Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 10/b

                                                 Nghiệp Từ Đâu Mà Ra - Nghiệp Báo Nhân Quả

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG X:  TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG


"Dòng tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh, không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn." 
William James

"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là 
biết sử dụng nó." 
Rene Descartes

-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo

Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel

Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic.
Albert Einstein 
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Thomas Paine
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.

Lord Byron 
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.

Thomas Carlyle 
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby

Lời nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie

 

(Tiếptheo)



                                     *** 

Kỳ Na giáo có những quan niệm thật lạ lùng! Tuy nhiên, chúng ta không có "nhu cầu" tìm hiểu sâu nó lắm nên sẽ "lướt qua", bắt đầu bằng lời kể của Will Durant (cũng trong cuốn "Lịch sử văn minh Ấn Độ" của ông mà chúng ta còn "nhớ" được!):
"Triết lý cách mạng của phái Charvaka (coi như) đã chấm dứt thời đại các Vêđa và Upanishad. Nó giảm uy thế của các Bàlamôn và gây ra một khoảng trống (tinh thần) trong xã hội Ấn Độ. Cần có một tôn giáo mới để lấp khoảng trống đó. Nhưng học thuyết của phái đó (tức Charvaka) đã gây ảnh hưởng sâu sắc và thành công đến nỗi hai tôn giáo tới sau, đáng lý để thay thế đức tin trong các kinh Vêđa, thì lạ lùng thay, lại đều là tôn giáo vô thần cả. Cả hai đều thuộc vào phong trào Nastikya (hư vô, theo chủ nghĩa hư vô), cả hai đều xuất phát không phải trong tập cấp tu sĩ, mà trong tập cấp chiến sĩ (Kshatriya), để phản ứng với chủ trương thần học và với thói câu nệ của giới tu sĩ. Hai tôn giáo đó, Kỳ Na Giáo và Phật Giáo, mở màn cho một thời đại mới trong lịch sử Ấn Độ.
(...)
Vào khoảng giữa thế kỷ VI TCN, một em trai sinh trong gia đình quí phái giàu có thuộc bộ lạc Lichchavi, ở ngoại ô châu thành Vaishali, ngày nay là tỉnh Bihar (theo truyền thuyết, Mahavira sinh năm 599 TCN và mất năm 527 TCN, nhưng Jacôbi cho rằng sự thật có lẽ là vào các năm 549 và 477 TCN, nghĩa là khoảng 50 năm sau). Song thân em mặc dù có của, nhưng thuộc vào một giáo phái tin rằng sự tái sinh là một đại bất hạnh mà sự tự tử là một đại phúc trời ban. Khi con trai được 31 tuổi, hai ông bà tự ý tuyệt thực để quyên sinh. Đứt ruột về hai cái tang đó, người con không màng thế tục nữa, cởi bỏ hết y phục, bỏ nhà bỏ cửa mà lang thang trong miền Tây Bengale như một nhà tu hành khổ hạnh để tìm huệ giác và sự thanh khiết. Sau 13 năm hoàn toàn thoát ly xã hội như vậy, ông được một nhóm đồ đệ tôn lên là Jina (có nghĩa là chinh phục, chế ngự), tức là một vị đại sứ đồ, nhà tiên tri, mà theo họ, cứ cách một khoảng thời gian nhất định nào đó lại xuất hiện để đem ánh sáng đạo đức cho Ấn Độ, đồng thời họ đổi tên ông thành Mahavira, vị Đại Anh Hùng, và tự gọi là Jain theo tín ngưỡng đặc biệt của họ. Mahavira thành lập một tăng lữ tự nguyện sống độc thân. Khi ông mất, số tín đồ lên tới 14 ngàn.

Lần lần giáo phái đó dựng nên một hệ thống tín ngưỡng và thành một trong những tôn giáo kỳ cục nhất trong lịch sử nhân loại. Từ một lý luận vô cùng thực tế rằng tri thức nào cũng bị hạn chế, chỉ có tính cách tương đối và tạm thời, họ đưa ra kết luận là không có gì hoàn toàn chính xác, cái mà ta cho là đúng thì xét theo quan điểm khác sẽ thấy là sai. Họ kể chuyện sáu người mù sờ voi. Người sờ tai, bảo voi là một cái nia lớn, người sờ cái cẳng, bảo voi là một cái cột tròn lớn. Vậy phán đoán của con người rất hạn chế, tùy thuộc hoàn cảnh, chỉ những đấng cứu thế, tức Jina, cứ cách một khoảng thời gian nhất định lại xuất hiện, mới nắm được chân lý tuyệt đối. Ngay những kinh Vêđa cũng chẳng giúp con người được gì, lời trong kinh không phải là lời thiên khải, do lẽ là không có Thượng Đế. Các giáo đồ Jain bảo không cần phải tưởng tượng ra một đấng Hóa Công hoặc một tối sơ nguyên nhân nào đó. Một em bé cũng có thể đả phá giả thuyết đó được, vì tồn tại một đấng Hóa Công tự sinh, một tối sơ nguyên nhân không có nguyên nhân là điều vô lý, không thể hiểu nổi, cũng như một thế giới tự xưng không có nguyên nhân. Thà cứ bảo rằng Vũ Trụ đã có từ thuở nào đến giờ, cứ biến chuyển, thay đổi hoài hoài do những năng lực cố hữu của nó chứ chẳng phải do ý chí của vị thần nào cả, thà cứ bảo như vậy lại còn dễ nghe hơn.

Nhưng tinh thần Ấn Độ không hợp với một chủ trương tự nhiên cố chấp tới mức đó. Phái Jain sau khi mời Thượng Đế ra khỏi Thiên Đường rồi, bèn đưa hết thảy các vị thánh trong sử và trong huyền thoại của họ vào. Rồi họ cũng tổ chức các tế lễ, cũng dốc lòng thờ phụng các vị thánh đó, chỉ khác là họ coi các ngài cũng chết, cũng luân hồi, chứ không phải là các đấng sáng tạo và làm ra Vũ Trụ. Họ cũng không phải là duy vật, họ theo quan niệm nhị nguyên, thừa nhận sự tồn tại độc lập của tinh thần bên cạnh vật chất, và cho rằng vạn vật, ngay cả đá và kim thuộc cũng có linh hồn. Linh hồn nào đã sống một đời không tội lỗi thì sẽ thành một Paratmatman - tức tối cao linh hồn - và trong một thời gian khỏi phải bị đầu thai vào một kiếp khác, như vậy là để thưởng công, khi được thưởng đủ rồi thì phải đầu thai nữa. Chỉ những linh hồn cao cả nhất, hoàn toàn nhất mới được giải thoát vĩnh viễn, những linh hồn đó được gọi là Arhat, thượng đẳng thần, sống vui vẻ như các thần của Epicure, trong một cõi xa xăm nào đó, không tác động được tới công việc của loài người, nhưng khỏi phải đầu thai.

Muốn được giải thoát thì theo giáo lý Jain, phải sống khổ hạnh và giữ đúng "giới luật" Ahimsa (thường được dịch là "bất bạo động", cũng có khi là "bất hại", ở đây dịch là "bất tổn sinh" với nghĩa: tuyệt nhiên tránh gây thương tích cho bất cứ một sinh vật nào. Bất bạo động chỉ là một qui kết của Ahimsa. Vì không được làm tổn thương sinh mệnh nên cả khi phản kháng, ta cũng không được bạo động). Nhà tu hành Jain nào cũng phải thuộc nằm lòng năm lời nguyện sau đây: không giết bất kỳ sinh vật nào, không nói dối, không lấy một vật gì nếu không phải là vật tặng, giữ sự thanh khiết và từ chối mọi thú vui của xã hội bên ngoài. Họ cho cái thú vui của ngũ quan là một tội lỗi, lý tưởng phải đạt được là thản nhiên với vui-khổ, hoàn toàn không bị ngoại vật chi phối. Một tu sĩ Jain không được phép cày ruộng vì như vậy phải vỡ đất, giết các côn trùng có trong đất. Cũng không được uống mật, sợ làm hại đến đời sống của con ong, không được lọc nước để uống, sợ làm chết các sinh vật nhỏ li ti trong nước, đốt đèn thì phải che chung quanh ngọn đèn cho các loài sâu (như con thiêu thân) khỏi vô ý đụng vào lửa, và đi đâu thì phải quét sạch đất ở phía trước để khỏi dẫm nhầm lên các sinh vật. (...). Chỉ có mỗi một sinh mạng mà họ có quyền được diệt là sinh mạng của chính họ. Đạo của họ chấp nhận sự tự tử, đăc biệt là cách tuyệt thực để tự tử vì cách này tỏ rõ rằng tinh thần đã hoàn toàn thắng được cái ý chí mù quáng muốn sống. Một số lớn giáo đồ Jain chết theo cách đó và người ta nói hiện nay các trưởng phái còn tuyệt thực để được chết."

Tiếp theo, để "thấy" rõ hơn chút nữa quan niệm về thế giới của Kỳ Na Giáo, chúng ta "trưng ra" thêm vài giảng giải của nhà triết học Chandradhar Sharma, theo nhận thức của ông:
"Theo Kỳ Na Giáo, vật chất có vô số đặc tính và là đối tượng của sự sinh, diệt cũng như sự thường tồn. Toàn bộ Vũ Trụ tuân theo hai phạm trù có tính bất diệt, tự thân, vĩnh hằng và cùng tồn tại là Jiva và Ajiva. Jiva là tinh thần ý thức và Ajiva là không tinh thần không ý thức. Ajiva không chỉ bao gồm vật chất - gọi là "Pudgala", mà còn bao gồm không gian, sự vận động, trạng thái đứng yên và thời gian. (...).
(...)
Ý thức được xem là cốt lõi của linh hồn (chetanalaksanojivah). Mọi linh hồn từ thấp nhất đến cao nhất đều có ý thức. Cấp độ ý thức có thể thay đổi tùy theo mức độ (nặng nhẹ) của nghiệp (karma). Những linh hồn thấp nhất trong nguyên tử vật chất dường như vô thức và không có sự sống, nhưng thực ra ý thức và sự sống hiện diện trong chúng ở dạng tiềm ẩn. Ý thức thuần khiết nhất được tìm thấy trong những linh hồn siêu thoát, không còn vướng vào nghiệp. Tất cả mọi linh hồn đều có bản chất như nhau, "bên trong" sở hữu Niềm Tin Vô Hạn, Tri Thức Vô Hạn, Hạnh Phúc vô Hạn và Quyền Lực Vô Hạn. Một Jiva là một hiểu biết thực sự (jnata), một tác nhân thực sự (karta) và một kinh nghiệm thực sự (bhokta). Nó nằm trong Astikaya dravyas (thực thể có quảng tính (?), nghĩa là có các thành phần vật chất cấu tạo nên có tính chất mở rộng trong không gian), nhưng lại không mở rộng trong không gian như vật chất. Nó giống như ánh sáng. Ánh sáng thắp đầy không gian nơi nó được thắp lên và nhiều nguồn sáng có thể thắp lên ở cùng một chỗ, nhưng chúng không xung đột nhau. Tương tự, linh hồn lấp đầy không gian và nhiều linh hồn có thể cùng "có mặt" với nhau không xung khắc. Do bản thân không có hình dạng, linh hồn lấy hình dạng của thể xác mà nó thể hiện. Linh hồn con kiến cũng bé như con kiến, linh hồn con voi cũng to lớn như bản thân con voi vậy. Linh hồn tồn tại cùng vời thể xác. Mặc dù chúng ta thấy, linh hồn trong thế giới này theo cách nó thể hiện và sở hữu các giác quan. Các mana (ý, ý nghĩ) giúp linh hồn nhận thức, nhưng thật ra chính thể xác, giác quan và mana là những vật cản do nghiệp tạo nên, không để cho linh hồn có thể nhận thức trực tiếp. Tri thức không phải là tính chất của linh hồn mà là phần cốt lõi thiết yếu của nó. Do đó, mọi linh hồn có thể nhận biết mọi sự vật một cách trực tiếp và tức thời, nếu không bị vật chất cản trở. Giải thoát khỏi vật chất sẽ giúp linh hồn trở nên thông tuệ và siêu thoát.
(...)
Nghiệp là sợi dây liên kết linh hồn với thể xác. Sự thiếu hiểu biết về chân lý và bốn cảm xúc mạnh mẽ - giận dữ (krodha), tham lam (lobha), kiêu ngạo (mãna) và lừa dối (maaya), gọi chung là Kasaya, nghĩa là bản chất sân si do những thành phần nhỏ của nghiệp "kết dính" lại với nhau, hút dòng sắc nghiệp về phía linh hồn. Trạng thái khi những thành phần nhỏ của nghiệp xâm nhập vào linh hồn để trói buộc nó gọi là dòng chảy (asrava). Trạng thái khi những thành phần nhỏ này chiếm lấy linh hồn và trói buộc nó, gọi là sợi dây ràng buộc, hay sự trói buộc (bandha). (...). Trong trói buộc, sắc nghiệp và linh hồn xâm nhập vào nhau một cách mật thiết, như nước hòa với sữa, lửa kết hợp với quả cầu sắt nung đỏ. Vì lý do này, chúng ta thấy sự sống và ý thức ở mọi phần của thể xác. Nếu có được và thực hành được niềm tin, tri thức và phẩm hạnh đúng đắn, thì mới có thể chấm dứt được sự xâm chiếm của nghiệp. Trạng thái này gọi là ngăn chặn (samvara-điều cấm). Sau đó, phải làm cho cạn kiệt nghiệp có sẵn. Trạng thái này gọi là trút bỏ (nirjara). Khi thành phần nhỏ cuối cùng của nghiệp thoát ra khỏi linh hồn, thì sự kết hợp giữa linh hồn và vật chất bị tan rã hoàn toàn, và linh hồn sẽ lại chiếu sáng trong niềm tin, tri thức, niềm sung sướng tột cùng và quyền năng vô hạn như bản chất vốn có. Trạng thái này gọi là giải thoát (moksa), và linh hồn lúc này đã đạt đến sự thông tuệ (kevala-jnana). Linh hồn giải thoát vượt lên sự luân hồi (samsara) và tiến thẳng đến siddha-shila (đây là sự giải thoát ở mức độ cao nhất của Vũ Trụ và linh hồn đạt được tri thức cũng như hạnh phúc vĩnh hằng). (...) Như vậy, ta có thể xem giáo lý của Kỳ Na Giáo chủ yếu là giáo huấn đạo đức nhằm mục đích hoàn thiện linh hồn. (...)

Những đam mê (si) sẽ thu hút dòng chảy sắc nghiệp vào trong linh hồn. Và những đam mê này là do vô minh mà ra. Do đó, vô minh mới thực sự là nguyên nhân của sự trói buộc. (...). Vô minh chỉ có thể bị loại bỏ bằng tri thức. Như vậy, tri thức đứng đắn là "cửa mở" cho sự giải thoát. Tri thức đúng đắn này được tạo ra bởi niềm tin vào những giáo lý của các tu sĩ đã thông tuệ (tirthankara). Vì vậy niềm tin là rất cần thiết. Chỉ có phẩm hạnh đúng đắn mới hoàn thiện được tri thức, bởi vì lý thuyết không thực hành là trống rỗng và thực hành không có lý thuyết là mù quáng. Tri thức đúng đắn xuất hiện khi tất cả nghiệp (karma) bị tiêu diệt bởi phẩm hạnh đúng. Cuối cùng, niềm tin đúng đắn, phẩm hạnh đúng đắn và tri thức đúng đắn kết hợp lại làm hình thành nên con đường giải thoát. Niềm tin (samyak darshana), tri thức (jnana) và phẩm hạnh (charitra) đúng là ba viên ngọc (tri-ratna) của Kỳ Na Giáo. Chúng gắn bó với nhau và sự hoàn thiện của mỗi yếu tố gắn liền với đòi hỏi phải hoàn thiện hai yếu tố kia.

(...). Chỉ có năm bước rèn luyện tinh thần cơ bản trong Kỳ Na Giáo. Đối với các tu sĩ, các bước này phải được tuân thủ nghiêm ngặt, cứng rắn và khắt khe. Trong khi đó, với các tín đồ, chúng có phần nào được thực hiện linh động hơn. Năm lời thề của tầng lớp tăng lữ gọi là "lời thề cao cả" (maha-vrata), còn những lời thề của tín đồ là "lời thề bình thường" (anu-vrata). Những lời thề này là:
  1. Ahimsa: không gây tổn thương trong suy nghĩ, lời nói hay việc làm, bao gồm cả việc kiêng cữ thụ động, tránh gây thương tổn thực sự cho bất kỳ chúng sinh nào, đồng thời là việc giúp đỡ nhiệt thành những sinh vật đau khổ.
  2. Satya: đúng đắn trong suy nghĩ, lời nói hay hành động.
  3. Asteya: không ăn cắp, tức là không lấy bất kỳ cái gì bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động mà không thuộc về mình.
  4. Brahmacharya: kiêng cữ, tránh đam mê lạc thú qua suy nghĩ, lời nói hay hành động.
  5. Aparigraha: quên mình, hy sinh bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động.
Đối với tu sĩ, những lời thề này phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đối với tín đồ, chúng có thể linh động và được nới lỏng. Ví dụ, brahmacharya chỉ hạn chế ở sự giản dị và Aparigraha chỉ là tùy lòng.

(...). Hơn nữa, mặc dù Kỳ Na Giáo phủ nhận Thượng Đế, nhưng nó không phủ nhận bản chất thiêng liêng của thánh thần. Mỗi linh hồn giải thoát là một vị thánh. Những tirthankara là những thể chất có sống có chết như chúng ta, nhưng đã đạt được sự giải thoát bằng những nỗ lực bản thân và luôn luôn ở đó cổ vũ chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành những jina ("người chiến thắng", đã thiền đạt đến giác ngộ, đã thoát nghiệp), vì việc gì con người làm được thì ta cũng làm được. Như vậy, với việc chối bỏ Thượng Đế, không cần đến một Thượng Đế để giải thích tạo hóa vì thế giới này chưa bao giờ được tạo ra cả, vì sự sinh ra, sự hủy diệt và sự thường hằng là đặc trưng cho tất cả vật chất, vì vạn vật có sinh thì có diệt tùy theo những dạng thức của chúng, Kỳ Na Giáo chính là một tôn giáo không có chỗ cho sự sùng bái, mong đợi sự cứu rỗi từ bên ngoài, chỉ xác định sự tự lực đốt cháy tất cả cảm xúc và ham muốn bằng ngọn lửa khổ hạnh nhằm giải thoát. Tuy nhiên trong thực tế, do sự yếu đuối của một con người không thể vượt lên trên cái logic nghiêm khắc đó và phần nào vẫn chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn, giáo đồ Kỳ Na Giáo nói chung vẫn tôn sùng những Tirthankara, vẫn xây dựng những đền thờ, thần tượng để tôn thờ các vị thần của mình".

Rồi Chandradhar Sharma phê phán:
"Tinh thần được xem là sở hữu ý thức thuần túy, niềm hạnh phúc thuần túy, sức mạnh thuần túy và niềm tin thuần túy. Vật chất được xem là vô thức, không có sự sống và là một trở ngại nguy hiểm. Karma được giả định là sợi dây liên kết, gắn linh hồn với vật chất. Karma là do đam mê mà ra, đam mê là tại vô minh. Lúc này câu hỏi đặt ra là, làm thế nào linh hồn có ý thức, sức mạnh thuần túy lại có thể bị nhiễm vô minh, đam mê và karma? Các nhà Kỳ Na Giáo đã không có câu trả lời thực sự cho câu hỏi đó. Nếu vô minh và karma tách biệt khỏi linh hồn, thì không cần có sự giải thoát, vì nếu vô minh và karma nằm ngoài linh hồn, thì không thể có sự trói buộc. Mặt khác, Kỳ Na Giáo cho rằng, kinh nghiệm chỉ ra tinh thần và vật chất không bao giờ tồn tại như hai thực thể tách biệt, và với chúng ta, chúng luôn hiện diện như là chúng trộn lẫn vào nhau và tác động lẫn nhau. Vì vậy, sự kết hợp giữa tinh thần và vật chất được xem là vô thủy. Nhưng nếu tinh thần và vật chất thực sự bị cột chặt vào nhau một cách vô thủy, thì các nhà Kỳ Na Giáo sẽ phải từ bỏ mọi hy vọng giải thoát, vì cái gì là thực và vô thủy sẽ không bị tẩy trừ đi. Tại sao không thừa nhận một cách thẳng thắn rằng tất cả cả những điều này là do vô minh (avidya) vô thủy? Tại sao không xem tinh thần và vật chất là hai khía cạnh của cùng hiện thực, và cuối cùng sẽ vượt lên cả hai? Không ai phủ nhận tính tương đối và tính đa nguyên trong thế giới kinh nghiệm. Chỉ có một điều, tính tương đối và tính đa nguyên này không phải là chân lý cuối cùng. Nó có thể hiện hữu nhưng không thực. Nếu kevala-jnana (nghĩa trí-trí huệ, tạm hiểu tinh thần thông tuệ, thấu tỏ mọi sự) là một hiện thực, nếu bản chất vốn có của tinh thần là ý thức thuần túy và hạnh phúc thuần túy, nếu vô minh là nguồn gốc của sự trói buộc, nếu sự kết hợp của tinh thần và vật chất là vô thủy, nếu tính tương đối và tính đa nguyên là những điều cần thiết của cuộc sống kinh nghiệm, thì Kỳ Na Giáo cần phải chấp nhận cái tuyệt đối để tránh những mâu thuẫn".
Có phần tương tự, giáo sư Hiriyanna cũng phê phán:
"Đặc tính miễn cưỡng trong thẩm tra của giáo đồ Kỳ Na Giáo được thể hiện qua hình thức đánh giá bảy bước (syadvada, tạm hiểu như là một hệ thức luận về tính tương đối của sự cảm thức), chỉ dừng lại ở chỗ gom những quan điểm cục bộ lại với nhau, mà không cố gắng vượt qua sự đối nghịch trong chúng bằng một tổng hợp thích đáng. Lý do là vì, nếu đó không phải là thành kiến đối với thuyết tuyệt đối luận thì cũng là ý muốn bám chặt vào những niềm tin thông thường"
Súc tích hơn cả có lẽ là ý kiến phê phán của tiến sĩ triết học S. Radhakrishnan:
"Theo quan điểm của chúng tôi, logic của Kỳ Na Giáo dẫn dắt chúng ta đến chủ nghĩa duy tâm nhất nguyên, và khi giáo đồ Kỳ Na Giáo lưỡng lự với điều đó, họ biến thành những kẻ không trung thành với logic của chính mình...Lý thuyết về tính tương đối không thể được chấp nhận một cách có logic, nếu không có giả thuyết về một cái tuyệt đối. Lập luận logic của Kỳ Na Giáo không nhận ra nhu cầu giáo luật cơ bản này bởi vì nó quan niệm cục bộ cho toàn bộ chân lý. Những giáo đồ Kỳ Na Giáo không thể chứng minh một cách logic học thuyết đa nguyên luận".

Đành rằng quan niệm về thực tại (thế giới quan và nhân sinh quan) của Kỳ Na Giáo đã phạm sai lầm. Nhưng xét ở tầm rộng hơn, sự phạm sai lầm ấy không phải là riêng có của tôn giáo này mà có tính phổ biến trong suốt thời cổ đại, và thậm chí ở mức độ nào đó còn tồn tại đến ngày nay trong tất cả các niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, chỉ có điều là hình thức thể hiện ra sao, nổi trội hay ẩn dấu như thế nào mà thôi. Có thể nói, nhận thức tự nhiên nói chung ở một thời đại phản ánh trình độ tri thức của loài người ở thời đại đó, và ngược lại, trình độ tri thức nói chung của một thời đại làm xuất hiện sự bảo thủ, gây ra những khống chế, ràng buộc, kìm hãm khả năng tăng tiến quan niệm về thực tại của loài người ở thời đại đó. Và chính sự "ngăn chặn" này, trước những đòi hỏi tất nhiên nảy sinh trong quá trình tiếp tục đi tìm hiểu thực tại khách quan của con người, đã tạo ra bức xúc có tính động lực dẫn đến bước nhảy (cách mạng) về nhận thức, đưa tri thức loài người lên tầm cao rộng mới, đúng đắn hơn, hoàn chỉnh hơn.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét