Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 10/k


                                                          Kính thiên văn vũ trụ Hubbles

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG X:  TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG


"Dòng tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh, không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn." 
William James

"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là 
biết sử dụng nó." 
Rene Descartes

-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo

Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel

Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic.
Albert Einstein 
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Thomas Paine 
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.

Lord Byron 
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.

Thomas Carlyle 
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby

Lời nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie





 (Tiếp theo)


                                  *** 

Trước hết, chúng ta cho rằng ba anh chàng A, B, C, vì chưa thấy được sự "thiểu năng" của khái niệm cũng như chưa thấy được mối quan hệ uyển chuyển, sinh động, có thể chuyển hóa qua lại nhau một cách hình thức giữa tính khách quan và tính chủ quan, nên đã làm cho cuộc trao đổi trở nên "hoang mang giao động".

Tiện đà, chúng ta đặt lại câu hỏi: "Hiện thực là gì?". Muốn nhận thức đúng đắn được bản chất của hiện thực thì phải "chú ý" đến thực tại, nghĩa là cần phân biệt dứt khoát sự khác nhau giữa hai khái niệm "hiện thực" và "thực tại". Chúng ta cho rằng thực tại cũng phải được hiểu là thực tại khách quan, và sự khách quan này là khách quan tuyệt đối. Vì, một thực tại khách quan là một vùng (khoảng) không - thời gian với bao gồm toàn bộ sự vật-hiện tượng thuộc về nó và vốn dĩ tồn tại. Ở tầm sâu rộng nhất, cùng cực nhất về không - thời gian thì thực tại khách quan chính là Vũ Trụ tổng thể các sự vật-hiện tượng mà chúng ta còn gọi theo tên khác là Tự Nhiên Tồn Tại để nêu bật tính khách quan tuyệt đối (tính tự nhiên) của Nó. Còn hiện thực thì được chúng ta hiểu là phần "hiện ra" của thực tại khách quan. 
Đã "hiện ra" thì phải hiện ra trước cái gì hay những cái gì chứ không thể hiện ra trước Hư Vô được, và như thế, (những) cái gì đó chính là (những) thực thể, cũng có nghĩa là (những) giác hay cảm giác. Nghĩa là không có giác hay cảm giác thì không có hiện thực khách quan! Nói cách khác, hiện thực là một phần nào đó của thực tại khách quan "lộ ra" trước một thực thể sau khi thực thể tiếp nhận, cảm nhận, nhận thức thông qua giác, cảm giác, cảm thức. Mức độ "lộ ra" về qui mô sâu-rộng cũng như về tính chân thực (hay nói ngược lại là tính giả tạo) hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng, cách thức, trình độ cũng như trạng thái, vị trí của giác, cảm giác, cảm thức, hay nói gọn lại là tùy thuộc vào "tính chủ quan" của thực thể tri-giác. 
Xét cho đến cùng thì sự "chủ quan" của thực thể tri - giác có nguyên nhân khách quan, nhưng ở mức độ, phạm vi nhìn nhận nào đó cũng có nguyên nhân chủ quan, và như vậy, có thể phân tương đối sự chủ quan thành hai loại là chủ quan tuyệt đối (có tính mặc định, ổn định, do phương thức cấu tạo và vận động nội tại đặc thù của thực thể tri-giác qui định) và chủ quan tương đối (có tính bất định, biến đổi theo tình thế, trạng thái của thực thể tri - giác). 
Vì có nguồn gốc khách quan, được tự nhiên qui định nên tuyệt đối không thể loại trừ sự chủ quan "ra khỏi" quá trình tri - giác của thực thể, mà chỉ có thể hạn chế, khắc phục phần nào. Suy ra từ những lẽ đó, chúng ta cho rằng, một cách tuyệt đối, không thể có hiện thực khách quan mà chỉ có hiện thực chủ quan, hơn nữa, nói đến hiện thực thì phải là hiện thực của một thực thể tri - giác xác định, và như vậy, từ cùng một thực tại khách quan không thể hiện ra hai (hay nhiều) hiện thực chủ quan giống hệt nhau, trùng khít nhau một cách tuyệt đối. Chắc như bắp, hiện thực của cây cối phải khác "xa lắc" hiện thực của động vật, hiện thực của con vi khuẩn mà giống hiện thực của con người thì thật là "ghê hồn bạt vía"! 
Hai hiện thực của hai con người về cùng một thực tại khách quan dù có vẻ rất giống nhau cũng không thể trùng khít nhau được, bởi "ít nhất" cũng tại điều rất đơn giản này: tương tự như hai hệ thiết bị quan sát thiên văn, được chế tạo giống hệt nhau một cách lý tưởng, đồng thời quan sát cùng một khoảng Vũ Trụ, thì vì không có bất cứ cách nào làm cho góc độ quan sát của chúng tuyệt đối trùng nhau được, nên hai hiện thực của hai hệ vẫn là hai hiện thực khác nhau (dù có nhiều nét tương đối (hay "tưởng rằng") giống nhau).

Tuy nhiên, chính hiện tượng dù tuyệt đối khác nhau nhưng cũng tương đối giống nhau của hai hiện thực trong ví dụ nêu trên đã gợi ý cho chúng ta về một hiện thực tương đối khách quan, hay có thể gọi là "hiện thực khách quan của những thực thể có cùng chủ quan tuyệt đối về tri - giác". Hiện thực khách quan tương đối đó cũng chính là hiện thực chủ quan tuyệt đối của những thực thể tri - giác chưa có nhận thức hoặc chưa qua nhận thức (hiện thực của một đài quan sát thiên văn, bản thân nó, là hiện thực chủ quan tuyệt đối, nhưng khi đã bị con người "bình giảng" rồi thì tính chủ quan của nó không còn tuyệt đối nữa vì đã bị sự nhận thức xâm phạm, lũng đoạn, và thậm chí coi như đã chuyển hóa thành hiện thực khách quan của con người!). 
Nhưng thông qua quan sát, suy lý và nhận thức dài lâu, loài người sẽ thiết lập được một hiện thực chung, mô tả đúng đắn các qui luật tự nhiên, tương đối khách quan, tương đối đồng nhất với thực tại khách quan đích thực, và loài người gọi đó là hiện thực khách quan, đồng thời cũng thường gọi lầm lẫn với thực tại khách quan đích thực là thực tại khách quan.
 
Thực ra, chỉ vì mục đích cố tỏ rõ bản chất của hiện thực mà chúng ta nói đến cái gọi là hiện thực của vật vô tri-vô cảm, chứ khó lòng mường tượng được cách thức tồn tại của cái hiện thực ấy, dù nó... có thật(!). Phải chăng vì ở vật vô tri - vô cảm không có hồi ức nên nó cũng tuyệt nhiên "không biết" quá khứ và do đó hiện thực của nó chỉ là hiện thực "đang xảy ra thực sự"? Nhưng phải hiểu thế nào về cái khoảng thời gian "đang xảy ra thực sự" ấy? Trong khi chờ đợi một hình dung "kín kẽ" nhất, có lẽ "đành" tạm thời hình dung rằng, mỗi một thực thể đều có cái gọi là "đơn vị thời gian riêng", có độ dài lâu được qui định bởi cách thức cấu tạo-vận động nội tại thực thể (như thế, những thực thể có nội tại giống nhau thì có đơn vị thời gian riêng giống nhau), và đó cũng chính là khoảng thời gian hiện thực "đang xảy ra thực sự" của thực thể(?)... Thôi, để bớt phần rắm rối, phải "rào trước đón sau" nhiều quá làm lan man thêm câu chuyện vốn đã lan man đến... phát sợ (!), chúng ta sẽ thu hẹp "sự kể lể" về hiện thực trong phạm vi hiện thực của con người nhận thức.

Không có cảm giác và hồi ức, thực thể chỉ có được một hiện thực biến đổi, hoàn toàn bất ổn, phiến diện, manh mún và... mù tịt. Ở con người, một mặt do chỉ cảm giác tự nhiên được một khoảng ở tầng Vũ Trụ vĩ mô mà thiên nhiên "qui định", mặt khác nhờ sở hữu được một năng lực cảm giác sinh học ở tầm cao nhất là trực - gián giác, một hồi ức sinh học dài lâu và bền vững nhất trong thế giới sinh vật, chưa kể còn được hỗ trợ đắc lực bởi sự nhận thức ngày một tăng tiến cũng như bởi những công cụ, thiết bị giác và lưu nhớ nhân tạo ngày một hiện đại, mà hiện thực của nó có tính ổn định, tổng thể, sáng tỏ, tồn tại lâu dài theo thời gian, đồng thời cũng có tính ngày một thấu suốt, ngày một sâu rộng, ngày một khách quan. Như đã nói, thiên nhiên, một cách trực tiếp, chỉ có khả năng ban cho loài người một cách hạn định về năng lực cũng như số loại hình cảm giác phù hợp với lối sống trong thiên nhiên của nó, sao cho vừa đủ đáp ứng những đòi hỏi trong hoạt động sinh tồn của nó. Nghĩa là con người chỉ có thể cảm giác trong phạm vi (tạm gọi là) "tầm sinh học", hay có thể nói, chỉ cảm giác trực tiếp được theo cách đặc thù, mang tính thực dụng (nên cũng có hạn độ) những thứ cần cảm giác nhằm mục đích duy nhất và sát sườn là phục vụ đời sống (trước hết) cho bản thân nó trong thiên nhiên. Theo qui định của cảm giác ấy cũng như thông qua cảm giác ấy mà thực tại khách quan trình diễn ra một cách hạn chế (nghĩa là chỉ một phần, một bề, một tầng nấc qui mô... ) và "biến dạng" thành hiện thực của chủ quan con người, "giành riêng" cho con người. 
Vì hiện thực là sự thể hiện một phần thực tại khách quan dưới dạng đặc thù (biến dạng) theo chủ quan cảm giác, mà sự tồn tại chủ quan cảm giác này, xét cho cùng là có nguyên nhân khách quan (ở đây, chủ quan cảm giác không bao hàm chủ quan đánh giá, nhận định... -những "thứ" được cho là thuộc chủ quan có nguồn gốc chủ quan!), cho nên dù phần thực tại khách quan ấy có "biến dạng" thì chỉ là biến dạng mang tính hình thức, nghĩa là mọi sự vật-hiện tượng trong hiện thực ấy, dù tồn tại-vận động dưới bất cứ hình thức nào, theo bất cứ kiểu cách gì, cũng đều phải tuân theo tuyệt đối các qui luật - những dạng đặc thù đã được mặc định một cách trực tiếp hay gián tiếp bởi ba nguyên lý tương tác, nhân quả và bảo toàn, với vai trò là ba hệ quả cơ bản của nguyên lý Tự Nhiên. 
Như vậy, hiện thực của con người có tính luôn luôn hàm chứa sự thật khách quan tuyệt đối. Mặt khác, do nguyên lý cấu tạo sinh học làm xuất hiện sự cảm giác ở mọi con người là như nhau, cho nên nếu bỏ qua những sai lệch sinh ra từ sự chủ quan có nguyên nhân chủ quan (như góc độ, cự ly, trạng thái chuyển động, trạng thái tâm sinh lý, trình độ nhận thức... khi cảm giác, ở từng con người - chủ thể cảm giác), thì tất cả hiện thực của mỗi con người về cùng một thực tại khách quan, trong cùng một thời gian, đều giống nhau, trùng khít nhau. Đó được gọi là tính khách quan tương đối của hiện thực ở con người.
Với hai sự thể hiện khách quan ấy, có thể nói không sai rằng, nếu bỏ qua những chủ quan có nguyên nhân chủ quan thì hiện thực của con người là một hiện thực hoàn toàn khách quan đối với chủ quan cảm giác con người, và vì thế, đến mức độ toàn bích, cũng chính là hiện thực tuyệt đối khách quan đối với chủ quan cảm giác - nhận thức của loài người và chỉ cho "riêng" loài người. Nghĩa là thông thường, có thể nói "hiện thực khách quan của chúng ta", nhưng hiểu rằng đó là một hiện thực khách quan tương đối-một phần thực tại khách quan được cảm nhận theo cách chủ quan "chưa thực sự sáng tỏ" của loài người. 
Khi loài người đã nhận thức đến tuyệt đích đúng đắn và tuyệt cùng triệt để về Tự Nhiên Tồn Tại thì cũng là lúc hiện thực khách quan đó chuyển biến thành hiện thực khách quan tuyệt đối đối với chủ quan cảm thức của loài người, hay "mạnh miệng" hơn nữa, là thực tại khách quan theo cách cảm thức, hình dung riêng có của con người nhận thức... Ôi! "Loạn lạc" quá đi! Thật là... điên rồ!... Nhưng... biết đâu chừng!... Đã ai đếm xuể trong lịch sử phát triển tri thức nhân loại, bao nhiêu sự điên rồ bị lãng quên vụt hóa thành chân lý?... Thế thì, xin nghe lời Trịnh Công Sơn: "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!"...

Nếu sự trình bày nên trên là hợp lý thì đó cũng có thể được coi là minh chứng hùng hồn rằng con người không thể tiếp cận trực diện để "thấy" đích xác được thực tại khách quan vốn dĩ cũng như thứ mà nhà triết học I. Kant gọi là "vật tự nó", nghĩa là con người không tài nào nhận thức trực tiếp được thực tại khách quan, mà chỉ có thể bằng cách gián tiếp thông qua nhận thức hiện thực của nó, cũng chính là chỉ có thể bằng cách trên cơ sở cảm giác trực-gián giác và thông qua hệ thống khái niệm mà nó sáng tạo ra. 
Điều đó cũng đồng thời đưa ra lời giải thích đầy sức thuyết phục rằng vì sao quá trình nhận thức thực tại khách quan của loài người lại nhiều khúc khuỷu quanh co, chướng ngại gập ghềnh gây biết bao nhiêu lầm lạc, và vất vả, gian lao đến thế, nhất là trong suốt thời kỳ đầu, khi mà loài người chưa hề hay biết tí gì về bản chất của hiện thực. Có lẽ trường hợp xuất hiện (vào thế kỷ II-SCN) và tồn tại lâu dài (đến cuối thế kỷ XVI) của thuyết Địa Tâm (coi Trái Đất là trung tâm, mọi thiên thể, kể cả Mặt Trời, quay quanh nó) do Ptôlêmy đề xướng cũng như sự phủ định nó là ví dụ điển hình của điển hình làm sáng tỏ nhận định đó.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét