Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 186

(ĐC sưu tầm trên NET)

"Cây đại thụ" của tình báo Xôviết Mikhail Mukasey

Ngày 13/8/2007 vừa qua là dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cây đại thụ trong làng tình báo Xôviết - Đại tá Mikhail Mukasey. Vợ ông - Trung tá tình báo Elizabeth Mukasey - cũng vừa tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 95 của mình vào tháng 3.

Nếu so với nhiều điệp viên nổi tiếng cùng thời khác như Wiliam Fisher (Rodolf Abel) hay Konon Molody, Mukasey không phải là một tên tuổi được nhiều người biết đến trong giới tình báo.

Thật ra có một quy luật thường gặp trong lĩnh vực này: những điệp viên nổi tiếng thường là do hoạt động của họ cuối cùng đã bị... bại lộ.

Còn vợ chồng điệp viên kỳ cựu Mukasey - đã có 22 năm hoạt động trong các điều kiện bí mật - lại đánh giá về tính chất thầm lặng trong công việc của mình một cách hết sức ngắn gọn: "Nếu cả nước không biết đến chúng tôi, có nghĩa là chúng tôi đã không phụ lòng tổ quốc mình".

Từ lò rèn tới...trường tình báo

Mikhail Mukasey sinh ngày 13/8/1907 tại Belarus, trong một gia đình có truyền thống làm nghề thợ rèn. Thuở nhỏ ông chuyên làm thợ phụ cho lò rèn, đến năm 17 tuổi đã có thể tự hành nghề. Nhưng với bản tính ham học hỏi, cậu thanh niên Mukasey đã quyết định tới Leningrad để có điều kiện được nâng cao trình độ kiến thức.

Kinh đô phương Bắc (mệnh danh của Leningrad thời đó) đã gây được ấn tượng mạnh đối với chàng thanh niên trẻ. Tuy nhiên, Mukasey đã rất thất vọng khi biết rằng, để có thể được vào trường đại học, cần phải có giấy giới thiệu của một tổ chức cơ quan nào đó.

Tạm gác lại ước mơ học hành, Mukasey tìm được một vị trí quét dọn tại nhà máy đóng tàu Baltic. Vừa làm việc chăm chỉ, Mukasey vừa tham gia vào lớp học thêm văn hóa buổi tối ngay tại nhà máy. Một thời gian sau, Mukasey được điều chuyển sang phân xưởng rèn, nơi khả năng của anh nhanh chóng được thừa nhận nhờ cái nghề gia truyền của mình.

Sau khi nhận được tấm bằng trung cấp kỹ thuật ngay tại nhà máy, Mukasey đã có điều kiện xin nhập học tại Trường đại học tổng hợp Leningrad. Từ năm 1929-1935, Mukasey trở thành sinh viên khoa địa-kinh tế của trường đại học này.

Cũng tại đây, ông đã có dịp làm quen với người vợ tương lai của mình là Elizabeth, một nữ sinh viên của khoa sinh học. Sau khi tốt nghiệp đại học, Mukasey còn được gửi đi tu nghiệp thêm tại Viện Đông phương học Leningrad, nơi ông còn có dịp học thêm về tiếng Anh và tiếng Bengal.

Năm 1937, Mukasey cùng một số thanh niên xuất sắc khác bất ngờ nhận được giấy triệu tập tới gặp Ủy viên Bộ Chính trị Georgi Malenkov. Sau cuộc trò chuyện này, ông nhận được quyết định cử tới học tập tại Trường đào tạo tình báo của Bộ Tổng tham mưu.

Những nguồn tin tại Hollyood

Ngay từ tháng 7/1939, Mukasey cùng với vợ và hai con, ông được cử sang công tác dài hạn tại Mỹ, cụ thể là tại Tòa lãnh sự Xôviết ở Los-Angeles – một trong những trung tâm công nghiệp, khoa học và văn hóa lớn nhất bên bờ Thái Bình Dương của nước Mỹ. Đây cũng là nơi tọa lạc của kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood .

Với khả năng ngoại giao tốt, vợ chồng Mukasey đã nhanh chóng phát triển được những mối quan hệ rất thân thiết với nhà văn nổi tiếng Theodore Dreiser, người vẫn gọi họ bằng cái tên thân mật là Michael và Lisa. Một vị khách thường xuyên khác của gia đình là nhạc sĩ tài năng Leopold Stokovski.

Vợ chồng Mukasey còn qua lại với nhiều nhân vật nổi tiếng khác như danh hài Charlie Chaplin, các ngôi sao điện ảnh Mary Pickford, Douglas Fairbanks hay nhà sản xuất hoạt hình Walt Disney.

Những thông tin được Mukasey chuyển về đã được Moskva đánh giá rất cao. Khi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bắt đầu nổ ra, trung tâm cũng đặt ra một yêu cầu cụ thể với vợ chồng Mukasey: “Người Nhật sẽ hành động như thế nào?”.

Những nguồn tin của Mukasey sau đó đã giúp khẳng định tính chính xác của thông tin từ điệp viên Richard Zorge gửi về từ Tokyo: “Nhật Bản vào thời điểm đó chưa có ý định tuyên chiến với Liên Xô”. Nhờ đó, nhiều sư đoàn quan trọng của Hồng quân đã được quyết định chuyển từ Viễn Đông sang phía tây để kịp thời bảo vệ thủ đô Moskva.

Cũng trong thời gian hoạt động tại Mỹ, Mukasey đã có dịp tiếp xúc với điệp viên huyền thoại Vasili Zarubin, người về sau đã đánh giá rất cao khả năng hoạt động của vợ chồng ông và đề xuất với ban lãnh đạo nên sử dụng họ một cách có hiệu quả hơn nữa.

Nhiệm vụ trên khắp thế giới

Năm 1943, Mukasey cùng gia đình trở về Moskva. Ông được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy Bộ phận huấn luyện của Trường đào tạo tình báo đặc biệt, và trên thực tế đã bắt tay ngay vào việc đào tạo các điệp viên tương lai sẽ hoạt động tại nước ngoài.

Trong lĩnh vực này, Mukasey đã giúp đỡ rất nhiều cho các học viên không chỉ nhờ vốn ngoại ngữ xuất sắc của mình, mà còn nhờ vào những kinh nghiệm quý báu đã được tích lũy trong thời gian hoạt động tại Mỹ. Giữa năm 1950, Mukasey được gọi lên gặp cấp trên tại Lubianka để nhận nhiệm vụ mới.

Thế là, sau một thời gian ngắn, Mukasey với mật danh “Zefir” đã có mặt tại một quốc gia Tây Âu. Hai năm sau, đến lượt Elizabeth (mật danh Elza) cũng qua đây sau một quá trình chuẩn bị trước của chồng.

Từ thời điểm đó, điện đàm của vợ chồng nhà Mukasey liên tục đảm bảo được mối liên lạc song phương với trung tâm, truyền nhiều thông tin quan trọng và tin cậy về Lubianka.

Chỉ sau một vài năm theo yêu cầu của nhiệm vụ, Zefir và Elza lại chuyển địa bàn hoạt động của mình sang một quốc gia ở châu Mỹ là Mexico, nơi họ lại chịu trách nhiệm thiết lập một “đường dây nóng” với Moskva.

Nhà Mukasey tiếp đó còn phải thực thi một loạt những nhiệm vụ đặc biệt khác trên khắp thế giới. Trở về nước, hai vợ chồng lại tiếp tục bắt tay vào đào tạo các điệp viên trẻ, bằng cách truyền hết cho họ tất cả những kỹ năng và kinh nghiệm quý báu của mình.

Vì những thành tích xuất sắc trong cuộc đời hoạt động tình báo, Đại tá Mikhail Mukasey đã được thưởng Huân chương Cờ đỏ, Sao đỏ, Chiến tranh vệ quốc vĩ đại v.v...

Nhiều người vẫn còn nhớ tới lời thổ lộ của Mukasey trong một lần trò chuyện với nhà báo: "Danh tính một điệp viên được biết đến thường chỉ nhờ một kết cục do bị bại lộ. Vinh quang đối với chúng tôi có lẽ chỉ là sự xuất hiện của chúng tôi trên các giá trưng bày của Viện Bảo tàng lịch sử tình báo đối ngoại tại Yasevev”
Thái Quân (Tổng hợp)

Cặp vợ chồng tình báo huyền thoại của Liên Xô

(Hồ sơ) - Cách đây không lâu, ngày 10/2/2017, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc sỹ quan tình báo huyền thoại Xô Viết Aleksey Nhikolaievich Bochian nhân dịp ông tròn 100 tuổi.

    Để tiếp tục mảng đề tài này, nhân kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của nữ sỹ quan tình báo Liên Xô Elizaveta Mukasey (29/3/1912 -29/3/2017), xin giới thiệu một số thông tin đã được giải mật về vợ chồng bà.
    Cap vo chong tinh bao huyen thoai cua Lien Xo
    Mikhail Mukasey và Elizaveta Mukasey / YouTube.com / kênh truyền hình ОНТ
    Có một định đề làm cơ sở cho mọi hoạt động của tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới: “Cán bộ tình báo thành công nhất là người mà không một ai có thể biết chút gì về công việc của họ”.
    Richard Sorge, Rudolf Abel, Konnon Molodoy - tên tuổi của các nhà tình báo Xô Viết đó trở nên nổi tiếng bời vì hoạt động của họ, rất tiếc, lại kết thúc bằng sự đổ vỡ (bị lộ, bị bắt). Còn tên tuổi các đồng nghiệp của họ, - những người may mắn đi qua được lưỡi dao Thần Chết, vẫn sẽ được giữ bí mật trong rất nhiều thập kỷ nữa.
    Còn họ Mukasey nổi tiếng toàn Liên Xô lại nhờ nhà quay phim lỗi lạc Anatoli Mukasey với nhiều bộ phim rất được mến mộ.
    Khi đã trở nên nổi tiếng, Anatoli Mikhailovich (Mukasey) mỗi khi trả lời phỏng vấn thường rất vui lòng chia sẻ về người vợ của mình – nữ diễn viên và đạo diễn tên tuổi Svetlana Druzinina. Nhưng khi được hỏi về cha mẹ, anh lại rất kiệm lời.
    Nhưng có một lần Anatoli Mukasey đã làm cho phóng viên phỏng vấn anh sửng sốt khi tâm sự rằng: “Cha mẹ tôi là những cán bộ tình báo bất hợp pháp” (cán bộ tình báo bất hợp pháp –, xin nhắc lại: cán bộ tình báo hoạt động trên lãnh thổ nước ngoài sử dụng giấy tờ của nhân vật hư cấu hoặc của người khác – nói ngắn gọn – dưới cái tên giả). Đã đến lúc có thể tiết lộ được một điều gì đấy.
    (Xin lưu ý: Anatoli Mukasey (con – nhà quay phim) và Mikhail Mukasey (cha – sỹ quan tình báo) là hai người khác nhau.
    Số phận được quyết định trong phòng khám của bác sỹ nha khoa
    Mikhail Mukasey và Elizaveta Mukasey (phụ nữ Nga khi lấy chồng đổi sang họ chồng) – đấy là những huyền thoại thực sự của Cơ quan Tình báo đối ngoại Xô Viết. Họ hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài hơn 20 năm.
    Mikhail Mukasey sinh tháng 8/1907 tại làng Zamostie (Belarus hiện nay). Gia đình họ Mukasey là một gia đình có truyền thống làm nghề thợ rèn. Nhưng anh lại không mấy thích thú với công việc này.
    Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Mikhail đến Leningrad, xin vào làm việc tại nhà máy đóng tàu Baltic. Đồng thời theo học ở khoa công nhân (kiểu như trường bổ túc công nông trước đây ở ta), tích cực tham gia vào các công tác xã hội, và đến năm 1929 thì gia nhập Đảng CS Liên Xô (hồi ấy là Đảng Bolshevich toàn Nga).
    Sau đó, Mikhail vào học tại Trường Đại học tổng hợp Leningrad, và tại đây các giáo viên đã phát hiện được là con trai của gia đình thợ rèn làng quê lại có một năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ. Mikhail được biệt phái đến học tại Trường Đại học các ngôn ngữ Phương Đông và theo học chuyên ngành tiếng Bengal (Tiếng Bengal, - ngôn ngữ Ấn-Arya được sử dụng nhiều tại Nam Á) và tiếng Anh.
    Một lần khi đang xếp hàng chờ đến lượt khám tại phòng khám của bác sỹ nha khoa, Mikhail chú ý đến một cô gái trẻ rất dễ thương và quyết định làm quen. Người quen mới này tên là Liza (tên gọi thân mật của Elizaveta). Elizaveta Emelianova, quê ở thành phố Ufa (nay thuộc nước Cộng hòa tự trị Bashkiria – Nga) cũng đang học tại Khoa sinh vật Trường Đại học tổng hợp Leningrad.
    Cuộc làm quen khi đang xếp hàng đã trở thành một cuộc gặp định mệnh – Mikhail và Elizaveta cưới nhau và sau đó đã cùng nhau sống và làm việc xa tổ quốc trong một khoảng thời gian rất dài.
    Gấu con tặng Chaplin
    Năm 1937, chàng sinh viên mới tốt nghiệp Trường đại học các ngoại ngữ Phương Đông Mikhail trở thành học viên Trường tình báo Hồng quân Liên Xô.
    Năm 1939, Mikhail Mukasey được cử đi công tác tại Los Angeles – Mỹ với cương vị (bình phong) Phó lãnh sự Xô Viết. Cùng đi với anh có vợ Elizaveta, con gái Ella 4 tuổi và con trai Tolia (tức Anatoli Mukasey – nhà quay phim như đã nói ở phần đầu) lúc đó mới chưa đầy một tuổi.
    Cap vo chong tinh bao huyen thoai cua Lien Xo
    Mikhail và Elizaveta Mukasey cùng các con. Ảnh: YouTube.com / Kênh truyền hình ОНТ
    Nhiệm vụ của Phó lãnh sự Mukasey – tổ chức tại Lãnh sự quán các buổi chiếu phim, hòa nhạc, dạ hội, tận dụng tối đa sự quan tâm rất lớn của người Mỹ đối với Liên Xô khi đó cho công việc.
    “ Nhà ngoại giao” này cần phải làm quen với những người có ảnh hưởng lớn trong giới tính hoa nghệ thuật sáng tạo, và qua họ thu thập những thông tin mà tình báo Xô Viết quan tâm. Tuyệt đối không được tuyển mộ điệp viên – công việc công khai của sỹ quan tình báo dưới bình phong ngoại giao là kết thân với người đối thoại, làm cho họ trở nên cởi mở đến mức tối đa có thể để khai thác thông tin.
    Trong số những người thân quen của Phó lãnh sự Mukasey, có cha đẻ của “Chuột Mickey” Walt Disney, các ngôi sao điện ảnh Mỹ Mary Pickford, Douglas Fairbnaks và rất nhiều người khác.
    Nhà quay phim Anatoli Mukasey (con trai của Mikhail Mukasey) nhớ lại anh say mê điện ảnh chính là do chịu ảnh hướng của “chú Charlie”. “Chú Charlie” đó không phải là ai khác, mà chính là chú hề “Charlie Chaplin ” - một trong những người bạn thân thiết của gia đình Mukasey.
    Một người bạn thân nữa của vị lãnh sự Xô Viết là nhà văn Mỹ nổi tiếng Theodore Dreiser. Anatoli vẫn còn nhớ một trong những kỷ niệm “tuổi thơ Mỹ” của mình - “chú Theodore” sau khi rượu ngà ngà đã chui xuống gầm bàn chơi cùng cậu bé Tolia.
    Mikhail Mukasey làm việc ở Mỹ đến năm 1943 và đã cung cấp cho Matxcova một số lượng lớn các thông tin cực kỳ quý giá. Được sự đồng ý của “Trung tâm”, trước khi chia tay Mukasey đã tặng Charlie Chaplin một con gấu nâu non, con gấu này thời gian đầu sống trong gia đình nghệ sỹ Chaplin, và sau đó được giao cho một vườn bách thú ở Mỹ.
    Làm việc trong những điều kiện đặc biệt
    Gia đình Mukasey trở về Mtaxcova, Mikhail vào làm việc tại Trường tình báo, còn Elizaveta làm thư ký tại Nhà hát nghệ thuật hàn lâm Matxcova. Ella đi học phổ thông, còn Tolia vào nhà trẻ.
    Nhưng đến cuối những năm 1940, Mikhail Mukasey được trên gợi ý “đi làm những công việc trong các điều kiện đặc biệt”. Đó là chuyến công tác – hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài. Elizaveta Mukasey được lệnh đi cùng với Mikhail.
    Nhưng không được mang bọn trẻ đi - chúng phải ở lại Liên Xô – Thời gian xa cách các con của họ sau đó kéo dài hàng chục năm.
    Từ năm 1955, tại Tây Âu, một bộ đôi cán bộ tình báo bất hợp pháp mang mật danh “Zefir” và Elza” bắt đầu hoạt động. Họ là đầu mối kết nối lưới điệp báo Xô Viết rộng khắp đang hoạt động ở nhiều nước.
    “Zefir” và “Elza” nhận thông tin từ các tổ điệp báo, chuyển các thông tin đó về Matxcova và chuyển ngược lại các chỉ thị và hướng dẫn từ “Trung tâm” đến các tổ điệp báo. Đây là một công việc cực kỳ tinh tế - một sai sót nhỏ cũng đủ gây ra đổ vỡ lớn. Chỉ cần một điệp viên làm việc với họ bị lộ hoặc phản bội – đồng nghĩa với việc tất cả sẽ kết thúc.
    Không phải sỹ quan tình báo bất hợp pháp nào cũng có cơ hội được quay trở về Tổ quốc. Có một lần “Elza” phải đến thăm một “người anh họ” đang hấp hối vì bệnh nặng tại một trong những nước Châu Âu. “Người anh họ này là một sỹ quan tình báo bất hợp pháp Xô Viết – ông đã vì yêu cầu công việc mà buộc phải chết dưới một cái tên giả . “Cô em họ” (Elza) đã đưa tiễn người đồng nghiệp sẽ vĩnh viễn năm trên đất khách này tới nơi an nghỉ cuối cùng.
    Mikhail Mukasey. Ảnh : YouTube.com / Kênh truyền hình ОНТ
    Hai đám cưới
    Chiếc máy phát thu phát vô tuyến mà “Elza” sử dụng bị Phản gián Phương Tây săn lùng ráo riết. Đôi khi phản gián nước sở tại chỉ còn cách các cán bộ tình báo bất hợp pháp này mấy bước chân, nhưng hết lần này đến lần khác, họ đều thoát được.
    Thụy Sỹ, Pháp, Israel …. “Zefier” và “Elza” đã làm việc ở nước ngoài hơn 20 năm. Trong khi đó tại Liên Xô, con trai và con gái đều đã lớn, tốt nghiệp phổ thông, tốt nghiệp đại học và chuẩn bị xây dựng gia đình.
    Trung tâm cho phép Elizaveta mỗi năm được 3- 4 lần về thăm nhà chớp nhoáng. Còn Mikhail thì cực kỳ ít khi có mặt tại Liên Xô. Mỗi một chuyến về của ông cần phải có nhiều biện pháp đảm bảo an ninh cực kỳ nghiêm ngặt – một sự tình cờ nào đó cũng thể dẫn đến sự đổ vỡ.
    Có một lần, “Trung tâm” “tặng” cho vợ chống “Zefir” và “ Elza” một kỳ nghỉ tới một tháng. Lý do hết sức thuyết phục – đám cưới con gái Ella. Khi về nước hai sỹ quan tình báo này được biết là con trai Anatoli cũng đã có bạn gái tên là Svetlana, nên đã làm quen với cô, và sau tìm hiểu (như ta thường nói) đã khuyên Anatoli cưới cô.
    Và trong kỳ nghỉ phép đó ông bà đã tổ chức đã tổ chức luôn hai đám cưới. Quả là “Zefir” và “ Elza” trong trường hợp này cũng đã không phạm sai lầm – Anatoli Mukasey và Svetlana Druzinina đã sống với nhau hạnh phúc hơn nửa thế kỷ qua.
    Còn Elizaveta và Mikhail Mukasey sau khi tổ chức đám cưới cho các con lại quay về địa bàn hoạt động. Do đặc thù công việc của họ nên lễ tiễn đưa cũng được tổ chức theo một cách rất đặc biệt.
    Các con của ông bà ngồi trong một xe ô tô kính đen đậu ven đường và nhìn theo cha mẹ bước lên cầu thang máy bay. Người cha đến phút cuối mới nhắc nhẹ mũ lên những mắt lại nhìn sang hướng khác – đấy là cách chào tạm biệt người thân của sỹ quan tình báo bất hợp pháp.
    Mikhail Mukasey. Ảnh : YouTube.com / Kênh truyền hình ОНТ
    Ăng ten trong máy hút bụi và các bí mật khác
    Anatoli Mukasey (con) thừa nhận rằng khi còn trẻ cũng đã mơ ước đi theo con đường của cha mẹ, và tất nhiên, cơ quan tình báo Liên Xô chắc chắn sẽ sẵn sàng tiếp nhận một thanh niên trẻ tài năng như anh vào làm việc. Nhưng cha mẹ Anatoli kiên quyết nói “không” với lý do trong nhà như thế là quá đủ cán bộ tình báo rồi.
    Ông bà Mukasey về nước năm 1977 và cả hai đều làm công tác giảng dạy.
    Theo lời những người thân, Mikhail Mukasey có thái độ tiêu cực đối với các phim về tình báo và nhận xét rằng trên thực tế trong công việc đó có rất ít sự lãng mạn, - nó là một công việc nặng nhọc và nói chung là buồn tẻ.
    Cả hai ông bà Mikhail và Elizaveta Mukasey đều trường thọ và sống đến thời điểm có thể nói công khai một chút về những công việc của mình. Năm 2004, họ được phép cho xuất bản cuối hồi ký “Zefir và Elza. Tình báo viên bất hợp pháp”.
    Tại buổi giới thiệu cuốn sách, vị Đại tá 97 tuổi Mukasey dè dặt phát biểu: “Cuối cùng thì chúng tôi cũng có thể giới thiệu một phần những công việc mà mình đã làm để phục vụ nước Nga Xô Viết”.
    Dĩ nhiên, vị sỹ quan tình báo này sẽ không bao giờ tiết lộ những những bí mật chủ yếu. Nhưng qua cuốn hồi ký này công chúng có thể biết rằng đoạn dây điện dài 12 m nối máy hút bụi với ổ cắm của nữ nhân viên điện đài “Elza” – người vốn được hàng xóm đánh giá là một bà nội trợ mẫu mực lại chính là ăng ten của đài thu phát vô tuyến.
    Và cũng được biết là các sỹ quan tình báo này đã khéo léo tẩy xóa những dòng chữ trên tấm hộ chiếu Thụy Sỹ của mình bằng nước khoáng như thế nào. Còn một câu chuyện nữa khi hai ông bà mới bắt đầu hoạt động – Mikhail Mukasey đến Mỹ để thay một đồng nghiệp bị lộ chỉ vì chữ ký của mình trên tấm biên lai nhận tiền để trong áo khoác – bà vợ quá chu đáo của ông đã đưa chiếc áo này để tiệm giặt là hơi cùng với biên lai đó trong túi áo.
    Cả cuộc đời vì Tổ quốc
    Những năm tháng dài sống ở nước ngoài dưới bình phong đã để lại dấu ấn khi trở về nước – mọi người đều cho ông bà là người nước ngoài vì họ nói tiếng Nga lơ lớ. rất nhiều lúc khi đang nói tiếng Nga lại chuyển sang tiếng Anh.
    Mikhail Mukasey qua đời tháng 8/2008, đúng sáu ngày sau lễ mừng thọ 101 tuổi. Còn cụ bà Elizaveta Mukasey đi sau cụ ông một năm – bà mất tháng 9/2009, thọ 97 tuổi.
    Họ đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc, không tìm kiếm danh vọng, huân huy chương và sự nổi tiếng. Có lẽ, đó mới là lòng dũng cảm tột đỉnh của một sỹ quan tình báo.
    Lê Hùng – Nguyễn Hoàng ( tổng hợp và dịch – nguồn “Luận chứng và sự kiện” (Nga ) 30/3/2017.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét