Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

TRÀ DƯ TỬU HẬU 14/c

 
Kurt Godel, Định lý bất toàn và hệ quả triết học - Phạm Việt Hưng
Định lý bất toàn (incompleteness theorem), là một định lý được giới khoa học so sánh với thuyết tương đối của Einstein và nguyên lý bất định của Heisenberg.

Chuyện 16: TOÁN HỌC

Theo ông A, tiên đề số một - cội rễ của mọi qui luật, nguyên lý của thế giới khách quan, là tiên đề Tự Nhiên Tồn Tại. Phát biểu gọn nhất của tiên đề ấy là "Tuyệt đối không có Hư Vô". Điều đó có nghĩa: thế giới khách quan là một Tồn Tại vĩ đại, trong thế giới khách quan chỉ có Tồn Tại và duy nhất Tồn Tại mà thôi.
Thật là kỳ lạ, thứ được cho là tự do nhất, khả năng tự do tuyệt đối, không xa lạ, bí ẩn gì, chính là trí tưởng tượng. Ta có thể tưởng tượng ra bất cứ cái gì. Ấy vậy mà không thể tưởng tượng ra Hư Vô! Đã tưởng tượng thì phải tưởng tượng ra cái gì. Còn Hư Vô là tuyệt đối không có gì, thì làm sao mà tưởng tượng?
Bất cứ sự tồn tại nào cũng phải cho môi trường xung quanh, và cả bản thân nó biết rằng nó tồn tại, dù bằng cách này hay cách khác. Vì vậy, đã tồn tại là phải thể hiện, thể hiện đến tột cùng "chân tơ kẽ tóc". Nhờ đó mà có sự thể hiện của thời gian. Vậy thời gian là một tồn tại, nói chính xác ra, là biểu hiện của tồn tại. Tuy vậy, nó không phải từ không gian  hình thành nên, mà chỉ như cái bóng của không gian, là yếu tố cơ bản để đo mức độ nhanh chậm của vận động, chuyển hóa không gian, vật chất. Nói cách khác, thời gian là một tồn tại phi vật chất, thực thể ảo của Vũ Trụ, là biểu hiện cơ bản của chuyển hóa (vận động) vật chất.
Vậy, Tồn Tại thể hiện ra là một không gian hàm chứa tất cả các sự vật - hiện tượng chuyển hóa không ngừng. Ở bất kỳ đâu, nếu không phát hiện thấy bất kỳ sự thể hiện nào của tồn tại vật chất nữa, thì thứ còn lại cuối cùng vẫn là không gian, là Tồn Tại chứ không thể Hư Vô. Nhưng lúc đó có còn thời gian không? Vẫn còn! Vì không gian vẫn vận động, chuyển hóa, vẫn thể hiện không ngừng. Chỉ có điều ta vĩnh viễn khôngcó chút khả nămg nào... cảm giác được điều đó.
Nói tới thể hiện thì phải nói tới trực giác, nói tới chuyển hóa thì phải nói tới tác động. Một thực thể là một tồn tại, do đó nó cũng là một hệ chuyển hóa đồng thời là hệ trực giác, dù chủ động hay thụ động, dù tự phát hay tự giác.
Có thể phân chia trực giác làm hai loại là trực giác vô cảm và trực giác hữu cảm (cảm giác). Những thực thể thuộc thế giới sinh vật đều có cảm giác. Vì  muôn giống loài sinh vật đều "cố gắng" thể hiện để sống còn trong một thiên nhiên hữu hạn khả năng sống còn, nên có sự "cạnh tranh" để sống còn. Mục đích của cảm giác, xét cho cùng là để đảm bảo cho thực thể sinh vật sống còn trong môi trường thiên nhiên hữu hạn. Và vì khả năng quan sát là hữu hạn nên sự cạnh tranh thể hiện tồn tại trong thế giới sinh vật có tính ưu tiên lựa chọn. Đó cũng chính là nguyên nhân hình thành "nguyên lý trội - lặn", một nguyên lý phổ biến trong thế giới sinh vật. Theo nguyên lý này, vì mục đích của cuộc sống là cố gắng sống còn nên những thứ ảnh hưởng mạnh mẽ nhiều hơn tới sống còn và quí hiếm hơn cho đảm bảo sống còn sẽ trở nên nổi trội hơn xét về khả năng cảm giác được. Ví dụ không khí, tối cần thiết cho sự sống, nhưng vì chúng "nhiều quá", không cần phải tìm kiếm, nên thuộc những thứ ở trạng thái lặn đối với cảm giác sinh vật. Về mức độ quan trọng của những thứ cần thiết cho sự sống, thì đứng đầu phải là không khí, nhưng xếp theo chiều lặn - trội thì lần lượt là không khí lặn hơn nước, nước lặn hơn thức ăn...
Người ta nói, vật vô tri không thể trực giác được. Nhưng ông A nói, xét theo một phương diện nào đó, quan sát ở tầng vĩ mô, thì phải thừa nhận rằng, vật vô tri trực giác được. Nếu vật vô tri không trực giác được, thì làm sao nó phản tác động một cách phù hợp được trong khi tác động tương hỗ là một nguyên lý phổ quát và cơ bản của tự nhiên? Mục đích trực giác của vạn vật là để tương tác lại tác động ngoại lai, tạo nên chuyển hóa phù hợp, nhằm "cố gắng" duy trì sự tồn tại của bản thân nó. Tác dụng truyền nhiệt cho một thanh kim loại, thanh kim loại đó nóng lên và giãn nở ra. Sao lại như vậy? Vì nó có trực giác! Nếu không, nó đã hoặc không biến đổi, hoặc biến đổi theo cách khác! Tuy vậy, nếu quan sát ở tầng vi mô, mọi tác dụng lẫn nhau của vạn vật đều có thể qui về dạng nền tảng là tác dụng cơ học và biến đổi cơ học, thì thanh kim loại sử sự như vậy không phải vì nó có trực giác, mà là nó phải tuân theo một hệ quả hết sức cơ bản của nguyên lý Tự Nhiên. Đó là: vạn vật - hiện tượng trong Tự Nhiên Tồn Tại đều "cố gắng" hết khả năng để duy trì trạng thái tồn tại vốn có của mình. Hệ quả cơ bản đó biểu hiện ra thành nguyên lý tất yếu, gọi là nguyên lý tương hỗ mà vạn vật - hiện tượng đều tuyệt đối phải tuân thủ: vạn vật - hiện tượng đều phải tác dụng và phản tác dụng lẫn nhau để thể hiện tính tồn tại của bản thân nó sao cho tác dụng và phản tác dụng lập thành một cặp tương phản, bằng nhau về lực lượng tuyệt đối nhưng ngược chiều.
Có thể nói chính hệ quả đó là riềng mối tạo thành nên khối lượng của vạn vật. Niutơn là người đầu tiên đưa ra khái niệm khối lượng: khối lượng là thước đo quán tính của vạn vật. Còn ông A quan niệm: khối lượng là biểu hiện "sức ỳ tồn tại", hoặc là biểu hiện khả năng duy trì trạng thái tồn tại vốn có của vạn vật. Theo ông A, đã là vạn vật thì phải có khối lượng.
Ông A còn bảo, mỗi dạng vật chất đều tồn tại thực thể nhỏ nhất. Thực thể nhỏ nhất của một chất là thực thể không còn có thể phân chia được nữa nhưng vẫn mang bản chất của chất ấy. Nó đóng vai trò là nguyên tố, là đơn vị, nếu xét về phương diện khối lượng thì nó chính là số một. Chẳng hạn đơn vị của nước là nguyên tố nước, đơn vị của sắt là nguyên tố sắt...Vậy đơn vị của một chất là thực thể nhỏ nhất theo qui ước làm nên chất đó, nhưng không phải đơn vị của vật chất nói chung. Đơn vị của vật chất nói chung hay còn gọi là đơn vị tuyệt đối của vật chất chính là hạt KG, có khối lượng nhỏ nhất tuyệt đối và năng lượng nhỏ nhất tuyệt đối.
Nếu như vậy, phải cho rằng, đơn vị của sự sống là tế bào. không thể có thực thể đơn vị của sự sống "nhỏ" hơn tế bào nữa.
...Mải chìm đắm suy ngẫm những quan niệm về tự nhiên hoàn toàn mới lạ mà ông A đã nhiều lần "rao giảng", tôi thấy mình lững thững ra chợ không biết để làm gì rồi ngẩn ngơ quay về nhà. Vợ tôi ra mở cửa, trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:
-Hành đâu?
Bấy giờ tôi mới sực nhớ ra: vợ sai tôi đi mua hành mà tôi "đãng trí bác học", quên mất. Tôi đành cười giả lả:
-Thế mà khi ở chợ,nghĩ mãi không ra...Điên thật đấy! Chờ chút, để...
Chưa kịp nói hết câu, vợ tôi đã lên giọng:
- Đợi ông đi mua có mà đến mọt gông! Thôi, để tôi đi cho xong. tiện thể mua mấy bìa đâu hũ (đậu phụ), mai ăn.
Dứt lời, vợ tôi đã thoắt ra cửa, biến mất, để mình tôi còn lại chỏng chơ giữa nhà. Chẳng biết làm gì, tôi lại nghĩ lung tung về tự nhiên. Do quan niệm của ông A đã lũng đoạn, trí óc tôi giờ đây rối bời bời, chỉ mong đến giờ nhậu, nghe ông A giải tỏa câu đố "nhức nách": 1 + 1 = 2 là gì.
Thế rồi trời như chiều lòng người, chuyển sang chiều muộn rất nhanh, chẳng mấy chốc mà đồng hồ treo tường đã chỉ 5 giờ chiều. Kiên nhẫn chờ đợi đến đó, làm gói muối ớt và thó hai quả bưởi vợ mới mua khi nãy, tôi chạy tót sang nhà ông A liền.
Như thế đã gọi là triệu chứng của thằng nghiện chưa nhỉ?

                                                   ***
Cuộc nhậu bắt đầu bằng những chuyện chiến sự ở Sirya và tinh hình Biển Đông.Ông B, ông C sôi nổi, ông A nhát gừng góp chuyện, còn tôi, vì đang "vướng mắc" nhiều điều nhận biết tự nhiên nên thấy chán phèo, ngồi lơ đãng, ngó lung tung và uống rượu khan, miệng phì phèo thuốc lá. Được một lúc, ba ông ngồi thừ ra vì hết chuyện nói. Tôi nhân cơ hội đó, nói luôn:
-Giải câu đố 1 +1 = 2 là gì đi, anh A!
-Ừ nhỉ, đề tài đó cũng hấp dẫn...Mà anh A đang để dang dở...- Ông B xen vào nói ủng hộ.
-Một quan niệm về tự nhiên lạ hoắc! Cũng có chút ít lý thú nhưng bạt mạng quá! Nếu là chuyện quốc gia đại sự thì anh A đã "mọt gông" từ lâu vì trái với "ý đảng, lòng dân" rồi. - Ông C lộ rõ vẻ thích nghe ông A nói tiếp, nhưng cố làm ra vẻ chê bai.
Thế là "được mời như cởi tấm lòng", ông A tiếp tục ngay câu chuyện:
- Như đã nói, quan sát ở thế giới sinh vật gốm quan sát thụ động và quan sát chủ động. Quan sát chủ động dường như chỉ có ở loài người (loài có tư duy). Nói thêm, quan sát ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng nhất, như một hệ quan sát có thiết bị hỗ trợ, không phải chỉ thấy bằng mắt (!). Nói chung, cả ở loài vật và loài người, trong sự quan sát có một trạng thái quan sát kích thích "muốn biết" cao độ gọi là "sự tò mò".Tuy hai "sự tò mò" đó buổi đầu tiên cùng thoát thai từ "muốn biết" hầu phục vụ cho mục đích sống còn (cố gắng tồn tại), nhưng về sau, trong quá trình tiến hóa thích nghi ở loài người, sự tò mò "muốn biết" không những với mục đích trực tiếp nhằm sống còn, mà còn thăng hoa lên cùng cực, đẫm màu tư duy trừu tượng và đậm nét suy lý thành ýchí ham hiểu biết mọi thứ, mong được khám phá, phát minh, và như vậy, coi như chỉ loài người mới có tính tò mò. Chính sự tò mò ấy đã là động lực chủ yếu, đóng vai trò quyết định đến sự hình thành thế giới nhận thức (thế giới ảo), trong đó có lâu đài toán học của con người...
-Nói gì mà mông lung quá! Nói gọn lại đi, anh A -Ông C có vẻ sốt ruột.
Ông B thấy vậy nói:
-Cứ để ảnh nói, nghe cũng hay đấy chứ? Hối mà làm gì! Chán không thích nghe nữa thì sẵn rượu và mồi đấy, cứ lai rai nhậu đi anh C. "Trà dư tửu hậu" mà!
Ông A cứ nói rề rà như trong cơn mê, tỉnh bơ làm như không nghe thấy ai nói gì, cứ thế rỉ rả như trận mưa dài, không dứt:
-Sự tiến hóa sinh vật theo hướng có tư duy trừu tượng (hướng phát sinh ra loài người) chắc chắn không phải là hướng tiến hóa ưu tiên lựa chọn vô điều kiện của thế giới sinh vật. thực tế cho thấy trong điều kiện sống nhất định đòi hỏi, chỉ có duy nhất một giống loài (loài vượn cổ) thành loài người biết tư duy trừu tượng mà thôi. Thuở sơ khai, con người quan sát phân biệt các sự vật - hiện tượng xung quanh nhằm kiếm ăn và tránh nguy hiểm. Dần dà, qua quan sát, con người còn có nhu cầu xác định số lượng nữa. Đó là những chất liệu đầu tiên của con người làm nên nền móng của lâu đài toán học Trong số đó có 1 + 1 = 2. Vậy 1 + 1 = 2 là một qui ước toán học giản đơn về chuyển hóa số lượng của con người...
-Theo em nghĩ, đó là một chân lý. Chân lý đó được con người suy tưởng ra từ hiện thực, từ trừu tượng hóa, rồi nâng lên thành biểu tượng và qui ước nó, chứ không hẳn là qui ước đơn thuần! -Tôi nêu ý kiến.
-Chú Thu nói vậy nghĩa là trước hết phải có nó trong hiện thực. Nhưng khi con người chưa thành hình thì đã có toán học đâu mà biểu thức ấy tồn tại trong hiện thực (tức trong thực tại khách quan), đúng không anh A? -Ông B hỏi như phủ định.
Ông A tợp gọn ly rượu, nhấm nháp miếng mồi, nghe tôi và ông B cãi nhau qua lại, rồi từ tốn nói tiếp:
-Đúng, 1+ 1 = 2 là do con người tạo ra, thuộc về lâu đài toán học, nên nó phải là tồn tại ảo. Nhưng không hẳn thế. Nguồn gốc phát sinh ra nó cũng có phần, và là phần quyết định của thực tại khách quan. Biết nói sao cho phải nhỉ? Có lẽ khi nó thuần túy là biểu tượng trong suy nghĩ con người, nó tồn tại ảo. Nhưng khi nó được tạo hình qua in ấn, khắc tạc đâu đó trong lưu trữ truyền đạt..., thì nó tồn tại thật. Hì, hì...!Hì...-Ông A bụm miệng, cười một tràng dài vẫn không ngưng nói và bắt đầu nói...lung tung.-Chắc chắn, biểu thức 1 + 1 = 2 phải là qui ước của con người rồi. Nhưng qui ước ấy có được là nhờ có sự phản ánh từ hiện thực, tức thực tại khách quan. Vấn đề là sự phản ánh ấy có phải là phản ánh về một chân lý phổ biến trong hiện thực khách quan hay không? Thật ngạc nhiên khi câu trả lời là không! Nếu ta hỏi bất kỳ ai: " Một cộng với một bằng mấy?", thì người đó trả lời ngay tức khắc gần như bản năng: "Bằng hai chứ mấy! Các ông làm sao thế, điên à?". Ấy vậy mà không phải vậy. Sự thực thì nếu không có con người, biểu tượng ấy không hề tồn tại trong hiện thực. Đố ai tìm được "1" hoặc "2" trong thực tại khách quan!? Khi con người quan sát thế giới xung quanh, họ thấy điều tưởng chừng hiển nhiên và đúc kết rằng,cứ gom hai vật bất kỳ gọi là hai cái đơn nhất thì được hai vật gồm hai cái đơn nhất, từ đó họ xây dựng nên biểu tượng tổng quát. Nhưng biểu tượng ấy đâu phải là một chân lý phổ biến? Thí dụ: "Một thiên hà cộng một con ruồi bằng mấy?", hay hai giọt nước cộng vào nhau (hòa vào nhau) Bằng một hay hai? Rõ ràng không thể dứt khoát bằng mấy! Đấy, với những thí dụ tầm thường và đơn sơ về toán học, tôi đã chỉ cho "các bác" thấy toán học mô tả thực tại khách quan mất chính xác đến cỡ nào (!). Có thể nói, toán học ra đời là do nhận thức về cuộc sống đòi hỏi để thỏa mãn những kiến thức về sự thêm, bớt, tích lũy, phân chia về lượng trong quá trình mưu sinh. Nếu chỉ có vậy thôi thì toán học đã hoàn thành sứ mạng của nó từ lâu. Tuy nhiên, sự "nghĩ" của con người lại đi liền với suy, tức là đi liền với suy tư trừu tượng nên toán học tiếp tục phát triển hòng cố gắng mô tả thực tại khách quan theo tưởng tượng chủ quan của mình và vì thế mà cho đến nay, nó đã thành một lâu đài nguy nga, vĩ đại, mô tả một "bức tranh lung linh" về hiện thực hay nói đúng hơn, về thực tại khách quan, vừa dung dị quắc thước vừa huyền hoặc mộng mơ! Einstein đã nói một câu sâu xa mà tối nghĩa: "Qui luật toán học càng liên hệ với thực tế càng không chắc chắn, và càng chắc chắn thì càng ít liên hệ với thực tế". Để rõ nghĩa hơn và thậm chí để đúng hơn, có lẽ nên thế này: "Toán học là thành quả kết hợp giữa sự giãi bày gợi ý của tự nhiên và suy tư sáng tạo của con người, nó trở thành một ngôn ngữ diễn giải độc nhất vô nhị, hợp lý một cách đáng ngờ trong thực tiễn ứng dụng, và tỏ ra ngược ngạo nghịch lý một cách hợp lôgic trong hình dung về Vũ Trụ!".
-Nói như anh A thì toán học hiện nay là một đống khổng lồ những kết quả sai lầm được rút ra từ quan sát thế giới tự nhiên của con người. Nói như thế thì tại sao toán học vẫn được con người ứng dụng hiệu quả trong đời sống và nghiên cứu khoa học cả ngàn năm nay, tại sao không bị loại bỏ hoặc điều chỉnh lại cho đúng đắn hơn mà vẫn đang tồn tại vững chãi và phát triển ngày càng đồ sộ hơn nữa? Thật không thể tin được! Rõ ràng, quan niệm về toán học của anh A đã sai lầm hoàn toàn, có thể gọi là "tối phản động".Ông C tủm tỉm chế nhạo, lên tiếng phản đối ông A.
Ông B tiếp lời:
-Chí ít thì anh A nói đúng điều này: lâu đài toán học ngày nay được xây dưng nên từ nhiều quan niệm về tự nhiên chưa hoàn hảo (hoặc những quan niệm...không thể hoàn hảo được!). Trong tình hình như vậy, toán học lại đóng vai trò tương tự như triết học (thậm chí là quyết định) đối với khoa học trong việc giảng giải Vũ Trụ, là công cụ không thể thay thế được cho các quá trình giải thích sự vận động, chuyển hóa về lượng của các sự vật-hiện tượng trong khoa học được triển khai. Do đó dẫn đến các ngành khoa học có liên quan tới toán học cũng có kết quả khám phá lầm lạc về thế giới khách quan, về Vũ Trụ. Chẳng hạn, để đưa ra thuyết tương đối rộng, Einstein đã phải cầu cứu đến toán học (chứ còn cách nào khác đâu!?), cầu cứu đến những nhận thức mới về không gian và thời gian, về hìng học hiện đại, về tenxơ...Nhưng thử hỏi nhưng nhận thức ấy, dù không trái với lôgic trong tưởng tượng của con người, thì đã phản ánh chính xác thực tại khách quan như là vốn có chưa? Không gian thực tại chính xác là chỉ có ba chiều hay là có n chiều? Tôi đồng thuận với anh A cho rằng, phương trình tổng quát của thuyết tương đối rộng đã sai vì nó dựa trên tưởng tượng toán học còn lầm lạc!
-Thật là "gan cùng mình" anh B ạ! Mới nghe anh A "thuyết giáo", dù có hấp dẫn đấy, nhưng vẫn chưa biết ất giáp thế nào mà đã vội phủ định một học thuyết của nhà vật lý học vĩ đại, đã được nhiều sự kiên chứng thực, đã được hầu hết các nhà khoa học trên thế giới thừa nhận, thì có quá vội vàng không? -Tôi rụt rè góp ý.
Ông A đang nhìn ông B lom lom, quay phắt sang nhìn tôi, ánh mắt dại dần như lạc hồn:
-Quá lạ lùng! Và điều lạ lùng nhất phải chăng là sự tư duy trừu tượng của con người? Nhà vật lý Einstein từng nói: "Điều khó hiểu nhất là hiểu được Vũ Trụ". Câu nói đó đúng hay sai? Có lẽ phải nói ngược lại mới hợp lý chăng? Toán học là đứa con được hoài thai từ sự hôn phối của những biểu hiện về lượng của tự nhiên và suy tư trừu tượng của con người. Ban đầu nó đã tỏ ra là một công cụ ứng dụng tuyệt hảo cho đời sống. Nhưng chính tư duy trừu tượng (một cách tất yếu!) đã chắp đôi cánh mộng tưởng cho toán học bay vút, xa dần cuộc sống, lạc vào thế giới hoang đường. Vì oái oam là con người chỉ có toán học là phương tiện duy nhất, có một không hai để định lượng những vận động, chuyển hóa trong Vũ Trụ, mà toàn bộ khoa học tự nhiên - xã hội ngày nay của con người không thể không sử dụng nó, cho nên loài người bị đẩy chệch sang thế giới hoang đường, dẫn đến nhận thức của họ về thực tại khách quan dần lầm lạc vào những lý thuyết vĩ đại nhưng hão huyền mà không hay biết! Phải khẳng định rằng, Vũ Trụ không biết làm toán, thế nhưng bất kỳ một quá trình chuyển hóa nào đó trong Vũ Trụ, dù có phức tạp tới đâu, bao giờ cũng được thực hiện một cách giản dị, chóng vánh, tối ưu và trọn vẹn (nguyên) như vốn dĩ. Thế nhưng, nếu để cho toán học điều hành cũng những quá trình chuyển hóa ấy, thì nó phải dùng biết bao nhiêu phương trình, phép tính mà chắc gì đã "đầu xuôi đuôi lọt" hoặc đã "nguyên" (không vô tỷ!). Nói đến vô tỷ, toán học càng làm chúng ta hoài nghi hơn. Vũ Trụ này vô tỷ hay hữu tỷ? Vì sao các hằng số Vũ Trụ mà con người khám phá ra đều vô tỷ? Bản chất không gian Vũ Trụ vi mô có khác không gian Vũ Trụ vĩ mô? Vì sao một đoạn thẳng khi đứng một mình thì hoàn toàn xác định, có số đo nguyên, nhưng khi hợp với hai đoạn thẳng khác lập nên một tam giác vuông thì (thường là) trở thành vô tỷ? Chúng ta quan niệm thế nào về một quĩ đạo thẳng vô tỷ?...
-Khoan đã, cho tôi hơi xen ngang vào một tý. Thế thì theo ý anh A, rồi đây, chúng ta phải sửa chữa lại lâu đài toán học, thậm chí là phải xây dựng lại một tòa lâu đài toán học khác để giảng giải Vũ Trụ cho đích đáng hơn chăng? Nhưng bắt đầu từ đâu, như thế nào? -Ông C chất vấn.
-Có lẽ rồi phải vậy thôi! Chí ít cũng phải bổ xung thêm những lời giải thích dài dòng, những cảnh báo cấm kỵ, chứ đâu còn cách nào khác đâu? Trong toán học ngày nay vẫn tồn tại rất nhiều phi lý sơ đẳng về qui ước đối với thực tại khách quan, như tại sao phương trình toán học được phép có nhiều nghiệm khi trong thực tại khách quan các quá trình xảy ra với những điều kiện xác định, chỉ theo một cách duy nhất, hay thí dụ có hai số bằng nhau về giá trị tuyệt đối, tại sao số dương được lớn hơn số âm, điều đó có hợp lý không khi trong thực tại đâu phải như vậy?...Điều cần nhấn mạnh là từ việc tư duy trừu tượng làm cho toán học thấm đẫm hoang tưởng huyễn hoặc dẫn đến bức tranh miêu tả Vũ Trụ mà vật lý học vẽ nên bằng "cây cọ vẽ" toán học tất nhiên cũng gây ra những hoài nghi về mức độ chính xác trong mô tả thực tại khách quan.Chúng ta biết phương trình cơ bản của thuyết tương đối rộng chỉ thị về một Vũ Trụ giãn nở. Nhưng nó giãn nở đi đâu được khi chúng ta thừa nhận thế giới nà "lấp đầy" Tự Nhiên Tồn Tại? Nếu không phải thừa nhận là có Hư Vô! Hư Vô được nhận diện như thế nào? Bằng cách nào đó, Hư Vô buộc phải thể hiện "bên cạnh" Tồn Tại rằng nó Hư Vô. Mà đã thể hiện được thì lại là Tồn Tại. Do đó, chỉ có Tồn Tại hay Tồn Tại đã lấp đầy! Mặt khác, tại sao lại xây dựng nên "tenxơ năng - xung lượng khi trong thực tại, làm gì có đại lượng thể hiện lẫn lộn như vậy, chỉ có thể hoặc là năng lượng, hoặc là xung lượng. Từ đó đã có thể suy ra, thuyết tương đối rộng là sai lầm được chưa?!...
Dường như đã hết hơi, ông A đột nhiên "tắt đài", không rao giảng nữa. Thế là mọi người trong bàn nhậu uống thêm vài ly, góp vui vài mẩu chuyện bâng quơ nữa, rồi giải tán. Tôi oặt oẹo đứng đậy, chào mọi người rồi khật khưỡng ra về. Giữa những câu hỏi còn chất chứa ngổn ngang trong lòng tôi, bỗng bật ra một suy tư sáng quắc như chân lý: "Trong quá trình mưu sinh của con người, toán học tất nhiên xuất hiện. Khi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trong phạm vi thực tiễn ứng dụng, do tính tò mò và ham hố khám phá của suy tư trừu tượng, toán học tiếp tục bay bổng vi vu ngày càng cao xa, dần tách rời thực tại, lạc vào cõi hoang đường. Rồi đây, vật lý học sẽ phải đính chính rất nhiều, nếu muốn tiếp tục sử dụng nó làm ngôn ngữ giảng giải Vũ Trụ!".


.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét