Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

KÝ ỨC CHÓI LỌI 129

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
1.594 (1). Đại đội trưởng Trương Công Nhỏ trên Đồi Đài

 
1.594 (2). Lính nhà mình chỉ cần đạn và nước
14/08/2019 08:09 142
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nguyễn Quang Thông sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuộc đồng bằng Bắc bộ. Anh là sinh viên năm thứ 4, Khoa chế tạo máy Trường đại học Bách khoa Hà Nội, nhập ngũ theo Lệnh Tổng động viên của Chính phủ nhằm tăng cường sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đang ầm vang tiếng súng. Vừa hành quân, vừa huấn luyện nên vài tháng sau khi nhập ngũ anh và các bạn sinh viên cùng lứa đã có mặt trên mảnh đất Bình Trị Thiên. Anh được bổ xung vào Trung đội trinh sát thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn I, Trung đoàn pháo binh “Tất Thắng” khi đó đang có mặt trên chảo lửa Quảng Trị.
Tháng 9-1972, chiến sự đang ở giai đoạn ác liệt. 
Mới đầu tháng 9 mà những cơn mưa miền Trung đã tầm tã suốt ngày đêm, mưa trắng rừng trắng đất, mưa như muốn níu kéo cuộc chiến lại không cho nó diễn ra khốc liệt như nó đang diễn ra nữa. Nhưng than ơi, nắng mưa là việc của trời! Ai tận dụng được yếu tố thiên thời kẻ đó sẽ làm chủ thế trận. Vì vậy, bom đạn vẫn tiếp tục trút xuống đầu những người lính nơi chiến địa. Máu chiến sỹ trộn với bùn đất và hòa lẫn trong mưa.
Quân địch có ưu thế về khả năng cơ động hơn ta rất nhiều, lại được sự yểm trợ tối đa về phi pháo của hải quân và không quân Mỹ nên sau khi choáng váng rút chạy khỏi Quảng Trị, chúng đã quay trở lại làm một cuộc tái chiếm khá táo bạo. Bằng chiến lược trực thăng vận, chúng đổ quân chiếm lĩnh những vị trí và điểm cao quan trọng. Chỉ hơn một tháng chúng đã lấy lại được gần như toàn bộ vùng đồng bằng ven biển và các điểm cao ở vùng đồi núi trung du Quảng Trị. Trên bản đồ tác chiến, những mảnh đất, địa danh ngày hôm qua còn cắm cờ giải phóng, ngày hôm nay đã thay bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa. Thành cổ Quảng trị đang trở thành điểm nóng tranh chấp nhau từng mét đất, từng mét chiến hào, từng góc phố, gốc cây…máu xương của những chiến sỹ đã hòa quyện cùng đất đá, gạch sỏi trên mọi nẻo đường của thị xã bé nhỏ này.
 
Chiến trường Quảng Trị, năm 1972
Quân ta nhanh chóng lâm vào thế bị động trên toàn mặt trận, thương vong nặng nề, quân số thiếu hụt trầm trọng, súng đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men và dụng cụ y tế… hết thảy đều trở thành vật quý hiếm. Đạn pháo của đại đội 2 vào những lúc khó khăn chỉ được phép mỗi khẩu pháo bắn cầm canh bốn viên một ngày. Vật chất đã vậy, đương nhiên tinh thần của binh sỹ cũng hết sức nao núng. Trực thăng địch đổ quân đến đâu cũng chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt, nhiều vị trí địch tái chiếm không mất một viên đạn.
Quy luật mạnh được yếu thua của chiến tranh là vậy! Một số đơn vị hoàn toàn mất sức chiến đấu, lính tráng quân hồi vô phèng, từng toán, từng toán kẻ lành lặn, người bị thương, băng đầu, băng chân… kéo nhau đào hầm dọc các tuyến đường tiếp vận chờ Hiệp định ngừng chiến Paris được ký kết.
Phía bên kia xem ra tinh thần chiến đấu cũng chẳng hơn gì, sự tiến quân của chúng cũng chững lại, dò dẫm, hoàn toàn ỉ ê vào hỏa lực. Không có hỏa lực dọn đường, bộ binh nhất định không tiến lên phía trước… Ai có ở trong cuộc mới hiểu rằng, lúc đó binh sỹ hai bên như những đô vật đã kiệt sức mà cuộc đấu vẫn chưa phân thắng bại, phải buông nhau ra mà thở thôi... đành vậy!
Mọi ngóc ngách chiến hào, lính tráng đâu đâu cũng bàn tán về Hiệp định đình chiến, chẳng ai còn tư tưởng chiến đấu với chiến thắng nữa.
Nguyễn Quang Thông bổ sung vào tiểu đội trinh sát của chúng tôi vào một buổi chiều ẩm ướt và xám xịt như vậy.
Hôm đó, khi tôi vừa tác nghiệp phần tử bắn, nã pháo vào một khu kho bộ binh của địch thì nghe tin có lính mới bổ sung. Xuất hiện trước căn hầm chỉ huy là một thanh niên dong dỏng cao, nụ cười khá rạng rỡ, cặp mắt mầu nâu trong suốt luôn mở to quan sát. Mái tóc mầu hạt dẻ bồng bềnh bên trên khuôn mặt trí thức trắng trẻo với vệt râu con kiến đậm xanh thể hiện một tính cách rất lãng mạn của tuổi trẻ thời bấy giờ. 
Anh tự giới thiệu và chủ động làm quen với anh em lính cũ chúng tôi lúc đó đang mỗi người mỗi việc trong căn hầm chật chội. Mấy tháng hành quân gian khổ, đói rét, đạn bom vẫn không làm phôi phai dáng dấp trí thức của anh.
Tôi và Thông có cảm tình với nhau ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đưa anh về ngủ cùng trong căn hầm chữ A bên sườn núi. Tôi hướng dẫn anh vài điều cần thiết theo kinh nghiệm và hiểu biết của mình về quy luật hoạt động của máy bay B52, về thám báo và pháo kích của địch… Thái độ ân cần của tôi làm anh yên tâm và cởi mở hơn. Thế là từ đó, đêm đêm trong căn hầm chữ A, giữa những giờ trực tác chiến, chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc đời mình, về gia đình và sự nghiệp… những lúc đó giọng anh nhỏ nhẹ và yếu đuối vô cùng. Tôi biết trong anh đang có nhiều tâm sự chưa thể giãi bầy.
Khi đã quen dần với không khí chiến trận, khoảng một tháng sau đó anh bắt đầu nhập cuộc, anh phải đi theo đài quan sát vào sát vùng địch, cùng với tiểu đội trinh sát sửa bắn cho pháo. Nhóm các anh gồm: Trung đội trưởng Hồng "đen", hai trinh sát viên Tâm "quặm" và Sơn "rỗ", hai điện báo viên 15w người dân tộc Tày là Hoàng Văn Khu và Nông Văn Đén, thường xuyên giữ liên lạc với trận địa để sửa bắn.
Từ đó, tôi và anh chỉ gặp nhau vào những dịp anh về Sở chỉ huy lấy thêm lương thực, thực phẩm, chủ yếu là lương khô, đạn dược… Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại có dịp hàn huyên suốt đêm. Anh hơn tôi vài tuổi nhưng thân thiết nên tôi chỉ coi anh là bạn và xưng hô ngang hàng, anh cũng không coi chuyện ấy quan trọng và dễ dàng chấp thuận.
Thông sống giản dị và làm việc gương mẫu, là sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa nên anh nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật bắn pháo, anh sử dụng thành thạo các loại khí tài như kính viễn vọng, pháo đối kính, phương hướng bàn…bốn tháng cùng tiểu đội trinh sát lăn lộn trên chiến trường nóng bỏng, anh nhập cuộc vững vàng trong việc sửa bắn nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ đắc lực cho bộ binh giữ vững trận địa.
Do những thành tích đạt được trong chiến đấu, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chiến sự tạm ngưng, anh được cử đi học một khoá huấn luyện cán bộ trung đội ngay tại vùng giải phóng thuộc tỉnh Quảng trị. Hết khoá huấn luyện anh chuyển sang Tiểu đoàn 4 với chức vụ Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng. Tôi đùa anh, có số phát về đường binh nghiệp, anh cười hiền lành và tự chế nhạo mình là đã tốt nghiệp khóa sỹ quan Cùa-Mai Lộc! (địa danh thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
- Mong sao chiến tranh sớm kết thúc, mình muốn được trở về trường bảo vệ luận án tốt nghiệp đang dở dang. Anh nói.
Với cương vị chỉ huy mới, tôi biết anh chẳng hứng thú gì nhưng lúc này những thanh niên trí thức như anh đang rất cần cho một giai đoạn trưởng thành mới về chất lượng của quân đội… hẳn anh cũng chung suy nghĩ như tôi.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 trong sự hân hoan chờ đón của những người lính đang trực tiếp tham gia chiến đấu ngoài mặt trận. Trên thực tế tiếng súng vẫn chưa hề ngưng, hai bên đều lớn tiếng tố cáo nhau không tôn trọng thực thi hiệp định. Riêng đám lính quèn chúng tôi thì hiểu rằng đây chỉ là thời gian nghỉ giữa 2 hiệp đấu và tương lai của những người lính chúng tôi vẫn còn vô cùng mờ mịt, chúng tôi vẫn thường nghêu ngao câu đồng giao về thân phận mình: “nghĩ tới tương lai trào nước mắt, nhìn về quá khứ toát mồ hôi”.
Nhìn lại lịch sử, những thỏa ước trong chiến tranh hầu như chỉ là những giải pháp tình thế. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về đình chiến và hiệp thương tổng tuyển cử ở Việt Nam là một ví dụ điển hình về sự bất tín chính trị, đây là cái cốt lõi để các thế lực ngoại bang lợi dụng triệt để và Việt Nam vô tình trở thành nơi đối đầu giữa hai phe, hai hệ thống chính trị đối lập nhau. Với các thế lực sen đầm quốc tế, tiền bạc, súng đạn không thiếu, chỉ thiếu một dân tộc dám hy sinh không tiếc xương máu cho những mục đích thống trị tột cùng của chúng.
Hơn một năm sau Hiệp định Paris ký kết, đơn vị chúng tôi vẫn căng mình trực chiến tại Quảng Trị. Cuối tháng 12 năm 1974, chúng tôi được lệnh di chuyển ra phía Bắc để củng cố, bổ sung thêm quân. Lúc này yêu cầu về một cuộc chiến hiện đại với cách đánh hợp đồng binh chủng bao gồm pháo binh, bộ binh và tăng thiết giáp đang dần trở thành hiện thực.
Được trở lại miền Bắc là niềm vui không dấu nổi trong ánh mắt chúng tôi, cơ hội được gặp lại gia đình và những người thân bỗng chốc ở trong tầm tay. Hành quân hơn chục ngày trong mưa to, gió rét, lũ chúng tôi thân tàn ma dại, đói ăn, đói uống, vàng võ vì sốt rét rừng, không một đồng xu dính túi nhưng vô cùng hăng hái. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một vùng đồi trọc nghèo khổ, heo hút gió mùa đông bắc thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đón năm mới trên đất Nghệ một cách đạm bạc. Ở đây, lần đầu tiên tôi được nếm món bánh trưng nhân thịt chó và món thịt chó nấu với đường mật… mà vẫn vui như tết! Chưa kịp lại sức, lại được lệnh di chuyển, điểm dừng lần này là Quán Giắt- thủ phủ của vùng trung du đồi núi huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tôi được điều động về làm Trung đội trưởng kiêm giáo viên xạ kích tại Trường quân chính Quân đoàn I (Tiểu đoàn 5), vẫn thuộc biên chế của Trung đoàn pháo binh Tất Thắng. Thời gian này, tôi và Thông gặp nhau luôn vì chúng tôi chỉ đóng quân cách nhau có vài quả đồi. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường tìm đến nhau. Lại những câu chuyện bất tận thuộc đủ đề tài nhưng cuối cùng, câu chuyện vẫn trở về đề tài tình yêu đôi lứa - Nỗi khát khao muôn thủa của những người lính chiến xa nhà, thiếu tình chúng tôi.
Dịp đó, Thông kể cho tôi nghe mối tình của anh với một thiếu nữ cùng quê, một cô gái duyên dáng, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm I Hà Nội đang chờ nhận quyết định về làm giáo viên trường phổ thông cấp III nơi quê nhà. Hai người hứa hẹn nên duyên chồng vợ khi có điều kiện… Trớ trêu thay, chiến tranh cứ kéo dài lê thê, việc hẹn hò vẫn không thực hiện được. Ở cương vị cấp chỉ huy Đại đội, với những kế hoạch tác chiến, huấn luyện không ngưng nghỉ luôn trói chặt thời gian của Thông, không cho phép anh được rời đơn vị lấy vài ngày, đến cả những bức thư gửi người yêu, anh cũng viết vội vã và hết sức vắn tắt. Lính thời chiến làm gì có phép tắc nghỉ ngơi, cùng lắm có điều kiện thì cấp trên cho tranh thủ tụt tạt thăm gia đình ít ngày là lộc trời to lắm rồi, vì vậy anh thường nhường cái lộc đó cho đồng đội và những người dưới quyền anh. Khi người yêu ngỏ ý lặn lội vào thăm anh, anh lần lữa rồi tìm cách gạt đi. Phần vì sợ nàng đi lại thân gái dặm trường, đường xa vất vả, phần vì đơn vị mới ở chiến trường ra chỗ ăn, chỗ ở tạm bợ, nhếch nhác nên anh luôn tìm cách thoái thác dù trong lòng luôn xao xuyến nhớ tới người yêu.
Đầu tháng 3 năm 1975, chúng tôi đột ngột chia tay nhau.
Số là, sau khóa huấn luyện hạ sỹ quan pháo binh Quân đoàn I kết thúc, tôi được cử về Trường sỹ quan Pháo binh Sơn Tây học một lớp đào tạo sỹ quan ngắn hạn nhằm kịp thời bổ sung cho chiến trường. Chúng tôi nói đùa là phải qua trường để đóng số vì khoá học chỉ vẻn vẹn có 3 tháng là kết thúc.
Thông ở lại Thanh Hóa, ít ngày sau đó anh cùng đơn vị lên đường hành quân về phía Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tôi nhớ mãi buổi chia tay ấy với anh!
Hôm đó, ngày chủ nhật tôi nghỉ trong doanh trại, Thông đến chỗ tôi ở từ rất sớm, mái tóc cánh én bồng bềnh của anh trùm kín tai, những lọn tóc dài loà xoà trước trán. Năm tháng ở chiến trường, chúng tôi phải tự cắt tóc cho nhau. Tôi khéo tay nên thường được các chiến hữu tin tưởng giao cho xử lý cái đầu của họ. Thông cũng vậy, anh rất hài lòng về cách trình diễn dao kéo của tôi và lần chia tay này, anh lại muốn tôi cắt kỷ niệm anh mái tóc của mình. Đã hơn tháng trời chúng tôi không gặp nhau, anh bận đưa bộ đội đi diễn tập hiệp đồng binh chủng còn tôi phải kết thúc khoá huấn luyện hạ sĩ quan pháo binh. Gặp nhau thật mừng, trông anh đen đúa và gầy xọp đi, mắt trũng sâu, râu ria lởm chởm, riêng nụ cười thì không thay đổi, vẫn ngời sáng như lần đầu tôi gặp anh ở Trường Sơn. Tôi không ngờ đây là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau.
 
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập,
Sài Gòn, trưa ngày 30/4/1975
Tôi hoàn thành khoá huấn luyện sỹ quan 3 tháng cũng là lúc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trở về đơn vị, tôi bàng hoàng nghe tin Thông không còn nữa. Anh đã hy sinh trên đường dẫn quân tiến vào Sài Gòn. Nghe nói, Anh ngã xuống khi gặp phải sự chống trả hú hoạ của một máy bay địch trước khi bay vọt ra biển tẩu thoát. Các chiến sỹ dưới quyền chỉ huy của anh hẳn không thể quên người chỉ huy đại đội đã không quản hiểm nguy, hy sinh tính mạng chạy theo từng người đè họ nằm xuống vì lần đầu tiên gặp địch, họ quá sợ hãi mà bỏ chạy. Chính họ đã may mắn thoát chết, còn anh, anh đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất này. Nơi đó chỉ còn cách Sài Gòn một tầm đại bác 130 ly. Đó chính là những giây phút cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng.
Giờ đây, tất cả những tấm huân chương dành tặng cho anh và chúng tôi đều trở nên vô nghĩa.
Anh mãi mãi là người Anh hùng của chúng tôi!
Nguyễn Xuân Vượng
23/07/2019 08:23 240
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Anh Nguyễn Như Trang sinh năm 1927 trong một gia đình nhà giáo ở làng Nam Nhạc, thôn Vĩnh Mộ, xã Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ. Cha anh là cụ giáo Nguyễn Như Hoàn, đã từng được giải nhất thơ Ngụ ngôn của Hội Khai trí Tiến đức từ trước tháng Tám năm 1945. Anh là hậu duệ thứ 15 của Thám hoa, Tướng công Nguyễn Như Thức, cụ thủy tổ của dòng họ Nguyễn làng Nam Nhạc. Sớm được cha mẹ cho ăn học ở trường Thăng Long đúng vào thời kỳ sôi nổi của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, lòng yêu nước thương nòi trong anh đã được bồi đắp từ những bài giảng của các thầy giáo Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám…
 
Anh hùng lực lượng vũ trang, Liệt sĩ Nguyễn Như Trang (1927- 1948)
Tháng Tám năm 1945, sau khi tham gia giành chính quyền ở Mỹ Hào, Hưng Yên, nơi cha mẹ anh đang sinh sống, anh trở lại Thủ đô Hà Nội, gia nhập Vệ quốc đoàn. Có bản lĩnh vững vàng, có học thức, lại giỏi thơ và nhạc, hè năm 1946, anh được tổ chức cho đi dạy học kỹ thuật quân sự ở trường quân chính của Vệ quốc đoàn, đào tạo cán bộ cấp Tiểu đội. Anh đã sớm trưởng thành trong cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ chế độ dân chủ  nhân dân và được kết nạp Đảng năm 1946.  
Tháng 11 năm 1946, Thủ đô Hà Nội gấp rút chuẩn bị mọi mặt chống thực Pháp xâm lược. Năm Tiểu đoàn Vệ quốc đoàn được bố trí ở ba Liên khu trong nội thành. Riêng trung đội do Anh làm Trung đội trưởng có nhiệm vụ bảo vệ một số cán bộ của Khu XI đóng ở khu Lò Lợn. Ông Nguyễn Hoàng Sâm, tiểu đội trưởng của Trung đội này, hiện ở Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội, kể lại:”Lúc đó, cán bộ Mặt trận khu XI có anh Trần Độ và một số người nữa, mượn nhà dân ở khu Lò Lợn, giáp Nhà máy Xay Lương Yên. Chúng tôi canh gác, bảo vệ các anh. Ngày 16 tháng 12 năm 1946, Lễ Quyết tử được tổ chức rất linh thiêng trong tâm trí chiến sĩ đội Quyết tử. Đêm 19/12/1946, chúng tôi đánh địch ở đê Stai Quai, rồi vào ngã ba Lò Đúc- Yec- xanh. Ở đây, các bao đựng đường cũng được người dân mang ra đắp ụ, nên khi tôi chiến đấu bị dính cả đường vào cánh tay. Chiến đấu được ít hôm, thì Trung đội sáp nhập với Tiểu đoàn 212 Vệ quốc đoàn”. Tiểu đoàn có ba đại đội 14, 15,16 do đồng chí Quang Tuần làm Tiểu đoàn trưởng, Bùi Cúc là Tiểu đoàn phó, Văn Tân là Chính trị viên. Anh Trang trở thành Đại đội trưởng một Đại đội của Tiểu đoàn. Những cuộc chiến đấu quyết liệt đã diễn ra ở các vị trí Ô Cầu Dền, phố Huế-Viện Paxteur, Ngã năm Lò Đúc- Hàm Long- Lê Văn Hưu- Phan Chu Trinh, Nhà máy Rượu Hà Nội, ô Đông Mác- Cảng Phà Đen. Anh đã cùng đồng đội tiêu diệt địch và xe cơ giới ở Mặt trận Liên khu II. Ông Lê Hùng Lâm, chiến sĩ của Đại đội 16 đã kể về những ngày chiến đấu ác liệt ở Liên khu II dưới sự chỉ huy của Anh - Đại đội trưởng Nguyễn Như Trang trong bài hồi ký “Từ Hà Nội đi Tây Tiến”: “Chiến lũy Hòa Mã cản địch từ phố Huế vào rất có hiệu quả. Xe tăng địch đến góc phố phải dừng lại. Tôi được phân công ra bắn giữa ụ đất. Bắn xong mỗi phát lại phải lao khẩu khai hậu vào trong nhà để anh em thông nòng. Ở Ô Cầu Dền, địch cũng bị chặn đánh rất lâu. Chúng không qua được chiến lũy, phải đánh vòng qua Việt Nam học xá xuống chợ Mơ rồi đánh ngược lên. Sau Tết, đại đội tôi đánh chặn địch ở Nam Dư Thượng- Nam Dư Hạ. Biết đơn vị mình đang bí mật chọn người đi Tây tiến, tôi tìm gặp anh Như Trang xin đi. Chúng tôi để Hà Nội lại sau lưng. Tây Tiến!”(1). Ông Nguyễn Hoàng Sâm, lúc đó cũng thuộc Đại đội 16 kể rõ hơn: “Chúng tôi được lệnh bí mật tập trung quân ở gần sân bay Bạch Mai, xốc lại lực lượng, nhằm thị xã Hà Đông tiến quân. Đến nơi, cầu bắc qua sông Nhuệ không còn, chúng tôi phải xuống mảng tre qua sông để vào trong thị xã, theo đường số 6 mà đi”. Cuộc chiến đấu một mất một còn ở mặt trận Hà Nội đã tôi luyện bản lĩnh kiên cường của người Đại đội trưởng xuất sắc. Anh được kết nạp Đảng.
Những trận chiến đấu ở Hòa Bình
Từ Nam Dư ra Xuân Mai bổ sung quân số, thành Tiểu đoàn 150 để đi chiến đấu đánh địch phía Thượng Lào, giữ sườn phía Tây của ta. Cuối tháng 2-1947, Tiểu đoàn 150 thuộc Trung đoàn 52 Tây Tiến gồm  bốn Tiểu đoàn (D 150, D157, D 160, D 164). Các chiến sĩ hành quân theo hướng Lương Sơn- Chợ Bò- Suối Rút, Chiềng Sại rồi ngược sông Mã đánh chiếm Mường Lát trong năm 1947.
Trong khó khăn gian khổ, bị thương cuối năm 1947, nằm điều trị ở trạm xá Trung đoàn, anh đã chứng kiến cảnh bi thương: nhiều chiến sĩ bị sốt rét, chết ngay tại bệnh xá. Vô cùng xúc động, đau xót khi nghe mỗi tiếng cồng đánh lên là một chiến sĩ đã bị bệnh sốt rét cướp đi, anh đã sáng tác bài hát Tiếng cồng quân y, nói đúng tâm trạng của người lính: “Chàng chưa đáng chết, nước non chưa yên/ Nhưng bệnh rừng ác độc mang chàng đi/ mà nước non đang chờ… Nơi quân y đã bao lần tiếng cồng rền rĩ/ Tơi tai người chiến sĩ hùng dũng xưa kia”.
Anh còn viết nhiều bài báo, sáng tác nhiều ca khúc động viên, khích lệ cán bộ chiến sỹ của mình vượt qua gian khổ, chiến đấu vì Tổ quốc. Tác phẩm nổi tiếng “Trấn biên cương” do anh phổ nhạc bài thơ mà anh sáng tác từ năm 1946, ra đời trong những ngày ở mặt trận Hòa Bình. Mỗi khi hát, các chiến sĩ thêm vững lòng: “Đoàn quân lên trấn biên cương hào hùng/Một mùa xuân mới trời rung/ Đem chiến công về vinh quang mà danh vang ghi”
Tháng 5-1948, thực dân Pháp đã tập hợp bọn lang đạo phản động đầu sỏ trong tỉnh về thị xã Hòa Bình để thành lập “Xứ Mường tự trị”. Chúng phong Đinh Công Quyền làm Chánh quan lang, ra báo Sao Trắng làm công cụ tuyên truyền. Thu - đông năm 1948, quân Pháp đã chiếm đóng hai phần ba đất đai ở Hòa Bình, kiểm soát toàn bộ tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 15; từ đó, chúng muốn biến Hòa Bình thành "bức tường thép bên sông Đà”, chặt đứt mạch máu giao thông Liên khu 3, Liên khu 4 với Việt Bắc và Tây Bắc; do đó, đoàn quân Tây Tiến đã trải qua những ngày chiến đấu cực kỳ gian khổ, không kể xiết. Anh Nguyễn Như Trang đã chỉ huy một Đại đội thuộc Tiểu đoàn 150 chiến đấu trên đường số 6, Hòa Bình, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, chặn đường hành binh của địch. Điển hình là trận Mè - Lặt, Lương Sơn, ta đã tiêu diệt hàng chục tên. Tên Phùng Đồng Đẳng, đảng trưởng khét tiếng phải đền tội. Trận tiêu diệt căn cứ Mai Châu, đồn Mai Hạ, Mường Lò, Anh đã chỉ huy bộ đội đánh phá cơ quan ngôn luận của xứ Mường tự trị có tờ báo Sao Trắng do Quách Đăng làm chủ bút, diệt 2 trung đội địch, làm chủ trận địa, lập chiến công vang dội khắp vùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Anh còn chỉ huy đại đội chiến đấu trên địa bàn rộng lớn ở miền núi Hòa Bình. Vì vậy, Anh đã được cấp trên bổ nhiệm là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 150, Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Thu đông năm 1948, Trung đoàn 52 chủ trương các đại đội độc lập hỗ trợ cho Tiểu đoàn 150 nhổ đồn Đầm và đồn Nghẹ - hai vị trí quan trọng của địch ở Ngọc Lặc, phía tây Thanh Hóa để từ đó sẽ tạo đà, giải phóng một vùng rộng lớn Thanh Hóa- Hòa Bình. Một đoàn chuẩn bị chiến trường do Trung đoàn trưởng An Giao, chính ủy Hùng Thanh dẫn đầu. Tiểu đoàn 150 do Tiểu đoàn phó Như Trang và Đại đội trưởng 135 Nguyễn Huy Ngọc chỉ huy. Sau vài ngày hành quân, ngày 19/11/1948, bộ phận trinh sát tình hình địch tới thôn Mu, làng Ngọc Lâu, Châu Lạc Sơn, nay là xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Do bị bọn Mường gian chỉ điểm, một bộ phận trinh sát bị một đại đội địch tăng cường, trong đó có trung đội lính Âu- Phi tấn công. Theo lời kể của ông Lê Hùng Lâm những năm trước đây, người luôn luôn theo sát Anh như hình với bóng, hình ảnh của Anh hiện lên thật oanh liệt và anh đã đến hơi thở cuối cùng: Trong điều kiện hoàn toàn bất lợi, địa hình trống trải, lực lượng chênh lệch (ta một địch mười), Anh cho các chiến sĩ rút khỏi vòng vây địch để bảo toàn lực lượng; trận địa chỉ còn Anh và một đại đội trưởng ở lại thu hút lực lượng địch về phía mình. Khi đồng chí đại đội trưởng hy sinh, chỉ còn một mình, Anh vẫn tiếp tục chiến đấu trong vòng vây của địch, diệt hơn 10 tên địch  và hy sinh oanh liệt tại thôn Ngọc Lâu, Châu Lạc Sơn, Hòa Bình trưa 19/11/1948. Tên trung úy Pháp đứng trước thi thể Anh đã thốt lên: Tôi cúi đầu thán phục trước cái chết anh hùng của người sĩ quan trẻ tuổi. Và chính tấm gương anh hùng của Anh đã cảm hóa Grand Wath – người lính Âu- Phi chạy sang hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ.
Các liệt sĩ đã được đồng bào thôn Mu chôn cất - “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Một thời gian sau, đơn vị cử người tìm đến gia đình anh đang tản cư ở Thanh Ba, Phú Thọ, đau đớn báo tin buồn. Năm 1957, mẹ anh, cụ Đặng Thị Lục và người em trai thứ bảy là Nguyễn Như Giao lên làng Mu. Trải bao khó khăn, vất vả, khi đạp xe, khi xuống thuyền, theo sông mà đi, mới đến được làng Mu. Được đồng bào địa phương tận tình giúp đỡ, nhất là ông Bùi Mun, con trai ông cụ đã từng chôn cất hai liệt sĩ, gia đình đã lần tìm được hài cốt hai Anh Nguyễn Như Trang và Nguyễn Huy Ngọc trong hai ngôi mộ kề bên nhau. Mẹ nén đau xót, xin địa phương đưa anh về rồi rước vong linh Anh lên chùa Trấn Quốc làm lễ. Sau đó Lễ truy điệu và an táng Anh đã được tổ chức trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Dịch. Anh nằm tại Lô số 8, khu L1, quây quần với hàng trăm Liệt sĩ của Thủ đô Hà Nội hy sinh cho đất nước hòa bình, độc lập, tự do.
Tượng đài bất từ
Chiến công xuất sắc của anh trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 21/10/2014. Gia đình và dòng họ Nguyễn Như ở Cao Xá (Phú Thọ) tự hào về anh, đã tổ chức Lễ vinh danh trong dòng họ Nguyễn làng Nam Nhạc vào ngày lành, 26 tháng 9 âm lịch năm 2015 (7/11/2015). Năm 2016, tại Hà Nội, họa sĩ, nhà điêu khắc Hoàng Sỹ Long đã sáng tác một tác phẩm về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Như Trang. Tháng 4/2017, bức tượng đồng bán thân Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Như Trang được hoàn thành. Đúng ngày 30/4/2017, Đảng ủy- Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn đã về Hà Nội làm lễ rước tượng đồng nguyên khối cao 50 cm, từ chùa Trấn Quốc về xã. Đó cũng là tình nghĩa của gia đình với địa phương, nơi anh đã ngã xuống và nằm lại trong tình cảm khâm phục, thương tiếc của bà con.
Đặc biệt, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), gia đình còn hiến tặng bức tượng đồng thứ hai cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Hình tượng người chiến sĩ Tây Tiến sống mãi trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong muôn ngàn trái tim dân Việt “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Và hôm nay, hình tượng bi tráng ấy hiện lên rất cụ thể, sinh động và tràn đầy sự khâm phục qua một tấm gương tiêu biểu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Như Trang.
Ths. Phạm Kim Thanh

(1): Tây Tiến 50 năm nhìn lại, Ban Liên lạc truyền thống CCB Tây Tiến- E52  xuất bản 1997, tr 83
17/07/2019 08:27 386
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, ký ức hiện về những kỷ niệm xúc động: trong cuộc Hội thảo “Liệt sỹ Trần Thị Bắc với quê hương Sóc Sơn anh hùng” do Huyện ủy tổ chức vào mùa hè năm 2014, chúng tôi đã được gặp những người thân trong gia đình Liệt sĩ Trần Thị Bắc, nguyên mẫu trong bài thơ Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao, càng hiểu sâu sắc hơn câu chuyện tình rất đẹp và sự hy sinh dũng cảm của chị.
 
Chân dung Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Bắc  (1932-1954)
Hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao “Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”, đã đi theo  bước chân các chiến sỹ trên đường hành quân ra trận thời chống Mỹ và gieo vào tâm khảm lớp lớp thế hệ hôm qua, hôm nay, niềm xúc động, tự hào về người liệt sỹ anh hùng, chính là một hình ảnh có thực. Những câu chuyện mà tôi được nghe người trong gia đình chị và người xã đội trưởng năm 1954 kể lại, ông Nguyễn Văn Lịch, đẹp hơn, anh hùng hơn, sâu đậm hơn những gì tôi đã mường tượng qua bài thơ của nhà thơ Vũ Cao.
 
Ông Trần Văn Nhuận, em trai Liệt sĩ Trần Thị Bắc thắp hương tại phần mộ chị tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sóc Sơn
 “Xuân Dục, Đoài Đông hai nhánh lúa/ Bữa thì anh tới bữa em sang”. Câu thơ của Vũ Cao đã nói hộ chúng ta về thôn Xuân Dục Đoài, xã Phù Linh, quê hương chị, thuộc xã Lạc Long, huyện Đa Phúc, nay là huyện Sóc Sơn. Chị chào đời năm 1932 và tuổi thơ đã sớm phải chứng kiến cảnh cha bị thực dân Pháp bắt đi tù ở Sơn La, rồi Hỏa Lò. Khi đã là thiếu nữ, chị hiểu con đường cách mạng chông gai khi biết ông Trần Văn Bích là cơ sở của Huyện ủy Đa Phúc năm 1945-1946, chú ruột Trần Văn Nghiêm xung phong đi bộ đội giải phóng quân đã hy sinh. Năm 1949, 17 tuổi, chị tham gia Ban Chấp hành phụ nữ xã Lạc Long; sau đó xung phong vào du kích, như một lẽ tất yếu của lý tưởng cao đẹp, muốn dâng hiến tuổi trẻ cho độc lập tự do của đất nước, quê hương. Lúc đó, Núi Đôi - tên hai trái núi thơ mộng, cũng là cao điểm để quân đội Pháp xây dựng bốt kiên cố và trang bị hỏa lực mạnh. Ông Nguyễn Văn Lịch, nguyên xã đội trưởng kể: “Tháng 7 năm 1949, địch đã xây bốt gạch ở Núi Đôi cùng với hệ thống từ núi Thằn Lằn, Mán Tép, Đạc Tài, Tú Tạo, Phù Lỗ, tạo thành hệ thống phòng thủ, khống chế hoạt động của ta. Từ năm 1950, chúng cho xây hệ thống boong ke từ trung du về đồng bằng, lập vành đai trắng, triệt phá phong trào kháng chiến dữ dội với phương châm “không cho lọt một tấc đất vào tay cộng sản”. Do đó, ở Núi Đôi, ngoài bốt gạch cũ, chúng xây thêm năm bốt mới bằng bê tông cốt thép và tăng cường lực lượng gồm một đại đội Tây trắng, Tây đen, một trung đội lính bảo hoàng, có cả bọn batizăng. Sóc Sơn là cửa ngõ để cán bộ ta từ vùng tự do vào vùng địch hậu, luồn sâu về Hà Nội và ngược lại. Do đó, nhiệm vụ bám dân, giữ đất, liên lạc đưa đón cán bộ là hết sức quan trọng. Du kích xã Lạc Long có khoảng 30 người, chia thành ba tổ: Tổ du kích Thượng Dược theo dõi bốt La-ni-vê; tổ du kích Lương Châu theo dõi bốt Miếu Thờ, tổ du kích Xuân Đoài theo dõi bốt Núi Đôi. Gan dạ, mưu trí, nhanh nhẹn, chị Bắc là tổ trưởng của du kích Xuân Đoài. Năm 1951, chị được giao làm cả ba nhiệm vụ: quân báo, cứu thương, binh vận. Thông minh, đẹp người, đẹp nết, chị làm công tác địch vận rất hiệu quả. Dân trong xã luôn thấy cô gái xinh tươi, tóc dài vấn trong vành khăn mỏ quạ, gánh thúng hàng đi bán ở chợ phiên, không ai biết chị đang làm nhiệm vụ, nắm tin tức. Dân làng còn lưu truyền đến tận bây giờ, câu chuyện tên chỉ huy vào làng càn quét, thấy chị xinh đẹp, muốn lấy chị làm vợ bé. Tận dụng cơ hội thuận lợi đó, chị đã binh vận được cai Năm và cai Đinh, tự động mang súng ra hàng. Ông Tám Hồng, thợ mộc trong bốt Núi Đôi và bà Tuệ là vợ Tây trở thành cơ sở nội ứng, cung cấp tin tức kịp thời cho chị kế hoạch càn quét của địch. Cũng nhờ có nhân mối mà du kích xã đã thâm nhập vào bốt Núi Đôi, lấy được lựu đạn, mìn của địch để đi mai phục chúng. Bọn giặc đánh hơi, biết chị hoạt động du kích, vào làng bắt cha chị tra tấn dã man, nhưng ông kiên gan chịu đòn thù, không nhận con là du kích.
Tình yêu và sự hy sinh anh dũng, đẹp hơn cả trong thơ
“Em sống trung thành chết thủy chung/ Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng thông bờ cỏ con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em”. Nhà thơ Vũ Cao nghe câu chuyện dân làng Phù Linh kể về chị, xúc động sáng tác nên bài thơ Núi Đôi nổi tiếng. Tôi cũng  như bao người đinh ninh rằng, có một người con gái đã hy sinh giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp. Chỉ đến khi lên Sóc Sơn, gặp bà Trần Thị Thiệp, em gái liệt sỹ, có khuôn mặt hao hao như ảnh chị Bắc, lại được đọc tư liệu của  các nhân chứng lịch sử, tôi mới được biết thêm về cuộc đời và mối tình của chị với anh bộ đội Trịnh Khanh thuộc đại đội Trần Quốc Tuấn, trung đoàn 121- đơn vị chủ lực chiến đấu ở vùng đồng bằng- trung du Bắc Bộ.
Chị và anh đã tình cờ gặp nhau ở xã Bắc Sơn khi anh đóng quân tại đây và chị theo học lớp y tá. Họ cùng nhận nhau là đồng hương Phù Linh, bởi anh là người Vệ Linh. Tình yêu chớm nở và đơm hoa trên nẻo đường kháng chiến. Họ hẹn nhau sẽ tổ chức đám cưới sau khi anh đánh thắng giặc ở trận Bắc Hồng (Đông Anh). Thông cảm với hai con, mẹ chị đã gánh bánh kẹo ra vùng tự do Hồng Kỳ cho anh chị làm lễ cưới ngày 9-12-1953. Chiếc giường hạnh phúc thời kháng chiến là ổ rơm thơm dịu ngọt mùi rơm rạ. Hai ngày sau, chị phải tạm biệt anh, trở về quê hương làm nhiệm vụ. Anh không ngờ đó lại là cuộc chia ly vĩnh viễn.
 
Tọa đàm: “Liệt sĩ Trần Thị Bắc với quê hương Sóc Sơn anh hùng”, 
tháng 3-2014

Ngày 16-3-1954, 22 giờ đêm, chị dẫn đường cho đoàn cán bộ từ vùng tự do  vào vùng tạm chiếm ở xã Phù Linh để chuẩn bị cho một trận chiến đấu. Vừa đến khu ruộng ở bãi Thái Hòa (nay ở gần trạm máy nước Xuân Đoài), cả đoàn rơi vào ổ phục kích của địch. Chị đã hô to lên cho các đồng chí biết. Giặc điên cuồng xả đạn vào người chị. Ngay trong đêm, xã đội cử bốn du kích là ông Túc, ông Thuộc, ông Hội, ông Viết Thị làm nhiệm vụ lấy xác chị Bắc. Các ông đến được nơi chị ngã xuống thì máu đã chảy loang trên bãi cỏ. Đồng đội gạt nước mắt, cõng chị về chùa Vệ Sơn Đoài (Tân Minh). Lễ mai táng liệt sỹ Trần Thị Bắc ở khu vực Cầu Cốn được tổ chức trang trọng với sự có mặt của các đồng chí huyện ủy Đa Phúc và đồng đội, nhân dân trong xã Lạc Long. Riêng gia đình chị đang ở Lương Sơn cùng bà con trong khu địch dồn dân, không có mặt trong giây phút thương đau ấy. Bà Trần Thị Thiệp, em gái liệt sỹ Trần Thị Bắc kể: Đêm ấy, nghe nó vãi đạn mooc chi ê liên tục từ Núi Đôi, mẹ tôi cũng không ngủ được, luôn cầu trời khấn phật cho chị thoát khỏi nguy hiểm. Sáng sớm hôm sau, chị Hợi tôi ra đồng Sen, thấy chiếc khăn láng đen giống hệt khăn của chị Bắc trên đồng, mang về cho mẹ tôi. Bà cụ khóc, đau cắt ruột mà cũng không ra mộ chị ở Cầu Cốn được. Bọn địch gọi hết dân làng ra bãi Chè thôn Lương Châu để điểm mặt, kiểm thẻ căn cước. Lúc ấy, cha tôi đang đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng không về được. Con gái mất, chồng đi dân công biền biệt không tin tức, mẹ tôi ốm mấy trận, tưởng không qua khỏi. Mãi đến sau hòa bình, mới thấy ông cụ về.
Tôi hỏi bà Thiệp câu chuyện ông Trịnh Khanh, bà kể: Năm 1955, ông về Cầu Cốn tìm mộ vợ rồi chuyển mộ về quê ông ở làng Vệ Linh (sau này, các liệt sĩ của Sóc Sơn được chuyển về xã Tiên Dược, chị Bắc quây quần với đồng đội ở đó).
 
Các đại biểu tham dự Tọa đàm: “Liệt sĩ Trần Thị Bắc với quê hương Sóc Sơn anh hùng”,
tháng 3-2014
Sau ba năm để tang vợ, chính mẹ chị Bắc cùng mẹ đẻ và mẹ nuôi của ông Khanh đã đi hỏi vợ cho ông. Từ đó đến trước khi ông mất (năm 2013), dù ông sống ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (Đông Anh), gia đình chị Bắc vẫn coi ông Khanh như anh rể lớn trong nhà, tình nghĩa trước sau vẹn tròn trong mỗi dịp lễ tết, hiếu hỉ của gia tộc chị.
 
Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cho liệt sĩ Trần Thị Bắc, tháng 7-2018
Câu chuyện tình đời kết thúc có hậu, nhân nghĩa, có thủy, có chung. Hình ảnh chị sống trung thành chết thủy chung càng đẹp trong tâm khảm mỗi người hôm nay. Tháng 7-2018, Nhà nước đã vinh danh liệt sĩ Trần Thị Bắc là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Quê hương Sóc Sơn thật tự hào về người nữ Anh hùng đã trở thành biểu tượng cao đẹp cả trong thơ và trong đời cho thế hệ sau noi theo.
Ths.  Phạm Kim Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét