Ra rạp vào cuối mùa phim năm 2019, "1917" gây bất ngờ khi giành chiến thắng ở các hạng mục quan trọng như Phim chính kịch xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất cho Sam Mendes tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2019. Ngày 2-2-2020, phim này tiếp tục được BAFTA vinh danh ở hạng mục Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất cũng như các hạng mục về âm thanh, thiết kế sản xuất, hiệu ứng hình ảnh đặc biệt…
1917: Chiến tranh chưa bao giờ là câu chuyện cũ - Ảnh 1.
Cảnh trong phim “1917” Ảnh: OSCAR
Không bằng tên gọi hấp dẫn, dàn minh tinh nóng bỏng hay một đề tài mới lạ mà bằng tài năng của mình, Sam Mendes đã biến đề tài chiến tranh thế giới trở thành câu chuyện về cuộc hành trình riêng tư của con người đơn độc băng qua chiến địa để sống sót và kể lại.
Chuyện phim bắt đầu trong không khí ngơi nghỉ giữa nhịp điên loạn của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Hai chàng lính là hạ sĩ Blake (Dean-Charles Chapman đóng) và hạ sĩ Schofield (George MacKay đóng) lãnh sứ mệnh quan trọng, chuyển bức thư hoãn kế hoạch tiến công của quân đội Anh. Đó là ngày 6-4-1917 (cũng là ngày Mỹ tham chiến).
Trước đó, hai chàng trẻ tuổi gần như chưa giáp mặt cái chết. Họ bị ru ngủ bởi chiến thắng cận kề được loan bởi quân Đồng minh, rằng quân Đức đang triệt thoái, dọn đường cho phe Đồng minh phản công giành chiến thắng quyết định. Nhưng đó chỉ là kế nghi binh của lính Đức, trong khi giờ tấn công sắp điểm và trong tình thế đường dây điện thoại đã bị cắt đứt hoàn toàn, Tướng quân (do diễn viên đoạt giải Oscar Colin Firth đóng) nhận được tin tất cả chỉ là cái bẫy, rằng quân của ông đang bị dụ vào một trận phục kích.
Dựa trên lời kể của Alfred Mendes, cựu chiến binh Đệ nhất Thế chiến, cháu trai của ông, tức đạo diễn Sam Mendes, đã tái dựng đoạn hồi ức đó bằng những thước phim hoành tráng, điều không thể thiếu trong các bộ phim chiến tranh.
"1917" kể một câu chuyện nhiều người biết, bối cảnh chiến tranh, những người anh hùng thầm lặng… Nhưng thứ khiến "1917" thành công chính là việc nó buộc khán giả soi tỏ quá khứ bằng chính đôi mắt của mình. Tài năng của Sam Mendes thể hiện ở chỗ ông đã khắc họa được cảnh địa ngục trần gian thông qua những thước phim công phu tái dựng một sự kiện chìm khuất trong những biến động lịch sử mà chiến tranh thế giới gây ra.
Xem "1917" có cảm giác như đang xem một vở kịch hơn là bộ phim, do những cảnh trí được dựng lên với không gian bao la rộng khắp, ở đó 2 người lính di chuyển nhưng không thoát ra ngoài không gian đó, tạo cảm giác con người mắc kẹt trong chiến tranh, loay hoay tìm lối thoát ra. Không gian được phân tầng, càng về sau càng có cảm giác đi xuống mãi, như con đường vào địa ngục. Chuyển đổi từ đại cảnh mênh mông của thiên nhiên với gam màu sáng sang những đô thị đổ nát, những cây cầu gãy với ánh lửa lập lòe, le lói trên nền đen sẫm của đêm.
Những thước phim liên tục, không cắt cảnh với các cú máy dài (long take) xuyên suốt trở thành đặc trưng của phim, gây được ấn tượng mạnh cho khán giả, nhất là cú "one-shot" ở gần cuối phim, khi giờ xuất quân đã điểm, nhân vật Schofield lao đi giữa chiến tuyến trong làn đạn của kẻ thù lẫn đồng đội để kịp báo tin dừng bắn. Anh va vào đồng đội, ngã, rồi đứng dậy, lại va vào đồng đội… tất cả được thực hiện bởi cú máy duy nhất, như thể chỉ ít phút nữa thôi, anh cũng sẽ lao ra khỏi màn hình, như thể giờ phút sinh tử sắp thoát ra khỏi không gian hư cấu điện ảnh để tiến thẳng vào hiện thực.
Bất chấp sự đơn giản của cốt truyện, "1917" vẫn đủ khả năng đưa khán giả đến tận cùng của cảm xúc, với tất cả sự nghiệt ngã của chiến tranh, làn ranh mong manh giữa sống và chết.
Bộ phim thực sự chứng minh rằng trong nghệ thuật, không có đề tài nào là cũ kỹ, nhất là những sự kiện lịch sử lớn, ảnh hưởng và thay đổi toàn thế giới như chiến tranh. Với "1917", Sam Mendes tìm lại được ánh hào quang của mình, sau những ồn ào tranh cãi với tác phẩm trước đó của ông.
Huỳnh Trọng Khang






Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ

Thu Hằng |






Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ
Binh lính trong Quân đoàn Phi châu của Đức. Ảnh: cobbphoto.com

Tù binh Đức từng chiến đấu trong Quân đoàn Phi châu của Hitler đã bỏ trốn khỏi trại giam để ở lại Mỹ trong suốt 40 năm, với một thân phận khác.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khoảng 450.000 tù binh chiến tranh Đức đã bị giam giữ tại 700 nhà tù trên khắp nước Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, những tù binh này được hồi hương về Đức - ngoại trừ 7 người trốn thoát và biến mất trong những vùng đất bao la của nước Mỹ. Sáu người bị bắt lại, và chỉ còn một tù binh lẩn trốn kỹ đến mức anh ta đã trải qua một cuộc đời bí mật và yên ổn trong suốt 40 năm.
Nhưng làm thế nào anh ta có thể sống một cuộc đời hai mặt quá lâu như vậy, lẩn trốn được sự truy nã của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan chính phủ khác trong 4 thập kỷ?
Georg M. Gärtner sinh ra ở Schweidnitz, Lower Silesia (hiện nay thuộc Ba Lan) vào tháng 12/1920. Anh là một vận động viên tài năng, nhà vô địch trượt tuyết, và một sinh viên ngôi sao. Gärtner mơ ước trở thành một kiến ​​trúc sư, nhưng căn bệnh bạch hầu nghiêm trọng mà anh mắc phải vào năm 15 tuổi đã chấm dứt giấc mơ đó.
Bệnh bạch hầu cũng khiến Gärtner không thể tốt nghiệp trung học. Không có nhiều nơi ngoài quân đội cho Gärtner cơ hội thăng tiến, vì thế khi Đức bị cuốn vào Thế chiến thứ hai, anh đã nhập ngũ năm 1940.
Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ - Ảnh 1.
Lính Đức đầu hàng quân Đồng minh. Ảnh: warhistory
Gärtner tình nguyện chiến đấu trong Quân đoàn Phi châu dưới thời Tướng Rommel năm 1942. Điều này một phần xuất phát từ mong muốn phiêu lưu, nhưng cũng một phần vì hy vọng thoát khỏi việc bị điều tới Mặt trận phía Đông.
Gärtner đến Libya vào đầu năm 1943, nhưng quân Đức khi đó đang bị người Anh đẩy lùi. Là một trung sĩ pháo binh, Gartner tham gia một trận chiến rất lớn nhưng vô vọng, nơi lực lượng Đức liên tục phải rút lui đến 80km mỗi ngày.
Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ - Ảnh 2.
Một đơn vị lính chống tăng của Quân đoàn Phi châu kéo khẩu súng 47 ly. Ảnh: Bild
Vào tháng 5/1943, anh là một trong số khoảng 220.000 binh sĩ Đức và Ý bị buộc phải đầu hàng quân Đồng minh. Sau đó, Gärtner bị đưa đến một nhà tù ở Deming, bang New Mexico, Mỹ.
Nếu như Gärtner từng nghĩ tới những nỗi kinh hoàng chờ đợi tù binh chiến tranh Đức như trong các trại tù của Liên Xô ở Mặt trận phía Đông, thì anh ta đã rất sai lầm. Cuộc sống với tù binh Đức ở các trại giam của Mỹ khá thoải mái. Các tù binh được ăn ở trong điều kiện tốt, không chỉ có nhiều cơ hội giao tiếp, hoạt động thể thao, mà còn có thể dự các khóa học theo chương trình đại học.
Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ - Ảnh 3.
Hàng ngàn tù binh Đức được vận chuyển bằng tàu, vượt đại dương tới các nhà tù ở Mỹ. Ảnh: warhistory
Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ - Ảnh 4.
Tù binh chiến tranh Đức lên tàu ở Boston, Mỹ.
Tuy nhiên, vào cuối cuộc chiến mọi thứ bắt đầu thay đổi. Khi các trại tập trung được giải phóng bởi quân Đồng minh, những báo cáo về sự khủng khiếp đã xảy ra ở đó bắt đầu lan ra khắp phương Tây. Nhiều tù binh Đức cũng sốc như người Mỹ khi biết về những hành động tàn bạo này, nhưng điều đó không ngăn được lính canh Mỹ ngày càng trở nên hà khắc và thù địch hơn với người Đức.
Khi chiến tranh kết thúc và đã đến lúc hồi hương tù binh Đức, Gärtner rất lo sợ viễn cảnh phải trở về nhà. Quê anh, vùng Hạ Silesia, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô, và là một tù binh Đức, anh hiểu rằng điều tồi tệ hơn đang chờ đón số phận mình.
Nhờ nói tiếng Anh rất tốt, Gärtner nhận thấy cơ hội sống sót duy nhất của anh là trốn thoát khỏi trại tù và ở lại nước Mỹ.
Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ - Ảnh 5.
Tù binh Đức ở Moskva. Ảnh: RIA Novosti
Gärtner bắt đầu chuẩn bị cho cuộc trốn chạy bằng cách quan sát kỹ lưỡng tuyến xe lửa chạy qua trại. Anh ghi chú chi tiết về lịch trình xe lửa.
Đêm 24/9/1945, trong khi các tù nhân khác đang mải xem phim, Gärtner đợi một khoảng trống của ánh đèn rọi, bò qua hai cổng và nhảy lên đoàn tàu chở hàng đi qua.
Gärtner nằm bẹp trên chuyến tàu hàng suốt từ bang New Mexico đến San Pedro, California. Anh vừa thoát khỏi trại giam và hướng đến một cuộc sống mới, với một nhân dạng mới, một vỏ bọc mà anh sẽ sử dụng trong 40 năm tiếp theo.
Trong môi trường đa văn hóa của California, Gärtner dễ dàng hòa nhập. Anh lấy tên là Peter Petersen và tự xưng là một người Na Uy nhập cư. Gärtner làm việc cùng những lao động nhập cư khác trong các trang trại một thời gian, rồi đổi tên thành Dennis Whiles.
Cuối cùng anh có được số an sinh xã hội và bằng lái xe dưới tên Dennis Whiles. Đây là cái tên Gärtner giữ trong suốt quãng đời còn lại.
Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ - Ảnh 6.
Tù binh Đức bị bắt, năm 1945. Ảnh: warhistory
Gärtner đã phải làm rất nhiều công việc, bao gồm nghề hướng dẫn viễn trượt tuyết, công việc đã khiến anh ta liên quan đến một sự cố nổi tiếng.
Tháng 1/1952, một đoàn tàu chở khách có tên “City of San Francisco” bị mắc kẹt trong trận bão tuyết ở Sierra Nevada. Nhờ kinh nghiệm trượt tuyết, Gärtner đã dẫn đầu một sứ mạng giải cứu sử dụng ván trượt tuyết để tiếp cận đoàn tàu bị mắc kẹt.
Anh là một trong những người đầu tiên đến được chỗ con tàu gặp nạn và kết quả là bức ảnh chụp Gärtner - cùng với những người cứu hộ khác – đã được tạp chí Life đăng tải. Trớ trêu thay, vào thời điểm đó, hình ảnh khuôn mặt của Gärtner vẫn được dán khắp nước Mỹ trên các áp phích truy nã của FBI. Rất may là không có ai nhận ra anh.
Tù binh Phát-xít Đức cuối cùng ẩn náu 40 năm tại Mỹ - Ảnh 7.
Đoàn tàu “City of San Francisco” tại Reno, Nevada trong hành trình chạy thử nghiệm.
Năm 1964, Gärtner kết hôn với một người phụ nữ Mỹ, tên là Jean Clarke. Ông đã giữ bí mật danh tính thực sự của mình với vợ trong suốt 20 năm sau đó. Tuy nhiên, vào năm 1984, bà Clarke bắt đầu truy vấn chồng những câu hỏi ngày càng khó trả lời, vì vậy cuối cùng Gärtner đã nói rõ với vợ ông thực sự là ai.
Sau đó, Gärtner công khai thú nhận thân phận khi xuất hiện trên chương trình truyền hình The Today Show vào năm 1985.
FBI và Chính phủ Mỹ đã quyết định rằng: do Gärtner không phải là một người nhập cư bất hợp pháp (vì ban đầu ông được đưa đến Mỹ trái với ý muốn) và ông đã không phạm tội nghiêm trọng nào, họ sẽ không truy tố hay trục xuất ông.
Gärtner chính thức trở thành công dân Mỹ vào năm 2009. Ông đã xuất bản một cuốn sách về cuộc đời mình, có tựa "Hitler’s Last Soldier In America" (Người lính cuối cùng của Hitler trên đất Mỹ”. Gärtner sống đến tuổi 92, qua đời ở Loveland, bang Colorado.






Quân đội Mỹ đang chế tạo thiết bị nhìn xuyên tường

Bảo Nam |






Quân đội Mỹ đang chế tạo thiết bị nhìn xuyên tường

Bộ quốc phòng nước này muốn binh lính có thể nhìn thấy kẻ thù và các mối đe dọa chết người khác xuyên qua các bức tường để giảm thiểu thương vong.

Quân đội các nước phát triển đang được hiện đại hóa theo những cách chưa từng được thấy trong nhiều thập kỷ qua. Tất cả dựa trên ​​nền tảng và sự phát triển của các công nghệ mới, như máy bay không người lái bỏ túi và kính nhìn ban đêm hay các loại phụ kiện hỗ trợ binh sĩ nhìn chéo góc.
Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng như vậy là chưa đủ. Với họ, vẫn còn một ẩn số đáng sợ chưa thể kiểm soát, đó là các mối đe dọa luôn chờ đợi ở phía bên kia của bức tường. Vì thế, họ muốn những người lính của mình có thể nhìn xuyên qua mọi chướng ngại vật.
Theo một báo cáo được phát hiện mới đây, các nhà khoa học quân sự đang tìm cách phát triển "các hệ thống di động cho người lính có khả năng phát hiện, nhận dạng và giám sát người, động vật và vật liệu đằng sau vật cản đa cấp từ một khoảng cách dài".
Quân đội Mỹ đang chế tạo thiết bị nhìn xuyên tường - Ảnh 1.
Tác chiến trong môi trường đô thị thương mang lại rất nhiều rủi ro.
Phía quân đội Mỹ giải thích rằng hệ thống này sẽ có thể nhìn xuyên qua các loại chướng ngại vật khác nhau, bao gồm cả các thảm thực vật dày đặc và sử dụng dữ liệu sinh trắc học để theo dõi, xác định và phân biệt giữa các mục tiêu một cách chủ động. Ví dụ, hệ thống sẽ đưa ra kết quả rằng đối tượng là đồng đội hay kẻ thù.
Cụ thể hơn, hệ thống này phải có khả năng "theo dõi, định vị, cách ly, đo phạm vi và đếm số lượng người hoặc động vật trong một tòa nhà hoặc công trình". Các dữ liệu khác cho biết thêm rằng phía quân đội cũng muốn nó có thể xác định liệu các cá nhân được phát hiện có đang "ngồi, đứng hay đang đi bộ hoặc nằm".
Bước đầu, hệ thống này được gọi là See Through the Wall (SSTTW). Nó cũng sẽ "có thể phát hiện các lối đi và các phòng ẩn bên trong một cấu trúc", cũng như "lập bản đồ cấu trúc và phát hiện các phòng, lối đi, hốc tường, bộ đệm, hay cả... những người dưới lòng đất". Phía quân đội hy vọng hệ thống sẽ tạo ra các bản đồ 3D của các cấu trúc.
Quân đội Mỹ đang chế tạo thiết bị nhìn xuyên tường - Ảnh 2.
Khả năng nhìn xuyên tường mang lại rất nhiều lợi thế trước khi quyết định tiến công.
Yêu cầu xa hơn cho hệ thống này là khả năng xác định các mối đe dọa tiềm tàng đối với các binh sĩ được giao nhiệm vụ dọn dẹp, chẳng hạn như mìn, các thiết bị nổ ngẫu hứng và các loại bẫy khác.
Mặc dù hệ thống STTW được kỳ vọng có thể để các binh sĩ mang theo người, phía quân đội Mỹ cũng giải thích rằng "sẽ rất lý tưởng" nếu nó cũng có thể được gắn trên các hệ thống máy bay không người lái hoặc phương tiện chiến đấu không có người lái.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ xem xét loại công nghệ này. Vào tháng 10 năm ngoái, một công ty có tên Lumineye đã được trao giải thưởng trị giá 250.000 USD từ cuộc thi Expeditionary Technology Search, cho mẫu radar nhìn xuyên tường của họ. Sản phẩm được thiết kế để dành cho những người lính và các nhân viên làm công việc đặc thù.
Tham khảo Business Insider