Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 9/u


                                        
Bài 05 – Do Thái giáo [Phần 01] – TS.Nguyễn Trọng Hạnh


PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI

-"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại." 
Bleiste

-"Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì?Đó chính là lòng yêu nước"
Napoleon.

-"Nhân loại luôn có một chỗ độc đáo:
nó lưu giữ hai bộ phép tắc đạo đức - một bộ lén lút, một bộ công khai; một bộ chân chính, một bộ làm bộ làm tịch"
 
Mark Twain

-“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng...”
 
Vidhusekharsastri

-"Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, bạo lực phi lý và tất cả những điều vô nghĩa nhân danh lòng ái quốc – tôi mới căm ghét chúng làm sao!"
Albert Einstein

-"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng".
Aleksandr Solzhenitsyn

-"Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước".
Alexander Hamilton

-"Anh có thể rứt bỏ con người khỏi xứ sở họ, nhưng anh không bao giờ có thể rứt bỏ được xứ sở nơi lòng người"
 
John Don Passos 





(Tiếp theo)



Quan niệm nói chung về đạo đức hiện nay (mở rộng ra, gồm của mọi "triết", mọi "đạo", kể cả đạo Phật-đạo được bá tánh phương Đông thừa nhận là giàu tình thương nhất, cái đạo "ngời ngời" là "giáo" mà cứ "khăng khăng" tự gắn nhãn mác cho mình là "thuần triết", tín ngưỡng rành rành mà cứ nói là duy lý!), rõ ràng là còn "vòng vo", chưa đích đáng, chưa chỉ ra được một cách rạch ròi và dứt khoát căn nguyên tự nhiên khách quan phát sinh ra chuẩn mực đạo đức, do đó mà có sự "kêu gọi" tình yêu thương "hơi bị" tràn lan nhưng vẫn ở mức độ còn "lỏng lẻo", "nhạt nhòa" (đôi khi dễ bị đàm tếu như "lao động là vinh quang", "yêu CNXH", "kính Chúa yêu nước", "vì nhân dân quên mình", hay theo lời Phật: “Hãy phấn đấu vì hạnh phúc và an lạc của những người khác”, “Phục vụ là hạnh phúc và hạnh phúc chính là phục vụ”,...), gây ra sự "ú ớ" cho đại chúng trong việc nhận thức chuẩn mực đạo đức, nhất là vẫn còn nhiều lẫn lộn khi đặt nó trong mối liên quan tới hai khái niệm "văn hóa" và "văn minh". 
Nếu xét đến tận cùng khách quan, loài người chỉ có duy nhất một chuẩn mực đạo đức mà theo chúng ta, Lão Tử được coi như là người đầu tiên của nhân loại chính thức nêu ra nội dung cốt lõi, giản dị của nó. Nhưng thể hiện cô đọng nhất, thâm thúy nhất mà cũng dễ "thấy" nhất (nghĩa là ngàn đời nay, nếu nói ra thì ai cũng "gật đầu", "ngộ" được ngay!), không hề có tính "rao giảng", "lên dây cót não trạng" về quan niệm đạo đức, chắc phải là câu này của nhà triết học S. Radhakrishnan: "Hãy sống và hãy để người khác sống với". Và từ đó cũng có thể rút ra được nội dung "căn cốt" của chuẩn mực "muôn đời" về đạo đức xã hội, mà nếu xét ở góc độ "vô cảm", thì chắc là "Biết hòa hợp với cuộc sống đồng loại trong sự gìn giữ cuộc sống mình", còn nếu xét ở góc độ "hữu tình", thì chắc là "Biết trân trọng cuộc đời đồng loại như trân trọng cuộc đời mình". 
Trong thực tiễn vận động xã hội, trong những lĩnh vực, trường hợp cụ thể của đời sống, nội dung đó được cảm nhận và được thi triển ở những cung bậc "nông-sâu" khác nhau, với những ít nhiều "biến thái" lệch nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau, tùy thuộc vào trình độ nhận thức cũng như mức độ từng trải cuộc sống, tùy thuộc vào tập quán, tín ngưỡng cũng như lập trường tư tưởng về thị phi xã hội, và cả tùy thuộc ít nhiều vào trạng thái thịnh-suy vật chất lẫn tinh thần của thời cuộc của chủ thể quan niệm (cá nhân, tầng lớp, đảng phái, quần thể...)...

"Chơi bời" vòng vo nãy giờ kể cũng "quá đã" rồi, chúng ta nên quay lại "kết" cho xong câu chuyện về "ông" Charvaka.

Tóm lại, dù sinh ra để rồi lại chết đi như chưa hề được sinh ra thì sự sinh ra ấy cũng vẫn là nỗ lực vì sự sống, hun đúc nên sự "cố gắng" tìm ăn, sự "ra sức" tự vệ nhằm duy trì sống còn ở mỗi sinh thể, mà đối với con người, sống và hơn nữa được sống trong ấm no vui sướng đã trở thành mục đích ưu tiên tối thượng của ý chí. Nguyện vọng trước hết và tha thiết nhất ở mỗi con người bình dân nói riêng và toàn thể tầng lớp bình dân (đóng vai trò nền tảng xã hội) nói chung là được sống trong an lành, được thừa hưởng một cách thích đáng trong công bằng thành quả lao động mà bản thân mình tạo ra. Vào thời Ấn Độ cổ đại giai đoạn Upanishad, sự phân liệt xã hội theo hướng bất công về quyền lợi ngày một sâu sắc giữa hai tầng lớp thống trị và bị trị, sự duy trì và tăng cường một cách có ý chí tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần không ra" bằng bạo lực của giới hiệp sĩ quí tộc và phủ dụ của giới tăng lữ Bàlamôn, đã tất yếu làm nảy sinh tinh thần bất mãn, phản kháng ngày một tăng trong tầng lớp bị trị (tầng lớp, chủ yếu gồm đại chúng bình dân, rõ ràng là hứng chịu hầu như mọi bất công về quyền lợi trong xã hội, mà đã gọi là bất công thì mặc nhiên phải hàm chứa trong nó sự vô luân, thất đức rồi!). Đó là nguyên nhân trực tiếp làm nảy sinh ra những nghi vấn từ đại chúng bình dân đối với định ước chân lý của giáo thuyết Bàlamôn. Nếu sự bất mãn cuộc sống đã làm xuất hiện những nhân tố hình thành tư tưởng vô thần, thì việc tìm kiếm lời giải đáp trong hiện thực về sự tồn tại bất công xã hội đã làm xuất hiện những nhân tố hình thành chủ nghĩa duy vật Charvaka. 

Có thể nói hệ tư tưởng Charvaka trước hết là con đẻ của đại chúng bình dân Ấn Độ thời Upanishad, được sinh ra từ tinh thần bất mãn, phản kháng cũng như nguyện vọng chính đáng của họ nên về đại ý cũng hợp đạo và đức (nghĩa là hợp lẽ tự nhiên), sau đó là sự kết tinh lý luận lại cái tinh thần (hướng tới) duy vật của tín ngưỡng phồn thực ẩn chứa tiềm tàng trong thánh kinh Vêđa theo cách nhìn nhận được định hình từ thực tiễn xã hội sinh động của thời đại mới, của con người mới. Chính vì vậy mà chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại, một mặt, nếu quan sát dưới góc độ như một chủ trương chính trị xã hội, theo quan điểm còn định kiến khinh thị giai cấp, và hơn nữa đã ít nhiều bị xuyên tạc bởi hệ thống giáo lý Bàlamôn đang thống trị tinh thần xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, thì hầu như chỉ thấy ở nó cái vẻ ngây ngô, thực dụng tầm thường kiểu "phàm phu tục tử", nhưng mặt khác, nếu quan sát trên bình diện một học thuyết triết học xã hội, một cách công tâm nhất, trên cơ sở quan niệm đạo đức bình dị nhất, do đó mà cũng khách quan nhất (và đó cũng chính là quan niệm đạo đức của đại chúng cần lao!), thì sẽ thấy được ở nó nổi bật lên một tầm vóc suy lý trác việt hàm chứa trong cái quan niệm đầy hợp lý và thấm đẫm nhân đạo về đời sống xã hội-nhân sinh của nó, hơn nữa là trong cái quan niệm xuất sắc về sự nhận thức, tiếp cận chân lý khách quan của nó (mà thậm chí đến tận hôm nay, không ít điều trong đó vẫn còn nét thâm hậu, chưa một ai thấu tỏ thực sự được!), với vai trò có ý nghĩa như bước đi tiên phong, sơ phác của nhân loại trên con đường dẫn tới chủ nghĩa thực chứng sau này trong nhận thức khoa học. 
Đúng là trên bàn tròn "công khai" tranh biện xã hội, sự hiển hiện của Charvaka như một "thực thể tư tưởng" của chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại có tính "bạo phát bạo tàn", nhưng không phải như thế có nghĩa là nó đã bị "khai tử" trong đời sống tinh thần xã hội, mà trái lại, không những nó vẫn tồn tại hồn nhiên, bền bỉ dù bàng bạc, chân thực dù vô hình trong tâm tưởng đại chúng Ấn Độ, mà còn có tác động thực sự tích cực, vừa trực tiếp, vừa như một "xúc tác" làm chuyển biến nhận thức triết học về xã hội-nhân sinh theo hướng bớt mê muội hơn, bớt cuồng tín hơn, cũng có nghĩa là xác đáng hơn, phù hợp với thực tại cuộc sống hơn. Không thể nói khác được, dù nhận thức còn không ít thiển cận dẫn đến những biểu hiện cực đoan, bế tắc, (nhất là việc thẳng thừng phủ nhận sự tồn tại vong hồn, hiện tượng tinh thần cực kỳ huyền bí đối với suy lý và niềm tin duy vật từ quan sát trực giác nhưng cũng khó bài bác nó cho ra lẽ được, trước sự tồn tại đầy hư-thực của nó mà đại chúng đã chiêm nghiệm được từ lâu trong rất nhiều trường hợp, thuộc lĩnh vực tâm linh, lĩnh vực mà đến tận ngày nay vẫn không có cách nào làm cho thực sự sáng tỏ để chối bỏ hay xác nhận được và vì thế vẫn là "thử thách vàng đá" đối với triết học duy vật cũng như đối với khoa học thực nghiệm) do bị khống chế bởi trình độ hiểu biết hạn định mang tính thời đại (nhất là trong bối cảnh khoa học tự nhiên hầu như còn "trắng tay"), thì chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại (có vẻ thực dụng và hướng tới thực chứng), dù không thể sánh được với Đạo của Lão Tử về sự cao diệu, cứ vẫn là thành quả đột khởi mang tính cách mạng về nhận thức tự nhiên-xã hội của nhân dân Ấn Độ nói riêng và của loài người nói chung.

(Nói thêm ngoài lề, chúng ta hiểu tâm linh là hiện tượng tinh thần xảy ra trong hiện thực, có thực nhưng huyền bí trước nhận thức khoa học. Thời xa xưa, tâm linh là lĩnh vực rất rộng, bao gồm ngoại cảm (hiện hồn, gọi hồn, thấu thị, thấu thính, thần giao cách cảm...), rồi thiền ngộ, tác dụng từ xa của khí công..., cho đến thôi miên, báo mộng..., thậm chí cả mộng du, giấc mơ... Ngày nay, nhờ tiến bộ khoa học-kỹ thuật đã giải tỏa được phần nào, dù chưa cơ bản, thì lĩnh vực tâm linh cũng đã bị thu hẹp lại. Chính điều này đã gợi ý cho chúng ta rằng dù có thể là lâu nhưng trước sau gì loài người cũng sẽ "nuốt trôi" được "cục xương" tâm linh (và cả "cục xương" UFO- vật thể không xác định được) trên cơ sở khoa học.
Theo ý kiến riêng tư, tâm linh hiện nay bao gồm từ những hiện tượng như đầu thai, gọi hồn, gặp người đã khuất (ngoại cảm tìm mộ ở VN)..., đến các hiện tượng như trí tuệ thần đồng, không học mà biết, tiên tri linh cảm tương lai xa... đều là những hiện tượng có thật. Do đó. không nên coi tâm linh là một thứ gì đó huyền bí, liệt nó vào mê tín dị đoan, mà phải coi nó có nguồn gốc khoa học và tương lai sẽ được giải thích một cách căn cơ bằng khoa học. 
Giả dụ, có thể đoán rằng, tương tự như cấu trúc nguyên tử, phân tử, nó vẫn được bảo lưu tồn tại khi sinh linh chết đi, khi cơ thể sinh linh phân rã. Bộ não người rất linh diệu, vận động cơ bản tương tự như nguyên lý cảm ứng điện từ và ta tạm gọi là "cảm ứng sinh học". Khi một người nào đó chết đi, có thể ở dưới tầng vi mô, cấu trúc vận động của bộ não ấy (nhất là những bộ não chết trẻ, chết oan) vẫn được bảo lưu dù không còn hoạt động hoặc hoạt động ở nhịp độ thấp. Nó sẽ hoạt động linh hoạt trở lại ở một mức độ nhất định nhờ vào sự cảm ứng sinh học của những bộ não còn sống (nhất là những bộ não của những người thân, ruột thịt), gây ra những hiện tượng tâm linh như ngoại cảm, lên đồng. sự bừng tỉnh của người sống đời sống thực vật trong thời gian lâu.... Những nhà bác học thế hệ trước, khi chết đi, có thể vẫn lưu lại ở chừng mực nhất định những tích tụ muốn phát minh, những khát khao khám phá bằng cách làm biến đổi cấu trúc bộ não. Vì một lý do nào đó mà khi được kích hoạt, những bộ não này sẽ gây cảm ứng sinh học về những dấu ấn trăn trở khoa học của thế hệ đi trước lên các bộ não đang thời kỳ hình thành hay còn non trẻ, gây nên những hiện tượng tâm linh như đầu thai, truyền kiếp, thần đồng...
Chúng ta hãy đặt niềm tin vào khoa học, vì chỉ có khoa học mới đủ khả năng dẫn dắt chúng ta đến tận cùng sáng tỏ của sự hiểu biết về thực tại khách quan. Và không ngành khoa học nào khác mà chính vật lý học sẽ đi tiên phong để thực hiện sứ mạng đó, nhưng muốn như thế, tiên quyết nó phải thực hiện được bước tiến cách mạng trong nhận thức của chính bản thân nó, triệt để hơn cả thời "Tai biến tử ngoại" - thời làm hình thành nên thuyết Tương đối và Cơ học lượng tử. 
Nếu đúng thế thì chừng nào triết học duy vật vẫn còn "khăng khăng" không thừa nhận hiện tượng tâm linh là một sự thật thì chừng đó nó vẫn cực đoan, chưa biện chứng, nghĩa là còn lầm lạc. Ngược lại, cứ cố giải thích hiện tượng tâm linh trên cơ sở niềm tin về sự tồn tại "có vẻ" thực sự khách quan của Phật-Chúa-Thánh cùng với năng lực "dẫn dắt" siêu nhiên của "họ", thì cũng cực đoan tương tự, nghĩa là lầm lạc nốt!).

(Hết chương IX) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét