Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 10/i

             Nhật Thực là gì Nguyệt thực là gì Khoa học giải thích hiện tượng Nhật thực, Nguyệt thực

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG X:  TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG


"Dòng tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh, không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn." 
William James

"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là 
biết sử dụng nó." 
Rene Descartes

-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo

Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel

Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic.
Albert Einstein 
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Thomas Paine 
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.

Lord Byron 
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.

Thomas Carlyle 
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby

Lời nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie

 


(Tiếp theo)


                                    ***
Thôi, huyên thuyên nhiều quá rồi, chúng ta làm một "tường thuật" đơn giản để... giải lao và coi như cũng đưa ra được... thực chứng... cho vui vậy!
Có ba thằng "nhà báo" (ở nhà báo vợ, tức thất nghiệp, vô công rồi nghề) "hơi bị" thông thái, tên lần lượt là A, B, C, ngồi khề khà "trà dư tửu hậu" với nhau. Cả ba thằng đều có máu "tám", nhất là khi đã sương sương thì... thôi rồi! Nhưng cà kê dê ngỗng kiểu gì thì kiểu, bao giờ đề tài cuối cùng cũng là về đàn bà và cứ thế rề rà cho đến khi hết rượu mới "tan hàng". Cuộc nhậu lần này hơi khác, "tám" đủ thứ chuyện "thời sự" trên trời dưới biển xong thì hình như đã chán chuyện "các má", ba thằng "hết đường binh", xoay sang "tào lao" chuyện thuộc hàng "rỗi hơi" bậc nhất thế giới, đó là "Hiện thực là gì?". Thằng A "nổ" tiếng khai mào:
- Đố chúng mày, "thực hiện" có phải "hiện thực" không?
Thằng B "đòm" luôn:
- Ơ, thằng này điên à!? Thực hiện không là hiện thực thì là cái giống gì?
- Trong thực tế, "hiện thực xã hội chủ nghĩa" và "thực hiện xã hội chủ nghĩa" đâu có thể dùng thay thế nhau được. Vậy chúng phải khác nhau chứ? - Thằng A "nổ" thêm.
- Vẫn thay thế được, bởi có cái gì ngăn cấm, không cho phép thay thế đâu nào? - Thằng B "đòm" lại.
Thằng A đâu chịu thua, tiếp tục nổ:
- Mày đéo biết gì! Nói cứ ngang như cua ấy!... Thay vì nói "thực hiện công việc cho xong" lại nói "hiện thực công việc cho xong", nghe không "điếc con ráy", không nghịch lỗ tai à?
- Kể ra cũng không bùi tai thật! Nhưng đó là do cách nói đã thành quen hay chưa quen mà thôi - Thằng B đòm chống chế.
Đến lúc này thằng C mới "lảy cò" tham gia cuộc "đấu khẩu":
- Moi móc to chuyện ra thì có mà cãi đến tám kiếp chưa chắc đã xong! Theo tao, có lẽ chỉ cần hiểu đơn giản thế này: nếu không bị ràng buộc thì hai từ ấy đồng nghĩa, nhưng quá trình sử dụng đã làm cho "hiện thực" trở thành danh từ và "thực hiện" trở thành động từ. Do đó, "thực hiện" là làm cho cái gì đó chưa "hiện thực" trở thành "hiện thực", còn "hiện thực" là cái gì đó chưa được "thực hiện" đã được "thực hiện" xong... Thôi nào, cụng ly!...
Một tiếng "cờ... ốp" và ba tiếng "ực" vang lên nghe thật... "phồn thực"!
Chúng nó tợp xong ly rượu của mình thì đặt ly xuống (chứ không lẽ quăng đi?). Thằng C tiếp tục rót rượu cho cả bọn, miệng cười cười ý nhị. Thằng B cúi đầu gật gù ra vẻ thấm thía. Còn thằng A thì ngồi ưỡn lưng, mím mồm, hết nhòm thằng C cười cười đến nhòm thằng B gật gù. Nhìn mồm nó, biết chắc có viên đạn đã "lên nòng" ở họng nó. Đúng vậy! Nó lại nổ thách thức:
- Ê C, mày giải thích thế, dù chưa biết đúng sai cỡ nào, thì cũng phải nói rõ "hiện thực" cụ thể là cái của nợ gì chứ?!
- Đéo ai mà không biết! Thằng nhiều chuyện dễ nể (đã "tám" mà còn chê nhiều chuyện mới lạ!?)!... Thì "hiện thực" là cái mày đang thấy xung quanh mày ấy - Thằng B "nhân danh công lý" đòm trả chát chúa.
- Là toàn bộ cảnh vật - hiện tượng đang hiển hiện quanh chúng ta... Nói thế có lẽ chuẩn hơn, B ơi! - Thằng C lảy cò theo ngay, "củng cố" cho thằng B.
Hình như chỉ đợi có thế, thằng A cười ré lên, nổ luôn một tràng "to tát" như tiếng trung liên RPD:
- Hé, hé... hé... hé!... Hai "lính" chẳng biết gì ráo! "Hiện" thì đồng ý là "hiện" rồi, nhưng "thực" thì làm gì có "thực"? Phật bảo tất cả những gì hiện ra trước "người trần mắt thịt" đều là giả hợp, nghĩa là "hiện" nhưng không phải "thực". Hơn nữa, bản thân cái sự "đang hiện" cũng có vấn đề. Nói cái gì đó hiện ra thì chỉ có thể là hiện ra trong thời gian chứ không thể ngoài thời gian được. Mà thời gian thì chúng mày cũng biết, là một "xâu chuỗi" đâu phải vật chất, lại còn vô thủy vô chung và cực kỳ phù phiếm, được người ta phân ra một cách cực kỳ mơ hồ thành ba khoảng kế tiếp nhau là quá khứ, hiện tại, tương lai, hay (thời gian) "đã", (thời gian) "đang" và (thời gian) "sẽ", nghĩa là "hiện tại"="đang". Sự vô thủy vô chung của thời gian làm cho không thể xác định được "đã" và "sẽ", nhưng sự phân khoảng lại làm cho phải xác định được "đang" vì nó bị khóa hai đầu bởi "đã" và "sẽ". Thế thì "đang" là bao nhiêu? Bao nhiêu chưa biết nhưng biết chắc "hôm qua" không phải "đang", thậm chí cách đây một "tích tắc" cũng không phải "đang" mà "đã". Rốt cuộc, có lẽ "đang" chỉ có độ dài thời gian chính xác bằng một thời điểm. Vậy thời điểm là bao nhiêu thời gian? Trả lời được "bao nhiêu" một cách cụ thể bằng con số thì thời điểm không còn là thời điểm nữa, nghĩa là phải cho rằng thời điểm hay "đang" là không xác định được, cực tiểu vô hạn, "tiến tới" O nhưng không bao giờ bằng O. Ha,ha... ha!... Dị thường quá, đúng không? Người đời cứ "xoen xoét" nào là "hiện đại", "hiện tại", "hiện nay", "hiện thực", "hiện hữu"... thực ra chỉ là theo thói quen cảm giác chủ quan vớ vẩn và qui ước khiên cưỡng tùy tiện, chứ khoảng thời gian được gọi là "đang" ấy chỉ có mỗi một thời điểm vô cùng ngắn và bất định đúng là "đang" thôi, còn tất tật đều là "đã" hết, nên cũng có thể nói, thực tế là không có "đang". Mà "đang" đã không có thì làm thế nào cho có "hiện thực" được!? Kết lại, nói "hiện thực" là sai, nói "hiện giả" mới đúng! Hé, hé... hé... hé!... Cạn ly đê!
Thằng B như bị trúng đạn, cầm ly lên mà không uống, mắt cứ trờn trợn ngó thằng A. Có lẽ nó sững sờ vì không ngờ thằng A đột xuất nổ "dòn dã" quá. Thằng C thấy thế tội nghiệp, lảy cò phá đám:
- Ồi dào ơi, uống vui đi B, có ghê gớm quái gì đâu! Nó dựa hơi câu "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông" của Hêraclit để nổ bạt mạng ấy mà... Tao hỏi mày này A: "Mày có bao giờ "đang" đói không hay toàn "đã" đói và "sẽ" đói? Nếu mày nói không thì vì cũng phải nói không với "đang" không đói, nghĩa là chỉ ừ với "đã" không đói và "sẽ" không đói, nên mày đừng bao giờ ăn nữa, chỉ vô ích! Nếu mày nói có thì vì "đang đói" là "hiện giả" như mày nói, nghĩa là thực ra mày cũng "đang" không đói, vậy cũng không cần ăn làm gì! Dù mày có "đang" nhậu với chúng tao hay không, không cần biết, nhưng đừng cầm ly lên mà nốc nữa! Mày bỏ ra một đống tiền "mua" vợ về làm gì khi mày chẳng bao giờ được "đang" sướng với vợ mày mà toàn thằng khác "đang" sướng với vợ thằng khác?". Đấy, mày trả lời tao đi!...
Khoái chí ra mặt, thằng B làm bộ xun xoe bắt tay bắt chân thằng C, rồi quay sang thằng A đòm "bồi", khiêu khích thêm:
- Đấy, mày trả lời nó đi!...
Có vẻ đã hết đạn nên thằng A ngồi im khe, so vai, rụt cổ, hai tay chống đùi, còn mắt thì lom lom vào đĩa thịt gà luộc trên bàn cứ như cố moi móc cho ra những viên đạn "nấp" ở đó vậy. Mặt nó nổi đanh, thấy thương hơn ghét!... Bạn nhậu thân thiết với nhau, "tám" cho vui đời, ai dè hóa ra chọc quê cho nhau buồn, lỗi không? Thằng B nghĩ vậy, đòm phát ân huệ:
- Mình chuyển đề tài đi anh em!... Tìm chuyện nào nhè nhẹ thôi chứ chuyện này nặng như đá đeo, oải quá!... A ơi,... mà thôi, C ơi, đến lượt mày đấy, "đề pa" đi!...
- Hượm đã nào!... Chuyện này không hay thì còn chuyện nào hay? - Hóa ra thằng A chưa hết đạn (hay đã tìm được đạn trong đĩa thịt?). Nó trỗi dậy nổ dù không còn "hung hăng" như nãy - ... Thằng C hỏi đúng là hiểm thật và tao đang... bí thật. Nhưng đâu phải vì tao sai... Mày có thấy tao sai chỗ nào không hả B? Nếu thấy thì chỉ ra cho tao biết đi! Nếu không, chúng mình phải tiếp tục câu chuyện cho ra ngô ra khoai chứ cứ để ấm ức, lát hồi hết nhậu, cả lũ về đéo ngủ được, vợ nó lại tưởng...
- Đèo mẹ! Mày và cả thằng C, tao nhắc, hôm nay đéo nói chuyện "các má" đâu nhé! - Thằng B đòm ngắt tiếng nổ đì đẹt của thằng A.
Đâu có hiền, thằng C lảy cò lia lại liền:
- Đéo đéo gì mà cứ đéo hoài, chuyện nào cũng chêm đéo vào được, chuyện gái, đéo, chuyện lừa đảo cướp giật, đéo, ừ, thôi thì ba cái chuyện đó... đéo đã đành, chuyện quốc gia đại sự cũng đéo, bàn luận văn thơ cũng đéo, thông báo tin tức khám phá khoa học cũng đéo, giao lưu triết học cũng đéo, đéo lung tung, đéo tuốt tuồn tuột, đéo vung xích chó, đéo oang oang mà đéo biết ngượng mồm... Thôi, đéo nhậu với chúng mày nữa, tao về!...
Thằng C rục rịch chưa kịp đứng dậy đã bị thằng A tóm áo ghì xuống, nổ cuống quít:
- Thôi mà!... Đừng nóng thế! Ở lại nhậu với bạn bè cho vui đi mà!... Tao năn nỉ đấy!...
- Ừ, ở lại nhậu vui C ơi! Mày là cây chuyện mà bỏ về thì chúng tao chán chết... Ở lại đi! Chúng tao đéo, xin lỗi, không văng tục nữa đâu, thề đấy! - Thằng B đòm tăng cường thêm.
Thằng C cương chưa kịp cứng đã xìu liền. Nghe tiếng lảy cò của nó là biết nó thực lòng còn muốn nhậu tiếp:
- Nhậu đang ngon trớn mà chúng mày... Được rồi, tao ở lại!... Nói thật, tục tĩu hay không tục tĩu chưa cần biết, nhưng tao nghe chói tai lắm... Nếu còn nghe một tiếng "đéo" nữa, tao sẽ về đấy và xin chúng mày đừng giận tao làm gì...
Cuộc nhậu lại tiếp tục nhưng xuống trầm. Xoay thêm hai tuần rượu rồi mà khí thế không bốc lên được. Cả ba thằng cứ như mất hồn, toàn bắn chim, cũng "nổ" cũng "đòm" cũng "lảy cò" mà sao nghe rời rạc, vu vơ, lãng nhách...
Mãi đến khi bước vào tuần rượu thứ tư, không khí cuộc nhậu mới có phần thay đổi theo hướng bớt vô duyên, bớt nhạt nhòa, không còn rôm rả như trước nhưng cũng không đến nỗi quá trầm lắng, mặt khác, thay cho "nổ", "đòm", "lảy cò" là những đối đáp nghe có tình có lý hơn, "hợp quần" hơn, và ba "thằng bợm rượu" vụt hóa thành ba "nhà hiền tửu". Có lẽ vì thế mà cuộc chuyện trò mới trở nên "chính luận" hơn, hấp dẫn hơn chăng?
Cuộc đổi hướng đó bắt đầu từ thằng B:
- C này, ban nãy bạn hỏi A, nếu A không trả lời được thì bây giờ bạn trả lời được không?
- Được chứ B, dù có thể không gãy gọn lắm... Mà bạn đang muốn nói gì hả A? Bạn nói trước đi.
Thằng A ậm ừ rồi lên tiếng:
- Trước khi C luận giải, tớ muốn hai cậu lưu ý dùm là, tớ chỉ cho rằng "hiện tại" cũng có nghĩa là "đang hiện" nên mới nói "hiện tại"="đang". Mặt khác, tớ cũng cho rằng "hiện tại" hay "đang hiện" có thể là "hiện thực", nhưng "hiện thực" không phải là "hiện tại" hay "đang hiện". Dù xét ở góc độ khách quan nhất (hay có lẽ gọi đúng hơn là "góc độ hêraclit"), cả ba thứ "hiện" ấy đều chỉ là "đã hiện", thì vì một cách tương đối (theo cảm giác, theo qui ước) coi như vẫn tồn tại khoảng thời gian (và cả khoảng không gian) gọi là "đang hiện", nên rõ ràng là phải có hai loại "hiện thực", đó là "hiện thực trong quá khứ" và "hiện thực trong hiện tại", hay gọn hơn, "hiện thực đã" và "hiện thực đang"... Tớ chỉ lưu ý có vậy thôi. Mời C!
Thằng B vụt giơ tay kiểu "xin phát biểu", rồi nói:
- Cho mình có ý kiến một tý... Trong thực tế, cái gì đã hiện ra thì cái đó, vì có nguyên nhân tạo thành nên phải là thực, có thực, dù nó là cầu vồng, ảo ảnh trên sa mạc... , hay cả những thứ gọi là "hàng giả", "đồ giả"... Nếu thừa nhận như thế, cũng phải thừa nhận ngay cả những gì hiện ra trong giấc mơ của một người cũng phải là thực đối với người đó. Nghĩa là đến đây cần phải cho rằng ngoài hai loại "hiện thực" mà A nêu, còn có một loại "hiện thực" nữa gọi là "hiện thực ảo" ("hiện thực" trên mạng internet, trong phim, hay trận bóng đá được truyền hình trực tiếp chẳng hạn!). Như thế, về mặt thực tế và chỉ thực tế khách quan thôi, thì dù là hiện thực "đã", "đang" hay "ảo", đều không thể giả được, hoặc quá lắm, có thể chủ quan "gắn nhãn mác" là "giả" nhưng trước hết vẫn phải là thực cái đã, và do đó làm gì có "hiện giả" hả A? Hơn nữa... Hơn nữa... . Ủa, mình định nói gì nhỉ?... Quên béng rồi!
Thằng C nâng ly rượu đầy lên, hai thằng kia nâng lên theo. Lại "cờ... ốp" và "ực"! Xong, thằng C rít một hơi thuốc lá rõ dài, ngửa mặt lên trời phà ra một cuộn khói đặc quánh, rồi cúi nhìn xuống đất. Hình như nó đang lựa lời để mở đầu nội dung mà nó định nói. Tuy nhiên, thằng A đã lại lên tiếng:
- Vừa rồi B nói cũng có lý đấy. Nhưng tớ vẫn có cái cảm giác ngờ ngợ bất ổn thế nào ấy. Đúng là mọi thứ trong hiện thực, hợp thành hiện thực, từ vật thể đến hiện tượng đều phải có nguyên nhân tạo thành và thực sự được tạo thành nên xét theo cách nhìn này, không thể nói "hiện giả" mà phải nói "hiện thực". Hơn nữa, phải thừa nhận rằng, sự hiện ra, tồn tại và mất đi của vạn vật-hiện tượng nhất thiết phải tuân theo qui luật tự nhiên, do đó, bản thân chúng đều phải có tính duy nhất, nghĩa là tính "phải thế này chứ không thể thế khác" (dù chúng ta có tác động đến hay không, không cần biết!), hay còn gọi là "tính khách quan". Cho nên, khi nói đến hiện thực thì phải hiểu ngầm một cách đầy đủ đó là, như người ta vẫn thường nói, "hiện thực khách quan". Tuy nhiên, đây chính là điều gây cho tớ cái cảm giác ngờ ngợ bất ổn: nếu xét theo cách nhìn khác, không chú ý tới quá trình sinh-tồn-vong mang tính duy nhất của hiện thực, mà chỉ chú ý tới sự thể hiện của nó thôi, thì vì sự thể hiện ấy hình như không nhất quán, không trung thực, nên có vẻ như nó không khách quan hay chí ít, có thể nói tính khách quan vốn dĩ của nó đã bị "lu mờ" đi, không hoàn toàn thực sự nữa, và như thế, coi như hiện thực nhiều ít gì cũng đã bị giả hóa. Chẳng hạn, không cần lấy ví dụ đâu xa, hoạt cảnh chúng mình đang ngồi nhậu đây là một hiện thực. Chắc rằng hai cậu và cả tớ nữa đều thừa nhận hiện thực này là khách quan. Nó khách quan ở chỗ các sự kiện xảy ra trong nó có tính tự nhiên, tuyệt đối duy nhất, chỉ một lần chứ không lặp lại, và nói chung, mỗi chúng ta, người này thấy thì hai người kia cũng thấy về sự hiện hữu của các đồ vật cũng như sự diễn tiến của các hiện tượng trong cuộc nhậu. Thế nhưng ngẫm nghĩ kỹ hơn một chút sẽ thấy cuộc nhậu hiện ra trước mỗi chúng ta là không đồng nhất, nghĩa là có ba hiện thực không hoàn toàn giống nhau về cuộc nhậu. Nếu ngay bây giờ tớ và B cùng nhìn bàn nhậu thì đều cùng thấy cái bàn, bình rượu, đĩa thịt gà, ly, chén... và qua đó mà cho rằng bàn nhậu hiện ra trước tớ và B là như nhau. Nhưng không những nhìn mà tớ và B còn chụp ảnh nữa và đem so hai bức ảnh đó thì sẽ thấy đó là hai hiện thực không trùng nhau về cảnh vật- về vị trí, vóc dáng, màu sắc... của các sự vật hiện hữu trong đó. Như thế, có thể kết luận, sự thể hiện khách quan của một hiện thực chỉ ở mức tương đối, không hoàn hảo... Điều cuối cùng mà tớ băn khoăn nhất ở đây là làm sao đánh giá được trong số hai hiện thực về cùng một khoảng khắc của bàn nhậu ấy (hai bức ảnh), cái nào thể hiện đúng khách quan hơn cái nào?
- Khá lắm! -Thằng B búng tay cái "pách", thốt lên.
Cả ba thằng "không hẹn mà nên", cùng nâng ly cụng cái "cờ... ốp", uống cái "ực" và lần này còn thêm ba cái "khà" đầy hỉ xả. Những âm thanh ấy, lúc thường, chẳng có gì phải "ầm ĩ", nhưng trong bầu lắng đọng đầy bao dung của đêm muộn, nghe sao mà "tròn vành rõ tiếng" đáo để!
Rồi thằng B lại giơ tay xin phát biểu. Tưởng nó định tham luận gì ghê gớm lắm, té ra chỉ là một câu hỏi gọn lỏn:
- Bạn thấy thế nào, C?
- Vấn đề mà bạn và A vừa trình bày rất hấp dẫn. Trong đó có nhiều điều rất thú vị để mà đào sâu suy nghĩ. - Thằng C từ tốn nói - Thú thực ra, mình từ trước đến nay vẫn cứ đinh ninh "hiện thực" có gì đâu phức tạp, trái lại là đơn giản và đã rất rõ ràng, chẳng còn gì phải bận lòng suy nghĩ, tìm hiểu. Đến đây, sau khi nghe hai bạn biện giải mới thấy mình còn rất lơ mơ về bản chất của "hiện thực"... Kỳ lạ thật! Cuộc chuyện trò nãy giờ làm mình sực nhớ đến chuyện này. Số là cách nay hơn hai tuần, mình với thằng em trai nhậu bia ở quán gần nhà nó. Vừa chọn bàn xong, ngồi chờ nhân viên phục vụ tới thì nghe tiếng: "Tính tiền đi em ơi!" ở bàn bên cạnh. Mình nhìn sang thấy hai ông khách có vẻ đã "thấm đòn", một ông mắt lờ đờ ngồi rụt cổ nghe, một ông mắt long lanh ngồi chồm tới nói liên hồi. Chẳng biết ông ta nói gì nữa. Mãi khi họ trả tiền xong, đi qua bàn chúng mình để ra về, mình mới nghe được lõm bõm một đoạn đại ý là: "thực tại" và "hiện thực" là hai thứ khác nhau, con người không thể thấy được toàn bộ và đích xác "thực tại" mà chỉ thấy được một phần nhỏ dưới dạng đã "bị bóp méo" bởi con người của nó gọi là "hiện thực", cho nên "hiện thực khách quan" chỉ tương đối, "thực tại khách quan" mới tuyệt đối. Lúc đó em trai mình cũng nghe được, nhe răng cười: "Uống nhiều quá thành "chiết ra" rồi!". Mình cũng cười, đế thêm: "Sự thông thái nhảm nhí!"... Bây giờ có ông ta ở đây thì tuyệt! Tiếc thật đấy!
-Ừ, tiếc thật đấy! Hì,hì... hì!... Tiếc thật!... Tiếc vì - Thằng A cười, giơ bình rượu lên lắc lắc - hết... "gụ"... "gồi"! Hì,hì... hì!
- Ủa! Hết thật à? Sao mình còn tỉnh thế nhỉ? - Thằng B thảng thốt.
Thằng C đùa:
- Nói hăng quá hả hết rượu chứ thắc mắc gì nữa!... Mà thôi cũng đã khuya, chúng mình nên tản...giá... , ấy chết, suýt nói bậy(!), giải tán đi, có gì bàn tiếp vào cuộc nhậu lần sau...
- Đúng đấy!- Thằng A ủng hộ.
Thế là cuộc nhậu, thú vị nhưng có phần vô hậu, tan hàng.
Vì thế mà bài tường thuật của chúng ta cũng kết thúc.
...Nhưng không phải câu chuyện lớn của chúng ta kết thúc
Và chúng ta tiếp tục nhé!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét