Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

VÌ DÂN - VÌ NƯỚC 03

-“Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi Thiên”
            (Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu)
Cổ ngữ 

-Dân duy bang bản, bản cố bang ninh”. 
(Chỉ có dân là gốc của nước, gốc bền thì nước mới yên) 
Cổ ngữ 
  
------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Đạo lý trị quốc (P.1): Quốc gia suy vong bởi coi dân như cỏ rác


Đạo lý trị quốc(P.1): Quốc gia suy vong bởi coi dân như cỏ rác

Mạnh Tử nói: “Chính nhờ nhân đức mà Hạ, Thương, Chu đã giữ được ngai vàng, và cũng vì bất nhân mà họ mất nước. Nó quyết định sự suy đồi hay hưng thịnh, bảo tồn hay diệt vong của các nước chư hầu”. Vậy nên, người xưa đã tổng kết: Đạo trị quốc, chỉ là yêu dân mà thôi!
Dưới đây là trí tuệ trị quốc an dân của tiền nhân, được ghi chép trong các thư tịch cổ còn lưu lại tới ngày nay:
1. “Từ xưa đến nay, kẻ thù địch với người dân thì sớm muộn người dân tất thắng”.
(Trích “Tân thư – Đại chính thượng” của Giả Nghi đời Hán)
Trong bài thơ “Cảm hứng”, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản,
Đắc quốc ưng tri tại đắc dân.”
Tạm dịch:
Xưa nay quốc gia lấy dân làm gốc,
Giữ được quốc gia là do được lòng dân.
Các triều đại lịch sử xưa nay đều vậy, thuở đầu lập nước là do được lòng dân. Nhưng đến thời mạt vận thì chỉ vì lợi ích mà đối địch với lòng dân, vua quan quân coi dân như kẻ thù nên mới dẫn đến họa diệt vong.
2. “Cái gốc trị quốc là ở yên dân. Cái gốc yên dân là ở đủ dùng. Cái gốc đủ dùng là ở không quấy nhiễu dân làm ăn”.
(Trích “Hoài Nam Tử – Thái tộc”)
Cái gốc quản lý quốc gia là phải làm cho người dân an cư lạc nghiệp. Cái gốc an cư lạc nghiệp là để người dân được ăn mặc tiêu dùng đầy đủ. Cái gốc để người dân có đầy đủ ăn mặc tiêu dùng là không can nhiễu quấy rối cưỡng đoạt, để người dân hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Trong Tam Quốc Chí, Trần Thọ cũng có câu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi Thiên”, nghĩa là: Quốc gia lấy người dân làm gốc, người dân coi việc ấm no là Trời. Như vậy, cái gốc của trị quốc là lo cho người dân được an cư lạc nghiệp, được ấm no.
Người dựng được nước là người coi trọng nhân dân, lo cho cuộc sống và lợi ích của nhân dân, như vậy người dân ắt sẽ quy về, từ đó mà giúp vương triều thành đại nghiệp.
Những năm cuối triều Tần có một thư sinh tên là Lịch Thực Kỳ, học vấn uyên bác. Ông từng hiến kế giúp Lưu Bang mưu trí chiếm được đất Trần Lưu. Sau này ông được phong làm Quảng Dã Quân.
Sau khi triều Tần diệt vong, Lưu Bang và Hạng Vũ tranh bá. Lưu Bang liên kết các địa phương chống lại lực lượng của Hạng Vũ, chiếm đóng Huỳnh Dương và Thành Cao. Phía tây bắc Huỳnh Dương có ngọn núi Ngao Sơn, trên núi có tòa thành nhỏ được xây dựng từ thời nhà Tần. Trong thành có rất nhiều kho chứa lương thực nên mới gọi là Ngao Thương, đây cũng là kho lương thực lớn nhất vùng Quan Đông.
Sau khi bị Hạng Vũ tấn công dữ dội, Lưu Bang tính kế rút lui, nhường khu vực từ Thành Cao về phía đông cho Hạng Vũ. Lưu Bang hỏi Lịch Thực Kỳ có kế sách nào không. Lịch Thực Kỳ nói: “Bậc vương giả coi dân là Trời, mà người dân coi cái ăn là Trời. Quân Sở không biết giữ kho thóc mà tiến về phía đông, đây là cơ hội Trời giúp nhà Hán thành công đó. Nếu chúng ta rút khỏi Thành Cao lui về giữ đất Củng, đất Lạc, như thế tức là đem kho lương thực quan trọng như thế này dâng cho kẻ thù. Việc này sẽ gây ra bất lợi vô cùng cho cục diện hiện nay. Mong ngài hãy nhanh chóng tổ chức binh lực, cố thủ Ngao Thương, nhất định sẽ thay đổi được cục diện bất lợi hiện nay”.
Lưu Bang thực hiện theo kế sách Lịch Thực Kỳ, cuối cùng giành được thắng lợi.
Lưu Bang thực hiện theo kế sách Lịch Thực Kỳ, cuối cùng giành được thắng lợi. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)
3. “Ngựa mệt không sợ roi, dân mệt không sợ hình phạt”.
(Trích “Giám thiết luận – Chiếu Thánh” của Hoàn Khoan đời Hán)
Khi ngựa sức cùng lực kiệt thì roi vọt cũng không có tác dụng, nó cũng chẳng sợ nữa. Người dân đói rét khổ cực thì hình phạt nghiêm khắc cũng không khiến họ sợ nữa. Khi người dân bị dồn đến mức không thể sống tiếp thì trấn áp tàn khốc thế nào đi nữa cũng không có tác dụng.
Tục ngữ cũng có những câu như: “Chó cùng rứt giậu”, hay “Con giun xéo lắm cũng quằn”, chính là nói lên đạo lý này.
4. “Một người kêu than, thì đạo trị quốc (vương đạo) đã bị tổn hại”.
(Trích “Tiềm phu luận – Cứu biên” của Vương phù đời Hán)
Đạo trị quốc dùng nhân đức cảm hóa thu phục lòng người nên mới được gọi là vương đạo.
Trong nước chỉ cần có một người dân kêu than thống khổ thôi thì có nghĩa đạo trị quốc đã bị tổn hại rồi. Câu nói này tuy đơn giản nhưng lại chứa đựng trí tuệ rất sâu xa: Chớ vì vấn đề nhỏ chỉ liên quan đến thiểu số hoặc người cá biệt mà coi thường bỏ qua. Khổ đau, vui buồn của mỗi người dân đều ảnh hưởng đến an nguy và trị an quốc gia.
5. “Chân lạnh tổn thương đến tim, dân lạnh tổn thương đến quốc gia”.
(Trích “Thân giám –  Chính thể” của Tuân Duyệt đời Hán)
Chân lạnh sẽ gây tổn thương cho nội tạng cơ thể người. Người dân áo không đủ mặc thì chính quyền quốc gia sẽ bị tổn hại, bị chê trách.
Tuân Duyệt từng nói rằng sự vui buồn giàu nghèo của người dân là có quan hệ mật thiết đến chính quyền, đến quân chủ, đến người lãnh đạo. Đây cũng chính là tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ của Nho gia.
Chân lạnh tổn thương đến tim, dân lạnh tổn thương đến quốc gia. (Ảnh minh họa: readhouse.net)
6. “Quốc gia hưng thịnh bởi coi dân như con đỏ, quốc gia suy vong bởi coi dân như cỏ rác”.
(Trích “Tam quốc chí – Ngô chí – Hạ Thiệu truyện”)
Quốc gia sở dĩ hưng thịnh là do coi người dân như trẻ sơ sinh mà nâng niu chăm sóc. Ngược lại, một quốc gia khi đã coi người dân như cỏ rác mà chà đạp ruồng bỏ thì quốc gia đó đã đến bờ diệt vong rồi.
Đây chính là lời mà Trung thư lệnh Hạ Thiệu của nước Ngô nói khi khuyên Ngô đế Tôn Hạo, đại ý rằng quân vương cần phải yêu quý và bảo vệ bách tính, bởi chính người dân mới có thể quyết định sự hưng suy tồn vong của quốc gia.
7. “Trên bình an là bởi làm yên vui kẻ dưới; tốt cho mình là bởi đem lợi ích cho người”.
(Trích “Ngũ đẳng chư hầu luận” của Lục Cơ đời Tấn)
Người thống trị muốn bình an vô sự, thì cần phải yêu quý bảo vệ chăm lo cho những người dân ở dưới, khiến người người yên vui. Bản thân mình muốn có được lợi ích, thì trước tiên cần phải làm cho người khác có được lợi ích.
Lục Cơ cho rằng: Người thống trị phải chia sẻ quyền lợi với người ở dưới thì mới có thể duy trì thống trị lâu dài được. Cần coi trọng người dân và lợi ích của họ thì đó chính là nguyên tắc quan trọng quản lý quốc gia.
Trên bình an là bởi làm yên vui kẻ dưới; tốt cho mình là bởi đem lợi ích cho người. (Ảnh minh họa: chnmuseum.cn)
8. “Việc thiên hạ thì nên cùng với người thiên hạ gánh vác. Trí tuệ một người sao có thể làm nên”.
(Trích “Tống thư – Nhan Diên Chi truyện” của Lương Thẩm Ước đời Nam Triều)
Sự việc của cả một quốc gia nên cùng bàn bạc với người dân toàn quốc để cùng quản lý. Việc phức tạp như thế này lẽ nào trí tuệ sức lực của một người có thể làm nổi?
Thời Tống Văn Đế, Lưu Trạm và Ân Cảnh Nhân độc chiếm triều chính, Binh bộ hiệu úy Nhan Diên Chi đã dùng lời nói này bày tỏ phê phán những người nắm quyền, và nói rõ cái đạo trị quốc.
9. “Người giỏi tàng trữ tài sản là tàng trữ ở trong nhân dân”.
(Trích “Tấn thư – Mộ Dung Hoàng tải ký” của Phòng Huyền Linh đời Đường)
Bậc quân chủ giỏi tàng trữ tài sản là người đem tài sản tàng trữ ở trong nhân dân.
Vua nước Tiền Yên là Mộ Dung Hoàng khuyến khích phát triển sản xuất. Nhưng vì chế độ thuế điền địa quá hà khắc, nên Ký thất tham quân Phong Dụ bèn khuyên ông: “Nên giảm thuế mà tàng trữ tài sản đó ở trong bách tính”. Chỉ cần người dân giàu có thì nguồn tài sản quốc gia mới được có được cơ sở vững chắc lâu bền.
(Còn nữa)
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch

Đạo lý trị quốc (P.2): Lòng dân nhiều oán hận thì không phải là cái phúc của quốc gia


Đạo lý trị quốc (P.2): Lòng dân nhiều oán hận thì không phải là cái phúc của quốc gia

Mạnh Tử nói: “Chính nhờ nhân đức mà Hạ, Thương, Chu đã giữ được ngai vàng, và cũng vì bất nhân mà họ mất nước. Nó quyết định sự suy đồi hay hưng thịnh, bảo tồn hay diệt vong của các nước chư hầu”. Vậy nên, người xưa đã tổng kết rằng: Đạo trị quốc, chỉ là yêu dân mà thôi!
Dưới đây là trí tuệ trị quốc an dân của tiền nhân, được ghi chép trong các thư tịch cổ còn lưu lại tới ngày nay:
10 . “Lòng dân thường thay đổi, duy chỉ quy thuận người nhân ái.”
(Trích “Nam Tề thư – Cao Đế bản kỷ” của Tiêu Tử Hiển thời Nam Triều)
Trên đây là một câu trong chiếu thư của Tống Thuận Đế thời Nam triều khi ông nhường ngôi cho Tiêu Đạo Thành. Tuy việc thay triều đổi đại chẳng qua chỉ là cuộc tranh giành quyền lực, nhưng câu nói trên đã cho thấy một đạo lý bất di bất dịch: Lòng dân chỉ quy thuận những người yêu mến và bảo vệ họ mà thôi.
11. “Lòng dân nhiều oán hận thì không phải là cái phúc của quốc gia.”
(Trích “Nam Tề thư – Võ Thập Thất Vương truyện” của Tiêu Tử Hiển thời Nam triều)
Đương thời, thiên tai, lụt lội và hạn hán liên tiếp xảy ra, cộng thêm các hình phạt khắc nghiệt của triều đình khiến nhà tù luôn chật ních phạm nhân, còn nhân dân thì oán trách đầy đường. Tiêu Tử Lương đã dùng câu nói này để đề xuất với vua cha rằng chỉ có khoan dung giải quyết nỗi khổ đau của người dân thì mới có thể duy trì được sự thống trị lâu dài cho vương triều.
12. “Không nỗ lực để người dân giàu có trước tiên mà chỉ nói làm lợi cho quốc gia, làm sao có chuyện dân bên dưới nghèo khổ mà quốc gia bên trên lại giàu mạnh được?”
(Trích “Nam Tề thư – Vũ Thập Thất Vương truyện” của Tiêu Tử Hiển đời Nam triều)
Năm xưa, Chu Thái Tổ Quách Uy vì đã từng lăn lội trong dân gian suốt một thời gian dài nên mới có thể thấu hiểu nỗi thống khổ của dân chúng. Nhưng từ khi Lương Thái Tổ Chu Ôn đặt ra ‘thuế trâu bò’, hơn 60 năm sau đó bách tính phải sống khổ cực. Quách Uy đã bãi bỏ hết những điều luật hà khắc, đồng thời đem trang viên ruộng đất công ra phân chia cho các hộ nông dân làm tài sản vĩnh cửu của họ, khiến dân chúng vui mừng ca ngợi. Có người đề xuất với vua rằng nếu đem bán những trang viên ruộng đất công này đi thì có thể thu về một khoản tiền lớn để quốc gia chi dùng. Quách Uy đã dùng câu nói trên để trả lời. Ông chủ trương chia tặng cho các hộ nông dân, không thu một xu.
Dân bên dưới nghèo khổ thì quốc gia bên trên không thể giàu mạnh được. (Ảnh: jianshu.com)
13. “Không đổi mạng một người dân để có được thiên hạ.”
(Trích “Văn trung tử trung thuyết – Thiên địa” của Vương Thông đời Tùy)
Không vì tranh đoạt thiên hạ mà coi thường sinh mệnh người dân. Đây là câu trả lời của Vương Thông thời nhà Tùy khi Lý Mật hỏi Vương Thông về sách lược bá vương. Câu nói này đã nhấn mạnh đạo lý rằng: Bậc quân vương nếu muốn thành bá nghiệp thì phải yêu quý và bảo vệ dân chúng của mình.
14. “Đế vương nào có cố định bất biến, người được nhân dân ủng hộ thì trở thành đế vương.”
(Trích “Bắc sử – Vũ Văn Quý truyện phụ Vũ Văn Hân” của Lý Diên Thọ đời Đường)
Vũ Văn Hân là tả mệnh thân tín của Tùy Văn Đế. Ông vì bị cách chức quan mà trở nên bất mãn, bèn bàn với Lương Sỹ Ngạn mưu đồ đoạt ngôi vị hoàng đế. Câu nói trên đây là của Vũ Văn Hân nói với Lương Sỹ Ngạn trong hoàn cảnh này.
15. “Đạo làm vua trước tiên phải khiến bách tính sinh tồn. Nếu tổn hại bách tính để phụ sự bản thân thì giống như cắt đùi để nuôi bụng, bụng no nhưng thân thể tử vong.”
(Trích “Trinh Quán chính yếu – Quân đạo” của Ngô Căng đời Đường)
Đây là câu nói của Đường Thái Tông đối với cận thần vào năm Trinh Quán thứ nhất. Đường Thái Tông là vị hoàng đế vô cùng coi trọng bách tính nên đã trở thành bậc minh quân vĩ đại trong lịch sử.
16. “Bách tính an lạc mới là vũ khí và áo giáp.”
(Trích “Trinh Quán chính yếu – Nhân nghĩa” của Ngô Căng đời Đường)
Bách tính an cư lạc nghiệp mới là vũ khí, là sức mạnh quốc phòng chống ngoại bang xâm lấn.
Năm Trinh Quán thứ tư, khi Phòng Huyền Linh tấu rằng: “Hôm nay kiểm duyệt vũ khí áo giáp kho vũ khí, thấy vượt xa triều Tùy rất nhiều”, Đường Huyền Tông đã dùng câu: “Bách tính an lạc mới là vũ khí và áo giáp” để trả lời. Ý nghĩa câu trên là: trang bị vũ khí tất nhiên là việc quan trọng, nhưng khiến cho người dân an cư lạc nghiệp mới là điều quan trọng hàng đầu.
Bách tính an cư lạc nghiệp mới là vũ khí, là sức mạnh quốc phòng chống ngoại bang xâm lấn. (Ảnh: ifuun.com)
17. “Lấy con người làm gốc, lấy tài sản làm ngọn. Con người yên ổn thì tài sản dồi dào, cái gốc bền chắc thì nước mới bình yên.”
(Trích “Điều thứ nhất – Giảm thuế khóa thương xót người dân” của Lục Chí đời Đường)
Câu nói trên cũng tương đương với hai câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản,
Đắc quốc ưng do tại đắc dân.”
Nghĩa là:
Xưa nay nước lấy dân làm gốc,
Được nước là do được lòng dân.
18. “Nếu làm lợi cho dân thì có khác gì với làm lợi cho quốc gia?”
(Trích “Cựu ngũ đại sử – Chu thư – Thái Tổ kỷ” của Lô Đa Tốn đời Tống)
Câu nói trên cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân và quốc gia: Nhân dân là gốc, quốc gia là ngọn, gốc rễ bền thì ngọn mới tốt tươi, dân có giàu thì nước mới vững mạnh. Do đó trước hết phải làm lợi cho dân, để dân yên vui, giàu có.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch

Về tờ sớ “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu” gửi Vua Gia Long năm 1810 và tấm lòng thương dân của vị Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành

Ths. Bùi Văn Huỳnh, PGS.TS. Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học
Sách Đại Nam thực lục ghi lại một sự kiện vào mùa Xuân, tháng Giêng năm Canh Ngọ (1810) như sau: “Dân Bắc Thành bị đói. Trước là trấn Kinh Bắc, Hải Dương, Yên Quảng, Sơn Nam hạ bị hạn và lụt, thành thần đem việc thiên tai báo lên. Sai hoãn việc đòi lính, nghỉ hỏi kiện vặt, bãi các công dịch, lại sai thành thần bàn kỹ chính sách cứu đói. Nguyễn Văn Thành dâng sớ nói: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu”. Sau khi các trấn bị thiên tai, nhân dân ngày càng đói lắm. Xin bàn cách phát chẩn và cho vay, để đỡ túng ngặt cho dân, cấm chọn tiền để dân tiêu dùng được dễ.

            Vua đều theo lời. Sai phát thóc kho ra 30.000 hộc, khiến bọn Trương Tấn Bửu, Phạm Như Đăng, Nguyễn Đình Đức chia đi các nơi chẩn cấp…”[1].

            Tờ sớ mà Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành gửi lên vua Gia Long mở đầu bằng một câu châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu”. Vấn đề là xuất xứ câu này từ đâu mà ra?

            Sách Từ Nguyên 辭 源 viết: “民 天,謂 糧 食 也。管 子: “王 者 以 民 為 天”。民 以 食 為 天”。沈 約 文: 深 樹 國 本,克 阜 民 天”[2]. (Dân thiên: “vị lương thực dã. Quản tử: “Vương giả dĩ dân vi thiên. Dân dĩ thực vi thiên. Thẩm Ước văn: Thâm thụ quốc bản, khắc phụ dân thiên”. Nghĩa là: “Trời của dân, để chỉ lương thực. Sách Quản tử có câu: “Bậc Vương giả coi dân là trời, mà dân thì coi cái ăn là trời”. Thẩm Ước giải thích: Muốn cho gốc nước vững bền, phải làm cho đầy đủ lương thực).

            Các nhà chú thích đời sau đều cho rằng ở câu nói trên trong sách Quản tử thì: Vương giả 王 者 đồng nghĩa với Quốc 國 (Nước), còn Thiên 天 (Trời) đồng nghĩa với Bản 本 (Gốc) hoặc với Thủ 首 (Đầu tiên). Do vậy, nhiều nhà chính trị, trong đó có Tổng trấn Nguyễn Văn Thành khi nhắc lại câu nói trên đây, đã diễn giải thành: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu”.

            Nhưng tư tưởng “Quốc dĩ dân vi bản” - 國 以 民 為 本 (Nước lấy dân làm gốc) lại không phải của Quản tử, tức Quản Trọng, giữ chức Tướng quốc dưới thời Tề Hoàn công (685-643 tr. Cn), mà được ghi chép đầu tiên trong sách Kinh Thư (書 經 – Thư Kinh). Trong thiên Ngũ tử chi ca - 五 子 之 歌 viết: “民 惟 邦 本,本 固 邦 寧” - “Dân duy bang bản, bản cố bang ninh” (Chỉ có dân là gốc của nước, gốc bền thì nước mới yên). Đó là khởi đầu cho tư tưởng Thân dân 親 民 (gần gũi, thương yêu dân chúng) của Nho gia sau này. Khổng Tử (551-479 tr. Cn) là người đầu tiên nói tới Nhân 仁 và Nghĩa 義, sau đó Mạnh Tử (372-289 tr. Cn) nói đến Nhân nghĩa 仁 義 và Nhân chính 仁 政, đều thuộc lĩnh vực Thân dân cả.

            Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nguyễn Trãi (1380-1442) là người nói nhiều đến tư tưởng Nhân nghĩa và thực hiện tư tưởng ấy trong đời sống xã hội nhiều hơn cả. Theo Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Bình Ngô đại cáo), “Quân của Vương giả chỉ có dẹp yên mà không có đánh chém. Việc làm nhân nghĩa cốt để yên dân” (Thư gửi Liễu Thăng). Những nhà chính trị theo học thuyết Nho gia, như Nguyễn Trãi thế kỷ XV, hoặc Nguyễn Văn Thành, thế kỷ XIX bao giờ cũng thấy mình có trách nhiệm: “nuôi dân”, “chăn dân” và “huệ dân”.

            Lòng thương người, tình người, sự chân thành, sự khoan dung độ lượng có thể cảm hóa được những kẻ lầm đường, những người trộm cắp, thậm chí kể cả kẻ thù địch khi đã đầu hàng là nét độc đáo trong tư tưởng nhân nghĩa của các nhà chính trị tài ba, có tâm đức như Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành.

            Ở đây, chúng ta đều biết không phải ngẫu nhiên mà vua Gia Long lại lựa chọn Nguyễn Văn Thành trong số tướng tài, thân cận của mình, để trao cho trọng trách Tổng trấn Bắc thành, phụ trách 11 trấn phía Bắc quốc gia Việt Nam thời bấy giờ. Chính sử của nhà Nguyễn từng cho ta biết điều đó.

            Sách Đại Nam liệt truyện nhận xét: “[Nguyễn Văn] Thành trang mạo đẹp đẽ tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ…”[3] hay “… Thành biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong số chư tướng Vua (tức Gia Long – TG) trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn, việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán…”[4].

            Với lời nhận xét trên của sử thần triều Nguyễn, chúng ta hiểu rằng họ muốn khẳng định Nguyễn Văn Thành là bậc trọng thần của vua Gia Long, văn võ song toàn, tài đức kiêm bị.

            Thời bấy giờ, sau mấy chục năm chiến tranh liên miên, vùng đất Bắc thành rơi vào tình trạng: “… quyền cương đảo lộn, chính trị trễ tràng, bọn hào hữu vũ đoán trong làng xóm, dân phong ngày thêm điêu bạc, kiện tụng rối bời, trộm cướp tứ tung… chính trị phong tục ngày càng thối nát…”[5]. Trước tình trạng ấy, cần phải có một người đủ tài đức, có cả ân lẫn uy để đưa xã hội vào kỷ cương, khiến cho cuộc sống của người dân lành được bình yên, no ấm.

            Sử triều Nguyễn ghi chép khá nhiều dòng nhằm ca ngợi tài đức của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành thời kỳ tại nhiệm.

            “Tháng 9 năm Nhâm Tuất (1802), vua sắp hồi loan, quay xe về Kinh, bèn cho Thành làm Tổng trấn Bắc thành. Ban cho sắc ấn trong ngoài 11 trấn, đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án đều được tiện nghi làm việc… Thành dâng biểu xin từ, Vua xuống tờ Chiếu khen rằng: “Việc Bắc thành đều giao cho ngươi cả”, Thành lậy nhận mệnh. Bấy giờ Thành mời trấn phủ trăm họ, chiêu dụ hào kiệt, những Hương cống, Tiến sĩ đời Lê đều đến cửa Thành lấy lễ hậu đãi, họ đều vui làm việc”[6].

            “Mùa Đông năm Gia Long thứ 5 (1806), Thành vào Kinh chầu, lại dâng địa đồ nội ngoại 11 trấn, và các phủ châu huyện cộng 164 bản.

            Vua yêu đến các quan cũ có công to, mỗi khi Thành đến chầu, bèn cho ngồi thong thả hỏi han, Thành cũng đem hết sức tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch Nhà nước, mưu kế việc binh, biết cái gì là nói hết, cũng nhiều điều bổ ích”[7].

            Sách Đại Nam thực lục chép nhiều việc làm thương dân của Nguyễn Văn Thành, với ý khẳng định công lao và biểu dương đức độ của ông:

            “Tháng 6 năm Giáp Tý (1804): Bắc thành nước lớn, đê vỡ, thành thần (tức vị đại thần đứng đầu “Thành” – TG) đem thóc kho phát chẩn rồi đem việc tâu lên…”[8].

            “Tháng 7 năm Giáp Tý (1804): Quan Bắc thành tâu rằng: “Liền năm đê vỡ, các trấn tại hại rất nhiều. Xin phàm việc không cần kíp và kiện vặt ở các nha đều cho hoãn cả. Thuế mùa hạ và thuế trốn thiếu năm trước (1803) cũng xin đều thu vào mùa đông, để dân đỡ cấp bách”. Vua nhận lời tâu[9].

            “Tháng 11 năm Giáp Tý (1804): Quan Bắc thành tâu xin dựng nhà coi việc ở cửa Nam thành, cứ năm ngày một lần họp quan lại để bàn việc. Ai có tình trạng uất ức, đã qua ba nha: trấn, phủ, huyện mà chưa được phục tình, thì cho đầu đơn để xét cho rõ lý. Vua y theo lời tâu”[10].

            “Tháng 12 năm Giáp Tý (1804): Quan Bắc thành tâu rằng: “Các nha hỏi việc hình còn nhiều án tích lại, làm lụy cho dân. Xin cứ đến cuối năm kiểm soát, trước sau ba nha: trấn, phủ, huyện đều ghi sổ những án xét để làm bằng mà kê cứu”. Vua y lời tâu”[11].

            “Tháng 6 năm Ất Sửu (1805): Quan Bắc thành tâu: “Gần đến mùa mưa lụt, sợ đê điều thẩm lậu, xin lấy dân sửa đắp và dự trữ đống đất và tre gỗ ở trên mặt đê để phòng bị”. Vua y theo lời”[12].

            Dưới thời quân chủ ở phương Đông, những nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, như: Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… giai cấp thống trị thường thi hành công việc trị quốc theo đường lối Nhân chính 仁 政 của Mạnh Tử.

            Nhân chính 仁 政 là nền chính trị dựa trên đức Nhân. Nội dung chủ yếu của Nhân chính, đại thể bao gồm những vấn đề sau:

            - Giảm nhẹ hình phạt

            - Thu nhẹ thuế khóa

            - Tạo điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp

            - Phát triển tăng gia sản xuất thóc lúa, dâu gai.

            Mạnh Tử chủ trương một nền chính trị nhân hậu, lấy mục đích bảo vệ nhân dân làm trọng yếu. Chính sách “bảo dân” ấy, gồm có chương trình dân sinh, kinh tế và giáo hóa. Mạnh Tử đã diễn giải rõ rệt cái gốc của chính trị là điều hòa nền kinh tế, sản xuất cho dồi dào và quân bình, nhấn mạnh vào điểm thực tế “Dân dĩ thực vi tiên” (Dân lấy ăn làm đầu), chứ không thuyết nhân nghĩa một cách không tưởng.

            Trung thành với quan điểm “Thứ chi – Phú chi – Giáo chi” 庶 之 - 富 之- 教 之 (Vua đứng đầu một quốc gia phải làm cho dân đông, phải làm cho dân giầu và phải giáo dục, dậy dỗ họ) của Khổng Tử, theo ý Mạnh Tử, Nhà nước không những phải giúp nhân dân luôn có tài sản (chữ Hán là: Hằng sản 恆 產), mới giữ được tấm lòng tốt thường xuyên (chữ Hán là Hằng tâm 恆 心).

            Qua những bản điều trần và những việc làm của Nguyễn Văn Thành trong thời kỳ làm Tổng trấn Bắc thành, chúng ta thấy ông tỏ ra hiểu rõ đường lối Nhân chính của Mạnh Tử, vừa nói trên. Ông hiểu rõ rằng: Người dân cần phải có tư liệu sản xuất thiết yếu là ruộng đất, thì mới đảm bảo đời sống được. Vì vậy, ngay từ tháng 3 năm Quý Hợi (1803), tức là chỉ sau có vài tháng trên cương vị Tổng trấn Bắc thành, Nguyễn Văn Thành đã dâng sớ lên triều đình Phú Xuân những điều thiết thực đối với đời sống của nhân dân như sau: “Bọn thần trộm nghĩ rằng nhà vua phát thi nhân chính, trước hết là ở việc chia ruộng, cấp lộc. Điều chế có thi hành thì quan mới có thường lộc, dân mới có thường sản, sẽ không có cái lo về bọn hào hữu kiêm tính nữa. Xin trước hết hạ chiếu văn lấy việc đổi cũ theo mới mà dụ rằng vốn muốn lo tính sinh kế cho dân, lại lượng giảm bớt tô dung, để tỏ ân tín, khiến lòng dân mừng phục, rồi sau mới cử hành”[13].

            Sau đó, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành xin trình bầy 3 điều sau:

1. Sửa đúng sổ ruộng (Địa bạ) để cho tiện việc quân cấp.

            2. Xét sổ đinh (Đình bạ) để rõ số dân.

            3. Chọn người hiền tài để trao quan chức[14].

            Một trong các mục đích của đạo học theo tinh thần Khổng giáo là Học dĩ chí dụng 學 以 至 用 (Học là để ứng dụng vào thực tế). Học là để ứng dụng có ích với đời, với quốc gia và xã hội. Vì học có mục đích ứng dụng, cho nên Khổng tử mới dạy học trò:

            “Tụng Thi tam bách, thụ chi dĩ chính, bất đạt; sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối; tuy đa, diệc hề dĩ vi?” (Đọc thuộc 300 bài Kinh Thi, mà trao quyền chính cho, không làm được thông suốt, đi sứ đến bốn phương không ứng đối nổi, thì dẫu học nhiều mà làm gì? – Luận Ngữ - Tử Lộ).

            Có thể nói, xem cách hành xử của Nguyễn Văn Thành thời làm Tổng trấn Bắc thành, thì đủ biết hồi tuổi trẻ ông học tập như thế nào. Nếu ông không phải người học giỏi, chắc chắn ông không thể làm được những công việc như vừa kể trên. Nguyễn Văn Thành thấm nhuần đường lối Nhân chính của Mạnh tử, cho nên những chính sách ông đem thi hành ở Bắc thành từ năm 1802 đến năm 1810, đều nhằm tới mục đích thương yêu người dân lao động, tạo điều kiện cho họ có đời sống no ấm, đầy đủ trong phạm vi nền kinh tế đương thời. Đúng như sử thần triều Nguyễn nhận xét về ông như sau:

            “[Nguyễn Văn] Thành có văn võ, tài lược… Đến lúc Bắc Hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn, không động đến lời nói, nét mặt mà trộm, giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, tâu bày sự nghi đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước”[15].

            Chúng tôi cho rằng vào đầu triều Nguyễn, một trong những người có tài chính trị và thương dân hơn cả là Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành. Chúng ta chỉ cần đọc kỹ các bộ chính sử triều Nguyễn ghi chép về Nguyễn Văn Thành và các bạn đồng liêu với ông vào 2, 3 thập niên đầu thế kỷ XIX, thì sẽ thấy rõ điều đó./.

[1]. Đại Nam thực lục. Nxb Khoa học xã hội, H. 2004, tập 1, tr. 772.
[2]. Từ Nguyên: bộ Thị, tập Thìn.
[3]. Đại Nam chính biên liệt truyện. Nxb Thuận Hóa, Huế 1993, tập 2, tr. 346.
[4]. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 2, tr. 363.
[5]. Đại Nam thực lục. Nxb Giáo dục, H. 2004, tập 1, tr. 555.
[6]. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 1, tr. 363.
[7]. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 1, tr. 364.
[8]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 603.
[9]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 615.
[10]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 619.
[11]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 621.
[12]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 634.
[13]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 555.
[14]. Đại Nam thực lục. Sđd, tập 1, tr. 556.
[15]. Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 2, tr. 372.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét