Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 10/p


                                                           KHÁM PHÁ HỆ MẶT TRỜI

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG X:  TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG


"Dòng tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh, không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn." 
William James

"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là 
biết sử dụng nó." 
Rene Descartes

-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo

Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel

Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic.
Albert Einstein 
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Thomas Paine 
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.

Lord Byron 
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.

Thomas Carlyle 
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby

Lời nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie

 



(Tiếp theo)


***

Nào, anh em ơi! Chúng ta lại tiếp tục lên đường, lang thang về nơi vô định. 
Chúng ta lên đường mà không biết tiếp tục...đi đâu, vì trước chúng ta chẳng có con đường nào cả, dù đường xá chằng chịt! 
Nói thế e rằng nhiều người nghĩ chúng ta ''rối loạn tâm thần'' nên chúng ta nói rõ hơn: phía trước rất nhiều đường nhưng không có con đường nào dành cho những kẻ học thì thiếu nhưng hoang tưởng lại thừa như chúng ta cả. Chúng ta phải tự vạch lối mà đi, mở đường mà tiến, vừa đi vừa khai phá. Như thế, sẽ mệt một tý nhưng bù lại, không bao giờ bị… “kẹt xe” hoặc lệ thuộc vào “đèn xanh, đèn đỏ”. Đi trên đại lộ ngày nay sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy sắc màu của tự nhiên nữa, đi trên lối mòn ngày nay sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy hoa thơm cỏ lạ nữa! Đã nô lệ, quen rồi, thì đâu còn biết tự do!??? 
Đi đâu bây giờ? Thôi, cứ tùy cơ ứng biến, ra khỏi quán “Kiều Mi” hẵng hay! 
-Tính tiền đi em! - Chúng ta gọi cô gái chạy bàn mặc áo hở nửa ngực đang lúi húi dọn dẹp ở góc quán. 
Quán đã vắng hoe, chỉ còn lác đác vài ba ông khách “quá hớp” ngồi với “bồ nhí” hoặc đang cố gắng làm ra những “ranh ngôn” cuối cùng với bạn bè. Bà bếp đã về từ lâu, chủ quán cũng đã về. Thường thì khi về, chủ quán giao lại cho cô gái hở ngực. Chắc cô ta là người nhà của ông ta. Không thấy Hoa đâu nữa. Giờ này mà nàng còn ở lại mới là chuyện lạ. Hôm nay có thể Hoa rất vui vì nhờ cái thùng chứa là chúng ta mà lượng bia bán được chắc chắn là tăng lên đến đáng nể. 
Cô gái hở ngực cầm hóa đơn tính tiền lại. 
Chúng ta xòe tiền ra: 
- Em giữ lại tiền dư đi, khỏi thối… Mà em tên gì vậy em? 
- Cảm ơn mấy anh! Dạ, em tên Nguyệt. Anh hỏi tên em lần này là lần thứ tám rồi đó nha! 
- Vậy hả? Xin lỗi em, anh có cái tật hay quên. Thôi chào nhé! Lần sau gặp lại tụi anh sẽ không dám quên nữa đâu. Nguyệt là trăng, trăng tròn là Nguyệt, tên em đẹp lắm đấy… Tụi anh về nha! 
- Dạ! 
Chúng ta chếch choáng đi ra. 
Đêm thoáng đãng và mát quá! Dù không thấy được ngôi sao nào nhưng chúng ta đoán bầu trời rất trong, chỉ còn vương vất vài đụn mây trắng như làn khói mỏng còn lưu lại từ cuộc ''thư hùng'' của thiên nhiên vừa qua. Đêm thành phố thời ''hại điện'', đèn nhiều quá! Nếu không chủ ý thì dù trời trong cũng khó thấy trăng, sao. Nếu lúc này mà đứng ở vùng quê nào đó, trên một cánh đồng đâu đó thì chắc chắn sẽ thấy vằng vặc được ngàn sao (không thể thấy Nguyệt được vì chưa phải mùa trăng, muốn không phải mùa trăng mà thấy Nguyệt thì chỉ còn cách tưởng tượng hay quay lại quán “Kiều Mi”, mà...cũng chưa chắc!). Thích nhất ở đất phương Nam này có kiểu mưa như thế: ầm ào, sôi nổi một cách dứt khoát, xong thì thôi, không lã chã sầu thảm, lê thê đến nhão cả người... 
Chúng ta đi đâu đây? Về thôi! Không, chưa thể về được! Ngày ra đi chúng ta đã hứa với lòng là phải tìm được cái gì đó thì mới trở về với mụ vợ quanh năm chỉ biết ''lo toan nghèo khó'' cho chồng con một cách ''thương lắm'' cơ mà!? Ừ nhỉ, chưa về được đâu!... 
Chúng ta đã thấy được hình bóng của Tự Nhiên Tồn Tại nhưng còn nhạt nhòa; chúng ta đã phát hiện ra viên ngọc quí trong lòng Lão Tử nhưng cũng chỉ là sự phản chiếu dù rất lung linh của cái hình bóng ấy. Nghĩa là chúng ta chỉ mới nhìn thấy được cái vẻ bề ngoài, cái hình thức biểu hiện của cái gì đó mà thôi. Thế thì rõ ràng là chúng ta vẫn chưa biết cái gì đó ấy thực chất là… cái gì? 
Tự Nhiên Tồn Tại phô bày ra Vũ Trụ các sự vật - hiện tượng mà chúng ta có thấy hoặc không thấy, vì Nó phô bày đâu cho riêng chúng ta!? Cái Vũ Trụ ấy vô cùng sinh động, biến đổi không ngừng theo nguyên lý nhân - quả. Không có một sự biến hóa, sự sinh - vong nào lại không có nguyên nhân và cũng là nguyên nhân của sự biến hóa sinh - vong kế tiếp. Nhưng cứ theo cái đà ấy mà luận thì phải có một nguyên nhân đầu tiên hay người ta thường gọi là cú hích đầu tiên. Để tạo được cú hích đầu tiên thì phải có một Thượng Đế - cái đầu tiên hơn cả đầu tiên!? Chúng ta không thích gọi là Thượng Đế nên chúng ta gọi là Tự Nhiên Tồn Tại. Mà Tự Nhiên Tồn Tại thì không thị phi, cứ thế, vốn dĩ thế thôi, vô thủy vô chung. Vậy có cú hích đầu tiên không?... 
Vạn vật, kể cả con người nữa, sinh ra từ đâu và khi bị diệt vong rồi thì về đâu? Câu hỏi dằn vặt này và việc không thừa nhận cú hích đầu tiên, cùng với sự phô bày ra ánh sáng ngập tràn Vũ Trụ này sẽ trước sau gì cũng tất yếu dẫn đến Nền Tảng. Nền Tảng là cái mà ngũ quan của chúng ta chưa quan sát, cảm nhận được toàn diện, nhưng nhờ các phương tiện, thiết bị tối tân mà con người đã chế tác được, đã một phần nào đó lộ diện. 
Thế thì cái gì đó chính là Nền Tảng? Đúng mà cũng chưa chắc đã đúng, hoặc đúng nhưng chưa triệt để. Cần phải cho rằng cái gì đó là cái làm nên cái Nền Tảng ấy (?). Thế thì lại hỏi: cái gì đó làm nên Nền Tảng là cái quái gì? Đó cũng chính là vật chất chăng? Mà vật chất thì không thể là mông lung được. Điều đó đưa chúng ta đến dự đoán rằng: Nền Tảng là thứ không có nguồn gốc vì là thứ vốn dĩ thế nhưng phải được xây dựng nên từ những thứ cực tiểu, từ những cái Một vô cùng nhỏ, nhỏ nhất tuyệt đối, và chúng ta gọi đó là hạt vật chất, hay đơn vị tuyệt đối của vật chất. Hạt vật chất (tạm gọi thế đã) chính xác là cái gì đó mà chúng ta cần tìm; là viên ngọc quí giá tuyệt đối của Tự Nhiên Tồn Tại. Nhận thức không thể giả định là nó không tồn tại được, vì giả định như thế thì không gian không thể tồn tại. Vì không gian là cái "Có" tất cả nên khi không gian không tồn tại thì chủ thể quan sát cũng không tồn tại và do đó bản thân nhận thức cũng không tồn tại (và khi nhận thức không tồn tại nữa, ''tiêu'' rồi, thì còn đâu "hiện thực khách quan" mà giả định?!). 
Rõ ràng, bước đường tiếp theo của chúng ta là đi tìm những viên ngọc quí ấy và quan sát hành vi của chúng cũng như cái Nền Tảng mà chúng tạo ra. Nhưng trước hết phải rà soát xem tổ tiên chúng ta đã tìm thấy chưa hoặc đã tìm thấy đến đâu, kẻo lại làm chuyện...''biết rồi, khổ lắm. nói mãi'', chán chết... 
Chỉ khi thấy được các hạt ngọc quí ấy thì chúng ta mới hiểu được Nền Tảng và như thế chúng ta mới có cơ may giải thích được mọi hành vi của mọi sự vật - hiện tượng và từ đó mới thấy được chân tướng của Tự Nhiên Tồn Tại, hay Lão Tử gọi là Đạo, đồng thời mới thấy được chân tướng của thứ mà loài người tưởng ''biết tỏng'' nhưng thực ra chưa biết và gọi là vật chất, cũng như hiểu rằng không bao giờ con người có thể ''sờ'' được ''tiền thân'' của vật chất. 
Thế là, chúng ta đã xác định được dứt khoát mục đích của cuộc hành trình tiếp theo là loanh quoanh trong Tồn Tại để tìm hiểu...cội nguồn của vật chất,...nếu có. Và biết đâu trong cuộc hành trình này, chúng ta còn có thể gặp được Tạo Hóa (vì Tạo Hóa không thể ở ngoài Tồn Tại được!) để chất vấn một đôi điều gọi là quan trọng cũng nên!? 
Nhưng Tạo Hóa là gì? Đó là câu hỏi dễ tột cùng mà cũng khó tột cùng. Hỏi nhà khoa học duy tâm, họ sẽ trả lời rằng: "Tạo Hóa là Thượng Đế". Hỏi nhà khoa học duy vật, họ sẽ trả lời rằng: "Tạo Hóa là Tự Nhiên". Còn nếu hỏi chúng ta, thì vì có họ hàng với anh nông dân nọ, nên câu trả lời là: "Trời sinh ra thế!". Đó là những cách trả lời nhanh gọn nhất, ngắn nhất, mà cũng mù tịt nhất! Trả lời như không trả lời! Nhưng nếu đòi hỏi câu trả lời dài hơn, minh bạch hơn, chính xác hơn và đích đáng hơn, thì xin thưa, đã gần chục ngàn năm nay rồi, hỏi có ai trong số loài người đã thực hiện được!
Dù sao, chúng ta cũng "dám" khẳng định Tạo Hóa là thứ không gì làm ra nhưng làm ra tất cả. Và vì mới thực hiện một "tua" du lịch về Trung Hoa cổ đại thời Xuân Thu - Chiến Quốc, được "tai nghe mắt thấy" nhiều điều, tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm, nên cũng có chút ít phán đoán. Và chúng ta phán đoán:
...Sự thực khách quan tuyệt đối là chỉ có "CÓ" tuyệt đối, không có "KHÔNG" tuyệt đối. Nói cách khác, sự thực khách quan là chỉ có Tồn Tại, không có Hư Vô. Muốn thế, Tồn Tại không thể yên lặng mà phải luôn luôn vận động để thể hiện sự Tồn Tại của mình. Suy ra, thể hiện là đặc tính vốn dĩ của Tồn Tại, là bản chất của Tồn Tại. Trong Vũ Trụ, mọi thực thể đều phải thể hiện ra xung quanh, đối với lẫn nhau, dù bằng cách này hay cách khác. Từ đó mà có các định luật cảm ứng điện - từ, vạn vật hấp dẫn, tác dụng tương hỗ...Ngày nay, tuy các định luật ấy đóng vai trò là nền tảng cơ bản góp phần xây dựng nên nền văn minh nhân loại, nhưng hình như vẫn chưa phải là chân lý khách quan đích thực? Chẳng hạn khi khoảng cách giữa hai vật có khối lượng 1g  tiến tới 0 (nhưng khác 0) thì rõ ràng là còn lực hấp dẫn nhưng giá trị lực ấy bằng bao nhiêu, và theo công thức thì có thể lớn đến vô hạn? Trong thực tế đâu có thấy xảy ra như vậy!
Dù chưa có một người nào đủ tài năng đứng ra thiết lập thành một học thuyết triết - khoa hoàn chỉnh, dù triết học duy tồn (một học thuyết chưa thành hình, cũng chỉ ở dạng phán đoán) mới chỉ là hình dung sơ phác, nhưng tôi tin rằng rồi đây, trong tương lai, nó sẽ đóng vai trò trọng yếu trong nhận thức của loài người về thế giới tự nhiên (!).
Tương tự như đối với triết học Mác - Lênin, trước đây, tôi xem vật lý học là kim chỉ nam tìm hiểu nguyên nhân xuất sinh Vũ Trụ, nhưng dần dà tôi tin vào triết học duy tồn hơn. Vì dù vẫn chưa chứng minh được, dù những quan niệm của triết học duy tồn hầu hết đều xuất phát từ suy luận cảm tính, nhưng cách giải thích của nó về xã hội nói riêng hay tự nhiên nói chung có vẻ giản dị hơn, lưu loát hơn, vấp váp rất ít mâu thuẫn. Chẳng hạn, triết học duy tồn cho rằng, thế giới này không có gì ngoài không gian và thời gian. Không gian là một tồn tại thực, một mạng khối thể tích bền chặt không phân biệt trong - ngoài, được kết thành từ các điểm KG. Còn thời gian là một tồn tại ảo, là thước đo của sự vận động, chuyển hóa không gian. Thời gian tồn tại song hành, gắn kết chặt chẽ với không gian. Có thể nói, tuy không thể quan niệm không gian và thời gian hòa lẫn với nhau để hợp thành một khối không - thời gian như vật lý học hiện nay quan niệm được, nhưng không có không gian thì không có thời gian, và ngược lại, không có thời gian thì lập tức xuất hiện Hư Vô. Hư Vô là không Tồn Tại, là tuyệt đối không có gì. Trong hiện tại và hồi tưởng, thì quá khứ và tương lai là tồn tại ảo, nhưng nếu ở ngoài hồi tưởng, thì chúng chính là Hư Vô. Đối với căn nguyên Vũ Trụ, triết học duy tồn cho rằng, Vũ Trụ là một "khối" Tự Nhiên Tồn Tại vĩ đại. Tự Nhiên Tồn Tại là vô thủy vô chung, là vốn dĩ thế, có sẵn như thế, vận động theo ý chí phi lý trí tự thân, thống nhất và duy nhất: bảo toàn Tồn Tại, không cho phép chuyển hóa Tồn Tại thành Hư Vô. Để phần nào giúp quan niệm ấy dễ dàng hơn, chúng ta có thể hình dung Tự Nhiên Tồn Tại là một đại dương mênh mông đầy ăm ắp mà không gian là nước và vật chất là băng, băng tan về với nước, nước kết lại thành băng. Vì đại dương ấy không có khái niệm trong - ngoài nên nó cũng không có khái niệm vô hạn - hữu hạn: đi về hướng tột cùng nhỏ sẽ đến tột cùng lớn và ngược lại, đi về hướng tột cùng lớn sẽ đến tột cùng nhỏ...
Với quan niệm như thế về Vũ Trụ, triết học duy tồn đã dứt khoát khẳng định rằng không có Thượng Đế hoặc nếu có thì Thượng Đế chính là Tự Nhiên. Để nhận thức được tận cùng Vũ Trụ thì trước hết và trên hết phải dứt khoát phủ định sự tồn tại của Thượng Đế. Còn học thuyết Big Bang, dù thấm đẫm tính khoa học, vẫn không loại bỏ được hoài nghi có hay không về sự tồn tại của Thượng Đế. Sự giải thích nửa vời về Vũ Trụ của học thuyết Big Bang dẫn đến việc dung túng khả năng tồn tại của Thượng Đế trong khoa học đã không những làm cho tư tưởng vô thần khoa học lâm vào tình trạng hoang mang, nhụt chí, mà còn làm cho tín ngưỡng tôn giáo (nhất là thiên chúa giáo và phật giáo) trở nên có vẻ thắng thế, "cười mũi" vào khoa học, thậm chí lấy tôn giáo làm chỗ dựa trí tuệ mỗi khi gặp bế tắc. Có lẽ đó cũng là nguyên do đưa Anhxtanh đến với tư tưởng phiếm thần đầy tính thỏa hiệp, yếm thế:

"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".

"Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học".
Và ông để lại cho đời một phủ dụ nổi tiếng: "Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng".
Theo chúng ta thì câu nói đó không hay tý nào! Vì bất lực trước cuộc sống mà ngay từ thuở chào đời, tôn giáo đã mê muội, mù quáng, lầm lạc, khuyên con người giũ bỏ mọi lạc thú trên đời, thụ động tu thân, và do tính bảo thủ luôn tồn tại một cách tự nhiên trong tư tưởng của nó mà nó luôn mù quáng trong niềm tin tín ngưỡng của mình. Nhờ khoa học khai sáng nó mới dần dần tỉnh ngộ trong chừng mực nào đó. Nếu ai hỏi chúng ta về mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học, chúng ta sẽ nói thế này: "Chỉ có khoa học mới làm cho tôn giáo giác ngộ và cũng chỉ có khoa học mới đủ sức mạnh vùi chôn tôn giáo", hay thế này: "Tôn giáo mà thiếu khoa học thì không thể khai ngộ. Khoa học không mang màu sắc tôn giáo mới có khả năng nhận thức đúng đắn sự thực khách quan".
Học thuyết Big Bang hình thành trên hai cơ sở, một là từ lý thuyết tương đối rộng của Anhxtanh, hai là những kết quả đúc kết được từ việc quan sát các hiện tượng Vũ Trụ. Tuy rằng học thuyết Big Bang cho đến nay vẫn là giả thuyết, nhưng nền vật lý thực chứng đã gieo rắc niềm tin vững chãi về sự đúng đắn, tính hợp lý trong sự diễn giải về tiến trình hình thành Vũ Trụ đối với các nhà vật lý và ngày nay đa số các nhà vật lý đã coi thuyết này là một trong những kiến thức cơ bản để tìm hiểu Vũ Trụ. 
Tuy nhiên, như đã nói, quá trình hình thành học thuyết Big Bang cũng làm nảy sinh nhiều nghịch lý và nhiều câu hỏi nếu không dựa vào giả thuyết về sự tồn tại của Thượng Đế thì sẽ không trả lời được! Do đó, theo tôi, giả thuyết Big Bang có lẽ mãi là một huyền thoại làm say mê lòng người của vật lý hơn là một học thuyết khoa học thuần túy cho đến khi nó giải quyết ổn thỏa các nghịch lý và trả lời rốt ráo được một cách "phi thần học" tất cả những câu hỏi phát sinh trong suốt quá trình hình thành nên nó như hình thái Vũ Trụ trước khi có điểm kỳ dị, tại sao có lực hấp dẫn, vật chất tối - năng lượng tối có thật không,Vũ Trụ giãn nở đến đâu, bản chất của sự giãn nở Vũ Trụ....
Và thế là chúng ta đã xác định được một hướng đi!... Nhưng cụ thể là đi đâu?...Nói rồi! Đã gọi là loanh quoanh thì đi đâu cũng được, miễn là không về nhà!...Và chúng ta đi về phương xa vời ấy, đầy mông lung bất định, xác suất thành công khó mà cao được, nhưng cũng không thấp đến nỗi...vô vọng! Có thể vĩnh viễn không bao giờ về được nữa nhưng nếu có thế thì chúng ta cứ đi, để trốn những tháng ngày rảnh rỗi vô tích sự và cũng là theo tiếng gọi thiết tha của số phận! 
Những ai hoang tưởng cao độ cũng phải hành động như chúng ta thôi, duy nhất một lựa chọn, nghĩa là chỉ thế thôi, không có lựa chọn nào khác!... 
Nào, đi! 
Và chúng ta nghêu ngao hát:


“... trên đường ta qua không một dấu chân người.
Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác.
Dừng ở chân đèo mà nghe suối hát,
ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi.

Trường Sơn ơi, ơi Trường Sơn ơi
đèo vút cao vượt qua mây gió,
đạp đá tai mèo bằng sức gió ngàn cân.
đi ta đi những trai làng Phù Đổng,
còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân.

Ôi có những vì sao thức cùng ta đêm nay.
Như mắt em sáng lên muôn niềm tin
ta nhớ má Năm Căn ta thương em Cửa Việt
mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn.
cả miền Nam đang gọi chúng ta đi...

Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi,
đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió,
trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa,
đi ta đi tung cánh đại bàng...”

(Trích đoạn bài hát hào hùng ''Bài Ca Trường Sơn'' ra đời từ thời chống Mỹ cứu nước)

(Hết chương X)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét