CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 261
(ĐC sưu tầm trên NET)
Chuyên
án được thực hiện hết sức bí mật, cho đến ngày 4/4/1959, khi TAND thành
phố Hà Nội đưa mười bị can ra xét xử công khai thì bọn chỉ huy tình báo
ở Sài Gòn mới biết tổ chức gián điệp do Trần Minh Châu (tức Cập) cầm
đầu mà chúng dựng lên đã bị xóa sổ. Chuyên án C30 kết thúc, góp phần
củng cố, phát triển kinh tế miền Bắc, làm thất bại âm mưu mở rộng chiến
tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. C30 là một chiến dịch phản gián,
đánh dấu mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng an ninh Việt Nam.
Đặc
biệt nhất là những tấm ảnh chụp một nhóm kỹ thuật viên sửa chữa đường
dây. Họ dùng hai chiếc thang bằng tre chụm vào nhau theo hình chữ V
ngược rồi một người trèo lên, còn vài người giữ thăng bằng ở phía dưới.
Một
chiếc trực thăng bay ở chế độ bay treo - nghĩa là đứng yên một chỗ ngay
trên cột điện thoại, thả kỹ thuật viên xuống bằng thang dây, lắp đặt
thiết bị nghe lén rồi lại bay lên ngay xem ra khả thi.
Cuộc đấu tranh triệt phá “PHẢN ĐỘNG" gay cấn nhất lịch sử Việt Nam
Đại tá Tống Xuân Nhuận sinh ra ở vùng quê nghèo tỉnh Thanh Hóa. Hơn 50
năm đấu tranh cách mạng ông từng trải qua nhiều vị trí quan trọng của
ngành công an. Được nhân dân và đồng đội trân trọng bởi là người kiên
trung luôn hết mình với công việc có nhiều cống hiến xuất sắc vào công
tác đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự của đất nước. Trong sự nghiệp của
mình ông ghi dấu ấn với rất nhiều chiến công mà tiêu biểu nhất là cuộc
chiến tranh chống phản động Đảng cách mạng quốc gia Việt Nam do tên
Lường Mạnh Huân cầm đầu. Vào giai đoạn này Đại tá Tống Xuân Nhuận trực
tiết là người tham gia đấu tranh trinh sát nằm gai nếm mật cùng anh em
đồng đội phá án.
'Chuyên án thế kỷ' của lực lượng an ninh
(Pháp luật) - Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua song chuyên án C30 mãi là bài học cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Trước một cơ quan tình báo có tiềm lực và dạn dày kinh nghiệm nhất của thế kỷ 20, lực lượng an ninh Việt Nam đã bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp cài lại, làm thất bại âm mưu hậu chiến của địch.
Một chiến dịch phản gián
Nhắc
đến chuyên án C30, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ
trưởng Bộ Công an Trần Đông, cho biết đó là cuộc đấu trí của lực lượng
an ninh nhân dân với bọn phản động từ những năm 1950, khi ấy ông là Phó
ban chuyên án (mảng Hải Phòng). Đây là một chiến dịch phản gián, bởi
chuyên án lớn, lại diễn ra trong một thời gian dài tại ba địa bàn trọng
điểm gồm Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Ta huy động lực lượng, sử dụng
đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Ngày đó, những cán bộ chiến sĩ có phẩm
chất cách mạng, bản lĩnh và trình độ chiến đấu, đã sớm được điều vào nội
thành. Một số đồng chí được phái vào các tổ chức cấp cao của địch ở
miền Nam. Ngay từ tháng 8/1954, lực lượng an ninh Việt Nam đã phát hiện
tình báo Mỹ tuyển người đi đào tạo điệp viên rồi tung trở lại miền Bắc,
nhằm thực hiện âm mưu hậu chiến lâu dài. Suốt hơn bốn năm, Ban chuyên án
đã sử dụng số điệp viên và phương tiện của địch, khéo léo điều khiển
trung tâm chỉ huy gián điệp tại Sài Gòn mà địch không hề biết. Ngày
11/11/1958, lực lượng an ninh Việt Nam đồng loạt phá án, bắt 12 đối
tượng chủ chốt, khai quật tám kho vũ khí và điện đài, thu hồi hàng trăm
quả mìn được ngụy trang dưới dạng các bánh than chạy đầu máy xe lửa mà
chúng trà trộn vào ga Hải Phòng định gây nổ.
Ga Hải Phòng, nơi bọn gián điệp đặt mìn hòng phá hoại. |
Dùng dinh cơ lót ổ địch, tấm lòng cao cả của một người dân Hà Nội
Người
có tấm lòng vàng, trở thành cơ sở bí mật của Công an Hà Nội thời kỳ ấy
là ông Lê Hưng, ở số 54 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một thương gia
làm nghề bán lụa tơ tằm. Năm 1945, tham gia giành chính quyền ở huyện
Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, sau đó công tác trong ủy ban cách mạng lâm thời
huyện được một thời gian thì ông Hưng bị địch bắt, nhưng vì không có căn
cứ nên được trả tự do. Thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội, gia đình ông mở
cửa hàng buôn bán tơ lụa tại số 54 Hàng Đào. Làm ăn giữ được chữ “tín”
nên cửa hàng của người thương gia cách mạng nhanh phát đạt. Ông quan hệ
rộng với tầng lớp trung lưu và được giới tiểu thương kính trọng. Tại Hà
Nội, tình cờ ông Lê Hưng gặp lại một người bạn cũ tên là Trang giác ngộ,
từ đây ông càng tích cực tham gia kháng chiến. Ông tâm sự: “Tôi thấy
đất nước bị đô hộ, ai cũng muốn đánh đuổi giặc Pháp, giành tự do độc
lập. Nhiều đồng chí đã hy sinh thân mình, thì với tôi, tiền tài cũng
không bằng tự do độc lập cho đất nước, dù gian nan, hy sinh, tôi cũng đi
theo cách mạng đến cùng”. Đến năm 1952, qua đồng chí Lê Toàn, tổ trưởng
trinh sát nội thành Hà Nội vận động, người thương gia yêu nước đã trở
thành cơ sở bí mật của Công an Hà Nội. Ông còn tình nguyện sử dụng ngôi
nhà 54 Hàng Đào làm địa điểm liên lạc của cán bộ. Sau này, khi đấu tranh
chuyên án C30, lực lượng an ninh đã “lót ổ” sẵn để địch chọn làm hộp
thư và địa điểm liên lạc của đường dây gián điệp. Khôn khéo hoạt động,
thương gia Lê Hưng không những che mắt được gián điệp Mỹ, mà ông còn
được chúng chọn làm nhiệm vụ mở tuyến liên lạc và tiếp tế bằng con đường
mới từ Hải Phòng qua Hồng Kông về Sài Gòn. Thông qua vỏ bọc buôn bán
quốc tế mà chúng cho là bí mật và an toàn nhất, người thương gia Hà
thành có tấm lòng cao cả đã góp phần đặc biệt quan trọng để lực lượng an
ninh Việt Nam nắm chắc âm mưu của địch, đấu tranh thành công với tổ
chức tình báo Mỹ trong chuyên án C30.
Người chiến sỹ hai thập niên sống trong hang ổ địch
Đó
là câu chuyện về người cán bộ an ninh Đỗ Văn Kha. Ông từng hoạt động ở
nội thành Hà Nội trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau
Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông
Dương, ông Đỗ Văn Kha được ngành công an phái vào một tổ chức gián điệp
do Mỹ cài lại sau khi miền Bắc giải phóng. Ngay từ những ngày đầu, ông
hóa trang, bám chắc các phần tử địch rồi nhanh chóng trở thành nhân vật
tin cậy của đường dây và bộ máy chỉ huy tại miền Nam. Năm 1956, tổ chức
nhất trí cho ông vào trung tâm chỉ huy tình báo địch tại Sài Gòn theo
yêu cầu của chúng và mang bí số T31. Tại đây, ông nhận chỉ thị cho đường
dây điệp viên Mỹ cài lại ở miền Bắc. Những thông tin tối mật chỉ đạo từ
trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn mà ông Kha nắm được đã báo cáo tổ chức và
chuyển hóa thành thành sự điều chỉnh hoạt động của cả đường dây gián
điệp địch. Tháng 8-1957, trung tâm chỉ huy tình báo của địch tại Sài Gòn
lại yêu cầu T31 vào. Ông linh cảm chuyến đi này lành ít dữ nhiều, bởi
trước đó, hai cán bộ của ta đã không qua nổi máy phát hiện nói dối của
địch. Quả nhiên, khi vừa qua sông Bến Hải, ông đã bị tình báo Mỹ tại Sài
Gòn bắt cóc trước khi chính quyền Ngô Đình Diệm đón tiếp. Sau đó địch
“biệt giam” ông tại Đà Lạt ba năm với lý do “chiến sự đang khốc liệt,
phải tạm lánh”. Thời gian này, ông đã phải bền gan trải qua những ngày
tháng đấu tranh cân não trước biện pháp thử thách xảo quyệt và phương
tiện kiểm tra tối tân nhất của Hoa Kỳ. Ông Kha kể lại: “Địch dùng điện
tâm đồ và máy chống nói dối kiểm tra, chỉ run một tí là chúng biết ngay.
Cứ ba đến năm câu hỏi, bọn chỉ huy tình báo lại đột nhiên lồng vào một
câu “thòng” rất ngoắc ngoéo để đánh lừa đối tượng được hỏi. Kinh nghiệm,
sự hiểu biết mà tổ chức trang bị trước, đặc biệt sự bình tĩnh, thông
minh và ngoan cường đã giúp ông chiến thắng. Sau khi TAND thành phố Hà
Nội xét xử công khai mười bị can trong đường dây gián điệp do Trần Minh
Châu cầm đầu, địch đưa ông Đỗ Văn Kha ra Côn Đảo. Do năng khiếu ứng xử,
ông được tỉnh trưởng Côn Đảo kính nể. Chúng lầm tưởng ông là người của
Trần Kim Tuyến (chỉ huy tình báo của chính quyền Ngô Đình Diệm), được
đưa ra giám sát mọi hoạt động ở Côn Đảo, nên đã bố trí ông làm công việc
phân phối nhu yếu phẩm cho binh sĩ ngụy. Từ vị trí này, trinh sát T31
tiếp tục phát huy thanh thế và đi sâu quan hệ với các sĩ quan. Chỉ một
thời gian ngắn, ông quen hết 2.400 binh sĩ cùng gia đình vợ con họ trên
đảo. Không đám hiếu, đám hỷ nào mà ông không được mời, qua đó nắm rất
nhiều thông tin quan trọng, giúp đỡ được anh em tù chính trị của ta bảo
vệ lực lượng. Trong những năm sống tại Côn Đảo, ông Đỗ Văn Kha còn xây
dựng được những cơ sở giữ chức vụ quan trọng trong Ban giám thị trại và
tranh thủ được linh mục Phạm Gia Thụy. Chính vì vậy, khi Tổng thống
Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng ngày 30-4-1975, ông đã
tìm được nơi biệt giam trung tá tình báo Lê Câu. Ông đã cùng linh mục
Thụy tập hợp dân chúng trên đảo, giữ ổn định an ninh trật tự, mở cửa
trại giam cho anh em tù chính trị, cùng đồng chí Lê Câu và một số cán
bộ, tổ chức lãnh đạo giải phóng Côn Đảo. Cuối năm 1975, thiếu tá an ninh
Đỗ Văn Kha được trở về quê hương sau hai thập kỷ xa cách và âm thầm
chiến đấu trong sào huyệt tình báo Hoa Kỳ tại miền Nam. Với cống hiến to
lớn, năm 2001, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công
hạng Nhất.
Và cuộc truy tìm những quả mìn than
Giữa
lúc người dân Hải Phòng phấn khởi lao động sản xuất, hàn gắn vết thương
chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới sau ngày giải phóng, thì lực
lượng an ninh Hải Phòng bước vào cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng hết sức
căng thẳng, quyết liệt trong chuyên án C30. Ông Nguyễn Văn Điệp, nguyên
Đội trưởng Đội trinh sát ngoại tuyến thành phố, một trong những cán bộ
Ban chuyên án kể lại: Tin tình báo cho biết, địch cất giấu vũ khí, điện
đài tại bốn điểm ở Hải Phòng để chờ thời cơ gây bạo loạn, đón Mỹ ngụy từ
miền Nam ra”. Bên cạnh đó, chúng còn dùng “mìn than” để phá hoại đầu
máy xe lửa, phá hoại Cảng Hải Phòng, gây tiếng nổ làm mất ổn định an
ninh trật tự thành phố.
Nhiệm vụ lúc này đè nặng
lên vai 29 trinh sát ngoại tuyến và ba trinh sát nội tuyến được giao
phối hợp. Dưới sự chỉ đạo của Ban chuyên án, rất nhiều biện pháp nghiệp
vụ đã được thực hiện, nhằm tìm cho ra các điểm cất giấu vũ khí, điện đài
song nóng nhất là phải làm sao nhanh chóng phát hiện nơi gài “mìn
than”. Sau nhiều ngày đêm trinh sát, lực lượng an ninh đã phát hiện được
khu vực chôn cất vũ khí và cài mìn, thì một khó khăn đặt ra là phải
kiểm tra, thu hồi thế nào để vừa đảm bảo bí mật cho chuyên án, đồng thời
ngăn chặn kịp thời bàn tay tội ác của địch. Tại các địa điểm ngõ Thanh
Quan đường Cát Dài và trên đường Nguyễn Đức Cảnh (ngày nay), bằng trí
thông minh, trinh sát của ta đã bí mật khai quật được nhiều kho vũ khí,
điện đài và cảm hóa thành công hai đối tượng, sử dụng chúng phục vụ cho
chuyên án C30, mà các tên cầm đầu như Trần Minh Châu (tức Cập) và Bùi
Văn Tiềm không hề hay biết. Hàng trăm quả mìn địch chế tạo nặng 3kg,
trông như viên than chạy đầu máy xe lửa, đã được trinh sát tháo gỡ, kịp
thời đảm bảo cho những đoàn tàu rời ga an toàn, bảo vệ thành phố cảng
mới giải phóng bình yên.
CIA và điệp vụ nghe lén điện thoại tại Nghệ An năm 1972
Trong
cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, miền Bắc vẫn là mục tiêu tối quan
trọng đối với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Để theo dõi mọi động
thái quân sự, chính trị, ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng
hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), dưới đất họ tung ra
miền Bắc hàng chục toán biệt kích, ngoài biển là lớp lớp tàu trinh sát
thuộc Hạm đội 7, còn trên trời là máy bay do thám U2.
1.
Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tin tức về miền Bắc Việt
Nam do các cơ quan tình báo Mỹ như tình báo Lục quân, Hải quân, Không
quân, CIA, NSA… thu được rất ít ỏi. Một phần vì quân dân miền Bắc không
ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác.
Mặt
khác, các nhà lãnh đạo Hà Nội hạn chế sử dụng sóng vô tuyến trong thông
tin liên lạc đến mức tối đa vì họ biết hệ thống trinh sát điện tử của
người Mỹ đặt tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, các trạm thu tin trên đất Lào
và các tàu mã thám thuộc hạm đội 7 thường xuyên lảng vảng ở ngoài khơi
vịnh Bắc Bộ có thể dễ dàng bắt được tần số của các sóng này, và đội ngũ
chuyên viên giải mã của Mỹ đều là những người giỏi.
Vì
vậy, phần lớn mệnh lệnh chỉ huy chiến đấu của Quân đội nhân dân, của
Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đều thông qua mạng lưới điện thoại
hữu tuyến.
Điều
này có cái bất lợi là phải rải dây - lắm khi dài cả trăm kilômét, xuyên
qua đèo cao, dốc thẳm, rừng già…, đồng thời phải thường xuyên túc trực
một đội quân vừa đề phòng biệt kích phá hoại, vừa làm nhiệm vụ bảo trì,
sửa chữa, thay thế nếu chẳng may nó bị đứt hoặc hở mạch.
Chiếc trực thăng Hughes 500 số hiệu N351X tại căn cứ PS-44, Pakse, Lào trước ngày xâm nhập tỉnh Nghệ An.
|
Tuy
nhiên, ưu điểm do đường dây hữu tuyến mang lại là đối phương khó có thể
nghe lén vì nếu muốn nghe lén, người Mỹ phải cử kỹ thuật viên đến tận
nơi, sờ tận tay nhưng đó là chuyện không tưởng, chưa kể khi bộc lộ phần
lõi bằng đồng hoặc bằng kim loại khác bên trong sợi dây để kết nối thiết
bị nghe lén, nó sẽ tạo ra nhiễu - dù chỉ một thời gian rất ngắn nhưng
vẫn có thể khiến người trực tổng đài nghi ngờ.
2.
Đầu tháng 2/1971, trong một phi vụ do thám trên bầu trời miền Bắc Việt
Nam, máy bay U2 đã chụp một loạt ảnh tại một khu vực cách thành phố
Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 46km về phía tây nam.
Phân
tích những bức ảnh này, chuyên viên không ảnh ở căn cứ Clark,
Philippines nhận thấy có một đường dây điện thoại được mắc trên những
thanh ngang, đóng vào những cây cột bằng gỗ cao khoảng 4m, nhìn như
những cây thập giá.
Cạnh
đó là một con đường đất nhỏ, có lẽ dành cho xe đạp chạy song song với
những cột điện thoại. Đường dây ấy kéo dài đến gần con sông Lam rồi đi
lên một sườn núi.
Đến
đoạn này, con đường đất kết thúc, có lẽ do địa hình quá dốc đối với xe
đạp, còn những cột điện thoại thì tiếp tục đi sâu vào trong núi. Tại
đây, có một căn nhà nhỏ, xây bằng gạch không tô, nằm ẩn khuất dưới những
tán lá. Và do rừng quá rậm rạp nên những bức ảnh không cho biết đường
dây điện thoại ấy còn kéo dài đến đâu.
Từ
lâu, CIA đã biết Nghệ An là một trong những điểm tập kết người, vũ khí
cùng hàng tiếp liệu chi viện cho chiến trường miền Nam bằng cách qua Lào
rồi đi vào một tỉnh nằm ở bắc Tây Nguyên là Kon Tum.
Trong
hồ sơ "Im lặng số 1 - Những bí mật của cuộc chiến Việt Nam - Quiet One -
The Secrets in Vietnam War", báo cáo của sĩ quan do thám điện tử
McTunler gửi Lầu Năm Góc đã viết: "Đây chắc chắn là hệ thống thông tin
liên lạc, chỉ đạo những cuộc hành quân sang Lào và đây cũng là địa điểm
lý tưởng để đặt thiết bị nghe lén".
Liên tục trong suốt tháng 2, máy bay do thám U2 chụp thêm hàng trăm tấm ảnh về đường dây điện thoại.
Qua
phân tích, các chuyên viên không ảnh nhận thấy việc tuần tra bảo vệ
không tuân theo quy luật nào. Có khi là hai người đàn ông trên một chiếc
xe đạp, vai đeo súng trường CKC, sáng sớm chạy đến cạnh con sông Lam
thì dừng lại, ở đó khoảng nửa tiếng rồi quay về. Cũng có khi một tốp vài
người có vũ trang, từ căn nhà trên sườn núi đi bộ xuống vào buổi chiều.
Biệt kích Lào thực tập lắp đặt thiết bị nghe lén.
|
Các
bức ảnh cho thấy những đoạn dây cần sửa chữa đều nằm ở giữa hai cột, bị
đứt do nhánh cây rừng rơi xuống hoặc do lâu ngày, dưới tác động của sức
nóng mặt trời, lớp nhựa bọc dây lão hóa, bong tróc ra. Khi gió thổi
mạnh, hai sợi dây thỉnh thoảng lại chập vào nhau gây đoản mạch.
Thời
điểm này, Ngoại trưởng Mỹ là Henry Kissinger đã có những cuộc gặp riêng
với đại diện Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Cố vấn đặc biệt Lê
Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy nên Tổng thống Richard Nixon cũng như Lầu
Năm Góc và CIA rất muốn biết các động thái của Quân Giải phóng trên
chiến trường miền Nam Việt Nam, nhất là nếu Hiệp định Paris được ký kết.
Vì vậy, việc nghe lén điện thoại lại càng thêm cấp thiết.
Theo
chuyên gia phân tích của CIA là Dustin Kane thì: "Biết trước được những
hành động của đối phương sẽ giúp chúng ta có lợi thế hơn nếu cần phải
đánh phủ đầu, cũng như trong đàm phán".
Đến
tháng 4/1971, một kế hoạch đã được CIA lập ra. Đó là một tấm pin mặt
trời đường kính chỉ 10cm sẽ được lắp vào một đỉnh cột điện thoại để cung
cấp năng lượng cho một máy thu, phát sóng cũng chỉ nhỏ bằng nửa bao
thuốc lá đặt kế bên. Tất cả đều ngụy trang cho giống với màu sắc cây cột
và nếu chỉ nhìn lướt qua, rất khó phát hiện.
Do
máy thu, phát sóng nhỏ, công suất yếu, CIA sẽ thiết lập một trạm khuếch
đại tín hiệu trên đất Lào rồi từ trạm này, những cuộc đàm thoại nghe
lén được sẽ chuyển tiếp về Thái Lan.
Vẫn
theo sĩ quan do thám điện tử McTunler: "Kế hoạch hoàn hảo đến nỗi chúng
tôi tưởng như việc đặt thiết bị nghe lén sẽ chẳng gặp một trở ngại gì,
giống như bạn leo lên nóc nhà mình để dựng một ăng ten thu tín hiệu
truyền hình vậy".
Tuy
nhiên, làm thế nào để có thể đặt thiết bị nghe lén một cách an toàn,
không bị phát hiện? Rút kinh nghiệm những toán biệt kích gửi ra Bắc đều
bị bắt hoặc sau khi nhảy xuống đất, mọi liên lạc với trung tâm chỉ huy ở
Sài Gòn cũng im luôn nên phương án sử dụng kỹ thuật viên từ lãnh thổ
Lào, vượt biên giới bí mật tiếp cận với đường dây điện thoại bị bác ngay
từ đầu.
Với
phương án một cuộc đột kích chớp nhoáng, bắt cóc một hay vài người dân ở
những khu vực xung quanh rồi mua chuộc và huấn luyện họ cách thức cài
đặt thiết bị nghe lén cũng bị xem là ảo tưởng bởi lẽ cuộc đột kích ấy
chắc chắn không thể giữ bí mật được lâu khi gia đình của những người bị
bắt cóc không thấy chồng, cha, anh, họ về, mà thời gian để mua chuộc, dụ
dỗ, huấn luyện lại không chỉ một ngày một bữa.
Sau
nhiều cuộc họp bàn bạc, tranh luận dựa trên những dữ kiện do nhóm
chuyên viên phân tích không ảnh cung cấp, những người đứng đầu CIA chọn
phương án tiếp cận đường dây điện thoại bằng trực thăng.
Một bức không ảnh do máy bay U2 chụp con đường đất và các cột điện thoại ở Nghệ An.
|
Tuy
nhiên, với những loại trực thăng của Hãng Hàng không Mỹ (Air America) -
là hãng hàng không có vỏ bọc dân sự, hoạt động dưới sự chỉ huy trực
tiếp của CIA - có thể thực hiện phương án này là Bell 205, H 34, UH thì
tiếng ồn do động cơ gây ra quá lớn, ai cũng nghe được trong phạm vi bán
kính đến vài kilômét.
Cuối
cùng, CIA quyết định chọn loại trực thăng OH6A - Loach để tiến hành
việc nghe lén, và kế hoạch nghe lén mang mật danh là "Chính lộ - Main
Street".
3.
Được Hãng Hughes, Mỹ, chế tạo, trực thăng OH6 có thể đảm nhiệm các chức
năng tấn công, hộ vệ và trinh sát. Nó được trang bị động cơ Allison
T68-A5A công suất 317 mã lực, trọng lượng rỗng là 696kg, tải trọng tối
đa 1.610kg. OH6 có thể bay với vận tốc 282km/giờ và hoạt động trong phạm
vi 430km.
Được
vũ trang bằng 2 súng máy M60 hoặc 1 đại liên minigun 6 nòng, hoặc 2 đại
liên 12,7mm cùng 14 quả rốckét 70mm Hydra và 4 tên lửa chống tăng TOW
hay tên lửa Hellfire nên vì thế, OH6 có hỏa lực khá mạnh. Hơn nữa, nó
còn được lắp đặt một thiết bị "phun lưới bắt người".
Nếu
phát hiện 1 hoặc 2 người đang di chuyển trên một địa hình trống trải và
nếu nghi ngờ đó là du kích, phi công sẽ cho máy bay sà sát xuống rồi
bấm nút phun lưới.
Tấm
lưới làm bằng sợi kelva mảnh như sợi chỉ nhưng sẽ thít chặt vào thân
thể người bị bắt, càng giãy giụa nó càng thít chặt hơn, thậm chí cứa đứt
da. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng người dân gọi OH6 là trực
thăng "cán gáo" bởi lẽ hình dạng nó giống một quả trứng với cái đuôi
mỏng manh, nhìn y như cái gáo múc nước.
Khi
đưa vào sử dụng tại chiến trường miền Nam Việt Nam, người Mỹ đã cho in
những tờ truyền đơn bằng tiếng Việt, rải xuống những vùng giải phóng,
tuyên truyền rằng OH6 có thể "bay thụt lùi rồi dùng cánh quạt đuôi quậy
nát những vách nhà bằng tranh hoặc lá dừa nước để phát hiện du kích Việt
Cộng ẩn náu bên trong".
Tuy
nhiên, đó là chuyện thổi phồng nhằm tạo ra hoang mang tâm lý bởi lẽ bay
thụt lùi thì được, nhưng cánh quạt đuôi nếu chém vào những thân tre
dùng làm cột nhà sẽ bị cong, thậm chí còn có thể gãy. Khi ấy, việc triệt
tiêu mô men xoắn do cánh quạt chính tạo ra sẽ mất, và trực trăng sẽ
xoáy trôn ốc trước khi cắm đầu xuống đất.
Trở
lại chuyện xâm nhập tỉnh Nghệ An, thời điểm ấy Air America đang sở hữu 2
chiếc trực thăng OH6, nhưng là phiên bản dành cho dân sự, không vũ
trang, được định danh là Hughes 500.
Khi
quyết định chọn loại máy bay OH6 làm con át chủ bài cho việc cài đặt
thiết bị nghe lén điện thoại, CIA lấy cả hai chiếc Hughes 500 của Air
America rồi chuyển cho Hãng Hughes, cấp cho họ 200 nghìn USD, yêu cầu họ
làm thế nào để giảm bớt đến mức tối đa tiếng ồn do động cơ gây nên.
Suốt
3 tháng làm việc cật lực, bộ phận chuyên gia của Hughes đã thành công
bằng cách thay đổi cấu trúc của cánh quạt, từ 2 lá tăng lên 4 lá, đồng
thời lắp đặt thêm một bánh răng có tác dụng làm giảm vận tốc quay của
cánh quạt đuôi, bố trí thêm một thùng xăng phụ trong khoang hành khách
để kéo dài thời gian hoạt động, ống xả cũng được kéo dài về phía sau với
những vách ngăn "lá sách" nhằm giảm tiếng ồn. Sau khi hoàn thành, chiếc
Hughes 500 được đặt tên là "Im lặng số 1 - Quiet One".
Tiến
hành bay thử, Hãng Hughes chọn một khu ngoại ô giàu có ở thành phố Los
Angeles, nơi cư dân không ngớt than phiền về những tiếng động ầm ĩ của
trực thăng cảnh sát tuần tra, bay ở độ cao thấp.
Kết
quả ngoạn mục đến nỗi trong suốt 7 ngày kể từ lúc tiến hành bay thử,
người dân ở khu ngoại ô này đã hỏi nhau, rằng không biết ngân sách thành
phố có cắt giảm tiền xăng cho trực thăng tuần tra hay không mà cả tuần
lễ chẳng thấy bóng dáng một chiếc nào…
Theo Cao Trí (An Ninh Thế Giới)
Bí mật vụ án gián điệp biệt kích "K50" ở Hà Tĩnh năm 1967-1971 - Bài 1: Sự ra đời của những toán biệt kích
Thứ Sáu, 24/03/2017, 11:44 [GMT+7]
Toán biệt kích Hadley nhảy từ trực thăng không cờ hiệu, không số hiệu xuống Hà Tĩnh. |
Năm 1959, sau khi đã thanh toán xong các giáo phái chống đối ở miền Nam Việt Nam, đồng thời ban hành Luật 10/59, “đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, chính quyền Diệm, Nhu dưới sự gợi ý của người Mỹ, đã xây dựng hoàn chỉnh một cơ quan đặc biệt, được thành lập từ năm 1956, núp dưới cái tên rất hiền lành: “Sở Khai thác địa hình”. Thực chất, đây là một đơn vị tình báo tác chiến trực thuộc Phủ Tổng thống, do đại tá Lê Quang Tung làm chỉ huy trưởng.
Sở Khai thác địa hình có một phòng được
gọi là Phòng 45 hay Phòng E, chịu trách nhiệm thu thập tin tức về miền
Bắc thông qua những người di cư hoặc những kẻ bỏ trốn vào miền Nam sau
năm 1954. Ðến năm 1960, hoạt động tình báo được đặc biệt chú trọng hơn
nữa, nhất là sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra
đời. Ðể yểm trợ cho công tác bí mật này, dưới sự chỉ huy trực tiếp của
Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), một bộ phận gọi là Combined
Studies (Nghiên cứu tổng hợp) thuộc Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đã hỗ trợ
Sở Khai thác địa hình bằng việc gửi chuyên viên huấn luyện những bài học
tình báo căn bản, cung cấp trang thiết bị, tài chính để Phòng 45 hoạt
động.
Đầu năm 1963, Sở Khai thác địa hình đổi
tên thành Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt với hai đơn vị là Liên đoàn 77
và Liên đoàn 31 - trong đó Phòng 45 biến thành Sở Khai thác. Song song
với sự cải tổ ấy, Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam
(MACV) cũng cho ra đời cơ quan MACV - SOG (Studies and Observations
Group - Nhóm cố vấn và yểm trợ cho các công tác đặc biệt). Ðến năm 1965,
Sở Khai thác đổi tên thành Sở Kỹ thuật - rồi nâng lên thành Nha Kỹ
thuật mà mục đích không ngoài việc huấn luyện biệt kích để tung ra miền
Bắc.
Trong Nha Kỹ thuật, bộ phận chịu trách
nhiệm chính trong việc tung biệt kích ra Bắc là Ðoàn 68. Nó tổ chức và
chỉ đạo các toán tình báo hoạt động dài hạn tại miền Bắc bằng cách thiết
lập những căn cứ cố định hoặc di động, móc nối dân địa phương để thu
thập thông tin tình báo, theo dõi và trinh sát các mục tiêu trọng yếu,
các tuyến đường vận chuyển vũ khí, trang thiết bị quân sự nằm dọc theo
biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng
Sơn, Lai Châu, các khu vực là đầu mối của việc chuyển quân vào Nam ở các
tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi báo cáo về Sài Gòn để không quân Mỹ tung
ra những cuộc ném bom đánh phá, ngăn chặn.
TOÁN BIỆT KÍCH HADLEY
Trong chiến tranh chống Mỹ, Hà Tĩnh là
một trong những địa bàn trọng điểm, bởi quốc lộ 8 bắt nguồn từ Ngã ba
Bãi Vọt (nay là TX. Hồng Lĩnh) qua biên giới Việt - Lào rồi xuyên dãy
Trường Sơn, nối liền với các nhánh đường mòn Hồ Chí Minh, tạo ra một
hành lang tương đối thuận lợi và an toàn cho bộ đội ta chi viện chiến
trường miền Nam. Ðể ngăn chặn, người Mỹ ngoài việc sử dụng sức mạnh
không quân còn tiến hành một loại chiến tranh khác: “Chiến tranh gián
điệp”.
Với đội quân biệt kích hàng ngàn người,
chia thành gần 100 toán, từ năm 1960 đến 1968, CIA và Nha Kỹ thuật đã
tung ra miền Bắc 54 toán với tổng cộng 342 biệt kích. Trong đó, hàng
chục toán xâm nhập bằng đường biển, đường không vào địa bàn Hà Tĩnh từ
năm 1961 đến 1968 với mục tiêu là các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà,
Hương Sơn, Hương Khê…
Cuối năm 1966, trong số hàng trăm tên
biệt kích ở Trung tâm huấn luyện biệt kích Long Thành, tỉnh Biên Hòa
(nay là Ðồng Nai), một nhóm 15 tên được Nha Kỹ thuật chọn riêng, đặt bí
danh là “Toán T”. Khi Lê Văn Ngung lên làm trưởng toán, nội bộ có sự mâu
thuẫn, một số thành viên không tán thành nên Nha Kỹ thuật tách từ “Toán
T” ra 4 người để lập thêm một toán nữa, gọi là “Toán T2” nhằm bổ sung
cho “Toán T” khi cần thiết. Vì vậy, “Toán T” chỉ còn 11 người gồm Lê Văn
Ngung - toán trưởng; Nguyễn Văn Thương - toán phó; Nguyễn Thế Khoa và
Phạm Viết Phúc - điện báo viên cùng 7 người khác là Tùng, Hinh, Lao,
Khoan, Tinh, Quy, Trọng.
Khóa huấn luyện “Toán T” do đại úy Pred
Caristo, cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy, phụ trách giảng dạy là đại úy tên
Dung, trong đó các biệt kích học cách xâm nhập bằng đường không, cách
đặt thiết bị đo chấn động trên đường giao thông để đếm lượng xe qua lại,
cách mưu sinh thoát hiểm, cách móc nối dân địa phương, cách khai thác
và thu thập thông tin, sử dụng điện đài, chất nổ, sử dụng những loại vũ
khí của những nước xã hội chủ nghĩa, cách ăn mặc, nói chuyện sao cho
giống như những người dân, bộ đội miền Bắc. Kết thúc khóa học, “Toán T”
được Pred Caristo đặt cho bí danh mới là “Hadley”. Các thành viên trong
toán lần lượt mang tên theo thứ tự: Hadley 1, Hadley 2…, cho đến Hadley
11.
XÂM NHẬP MIỀN BẮC
Chiều 26-1-1967, dưới sự hộ tống của cố
vấn Mỹ Pred Caristo và đại úy Dung, toán Hadley được xe quân sự đưa ra
sân bay Tân Sơn Nhất rồi lên chiếc máy bay vận tải C.47, bay đến sân bay
Nakhon Phanom, đông bắc Thái Lan. Đại úy Nguyễn Văn Vinh thuộc Nha Kỹ
thuật đã chờ sẵn tại đây. Vài phút sau, chúng chuyển sang máy bay trực
thăng H34 không số hiệu, không sơn cờ nước nào, do phi công người Đài
Loan điều khiển. Sau ngày 30-4-1975, hồ sơ về toán Hadley còn lưu trữ
tại Nha Kỹ thuật Sài Gòn cho thấy: 17 giờ ngày 26-1-1967, chiếc trực
thăng chở toán Hadley cất cánh từ sân bay Nakhon Phanom, có 1 chiếc khác
kèm theo, cả 2 bay ở độ cao dưới 1.000m. Hai máy bay vừa qua vùng biên
giới Lào, Việt thì có tiếng súng dưới đất bắn lên. Cho rằng đây chỉ là
những loạt đạn hú họa của bộ đội Bắc Việt hoặc của lực lượng Cách mạng
Lào (Pathet Lào) mỗi khi thấy máy bay bay thấp, nhưng để đánh lạc hướng,
viên phi công lái chiếc trực thăng thứ hai lập tức lượn vòng lại trong
lúc chiếc thứ nhất vẫn giữ nguyên lộ trình. Lúc vừa đến tọa độ đã định,
chiếc thứ nhất hạ độ cao rất nhanh rồi sà xuống một triền đồi mọc đầy
lau sậy. Khi thấy những tên biệt kích cuối cùng trong toán Hadley đã
nhảy xuống, viên phi công vội vã kéo mạnh cần lái. Chiếc trực thăng bốc
lên trong tư thế gần như đứng thẳng. Lúc trực thăng đã lên cao, Nguyễn
Văn Vinh nhìn ra khung cửa kính, tim như ngừng đập vì bên kia đồi, nơi
vừa thả toán biệt kích là một con đường đất. Khi thông qua kế hoạch hành
quân, trên tấm bản đồ không ảnh chẳng hề có con đường này. Như vậy, họ
đã thả toán biệt kích xuống nhầm chỗ! Chiếc thứ hai bay sau cũng phát
hiện sự nhầm lẫn đó nên vội báo về Nha Kỹ thuật. Cố vấn Pred Caristo yêu
cầu chiếc trực thăng thả toán biệt kích phải quay trở lại, đón toàn bộ
lên. Khi trực thăng còn cách mặt đất khoảng 1m, Nguyễn Văn Vinh cùng phi
công phụ vội vã nhảy xuống, vừa chạy vừa gọi toán biệt kích. Họ kêu tên
từng người nhưng không ai trả lời, tất cả đã biến mất vào rừng. Trở lại
Nakhon Phanom, đại úy Vinh ngồi cạnh những thùng lương thực để sẵn sàng
tiếp tế cho toán biệt kích. 48 giờ trôi qua, toán Hadley vẫn biệt tăm.
Quay về sân bay Đà Nẵng, trong hai ngày kế tiếp, Nguyễn Văn Vinh đi theo
chiếc khu trục AD-1 do phi công Sài Gòn cầm lái, 3 lần bay qua điểm hẹn
với toán Hadley, hy vọng thấy tấm panô báo nguy hoặc tín hiệu an toàn
của nhóm biệt kích song tất cả chỉ là rừng xanh núi thẳm mịt mù.
Thời điểm toán Hadley xâm nhập Hà Tĩnh
thì Tết Nguyên đán Ðinh Mùi cũng đang đến gần. Trước đó, Nha Kỹ thuật
cho rằng càng gần Tết thì việc bố phòng của ta càng lơi lỏng, ít chú ý
tới việc tuần tra. Trong chuyến xâm nhập này, nhiệm vụ của toán Hadley
là thu thập tin tức về tuyến đường vận chuyển vũ khí, đạn dược vào Nam,
địa điểm đóng quân của bộ đội, kho tàng, bến bãi, cầu phà trên quốc lộ
số 8 từ Hà Tĩnh nối với đường 15, đường 81, 12 và 121 của Lào; các trận
địa pháo cao xạ, tên lửa phòng không của ta dọc tuyến biên giới; nắm
tình hình đời sống kinh tế, xã hội, của cư dân địa phương. Ngoài ra,
Hadley còn phải theo dõi tuyến giao thông đường thủy trên sông Ngàn Phố…
Sau khi đổ bộ 10 phút, cả toán di chuyển
theo hướng tây bắc. Ði được khoảng 500m, toán trưởng Lê Văn Ngung ra
lệnh dừng lại nghỉ ngơi. Mờ sáng, lúc vừa tỉnh dậy, chuẩn bị đến địa
điểm theo tọa độ mà Nha kỹ thuật đã chỉ định, nhóm biệt kích bỗng nghe
tiếng chó sủa, tiếng người nói chuyện từ xa vọng lại, mỗi lúc một gần
hơn. Hốt hoảng, cả bọn cắm đầu chạy vì lúc còn ở trên trực thăng, đại úy
Vinh đã phổ biến rằng khu vực mà toán nhảy xuống, trong bán kính 3km
không hề có thôn xóm, làng mạc.
Chạy được một lát, khi không còn nghe
thấy tiếng người, tiếng chó chúng mới dám dừng lại. Lúc bị bắt, Tùng,
một biệt kích khai: “Chúng tôi chọn địa điểm nằm trên một khe suối hiểm
trở làm chỗ đóng quân nhưng không dám dựng ăng ten để lên máy báo về
trung tâm vì sợ bị lộ”…
Bí mật vụ án gián điệp biệt kích "K50" ở Hà Tĩnh năm 1967-1971 - Bài 2: Trò chơi nghiệp vụ
Thứ Sáu, 31/03/2017, 09:36 [GMT+7]
Toán Hadley tại căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành. |
Sau khi bắt giữ được toán biệt
kích, bằng biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng chức năng của ta đã kiên
trì, mềm mỏng nhưng kiên quyết đấu tranh khai thác phương thức hoạt động
của đối phương. Thông qua chính các biệt kích bị bắt giữ, ta đã thực
hiện thành công hàng ngàn cuộc liên lạc đánh lạc hướng mà địch không hề
hay biết.
LỜI KHAI CỦA TOÁN BIỆT KÍCH
Một tiếng rưỡi trước khi toán biệt kích
Hadley nhảy ra khỏi trực thăng để xâm nhập Hà Tĩnh, lúc 18 giờ 30 phút
ngày 26-1-1967, bộ đội Pathet Lào khi nghe tiếng máy bay lướt sát những
ngọn cây thì lập tức bắn lên mấy loạt đạn trong lúc lực lượng Công an vũ
trang và dân quân tự vệ của lâm trường Hương Sơn (Hà Tĩnh) cũng đã nhận
ra sự xuất hiện bất thường của 2 chiếc trực thăng nên một mặt báo cáo
cấp trên, mặt khác tổ chức kiểm tra. Đến 15 giờ ngày 27-1-1967, Công an
vũ trang và dân quân tự vệ phát hiện bọn biệt kích. 2 biệt kích Lao, Quy
khai khi bị bắt: “Chúng tôi chạy lên một triền đồi, tổ chức phòng ngự
bằng cách ném lựu đạn xuống. Cả toán đều mất tinh thần vì biết nếu bị
bắt sẽ bị tử hình hoặc tù chung thân về tội gián điệp”.
Về phía lực lượng truy đuổi, cán bộ,
chiếc sĩ Công an vũ trang, dân quân tự vệ vừa bao vây, bắn trả, vừa phát
loa gọi hàng. Biết không thể chống lại, 4 trong số 11 tên biệt kích nằm
ở tuyến phòng thủ đầu tiên buông súng nhưng với bản chất ngoan cố, lúc
bị hỏi về hướng tẩu thoát của đồng bọn, một tên đã cố tình chỉ sai nhằm
tạo điều kiện cho toán trưởng Lê Văn Ngung, toán phó Nguyễn Văn Thương
cùng 2 điện báo viên là Khoa và Phúc chạy thoát. Cuộc truy đuổi nhóm
biệt kích tiếp tục được lực lượng Công an vũ trang khẩn trương tiến
hành. Ðến khoảng 15 giờ ngày 4-2, một mũi trinh sát phát hiện những tên
còn lại đang ẩn náu tại một thung lũng giữa cánh rừng già sát biên giới
Việt - Lào nên tổ chức bao vây. Biết không thoát, nhóm biệt kích đầu
hàng. Cả bọn được đưa về Sở chỉ huy dã chiến của ta ở thôn Trung Lĩnh,
xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh để khai thác.
Ngay khi dẫn giải toán biệt kích về sở
chỉ huy dã chiến, 11 tên bị tách riêng ra nhằm ngăn ngừa chúng thống
nhất với nhau về cách khai báo, mỗi tên do 2 cán bộ hỏi cung. Thoạt đầu,
nhiều tên im lặng hoặc chỉ trả lời vòng vèo nhưng sau gần 1 tuần, trước
thái độ mềm dẻo, cởi mở, ân cần nhưng kiên quyết của cán bộ Ban chuyên
án, nhất là khi thấy không bị tra tấn, đánh đập, được cho ăn uống tử tế,
ốm đau có thuốc men, nhiều tên bắt đầu “mở miệng”, khai báo rành rọt về
phương thức hoạt động, mã số, biệt danh, ký hiệu, ám hiệu an toàn của
từng tên, qui ước bảo mật điện đàm, mật mã dịch điện, tín hiệu truyền
tin để khi Sài Gòn nhận được bản tin, họ sẽ biết là nhóm biệt kích vẫn
an toàn hay đã bị bắt.
Kết thúc khai thác, Ban chuyên án quyết
định giữ lại 2 điện báo viên của nhóm Hadley là Nguyễn Thế Khoa và Phan
Viết Phúc để phục vụ chuyên án K50. Khoa được đặt bí danh là “Hóa”, Phúc
là “Chất”. Riêng toán trưởng, toán phó và 7 tên biệt kích còn lại được
đưa vào trại giam Hỏa Lò.
Từ đây, trò chơi nghiệp vụ giữa lực
lượng Công an nhân dân và CIA, MACV-SOG cùng Nha Kỹ thuật Sài Gòn bắt
đầu, và kéo dài trong suốt 4 năm.
Một số vũ khí của toán biệt kích. |
CHUYÊN ÁN K50
Tiến hành trò chơi nghiệp vụ, việc quan
trọng phải làm đầu tiên là liên lạc với Trung tâm chỉ huy Nha Kỹ thuật
Sài Gòn vì từ khi xâm nhập địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến ngày bị bắt, toán
Hadley chưa một lần lên máy. Để bảo đảm bí mật tuyệt đối, không gây cho
địch bất cứ một sự nghi ngờ nào, dưới sự chỉ đạo của Ban chuyên án, 2
điện báo viên trong toán Hadley là Hóa và Chất tiến hành các thao tác
trên máy vô tuyến. Hóa được phân công gõ “maníp” truyền bản tin đã được
mã hóa do Ban chuyên án thực hiện theo bản mật mã Nha Kỹ thuật cung cấp
cho toán Hadley, còn Chất quay máy phát điện phục vụ việc phát sóng.
Cuộc liên lạc đầu tiên của toán Hadley
với Nha Kỹ thuật Sài Gòn diễn ra vào lúc 9 giờ 15 phút ngày 28-02-1967.
Ðây là thời khắc quyết định của chuyên án K50 vì lừa được địch hay không
đều phụ thuộc vào cuộc liên lạc này. Để đề phòng Hóa, Chất bí mật báo
cho Nha Kỹ thuật biết họ đang truyền tin dưới sự chỉ đạo của ta, việc
thao tác máy, quy ước liên lạc được cán bộ nghiệp vụ của Ban chuyên án
giám sát chặt chẽ. Sau ít phút lên máy, Hóa báo có điện chuyển đi, Nha
Kỹ thuật báo lại là sẵn sàng tiếp nhận. Nội dung bức điện đầu tiên của
toán Hadley gửi về là: “Từ khi đổ bộ xuống địa điểm đã định, trong nhiều
ngày Hadley bị Việt cộng truy đuổi nên phải chạy, chưa tìm được chỗ
nghỉ ngơi, chưa lắp máy liên lạc. Nay thoát khỏi truy lùng an toàn,
Hadley chọn tọa độ 48 E Phố Châu lập căn cứ. Thời tiết xấu, mưa nhiều,
địa hình hiểm trở, cây rừng rậm rạp, di chuyển khó khăn. Sức khỏe của
các biệt kích giảm sút, ăn uống không tốt. H1, H3, H8 bị sốt, H5 ngã
chấn thương chân. Trình trung tâm chỉ huấn”.
Cuộc liên lạc diễn ra khoảng 30 phút,
thông suốt, an toàn. Điện trả lời, Nha Kỹ thuật Sài Gòn một mặt động
viên tinh thần toán Hadley, mặt khác hỏi về việc bị truy đuổi, đã thấy
an toàn chưa, có thể hoạt động được chưa? Tình hình an ninh trong vùng
và sức khỏe của các biệt kích… Sau này, khi chạy ra nước ngoài, đại tá
Ngô Thế Linh, một trong những chỉ huy của Nha Kỹ thuật đã thừa nhận:
“Nghiệp vụ của Công an Bắc Việt quá giỏi. Như cùng một bản nhạc chẳng
hạn, nhưng mỗi người chơi đàn lại có cách thể hiện khác nhau, không ai
giống ai thì nhân viên điện báo gõ manip cũng thế. Sĩ quan nhận tin căn
cứ vào cách gõ manip có thể biết được người đang gõ là ai. Chưa kể điện
báo viên còn được cung cấp một kỹ thuật bí mật. Chỉ cần đưa kỹ thuật này
vào bản tin - chẳng hạn một dấu chấm, hoặc một dấu phẩy ở dòng thứ bao
nhiêu là sĩ quan nhận tin sẽ biết ngay rằng họ đang truyền tin dưới sự
khống chế của đối phương. Vậy mà trong suốt thời gian từ tháng 2-1967
đến tháng 4-1971, gần 1.500 ngày, mỗi ngày Hadley phải mở máy liên lạc
một chiều để nhận điện đến, 2 ngày có một phiên liên lạc hai chiều để
chuyển điện đi và nhận điện đến, tổng cộng hơn 1.000 phiên liên lạc một
chiều và gần 800 phiên liên lạc hai chiều nhưng chúng ta vẫn không biết
họ đã nằm trong tay Cộng sản Bắc Việt”.
VỎ QUÝT DÀY, MÓNG TAY NHỌN
Sau nhiều phiên liên lạc, kiểm tra tính
xác thực của những bản tin do toán Hadley truyền về, trung tuần tháng
6-1967, Nha Kỹ thuật Sài Gòn yêu cầu toán Hadley “tiến hành điều tra
tuyến đường hành quân vào Nam của bộ đội Bắc Việt”. Họp bàn tính toán,
Ban chuyên án quyết định chọn con đường lâm sinh của công nhân đội 8,
Lâm trường Hương Sơn và đường mòn của người dân địa phương vẫn thường đi
lấy củi ở khu vực Rào Chè để Hadley báo về trung tâm: “Đã phát hiện
đường hành quân của bộ đội Bắc Việt; nhưng họ chỉ sử dụng từ khoảng 17
giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau”. Sở dĩ ta chọn thời gian này
là để phù hợp với quy luật hành quân của bộ đội.
Bí mật vụ án gián điệp biệt kích "K50" ở Hà Tĩnh năm 1967-1971 - Bài 3: Những chiến thắng giả
Thứ Sáu, 07/04/2017, 09:11 [GMT+7]
Ra khỏi trực thăng, toán Hadley lủi nhanh vào rừng (ảnh do không quân Mỹ chụp bằng máy hồng ngoại) |
Với sự giúp sức của các biệt kích bị bắt giữ, ta đã thực hiện thành công những màn đấu trí với địch. Để tạo cho địch niềm tin rằng, toán biệt kích của chúng vẫn hoạt động an toàn, ta đã tạo ra những chiến thắng giả tạo cho chúng.
MÀN KỊCH LỚN
Trước khi Hadley truyền bản tin về, Ban
chuyên án đã phối hợp với Lâm trường Hương Sơn (Hà Tĩnh) và chính quyền
địa phương, tuyên truyền vận động công nhân, người dân nên đi bằng những
đường khác, hoặc không đi vào chiều tối hay mờ sáng để đề phòng địch
ném bom. Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn nói: “Ðể tạo niềm tin với Nha Kỹ
thuật ở Sài Gòn, ta phải tạo ra những tình huống nghiệp vụ cực kỳ phức
tạp, mang tính quyết định sự tồn tại của chuyên án. Ðây là sự đấu trí
giữa ta và địch để địch tin rằng toán biệt kích Hadley an toàn, hoạt
động dưới sự chỉ huy của chúng nhưng lại không để chúng ném bom bắn phá
gây thiệt hại cho ta. Có lúc, ta buộc phải hy sinh một vài lợi ích nhỏ
để đạt được yêu cầu lớn”.
Tháng 4-1968, Nha Kỹ thuật yêu cầu toán
Hadley điều tra các kho tàng, bến bãi nằm trong địa bàn hoạt động của
toán. Ðược sự chỉ đạo của Bộ Công an, Hadley gửi tin về Sài Gòn, thông
báo đã phát hiện một kho lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược ở tọa độ
X. Thực chất đây là bãi đậu xe vận chuyển gỗ và lán trại của công nhân
Ðội 11, Lâm trường Hương Sơn đang chuẩn bị chuyển đi nơi khác. Ðược Ban
chuyên án thông báo, Ban Giám đốc Lâm trường lập tức cho Đội 11 nhanh
chóng di dời vào ban đêm nhưng vẫn để lại vài chiếc xe chở gỗ đã hư
hỏng, một số lán trại, ít thùng đựng xăng, dầu. Vài ngày sau, khu vực
này bị máy bay Mỹ bắn phá dữ dội. Những đám cháy do xăng, dầu, lán trại
được máy bay trinh sát Mỹ chụp ảnh nên Nha Kỹ thuật lại càng tin tưởng
vào nhóm Hadley.
Tháng 3-1971 sau chiến thắng vang dội
của quân dân ta ở đường 9 Nam Lào, Nha Kỹ thuật yêu cầu toán Hadley bằng
mọi cách phải điều tra, phát hiện “những con đường di chuyển vào Nam
của xe tăng Bắc Việt”. Ðây là một yêu cầu cấp bách của địch, nằm ngoài
dự đoán của ta vì để đáp ứng đòi hỏi của địch, ta phải có sự dàn dựng
công phu, kỹ lưỡng. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh,
Tỉnh đội Hà Tĩnh và dân quân địa phương đã làm giả một đoạn đường dài
gần 2km từ xã Sơn Lĩnh chạy qua khu rừng rậm, xuyên vào dãy Trường Sơn,
gần biên giới Lào. Khi làm xong, ban đêm xe xích của lâm trường chạy đi
chạy lại nhiều lần để tạo dấu vết như xe tăng di chuyển. Chưa kể ở bìa
rừng, nhiều lán trại được dựng lên cùng những thùng đựng xăng dầu và vài
chiếc xe ủi đất bánh xích đã hư hỏng nhưng được lắp thêm một số bộ phận
bằng gỗ nhìn như xe tăng, ngụy trang một cách hớ hênh để máy bay Mỹ có
thể chụp ảnh.
Mọi việc hoàn tất, Ban chuyên án cho
toán Hadley liên lạc về Sài Gòn, báo cáo “Toán đã phát hiện đường di
chuyển chiến xa Bắc Việt tại tọa độ Z - bản đồ 48E Phố Châu”. Vài ngày
sau, trên bầu trời xã Sơn Lĩnh, máy bay trinh sát OV10 xuất hiện, bay
lượn quần thảo nhiều vòng. Tiếp theo, máy bay phản lực Mỹ ném bom, bắn
phá ác liệt vào đúng những điểm mà ta đã bố trí. Những thùng chứa xăng
dầu bốc cháy mù mịt, lán trại tan nát, xe xích giả xe tăng trúng bom nằm
ngả nghiêng mỗi nơi một mảnh đã khiến Nha Kỹ thuật, MAGV-SOG và CIA
hoàn toàn tin tưởng vào sự hoạt động hữu hiệu của toán Hadley. Chả thế
mà trong phiên liên lạc hôm sau, cả toán nhận được điện khen ngợi với
lời hứa sẽ được tăng lương, lên chức. Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn cho
biết: “Trong quá trình đấu tranh, ta đã xử lý thành công hàng trăm tình
huống phức tạp khác nhau theo yêu cầu của Sài Gòn. Trong đó khoảng 50%
là tình huống giả tạo, chỉ 10% là thật để máy bay địch oanh kích nhưng
hạn chế thấp nhất thiệt hại của ta”.
Toán biệt kích T2 cải trang như bộ đội miền Bắc trước lúc xâm nhập Hà Tĩnh để hỗ trợ toán Hadley. (Ảnh của Nha kỹ thuật) |
NHỮNG CHUYẾN HÀNG TIẾP TẾ
Một trong những yếu tố quyết định đến sự
tồn tại của các toán biệt kích hoạt động ở miền Bắc là vấn đề tiếp tế.
Nó bao gồm lương thực, quần áo, đạn dược, thuốc men, thiết bị liên lạc,
nguồn pin dự trữ và các món hàng tâm lý chiến như radio, bật lửa, vải
vóc để mua chuộc dân địa phương. Ðặc biệt với toán Hadley, hoạt động tại
vùng đất địa đầu giới tuyến thì việc tiếp tế là ưu tiên số một.
Theo quy định, mỗi năm toán Hadley được
tiếp tế từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 7 đến 10 kiện hàng, mỗi kiện nặng
trên 100kg. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể mà số lượng,
chủng loại hàng hóa của từng đợt có thay đổi. Ðể bảo đảm bí mật, an
toàn, tránh bị phát hiện, việc thả hàng chỉ diễn ra trong khoảng thời
gian từ 17 giờ đến 19 giờ, hoặc từ 23 giờ đến 2 giờ sáng vào những ngày
có trăng, và Nha Kỹ thuật sẽ báo trước trong các phiên liên lạc định kỳ
để toán Hadley chuẩn bị đốt lửa làm tín hiệu.
Ðể thực hiện việc nhận hàng tiếp tế
nhưng không làm cho địch nghi ngờ, Ban chuyên án chuẩn bị kỹ lưỡng địa
điểm - gọi là “bãi thả”. Do địa hình hoạt động của toán Hadley “rất hiểm
trở” như ta đã chỉ đạo cho điện báo viên báo về Nha Kỹ thuật, đồng thời
máy bay địch khi bay trên bầu trời miền Bắc, phi công rất sợ mạng lưới
phòng không của ta nên phải bay cao. Vì vậy, Ban chuyên án chọn một sườn
đồi làm bãi thả hàng để khi bay từ miền Nam hoặc Thái Lan sang, phi
công dễ nhìn thấy. Với diện tích khoảng 400m2, những cây lớn
đều được chặt hạ có tính toán vì nếu không, hình ảnh chụp từ máy bay
trinh sát sẽ gây nghi ngờ cho Nha Kỹ thuật vì tại sao “trong lòng địch
mà lại chuẩn bị được bãi thả hàng lý tưởng như thế”. Toán trưởng Lê Văn
Ngung, khai: “Tín hiệu cho máy bay nhận diện bãi thả là 5 đám khói xếp
theo hình chữ T theo hướng Nam Bắc nếu là ban ngày, còn ban đêm là 5 quả
pháo sáng hoặc 5 đống lửa cũng xếp theo hình chữ T”.
Trong số 11 tên biệt kích thuộc toán
Hadley thì 9 tên bị giam giữ tại Hà Nội, Ban chuyên án chỉ để lại 2 điện
báo viên là Hóa và Chất nên trinh sát của ta phải đóng giả 9 tên kia.
Bằng quần áo, giày, mũ, súng đạn của bọn biệt kích, các trinh sát chặt
hạ cây rừng, dọn dẹp bãi thả để nếu máy bay địch chụp ảnh, cũng không
thể nghi ngờ. Ngay cả khi đốt lửa hiệu, trinh sát cũng phải thực hiện
đúng bài bản vì có thể có những toán biệt kích khác bí mật kiểm tra.
Cuối tháng 8-1967, Ban chuyên án tổ chức
đón nhận chuyến hàng tiếp tế đầu tiên. Toán Hadley tập trung tại bãi
thả, sẵn sàng nhận hàng. Ðúng giờ G, 5 trinh sát châm lửa vào 5 đống
củi. Giây lát, 5 ngọn lửa bùng lên. Từ xa, chiếc C130 nhìn thấy tín hiệu
liền hạ thấp độ cao, mở cửa đuôi rồi bay lướt qua bãi. Trong máy bay,
nhóm nhân viên kỹ thuật nhanh chóng đẩy những kiện hàng ra rồi phát tín
hiệu đã thả hàng xong. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 15 giây. Khi nhìn
thấy hai ngọn đèn xanh, đỏ nhấp nháy từ đuôi máy bay, báo hiệu hàng đã
thả hết, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Lửa được dập tắt, những kiện
hàng được thu gom để chuyển về.
Tuy nhiên, không phải lần thả hàng nào
cũng diễn ra suôn sẻ. Do thời tiết và tâm lý sợ hãi của phi công, nhiều
kiện hàng rơi xa khỏi bãi đáp cả cây số. Có đợt chỉ một vài tiếng là ta
thu đủ số hàng nhưng cũng có đợt mất vài ngày - thậm chí cả tháng. Trong
hơn 4 năm thực hiện chuyên án K50, Nha Kỹ thuật Sài Gòn đã thực hiện 10
chuyến bay tiếp tế với hàng chục tấn hàng…
Bí mật vụ án gián điệp biệt kích "K50" ở Hà Tĩnh năm 1967-1971 - Bài cuối: Hạ màn
Thứ Sáu, 14/04/2017, 09:55 [GMT+7]
Một toán biệt kích bị bắt khi xâm nhập miền Bắc. |
Cuối năm 1970, sau khi bộ đội
Pathet Lào bắt được toán biệt kích T2, lãnh đạo Bộ Công an nhận thấy
chuyên án K50 đã đạt yêu cầu, không cần thiết kéo dài thêm nữa nên quyết
định cho phá án. Ðể bảo đảm bí mật nghiệp vụ của ta nhằm phục vụ những
chuyên án về sau, việc phá án được tính toán thận trọng, tỉ mỉ, chính
xác, phù hợp với quy luật hoạt động gián điệp của địch trong bối cảnh
lúc đó.
TOÁN BIỆT KÍCH T2 SA LƯỚI
Cuối năm 1970, Ban chuyên án soạn thảo
một bức điện để toán Hadley gửi về Nha Kỹ thuật Sài Gòn với nội dung
“Toán trưởng và một số toán viên bị sốt rét ác tính, đã chết. Hoạt động
của toán gặp rất nhiều khó khăn, đói rét, yêu cầu trung tâm tiếp tế thêm
lương thục, thực phẩm, nhất là thuốc sốt rét”.
Yêu cầu của Hadley lập tức được Nha Kỹ
thuật thực hiện. Trong chuyến hàng tiếp tế sau đó, ngoài các kiện hàng
theo đề nghị của toán, còn có một kiện gồm 3 thùng được niêm phong cẩn
mật. Theo lệnh của Nha Kỹ thuật, 3 thùng này toán Hadley phải chôn ở ba
địa điểm gần nhau, sát biên giới Việt, Lào theo tọa độ chỉ định. Khi bóc
gỡ ra xem, Ban chuyên án nhận thấy lượng hàng trong mỗi thùng đủ để cho
một cá nhân sống khoảng 1 tháng. Như vậy, có khả năng địch sẽ thả thêm
người xuống để kiểm tra hoạt động của toán Hadley và 3 thùng lương thực
này được chôn giấu nhằm phục vụ cho nhóm sẽ nhảy xuống. Nếu Hadley vẫn
an toàn thì nhóm mới xuống sẽ liên lạc và sáp nhập để tăng cường lực
lượng, thay thế cho những tên đã chết.
Với nhận định trên, Ban chuyên án cho
chôn 3 thùng hàng tại 3 tọa độ theo chỉ thị của Nha Kỹ thuật rồi báo về
Sài Gòn, rằng toán Hadley đã thực hiện đúng mệnh lệnh của Trung tâm. Mặt
khác, Ban chuyên án bố trí 3 tổ trinh sát bí mật mai phục tại 3 địa
điểm chôn hàng để bắt nhóm biệt kích nếu chúng đến lấy. Tuy nhiên, sau
gần 2 tháng theo dõi mà không phát hiện gì, ta rút 3 tổ trinh sát về
nhưng vẫn bố trí dân quân địa phương canh gác cẩn mật.
Cuối tháng 11-1970, Bộ đội Pathet Lào
bắt được một toán biệt kích gồm 3 tên ở sát biên giới huyện Hương Sơn
(Hà Tĩnh). Nhận được tin báo, Ban chuyên án cử trinh sát sang phối hợp
với bạn, cùng khai thác 3 tên này - trong đó tên Trần Hiếu Hòa khai:
“Khi trung tâm nhận được bức điện của toán Hadley báo cáo toán trưởng Lê
Văn Ngung đã chết, tôi cùng 2 biệt kích thuộc toán T2 được cử ra Bắc
tăng cường cho toán Hadley. Tôi sẽ thay Ngung làm toán trưởng nhưng do
máy bay thả dù sai vị trí, chúng tôi không tìm thấy các kiện hàng do
toán Hadley chôn giấu, không liên lạc được với toán Hadley. Trong khi
tìm đường rút lui, chúng tôi bị bộ đội Lào bắt giữ”.
KẾT THÚC
Sau khi bộ đội Pathet Lào bắt gọn toán
biệt kích T2, lãnh đạo Bộ Công an nhận thấy chuyên án K50 đã đạt yêu
cầu, không cần thiết kéo dài thêm nữa nên Bộ quyết định cho phá án. Ðể
bảo đảm bí mật nghiệp vụ của ta nhằm phục vụ những chuyên án về sau,
không để địch nghi ngờ, việc phá án được tính toán thận trọng, tỉ mỉ,
chính xác, phù hợp với quy luật hoạt động gián điệp của địch trong bối
cảnh lúc đó.
Trong những tháng đầu năm 1971 ta cho
toán Hadley liên tục điện về Trung tâm cầu cứu, nội dung một số đã chết
do sốt rét ác tính, một số ốm yếu gầy mòn do phải sống giữa rừng thiêng
nước độc đã lâu ngày mà vẫn không sao tiếp cận, móc nối được người dân
bản xứ như kế hoạch ban đầu; lại thường xuyên phải trốn chạy những cuộc
tuần tra của bộ đội Bắc Việt, việc điều tra thu thập tin tức tình báo
của toán ngày càng kém hiệu quả…
Đầu tháng 3-1971, sau khi nhận được
những bức điện “kể khổ”, Nha Kỹ thuật ra lệnh cho toán Hadley di chuyển
theo hướng Tây Nam, rút khỏi biên giới Việt Nam, vào vùng đệm của Lào ẩn
náu, bảo toàn lực lượng, chờ sự chi viện. Một tuần sau, Hadley báo cáo
về trung tâm, cho biết đã chấp hành mệnh lệnh và đang rút lui sang đất
Lào nhưng gặp rất nhiều khó khăn, to án chỉ mang được một ít lương khô
và thường xuyên gặp phải sự tuần tra biên giới rất nghiêm ngặt, tinh
thần các biệt kích giảm sút, hoang mang lo lắng. Sau phiên liên lạc này,
Ban chuyên án đóng máy, không thực hiện việc gửi tin cho Nha Kỹ thuật ở
Sài Gòn nữa. Mọi hoạt động của toán Hadley coi như chấm dứt.
Ðể công khai hóa việc phá án, bảo đảm bí
mật nghiệp vụ của ta, Bộ Công an cử một số chuyên gia sang làm việc với
Công an Lào, trao đổi thống nhất chủ trương. Tiếp theo, Ðài phát thanh
Pathet Lào đưa tin ngày 20-3-1971, quân và dân các thôn bản ở tỉnh
Pôlicămxây, Lào, đã bắt được một toán biệt kích của quân đội Việt Nam
Cộng Hòa khi chúng thâm nhập vùng biên giới Lào. Sau đó, phía Lào tổ
chức trưng bày những bằng chứng về sự xâm nhập của toán Hadley do ta
cung cấp. Đến lúc đó, CIA, MACV-SOG và Nha Kỹ thuật vẫn cho là toán
Hadley bị bắt khi đang trên đường rút lui sang Lào để chờ trực thăng đón
về.
Sau ngày miền Nam giải phóng, hồ sơ tài
liệu của địch thu được ở Nha Kỹ thuật cho thấy khi thả toán Hadley xuống
Hà Tĩnh, suốt gần 4 năm, CIA, MACV-SOG và Nha Kỹ thuật luôn tin rằng
toán Hadley hoạt động rất hiệu quả mặc dù chỉ 2 ngày sau khi nhảy xuống
Hà Tĩnh, bộ phận trinh sát điện tử của CIA thu được bản tin của Công an
Bắc Việt báo cáo cấp trên, rằng đã phát hiện toán biệt kích gần đèo
Nape. Như vậy Hadley đã nằm trong tay Bắc Việt?
Thế nhưng 24 ngày sau, đột ngột Hadley
báo cáo về trung tâm là đã chạm trán với quân Bắc Việt và hiện vẫn còn
lẩn trốn trong rừng. Bức điện gây tranh cãi dữ dội ở Sài Gòn. Để biết rõ
thực hư, MACV-SOG tổ chức toán Voi nhảy dù xuống điều tra. Bốn biệt
kích trong toán được trang bị ống nhòm cực mạnh và máy chụp ảnh từ xa.
Họ được lệnh nằm lại, chụp ảnh bất cứ người nào đến lấy thùng lương thực
thả xuống cho toán Hadley. Điều này sẽ chứng minh toán Hadley vẫn an
toàn hay đã bị bắt.
Ngày 18-10-1967, Đại úy Nguyễn Văn Vinh
đi theo toán Voi trên chiếc MC130. Đến Hà Tĩnh, toán Voi nhảy ra khỏi
máy bay. Vinh dặn toán trưởng toán Voi khi xuống đất phải báo cáo ngay
nhưng toán Voi cũng biến mất không tăm tích. Tuy nhiên với những bức
điện do toán Hadley gửi về sau đó, cộng với những mục tiêu bị đánh phá
do sự chỉ điểm của toán Hadley, cả CIA, MACV-SOG lẫn Nha Kỹ thuật đều
tin rằng Hadley tồn tại và hoạt động rất hiệu quả. Khi bộ đội Pathet Lào
công bố về việc bắt giữa toán biệt kích Hadley, họ mới vỡ lẽ ra rằng cả
toán Voi cũng đã sa lưới.
VŨ CAO
(Theo tư liệu của Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn,
cựu cán bộ trinh sát chuyên án “K50”, nguyên Phó trưởng phòng A41, Bộ Công An)
(Theo tư liệu của Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn,
cựu cán bộ trinh sát chuyên án “K50”, nguyên Phó trưởng phòng A41, Bộ Công An)
Xét xử cựu công an tội gián điệp, dọa bán tài liệu mật cho nước ngoài
16/04/2018 12:15 GMT+7
TTO - Trốn qua Campuchia đánh bạc và thua sạch túi, Nguyễn Hoàng Dương dọa bán tài liệu mật của Bộ Công an cho đại sứ quán Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân nước ngoài để ép cấp trên chuyển tiền đánh bạc tiếp.
Ngày
16-4, TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Dương (33
tuổi) 7 năm tù về tội gián điệp, 1 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản,
tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 8 năm tù.
Theo cáo trạng, Nguyễn Hoàng Dương nguyên là cán bộ đội 9, phòng 3 Cục kỹ thuật nghiệp vụ I (A70), Bộ Công an.
Dương nghỉ phép từ ngày 29-8 đến ngày 26-9-2016.
Vào khoảng 20h ngày 18-9-2016, Dương đến trụ sở cơ quan tại TP.HCM, đi vào bàn làm việc lấy một đĩa CD sao chép các tài liệu mật được lưu trữ trong máy tính cơ quan và mang sang Campuchia đánh bạc, nếu đánh bạc thua sẽ sử dụng vào mục đích phạm tội.
Sáng 19-9-2016, Dương đi theo đường tiểu ngạch trốn sang Campuchia để đánh bạc và thua hết tiền.
Sau đó, Dương nhắn tin cho em gái xin 5,5 triệu đồng đánh bạc nhưng tiếp tục thua hết. Dương tiếp tục giả mạo giang hồ nhắn tin cho em gái Dương nói đang giữ Dương vì thiếu nợ, nếu muốn thả Dương thì chuyển tiền vào tài khoản. Tuy nhiên, em gái Dương không gửi tiền như yêu cầu mà báo công an.
Những ngày sau đó, Dương nhắn tin cho 1 cán bộ đội 9, A70 và ông Dương Danh Kiểm, đội trưởng đội 9, nói nếu không đưa tiền thì Dương sẽ chết.
Do lo ngại Dương xuất cảnh trái phép
có thể đem theo tài liệu mật sẽ ảnh hưởng đến đơn vị nên lãnh đạo của
Dương đã chuyển cho Dương 5 triệu đồng. Tuy nhiên Dương không về Việt
Nam mà tiếp tục đánh bạc hết số tiền trên.
Từ ngày 25 đến ngày 27-9-2016, Dương chụp hình đĩa CD và nhắn tin cho các cán bộ khác của A70 để buộc ông Kiểm phải tiếp tục chuyển tiền, nếu không Dương sẽ bán các tài liệu mật này cho đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia và các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tung lên mạng để mọi người cùng chết với Dương.
Ông Kiểm không chuyển tiền mà báo cáo cho lãnh đạo đơn vị. Trưa 27-9-2016, Dương bị Công an Campuchia bắt giữ và chuyển giao cho A70. Sau đó, Dương được cơ quan cho về nhà làm kiểm điểm.
Tuy nhiên, sau đó Dương bán xe máy đã cầm để sang Campuchia đánh bạc và tiếp tục thua. Trong thời gian này, Dương nhiều lần dùng email, số điện thoại liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia và Đài Châu Á Tự do để bán các tài liệu mật đã sao chép lấy tiền đánh bạc.
Ngày 2-10-2016, Dương đến sòng bạc rút 2 triệu đồng do 1 cán bộ Cục Bảo vệ chính trị II, Tổng cục An ninh, Bộ Công an gửi cho Dương vay. Khi đang rút tiền thì Dương bị Công an Campuchia bắt giao cho Công an Việt Nam. Trên đường đi, Dương đã bẻ đôi chiếc đĩa CD.
Tại tòa Dương khai nhận hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, Nguyễn Hoàng Dương nguyên là cán bộ đội 9, phòng 3 Cục kỹ thuật nghiệp vụ I (A70), Bộ Công an.
Dương nghỉ phép từ ngày 29-8 đến ngày 26-9-2016.
Vào khoảng 20h ngày 18-9-2016, Dương đến trụ sở cơ quan tại TP.HCM, đi vào bàn làm việc lấy một đĩa CD sao chép các tài liệu mật được lưu trữ trong máy tính cơ quan và mang sang Campuchia đánh bạc, nếu đánh bạc thua sẽ sử dụng vào mục đích phạm tội.
Sáng 19-9-2016, Dương đi theo đường tiểu ngạch trốn sang Campuchia để đánh bạc và thua hết tiền.
Sau đó, Dương nhắn tin cho em gái xin 5,5 triệu đồng đánh bạc nhưng tiếp tục thua hết. Dương tiếp tục giả mạo giang hồ nhắn tin cho em gái Dương nói đang giữ Dương vì thiếu nợ, nếu muốn thả Dương thì chuyển tiền vào tài khoản. Tuy nhiên, em gái Dương không gửi tiền như yêu cầu mà báo công an.
Những ngày sau đó, Dương nhắn tin cho 1 cán bộ đội 9, A70 và ông Dương Danh Kiểm, đội trưởng đội 9, nói nếu không đưa tiền thì Dương sẽ chết.
Từ ngày 25 đến ngày 27-9-2016, Dương chụp hình đĩa CD và nhắn tin cho các cán bộ khác của A70 để buộc ông Kiểm phải tiếp tục chuyển tiền, nếu không Dương sẽ bán các tài liệu mật này cho đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia và các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tung lên mạng để mọi người cùng chết với Dương.
Ông Kiểm không chuyển tiền mà báo cáo cho lãnh đạo đơn vị. Trưa 27-9-2016, Dương bị Công an Campuchia bắt giữ và chuyển giao cho A70. Sau đó, Dương được cơ quan cho về nhà làm kiểm điểm.
Tuy nhiên, sau đó Dương bán xe máy đã cầm để sang Campuchia đánh bạc và tiếp tục thua. Trong thời gian này, Dương nhiều lần dùng email, số điện thoại liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia và Đài Châu Á Tự do để bán các tài liệu mật đã sao chép lấy tiền đánh bạc.
Ngày 2-10-2016, Dương đến sòng bạc rút 2 triệu đồng do 1 cán bộ Cục Bảo vệ chính trị II, Tổng cục An ninh, Bộ Công an gửi cho Dương vay. Khi đang rút tiền thì Dương bị Công an Campuchia bắt giao cho Công an Việt Nam. Trên đường đi, Dương đã bẻ đôi chiếc đĩa CD.
Tại tòa Dương khai nhận hành vi phạm tội.
Làm mất tài liệu mật, 1 trung tá công an bị bắt
09/12/2004 08:52 GMT+7
TT - Hôm qua (8-12), Cục Điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện lệnh bắt bị can đối với trung tá Hoàng Minh Công - đội trưởng đội tổng hợp Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - tại nhà riêng ở đường Đào Duy Từ, TP Đà Nẵng về hành vi làm mất tài liệu bí mật của Nhà nước.
Vào tháng 11-1999, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã
khởi tố vụ án và bị can đối với ông Phạm Mại - giám đốc Công ty TNHH
Việt Trung - về hành vi lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của Nhà
nước và công dân. Lúc ấy Hoàng Minh Công với chức danh là thiếu tá -
điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, người trực tiếp thụ lý vụ
án. Qua điều tra các cơ quan chức năng đã phát hiện trong hồ sơ lưu trữ
liên quan đến vụ án Phạm Mại đã bị mất một số trang tài liệu bí mật
liên quan. Đây chính là lý do để Cục Điều tra - VKSND tối cao ra lệnh
bắt giam trung tá Hoàng Minh Công.
Nhận xét
Đăng nhận xét