Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 9/p

 

                                                                        Hiểu về hạnh phúc

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI

-"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại." 
Bleiste

-"Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì?Đó chính là lòng yêu nước"
Napoleon.

-"Nhân loại luôn có một chỗ độc đáo:
nó lưu giữ hai bộ phép tắc đạo đức - một bộ lén lút, một bộ công khai; một bộ chân chính, một bộ làm bộ làm tịch"
 
Mark Twain

-“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng...”
 
Vidhusekharsastri

-"Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, bạo lực phi lý và tất cả những điều vô nghĩa nhân danh lòng ái quốc – tôi mới căm ghét chúng làm sao!"
Albert Einstein

-"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng".
Aleksandr Solzhenitsyn

-"Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước".
Alexander Hamilton

-"Anh có thể rứt bỏ con người khỏi xứ sở họ, nhưng anh không bao giờ có thể rứt bỏ được xứ sở nơi lòng người"
 
John Don Passos 

                                        



(Tiếp theo)



                                 ***
Nếu Brihaspati thực sự có sáng tác ra những sutra (kinh, luận thuyết), thì cho đến nay chúng đều đã thất lạc, chỉ còn lưu truyền lại duy nhất một bài thơ của ông, nhưng qua bài thơ này cũng có thể nắm bắt khái quát nội dung trong chủ thuyết về xã hội-nhân sinh của trường phái Charvaka, đó là:
"Không có thiên đường, không có sự giải thoát cuối cùng, không có linh hồn ở thế giới khác (không có thế giới vị lai), cũng không có những nghi thức (tạm hiểu là sự phân biệt hằng định, cố hữu) của những (bốn) đẳng cấp xã hội...Ba kinh Vêđa, ba cách tự chủ (ba nấc khổ hạnh) và tất cả những tro bụi của sự hối hận, đều chỉ là những mánh khóe sinh nhai của một bọn người thiếu trí tuệ và thiếu hùng dũng. Làm sao cơ thể chúng ta này, sau khi thành cát bụi còn có thể trở về trái đất được nữa? Và nếu một bóng ma nào có thể qua các thế giới khác, thì sao nó không nhớ nhung thương tiếc những người thân nó để lại phía sau, mà không quay về với họ? Nếu một con dã thú (làm vật hiến tế) trong nghi lễ Jyotistoma tự nó sẽ lên thiên đường, thì tại sao người cúng tế không đưa cha mình ra ngay? Nếu những người sống trên thiên đường do phụng sự Shraddha, thì tại sao không đem thức ăn xuống cho những người đang đứng trên mái nhà? Những nghi lễ tốn kém là do bọn tu sĩ quỉ quyệt tưởng tượng ra nhằm hưởng lợi, thế thôi. Ba vị thần của Vêđa là thằng hề, kẻ bất lương và ma quỉ. (Vậy thì) khi cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, hãy hưởng đời đi, hãy để cho con người được no đủ ngay cả khi đang ngập trong nợ nần".
Cũng trong "Lịch sử văn minh Ấn Độ", Will Durant viết theo nhận định của ông, thế này:
"Sự thực, các học giả càng khảo cứu, phát hiện được một số nhân vật không đáng tôn trọng tí nào (?) trong triết học Ấn Độ trước thời Phật Giáo, thì lại càng thấy bên cạnh các vị thánh đức (?) trầm tư về Brahman, có vô số người miệt thị các tu sĩ, hoài nghi về các thần linh, và thản nhiên nhận cái danh dự là Nastic, tức bọn theo thuyết hư vô. Sangaya, người theo thuyết bất khả tri, không chấp nhận mà cũng không phủ nhận rằng chết rồi, linh hồn còn không, ông ta ngờ rằng con người không thể biết được gì cả, nên chỉ chủ trương tìm sự an ổn thôi. Purana Kashyapa không chịu nhận các giá trị tinh thần và bảo linh hồn là tên nô lệ tiêu cực của ngẫu nhiên. Maskarin Gosala bảo kẻ thiện hay người ác thì cũng bị số mạng chỉ huy hết, không phải cứ làm thiện thì được hưởng phúc, làm ác thì phải chịu họa. Ajita Kasakambalin thì bi đát hơn nữa, cho con người chỉ gồm đất, nước, lửa, gió và bão: "Kẻ điên khùng cũng như người hiền triết, chết rồi thì thây đều rã ra thành cát bụi, tiêu diệt hết chẳng còn gì cả". Tác giả tập anh hùng ca Ramayana tả Jabali, con người hoài nghi tuyệt đối, chế nhạo Rama đã từ chối một vương quốc để thực hiện một ước nguyện: "...Này Rama, tại sao lại để những lời cách ngôn tai hại đó làm mờ ám lương tâm méo mó trí óc như vậy. Những cách ngôn đó đã làm cho bao nhiêu kẻ chất phác không suy nghĩ phải lầm lạc?...Ôi, ta thương hại những kẻ lầm lạc đó cứ mải miết đi tìm một bổn phận hão huyền, phí phạm dâng đồ cúng cho các thần linh tổ tiên. Thật là phí thức ăn! Thần và tổ tiên đâu có nhận tế lễ của ta! Và thức ăn một khi phân phát đi rồi còn nuôi ai được nữa đâu. Thức ăn dâng cho một tu sĩ Bàlamôn, tổ tiên ta làm sao dùng được nữa? Chính bọn tu sĩ quỷ quyệt đó đã đặt ra lệ đó, chúng ích kỷ bảo ta: dâng đồ cúng và sống khổ hạnh đi, từ bỏ hết của cải đi mà cầu nguyện! Nhưng làm gì có thế giới vị lai. Rama này, các hy vọng và tín ngưỡng của con người toàn là hão cả đấy. Nên cứ hưởng lạc trên cõi trần này và từ bỏ các ảo tưởng vớ vẩn vô ích đó đi"".

"Họ (tức phái Charvaka) chế nhạo thuyết cho rằng các kinh Vêđa là chân lý được thiên khải. Họ bảo, chân lý không thể nào biết được nếu không dùng tới giác quan. Cũng không thể hoàn toàn tin lý trí được vì giá trị của một qui kết không những tùy thuộc vào cách nhận xét đầu tiên có đúng hay không, cách lý luận có đúng không, mà còn giả thiết (về tính qui luật) này nữa: sự việc trong dĩ vãng xảy ra cách nào thì trong tương lai cũng xảy ra như vậy, nhưng giả thiết đó, như Hume sau này nói, có gì là chắc chắn đâu. Phái Charvaka bảo: cái gì mà giác quan không nhận thấy thì là không có, vậy linh hồn chỉ là một ảo tưởng và Atman chỉ là một câu chuyện đùa. Xét kinh nghiệm bản thân và xét lịch sử, đâu có thấy năng lực siêu nhiên nào chỉ huy Vũ Trụ đâu. Hiện tượng nào cũng tự nhiên hết, chỉ những kẻ ngu ngốc mới cho là tại ma quỉ hay thần linh. Chỉ có vật chất là thực thể, cơ thể gồm các nguyên tử (phần tử tế vi), bộ óc chỉ gồm các tế bào (phần tử tế vi) suy tư. (...). Không có sự bất diệt và không ai có thể tái sinh được. Tín ngưỡng là một sự sai lầm, mê hoặc, một thứ bệnh hoặc một thuật lừa gạt, không cần đặt ra giả thiết có một Thượng Đế để giảng thế giới hoặc hiểu thế giới. Sở dĩ có những người cho tín ngưỡng là cần thiết chỉ vì họ quen tín ngưỡng quá rồi đến nỗi thấy lạc lõng, bơ vơ. Luân lý có căn bản tự nhiên, nó dựa trên những mặc ước và nhu cầu xã hội chứ không dựa trên một mệnh lệnh thần linh. Thiên nhiên thản nhiên không phân biệt thiện ác, không khen thưởng đạo đức, không trừng phạt tội ác, và mặt trời chiếu cho mọi người, cho các tên bợm cũng như cho các vị thánh đức(...). Không cần phải diệt bản năng cùng thị dục vì những cái đó tự nhiên sinh ra. Đạo đức là một sự lầm lẫn, mục đích của đời sống là sống và sự minh triết chân chính là tìm hạnh phúc"
.
Tiếp theo là nhận định và cả đánh giá có phần sâu sắc hơn về chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại theo quan điểm của Chandradhar Sharma, tiến sĩ triết học-văn chương người Ấn Độ:
"Một số lời thuyết giảng quan trọng của Brihaspati trích từ các tác phẩm triết học khác nhau, có thể thu thập được như sau:
  1. Đất, nước, lửa và không khí là những thành tố (cấu tạo nên vật chất)
  2. Thể xác, cảm xúc và đối tượng (khách thể) là kết quả của sự kết hợp khác nhau giữa các thành tố đó
  3. Ý thức xuất phát từ vật chất, như đặc tính say của rượu xuất phát từ sự lên men
  4. Linh hồn không là gì khác, mà là thể xác chứa ý thức
  5. Niềm vui là mục đích duy nhất của cuộc sống
  6. Bản thân cái chết là sự giải thoát"
"Học thuyết nhận thức của trường phái Charvaka cho rằng chỉ có cảm nhận (pratyaksa - hiểu là nhận thức cảm tính, trực giác, trực tiếp, không thông qua suy tư logic) là phương tiện của tri thức bền vững, giá trị của suy luận bị bác bỏ vì bị coi là hành động phiêu lưu, mạo hiểm. Ở đây, chúng ta lần tìm từ điều đã biết đến điều chưa biết và chưa có điều gì chắc chắn mặc dù một số suy luận có thể là đúng một cách ngẫu nhiên. Một định đề chung chung có thể đúng trong trường hợp cảm nhận được, nhưng không chắc nó còn đúng trong trường hợp không cảm nhận được. Phép suy luận theo lối suy diễn là không thể thực hiện được (...). Nó chỉ là cái vòng luẩn quẩn vì kết luận đã có sẵn trong tiền đề chính, mà giá trị của nó chưa được chứng minh. Phép suy luận qui nạp làm công việc chứng minh giá trị của tiền đề chính trong phép suy luận diễn dịch, nhưng nó cũng không chắc chắn, bởi vì đó là sụ tiếp diễn một cách tùy tiện từ cái biết đến cái chưa biết. Để phân biệt phép qui nạp đúng đắn từ thống kê đơn giản, cần chỉ ra rằng qui nạp đúng đắn không giống phép thống kê đơn giản ở chỗ nó dựa trên mối quan hệ nhân quả, tức là dựa trên sự liên kết không đổi, hay Vyapti (lý luận chính thống (?) - hiểu là tiên đề, định đề mặc nhiên, vốn dĩ đúng đắn, không cần chứng minh, mà cũng không thể chứng minh được). Vì vậy Vyapti là đầu não (hiểu là cội nguồn xuất phát) của mọi suy luận. Nhưng các nhà Charvaka cũng không thừa nhận cả mối quan hệ mang tính bất biến và phổ quát này, và chỉ xem nó là một sự đoán mò. Không thể chứng minh Vyapti bằng suy luận, vì bản thân suy luận được xem là để giả định giá trị của nó. Chứng cớ cũng không thể xác minh được nó, vì trước tiên bản thân chứng cớ không phải là phương tiện hữu hiệu của tri thức (chưa phải cảm thức?). Còn nếu (giả sử) chứng cớ xác minh được Vyapti, thì suy luận sẽ phải phụ thuộc vào chứng cớ (nghĩa là suy luận mất đi tính độc lập khách quan của nó?). Như vậy, không ai có thể tự suy luận được điều gì và suy luận không thể được xem như là một suối nguồn có giá trị của tri thức. (...).
(...)
(...). Từ chối giá trị của suy luận theo quan điểm kinh nghiệm là từ chối suy nghĩ và tranh luận. Mọi suy nghĩ, mọi tranh luận, mọi học thuyết, mọi khẳng định và phủ nhận, mọi bằng chứng và phản chứng đều nhờ vào suy luận mới có. Quan niệm của Charvaka cho rằng cảm nhận (nhận thức trực giác, cảm tính!) có giá trị và suy luận vô giá trị, thì bản thân nhận định đó cũng đã là kết quả của suy luận rồi! Những nhà Charvaka có thể hiểu được người khác và làm cho người khác hiểu mình được, cũng phải bằng suy luận. Tư tưởng và ý tưởng không phải là những đối tượng vật chất. Do đó, không thể đánh giá bằng cảm thức mà chỉ bằng suy luận. (...). Bản thân cảm thức, vốn được Charvaka xem là có giá trị, hợp lý, nhiều khi là trái với sự thật. Chúng ta cảm thức Trái Đất phẳng, nhưng thực ra nó tròn, tưởng nó đứng yên nhưng thực ra nó quay quanh Mặt Trời. (...)
(...)
Về mặt đạo đức, những người theo trường phái Charvaka xem khoái lạc, nhục dục là đỉnh cao của cuộc sống. Hãy cứ ăn, uống và vui vẻ, bởi vì một khi thể xác biến thành tro bụi, sẽ không còn cơ hội trở lại nơi này nữa. Không có thế giới bên kia, không có chuyện linh hồn tồn tại sau khi chết. Tôn giáo là phương tiện kiếm sống của các tu sĩ. Mọi giá trị đạo đức chỉ là những ảo giác do đầu óc bệnh hoạn nghĩ ra. Đạo đức theo Charvaka là chủ nghĩa khoái lạc cá nhân thô thiển, khoái cảm trong cuộc sống, đồng thời là mục đích duy nhất của cá nhân. (...).
Sự bác bỏ từ những người ủng hộ tư tưởng Vêđa và sự phản đối kịch liệt của các tu sĩ Bàlamôn đã dẫn đến sự sụp đổ của trường phái Charvaka. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất (...). Việc không chấp nhận Thượng Đế không phải là nguyên nhân của sự sụp đổ này. (...). Việc xem tư duy là một hình thái vật chất, cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc Charvaka bị mọi người coi thường. Chủ nghĩa khoái lạc cá nhân có sự cuốn hút từ phần "thú tính" trong con người và thực tế khoái lạc là điều ai cũng khao khát. Do đó, nguyên nhân chủ yếu làm cho Charvaka sụp đổ chính là trường phái này đã phủ nhận những giá trị nhân bản, cái khiến cuộc sống đáng để sống. Cuộc sống không có giá trị nhân bản là cuộc sống của thú vật chứ không phải của con người. Khoái cảm chỉ là bóng mờ nhạt của khoái lạc tột đỉnh. Ở đây, có sự khác biệt về chất trong khoái lạc. Khoái lạc của một con heo chắc chắn không giống như khoái lạc của một nhà triết học. (...). Không nên bỏ qua, phủ nhận hay xem thường giá trị nào cả. Vì nói cho cùng, con người cũng chỉ là một loài động vật, sự thỏa mãn dục vọng là tự nhiên, cũng như thỏa mãn cơn đói hay khát. Tuy nhiên, con người không chỉ đơn thuần là một động vật mà còn là một thực thể có lý trí. Một người có lý trí sẽ tự ý thức khả năng nhận ra những giá trị này. Vì vậy, thay vì rơi xuống vị trí của một con dã thú, anh ta nên chuyển khoái lạc súc vật thành khoái lạc con người, bằng sự tao nhã, tự kiềm chế, giáo dục, văn hóa và chuẩn mực đạo đức".
Nhận định và đánh giá của Chandradhar Sharma về chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại là chưa hẳn thỏa đáng, có phần còn hời hợt, đôi chỗ còn thiếu sót, thậm chí là phạm sai lầm trong luận giải. Có như thế là do ông đã dựa trên quan niệm về đạo đức và khoái lạc chưa đạt "độ chín", nghĩa là chưa chuẩn bởi còn bị hạn chế trong nhận thức triết học về tự nhiên-xã hội-nhân sinh. Muốn có cơ may đạt đến chân lý đích thực trong nhận thức xã hội thì tiên quyết phải đứng về phía tự nhiên khách quan (hay nói cách khác là cố "quên mình" đi càng nhiều càng tốt!!!) chứ không được đứng trên bất cứ lập trường chính trị nào, không được "coi khinh" hay "thần tượng" bất cứ tầng lớp hay khu vực dân cư nào, và nhất là không được phân biệt theo lối "thượng đẳng-hạ đẳng" một cách đầy hợm hĩnh-khinh miệt giữa người và thú, dù vô tình hay hữu ý! Còn nếu không như thế thì...chết cha, tuyên bố hơi quá đà,... xin lỗi nhé (đã là con người, ai mà không có lần trong đời hứng chí lên, thích..."nổ")!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét