Nữ du kích Võ Thị Mô và khoảnh khắc đưa tay gạt nòng súng
Ngay từ những năm Việt Nam bị cấm vận, nhiều cựu binh Mỹ đã vượt qua nhiều rào cản tìm đến Việt Nam vì sự kính trọng, nể phục người phụ nữ đã từng bám vành đai trắng Củ Chi đánh Mỹ. Thời chiến tranh, những người lính Mỹ ấy từng được một tên chiêu hồi kể về nữ du kích Võ Thị Mô. Họ rung cảm, ngưỡng mộ vì chất nhân hậu của đối thủ mà họ tìm diệt bằng đủ loại vũ khí quy mô, hiện đại, tàn khốc nhất. Họ đã hủy diệt tất cả, biến Củ Chi thành đất trắng nhưng họ không hủy diệt được lòng nhân hậu, phần nữ tính cao đẹp của những người phụ nữ Việt Nam.
Sau chiến tranh, họ  tìm được chị Võ Thị Mô ở Tây Ninh. Họ hỏi chuyện xưa, chị Mô kể. Nhưng họ nói: “Còn một chuyện chị chưa kể. Đó là chuyện chị không bắn những người Mỹ khi họ đang khóc...”. Chị Mô giật mình và chị đã bật khóc. Ai cũng biết trong chiến tranh, diệt được 3 tên Mỹ sẽ được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 6 tên là dũng sĩ cấp 2 và 11 tên là dũng sĩ cấp ưu tú. Nữ du kích Võ Thị Mô năm ấy là dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú. Khắp Củ Chi nở rộ phong trào nở hoa dũng sĩ. Vậy mà chị Võ Thị Mô đã không bắn những người lính Mỹ đang trong tầm ngắm của chị, bởi những người lính Mỹ ấy còn rất trẻ. Họ đang chụm nhau đọc thơ gia đình, xem ảnh vợ con, người yêu. Và những người lính Mỹ ấy thay vì đi tìm những tên cộng sản dưới chiến hào đã trốn vào một góc, òa khóc nức nở. Người du kích bám theo chị, cùng tìm diệt những tên Mỹ thúc giục nhưng chị đã gạt nòng súng sang một bên. Anh ta ngạc nhiên khi nhìn thấy gương mặt người nữ du kích gan lì, nổi tiếng dũng cảm ràn rụa nước mắt. Trong cuộc họp chi bộ, chị mạnh mẽ giải thích: “Tôi không thể bắn những người lính Mỹ khi họ trở về với chất con người nhất”.
Câu chuyện ấy chị giấu biệt. Nhưng những người lính Mỹ nghe kể, từng biết về chị đã không quên. Họ tìm mọi cách để gặp mặt người nữ du kích từng bám địa đạo đánh giặc, từng bị Mỹ treo giá cái đầu hàng triệu đồng không hề biết sợ bom đạn Mỹ nhưng đã òa khóc nức nở khi con cóc chị nuôi dưới chiến hào bị giết thịt, mà trong đáy lòng chị xem như người bạn cùng chia sẻ những khoảnh khắc khốc liệt của chiến tranh.
Sau chuyến đi ấy, John Penycate và Tom Mangold đã viết quyển Hầm Củ Chi. Năm 1985, NXB Hodder và Stougton ở London và NXB Albin Michel ở Paris lần lượt ra mắt độc giả câu chuyện khó tin về cuộc chiến tranh trong lòng đất ở Việt Nam.
Quyển sách có sức tác động mãnh liệt, để rồi 2 năm sau, một đoàn làm phim người Mỹ đã đến Củ Chi làm phim về chị Võ Thị Mô cùng những người đã từng bám địa đạo chiến đấu. Biết hoàn cảnh khó khăn của chị, một người Mỹ hỏi: “Chị cần gì, nhà, xe, phương tiện sản xuất... Chúng tôi sẽ giúp đỡ chị”. Nhưng thật bất ngờ, chị nói: “Tôi không cần gì, chỉ mong sao đồng bào tôi được sống trong hòa bình, đất nước tôi không bị ai xâm lược”. Cả hội trường hoan hô. Những người Mỹ sửng sốt. Và thêm một lần, họ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Nữ du kích băng bó vết thương cho một lính Mỹ.
Đánh giặc bằng lý lẽ, hoa trái
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Phụ nữ Việt Nam đánh giặc bằng nhiều cách, có những cách người Mỹ không bao giờ ngờ đến. Chị em có thuận lợi hơn nam giới về thế hợp pháp, được đi lại dễ dàng, dễ cải trang theo dõi địch, mang vũ khí qua đồn bót địch. Chị em giấu vũ khí dưới những gánh hoa bí rực vàng, dưới những bội đựng hoa quả, dưới những thúng gạo trắng ngần, hay những đống phân tro ra đồng bón ruộng. Những trái mìn được chị em bọc trong nhiều lớp nilông, những gói cơm nếp bao ngoài. Những yếu tố bất ngờ ấy khiến không “ra đa” nào của địch phát hiện nổi.
Thời kỳ Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ, đưa quân dàn hàng ngang tiến vào phía bờ sông Vàm Cỏ Đông - nơi được cho là có “Vi-xi” bám trụ không ngờ đã rơi vào thế trận lòng dân. Khắp nơi, bà con đều xây dựng xã chiến đấu, đặt trái gài mìn, hầm chông dày đặc. Chúng không ngờ rằng ẩn dưới những bụi cỏ, khóm hoa kia là những quả lựu đạn được gài bằng bàn tay của những nữ du kích.
Phong trào đấu tranh chính trị của lực lượng phụ nữ trong thời kỳ này vô cùng sáng tạo. Khi cánh xe tăng, thiết giáp đầu tiên của quân Mỹ bò như cua tiến vào cánh đồng trồng rau, hoa màu và ruộng lúa, lập tức bà con trong các thôn xóm kéo nhau ra chặn đầu các đoàn xe. Vô cùng kinh ngạc trước đoàn người chỉ toàn đàn bà, trẻ con nên lính Mỹ không bắn và dừng lại, mở nắp xe xem  điều gì xảy ra…
Bà Út Mập kể: “Bà con tiến công đoàn xe tăng Mỹ bằng tình cảm. Các bà, các chị mang ra hàng thúng dừa và khóm. Thấy lính Mỹ ngó chừng khát nước, cầm cả trái khóm cạp cả vỏ ăn, các chị lấy dao gọt giúp chúng. Lính Mỹ được uống nước dừa tươi mát, được ăn trái cây ngon ngọt tỏ ra biết ơn. Những tên biết bập bẹ tiếng Việt thì nói “cảm ơn”, những tên không biết thì luôn mồm nói “Thank you very much” (cảm ơn rất nhiều). Sau khi ăn  uống, chúng cho xe chạy theo đường và trên những ruộng trống”.
Cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên của nhân dân Đức Hòa với lính Mỹ đã thu được kết quả. Đó là cơ sở thực tiễn để Tỉnh ủy Long An rút ra kinh nghiệm và chỉ đạo mũi đấu tranh chính trị trên phạm vi toàn tỉnh. Lúc đó đấu tranh chính trị với Mỹ gọi là công tác “Mỹ vận” mà lực lượng chủ yếu và có hiệu quả nhất là các bà, các chị.”
"Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".
Đánh giặc bằng ong
Trước khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt ở Việt Nam, bà con xã Long Sơn, huyện Cần Đước đã gây tiếng vang khắp tỉnh Long An vì chiến công đánh Mỹ ngụy bằng ong vò vẽ. Năm 1964, một cố vấn Mỹ đi theo một cánh quân từ hướng Cầu Sắt vào Long Sơn. Qua khỏi Cầu Sắt, cánh quân này bị ong bung ra đánh tới tấp. Số lính quân đội Sài Gòn chạy té nhào sang một bên, rơi vào vị trí chị em gài sẵn chông mìn bị thương nặng. Sau trận đánh ấy, bà con Long Sơn truyền nhau bài thơ trào phúng miêu tả ong vò vẽ đánh Mỹ như sau:
Ong vò vẽ có công đánh Mỹ /Đốt mấy tên mặt mũi sưng vù
Lên máy bay còn khóc hu hu/Ong về tổ ung dung nhịp cánh
Không ngờ con ong bé nhỏ ấy sau này cùng những người mẹ, người chị bên vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, trở thành những chiến sĩ dũng cảm.
Đầu năm 1967, trong trận càn của địch vào ấp Bà Lành, xã Long Sơn, một lính Mỹ bị ong vò vẽ đánh té xuống rạch Bà Lành chết ngộp. Sau khi địch rút đi, du kích đi thu “chiến lợi phẩm”, gặp xác một tên lính Mỹ. Ban chỉ huy quân sự tỉnh và huyện ủy họp bàn, nhất trí cho đội quân tóc dài khiêng xác lính Mỹ ra chốt Rạch Kiến, nhờ chuyển xác về gia đình. Cuộc đấu tranh này do chị Tư Nhành- chi ủy viên xã Long Định trực tiếp chỉ huy. Chị em khiêng xác tên Mỹ ra chốt Mỹ Rạch Kiến. Bà Mười Vịt ở ấp 1A xã Long Sơn kể: “Chúng cảm ơn đồng bào rối rít, hứa hẹn hai điều. Một là sẽ không bắn pháo bừa bãi vào xóm dân cư. Hai là khi hành quân đi càn, binh sĩ Mỹ sẽ không bắn vào dân”.
Cũng chính những người nuôi ong vò vẽ ấy đã đem vôi bôi lên mặt lính Mỹ khi chúng bị ong chích. Từ chuyện “con ong”, ngọn cỏ, trái khóm…, chị em đã làm tốt công tác “Mỹ vận”, để người Mỹ hiểu hơn về sự độc đáo và lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh!
Trầm Hương