Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

HIỆN THỰC KỲ ẢO 113

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Cá Sấu SIÊU KHỔNG LỒ Làm Hại 300 NGƯỜI Đáng Sợ Nhất Hành Tinh
Hầu hết các loài động vật hoang dã đều có thể tấn công và ăn thịt người nếu cảm thấy bị đe dọa. Tuy nhiên, quái thú thực sự là những con vật đặc biệt thích thịt người hơn bất kỳ thức ăn nào khác. Sự xuất hiện của chúng trong lịch sử là rất hiếm, nhưng tất cả đều khiến con người phải khiếp sợ. Hôm nay chúng ta sẽ đi tìm hiểu và khám phá về 2 con cá sấu ăn thịt người nổi tiếng suốt hàng chục năm, và với nhiều người dân thì chúng là những con cá sấu đã trở thành huyền thoại. 

Câu chuyện về "quái vật" Gustave - một trong ba huyền thoại đáng sợ nhất lịch sử

Tôm, Theo Trí Thức Trẻ 16:41 19/09/2017

Được cho là "hạ gục" hơn 300 người trong khu vực sinh sống, loài "sát thủ đầm lầy" này thật sự là cơn ác mộng kinh hoàng của người châu Phi.

Trong suốt hơn 20 năm qua, người dân ở gần hồ Tanganyika ở Burundi luôn bị đặt trong tình trạng sợ hãi trước sự tấn công của một trong những con cá sấu nước ngọt lớn nhất thế giới. Con cá sấu dài 7 mét có được đặt tên là Gustave có một sự... khao khát đáng sợ với con người.
Gustave - huyền thoại "cỗ máy xay thịt" đáng sợ trong lịch sử
Gustave là một con cá sấu sông Nile, sinh sống ở bờ bắc của hồ nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới Tanganyika, thuộc châu Phi.
Cá sấu sông Nile vốn nổi tiếng vì sự hung dữ cũng như kích thước vượt trội so với các loài cá sấu khác, chính bản thân Gustave cũng là cá thể dài nhất từng được tìm thấy. Tuy nhiên, Gustave nổi tiếng không phải vì to lớn nhất, mà vì sự khát máu của mình.
gif
.
Số nạn nhân của Gustave đã lên đến con số 200, nhưng người ta tin rằng con số này thực tế phải lên đến hơn 300.
Câu chuyện kể lại rằng Gustave sống trong một cái ao nhỏ trong một ngôi làng ở Burundi. Đó là khoảng thời gian nơi này xảy ra chiến tranh và nạn diệt chủng.
Chính những xác chết thả trôi trở thành "bữa ăn hàng ngày", dần biến Gustave thành một "cỗ máy xay thịt" và theo lời truyền miệng của người dân bản địa, thì nó đã "thành tinh", thậm chí biết cách suy nghĩ.
Sát thủ đầm lầy" này có khả năng tăng tốc độ đột biến đáng ngạc nhiên, đạt tới 12 - 14 km/h. Chúng có thể bơi khá nhanh bằng cách chuyển động cơ thể, đuôi theo đường hình sin, và duy trì trong khoảng thời gian khá lâu.
gif
.
Với bộ hàm còn nguyên vẹn răng của Gustave, nó có thể cắn nát con mồi chỉ bằng một cú đớp.
Những nỗ lực bắt giữ "sát thủ đầm lầy"

Trong quá khứ, mọi cố gắng để bắt hay giết Gustave đều không thành công. Tuy nhiên, có một thợ săn cá sấu tin rằng, có thể có một giải pháp nhân văn hơn để ngăn chặn "cỗ máy giết người" này.
Patrice Faye là người Pháp, nhưng ông đã sống ở Burundi trong hơn hai thập kỷ qua. Cái tên Gustave chính là do ông đặt cho "kẻ sát nhân" mà ông dày công nghiên cứu và theo dõi.
Câu chuyện về quái vật Gustave - một trong ba huyền thoại đáng sợ nhất lịch sử - Ảnh 3.
Ông đã trở thành người hùng của địa phương từ cách đây 11 năm khi đã có những nỗ lực đầu tiên trong việc bắt Gustave bằng bẫy - tất nhiên đến nay ông vẫn chưa thành công.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Faye nói rằng: "Con quái vật này có bản năng sinh tồn rất mạnh mẽ, chính điều đó đã giúp nó sống sót qua thời kỳ mà những con cá sấu khác bị tàn sát không thương tiếc".
Mặc dù đối thủ của mình là một kẻ giết người máu lạnh, Faye vẫn tỏ rõ sự tôn trọng với đối thủ khó nhằn này, và cũng không thật sự có ý giết nó.
"Chúng ta sống trong thời đại mà những sinh vật như thế này ngày càng hiếm. Đó là một con quái vật như bước ra từ thời tiền sử. Trong làn nước, nó to, nhanh và mạnh như một con hà mã. Nhưng số lượng răng còn nguyên của nó cho thấy nó khoảng 68 tuổi rồi": Faye cho biết.
Vì thực tế một con cá sấu dài khoảng 7 mét có thể có số tuổi lên đến 100, và thường là có bộ hàm không còn nguyên vẹn. Điều này có nghĩa là Gustave còn có thể có kích thước to hơn hiện tại rất nhiều.
Trong một đợt săn tìm Gustave kéo dài khoảng 3 tháng của Faye, 17 nạn nhân của Gustave đã được ghi nhận. Chính điều này đã khiến cho Faye tin rằng con số 300 trong vòng 20 năm là hoàn toàn có cơ sở.
Câu chuyện về quái vật Gustave - một trong ba huyền thoại đáng sợ nhất lịch sử - Ảnh 4.
Những người dân bản địa tin rằng, Gustave giết người như một thú vui, chứ không hẳn vì lý do thức ăn, dù đã có những cuộc tấn công vào nhiều mục tiêu cùng lúc. Họ còn cho rằng, nó biết cách để lên kế hoạch cho cả những cuộc tấn công của mình nhưng Faye lại không cho rằng điều đó là đúng:
"Tôi không nghĩ vần đề là ở chuyện sở thích, mà nằm ở chuyện có thể đảm bảo bữa ăn dễ dàng".
Faye chỉ ra rằng, với kích thước khổng lồ của mình, Gustave sẽ khó khăn hơn trong việc săn lùng con mồi nhanh nhẹn như cá, linh dương hay ngựa vằn. Ngoài ra, để nuôi sống được cái trọng lượng đó, lượng thức ăn được nạp vào cũng là một vấn đề.
gif
.
"Gustave không còn sự lựa chọn nào ngoài việc tìm đến những con mồi dễ dàng" và người dân bản địa sống gần hồ chính là "ứng viên sáng giá" nhất bên cạnh hà mã và linh dương đầu bò.
Vậy, đâu mới là cách tốt nhất để đối phó với con quái vật này? Faye hy vọng rằng, cho đến trước khi có người bắt hoặc giết được Gustave, thì việc truy tìm được dấu vết của nó sẽ giảm thiểu được tối đa con số nạn nhân.
"Tôi có rất nhiều nguồn tin. Ở Burundi, hàng ngàn người sống dọc theo bờ hồ, nhất là những ngư dân, những người dành phần lớn thời gian sống trong nước. Tôi cho họ cả tá điện thoại để gọi cho tôi bất kể khi nào có manh mối."
Tuy đã có một vài người dân địa phương muốn dùng súng để ngăn chặn Gustave, nhưng đều thất bại. "Nhiều ngư dân nói rằng họ chắc chắn đã bắn trúng nó. Nhưng có vẻ như lớp da dày của nó chống được cả đạn".
"Có thể, cần nhiều thứ hơn một viên đạn để ngăn chặn được con quái vật khát máu này" - Faye trầm ngâm cho biết.
Nguồn: NationalGeographic

'Thủy quái' Vàm Nao cùng giai thoại cá sấu 5 chân thành tinh

13/01/2018, 13:15 (GMT+7)
Miền Tây có hàng ngàn con sông, rạch, trong đó có những dòng sông rất lớn như sông Tiền, sông Hậu, Mê Kông, Vàm Cỏ… Nhưng, có một con sông chỉ dài chưa đến 7km, lại rất nổi tiếng. Ở con sông ấy có hầu hết những loài cá “khủng” đã trở thành huyền thoại như cá hô, cá nược, cá đuối, cá tra dầu, cá bông lau…
Đó là sông Vàm Nao ở An Giang.

Giai thoại cá sấu 5 chân thành tinh

Theo chân ngư dân trẻ Hồng Sơn, chúng tôi tìm đến nhà lão ngư Hai Lý, ở xóm chài Bình Thủy, huyện Phú Tân, An Giang. Năm nay đã ngót 80 tuổi, gần trọn đời gắn bó với dòng Vàm Nao, lão ngư Hai Lý kể: “Sông Vàm Nao có nhiều chỗ sâu đến mấy sợi dây thừng, tức khoảng 30m, nhiều đoạn nước xoáy, đủ sức nhấn chìm một chiếc ghe lớn. Dòng nước chảy xiết, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá “khủng”, nặng hàng trăm ký từ sông Mê Kông tìm về trú ẩn như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối, cá đao, cá mập, cá sấu”.
21-56-09_nh_1
Con cá tra dầu “khủng” ngư dân bắt được trên sông Vàm Nao
Lão ngư Hai Lý kể tiếp: “Ông bà tôi kể, gọi sông là Vàm Nao vì khi mùa lũ qua, ngã ba sông này nhìn nước chảy như thác cuộn, ghe tàu nào cũng khiếp, sợ bị lật nên nao lòng, thối chí, bởi thế mới có câu “Đố ai ve được con đò Vàm Nao”. Thời nhà Nguyễn, thấy tên gọi nghe buồn quá nên đã đổi tên sông là Thuận Giang, nhưng dù gọi thế nào nó vẫn mãi là sông tử thần. Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu”.
21-56-09_nh_3
Con cá đuối “khủng” bắt được trên sông Vàm Nao
Nói một hồi, ông Hai Lý nhỏ giọng, nét mặt tỏ vẻ nghiêm trọng: “Vàm Nao là con sông linh nhất miền Tây, có “ông” muôn đời trầm mình, trấn yểm đáy sông. Những người ăn ở ác, chạy ghe qua đây, “ông” chỉ cần ngoác cái miệng ra là nước xoáy mạnh, thuyền ghe lớn cỡ nào cũng chìm”.
Tôi ngạc nhiên: “Ông là ai chú?”, ông Hai Lý tiếp tục nhỏ giọng: “Đó là con cá sấu 5 chân thành tinh, không bao giờ chết, do một người tên là Đình Tây ở vùng Thất Sơn nuôi. Sau đó “ông” thoát ra ngoài, bơi đến vùng sông Vàm Nao. Thân hình “ông” lớn đến mức nằm lấp hết cả đáy sông. Người ta không dám gọi thẳng tên ông mà gọi là ông Năm Chèo. Hồi còn nhỏ xíu, mỗi khi chú làm gì sai là ông bà nội lại “hù”: “Không ngoan là coi chừng “ông” Năm Chèo bắt đi đó”. Lúc đó, biết “ông” Năm Chèo là ai đâu. Lớn lên, mỗi lần có ghe chìm, người ta lại bảo, bị “ông” bắt vì ở ác”.
Do nước chảy xiết nên bên bờ sông Vàm Nao thường xảy ra những trận lở kinh hoàng. Mỗi lúc như vậy, người ta lại đồn rằng do “ông” cựa mình, quẫy đuôi. Còn nguyên nhân khiến dòng chảy xiết là do ông Năm Chèo… thở mạnh tạo ra, ngã ba Vàm Nao dữ tợn bởi nằm ngay cửa họng ông Năm Chèo. Cũng có người cho rằng nhìn bản đồ sông Vàm Nao có hình thù như cá sấu. Cũng có chuyện kể rằng có nhóm thợ săn sấu từ miệt U Minh ỷ tài lên Vàm Nao bắt Năm Chèo lấy tiếng nhưng rốt cuộc kẻ mất mạng, người chạy trối chết... Cũng có người cho rằng đó chỉ là những câu chuyện dân gian đồn thổi nhưng ghe thương hồ hay ngư dân mỗi khi đi ngang Vàm Nao, đều phải thắp hương khấn vái kính cẩn.

Con cá cây vàng

Cách đây 2 - 3 chục năm, ngư dân ở làng chài Bình Thuỷ có nhiều triệu phú nhờ nghề săn bắt cá hô, loài cá “tiến vua”. Lão ngư Sáu Viên, 74 tuổi, ở xóm chài này là một trong số đó. Ông là một trong những ngư dân giữ “kỷ lục” về số lượng cá hô bắt được với hơn 50 con, trong đó nhiều nặng trên 1 tạ. Ông đã bỏ nghề săn cá hô nhưng ký ức về loài cá khủng này vẫn đầy ắp.
21-56-09_nh_4
Đã lâu những tấm lưới cá hô này không ướt nước sông Vàm Nam
Ông Sáu Viên bảo, Vàm Nao ngoài cá mập, cá sấu, còn một loài cá khác hung tợn không kém, đó là cá bông gấm. Loài cá có sắc bông vằn vện như con báo gấm, nhìn rất đẹp, to như súc gỗ dài khoảng 2m. Cá bông gấm đi săn mồi thành bầy ngót chục con. Trâu bò bơi qua sông bị cá cắn lôi xuống sông. Còn người bơi hay tắm sông hoặc bị đắm tàu xuồng thì chúng lao tới xâu xé. Hồi đó, do bị cá ăn thịt hoài nên người ta đi tìm thầy trị, sau được một ông thầy ở miệt Kiên Giang chỉ cách dùng trái bí đao già luộc chung với dây thuốc cá rồi liệng xuống sông. Ruột bí đao giữ nhiệt lâu, cá sấu, cá mập nuốt phải, vừa bỏng ruột, vừa ngấm độc, chết. Cá bông gấm bu lại xâu xé xác cá cũng bị trúng độc chết theo.
“Riêng cá hô, mặc dù rất to, có khi nặng cả ngót 2 tạ, nhưng lại rất hiền, chỉ ăn rong rêu, tép cá. Đặc biệt là chúng rất mạnh. Một cú quẫy đuôi có thể làm nước chảy xoắn lại ào ào. Vì thế, các loài cá dữ chẳng con nào lại gần chúng được. Cá hô lạ lắm. Thấy nó lội đó nhưng không phải ngư dân nào quăng chài, bủa lưới là bắt được. Bởi thế, phải có cái duyên, và phải tuân theo “luật” riêng của ngư dân. Một trong những tục đó là người nào mới vào nghề, con cá hô đầu tiên bắt được dù lớn hay nhỏ phải khao cả xóm”, ông Sáu kể.
Ông Sáu cho biết, thời hoàng kim của nghề săn cá hô, chỉ riêng việc đầu tư lưới đã hết mấy cây vàng. Không phải ngư dân nào cũng có bạc sắm lưới cá hô được. Ông nói tiếp: “Nhưng nếu là tay sát cá thì chỉ cần một mùa bắt được 2 con là dư sức huề vốn. Một con cá bán xong mua được mấy cây vàng, một mùa bắt được vài con cá coi như có bạc triệu xài rủng rỉnh năm này qua năm kia. Còn nếu xui không bắt được con nào thì nợ chồng nợ, phải bán lưới trả nợ. Mà chuyện này lại hay xảy ra trên đất cù lao này. Lắm ngư dân thấy bắt cá hô tưởng dễ nên vay tiền, hỏi mượn vàng cây mua lưới. Tới ngày thả lưới, ruột gan héo hon khi lưới bên dính cá hô khổng lồ, còn lưới mình nhẹ tênh”.
21-56-09_nh_6
Cá bông lau đuôi vàng, một trong những loài cá đặc sản của sông Vàm Nao
Ông Sáu kể, con cá hô to nhất ông săn được cách đây hơn 30 năm, nặng 170kg. “Lần đó, vợ chồng tôi kéo lưới, thấy mặt nước phun bong bóng lên như nồi nước sôi lớn, rộng một khoảnh cả chục mét. Kéo lưới không nhúc nhích, vợ chồng tôi xanh mặt, tưởng bị “ông” quở phạt gì, giữ lưới lại, nên vội vàng khấn vái. Sau đó tiếp tục kéo thì được, nhưng quá nặng, phải gọi thêm mấy ghe bạn đến kéo phụ. Bất ngờ từ dưới nước vọt lên con cá hô lớn cỡ chiếc xuồng. Tôi la lên cho người ta tới tiếp ứng… cả tiếng sau mới không chế được con cá khủng. Lần đó, sau khi bán cá, gửi quà cáp cho những người phụ mình, còn để dành được 2 cây vàng”, ông Sáu kể.
Theo chân ngư dân Hồng Sơn ra sông Vàm Nao khi xóm chài đã lên đèn, mặt nước yên ả, lặng như tờ. Ánh đèn từ những ngôi nhà bên bờ hắt xuống mặt nước lung linh. Ngọn gió quất vào mặt mát lạnh. Anh Sơn bảo: “Mùa này nước yên lắm. Nhưng người ta bảo, vì cá khủng hết rồi nên sông cũng bớt sóng lớn”.
21-56-09_nh_7
Ngư dân Hồng Sơn và con cá mè Vinh mới câu được trên sông Vàm Nao
Bây giờ, Vàm Nao đã vắng bóng nhiều loài cá khủng như bông gấm, cá nược, cá mập, cá sấu, riêng cá hô vẫn còn, lâu lâu mới có người may mắn bắt được. Những tay “sát thủ” cá hô một thời như Sáu Viên, Hai Lý, Năm Thứ, Tư Hung, Bảy Thạnh… đã gác lưới cá hô.
Lão ngư Sáu Viên bảo, đã theo nghề săn cá hô là phải sống với loài cá này, nó như một lời nguyền. Còn nếu chán nản vì bắt không được cá mà bán lưới cá hô, mua lại lưới cá khác thì sẽ không đánh bắt được con nào. Vì lời nguyền đeo đẳng ấy mà nhiều ngư dân nhìn thấy bạn trong nghề giàu lên với nghề bắt cá hô nhưng không dám theo con cá khổng lồ vì sợ vướng lời nguyền.
KHƯƠNG HỒNG THỦY

Huyền thoại về đầm lầy nhiều cá sấu nhất Đông Nam Bộ


Thứ 7, 07/12/2013 | 12:15

Với điều kiện tự nhiên phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của loài cá sấu, Bàu Sấu từng được mệnh danh là vùng đầm lầy nguyên thủy có số lượng cá sấu "khủng" đến độ nhiều như muỗi. Cũng vì sức hấp dẫn của da và thịt cá sấu, cánh phường săn tìm mọi cách lùng sục làm cho cá sấu ở Bàu Sấu đến bờ vực tuyệt chủng.

Tuy nhiên, trong nỗ lực bảo tồn loài cá sấu đặc hữu của Việt Nam, các ban ngành liên quan đã triển khai chương trình phục hồi cá sấu nước ngọt tại khu vực Bàu Sấu. Sau hơn 10 năm đi vào thực hiện, Bàu Sấu đã trở thành mái nhà ấm cúng của những quần thể cá sấu.
Bắt cá sấu dễ như... bắt muỗi trong lu
Bàu Sấu nằm ở phía Nam của Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Đây là quê nhà của cá sấu nước ngọt (tức cá sấu xiêm) một loài cá sấu của Việt Nam tưởng chừng như đã tuyệt chủng trước đây. Để đến được Bàu Sấu chúng tôi xuất phát từ Trung tâm hành chính của Vườn quốc gia Cát Tiên trải qua 9km đường xe và cuốc bộ hơn 5km đường xuyên rừng. Bàu Sấu nằm lọt thỏm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, dưới sự quản lý trực tiếp của trạm kiểm lâm Bàu Sấu. Được biết, tên gọi Bàu Sấu được hình thành từ khi chưa có quyết định thành lập Vườn quốc gia Cát Tiên ngày nay. Đây là nơi có diện tích đất ngập nước lớn nhất Vườn quốc gia Cát Tiên với mặt bàu rộng hơn 2.500 ha vào mùa mưa. Song mùa hè mặt bàu chỉ 100-150 ha.
Việt Nam Xanh - Huyền thoại về đầm lầy nhiều cá sấu nhất Đông Nam Bộ
Nhiều người nước ngoài đến Bàu Sấu để tìm hiểu về nguồn gốc của cá sấu xiêm.
Khu vực Bàu Sấu không chỉ là ngôi nhà của cá sấu mà còn tập trung rất nhiều loài động thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Cũng như nhiều vùng đặc hữu khác của Vườn quốc gia Cát Tiên, Bàu Sấu nằm trong diện bảo tồn nên được quản lý và giám sát rất chặt chẽ. Điều tạo nên điểm khác biệt của vùng Bàu Sấu chính là cá sấu trú ngụ đông đúc ở những đám sình lầy. Cá Sấu hiện diện bất cứ nơi đâu trong Bàu Sấu, đó cũng chính là mối đe dọa của rất nhiều loài động thực vật đang sinh sống trong khu vực bàu. Vì thế, Bàu Sấu nghiễm nhiên trở thành lãnh địa mà cá sấu làm chủ hoàn toàn. Dẫu vậy, nhìn hình ảnh của những con sấu đang thong dong bơi lội trong bàu đã có nhiều người lầm tưởng chúng chính là "cư dân" gốc ở Bàu Sấu. Bởi, có rất ít người hiểu tường tận về nguồn gốc nguyên thủy của cá sấu ở Bàu Sấu.
Lý giải về điều những điều kỳ bí này, anh Trần Văn Quân, Trưởng trạm Kiểm lâm Bàu Sấu cho biết: "Cá sấu nước ngọt là loài phổ biến nhất vùng đất ngập nước ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Đã có một thời những đốm mắt cá sấu nhiều đến nỗi được ví như những ngôi sao trên bầu trời. Ban đêm, chiếu đèn pin xuống hồ, mắt cá sấu đỏ au như than hồng. Cả người dân lẫn chiến sỹ cách mạng đi ngang qua khu vực Bàu Sấu nhiều phen khiếp vía trước sự tấn công ngầm của loài cá sấu. Với đặc tính máu lạnh và khả năng săn mồi thượng đẳng, cá sấu đã lấy sự sống của nhiều loài động vật ở Bàu Sấu thậm chí chúng đã cướp mạng không ít người. Để đối phó với sự hung dữ của loài cá sấu, con người đã trả đũa bằng những cuộc săn bắt vô tội vạ, nên mới dẫn đến thực trạng cá sấu nước ngọt sinh sống tự nhiên đã bị tuyệt chủng".
Là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giớiTheo anh Trần Văn Quân, Trưởng trạm Kiểm lâm Bàu Sấu cho hay: "Bàu Sấu là nơi được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của các loài động thực vật thủy sinh, các loài sinh vật bán ngập nước, các loài chim nước, đặc biệt là cá sấu xiêm và các loài thú có móng vuốt. Ngày 04/08/2005, khu đất ngập mặn Bàu Sấu của Vườn quốc gia Cát Tiên được ban thư ký Công ước Ramsar tại Thụy Sỹ công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới. Bàu Sấu là khu đất ngập nước thứ 1.499 của thế giới đồng thời là khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam". 
Là người nhiều lần chứng kiến sự hung dữ, oai phong của cá sấu, già Điểu K'Lư (92 tuổi, ngụ xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai) chia sẻ: "Cá sấu ở vùng đầm lầy Bàu Sấu nhiều như muỗi trong khạp, trong lu vậy. Con người chỉ cần huơ tay xuống đầm là cá sấu lao đến ngay. Có người chưa bao giờ đặt chân đến Bàu Sấu đã mạo hiểm lội xuống bàu liền bị cá sấu quăng quật rồi kéo xuống bùn biến mất trong chốc lát. Bản làng người Mạ, S'Tiêng nằm ở Chiến khu Đ (trong chiến tranh, Vườn quốc gia Cát Tiên là một phần của căn cứ địa Chiến khu Đ) nên cộng đồng vẫn bắt cá sấu về xẻ thịt ăn. Sau này, nhận thấy cả thịt, xương lẫn da cá sấu đều có giá trị về kinh tế, một số người bất chấp mọi thủ đoạn truy lùng, săn bắt cá sấu khiến cho quần thể cá sấu giảm đi nhanh chóng. Cảnh vật xung quanh khu vực Bàu Sấu cũng bị tàn phá, xuống cấp trầm trọng".
Phục hồi bản năng hoang dã cho cá sấu thuần chủng
Căn cứ vào tài liệu của dự án bảo tồn Bàu Sấu cho thấy trước những năm 1975 cá sấu ở vùng đầm lầy Bàu Sấu đếm không xuể. Thế nhưng, đến năm 1987 chỉ còn sót lại vài cá thể. Và cá thể cuối cùng được nhìn thấy vào năm 1996, nhưng cũng bị một người thợ săn canh me bắt mất. Kể từ đó, khu vực Bàu Sấu không còn sự hiện hữu của cá Sấu nữa. Các nhà bảo tồn đành đau xót tuyên bố cá sấu ở Bàu Sấu chính thức tuyệt chủng. Tuy nhiên, nhận thấy khu vực Bàu Sấu thích hợp với sự phát triển của cá sấu. Dự án bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên đã phác thảo kế hoạch phục hồi cá sấu nước ngọt. Năm 2001, dự án đi vào thực tiễn dựa trên việc tìm kiếm nguồn cá sấu nước ngọt thuần chủng cùng họ với loài cá sấu đã tồn tại trong Bàu Sấu trước đây.
Theo tìm hiểu của PV, để đảm bảo về tính chuẩn cho cá sấu ở vùng Bàu Sấu, các nhà bảo tồn đã đưa tất cả những con cá sấu thu thập được gửi mẫu sang các trường đại học có uy tín ở Úc nhằm hỗ trợ việc phân tích mẫu gen di truyền. Việc làm này đảm bảo những cá thể cá sấu mang thả ở Bàu Sấu là những cá thể thuần chủng và có nguồn gốc tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Dự án bảo tồn cá sấu nước ngọt bắt đầu được tiến hành năm 2001, cho đến thời điểm này, Vườn quốc gia Cát Tiên đã trải qua 5 lần thả. Tổng cộng cả thảy thả được 60 cá sấu nước ngọt vào Bàu Sấu sau khi đã kiểm tra ADN, đảm bảo tính thuần chủng và được cho làm quen với không gian tự nhiên tại đây. Hơn 10 năm thực hiện, cá sấu đã phục hồi bản năng tự nhiên như săn mồi, ấp trứng. 
Việt Nam Xanh - Huyền thoại về đầm lầy nhiều cá sấu nhất Đông Nam Bộ (Hình 2).
Cá sấu ở Bàu Sấu.
 Bằng chứng của sự hồi sinh
Được biết, loài cá sấu được phục hồi tại khu vực Bàu Sấu là cá sấu nước ngọt (cá sấu xiêm) chúng có thân dài và mõm dài như cái kẹp. Hàm dưới có nhiều răng dài và nhọn, đuôi cao to khỏe, chân sau có màng ở lưng dạng hình chữ nhật. Cá sấu nước ngọt có thân hình màu xám, mặt bụng nhạt hơn phần lưng. Loài cá sấu xiêm có chiều dài trung bình từ 2,20-2,28m. Cá sấu thường chọn thức ăn là cá, cua, chim trời các thú nhỏ như chuột. Ở Việt Nam loài này thường sống ở hồ, sông, rạch những nơi có nước lặng, nước chảy chậm. Chúng còn thích sống ở vùng đầm lầy, xa các dòng nước chảy lớn. Điều đáng nói hơn loài cá sấu này là một trong những giống bị đe dọa nhiều nhất. Các tổ chức bảo tồn thế giới đã xếp loài này vào hàng nguy cơ tuyệt chủng cao..
Vào tháng 9/2005, các nhà bảo tồn đã phát hiện được cá thể cá sấu con ở khu vực Bàu Sấu. Đây là bằng chứng quan trọng để đánh giá sự thành công trong công tác bảo tồn. Vì cá sấu thường hoạt động mạnh vào ban đêm cho nên để theo dõi được đàn có sấu đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng, hằng đêm các cán bộ kiểm lâm Bàu Sấu thường xuyên dùng đèn pin lia từ bờ này sang bờ kia. Gặp ánh sáng chói lóa, những con mắt của cá sấu đỏ rực lên và nằm bất động trên mặt Bàu Sấu. Cũng vì những đặc điểm dễ nhận dạng này mà cánh phường săn thực hiện những chiêu trò dụ dỗ cá sấu vào tròng rất dễ dàng.   
Quyên Triệu

Nghiên cứu chứng minh huyền thoại cá sấu “săn mồi lúc ngủ” là có thực

Nghiên cứu chứng minh huyền thoại cá sấu “săn mồi lúc ngủ” là có thực
Một nghiên cứu mới đây cho thấy những tin đồn từ thời xa xưa về cá sấu đã trở thành sự thật.Những thổ dân Úc từ xa xưa đã lưu truyền một huyền thoại về cá sấu - đó là khả năng săn mồi ngay cả khi đang ngủ.
151023crocs01-6b852
Và đến nay, các nhà khoa học tại ĐH La Trobe (Úc) đã có thể chính thức xác nhận thông tin này. Cụ thể, cá sấu có khả năng "ngủ đơn bán cầu" - unihemispheric sleep - tức là chỉ có một bên bán cầu não dừng hoạt động khi ngủ, trong khi bán cầu còn lại vẫn hoạt động. Nói cách khác, khi ngủ chúng chỉ nhắm một mắt, mắt còn lại để quan sát xung quanh.

151023crocs7-55307
Trước kia, khả năng này xuất hiện ở nhiều loài chim và bò sát, thậm chí là một số loài động vật biển như cá heo và sư tử biển. 
Với khả năng ngủ đơn bán cầu, các loài chim có thể tự cảm nhận được nguy hiểm, hay cá heo vẫn tiếp tục bơi dù đang ngủ. Tuy nhiên, cho đến nay mới có các bằng chứng đầu tiên cho thấy khả năng này xuất hiện ở cá sấu.

151023crocs05-555a3
Cá heo là một trong những loài có khả năng "ngủ đơn bán cầu"

Để xác thực điều này, các nhà nghiên cứu đã quan sát những cá thể cá sấu nước mặn trong 24h, ghi lại lúc chúng ngủ và quan sát phản ứng của chúng khi con người xuất hiện trong quá trình đó. 

Kết quả cho thấy, cá sấu luôn có xu hướng ngủ mở một mắt khi có con người ở xung quanh. Ngay cả khi con người đã bỏ đi, chúng vẫn tiếp tục nhìn vào khoảng trống đã nhìn thấy con người từ trước đó.

151023crocs03-6b852

Lần đầu tiên khả năng ngủ "mắt nhắm mắt mở" được phát hiện trên cá sấu

Theo Michael Kelly - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Phát hiện này thực sự đáng chú ý khi có thể thay đổi quan niệm của chúng ta về sự tiến hóa của giấc ngủ. Những giấc ngủ vẫn được cho là "bình thường" có thể ẩn chứa nhiều hơn chúng ta nghĩ".

Bước tiếp theo của nghiên cứu này là xác thực lại một lần nữa việc cá sấu luôn ngủ như vậy. Để làm được điều này, Kelly cho biết sẽ ghi lại sóng não của cá sấu khi chúng đang ngủ. 
Theo Trí thức trẻ

Huyền thoại cá sấu Lacoste mừng 85 tuổi

Trong lãnh vực thời trang của Pháp, bạn có biết là cứ mỗi phút là có 30 sản phẩm hiệu Lacoste được bán ra trên thế giới. Doanh thu của công ty này hiện lên đến 2 tỷ đô la hàng năm (1,6 tỷ euro). Đằng sau thương hiệu mang hình con cá sấu, là cả một huyền thoại ra đời cách đây 85 năm.
Công ty thời trang y phục may sẵn Lacoste được chính thức thành lập vào năm 1933, nhưng thật ra logo cá sấu ra đời vào năm 1927. Vào thời đó, René Lacoste là tay vô địch quần vợt Pháp, từng đoạt 10 giải Grand Chelem. Cùng với ba đồng đội khác (Jean Borotra, Henri Cochet và Jacques Brugnon), René Lacoste đã 6 lần liên tục đoạt Cúp Davis từ năm 1927 cho đến 1932.
Làng thể thao thường mệnh danh êkíp này là 4 chàng Ngự lâm pháo thủ, bởi vì họ có phong cách thi đấu rất quý phái, tay múa vợt như hiệp sĩ khua kiếm. Nhưng trước khi chiến thắng vinh quang, đội Pháp thật ra đã nhiều lần nếm mùi thảm bại chua cay, vì trong nhiều năm trước đó, các tay vợt của Pháp đều phải nghiêng mình chịu thua hai đội Úc và Mỹ.
Mãi đến năm 1927, René Lacoste dẫn đầu đội Pháp tham gia thi đấu Cúp Davis. Do đã thua nhiều lần nên không ai tin rằng đội Pháp có hy vọng giành được thắng lợi. Một người bạn mới đánh cá với ông Lacoste rằng : nếu kỳ này đội Pháp thắng, thì ông sẽ được tặng một chiếc vali đắt tiền làm bằng da cá sấu. Rốt cuộc, đội Pháp chẳng những thắng trận mà còn giữ ngôi vị bá chủ sáu lần liên tiếp. Cũng từ năm 1927, mà ông René Lacoste được mệnh danh là Cá sấu. Mỗi lần xuất hiện trên sân quần vợt, ông René Lacoste thường mặc áo, có thêu trên ngực huy hiệu cá sấu màu xanh lá cây (huy hiệu này do một người bạn tên là Robert George thiết kế).
Cũng cần biết rằng, vào thời đó các tay vợt nam khi ra sân thi đấu, thường mặc quần tây và áo sơmi. Ông René Lacoste là người đầu tiên nghĩ đến việc mặc áo thun tay ngắn khi chơi thể thao. Ông cũng là người đầu tiên sáng chế ra chiếc vợt bằng sắt đầu tiên vào năm 1963 mà tay vợt Jimmy Connors rất yêu thích. Kết hợp với nhà kỹ nghệ André Gillier, chủ nhân của nhiều nhà máy chuyên về ngành dệt kim (tại thành phố Troyes), ông René Lacoste thành lập công ty mang tên mình, và cho ra đời kiểu áo polo đầu tiên được may bằng vải dệt lồng sợi.
Áo polo là một loại áo thun tay ngắn nhưng thay vì có cổ tròn, lại may với cổ sơmi. Thời nay, do có một gam áo quần may sẵn mang tên là Polo, cho nên nhiều người tưởng lầm rằng áo polo là do thương hiệu Mỹ Ralph Lauren sáng chế, nhưng thật ra cha đẻ của kiểu áo polo vẫn là ông René Lacoste. Sau đó các nhãn hiệu Âu Mỹ khác chỉ gợi hứng, sao chép hoặc bắt chước.
Kể từ những năm 1950 trở đi, Lacoste ngoài việc sản xuất áo polo cho ngành quần vợt, còn sản xuất thêm các loại áo khác cho các bộ môn thể thao như đánh golf và chèo thuyền. Ban đầu chỉ có màu trắng, áo cá sấu giờ đây có đủ loại màu sắc, cũng như rất nhiều dòng sản phẩm như giầy thể thao, nước hoa, đồ da, đồng hồ, kính râm, khăn tắm …
Từ đầu thập niên 1980, Lacoste được công nhận như một thương hiệu thời trang với tầm cỡ quốc tế. Hiện nay tập đoàn này có đến hơn ba ngàn cửa hiệu và địa điểm kinh doanh chính thức tại 112 quốc gia trên thế giới. Nhưng cũng như các nhãn mác có uy tín, Lacoste trở thành nạn nhân của sự thành công của chính mình, bởi vì hiệu này nằm trong danh sách 10 nhãn mác bị sao chép nhiều nhất tại châu Á.
Tuy doanh thu lên đến gần 2 tỷ đô la hàng năm, nhưng cho tới giờ Lacoste vẫn là một công ty gia đình, do các thế hệ con cháu của ông René Lacoste quản lý và nắm giữ. Cũng như hiệu thời trang Hermès của Pháp, hiệu Lacoste thường hay bị các tập đoàn lớn ve vãn, tìm cách mua lại cổ phần để nắm lấy quyền kiểm soát, nhưng các gia đình này vẫn tìm cách duy trì truyền thống cũng như bảo vệ các bí quyết gia truyền do cha ông để lại.
Trong những năm gần đây hơn, sự phổ biến của Lacoste ngày càng gia tăng trong nhiều tầng lớp khách hàng, do công ty này chuyên tuyển thêm các nhà thiết kế trẻ tuổi (tiêu biểu nhất là Christophe Lemaire và gần đây hơn nữa là Felipe Oliveira Baptista) để sáng tạo nhiều bộ sưu tập áo quần sportwear trẻ trung tươi tắn, với một tầm nhìn dự phóng hướng về tương lai nhưng vẫn duy trì được cái cốt cách làm nên uy tín của Lacoste.
Khi ông René Lacoste mặc chiếc áo đầu tiên có thêu con cá sấu màu xanh, có lẽ chính ông cũng không ngờ nổi là 85 năm sau, thương hiệu cá sấu lại hái ra bạc tỷ. Nhắc đến thành tựu sự nghiệp, người ta thường nghĩ đến địa vị, chức vụ, cũng như cái khoản tài sản cá nhân, để lại cho con cháu. Trong trường hợp của hiệu cá sấu, thì ban đầu là một tên riêng, nhưng nay Lacoste đã trở thành một danh từ chung. Đó mới chính là cây thước đo cho sự thành công tột bậc.

Chuyện 2 con cá sấu và sức mạnh thần kỳ của việc… không làm gì cả

Đối với nhiều người, sự bận rộn là một trong những thước đo của thành công. Tuy nhiên, câu chuyện về 2 con cá sấu dưới đây lại mang đến một góc nhìn hoàn toàn khác: Bạn sẽ thành công hơn khi… không làm gì cả. 
Chuyện 2 con cá sấu và sức mạnh thần kỳ của việc… không làm gì cả
Để thành công, đôi khi bạn không nhất thiết phải lao động luôn tay luôn chân mà còn phải biết… không làm gì nữa. Ảnh: Pinterest
Aytekin Tank là nhà sáng lập, CEO của JotForm – một công ty chuyên cung cấp nền tảng thiết kế biểu mẫu online có trụ sở tại San Francisco, Mỹ. Tính đến năm 2017, JotForm đã được sử dụng tại 196 quốc gia với số lượng người dùng vào khoảng 3,2 triệu. Ngoài công việc tại JotForm, Aytekin Tank còn là một cây bút với nhiều bài viết về cuộc sống, sự nghiệp, công nghệ v.v… cho nhiều tờ báo và tạp chí điện tử.
Dưới đây là bài viết của Tank trên trang Medium, kể câu chuyện thú vị về 2 con cá sấu cùng những kinh nghiệm sống và làm việc được chính anh đúc rút.
Chuyện 2 con cá sấu
Chuyện rằng, ngày nọ, có một con cá sấu già đang ung dung thả mình trôi theo dòng nước, sát bờ sông. Bỗng, một con cá sấu trẻ hơn bơi lại gần nó và nói: “Này, tôi nghe nói, ông là tay thợ săn khét tiếng nhất trong vùng. Vậy, ông có thể chỉ cho tôi cách săn mồi được không?”.
Bị tiếng của con cá sấu nhỏ đánh thức, con cá sấu già mở mắt, liếc nhìn kẻ vừa gọi nó dậy. Thế nhưng, con cá sấu già chẳng nói một lời mà chỉ im lặng rồi… ngủ tiếp. Tức giận và cảm thấy bị xem thường, con cá sấu trẻ đùng đùng bỏ đi săn, để lại làn nước sủi bọt đục ngầu sau đuôi. “Được lắm, tôi sẽ cho ông biết mặt”, nó nghĩ thầm.
Vài tiếng sau, nó quay trở lại và thấy con sấu già vẫn đang say giấc. Thế là, nó bắt đầu khoe khoang về chuyến đi săn thành công của mình: “Này, xem 2 con cá trê chắc nịch mà tôi bắt được đây này. Thế ông đã bắt được gì rồi? Ồ, không có gì hả? Tưởng sao, hoá ra ông cũng có đâu có khét tiếng cho lắm nhỉ?”.
Mắt nhắm mắt mở, con sấu già lần nữa nhìn kẻ đang vênh mặt lên với nó. Không nói một lời, nó khép mắt và tiếp tục thả mình trên dòng nước, trong khi đám cá lòng tong thản nhiên đớp tảo dưới bụng nó. Phẫn nộ vì không nhận được bất cứ lời đáp nào, con sấu trẻ lại bơi đi tìm thứ khác để săn. 
Sau vài tiếng quần thảo, nó quay lại, miệng đã ngậm một con cò nhỏ. Nhếch mép, nó tiến lại gần con cá sấu già, chắc mẩm bấy nhiêu là đủ để chứng minh cho lão biết ai mới là tay thợ săn thực thụ. Vô cùng khoái chí, nó bơi nhanh về phía con cá sấu già vẫn đang ở nguyên chỗ cũ. Tuy nhiên, lần này, có một con linh dương lớn đang cúi đầu uống nước rất gần chỗ của con sấu già. Nhanh như cắt, con sấu già phóng khỏi mặt nước, mở to miệng ngoạm chặt lấy cổ con linh dương, giật mạnh nó xuống làn nước đục ngầu và nhanh chóng kết liễu đời con vật xấu số. 
Sững sờ, con cò ở miệng con sấu trẻ rớt xuống, trong khi nó tròn mắt nhìn lão thợ săn cự phách của khúc sông thưởng thức bữa ăn hơn 200 kg của mình. Lúc này, giọng nó mới run run: “Ông… làm ơn… làm ơn chỉ cho tôi biết ông làm cách nào được như thế vậy”. 
Nuốt một miếng thịt linh dương khổng lồ, con sấu già cuối cùng cũng mở miệng đáp gọn lỏn: “Ta không làm gì cả”.
Làm những điều thực sự cần thiết hay làm luôn tay luôn chân
Khi mới khởi nghiệp với JotForm, tôi cũng giống như con cá sấu trẻ: Tin rằng bản thân lúc nào cũng phải làm việc luôn tay luôn chân mới có kết quả. Lúc ấy, nếu ai đó bảo rằng tôi sẽ đạt được kết quả tốt hơn nếu dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, để “không làm gì cả”, chắc tôi sẽ trợn tròn mắt rồi lại tiếp tục với lịch làm việc 16 tiếng một ngày của mình. Đã một thời tôi cho rằng, để thành công, bản thân phải liên tục làm việc, xây dựng và phát triển sản phẩm kế tiếp – bất chấp “sản phẩm” đó là gì đi nữa.
Thật vậy, dường như tất cả chúng ta đều bị ám ảnh ít nhiều với việc phải lao động cật lực, luôn tay luôn chân mới có thể chạm đến thành công. Thế nhưng, bận rộn và thành công lại là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Và, tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta biết ưu tiên cho việc “không làm gì cả”, chúng ta hoàn toàn có thể bắt được nhiều con linh dương to lớn hơn chỉ vài con cá trê như trong câu chuyện trên.
Song, quả thực, điều này nói thì dễ hơn làm, đặc biệt là trong bối cảnh của xã hội ngày nay. Từ những CEO của các tập đoàn lớn cho đến những nhân viên văn phòng bình thường, ai nấy đều đang hối hả trong guồng quay của sự bận rộn. Rồi, không biết kể từ khi nào, những người xung quanh chúng ta cũng vô hình chung nhìn nhận giá trị của một cá nhân dựa trên sự bận rộn thay vì chất lượng công việc của họ. Bằng cách này hay cách khác, hai chữ “bận rộn” đã trở thành tính từ được gắn liền với những người thành công và có địa vị trong xã hội.
Thế nhưng, không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều sẽ phải tự hỏi bản thân rằng: Sứ mệnh của chúng ta là gì? Là trở thành người bận rộn nhất, hay là trở thành người mang đến nhiều đóng góp nhất cho xã hội? Và, điều thú vị hơn cả là khi quan sát những bộ óc lỗi lạc nhất trên thế giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy ở họ một điểm chung: Tất cả đều thường xuyên dành thời gian để… không làm gì cả.
Sức mạnh của việc không làm gì cả
Việc dành ra một khoảng thời gian để nghỉ xả hơi và không làm gì cả có thể khá khó khăn, nhất là khi bạn liên tục bị “bỏ bom” với hàng loạt các cuộc họp, thông báo hay một danh sách nhiệm vụ dài dằng dặc. Song, trên thực tế, nhiều nhà sáng lập của các doanh nghiệp lớn – những người vốn vô cùng bận rộn – lại đã và đang bắt đầu đưa thời gian nghỉ ngơi vào lịch làm việc hằng năm của mình một cách thường xuyên hơn.
Họ gọi khoảng thời gian này là Think Week (Tuần lễ suy nghĩ). Được biết, Think Week thường kéo dài 1 tuần, là thời gian để đọc sách, suy nghĩ, tự vấn và thoát ly khỏi cuộc sống bí bách giữa 4 bức tường nơi công sở.
Mặc dù nhiều cái tên như nổi tiếng như Steve Jobs, Mark Zuckerberg hay Tim Ferriss đã áp dụng bí quyết này, chính tỷ phú Bill Gates mới là người khiến cho khái niệm Think Week được trở nên phổ biến. Trong suốt những năm điều hành Microsoft, cứ đều đặn 2 lần mỗi năm, Gates luôn dành thời gian cho Think Week – tuần lễ mà vị tỷ phú không làm gì cả. Không công việc, không nghỉ mát, chỉ đơn thuần đọc sách và suy nghĩ mà thôi.
Thậm chí, người đàn ông giàu thứ 2 thế giới còn quyết tâm thực hiện Think Week đến mức cả gia đình, bạn bè và nhân viên cũng không được phép can thiệp vào khoảng thời gian này. Ngày hôm nay, khi chia sẻ về những thành công của Microsoft, Gates cho biết phần lớn chúng đều đến từ những ý tưởng độc đáo loé lên trong thời gian ông không làm gì cả.
Hãy dành thời gian để không làm gì cả
Dĩ nhiên, bạn không nhất thiết phải cách ly bản thân khỏi gia đình và bạn bè để thực hiện Think Week một cách cứng nhắc như Bill Gates. Như tôi chẳng hạn: Hằng năm, tôi đều rời khỏi công ty ít nhất 1 tuần để về quê giúp bố mẹ thu hoạch ô liu. 
Tất cả mọi suy nghĩ như làm cách nào để startup tăng trưởng hay tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng là bao nhiêu đều sẽ đồng loạt tan biến khi bạn hái ô liu. Với tôi, đó vừa là một phương pháp thiền, vừa là cách để tịnh tâm. Và, cũng giống như Gates, bằng một cách thần kỳ nào đó mà những ý tưởng tốt nhất của tôi cũng thường xuất hiện trong khoảng thời gian không làm gì cả này.
Đối với những ai không thể dành hẳn 1 tuần mỗi năm để thoát ly hoàn toàn khỏi công việc, xin chia sẻ về một phương pháp khác, đó là: Tránh xa khỏi công nghệ! Vào thứ Bảy hay Chủ nhật hằng tuần, hãy cách ly bản thân khỏi mọi loại hình công nghệ. Hãy tắt điện thoại, giấu nó vào trong ngăn tủ. Tắt laptop và giấu nó dưới nệm. Hết sức hạn chế xem TV hay Netflix.
Hãy để cho não của bạn có không gian suy nghĩ bằng cách bước ra ngoài guồng quay bận rộn mỗi ngày. Bằng cách này, những ý tưởng mới sẽ lóe lên và bạn cũng sẽ có thêm thời gian để xử lý hay cải tiến những ý tưởng cũ. Và rồi, bạn sẽ nhận ra những kết quả đến từ phương pháp này rất giống với những gì mà con cá sấu già đã thực hiện trong câu chuyện kể trên. Đôi khi, điều tốt hơn cả đơn giản là nhắm mắt lại để “ung dung thả mình trôi theo dòng nước”. Hãy kiên nhẫn chờ đợi, rồi “con linh dương” của bạn cũng sẽ xuất hiện mà thôi.
Sưu tầm.

Huyền thoại đặc công rừng Sác: Đương đầu với thủy quái

Trong suốt những năm chiến tranh đã có 3 chiến sĩ đặc công bị “thủy quái” ăn thịt và vô vàn trường hợp khác bị thương bởi loài cá hung hãn này.
Nguy cơ bị cá sấu rình rập không xa lạ gì với những đặc công rừng Sác.Trong suốt những năm chiến tranh đã có 3 chiến sĩ đặc công bị “thủy quái” ăn thịt và vô vàn trường hợp khác bị thương bởi loài cá hung hãn này.

Thà chết để bảo vệ tài liệu

Đến giờ, Thiếu tướng Trần Thành Lập còn nhớ như in cái ngày mà đồng đội của mình, đặc công Nguyễn Hữu Nghĩa hy sinh dưới nanh vuốt của cá sấu: “Hôm đó địch vây dữ quá, ta không thể đi thuyền như mọi ngày để đưa tài liệu cơ yếu cho cấp trên. Đoàn 10 Đặc công rừng Sác cử 3 đồng chí mang tài liệu vượt sông. Họ cột dây vào nhau và cùng bơi qua sông Lòng Tàu. Khi ra giữa dòng, đặc công Nguyễn Hữu Nghĩa phát hiện có cá sấu tấn công, anh bình tĩnh giật dây cảnh báo cho hai đồng đội biết và cởi dây để hai đồng đội thoát nạn, còn lại mình anh chống chọi với con thủy quái.

Anh rút dao găm và súng ngắn ra chiến đấu, tuy nhiên súng ngắn dưới nước không thể sử dụng nên chỉ còn dao găm. Sau một hồi vật lộn, sức anh đuối dần, biết không thể thoát được, anh đã tháo thắt lưng cột chặt mớ tài liệu quan trọng cùng với bọc tiền, 10 súng ngắn và 10 dao găm thả trôi theo dòng nước không cho cá sấu làm hỏng. 3 tháng sau, anh em đi tuần mới vớt được bọc tài liệu, tiền cùng vũ khí còn nguyên vẹn mà Nghĩa để lại”.

 
Đói khát, bom đạn cày xéo, chất độc hủy diệt không đáng sợ bằng sự rình rập của lũ cá sấu với đặc công rừng Sác.
Đói khát, bom đạn cày xéo, chất độc hủy diệt không đáng sợ bằng
sự rình rập của lũ cá sấu với đặc công rừng Sác.
 


Hay như trường hợp của đồng chí Mười Móc, khi phát hiện cá sấu, anh buộc chiếc đèn bin vào bắp đùi, con cá sấu lao tới cắn vào cả thịt lẫn xương đùi anh. Nén đau anh dùng dao găm đâm vào hốc mắt cá, khiến cá phải thả “miếng mồi” để thoát thân, vậy là đồng chí Mười thoát khỏi thần chết.

Còn vô vàn trường hợp chiến sĩ ta phải chiến đấu với thuỷ quái chứ không chịu khuất phục. Các chiến sĩ đặc công đã dùng nhiều cách để tiêu diệt cá sấu như dùng súng bắn, trong đó có cách nhử rất hữu hiệu là cột bộc phá nhỏ dưới bụng vịt, khi thấy vịt bơi cá sấu lao vào cắn sẽ bị nổ tung.

Nữ đặc công rừng Sác


Sống ở rừng toàn nước mặn, với nam đã khó khăn huống hồ là nữ. Nước ngọt không có để tắm giặt, gội đầu nên da dẻ lở loét, tóc rụng nhiều…Vậy nhưng các nữ đặc công rừng Sác vẫn sát cánh với những chàng trai ngày đêm bám trụ.

“Cả Đoàn 10 có 43 chiến sĩ nữ, họ cũng bơi giỏi không thua gì nam. Vượt lên khó khăn gian khổ, các chị vẫn chiến đấu ngoan cường không chịu khuất phục trước mũi súng viên đạn của kẻ thù. Nhiều chị đã hy sinh anh dũng, quyết không khai báo.

Khi giặc vào càn, anh em rút hết, chị Nguyễn Thị Dung tình nguyện ở lại để giữ chân địch. Bị bắn gãy chân, chị vẫn hiên ngang, không nghe theo lời dụ dỗ của địch. Địch đã xả đạn bắn và chị đã hy sinh.

Hay chị Nguyễn Thị Mến, đã có 3 con, khi tập kết ra Bắc, chị gửi các con ở lại và tình nguyện vào Nam chiến đấu. Khi địch tràn vào trạm quân y rừng Sác, chị cõng một thương binh chạy trốn, nhưng bọn địch đuổi kịp và xả hàng loạt đạn vào chị. Dù gục ngã, nhưng trên vai chị vẫn cõng người thương binh. Trong chiếc ba lô của chị, đồng đội tìm thấy 3 chiếc gối đang đan dở để gửi cho các con ở ngoài Bắc. “Chị ra đi khi chưa kịp hoàn thành ước nguyện”, giọng vị Tướng già trầm lại.

 
Ngày nay, rừng Sác đã trở thành một địa điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch.
Ngày nay, rừng Sác đã trở thành một địa điểm du lịch thu hút nhiều
khách du lịch.
 


Những con số và nỗi niềm của vị tướng già

Trong 9 năm chiến đấu, Đoàn 10 đã tham gia đánh 595 trận lớn nhỏ, diệt 6.200 tên địch; đánh chìm, cháy gần 700 tàu thuyền chiến đấu và vận tải, bắn rơi 29 máy bay. Đặc biệt, trong 2 lần đánh kho bom thành Tuy Hạ, đã phá hủy trên 110.000 tấn bom đạn; đốt cháy kho xăng Nhà Bè thiêu trụi hàng trăm triệu lít xăng dầu của địch.

Để có những thành tích đó, Đoàn 10 đã hy sinh tới 896 cán bộ chiến sĩ đặc công. Với những chiến công đó, ngày 23/9/1973, Đoàn 10 Đặc công rừng Sác được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân đân (AHLLVT). Đoàn 10 còn được tặng 2 Huân chương Quân công hạng 2 và 12 Huân chương Quân công hạng 3 cùng vô số huân, huy chương khác. 6 cá nhân của Đoàn cũng vinh dự được nhận danh hiệu AHLLVTND, 9 cá nhân khác được phong tặng danh hiệu Hành động Anh hùng…

Không thể kể hết các chiến công của đặc công rừng Sác. Điều đọng lại trong tâm trí, làm day dứt người tướng già Trần Thành Lập đến hôm nay là nhiều đồng chí, đồng đội của ông mãi mãi nằm lại rừng Sác. Chiến tranh qua đi 35 năm, nhưng vẫn còn hàng trăm hài cốt đặc công Đoàn 10 chưa tìm lại được. Do rừng Sác là địa bàn sông nước, qua thời gian bị xói mòn làm địa hình thay đổi nên khó tìm lại mộ các anh, chị. Giờ đây tại nghĩa trang của huyện Cần Giờ vẫn có những tấm bia mộ tưởng nhớ các anh, chị; mong các anh, chị được ấm lòng nơi chín suối.

Chia tay vị tướng già, cũng như ông, chúng tôi thầm mong mỏi một ngày nào đó, hài cốt của các chiến sĩ đặc công rừng Sác sẽ được đoàn tụ với gia đình.

(Theo VOV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét