Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

TT&HĐ I - 9/t

                                                                 Phật giáo và Thiên chúa giáo

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI

-"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại." 
Bleiste

-"Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì?Đó chính là lòng yêu nước"
Napoleon.

-"Nhân loại luôn có một chỗ độc đáo:
nó lưu giữ hai bộ phép tắc đạo đức - một bộ lén lút, một bộ công khai; một bộ chân chính, một bộ làm bộ làm tịch"
 
Mark Twain

-“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng...”
 
Vidhusekharsastri

-"Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, bạo lực phi lý và tất cả những điều vô nghĩa nhân danh lòng ái quốc – tôi mới căm ghét chúng làm sao!"
Albert Einstein

-"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng".
Aleksandr Solzhenitsyn

-"Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước".
Alexander Hamilton

-"Anh có thể rứt bỏ con người khỏi xứ sở họ, nhưng anh không bao giờ có thể rứt bỏ được xứ sở nơi lòng người"
 
John Don Passos 

 

(Tiếp theo)



Sau đây là chuẩn mực đạo đức của Thiên Chúa Giáo, đã được đúc kết lại thành mười điều răn:
"1-Thờ phượng Đức Chúa Trời và kính mến Ngài trên mọi sự
2-Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
3-Giữ gìn ngày Chúa Nhật
4-Thảo kính cha mẹ
5-Chớ giết người
6-Chớ làm sự dâm dục
7-Chớ lấy của người
8-Chớ làm chứng dối
9-Chớ muốn vợ (hay chồng) người
10-Chớ tham của người"


Và theo wikipedia, 5 điều răn (ngũ giới) trong Phật Giáo:
"1-Tránh xa sát sinh.
  2-Tránh xa sự trộm cắp.
  3-Tránh xa sự tà dâm.
  4-tránh xa sự nói dối.
  5-Tránh xa sự dễ dãi uống rượu".
  
Trên trang mạng "sangdaotrongdoi.vn" có bài viết "Giới luật là nền tảng đạo đức Phật Giáo" của Tuệ Giác, chúng ta trích đoạn:
'Trong xã hội ngày nay, mọi giá trị về khoa học kĩ thuật, văn hóa, chính trị, các học thuyết tôn giáo đều chịu ảnh hưởng tương tác, Phật giáo lại càng không ngoại lệ. Phật giáo xuất hiện và tồn tại trên thế gian vì muốn làm vơi bớt nỗi đau thương của nhân loại và hơn thế nữa là hướng dẫn mọi người trong việc kiến tạo đời sống an lạc căn cứ trên nền tảng đạo đức, trí tuệ và từ bi.

Lật lại sách sử, hình ảnh các vị Thiền sư, nhất là vào thời Lý, Trần luôn sống đúng lời dạy của Đức Phật: “Này các Tỳ -kheo! Hãy du hành vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và loài người”, và hành động theo chuẩn mực đạo đức được xây dựng trên nền tảng giới luật. Trong đó, năm giới là nền tảng đạo đức vững chãi nhất để bảo vệ hòa bình, an lạc và đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đây là lối sống thiết thực, thể hiện sự bình đẳng, nhân bản, dân chủ và cũng là nền đạo đức chuẩn mực của con người sống trên hành tinh này. Giá trị toàn cầu của nó đã được các nhà đạo đức học, xã hội học, triết học trên thế giới công nhận. Ông Albert Schweitzer, nhà triết học người Đức viết “Đức Phật đã sáng tạo ra nền đạo đức nội tâm hoàn thiện qua năm điều răn cấm đầu tiên của Ngài và là một trong những nhà đạo đức học vĩ đại kỳ tài nhất mà thế giới có được”.
(Chúng ta hỏi: suốt hơn 2000 năm nay, Nhà Phật "sống thong thả" được là hầu như nhờ vào sự "nuôi dưỡng" của bá tánh, "tốn kém" như vậy nhưng đã "xả thân", "góp công" một cách thiết thực đến mức nào trong việc ngăn chặn chiến tranh, "biến" nguyện vọng được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc của bá tánh thế giới thành hiện thực, hay cũng chỉ là "kêu gọi", "ru ngủ" và "rao giảng" một cách "mông lung", "sáo rỗng" như mọi tôn giáo khác!?).

Thật vậy, không sát sanh là nuôi dưỡng lòng từ bi, tôn trọng lẽ công bằng nhân đạo đối với đồng loại và tất cả chúng sanh, nhờ đó mà xua tan bóng tối sân hận và ganh ghét. Trong tâm thức mỗi người nếu thiếu căn bản đạo đức này, dù có nói đạo đức cao siêu đến đâu cũng chỉ là lời nói suông, là người mất nhân tính và hủy hoại lương tri. Bởi vì “Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng thích sống còn.” Bởi vì, khổ đau do sự sát hại gây ra, nếu chúng ta biết phát triển lòng từ bi, lấy đó làm nguồn năng lượng để bảo vệ con người, cỏ cây, cầm thú, và đất đá, thì khả năng làm vơi nhẹ và chuyển hóa khổ đau rất lớn. Khi thấy được nỗi khổ thì tâm Bi phát sinh trong ta. Với tình thương, năng lượng của chúng ta được sinh ra từ tuệ giác. Khi chúng ta không có sự hiểu biết đúng đắn về một hoàn cảnh hay một con người, suy nghĩ của ta có thể lầm lạc và gây ra hoang mang, tuyệt vọng, giận hờn, hay thù hận. Vì thế, chúng ta luôn nuôi dưỡng chánh niệm mỗi ngày và tưới tẩm những hạt giống bình an trong ta và trong những người xung quanh, ta sẽ trở nên sống động, và có thể giúp cho chính mình cũng như những người khác đạt đến sự bình an. Sự sống thật quý giá, vậy mà trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường bị cuốn theo những quên lãng, giận hờn, và lo lắng, đắm chìm trong quá khứ, và không có khả năng tiếp xúc với sự sống trong giờ phút hiện tại.(
Chúng ta hỏi: không sẵn có ăn, nếu không lo lắng đến công ăn chuyện làm thì...làm sao sống?).
(...).
Khi chúng ta biết trân quý cái đẹp của sự sống, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì trong khả năng mình để bảo vệ cả cuộc đời. (
Chúng ta hỏi: cố như vậy có phạm vào khẩu hiệu "vô chấp bầt cầu" không?).

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, và bất công xã hội gây ra, chúng ta thực hành hạnh đại Từ để đem lại niềm vui, sống an lạc cho mọi người và mọi loài. Chúng ta cần phải học nhìn sâu để biết cách biểu lộ lòng Từ ấy. Nếu mỗi người, mỗi nhà đều giữ giới thanh tịnh thì chiến tranh nào xảy ra và hận thù nào sanh khởi. Đó chính là thể hiện cách sống hài hòa với tha nhân, biết chia sẻ niềm vui và nỗi khổ cho nhau. Khi giới “Đạo” được tuân giữ thì thành tựu được lòng tin và mối giao hảo đối với người khác không còn vướng bận nỗi sợ hãi. Hành vi trộm cắp như buôn lậu, tham nhũng, việc khai thác tài nguyên bừa bãi, giết hại loài động vật quí hiếm, là những việc làm phi nhân bản. Cho nên Phật dạy mỗi người cần phải sống trung thực, lương thiện, tuyệt đối không xâm phạm của cải và làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của kẻ khác, bằng sự lừa lọc, thiếu đạo đức, bởi chính tác hại của trộm cướp, tham nhũng làm bại hoại đạo đức của con người.

Ngoài quan hệ vợ chồng chính thức, tất cả những quan hệ nam nữ luyến ái khác không xâm phạm gọi là không tà dâm. Không tà dâm là bảo vệ nhân cách của mình, bảo vệ thuần phong mỹ tục, tạo đời sống ổn định về tinh thần.
(...)
Không nói dối tức là không nói những lời trái với sự thật để mưu cầu lợi mình hoặc hại người. Nói dối khiến mất lòng tin, thường lo sợ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nếu mọi người sống chung đều nói dối lẫn nhau, đó là dấu hiệu của sự tan rã, gia đình ly tán, giá trị đạo đức sẽ không tồn tại. Ngược lại, tất cả mọi người đều sống chân thật, thì xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn trộm cắp, tham ô, dối gạt và hạnh phúc luôn ngự trị trong mỗi gia đình, xã hội từ đó sẽ được an bình thịnh vượng.

Không uống rượu, giới này ta không thấy ở các tôn giáo khác. Tuy nghe có vẻ như bình thường, nhưng thực chất nó rất quan trọng. Bởi vì, giới này không những làm cháy gan, thui phổi mà còn là nguyên nhân sanh ra các tội lỗi và làm mất giống trí tuệ. Thuốc độc chỉ giết người trong một đời còn rượu giết người trong hiện tại và tương lai. Thực tế cho thấy, say rượu là nguyên nhân làm tan nhà nát cửa, gây gỗ, đánh chém, tai nạn giao thông, v.v...
(...)
Năm giới của Phật giáo không mâu thuẫn với luật pháp của bất kỳ quốc gia nào. Bởi vì, mục đích của nó là đào tạo con người toàn diện xây dựng thế giới an lạc, hạnh phúc. Năm giới không những là căn bản phạm hạnh mà còn là căn bản cho sự thăng tiến tâm linh, là phương tiện để người tu tập đạt được tâm an lạc, giải thoát mọi khổ đau. Vì vậy, tác dụng của nó vô cùng to lớn đối với tha nhân và xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cả thế gian và xuất thế gian. Ngày nay, lễ truyền thọ Tam quy, Ngũ giới được tổ chức nhiều lần trong năm, làm nền tảng cho việc giáo hóa nhân sinh. Đây cũng chính là tinh thần nhập thế của đạo Phật.

Như thế, các tôn giáo đều chịu ảnh hưởng tương tác trong xã hội. Nếu đem Ngũ giới của Phật giáo so với Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) của Nho giáo ta thấy có chỗ tương đồng. Với nền tảng trên, Khổng Tử nhằm mục đích xây dựng, đào tạo nên mẫu người nhân nghĩa, có phẩm hạnh tốt, có kiến thức rộng rãi và sự tín nhiệm của người khác, trên tinh thần đó sẽ đạt đến mức chí thiện, hoàn thành nhân cách con người. Rồi lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc trong việc ứng xử với những người chung quanh trong quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, tạo nên một mối giao hảo, góp phần xây dựng xã hội thái bình thịnh trị. Nền tảng ấy xây dựng theo một khuôn mẫu ước lệ, chỉ vì hạnh phúc và đời sống của cá nhân là phần lớn, nên có tính cách không phổ quát. Kim chỉ nam của đạo đức Nho giáo là tích cực vào đời để truyền bá đạo mang lại an vui và hạnh phúc chỉ trong phạm vi giới hạn. Cũng vậy, Nho giáo với phương châm: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Bình thiên hạ để làm chủ thiên hạ, trị quốc để cứu nước được an bình, tề gia để nhà được yên vui hạnh phúc và tu thân để thực hiện các mục đích trên và cá nhân mình được lợi lạc. Tất cả nhằm phục vụ xã hội để xã hội phục vụ lại cho chính mình. Từ đó ta thấy nó mang nặng tính thế gian, không chú trọng về mặt tâm linh, do vậy không thể đưa con người đến giác ngộ giải thoát.
(Chúng ta nói: trong hiện thực, hoạt động tuyên truyền chuẩn mực đạo đức nói chung của Phật Giáo... cũng gần như "chót lưỡi đầu môi", cải lương thế thôi, thậm chí đôi chỗ, đôi khi có hiệu quả..."nói cho có", nếu không muốn nói là vô hiệu!).
(...)
Như vậy, trong giáo lý Phật Giáo, việc giáo dục là hướng dẫn mọi người sống đời sống đạo đức đúng với chánh pháp. Đó là cách sống mô phạm để người khác tu tập theo. Cũng thế, trong lĩnh vực tâm linh, giới luật là một dấu hiệu của sự chứng đắc tâm thức. Nó không những là phương tiện để cho bản thân người tu tập đạt được tâm hỷ lạc, và tác dụng của nó cũng vô cùng lớn lao đối với tha nhân và xã hội. Lại nữa, Phật Giáo xây dựng đạo đức trên nền tảng trí huệ, mà muốn đạt được trí huệ phải lấy giới làm gốc để trau dồi thân tâm. Thiết nghĩ, giới luật căn bản năm giới không chỉ áp dụng đem lại kết quả tốt đẹp cho tăng chúng và hàng cư sĩ tại gia mà còn có thể áp dụng thích hợp cho bất cứ cá nhân nào trong xã hội. Đối với hàng tăng ni trẻ ngày nay, nên phương tiện đưa giới luật vào cuộc đời bằng khí thở đạo đức, bằng thức ăn phạm hạnh và lấy việc tu dưỡng thân tâm làm hành trang để kiến tạo một xã hội an bình và hạnh phúc".
Trong trích đoạn vừa nêu, nếu thay một số thuật ngữ chuyên dùng của Nhà Phật bằng những thuật ngữ thông dụng, thì...bất kỳ nhà rao giảng đạo đức chân chính "ngoại giáo" nào cũng nói ra được "những lời có cánh" đại loại... như thế!

(Xin nhấn mạnh, về mặt tình cảm, chúng ta tôn trọng các niềm tin tôn giáo và hơn nữa rất mến mộ những tôn giáo luôn thành tâm "giương cao ngọn cờ" yêu thương đồng loại, răn dạy những điều cao cả, thánh thiện trước đại chúng nhân quần dù có phần xa vời, phi thực tế, nhưng về mặt lý trí, chúng ta coi bất cứ tôn giáo nào, triết thuyết nào cũng là đối tượng bình đẳng trên "bàn tròn biện luận triết học", vì mục đích duy nhất của chúng ta (những kẻ nhà quê ít học nhưng tò mò "đến phát sợ") là cố gắng hết trí lực để cầu may (biết đâu đấy!) tiếp cận được chân lý tối thượng-căn nguyên đích thực của Tự Nhiên Tồn Tại. Đại Chúng ơi, hãy thông cảm cho...Thầy Cãi nhé!!!).

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét