TT&HĐ I - 10/e
Trí nhớ và sự quên lãng
PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ
“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
CHƯƠNG X: TRẦM TƯ MẶC TƯỞNG
"Dòng
tư duy tiếp tục chảy; nhưng phần lớn các mảnh
của nó rơi xuống vực thẳm không đáy của sự lãng quên. Với một số mảnh,
không ký ức nào vượt qua được khoảng khắc chúng trôi qua. Với một số
mảnh khác, chúng giới hạn trong một vài khoảng khắc, một vài giờ, hoặc
một vài ngày. Lại có những mảnh để lại vết tích không thể xóa đi, và
chúng có thể được nhớ lại chừng nào cuộc sống còn tiếp diễn."
William James
"Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là
biết sử dụng nó."
biết sử dụng nó."
Rene Descartes
-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Tự do, theo quan điểm siêu hình học của tôi, là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh.
-Hãy để trí óc con người tự do. Nó phải được tự do. Nó sẽ được tự do. Sự mê tín và giáo điều không thể giam cầm được nó.
John Adams
Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú.
Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghỉ
ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là
hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.
Victor Hugo
Tư tưởng luôn luôn là sự khái quát, và sự khái quát là một thuộc tính của tư duy. Khái quát nghĩa là tư duy.
Hegel
Albert Einstein
Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời.
Không chịu suy xét là người mù quáng, không thể suy xét là người ngu xuẩn và không dám suy xét là người nô lệ.
Lord Byron
Chẳng có gì tồi tệ hơn những hành động không có sự sáng suốt.
Thomas Carlyle
Nhà tư tưởng mới chỉ là người không biết về những gì mà những nhà tư tưởng cũ đã suy ngẫm.
Frank Moore Colby
Lời
nói đúng là những thứ không chắc chắn, chúng thường nghe hay ho lắm
nhưng lại mang ý nghĩa đối lập với những gì người ta nghĩ.
Agatha Christie
(Tiếp theo)
***
Các
nhà thiền học cho rằng chỉ khi vượt thoát khỏi khái niệm, loại trừ suy
lý và bằng con đường "trực nhận" (!?) thực tại dưới tên gọi là "thiền"-
tu tập nhắm đến kinh nghiệm tâm linh sâu thẳm nhất - mới có cơ hội nắm
bắt được sự thực khách quan hay như họ gọi là "thực tại cuối cùng". Đó
là quan niệm không sai lầm thì cũng ngộ nhận. Chúng ta đã nói đến sự bất
toàn của khái niệm (và suy đoán rằng chính Lão Tử là người đầu tiên
chính thức nêu ra dưới dạng văn tự, rồi được nhấn mạnh vào thời Hàn Phi,
Công Tôn Long, Trang Tử...).
Bản tính nước đôi của Tự Nhiên Tồn Tại làm
cho nó huyền ảo đến cùng cực và vì thế mà mọi tồn tại trong Vũ Trụ đều
hàm chứa tính "hai mặt", "mập mờ", bất định. Trong khi đó khả năng cảm
giác và tư duy trừu tượng của con người bị hạn định một cách tự nhiên,
do đó mà cũng tất nhiên bị chủ quan hóa, siêu hình hóa. Đó chính là
nguyên nhân sâu xa tự nhiên làm cho bản thân khái niệm luôn hàm chứa
tính xác định độc đoán (tính bảo thủ), tính phiến diện, tính
nghịch lý, tính hữu hạn, nghĩa là tính bất toàn trong nội hàm của nó.
Đến đây, chúng
ta cho rằng đã có thể trả lời được rõ ràng hơn câu hỏi: "Thiền là gì?"-
câu hỏi thuộc hàng hóc búa nhất đối với ngay cả những nhà thiền học gạo cội ngày
nay. Theo chúng ta, thiền là một phương thức vận động tinh thần, một
loại hình hoạt động trí não có nguồn gốc từ khí công (luyện thở)
và trên cơ sở khí công dưỡng sinh, nhằm mục đích đạt đến sự thông tuệ.
Để đạt đến mức độ thành quả nhất định nào đó, phải trải qua một tiến
trình thiền (lâu hay mau còn tùy thuộc vào chủ quan bản thân người
thực hành thiền như sự siêng năng, tự tin, nhạy cảm...).
Như vậy, cũng
có thể nói, thiền là một quá trình "nhận thức đặc biệt" mà trước hết là
tu tập tinh thần nhằm "thanh lọc" suy nghĩ ("bỏ tư tâm, dứt dục vọng",
tức là loại bỏ những tạp niệm, những ưu tư tham-sân-si nảy sinh trong
đời sống thường nhật), đưa hoạt động tâm thần "thoát ra khỏi" trạng thái bị kích thích, bị nhiễu loạn (gây mê lầm), để rồi có được cách "suy nghĩ tĩnh lặng", an thái, vô tư, như nhiên nhất, nhưng cũng cực kỳ tinh nhạy, linh động (thiền học gọi ví von là "sự im lặng sấm sét" trước khi bừng sáng, ngộ giác), và nhờ đó mà đạt được sự "tỉnh ngộ" nhất (sự sáng suốt, thấu tỏ nhất) khi tiếp thu, chiêm nghiệm "lại" (!) thực tại.
Nói lại, khi trong hoạt động của một bộ não đã có được khả năng hồi ức (sự lưu giữ theo thời gian và nhớ lại những cảm giác đã qua, đã thuộc về quá khứ), thì bộ não đó đã bắt đầu biết nghĩ dưới dạng nào đó và rồi cũng sẽ biết suy ở mức độ nào đó. Khi trong não đã tồn tại sự hồi ức thì đồng thời nó cũng có ý niệm về thời gian. Điều này càng khẳng định điều chúng ta đã nói: thời gian không có thực, chỉ là một tồn tại ảo, là con đẻ của bộ não biết tư duy trừu tượng trước vận động vật chất.
Không có suy nghĩ thì không thể có nhận biết thực
sự, đó là điều chúng ta đã khẳng định và thiền học chắc rằng không thể
không thừa nhận. Mặt khác, chúng ta cũng khẳng định rằng, một cách tuyệt
đối, không thể có cái gọi là "nhận thức trực tiếp" (trực nhận)
về thực tại (không qua tư duy trừu tượng, suy lý), và muốn tìm hiểu bản chất của thế giới khách quan, chỉ có
thể bằng cách gián tiếp nhận thức nhờ khái niệm và thông qua hệ thống
khái niệm. Tuy nhiên, vì bản thân khái niệm và hệ thống khái niệm vốn dĩ
ẩn chứa sự bất toàn (sự cực đoan, siêu hình, phiến diện..., dẫn đến mâu thuẫn, nghịch lý không "tự"(!) khắc phục được) trong lòng chúng, nên chúng đồng thời cũng đã và đang là một trong hai nguyên nhân (nguyên nhân kia là sai lầm trong nhận định về một hay nhiều cảm giác nào đó, có tính chủ quan thuần túy)
gây ra biết bao nhiêu xao động, hoang mang, mập mờ, lẫn lộn cho sự nhận
thức.
Để có thể "vượt thoát" tình trạng ấy, phải thấm nhuần thật sâu
sắc sự tồn tại tất yếu khách quan của khái niệm cùng với tính bất toàn
vốn dĩ của nó, trên cơ sở đó mà xây dựng một tinh thần linh động, biện
chứng triệt để và thường trực trong quá trình suy lý, nhận thức và kiểm
nghiệm. Muốn thế, trước hết phải làm sao có được một trí não khoáng đạt,
thông thoáng, sáng suốt, và chắc rằng "Khí công thiền pháp" là một cách
thức rất hay (thậm chí là hay nhất) để thực hiện điều đó.
Cách nay hơn 2500 năm, khi Lão Tử thốt lên: "Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh" (Tự Nhiên Tồn Tại mà có thể dùng ngôn ngữ để diễn tả rõ được thì không phải là Tự Nhiên Tồn Tại, danh (tên, nhãn mác đặt ra để gọi Nó - tức Tự Nhiên Tồn Tại) mà có thể dùng ngôn ngữ miêu thuật đúng được thì không phải là danh (của Nó)), thì lúc đó nhà hiền triết này đã "cảm thức" được sự tồn tại và vận động vô cùng linh diệu, "thế này mà cũng là thế kia" của thế giới khách quan, đồng thời cũng "phát giác"được sự hạn chế, không hoàn hảo có tính khách quan của ngôn ngữ, khái niệm trong việc mô tả, diễn giải thế giới ấy. Cũng vì thấy được như thế và trong sự nỗ lực tìm cách tiệp cận, nhận chân rõ ràng hơn về sự thực khách quan, các hiền triết Đạo Gia thời cổ đại, mà người khơi mào là Lão Tử, đã xây dựng nên cách thức thiền định (tham thiền nhập định) cho nhận thức, trên cơ sở khí công dưỡng sinh đã có.
Như vậy, có thể nhận định, mục
đích sơ khai, nguyên thủy của thiền là tu thân, luyện tâm, an thần, hầu
"giũ bỏ", "giải thoát" khỏi sự lũng đoạn bởi tính bất toàn của khái
niệm-suy lý, để có được một trí tuệ ngày càng minh mẫn, sáng suốt nhằm
đạt đến khả năng thấu tỏ được, "giác ngộ" được bản chất vốn dĩ của thực
tại (cũng chính là "thực tại cuối cùng", theo cách gọi của thiền học).
Lịch sử thực hành thiền đã cho phép khẳng định rằng, nhờ "nhận thức nội
tâm" mà triết lý Phương Đông, một cách thuần túy định tính và cũng chỉ
trên bình diện đại ý, đã đạt được sự nhận biết về bản chất của thực tại
khách quan tương đối đúng hơn, sát thực hơn triết lý Phương Tây.
Nhưng
không phải vì thế mà triết lý Phương Đông không phạm phải những ngộ nhận
(nhận định sai) nghiêm trọng. Đến tận ngày nay, dù thiền học đã
nhận diện được phần nào "chân dung" về tính biến hóa huyền ảo đến vô
thường của tổng thể các sự vật-hiện tượng trong Vũ Trụ, đồng thời cũng
biết rằng không thể dùng khái niệm-suy lý "vẽ ra" được "chân dung" ấy,
dù là bằng những nét đơn giản nhất, một cách tuyệt đối xác đáng mà không
vấp phải một "khuất tất" nào, thì vì vẫn chưa biết được nguyên nhân sâu
xa dẫn đến tính bất toàn vốn dĩ của khái niệm, hơn nữa là vẫn chưa tỏ
tường được đến cội nguồn bản chất của sự nhận thức, nên đã lý giải lầm
lạc theo hướng huyền bí hóa về thực chất của thiền, cũng như về thực
chất thứ gọi là "nhận thức nội tâm" hay sự "trực nhận". Từ đó mà thiền
học cũng kêu gọi "tẩy chay" khái niệm, loại bỏ suy lý khỏi tư duy nhận
thức và chỉ khi đạt được như thế thì mới có thể tiếp cận được (giác ngộ, đốn ngộ, bừng ngộ, đại ngộ...) chân lý đích thực là chân lý, thực tại chính xác là thực tại. (Nhưng
khi đã "ngộ" được cái sự thể "thế này mà cũng thế kia, phải mà cũng
không phải" của thực tại thì khó mà xác định chắc chắn được bằng ngôn
ngữ, nghĩa là theo thiền học, ai "ngộ" người đó biết, như một kinh
nghiệm cá nhân không thể truyền đạt, vì sự "ngộ" đó ở "tầng"..."vô
niệm"!!!).
Cần phải thấy rằng, "nhận thức nội tâm" hay "trực nhận" chỉ có thể được coi là những nhãn mác do chủ quan qui ước, dùng để "đặt tên", để phân biệt một dạng nhận thức tương đối có tính riêng nhờ thiền định mà đạt được (và chúng ta cũng đã đặt tên là "nhận thức đặc biệt", để tạm phân biệt với "nhận thức thông thường"- tạm hiểu là nhận thức "không trải qua" thiền). Có thể định nghĩa, nhận thức đặc biệt là một dạng, một bộ phận của nhận thức nói chung, thuộc về quá trình nhận thức thế giới khách quan của loài người. Chính vì lẽ đó, nhận thức đặc biệt cũng là nhận thức gián tiếp, nghĩa là trong nhận thức đặc biệt, dù có thể không thấy sự hiện diện của khái niệm-suy lý, thì đó chỉ là vì "lãng quên" có tính tương đối và tạm thời, còn một cách tuyệt đối, không thể thoát ly, chối bỏ được chúng, cũng như không thể triệt tiêu được đặc tính hoạt động theo nguyên tắc từ kế thừa đến sáng tạo của tư duy, tồn tại xuyên suốt quá trình nhận thức ấy.
Khi thiền học nói rằng, chỉ bằng
trực nhận mới "đốn ngộ" (nắm bắt) được "thực tại cuối cùng"- thực
tại đích xác là thực tại (!), thì cũng hàm ý thừa nhận "trước đó" có
(những) thực tại chưa cuối cùng, chưa đích thực, được "hình dung" ra
bằng nhận thức thông thường, đã bị khái niệm-suy lý lũng đoạn, làm cho
sai lạc, và nhiệm vụ của trực nhận chính là "loại bỏ" sự sai lạc ấy. Mặt
khác, vì không thể trực nhận (theo đúng nghĩa đen là nhận thức trực tiếp),
nên có thể "phăng ra" từ câu nói trên của thiền học như sau: nhận thức
đặc biệt là một "phương tiện" của hoạt động tư duy nhờ thiền mà có, được
dùng nhằm tìm hiểu lại cho chính xác cái thực tại đã quan niệm được
bằng nhận thức thông thường.
Như thế, lại phải suy ra, không có "kinh
nghiệm nhận thức" và đối tượng nhận thức thì cũng không thể có nhận thức
đặc biệt, hay nói cách khác, trước tiên là phải có một tích lũy tri
thức ở mức độ nhất định nào đó đã tiếp thu được từ nhận thức thông
thường, rồi trên cơ sở đó, dựa vào đó đồng thời cũng lấy đó làm đối
tượng mà bắt đầu tiến hành nhận thức đặc biệt nhằm khắc phục, loại trừ
về mặt định tính (!) những sai lạc trong hiểu biết do tính bất toàn của
khái niệm gây ra. Từ hoàn toàn "mù tịt" (như trẻ con mới đẻ), chưa có một tý nhận biết nào cả
mà đòi thiền ngộ để tiếp cận chân lý, thì dù là Đức Phật Thích Ca tu
tập đến hết đời bên gốc cây bồ đề, cũng chỉ là vô vọng! Sự "nhận thức
nội tâm" của thiền học dù có thâm hậu đến đâu chăng nữa thì may ra cũng
chỉ phụ trợ phần nào, chứ không bao giờ có thể thay thế được nhận thức
trên cơ sở nghiên cứu khoa học, hơn nữa, nếu chỉ bằng "nhận thức nội
tâm" thôi, chắc chắn loài người không thể "gặt hái" được một kho tàng
tri thức đồ sộ và một nền văn minh siêu việt như hiện nay!
Nhất quyết
không thể nào bằng "nhận thức nội tâm" của thiền mà "ngộ" được định lý Pitago, hay giải thích bản chất
của hiện tượng vạn vật hấp dẫn là gì, "thực tại cuối cùng" về tương
tác hấp dẫn là như thế nào! Cuối cùng, để dung hòa hai quan niệm khác
nhau giữa chúng ta và thiền học về sự nhận thức "trong" thiền hay sự
thiền ngộ, chúng ta kết lại thế này: trực nhận là nhận thức lại một cách
định tính cái đã nhận thức, trong tình trạng tâm thần mà hoạt động tư
duy trừu tượng đã được thiền "đưa về rất gần", giống như với lối suy
nghĩ hồn nhiên đậm nét (!) bản năng, "chưa vướng bụi trần" thời cổ xưa,
khi bộ não chưa "biết đến" khái niệm, chưa biết nhận thức thực sự, vì
thế mà khái niệm-suy lý tuy vẫn tồn tại và phát huy tác dụng trong suy
nghĩ (đương nhiên!), nhưng sự hiện hữu của chúng (trước "người trần mắt thịt")
thì "lặn xuống", chìm sâu vào tiềm thức, làm cho thiền học tưởng rằng
đã loại bỏ được khái niệm-suy lý khỏi tư duy trừu tượng, nên cũng tin
rằng đã đạt đến "tầng" ưu tư vô niệm, khoáng đạt giữa mơ hồ, hối hả
trong yên tịnh, được ví như một sự "im lặng sấm sét" chờ "bừng ngộ".
Từ
đó có được sự nhận thức trực tiếp (trực nhận) hay sự "nhận thức
nội tâm" đầy trí huệ, và vì theo lời các thiền sư, không thể "nói ra"
chính xác những gì "đốn ngộ" được từ đó, nên chúng ta cũng có thể (tạm)
gọi đó là "nhận thức câm nín"! "Cô kết" lại, chúng ta viết: TRỰC NHẬN =
IM LẶNG SẤM SÉT = NHẬN THỨC CÂM NÍN.
(Còn tiếp)
Nhận xét
Đăng nhận xét