Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 108 (Edgar Poe)

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                 Edgar Poe ông tổ chuyện trinh thám


Edgar Allan Poe: Thế giới văn chương đầy bí ẩn


Edgar Allan Poe là một nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, và nhà phê bình văn học người Mỹ, được xem là một cây đại thụ lớn của văn học Mỹ thế kỷ 19.
Edgar Poe (tên đầy đủ là Edgar Allan Poe) sinh ngày 19/1/1809 tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts trong một gia đình nghệ sĩ. Người cha, David Poe, mất khi cậu con trai Edgar chưa chào đời, còn người mẹ Eliza cũng từ trần lúc Edgar Poe mới tròn ba tuổi.
Một cuộc đời đau khổ
Cậu bé mồ côi được John Allan, một nhà buôn thuốc lá giàu có nhận về nuôi. Rồi Poe ghi danh vào Đại học Virginia, nhưng chỉ theo học được năm đầu và quyết định xung vào quân đội. Đó là khoảng giữa năm 1827, cũng là thời điểm xuất hiện cuốn sách đầu tiên của Poe.
Sau khi giải ngũ với quân hàm trung sĩ vào đầu năm 1829, Edgar Poe cho ấn hành đầu sách thứ hai có tựa đề Al Aaraf gây tiếng vang lớn. Kế tiếp Poe thi đậu vào Học viện Quân sự West Point và lại… bỏ dở để “dốc lòng” theo nghiệp văn chương.
Cuộc đời đầy những mất mát của Poe đã để lại một dấu ấn đậm nét trong những sáng tác của ông, tạo nên một không khí u uẩn và bi thương.
Edgar Allan Poe: The gioi van chuong day bi an hinh anh 1
Nhà văn người Mỹ Edgar Allan Poe.
Trong suốt bốn mươi năm ngắn ngủi của cuộc đời mình, Poe đã nhiều lần phải đối mặt với những cái chết bi thảm xảy đến với người thân. Bố, mẹ, anh trai, mẹ nuôi, đặc biệt là người vợ trẻ Virginia.
Sau một thời gian dài đấu tranh với bệnh lao, người vợ của Edgar đã ra đi khi tuổi còn quá trẻ vào năm 1847. Một lần nữa, một người phụ nữ yêu dấu đã rời bỏ Edgar mà đi. Một lần nữa, Edgar lại chìm trong đau đớn. Điều này có thể đã để lại những vết thương tâm lý và tình cảm sâu sắc nơi ông, lý giải tại sao ông thường bị ám ảnh và nói nhiều về cái chết.
Cái chết của người vợ yêu dấu đẩy Edgar Poe tới chỗ kiệt quệ, sức khoẻ suy sụp, bởi Virginia luôn là nguồn sáng tạo mạnh mẽ của Poe, khiến Poe cảm thấy được những ấm áp mà từ nhỏ ông đã không thể có được.
Chỉ 2 năm sau, ngày 7/10/1849, người ta tìm thấy Edgar Poe trong một quán rượu tại Baltimore, quần áo tả tơi, mê sảng, không biết mình ở đâu. Nhà văn được đưa vào bệnh viện và qua đời 4 ngày sau đó, hưởng dương 40 tuổi.
Cái chết của ông cũng mang nhiều bí ẩn như chính những tác phẩm của ông. Theo hồ sơ bệnh án, Edgar Poe được đưa vào bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh. Sau đó, ông có hồi tỉnh, người ra nhiều mồ hôi, bị chứng ảo giác và thường cãi nhau với một người tưởng tượng. Tiếp đến là giai đoạn ông bị mất trí nhớ, cấm khẩu rồi tắt thở.
'Con mèo đen' và một thế giới rối loạn tâm thần
Thế giới tâm thần hoảng loạn là một thế giới đặc trưng trong rất nhiều những truyện ngắn của Poe.
Ông đã phản ánh được trong tác phẩm của mình trạng thái tâm lý nhiễu loạn của nhân vật. Nỗi lo âu tiềm ẩn và đời sống tinh thần bất an, từ đó thể hiện mặt trái của giấc mơ Mỹ, giấc mơ của những cá nhân đầy tự lập và thành đạt. Và ông đã đưa ra cái bản chất thực sự của chủ nghĩa vật chất: ấy là sự cô đơn, bất ổn và cảm giác chết chóc luôn lơ lửng trong đời sống nội tâm của những thành viên trong xã hội.
Những tác phẩm kỳ dị của Poe nẩy nở từ dự cảm về vực thẳm ẩn sâu của đời sống hiện đại. Nó là một cơn ác mộng kéo dài, kinh hoàng. Nó in đậm trong những truyện ngắn vừa mang tính kinh dị, vừa đầy sự rối loại, bí ẩn, nặng nề của Poe, mà Con mèo đen chính là một điển hình.
Nhân vật tôi trong Con mèo đen tính tình ban đầu vốn rất vui vẻ, yêu súc vật, đặc biệt là con mèo đen Pluto. Nhưng sau khi cảm thấy sự thân thiết quá độ của con mèo, anh ta lại trở nên khó chịu, cư xử thô bạo với vợ, và bắt đầu hành hạ động vật. Đỉnh điểm của sự tức giận chính là hành vi chọc mù mắt Pluto, giết con mèo và treo lên cành cây.
Vì ân hận, anh ta đã tìm một con mèo đen khác thay thế, nhưng anh ta lại bắt đầu thấy khó chịu và muốn giết nó. Khi anh cầm rìu giết mèo, vợ ngăn lại thì anh ta bổ rìu vào đầu vợ và chôn vợ vào trong bức tường của hầm rượu.
Một câu chuyện đáng sợ không phải nằm ở những hành vi giết người mà nằm trong chính sự rối loạn tâm thần của nhân vật mà Poe đã tạo ra bằng một hệ thống ngôn ngữ rất lãnh đạm, với sự tỉnh lược những miêu tả diễn biến nội tâm nhưng lại dựng nên được một bầu không khí u uẩn, chết chóc, và cô độc, quái dị của tâm hồn con người.
Edgar Allan Poe: The gioi van chuong day bi an hinh anh 2
Con mèo đen là tác phẩm tiêu biểu cho văn chương của Edgar Allan Poe.
Poe thường đặt bối cảnh truyện vào ban đêm, trong bóng tối; tập trung miêu tả những hình ảnh tưởng tượng ghê rợn đến kỳ lạ vốn không có trong hiện thực như trong Mặt nạ tử thần đỏ, Sự sụp đổ của ngôi nhà Usher, Cuộc trò chuyện với một xác ướp, Linh hồn, Con quỷ trên gác chuông, Con mèo đen… Bản thân những hình ảnh ấy đã gợi trí tò mò và sự kinh hãi nơi người đọc.
Những sáng tác của Poe không đơn thuần là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chúng còn được viết dựa trên các kiến thức tuyệt vời của ông trong các lĩnh vực khoa học khác nhau như tâm lý học, tội phạm học, nghệ thuật học, y học, sinh - hóa học... Do đó, các câu chuyện cho dù nhuốm màu sắc hoang đường, kỳ ảo nhưng lại rất logic.
Nhịp điệu trầm buồn, kết thúc đầy bất ngờ, những yếu tố tâm linh thể hiện một xúc cảm u buồn mãnh liệt, sự khổ đau và cả nỗi ám ảnh của chứng loạn thần kinh về cái chết, bạo lực và toàn bộ cái nhìn về nhân sinh quan của ông cho thấy một sự thiết tha với cái đẹp bí ẩn đầy bi kịch của cuộc sống.
"Edgar Poe để lại nhiều cái bóng khác nhau. Chúng ta thừa hưởng biết bao nhiêu kho báu từ con người kỳ lạ ấy", Jorges Louis Borges nói. Cũng theo Borgers, nếu đầu thế kỷ 19, nước Mỹ không có Edgar Poe, văn học thế giới hiện nay không giống như chúng ta đang thấy.

Phong Linh

Ngôi mộ bí ẩn của nhà văn bất hạnh

    Edgar Allan Poe sinh ra ở Boston, bang Massachusetts (Mỹ), là con thứ hai của David Poe và Elizabeth Arnold Hopkins Poe. Khi Edgar mới được một tuổi, cha của ông mất sớm để lại gia đình với hai đứa con trai và một đứa con gái. Một năm sau đó, mẹ ông cũng qua đời vì căn bệnh lao phổi và Poe trở thành đứa trẻ mồ côi. Anh em ông bị chia tách nhau ra và được nhận nuôi bởi những gia đình khác nhau. Edgar trở thành con nuôi trong gia đình ông bà John và Frances Allan. Kể từ đó, Allan trở thành họ thứ hai của Edgar.
    Năm Poe sáu tuổi, gia đình Allan chuyển tới Anh sinh sống, ở đây, ông được cha mẹ nuôi cho đi học tại rất nhiều trường nội trú ở Dickensian. Sau này khi bắt đầu lớn lên, Poe cùng gia đình quay trở lại Richmond, Virginia và ngỏ lời cầu hôn với cô gái hàng xóm tên là Sarah Elmira Royster trước khi ông vào đại học năm 16 tuổi. Đây là một trong những bước ngoặt trong cuộc đời đầy sóng gió và bất hạnh của Poe.
    Tình yêu của Poe và Sarah bị gia đình Sarah, đặc biệt là cha cô phản đối kịch liệt vì ông cho rằng Poe là một người không có tương lai. Vì vậy, tất cả những lá thư Poe viết cho Sarah đều bị ông ta giấu đi. Sau một thời gian dài không có tin tức, Sarah cuối cùng cũng bị gia đình mình thuyết phục rằng Poe đã bỏ rơi cô. Hai năm sau, Sarah Royster kết hôn với một doanh nhân giàu có, tuy nhiên câu chuyện về mối tình của họ không kết thúc ở đây.
    Sau khi Sarah kết hôn, do quá đau khổ vì thất tình, Poe đã gia nhập quân đội. Ông phục vụ trong quân ngũ bốn năm nhưng cuối cùng bị khai trừ do bị tòa án quân sự cáo buộc tội bỏ bê và không hoàn thành nhiệm vụ. Vài tháng sau đó, em trai Poe qua đời, cũng chính lúc này ông chuyển qua nghề viết và kết hôn với người em họ của mình là Virginia Eliza Clemm khi ông 26 tuổi.
    ngoi-mo-bi-n-cua-nha-van-bat-hanh
    Tấm bia khắc tên của ông.
    Bảy năm sau khi kết hôn, vợ của Poe bắt đầu xuất hiệu những triệu chứng giống như căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của mẹ ông – bệnh lao phổi. Khi đó, người ta vẫn đồn rằng căn bệnh này là do ma cà rồng gây ra, nó sẽ lấy đi tuổi trẻ của người bệnh bằng những cơn ho ra máu, sức khỏe suy kiệt và những trận run rùng mình trong đêm. Trong suốt thời gian vợ bệnh, Poe đã suy nghĩ rất nhiều, lo lắng và hầu như không có tác phẩm nổi bật nào. Hai năm trước khi bà mất, ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Con quạ” nổi tiếng, đây cũng chính là thời điểm ông bắt đầu viết một thể loại viễn tưởng khác gọi là truyện trinh thám, truyền cảm hứng cho tiểu thuyết gia lừng danh Sir Arthur Conan Doyle tạo nên những kiệt tác của mình.
    Với niềm đam mê khoa học, Poe rất thích trò giải ô chữ. Không những vậy, ông còn là một nhà mật mã học đầy nhiệt huyết. Nhân vật chính trong tác phẩm trinh thám của Poe, Auguste Dupin chỉ là một thám tử nghiệp dư. Trong đó, tập truyện ngắn thứ hai có tên “Vụ giết người ở phố Rue Morgue” được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật. Nội dung truyện ngắn kể về cô gái trẻ xinh đẹp là nhân viên cửa hàng bán xì gà ở New York bị mất tích vào năm 1838. Sau đó người ta tìm thấy xác của cô nổi trên sông Hudson và cuối cùng chính Auguste Dupin là người đã tìm ra nguyên nhân mất tích của cô gái trẻ và phá được vụ án. Ông tin rằng một phần công việc của một thám tử đó là phải đặt mình vào vị trí của tên tội phạm, đi vào suy nghĩ để hiểu được động cơ của chúng và bắt chúng. Kiểu điều tra trinh thám này cũng được áp dụng trong bộ phim “Con quạ” dựa trên một cuộc gặp gỡ giữa một tên sát nhân với chính Poe.
    Năm 1847, Virginia vợ ông qua đời ở tuổi 25. Một năm sau đó, Poe đã cố gắng liên lạc lại với Sarah Elmira Royster – mối tình đầu mà ông vẫn luôn ấp ủ trong lòng nhưng vẫn vấp phải sự phản đối của gia đình cô. Sarah lúc này đã trở thành góa phụ với hai đứa con nhưng trong bản di chúc của chồng mình, Sarah sẽ không được thừa kế tài sản của ông ta nếu tái hôn với một người khác. Điều này càng khiến cho tình cảnh của hai người càng trở nên bi đát.
    Sarah và Poe cuối cùng cũng kết hôn với nhau vào năm 1849. Nhưng 4 ngày sau, họ tìm thấy ông trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, miệng liên tục gọi một cái tên không rõ trên một con phố ở Baltimore và qua đời chỉ ít lâu sau đó khi mới 40 tuổi.
    ngoi-mo-bi-n-cua-nha-van-bat-hanh-1
    Từng có người đàn ông đến thăm mộ, để lại chai rượu và bông hồng.
    Edgar Poe đã mất nhưng những câu chuyện bí ẩn trong cuộc đời của ông vẫn chưa kết thúc. Trong thời kỳ thế chiến thứ II, vào đêm sinh nhật của ông năm 1949 có một người đàn ông vào nghĩa trang giữa đêm khuya khoắt và để lại những bông hồng cùng nửa chai rượu cognac rồi biến mất. Việc người đàn ông đó là ai và ý nghĩa của ba bông hồng cũng như chai rượu cognac vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải.
    Những chuyện kỳ lạ xung quanh cuộc đời và cái chết của nhà văn thiên tài Edgar Allan Poe cho đến nay vẫn là những điều bí ẩn và trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch đến với mộ phần của ông để khám phá cũng như để tưởng niệm cho cuộc đời của nhà văn thiên tài nhưng bất hạnh.
    Edgar Allan Poe (19/01/1809 – 7/10/1849) là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ nổi tiếng của Mỹ. Ông là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, có ảnh hưởng lớn tới các nhà văn như Charles Pierre Baudelaire, Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, Sir Arthur Conan Doyle...
    Sau khi Edgar Poe qua đời, các học giả và nhà lịch sử đã đặt ra những giả thiết về những gì đã xảy ra với Edgar từ ngày 28/9 đến ngày 3/10/1849 nhưng không ai có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh nguyên nhân cái chết của nhà văn nổi tiếng này và bí ẩn vẫn còn đó cho đến tận ngày nay.
    Hiện nay, mộ của nhà văn Edgar Poe được đặt tại thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland (Mỹ). Từ Việt Nam, du khách đáp chuyến bay tới New York, sau đó từ New York đáp một chuyến bay khác tới Baltimore. Sau khi xuống sân bay, du khách có thể đi ô tô một cách dễ dàng để đến với mộ phần của nhà văn nổi tiếng này.

    Ngọc Mai

    Edgar Allan Poe, hồi ức đau buồn và bất tận [1/2]

    Edgar Allan Poe được xem như người đã tạo ra thể loại văn học trinh thám. Cho đến nay, những truyện trinh thám của ông vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhiều truyện ngắn của Poe còn được coi là tiền thân của những thể loại văn học rất phổ biến thời nay: truyện khoa học, truyện rùng rợn và kỳ dị.

    Hoàng Tố Mai - 
    Thơ và tiểu luận của ông cũng là những mảng sáng tác quan trọng, đặc biệt là thơ. Sự xuất hiện của Poe trên văn đàn Mỹ nửa đầu thế kỷ XIX là câu đố ám ảnh nhiều thế hệ bạn đọc. Ông là tài năng văn chương đột biến, phi thường. Những trang viết của Poe dường như xa lạ, cách biệt với những cây bút đương thời. Ông tạo riêng cho mình một thế giới văn học bí ẩn, rợn ngợp cùng với những trạng thái cảm xúc được đẩy đến tột cùng. Không chỉ là một hiện tượng văn chương Mỹ độc nhất vô nhị, Poe còn được xem như đã góp phần mở ra một thời kỳ huy hoàng của văn học hiện đại Mỹ và thế giới.
    Cuộc đời ngắn ngủi và đầy rủi ro, bất hạnh của Poe đã để lại không ít dấu ấn lên những tác phẩm kỳ lạ và mê hoặc. Ông mồ côi từ khi rất nhỏ, bố bỏ đi, mẹ qua đời từ năm lên hai. Cậu bé Poe được gia đình ông John Allan nhận làm con nuôi. Cho dù cuộc sống vật chất giàu có, đầy đủ nhưng Poe luôn mặc cảm, đau khổ về thân phận côi cút của mình. Bà Allan rất tốt bụng nhưng ông Allan lại là một người độc đoán, cứng nhắc. Sau này, khi Poe đã trưởng thành, một lần nữa Poe bị cha nuôi bỏ rơi. Có lẽ ân huệ lớn nhất ông có được từ gia đình Allan chính là học vấn. Thời niên thiếu, Poe đã từng theo cha nuôi sang Anh năm năm. Đấy là thời của những trận chiến ở Waterloo, thời Napoléon bị đi đầy, thời Byron còn trai trẻ. Ngọn gió lãng mạn đang thổi lộng trên châu Âu. Cậu bé Edgar học ở một trường vùng ven London, bên một đường phố tĩnh lặng có những cây du cổ thụ. Phố này mọc bên lề một con đường còn giữ lại được từ thời La Mã cổ đại. Tất cả khung cảnh đó cùng với bầu trời tái ngắt của nước Anh đã lưu lại mãi mãi trong tâm hồn cậu bé mơ mộng. Sau này, vẻ đẹp của những công trình kiến trúc Châu Âu cổ kính, hoang tàn đã in dấu rất sâu đậm trong các tác phẩm của Poe. Năm 1820, Poe trở lại Virginia (Mỹ) và vào học một trường ở Richmond. Tuy không học hết đại học nhưng Poe đã làm nhiều người cùng trường ngạc nhiên vì trí nhớ phi thường, vì những lời lẽ lộn xộn nhưng độc đáo. “Đứa con rơi thiên tài” là tên gọi riêng mà các giảng viên và sinh viên đặt cho ông. Rất có thể Poe sẽ có những trang viết ấm áp, tràn trề sức sống hơn nếu như cuộc đời ông không chất chứa tang tóc, đau thương. Những người ông yêu quí đều lần lượt ra đi. Ngay cả Virginia, người vợ hiền yêu dấu cũng từ giã cõi đời rất sớm. Gần như cả cuộc đời Poe sống trong bần hàn, nghèo khó, nhưng vẫn giữ được “phẩm chất và phong độ tao nhã phi thường của một gentleman thực thụ” (1). Ngày 7 tháng 10 năm 1849, Edgar Allan Poe qua đời tại bệnh viện Washington. Những ngày tháng cuối cùng ông sống trong cô độc, nghèo khổ và nghiện ngập. Poe cảm thấy tuyệt vọng vì sự nghiệp của mình không được đánh giá đúng mức. Bản thân Poe là một nhà văn bị kích động ghê gớm trước những lời bình phẩm. Ông chờ đợi những bài viết khen ngợi mình với một vẻ “đói khát”, còn khi bị bài bác thì nổi xung lên, ngay lập tức viết bài công kích lại. Đó cũng là nguyên nhân khiến ông bị nhiều đồng nghiệp văn chương tẩy chay, ghét bỏ. Trong những năm tháng lao đao, khốn khổ của đời mình ông cũng có những giờ phút đăng quang rạng rỡ. Tháng 10 năm 1833, Poe được tạp chí Vị khách ngày thứ bảy (Saturday Visitor) ở Baltimore trao giải cho một trong những truyện ngắn dự thi - Bản thảo tìm thấy trong chai (Ms. Found in a Bottle). Tác phẩm này đã gây chấn động dư luận. Poe đã khéo léo biến câu chuyện tưởng tượng (về một con tàu ma) của mình thành tự truyện của một người đi biển, được viết ra và lưu giữ trong chai. Ban biên tập khi đó đã đánh giá Poe rất cao, coi ông là một nhà văn “nổi trội nhờ một trí tưởng tượng man dại, mãnh liệt và thấm đẫm chất thơ, một phong cách sinh động, một năng lực sáng tạo dồi dào và vốn hiểu biết đa dạng, đáng ngạc nhiên...” (2). Poe được nhiều đồng nghiệp và bạn đọc đương thời hâm mộ, nhưng cũng không ít người ác cảm với những tác phẩm kiệt xuất, dị thường của ông. Giới văn chương Mỹ chính thống đã từng đánh giá Poe không cao. Ngay cả Walt Whitman cũng có những nhận định bất công về Poe, coi ông như một nhạc công chỉ biết chơi những phím chính của đàn Piano và không đại diện cho nền dân chủ Mỹ (3).
    Trong quá trình sáng tác, Poe chịu nhiều ảnh hưởng từ tiểu thuyết Gothic (4), một thể loại văn học khá phổ biến ở Châu Âu thời đó. Tập truyện ngắn Những câu chuyện nghịch dị và kỳ lạ (Tales of the Grotesque and Arabesque) của Poe xuất bản cuối năm 1839 được nhiều nhà phê bình đương thời cho là ảnh hưởng văn học Đức quá rõ. Khi đó ông đã phản ứng lại khá mạnh. Poe đay đả: “Những nhà phê bình nhỏ mọn kia đã cố gắng hạ thấp tôi bằng cách la lối về chủ nghĩa Đức (Germanism) và những thứ nhảm nhí tương tự”. Nhưng những gì Poe đã thực hiện trong cuốn sách lại khá mâu thuẫn với tuyên bố trên. Lời đề từ in ở trang đầu Poe đã trích nguyên văn tiếng Đức một câu thơ của Goethe. Trong lời tựa của cuốn sách Poe gọi những câu chuyện của mình như “những mẩu chuyện kỳ ảo” (phantasy-pieces), cách gọi này khiến nhiều người ngay lập tức nhớ đến cuốn Fantasiestucke (Những mẩu chuyện kỳ ảo”) của nhà văn Đức E.T.A. Hoffmann. Nhưng Poe có quyền kiêu hãnh về tập sách của mình. Cho dù tác phẩm của ông ảnh hưởng Hoffmann rất sâu đậm nhưng trí tưởng tượng mãnh liệt của Poe đã đẩy những truyện ngắn của ông lên một đỉnh cao khác. Ngày nay, khi nhìn nhận lại, không ít nhà phê bình cho rằng tập truyện Những câu chuyện nghịch dị và kỳ lạ của Edgar Allan Poe và cuốn Những câu chuyện được kể hai lần (Twice-told Tales) của Nathaniel Hawthorne xuất bản hai năm trước đó là hai tập sách mà trí tưởng tượng cũng như kỹ thuật viết đạt đến đỉnh cao nhất trong văn học Mỹ (5). Tuy không phải là nhà văn Mỹ đầu tiên viết theo thể loại Gothic nhưng Poe đã vượt xa các bậc tiền bối, ông đã làm lu mờ tên tuổi của Charles Brockden Brown, nhà văn đã có công phát triển thể loại Gothic Mỹ trong thời kỳ hậu cách mạng (6).
    Tài năng của Poe bộc lộ kiệt xuất ở cả hai lĩnh vực, thơ và truyện ngắn, nhưng có lẽ những truyện ngắn của ông gây ấn tượng mạnh hơn và được độc giả chú ý nhiều hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng đa số truyện ngắn của Poe khá dài dòng. Nhiều trang văn phong cổ lỗ với không ít lời so sánh hoa mỹ sáo mòn. Cũng có thể do phải viết để kiếm sống nên Poe đã chủ trương viết dài và viết nhanh để có thu nhập cao hơn. Cho dù truyện ngắn của ông bố cục rất chặt chẽ nhưng những câu văn dài dòng thiếu trau chuốt cũng làm gai mắt nhiều bạn đọc khó tính. Không ít người đã tìm cách lược dịch một số truyện ngắn của ông cho dễ đọc hơn. Ở Việt Nam cũng thấy hiện tượng này, chẳng hạn truyện Sự sụp đổ của ngôi nhà dòng họ Usher (The Fall of the House of Usher) được xuất hiện dưới dạng lược dịch mà đọc lên hiệu quả rùng rợn không mất mát đi bao lăm. Nhà văn Jorge Luis Borges, một người hâm mộ Poe, cho rằng muốn thấy sự lớn lao của Poe cần phải xem xét toàn bộ văn nghiệp của tác giả này. Còn như đọc từng trang từng dòng thì thấy khối chỗ tầm thường, làng nhàng. Nhưng ngay sau đó ông lại đưa ra một cách đánh giá độc đáo khác: “Cái quan trọng nhất của văn nghiệp một nhà văn để lại là hình ảnh còn lại cuối cùng của nhà văn đó” (7). Nếu xét theo tiêu chí này thì Poe được tôn vinh ở mọi thời đại. Truyện ngắn của ông là một sự pha trộn tài tình. Trong một truyện trinh thám người ta có thế thấy những yếu tố kinh dị đan xen những tình tiết hài hước. Rồi thì trong một truyện kinh dị người ta lại thấy những ý tưởng ngộ nghĩnh của nhân vật hoặc giọng văn đôi chỗ rất hóm hỉnh. Ngoài ra bạn đọc còn thấy những tình tiết hé lộ những ý tưởng rất thực tiễn về khoa học, cụ thể hơn là y học. Lại có truyện có vẻ như thuần túy hài hước nhưng lại bộc lộ khá rõ tình trạng thần kinh không bình thường của nhân vật chính. Phân loại truyện ngắn của Poe là một công việc rất khó khăn. Có lẽ gọi chúng là những dị truyện thì thích hợp hơn cả vì chúng luôn vượt quá khuôn khổ nội dung của một câu chuyện thông thường, chúng luôn hướng tới sự độc đáo và gây nên những ấn tượng rất mạnh mẽ cho bạn đọc.
    Dựa vào những truyện ngắn đặc sắc nhất của Poe có thể tạm chia truyện ngắn của ông thành ba dạng chính: kinh dị, trinh thám và rối loạn tâm thần. Lối viết cầu kỳ, sự giải thích tỉ mỉ, những sự kiện đặc biệt được diễn giải hợp lý đã làm tăng mạnh cảm giác rùng rợn trong những truyện ngắn của ông. Truyện kinh dị của Poe đậm đặc không khí chết chóc, rùng rợn, người đọc bị nhấn chìm vào một trạng thái kỳ lạ: thê lương, ủ dột, đôi khi là kinh hoàng. Những nhân vật ảm đạm của ông dường như không liên quan đến thực tại. Họ không bao giờ làm việc hay hoạt động xã hội. Họ thường tự chôn vùi mình trong những lâu đài tối tăm đổ nát được trang hoàng bằng những tấm thảm, màn rủ kỳ quái làm khuất dạng thế giới của ánh nắng, cây cỏ và những ô cửa sổ thoáng đãng. Những căn phòng ẩn khuất chứa đựng thư viện cổ xưa, nhiều tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ và đồ vật phương Đông quí giá. Những nhà quí tộc chơi các nhạc cụ hay đọc sách cổ xưa trong tâm trạng buồn thảm vì cái chết của người thân (*). Sự sụp đổ của ngôi nhà dòng họ Usher là một trong những truyện ngắn kinh dị tiêu biểu. Những truyện kinh dị gây cảm giác u ám, rợn ngợp, bí ẩn của Poe có khá nhiều như Nàng Legiea (Legiea), Mặt nạ tử thần đỏ (The Masque of the Red Death), Bản thảo tìm thấy trong chai (MS. Found in a Bottle), Tụt xuống xoáy nước Maelstrom (A Descent into the Maelstrom)... Chúng dự báo trước sự ra đời của những nhà văn Mỹ viết chuyện rùng rợn, kỳ lạ như H.P. Lovecraft, Stephen King. Những truyện trinh thám thiên về suy luận,diễn giải như Bọ rầy vàng óng ánh (The Gold Bug), Lá thư bị đánh cắp (The Purloined Letter), và Án mạng trên phố Morgue (Murders in the Rue Morgue) lại báo hiệu cho sự xuất hiện những tác phẩm trinh thám của Dashiell Hammett, Raymond Chandler, Ross Mac Donald, John D. MacDonald. Đây là những truyện ngắn được đông đảo bạn đọc ưa thích vì khá ly kỳ và gây nhiều hồi hộp... Trong những truyện ngắn trinh thám của mình, Poe gài đặt các chi tiết rất chặt chẽ, chính xác. Tất cả được tính toán tỉ mỉ, kỹ càng khiến độc giả thoả mãn, những chi tiết bí ẩn, khó hiểu được soi sáng dần và loé sáng ở đoạn kết (thường là rất độc đáo). Là cha đẻ của thể loại văn học trinh thám, Poe đã mở đầu cho một trong những hình thức truyền thống của thể loại này: “Bí ẩn phải được khám phá bằng trí tuệ, bằng những cách thức của tư duy” (8). Và nhân vật Dupin của Poe chính là hình mẫu cho Sherlock Holmes của Conan Doyle sau này. Qua loạt truyện trinh thám có thể thấy Poe nắm rất vững “gu” của công chúng, đó cũng là lý do khi làm báo ông đã giúp số lượng phát hành tăng vọt. Trong đời mình Poe đã từng gắn bó với nhiều tờ báo như Southern literary messenger, Gentlemen's Magazin, Mirror, Broadway Journal... Đây chính là nơi mà Poe đã đăng không biết bao nhiêu thơ, truyện ngắn và những bài phê bình, điểm sách. Cũng chính những tin tức sống động đăng tải hàng ngày trên báo chí đã cung cấp cho Poe rất nhiều chi tiết cũng như ý tưởng cho những truyện ngắn trinh thám, kinh dị. Như Điều bí ẩn về Marie Rogers (The Mystery of Marie Rogers) chẳng hạn. Để viết truyện này Poe đã phải dựa vào rất nhiều chi tiết của vụ giết người không tìm ra thủ phạm được đăng tải ầm ĩ vào mùa hè năm 1844, nạn nhân là cô gái 21 tuổi mang tên Mary Rogers.
    Một số truyện ngắn khác của Poe lại đi sâu vào trạng thái thần kinh bệnh hoạn của những phạm nhân giết người do rối loạn tâm thần. Bạn đọc nhiều người sẽ rất ngạc nhiên vì không hiểu sao Poe lại lột tả khá chính xác những trạng thái rối loạn này. Trong Trái tim vạch tội (Tell-tale Heart), nhân vật chính tìm mọi cách giết ông lão hàng xóm với một lý do thật vô lý và buồn cười. “Theo tôi mọi sự chỉ tại ánh mắt của lão. Vâng, chính nó. Rõ thế rồi! Một bên mắt của lão giống mắt của loài kền kền - một con mắt xanh lợt lạt có màng phủ lên. Bất cứ lúc nào nó xói vào tôi là máu trong người đông cứng lại. Từng bước một, dần dần tôi đi đến quyết định phải giết lão, có thế tôi mới tự giải thoát mình khỏi ánh mắt đó vĩnh viễn”(9). Nhằm thực hiện điều này gã phải mất một tuần để cư xử hết sức tử tế với nạn nhân. Suốt bảy đêm gã tìm cách mò vào phòng ngủ của nạn nhân một cách hết sức khó khăn nhưng lại không ra tay vì nạn nhân không hề hé mắt. Gã cho rằng lão hàng xóm không đáng ghét mà chính con mắt quái gở của lão mới làm gã điên tiết. Vào đêm thứ tám gã đã thực hiện được ý đồ vì nạn nhân bỗng mở to mắt kinh hoàng. Và bằng cảm giác gã nghe thấy tiếng tim đập sợ hãi của nạn nhân, nó khiến gã thêm phẫn nộ vì nghe cứ như “tiếng trống thúc quân ra trận”. Vụ giết người được thực hiện nhanh chóng. Để chứng tỏ mình không điên và biết tính toán khôn ngoan, gã đã chặt nhỏ tử thi, cắt rời đầu và chân tay nhét dưới ván sàn rồi xóa hoàn toàn dấu vết. Đến bốn giờ sáng ba nhân viên an ninh vào nhà vì một người hàng xóm nghe tiếng la thất thanh trong đêm. Mọi đấu vết đã được xóa sạch nên chẳng ai nghi ngờ gì, gã tự tin dắt mọi người tới chính căn phòng của ông già. Mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ nếu như trong tai gã không vang lên những âm thanh khó chịu mà gã cho rằng đó chính là nhịp đập của trái tim nạn nhân. Âm thanh đó ngày một lớn hơn khiến gã không chịu nổi, gã cho rằng những nhân viên an ninh cũng nghe thấy nhưng giả tảng không biết mà vẫn cười nói để lừa dối gã. Cuối cùng gã hét lên: “Đừng giả vờ nữa! Tôi nhận tội đấy! Đây, đây này! Trái tim tởm lợm của lão già vẫn đang đập đấy” (10). Trạng thái tâm thần bồn chồn, hoảng loạn như vậy còn được mô tả khá kỹ lưỡng trong Con mèo đen (Black Cat). Diễn biến bệnh trạng tâm thần của nhân vật chính xảy ra như sau: 1- Vui vẻ, yêu vợ, yêu súc vật đặc biệt là chú mèo đen Pluto. 2- Bắt đầu cáu gắt và ngày càng khó chịu với mọi vật xung quanh, xử sự thô bạo với vợ, hành hạ động vật. 3- Chọc mù mắt mèo Pluto, sau đó giết và treo lên cành cây. 4- Ân hận vì đã giết mèo, đem về nhà một chú mèo đen khác. Lại bắt đầu muốn giết mèo. 5- Cầm rìu giết mèo, vợ ngăn lại, tức quá bổ rìu vào đầu vợ, chôn vợ vào trong ngách tường hầm. Kết thúc của câu chuyện khá giống với Trái tim vạch tội nhưng có phần kỳ quái hơn. Cảnh sát đến điều tra, lục soát kỹ lưỡng. Kẻ sát nhân tỏ ra rất bình tĩnh khiến họ không nghi ngờ gì. Nhưng trước khi họ ra đi hắn bỗng thốt lên: “Tôi có thể nói rằng đây là một ngôi nhà được xây dựng hết sức kiên cố. Những bức tường này - các ngài đang tính ra về sao? Những bức tường này được gắn vào nhau rất chắc chắn” (11). Và với một “lòng can đảm điên rồ” hắn đã gõ mạnh cây gậy vào bức tường nơi chôn xác vợ hắn. Lập tức một tiếng tru gào rùng rợn, thảm thiết như tiếng khóc của con trẻ vọng ra. Hoá ra hắn đã vô tình chôn sống con mèo cùng với thi thể người vợ tội nghiệp. Đại đa số độc giả sau khi đọc những truyện ngắn về tội phạm tâm thần đều cho rằng Poe đã từng bị điên hoặc ông có sự nhạy cảm phi thường nên mới mô tả được chính xác từng cấp độ tăng dần của các chứng loạn thần kinh. Từ một số nguồn tư liệu đáng tin cậy, những nhà nghiên cứu văn học đã biết được lúc đương thời, Poe đã có tìm hiểu qua thực tế và sách vở căn nguyên và diễn biến của một số chứng bệnh tâm thần bắt đầu lan rộng trong xã hội(12).
    Một số truyện ngắn khác của Poe lại dự báo về những thành tựu y học sau này. Người đàn ông được phẫu thuật triệt để (The Man that Was Used Up) là một chuyện hài nhưng lại là một ý tưởng rất thú vị về phẫu thuật chỉnh hình, một chuyên ngành y khoa đã phát triển rất mạnh mẽ trong thế kỷ XX. Tướng quân Smith là một người đàn ông đẹp đẽ với “bộ ngực tuyệt vời nhất” rất cân đối với đôi bờ vai “hoàn hảo”. Thế nhưng tất cả chỉ là đồ giả. Trong một trận chiến trước đó ông đã bị kẻ địch tra tấn đến mức tất cả các bộ phận trên thân thể đều biến dạng, thậm chí lưỡi cũng bị cắt. Thế nhưng những bác sĩ phẫu thuật tài ba đã biến ông trở thành một gã đàn ông mười phân vẹn mười tuy tất cả các bộ phận đẹp đẽ ấy chỉ là đồ giả. Đêm đến, sau khi tháo bỏ những phụ tùng thay thế kỳ diệu kia ông lại trở thành một người tàn phế dị dạng. Truyện ngắn Sự thật về trường hợp của Valderma (The Facts of M. Valdermar's Case) lại dự báo một thành tựu y học khác, phân tâm học. Valderma được các bác sĩ dự đoán là sẽ chết vào đêm chủ nhật, nhưng nhờ một người bạn thôi miên nên linh hồn ông đã nấn ná thêm nơi thể xác được thêm bảy tháng. Cho đến khi cuộc thôi miên kết thúc, Valderma chính thức qua đời, thân xác ông thối rữa ngay lập tức vì nó đã phải tồn tại trái với tự nhiên trong một thời gian quá dài. Đây là một chuyện gây cảm giác rùng rợn nhưng những cuộc hội thoại giữa người thôi miên và bệnh nhân khiến cho bạn đọc ngày nay thấy rất gần với liệu pháp thôi miên và ám thị của các bác sĩ tâm lý.
    Ở mọi thể loại Poe đều khai thác trạng thái tâm lý, sự thấu hiểu tâm lý sâu kín xuyên suốt những tác phẩm. Ông đã phản ánh được trong tác phẩm của mình trạng thái tâm lý nhiễu loạn của nhân vật. Sự văn minh hóa quá tải đã làm thương tổn đời sống nội tâm của đại bộ phận dân chúng Mỹ. Nỗi lo âu tiềm ẩn và đời sống tinh thần bất an đường như xuất hiện ở nước Mỹ sớm hơn Châu Âu. Ít nhất, những người Châu Âu đã có một cơ cấu, tổ chức xã hội phức tạp, chắc chắn và điều này cho họ một tâm lý an toàn. Tại Mỹ lúc đó không có bảo hiểm xã hội, mạnh ai nấy sống. Poe đã miêu tả chính xác mặt trái của giấc mơ Mỹ, giấc mơ của những cá nhân đầy tự lập và thành đạt. Thế nhưng cái giá của chủ nghĩa vật chất và sự cạnh tranh thái quá cũng thật khủng khiếp - sự cô đơn, cách biệt, những tín hiệu bất ổn và mang lại cảm giác chết chóc luôn lơ lửng trong đời sống nội tâm của mọi thành viên trong xã hội. (13)
    Để khai thác được triệt để những khía cạnh kỳ lạ, khác thường của diễn biến tâm lý, Poe đã nỗ lực miêu tả sự điên loạn và trạng thái cảm xúc dâng lên tới cực điểm. Sự kết hợp giữa trạng thái suy đồi (decadence) (14) với nguyên thủy lãng mạn (romantic primitivism) của Poe đã quyến rũ những nhà thơ Châu Âu mãnh liệt, đặc biệt là những nhà thơ tượng trưng ở Pháp. Thế nhưng Poe không phải là một nhà văn xa lạ với phong cách Mỹ mặc dù ông là người ghê sợ nền dân chủ Mỹ theo quan điểm của giới quí tộc Mỹ thời đó. Trái lại, ông gần như là một ví dụ tiêu biểu cho dự đoán của Tocqueville (15) vì Tocqueville cho rằng dân chủ Mỹ sẽ tạo ra những tác phẩm dẫn đến sự bóc trần, phanh phui những góc sâu kín nhất của tâm lý con người.
    Khuynh hướng “suy đồi” của Poe cũng phản ánh sự xuống dốc của những biểu tượng nghệ thuật xuất hiện trong thế kỷ XIX. Đó là sự pha trộn các loại hình nghệ thuật một cách lộn xộn từ nhiều miền, nhiều thời kỳ, vắt kiệt bản sắc khiến chúng tầm thường hơn so với mẫu gốc với mục đích trang trí đơn thuần trong một loạt tác phẩm. Sự hỗn độn về phong cách ở Mỹ đặc biệt rõ. Đây là một quốc gia có những vùng đất phì nhiêu đầy hứa hẹn, chính thế nó đã tạo ra những làn sóng nhập cư ồ ạt đổ về từ mọi châu lục hình thành nên một xã hội đa văn hóa. Đó cũng là lý do khiến nơi đây thường xuyên thiếu vắng những phong cách nghệ thuật truyền thống của chính quốc. Cho tới ngày nay sự hỗn độn này vẫn được thể hiện rất rõ trong những bộ phim Mỹ ăn khách như Indianna Jones, Bí mật ngôi mộ cổ... Các đạo diễn đã không ngần ngại đưa những câu chuyện huyền bí của phương Đông hay những nghi lễ thờ cúng thiêng liêng của người da đỏ vào những bộ phim hành động tràn ngập vũ khí hiện đại nhằm kích thích sự hiếu kỳ của khán giả. Vào thời của Poe, sự hỗn độn về phong cách này đã phản ánh sự mất mát những hệ thống tư duy mạch lạc. Nhập cư, đô thị hóa, công nghiệp hóa đã nhổ bật gốc những nền tảng gia đình vững chắc và nếp sống bao đời. Trong nghệ thuật, sự hỗn độn những biểu tượng nghệ thuật này đã cung cấp cho Poe ý tưởng về sự kỳ dị, một ý tưởng xuyên suốt trong những truyện ngắn kinh điển của Poe. (**)
    Ở Việt Nam, nhìn chung, đại đa số độc giả chỉ biết đến Poe như một nhà văn trinh thám, kinh dị mà chưa biết đến tài năng thi ca của ông. Nhiều nhà lý luận phê bình văn học phân vân không biết xếp ông vào hàng ngũ nhà văn hay nhà thơ. Thậm chí có những ý kiến cho rằng tác phẩm văn học trình làng đầu tiên của Poe năm 1827 là tập thơ Tamerlan và những bài thơ khác (Tamerlane and Other Poems) và với tác phẩm cuối cùng trước khi mất là bài thơ Những quả chuông (Bells) thì hiển nhiên ông phải là một nhà thơ. Cho dù Poe đã để lại cho đời nhiều truyện ngắn cực kỳ đặc sắc nhưng chúng cũng không thể làm lu mờ thành tựu thơ của ông, trong đó có những thi phẩm đạt đến “vô song trác tuyệt”. Cũng như nhiều nhà thơ miền nam khác, thơ ông giàu tính nhạc và vận luật rất chặt chẽ. Những bài thơ được biết đến nay khoảng chừng hơn 70 bài. Con quạ, Những quả chuông, Gửi Hellen... là những tác phẩm được in đi in lại nhiều nhất. Cũng có khá nhiều bài được đánh giá là “thường thường bậc trung” vì trạng thái cảm xúc cũng như chủ đề na ná giống nhau, tràn ngập nỗi sầu muộn, thống khổ, những so sánh, liên tưởng sáo mòn giống như nhiều tác phẩm lãng mạn thời đó. Nhưng ngay ở những bài thơ không nổi đình đám này đôi khi vẫn lóe lên những vần thơ tràn ngập ấn tượng và ám gợi. Giống như truyện ngắn, thơ của Poe cũng tràn đầy bí ẩn, rợn ngợp, đó là thế giới nhập nhoạng giữa cõi sống và cõi chết. Một số bài thơ giống như những câu chuyện kỳ dị, người kể chuyện (ngôi thứ nhất) là loại nhân vật tự hủy hoại mình trong buồn thương, tuyệt vọng. Con quạ là bài hay nhất trong số những bài thơ tự sự này. Trước khi viết Con quạ, tên tuổi Poe cũng đã được biết đến vì những truyện ngắn hay và những bài bút chiến “long trời lở đất” với phe phái của Henry Wadsworth Longfellow. Nhưng phải đến khi bài thơ Con quạ ra đời thì danh tiếng của Poe mới thực sự vươn đến tầm cao vượt xa những gì đã đạt được từ trước. Bài thơ được in trên tờ Mirror số ra ngày 29 tháng 2 năm 1845. Trong bài giới thiệu của Nathaniel Parker Willis, một người bạn của Poe và cũng là một văn nhân có tên tuổi thời đó thì đây là một bài thơ “vô song trong thơ ca Anh ngữ vì ý niệm tinh tế, vì tài nghệ thi học điêu luyện và vững chắc, tài nghệ này duy trì được cao hứng của trí tưởng tượng” (16). Sau hàng thế kỷ bài thơ Con quạ vẫn ngự trị trong trí nhớ của không biết bao nhiêu độc giả trên toàn thế giới. Nó được biết đến rộng rãi từ khi Poe còn sống và cho đến ngày nay, Con quạ vẫn được đánh giá là một tác phẩm thi ca tuyệt đỉnh. Trong bài thơ (gồm nhiều khổ thơ), người kể chuyện (ngôi thứ nhất) thao thức trong cảm giác rờn rợn, anh ta đang đọc sách và đau buồn về “nàng Lenore đã mất”. Vào lúc nửa đêm, một con quạ, loài chim hiện thân cho tang tóc, hắc ám bất chợt bay đến đậu trên cánh cửa. Nó lặng thinh, cô độc, chỉ lặp đi lặp lại điệp khúc “nevermore” (không bao giờ nữa) ở 11 khổ thơ cuối. Có thể coi điệp khúc “Nevermore” là sáng tạo tuyệt vời nhất trong bài thơ. Từ này khi ngân lên vừa âm u, sầu muộn lại vừa tuyệt vọng, nhất là lại được bật lên từ một con quạ lạ lùng, cổ quái. Nó chính là linh hồn của bài thơ. Không phải vô cớ mà một độc giả tại NewYork thời đó cho rằng như bị “nhiễm điện bởi tiếng kêu kỳ lạ, huyền bí nevermore”(17). Và chỉ riêng cụm từ “nevermore” này thôi đã đủ bao trùm lên bài thơ một sắc màu thê lương tuyệt vọng, một cảm giác xa lìa mãi mãi. Khổ cuối của bài thơ là một kết thúc rất độc đáo cho một câu chuyện cũng rất đặc biệt. Poe cho rằng bắt đầu từ đây con quạ cổ quái kia đã trở thành “biểu tượng của Hồi ức đau buồn và bất tận(18).
    Chú thích:
    (1) Xem Edgar Allan Poe, Truyện kinh dị, phụ lục, Nxb Lao động, tháng 3/1989 (Rút từ Pautopxki, Những người gần và những người xa, Edgar Allan Poe, Nxb “Cận vệ trẻ”, Moxkva, 1967).
    (2) Kenneth Silverman, Hồi ức đau buồn và bất tận (Mournful and never-ending remembrance), Nxb Harper Collins (New York),1991, tr.90.
    (3) Luis Borges, Luis Borges, Những cuộc nói chuyện, Truyện trinh thám, Nxb Emecé, 1997, Ngô Tự Lập dịch.
    (4) Một phong cách tiểu thuyết xuất hiện tại Châu Âu nửa sau thế kỷ XVIII. Các nhà văn Gothic thường đưa vào tác phẩm những bối cảnh kỳ quái, hoang vu, bí ẩn nhằm khuấy động tâm lý và gây hồi hộp cho độc giả.
    (5) Xem Kenneth Silverman, sđd, tr.154, 155.
    (6) Xem Hoàng Tố Mai, Văn học Mỹ thời kỳ sau độc lập, Tạp chí Văn học số 7-2000.
    (7) Hoàng Ngọc Hiến, Ghi chú về Jorge Luis Borges, tạp chí Hữu Nghị, số ra tháng 12 năm 1999, tr.47.
    (8) (9) Edgar Allan Poe, Những câu chuyện tưởng tượng và bí ẩn (Tales of mystery and imagination), Wordsworth Editions Limited xuất bản, 1993, tr.148, tr.163, tr.17, tr.69.
    (10) Xem Jorge Luis Borges, Sđd.
    (11) (12) Edgar Allan Poe, Sđd, tr.221, tr.225, tr.196.
    (13) Edgar Allan Poe, Sđd, tr.221, tr.225, tr.196.
    (14) Xem Walter Blair. James R.Giles. Morris Dickstein, Bài mục Edgar Allan Poe, ENCYCLOPAEDIA BRITANNICA CD 2.0 1995.
    (15) Kathryn VanSpancken, Sđd, tr.42.
    (16) (17) Xem Kenneth Silverman, Sđd, tr.237.
    (18) Edgar Allan Poe, Toàn tập tác phẩm của Edgar Allan Poe ( The Unabridged Edgar Allan Poe), tiểu luận Triết lý về soạn tác, Nxb Running Press,1983, tr. 1089.
    (*) Kathryn VanSpancken, Văn học Mỹ đại cương (An outline of America literature), Thông tấn xã Hoa Kỳ xuất bản, 1994, phần Edgar Allan Poe, tr.41.
    (**) Thuật ngữ này được sử dụng từ khi trào lưu văn học suy đồi (decadence) xuất hiện và phát triển mạnh tại Pháp và Anh cuối thế kỷ XIX. Những tác giả quan trọng thuộc trào lưu văn học này (Paul Verlaine, Charles Baudelaire, Jules Laforgue...) chủ trương duy mỹ thuần túy, chú trọng kỹ thuật ngôn từ và tìm kiếm những cảm giác mới lạ.

    Edgar Allan Poe, hồi ức đau buồn và bất tận [2/2]

    Khoảng cách giữa sống và chết, minh mẫn và điên loạn, tươi đẹp và tăm tối... là ranh giới mờ ảo, đôi khi là sự hòa trộn nhuần nhuyễn, đặc sắc và tinh tế. Thế giới này làm bạn đọc bàng hoàng, sửng sốt. Nó khiến cho những tác phẩm của Poe trở nên bí ẩn và quyến rũ.

    Hoàng Tố Mai - 
    Và con quạ không hề động cánh, vẫn im lìm, tọa im lìm
    Trên bức tượng xanh xao, tượng Pallas bán thân bên trên cánh cửa
    Và mắt ấy, mắt quỷ đương mơ ngủ
    Và ánh đèn trên cao đổ bóng
    Và hồn tôi khi nào thoát khỏi
    Bóng quạ đen dập dềnh trên sàn
    Không thể nào bay lên - không bao giờ nữa”!
    (19)
    Bài thơ Con quạ còn thể hiện những sáng tạo lớn của Poe trong quá trình ứng dụng thi luật. Chính Poe cũng nhắc đến sáng tạo này của mình rất chi tiết trong bài tiểu luận Triết lý về soạn tác (The Philosophy of Composition). Nhưng phải đến Những quả chuông, bài thơ cuối cùng để lại, thì sự cách tân về thi pháp của Poe mới đạt đến đỉnh điểm. Từng dòng, từng chữ ngân lên vang vọng, tưởng chừng như được cuốn theo những hồi chuông biến ảo, khi rộn ràng tràn ngập niềm hoan lạc, khi lảnh lót inh ỏi như những tiếng la hét hãi hùng. Bài thơ chia làm bốn đoạn tương ứng với những giai điệu chuông khác biệt: chuông bạc, chuông vàng, chuông đồng thau, chuông sắt. Đầu tiên là những quả chuông bạc. Mỗi khi tiếng chuông ngân lên thì “những vì sao lấm tấm rải khắp những vùng trời với một niềm vui trong suốt pha lê”(20). Những quả chuông vàng kế tiếp cũng dự báo một thế giới hạnh phúc bằng âm hưởng như được rung lên từ “những âm thanh vàng tan chảy”. Nhưng phần cuối của đoạn này tiếng chuông bắt đầu hối hả hơn, như “một luồng âm thanh ngọt ngào vọt trào lênh láng”(21). Đoạn thứ ba, những quả chuông đồng thau báo nguy đột ngột xuất hiện. Chúng kể về một “câu chuyện rùng rợn” tràn ngập những tiếng la hét sợ hãi. Nhịp chuông trở nên kỳ quái, điên đảo với những âm thanh ầm ĩ chói tai. Đoạn cuối cùng: Những quả chuông sắt. Thanh âm của chúng như những “lời ai điếu ngân nga một thế giới trầm tư xiết bao trang nghiêm”(22). Phần cuối đoạn thơ này cũng là phần kết thúc bài thơ đã khiến độc giả hết sức bất ngờ. Tác giả hé lộ bí mật về những hồi chuông rùng rợn, quái gở kia. Đó chính là hòa âm của quỷ, những con quỷ ngự trên gác chuông. Và vua quỷ chính là kẻ đã dộng chuông để tạo tác một bài tụng ca bằng một tiết tấu tà ma, hoan lạc. Không hiểu sau khi viết Những quả chuông Poe có dự tính được một chiều hướng nhận thức khác từ phía độc giả? Nếu đắm mình theo những câu thơ rất giàu vần điệu lại được nhả ra theo thứ nhịp phách tự do, phóng túng, điên đảo chẳng khác nào nhịp đập của một trái tim bất ổn thì nhiều độc giả sẽ cảm nhận vua quỷ chính là tác giả bài thơ, người đã gióng lên bản hoà điệu chuông ngôn từ thần diệu và mãnh liệt. Đây là những câu thơ trong phân đoạn ba:
    Hãy lắng nghe những hồi chuông báo nguy inh ỏi -
    Những quả chuông đồng thau!
    Lúc này sự hỗn loạn của chúng kể câu chuyện xiết bao khủng khiếp!
    Đêm rùng mình lắng nghe
    Nỗi khiếp sợ chúng gào thét lên!
    Quá sợ hãi không nói thành lời,
    Chỉ có thể rít lên, rít lên,
    Lạc giọng,
    Khi thì kêu la van vỉ lòng khoan dung của lửa,
    Khi thì oán trách điên dại đám lửa cháy điếc đặc và điên cuồng
    Cứ bốc cao lên, càng cao, càng cao hơn
    Với một ham muốn tuyệt vọng,
    Một nỗ lực quyết liệt
    Lúc này - không lúc này thì chẳng bao giờ nữa,
    Vươn đến ngồi bên trăng tái nhợt.
    Ôi, những quả chuông, quả chuông, quả chuông!
    .......
    Sự thay đổi giọng chuông đột ngột từ hoan lạc, hạnh phúc sang rùng rợn, thê thảm với sự gia tăng dồn dập những trạng thái cảm xúc nặng nề khủng khiếp trong những câu thơ nhịp phách tự do, điên đảo đã khiến bạn đọc không khỏi bàng hoàng. Phải chăng, những tiếng chuông vàng chuông bạc dạo đầu ngắn ngủi kia chỉ là những ảo ảnh dối lừa, còn thế giới hiện hữu thì chìm trong nỗi sợ? Và có lẽ nào, cuộc đời này chỉ là bữa tiệc của quỷ? (***)
    Những năm tháng cuối đời, Poe bị giới phê bình đem ra châm chọc rất ác ý. Bài thơ cũng thể hiện phần nào sự mệt mỏi và tuyệt vọng của ông. Những quả chuông đã trở thành bài thơ để đời thứ hai của Poe (sau bài Con quạ) và càng ngày nó càng được đánh giá vì tính hiện đại. Bài thơ là một cuộc cách mạng về thi pháp. Sự cộng hưởng tuyệt vời giữa nhịp điệu và ngôn từ cùng với sự tuyệt vọng và nỗi sợ như được chắt ra từ những cơn ác mộng mê loạn, vẫn làm sửng sốt bạn đọc hai thế kỷ sau.
    Ngoài những bài thơ dài, u ám, ít nhiều nét tự sự Poe cũng để lại một số những bài thơ nhẹ nhàng, trong trẻo, chỉ thoáng gợn đôi chút ưu phiền. Gửi F (To F) là một bài hay trong số này.
    Yêu dấu ơi! Giữa những phiền muộn da diết nhất
    Khi đám đông vây quanh lối nhỏ tôi bước đi trên trần thế
    (Lối nhỏ thê lương, than ôi, không mọc nổi
    Dù chỉ một bông hồng đơn độc)
    Tâm hồn tôi ít nhất cũng được khuây khỏa
    Trong giấc mơ về em
    Nơi đó vườn địa đàng
    Êm đềm, thanh thản
    Và tôi như đảo xa mê hoặc
    Trên biển xanh bão dông náo động
    Đại dương xa xôi ầm ào cuộn sóng
    Cháy bừng lên nhờ kỷ niệm về em
    Như khoảng trời thanh thản dịu êm
    Cười im lặng, miền cao xanh vời vợi (23)
    Giới văn chương chính thống Mỹ đã đón nhận Edgar Allan Poe khá muộn. Khi nhiều nhà phê bình Mỹ thờ ơ thậm chí khó chịu với những tác phẩm của Poe thì ở Pháp, ông được xem như một hiện tượng văn chương đáng kinh ngạc. Năm 1856, Charles Baudelaire đã dành cho Poe những lời trân trọng: “Tôi mong muốn rằng Edgar Poe, một người không vĩ đại ở Mỹ, sẽ phải trở thành người vĩ đại ở Pháp” (24). Baudelaire viết những tiểu luận ca ngợi Poe. Ông và Stéphane Mallarmé say mê dịch thơ và truyện ngắn của Poe, đó là những bản dịch chính xác, tuyệt vời, nhờ đó mà Edgar Poe, một nhà văn Mỹ bị quên lãng đã trở thành nhân vật quan trọng trong văn học Pháp. Mallarmé còn dành cho Poe những vần thơ tràn ngập thán phục và ngưỡng mộ: Thi nhân với thanh đoản kiếm tuốt trần/ Đã gây cho thế kỷ của ông/ Bị kinh hoàng/ Bởi không hiểu được (25). Sự ảnh hưởng trực tiếp của Poe đối với văn học Mỹ đương thời là không đáng kể nhưng từ sự ảnh hưởng của ông đối với nhiều nhà thơ Pháp nửa sau thế kỷ XIX, Poe đã để lại những dấu ấn sâu đậm của mình trong văn học thế giới. Cuối cùng thì Poe cũng tạo được ảnh hưởng của mình ở Mỹ một cách gián tiếp, thông qua dư âm vọng lại từ những nền văn học khác. Khi thấy Poe được tôn vinh ở Châu Âu, người Mỹ bắt đầu đọc và đánh giá lại ông. Bước tiếp theo, qua những bản dịch tiếng Pháp, tác phẩm của Poe đã thổi một luồng gió lạ vào khuynh hướng sáng tác của những nhà thơ Pháp tượng trưng như Charles Baudelaire, Stéphane Mallarmé, Arthur Rimbaud... ảnh hưởng của những nhà thơ vĩ đại này lan tỏa khắp Châu Âu và tất nhiên, không loại trừ nước Mỹ.
    Những độc giả yêu thích Edgar Allan Poe sẽ thêm một lần khâm phục khi đọc những bài viết của Poe bàn luận về văn chương hay công việc viết văn. Những tác phẩm này bộc lộ năng lực tư duy, lý luận cũng như cảm thụ văn học tuyệt vời. Chúng nổi tiếng vì những câu văn trí tuệ pha lẫn mỉa mai hài hước. Những định nghĩa của Poe về bản chất của sáng tác văn học và đặc biệt là trong những bài viết của ông về thể loại truyện ngắn vẫn có ảnh hưởng lâu dài với nhiều nhà văn Mỹ và Châu Âu. Ông còn là một nhà văn hết sức đề cao sự chuẩn xác về ngôn ngữ, vận luật (trong thơ) và cấu trúc của tác phẩm. Trong đời mình, Poe đã từng gây nên nhiều cuộc bút chiến rất sôi động. Đáng kể nhất là cuộc “tấn công” Henry Wadsworth Longfellow. Bài viết mở đầu cho cuộc bút chiến này được đăng trên tờ Mirror số ra ngày 13 và 14 tháng 1 năm 1845. Poe đã công kích mạnh mẽ hợp tuyển thơ The Waif, một tập thơ khá cẩu thả do Henry Wadsworth Longfellow tuyển chọn và biên tập. Poe đã mỉa mai khen bài thơ đề tựa của Longfellow là bài thơ có “giá trị nhất” trong tập sách vì “những nhược điểm về nhịp thật phù hợp với chủ đề của nó”. Poe cho đây là một tập thơ bị “nhiễm bẩn với một vết nhơ tinh thần” vì Longfellow đã không đưa vào những nhà thơ Mỹ được xem là đối thủ của mình (tất nhiên trong đó có Edgar Allan Poe), những nhân vật có thể gây phiền nhiễu trong những cuộc tranh cãi về thơ của Longfellow. Ngoài ra Poe còn ám chỉ rằng Longfellow là một kẻ chuyên đạo văn của người khác. Ông viết: “Những nhà thơ này Longfellow có thể tiếp tục bắt chước (Phải chăng đây mới là từ đích đáng?) và thậm chí chưa bao giờ ca ngợi họ cho dù chỉ là tình cờ”. Ngày 25 tháng 1 tờ Western Literary Messenger (Người đưa tin văn học phương Tây) có công bố một bức thư với một bút danh lạ (hình như là do Poe gửi đến). Trong thư tác giả so sánh bản dịch bài thơ “The Good George Campbell” (George Campbell tốt bụng) từ tiếng Đức của Longfellow và một bài ballad của Scotland có tên “Bonnie George Campbell” (cũng có nghĩa là George Campbell tốt bụng). Hai văn bản này rất giống nhau. Poe không những vạch mặt Longfellow là kẻ đạo văn thô thiển mà còn cho rằng ông ta thật trơ tráo khi tin rằng có thể “nhập nhằng” một bài hát cổ của Scotland thành một bản dịch thơ từ tiếng Đức. Bản thân Longfellow cũng đã đưa ra một hợp tuyển có in bản dịch bài thơ bằng tiếng Đức. Quả là Longfellow cũng làm một công việc thật khó hiểu, dịch lại một bản dịch tiếng Đức được dịch từ một văn bản tiếng Anh. Nhân cơ hội này tờ New York đã cho đăng bản dịch của Longfellow và bài thơ nguyên tác bên cạnh nhau rồi chua thêm một dòng: “ái chà, một sự trùng hợp ngẫu nhiên?”( ****)
    Trong cuộc bút chiến này Poe đã chiếm được lợi thế. Tuy nhiên, ông cũng nhận được nhiều bài viết giáng trả, ông đã phải dành rất nhiều thời gian viết cả trăm bài đối đáp lại với Longfellow và các nhà văn khác. Đây là một cuộc bút chiến được coi là ồn ào nhất, kỳ lạ nhất và dài nhất trong lịch sử văn học Mỹ. Ngoài những bài báo tranh luận hết sức linh hoạt, sống động, Poe còn để lại những bài tiểu luận, bài nói chuyện rất đặc sắc: Triết lý về soạn tác, Astoria; hay Những giai thoại về một công trình bên kia những dãy núi đá (Astoria; or, Anecdotes of an Enterprise Beyond the Rocky Mountains) (viết về một tác phẩm của Washington Irving), Bản chất thơ (The Poetic Principle)... Triết lý về soạn tác được nhắc đến nhiều nhất vì trong bài tiểu luận này Poe đã viết lại quá trình sáng tác bài thơ Con quạ. Poe là tác giả đầu tiên viết lại chi tiết quá trình sáng tác một bài thơ của bản thân. Bằng bài viết này Poe giải đáp được hầu hết những câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc thời đó cũng như bây giờ. Ông đã “mổ xẻ” rất kỹ lưỡng bài thơ này và không ngần ngại phơi bày những mánh lới nghề nghiệp tưởng chừng như khá vụn vặt, chẳng có gì là cao siêu cả. Cho đến nay dường như chưa ai viết về Con quạ hay hơn Edgar Allan Poe. Triết lý về soạn tác còn được đánh giá cao vì đã đưa ra những luận điểm văn chương độc đáo và quan trọng. Cũng từ bài viết này Poe đã được nhìn nhận như là một trong những nhà lý luận phê bình Mỹ danh tiếng. Trong bài tiểu luận Triết lý về soạn tác, Poe viết một đoạn rất hay về nghề: “Tôi nghĩ là có một sai lầm cơ bản trong cách thức quen thuộc để xây dựng một câu chuyện. Hoặc lịch sử đưa ra một luận điểm - hoặc luận điểm được gợi ra bởi một sự kiện thời sự - hoặc tốt nhất tác giả tự mình làm công việc tổ hợp những biến cố đặc sắc đơn thuần để hình thành cơ sở cốt truyện - thường là thiết kế có chủ đích những kẽ trống của thực tế hoặc hành động, rồi, lần lần từng trang làm cho chúng trở nên rõ hơn bằng cách đưa vào đó những đoạn miêu tả, đối thoại hoặc bình luận của tác giả. Tôi thì lại thích bắt đầu bằng sự cân nhắc một hiệu quả cho tác phẩm. Luôn phải quan tâm đến sự độc đáo - bởi vì anh nhà văn nào mưu toan sử dụng nguồn hứng thú quá rõ và quá dễ đạt được vì có sẵn thì anh ta sẽ lâm vào tình trạng giả dối với chính mình - tôi thì trước tiên tự nhủ: “Trong vô số những hiệu quả hay ấn tượng có thể gợi ra được ở trái tim, ở trí tuệ hoặc (khái quát hơn) ở tâm hồn, trong trường hợp này chúng ta, tức là tôi sẽ chọn hiệu quả nào. Sau khi chọn một hiệu quả với đặc tính thứ nhất là mới, thứ hai là mạnh mẽ, tôi cân nhắc hoặc là viết bằng những sự kiện bình thường và giọng kể đặc biệt, hoặc là ngược lại, sự kiện đặc biệt, giọng bình thường, hoặc là cả sự kiện và cả giọng đều đặc biệt - và sau đó cân nhắc (hay đúng hơn là suy ngẫm) xem tổ hợp những sự kiện và giọng nào trong các tổ hợp nói trên sẽ giúp tôi nhiều nhất trong việc gây dựng hiệu quả.” (26). Những luận điểm về thơ trong bài viết này cũng rất hay: “Có hai điều luôn luôn được đòi hỏi - thứ nhất, một lượng phức tạp nào đó hay nói đúng hơn một lượng ráp nối nào đó; và thứ hai một lượng ám gợi nào đó - những ý nghĩa chạy ngầm ở dưới mà lại mập mờ. Đặc biệt là chính mảng này truyền cho công trình nghệ thuật không biết bao nhiêu là màu mỡ (richness) (tôi mượn từ lời ăn tiếng nói hàng ngày cái từ sống động này) mà chúng ta thường rất thích nhầm lẫn với lý tưởng. Chính sự nống lên quá đáng ý nghĩa được ám gợi - thay cho sự chạy ngầm dưới chủ đề lại làm cho nó lộ ở bên trên - chính sự quá đáng này biến cái gọi là thơ của cái gọi là trường phái siêu nghiệm thành văn xuôi (mà lại là thứ văn xuôi tầm thường nhất).(27). Poe đã chỉ ra cho độc giả thấy thơ không thể thiếu vắng sự ám gợi. Nó tạo cho thơ một sức cuốn hút ghê gớm thậm chí mê hoặc. Nhưng nếu thiếu sự sáng suốt thậm chí vô tư thì sự ám gợi sẽ bị mất đi hiệu quả vốn có, thơ sẽ biến dạng và tha hóa. Ở một số bài viết khác Poe còn bộc lộ tham vọng đi đến cùng bản chất thi ca. Những định nghĩa về thơ của ông thường là độc đáo. Poe cho rằng “Một bài thơ giống như cái chết của một người đàn bà đẹp” (28) hay trong bài nói chuyện về Bản chất thơ ông đã tuyên bố: “Thơ là sự sáng tạo cái Đẹp có tiết tấu mà trọng tài duy nhất là thị hiếu” (29). Những luận điểm văn học của ông giản dị, dễ hiểu nhưng luôn mới lạ và mang tính chuyên nghiệp cao. Chúng thường được trích dẫn trong những bài nghiên cứu và tiểu luận của nhiều nhà văn và học giả tên tuổi. Với rất nhiều văn nghệ sĩ thì những luận điểm này không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm. Chúng còn là những chuỗi ngôn từ được sắp xếp sao cho hiệu quả âm thanh cũng như cảm xúc cùng hòa đồng tuyệt diệu. Không chỉ dễ nhớ và muốn nhớ, mà còn thực sự cảm hứng khi nhớ lại.
    Sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng Poe đã kịp đi đến cùng những lĩnh vực sáng tác riêng biệt: truyện ngắn, thơ, và lý luận phê bình. Những trang viết tràn ngập ấn tượng ấy đã được hoài thai trong lòng nước Mỹ, chúng dự báo những thành quả nghệ thuật bất ngờ tiếp theo của quốc gia non trẻ này. Trong thế kỷ XX, nước Mỹ được coi là cái nôi sinh trưởng nhiều trào lưu văn hóa, nghệ thuật mới lạ, điển hình là nhạc Jazz, Rock 'n' Roll, Hip-hop(30)... Nước Mỹ đầu thế kỷ XIX chưa hùng mạnh như sau này nhưng đã tiềm ẩn một tương lai hứa hẹn, một quá trình phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Một nước Mỹ đầy thực dụng ngay từ thuở mới khai sinh. Và tài năng của Poe đã nảy nở trên mảnh đất ấy. Nếu Hip-hop là con đẻ của dân chủ Mỹ, là sự giải toả của những người da đen trước nạn phân biệt chủng tộc, thất nghiệp, sự đàn áp tàn bạo của cảnh sát thì những tác phẩm kỳ dị của Poe lại nảy nở từ dự cảm về vực thẳm ngầm ẩn của cuộc sống hiện đại. Hậu quả của nhập cư, đô thị hóa, công nghiệp hóa và sự kết hợp hỗn loạn những nền văn hóa khác biệt từ nhiều quốc gia đã thực sự tàn phá đời sống nội tâm của nhiều thế hệ, điều này đối với trái tim nhạy cảm của Poe là một cơn ác mộng dai dẳng, kinh hoàng. Cảm giác bất an, bồn chồn, ám sợ là chất liệu lý tưởng để Poe viết nên những câu chuyện “mê hồn sởn gáy”. Nỗi sợ trong những tác phẩm của ông đã đạt tới hiệu quả mỹ học mạnh mẽ, nó có sức lôi cuốn, thậm chí mê hoặc. Nó khơi gợi cảm hứng sáng tạo của không biết bao nhiêu văn nghệ sĩ trong và ngoài nước Mỹ. Khi thể hiện những trang viết vô song ấy, linh hồn ông đã chìm ngập vào thế giới của bóng tối, lời thú nhận tựa vần thơ ám ảnh: “Mọi vực thẳm của lòng đất và sự xấu xa bao lấy tôi huyền diệu” (31). Và chất uymua đặc sắc cũng như năng lực tư duy kiệt xuất của tác giả đã “dương bản” hóa những trang viết như được thảo từ địa ngục. Tạo ra ác mộng, khai thác ác mộng, đắm chìm vào ác mộng đã trở thành cuộc sống thứ hai của Poe. Ông đã khéo léo biến độc giả thành nạn nhân cuả nỗi sợ nhưng là nạn nhân tự nguyện, kiểu như “một thứ khoái cảm trong sự tự hành hạ.”(32). Một trong những “nạn nhân” đáng kể nhất của Poe, Jorge Luis Borges, đã dành cho ông những vần thơ cảm phục, thấu hiểu.
    Từ mùa bội thu của thần chết, anh mở
    đại hội những bóng ma, anh chẳng sợ.
    .........
    Làm loá mắt anh chẳng phải đá hoa cương hay vàng bạc mà chính là hoa hồng.
    (33)
    Nó không bị xâm nhiễm bởi những thông điệp đạo đức, chính trị tầm thường. Đó là một thế giới nghệ thuật thuần khiết tràn ngập những hình ảnh kỳ lạ và mê hồn.Văn học nước ngoài, số 3, tháng 5-6/2004, số kỷ niệm 195 năm sinh E.A.Poe (1809-2004)
    Phần 1

    Chú thích
    :
    (19) - (22) Edgar Allan Poe, Thơ Edgar Allan Poe (The works of Edgar Allan Poe), Wordsworth Edition Ltd xuất bản,1995, tr. 4, tr.5, tr.6, tr.7.
    (23) Edgar Allan Poe, Thơ Edgar Allan Poe, Sđd, tr. 19.
    (24) Robert Regan, bài mục Edgar Allan Poe, THE 1998 GROLIER MULTIMEDIA ENCYCLOPAEDIA CD.
    (25) Stéphane Mallarmé, Tuyển tập Edgar Allan Poe, bài thơ Ngôi mộ của Edgar Allan Poe, Nxb Văn học, Hànội, 2002, tr.708, 709, Quỳnh Thư Nhiên dịch, Đông Hoài hiệu đính.
    (26)-(27) Edgar Allan Poe, Toàn tập tác phẩm của Edgar Allan Poe, Sđd, tr.1079, 1080,1088.
    (28) Hoàng Nhân, báo Văn nghệ số số 3 ngày15/1/2000, bài Nỗi đau và ảo mộng, tr.10.
    (29) William Mac Kay, Thơ Edgar Allan Poe (The complete poems), Lời giới thiệu, Barnes & Noble, Inc xuất bản năm 1999, tr.3.
    (30) Tiếng lóng, dùng để chỉ nền văn hoá đường phố, đại chúng tại những thành phố lớn, đặc biệt là những nơi tập trung nhiều thanh niên da màu có thu nhập thấp, được thể hiện qua tranh vẽ tường (ga điện ngầm), vũ điệu break dance và nhạc rap. Xuất phát từ Bronx (New York) giữa thập niên 70, Hip-hop thực sự bùng nổ từ khi giới chủ sở hữu những khu nhà ổ chuột đã mướn bọn lưu manh châm lửa đốt sạch những dãy nhà đã bị mất giá, nhằm xua đuổi những người đang ở thuê để nhận được hàng triệu đôla tiền bảo hiểm (Xem Jeff Chang, tạp chí Người đưa tin UNESCO, Cuộc phiêu du rạng rỡ của Hip-hop, tháng 9/2000).
    (31) Hoàng Nhân, Sđd.
    (32) Edgar Allan Poe, Toàn tập tác phẩm của Edgar Allan Poe, Sđd, tr. 1085.
    (33) Jorge Luis Borges, Tuyển tập Jorge Luis Borges, bài thơ Edgar Allan Poe, Nxb Đà nẵng 2001, tr. 51, Nguyễn Trung Đức dịch.
    (***) Xem Kenneth Silverman, Sđd, tr.404.
    (****) Xem Kenneth Silverman, Sđd, tr.234, 235, 236.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét