Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

TỰ PHẢN CÁCH MẠNG 12

-Đầu mối của dân giàu nước mạnh là thu nhập thặng dư lao động. Do đó, muồn cho dân giàu nước mạnh thì phải tăng cường thu nhập thặng dư và sử dụng đúng mục đích số thu nhập thặng dư đó, ưu tiên xóa nghèo  .
-Rõ ràng sưu cao thuế nặng là biện pháp thu hoạch thặng dư trái với mục đích làm cho dân giàu nước mạnh.
-Dãn cách giàu - nghèo bao nhiêu cũng không sợ, miễn biết cách cho cái giàu ấy quay lại nâng đỡ cho cái nghèo ấy.
-Sợ là sợ dãn cách giàu - nghèo không chính đáng, giàu do phi nghĩa mà có (do tham nhũng, lạm dụng quyền lực, ăn cắp ăn trộm...) và nghèo do bất công mà nên (do bị chèn ép, lừa mị, nhiều thuế và phí...). Giàu do bất chính mà có không bao giờ thực lòng "thương" nghèo do bất công mà ra!
-Do đó, chống tham nhũng và chống lạm dụng quyền lực là yêu cầu cơ bản, đầu tiên của chính quyền của dân, do dân và vì dân.
-Một chính quyền để tham những tràn lan, lạm dụng quyền lực tung tác như hiện nay mới nhận ra và "tà tà" khắc phục thì đến bao giờ mới tiến lên CNXH? Nếu gom tất cả số tiền thất thoát do chỉ riêng tham nhũng từ trước tới giờ thôi để xóa đói giảm nghèo thì có bao nhiêu người đã được sống một cuộc đời đúng nghĩa cuộc đời con người, hoặc nếu đầu tư vào nông nghiệp hiện đại thì nền nông nghiệp nước nhà tới đâu rồi?
-Thử hỏi thế hệ lãnh đạo ngày nay có còn "chút máu" cách mạng vô sản nào không, hay chỉ còn toàn máu "quan quyền"?

--------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

                                        ‘Núi vàng’ của một số lãnh đạo từ đâu ra? | VTC1

                                 Cả nhà làm quan – Truyền thống đang bị bóp méo | VTC1

Phân hoá giàu nghèo đe doạ nền dân chủ như thế nào


Tình trạng phân hoá giàu nghèo sâu sắc trong các xã hội dân chủ dẫn đến hai thứ: (i) tham vọng của số đông cử tri muốn tái phân phối của cải xã hội thông qua các chính trị gia dân tuý, và (ii) các cuộc đảo chính do các đại gia chống lưng. Đó là thảm hoạ của các nền dân chủ.
Ảnh: Forbes.



Tình trạng phân hoá giàu nghèo sâu sắc trong các xã hội dân chủ dẫn đến hai thứ: (i) tham vọng của số đông cử tri muốn tái phân phối của cải xã hội thông qua các chính trị gia dân tuý, và (ii) các cuộc đảo chính do các đại gia chống lưng. Đó là thảm hoạ của các nền dân chủ.

Bất bình đẳng kinh tế là một vấn đề có ảnh hưởng quan trọng đến sự ổn định của xã hội, đặc biệt là trong các nền dân chủ.

Sự phát triển của kinh tế thế giới trong 30 năm qua đã mang lại một sự giàu có to lớn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các thành tựu kinh tế này được phân phối một cách hợp lý; mà phần lớn sự gia tăng của cải rơi vào tay một thiểu số chóp bu kinh tế, trong khi hoàn cảnh của đa phần người lao động không được cải thiện nhiều.

Sự gia tăng khoảng cách về giàu nghèo này không chỉ diễn ra ở các nền dân chủ chưa hoàn chỉnh như Mỹ Latin, mà còn ở các nền dân chủ hoàn chỉnh như Mỹ. Và nó chính là một trong những nguyên nhân gây ra những bất ổn gần đây trong các xã hội này.

Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bất bình đẳng khiến nền dân chủ mất ổn định.[1] Xã hội dân chủ nào càng bất bình đẳng thì càng dễ dẫn tới chia rẽ, bởi khi đó có một áp lực rất lớn trong việc tái phân phối của cải từ người giàu sang người nghèo.

Khi giới chóp bu kinh tế tin rằng người nghèo đang tìm cách “chiếm đoạt tài sản” thông qua lá phiếu, thì điều này sẽ khiến cho việc duy trì nền dân chủ trở thành cái giá khá đắt đối với họ. Kết quả là, trong các xã hội bất bình đẳng cao, giới chóp bu kinh tế thường cố ngăn chặn các nỗ lực cải cách dân chủ hoặc tiến hành đảo chính nhằm đảo ngược tiến trình này.

Tuy nhiên, trong các nền dân chủ, người dân lại có quyền bầu chọn lên chính quyền của mình. Và với xã hội bất bình đẳng, thì họ có xu hướng bầu cho các nhà lãnh đạo và các đảng phái cánh tả với các chính sách tái phân phối rộng rãi. Song điều này đe dọa đến quyền lợi của giới chóp bu.

Kết quả là trong các nền dân chủ có sự bất bình đẳng cao, luôn có sự xung đột giai cấp giữa đa số nghèo đói với quyền bầu chọn chính quyền, và thiểu số chóp bu giàu có với các lợi thế về quyền lực, tiền bạc để lật đổ các chính quyền dân chủ mà họ cho là đe dọa đến lợi ích của họ. Xung đột này có thể kéo dài, như trường hợp của các nước Mỹ Latinh, hay Thái Lan gần đây.

Trong lịch sử của mình, Mỹ Latin luôn là khu vực bất bình đẳng nhất thế giới. Điều nay bắt nguồn từ di sản thuộc địa của nó.

Các nhà thuộc địa Châu Âu đã thiết lập mô hình cai trị bóc lột đối với người bản địa. Và mô hình này vẫn tiếp tục được sử dụng sau khi các quốc gia này độc lập. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với các cơ hội giáo dục, nghề nghiệp, cũng như các chính sách chi tiêu công không hiệu quả.

Trong năm 2014, 10% những người giàu nhất Mỹ Latin sở hữu 71% của cải khu vực. Nếu xu hướng này tiếp tục, theo tính toán của Oxfam, thì chỉ trong sáu năm tới 1% người giàu nhất khu vực sẽ giàu hơn 99% còn lại. Từ năm 2002 đến 2015, tài sản của các tỷ phú Mỹ Latin tăng trung bình 21%/năm, lớn hơn sáu lần so với tốc độ tăng GDP toàn khu vực.[2]


Số liệu năm 2014 của Ngân hàng Thế giới cho thấy Mỹ Latin và khu vực Nam Phi có mức độ bất bình đẳng về thu nhập cao nhất thế giới. Ảnh: World Economic Forum.

Sự bất bình đẳng này khiến cho các nước Mỹ Latin luôn trong tình trạng bất ổn. Trong lịch sử của mình từ khi giành được độc lập, hầu hết các nước Mỹ Latin đều chuyển dịch qua lại một vài lần giữa dân chủ và độc tài.

Đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân chủ là chuyện phổ biến, đặc biệt là những năm 1960, 1970, khi xung đột giữa cánh hữu và cánh tả tăng cao. Điển hình như các cuộc đảo chính Guatemala (1954), Chile (1973), và Argentina (1976). Dù các nước này giành được độc lập và thiết lập nền dân chủ từ cuối thế kỉ 19, song cho đến nay vẫn là các nước phát triển trung bình với các nền dân chủ khiếm khuyết.

Gần đây, Thái Lan cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Dữ liệu từ năm 2007 cho thấy rằng 10% gia đình giàu có nhất kiểm soát hơn 50% của cải trong khi 50% gia đình nghèo khó nhất chỉ kiểm soát 8.5%. Ở nhiều khu vực của đất nước, đất đai phần lớn nằm trong tay các chủ đất lớn, đặc biệt là Bangkok. Thống kê cho thấy rằng 10% dân số giàu có sở hữu khoảng 90% đất đai tư nhân.[3]

Tình trạng bất bình đẳng kinh tế này là hệ quả của các chính sách phát triển tập trung chủ yếu vào đô thị, và phục vụ cho giới chóp bu giàu có ở Bangkok. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 một mặt đã làm gia tăng bất mãn đối với sự bất bình đẳng xã hội, mặc khác làm suy yếu giới chóp bu ở Bangkok.

Điều này đã cho phép một chính trị gia dân túy như Thaksin nổi lên. Khi lên lắm quyền, Thaksin đã tiến hành các chính sách trợ cấp cho nông dân như chương trình hoãn trả nợ, các khoản cho vay với lãi suất thấp, hay cung cấp dịch vụ y tế rộng rãi. Những chính sách này đe dọa địa vị và lợi ích của giới chóp bu ở Bangkok, khiến họ giật dây cho quân đội đảo chính lật đổ Thaksin vào năm 2006.

Từ đó, Thái Lan rơi vào bất ổn, xung đột liên miên giữa hai phe – phe áo đỏ ủng hộ Thaksin, và phe áo vàng ủng hộ Hoàng gia do giới chóp bu Bangkok đứng sau.

Bất bình đẳng không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của những nền dân chủ non trẻ hoặc đang trong quá trình củng cố như các quốc gia ở Mỹ Latin, châu Á theo như phân tích ở trên, mà còn ảnh hưởng đến cả các nền dân chủ lâu đời như Mỹ.

Nghiên cứu Emmanuel Saez và Gabriel Zucman[4] về bất bình đẳng ở Mỹ cho thấy, trong ba thập kỷ qua, tài sản mà 0.1% các gia đình giàu có nhất sở hữu trong tổng tài sản quốc gia đã tăng từ 7% vào cuối những năm 1970 lên đến 22% vào năm 2012.

Trong khi đó, tài sản mà 90% gia đình nghèo nhất sở hữu đã giảm từ 36% vào giữa những năm 1980 xuống còn 23% vào năm 2012, chỉ nhiều hơn 1% so với 0.1% các gia đình giàu có nhất.[5]

Tất cả những điều này đã góp phần vào sự trỗi dậy của các chính trị gia dân túy, từ cánh hữu như Donald Trump đến cánh tả như Bernie Sanders.


Donald Trump (trái – đảng Cộng hoà) và Bernie Sanders (phải – đảng Dân chủ). Ảnh: Finance Commerce.

Thành công của Trump trong cuộc bầu cử vừa qua đã phản ánh nhu cầu của một bộ phận công chúng về những cải cách lớn nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng và trì trệ ngày một nghiêm trọng mà đại bộ phận dân chúng đang phải trải qua. Tuy nhiên, cách thức mà Trump thực hiện dường như đang làm tổn hại đến các thiết chế và chuẩn mực cơ bản của nền dân chủ Mỹ.  Điều này đẩy nước Mỹ vào những bế tắc và bất ổn chính trị mới.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, mức độ bất bình đẳng có ảnh hưởng lớn sự ổn định của nền dân chủ. Ảnh hưởng này khiến cho các thiết chế dân chủ không thể vận hành hiệu quả. Nếu tình trạng như vậy kéo dài, thì niềm tin của người dân vào thiết chế dân chủ sẽ giảm đi, và mở đường cho sự đi lên của các chính trị gia dân túy độc tài.

Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rằng, các chính trị gia như vậy không những không thể giải quyết vấn đề, mà làm cho tính trạng tồi tệ thêm.

Nếu họ không đủ mạnh, họ sẽ bị giới chóp bu đảo chính lật đổ, như diễn ra tại Argentina (1976), hay Thái Lan (2006), đất nước tiếp tục bất ổn. Nếu họ đủ mạnh, họ thúc đẩy hơn nữa các chính sách dân túy, đẩy đất nước đến các thảm họa kinh tế như trường hợp Chavez của Venezuena.

Do đó, đằng sau việc thúc đẩy và củng cố nền dân chủ, thì một yếu tố thiết yếu đó là thúc đẩy sự bình đẳng kinh tế, đó là nền tảng cho sự bền vững của nền dân chủ, cũng như của phát triển.

Tài liệu tham khảo

1. Acemoglu, Daron, và James A. Robinson. 2000. “Why Did the West Extend the Franchise? Democracy, Inequality, and Growth in Historical Perspective”, Quarterly Journal of Economics115, trang 1167-1199.
2. Latin America is the world’s most unequal region. Here’s how to fix it (ECLEC, 25/1/2016)
3. Inequality and Politics in Thailand (Kyoto Review, 3/2015)
4. Wealth inequality in the United States since 1913: Evidence from capitalized income tax data (10/2014)
5. US wealth inequality – top 0.1% worth as much as the bottom 90% (The Guardian)

"Vợ, con, cháu lãnh đạo không thể bỗng dưng giàu có"

"Kỳ này, Trung ương đã nói rõ việc kê khai tài sản của cán bộ. Có người kê khai đúng, có người đưa những tài sản cho vợ, con, cháu, rể đứng tên, vậy thì chúng ta phải làm rõ khối tài sản ấy nằm ở đâu", ông Lê Quang Thưởng nói.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương về những tiêu chuẩn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI vừa qua.
Lê Quang Thưởng, công tác cán bộ, kê khai tài sản, giàu bất chính
Ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VTC
 
PV:Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cán bộ là gốc của mọi công việc”;“Đi làm cách mạng là để phục vụ nhân dân, làm đầy tớ cho dân chứ không phải là đề thăng quan phát tài”. Nhưng thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, cửa quyền, lợi ích nhóm…? Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lê Quang Thưởng: Bác Hồ đã phát biểu tại nhiều cuộc nói chuyện và trên các tác phẩm hiện nay còn lưu lại cho thấy Người rất quan tâm tới công tác cán bộ. Bác đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, cán bộ không phải làm quan để trị dân mà cán bộ là người phục vụ nhân dân, là đầy tớ của nhân dân.
Từ ngày Bác Hồ còn sống cho đến khi ra đi, sự nghiệp cách mạng của Việt Nam đã đi đến thắng lợi lớn là giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước và trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, mà gần đây nhất là sự nghiệp đổi mới đã đem lại thành tựu lớn. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là Việt kiều nhận thấy đất nước ta thay đổi rất nhiều so với thời họ sống ở Việt Nam trước đây và người dân cũng nhận thấy rõ thành quả của cách mạng đem lại.
Tuy nhiên, vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội cũng như trong đội ngũ cán bộ lúc nào cũng có. Đặc biệt là thời kỳ chúng ta thực hiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội cũng như con người. Cho nên những mặt tiêu cực trong cán bộ, mặt yếu kém của công tác cán bộ vẫn còn đó. Vấn đề là chúng ta phải biết rõ để đấu tranh, hạn chế thấp nhất những tiêu cực và các mặt yếu kém.
Hiện nay, những mặt tiêu cực đó vẫn còn ảnh hưởng trong đời sống của chúng ta. Những người làm việc không tốt nhưng có mối quan hệ thân quen, thậm chí, đem tiền để đi đút lót, chạy chọt thì họ vẫn lên được chức. Tuy nhiên, bộ phận này như Đảng ta đã nhận định trong Nghị quyết Trung ương 4 là “nhỏ”. Nhưng đó là một thực tế chúng ta phải đấu tranh và khắc phục.
PV: Hội nghị Trung ương 11 vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rất rõ tiêu chuẩn của nhân sự BCH Trung ương. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về những vấn đề đặt ra về công tác nhân sự ở hội nghị lần này?
Ông Lê Quang Thưởng: Tôi rất quan tâm tới bài bài phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thấy rằng vấn đề cán bộ kỳ này đưa ra Trung ương rất tốt, đầy đủ, có phần cụ thể hơn so với trước.
Theo đó, phải lựa chọn cho được những người vào cấp ủy, vào Trung ương là những người có ý chí cách mạng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, dám làm, dám chịu trách nhiệm và làm việc có hiệu quả được nhân dân, tổ chức đồng tình.
Để làm được điều đó chúng ta phải thảo luận đầy đủ trong các cấp Ủy, trong Hội nghị cán bộ, thậm chí, phải đưa ra nhân dân hiểu điều đó, phát động nhân dân tham gia ý kiến. Nếu chỉ căn cứ vào nhận xét của cấp ủy các cấp thì chưa đủ.
Đặc biệt ở những tập thể mà yếu tố tiêu cực ảnh hưởng lớn thì rất khó để đánh giá đúng người cán bộ. Cho nên phải lấy ý kiến nhân dân vì nhân dân là nơi cư trú của cán bộ, họ tiếp xúc với cán bộ nên họ hiểu rất rõ ai là người tốt, là không tốt.
Tôi kỳ vọng Đại hội lần này Trung ương nên có diễn đàn để nhân dân được tham gia ý kiến.
PV: Tiêu chuẩn của nhân sự BCH Trung ương được đưa ra trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất cụ thể, đúng đắn và nghiêm túc nhưng có một băn khoăn là việc thực hiện sẽ như thế nào? Xác định như thế nào là cơ hội, là bè cánh, là có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…? Theo ông, liệu chúng ta có làm rõ được không?
Ông Lê Quang Thưởng: Nếu chúng ta quyết tâm thì sẽ làm được, miễn là các cấp Ủy, các tổ chức Đảng phải sâu sát, tôn trọng ý kiến nhân dân, tìm mọi cách để đánh giá đúng con người.
Kỳ này, Trung ương đã nói rõ việc kê khai tài sản của cán bộ. Có người kê khai đúng, có người đưa những tài sản cho vợ, con, cháu, rể đứng tên, vậy thì chúng ta phải làm rõ khối tài sản ấy nằm ở đâu. Vì vợ, con, cháu của các cán bộ lãnh đạo không thể bỗng dưng giàu có được. Giàu chính là tiền của người cán bộ đó đưa cho vợ, con, cháu; hoặc người cán bộ đó tạo điều kiện cho con, cháu làm ăn phi pháp, buôn lậu, núp dưới những bóng “minh quân” nào đó để được mua cổ phiếu, tham gia cổ phần các doanh nghiệp, làm chủ hoặc tham gia lãnh đạo ngân hàng... Cái đó phải làm cho rõ.
Phải phát động dân chủ hóa, công khai vấn đề chi tiêu, lương bổng, phụ cấp và những quyền lợi của người cán bộ. Như tôi nghe thông tin có cán bộ có cổ phần ở ngân hàng nhiều tỷ đồng không rõ nguồn gốc phát sinh hợp pháp, hoặc lĩnh lương trên dưới cả trăm triệu đồng không xứng đáng với đóng góp cá nhân, thì điều đó là vô lý. Mặc dù họ lấy danh nghĩa là thủ trưởng một cơ quan hay Giám đốc một doanh nghiệp nhưng có tài sản và chế độ lương vậy là bất hợp lý.
Do đó, phải công khai việc đó, đưa ra để đấu tranh, để người dân góp ý kiến xem họ có xứng đáng được hưởng mức như thế không, hay phải ngăn chặn những trường hợp hưởng thụ bất minh, quan hệ, chạy chọt, dùng tiền để mua chức vụ...
Vì vậy, vấn đề mà Tổng Bí thư đã nêu là rất đúng. Phải căn cứ vào tiêu chuẩn, vào phẩm chất, kê khai tài sản cá nhân; căn cứ vào khảo sát để xem người cán bộ đó và gia đình họ làm ăn có nghiêm túc không, hay lợi dụng vị trí lãnh đạo để làm ăn phi pháp. 
PV: Những ngày đầu thành lập nước, Bác Hồ chọn người trong chính phủ mới có nhiều người ở độ tuổi rất trẻ 30-40. Hiện nay, theo quy định, Ủy viên Trung ương có 3 độ tuổi là dưới 50, 50-60 và từ 60 tuổi trở lên. Theo ông, độ tuổi có ý nghĩa như thế nào với công tác nhân sự? Liệu chúng ta có thể trẻ hóa cán bộ hơn nữa được không?
Ông Lê Quang Thưởng: Ở thế hệ cán bộ sau năm 1945 thì phần lớn là trẻ vì Đảng ta mới ra đời. Từ đó đến nay trải qua mấy chục năm nên trong Đảng bao gồm nhiều độ tuổi và độ tuổi tham gia cách mạng 1945 hiện nay vẫn còn, đã 70-80 tuổi. Vì vậy, phải cần nhấn mạnh độ tuổi trẻ trong Đảng và lúc nào cũng cần một bộ phận trẻ tham gia lãnh đạo vì họ là những người sung sức, có tiềm năng về trí tuệ, sức khỏe dẻo dai để làm việc tốt.
Hơn 80 năm từ khi Đảng ra đời, tất yếu trong đội ngũ cán bộ có 3 độ tuổi và Đảng quy định dưới 50 tuổi là số đông trong cấp ủy là đúng. Nhưng không thể trẻ một cách cực đoan được như Bí thư Đảng ủy cơ sở có thể rất trẻ là 30 tuổi, Bí thư huyện ủy tương đối trẻ trên dưới 40 tuổi, Bí thư tỉnh ủy hiện nay người trẻ nhất là trên 40 tuổi.
Nhiều người cho rằng độ tuổi không thể thấp hơn được vì phải qua quá trình lựa chọn từ dưới lên. Chúng ta cần phải có những người trẻ nhưng cũng không nên quá máy móc là trẻ bao nhiêu.
PV: Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, để kế thừa và phát huy tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, theo ông, Đảng và Nhà nước ta cần phải làm những gì?
Ông Lê Quang Thưởng: Từ trước đến nay Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ và nay cần phải coi trọng hơn nữa. Coi công tác cán bộ là khâu quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng và xây dựng đất nước.
Phải tiến hành đánh giá cán bộ theo định kỳ, làm quy hoạch cán bộ và phải bổ sung vào quy hoạch cán bộ những người tốt, người trẻ một cách định kỳ. Thông qua những cuộc vận động, hoạt động lớn bộc lộ những người tốt thì phải kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ.
Đồng thời, phải thực hiện dân chủ hóa để lấy được nhiều ý kiến góp ý về cán bộ, đặc biệt là lấy ý kiến của dân. Tóm lại, phải coi công tác cán bộ là khâu quan trọng của việc xây dựng Đảng và xây dựng đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Công Hân - Kim Anh (theo VOV.vn)
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại

Những nỗ lực chấm dứt nghèo khổ

Những nỗ lực nhằm chấm dứt sự nghèo khổ chỉ thành công đối với những nước giàu nhưng đã thất bại trên bình diện toàn cầu. Tại sao? Vì những người giàu thường không muốn quyền lợi của mình bị ảnh hưởng bởi bất cứ người nào hay bất cứ điều gì. Sa-lô-môn, một vị vua giàu có và khôn ngoan vào thời Kinh Thánh, nhận xét: “Xem kìa! Người bị bức hiếp, nước mắt đầm đìa! Nhưng không được ai an ủi. Kẻ bức hiếp cậy quyền hành bức hiếp họ!”.—Truyền-đạo 4:1, Bản Dịch Mới.

Vậy, những người nắm quyền lực có thể thay đổi xã hội và chấm dứt sự nghèo khổ trên thế giới không? Vua Sa-lô-môn cho biết: “Kìa, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi. Vật chi đã cong-vẹo không thể ngay lại được” (Truyền-đạo 1:14, 15). Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta hãy xem qua những nỗ lực gần đây nhằm chấm dứt sự nghèo khổ.

Những học thuyết nhằm mang lại xã hội thịnh vượng

Vào thế kỷ 19, vài quốc gia trở nên rất giàu có nhờ ngành thương mại cũng như công nghiệp. Một số người có quyền lực bắt đầu quan tâm đến vấn đề đói nghèo trên thế giới và làm sao phân bố nguồn tài nguyên cách đồng đều hơn.

Chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa cộng sản được đề xướng nhằm mang lại một xã hội không có giai cấp, phúc lợi được phân chia công bằng. Tất nhiên, người giàu không đồng tình với các học thuyết này. Nhưng khẩu hiệu “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” lại thu hút rất nhiều người. Họ hy vọng các nước sẽ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, và thế giới sẽ đạt đến một xã hội lý tưởng. Một số nước giàu đã áp dụng vài khía cạnh của học thuyết xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn họ thành lập hệ thống phúc lợi xã hội và hứa đảm bảo an sinh cho tất cả người dân “từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời”. Họ tuyên bố đã xóa được nạn nghèo khổ, không ai trong nước họ chết vì nghèo.

Tuy nhiên, mơ ước về một xã hội bất vị kỷ đã không trở thành hiện thực. Để mọi người dân làm việc cho lợi ích của cả cộng đồng là điều rất khó đạt được. Một số người bất bình khi phải trợ cấp cho người nghèo vì nghĩ rằng vài người trong số này sẽ trở nên lười lao động. Những lời trong Kinh Thánh thật đúng: “Chẳng có người công-bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội... Đức Chúa Trời đã dựng nên người ngay-thẳng; song loài người có tìm-kiếm ra lắm mưu-kế”.—Truyền-đạo 7:20, 29.

Nhiều người khác thì tin vào Giấc mơ Mỹ—giấc mơ về một xã hội mà những ai làm việc chăm chỉ sẽ thành đạt. Nhiều nước đã áp dụng những chính sách mà họ nghĩ là đã giúp nước Mỹ thịnh vượng, chẳng hạn như chế độ dân chủ, tự do thương mại và tự do buôn bán. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể lặp lại Giấc mơ Mỹ vì sự giàu có của Bắc Mỹ không chỉ đơn thuần là do hệ thống chính trị của họ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và các tuyến đường giao thương thuận lợi cũng là những yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra, mô hình kinh tế cạnh tranh toàn cầu không chỉ khiến nhiều người giàu có, mà còn làm bao người thất bại. Vậy nếu những nước giàu hỗ trợ các nước nghèo thì có thể giải quyết được vấn đề không?

Kế hoạch Marshall—Con đường chấm dứt nghèo khổ?

Sau Thế Chiến II, châu Âu bị tàn phá và đe dọa bởi nạn đói. Chính phủ Mỹ tỏ ra lo ngại về sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu. Trong bốn năm, Mỹ đã đầu tư một số tiền khổng lồ nhằm khôi phục nền công nghiệp và nông nghiệp cho nước nào chấp nhận chính sách của Mỹ. Chương trình Phục hồi châu Âu, còn gọi là Kế hoạch Marshall, được xem là đã thành công. Tại Tây Âu, ảnh hưởng của Mỹ ngày càng tăng và sự nghèo khổ dần được xóa bỏ. Liệu đây có phải là giải pháp để chấm dứt sự nghèo khổ trên toàn thế giới không?

Nhờ sự thành công của Kế hoạch Marshall, chính phủ Mỹ đã mở rộng sự viện trợ đến các nước nghèo trên khắp thế giới. Các nước nghèo được giúp đỡ để phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục và giao thông. Tuy nhiên, nước Mỹ cũng thừa nhận rằng mục đích của những sự viện trợ này là vì lợi ích của chính nước Mỹ. Nhiều quốc gia khác cũng mở rộng ảnh hưởng của họ thông qua việc viện trợ. Sau 60 năm, dù số tiền viện trợ lớn gấp nhiều lần số tiền của Kế hoạch Marshall, nhưng kết quả không như mong muốn. Đành rằng một số nước nghèo, đặc biệt là tại vùng Đông Á, đã đạt đến sự thịnh vượng một cách ngoạn mục, nhưng ở nhiều quốc gia khác, sự viện trợ chỉ giúp giảm tỉ lệ trẻ em tử vong và tăng số trẻ em được đi học, còn tình trạng nghèo cùng cực thì vẫn tiếp diễn.

Tại sao sự viện trợ không đạt được mục tiêu?

Việc giúp các nước nghèo thoát khỏi sự khổ cực thì khó hơn nhiều so với việc giúp các quốc gia giàu phục hồi sau chiến tranh. Vì châu Âu đã có sẵn nền công nghiệp, thương mại và giao thông nên sau chiến tranh, họ chỉ cần khôi phục lại kinh tế. Còn tại những nước nghèo, cho dù được viện trợ để xây đường xá, trường học và bệnh viện, nhưng vẫn phải chịu đựng sự nghèo khổ cùng cực vì người dân thiếu việc làm, đất nước không có tài nguyên thiên nhiên và vị trí giao thương thuận lợi.

Vòng lẩn quẩn của sự nghèo khổ rất phức tạp và không dễ gì phá vỡ được. Thí dụ, bệnh tật dẫn đến sự nghèo khổ mà người nghèo thì hay bị bệnh. Những đứa trẻ suy dinh dưỡng bị yếu về mặt thể chất lẫn tinh thần sẽ trở thành những bậc cha mẹ không có khả năng chăm sóc con mình. Ngoài ra, khi những nước giàu đem số thực phẩm dư thừa đến cho các nước nghèo mà họ gọi là “sự viện trợ”, thì những nông dân và tiểu thương tại các nước nghèo không bán được sản phẩm, khiến cho nước đó ngày càng nghèo hơn. Việc trợ cấp tiền cho các chính phủ nghèo có thể tạo ra một vòng lẩn quẩn khác: Tiền trợ cấp dễ dàng bị biển thủ, dẫn đến nạn tham nhũng, và vấn nạn này lại khiến người dân càng nghèo hơn. Nói chung, sự viện trợ không đạt được mục tiêu vì nó không giải quyết được nguyên nhân sâu xa của sự nghèo khổ.

Nguyên nhân của sự nghèo khổ

Sự nghèo khổ cùng cực là hậu quả của việc mọi người, từ chính phủ cho đến người dân, chỉ quan tâm bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Chẳng hạn, các nhà lãnh đạo tại nước giàu không xem việc chấm dứt sự nghèo khổ trên thế giới là ưu tiên vì họ được bầu cử một cách dân chủ nên trước hết phải làm hài lòng các cử tri. Do vậy, họ hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm từ các nước nghèo để tránh sự mất giá của sản phẩm nội địa. Thêm vào đó, họ trợ cấp rất nhiều cho nông dân trong nước để cạnh tranh với sản phẩm của các nước nghèo.

Tóm lại, nguyên nhân của sự nghèo khổ là vì chính phủ và người dân có khuynh hướng bảo vệ quyền lợi riêng. Rõ ràng vấn nạn này là do con người gây ra. Vua Sa-lô-môn đã khẳng định: “Con người thống trị con người, và gây cho nhau bao thảm họa”.—Truyền-đạo 8:9, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Vậy, có hy vọng nào để chấm dứt sự nghèo khổ không? Có chính phủ nào đủ khả năng thay đổi bản chất con người không?

[Khung nơi trang 6]

Một bộ luật ngăn ngừa sự nghèo khổ

Đức Chúa Trời có danh là Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên thời xưa một bộ luật mà nếu vâng theo thì sẽ ngăn ngừa được sự nghèo khổ. Theo bộ luật này, mỗi gia đình, trừ những người thuộc dòng tế lễ Lê-vi, sẽ được chia một mảnh đất. Một gia đình sẽ không mất đi mảnh đất của mình vì nó không thể bị bán vĩnh viễn. Mỗi 50 năm, tức vào năm Hân hỉ, tất cả các mảnh đất phải được trả lại cho người chủ đầu tiên hoặc gia đình của người đó (Lê-vi Ký 25:10, 23). Nếu vì bệnh tật, tai ương hay lười biếng mà một người phải bán mảnh đất của mình thì vào năm đó, người ấy sẽ được nhận lại mà không phải trả bất kỳ chi phí gì. Vì thế, sẽ không một gia đình nào lâm vào cảnh nghèo đói truyền đời.

Luật pháp Đức Chúa Trời cũng có điều khoản liên quan đến việc một người nam bán mình làm nô lệ trong hoàn cảnh bắt buộc. Người đó sẽ được nhận trước số tiền bán mình để trả nợ. Nếu đến năm thứ bảy mà vẫn chưa có khả năng tự chuộc lại mình thì người ấy vẫn được trả tự do và nhận được hạt giống, vật nuôi hầu có thể bắt đầu lại nghề nông. Ngoài ra, Luật pháp nghiêm cấm dân Y-sơ-ra-ên lấy lãi khi cho người đồng hương nghèo khổ vay tiền. Luật pháp cũng quy định rằng khi thu hoạch, người dân không được gặt đến cuối bờ ruộng để người nghèo có thể mót những gì còn lại. Nhờ đó, không có người nào phải đi ăn xin.Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:1-14; Lê-vi Ký 23:22.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy một số người Y-sơ-ra-ên đã rơi vào tình trạng nghèo khổ. Tại sao điều này lại xảy ra? Vì họ không làm theo Luật pháp của Đức Giê-hô-va. Hậu quả là như các nước xung quanh, trong nước Y-sơ-ra-ên xuất hiện những địa chủ giàu có và những người nghèo không có đất. Vậy, sự nghèo đói xảy ra trong vòng dân Y-sơ-ra-ên là do một số cá nhân đã lờ đi Luật pháp của Đức Chúa Trời và đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của người khác.Ma-thi-ơ 22:37-40.

QUYỀN LỰC VÀ SỰ THA HÓA CỦA QUYỀN LỰC


THS. BÙI XUÂN PHÁI – Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội

Là một vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, quyền lực được quan tâm đến trong mọi xã hội. Cho dù nó có tồn tại ở đâu, khi nào, với ai hay trong cộng đồng nào, được thực hiện bằng cách nào và cho đến bao giờ thì quyền lực cũng luôn được coi là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự vận động và phát triển của một xã hội. Điều đó còn đúng hơn rất nhiều khi quyền lực đó tồn tại trong xã hội có giai cấp và có nhà nước.

Thông thường, nếu hiểu quyền lực là khả năng áp đặt ý chí của chủ thể này lên chủ thể khác và buộc chủ thể đó phải phục tùng ý chí đó thì sự hiện diện của quyền lực ở bất kỳ đâu, khi nào cũng tồn tại một sự khác biệt giữa người áp đặt ý chí và người phải phục tùng ý chí đó. Nói cách khác thì giữa người áp đặt ý chí (người mang quyền lực) và người bị áp đặt ý chí (người phục tùng quyền lực) luôn phải có sự khác biệt thì quyền lực mới tồn tại. Quyền lực càng lớn thì sự khác biệt giữa hai loại chủ thể này càng xa. Vấn đề đặt ra ở đây là quyền lực đó có nguồn gốc từ đâu, do ai nắm giữ, được thực hiện bằng cách nào, trong điều kiện nào và nhằm mục đích gì, khả năng áp đặt ý chí ở mức độ nào…

Quyền lực trong xã hội loài người, đặc biệt là quyền lực nhà nước thì hết sức phức tạp tương ứng với mức độ tiến hoá của con người với tư cách là động vật cao cấp nhất. Con người có khi tốt, có khi xấu hoặc có khi cái tốt, cái xấu lẫn lộn hoặc lấn át nhau. Cái tốt, cái xấu đó được bộc lộ rất rõ trong quá trình thực hiện quyền lực của con người, nhất là khi con người còn có thể chinh phục được cả tự nhiên và đặc biệt là nghĩ ra được các phương tiện có thể “nối tay” để thực hiện quyền lực của mình cùng với những thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi hơn. Con người là chủ thể duy nhất có thể sáng tạo ra các phương tiện hoặc nghĩ ra các phương pháp để thực hiện các mưu đồ hay nhu cầu của mình. Bản thân sự tốt, xấu cũng do cách mà người ta quan niệm tuỳ từng quan hệ trong bối cảnh, vị thế cụ thể nên quyền lực cũng có thể bị tha hóa theo những quan niệm và bối cảnh đó.


Trong tính hiện thực của nó- như Mác quan niệm, bản chất của con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội- nên sự phức tạp của quyền lực trong xã hội loài người xuất phát từ chính bản chất của con người. Thực ra, quyền lực là cái phục vụ cho người ta để thoả mãn những nhu cầu nhất định. Giữa hai loại nhu cầu của con người thì nhu cầu tự nhiên mang tính bản năng là cái có trước, còn nhu cầu mang tính xã hội sẽ lớn dần theo sự trưởng thành của con người. Vì vậy, quyền lực bản thân nó ban đầu mang tính tự nhiên, được hình thành từ những bản năng mang tính sinh vật trong quá trình đấu tranh để sinh tồn và phát triển. Sau này, do nhu cầu của việc quản lý và kiểm soát các hoạt động chung để phối hợp các thành viên trong xã hội với nhau mà quyền lực tiếp tục nảy sinh theo những cách khác nhau. Kể từ khi xã hội xuất hiện giai cấp, sự khác bỉệt về khả năng cũng như điều kiện xuất phát mà nhu cầu của con người đã có những chuyển biến quan trọng. Có quan điểm cho rằng nhu cầu là động lực cho sự phát triển. Điều này đúng trong nhiều trường hợp nhưng không phải là tất cả. Vấn đề là ở chỗ nhu cầu đó có tự nhiên và chính đáng hay không và nó được thoả mãn bằng cách nào. Nếu quyền lực để thoả mãn nhu cầu chính đáng, các sức mạnh tự nhiên, thiên bẩm phát huy hết thì khi đó, quyền lực sẽ trở nên bền vững và ít bị tha hóa. Nếu quyền lực phục vụ cho nhu cầu không chính đáng thì quyền lực đó hình thành theo những cách không tự nhiên và thiếu tính bên vững. Đi theo việc thoả mãn nhu cầu loại nào và bằng thứ quyền lực gì thì sẽ có cách hành xử quyền lực theo hướng đó. Khi đó quyền lực sẽ bị biến dạng so với lúc hình thành hay nói cách khác thì khi đó quyền lực có sự tha hoá.

Biểu hiện rõ ràng nhất, đầy đủ nhất và cũng phức tạp nhất của quyền lực là trong hoạt động của nhà nước vì quyền lực nhà nước là bao trùm lên toàn lãnh thổ, tác động lên tất cả các chủ thể, ảnh hưởng giữa quốc gia này với quốc gia khác trong khu vực hay toàn thế giới. Nắm giữ quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước như thế nào có một ý nghĩa vô cùng to lớn, tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của xã hội loài người nói chung và của mỗi thành viên trong xã hội nói riêng. Về cơ sở mang tính bản chất, quyền lực nhà nước phải được hình thành từ sự trao quyền của toàn xã hội và nhà nước trở thành người đại diện chính thức duy nhất cho xã hội và nhân danh xã hội để thực hiện quyền lực đó nhưng cũng thế mà sự tha hóa của quyền lực nhà nước trở nên phức tạp hơn và ảnh hưởng lớn đối với toàn bộ đời sống xã hội. Do đó, sự biến dạng (hay tha hóa) của quyền lực nhà nước sẽ được xem xét kỹ hơn.

2. Sự tha hoá của quyền lực nhà nước.

2.1.Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tha hoá của quyền lực nhà nước

Quyền lực tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống với những biểu hiện khác nhau về sắc thái, về mức độ, về các biện pháp bảo đảm kèm theo…Nhưng dù thế nào thì theo thời gian, quyền lực cũng bị biến đổi. Nói cách khác, quyền lực luôn luôn có xu hướng bị tha hóa. Nó không còn trạng thái nguyên thủy khi quyền lực được hình thành. Sự tha hóa của quyền lực do rất nhiều yếu tố tác động lên chủ thể nắm giữ và quá trình sử dụng quyền lực. Xem xét xu hướng tha hóa của quyền lực cũng như tìm ra các yếu tố tác động lên quá trình tha hóa của quyền lực là một việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn nên phải nghiên cứu về cơ chế hình thành và vận hành của quyền lực mà cụ thể là quyền lực hình thành từ đâu và bằng cách nào hay nguồn gốc của quyền lực; quyền lực ấy do ai nắm giữ; cách thức chuyển giao quyền lực; mục đích của việc nắm giữ quyền lực; đối tượng của quyền lực; cách thức thực hiện quyền lực; bảo đảm của quyền lực; xu hướng phát triển và chuyển hóa của quyền lực, sự kiểm soát quyền lực… Những yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến sự tha hóa của quyền lực có thể là:

Thứ nhất, về nguồn gốc của quyền lực.

Quyền lực xuất hiện có thể vì nhiều mục đích cũng như từ những nguyên nhân khác nhau như vì sự sinh tồn, vì sự hào nhoáng, sĩ diện, vì cộng đồng, vì một quốc gia… nhưng hầu hết nó đều vì những lợi ích nhất định. Quyền lực hình thành cùng quá trình khẳng định sức mạnh của chủ thể và vì vậy thường diễn ra trong quá trình cạnh tranh. Trong quá trình cạnh tranh đó, thế lực nào mạnh thì thế lực đó sẽ giành được quyền lực cho mình và áp đặt ý chí lên các đối tượng còn lại. Điều đó cho thấy quyền lực có nguồn gốc từ sức mạnh. Có thể có sức mạnh mà chưa có quyền lực nhưng không có sức mạnh thì không thể có quyền lực. Sức mạnh ở đây có thể là sức mạnh về thể chất, sức mạnh về trí tuệ, sự khôn ngoan, sức mạnh về kinh tế, về quân sự…Và tùy từng quan hệ khác nhau mà quyền lực sẽ hình thành từ loại sức mạnh nào. Sự hình thành quyền lực có thể mang tính tự nhiên, được cộng đồng hoặc những thành viên khác mặc nhiên thừa nhận như xã hội của một đàn ong, đàn mối với vai trò của ong chúa và mối chúa. Kiểu quyền lực này hầu như không bị tha hóa trong toàn bộ đời sống của chúng do đặc tính tự nhiên đem lại. Trong xã hội, quyền lực đó hình thành dưới dạng được cộng đồng suy tôn. Người được suy tôn phải là người giành được sự tín nhiệm gần như tuyệt đối. Cũng chính vì vậy mà quyền lực của người được suy tôn mang tính tự nhiên. Trong trường hợp này thì quyền lực của người cầm quyền gắn luôn với trách nhiệm của họ và trách nhiệm đó mang tính tự thân nhưng chắc chắn họ phải có một quá trình khẳng định mình trước cộng đồng. Tuy nhiên, đây là quá trình cạnh tranh mang tính tự nhiên. Chẳng hạn, nếu như cnh tranh trong một cộng đồng của một bộ lạc là để khẳng định vị thế của người chỉ huy vì mục đích bảo vệ lợi ích cộng đồng thì điều đó sẽ đem lại lợi ích cho mỗi thành viên trong cộng đồng, vì vậy mà trách nhiệm của họ là rất lớn. Họ phải bằng mọi cách để bảo vệ cộng đồng trước các thế lực khác và thực hiện lợi ích của cộng đồng trước tự nhiên. Quyền lực kiểu này hình thành một cách tự nhiên và vì vậy nó có tính chất bền vững, ít bị tha hóa cùng với việc phục tùng quyền lực mang tính chất tự nguyện của các thành viên trong cộng đồng đối với uy tín tự nhiên của người đứng đầu bộ lạc, quyền lực đã dần được khẳng định qua thời gian và được cộng đồng thừa nhận. Trong xã hội có giai cấp, quyền lực chính trị được hình thành từ sự liên kết của những người có tài sản để bảo vệ tài sản của họ, từ đó làm hình thành nên quyền lực nhà nước, qua đó vô hiệu hoá sự chống đối của các tầng lớp người nghèo và nô lệ bằng sức mạnh quân sự và làm cho quyền lực của cả xã hội nhanh chóng bị tha hoá thành quyền lực của giai cấp. Quyền lực cũng có khi hình thành từ sự cạnh tranh rất khốc liệt do đặc điểm của các chủ thể tham gia cạnh tranh và tính chất của sự cạnh tranh. Nếu sức mạnh của các thế lực tham gia cạnh tranh càng lớn thì tính chất khốc liệt càng cao. Nếu các cuộc cạnh tranh có mục đích đối kháng thì sẽ đem lại một kết cục của “kẻ mất, người còn”. Nếu quyền lực được hình thành trong các cuộc cạnh trạnh sinh tồn và có mục đích loại trừ nhau thì quyền lực luôn luôn bị đe dọa bởi các thế lực bên ngoài và sự sự phục tùng quyền lực sẽ là miễn cưỡng. Quyền lực dạng này ít bền vững và có nguy cơ tha hóa rất nhanh. Khi giành được quyền lực trong trường hợp này, người nắm giữ quyền lực phải củng cố quyền lực bằng nhiều thủ đoạn mang tính cực đoan nên nhanh chóng dẫn tới sự tha hóa của quyền lực. Khi đó sẽ có các phản ứng dữ dội hoặc ngấm ngầm từ đối tượng nhằm chống lại sự cưỡng bức cứng rắn đó. Điều đó càng rõ ràng khi mà chủ thể nắm giữ quyền lực đang ở thế yếu hoặc mất uy tín trước cộng đồng hay đối tượng của quyền lực. Khi đó, khả năng tha hóa của quyền lực ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Nếu quyền lực hình thành bằng con đường tự xưng với sức mạnh tuyệt đối của người tự xưng thì quyền lực này có tính cách áp đảo và không có người dám chống đối ngay tại thời điểm quyền lực được hình thành. Nhưng quyền lực hình thành kiểu này cũng ít bền vững vì chính sức mạnh của chủ thể mang quyền lực có thể mang lại cho họ nhiều kẻ thù hơn. Trong lịch sử, quyền lực hình thành bằng cách này khó được duy trì ở các thế hệ sau vì người thừa kế nó khó có thể có được sức mạnh của người thiết lập quyền lực. Vì vậy mà sự tha hóa diễn ra nhanh hơn. Ví dụ như thời Lý Nam Đế hay nhà Tây sơn ở Việt nam.

Thứ hai, về mục đích nắm giữ quyền lực.

Điều này rất quan trọng vì mục đích của việc nắm giữ quyền lực có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình thực hiện quyền lực, phương pháp cũng như phương tiện thực hiện quyền lực. Những yếu tố này trong cơ chế quyền lực ảnh hưởng trực tiếp đến sự tha hóa hay thay đổi quyền lực. Mục đích nắm giữ quyền lực có quan hệ mật thiết với con đường hình thành của quyền lực. Trong quan hệ này, chủ thể quyền lực đã cạnh tranh để có quyền lực vì cái gì, nắm giữ quyền lực ấy để phục vụ cho cái gì, điều đó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hành xử quyền lực của chủ thể đó và liên quan đến sự thay đổi của quyền lực đó. Nếu quyền lực phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nó sẽ bền vững vì nó tồn tại không vì mục đích tự thân mà vì cộng đồng mà nó phục vụ nên quyền lực ấy cũng thường do cộng đồng tạo nên một cách tự nhiên và được củng cố, vun đắp bởi chính những người tham gia xây dựng nên nó. Ngược lại, mục đích của việc tranh giành quyền lực là vì lợi ích ích kỷ của cá nhân, vì một nhóm người thì phương thức tạo lập quyền lực sẽ trở nên cực đoan và nhiều khi với những thủ đoạn tàn độc để loại trừ đối thủ. Chính vì vậy, người nắm quyền lực sẽ có nhiều kẻ thù và nguy cơ bị chống đối cũng sẽ rất lớn, khó kiểm soát được quyền lực. Trong trường hợp này, quyền lực sẽ bị tha hóa từ hai hướng. Hướng thứ nhất là tự tha hóa do quyền lực đó không có cơ sở hình thành tự nhiên. Hướng thứ hai là bị tác động từ bên ngoài từ những thế lực có thái độ thù địch. Nó có thể làm cho chủ thể nắm quyền lực có thể trở nên mạnh mẽ hơn do thường xuyên phải đối phó, cảnh giác và tìm cách củng cố quyền lực. Nhưng chủ thể này cũng có thể bị suy yếu do khả năng áp đặt ý chí kém đi và mai một khả năng kiểm soát quyền lực vì phải dốc sức nhiều cho việc củng cố, bảo vệ quyền lực của mình. Nói chung, quyền lực được tạo dựng vì mục đích ích kỉ sẽ có xu hướng tha hóa tiêu cực nhanh hơn. Mục đích của việc nắm giữ quyền lực có thể bị thay đổi theo thời gian. Theo thiển ý của tác giả thì quyền lực nhà nước nhất là các nhà nước ở phương Đông- ban đầu mang tính xã hội, phục vụ cho xã hội nhưng sau này do sự chuyển giao hay tha hoá của quyền lực mà nó mang tính giai cấp do chuyển mục đích sang phục vụ cho người nắm quyền lực. Bên cạnh đó, trong lịch sử tồn tại của loài người, phần lớn người ta nhận quyền lực hay đấu tranh giành quyền lực vì mục đích vị kỷ chứ ít khi người ta “phụng công”. Ngay trong thời đại ngày nay, nhiều người lên nắm quyền lực lúc ban đầu cũng rất chí công, nhưng càng về sau, ngươời nắm quyền lực càng có xu hướng lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực mà xã hội đã trao cho ngay cả những người rất tốt.

Sau này, do sự tiến bộ của con người, sự văn minh đã đem lại cho nhân loại ánh sáng của tự do. Các cuộc cách mạng xã hội được tiến hành bởi những lực lượng cấp tiến của xã hội đã đem lại cho con người cơ hội thấy được và thực hiện được sự tự do của mình, quyền lực của mình thông qua các thể chế dân chủ có thể giải thích là dân là người làm chủ- làm chủ bản thân, làm chủ tự nhiên và làm chủ xã hội. Người dân trong xã hội vừa là chủ thể của quyền lực, vừa là đối tượng của quyền lực. Quyền lực của nhân dân được thực hiện bằng cơ chế đại diện thông qua hoạt động bầu cử- hoạt động uỷ quyền của toàn xã hội cho một bộ phận. Nếu mọi việc diễn ra bình thường thì đây là cơ chế có tính ưu việt nổi trội. Thế nhưng sự thực lại không hẳn như vậy vì để giành được sự tín nhiệm của dân chúng – những người vừa là chủ thể vừa là đối tượng của quyền lực- các ứng cử viên có thể có nhiều thủ đoạn như mỵ dân, lừa dối, thậm chí họ là người tốt nhưng vì có những đối thủ không tốt thì họ buộc phải sử dụng những thủ đoạn nhất định. Nếu cử tri là người có hiểu biết, có ý thức chính trị cao thì các thủ đoạn khó qua mắt được họ và ngược lại. Trong trường hợp ngược lại này thì quyền lực, phần thì do bản thân nó đã không được hình thành tự nhiên, phần thì do mục đích nắm quyền không vị công nên nó nhanh chóng bị tha hoá, trong đó có thể có những thủ đoạn loại trừ nhau hoặc liên minh với nhau nhằm mưu đồ củng cố quyền lực. Vì vậy, có cơ chế tốt cũng còn cần đến con người (cả nắm quyền và đối tượng của quyền lực) tốt, nếu không sự tha hoá của quyền lực sẽ nhanh chóng diễn ra. Nhưng trên thực tế, nguy cơ này ít nhiều đã bị hạn chế bởi cơ chế kiểm soát quyền lực.

Thứ ba, về chủ thể nắm giữ quyền lực. Ai là người nắm giữ quyền lực có một ý nghĩa rất đặc biệt vì họ thường là người đứng đầu của một thế lực, một cộng đồng… Trong đấu tranh sinh tồn, sự thiết lập quyền lực nhằm tạo ra vị thế cho người chỉ huy trong tổ chức lao động sản xuất, chiến đấu và sinh hoạt. Sự cạnh tranh ở đây lại diễn ra giữa cộng đồng này với cộng đồng khác mà nếu như công đồng nào yếu thế thì có thể trở thành tù binh hay nô lệ cho cộng đồng kia và bị cộng đồng đó áp đặt ý chí. Chính vì lẽ đó mà người đứng đầu cộng đồng phải là người giành được sự tín nhiệm tuyệt đối của cộng đồng. Khi đó, quyền lực gắn liền với uy tín và trách nhiệm của người đứng đầu và sự tiếp nhận ý chí của cộng đồng cũng mang tính tự nguyện mà bảo đảm cho quyền lực chính là bổn phận của mỗi thành viên được ý thức một cách tự giác cùng với sự cưỡng chế của cả cộng đồng. Mệnh lệnh của người đứng đầu được phát ra nhân danh cả cộng đồng và việc tuân theo mệnh lệnh ấy không chỉ vì lợi ích của cộng đồng mà vì lợi ích của chính bản thân của mỗi thành viên thực hiện mệnh lệnh ấy. Về sau này, quyền lực có con đường hình thành riêng của nó. Đó có thể là do sự chuyển giao, sự liên kết…mà có. Trong chế độ thị tộc mẫu hệ, quyền lực của người phụ nữ đứng đầu cộng đồng được coi là rất thiêng thiêng do khả năng cũng như vai trò của người phụ nữ đó. Quan hệ huyết thống, tập quán sinh hoạt, sản xuất của các thị tộc đã tạo ra hình ảnh của người phụ nữ có uy quyền thực sự. Điều đó được thể hiện trong phần lớn của lịch sử nhân loại cho đến khi chế độ phụ hệ xuất hiện với sức mạnh của người đàn ông cho phù hợp với yêu cầu của việc chỉ huy cộng đồng trong tổ chức sản xuất mà đặc biệt là công cuộc trị thủy và hoạt động chăn thả gia súc. Quyền lực do ai nắm giữ có liên quan đến việc chuyển giao quyền lực. Bản thân sự chuyển giao quyền lực cũng có nhiều cách khác nhau từng tồn tại trong lịch sử nhân loại. Chẳng hạn như chế độ chuyển giao quyền lực một cách tự nguyện trong chế độ cộng sản nguyên thủy, hay chế độ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm được lựa chọn một cách thận trọng của người tiền nhiệm (hình thức truyền hiền) như vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn nhường ngôi cho vua Vũ ở Trung quốc thời cổ đại, ở La mã từ năm 30 TCN đến 180 SCN, ngôi vua lần lượt được chuyển giao từ Nerva, Trajan, Hadrien, Antonin đến Marc Aurèle…và bền vững ít bị tha hoá, mỗi ông vua nắm quyền trung bình trong khoảng 35 năm. Trong trường hợp này, quyền lực ít bị tha hóa hơn và chế độ chuyển giao quyền lực kiểu này đã tạo ra sự thịnh trị cho xã hội và sức mạnh cho các dân tộc Trung hoa và La mã mà các dân tộc khác phải nể phục họ vì đây cũng chính là những thời đại hoàng kim của các dân tộc này. Sự chuyển giao quyền lực kiểu này nhiều khi còn tăng thêm sức mạnh bởi người thừa kế với uy tín của họ đã được khẳng định từ người tuyển chọn với khuynh hướng mở rộng và được củng cố vì tính tự nhiên xuất phát từ lợi ích của cộng đồng và được cộng đồng ủng hộ.

Chế độ chuyển giao quyền lực theo kiểu cha truyền con nối khá phổ biến sau này cũng có khi có kết quả tốt nhưng phần lớn có kết cục không tốt. Kiểu chuyển giao quyền lực này không mang tính tự nhiên nên sự tha hóa của nó diễn ra khá nhanh. Sự sụp đổ của các vương triều trong lịch sử là một minh chứng cho điều này. Sự không tự nhiên của việc chuyển giao quyền lực kiểu này xuất phát từ chỗ người con nhận quyền lực của cha nhờ uy tín của cha. Ban đầu thì việc này còn ít ảnh hưởng bởi niềm tin của cộng đồng dành cho những người đi trước còn rất lớn và niềm tin ấy chưa bị phai nhạt. Nhưng càng về sau, thông thường niềm tin của cộng đồng dành cho người kế thừa càng bị giảm sút vì những người này thường không kinh qua gian khổ, thiếu sự rèn luyện để tạo ra bản lĩnh và trên thực tế họ không phải cạnh tranh với những người xung quanh để tạo nên uy tín cho họ nên họ không có điều kiện để khẳng định uy tín và không được cộng đồng thừa nhận rộng rãi. Chính vì lẽ đó, áp lực để khẳng định quyền lực của những người này đã tạo ra các biện pháp cực đoan nên quyền lực ấy càng xa với cộng đồng, vừa mang tính chất quan liêu vừa có xu hướng độc đoán. Bản thân sự cố gắng khẳng định quyền lực đã tạo ra sự tha hóa của quyền lực vì quyền lực ban đầu không phải như vậy. Điều này làm tăng nguy cơ chống lại quyền lực đó và dẫn đến nguy cơ xung đột giữa người nắm quyền với đối tượng của quyền lực làm cho quyền lực bị tha hóa nhanh hơn. Ănghgen đã từng viết về vấn đề này như sau: “Lòng tôn kính không ép buộc mà trước kia người ta tự nguyện biểu thị với các cơ quan của xã hội thị tộc, là không đủ đối với bọn quan lại nữa, ngay cả trong trường hợp họ có cả sự tôn kính đó; họ là những đại biểu cho một quyền lực đã trở nên xa lạ đối với xã hội, nên phải bảo đảm quyền này của họ bằng những đạo luật đặc biệt, những đạo luật khiến cho họ trở thành đặc biệt thần thánh và đặc biệt bất khả xâm phạm. Viên cảnh sát tồi nhất của một nhà nước văn minh vẫn có quyền uy hơn tất cả những cơ quan của xã hội thị tộc cộng lại; nhưng một vương công có thế lực nhất, một chính khách hoặc một chỉ huy quân sự lớn nhất của thời đại văn minh vẫn có thể ghen tị với một vị thủ lĩnh nhỏ nhất trong thị tộc về sự tôn kính tự nguyện và không thể tranh cãi được mà vị thủ lĩnh ấy được hưởng. Đó là vì vị thủ lĩnh thị tộc nằm ngay trong lòng xã hội, còn những người kia thì bắt buộc mong muốn đại biểu cho một cái gì ở bên ngoài và đứng trên xã hội” [1].

Sau này, do sự tiến bộ của xã hội, quyền lực không còn do một người nắm giữ mà chuyển sang cho một số chủ thể là thành viên của một cộng đồng. Ban đầu, tập thể những người này thực hiện quyền lực cũng do uy tín của họ nhưng về sau, vì rất nhiều lý do mà chính các chủ thể này lại có thể trở nên mâu thuẫn, xung đột với nhau hoặc có thể tạo ra các liên minh về quyền lực giữa các chủ thể ấy nên quyền lực cũng bị tha hóa ngay chính trong lòng nó mà chưa cần đến sự tác động từ bên ngoài. Việc hình thành nên các đảng phái trong việc cạnh tranh và thực hiện quyền lực trong xã hội hiện đại ngày nay là minh chứng cho điều này

Như vậy có thể thấy, quyền lực- nhất là quyền lực của nhà nước- có thể bị tha hóa hay thay đổi ở mức độ nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào việc chủ thể nắm quyền lực là người như thế nào. Đây là vấn đề có tính thời sự đặc biệt trong thời đại ngày nay, nhất là đối với yêu cầu xây dựng một nhà nước pháp quyền. Sự tha hoá của quyền lực theo khía cạnh này đã làm nảy sinh rất nhiều mô hình chuyển giao quyền lực trong lịch sử và cũng hình thành nên nhiều mô hình chính thể khác nhau phần nào đó đã hạn chế bớt sự tha hoá của quyền lực, trong đó có cơ chế giám sát quyền lực.

Thứ tư, đối tượng của quyền lực.

Lịch sử loài người đã chứng kiến sự thay đổi của các triều đại cả ở phương Đông cũng như phương Tây, trong đó sự thay đổi của quyền lực nhà nước ở phương Tây diễn ra nhanh hơn. Lý do giải thích cho điều này nằm trong khí chất mạnh mẽ, tâm lý độc lập, lối sống duy lý của người phương Tây – họ hướng tới cái đúng trước. Họ hướng tới sự dân chủ, tự do, đòi hỏi sự công bằng để giải phóng con người và vì vậy sẽ rất dễ dàng thực hiện cách mạng xã hội. Điều đó sẽ làm cho các nhà cầm quyền phải “giữ mình” nhiều hơn và cũng vì vậy mà quyền lực ít bị tha hóa hơn. Nói cách khác, người phương Tây không dễ dàng chấp nhận sự tha hóa của quyền lực. Ngược lại, người Phương Đông có vẻ “nhẫn nhục, cam chịu ” hơn nên nhà cầm quyền dễ có khuynh hướng lạm dụng quyền lực hơn, sự tha hóa của quyền lực dễ dàng xảy ra hơn mà ít gặp phải sự chống đối, cản trở. Cũng chính vì thế, ở phương Đông, các chế độ chuyên chế dễ hình thành, tồn tại và phát triển hơn so với phương Tây.

Như vậy, các yếu tố của truyền thống, trong đó có những yếu tố như tâm lý, khí chất, chất lượng dân cư…cũng tham gia vào sự tác động lên quyền lực. Ngày nay, khi trình độ dân trí được nâng cao, nền dân chủ ngày càng trở nên hoàn thiện, đối tượng của quyền lực đồng thời cũng là chủ thể của quyền lực, là người trao quyền và cũng là người kiểm soát quyền lực nên quyền lực ít có nguy cơ tha hóa hơn. Vì vậy, dân chủ vừa được coi là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Chính vì thế, ở đâu trình độ dân trí cao, ở đó quyền lực ít bị tha hóa, ở đâu trình độ dân trí thấp, ở đó quyền lực có nguy cơ tha hóa nhiều hơn. Do đó, muốn có dân chủ thì phải có trình độ dân trí. Có lẽ vì thế trong xã hội hiện đại (có thể liên hệ ở Việt nam), phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đang trở thành một khuynh hướng chính trị phổ biến trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.

2.2. Một số dạng tha hoá và hậu quả của sự tha hóa của quyền lực

Quyền lực có thể tha hoá và có những hậu quả dưới một số dạng sau:

-Sự lạm quyền.

Đây là sự tha hoá của quyền lực thể hiện dưới dạng chủ thể nắm quyền lực tự cho mình thêm những quyền mà họ không có được khi được trao quyền. Khuynh hướng này diễn ra trong hầu hết các quá trình nắm quyền lực của chủ thể nhưng diễn biến tăng lên về sau với những hậu quả khó lường trước được. Lạm quyền có thể là sự tạo ra thêm quyền lực, có thể là mang lại lợi ích không chính đáng cho mình. Đây thực chất là việc trái phép dưới dạng vượt quá giới hạn, làm biến dạng quyền lực. Nó thường phụ thuộc nhiều vào mục đích của người nắm quyền lực. Nói cách khác thì sự lạm quyền chính là sự lợi dụng địa vị có sẵn của chính chủ thể nắm quyền lực. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự lạm quyền là do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hợp lý của người trao quyền đối với người nắm quyền và hậu quả của nó là sự thiệt hại cho lợi ích xã hội và tự do của con người.

Sự lộng quyền.

Đây là dạng tha hoá quyền lực của chủ thể mà sự liều lĩnh là dấu hiệu có tính chất đặc trưng. Sự tha hoá này thường do sự thiếu kiểm soát nên chủ thể của quyền lực thường “coi trời bằng vung”. Nó vừa là dạng tha hoá, vừa là kết quả của sự tha hoá, trong đó chủ thể của quyền lực muốn làm gì thì làm mà không sợ hậu quả xảy ra thế nào cho đối tương và cũng không sợ trách nhiệm của mình phải gánh chịu. Sự lộng quyền có thể không nhất thiết xảy ra với chính chủ thể nắm quyền mà có thể do người được uỷ quyền hoặc là người nhiếp chính thực hiện vì sự không trực tiếp chịu trách nhiệm của họ. Họ có thể nhân danh này khác để đổ thừa trách nhiệm cho chủ thể mà họ nhân danh hoặc được bao che bởi những thế lực cao hơn. Trong những trường hợp này, bản thân người nắm quyền thường chỉ có hư danh hoặc quan liêu, không bám sát cuộc sống… do cả những yếu tố khách quan và chủ quan xảy ra với họ. Chẳng hạn như vua lên ngôi khi còn ít tuổi hoặc yếu đau…

Sự tuỳ tiện.

Sự tha hóa này được thể hiện ở chỗ bản thân người nắm quyền không biết rõ quyền lực của mình đến đâu, sự phân định thẩm quyền không rõ ràng và bản thân người nắm quyền lực có sự cẩu thả và cũng không ý thức về hậu quả của sự tùy tiện. Sự tùy tiện cũng có thể dẫn tới sự lạm quyền và lộng quyền. Chẳng hạn việc chính quyền địa phương đặt ra các loại phí, lệ phí mà không cần biết đến các quy định của pháp luật.

Sự vô trách nhiệm.

Sự tha hóa của quyền lực ở đây có thể là thờ ơ hoặc buông xuôi trước trước yêu cầu của việc thực thi quyền lực đã được trao và thường gây thiệt hại cho xã hội và cho chính người trao quyền. Thông thường, sự vô trách nhiệm đến từ những người được trao quyền lực mà không có năng lực và không ý thức được ý nghĩa của công việc được giao. Người nắm quyền lực càng cao mà thiếu trách nhiệm thì hậu quả càng lớn. Nhiều khi, sự thiếu trách nhiệm còn được thể hiện trong việc ra các quyết định mà không lường trước về hậu quả của quyết định đó do thiếu cân nhắc, thẩm định trước khi ra quyết định. Nó làm cho niềm tin vào người nắm quyền lực bị sụt giảm và kéo theo sự bàng quan của cả đối tượng của quyền lực

-Sự bất lực.

Thông thường, sự tha hóa này được thể hiện trong việc người nắm quyền lực dần mất đi thực quyền hoặc kém khả năng quyết đoán. Sự không thực quyền của người nắm quyền lực thể hiện việc họ chỉ có danh mà không có sức mạnh để áp đặt ý chí và thường bị thao túng bởi một thế lực nào đó và quyền lực sẽ dần rơi vào tay các thế lực này. Chẳng hạn như các vị vua trẻ tuổi lên nối ngôi khi còn quá ít tuổi thì thực quyền thuộc về người nhiếp chính hoặc khi người đương nhiệm bị ốm đau hay già cả thì thực quyền rơi vào tay của những quyền thần. Sự bất lực của người này sẽ tạo ra quyền lực cho người khác mà hậu quả của nó là sự tha hóa được thể hiện dưới dạng lộng quyền kể trên. Khi quyền lực rơi vào tay những người nhiếp chính hay quyền thần thì quyền lực sẽ bị tha hóa rất nhanh. Lịch sử đã chứng kiến rất nhiều sự tha hóa kiểu này mà kết quả thường là sự sụp đổ của một vương triều, kể cả khi đó là một vương triều đã từng rất thịnh vượng. Bên cạnh đó, sự tha hóa còn thể hiện ở sự nhu nhược của người cầm quyền. Đó là sự không quyết đoán khi có các tình huống chính trị nhạy cảm do lo sợ trách nhiệm về hậu quả của các quyết định nên để vuột mất cơ hội hoặc không thể vãn hồi được tình hình để kiểm soát quyền lực. Sự tha hóa này dẫn đến nguy cơ của tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ.

-Sự lợi dụng quyền lực (trục lợi từ quyền lực). Sự tha hóa này hình thành dần trong quá trình thực thi quyền lực. Gần như trong tất cả các chế độ xã hội, người nắm quyền lực đều sử dụng quyền lực để phục vụ cho lợi ích các nhân hoặc bộ phận. Từ ảnh hưởng của quyền lực, các chủ thể nắm giữ quyền lực có thể “tranh thủ” chi phối đối tượng, đặt ra những đòi hỏi cho họ và buộc phải đáp ứng các yêu cầu quá đáng của họ. Trong trường hợp này, người ta không thể có được lợi ích nếu họ không phải là người nắm giữ quyền lực hoặc lợi dụng được người nắm quyền lực. Sự tha hóa này là diễn biến tự thân của quyền lực nhưng cũng có thể do sự tác động từ những người xung quanh mà đặc biệt là những người thân thích như vợ, con… của họ và đây lại là nguyên nhân quan trọng làm cho sự tha hóa diễn ra nhanh hơn. Sự lợi dụng quyền lực cũng là một biểu hiện của sự lạm quyền. Nói chung thì những lợi ích mà chủ thể có được là những lợi ích không chính đáng. Nó kéo theo sự mất niềm tin của xã hội, của những đối tượng của quyền lực và hệ quả của nó là “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đối với nhà nước thì đây là một nguy cơ rất lớn mà chúng ta đã xác định trong thời gian gần đây là tình trạng tham nhũng của các quan chức trong các cấp chính quyền.

-Sự tiếm quyền.

Sự tiếm quyền là biểu hiện nghiêm trọng của sự tha hóa quyền lực. Nói như Khổng tử thì ở đây người nắm quyền lực là người “không chính danh”. Người thực hiện quyền lực không phải là người nhận được quyền lực một cách hợp pháp mà là sự thoán đoạt địa vị của người có quyền lực hợp pháp nhưng lại tỏ ra bất lực và bị cưỡng bức chuyển giao quyền lực do họ còn quá nhỏ tuổi hay bị ốm yếu, già cả. Người tiếm quyền thường là người gần gũi với người có quyền mà chủ yếu là từ quan hệ hôn nhân như chú tiếm quyền của cháu, mẹ tiếm quyền của con… Đặc biệt ở những nước ở phương Đông, nạn hoạn quan và ngoại thích đã phá hoại rất nhiều vương triều hùng mạnh mà mọi hậu quả thì nhân dân là người phải hứng chịu.

-Sự tham quyền cố vị.

Khi người cầm quyền không thực sự còn khả năng và mất uy tín trước đối tượng, họ không xứng đáng với sự ủy quyền của xã hội hay sự trao quyền của ai đó nhưng họ bằng mọi cách họ giữ lại địa vị vốn có trước đó của họ. Khi đó họ không từ một thủ đoạn nào để loại trừ đối thủ nên quyền lực bị tha hóa hết sức nhanh chóng. Mục tiêu của việc thực hiện quyền lực là để giữ quyền lực chứ không phải là để phụng công. Các thế lực thù địch với người tham quyền cố vị sẽ ngày càng nhiều hơn phần vì bản thân họ bị đàn áp, phần thì họ không phục, phần khác là do khi đó có nhiều thế lực cùng nhòm ngó để giành lấy quyền lực. Sự giằng co giữa các thế lực cũ lạc hậu, phản động với những thế lực cấp tiến và các lực lượng thù địch sẽ dẫn tới mâu thuẫn cần được giải quyết bằng cách mạng xã hội. Đó sẽ là kết quả tất yếu của sự tha hóa kiểu này.

Sự quan liêu.

Sự quan liêu là biểu hiện của sự tha hóa mà chủ thể của quyền lực không bám sát vào thực tế, không dựa trên những cơ sở thực tế trong quá trình hành xử quyền lực. Thông thường, khi quyền lực được thiết lập, tự nó đã có khuynh hướng thoát ly khỏi người trao quyền. Quyền lực công cộng của toàn xã hội (quyền lực công) dần dần bị biến đổi, dần dần xa rời bản chất ban đầu của nó. Nhân dân – khách quan là người đã ủy quyền để tạo nên quyền lực công – đã dần dần không còn kiểm soát được nó nữa, thậm chí mất hẳn quyền lực và trở thành nạn nhân của các tệ chuyên quyền, lạm quyền. Những người đại diện ban đầu của nhân dân đã trở thành giai cấp thống trị, trở nên xa lạ với nhân dân, thành kẻ áp bức, bóc lột nhân dân. Quyền lực công dần bị tha hóa, biến thành quyền lực chính trị thuần túy của giai cấp thống trị. Trong quá trình đó, giai cấp thống trị đã biến nhà nước – một cơ quan công quyền – thành một công cụ thống trị giai cấp.

Quá trình phát triển của lịch sử chính trị đã cho thấy sự tha hóa quyền lực nhà nước thường diễn ra theo hướng bảo vệ lợi ích ích kỷ của giai cấp thống trị. Vì thế, để có thể có đủ sức mạnh bảo vệ đặc quyền của mình, giai cấp thống trị thường tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng: đồ sộ hơn mức cần thiết, bộ máy quan liêu nhiều tầng nấc và phức tạp hơn nhu cầu quản lý; đội ngũ quan lại ngày càng đông đảo hơn nhu cầu thực tế; chi phí cho nhà nước ngày càng tăng cao hơn mức cần thiết. Bốn yếu tố này là điều kiện sống còn của nhà nước bóc lột chuyên chế, quan liêu. Bởi vì chỉ nhờ vào các yếu tố này nhà nước mới tự nuôi sống nó bằng các phương thức vơ vét, bóc lột nhân dân, và tham nhũng chỉ là một loại hành vi của quá trình tự nuôi sống của nhà nước quan liêu, chuyên chế hoặc gọi cách khác là dã man (khác với nhà nước văn minh) mà thôi.

Trong lịch sử loài người, từ lúc tan rã của chế độ công xã thị tộc, cùng với sự xuất hiện của cải thặng dư và việc chiếm hữu của cải thặng dư, cùng với xuất hiện giai cấp và bắt đầu hình thành bộ máy cai trị của tầng lớp giàu có, khi mà thị tộc đã không thể giúp đỡ được con người, con người cần đến nhà nước và nhà nước đã ra đời, nhưng lại nằm trong tay kẻ mạnh, thì chủ quyền nhà nước – vốn từ nhân dân – tự nhiên đã thuộc về kẻ mạnh. “Chúng được tôn kính như thần thánh, chúng xét xử và trừng phạt, giải quyết các cuộc tranh chấp” (Ghêxioot). Tầng lớp này tạo ra luật pháp để cho mọi người phải thừa nhận sự thống trị của họ. Lúc này pháp luật hoàn toàn thuộc vào kẻ mạnh.

Sự tập trung quyền lực quá đáng.(sự độc đoán, chuyên quyền).

Xét về nguồn gốc hợp pháp, quyền lực có nguồn gốc từ xã hội. Nhưng quyền lực ấy không dàn trải trong toàn xã hội mà phải có người đại diện để thống nhất quyền lực và điều đó là cần thiết. Do đó mà phải có hình thức xã hội trao quyền. Tuy nhiên, quá trình hành xử của quyền lực đã dần làm cho nó trở nên quan liêu và thoát ly khỏi xã hội, người được xã hội trao quyền muốn thâu tóm, khống chế quyền lực bằng một cơ chế tập trung quyền lực cao độ về tay mình. Điều đó làm xuất hiện nguy cơ của cách hành xử quyền lực một cách độc đoán, chuyên quyền với các thủ đoạn chính trị cực đoan, trấn áp tất cả các thế lực chống đối, từ đó tuyệt đối hóa quyền lực của mình. Nhiều chính thể quân chủ chuyên chế đã hình thành từ sự tập trung quyền lực một cách quá đáng mà hậu quả của nó là sự triệt tiêu nền dân chủ, tước đoạt tự do của con người, vô hiệu hóa cơ chế cạnh tranh quyền lực một cách lành mạnh để phát hiện và sử dụng những nhân tố mới và tích cực

Sự phân tán quyền lực.

Đây là xu hướng ngược lại với sự tập trung quyền lực. Sự phân quyền có nguy cơ làm cho quyền lực nhà nước yếu đi vì về nguyên tắc, quyền lực nhà nước là thống nhất. Sự phân quyền nếu có thì đó phải là sự phân công để phối hợp và có thể kiểm soát được nhau để tránh nguy cơ tập quyền quá đáng, còn nếu đó là sự chia sẻ quyền lực thì quyền lực sẽ bị phân tán. Thời kỳ đầu của chế độ phong kiến, chính quyền trung ương thực hiện sự tản quyền là cần thiết để kiểm soát và quản lý lãnh thổ rộng lớn nhưng các chư hầu có xu hướng ngày càng thoát ly khỏi sự kiểm soát của chính quyền trung ương và thôn tính lẫn nhau, nạn phân quyền cát cứ là biểu hiện điển hình của sự phân quyền. Hậu quả là nội chiến xảy ra liên miên mà triều đình không kiểm soát nổi dẫn đến cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn… Hiện nay, sự phân quyền được biến tướng dưới dạng như cục bộ địa phương, lợi ích bản vị, chia bè kéo cánh …làm mất đi tính thống nhất về quyền lực nhà nước cũng như lợi ích của quốc gia, dân tộc.

-Nạn kiêu binh.

Quyền lực có thể được hình thành bằng cách suy tôn nhưng không phải bao giờ sự suy tôn cũng do uy tín của người được suy tôn mà có thể sự “suy tôn” là nhằm mưu đồ chính trị và để phục vụ cho một bộ phận nào đó có thế lực đã đứng ra “suy tôn”. Sự “suy tôn” biến tướng này chính là biểu hiện của nạn kiêu binh. Khi đó, người nắm quyền lực dễ dàng bị thao túng, bị “giật dây” bởi các thế lực công thần. Ngược lại, để “trả ơn” cho họ, người được “suy tôn” dễ dàng dung túng, bỏ qua những biểu hiện quá khích, bất chính của các thế lực công thần này. Quyền lực bị biến thành một công cụ, một thứ “trò chơi chính trị” của các kiêu binh, công thần và xã hội phải chịu khuất phục trước các thế lực này. Nhà nước tư sản thời kỳ tư bản lũng đoạn nhà nước là một ví dụ điển hình cho sự tha hóa này.

Ngoài những biểu hiện trên, sự tha hóa và hậu quả của sự tha hóa của quyền lực còn có những biểu hiện khác nữa nhưng nói chung, dù có biểu hiện như thế nào thì các khuynh hướng tha hóa tiêu cực của quyền lực cũng đều gây ra hậu quả xấu cho xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước. Do vậy, cần phải có các biện pháp nhằm hạn chế sự tha hóa của quyền lực mặc dù không thể loại bỏ ngay được chúng ra khỏi quá trình tổ chức và thực hiện quyền lực.

4. Một số kiến nghị và giải pháp nhằm hạn chế sự tha hóa của quyền lực.

Sự tha hóa của quyền lực có tính tất yếu mặc dù chúng ta không mong muốn và đã có nhiều biện pháp để loại trừ. Xã hội càng văn minh thì nguy cơ tha hóa của quyền lực càng có xu hướng giảm đi nhưng tính chất của sự tinh vi lại tăng lên. Sự giảm nguy cơ này không hẳn do người nắm giữ quyền lực trở nên tốt hơn mà do nhân loại đã tìm ra nhiều biện pháp để hạn chế nguy cơ đó và sự nhận thức về quyền lực và ý thức về trách nhiệm của bản thân con người trong xã hội cũng như của người cầm quyền cũng cao hơn. Chính ý thức đó đã giúp cho người ta đã trở nên kiên quyết hơn trong việc đấu tranh chống lại sự tha hóa của quyền lực.

Ông Lý Quang Diệu- nguyên thủ tướng Singapo đã từng nói đại thể là làm thế nào để người ta không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không thèm tham nhũng. Đây có thể coi là định hướng đối với việc chống lại nguy cơ tha hóa quyền lực trong điều kiện hiện nay vì các nguy cơ tha hóa như lạm quyền, lộng quyền… đều chủ yếu hướng tới việc trục lợi để tham nhũng. Trong quan điểm trên, để không thể tham nhũng thì phải có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hợp lý, không có kẽ hở để có thể lợi dụng, để không dám tham nhũng thì pháp luật phải thật nghiêm, để không thèm tham nhũng thì phải có chế độ ưu đãi thỏa đáng và phải có đội ngũ công chức có phẩm chất đạo đức tốt. Đây là điều rất khó thực hiện ngay vì cần phải qua một qua trình nhận thức, tìm kiếm lâu dài với trình độ về chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức của chính người làm luật. Do vậy, xin nêu một số kiến nghị và giải pháp sau:

Thứ nhất, kiến nghị về quá trình xây dựng luật là cho nhiều bộ phận khác nhau tham gia xây dựng dự án để loại trừ tình trạng cục bộ ngành, loại trừ nguy cơ biến sự độc quyền của nhà nước thành độc quyền của ngành, đồng thời tổ chức phản biện xã hội rộng rãi để lường trước những hậu quả phát sinh từ chính pháp luật và quá trình thực hiện luật.

Ở Việt nam hiện nay có tình trạng tương đối phổ biến là giao việc xây dựng các dự án luật cho các cơ quan quản lý thực hiện nên luật được ban hành chủ yếu theo hướng thuận lợi cho việc quản lý và thường xuyên thể hiện dấu ấn lợi ích cục bộ cho ngành. Như vậy thì nguy cơ tham nhũng đã nằm ngay trong hệ thống pháp luật vì các hệ thống cơ quan quản lý đã chuẩn bị trước về điều kiện cho việc sử dụng và bảo vệ quyền lực của mình ít nhất là trong lĩnh vực mà mình quản lý.

Thứ hai, về quá trình thành lập các cơ quan trong bộ máy nhà nước và hoạt động của chúng. Có thể thấy một hiện thực không mấy tích cực trong thực tế của việc thành lập cũng như hoạt động của các cơ quan đại diện dân cử hiện nay. Đó chính là tình trạng nhân dân không thực sự hào hứng trong việc bầu cử ra những người được coi là đại diện cho ý chí nguyện vọng của chính họ. Nguyên nhân chính của sự thơ ơ này nằm ở chỗ nó không thiết thực và gắn bó lợi ich của chính họ. Xu hướng hiện nay là nên có ít các đầu mối chính quyền theo thiết chế đại diện vì tính hình thức và tốn kém của nó. Thực chất hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiều cấp không mang lại hiệu quả như mong muốn, trong khi đó kinh phí để tổ chức một kỳ bầu cử và duy trì hoạt động cho những cơ quan này là không hề nhỏ. Điều đáng buồn là người dân Việt Nam trên thực tế lại quan tâm đến việc bầu cử tổng thống ở Hoa kỳ nhiều hơn việc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân các cấp vì có lẽ người ta cho rằng ai lên làm tổng thổng nước Mỹ lại quan trọng hơn và ảnh hưởng tới cuộc sống của người ta nhiều hơn. Mặt khác người ta theo dõi rất sát sao việc tranh cử tổng thống diễn ra như thế nào, tổng thống đó sẽ làm gì và thực chất đã làm được gì cho cử tri so với những gì họ đã hứa khi tranh cử. Chính vì không có sự kiểm soát thực sự người ra tranh cử có tư cách, phẩm chất gì, thực tế làm được gì nên cử tri Việt nam không quan tâm đến quyền bầu cử của chính mình. Sự tồn tại của nhiều cấp hội đồng nhân dân có thể đã làm phân tán quyền lực của nhà nước, mặt khác nhân dân khó có điều kiện để lựa chọn người xứng đáng để đại diện cho ý chí và nguyện vọng của họ vì không có hoặc có chỉ là hình thức việc tranh cử để các ứng cử viên bộc lộ phẩm chất của họ. Hơn thế nữa, việc quy định của pháp luật cho cử tri quyền bãi miễn tư cách của các đại biểu mà không có cơ chế nào cho sự bãi miễn và cũng chưa từng có việc đại biểu dân cử bị cử tri bãi miễn khi họ đã bị thoái hoá, biến chất nên cử tri không thấy mình có thực quyền do đó họ không mặn mà với quyền của mình vì họ cho rằng có bầu hay không bầu và bầu nên ai thì cũng vậy. Vì vậy, nên nghiên cứu và áp dụng cơ chế tự quản của các cộng dân cư cho phép các cử tri tự quyết định ai là người đại diện cho họ và quyền xem xét sự đại diện đó có xứng đáng không. Quyền lực đó không phải là quyên lực nhà nước nên ít có khuynh hướng tha hoá và dễ được kiểm soát, đồng thời nó có khuynh hướng như một sự đối trọng để kiểm soát sự tha hoá quyền lực của các cấp chính quyền địa phương.

Thứ ba, nên nghiên cứu và áp dụng chế độ khảo hạch đối với các công chức trong bộ máy nhà nước như một số triều đại phong kiến Việt Nam đã thực hiện trước đây để loại trừ những công chức kém năng lực, biến chất.

Đội ngũ công chức nhà nước phải là những người được tuyển chọn nhờ năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và đạo đức tốt. Tuy nhiên, trong quá trình tuyển chọn có thể do sơ xuất hoặc do cố tình sắp xếp, chạy chọt để được biên chế vào các cơ quan nhà nước mà không ít công chức kém phẩm chất vẫn “lọt lưới”. Một thực tế cho thấy, ở vị trí nào càng có điều kiện tham nhũng và lạm quyền, lộng quyền thì càng có nhiều người chạy chọt để có được một vị trí công tác ở đó. Khi đã có được vị trí đó thì họ phải tìm cách để “hoàn vốn” và lợi dụng vị trí đó để trục lợi. Việc khảo hạch thường xuyên sẽ hạn chế được cả sự chạy chức, chạy quyền lẫn việc lợi dụng chức quyền. Tuy nhiên khi thực hiện chế độ khảo hạch phải có quy trình chuẩn xác bởi nếu không có thể xảy ra sự lạm quyền từ những người thực thi việc khảo hạch để “ban phát ân huệ” và bỏ qua những công chức kém phẩm chất và sự tha hoá của quyền lực này lại nảy sinh từ chính chế độ khảo hạch.

Thứ tư, ngoài chế độ lương, nên có chính sách khen thưởng thích đáng để động viên đối với người có năng lực thực sự và có nhiều thành tích. Điều này là hoàn toàn chính đáng vì hiện nay vẫn còn tồn tại chế độ cào bằng giữa người có năng lực với người không có năng lực, người có nhiều đóng góp với người ít công lao. Sự khen thưởng không chỉ ở các giá trị vật chất mà còn cả sự cất nhắc trong vị trí công tác.

Hiện nay, có hiện tượng rất nhiều công chức giỏi xin thôi việc và ra ngoài dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong đội ngũ công chức nhà nước mà nguyên nhân thì có nhiều như chế độ đãi ngộ không thỏa đáng theo năng lực và sự đóng góp, phần thì do việc bố trí vị trí công tác không phù hợp để lãng phí năng lực. Mặt khác, do một số người tham quyền cố vị mà người có năng lực không thể được đề bạt, cất nhắc nên họ sinh ra tâm lý bất mãn. Đây là biện pháp có tính thống nhất với biện pháp thứ ba.

Thứ năm, phải quy định và sử dụng các biện pháp xử lý nghiêm hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm trong quá trình thực hiện quyền lực do cố ý. Những người có địa vị càng cao thì hậu quả của sự vi phạm càng lớn, sự lợi dụng quyền lực càng nhiều và tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ” càng có điều kiện mở rộng, bản thân người có quyền sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Các biện pháp xử lý nghiêm được áp dụng sẽ buộc người ta phải cân nhắc thiệt hơn khi muốn làm điều gì sai trái. Đây chính là phương châm mà ông Lý Quang Diệu đã đề xuất là “không dám tham nhũng”.

Thứ sáu, việc kiểm soát quyền lực để hạn chế xu hướng lạm quyền, lộng quyền bằng cách phân công phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chức lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được tăng cường hơn nữa.

Hiện nay, có nhiều hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhân viên công quyền không được kiểm soát tốt nên vi phạm xảy ra rất nhiều mà việc phát hiện lại không phải là từ phía nhà nước. Nguyên nhân là do chính các cơ quan và các nhân viên công quyền bao che cho nhau hoặc liên kết với nhau để tạo ra một khu vực đặc quyền cho họ như một thứ thành trì vững chắc. Nhiều vi phạm được phát hiện khi nội bộ có sự mâu thuẫn hoặc bị tố cáo. Như vậy thì sự kiểm soát quyền lực bởi các cơ chế pháp lý đã không phát huy hiệu quả. Do đó sự phân công phối hợp giữa các co quan trong quá trình thực thi quyền lực để có để giám sát và kiểm soát lẫn nhau cần phải được xem xét lại. Chẳng hạn việc việc bỏ án không chuyển hồ sơ cho Tòa án xét xử của viện kiểm sát Hà tây trước đây là một ví dụ về việc không có ai kiểm tra, giám sát hoạt động của viện kiểm sát mặc dù viện lại có quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tố tụng khác hay việc chất vấn của các đại biểu trong hệ thống cơ quan quyền lực với các cơ quan khác còn mang tính chất hình thức nhiều hơn thực chất. Tất nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần phải có một hệ thống các điều kiện như chất lượng đội ngũ công chức, chất lượng pháp luật, trình độ dân trí, văn hóa pháp lý… đi cùng.

Việc chống lại hay hạn chế nguy cơ tha hóa của quyền lực nhà nước là việc làm không dễ nhưng cũng không phải là không thể. Nó đòi hỏi một hệ thống đồng bộ các biện pháp pháp lý, vật chất… liên quan đến cả chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí, truyền thống văn hóa, sự phát triển kinh tế… Nhưng đầu tiên nó đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của mỗi công dân và của chính các công chức trong bộ máy nhà nước. Xã hội ngày càng trở nên văn minh, nền dân chủ ngày càng được củng cố và mà rộng. chúng ta có thể tin tưởng vào một xã hội tốt đẹp mà ở đó quyền lực nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân và vì nhân dân để quyền lực của nhà nước không bị ai lợi dụng, thao túng hay bị tha hóa trong quá trình trao quyền cũng như thực hiện và kiểm soát quyền lực.



[1] C. Mác, Ph. Ăngghen, Tuyển tập, T 6,  Nxb Sự  thật, H. 1984, tr 263 – 264

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét