Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 10/f


                                       
Y Võ Thiên Phúc - Khí công căn bản

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG X:  TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG


"Dòng tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh, không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn." 
William James

"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là 
biết sử dụng nó." 
Rene Descartes

-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo

Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel

Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic.
Albert Einstein 
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Thomas Paine 
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.

Lord Byron 
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.

Thomas Carlyle 
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby

Lời nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie

 



(Tiếp theo)



                                    ***
Ngày nay, do lối giải thích còn nhuốm màu huyễn hoặc, kỳ ảo về bản chất thiền của các nhà thiền sư nên nếu không là hầu hết thì cũng rất nhiều người còn hiểu "lơ mơ" về nó. Mặt khác, trong thực tiễn đời sống, không ít người vì "hiểu biết không rõ ràng" như thế nên sùng bái thiền một cách mù quáng, đã 'lẫn lộn" gán cho nó cả cái khả năng có thể làm xuất hiện ở các thiền sư, hay ở những người thực hành thiền lâu dài nói chung những năng lực tâm linh siêu việt, phi phàm, chẳng hạn như: cảm giác xuyên không-thời gian (thấu thị, thấu thính, linh (ngoại) cảm...), chữa bệnh bằng "phát, truyền khí", bằng dẫn dụ từ xa...
Mục đích nguyên thủy của thiền là tu tập đạt đến an thần tĩnh trí thực sự để có được một thần thái thông tuệ nhằm trước hết là giác ngộ, giũ bỏ mê lầm, vượt thoát vô minh, mở ra khả năng thấu tỏ cõi nhân sinh, nhận chân được ý nghĩa đích thực của đời sống, từ đó mà cũng hình thành một thái độ sống vô chấp bất cầu, một tâm niệm sống ung dung an hòa. Với ý nghĩa ấy, thiền không thể tạo ra được bất cứ một công năng đặc dị có tính phi thường nào, cũng như một vận động tinh thần có tính huyền diệu (tâm linh) nào ở những người thực hành thiền (hành giả). Nếu không thế thì một cách phổ biến (!), tất cả các nhà sư "gạo cội" của Đạo Phật đều phải có không nhiều thì ít những khả năng tâm linh siêu việt. Nhưng trong hiện thực, đâu có thấy hiện tượng đó! Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, dù là rất ít thì cũng có những thiền sư đạt được năng lực ngoại cảm bằng thiền, về một hay vài khía cạnh nào đó. Vậy, cần phải hiểu như thế nào cho đúng về tác dụng của thiền? 
Nếu chỉ có một mục đích như trên thì thiền được hiểu như chúng ta đã hiểu, còn nếu cho rằng thiền còn có mục đích thứ hai là hướng tới khả năng làm xuất hiện ngoại cảm thì cũng phải cho rằng thiền là tên gọi chung của hai cách thức thiền, cách thứ nhất có tên riêng tạm gọi là "thiền ngộ", cách thứ hai tạm gọi là "thiền công". Về thiền ngộ thì như chúng ta đã trình bày, còn về thiền công thì trước đây, trong phần "đi tìm" nguồn gốc của thiền, chúng ta cũng đã đề cập "thoáng qua". Không thể phân định dứt khoát được, nhưng một cách tương đối, có thể nói rằng, nếu thiền ngộ nhằm tăng tiến "độ tỉnh táo" cho hoạt động nhận thức, thì thiền công nhằm tăng cường "mức mãnh liệt" cho vận động thần cảm (tạm gọi vậy thôi!). Chính thiền công, trong những điều kiện kích hoạt đạt đến chín muồi nào đó, mới có tác dụng làm xuất hiện khả năng tâm linh ở số ít hành giả. Hai cách thức thiền ấy đều có chung một nguồn gốc xuất phát, vì thiền, như chúng ta đã bàn luận, hình thành trên cơ sở khí công và đồng thời nhận nguyên lý cơ bản của khí công làm nguyên tắc nòng cốt trong tu tập. Đến đây, "chắp nối" lại, chúng ta đã có thể hình dung rành mạch hơn về thiền và cả khí công nữa.

Vào thời thượng cổ, miền đất duyên hải dọc bờ biển thuộc Đông Nam Châu Á - Nam Trung Hoa, nhờ được thiên nhiên "ban cho" một chế độ thời tiết-khí hậu cũng như thổ nhưỡng tương đối an hòa đối với đời sống sinh vật, nghĩa là cũng dồi dào thức ăn cho con người hơn ở những nơi khác, nên cư dân nguyên thủy quần cư chủ yếu ở đó mà đông đảo nhất có lẽ là trên dải đất Bắc-Trung Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, có những thuận lợi cơ bản về tìm kiếm miếng ăn thì cũng có những bất lợi về sinh hoạt-đời sống, vì không phải lúc nào cũng gặp "mưa thuận gió hòa", và nhất là thường xuyên phải sống trong một môi trường "lầy lội" với sông ngòi, hồ ao chằng chịt, đồng thời phải chịu đựng mùa giông bão, lũ lụt kéo dài, xảy ra hàng năm theo chu kỳ. Tình hình đó đã như một động lực hối thúc cư dân tăng cường hơn nữa về qui mô cũng như tính hiệu quả cho hoạt động tìm kiếm và săn bắt-lượm vớt các sinh vật thủy sinh trong sông ngòi, ao hồ và biển cả để làm thức ăn. Điều đó cũng như kinh nghiệm hoạt động mưu sinh trong môi trường nước đã tích lũy được từ trước, hợp thành yếu tố tiền đề làm xuất hiện sự luyện thở. 
Luyện thở lúc đầu đơn thuần chỉ nhằm nâng cao hiệu quả của việc kiếm ăn trong môi trường nước. Dần dà người ta còn phát hiện ra tính năng thứ hai của nó là tăng cường sinh lực, và từ đó, qua thời gian, nó được hun đúc thành như một cách thức tồn tại trong quần thể-xã hội cư dân, nhằm cải thiện sự thở, dưỡng sinh, hơn nữa là làm nâng cao nội lực. Chúng ta gọi cách thức luyện thở (chắc còn rất sơ khai) đó là "luyện thở dưỡng sinh" và cho rằng cùng với tiến trình nhận thức, luyện thở dưỡng sinh được điều chỉnh, bổ sung, làm sâu sắc thêm để trở thành một phương thức tu thân luyện tâm có cơ sở lý luận thực sự, (tạm) gọi là "khí công dưỡng sinh". 
Vậy, có thể nói, luyện thở dưỡng sinh là tiền thân của khí công dưỡng sinh, khí công dưỡng sinh là tiền thân của khí công ngày nay. Ngày nay, lý thuyết khí công đã trở nên "đồ sộ", là tập hợp lý thuyết của rất nhiều môn phái, trường phái khác nhau, có thể phân biệt được với nhau về "tiểu tiết", nhưng về đại thể thì đều theo nguyên tắc "tu thân luyện tâm" và có chung một yếu lĩnh tu tập cơ bản là "luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư". Trong lý thuyết khí công, để dễ bề tiếp cận nhằm triển khai thực hành, dù không thể dứt khoát được, dù là siêu hình, thì khí công vẫn được phân tương đối thành hai loại lớn theo hình thức thể hiện và công dụng chủ yếu của chúng, đó là "khí công động" và "khí công tĩnh". 
Không hẳn đúng nhưng vẫn có thể tạm cho rằng, khí công động "có mặt" chủ yếu trong rèn luyện võ thuật, tôi luyện võ công (thường gọi là luyện (ngoại) công), với công dụng chủ yếu nhằm "tu thân", tức là làm tăng tiến mạnh mẽ nội lực cơ thể đến mức đạt được những "công năng đặc dị" siêu phàm nào đó (như một mình phát công đánh quị mấy chục võ sinh một lúc, chịu được xe lu cán qua người mà không chết...) tùy theo từng phép luyện công. Còn khí công tĩnh "có mặt" chủ yếu trong tu tập dưỡng sinh, luyện thở điều khí, với công dụng chủ yếu nhằm "luyện tâm", tức là làm cho tinh thần ngày càng sung mãn và sung mãn đến mức có được những "thần lực" phi thường và thậm chí là cả những "thần thức" tâm linh nào đó (như phát khí chữa bệnh nan y, làm thay đổi thành phần hóa học một chất lỏng,..., thấu thị, thấu thính,...) tùy theo từng phép luyện (nội) thần. Không thể tách bạch tuyệt đối được giữa động và tĩnh, cho nên nghĩa của "tĩnh" trong khí công tĩnh chỉ mang tính tương đối thôi (chẳng hạn "múa" Thái cực quyền trên một cơ sở qui ước nhất định vẫn thuộc về khí công tĩnh). 
Có một cách thức tĩnh nhất trong khí công tĩnh, thời xưa không biết tên gọi của nó là gì, ở đây chúng ta cứ gọi là "thiền" và đã cho rằng nó là gốc xuất phát chung của thiền ngộ và thiền công. Thuở đầu tiên, công dụng của thiền chỉ đơn giản là luyện tâm tu thần nhằm dưỡng sinh mà thôi. Về sau nó mới trở thành một phương thức tu tập tương đối độc lập nhằm đạt tới những thần lực và thần thức có tính kỳ diệu, siêu linh. Nếu thế, quan niệm cho rằng thiền ngộ và thiền công có nguồn gốc chung là thiền như đã nêu ra ở trên chưa hợp lý lắm, mà có lẽ đúng hơn phải cho rằng gốc xuất phát của thiền ngộ là thiền công, như một nhánh rẽ từ thân cây vào lúc nào đó ở thời cổ đại (trước khi Đức Phật xuất hiện!). Dùng tên gọi là "thiền" cho dễ bề dẫn giải, nhưng để rõ ràng hơn, nên "quan sát" thiền dưới góc độ khí công với tên gọi "khí công thiền pháp" (luyện khí công theo cách thiền). Khí công thiền pháp là phương thức tu tập tĩnh nhất thuộc khí công tĩnh. 
Thiền ngộ xuất phát từ khí công thiền pháp như một nhánh quan trọng và dần phát triển thành cách thức luyện tâm tu thần có tính riêng, tương đối độc lập, nhằm chủ yếu tăng cường nhận thức đúng đắn về xã hội-nhân sinh, về ý nghĩa đời sống, từ đó mà thấm nhuần một lối sống bình thản, an hòa, vị tha, nhân hậu (nhưng thử hỏi từ xưa đến nay đã có ai tu thiền mà giác ngộ được mặt khách quan trong nguồn gốc gây ra sự đau khổ???)...

Đây mới là điều huyền bí lớn lao mà cũng là điều gợi mở sâu xa, vừa là thách đố "ghê hồn" vừa là hé lộ "bạt vía" đối với tri thức loài người ngày nay: không phải ai thực hành khí công bền bỉ, lâu dài cũng đạt được những công năng đặc dị mang tính thần kỳ về thể chất hay tinh thần theo ý mình muốn, mà điều đó chỉ có ở một số rất ít hành giả được cho là có "duyên" (sự tương thích!?). Trong khi đó không hiếm người chẳng cần qua luyện công hay tu thiền gì cũng sở đắc được một hay vài công năng ấy (nói cụ thể thì phần lớn trong số người này có được khả năng dị thường sau một sự cố nào đó tác động rất mạnh đến thân-tâm (như một "xung" kích hoạt gây đột biến hoạt động thần kinh?), ngoài ra là những người bẩm sinh đã sẵn có và cả những người lúc đầu không có nhưng tự dưng lại có (hoặc đang có tự dưng mất đi) vào lúc ngẫu nhiên nào đó trong cuộc đời. Nói chung, trong xã hội có rất nhiều câu chuyện ly kỳ về năng lực phi thường, về tâm linh huyền diệu ở con người do kiên trì tu tập mà có và không cần tu tập cũng có, thật vô cùng khó tin nhưng cũng thật không thể phủ nhận được tính hiện thực của chúng...
Trên cơ sở quan niệm về thực tại khách quan tự "dựng đứng" cho riêng mình (tất nhiên, cũng phải bắt đầu từ sự kế thừa, và dù đúng hay sai chưa biết), chúng ta đã "bất khuất" (vì mắc chứng hoang tưởng vĩ cuồng mà!) hình dung một cách "bạt mạng" nhất (vì vô học mà!) ra bản chất tồn tại-vận động (ở tầm định tính sơ khai thôi!) của thứ mà khoa học đã gọi là "trường sinh học"- nơi (chúng ta cho là) "chứa đựng" nguồn gốc chung nhất của mọi hiện tượng tâm linh, để từ đó có thể (tạm) giải thích nhất quán được bằng "giọng lưỡi" vô thần (nhưng lại phản khoa học nhất?) hầu hết các hiện tượng nhân sinh dị thường (như gặp ma, ma nhập, cầu cơ, thấy vong, linh cảm, linh tri, báo mộng, thấu thị, thấu thính, đầu thai lại, phát khí chữa bệnh từ xa...). 
Nếu được huyên thuyên "phét lác" ra đây thì kể cũng thích chí kiểu "Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh" của Nguyễn Du, nhưng...thôi (!), thứ nhất, chắc gì đã phi lý, quên, đã hữu lý (?), tốn tâm huyết lải nhải đến tràng giang đại hải không khéo đã chẳng có ai "mua vui" cho mà còn bị phang "vài trống canh" vì tội "chửi xéo" này nọ thì kể cũng...khí buồn, thứ hai, nó chẳng ăn nhập gì vào nội dung ở đây cả, thứ ba, điều chủ yếu, không nên phung phí thời gian một cách "lãng nhách" vì sắp chết..., lại quên (!), sắp hết mẹ nó thời gian rồi! Chúng ta nêu vấn đề ra chỉ mong tỏ rõ hơn phần nào những "hô hoan" về thiền mà chúng ta đã trình bày ở trên vậy thôi...
Nói "túm lại" cho gọn là thế này: thiền là một dạng đặc biệt của vận động nội tại thần kinh lấy tư duy trừu tượng làm tiền đề động lực thúc đẩy những vận động vi mô làm xuất hiện khả năng ngoại cảm. Tương tự như thời gian, tinh thần là một tồn tại ảo, là kết quả của vận động não người. Vận động tinh thần và khả năng ngoại cảm là hai hiện tượng có kết quả khác nhau, một đàng là chuyển hóa vật chất mang tính khách quan, một đàng là biểu hiện chủ quan, có tính bản năng, nhưng trong thực tế chúng ta rất dễ lẫn lộn cái này với cái kia vì chưa hiểu rạch ròi về chúng.

Như thế, theo ý chúng ta, rõ ràng Charvaka và Kỳ Na Giáo đều phạm sai lầm khi cho rằng có thể tiếp cận được chân lý khách quan một cách trực tiếp (không cần thông qua suy lý) và hơn nữa, chỉ có nhận thức bằng cách đó (một đàng là thuần túy trực giác, một đàng là trực tiếp chiêm nghiệm tâm linh) thì mới "biết chắc chắn" được chân tướng của sự thực khách quan. Tuy nhiên, quan niệm sai lầm về nhận thức ấy chỉ là kết quả của sự ngộ biện ngây thơ, mang tính hình thức, được dùng trên "bàn tròn tranh luận" nhằm chủ yếu "tránh né" tính bất toàn của khái niệm-suy lý gây ảnh hưởng tiêu cực đến học thuyết của họ, thế thôi, chứ trong thực tế, hầu như không có tác dụng tốt hay xấu nào đối với quá trình tìm hiểu xã hội-nhân sinh của họ. Bởi vì "tô son điểm phấn" thêm hay "gọt tỉa" bớt đối với sự nhận thức để "trưng ra" bất cứ "kiểu" nhận thức nào cũng được, nhưng tiên quyết và như một tất yếu, phải "học thuộc" ngôn ngữ, đồng thời trải qua giai đoạn cơ bản của nhận thức thông thường cái đã. Làm sao có thể "giũ bỏ" suy được khi nó tồn tại vốn dĩ trong tư duy mà tự nhiên đã mặc định, cũng như làm sao có thể "trừ khử" được suy lý khi nó đã ngấm rất sâu vào "máu thịt" của tư duy và "một phần" trở thành như một vận động bản năng trong tư duy con người theo "đòi hỏi" tự nhiên nảy sinh ra từ quá trình tiến hóa-thích nghi sinh vật? Như vậy, "nỗ lực" kiểu gì cũng không bao giờ có thể "tước đoạt" sự suy lý của tư duy nhận thức! 
Quan niệm trực tiếp giác ngộ chân lý của Kỳ Na Giáo không khác của thiền học và chúng ta đã nói rồi, không lặp lại nữa. Còn quan niệm "nắm bắt" chân lý nhờ cảm giác trực giác thuần túy của Charvaka thì nên được hiểu như thế nào?

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét