MIẾNG NGON NHỚ LÂU 04
(ĐC sưu tầm trên NET)
Ký ức Hà Nội: Vị phở xưa của Hà Nội
Người Sài Gòn lặn lội vào chợ Bàn Cờ tìm ăn bún thịt nướng nức tiếng
Có gì thú vị mà người Sài Gòn phải lặn lội vào trong chợ Bàn Cờ (Q3) để ăn một tô bún thịt nướng?
Nép bên góc chợ Bàn Cờ (Q.3,
TP.HCM), quán bún Dì Loan chỉ vỏn vẹn một cái bàn đựng đồ ăn, thêm vài
cây dù che mưa nắng, chỗ ngồi còn phải ké cô hàng nước. Ấy vậy mà tên
tuổi của quán bún này lại thuộc hàng "số má" ở khu chợ Bàn Cờ truyền
thống.
Ẩm thực
chợ hiện vẫn đang là một điểm hấp dẫn người Sài Gòn bởi các món ngon
hình thành trong chợ, để giữ được chân khách vài chục năm nay thì các
bà, các chị, các ông luôn phải giữ gìn chất lượng tốt nhất, bán không
ngon thì dẹp tiệm, vì bây giờ có quá nhiều lựa chọn.
Bên cạnh chợ Bến Thành, Bà Chiểu, chợ Bà Hoa… chợ Bàn Cờ cũng vẫn còn quá nhiều món ăn không thể không thử, trong đó có bún thịt nướng.
Mùi thơm nức mũi
Quán bún thịt nướng có tên Dì Loan, nghe qua đã biết là phong cách
đặt tên của người Sài Gòn. Gọi là quán cho sang chứ thực ra chỉ cần cái
bàn đựng đồ ăn, vài cây dù và thêm cái lò nướng thịt nữa là đủ làm nên
tên tuổi.
Bà Tư Loan (chủ quán) cho biết sau này mới làm tấm băng rôn nho nhỏ ghi tên quán để khách đến lần đầu dễ kiếm.
Từ 11 giờ 30 tới 1 giờ chiều, người đến ăn lúc nào cũng tấp nập,
khách trước vừa đứng dậy đã có khách sau thế chỗ ngay. Chính vì vậy, bà
Loan phải huy động thêm 3 người nữa mới đủ phục vụ thực khách. Bà Loan
bán chính, những người còn lại đảm nhận trách nhiệm như thu tiền, nướng thịt, dắt xe cho khách, giao hàng….
Vì ở chợ nên không gian không được rộng rãi, cô hàng nước bên cạnh
cho khách ngồi ké, nhờ vậy cũng bán được nhiều hơn. Sát bên còn có một
hàng bán bánh canh, gỏi cuốn nhưng hai người không hề cạnh tranh nhau,
khách muốn ăn món nào thì quán đó phục vụ. Ngoài ra quán bún Dì Loan còn
là địa chỉ quen thuộc của những dịch vụ giao đồ ăn tại nhà.
Tô bún ở đây không quá nhiều nhưng vẫn đủ để thực khách no bụng,
thành phần bao gồm thịt nướng, chả giò, bì, chả thái sợi, cuối cùng là
một ít mỡ hành và đậu phộng để bún có vị bùi, béo.
Tô bún bưng ra đã hấp dẫn thực khách bởi màu sắc bắt mắt. Các
nguyên liệu sau khi được trộn đều cùng nước nắm chua ngọt làm cho vị bún
rất vừa ăn. Điều đặc biệt là thịt được nướng ngay tại chỗ nên còn nóng hổi, dậy mùi thơm.
Lần đầu tiên thưởng thức bún Dì Loan, bạn Huỳnh Thúc Dương (sinh
viên) tiết lộ do vô tình ngửi mùi thịt nướng nên đã quyết định ăn thử.
“Lúc nãy tình cờ đi vào hẻm này nghe mùi thịt nướng thơm quá
nên mình dừng lại ăn luôn, chưa ăn trưa nữa. Nghe nói khu này nổi tiếng
đồ ăn ngon, vô đây thịt nướng thật hấp dẫn”, Dương chia sẻ.
Bạn Phạm Thu Trang (ngụ Q.3, TP.HCM), một khách “ruột” của quán bày
tỏ: “Tôi thích tất cả những nguyên liệu, mỗi loại làm cho tô bún ăn rất
ngon, độ béo của thịt, mỡ hành được bù lại bằng rau nên không ngán.
Nước nắm cũng vừa phải không quá ngọt, nói chung là ngon”.
Quán bún 25 năm
Bà Tư Loan cho biết dù nắng hay mưa quán đều bán từ 11 giờ rưỡi cho
tới 3, 4 giờ chiều, có hôm đắt khách thì 2 giờ là hết. Ngoài bán chính ở
chợ, quán còn bán được một số lượng kha khá qua các app giao đồ ăn,
quán cũng có dịch vụ giao tận nhà cho khách ở gần.
Bà Loan chia sẻ thêm : “Quán trải qua 3 thế hệ, thời tôi bán đến
giờ là 25 năm rồi. Từ khi tôi mới lấy chồng là bắt đầu bán, đến bây giờ
đã có cháu ngoại”. Thời mới bắt đầu bán, mỗi tô bún có giá 5 ngàn đồng
đến bây giờ đã lên 35 ngàn đồng/tô.
Hỏi về số lượng bán mỗi ngày, bà Loan nói không thể đếm nổi, ước chừng số tô bán ra cũng khoảng vài trăm.
Ngoài bún, quán còn bán gỏi cuốn để khách có thêm lựa chọn. Mỗi lần lấy đồ ăn bà Loan đều dùng bao tay để đảm bảo vệ sinh.
Dù khách đến đông nhưng bà Loan luôn để ý hỏi khách có lưu ý gì như
không ăn hành, đậu phộng …Mỗi lần khách quen tới, bà lại niềm nở chào
hỏi vài ba câu dù mồ hôi đã lăn dài trên trán.
Chị Quỳnh Giao (ngụ Q.3, TP.HCM) chia sẻ đã ăn bún dì Loan từ khi
còn nhỏ, đến giờ chị vẫn ghé quán mỗi tuần một hai lần ăn cho “đỡ
ghiền”. “Ngoài việc bún ngon thì điều đặc biệt là chủ quán rất vui vẻ,
mặc dù làm ướt đẫm mồ hôi nhưng gặp lúc nào cũng niềm nở làm mình có
thiện cảm, ăn xong còn muốn quay lại nhiều lần”, chị Giao nói.
Điểm trừ duy nhất ở quán là không gian quá chật, mỗi lần ăn thực
khách phải đổ mồ hôi vì nóng. Dù vậy, nhiều người vẫn chấp nhận để
thưởng thức tô bún thịt nướng đúng điệu, đậm chất ẩm thực chợ của quán
bún Dì Loan.
Bà chủ bánh lọt xào 46 năm không dám nghỉ bán vì sợ khách Sài Gòn 'la'
Nhiều khách quen biết quán mừng như bắt được vàng. Họ cảm
mến cái hương vị bình dị, dân dã của món ăn bao nhiêu thì yêu quý tấm
lòng thơm thảo của chủ quán bấy nhiêu.
Món ăn lạ nhất Sài Gòn
Khách vắng, bà Ngô Thị Bạch Cúc (62 tuổi), bán bánh lọt xào tại hẻm
438 Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10, vừa tranh thủ cắt rau vừa nói
chuyện với tôi. Nhìn rổ rau xanh được cắt cẩn thận phần già, úa, bà chắc
hẳn là một người tỉ mỉ và sạch sẽ.
Năm 1970, gia đình bà Cúc từ Campuchia về Việt Nam và ở tại khu chợ Lê Hồng Phong cho đến bây giờ. Bánh lọt xào
là món ăn truyền thống của người Hoa. Bà Cúc từng được thưởng thức món
ăn này khi còn ở Campuchia, do những người Hoa ở đó làm bán.
Trở về Việt Nam, mẹ bà là người đầu tiên bán món ăn này. Bà phụ mẹ
từ khi còn nhỏ, chừng mười mấy tuổi rồi trở thành bà chủ, tiếp quản cơ
nghiệp của gia đình khi mẹ nhắm mắt, xuôi tay.
“Bán món này tới giờ cũng đã 46 năm rồi. Món bánh lọt xào chỉ có
trứng gà, trứng vịt, chả giò và rau giá, ăn chay được mà ăn mặn cũng
được. Nó bình dân, dễ ăn lắm”, bà Cúc chia sẻ.
Nhắc tới bánh lọt, người ta thường liên tưởng tới những món chè đặc trưng của miền Tây. Những con bánh trong veo, nhiều màu sắc và dai dai kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy.
Lần đầu nghe tới bánh lọt xào, tôi cũng thắc mắc không biết món này chế biến thế nào và ăn ra sao.
Bà Cúc cho biết: “Bánh lọt chè
thì có pha thêm bột năng để tạo độ trong và dai cho bánh. Còn bánh lọt
để xào thì làm 100% từ bột gạo, có màu trắng đục, ăn dẻo chứ không dai”.
Bà Cúc đặt bánh và hủ tiếu dưới Sa Đéc (Đồng Tháp) đem lên. Bánh
lọt được xào sơ với dầu và màu dừa để bánh săn bề mặt và có màu hấp dẫn.
Khách đến, bà Cúc mới xào thêm giá và trứng vì “món này phải ăn nóng
mới ngon” bà nói.
Quán có món nước chấm
đặc biệt do bà Cúc tự tay làm. Bà chọn loại ớt Ba Tri cay, thơm đem về
xay cùng với tỏi và giấm cho ra loại nước sốt chua chua, cay cay ngon
khó tả.
Không chỉ có nước chấm tự làm, nước mắm và nước tương để xào bánh lọt, hủ tiếu cũng đều được bà nấu cẩn thận.
“Tôi nấu nước đường trước, lược đàng hoàng rồi cho nước mắm vô đun
sôi, hớt bọt rồi để nguội. Nước tương mình cũng phải nấu lên như vậy chứ
bỏ đường vô không ăn nó chát. Nước mắm, nước tương mà làm sống là hư,
không để được lâu”, bà chia sẻ.
‘Nghỉ sợ khách la’
Khách của bà đa phần là mối quen, đã gắn bó với món ăn này từ những
ngày xưa cũ. Bà kể, có một cậu khách giới thiệu ca sĩ Thanh Duy đến
quán ăn, rồi cậu Duy lại giới thiệu nhiều người khác đến. Thế là quán
đông lắm, bán không kịp, bà Cúc cười nói.
Sống một mình, không chồng con nên bà Cúc có thói quen đi chùa, làm từ thiện. Mỗi lần đi bà phải đóng cửa hàng, ghi bảng để khách biết.
“Có ông chú đó là khách quen. Ông giới thiệu quán cho một người bạn Việt kiều
về nước và dẫn người đó tới ăn mà trúng ngày tôi nghỉ bán. Ông trách
tôi làm ông quê với bạn, tôi cười quá trời luôn. Sau này không dám nghỉ,
nghỉ sợ khách la, toàn khách quen không mà”, bà hào hứng chia sẻ.
Anh Tân Nhân (36 tuổi) chia sẻ: “Cái quầy tuy nhỏ bé nhưng đã bán
được 46 năm. Kiểu xào quen thuộc với trứng, có vị hơi ngọt như thường
thấy trong các món Campuchia. Điểm nhấn là phần tỏi chiên thơm phức, giúp món này thêm hấp dẫn bội phần”.
Bà thương khách, nhất là dân chạy xe. Bà nói: “Mấy người chạy xe
mình bán rẻ rẻ cho người ta chút để họ được no bụng, có sức mà đi. Có
cậu nhà ở Tên Lửa hay chạy qua đây ăn mà ghiền món nước chấm cay, ăn có
đĩa bánh lọt mà gần nửa chai nước.
Cậu nói tính tiền, tôi chẳng lấy vì có người ăn, người không ăn bù
qua sớt lại. Nhìn cậu có vẻ là dân chạy xe, lần nào ăn cũng nói tôi để
nhiều bánh. Bánh có nhiều tôi cũng không lấy thêm tiền, có đáng bao
nhiêu đâu”.
Dịp cận Tết, chợ hoa và chợ Xuân người đông, quán bà cũng đông
theo. Cái nhộn nhịp, đông đúc của chợ Tết có lẽ giúp bà vơi đi phần nào
nỗi trống vắng.
“Tết tôi bán đắt lắm. Người ta đi chợ hoa, chợ Tết rồi ghé ăn, mua
đem về. Ở đây Tết rất nhộn nhịp, tôi không ngủ, thức bán mấy ngày luôn.
Đến 30, tôi nghỉ mới đi chợ mua đồ cúng vậy mà vui lắm", bà Cúc tâm sự.
Nhận xét
Đăng nhận xét