Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 10/c


                                                    Triết học là gì? - Ý thức và vật chất.

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG X:  TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG


"Dòng tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh, không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn." 
William James

"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là 
biết sử dụng nó." 
Rene Descartes

-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo

Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel

Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic.
Albert Einstein 
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Thomas Paine
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.

Lord Byron 
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.

Thomas Carlyle 
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby

Lời nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie

 



(Tiếp theo)



                                 ***
Công lao của triết học cổ điển Đức là đã "hun đúc" nên triết học duy vật biện chứng (triết học Mác về tự nhiên) với quan niệm "vô thần hóa" triệt để của nó. Xét về mặt nhận thức "tự nhiên thuần túy" (!!!) thì có một thời hầu như không có một phản biện triết học "đáng giá" nào (trừ một vài luận điểm phần nào có giá trị của Đuy-Rinh) đối với quan niệm (có vẻ đã rất khách quan và sáng tỏ) của nó, và do đó nói chung, nó đã từng và có lẽ vẫn đang đóng vai trò là tuyệt đỉnh trí tuệ loài người về nhận thức triết học tự nhiên, nhất là đối với những triết gia mác-xít. Tuy nhiên, theo chúng ta, nếu soi xét trên cơ sở những thành tựu tri thức mà vật lý học hiện đại đã đạt được cũng như đã nghiệm chứng, đồng thời dưới nhãn quan (tạm gọi là) "cảm tính trực giác và chiêm nghiệm bình dân truyền thống", thì triết học duy vật biện chứng đang ở trạng thái khủng hoảng sâu sắc ngay từ cái khái niệm "duy vật" của nó. Với quan niệm về tự nhiên của mình, dù chỉ ở mức độ định tính, triết học Mác không bao giờ có thể trả lời khúc chiết được bản chất của không gian và thời gian là gì, cũng như không thể giải thích tường minh được sự tồn tại của lượng tử năng lượng do M. Planck khám phá ra mà không làm xuất hiện mâu thuẫn logic nội tại nào. 
 Tương tự như thế, nó đã không thể chỉ ra một cách khách quan và thực sự thuyết phục trước đại chúng rằng linh hồn tồn tại hay không tồn tại. Đó là chuyện bình thường trong lịch sử phát triển nhận thức của loài người. Điều đáng trách ở đây là nhiều nhà khoa học "thần phục" triết học Mác, đối diện với vấn đề nan giải đó, đáng lý ra nên bình tĩnh suy xét, nỗ lực tư duy sâu rộng hơn nữa thì trái lại, vì niềm tin vào quan niệm duy vật đã hóa thành một thứ tín ngưỡng của họ, và cũng để bảo vệ cái tín ngưỡng mà họ cho rằng "không thể sai" ấy, họ đã "kiên quyết" phủ nhận một cách cực đoan hầu như "sạch trơn" tính hiện thực của tồn tại tâm linh, nhất là hiện tượng có vai trò trung tâm, cơ bản của nó mà người ta thường quen gọi là "ngoại cảm". Một nhà khoa học, nhân danh khách quan nhằm bảo vệ chân lý khoa học mà trong thực tế lại hành động thiển cận, phản khoa học và nhất là lại còn dựa vào uy lực chính trị hòng "cả vú lấp miệng em", thì thật là tệ hại! Mở rộng ra, vật lý học hiện đại và cả toán học hiện đại cũng đang lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" chẳng khác gì mấy triết học duy vật biện chứng, nghĩa là chúng đang đứng trước một thực tại (được cho là) khách quan do chúng "sao chép" một cách chủ quan từ thực tại khách quan đích thực theo cách hiểu của chúng, đã nảy sinh những vấn đề triết lý vượt tầm khả năng "chinh phục" của chúng. Chúng ta cho rằng tri thức hiện nay về thực tại khách quan của loài người (triết học - khoa học tự nhiên...) đã và đang bộc lộ ngày càng rõ ràng nhiều mâu thuẫn nội tại gay gắt mà bản thân nó, với "tầm vóc" đang có, không thể tự "vượt thoát" được và đó phải chăng là điều chỉ thị rằng, nó đã đến gần kề một cuộc cách mạng mới về nhận thức tự nhiên để có được bước nhảy đột biến? Điểm yếu cơ bản nhất mà cũng dễ thấy nhất của tri thức ngày nay là "trong tầm quan niệm" của nó, loài người không có cách nào minh định tường tận để dứt khoát khẳng định hoặc phủ định được rằng, linh hồn là một thực tại khách quan hay chỉ là ảo tượng chủ quan, là thực thể hay phi thực thể.

Một cách hình tượng, có thể hình dung trình độ nhận thức triết-khoa về tự nhiên của loài người hiện nay như là một Vũ Trụ Big Bang đã bị "biệt giam" tuyệt đối "ở bên này" "bức tường Planck", với bên kia bức tường đó là hư vô tuyệt đối, bởi vì không có cả không gian lẫn thời gian, nghĩa là không thể có bất cứ thứ gì "thò mũi" sang đó để "ngửi" được, và như thế, sự "bất khả tri" về thế giới có "nguy cơ" là một hiện thực không thể chối cãi - cái hiện thực mà suy tư triết học không bao giờ chấp nhận được nếu không thừa nhận sự tồn tại một tinh thần tối cao phi vật chất như Heghen từng quan niệm. Trong tình hình còn không ít "hoang mang" như thế và trên bình diện nhận thức triết học còn chưa dứt khoát được như thế, tất nhiên những phê phán nêu trên về sự sai lầm trong quan niệm thế giới của Kỳ Na Giáo, nếu có đúng thì cũng chỉ đúng ở mức độ qui ước nào đó chứ chưa đích đáng. Hơn nữa, trong quan niệm sai lầm về thế giới của Kỳ Na Giáo không phải không có phần đúng, phần hợp lý, nghĩa là có thể cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai lầm ấy phần lớn là do sự phiến diện, chưa đầy đủ trong nhìn nhận và suy xét bởi hạn chế của tri thức thời đại chứ không hẳn là do duy ý chí, "ngược ngạo" chủ quan (nhằm thỏa mãn ý đồ phụng sự tôn giáo riêng tư).

Như chúng ta đã nói, nếu qui ước lấy Bàlamôn Giáo làm chuẩn mốc so sánh thì có thể cho rằng hệ tư tưởng duy vật của trường phái triết học Charvaka và giáo lý Kỳ Na Giáo là hai quan niệm tương phản nhau về thế giới. Trong khi Charvaka cho rằng:
  • Trực giác là cách duy nhất tiếp cận chân lý, chỉ có thực nghiệm mới xác nhận được sự thật (thực chứng!).
  • Mọi thực thể đều do vật chất (gồm đất, nước, lửa, không khí) kết thành. Linh hồn (ý thức) chỉ là hình thức thể hiện vận động của thể xác. Không có linh hồn tồn tại độc lập ngoài thể xác.
  • Không có thần thánh, mọi tồn tại, biến hóa trong Vũ Trụ đều là tự nhiên. Niềm vui là mục đích duy nhất của cuộc sống, chết là hết, không có chuyện luân hồi nghiệp báo.
  • Bản thân cái chết là sự giải thoát, tu tập (tạm hiểu đại khái là tu nhân tích đức để dược hưởng phúc!) là vô nghĩa,
Thì Kỳ Na Giáo lại cho rằng:
  • Trực giác là phiến diện, không thể tiếp cận chân lý, chỉ qua bước đường (trực tiếp?) chiêm nghiệm tâm linh mới giác ngộ được thế giới chân thực.
  • Bản chất thế giới là nhị nguyên, thực thể bao gồm vật chất và ý thức. Có linh hồn tồi tại ngoài thể xác
  • Không có "nguyên nhân tối hậu" (Thượng Đế) về sự tồn tại Vũ Trụ, có quá trình luân hồi nghiệp báo, sống nhằm hưởng lạc là tội lỗi.
  • Chết là sự thoát xác tạm thời của linh hồn trên bước đường tự giải thoát khỏi vô minh, hướng tới "cuộc giải thoát cuối cùng", vượt ra khỏi vòng luân hồi nghiệp báo để trở thành thượng đẳng linh hồn (arhat) với tri thức tuyệt đối và hạnh phúc vĩnh hằng.
Theo chúng ta hiểu (võ đoán!) thì sự xuất hiện (trước là) Charvaka và (cũng có phần vì thế (?) mà tiếp theo là) Kỳ Na Giáo có nguyên nhân trực tiếp từ tình trạng hiện tượng đối xử bất công đã trở nên phổ biến, mâu thuẫn giàu-nghèo đã ở mức căng thẳng, gay gắt trong xã hội Ấn Độ cổ đại, và đều bắt đầu là những ý kiến bất mãn, phản kháng chế độ đẳng cấp được dung túng một cách thiên vị bởi những thuyết giáo phủ dụ và cả hăm dọa của giới tăng lữ Bàlamôn. Tuy nhiên, nếu như Charvaka có nguồn gốc (chủ yếu) xuất phát từ sự bị bần cùng hóa (về vật chất) trong tầng lớp bình dân thì Kỳ Na Giáo có nguồn gốc (chủ yếu) xuất phát từ sự bị bi đát hóa (về tinh thần) trong tầng lớp hiệp sĩ. Chính vì sự khác nhau về nguồn gốc xuất thân như thế mà dù hai hệ thống tư tưởng đều ẩn chứa nỗi bất mãn cái xã hội đương thời đã sinh ra chúng, song nỗi bất mãn của chúng là khác nhau, dẫn đến hai cách lý giải xã hội-nhân sinh khác nhau, có tính tương phản nhau, đại loại, một đàng duy vật-thực dụng, một đàng duy tâm-ảo tưởng. 
Cần thấy rằng, thành kiến lý luận về xã hội-nhân sinh của Charvaka hay của Kỳ Na Giáo không phải là kết quả của sự nghĩ ngợi viển vông vô căn cứ theo ý thích thuần túy chủ quan, mà là kết quả của suy tư, nhận định chủ quan rút ra được từ quá trình quan sát hiện thực khách quan đương thời, trên cơ sở tiếp thu có phê phán những quan niệm về tự nhiên-xã hội đã từng được thừa nhận trong quá khứ, đồng thời cũng trên tinh thần đó mà xây dựng hoàn chỉnh thành một hệ tư tưởng mới nhằm giải thích thế giới. Cho nên có thể nói, hai hệ thống tư tưởng Charvaka và Kỳ Na Giáo đều là sự phản ánh của tư duy con người về hiện thực khách quan, nhưng từ hai góc độ quan sát, hai cách nhìn nhận (lập trường) khác nhau, tương phản nhau. Cũng do đó mà trong mỗi hệ tư tưởng, dù quan niệm về thế giới còn ấu trĩ, thiển cận và lệch lạc thì không phải vì thế mà không hàm chứa ở chừng mực nhất định sự thực khách quan. Chẳng hạn, về vấn đề khả năng nhận thức chân lý (sự thực khách quan), cả Charvaka lẫn Kỳ Na Giáo đều bác bỏ con đường tiếp cận sự thực khách quan thông qua suy lý. Sự bác bỏ đó có đúng không? Trên bình diện tri thức ngày nay, hầu như ai cũng chọn câu trả lời phủ định. Nhưng nếu bình tâm và "thả" cho tâm hồn lãng mạn một chút (!) thì chúng ta sẽ thấy câu trả lời phủ định khó lòng mà "đứng vững" được. Chắc chắn rằng không có suy lý sẽ không có toán học- một trong ba ngành cơ bản (toán, lý, hóa) của khoa học tự nhiên làm nên văn minh loài người. Nhưng nếu chỉ bằng tưởng tượng và suy lý thuần túy thôi thì lại sẽ không có vật lý học và hóa học. Trong lôgic học có rất nhiều câu chuyện lý thú chỉ ra sự bất toàn của khái niệm và nhiều trường hợp về sự bất định chân lý của suy lý dù quá trình suy lý không phạm vào bất cứ sai lầm lôgic nào. Nhất là về Phương Đông nghe các "bác" thiền học giảng giải thì lại càng hoang mang hơn nữa...
Kể thêm một chút cho bớt nặng lòng:
Ngày nay hầu hết mọi người đều tin vào học thuyết Big Bang về việc giải thích nguồn gốc Vũ Trụ. Tuy thuyết đó có giải thích thỏa đáng nhiều hiện tượng bí ẩn của Vũ Trụ, song nó cũng chứa chấp trong lòng nhiều mâu thuẫn, nghịch lý mà khoa học hiện nay không thể giải quyết. Có thể nói, nếu tin vào học thuyết Big Bang, thì phải tin vào sự hiện diện của Thượng Đế - đấng siêu nhiên làm nên tất cả, còn nếu không tin vào sự tồn tại của Thượng Đế, thì phải phủ nhận thuyết Big Bang. Như đã nói, chúng ta tin vào Tự Nhiên, không tin vào sự tồn tại của Thượng Đế, tức là không tin Big Bang. Việc giải phương trình tương đối rộng đưa đến ý tưởng một Vũ Trụ giãn nở. Lúc đầu Anhxtanh không tin. Vì ông vẫn cho rằng Vũ Trụ là tĩnh, nghĩa là Vũ Trụ luôn ở trạng thái cân bằng, ổn định đến vĩnh hằng. Nhưng những kết quả của quan sát thiên văn đã đưa đến những bằng chứng không thể chối cãi về một Vũ Trụ đang giãn nở và giãn nở ngày càng nhanh. Đó là điều cơ bản để các nhà vật lý học xây dựng nên học thuyết Big Bang.

Trong những năm 1920, nhà thiên văn học Edwin Hubble đã khám phá ra vũ trụ không tĩnh. Hơn nữa, nó đang giãn nở, phát hiện này cho thấy Vũ Trụ dường như đã được sinh ra nhờ Vụ Nổ Lớn. Sau đó, có một thời gian dài người ta nghĩ rằng lực hấp dẫn của vật chất trong Vũ Trụ chắc chắn đã làm chậm lại sự giãn nở của Vũ Trụ. Mãi đến năm 1998, các quan sát của Kính viễn vọng Không gian Hubble về các vụ nổ siêu sao mới xa xôi đã cho thấy rằng một thời gian dài về trước, Vũ Trụ đã giãn nở chậm hơn nhiều so với ngày nay. Theo một nghĩa khác, sự giãn nở của Vũ Trụ không chậm lại vì lực hấp dẫn, thay vào đó, nó đang tăng tốc mà không ai giải thích được.
Nếu tin vào một Vũ Trụ giãn nở thì thử hỏi nó giãn nở đi đâu? Vũ Trụ Big Bang là một Vũ Trụ mà tất cả các dạng vật chất (ở đây dùng từ "tồn tại" thay cho "vật chất" có lẽ đúng hơn!), kể cả không gian và thời gian, đều xuất phát từ một điểm khởi đầu, thì sự giãn nở của nó tất nhiên là vào Hư Vô rồi! Hư Vô tồn tại là không thể quan niệm được. Hơn nữa, Vũ Trụ giãn nở đồng nghĩa với việc tăng thể tích không gian. Vậy không gian lấy không gian ở đâu mà tăng? Không thể lấy từ Hư Vô vì Hư Vô tuyệt đối là tuyệt đối không có gì!
Lại một câu hỏi đặt ra: Cái gì tạo thành điểm kỳ dị nếu trước thời điểm 10^-43 s là Hư Vô tuyệt đối hoặc thế lực nào dồn ép không gian và thời gian cùng toàn bộ khối lượng vật chất (mà ngày nay chúng ta mới quan sát thấy một phần) thành điểm kỳ dị để rồi lại bị kích nổ (Big Bang) thành Vũ Trụ ngày nay? Chỉ có thể là "lực". Nhưng lực là. gì? Theo chúng ta hiểu, thì lực là nguyên nhân gây ra sự tác dụng lẫn nhau của vật chất nhằm làm mất đi sự tương phản giữa chúng. (Theo cách hiểu này thì cần phải xét lại nguyên nhân sing ra lực vạn vật hấp dẫn!).
Muốn có điểm kỳ dị, thì trước đó phải có một môi trường tương tác hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ làm tồn tại những lực hấp dẫn thực sự vĩ đại để duy trì được sự dồn nén tất cả vào trong một thể tích vô cùng bé, kể cả không gian và thời gian (phải chăng Hư Vô tuyệt đối cũng là một dạng tồn tại và tại sao lực hấp dẫn lại tương tác được với không gian, thậm chí với cả thời gian???!). Để có lực hấp dẫn to lớn đó thì theo công thức tính lực hấp dẫn, mật độ vật chất (hay tỷ khối) của các thực thể cũng phải vô cùng lớn và khoảng cách giữa các thực thể phải vô cùng nhỏ. Nghịch lý ở đây: điểm kỳ dị vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của lực dồn nén nội tại phi phàm! Có lẽ cần phải xét lại sự đúng đắn của định luật vạn vật hấp dẫn do Niutơn khám phá chăng?
Lý thuyết Big Bang chỉ ra rằng, Vũ Trụ ngày nay hình thành từ sự nổ bùng phát của điểm kỳ dị. Nhưng vụ nổ ấy xảy ra như thế nào? Đâu là nguyên nhân? Rất khó khi nghĩ đến một nguyên nhân bên ngoài nào, một ngoại lực nào gây ra vụ nổ lớn Big Bang của điểm kỳ dị, thậm chí là không thể hình dung nổi. Vì ngoài điểm kỳ dị là Hư Vô, là tuyệt đối không có gì. Mà tuyệt đối không có gì cũng có nghĩa là tuyệt đối không có Thượng Đế nên tuyệt đối không thể phát huy tác dụng gì vào điểm kỳ dị để gây ra Big Bang. Vậy thì phải hướng suy nghĩ đến nguyên nhân nội tại,một lực phân rã nội tại lớn hơn nhiều lần lực hấp dẫn. Dù rất khó hình dung nhưng cũng phải ráng sức hình dung: một lực đẩy to lớn do một lý do nào đó trong nội tại bỗng nhiên xuất hiện, lấn át lực hấp dẫn, gây nên sự bùng phát Big Bang và sự giãn nở lạm phát của Vũ Trụ ngày nay.
Rõ ràng, ở đâu có vật chất thì ở đó có năng lượng, ở đâu có năng lượng thì ở đó tiềm ẩn lực. Điều đó có nghĩa vật chất là nguồn gốc của lực. Lực chỉ có thể tồn tại tiềm tàng trong vật chất. Nói cụ thể là lực được sinh ra từ vận động. Như vậy, lực gây ra Big Bang và Vũ Trụ giãn nở lạm  phát là một loại lực được sinh ra từ vận động vật chất nào đó trong nội tại điểm kỳ dị, có tác dụng tương phản và áp đảo lực hấp dẫn. Cuộc suy diễn này tất yếu dẫn đến suy diễn về sự tồn tại của vật chất tối cũng như năng lượng tối - được cho là một dạng vật chất mới và năng lượng mới cụ thể là lực được sinh ra từ vận động. Như vậy, lực gây ra Big Bang và Vũ Trụ giãn nở lạm phát là một loại lực được sinh ra từ vận động vật chất nào đó trong nội tại điểm kỳ dị, có tác dụng tương phản và áp đảo lực hấp dẫn. Ngày nay chúng chỉ mới được xem như một giả định để cho học thuyết Big Bang trụ vững... 
Còn nhiều nữa, nhưng chỉ từng đó phi lý như đã trình bày vừa rồi, thì không thể tin chắc chắn vào lý thuyết Big Bang được. Theo tôi, một lý thuyết đúng là một lý thuyết không làm nảy sinh trong lòng nó những nghịch lý, phi lý hay mâu thuẫn nội tại. Khi một lý thuyết mà mang trong lòng nó những nghịch lý, phi lý, những bế tắc không giải quyết được, thì hoặc lý thuyết đó đúng nhưng đi trước thời đại, hoặc lý thuyết đó đã phạm sai lầm. Có ba nguyên nhân dẫn đến sai lầm, một là lý thuyết đó ra đời dựa vào những suy diễn rút ra từ những tri thức bị lầm lạc (nhưng tưởng đúng, cơ bản!!!) của đương thời, hai là khi giải phương trình đã tiếp thu nghiệm ảo thành nghiệm thật, từ đó rút ra những hiện thực ảo, cách giải thích ảo, ba là nó được xây dựng nên từ những hoang tưởng quá đà của nhà khoa học. 
Chúng ta cho rằng thuyết tương đối hẹp và rộng của Anhxtanh đều sai lầm thuộc trường hợp thứ nhất và thứ hai, góp phần dựng nên một Big Bang huyền thoại nhưng huyễn hoặc và không tưởng. Thuyết tương đối hẹp dựa vào sai lầm cho rằng kích thước theo chiều vận tốc phải co lại theo độ tăng vận tốc, còn thuyết tương đối rộng lại dựa vào giả định sai lầm rằng thời gian hòa quyện được vào không gian và hệ không - thời gian ấy lại chịu ảnh hưởng (tăng độ cong) theo tỷ khối, đồng thời giải ra nghiệm ảo là một Vũ Trụ giãn nở! Còn định luật Hubble được phát biểu một cách sai lạc từ ngộ nhận quan sát Vũ Trụ.

(Còn tiếp).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét