tuy nhiên, với tính lạc quan và cộng với nền tảng giáo dục của gia đình, ông có tinh thần học tập và phát triển kiến thức rất tốt.
Ông nói thành thạo tiếng Pháp, ngoài 70 tuổi vẫn đi học để sử dụng được tiếng Anh... Thời gian công tác trong ngành xây dựng, ông còn học thêm bằng kỹ sư. Từ năm 1985, ông bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương.
Do từng là một trong những sĩ quan cao cấp thời kỳ đầu và từng có thời gian gắn bó với chiến trường đường số 4, ông đã viết và dịch nhiều hồi ký liên quan đến con đường lịch sử này.
Đặc biệt, với hồi ký "Đường số 4 rực lửa", ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa, và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu.
Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim - Ảnh 2.
Ông Đặng Văn Việt bên chiếc xe máy thân thuộc.
Chỉ riêng việc "người lính già" ở tuổi U100 vẫn say mê đọc, viết sách bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, rồi hăng hái đi khiêu vũ, phóng xe máy vi vu phố phường và vẫn yêu thương hết lòng với cuộc đời đã đủ thấy sự phi thường của con người ấy.
Nghĩ về cuộc đời mình, ông Đặng Văn Việt có lần chia sẻ, "đi làm cách mạng là tôi đã chọn, vui có buồn có nhưng vui nhiều hơn buồn; được có, mất có nhưng được nhiều hơn mất.
Tôi đã sống một cuộc đời độc lập tự do, không lệ thuộc ai, không nô lệ cho những phù phiếm ham muốn của người đời. Tiền tài, chức tước, sao biển, hưởng thụ, khen thưởng… không làm tôi lo lắng suy nghĩ, vẫn lạc quan vui với đời. Tôi giữ được sức khỏe tốt, nhờ trời Phật, bố mẹ, bản thân...
Nay gần trăm tuổi, tôi vẫn ham làm, ham vui đến nỗi có bác sĩ nói, không biết bao giờ ông Việt sẽ thoát khỏi cuộc đời này bằng lối nào... Tôi đã đạt được ước vọng lớn nhất của người đời là thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ, được thấy Đất nước độc lập, tự do, thống nhất, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc..
Trên mọi lĩnh vực, công việc được giao tôi đều làm theo lời Bác dặn: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng."
Huyền thoại cả đời chỉ đeo quân hàm Trung tá: Một đời kiêu hùng và nỗi đau như cứa vào tim - Ảnh 3.
Vận động viên già Đặng Văn Việt
Hơn 80 năm trước, trong kỳ thi Tú tài môn Văn học, Đặng Văn Việt đã viết bài luận với đề tài là vở kịch Le Misanthrope (Kẻ ghét đời) của Molière.
Khi ấy, ông đã viết một lá thư khuyên Misanthrope khi bị Célimène bỏ rơi rằng: Trên đời có hàng trăm, hàng nghìn phụ nữ… Tình yêu không phải lý do duy nhất để sống mà còn có văn hóa, nghệ thuật, văn học, hội họa, thể thao, công việc…
Thầy giáo người Pháp đã chấm cho Việt 16/20 điểm, cao thứ 2 toàn Đông Dương năm đó.
... Hơn 80 năm sau, cuộc đời Đặng Văn Việt kiêu hùng và đầy oan khiên, ngang trái nhưng ông chưa bao giờ là "Kẻ ghét đời" cả. Bởi ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn rất tin và yêu tha thiết cuộc đời này.
theo Trí Thức Trẻ
 
ANH VẪN HÀNH QUÂN

“Hùm xám” đường số 4

03/09/2016 10:00 GMT+7

TTO - “Những nét ngoằn ngoèo, gấp khúc của đường số 4 trên bản đồ như nam châm hút tâm trí tôi”. Nói câu này, gương mặt người lính già sắc sảo hẳn.

Ông Đặng Văn Việt (phải) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao - Ảnh nhân vật cung cấp
Ông Đặng Văn Việt (phải) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao - Ảnh nhân vật cung cấp
“Trong 120 trận đánh của ông khắp các vùng Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng Bắc bộ, trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ thua bốn trận. Phẩm chất “thắng như chẻ tre” này khiến cả ta và địch kiêng nể ông
“Chặt đứt đường số 4”
Ông Đặng Văn Việt mô tả con đường số 4 dài 340km giống như ống thực quản khổng lồ nuôi sống hệ thống lô cốt trên biên giới Việt - Trung, là gọng kìm xuyên suốt từ Đông Bắc qua Cao - Bắc - Lạng.
Giặc Pháp thiết lập tuyến đường này với tham vọng dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong ba tháng.
Ngả lưng vào ghế, ông Việt nhắm nghiền mắt, nói: “Tháng 9-1949 là thời gian rất căng thẳng trên đường số 4.
Bộ đội địa phương, chủ lực liên tiếp mở các trận phục kích dữ dội. Giặc Pháp gọi đường số 4 là “con đường chết chóc”, “con đường đẫm máu”.
Khi địch tính nước rút khỏi Cao Bằng, thay bằng đường hàng không thì trung đoàn chủ lực 174 Cao - Bắc - Lạng thành lập. Nhiệm vụ của trung đoàn là chặt đứt đường số 4”.
Ông Việt có ý tưởng rất lạ là đánh trận Bông Lau - Lũng Phầy lần 4 (tháng 9-1949) để lấy chiến công làm lễ ra mắt trung đoàn. Ông bàn với chính ủy Chu Huy Mân rồi trực tiếp dẫn lính trinh sát đi thực địa, lên phương án tác chiến tại trận”.
Bông Lau - Lũng Phầy ta đã thắng ba trận. Vì sao trung đoàn lại chọn tiếp địa bàn này? - Nên nhớ đây là cửa tử trên đường số 4. Đánh lại cửa tử cũ là một bất ngờ đối với địch. Nơi này địa hình vô cùng hiểm trở, rất hợp với ý đồ một trận đánh lớn.
Nằm cùng lính trinh sát hằng tuần, trung đoàn trưởng Việt nắm chắc quy luật vận chuyển của địch. Địch đi thưa nhưng vận chuyển lớn, hàng trăm xe. Khi đi chúng bố phòng chu đáo và không tiếc xả đạn, pháo.
Chuyến đi từ mờ sáng, một tiểu đoàn lính Âu, Phi dọn đường. Tới đèo Bông Lau chúng rẽ trái leo lên dãy núi Khau Pia chiếm lĩnh 11 ngọn núi để bố trí hỏa lực. Ba đại đội lê dương cùng xe tăng, bọc thép làm “cọc tiêu sống” dọc đường.
Trên Đông Khê, địch dùng hai đại đội bộ binh, thiết giáp rải quanh làng Lũng Phầy để ứng cứu. Dàn quân xong địch phát tín hiệu cho xe lên đường. Một tiểu đoàn lê dương hộ tống phía trước, giữa và đuôi. Đoàn xe 100 chiếc chia nhiều tốp, mỗi tốp 10 xe đi cách cự ly 2km. Xe cách xe 300m.
“Địch đã đi ba chuyến trót lọt, vì thế sẽ chủ quan, khinh thường. Chúng tôi đánh vào lúc chúng quá tin là ta không thể đánh được” - ông Việt diễn tả như trận đánh mới bắt đầu.
Tì lòng bàn tay vào vầng trán gầy, người lính già kể tiếp: “Chúng tôi sử dụng bốn tiểu đoàn bộ binh đánh vận động phục kích nhưng bí mật. Giữ được bí mật là thắng 80%. Một đại đội người vùng quê này am hiểu địa hình Khau Pia ém sát sườn sau và trước đỉnh núi.
Trên dãy núi đá phía đông đối diện đỉnh Khau Pia ta đặt hai tầng hỏa lực mạnh 70 li. Còn lại, giấu quân dọc rừng để rà quét đoàn xe. Phía Thất Khê tiểu đoàn Bông Lau 249 khóa đuôi.
Phía Đông Khê tiểu đoàn 23 chặn đầu. Các điểm hỏa lực đã chuẩn bị sẵn nhưng chưa đặt vũ khí. Khi địch không còn một mảy may nghi ngờ trung đoàn mới ra lệnh hỏa lực vào vị trí.
Ngày 3-9-1949 địch bắt đầu tung quân. Đúng như “bài toán” cũ, chỉ khác là thêm mấy chiếc máy bay “bà già” quần đảo trinh sát.
Trung đoàn trưởng Việt thực hiện cách “giải bài toán” của mình trong tới tấp các cú điện gọi về sở chỉ huy: “Địch đã lọt vào trận địa 90 xe. Đoàn xe nghiêng ngả trên 6km. Phải sử dụng tù binh khiêng súng đạn chiến lợi phẩm cho ta”...
Kể đến đây ông nêu kinh nghiệm: “Đánh giặc giống như làm toán. Các phép tính chuẩn xác thì xác suất thắng lớn thuộc về người tính”.
Trận này địch đi 133 xe, chúng tôi tiêu diệt gọn 96 xe, bắt 37 xe và 100 tù binh, vũ khí, quân trang thu được có thể trang bị cho hơn một trung đoàn. Ta thương vong 15 người. Hàng chiến lợi phẩm bà con địa phương gom cả tháng trời mới hết”.
Đây là trận phục kích lớn nhất trên đường số 4. Trận đánh ròng rã ba ngày nhưng chấm dứt gần ba năm chống chọi với địch.
Đường số 4 bị chặt đứt, địch không thể vận chuyển bằng xe cơ giới tiếp tế cho Cao - Bắc - Lạng. Cái “ống thực quản” đường số 4 và tham vọng của giặc Pháp coi như bị xóa sổ.
Biệt danh “hùm xám”
Cuốn hồi ký Dọc đường số 4 miền Cao - Lạng của ông Việt (khi tái bản sửa thành Đường số 4 rực lửa) còn ghi lại năm trận lớn khác từ năm 1949-1952: Phá tan 2 vạn tàn quân Quốc dân đảng tràn qua biên giới phía Bắc, thu hơn 1 vạn khẩu súng các loại (9-1949).
Tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê 2 (9-1950). Quả đấm cuối cùng vào tiểu khu duyên hải Bình Liêu (12-1950). Nhảy vào “hang cọp”, phá tan hậu phương quân viễn chinh Pháp (1951). “Nhổ” đồn Mộc Châu - trận thắng toàn diện (1952).
Ông Việt tự hào: “Nếu trận thắng đường số 4 tiếp năng lượng cho chiến dịch giải phóng biên giới (1950) thì năm trận tiếp theo vừa tôi luyện lực lượng vừa bổ sung nguồn vũ khí vô cùng quý giá cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ”.
Trong “men say” của quá khứ, ông nói: “Hùm xám đường số 4 là biệt danh địch gọi tôi đấy. Một tù binh đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này trở thành đại tướng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp tên là Bigeard.
Năm 2008 ông ta đến Hà Nội tìm gặp tôi, nhờ dẫn đi thăm lại chiến trường đường số 4 vì ông ta nói “năm 1949 tôi là trung úy, đồn phó đồn Na Sầm từng chạm trán với ông trên đường số 4 mà giờ mới có dịp gặp nhau”.
Khi tôi chỉ lên dãy núi, giới thiệu trận địa phục kích cửa tử Bông Lau - Lũng Phầy, Bigeard đứng nhìn một lúc rồi thốt lên: “Ông đánh thế thì tôi thua là đúng”.
Ông ta lại nói: “Các ông đánh trận như thần”. Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tặng cho tôi những đánh giá mà tôi xem như những tấm huân chương: “Sáng tạo về quân sự. Vững vàng về chính trị. Đã đánh là thắng”.
Một số tướng lĩnh hàng đầu khác của Việt Nam cũng đánh giá rất cao ông Đặng Văn Việt, chẳng hạn như đại tướng Chu Huy Mân: “Việt là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu”, đại tướng Hoàng Văn Thái: “Dù khó mấy cũng đánh”, thượng tướng Hoàng Minh Thảo: “Thắng lớn nhưng ít thương vong”...
 Chiến công của trung đoàn 174
“Trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng, đặc biệt là trên đường số 4 - “con đường lửa”, quân và dân ta đã chiến đấu với tinh thần anh dũng và sáng tạo tuyệt vời, lập nên chiến công xuất sắc.
Ở đây cũng đã diễn ra chiến dịch đại thắng, quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta: chiến dịch giải phóng biên giới.
Trung đoàn 174 là trung đoàn chủ lực của Cao - Bắc - Lạng với các đơn vị tiền thân và các đơn vị bạn đã cùng với đồng bào các dân tộc góp phần xứng đáng vào thắng lợi lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Cuốn hồi ký Dọc đường số 4 miền Cao - Lạng của đồng chí Đặng Văn Việt đã trung thành ghi lại một phần những sự kiện quan trọng vào giờ phút không bao giờ quên trên chiến trường lịch sử”.
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
__________________
Kỳ tới: Người anh hùng không được phong tặng
VŨ TOÀN
  
Đoàn vệ quốc quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét