Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 10/d

                                                            Quá trình nhận thức của con người

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG X:  TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG


"Dòng tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh, không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn." 
William James

"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là 
biết sử dụng nó." 
Rene Descartes

-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo

Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel

Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic.
Albert Einstein 
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Thomas Paine
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.

Lord Byron 
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.

Thomas Carlyle 
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby

Lời nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie

 



(Tiếp theo)


                                   ***   
Chúng ta khẳng định: không có cảm giác trực giác thì không có thế giới sinh vật, và không có tư duy trừu tượng thì không có con người để mà tìm hiểu, nhận thức thực tại khách quan, nói cách khác, sinh vật phát hiện được, phân biệt được sự hiện hữu, vận động của các sự vật-hiện tượng ở xung quanh là nhờ vào cảm giác. Còn con người, trên cơ sở cảm giác, thông qua quá trình tư duy trừu tượng, nghĩa là bằng bước đi tiền đề từ cảm giác đến tư duy trừu tượng, và cũng chỉ nhờ hướng đi duy nhất ấy, không những có khả năng nhận biết được ngày một sâu rộng sự tồn tại của thế giới vạn vật-hiện tượng xung quanh và cả của bản thân mình, mà còn có khả năng nhận thức được nguyên nhân của sự tồn tại đầy biến động ấy, cũng như có khả năng nhận thức đến cùng cực bản chất tối hậu của Vũ Trụ. (Nói thêm, có thể suy đoán rằng, cơ chế vận động cốt lõi của cảm giác sinh vật là cơ chế vận động của hiện tượng cảm ứng điện từ (hoặc nếu không, cũng phải là hiện tượng có bản chất tương tự, thậm chí là hiện tượng "tiền thân" nào đó mà con người chưa xác định được của hiện tượng cảm ứng điện từ).
 Mặt khác, dạng cội rễ sơ khai, hay cũng có thể gọi là tiền thân của mọi cảm giác sinh vật, (tạm đặt tên, tạm gọi thôi!) chính là "trực-xúc giác" mà (cũng tạm) gọi tắt là "giác" của vật vô cảm (không phải sinh vật). Chúng ta vẫn quan niệm vật không phải sinh vật là vật "vô tri vô giác". Nếu theo cách hiểu ở đây thì quan niệm như thế là sai. Không phải sinh vật thì chỉ có thể là vật vô cảm- vô tri, vì trong Vũ Trụ không thể có vật vô giác. Một lượng nước có thể không "cảm" được nóng-lạnh nhưng vẫn "giác" được sự biến đổi nhiệt độ, vì nếu không thế, lượng nước đó không thể đóng băng hay tan chảy được. Một thanh sắt chắc chắn không "cảm" được đau đớn, nhưng sẽ không bao giờ biến dạng cơ học được nếu không "giác" được lực tác động vào nó.
 Vậy giác và cảm giác khác nhau chỗ nào? Nói ngắn gọn nên cũng chỉ là đại khái và tương đối: giác làm xuất hiện (những) phản ứng hoàn toàn mang tính thụ động, tiêu cực, không phân biệt được lợi hại, nhằm "cố thủ" của một vật vô tri vô cảm trước nguy cơ bị "tước đoạt" sự tồn tại của nó, còn cảm giác làm xuất hiện (những) phản ứng đã ít nhiều mang tính chủ động, tích cực, phân biệt được lợi hại, nhằm "tự vệ", duy trì sống còn của một sinh vật trước (những) tác động từ môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống của nó. Từ đó cũng có thể nhận xét rằng, cảm giác trực giác có tính tự giác (tính tỉnh thức). Tính tự giác này là biểu hiện của cái gọi là "vận động thần kinh" trong nội tại sinh vật, còn giác thì tuyệt nhiên không có tính tự giác mà chỉ có tính tự phát (tính mù quáng). Quá trình đấu tranh sinh tồn thúc đẩy sự tiến hóa thích nghi sinh vật, trong đó có khâu quan trọng là làm xuất hiện những giống loài mới không những được tăng cường khả năng cảm giác nói chung, mà còn được sở hữu một vài cảm giác đạt đến trình độ siêu việt theo một hay vài định hướng "được lựa chọn" cụ thể nào đó. 
 Bước đi song hành với quá trình tăng cường khả năng cảm giác nhưng đóng vai trò tiền đề cho quá trình đó là quá trình kiện toàn cơ cấu vận động thần kinh, làm xuất hiện hệ thống thần kinh hoạt động phối hợp nhất quán, nhịp nhàng trên cơ sở điều hành chung bởi một cơ quan trung tâm gọi là bộ não. Nhờ có bộ não mà xuất hiện dạng hoạt động thần kinh gọi là "sự hồi ức" (nhớ, nhớ lại), và đặc biệt là với bắt đầu từ sự hồi ức, cũng xuất hiện thêm một phương thức hoạt động thần kinh có tính siêu việt, đó là tư duy trừu tượng. Nhưng trước khi có hồi ức, bộ não phải có khả năng "ấn tượng" từ hời hợt đến sâu đậm, phải có khả năng tưởng tượng lại những thứ đã qua cảm giác (sau này, khi bộ não đã có năng lực suy nghĩ, thì nó còn có khả năng tưởng tượng những thứ chưa qua cảm giác!). Có thể nói, sự xuất hiện hồi ức là mốc đánh dấu bước phát triển mang tính đột biến về khả năng cảm giác, đó là ngoài cảm giác trực giác đóng vai trò nền tảng, sinh vật biết hồi ức còn có thêm loại cảm giác tạm gọi là cảm giác gián giác (liên tưởng). Cảm giác gián giác, hình thành trên cơ sở cảm giác trực giác kết hợp với hồi ức, thăng hoa nhờ tư duy trừu tượng và thông qua tư duy trừu tượng mà tăng cường phát huy tác dụng, đã làm cho trình độ cảm giác đạt đến mức siêu phàm, thậm chí nhiều khi là huyền linh (chưa nhận thức được!), do đó cũng mang nét đặc thù, coi như chỉ ở loài người mới có. 
Nhưng giác từ đâu mà có? Hiện nay chắc là chẳng ai thừa nhận, nhưng trong tương lai sẽ phải thừa nhận sự thật này: Vũ Trụ có bản chất "hai mặt", hay như chúng ta đã từng nêu ra, Vũ Trụ có tính (thể hiện) "nước đôi", là thế này mà cũng là thế kia, liên tục mà cũng rời rạc, vô hạn mà cũng hữu hạn, hữu hạn trong tình thế vô hạn và vô hạn trong tình thế hữu hạn... Mặt khác, chúng ta cũng đã quan niệm, thực thể là một tồn tại, mà tồn tại, xét trên phương diện tuyệt đối thì tất yếu phải thể hiện. Nếu Tồn Tại là vốn dĩ thì giác cũng là vốn dĩ. Toàn thể tồn tại thể hiện theo cách tồn tại (hay tập hợp tồn tại) nào cũng khẳng định sự tồn tại của nó trước những tồn tại (hay tập hợp tồn tại) xung quanh nó, và vì bị khống chế bởi tính hữu hạn của Vũ Trụ về cách thức thể hiện tồn tại cho nên tồn tại (hay tập hợp tồn tại) nào cũng đồng thời trong tình thế bị những tồn tại (hay tập hợp tồn tại) xung quanh nó (có xu hướng) phủ định nó, nghĩa là chúng vừa khẳng định vừa phủ định sự hiện diện của lẫn nhau. Đó được coi như là nguyên nhân tự nhiên và sâu xa làm xuất hiện giác ở mỗi tồn tại, hay cũng có thể nói giác là đặc tính vốn dĩ của tồn tại. Sự tất yếu thể hiện đồng thời của toàn thể tồn tại theo cách cũng tất yếu như thế, với sự có mặt của giác và thông qua giác, đã tạo ra hoạt cảnh chuyển hóa và biến đổi tồn tại một cách toàn diện, liên tục, không ngừng, vô thủy vô chung, từ cùng cực tổng thể Vũ Trụ vĩ mô đến tuyệt tận đơn thể Vũ Trụ vi mô, mà loài người hiện nay đã phần nào quan chiêm-nhận thức được, và từ đó cũng đã xây dựng nên quan niệm dưới tên gọi "vật chất và vận động vật chất" (tương đối có lý nhưng chưa đích đáng!) về thực tại khách quan. 
Nếu tiếp tục suy xét, còn có thể dễ dàng đi đến nhận định rằng, tính tất yếu thể hiện và tính hữu hạn về cách thức thể hiện của tồn tại, cũng như sự giác tất yếu, vốn có ở mỗi tồn tại, được coi là những yếu tố tự nhiên hợp thành giềng mối của (ít ra là) hai nguyên lý cơ bản thuộc hàng phổ quát nhất của Tự Nhiên Tồn Tại, đó là nguyên lý tương tác (định luật tác dụng tương hỗ của Niutơn chính là một biểu hiện đặc thù của nguyên lý này) và nguyên lý nhân-quả (nhờ có nguyên lý này mà loài người ngày nay mới có cơ may "làm nên lịch sử" của một quá trình tồn tại vận động (thậm chí của cả Vũ Trụ) và hơn nữa, tùy thuộc trình độ cũng như năng lực nhận thức của mình, còn dự đoán đúng được đến chừng mực nhất định tiến trình chuyển hóa-biến đổi tự nhiên trong tương lai của một sự vật-hiện tượng nào đó mà họ chú tâm nghiên cứu). Mặt khác, có thể coi hai nguyên lý đó là hai hệ quả trực tiếp đều được "rút ra" từ nguyên lý Tự Nhiên nếu thừa nhận nguyên lý này có tính tiên đề duy nhất, tối thượng, là nguyên lý cội nguồn của mọi nguyên lý, mọi qui luật-định luật có thể có của Vũ Trụ, trong Vũ Trụ).

Có thể nói, từ giác đến cảm giác là một quá trình dài của Tạo hóa, là quá trình xuất hiện giới hữu sinh từ giới vô sinh. Tăng cường khả năng cảm giác đối với sự tác động của môi trường sinh thái là yêu cầu tự nhiên nảy sinh trong quá trình đấu tranh sinh tồn. Yêu cầu tự nhiên đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa nhất làm xuất hiện sự tư duy trừu tượng trong thế giới sinh vật. Ở giống loài đã được "trang bị" tư duy trừu tượng thì yêu cầu tự nhiên về tăng cường khả năng cảm giác dần được "nâng cấp", chuyển hóa thành đòi hỏi chủ quan tích cực tăng cường khả năng nhận thức thế giới. Bước đi tiền đề từ cảm giác trực giác đến tư duy trừu tượng cũng chính là bước đi tạo cửa mở cho tiến trình nhận thức thế giới dài lâu, đầy khúc khuỷu quanh co nên cũng nhiều gian truân cay đắng, nhưng tuyệt đỉnh tự hào của loài người, mà ở lĩnh vực cảm thụ nghệ thuật, đó chính là thiên anh hùng ca bi tráng, hào sảng và vĩ đại nhất mà loài người tạo tác nên được nhờ sự giao phó của Tạo Hóa! Trên cơ sở cảm giác, tư duy trừu tượng làm xuất hiện ý niệm, rồi đến khái niệm và cuối cùng là hệ thống khái niệm-quan niệm. (Bàn thêm: hệ thống khái niệm thuở sơ khai, khi nhận thức của con người về hiện thực khách quan còn nông cạn, thì chưa có...tính hệ thống, mà chỉ là một tập hợp đơn giản, rời rạc các ý niệm, khái niệm. Tập hợp các ý niệm, khái niệm sẽ ngày càng được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện và đồng thời cũng thể hiện ra ngày càng rõ rệt tính hệ thống (tính quan hệ, liên kết gắn bó nội tại, tính phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các khái niệm) của nó theo cùng với tiến trình nhận thức ngày càng sâu rộng, ngày càng được nâng cao về trình độ). 
Về mặt hình thức, khái niệm là do chủ quan con người sáng tạo ra, còn về mặt nội dung, khái niệm là kết quả phản ánh về thế giới khách quan của tư duy trừu tượng mà nó cảm giác được. Do đó, sự hình thành nên hệ thống khái niệm-quan niệm là trực tiếp nhờ nhân tạo tự phát, nhưng lại có tính tự nhiên, coi như được khởi phát từ tính thống nhất của thế giới khách quan, và bản thân hệ thống khái niệm-quan niệm chính là "mô hình" thế giới khách quan được "xây đắp" nên bởi tư duy trừu tượng theo cách sáng tạo chủ quan, riêng có của nó. Cho đến tận ngày nay, hình như chưa có ai ý thức thực sự được sự tồn tại "tự thân" của hệ thống khái niệm-quan niệm này của loài người. Theo chúng ta, hệ thống này ngày nay đã có qui mô cực kỳ to lớn (nhưng vẫn chưa hoàn hảo, thậm chí là còn không ít những thừa, thiếu, lầm lạc!), mà cốt lõi của nó là sự hợp thành thống nhất hữu cơ của ba ngành khoa học cơ bản gồm triết học, toán học, vật lý học).

Như vậy, có cảm giác trực giác thôi chưa đủ, phải có thêm tư duy trừu tượng nữa mới đủ điều kiện tiền đề làm hình thành nên sự nhận thức, tức là sự nhận biết và phân biệt giữa cái cũ và cái mới, giữa hiện tượng đã qua và hiện tượng mới nảy sinh, từ đó mà suy ra được nguyên nhân của sự nảy sinh ấy. Giả sử có một đứa bé được sinh ra trong rừng sâu. Đây là khu rừng hoàn toàn tách biệt với xã hội loài người. Sau khi sinh con thì người mẹ chết, đứa bé may mắn được một con sói cái nhận nuôi và từ đó lớn lên thành người giữa bầy sói. Hỏi: người đó có nhận thức gì không dù được sinh ra trong thế kỷ XXI, có đủ năm giác quan và bộ não có khả năng tư duy trừu tượng? Trước hết, dễ dàng hình dung là người đó, do bị cách ly tuyệt đối khỏi con người và xã hội hiện đại, nên dù được sinh ra trong thời này, thì cũng chẳng khác gì mấy so với được sinh ra vào thời tối cổ, khi con người còn chưa biết đến ngôn ngữ. 
Chưa có ngôn ngữ thì chưa thể có khái niệm, mà chỉ có ý niệm trong một phạm vi hạn chế nào đó và cũng mới ở dạng "biểu tượng câm nín, vô danh" nhờ sự hồi ức. Điều đó cho thấy, dù bộ não đã có khả năng tư duy trừu tượng cao độ của con người hiện đại nhưng trong điều kiên bị cách ly tuyệt đối như trên thì khả năng ấy bị "mai một" đi và chỉ còn tương đương với trình độ tư duy trừu tượng của con người tối cổ, thậm chí của dạng người vượn-tiền thân loài người. Mới có ý niệm "câm nín" thì cũng chỉ có ý thức "câm nín". Nếu quan niệm rằng ý thức "câm nín" là ý thức dạng sơ khai và ý thức là nhận thức sơ khai thì coi như ý thức "câm nín" chưa phải là nhận thức mà mới là dạng tiền thân của nhận thức, nghĩa là người sống giữa bầy sói đó chưa biết nhận thức. Lại giả sử rằng người đó lần đầu tiên theo bầy sói lội qua một con suối và suýt chết đuối khi gặp phải một vùng nước sâu. Cảm giác suýt chết ngạt đó trở thành ý niệm "câm nín" lưu nhớ trong não người đó. Lần sau, trước khi phải lội qua đoạn suối cũ (hoặc tương tự), nhờ hồi ức mà cảnh suýt chết ngạt lần trước hiện ra trong não như một báo động, kích thích gây ra cho người đó một thứ mà chúng ta đã gọi là cảm giác gián giác (hay ý thức "câm nín") về cái gì đó đe dọa đến cuộc sống (sự nguy hiểm), và làm người đó "lưỡng lự tìm cách" lội qua (sự liên tưởng tự phát). 
Chúng ta gọi hoạt động của bộ não kiểu như thế là "nghĩ", và cho rằng các cá thể động vật có hệ thần kinh bậc cao (có bộ não), tùy vào mức độ tiến hóa, ít nhiều gì cũng đều biết nghĩ. Nghĩ chính là hồi ức, liên tưởng và định hướng cho hành động mới, do đó, trong nghĩ đã vốn dĩ hàm chứa hình thức vận động tinh thần gọi là "suy" (ước đoán, suy tưởng, suy đoán, suy diễn...). Dù biết nghĩ thì loài vật chỉ nghĩ được một cách manh mún, nhạt nhòa, ít suy cho nên cũng có tính trì độn, lề mề, hiệu quả thấp. 
Ở loài người, vì khả năng tư duy trừu tượng hoàn thiện hơn hẳn (sự suy tưởng mạnh mẽ hơn hẳn) nên sự nghĩ có hệ thống hơn hẳn, sâu sắc hơn hẳn, do đó cũng sáng suốt hơn hẳn, nhanh hơn hẳn và hiệu quả hơn hẳn ở loài vật. Nếu khẳng định chỉ con người mới biết suy nghĩ, còn con vật thì không, thì kể ra cũng đúng, nhưng tương đối thôi!

Vậy, dù đủ điều kiện tiền đề làm nảy sinh ra sự nhận thức thì sự nhận thức vẫn chưa thể triển khai được trong hiện thực, bởi vì vẫn còn thiếu một phương tiện vô cùng trọng yếu, có tính quyết định, đó là tập hợp ý niệm-khái niệm, thứ đồng thời cũng là hình thái đầu tiên của ngôn ngữ. Có thể nói rằng, khi ý niệm "câm nín" thốt nên lời thành ý niệm để từ đó khai hoa nở nhụy, đơm bông kết trái những khái niệm, thì cũng là lúc bắt đầu quá trình nhận thức dài lâu ở loài người. 
Rốt cuộc, con người không thể nhận thức được nếu không có hệ thống khái niệm, và hơn nữa, chỉ có cách duy nhất là thông qua hệ thống khái niệm mà nhận thức thế giới khách quan. Cũng do đó, xét cho đến cùng, loài người chỉ có khả năng xây dựng mô hình thế giới khách quan trên cơ sở khái niệm, bằng khái niệm, theo cách nhìn nhận và qui ước chủ quan của mình, trái lại, một con người, muốn tìm hiểu thế giới khách quan, trước hết phải học hỏi để nắm bắt khái niệm (kế thừa), rồi sau đó mới có thể thông qua mô hình đó mà nhận biết thực tại (tri thức), và nếu có khả năng thì góp ý nhằm hoàn chỉnh mô hình ấy (sáng tạo). Mặt khác, như đã trình bày, một hướng quan trọng có tính tất nhiên của quá trình tăng cường khả năng cảm giác sinh vật là làm xuất hiện "nghĩ"- một cách thức hoạt động thần kinh- để có thêm loại hình cảm giác nữa là cảm giác gián giác. 
Có thể nói, cảm giác gián giác là cảm giác trực giác đã được trừu tượng hóa và là kết quả của nghĩ (hồi tưởng, liên tưởng) và suy (suy tưởng). Nghĩ và suy là hai vận động của một hoạt động thần kinh thống nhất không thể tách rời nhau, là sự khẳng định tồn tại của nhau (mà nghĩ đóng vai trò tiền đề), chuyển hóa lẫn nhau, trong nghĩ có suy, trong suy có nghĩ, hay nói cách khác, trong nghĩ đơn thuần đã có mầm mống của suy và đặc tính vốn dĩ, mặc định của suy là nghĩ. Điều chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là, không có suy sẽ không có ý thức, mặt khác, suy được coi là dạng tiền thân của suy lý và chuyển hóa thành suy lý trong quá trình nhận thức nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức. 
Tóm lại, dù thế giới khách quan "sờ sờ" ra đó, dù năm giác quan của chúng ta lúc nào cũng tiếp xúc trực tiếp với nó, nghĩa là dù cả đời chúng ta luôn lặn hụp trong nó, hơn nữa, là bộ phận của nó, thì chúng ta cũng không bao giờ biết được thực chất nó là cái gì, như thế nào, nếu chỉ có trực giác. Nói khác đi, con người không thể nhận thức được bản chất của thế giới khách quan bằng cách trực tiếp nhờ cảm giác, mà chỉ có thể bằng cách gián tiếp, thông qua khái niệm và phải nhờ suy lý.
Cằn nhấn mạnh: tự nhiên đã ban cho loài người một đặc ân là biết tư duy trừu tượng. Nếu không có tư duy trừu tượng, loài người sẽ không có khoa học, sẽ không có khám phá, phát minh, tức là không có sáng tạo!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét