Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 10/o


 Chủ nghĩa duy lý trong triết học Descartes

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG X:  TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG


"Dòng tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh, không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn." 
William James

"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là 
biết sử dụng nó." 
Rene Descartes

-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo

Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel

Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic.
Albert Einstein 
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Thomas Paine 
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.

Lord Byron 
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.

Thomas Carlyle 
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby

Lời nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie 





(tiếp theo)


***

Nhìn lại, chặng đường đã qua thật dài ghê mà cũng quanh co, ngoắt ngoéo đến lạ. Ngày mới lên đường chúng ta đâu có ngờ là phải đi xa và vòng vo đến như thế để tìm kiếm vu vơ “một cái gì đó” chẳng biết là cái gì trong kho tàng triết học cổ kim. Sự hoang tưởng thái quá đôi khi gây ra những lầm lạc tai hại, những sa đà vớ va vớ vẩn không đáng có và những rề rà “vòng vo tam quốc” không biết dùng để làm gì cho cuộc đời này (chứ nói gì đến mai sau)? Bản thân chúng ta vốn dĩ đã là những kẻ ham vui, tò mò tọc mạch thuộc hàng nhất nhì thế giới và đã không bao giờ còn “cải tạo” được nữa có lẽ cũng là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến làm cho chặng đường đó dãn ra, kéo dài mãi!... 

Cái gì thuộc về lịch sử không bao giờ còn có thể sửa chỉnh được nữa chăng? Không phải mà cũng..phải! Sẽ không bao giờ sửa được các biến cố đã xảy ra cho quá khứ vì lỡ rồi, đành chịu vậy, nhưng vẫn có thể sửa được cho hiện tại và tương lai vì con người là thực thể biết sáng tạo có chủ đích! Biết đâu chừng một người nào đó, với góc độ quan sát khác, sẽ nhìn thấy ở những quãng mà chúng ta cho là vô ích ấy một vài cái gì đó có giá trị, thậm chí là một câu thần chú để mở một con đường mới đi tìm những báu ngọc. Kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy rằng trong một câu nói bâng quơ nhất cũng hàm chứa những điều cốt yếu về Tự Nhiên Tồn Tại. chẳng hạn ai đó buột miệng: "Thật chán mớ đời!", thì ngay lập tức hàng loại thắc mắc được nêu ra như: "Đời là gì?", "Vì sao lại chán nó?", "Nó có tội gì?"..., và nếu muốn trả lời hết các câu hỏi đó cho tỏ ngọn ngành, thì phải đi đến tận đầu nguồn...Vũ Trụ. Các bậc tiền bối đã tóm tắt lại đại ý rằng từ một hạt cát có thể suy ra toàn bộ thế giới khách quan được. Vì thế mà nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đã nói một câu, đầy hình tượng: “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”. Có lẽ trong Tự Nhiên chẳng gì là có nghĩa đối với Tồn Tại cả và chẳng gì là vô nghĩa đối với chúng ta cả?... 

Suy nghĩ như thế làm cho chúng ta đỡ áy náy hơn để kiên định đi hết những chặng đường phía trước (mà chúng ta ngỡ tưởng đã hoạch định rõ ràng từ thuở ban đầu). Anh em ơi hãy tin đi, còn xa vời lắm mới tới được đích, nếu cái đích ấy...có thật! 

Bây giờ là lúc chúng ta nên tổng kết lại xem cuộc hành trình lê thê vừa qua, chúng ta đã “kiếm chác” được những gì. 

Trước hết, không cần bàn cãi, chúng ta đã bận túi bụi, giết được vô số thời gian ăn không ngồi rồi. Ăn không ngồi rồi là trạng thái khủng khiếp nhất của đời người. Đó là một khoảng hoàn toàn cô đơn, hoàn toàn trống trải, tất cả đều như ngưng đọng, trôi nổi bồng bềnh trong vô vọng, chẳng đợi chờ ai, trừ cái chết không đợi vẫn xồng xộc chạy đến. Tiếp theo, chúng ta đã được đi khắp đó cùng đây, đến những nơi mà dù người có tiền muôn bạc bể cũng không dám mơ ước. Chúng ta đã tận mắt thấy được nhiều điều mà không phải ai cũng thấy, đã diện kiến được không ít những tiên hiền, thánh triết cũng như những hôn quân, bạo chúa. Không những thế, chúng ta còn vô cùng hãnh diện vì đã được đến rất gần để ngắm nghía nhiều mỹ nhân thời cổ đại đã lưu danh hậu thế như Cleopát, Đát Kỷ, Tây Thi … thậm chí còn ngửi thấy cả mùi hương ngạt ngào toát ra từ cơ thể họ. Thứ nữa là chúng ta đã moi ra được (theo nhận định của… chúng ta) vài ba sự thực (?) mà lịch sử cố tình dấu diếm. Thứ tư, điều này thực sự quan trọng, chúng ta đã có dịp học lại, nghiền ngẫm lại những bài học, những giáo huấn từ lịch sử. Qua đó mà quan niệm của chúng ta về cuộc đời, về bổn phận làm người đã có những thay đổi lớn lao đến tận cội rễ. Dù không biết đó là theo hướng tiêu cực hơn hay tích cực hơn nhưng cơ bản là thế này: chúng ta đã thấy yêu thương đồng loại hơn rất nhiều, biết sống nhường nhịn hơn, tương trợ hơn và vị tha hơn. Cuối cùng, điều đặc biệt nhất, chính yếu nhất, phù hợp với ý đồ nảy ra cuộc hành trình, đó là từ nhiều góc độ, chúng ta đã phát hiện ra những phô diễn của một hình dáng được cho là bí ẩn của mọi bí ẩn, tuyệt tác của mọi tuyệt tác, huyền diệu của mọi huyền diệu, thiêng liêng của mọi thiêng liêng và tầm thường của mọi tầm thường, đó là Tự Nhiên Tồn Tại. Từ nay, chúng ta đã biết rằng Tồn Tại là Tồn Tại mà cũng không phải là Tồn Tại; Tồn Tại là Tự Nhiên mà cũng không phải Tự Nhiên. Tự Nhiên là không lựa chọn mà cũng lựa chọn, không tạo dựng mà cũng tạo dựng. Do đó Tự Nhiên Tồn Tại cung là vốn dĩ thế, không cần nhận thức của Tư duy nhưng Tư duy thì luôn luôn “nghĩ” về Nó, buộc phải nghĩ về Nó và gọi là Thế Giới Khách Quan. Thế giới khách quan chính là qui ước hình thành nên từ sự thỏa thuận giữa tính khách quan của Tự Nhiên Tồn Tại và tính chủ quan của Tư Duy, mà Tư Duy, xét ra thì cũng là “máu xương” của Tự Nhiên Tồn Tại. Có thể nói rằng Tự Nhiên Tồn Tại giàu có tuyệt đối bởi vì nó không thiếu bất cứ một thứ gì. Toàn bộ đều thuộc quyền sở hữu của Nó từ không gian, thời gian đến vật chất, vận động. Nó có quyền lực tuyệt đối vì vạn vật đều phục tùng Nó. Nhưng Nó cũng lại nghèo “mạt rệp” và chẳng có chút quyền lực, danh phận gì, hoàn toàn vô hữu, vô vi và vô danh. Tự Nhiên Tồn Tại vô cùng vui vẻ hạnh phúc vì sự quây quần, nhảy múa không ngừng của vạn vật - hiện tượng. Nhưng vì Nó là tất cả cho nên Nó là duy nhất, trở thành cô đơn, buồn tẻ cùng cực. Tự Nhiên Tồn Tại trường sinh bất tử vì Nó vô thủy vô chung, không có trạng thái (lúc nào cũng là Nó, bất biến nếu xét đến toàn cục!), nhưng cũng trong vòng tuần hoàn ''sinh - lão - bệnh - tử - sinh …'' vì cũng có các trạng thái (lúc nào cũng biến đổi nếu xét về phương diện Tồn Tại)! Nói mãi về Tự Nhiên Tồn Tại sẽ không bao giờ hết nên chúng ta tạm gọi Tự Nhiên Tồn Tại là Cái Ấy, tạm gọi Cái Ấy là Đạo và tạm gọi Đạo là Tự Nhiên Tồn Tại để mà tạm sử dụng cho tạm hiểu, tạm lý giải nhân tình thế thái trong cái cõi cũng tạm nốt! Ha, ha...ha!..Hi, hi...hi!...He, he...he!... 

Cái Cõi Tạm ấy còn có nhiều nhãn mác khác nữa. Tùy tâm trạng và sở thích, người ta gọi đó là cõi Trần Tục (để phân biệt với cõi Niết Bàn) cõi Dương Gian (để phân biệt với cõi Âm Ti) … Nhưng thuần phác nhất, chúng ta cho rằng nên gọi là cõi Nhân Gian vì ở cõi ấy có nhiều "thằng người man trá" quá và mọi phô diễn về nhân tình thế thái đều xảy ra ở cõi ấy. Trong khắp Vũ Trụ, có rất nhiều cõi tạm nhưng chỉ có một kiểu cõi gọi là Nhân Gian. Ở cõi Nhân Gian, xảy ra đủ mọi chuyện như chiến tranh và hòa bình, yêu thương và ghét giận, hạnh phúc và bất hạnh, vui sướng và buồn khổ, lương thiện và tàn ác, dũng cảm và đê hèn, chính nghĩa và phi nghĩa… Nói chung là phô diễn đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố và đương nhiên là cả những xiềng xích danh lợi và thị phi nữa. Trong cái cõi ấy, vì nằm trong vòng chi phối của danh lợi, của ''lành ít dữ nhiều'' và tùy thuộc vào bản tính, sự giáo dục và nhận thức mà mỗi cá thể khi lớn lên đều chọn cho mình một con đường sống, một lẽ sống, một phong cách sống, một mục đích sống khác nhau nhưng ưu tiên một thì đều giống nhau i xì: cố sống còn để chờ...chết! Trong chiến tranh, điều nói trên bộc lộ càng rõ rệt, gay gắt. Không người lính bình thường nào lại không tìm cách tránh đạn; không so vai, rụt cổ khi đạn pháo, bom nổ gần bất thình lình; không người lính bình thường nào lại không tìm cách sống còn. Và sống còn không phải vì danh thì cũng vì lợi. Câu này nghe thật chói tai nhưng lại là sự thật. Người lính đánh thuê chiến đấu là vì đồng tiền của kẻ đi thuê và một phần đôi khi cũng vì sở thích. Nhưng sở thích là gì nếu không là lợi (về tinh thần). Thế thì kẻ ôm bom khủng bố có vì danh lợi hay không? Có, chí ít thì cũng vì danh lợi của giáo phái mà người đó tôn thờ... Không phải chỉ trong chiến tranh mà trong các trò chơi mạo hiểm cũng xảy ra nhiều hành động quên mình đại loại như thế mà bản chất thì cũng vì danh, vì lợi: giữ gìn thanh danh, phô diễn tài năng, so giành quyền lực, còn không thì cũng vì lợi quyền, vì tiền bạc, hoặc đơn giản chỉ vì khoái cảm riêng tư. Từ đó mà có những khái niệm như: dũng cảm, gan dạ, sợ hãi, hèn nhát, liều mạng, mù quáng, điên rồ… và tùy vào ý nghĩa của danh, lợi của hành động theo đuổi mà nảy sinh ra những anh hùng. Theo ý chúng ta thì những hành động quên mình được gọi là anh hùng chỉ khi hành động đó có mục đích cứu nhân độ thế, phụng sự lẽ phải (theo quan niệm của đại chúng toàn nhân loại), xuất phát từ tình yêu thương vô hạn, trước hết là với dân tộc, quê hương đất nước mình; và cái danh ấy là do quần chúng ghi nhận, tôn vinh. 

Bẻm mép nói chuyện thiên hạ, vậy thì ngay lúc này đây, bản thân chúng ta nghĩ gì về cách sống cho hợp lẽ.? Trả lời câu hỏi này rất không dễ dàng. Trong vòng đua chen để ''kiếm chác'' danh lợi và xung quanh là biết bao nhiêu nhận định về thị phi, mà tìm ra được một thái độ sống, một cách sống vừa không trái với cá tính bản thân vừa hài lòng mọi người quả là quá khó khăn. Ai mà không có một thời “bâng khuâng đi kiếm lẽ yêu đời” và thử hỏi rằng mấy ai đã kiếm ra được chân tướng của cái lẽ yêu đời ấy? Chúng ta, những kẻ đã đi qua gần hết cuộc đời, được cho là đã từng trải và chiêm nghiệm nhiều, mà vẫn cứ ngạc nhiên về lẽ đời, tình người; vẫn chưa biết sống thế nào cho phải cho đúng với bản thân mình, và đồng thời với tất cả mọi người. Ở thời đại ngày nay, phải thừa nhận rằng con người đã làm ra biết bao nhiêu điều kỳ diệu, đã chế tác ra biết bao nhiêu công cụ, phương tiện phục vụ cho lợi ích sống còn, hưởng thụ của mình. Nhưng về mặt tình cảm, hình như con người vẫn chưa vượt thoát được ra khỏi cõi mông muội, dã man (cõi ích kỷ đến ác tâm của mình chứ không phải...của loài vật!). Có lẽ phải cần một thời gian tiến hóa dài lâu về...đạo đức nữa chăng? Hay là chẳng bao giờ có được một nền văn minh toàn diện và đích thực? Đừng nên bi quan như thế, phải có nền văn minh ấy! Chúng ta cho rằng, khi khoa học-kỹ thuật đạt đến trình độ dễ dàng tạo ra (toàn bộ) thực phẩm ngon lành cho con người từ các chất vô cơ, thì cũng là lúc nền văn minh đích thực văn minh (tức là nền văn minh chứa đựng toàn bộ cả đạo đức lẫn văn hóa, gọi là nền văn minh chân-thiện-mỹ) đã đến...Để làm người tốt trong xã hội, chúng ta trước mắt, phải tu dưỡng, tuân theo Đạo Nho, nghĩa là chúng ta phải nghe theo lời dạy của Khổng Tử về cách làm người quân tử. Trong đời thường, đó là những lời khuyên nghe qua rất hay, rất đúng. Nhưng đích đáng hơn, phải tuân theo Đạo Gia, nghe lời Lão Tử. Lời dạy của Lão Tử mới nghe thì có vẻ huyền bí, nhưng khi đã nghiền ngẫm "ngộ" ra, thì chí lý hơn nhiều, vì làm người sẽ không cương cứng mà nhẹ nhàng như nước chảy bèo trôi, sống an nhiên, phù hợp với Đức Huyền Diệu của Tự Nhiên!... 

Nếu mai này Tạo hóa cho chúng ta được sống lại một lần nữa với cuộc đời thứ hai, vì ''trót'' đầu thai vào thời đại mà xã hội vẫn còn là nơi nổi trội cho việc trước tiên là tìm miếng cơm manh áo để sống còn, sau đó là kiếm vinh quang để tự hào, rất có thể chúng ta sẽ sống như thế này: tuổi trẻ sống theo lời dạy của Khổng Tử, làm “cột trụ kiên cường” để lập nghiệp, tạo cuộc sống cho mình, và hãnh tiến giúp đời trong khả năng mình có thể. Rồi khi xã hội đòi hỏi thì theo gương Mặc Địch, tiết kiệm và “thắt lưng buộc bụng” để cứu trợ tức thời hoặc cùng mọi người “Kiêm Ái” lâu dài. Lúc thư thả sung túc thì sống khoáng đạt, hồn nhiên như Dương Chu. Về già sẽ “xuất thế vô vi”, ung dung tu tiên như Lão Tử. Nhưng trước hết, chúng ta sẽ đi học, và bài học đầu tiên bắt buộc đối với chúng ta lúc đó phải là bài học về Tình Yêu Thương. Chỉ khi hiểu được đến cội rễ của Tình Yêu Thương, chúng ta mới thấy được sự hợp lẽ tự nhiên của đạo đức và từ đó mới nhận chân được ý nghĩa đích thực của cuộc đời để mà biết sống tiến thủ như Khổng Tử nói, hy sinh như Mặc Địch làm gương, hưởng thụ như Dương Chu vô ước, an nhiên như Lão Tử trầm tư mặc tưởng, và tùy hòan cảnh, tình thế, tùy biến động của thời cuộc mà cố đạt cho trọn vẹn được hai chữ Hợp và Hòa. Nhưng chắc là khó lắm! Vào đời trong một xã hội vẫn còn đề cao danh lợi, phải cạnh tranh nhau, phải ganh đua mới có được tổ ấm, trong khi bên cạnh đó, biết bao nhiêu khoái lạc hàng ngày dụ dỗ, thì khó mà thành con người hoàn toàn lương thiện được. Có không, đến một thời đại mà trong xã hội loài người không còn tồn tại những khái niệm "danh lợi" và "tham muốn" nữa? 

Nói đến bài học về Tình Yêu Thương, chúng ta chợt nhớ đến một bài thơ đã may mắn thuộc được từ thời thơ trẻ và giữ gìn trong lòng đến tận bây giờ. Theo “truyền khẩu” thì bài thơ đó xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ báo ở Sài Gòn vào những năm 50 của thế kỷ trước. Không biết sự “truyền khẩu” có chính xác không nữa? Nhưng không quan trọng, cái quan trọng là tinh thần của bài thơ đã làm nó ''sống mãi'' trong lòng chúng ta như một kim chỉ nam cho hành động. Còn hay hay không, chúng ta không bình luận. Chúng ta cứ trình hiện nguyên văn bài thơ (không biết tác giả là ai) ra đây, coi như là lần xuất hiện thứ ba của nó trong xã hội và mong nó sống thêm một thời gian nữa trong lòng người đời:


TRÊN ĐỐNG RÁC

Chiều xuân muộn trải tâm tình khao khát
Máu thêm yêu rào rạt mảnh hồn trai
Tôi gặp em một mình trên đống rác
Tóc rối bời, nắng nhạt phủ bờ vai


*
Em đào em bới
Em xới em moi
Đống cặn bã của vàng son nhung lụa
Dưới lớp rác hôi tanh và nhầy nhụa
Em đang tìm chén gạo cho ngày mai


*

Một cây đinh ngắn
Nửa mảnh sứ dày
Vài chiếc khoen đồng
Đôi con vít sắt
Người ta vứt của đời em cứ nhặt
Nhục hay vinh, thây kệ chuyện trần ai!


*

Một kẻ đi qua
Nhiều kẻ đi qua
Một chiếc xe qua
Nhiều chiếc xe qua
Người trên xe bịt mũi phất mùi xoa
Kẻ dưới lộ cũng cau mày rảo bước
Người ta sợ mùi hôi tanh ẩm ướt
Làm bợn nhơ nếp sống đượm xa hoa
Áo đẹp, khăn thơm, mắt biếc, tay ngà
Ai để ý làm chi trên đống rác
Đang triển lãm bức tranh đời bi đát
Đượm màu thương, thời đại chửa ghi lời!


*

Người em thương yêu ơi!
Em có biết hay là em không biết
Rằng đất nước em giàu khôn kể xiết
Vô tận tài nguyên, phong phú hoa màu
Bạc nào mua cho hết lúa Cà Mau
Vàng đọng khối cao su miền đất đỏ
Cây trái ngọt bốn mùa thơm, béo bổ
Bờ Cửu Long hiền dịu tiếp phù sa.
Bởi vì đâu bầu vú mẹ tuôn ra
Dòng sữa ngọt mà con không được hưởng?
Để cho em phải sớm chiều vất vưởng
Mảnh đời thơ làm bạn với hôi tanh
Cánh hoa non ngào ngạt đượm hương lành
Nở gượng gạo, âm thầm trong héo hắt.


*

Nắng nhạt lần lần, một ngày sắp tắt
Em ra về, bóng nhỏ ngả xiêu xiêu
Mảnh thân gầy chập chọang trên đường chiều
Bên tấp nập, dòng người xe cuộn chảy
Bỗng dừng bước, em cau mày ái ngại
Một lão già hành khất mỏi hơi than
Giơ tay xin, lê lết tấm thân tàn
Trên hè phố, người lại qua lạnh lạt
Người ta phớt, người ta xua, người ta quát
Hoặc lắc đầu bình thản bước đi qua
Từ nhà ai văng vẳng một lời ca:
“Đời đẹp lắm, buồn đau đà rủ sạch!...”
Em ứa lệ lần trong manh áo rách
Cầm trao cho tờ giấy bạc bèo nhèo
Bài thơ thương giữa những kẻ đói nghèo
Đâu ai thấy chói ngời trên đống rác!


*

Người em nhỏ mà tuổi thơ bi đát
Kéo lê thê trên đống rác ven đường
Má chưa hồng đã dạn gió dày sương
Môi chưa thắm đã héo cùng mưa nắng
Em đã rắc những ý tình cay đắng
Lên lòng tôi để kết lại thành thơ
Đắng mà thơm ngào ngạt đượm hương mơ
Cay mà dịu, ngọt thanh tình nhân loại


*

Đêm nay,
Mực chảy thành thơ giữa tiếng cười man dại
Ngoài đường kia ánh điện nở hào quang
Trải vàng son lên đại lộ huy hòang
Tôi ngồi đây âm thầm trong ngõ tối
Trách tất cả gông cùm trên thế giới
Sao lại xiềng đôi cánh của tình thương?!
(Chép lại báo “Nhân đạo”, Sài Gòn 1951)

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét