Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

KÝ ỨC CHÓI LỌI 127

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Sư Đoàn 2, Trăm Lần Xóa Sổ Phiên Hiệu Địch | Chuyện 4 Sư Trưởng Anh Dũng Ngã Xuống Nơi Chiến Địa

Chuyện hai tiểu đoàn cầm chân một sư đoàn ở đèo Khau Chỉa

40 năm sau những ngày tháng đối đầu nhau trên trận địa, những người cựu binh ở hai đầu chiến tuyến tình cờ hội ngộ. Trong câu chuyện ôn lại quá khứ, những cựu binh Trung Quốc tỏ ý thán phục bộ đội Việt Nam, vô cùng bất ngờ khi chỉ 2 tiểu đoàn của ta chốt chặn, đánh bật một sư đoàn địch.
Hai tiểu đoàn cầm chân một sư đoàn
Vốn đã bận rộn với công việc bán chân gà nướng, những ngày đầu năm 2019, cựu chiến binh Hồ Tuấn (trú tại phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) còn tất bật hơn với công tác chuẩn bị cho cuộc gặp mặt của Trung đoàn bộ binh 567 (E567) ngày 17/2 tới.
Thời điểm diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông Tuấn mới 23 tuổi, là chiến sĩ của E567 - đơn vị chiến đấu ngoan cường, chặn đứng bước tiến của quân Trung Quốc ở đèo Khau Chỉa, Phục Hòa, Cao Bằng.
Cựu chiến binh Hồ Tuấn thời mới nhập ngũ (ảnh trên) và hiện tại. (Ảnh: NVCC)
Ông Hồ Tuấn là xạ thủ súng máy 14,5 ly thuộc Đại đội 16, E567. Tháng 3/1979, trong đợt tổng kết công tác chiến đấu, bản thân ông Tuấn được tập thể đơn vị công nhận tiêu diệt 120 tên địch, bắt sống 2 sỹ quan địch, thu gần 100 lựu đạn, 1 hòm đạn K56, súng B41, K54…
Ngót 40 năm sau cuộc giao tranh ấy, ông Hồ Tuấn bất ngờ có cuộc hội ngộ với những người lính ở bên kia chiến tuyến. Cuối tháng 12/2018, một đoàn khách du lịch là những cựu binh Trung Quốc từng tham chiến năm 1979 tại mặt trận Phục Hòa (Cao Bằng) sang Cao Bằng tham quan. Thông qua người phiên dịch, những người lính này bày tỏ mong muốn được gặp các chiến sĩ của ta đã chiến đấu trên cùng mặt trận đó.
“May mắn, anh phiên dịch tên Cường lại quen biết tôi nên gọi tôi đến gặp gỡ. Tôi và các cựu binh Trung Quốc ngồi trò chuyện khoảng nửa tiếng ở quán cà phê, chia sẻ với nhau về những ngày tháng đối đầu nhau trên trận địa” - ông Tuấn cho hay.
Cái bắt tay giữa những cựu binh từng ở hai đầu chiến tuyến. (Ảnh: NVCC)
“Tôi nói với họ: “Tôi với các ông đều là con người, vốn không có thù oán gì nhau, vì các ông sang đánh chúng tôi, chúng tôi phải cầm súng chiến đấu". Những cựu binh Trung Quốc gật đầu tỏ ý đồng tình” - ông Hồ Tuấn chia sẻ.
Hai bên hỏi thăm sức khỏe nhau, ngày tháng nhập ngũ, thời gian phục vụ trong quân đội, chế độ sau khi giải ngũ... Những cựu binh Trung Quốc cũng hỏi về trận địa Khau Chỉa, nơi họ từng bị bộ đội Việt Nam chặn đánh.
“Tại trận địa Khau Chỉa, họ vẫn đinh ninh rằng quân ta có đến một sư đoàn. Tôi bảo lúc đó tôi đang là chiến sĩ nên không được biết có bao nhiêu quân nhưng thực tế ở đó chúng ta chỉ có hai tiểu đoàn. Họ còn hỏi, giao thông hào ở Khau Chỉa có phải làm từ thời Pháp xâm lược Việt Nam không? Tôi nói, nếu giao thông hào làm từ thời đó thì các ông còn bị thiệt hại nặng nữa.” - ông Tuấn kể về buổi hội ngộ.
Ông Hồ Tuấn chụp ảnh cùng đoàn cưu binh Trung Quốc sang thăm Cao Bằng. (Ảnh: NVCC)
Trong câu chuyện ôn lại quá khứ, những cựu binh Trung Quốc tỏ ý thán phục bộ đội Việt Nam. Cuộc hội ngộ kết thúc với những cái bắt tay và những bức hình kỷ niệm của những cựu binh từng ở hai đầu chiến tuyến.
12 ngày đêm khốc liệt
Cuối năm 1978, Trung đoàn 567 được lệnh chốt chặn tại thị trấn Phục Hòa (huyện Quảng Hòa, Cao Bằng). Theo lời kể của cựu chiến binh Hồ Tuấn, tháng 12 Âm lịch năm 1978, toàn Trung đoàn tổ chức ăn Tết sớm ngay trên chốt.
Bức tường treo kính Huân, huy chương và Bằng khen, giấy khen của cựu chiến binh Hồ Tuấn. (Nguồn: Dân trí)
“Khoảng 5h45 sáng 17/2/1979, địch chia làm 3 mũi tấn công vào trận địa của Trung đoàn, có cả xe tăng và pháo binh yểm trợ, đánh vào Đồn Công an Tà Lùng, nhà máy đường Phục Hòa. Địch nhiều lần tiến công vào trận địa đều bị các chiến sĩ ta đánh trả quyết liệt, bẻ gẫy nhiều đợt tiến công. Đồng chí Nguyễn Chí Cương, Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 đã bắn cháy chiếc xe tăng địch đầu tiên trên toàn tuyến chiến đấu của Trung đoàn” - ông Tuấn kể.
Chỉ trong 2 ngày 17 và 18/2, Trung đoàn đã làm mất sức chiến đấu 2 Trung đoàn thuộc Sư đoàn 125 của địch.
Lính Trung Quốc hành quân qua cầu Bằng Giang. (Ảnh: cựu binh cung cấp cho ông Hồ Tuấn)
Cầu Bằng Giang bị lính Trung Quốc đánh sập. (Ảnh: cựu binh cung cấp cho ông Hồ Tuấn)
Ngày 18/2, Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 5 và 6 bằng mọi giá phải giữ vững đèo Khau Chỉa. Ngày 21/2, toàn đơn vị bước vào chiến đấu với Sư đoàn 125 của địch - sư đoàn hùng mạnh có xe tăng, pháo binh yểm trợ. Đại đội bộ binh 7, Tiểu đoàn 5 phục kích bắt 1 xe chỉ huy pháo binh, tiêu diệt 2 xe chở thám báo. Ngày 22/2, Sư đoàn 125 của địch đã bị mất sức chiến đấu, địch điều Sư đoàn 126 vào thay thế, chiến đấu với E567 ở Hạnh Phúc, Cốc Khuất, Lũng Cò…
Qua 12 ngày đêm chiến đấu, toàn Trung đoàn đã tiêu diệt 6.060 tên địch, bắt sống 9 tù binh, bắn cháy 34 xe tăng, 25 xe quân sự, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, đánh thiệt hại 6 tiểu đoàn bộ binh địch, làm mất sức chiến đấu 2 Sư đoàn 125 và 126 của địch.
Chiến công này được ông Nguyễn Chí Cương, ông Hồ Tuấn và ông Lê Thanh Thiều thay mặt Trung đoàn báo cáo tại Đại hội Anh hùng bảo vệ Tổ quốc tổ chức ở Hà Nội năm 1979.
Cầu Bằng Giang ngày nay. (Nguồn: Dân trí)
Trong 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, ông Tuấn không thể quên được hình ảnh những người đồng đội dù ngã xuống nhưng ý chí chiến đấu vẫn còn mãi.
Đó là tấm gương chiến sĩ Nguyễn Chí Phúc (quê Yên Bái), Tiểu đội trưởng Tiểu đội súng cao xạ. Ngày 26/2, địch tấn công điểm cao 300 nơi Tiểu đội đang chốt chặn. Giao tranh ròng rã từ 5h30 sáng đến 6h chiều, khi địch rút, đồng đội phát hiện ông Phúc đã hi sinh nhưng vẫn đứng ở giao thông hào, tay cầm súng hướng về phía địch như đang sẵn sàng chiến đấu.
Đó là hình ảnh xạ thủ Nguyễn Văn Mẫn (quê Yên Bái). Anh Mẫn bị thương khắp cơ thể, các y tá cuốn 32 cuộn băng mới thấm hết các vết thương.
“Anh ấy đau quá, cầu xin đồng đội bắn mình đi. Nhìn anh ấy mà rơi nước mắt. Mọi người cố gắng cứu chữa nhưng không được, hôm sau thì hi sinh.” - ông Tuấn kể.
Đó là hình ảnh chiến sĩ tên Chiêu. Bị địch bắn trọng thương, 3 tên địch từ xe tăng lao xuống định bắt sống thì anh Chiêu rút lựu đạn ra tự sát, diệt gọn cả 3 tên.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đại đội 1 và Đại đội 14 (Tiểu đoàn 4) được Nhà nước tuyên dương An hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND); Trung đoàn được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì; đồng chí Nguyễn Chí Cương được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
(theo Dân trí)

Chuyện chưa kể về 12 ngày đêm quyết tử với quân Trung Quốc giữa đèo Khau Chỉa

(VTC News) - Bên hướng Thạch An và hướng Thông Nông, quân Trung Quốc tràn qua được và đánh tới thị xã Cao Bằng, nhưng ở hướng Tà Lùng, chúng đã vấp phải bức tường bằng sắt, không thể tiến thêm bước nào nữa.

Những ngày này 38 năm về trước, hơn 60 vạn quân xâm lược Trung Quốc đã bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta với chiêu bài “dạy cho Việt Nam một bài học” theo lời Đặng Tiểu Bình. Quân xâm lược không ngờ được rằng, tuy bị bất ngờ, nhưng với truyền thống quật cường, quả cảm, quân dân ta trên 6 tỉnh biên giới đã giáng trả bọn cướp nước những đòn chí mạng.
Ở Cao Bằng, hướng tiến công chính của quân Trung Quốc theo 2 ngả Thông Nông – Hà Quảng và Phục Hòa – Đông Khê. Huy động lực lượng kiểu lấy thịt đè người nên ngay từ những ngày đầu đối phương đã có nhiều mũi tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Ngày 19/2, quân Trung Quốc đã áp sát thị xã Cao Bằng .
Tuy nhiên, ở một địa điểm cách cửa khẩu Tà Lùng 15km theo QL3 ngược ra, đó là đèo Khau Chỉa, thuộc địa phận thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa, Cao Bằng), ngày 17/2/1979, quân Trung quốc đã tấn công theo hướng này cỡ gần quân đoàn với rất nhiều xe tăng.
Sau khi nhanh chóng chiếm được cửa khẩu và thị trấn Phục Hòa, chúng tiếp tục đánh về hướng thị xã để hợp với cánh quân đánh Trà Lĩnh kéo ra tại đỉnh đèo Mã Phục theo kế hoạch định sẵn. Thế nhưng, đến đèo Khau Chỉa thì quân Trung Quốc đã bị chặn lại bởi Trung đoàn 567 cùng dân quân Cao Bằng. Lính Trung Quốc được hỗ trợ bởi xe tăng, pháo binh... trong suốt cuộc chiến nhưng không vượt nổi qua con đèo, mặc dù đơn vị này bị cô lập hoàn toàn và chiến đấu độc lập.
Chuyen chua ke ve 12 ngay dem quyet tu voi quan Trung Quoc giua deo Khau Chia hinh anh 1

 Một góc đèo Khau Chỉa

Ở đèo Khau Chỉa, gần như không còn bất cứ một dấu tích nào của cuộc chiến năm xưa. Hỏi những người dân xung quanh thì được biết thời gian đó họ chạy loạn hết, khi biết tin Trung Quốc đánh vào. Chẳng ai được chứng kiến 12 ngày đêm khốc liệt ấy.
Cũng thật may mắn, trong chuyến đi tìm những nhân chứng của cuộc chiến năm xưa tại xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, chúng tôi được gặp ông Đinh Ngọc Phong, một cựu binh của Trung đoàn 567 từng chiến đấu tại đèo Khau Chỉa trong trận đánh 38 năm về trước.
Năm nay ông Phong đã 60 tuổi. Ông đã ra quân và vui thú với cuộc sống điền viên. Nhắc lại những kỷ niệm cũ, ánh mắt người cựu binh này lại rạng rỡ. Với ông, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình.
Đơn vị của ông Phong được thành lập năm 1976 ở Hà Bắc. Ông thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 2. Sau một thời gian huấn luyện, ông Phong cùng đồng đội nhận lệnh hành quân lên đóng chôt trên biên giới Cao Bằng.
Trung đoàn 567 vốn là trung đoàn bộ binh, sau có thêm sự hỗ trợ của một tiểu đoàn pháo mặt đất thuộc tỉnh đội. Thời điểm xảy ra chiến tranh ngày 17/2/1979,  đơn vị của ông đang đóng quân cách biên giới tầm 20km, ngay chân đèo Khau Chỉa.
Chuyen chua ke ve 12 ngay dem quyet tu voi quan Trung Quoc giua deo Khau Chia hinh anh 2

 Cựu binh Đinh Ngọc Phong

Trước đó là những ngày nóng bỏng. Khu vực biên giới trở nên cực kỳ phức tạp. Phía Trung Quốc giở đủ các biện pháp phá hoại. Người Trung Quốc thường xuyên tìm cách lén vượt biên sang các làng bản bên Việt Nam, kích động lôi kéo bà con các dân tộc thiểu số làm nội gián.
Chúng còn cho một số bộ đội biên phòng phía bên kia giả làm bọn đầu trộm đuôi cướp, phục kích những chỗ mà cán bộ ta hay đi lại để bắt cóc đem về khai thác gây hoang mang dư luận. Đêm khuya chúng di chuyển cột mốc, chặn cả suối cho dòng chảy chuyển sang hướng khác…
“Từ năm 1978, chúng tôi đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, cũng không thể đoán được là quân Trung Quốc có gây chiến với mình hay không, gây chiến lúc nào, mặc dù hàng đêm, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn nghe thấy những tiếng nổ ì ầm ngay sát biên giới”, người cựu binh tâm sự.
Video: Chiến tranh biên giới 17/2/1979
Về sau, mọi người mới biết, ngay từ đêm 16/2, các tổ thám báo của Trung Quốc đã bí mật mang theo bộc phá luồn sâu, móc nối với những thành phần nội gián, thành lập các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu nhằm ngăn chặn quân Việt Nam. Đồng thời, chúng cũng bí mật cắt đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo của bộ đội ngay sát biên giới.
Mấy hôm sau, có người chạy loạn kể lại, sau khi vượt qua biên giới, lính Trung Quốc đã đào lên mấy cái hầm bí mật khá to, chứa rất nhiều súng đạn, quân trang. Theo một người dân, chúng đã đào và chôn cất ở đây khá lâu, chứng tỏ đã có âm mưu chiến tranh với Việt Nam từ trước.
5h sáng 17/2/1979, sau tiếng nổ liên hồi, xe tăng và xe bộ binh Trung Quốc đã nhất tề tràn ngập lãnh thổ Việt Nam. Không ai bảo ai, ông Phong cùng các đồng đội nhanh chóng tiến vào vị trí chiến đấu, dù lúc đó đường dây thông tin liên lạc đã bị cắt mất, không nhận được chỉ thị của cấp trên phối hợp chiến đấu.
Chuyen chua ke ve 12 ngay dem quyet tu voi quan Trung Quoc giua deo Khau Chia hinh anh 3

 Xe tăng của quân xâm lược Trung Quốc bị quân dân ta bắn cháy ở Cao Bằng. Ảnh tư liệu

“Các đơn vị của Trung đoàn 567 cùng với dân quân địa phương chiến đấu chống trả quyết liệt, suốt một dải từ biên giới Tà Lùng, sang đến nhà máy đường Phục Hòa, cho đến chân đèo Khau Chỉa, lính Tàu bị chặn đứng. Xe tăng, xe bộ binh Trung Quốc cái thì tan xác, cái thì lật ngửa pháo lên trời, cái thì bốc cháy lao vào bụi tre…
Một câu chuyện vui được kể lại, có anh dân quân người địa phương chập tối 18/2 lấy đâu được 1 khẩu K44, liền ngay lập tức tham chiến. Đến lúc chỉ còn 2 viên đạn, mới nhận ra là mình đang ở giữa thung lũng, 2 bên là 2 cánh bộ binh Trung Quốc đang tìm mọi cách để tiến sang.
Anh dân quân bắn vào mỗi bên 1 phát đạn, rồi nhanh chóng chạy vào trong hốc đá, thế là 2 cánh quân xâm lược cứ thế núp kín rồi bên này bắn bên kia. Đến khi bọn lính thông tin nhận ra được tín hiệu của đồng bọn, thì đã thiệt hại lớn về nhân mạng.
Mới đầu, quân xâm lược chỉ tìm đánh với các lực lượng vũ trang chốt giữ ở biên giới, nhưng đến lúc không tiến lên nổi, chúng quay sang điên cuồng đốt phá trả thù chẳng khác gì một đám giặc cỏ. Chúng đã đánh giá quá thấp sức chiến đấu và khả năng cơ động, linh hoạt của quân dân Việt Nam”, ông Phong tự hào thuật lại.
Đến ngày thứ 3, thì có 4 chiếc xe tăng chọc thủng phòng tuyến, chạy thẳng lên đèo Khau Chỉa. Đơn vị của ông Phong nhận lệnh phải tiêu diệt bằng được.
4 xe tăng lên đến giữa đỉnh đèo thì ngay lập tức đụng phải chướng ngại vật là 1 chiếc ô tô dựng sẵn cùng một đống cây cối. Chưa kịp xoay xở, chúng đã bốc cháy ngùn ngụt sau mấy quả đạn B41. Những tên lính trong tháp pháo nhảy xuống chạy trốn cũng nhanh chóng chịu chung số phận.
Chuyen chua ke ve 12 ngay dem quyet tu voi quan Trung Quoc giua deo Khau Chia hinh anh 4

Tù binh Trung Quốc tại Cao Bằng. Ảnh tư liệu  

Sự kháng cự không hề nao núng của bộ đội và dân quân Việt Nam chốt trên hướng Khau Chỉa buộc Trung Quốc phải thay đổi chiến thuật. Chúng chia quân thành những đơn vị cỡ tiểu đoàn cơ động để tham gia vào các hoạt động tìm kiếm, khóa đường, lùng sục. Nhưng với sự cơ động và linh hoạt của các chiến sĩ, suốt cả tuần lễ, lính Trung Quốc vẫn không thể vượt qua con đèo này.
Ngày 23/2/1979, ông Phong cùng đồng đội nhận được tin quân Trung Quốc chuẩn bị một trận quyết đấu, mang một lực lượng lớn, dồn lính quyết mở thông đường qua Khau Chỉa về đèo Mã Phục hội quân. Mọi người nín thở chuẩn bị sẵn sàng, chờ đợi trận quyết đấu.
Chính trị viên đại đội tên Nguyễn Chí Cương cùng với mấy đồng động nữa chia nhau chốt giữ một nhánh đường phía bắc đèo Khau Chỉa, thì thấy có 3 chiếc xe tăng có in dòng chữ Bát Nhất tiến lại, có vẻ như lính Tàu sử dụng xe tăng đi thăm dò tình hình.
Ông Cương lặng lẽ ẩn nấp dưới giao thông hào gần đó, chờ xe đi qua, mới dùng súng B40 bắn, sau đó chạy thẳng lên đồi dưới làn đạn của giặc. 2 chiếc xe đi trước quay lại cứu đồng bọn đang bị mắc kẹt trong chiếc xe vừa bị bắn đang bốc cháy, trong phút chốc cũng chịu chung số phận. Trong trận đánh đó, ông Cương hy sinh khi quân xâm lược phát hiện ra vị trí ẩn nấp của mình ở trên núi.
Sáng hôm sau, cả đoàn xe tải nối đuôi nhau chạy vượt lên đèo. Chiếc xe đầu đã lọt vào trận địa phục kích mà ông Phong cùng đồng đội vẫn chưa được lệnh đánh.
Hàng chục con mắt và đôi tai chiến sĩ cứ căng ra và đổ dồn về phía thủ trưởng chờ đợi, chỉ sợ mình không kịp nghe lệnh để rút nụ xòe và tung lựu đạn xuống đầu địch. Và cứ mỗi chiếc xe chở lính Trung Quốc chạy qua tầm súng, các chiến sĩ lại thêm một lần hồi hộp chờ nổ súng.
Ở ngay vị trí chặn đầu, loạt đạn AK trúng ngay tên cầm lái, chiếc xe lảo đảo đâm vào vách núi rồi bật lại, xoay nửa vòng nằm chình ình chắn ngang đường. Đội hình 16 chiếc xe còn lại với hàng trăm tên lính nằm gọn trong tầm súng và biển lửa.
Chiến tranh biên giới 1979: Vết thương lòng của những người ở lại
Những loạt đạn B40, B41 phóng xuống những chiếc xe bốc cháy và nổ tung liên tiếp. Những xe còn lại rối loạn, bóp còi inh ỏi tìm đường tẩu thoát, nhưng chạy đâu được khi đã lọt vào trận địa phục kích.
Nắm đúng thời cơ, trung đội trưởng cối 82 ly ra lệnh đánh. Hàng chục quả đạn đã được tính toán kĩ lưỡng bắn nối đuôi nhau dội lửa xuống đầu địch, tiêu diệt hàng chục, hàng trăm tên nữa.
Tính ra, bên hướng Thạch An và hướng Thông Nông, quân Trung Quốc tràn qua được và đánh tới thị xã Cao Bằng, nhưng ở hướng Tà Lùng, chúng đã vấp phải bức tường bằng sắt, không thể tiến thêm bước nào nữa.
Cay cú, Trung Quốc dồn một lượng quân lớn ở thị xã Cao Bằng, rồi đánh ngược lên biên giới theo hướng đèo Mã Phục, từ đằng sau đánh lên, kết hợp với quân lính từ bên kia tràn sang bổ sung quân theo đường Tà Lùng.
Mục tiêu của chúng là bao vây và diệt cho bằng hết Trung đoàn 567 cùng với các lực lượng dân quân địa phương chốt giữ ở Khau Chỉa, trả cho bằng được mối hận ấy. Đêm 29/2/1979, ông Phong cùng các đồng đội được lệnh rút lui chờ thời cơ phản kích.
Trung đoàn 567 hành quân về đến Quảng Uyên lại đụng độ và bắn nhau với địch một trận long trời lở đất nữa, nhưng vẫn bảo toàn được lực lượng, rút về địa điểm ém quân đã định.
“12 ngày đêm chiến đấu trên đèo Khau Chỉa và những khu vực lân cận ấy, về sau tổng kết, mới biết có tổng cộng 34 chiếc xe tăng, hàng loạt xe bộ binh, thiết giáp của Trung Quốc bị tiêu diệt, số lính Tàu tử trận thì không kể xiết, lượng thương vong lớn. Dù rằng bên mình cũng có không ít hy sinh mất mát, nhưng dù sao, chúng tôi cũng đã chiến thắng. Để Trung Quốc thấy rằng, người Việt Nam đâu dễ dàng bị chúng ức hiếp, đâu dễ dàng bị bắt nạt”, người cựu binh khẳng định, nét mặt bâng khuâng như đang chìm đắm trong những ký ức. Câu chuyện xảy ra đã 38 năm, nhưng với ông Phong và các đồng đội, nó như vừa mới hôm qua.
Hải Minh (Theo ký ức của cựu binh Đinh Ngọc Phong cùng các đồng đội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét