Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Phút giây cảnh giác 8

(ĐC sưu tầm trên NET)

       Chuyện cảnh giác: Lấy vàng đổi ngoại tệ, số điện thoại may mắn, thuê nhà, thương nhầm kẻ cướp 

Cao thủ mang 2 lồng gà chọi đi lừa bán iPhone rởm

Tôi kiểm tra cẩn thận và biết chiếc điện thoại hắn đưa là chính hãng. Hắn sợ tôi tráo đồ nên cẩn thận quấn băng keo như 'xác ướp Ai Cập' rồi ký tên...

Tôi mở quán kinh doanh điện thoại di động ở TP HCM. Tôi cũng nghe mọi người kể nhiều về lừa đảo. Vì thế, tôi cũng tránh được nhiều chiêu xảo quyệt của kẻ gian. Nhưng lần này, tôi đã gặp một hung thủ quá cáo già.
Khoảng 10h ngày 15/2, có một nam thanh niên đi chiếc Dream độ, ngoài xe treo 2 lồng gà đá, anh ta hỏi: "Anh có thâu (mua) điện thoại cũ không?". Tôi trả lời: "Có, điện thoại gì vậy". Nam thanh niên liền đưa ra một điện thoại iPhone 4, 32Gb.
Tôi cầm và kiểm tra biết chiếc điện thoại đúng là chính hãng, giá trị thực khoảng 4 triệu đồng. Tôi nói: "Giờ tôi không đủ tiền mua lại máy này, anh đi cửa hàng khác đi". Người thanh niên liền nhanh nhảu hỏi: "Anh còn bao nhiêu?". Tôi trả lời: "Tôi còn 3 triệu". "Không, 3 triệu em không bán", người thanh niên nói.
Suy nghĩ một lúc, không hiểu sao người thanh niên này lại đồng ý bán chiếc điện thoại đó cho tôi với giá 3 triệu đồng, nhưng với điều kiện: "Từ giờ đến chiều nếu em đá gà ăn, em lấy lại máy và trả tiền thêm cho anh 200.000 đồng, tiền cà phê".
Tôi nghĩ đằng nào mình cũng có lời, có gì đâu mà phải từ chối. Vậy là giao dịch diễn ra, anh ta nhận tiền còn tôi lấy máy. Bước ra khỏi cửa, anh ta còn quay đầu lại nói sợ mình đổi máy, xin lấy băng keo quấn cựa gà (băng keo vải) quấn điện thoại lại. Tôi nói: "Ok, anh cứ việc quấn".
Anh ta quấn băng keo theo chiều ngang, quây kín chiếc điện thoại và ký tên. Tôi thấy anh ta quấn đẹp quá, trong đầu còn nghĩ tay này là dân chuyên nghiệp và có băng keo quấn cựa gà. Lúc này, tôi mới tin anh ta là dân cờ bạc, đang cần tiền gấp nên không nghi ngờ gì.
Anh ta lại quấn thêm chiều dọc nữa. Lúc này, tôi nhìn chiếc điện thoại chẳng khác gì giống như một xác ướp ở Ai Cập. Anh ta ký tên thêm một lần nữa. Quấn xong anh ta đưa máy cho tôi, mọi thao tác của ngưới đá gà luôn diễn ra trước mắt tôi. Từ lúc anh ta quấn keo, điện thoại luôn để trên mặt kính của cửa hàng (tôi tin là 100% lúc này chưa có chuyện gì xảy ra, điện thoại mình giữ vẫn là iPhone 4, 32G chính hãng).
Sau 15 phút, hắn quay lại nói "anh cho em lấy lại máy điện thoại, gà nó lớn quá, em không đá được". Tôi cũng "ok", trả lại máy và lấy lại tiền.
Bắt đầu, anh ta đưa tôi 100.000 đồng nói tôi nhận lấy (tiền cà phê). Tôi từ chối không lấy, nhưng anh ta cứ ép tôi lấy. Tôi bảo lấy 10.000 đồng thôi cho anh ta vui. Trong lúc, tôi lấy tiền thối thì anh ta nghe điện thoại (bằng Nokia 1280). Tôi có nghe loáng thoáng rằng là bên kia đồng ý đá ăn 8 với hắn, (ví dụ là đá 1 triệu nếu anh ta thắng sẽ ăn người ta 1 triệu, còn người ta thắng thì ăn của anh ta 800 nghìn).
Nghe xong điện thoại, anh ta liền bảo tôi cho lấy tiền và đưa điện thoại lại cho tôi (điện thoại vẫn quấn keo như xác ướp ở Ai Cập). Đọc tới đây, chắc các bạn cũng biết vấn đề nằm ở đâu rồi? Lúc tôi đi lấy tiền thối, hắn đang nghe điện thoại và thừa cơ tráo cái điện thoại khác (hắn chuẩn bị sẵn một chiếc iPhone rởm quấn như "xác ướp Ai Cập" đưa lại cho tôi).
Lúc này, tôi cũng kiểm tra lại hai miếng keo hắn quấn trong cái điện thoại, chỉ một miếng có chữ ký của hắn, miếng kia  không có,  vậy mà trước mặt tôi hắn ký tới 2 lần. Chứng tỏ đây là cái máy khác không phải cái máy hắn quấn keo trước mặt tôi. Tôi nhớ lúc đó cửa hàng tôi có 2,3 người khách. Tôi không biết đây có phải là đồng bọn của chúng hay không?
Chiếc iPhone tôi nhận được chỉ là cái máy Trung Quốc đời đầu bị hư hỏng nặng, giá trị không tới 100.000 đồng. Cú lừa của hắn thật là chuyên nghiệp. Tôi đã mất 3 triệu đồng để nhận được một bài học đắt giá và cũng xem như năm nay nhà "cúng" rằm tháng giêng lớn. Vì thế, các bạn cẩn thận trước những tên lừa đảo cao tay này.
Thanh Nguyen

Những điều chưa biết về vụ lừa đảo chấn động giới khảo cổ

Cách đây tròn 100 năm (năm 1912), Charles Dawson - một luật sư kiêm nhà khảo cổ học nghiệp dư Anh tuyên bố tìm thấy hộp sọ của loài người đầu tiên tiến hóa từ vượn ở Piltdown, Sussex (đông nam nước Anh).
<>Khám phá khoa học tầm cỡ thế kỷ
Năm 1908, Charles Dawson thuê hai công nhân làm đường đào bới một con mương phủ đầy cát sỏi dọc theo con đường gần làng Piltdown ở Sussex (Anh) để tìm kiếm những cổ vật, xương và cả hóa thạch vốn được cho là có khá nhiều ở khu vực này.
Sau vài ngày, các công nhân đã phát hiện ra vài mảnh vỡ giống như sọ dừa trong bãi cát và khi kiểm tra kỹ càng, Dawson xác định những mảnh vụn được tìm thấy là sọ người. Năm 1911, Dawson tìm thêm được một mảnh xương sọ lớn hơn và tin rằng nó thuộc cùng một hộp sọ với mấy mảnh sọ tìm được trước đó. Ông cũng tìm được một mảnh răng hà mã. Tất cả đều được tìm thấy ở vị trí khai quật ban đầu tại Piltdown.
Hình ảnh Những điều chưa biết về vụ lừa đảo chấn động giới khảo cổ số 1
Các chuyên gia đang nghiên cứu Piltdown Man năm 1915.
Tháng 02/1912, Dawson liên hệ với Arthur Smith Woodward, một người bạn làm ở Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Anh để thảo luận về những mảnh sọ này. Woodward đã rất ấn tượng với những phát hiện của Dawson và quyết định kiểm tra kỹ lưỡng hơn xem ở con mương phủ đầy cát sỏi kia còn thứ gì tương tự như vậy không. Vậy là Dawson và Woodward đã nhờ sự trợ giúp của Cha xứ Pierre Teilhard de Chardin để khai quật lần nữa tại địa điểm khai quật cũ ở Piltdown.
Năm đó, ba người đã khai quật được một số hiện vật độc đáo gồm nửa hàm dưới bên phải của một con vật giống như khỉ, một vài mẩu xương hàm của voi, răng voi, hóa thạch hải ly và thêm vài mảnh xương sọ nữa. Cả ba đều cho rằng nửa hàm dưới kia thuộc về một động vật giống người chứ không phải của khỉ. Hơn nữa, do các mảnh xương được tìm thấy rất gần nhau nên họ càng tin tưởng vào kết luận của mình.
Việc phát hiện ra một hộp sọ hoàn chỉnh với xương hàm trở thành một phát hiện mang tính lịch sử. Khi các mảnh xương sọ được Authur Woodward lắp ráp lại, nó được công bố rộng rãi trước công chúng giống như phần còn thiếu trong chuỗi tiến hóa của con người. Họ khẳng định rằng đây là một loài trung gian giữa vượn và con người; là loài đầu tiên tiến hóa từ vượn sang người.
Bộ não của hộp sọ Piltdown nhỏ hơn so với con người hiện đại và xương hàm thì phù hợp với một con vượn. Ngay cả mẫu vật răng được tìm thấy dường như cũng xác nhận hộp sọ và xương hàm là một phần mà khoa học chưa bao giờ tìm thấy trước đó. Ngoài ra, phát hiện này còn xác nhận giả thiết rằng não bộ là bộ phận đầu tiên của cơ thể người tiến hóa (điều này mâu thuẫn với tất cả các bằng chứng khảo cổ tính đến thời điểm lúc bấy giờ).
Những phát hiện này chính thức được công bố rộng rãi trên báo chí vào tháng 11/1912. Woodward và Dawson cũng đã chính thức diễn thuyết về Piltdown Man trước rất nhiều khán giả tại Hội địa chất London. Họ kể lại chuyện đã khai quật được Người Piltdown như thế nào, và rằng họ tin chiếc sọ này không dưới 500.000 năm tuổi.
Đa số các nhà khảo cổ học đều rất háo hức với những khám phá về người Piltdown, song bên cạnh đó vẫn có nhiều người nghi ngờ những điều mà Dawson và Woodward công bố. Giáo sư Arthur Keith - một nhà khảo học có tiếng đã lên tiếng phản bác lại những tuyên bố của Dawson và Woodward.
Ông cho rằng mẫu vật răng mới phát hiện không phù hợp với xương hàm và răng gốc. Keith trình bày quan điểm của mình tại một cuộc họp của Hội Hoàng gia. Tuy nhiên, sau khi nghe các bằng chứng, các thành viên trong cuộc họp lại cáo buộc Keith có tham vọng riêng và đây là lý do dẫn tới sự bất đồng của ông với Woodward.
Hình ảnh Những điều chưa biết về vụ lừa đảo chấn động giới khảo cổ số 2
Hộp sọ Piltdown Man được làm giả để đánh lừa giới chuyên môn.
<>Và sự thật khiến giới chuyên môn xấu hổ
Năm 1915, Dawson tiếp tục tìm thấy thêm nhiều cổ vật có giá trị lịch sử ở địa điểm khai quật khác gọi là Piltdown II. Những mảnh sọ khác cùng với một chiếc răng hàm tìm thấy ở đây được cho rằng cùng thời với những hiện vật đã khai quật được ở Piltdown I. Những mảnh sọ và chiếc răng là những thứ duy nhất được tìm thấy tại đó bởi sau khi Dawson chết vào tháng 08/1916, chẳng ai biết chính xác Piltdown II nằm ở đâu. Khám phá tại Piltdown II là rất quan trọng bởi lẽ nó đã góp phần thuyết phục những ai còn hoài nghi về câu chuyện của Dawson.
Tuy nhiên, đến hộp sọ thứ hai này thì các nhà chuyên môn mới lờ mờ nhận ra sự thật. Họ bắt đầu nghi ngờ hộp sọ và xương hàm của Piltdown Man không thuộc về nhau, rằng chúng chỉ đơn giản là được tìm thấy với nhau một cách tình cờ. Việc tìm thấy một bộ xương hàm của vượn cùng với một hộp sọ của con người rất hiếm. Vậy mà nó lại xảy ra hai lần trong một khu vực là điều khiến người ta không thể tin được. Tại thời điểm này, các nhà phê bình mới chỉ giải thích những phát hiện của Woodward có sai sót chứ chưa dám khẳng định đây là một trò lừa đảo.
Sự lừa dối tiếp tục được che đậy cho đến tận năm 1953 khi các bằng chứng dần được công bố. Sự hoài nghi trong suốt hơn 40 năm của các nhà khảo cổ đã được giải đáp bằng một sự thật động trời. Kết quả điều tra đưa ra vào năm 1953 cho thấy các hóa thạch được tìm thấy trong sự kiện Piltdown Man thực sự là một hỗn hợp của ba loài riêng biệt. Hộp sọ là của một người đàn ông hiện đại, xương hàm thuộc về một con đười ươi và các mẫu vật răng là của một con tinh tinh. Bộ xương được ủ với một hỗn hợp sắt và acid cromic để tăng tuổi thọ. Những mẫu vật răng thì đã được mãi giũa để tương thích với xương hàm.
Hình ảnh Những điều chưa biết về vụ lừa đảo chấn động giới khảo cổ số 3
Charles Dawson.
Vụ việc giả mạo vỡ lở đã làm toàn thể cộng đồng khoa học bị sốc nặng và vô cùng hổ thẹn. Năm 1959, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận chiếc hộp sọ người chỉ khoảng 600 tuổi, còn phần hàm thực chất là của một con đười ươi sống cách đây có 500 năm. Các hiện vật khác cũng đều bị phát hiện là giả mạo. Không chỉ là những mẫu vật bị hóa trang để làm cho chúng có vẻ cổ xưa, mà còn có bằng chứng rằng nhiều hiện vật tìm thấy ở Piltdown đã được họ chôn xuống địa điểm khai quật từ trước.
Việc kiểm định các hiện vật Piltdown Man đã chỉ ra rằng khám phá khoa học tầm cỡ thế kỷ thực chất là một trong những vụ lừa đảo tinh vi nhất trong lịch sử khoa học. Vụ lừa đảo này không chỉ làm đảo lộn cộng đồng khoa học, mà còn làm dấy lên nghi ngờ rằng nhiều nhà khoa học danh tiếng đã tiếp tay trong vụ lừa đảo Piltdown Man. Trong khoảng thời gian từ 1955 - 1992 người ta đã điều tra ra 15 người có dính líu trong vụ việc này.
Mặc dù một số người đã được minh oan, nhưng vẫn có ít nhất 7 người bị xác định là đồng thủ phạm: Charles Dawson, Arthur Smith Woodward, W.J. Lewis Abbott, Arthur Keith, Martin AC Hinton, Teilhard de Chardin, và cả Arthur Conan Doyle - nhà văn nổi tiếng với bộ truyện trinh thám lừng danh thế giới Sherlock Holmes.
Tiến sĩ Pope, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Khảo cổ học UCL (một trong những trung tâm được đánh giá cao nhất về nghiên cứu khảo cổ học, di sản văn hóa và bảo tàng ở Anh) trong một bài phỏng vấn mới đây cho biết: "Đó là một sự lừa bịp rất cơ bản, rất thô sơ. Những kẻ lừa đảo đã lấy một hộp sọ tương đối giống của con người, sửa đổi một hàm đười ươi rồi sắp xếp để tìm thấy hai thứ cùng một lúc và trình bày chúng như là một bộ xương hoàn hảo.
Điều ngạc nhiên là những thủ thuật đơn giản ấy vẫn lừa bịp được các nhà khoa học trong suốt một thời gian dài... Chúng tôi đang chuẩn bị một cuộc họp với các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Anh và các trường đại học khác để thảo luận về các vấn đề còn chưa sáng tỏ trong vụ lừa đảo ngoạn mục này”.  
<>Quá khứ mờ ám
Charles Dawson (1864 - 1916) được công nhận là nhà sưu tầm đồ cổ vĩ đại nhất ở Anh; ông cũng được biết đến là một luật sư, một nhà khảo cổ học nghiệp dư có tiếng. Ông đã có nhiều công trình khảo cổ được thế giới ghi nhận. Khi vụ việc Piltdown Man vỡ lở, cảnh sát mới bắt đầu điều tra về lý lịch của Charles Dawson và mới biết rằng quá khứ của nhà khảo cổ học này chẳng hề trong sạch. Theo tài liệu của một thám tử, Dawson từng ăn cắp những nghiên cứu về các lâu đài cổ ở Sussex chưa từng được công bố rồi khẳng định đó là công trình do mình làm nên; từng dính vào một vụ buôn bán đồ cổ giả mạo... Một cuộc điều tra khác cho biết thêm trong các cổ vật khác do Dawson cung cấp có ít nhất 38 mẫu được xác định là giả. Trong đó có một bộ sưu tập đá lửa bị phát hiện được ủ bằng hoá chất, tương tự như quá trình được sử dụng với các cổ vật Piltdown.
<>Gia Hân (Theo BBC)
Nguồn : Người đưa tin

Cảnh báo những chiêu lừa đảo từ đầu số điện thoại lạ

Nhiều người trở thành nạn nhân của những đầu số điện thoại lạ, những đầu số này được xác định là những đầu số của điện thoại vệ tinh quốc tế.
Theo các chuyên gia viễn thông Việt Nam, hình thức lừa đảo dùng một đầu số điện thoại lạ gọi đến hàng triệu thuê bao bất kỳ đã từng rất phổ biến tại Mỹ và các nước châu Âu từ những năm 2004-2009. Khi các quốc gia này chặn được những cuộc gọi từ những đầu số lạ thì những kẻ siêu lừa đảo lại chuyển hướng sang những nước chưa có thiết bị chặn đầu số lạ, trong đó có Việt Nam. Hiện người dùng các mạng viễn thông tại Việt Nam chính là nạn nhân mới của hình thức lừa đảo này và có không ít người bị sập bẫy.
Hình ảnh Cảnh báo những chiêu lừa đảo từ đầu số điện thoại lạ số 1
Người sử dụng điện thoại nên cảnh giác với các cuộc gọi lạ và tin nhắn rác
<>Những chiêu lừa ngoạn mục
Theo phản ánh của nhiều độc giả báo Người đưa tin, thời gian gần đây nhiều thuê bao điện thoại di động nhận được những cuộc gọi từ số máy có đầu số +881xxxxxxx hoặc +882xxxxxxx, hầu hết những cuộc gọi này đều là cuộc gọi nhỡ. Nhiều người vì thói quen gọi lại để xác định ai là người vừa gọi cho mình thì ngay lập tức bị trừ từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng, dù cho cuộc gọi mới đổ chuông chứ chưa kết nối thành công.
Trường hợp những thuê bao trả trước có thể kiểm tra tài khoản liền, thấy tài khoản bị trừ có thể sẽ cảnh giác, nhưng cũng có không ít thuê bao trả sau thì đến lúc đóng tiền mới tá hỏa vì phải đóng thêm một khoản trừ không nhỏ, mà nguyên nhân gây ra là từ những đầu số lạ này.
Ghi nhận của PV, những đầu số điện thoại lạ +881 và +882 không thuộc một mã vùng cụ thể của một quốc gia nào mà là những đầu số điện thoại vệ tinh quốc tế. Những kẻ chuyên lừa đảo dùng những đầu số này để ngang nhiên móc túi khách hàng nhưng nhiều người vẫn không hề hay biết.
Ông Phạm Tiến Châu, một chuyên gia mạng viễn thông tại TP.HCM cho biết: "Những kẻ lừa đảo đã sử dụng một thiết bị được kích hoạt tự động để thực hiện các cuộc gọi đến hàng triệu số điện thoại di động ngẫu nhiên trên toàn cầu. Những cuộc gọi này không kéo dài lâu, chỉ trong khoảng 5-7 giây rồi tự động ngắt kết nối. Thời gian này là vừa đủ để lưu lại cuộc gọi nhỡ trên máy nạn nhân, nhiều thuê bao biết có cuộc gọi đến cũng không kịp bắt máy những cuộc gọi từ những đầu số lạ này. Người chủ thuê bao sau khi thấy điện thoại báo cuộc gọi nhỡ sẽ gọi vào số vừa gọi đến cho mình. Việc làm này vô tình đã trích cho những kẻ siêu lừa đảo một khoản tiền không nhỏ từ tài khoản thuê bao của mình.
Chuyên nghiệp hơn, các công ty sở hữu và vận hành đầu số điện thoại vệ tinh quốc tế còn xây dựng một mạng lưới trả lời tự động nhằm kéo dài thời gian cuộc gọi của nạn nhân. Theo đó, mạng lưới trả lời tự động này sẽ yêu cầu người thực hiện cuộc gọi làm theo những chỉ dẫn đã được lập trình sẵn nếu muốn kết nối với người cần gặp. Kết quả là nạn nhân không những không  biết ai vừa gọi cho mình, vừa bị mất một khoản tiền lớn một cách oan uổng mà không biết kêu cứu ở đâu".
Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc bộ phận nghiên cứu của BKAV cho biết: "Nắm bắt được tâm lý nạn nhân, những đầu số điện thoại lừa đảo quốc tế này còn đưa thông tin giả thông báo chủ thuê bao đã trúng được một giải thưởng lớn và đưa ra một số máy điện thoại khác để yêu cầu người dùng gọi vào đó để được hướng dẫn thủ tục nhận giải thưởng. Nhưng thực chất, đây cũng là một số máy cũng thuộc đầu số lừa đảo quốc tế này, nhằm móc túi nạn nhân thêm một lần nữa. Chi phí mà nạn nhân bị móc túi để thực hiện một cuộc gọi điện thoại vào những đầu số này rất đắt, số tiền này sẽ bị trừ khi điện thoại nạn nhân bắt đầu đổ chuông mà không cần phải được kết nối".
Hình ảnh Cảnh báo những chiêu lừa đảo từ đầu số điện thoại lạ số 2
Giao diện của ứng dụng obile Security
<>Mất tiền triệu như chơi
Theo đại diện nhà mạng Mobifone, thời gian qua có nhiều khách hàng gọi điện hoặc đến thẳng đại lý khiếu nại lên trung tâm tư vấn của nhà mạng về việc thuê bao của mình bị trừ cùng lúc nhiều tiền mà không rõ nguyên nhân. Khi được nhân viên giải thích họ mới biết mình đã bị lừa bởi những công ty điều hành đầu số lừa đảo quốc tế, dù trước đó, những cuộc gọi này không hề kết nối được.
Anh Đinh Mạnh Hùng (42 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), một khách hàng vừa đến đóng tiền thuê bao trả sau của một nhà mạng tại TP.HCM bức xúc: "Cách đây một tuần, điện thoại tôi liên tục bị làm phiền bởi những đầu số lạ, ngỡ là số điện thoại của đối tác làm ăn ở nước ngoài nên tôi gọi lại, nhưng đầu dây bên kia không có ai trả lời. Điện thoại tôi cài chế độ gọi lại tự động nên nhiều khi tự gọi lại đến gần hai phút mà tôi không hề biết. Hậu quả là hôm nay tôi phải đóng thêm gần 2 triệu đồng cho thuê bao trả sau. Tôi thắc mắc thì được nhân viên thu tiền giải thích là cước phí bị trừ thêm do thuê bao của tôi có liên lạc với một đầu số lạ được cho là của công ty lừa đảo quốc tế".
Cùng cảnh ngộ với anh Hùng, chị Thanh Hồng, ngụ tại quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cho biết: "Hôm trước tôi được một đầu số lạ nhắn tin nói thuê bao của tôi trúng thưởng 15 triệu đồng và yêu cầu tôi soạn tin rồi gửi đến đầu số vừa gửi đến. Quá vui mừng, tôi nhắn tin đi nhưng mãi tới tối ngày hôm đó vẫn không nhận được tin nhắn nào gửi lại nên tôi gửi thêm một tin nhắn nữa với nội dung như trước nhưng vẫn không nhận được bất cứ một phản hồi nào. Đến lúc tôi đóng tiền cho thuê bao mới tóa hỏa khi phải đóng thêm 890 ngàn đồng vì hai tin nhắn trước. Hỏi thì được biết mình bị lừa, nhà mạng cũng giải thích rằng hai đầu số trên thuộc hệ thống vệ tinh di động toàn cầu, không phải là một số thuê bao của một vùng cụ thể nào. Và vì đầu số không thuộc sự quản lý của quốc gia nào nên không thể truy hoàn phí cho khách hàng".
Chị Nguyễn Thị Lý (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình) phản ánh: "Mấy ngày gần đây tôi liên tục bị số +881847582xxx nháy máy. Tôi tưởng khách hàng của tôi gọi nhỡ, nên tôi gửi tin nhắn hỏi là ai, nhưng tin nhắn không gửi được, tôi đành bấm máy gọi lại. Tuy nhiên, lúc thì tôi thấy có tín hiệu đổ chuông, lần khác tôi còn nghe cả nhạc chuông giao hưởng nhưng không có ai trả lời, hoặc chỉ có tổng đài trả lời tự động. Vừa rồi, khi nhà mạng báo cước, tôi giật mình khi mất tới 1 triệu đồng cho các số mà tôi gọi không được nêu trên. Tôi khiếu nại lên trung tâm chăm sóc khách hàng và được giải đáp rằng đó là những dải số không thuộc bất kỳ quản lý ở quốc gia nào. Trung tâm này nói rằng, tôi đã bị tin tặc lừa và không thể truy thu số tiền bị mất".                                            
<>Cần cảnh giác
Việc thuê bao Việt Nam gọi điện đến đầu số vệ tinh di động và bị thu cước từ 99.000 đến 150.000 đồng mỗi phút khiến nhiều người dùng di động thắc mắc "số tiền bị trừ ấy sẽ về đâu". Dải số +881 và +882 được sử dụng thuộc hệ thống vệ tinh di động toàn cầu (Global Mobile Satellite System - GMSS), không thuộc trách nhiệm của bất kỳ quốc gia nào, mà chỉ chịu sự quản lý của nhà cung cấp dịch vụ. Ông Lê Mười, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao Công an TP.HCM cho biết, thực tế cho thấy tội phạm công nghệ cao liên tục gia tăng về chất và lượng. Ngoài các đối tượng tội phạm trong nước còn có hiểm họa từ các đối tượng ở nước ngoài xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực thông qua internet, hệ thống vệ tinh toàn cầu xâm nhập vào máy tính cá nhân, điện thoại di động và các thiết bị công nghệ khác của cá nhân lẫn cơ quan, tổ chức. Trước khi có những biện pháp cụ thể, khách hàng không nên chủ quan, cần cảnh giác kiểm tra kỹ số điện thoại trước khi thực hiện gọi lại, đăng ký chặn số và tin nhắn để tránh các chiêu lừa tiền của tin tặc.
<>Công Thư
Nguồn : Người đưa tin

Facebook đang trở thành hang ổ của những kẻ lừa đảo



Mạng xã hội facebook dường như không thể thiếu với nhiều người bây giờ. Mọi người sử dụng nó để kết nối, tìm bạn bè cũ  … thậm chí là tìm được tình yêu của mình qua đấy. Nhưng facebook cũng luôn bị những kẻ không tốt lợi dụng với những mục đích khác nhau. Nhiều mối quan hệ cũng chỉ vì khúc măc này nọ trên mạng xã hội mà trở nên chẳng ra sao với nhau. Trong trường hợp của tôi thì facebook đã bị đối phương sử dụng với mục đích xấu, nhưng cũng chính facebook là  thứ đã giúp tôi nhận ra bộ mặt của kẻ sở khanh lừa bịp.

Hình ảnh Facebook đang trở thành hang ổ của những kẻ lừa đảo số 1

Tôi là nữ, năm nay 21 tuổi, vẫn còn đang là sinh viên của một trường Đại học ở Hà Nội. Bản tính của tôi cũng khá cởi mở và dễ nói chuyện. Tôi chưa có người yêu và cũng luôn mong muốn mình sẽ tìm được một nửa thực sự của mình. Câu chuyện bắt đầu khi tôi quyết định đi học thêm một khóa kĩ năng mềm ở trung tâm TV. Lớp học của tôi khá đông và mọi người cũng rất hòa đồng với nhau. Một trong những người người dẫn lớp chúng tôi là một anh người Singapore gốc việt. Tôi được biết là anh ở nước ngoài từ bé và hiện đang công tác ở Việt Nam. Chúng tôi đều là những người cởi mở và dễ dàng trở nên thân quen với nhau. Đặc biệt là anh có vẻ rất quan tâm đến tôi, xin số điện thoại, kết bạn trên facebook và thậm chí còn kết bạn với bạn của tôi để hỏi han. Anh cũng không có giấu giếm gì và thể hiện là thích tôi trong thời gian tiếp theo.
Bản thân tôi cũng rất hợp nói chuyện với anh, một người đàn ông thú vị. Chúng tôi thường đi chơi và nói chuyện điện thoại với nhau, kể cả sau khi khóa học đã kết thúc. Sau một vài tháng, anh ta đã tỏ tình với tôi. Thật ra trong lòng tôi lúc bấy giờ cũng cảm thấy rung động và thật sự nghiêm túc về việc nghĩ xem có nên bước vào mối quan hệ đó không. Ngay lúc đó, tôi đã được biết một việc làm mình buồn nhưng cũng là một sự may mắn của tôi. Làm thế nào đó mà một người bạn của tôi khi lang thang qua các trang facebook lại thấy một trang cá nhân có hình đại diện và tên na ná anh người Sing đó. Đó cũng là người bạn anh đã làm quen để tìm hiểu về tôi nên cô ấy đã lập tức nghi ngờ và vào xem thử trang đó. Và chính xác thì trong đó có để tình trạng quan hệ của anh với một cô gái nước ngoài, thậm chí còn có nhiều ảnh của 2 người. Trạng thái gần nhất mà anh ta để ( cách khi bạn tôi vào xem 2 ngày) là chúc mừng ngày kỉ niệm yêu nhau 3 năm của hai người với những lời lẽ rất ngọt ngào thể hiện tình yêu của anh ta dành cho cô gái. Người bạn của tôi đã bất ngờ và gửi ngay trang đó cho tôi. Bản thân tôi thật sự cực kì shock. Hóa ra anh ta đã có bạn gái ở nước ngoài và sang bên này tán tỉnh những cô gái như tôi … Anh ta sử dụng một facebook cho những bạn bè và người yêu bên Singapore còn với tôi và một số người lại sử dụng một facebook khác và thực hiện mọi hoạt động như bình thường. Phải nói rằng ông trời quá tốt khi đã để cho tôi vô tình biết được điều đó và thật đáng thương thay cho cô người yêu của anh chàng này đang ở một phương trời xa không biết rằng người yêu mình đang làm cái trò đáng khinh này.

Hình ảnh Facebook đang trở thành hang ổ của những kẻ lừa đảo số 2

Sau khi phát hiện ra mọi chuyện, tôi quyết định chọn phương pháp cắt đứt hoàn toàn, block facebook của anh ta. Và theo như tôi được biết là không ít những trường hợp như tôi đã xảy ra, nhiều bạn có người yêu vẫn còn thích yêu đương lăng nhăng nên cũng có trò lập nhiều facebook để lừa bịp. Thậm chí nhiều người không dừng lại ở con số 2 mà còn nhiều facebook ảo để lừa đảo hơn nữa … Như trường hợp của tôi vẫn còn là may mắn nhưng có lẽ rất nhiều cô gái đã bị lừa bởi trò bịp bợm công nghệ này. Đơn giản vì bây giờ facebook phổ biến, ai cũng có, nhiều khi bản thân tôi cũng nhìn vào facebook để đánh giá một con người. Như trong trường hợp với người đàn ông trên thì tôi không nghi ngờ gì khi mọi thứ trên cái facebook ảo của anh ta đều rất minh bạch và tự nhiên. Có lẽ cũng không nghĩ đến chuyện có thể bị phát hiện một cách ngẫu nhiên như thế nên anh ta để avatar ảnh mình, tên cũng gần giống và không block chúng tôi bằng facebook thật kia.

Hình ảnh Facebook đang trở thành hang ổ của những kẻ lừa đảo số 3

 Từ bây giờ bản thân tôi sẽ rút kinh nghiệm và hi vọng rằng những bạn nữ đọc được cũng sẽ cẩn thận hơn với những mối quan hệ của mình. Tôi thật sự biết ơn facebook đã cứu mình vì nếu tiếp tục thì chắc có lẽ tôi đã tổn thương hoặc bị lợi dụng bởi kẻ xấu xa kia. Còn với các bạn đang sử dụng phương thức này thì tôi khuyên các bạn hãy dừng lại đi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra mà. Facebook tuy ảo nhưng không thiếu cách xác minh sự thật trên đời này đâu, các bạn đừng lợi dụng công nghệ mạng xã hội để làm những việc sai đạo đức như vậy nữa.
Xem tin công nghệ mới nhất tại TECHZ.VN
Nguồn : Genk

Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh

Trên phim thì có những vụ lừa đảo vì tiền bạc, tình cảm hay chỉ đơn giản là tiêu khiển mua vui nữa!
Cuộc sống hiện tại với nhiều cạm bẫy thử thách lòng người thậm chí còn “dễ sập bẫy” hơn cả trong Ngày nói dối. Tuy nhiên, không phải động cơ thực hiện lời nói dối nào cũng giống nhau và “xấu xa” nhơ bẩn. Có không ít trường hợp nói dối vô hại vừa đẹp lòng vừa bảo đảm sự an toàn tính mạng cho đối phương.
<>Lừa tiền bạc?
Hình ảnh Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh số 1
Bộ đôi lừa đảo trong Wall Street 2: Money Never Sleeps
Trong Wall Street 2: Money Never Sleeps, không nói quá khi gọi ông bố Michael Douglas là “cáo già lừa đảo” và con rể Shia LaBeouf là kẻ giả dối. Bi kịch gia đình xoay quanh các con số vay nợ và lợi ích cá nhân giữa chàng trai đang làm việc cho ngân hàng đầu tư Keller Zabel và người bố vợ độc tài. Họ hợp tác lừa gạt người khác và đối xử thẳng tay với chính đồng đảng của mình.
<>Lừa tình cảm?
Hình ảnh Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh số 2
Loạt nhân vật đặc công, điệp viên trong các bộ phim ấn tượng như “Mr & Mrs Smith”, phim Hàn Quốc Civil Servan hay The Tourist, Killers … được đạo diễn đặc biệt ưu ái chi tiết “lừa đảo” thân phận thú vị. Trong phim, các cặp tình nhân “đầu gối tay kề” giấu kín danh tính, công việc thực sự của mình cho tới ngày vô tình “bại lộ” mới chịu công khai.
Hình ảnh Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh số 3
Mô tuýp phim quen thuộc tạo thành thói quen suy luận cho khán giả và không còn giữ được sự tươi mới, bất ngờ như thời gian đầu tiếp cận. Tuy nhiên người ta vẫn muốn tìm kiếm sự khác biệt trong cách dàn xếp tình tiết và thể hiện nội dung mới. Bên cạnh đó, nam nữ diễn viên chính là những guơng mặt sao quen thuộc cũng trở thành yếu tố thu hútvà kích thích người xem tìm đến tác phẩm.
<>Lừa để bảo vệ?
Hình ảnh Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh số 4
Cổ Thiên Lạc và Ngô Quân Như trong Mr. And Mrs.Incredible
Trong phim The Green Hornet hay Mr. And Mrs. Incredible, những lời nói dối hay vụ lừa đảo tình cờ không mang dụng ý trục lợi hoặc hãm hại. Lựa chọn bảo vệ người tình, bạn đời khỏi sự quấy nhiễu của những kẻ lạ mặt xấu xa hay cụ thể hơn là không muốn người phụ nữ mình yêu thương chịu cảnh hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc”, những “người hùng” trong phim đã lựa chọn giấu kín thân phận thực sự của mình và hàng ngày sống dưới vỏ bọc được che chắn chu đáo.
Hình ảnh Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh số 5
Chàng trai có khả năng đặc biệt John Smith trong “I Am Number Four”
Ngoài ra, lựa chọn “lừa đảo vô  hại” còn được đạo diễn của I Am Number Four sử dụng với mục đích tự bảo vệ bản thân. Mang trong mình chuỗi khả năng kỳ diệu, chàng trai trẻ John Smith có thể sẽ bị kẻ thù tiêu diệt nhanh gọn nếu để lộ thân phận của mình. Bên cạnh đó cô bạn gái bé bỏng của anh cũng sẽ bị hãm hại nếu không được đề phòng và bảo vệ bằng lời nói dối vô hại.
<>Lừa vì mọi mục đích?
Hình ảnh Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh số 6
Leonardo Di Caprio trong “Shutter Island”
Câu hỏi đặt ra sau khi theo dõi “Shutter Island” là rút cuộc ai đã lừa ai và ai là người bị lừa? Cách đạo diễn Martin Scorsese “điều khiển” người xem dõi theo câu chuyện hết sức độc đáo và lôi cuốn: sỹ quan Edward Teddy Daniels được cử tới để điều tra về vụ mất tích bí ẩn của 1 nữ bệnh nhân trên hòn đảo u ám. Lần theo từng manh mối, Daniels đã phát hiện nhiều bí mật tồn tại và khẳng định hung thủ từng giết vợ anh năm xưa cũng đang xuất hiện trên mảnh đất này.
<>Siêu nhân cũng phải sống lừa dối?
<>Hình ảnh Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh số 7
Những vụ “dối trá” trắng trợn trên màn ảnh
Ở phim hoạt hình Megamind, sự lừa dối lại được đặt lên bàn cân muôn thủa “Thiện và ác – bên nào nặng hơn?”. Nhân vật chính Megamind là tên siêu tội phạm thông minh nhưng lại kém thành công nhất. Sau nhiều năm qua, vẫn chưa chinh phục được thành phố Metro City, một ngày Megamind  lên kế hoạch xấu xa để hạ gục Metro Man nhưng vận mệnh đã sắp đặt 1 đối thủ “ngang cơ” xuất hiện. Trong phim, đến cả vị siêu nhân Metroman cũng đã nói dối cả thành phố bởi anh ta muốn nghỉ ngơi!
<>Mai Nguyên 
Nguồn : Người đưa tin

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét