Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

BI ẨN LỊCH SỬ 63

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                           Liên Xô đã lấy bí mật hạt nhân từ Mỹ thế nào?


Làm thế nào Liên Xô có được bí mật bom nguyên tử? - Kỳ 1

Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Mátxcơva hân hoan trong niềm phấn kích. Ở phía bên kia đại dương, người Mỹ như gặp phải cơn địa chấn bởi từ nay họ đã không còn độc quyền thứ vũ khí nguy hiểm, được coi như một cứu cánh cho địa vị bá chủ toàn cầu nữa. Tại sao Liên Xô lại có những bước tiến nhanh đến vậy trên con đường làm chủ công nghệ hạt nhân nguyên tử? Câu trả lời không đơn giản chỉ đến từ những nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học Liên Xô.

Kỳ 1: Những "vật hy sinh" của chủ nghĩa McCarthy

Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc, quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ ngày một căng thẳng. Những sự kiện xảy ra sau đó như Liên Xô đạt được bước đột phá trong việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ càng làm cho chủ nghĩa McCarthy, thứ chủ nghĩa sặc mùi chống cộng, do nghị sĩ McCarthy bảo trợ, có đất hoành hoành ở Mỹ. Mượn gió bẻ măng, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tung nhân viên đặc vụ đi thám thính khắp nơi, lập hồ sơ liệt không ít học giả, nhà nghiên cứu Mỹ vào danh sách những phần tử thân cộng, gián điệp quốc tế nguy hiểm, tạo bầu không khí chống cộng trong cả nước.
Vợ chồng Rosenberg.
Là một người ủng hộ chủ nghĩa McCarthy, Giám đốc FBI Edgar Hoover đã phải lao tâm khổ tứ, dành không ít công sức "phá" vụ án gián điệp bom nguyên tử chấn động thế giới. Bởi nó không chỉ giúp Hoover báo công lĩnh thưởng, mà còn trợ giúp cho công tác tuyên truyền chính trị chống Liên Xô, tạo dư luận cho việc bắt giữ những nhân sĩ tiến bộ và tấn công vào cái gọi là "thế lực cộng sản chủ nghĩa". Dưới sự hậu thuẫn của Hoover, vụ án gián điệp bom nguyên tử đã nhanh chóng có được những manh mối đầu tiên. Sau quá trình điều tra, nghiên cứu tài liệu mật, thủ hạ của Hoover đã tìm ra cặp "gián điệp bom nguyên tử". Đó là vợ chồng nhà vật lý Rosenberg: Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg.

Thì ra, ngay từ đầu những năm 1930, cái tên Rosenberg đã nằm trong hồ sơ của FBI. Khi học đại học nhà vật lý tương lai này đã có sự liên hệ với một tổ chức sinh viên cấp tiến và sau khi đi làm lại bị người khác tố cáo là "đảng viên cộng sản". FBI cũng làm luôn một cuộc điều tra đối với vợ của Rosenberg, bà Ethel. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn: Ethel đã ký tên mình vào thư kêu gọi yêu cầu được tham gia tranh cử của Đảng Cộng sản Mỹ. Nhưng những "chứng cứ" khiến hai vợ chồng Rosenberg phải ngồi lên chiếc ghế điện ngày 19/6/1953 cay nghiệt thay lại từ miệng cậu em quý tử của bà Ethel, David Greenglass, người từng có thời gian làm ở một cơ quan liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, nhưng do bị tình nghi đến một vụ ăn cắp nên bị sa thải.

Không chịu nổi những đòn hăm dọa, uy hiếp và dụ dỗ của các nhân viên đặc vụ, Greenglass đã ngụy tạo việc được anh rể chỉ đạo đánh cắp bản vẽ thiết kế và những tài liệu liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Mỹ. Ngày 6/3/1951, tại phiên tòa xét xử cặp "gián điệp bom nguyên tử" Ethel Rosenberg và Julius Rosenberg, Greenglass đã khai "tất cả" hay nói một cách chính xác hơn là viết ra một câu chuyện trinh thám ly kỳ. Theo Greenglass, tháng 1/1945, Rosenberg đã yêu cầu hắn tìm cho bản vẽ bí mật về bom nguyên tử và lên kế hoạch liên lạc với nhà hóa học Gore ở khách sạn Hilton tại bang New Mexico.

Ngày 3/6, Greenglass tới gặp và trao cho Gore bản vẽ thiết kế một số thiết bị nổ của bom nguyên tử cùng bản thuyết minh kèm theo, tổng cộng 12 trang đánh máy. Gore là một kẻ mắc bệnh biến thái tâm lý nặng, thường xuyên hoang tưởng mình là một người nổi tiếng, là nhân vật có thể làm chấn động cả thế giới. Trước tòa, Gore như một cái máy khẳng định đã giao tất cả những gì nhận được từ Greenglass cho Rosenberg. Làm như có thật, các nhân viên đặc vụ FBI đã đưa ra cho mọi người tham dự bản đăng ký ở khách sạn Hilton vào ngày 3/6 mang tên Gore (sau này có người tiến hành điều tra và nghiệm chứng phát hiện bản đăng ký FBI trình trước tòa là giả mạo).Vợ chồng Rosenberg kịch liệt phản đối, trước sau không thừa nhận sự vu cáo trắng trợn đó. Luật sư bào chữa cho họ cũng đã chỉ ra rằng, lời khai của Greenglass và Gore tự nó đã mâu thuẫn với nhau, đồng thời bộc lộ nhiều sơ hở.

Vụ án "gián điệp bom nguyên tử" "vỡ lở" đã gây ra cơn chấn động ở nước Mỹ. Nhân sĩ cả nước, nhất là những người thuộc giới khoa học kỹ thuật, từng tham gia Dự án Manhattan nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Mỹ đã rầm rộ lên tiếng, vạch trần âm mưu bức hại các nhà trí thức của những tên cổ súy chủ nghĩa McCarthy. Bởi trên thực tế, Dự án Manhattan bắt đầu từ năm 1942, do nhà vật lý nổi tiếng Oppenheimer chủ trì toàn bộ quá trình nghiên cứu khoa học. Công trình này tiêu tốn 2 tỷ USD, thu hút sự tham gia trực tiếp, gián tiếp của một đội ngũ kĩ sư khổng lồ lên tới khoảng 500.000 người và được tiến hành hết sức bí mật. Ngoài Tổng thống Roosevelt, Oppenheimer và một số cực ít nhân vật cấp cao trong chính quyền Mỹ được biết, những người bình thường không biết nhiệm vụ đang làm có tính chất thế nào. Bên cạnh đó, theo George, một người từng giữ vai trò phụ trách một hạng mục trong Dự án Manhattan, Greenglass chỉ là một kĩ sư bình thường làm việc trong một phân xưởng dưới quyền chủ quản của ông, nên những bản vẽ thiết kế mà hắn nói đã trao cho Gore đối với người Liên Xô chỉ có giá trị bằng không.

Do phải chịu áp lực mạnh mẽ từ công chúng, nên vụ xử vợ chồng Rosenberg bị gián đoạn nhiều lần và phải kéo dài. Ngày 5/4/1951, chánh án Irving Kaufman tuyên bố vợ chồng Rosenberg phạm tội phản quốc, chịu mức án tử mình. Nhân sĩ tiến bộ trong ngoài nước rầm rộ phản đối phán quyết của tòa án. Tác giả Thuyết tương đối Einstein đã viết thư gửi Tổng thống Truman yêu cầu thả vợ chồng Rosenberg bởi họ vô tội. Mặc dù những luật sư nổi tiếng bào chữa cho vợ chồng Rosenberg 6 lần gửi đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn, nhưng đều bị bác. Ngày 19/6/1953, vợ chồng Rosenberg ra đi tức tưởi trên ghế điện. Lời nói cuối cùng của họ vẫn là "Chúng tôi vô tội".


Minh Thành (Tổng hợp)

Làm thế nào Liên Xô có được bí mật bom nguyên tử? - Kỳ 2

Kỳ 2: “Cha đẻ của bom nguyên tử” cũng bị hàm oan 

Sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ, Dwight D. Eisenhower không những không ngăn chặn, mà còn tạo điều kiện cho chủ nghĩa McCarthy phát triển, làm trào lưu chống Cộng ở Mỹ ngày một lan tràn. Đầu năm 1954, Eisenhower tuyên bố có 2.200 “phần tử nguy hiểm” sẽ bị chính phủ loại ra khỏi các cơ quan của mình. Từ khi vợ chồng Rosenberg bị bức hại, FBI vẫn chưa chịu kết thúc vụ án gián điệp bom nguyên tử, thậm chí còn chĩa mũi nhọn sang “cha đẻ của bom nguyên tử” - nhà vật lý lừng danh Robert Oppenheimer, người giữ trọng trách tổng công trình sư trong Dự án Manhattan, đồng thời là Chủ tịch tiểu ban tổng tư vấn thuộc ủy ban năng lượng nguyên tử Mỹ. Lý do Oppenheimer nằm trong danh sách đen những kẻ tình nghi tiết lộ bí mật bom nguyên tử cũng rất đơn giản: đầu những năm 1930, nhà vật lý này đã có sự qua lại với một số đảng viên cộng sản. Lập tức, Tổng thống Eisenhower ra lệnh phải có biện pháp cách ly đối với Oppenheimer, không cho phép nhà khoa học này tiếp xúc với bất kỳ tài liệu cơ mật nào.

Openheimer cha đẻ của bom nguyên tử

Năm 1954, một ủy ban đặc biệt đã tố cáo Oppenheimer có liên quan đến vụ án “gián điệp bom nguyên tử”. Chứng cứ mà họ đưa ra vẫn chỉ là những gì FBI có: Oppenheimer đã qua lại với một số đảng viên cộng sản và không có hào hứng với việc nghiên cứu chế tạo loại vũ khí mới (bom khinh khí). Mặc dù Oppenheimer đã nhiều lần khẳng định mình không có bất kỳ sự liên quan nào tới các hoạt động của Đảng Cộng sản, nhưng Chính phủ Mỹ vẫn tước bỏ mọi chức vụ của Oppenheimer trong ủy ban năng lượng nguyên tử và ở các cơ quan khác. Không những vậy, các nhân viên FBI còn thường xuyên tiến hành theo dõi, giám sát nhất cử nhất động của Oppenheimer. Sự bất hạnh nhằm vào “cha đẻ của bom nguyên tử” đã khiến rất nhiều nhà khoa học của các nước khác đang làm ở Mỹ cảm thấy bản thân bị mất tự do và không được đảm bảo về an ninh, tìm mọi cách chia tay với “miền đất hứa”.

Đám mây hình nấm gây ra bởi vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki

Cuối cùng, ai đã tiết lộ bí mật bom nguyên tử cho phía Liên Xô? Hơn nửa thế kỷ trôi qua đã có rất nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm câu trả lời, nhưng người ta vẫn không tìm được một lời giải thích đầy đủ, cảm thấy thỏa mãn. Hiện nay, đa số cho rằng người tiết lộ bí mật bom nguyên tử là nhà khoa học năng lượng nguyên tử Klaus Fuchs. Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền ở Đức năm 1933, cũng như nhiều nhà khoa học khác, Fuchs chạy sang Anh. Tiếp đó, cùng với một số nhà khoa học Anh, Fuchs được cử sang Mỹ cùng chung tay góp sức với đồng minh thực thi Dự án Manhattan. Bản thân Fuchs cũng tham gia vào nhiều lần thử nghiệm thiết bị nổ bom nguyên tử. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Fuchs trở lại Anh, chủ trì công tác nghiên cứu vật lý hạt nhân ở trung tâm nghiên cứu Hartwell. Tháng 8/1949, Canađa phá một mạng lưới gián điệp khoa học kỹ thuật do KGB tổ chức liên quan đến vấn đề bom nguyên tử và Fuchs. Dựa trên những chứng cứ thu thập được, tháng 2/1950, cơ quan an ninh Anh ra lệnh bắt Fuchs. Bị cáo buộc là đã tiết lộ những thông số quan trọng về bản thiết kế bom nguyên tử cho người Liên Xô, Fuchs nhận bản án 14 năm tù.

Bên cạnh những vụ án liên quan đến việc tiết lộ bí mật bom nguyên tử của Mỹ đã được đưa ra xét xử, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều câu chuyện li kỳ giải thích tại sao người Liên Xô lại chế tạo được thứ vũ khí giết người hàng loạt này nhanh đến vậy. Nghe nói, ngày 24/7/1945, trung tướng lục quân Grover, người phụ trách Dự án Manhattan đã kiến nghị lên đại tướng Marshall việc ném bom nguyên tử xuống 4 thành phố của Nhật Bản, nhưng cuối cùng chỉ có 3 mục tiêu được chọn là Hiroshima, Kokura, và Nagasaki. Sau khi ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima ngày 6/8/1945, sáng sớm ngày 9/9/1945, hai chiếc máy bay ném bom B-29 mang theo 2 quả bom nguyên tử cất cánh từ căn cứ Tinian ở tây Thái Bình Dương bay tới vùng trời Nhật Bản làm nhiệm vụ. Do mây mù che kín, không nhìn thấy mục tiêu Kokura, nên tổ lái bay đến mục tiêu thứ 2 là Nagasaki, ném xuống đó 2 quả bom nguyên tử: 1 quả nổ lệch mục tiêu khoảng 2 km, quả khác đánh trúng mục tiêu nhưng không nổ.

Bị tổn thất nặng nề, nhưng Nhật Bản lại tình cờ “bắt được” bom nguyên tử. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập, những quan chức chóp bu của Nhật Bản khi đó cho rằng họ đã hoàn toàn thất bại trong chiến tranh, không còn khả năng chế tạo bom nguyên tử, quyết định giao quả bom nguyên tử chưa nổ này cho Liên Xô. Tướng Ivan, người phụ trách KGB khi đó đã được lệnh tới Nhật Bản tiếp nhận thứ quà tặng đặc biệt này. Nhờ vậy, Liên Xô đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Chỉ 4 năm sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Liên Xô đã cho ra đời quả bom nguyên tử đầu tiên.


Minh Thành (Tổng hợp)

Làm thế nào Liên Xô có được bí mật bom nguyên tử? - Kỳ cuối

Kỳ cuối: Con đường làm chủ công nghệ hạt nhân nguyên tử của Liên Xô

Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), nhiều nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan luôn cảm thấy dằn vặt lương tâm bởi họ không thể nghĩ rằng thứ vũ khí những tưởng sẽ giúp kết thúc chiến tranh lại mở ra chương bi thảm nhất trong lịch sử loài người. Do đó, việc họ muốn cung cấp cho Liên Xô những tin tức liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử để tạo thế cân bằng, không cho Mỹ giữ thế độc quyền thứ vữ khí khủng khiếp ấy tác oai tác quái cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người Liên Xô hoàn toàn phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài. Dưới đây xin giới thiệu một số con đường chủ yếu làm chủ công nghệ hạt nhân nguyên tử của Liên Xô:

1. Những nỗ lực tự thân

Vào giữa những năm 1930, Liên Xô đã có trong tay một nhóm các nhà thực nghiệm trẻ tuổi rất thành thạo trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân do Igor V. Kurchatov (ảnh) đứng đầu. Họ công tác ở Viện Vật lý Kỹ thuật Leningrad. Không những vậy, Liên Xô còn có nhiều nhà lý thuyết hạt nhân tầm cỡ thế giới. Iulii B. Khariton và Iakov B. Zel'dovich (người đã cùng với Andrei Sakharov chỉ huy chương trình bom khinh khí của Xô Viết sau chiến tranh) đã thực hiện và xuất bản những nghiên cứu mang tính tiên phong về phản ứng phân hạch dây chuyền của urani tự nhiên. Năm 1941, Khariton và Zel'dovich đã tính toán được một cách chính xác khối lượng tới hạn của urani 235. Các nhà vật lý Xô Viết cũng khiến chính phủ quan tâm đến tiềm năng quân sự của hiện tượng phân hạch. Nhưng khi đó, Liên Xô phải tập trung chống lại sự xâm lược của Đức Quốc xã, nên không thể dành những nguồn lực mạnh nhất của mình cho một mục tiêu vẫn còn chưa chắc chắn như bom hạt nhân. Sau khi có được những tin tức tình báo chính xác về việc người Mỹ bí mật nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, Joseph Stalin đã nhanh chóng thực hiện chính sách thúc đẩy chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân ở Liên Xô. Stalin cũng đã bổ nhiệm Lavrentiy P. Beria, một cảnh sát mật khét tiếng làm nhiệm vụ theo dõi chương trình này.

Igor V. Kurchatov

2. Tìm kiếm tin tức liên quan thông qua mạng lưới điệp viên

Vào thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và sau khi quan hệ giữa Mátxcơva và Oasinhtơn trở nên căng thẳng, Liên Xô đã triển khai không chỉ một lưới tình báo ở Mỹ. Ngoài việc thu thập tin tức trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh của Mỹ, nhiều nhân viên KGB cài cắm trên đất Mỹ còn có nhiệm vụ đánh cắp những thông tin liên quan đến Dự án Manhattan.

Trong cuốn "Cơ quan tình báo và Điện Cremli", trung tướng Pavel Sudoplatov, ông trùm tình báo Liên Xô lúc bấy giờ khẳng định, điệp viên Margarita Konenkova (mật danh Lukas) đã lấy được từ Albert Einstein (tác giả Thuyết tương đối, người đưa ra nguyên lý chế tạo bom nguyên tử) không ít tài liệu liên quan đến công nghệ mũi nhọn của Mỹ như chế tạo tên lửa đạn đạo và bom nguyên tử. Bởi tuy Einstein không trực tiếp tham gia Dự án Manhattan, nhưng ông lại có quan hệ mật thiết với cả hai nhà khoa học chỉ đạo việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Đức (Werner Heisenberg) và của Mỹ (Robert Oppenhimer) cũng như nhiều nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan.

Ở trường hợp khác, cuối năm 2007, Tổng thống Nga khi đó là V. Putin đã truy tặng nhà tình báo Liên Xô George Koval (ảnh), tức Delmar danh hiệu Anh hùng vì những đóng góp cho việc chế tạo bom nguyên tử. Tại buổi lễ, Tổng thống Putin đã ca ngợi Koval là nhà tình báo Xô viết duy nhất thâm nhập được vào các nhà máy bí mật của Dự án Manhattan. Đây không phải là những lời đánh giá hoa mĩ bởi những gì Koval cống hiến còn hơn thế.

George Koval

Được tuyển mộ ngay sau khi tốt nghiệp, lại được cơ quan tình báo quân sự Liên Xô (GRU) huấn luyện nghiệp vụ và đánh sang Mỹ làm nhiệm vụ tình báo khoa học, bằng thực tài, Koval đã nhanh chóng có mặt trong danh sách những nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan. Do được giao nhiệm vụ kiểm tra mức độ phóng xạ an toàn hạt nhân đối với công nhân, nên Koval có điều kiện đi lại hầu hết các nhà máy sản xuất các chi tiết, linh kiện của bom hạt nhân, đặc biệt là các thanh nhiên liệu hạt nhân. Những báo cáo tình báo của Koval đã giúp Liên Xô rút ngắn đáng kể thời gian chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của mình bởi trong công nghệ chế tạo bom nguyên tử, các bí mật về chế tạo còn quan trọng hơn cả những bí mật về thiết kế bom.


Minh Thành (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét