Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 108 (học giả Nguyễn Văn Vĩnh)

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                           Phim về học giả Nguyễn Văn Vĩnh - bản tóm tắt

Tiểu sử Nguyễn Văn Vĩnh

TÓM TẮT TIỂU SỬ CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN VĨNH
 Nguyễn Văn Vĩnh, Hà Nội, Thông ngôn, thế kỷ 20, danh nhân thế kỷ 20, Nhà báo, học giả

THÂN THẾ
Nguyễn Văn Vĩnh là con trai đầu lòng, sinh ngày 15/6/1882 tại thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Thường Tín, phủ Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Thân phụ là Nguyễn Văn Trực (người gốc làng Phượng Vũ, Phượng Dực, Thường Tín, Hà Đông). Thân mẫu không rõ tên (do tập quán xưa kia, khi người phụ nữ lấy chồng sẽ mang tên chồng). Sau thời điểm này, thân phụ Nguyễn Văn Trực đưa cả gia đình lên ở nhờ và sinh sống tại nhà một người họ hàng bên ngoại ở số nhà 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội.
Khi còn nhỏ, gia đình cho Nguyễn Văn Vĩnh đi chăn bò thuê ngoài bãi sông Hồng (nay là khu vực chân cầu Long Biên- Doumer 1887-1902).
HỌC VẤN VÀ NGHIỆP CÔNG CHỨC
Năm lên 8 tuổi, bỏ việc chăn bò thuê, Nguyễn Văn Vĩnh xin được làm công việc kéo quạt mát (lúc đó chưa có điện) cho lớp học của người Pháp dạy các học viên đã đỗ tú tài, cử nhân, học để làm thông ngôn (phiên dịch). Cơ sở giáo dục này, được gọi là trường Hậu bổ (Tức học xong sẽ được bổ nhiệm). Hiện nay, mái trường vẫn còn nguyên vẹn, nằm trong khuôn viên trường PTCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, Hà Nội (sát hồ Trúc Bạch).
Khi Nguyễn Văn Vĩnh 10 tuổi, Lớp học do Vĩnh ngồi kéo quạt mãn khoá. Nguyễn Văn Vĩnh được nhà trường cho phép thi cùng các học viên. Nguyễn Văn Vĩnh đã đỗ thứ 12 trong số 40 học viên của khoá học. Vì quá nhỏ, nhà trường đã cho phép Nguyễn Văn Vĩnh được học lại từ đầu (khóa học 4 năm). Kết thúc khóa học, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu (thủ khoa).
15 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh được đưa đi làm thông ngôn (phiên dịch) tại tòa sứ Lào Cai (1897).
17 tuổi: Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về tòa sứ Hải Phòng, tại đây Vĩnh đã “tự tốt nghiệp phổ thông” nhờ việc mua lại từ một thuỷ thủ người Anh, bộ sách giáo khoa tiếng Pháp (Encyclopédie autodidactique quilet – Sách tự học chương trình phổ thông).
18 tuổi, cụ bà Nguyễn Văn Trực qua đời, cụ ông Nguyễn Văn Trực có phần phiền muộn, để khắc phục tình cảnh này, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định lập gia đình với bà Đinh Thị Tính (sinh năm 1881, ở số nhà 12 ngõ Phất Lộc, Hà Nội- Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
20 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về tòa sứ tỉnh Bắc Giang (bao gồm cả Bắc Ninh).
24 tuổi được điều chuyển về Tòa Đốc lý Hà Nội. Cùng năm (1906), Vĩnh được cử đi hội chợ thuộc địa tại thành phố cảng Mác xây (Marseille) Pháp. Kết thúc hội chợ Nguyễn Văn Vĩnh xin ở lại thêm 3 tháng. Trở lại Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh xin thôi làm công chức của Tòa Đốc lý Hà Nội và chính thức theo nghiệp làm báo chí tự do. Tính từ thời điểm này cho đến khi qua đời, Nguyễn Văn Vĩnh không nhận và không giữ bất kỳ vị trí nào trong hệ thống cai trị của chính quyền đương thời.
 SỰ NGHIỆP VĂN HÓA – CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI:
Năm 1906, gia đình Nguyễn Văn Vĩnh chuyển từ Bắc Ninh về Hà Nội, ở số nhà 39 Mã Mây, nơi đây lập tức trở thành điểm hội tụ của các thân sỹ như Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Phạm Huy Lục, Nguyễn Đỗ Mục…
Tháng 3.1907, Nguyễn Văn Vĩnh chính thức đứng đơn gửi nhà cầm quyền xin thành lập trường Đông kinh Nghĩa thục ở số 10 phố Hàng Đào và do cụ cử Lương Văn Can làm thục trưởng. Tham gia Đông kinh Nghĩa thục, Nguyễn Văn Vĩnh lĩnh hội việc dạy môn chữ Quốc ngữ và Pháp văn.
Cùng thời kỳ này, Nguyễn Văn Vĩnh có quan hệ với một người Pháp là Francois Henry Schneider(Chuyên gia về xuất bản), thông qua mối quan hệ này, cùng với hoạt động của ĐKNT, Vĩnh chính thức là chủ bút của tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ, tờ Đăng cổ tùng báo (1907). Sự nghiệp làm báo chính thức của Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu từ đây. Ông là chủ bút của 07 tờ báo cho đến khi từ giã cõi đời. Trong đó, tờ báo cuối cùng trong sự nghiệp báo chí của mình là tờ báo tiếng Pháp L’Annam nouveau (Nước Nam mới). Đây là tờ báo quy mô nhất, thành công nhất và có hệ lụy nặng nề nhất đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh.
Để phục vụ cho nội dung các tờ báo do mình làm chủ bút, phục vụ cho mục tiêu quảng bá và phổ cập chữ Quốc ngữ (Lúc này ở VN vẫn chưa chính thức được sử dụng chữ Quốc ngữ), Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện việc dịch các tác phẩm văn hóa từ chữ Nôm ra Quốc ngữ, từ Hán văn ra Quốc ngữ, từ Pháp văn ra Quốc ngữ, từ Hán văn ra Pháp văn và từ Quốc ngữ ra Pháp văn từ khi còn rất trẻ. Số lượng các trang dịch của Nguyễn Văn Vĩnh từ Pháp văn ra Quốc ngữ là lớn nhất, bao gồm của nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn hoá của nhân loại, đồng thời những cuốn sách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh cũng là những tác phẩm lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam được in bằng chữ Quốc ngữ vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Tổng số đầu sách Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch vào khoảng 30 tác phẩm của khoảng 20 nhà bác học, nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình nổi tiếng của châu Âu và thế giới. Ba tác phẩm gần gũi với bạn đọc nhất là: Tập truyện thơ ngụ ngôn của La Phông Ten (La Fontaine), Tiểu thuyết Những người Khốn khổ của Victo Huygo (Victor Hugo) và Ba chàng ngự lâm pháo thủ của Alếcxăng Duma (Alexander Dumas).
Tồn tại với vai trò là một nhà báo tự do, song thực chất Nguyễn Văn Vĩnh là người hoạt động trong nhiều lĩnh vực: văn hóa, xã hội và chính trị. Làm văn hóa trong một bối cảnh ở một đất nước cực kỳ lạc hậu do ảnh hưởng của xã hội Phong kiến cùng với sự thống trị hà khắc của chế độ Thực dân kiểu cũ, nên Nguyễn Văn Vĩnh đã tự nhận mình là “Người Nam mới” từ  năm 1905 (Tân Nam tử). Nguyễn Văn Vĩnh đã luôn đòi cải cách, thay đổi quan niệm cũng như lối sống lạc hậu của xã hội Việt Nam… Điều đó đã khiến ông mặc nhiên tự đặt mình vào vị trí của kẻ đối lập với chính thể đương thời.
Năm 1922, Nguyễn Văn Vĩnh chính thức chia tay với Francois Henry Schneider (hết hạn về Pháp). Từ thời điểm này, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực sự độc lập trước hệ thống cầm quyền, cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Năm 1926, Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức thành lập Trung tâm sách Âu Tây tư tưởng (Trụ sở đặt ở số nhà 1-3 phố Hàng Gai, nhìn ra Hồ Gươm, Hà Nội- Nay là quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục).
Thông qua nội dung các bài viết trên 07 tờ báo do ông làm chủ bút, tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Văn Vĩnh là: Bài xích những hủ tục trong đời sống xã hội, lên án sự bất công trong xã hội Việt Nam, phê phán sự bất hợp lý của hệ thống cai trị, khích lệ và định hướng cho quần chúng hiểu được quan niệm thế nào là dân chủ, là bình đẳng, là văn minh và tiến bộ. Thực tế này, đã đi ngược với chính sách cai trị của Chính phủ thuộc địa. Từ bối cảnh này, nhà cầm quyền đã nhiều lần thương lượng, mặc cả và cả đe doạ để yêu cầu Nguyễn Văn Vĩnh phải “hợp tác” hoàn toàn với Chính phủ, chấm dứt việc lên án các chính sách của Chính phủ Thuộc địa và Triều đình Huế thông qua các hoạt động báo chí và xuất bản. Tuy nhiên, các cuộc “đàm phán” giữa Nhà cầm quyền với Nguyễn Văn Vĩnh đều thất bại!!!
Năm 1931, mâu thuẫn giữa đôi bên lên đến cao độ, Nguyễn Văn Vĩnh và những người cùng lập trường, quyết định thành lập tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp L’Annam nouveau (thời đó, viết tiếng Pháp không bị chính quyền kiểm duyệt) với mục đích: làm diễn đàn để đối chọi lại với chủ trương Quân chủ Lập hiến của một bộ phận các chính trị gia trong Chính phủ thuộc địa. Nguyễn Văn Vĩnh xây dựng và chứng minh tính hợp lý của học thuyết Trực trị do ông đề xướng, tạo dựng nền cộng hòa, xóa bỏ vai trò trung gian trong hệ thống hành chính của Triều đình Huế, lập nên một nước Việt Nam có hiến pháp, có nghị viện và tôn trọng quyền con người.
Đầu năm 1935, giọt nước tràn ly, Chính phủ Bảo hộ hết kiên nhẫn trước lập trường và tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh, quyết định bẻ gãy ngòi bút của Nguyễn Văn Vĩnh bằng giải pháp: xiết nợ…để phải phá sản! Ba điều kiện của nhà cầm quyền dành cho Nguyễn Văn Vĩnh trong lần mặc cả cuối cùng nếu không muốn bị phá sản là:
         1/ Nhận làm Thượng thư cho Triều Đình Huế (Bộ trưởng).
         2/ Đi tù (dù chỉ 1 ngày).
         3/ Đi đào vàng bên nước Lào (Sê Pôn-Tchépone) để trả nợ.
Tháng 3 năm 1936 Nguyễn Văn Vĩnh đã chọn giải pháp thứ Ba,.
Ngày 1/5/1936, sau một đêm mưa gió, ngưòi ta tìm thấy Nguyễn Văn Vĩnh, một thân một mình trên một con thuyền độc mộc giữa dòng sông Sê Băng Hiêng (tên gọi một đoạn của sông Sê Pôn), toàn thân đã tím đen nhưng một tay vẫn giữ chặt cây bút và tay kia là quyển sổ đang viết dở. Thuyền cập vào chân cầu Sê Pôn, những người dân bản xứ đã đưa Nguyễn Văn Vĩnh lên trạm y tế của thị xã Sê Pôn… Nhưng …vô vọng! Nhà chức trách đã báo về gia đình rằng: Nguyễn Văn Vĩnh chết vì sốt rét…!
Cùng thời gian này, nhà cầm quyền đã hoàn tất chóng vánh việc phát mại toàn bộ tài sản của ông bao gồm: nhà in báo, tòa soạn báo, nhà cửa, vườn tược với giá chỉ bằng 2/10 giá trị thật, chấm dứt sự nghiệp cầm bút của ông, đẩy toàn bộ gia đình Nguyễn Văn Vĩnh vào cảnh khuynh gia bại sản, ly tán muôn đời!
Một tổ chức tiến bộ mà Nguyễn Văn Vĩnh là hội viên, có nguồn gốc từ nước Anh  tên gọi là “Hội Tam điểm – Franc Maconnerie” (biểu tượng là chiếc êke) đã đứng ra lo toan, từ việc chuyển thi hài ông bằng tầu hỏa về đến Hà Nội, đến việc tổ chức lễ tang, cả việc túc trực bên linh cữu ông trong suốt 2 đêm và 1 ngày, tại trụ sở Hội Tam điểm ở số nhà 107 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Hàng vạn người dân Hà Nội đã đến tiễn đưa Nguyễn Văn Vĩnh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong đám tang đặc biệt này (đặc biệt vì Nguyễn Văn Vĩnh không phải là người có chức sắc hay giữ quyền bính của hệ thống chính trị, hoặc là kẻ thương nhân giàu có), người ta thấy đã có mặt hầu hết câc nhân sỹ nổi tiếng cùng thời, những người lao động, những người dân thủ đô và các vị là đại diện của các chính giới trong xã hội đương thời, đều đã đến nghiêng mình trước linh cữu một người được xướng danh là  “Người công dân vĩ đại”.
Trong sáu bài điếu văn được đọc trước khi hạ huyệt, người ta thấy không biết bao nhiêu lời thương tiếc, không biết bao nhiêu lời ngợi ca. Nhưng không thể không nhắc đến đoạn điếu văn sau đây của ông Delmas, Chủ tịch Hội quyền con người, chi nhánh Hà Nội (Discours de M.Delmas, President de la Ligue dé Droits de L’Homme et du Citoyen Section de Hanoi) để thấm thía cái xót xa khi xã hội mất đi một con người như Nguyễn Văn Vĩnh:“… Ông là người đã tìm thấy những kho báu quý hiếm nhất, còn hơn cả những đống hạt vàng ghê tởm. Ông đã để lại phía sau một hàng ngũ hậu thế đông đảo, những người học trò, những người bạn chân thành ngập trong sự đau thương.  Cả một dân tộc biết ơn những công lao do ông để lại, một công lao không có sự lầm lỗi và một quá khứ không có vết nhơ…”

CÁC MỐC QUAN TRỌNG TRONG CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
CỦA NGUYỄN VĂN VĨNH
1896: Thông ngôn (phiên dịch) cho Tòa sứ Lao Cai.
1898: Thông ngôn cho Tòa sứ Hải Phòng.
1900: Lập gia đình.
1903: Thông ngôn cho Tòa sứ Bắc Giang (đặt tại thị xã Bắc Ninh).
1905: Thư ký Tòa Đốc lý Hà Nội.
1906: Quản lý gian hàng Đông dương tại hội chợ thuộc địa Mác Xây – Pháp.
1906: Chấm dứt làm công cho Tòa Đốc lý Hà Nội.
1907: Tham gia Đông kinh Nghĩa thục, giảng dạy tiếng Việt và tiếng Pháp.
1907: Chủ bút báo, “Đại Nam đăng cổ tùng báo”.
1908: Chủ bút báo tiếng Pháp “Notre Journal”.
1909: Chủ bút báo tiếng Pháp “Notre Revue”.
1910: Trợ lý cho tòa soạn báo “Lục tỉnh Tân văn”- Sài Gòn.
1913: Chủ bút tờ “Đông dương tạp chí”.
1917: Chủ bút báo “ Trung bắc Tân văn”.
1919: Chủ bút tờ “Học báo”.
1922: Lần thứ hai đi dự hội chợ thuộc địa Mác Xây –
          Thăm và tìm hiểu công nghệ in và xuất bản tại Đức. Trở lại Việt Nam,
          Thay, đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ in ấn bằng các thiết bị kỹ thuật mới được mua của Đức.
1926: Thành lập Trung tâm sách Âu tây tư tưởng.
1931: Thành lập tờ báo tiếng Pháp “L’Annam nouveau”.
1933: Nhà cầm quyền đòi nợ và đòi bắt.
1935: Nhà cầm quyền siết nợ.
1936: Tháng Ba, chấp nhận đi đày sang Lào với danh nghĩa “tìm vàng”.
1936: Ngày 2/5/1936 chết tại Sê Pôn. Ngày 8/5/1936 tang lễ được tổ chức tại Hà Nội.

Hiệu đính nội dung ngày 10.7.2014
BBT.tannamtu.com

Bước ngoặt kỳ lạ giúp 'cậu bé chăn bò' thành học giả lừng lẫy

 - Do gia cảnh nghèo khó, thuở nhỏ Nguyễn Văn Vĩnh đã phải chăn bò thuê. Rồi sau đó, để đỡ đần cho gia đình, ông nhận làm công việc kéo quạt thuê tại trường Hậu bổ (Thông ngôn) của Pháp, mở ở Đình Yên Phụ (Đình An Trí)… Từ đây cuộc đời ông bước vào một hành trình đầy thăng hoa mà cũng nhiều phần ai oán.
Bước ngoặt cuộc đời của 'cậu bé chăn bò'
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 30 tháng 4 năm Nhâm Ngọ, (tức ngày 15/6/1882), tại làng Phượng Vũ, Phượng Dực, Thường Tín, Hà Đông (nay là Phú Xuyên, Hà Nội). Cha là ông Nguyễn Văn Trực, bỏ quê ra Hà Nội mưu sinh và ở nhờ gia đình ông nghè Phạm Huy Hổ tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, Hà Nội.
Nguyễn Văn Vĩnh, Hà Nội, Thông ngôn, thế kỷ 20, danh nhân thế kỷ 20, Nhà báo, học giả
Nguyễn Văn Vĩnh là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông là người có công lớn trong việc hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, cho biết: "Theo các bác, các chú và cha tôi kể lại, ông nội tôi là người tầm thước, nhưng dáng bệ vệ.
Thời đó mà cụ đã thích mặc áo sơ mi, quần “short”, cưỡi xe mô tô, giao du với các giới trong thiên hạ. Ngày ấy, Nguyễn Văn Vĩnh có câu nói nổi tiếng: “Làm một nhà báo, phải biết đi mô tô”.
Đặc biệt, Nguyễn Văn Vĩnh có giọng nói to, vang, hay cười. Ông thích tổ tôm, săn bắn và có óc phiêu lưu.
Ông Lân Bình thuật lại những giai thoại được lưu truyền trong gia đình, rằng: “Gia cảnh ngày đó nghèo khó lắm, con thì đông, không có nghề mưu sinh, cụ bà thân sinh của Nguyễn Văn Vĩnh thường chỉ buôn hàng xén bán ngoài chợ Đồng Xuân, kiếm tiền nuôi gia đình.
Khi Nguyễn Văn Vĩnh mới 8 tuổi, tuy thấy con sáng dạ nhưng vì nghèo, nên không thể cho đi học, hai cụ xin cho Nguyễn Văn Vĩnh đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên (sau này là khu vực chân cầu Long Biên) kiếm thêm chút ít. Những năm đó là năm 1889 - 1890.
Trong những lần đi chăn bò, Nguyễn Văn Vĩnh thường thả bò theo triền đê Yên Phụ lên hướng Bắc, và chứng kiến có lớp học của người Pháp mở trong một ngôi đình. Ông nhiều lần mon men đến gần lớp học vì tò mò và thật sự bị cuốn hút. Ông về nhà thưa với thầy (cha), rằng muốn cha tìm và xin cho làm việc gì cũng được, ở trong ngôi trường này, để thay việc phải đi chăn bò.
Khi Nguyễn Văn Vĩnh bày tỏ nguyện vọng, cha ông đã trao đổi với ông nghè Phạm Huy Hổ nhờ những người có quan hệ, cuối cùng, xin được cho Nguyễn Văn Vĩnh chân ngồi kéo quạt mát cho lớp học, vì thời đó chưa có điện.
Ngồi cuối lớp kéo quạt, nhưng với tư chất khác người, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ nghe thầy giáo người Tây giảng bài, mặc nhiên thành sự học lỏm.
Cậu đã thuộc nhiều bài học sâu hơn cả các học viên là ông tú, ông cử của lớp. Với tính cách hiếu động, Nguyễn Văn Vĩnh đã nhiều lần, cứ theo bản năng, cậu nhắc các đàn anh khi ấp úng không trả lời được các bài tập của thầy giáo và bị đòn vì làm mất trật tự, ảnh hưởng đến cả lớp.
Vậy nhưng, bên cạnh những trận đòn, sự quát nạt và mắng mỏ của ông giáo Tây, cậu đã gieo vào lòng người thầy một sự ngạc nhiên, có cả một chút nể phục. Đặc biệt, ông giáo không thể không kinh ngạc khi thấy cậu nói và viết được tiếng Pháp khá thành thạo dù không được học chính thức.
Ông giáo Tây có tên là A. D’ Argence khi đó, vì ấn tượng, thầm phục và có cả chút thử nhiệm, đã để Nguyễn Văn Vĩnh cùng dự thi tốt nghiệp khi lớp học mãn khóa (năm 1893). Đây chính là lớp thông ngôn tập sự ngạch Tòa sứ, cùng với 40 học sinh của khóa học, và kết quả ông đứng thứ 12.
Lúc này, mọi người mới biết rằng đây chính là trường Hậu bổ (Collège des Interprètes du Tonkin - sau khi học xong sẽ được bổ nhiệm làm thông ngôn - nv). Hôm nay, người ta vẫn thấy ngôi đình còn nguyên và nằm trong khuôn viên của Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, sát hồ Trúc Bạch, Hà Nội ngày nay.
Năm đó, Nguyễn Văn Vĩnh mới tròn 10 tuổi, quá nhỏ để bổ nhiệm đi đâu được, nên nhà trường quyết định đặc cách cho ông học lại từ đầu của khóa học tiếp theo.
Nguyễn Văn Vĩnh về kể lại với cha, cha ông nói luôn rằng, làm gì có tiền mà học tiếp. Ông lại đưa ra “tối hậu thư”, một là tiếp tục kéo quạt, hai là lại quay về chăn bò!
Nguyễn Văn Vĩnh đành nghe lời cha, tiếp tục về chăn bò. Người thầy giáo Tây khá ngạc nhiên khi không thấy Nguyễn Văn Vĩnh đến trường, ông đã đến nhà tìm hiểu nguyên nhân vì sao.
Khi gặp gia đình Nguyễn Văn Vĩnh, ông đã “ngã người” vì biết cậu trò nhỏ không được đi học vì do nhà quá nghèo, không có tiền! Thầy D'Argence đã khẳng định với bố mẹ của cậu bé rằng, cậu trò nhỏ sẽ được đi học mà gia đình không phải lo đóng tiền (ngày nay chúng ta hay gọi đó là học bổng - nv).
Nguyễn Văn Vĩnh đã chính thức được học chính khóa thông ngôn tòa sứ khóa 1893-1896 (ngoài thầy d'Argence còn có ông Đỗ Đức Toại - thủ khoa khóa 1890, cùng dạy). Kết thúc khóa học này, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa, lúc đó cậu mới 14 tuổi.
15 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được đưa đi làm thông ngôn (phiên dịch - nv) tại Tòa sứ Lào Cai. Năm 1898, Nguyễn Văn Vĩnh khi đó 16 tuổi, được điều về Tòa sứ Hải Phòng, đúng lúc người Pháp đang mở mang việc kiến thiết bến cảng.
Nguyễn Văn Vĩnh, Hà Nội, Thông ngôn, thế kỷ 20, danh nhân thế kỷ 20, Nhà báo, học giả
Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Do tính chất công việc nên Nguyễn Văn Vĩnh đã được giao tiếp hằng ngày với thủy thủ của các tàu Pháp, Anh, Hoa... Vì vậy, ông đã học thêm tiếng Trung và tiếng Anh để giúp cho công việc được thuận lợi.
Sau này, khi có cơ hội đọc lại những di cảo của Nguyễn Văn Vĩnh, người ta mới thấy việc học ngoại ngữ với ông là một khả năng thiên bẩm. Trong thiên phóng sự cuối cùng của cuộc đời làm báo (1936), Nguyễn Văn Vĩnh gửi từ miền Nam nước Lào về và đăng trên tờ báo L’Annam Nouveau - Nước Nam mới, có đầu đề “Một tháng với những người tìm vàng”, gồm 11 bài, ông đã tâm sự khi đến nước Lào, ông mất có 8 ngày để học tiếng Lào.
Cũng chính giai đoạn Nguyễn Văn Vĩnh làm việc ở Tòa sứ Hải Phòng, ông đã “tự tốt nghiệp phổ thông” nhờ việc mua lại từ một thuỷ thủ người Anh, bộ sách giáo khoa tiếng Pháp (Encyclopédie autodidactique quilet - Sách tự học chương trình phổ thông). Ngày đó, ông đã tâm sự với người thân rằng: “Tôi mua bộ sách hết 15 đồng, thế là mất toi nửa tháng lương”.
Ông Lân Bình giải thích: “Đây là số tiền rất lớn thời bấy giờ. Vì hơn 100 năm trước, nước ta vẫn còn tiêu bằng tiền chinh, xu, hào rồi mới đến đồng”...
Giai thoại suýt mất mạng vì bắt tay vua Khải Định
Trong nhiều giai thoại của gia đình kể lại, ông Bình nhớ một cách đầy đủ việc vì sao trong những người con của Nguyễn Văn Vĩnh, có người mang tên Nguyễn Kỳ (1918-2013).
Câu chuyện cũng đã được Phạm Huy Lục, nhân sỹ danh tiếng cùng thời với Nguyễn Văn Vĩnh và là người đại diện cho báo giới đọc điếu văn trong lễ tang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8/5/1936 ghi lại và đưa cho gia đình. Chuyện là thế này:
Năm 1916, vua Khải Định (1885-1925) lên ngôi. Theo thông lệ, nhà vua mới phải thực hiện nghi lễ (nay ta hiểu như sự trình diện) yết kiến vị quan người Pháp là Toàn quyền Đông Dương (vị trí cao nhất của Chính phủ Thuộc địa).
Chuyến vi hành của vua Khải Định được diễn ra năm 1917, đi từ Huế đến kinh thành Thăng Long. Trong các nghi lễ mang tính lễ tân được tổ chức tại Phủ Toàn quyền (nay là Dinh Chủ tịch) ở Hà Nội, ngài Toàn quyền Albert Pierre Sarraut (1872-1962) đứng trên khán đường sát bên cạnh là vua Khải Định, để đón các nhân vật đại diện cho các giới chức trong xã hội lần lượt đến chào xã giao vị vua mới của Triều đình Nhà Nguyễn. Nghi thức muôn đời của Triều đình Phong kiến dành cho mọi đối tượng khi tiếp cận Đức Vua, chỉ được phép bái lạy (hai tay chắp trước ngực và cúi chào).
Nguyễn Văn Vĩnh dẫn đầu nhóm dân biểu Hà Nội (nay gọi là Hội đồng Nhân dân), khi đến trước ngài Toàn quyền (đứng tiếp là Đức Vua), vì đã từng biết nhau từ trước, quan Toàn quyền thấy Nguyễn Văn Vĩnh đến trước mặt, liền giơ tay ra bắt. Vua Khải Định thấy vậy, cũng giơ tay ra bắt tay Nguyễn Văn Vĩnh. Vào thời khắc và bối cảnh đó, ông không thể lùi, và đành giơ tay bắt tay nhà vua.
Lập tức cả khán phòng ồ lên khi chứng kiến sự bất thường này của Nguyễn Văn Vĩnh. Các triều thần râm ran, rằng ông mắc tội khi quân, dám động vào long thể của Đức Vua.
Khi nhà vua nhận được bản tấu của các quan trong triều dâng lên, kết tội Nguyễn Văn Vĩnh xử trảm. Vua Khải Định nói: “Các ông lạ kỳ thật, chuyện có thế mà đòi chém người ta!”.
Đầu năm 1918, người vợ cả của Nguyễn Văn Vĩnh sinh thêm người con trai. Nguyễn Văn Vĩnh lại nói với vợ: “Đặt tên con là Kỳ, để nhớ mình bị chém hụt”.
(Còn nữa)
Diệu Bình - Ngọc Trang

Đám tang rúng động miền Bắc, hàng chục ngàn người đưa tiễn học giả lớn

-Học giả Nguyễn Văn Vĩnh hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng người ta nhắc đến ông nhiều nhất có lẽ là trong vai trò của một người làm báo. Thật vậy, kể cả đến khi chết, tay ông chưa bao giờ ngừng viết...
Cái chết đầy bí ẩn
Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh kể, năm 1906, sau khi trở về từ hội chợ thuộc địa Mac-xây (Marseilles, Pháp), Nguyễn Văn Vĩnh bỏ nghiệp quan chức và sáng lập tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của miền Bắc là Đăng Cổ tùng báo (1907), liên tiếp sau này là Đông Dương tạp chí (1913), Nước Nam mới...
Nguyễn Văn Vĩnh, thực dân, báo chí, học giả
Ảnh chụp năm 1919, Ban biên tập báo Trung Bắc tân văn, tờ nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam. Nguyễn Văn Vĩnh đứng thứ 3 từ phải sang, đội mũ. Ảnh: Gia đình cung cấp
Những bài báo của ông lên án triều đình phong kiến nhà Nguyễn và phê phán chính sách cai trị hà khắc của chính phủ thuộc địa. Điều này khiến chính quyền đương thời sợ hãi, tìm nhiều cách để cản trở sự nghiệp xuất bản, trong đó cấm cả việc Nguyễn Văn Vĩnh không được viết báo bằng chữ quốc ngữ.
Năm 1930, sau nhiều lần vận động Nguyễn Văn Vĩnh chấm dứt việc viết bài đả phá chế độ cai trị không thành công, thực dân Pháp tìm cách chấm dứt hoạt động báo chí của ông bằng cách đưa ra 3 con đường cho ông lựa chọn.
Nguyễn Văn Vĩnh, thực dân, báo chí, học giả

Chúng yêu cầu ông làm Thượng thư cho triều đình nhà Nguyễn (sẽ được xóa nợ) hoặc là đi tù và lựa chọn thứ ba là phải sang Lào đào vàng trả nợ.
Trong khi nói chuyện với gia đình, Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ: "Nhục nhã nhất là đi tù và nếu phải chết thầy cũng không bao giờ làm quan cho triều Nguyễn. Bởi vậy, thầy sẽ đi đào vàng. Sang đó thầy vẫn tiếp tục viết. Chúng có thể o ép về kinh tế nhưng không thể o ép ý chí của thầy...".
Nguyễn Văn Vĩnh, thực dân, báo chí, học giả
Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh: Diệu Bình
Ông Bình lý giải: "Trước đó, năm 1926, để phục vụ cho việc thành lập trung tâm Âu Tây tư tưởng, truyền bá văn hóa, ông tôi đã mang toàn bộ gia sản thế chấp vào nhà băng Đông Dương với thời hạn trả nợ là 20 năm.
Nhưng mới vay được mấy năm thì chính quyền cai trị đòi nợ, nói đúng hơn là dùng hình thức o ép về tài chính để buộc Nguyễn Văn Vĩnh phải dừng ngay các hoạt động viết báo".
Ông Nguyễn Lân Bình (sinh năm 1951 - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh) từng sang Bungari học nghề cơ khí. Ông trải qua nhiều vị trí trong sự nghiệp của mình như làm đội trưởng đội phiên dịch ở Bungari, công tác tại Đại sứ quán Bungari ở Hà Nội. Năm 1990, ông là người phụ trách toàn bộ hoạt động của Hãng Hàng không BALKAN Bungari ở Việt Nam.
Là cháu nội, ông luôn trăn trở về khát vọng muốn để mọi người hiểu rõ hơn về thân thế, cuộc đời của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Năm 2006, ông Lân Bình nảy ý định làm phim về cụ Vĩnh. Sau khi bộ phim “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” gây được tiếng vang, năm 2012, ông lập trang thông tin điện tử Tannamtu.com để giới thiệu sâu và rộng hơn nữa về cuộc đời học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Trải lòng với báo chí, ông nói: "Tôi đã bị hút vào "cuộc đời lộng lẫy và nhiêu khê" của ông nội".
Nguyễn Văn Vĩnh từ biệt vợ con, lựa chọn sang Lào đào vàng cùng một người Pháp. Nhưng không ngờ, đây lại là chuyến đi cuối cùng chẳng hẹn ngày trở lại của ông.
Từ phương trời xa lắc, những bài báo sắc sảo, thể hiện quan điểm lập trường mạnh mẽ của Nguyễn Văn Vĩnh vẫn tiếp tục đăng trên báo Nước Nam mới.
Nhưng chỉ một tháng sau, vào 1/5/1936, ông chết trên một con thuyền độc mộc, toàn thân tím đen. Một tay ông cầm bút và một tay vẫn cầm quyển sổ đang viết dở giữa dòng sông Sê Pôn.
Ông Bình nói: "Người trong nhà chia sẻ lại, cả buổi chiều ngày hôm đó, trời Sê Pôn (Lào) mưa to tầm tã, nước sống chảy xiết, chiếc thuyền độc mộc trôi đến chân cầu sông Sê Păng Hiên (một nhánh sông Sê Pôn) thì được người dân phát hiện. Họ đưa ông đi cấp cứu nhưng quá trễ... Người ta báo tin về gia đình rằng ông đã chết vì sốt rét và kiết lỵ".
Ông Bình tiếp tục: "Các bác tôi vẫn thường nói rằng, cái chết của ông Vĩnh còn nhiều bí ẩn. Thời gian ông tôi  đi đào vàng, nói đúng hơn là đi đày không hiểu sao vẫn có những bức ảnh chụp ông tôi, không hiểu những bức ảnh đó chụp làm gì. Thêm vào đó, nếu ông chết vì kiết lị hay sốt rét, thi thể sẽ khó bị tím đen như vậy...".
Đây cũng chính là lý do mà sau này, ông Nguyễn Lân Bình đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về thân thế, cuộc đời ông nội mình.
Ông Bình từng mượn câu của F. Ăng-ghen để nói về công việc của mình: "Thà đi tìm sự thật suốt một đêm còn hơn nghi ngờ nó một đời". Trong buổi tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh (17/2/2012), câu trích dẫn trên của ông Nguyễn Lân Bình cũng từng gây chú ý đặc biệt với người nghe.
Thời điểm Nguyễn Văn Vĩnh mất, nhà cầm quyền hoàn thành việc tịch biên và phát mại tài sản của ông một cách chóng vánh, kéo theo đó là một cuộc chia ly đầy đau đớn trong gia đình.
Đám tang rúng động miền Bắc
Nhận được tin Nguyễn Văn Vĩnh mất, trong bối cảnh gia sản bị tịch biên, chủ mua gia sản o bế, người vợ cả Đinh Thị Tính không còn cách nào khác đã cử người sang Sê Pôn (Lào) để nhận thi thể, làm đám tang cho ông và dự định chôn cất ông ở bên đó, để khi đủ thời gian, sẽ bốc hài cốt về sau.
Tuy nhiên, tin Nguyễn Văn Vĩnh mất lan nhanh đến chóng mặt, những người Pháp tiến bộ và những trí thức đương thời đã đứng ra giúp đỡ gia đình đưa thi hài ông về Việt Nam.
Ngày sang nhận thi thể, có 2 người con trai của ông là Nguyễn Giang và Nguyễn Hiến cùng người vợ ba - bà Suzanne. Thi hài ông được đặt trong chiếc quan tài bằng kẽm kiên cố, di chuyển theo đường bộ từ Sê Pôn về đến ga Đông Hà, Quảng Trị và chuyển lên tàu lửa về ga Hà Nội.
Nguyễn Văn Vĩnh, thực dân, báo chí, học giả
Linh cữu học giả Nguyễn Văn Vĩnh tại số nhà 107, Trần Hưng Đạo. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ngày đưa tang ông, bạn bè, người yêu mến, các đoàn thể tề tựu đông đủ ở gần nhà ga đường sắt Hà Nội.
Nguyễn Văn Vĩnh, thực dân, báo chí, học giả
Hình ảnh đám tang Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông Nguyễn Lân Bình kể: "Đám tang rất lớn và vô cùng long trọng, kéo dài từ chiều ngày 6/5 đến trưa ngày 8/5/1936 tại ngôi nhà số 107, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội".
Theo đó, có khoảng hàng chục ngàn người đến tiễn đưa con người được mệnh danh là “Người công dân vĩ đại” (điếu văn của Hội Nhân quyền Hà Nội).
Xe tang chở thi hài người quá cố đến trước cổng bệnh viện Bạch Mai mà đoàn người đưa tiễn vẫn còn ở ga Hàng Cỏ.
Nguyễn Văn Vĩnh, thực dân, báo chí, học giả
Dòng người đến tiễn đưa người học giả tài hoa, bạc mệnh Nguyễn Văn Vĩnh.
Ảnh: Gia đinh cung cấp
Trong đám tang, có đến 20 bài điếu văn từ các trí sĩ đương thời như điếu văn của cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Mai Đăng Đệ...
Đám tang Nguyễn Văn Vĩnh được coi là một sự kiện đặc biệt hy hữu ngày 8/5/1936 tại số nhà 107, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Nguyễn Văn Vĩnh, người có công rất lớn trong việc phát triển tiếng Việt hiện đại. Năm 1909, ông dịch toàn bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa từ chữ Hán văn ra Quốc ngữ (cùng Phan Kế Bính).
Năm 1913, ông dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm ra Quốc ngữ. Năm 1917, ông là Chủ bút báo Trung Bắc tân văn - tờ nhật báo đầu tiên của Báo chí Việt Nam. Từ 1900 - 1920, ông dịch các tác phẩm văn học Pháp của La Fontaine, V.Hugo, Balzac, A. Dumas... ra chữ Quốc ngữ.
Năm 1920, ông là người Việt Nam đầu tiên dựng sân khấu kịch nói tại Nhà hát Lớn để trình diễn các vở hài kịch của Molière. Năm 1924, ông cùng người Pháp dựng bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam Kim Vân Kiều (phim câm)...
Sinh thời, học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng khẳng định: “Nước Nam ta sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”.
Diệu Bình - Ngọc Trang

Số phận bi ai của 3 tuyệt sắc giai nhân trong cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh

- Nguyễn Văn Vĩnh có ba người vợ, cả ba đều là những tuyệt sắc giai nhân đương thời. Dù vậy, họ lại có một cuộc đời bi ai phía sau người chồng tài hoa, bạc mệnh...
Nguyễn Văn Vĩnh có 3 người vợ và 16 người con (1 người là con nuôi), nhưng người gắn bó với ông suốt 36 năm, bênh cạnh ông lúc sóng gió cuộc đời lại là người vợ cả, Đinh Thị Tính (1881 - 1965).
Người đàn bà 2 lần tác thành cho chồng và vợ lẽ
Đinh Thị Tính sinh ra và lớn lên ở ngõ Phất Lộc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với một nhan sắc mặn mà. Bà là con một nhà buôn có tiếng ở Hà Nội và bản thân cũng là người phụ nữ đảm đang, thạo nghề buôn bán. Năm 1900, Đinh Thị Tính kết hôn với Nguyễn Văn Vĩnh.
Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Vĩnh, Giai nhân
Bà Đinh Thị Tính, người vợ cả tần tảo của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nguyễn Lân Bình, cháu nội Nguyễn Văn Vĩnh, cho biết: "So với người con gái phố cổ đoan trang, sắc sảo thì ông tôi cũng là một người tài hoa thời đó. Ông làm cho cơ quan chính quyền với số lương 30 đồng một tháng (lời tâm sự của Nguyễn Văn Vĩnh), và đó là một khoản tiền lớn, đủ để đảm bảo sự sung túc cho cả gia đình".
Bà từng theo chồng đi khắp các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng... lo chu toàn con cái, gia đình để ông yên tâm công việc.
Khi chồng được bổ nhiệm về làm việc ở Hà Nội, bà đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm trong thời gian dài mua lại căn nhà số 39 Mã Mây, Hà Nội làm nơi trú ngụ cho gia đình.
Căn nhà phố Mã Mây này đã gắn bó với ông bà Vĩnh 15 năm, chứng kiến bao thăng trầm trong cuộc đời họ.
Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Vĩnh, Giai nhân
Học giả Nguyễn Văn vĩnh và vợ cả Đinh Thị Tính chụp ảnh cùng các con tại ngôi nhà số 13 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội năm 1927. Ảnh: Gia đình cung cấp
Khi ông Vĩnh từ bỏ nghiệp công chức, theo đuổi hoài bão riêng, đồng nghĩa với việc gia đình không còn khoản thu nhập hàng tháng, thì thời gian này, mọi nỗi lo cơm áo, gạo tiền cho cả gia đình đè nặng lên đôi vai bà.
Không chỉ thế, về mặt tình cảm, cuộc đời bà không ít những nỗi tủi hờn. Đó là  hai lần chồng có thêm vợ bé. Những người đến sau, đều trẻ đẹp hơn hẳn bà. Hai bà vợ này đều được Nguyễn Văn Vĩnh rất mực yêu chiều.
Hai lần tác thành hôn sự cho chồng, bà Tính vẫn tìm được cách để sống chung, quán xuyến một gia đình đông đúc, không làm lỡ dở sự nghiệp của chồng.
Trọn 36 năm làm vợ ông, bà Tính đã trải qua những niềm vui hãnh diện, tự hào. Nhưng thật trớ trêu, cuộc đời mang đến cho bà những khổ đau, vò xé và có những khi tưởng như không tài nào đứng dậy được.
Ngần ấy năm, bà lẽo đẽo theo chồng đồng cam cộng khổ, lúc ra Hải Phòng buôn bán, khi lên Bắc Giang heo hút gió rừng. Tất cả là vì sự nghiệp của ông mà bà đứng đằng sau làm hậu thuẫn.
Sau khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, để lại những khoản nợ khổng lồ, bà vẫn là cái đầu tàu, nuốt nước mắt vào trong, trấn an các con, đối phó với mọi giông bão đang đổ ập xuống. Nhất là khi tài sản của gia đình liên tiếp bị tịch biên và phát mại...
Không chỉ thế, bà còn là người phụ nữ nhân hậu, có công nuôi dạy người con riêng của chồng mình với vợ hai là nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.
Khi người vợ hai mất, bà Tính với tấm lòng bao dung, hiền hậu đã dành một tình cảm đặc biệt, nuôi dạy, yêu thương Nguyễn Nhược Pháp như chính con mình dứt ruột  đẻ ra.
Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Vĩnh, Giai nhân
Ông Nguyễn Lân Bình bên những trang sách viết về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh: Diệu Bình
Nguyễn Lân Bình kể: "Các bác, các chú tôi thường kể rằng, bà nội tôi đặc biệt thương bác Nguyễn Nhược Pháp nhiều. Đến độ, khi Nguyễn Nhược Pháp không may qua đời vì bệnh nặng, bà đau đớn, nhiều ngày không ăn uống.
Lúc bà gần mất, bà dặn đi dặn lại các con: "Khi nào mẹ chết, cho mẹ nằm cạnh thằng Pháp nhé". Bà qua đời năm 1965, hưởng thọ 84 tuổi, kết thúc một cuộc đời đầy giông bão.
Nhưng trải qua nhiều biến động, mãi đến năm 2011, gia tộc ông Nguyễn Lân Bình mới thực hiện được di nguyện của bà.
Cái chết bi ai của người vợ hai 
Người vợ 2 của ông Vĩnh là bà Vi Thị Lựu. Theo đó, năm 1912, ông Vĩnh thuê một khách sạn ở phố Hàng Trống để kinh doanh.
Nguyễn Văn Vĩnh ngày ngày đi giao du bằng mô tô, vẻ bề ngoài vô cùng phong độ. Với tính tình phóng khoáng, ông và một giai nhân mỏng mày hay hạt, có vẻ đẹp đầy mộng mị, người dân tộc Tày, quê Lạng Sơn đã phải lòng nhau. Người đàn bà này tên là Vi Thị Lựu.
Nhờ sự tác thành của vợ cả Đinh Thị Tính, bà Vi Thị Lựu trở thành người phụ nữ thứ hai trong cuộc đời ông Nguyễn Văn Vĩnh. Năm 1914, bà Lựu sinh cho Nguyễn Văn Vĩnh một người con trai, đó chính là tác giả của bài thơ nổi tiếng "Chùa Hương", sau này được phổ nhạc thành bài "Em đi chùa Hương" - nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.
Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Vĩnh, Giai nhân
Nguyễn Thị Thu Hương (1931-1948), con gái của Suzanne và Nguyễn Văn Vĩnh, được thừa hưởng nhiều nét đẹp của mẹ. Ảnh: Gia đình cung cấp
Rồi số phận đưa đẩy, Nguyễn Văn Vĩnh gặp bà Suzanne, tên tiếng Việt là Giáp Thị Thục (1902 - 1981), một thiếu nữ người Việt lai Pháp. Sau này, cả nhà được biết, bà Suzanne có mối quan hệ bạn bè buôn bán với bà Vi Thị Lựu.
Bà Suzanne, người con gái có đôi mắt màu xanh, chiếc mũi cao, làn da trắng sứ pha trộn với vẻ đẹp đằm thắm của người con gái Á Đông.
Ở tuổi 16, bà đẹp như một ánh trăng rằm, khiến bao chàng trai phải si mê. Nhưng trớ trêu, người bà phải lòng lại là người đàn ông đã có hai người vợ nhưng rất đỗi hào hoa, phong độ - học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, chuyện gì đến rồi nó cũng đến, huống chi từ lâu bà Suzzane đã thầm ngưỡng mộ và dành tình cảm xao xuyến cho chồng của người mình quen biết.
Sau đó không lâu, bà nhanh chóng đặt chân vào gia đình Nguyễn Văn Vĩnh với thân phận là vợ ba, nhờ sự tác thành của người vợ cả độ lượng. Nhưng, đây lại chính là nguyên nhân gây nên cái chết đầy bi ai của người vợ hai - bà Vi Thị Lựu.
Ông Bình kể tiếp: "Bà Lựu rất yêu ông nội tôi, vì thế bà ghen vô cùng".
Vì rất yêu chồng, nên khi biết chồng qua lại với bà Suzanne, bà Lựu nhiều lần nổi những ghen hờn âm ỉ.
Những lúc như vậy, người vợ cả Đinh Thị tính lại nhẹ nhàng khuyên giải: "Tại sao cô lại đi ghen ngược như vậy? Tôi mới là người phải khổ chứ" (Bà Lựu là người đến sau khi ông Vĩnh và bà Tính đã có cuộc sống êm ấm).
Biết không thể can dự, bà Lựu vì không thể chịu nổi nên đã quyên sinh để không phải chứng kiến sự thật phũ phàng này. Lúc đó, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mới được 2 tuổi. Rồi bà Đinh Thị Tính đã đưa cậu bé về sống với mình và nuôi dạy thành tài.
Người vợ ba Suzanne sinh được hai người con trai và một người con gái tên là Nguyễn Thị Thu Hương, chẳng may cô bị bạo bệnh và ra đi ở tuổi 17.
Sau những năm Nguyễn Văn Vĩnh mất, bà Suzanne chuyển vào sinh sống tại miền Nam và xuống tóc xuất gia ở một ngôi chùa ở Thủ Đức, Sài Gòn.
Bà mất năm 1981, mang theo những buồn đau trong vòng xoáy cuộc đời của người chồng lẫy lừng.

Thuở nhỏ Nguyễn Văn Vĩnh phải đi chăn bò. 8 tuổi ông đi kéo quạt thuê tại trường Hậu bổ của Pháp ở Đình Yên Phụ… Từ đây cuộc đời ông bước vào một hành trình đầy thăng hoa mà cũng nhiều phần ai oán.
Diệu Bình - Ngọc Trang

'Con gái làm hoàng hậu, thầy còn không muốn thì thầy muốn gì?'

- Khi biết tin Toàn quyền Đông Dương sắp xếp cho con gái gặp gỡ, se duyên với hoàng tử Vĩnh Thụy (sau là vua Bảo Đại), Nguyễn Văn Vĩnh đã từ chối. Chuyện này làm người trong nhà ngạc nhiên và hỏi ông: “Con gái làm hoàng hậu thầy còn không muốn thì thầy muốn gì?”.

Không chỉ có sự nghiệp lẫy lừng, học giả Nguyễn Văn Vĩnh còn có những người con ưu tú.
Ông sinh được 15 người con (10 con trai, 5 con gái). Theo người nhà kể lại, Nguyễn Văn Vĩnh yêu quý con gái hơn các con trai. Thậm chí, năm 1907, khi sinh người con thứ 3 là nữ, ông mở chuyên mục "Nhời đàn bà" trên tờ "Đăng Cổ tùng báo", tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở miền Bắc.
Ông thường xuyên “múa bút” trên tờ này với bút danh Đào Thị Loan, tên người con gái cả này.
Sau cô Loan, ông còn có 3 con gái là Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Mười (với người vợ cả) và con gái út Nguyễn Thị Thu Hương (với người vợ Pháp - bà Suzanne).
5 người con gái của ông Nguyễn Văn Vĩnh đều xinh đẹp nổi tiếng. Nhưng 4 người trong số đó vì yểu mệnh, đã mất từ khi còn trẻ.
giai nhân, Nguyễn Văn Vĩnh, cuộc đời, nuôi con
Chân dung Nguyễn Thị Vân, người con gái tài sắc của Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nổi bật trong các con gái của ông là Nguyễn Thị Vân (1913-1940), bởi cô không chỉ có nhan sắc như các chị em mà còn có tài năng âm nhạc. Cô rất giỏi đàn piano, từng được mệnh danh là “Đệ nhất dương cầm Hà thành”.
Ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội Nguyễn Văn Vĩnh kể: “Thời đó, tiếng đàn của cô Vân nổi tiếp khắp Hà Nội. Những người con gái của ông tôi đều được dạy chơi đàn một cách rất bàn bản từ những thầy cô người Pháp. Tuy nhiên trong số các chị em không ai vượt được cô Vân”.
Xinh đẹp, tài năng, Nguyễn Thị Vân được nhiều người để ý. Vì vậy, có lần Toàn quyền Đông Dương đánh tiếng mai mối Vân cho hoàng tử Vĩnh Thụy (sau là vua Bảo Đại) như một động thái nhằm để “mua chuộc” Nguyễn Văn Vĩnh.
Ông Nguyễn Lân Bình nói: “Gia đình tôi kể lại, Toàn quyền Đông Dương sắp xếp một cuộc gặp mặt để hoàng tử Vĩnh Thụy, lúc này vừa từ Pháp về, xem mặt cô Vân. Theo đó, trong buổi chiêu đãi, Toàn quyền Đông Dương đề nghị Nguyễn Văn Vĩnh đưa cô Vân đến đánh đàn. Đối với nhiều người, đây là một cơ hội hiếm có nhưng ông tôi lại từ chối”.
giai nhân, Nguyễn Văn Vĩnh, cuộc đời, nuôi con
Ba người con gái của ông Vĩnh là Nguyễn Thị Vân (đang chơi đàn), Nguyễn Thị Loan và Nguyễn Thị Nội. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông Bình kể tiếp: “Con cái trong nhà biết chuyện trách ông tôi. Có người nói: “Thầy lạ thật, con gái làm hoàng hậu thầy không muốn thì thầy muốn gì nữa?”. Ông tôi bình thản đáp: “Thầy gả cái Vân cho Vĩnh Thụy thì khác gì thầy công nhận triều đình Huế?”.
Việc làm này cũng chứng tỏ quan điểm chính trị của ông đương thời. Ông luôn dùng những bài viết của mình để phê phán sự suy đồi của triều đình Huế và những chính sách thuộc địa vô lý của người Pháp ở Việt Nam.
Đây là quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh và cũng là quan điểm của người con gái xinh đẹp - Nguyễn Thị Vân.
Cũng theo lời kể của ông Bình, Nguyễn Văn Vĩnh mải mê sự nghiệp lớn nên không có nhiều thời gian dành cho các con. Việc nuôi nấng, chăm sóc các con hầu hết đều do người vợ cả là Đỗ Thị Tính đảm nhận.
giai nhân, Nguyễn Văn Vĩnh, cuộc đời, nuôi con

giai nhân, Nguyễn Văn Vĩnh, cuộc đời, nuôi con
Đôi tràng kỷ có chữ ký của Nguyễn Văn Vĩnh, kỷ vật duy nhất còn lại của ông. Ảnh: Diệu Bình
Tuy vậy, các con ông đều khôn lớn, thành tài một phần nhờ số sách báo ông mang về.
Ông Bình kể: “Các bác, các chú tôi đều nói, tuổi thơ của mọi người đều gắn liền với những câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, tiểu thuyết của Victor Hugo, Balzac, Alexandre Dumas… do ông dịch từ tiếng Pháp".
Trong căn hộ nơi gia đình ông Bình sống vẫn lưu giữ đôi tràng kỷ do chính tay Nguyễn Văn Vĩnh thuê thợ làm vào năm 1919. Đây là kỷ vật quý giá duy nhất còn được lưu lại của học giả tài hoa này.
giai nhân, Nguyễn Văn Vĩnh, cuộc đời, nuôi con
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: Gia đình cung cấp
Một người con nổi tiếng khác của Nguyễn Văn Vĩnh là Nguyễn Nhược Pháp (12/12/1914), tác giả bài thơ nổi tiếng - "Chùa Hương", về sau được phổ nhạc thành bài "Em đi chùa Hương". Người xưa kể lại, ông là người hay cười mỉm, niềm nở, lịch thiệp với mọi người.
Đặc biệt ai cũng quý Nguyễn Nhược Pháp vì khiếu khôi hài và giọng điệu rủ rỉ như cô gái bẽn lẽn trên đường đi chùa Hương. Người đương thời nhận định: “Thơ in ra rất ít mà được người ta yêu mến rất nhiều, tưởng như không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp” (Thi nhân Việt Nam).
Ông cũng được các anh em trong gia đình yêu mến, kính trọng. Đặc biệt người mẹ cả, bà Đinh Thị Tính dù không sinh thành nhưng có công dưỡng dục Nguyễn Nhược Pháp không khác gì con đẻ.
Ông được ăn học đàng hoàng, đỗ tú tài và trường Cao đẳng Luật khoa nhưng giống như cha, Nguyễn Nhược Pháp không thích làm quan. Ông chỉ đam mê thơ văn, báo chí.
Hai năm sau khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, năm 1938, Nguyễn Nhược Pháp cũng qua đời vì bạo bệnh, kết thúc cuộc đời tài hoa nhưng bạc mệnh.
Ngoài các người con kể trên, những người con khác của Nguyễn Văn Vĩnh cũng rất xuất sắc. Trong đó phải kể đến: Nguyễn Giang - nhà thơ; Nguyễn Phổ - tình báo quân sự; Nguyễn Phùng - GS. Đại học Luật Montpellier; Nguyễn Dực - kỹ sư vô tuyến điện, cha của ông Nguyễn Lân Bình…
Ngọc Trang - Diệu Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét