Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

BÍ ẨN LỊCH SỬ 60

(ĐC sưu tầm trên NET)

                      Bí mật phía sau Lễ Duyệt Binh lịch sử của Hồng Quân Liên Xô ngày 7/11/1941

Cuộc duyệt binh huyền thoại ngày 7/11/1941 và kế hoạch bắt sống Stalin của Hitler

Thứ hai, 07/11/2016, 15:44 PM
(VTC News) - Đúng 75 năm trước, ngày 7/11/1941, Liên Xô đã tổ chức cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ trước khi các binh chủng Hồng quân tiến thẳng ra mặt trận trong khi vòng vây của phát xít Đức đang thít chặt Matxcơva, Hitler có kế hoạch bắt sống Stalin.
Cuộc duyệt binh lịch sử đã đập tan kế hoạch chiếm trọn thủ đô Matxcơva, bắt sống và xử tử lãnh đạo Liên Xô, trong đó có Joseph Stalin.
Quân Đức triển khai chiến dịch bao vây đánh chiếm Matcơva mang tên "Bão biển (Typhoon) từ cuối tháng 9 - đầu tháng 10 năm 1941 và dự định chiếm thủ đô Nga trước ngày 7/11. Một bộ phận quân Đức đã chọc thủng hai vị trí thuộc phòng tuyến bảo vệ Mátxcơva và ở một số vị trí quân Đức chỉ cách thủ đô Liên Xô khoảng 25-30 km.
Video: Cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường đỏ ngày 7/11/1941
Tình hình thời điểm bấy giờ căng thẳng đến mức một bộ phận các cơ quan chính phủ và đoàn ngoại giao tại Matxcơva đã sơ tán về Kuibyshev từ giữa tháng 10. Từ ngày 20/10 thủ đô Liên Xô chuyển sang bố trí phòng thủ và Matxcơva đã chuẩn bị sẵn sàng cho các trận đánh ngay trên đường phố, với lực lượng phòng thủ gồm quân đội và khoảng 450.000 người dân Matxcơva.
Máy bay Đức liên tục ném bom oanh kích. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Thậm chí còn có tin đồn Stalin đã rời Matxcơva, khiến quân dân ở mặt trận và hậu phương rất lo ngại. Quyết định tổ chức duyệt binh kỷ niệm Cách mạng tháng 10 vào ngày 7/11 tại Quảng trường Đỏ như truyền thống bao năm qua của Liên Xô sẽ là một sự kiện đột phá, có tác dụng cực kỳ lớn lao khích lệ tinh thần nhân dân và quân đội Liên Xô.Theo lời kể của thượng tướng không quân Nikolai Sbytov khi đó là tư lệnh Phòng không Matxcơva, Stalin đã quyết định việc này vào cuối tháng 10 - đầu tháng 11 sau khi tham khảo ý kiến của các tướng lĩnh và phân tích tình hình tiền phương cũng như hậu phương.
Ngày 28/10 Stalin triệu tập tới Kremli tướng Artemiev - tư lệnh quân khu Matxcơva, tướng Zhigarev - tư lệnh Binh chủng Không quân, tướng Gromadin - chỉ huy đơn vị Phòng không khu vực Matxcơva và tướng Sbytoc - Tư lệnh Binh chủng Phòng không.
Ông hỏi các vị tướng: "Sắp đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 10, chúng ta sẽ tổ chức duyệt binh ở Matxcơva chứ?" Câu hỏi của Tổng tư lệnh quân đội làm tất cả bất ngờ khiến không ai có thể đáp lời ông.

563e6488c361884c028b45ac

 Các binh sỹ Hồng quân trong cuộc duyệt binh huyền thoại


Tuy duyệt binh vào ngày 7/11 là truyền thống của Liên Xô hàng năm, nhưng năm 1941 quá đặc biệt khiến không có ai lúc đó nghĩ đến việc tổ chức một lễ kỷ niệm đầy màu sắc trên Quảng trường Đỏ.
Lễ lạt gì nữa khi những cây cầu bắc qua kênh đào Matxcơva - Volga và các nhà máy, như "Tháng Mười Đỏ, TMZ… đã được đặt mìn. Stalin phải nhắc lại câu hỏi đó tới lần thứ ba thì mọi người mới bừng tỉnh và đồng thanh đáp: "Vâng, tất nhiên là có. Điều đó sẽ khích lệ tinh thần quân sĩ và hậu phương!".
Tuy nhiên, buổi lễ có khả năng sẽ bị máy bay Đức oanh tạc, và hàng ngũ lãnh đạo chính phủ Liên Xô đứng trên lễ đài rất có thể sẽ trở thành những tấm bia sống cho quân địch. Điều đó có nghĩa là phải tổ chức buổi lễ khi trời còn chưa sáng rõ, và phải giữ bí mật đến phút chót.
Theo lời kể của đại tá Ivan Basik - lãnh đạo Viện lịch sử quân sự Nga, Stalin đã bàn thảo với nguyên soái Zhukov hai lần về vấn đề này. Cuối tháng 10 ông triệu hồi nguyên soái từ mặt trận về Matxcơva để hỏi xem tình hình mặt trận có cho phép tổ chức duyệt binh vào ngày 7/11 hay không.
Video: Nga kỷ niệm 75 năm cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ
Nguyên soái Zhukov đã báo cáo rằng trong những ngày tới quân địch sẽ không có khả năng tổ chức những đợt tấn công lớn do bị tiêu hao lực lượng trong các trận đánh gần Matxcơva và đang chờ bổ sung cũng như biên chế lại các cánh quân.
Còn để đối phó với hoạt động oanh kích diễn ra hàng ngày của không quân Đức thì cần tăng cường các lực lượng phòng không và bổ sung cho Matxcơva đội máy bay tiêm kích từ các mặt trận lân cận.
Từ Kremli trở lại vị trí chỉ huy trên chiến trường, nguyên soái Zhukov còn nghiên cứu và phân tích tình hình cụ thể một lần nữa. Ông cử các trinh sát đi bắt sống quân Đức để khai thác thông tin.
Quân Nga bắt được một sĩ quan Đức mặc lễ phục ra ngoài quân phục bình thường. Khi hỏi cung hắn khai là quân Đức tiến đánh Matxcơva theo kế hoạch tấn công hòng giành thắng lợi chớp nhoáng trong chiến dịch "Bão biển (Typhoon) nên không mang theo áo ấm và đang khốn đốn vì giá rét.
Chúng phải điều gấp quân trang chống rét cho các sĩ quan bằng lễ phục đội hậu cần mang theo để chuẩn bị cho cuộc "duyệt binh thắng lợi chiếm Matxcơva" dự định ngày 7/11 tại Quảng trường Đỏ của Liên Xô.
Quân Đức đã chuẩn bị hẳn một kịch bản cho kế hoạch duyệt binh ăn mừng đánh chiếm Matxcơva vào đúng ngày 7/11, trong đó có các "tiết mục" như dẫn giải lãnh đạo Liên Xô bị bắt sống và treo cổ họ, nổ mìn phá tường thành Điện Kremli, phá lăng Lenin, nổi lửa thiêu thi hài lãnh tụ Xô-Viết, tử hình Stalin v.v…
Do Zhukov không thể rời vị trí chỉ huy nên ông đã gửi hỏa tốc cho Stalin mấy dòng mật thư viết bằng bút chì hóa học trên mảnh giấy tiêu đề thư của văn phòng tham mưu: "Quân Đức đã mất tinh thần. Chúng không thể tấn công trong thời gian tới. Zhukov". Chỉ sau khi nhận được mảnh giấy đó Stalin mới chính thức có quyết định tổ chức duyệt binh ngày 7/11.
Để đảm bảo bí mật, quyết định tổ chức duyệt binh chỉ được thông báo cho các quan chức chính phủ trước "giờ G" chưa đầy 1 ngày. Còn bản thân các đơn vị tham gia duyệt binh được tập luyện trước đó vài ngày, nhưng chỉ với nội dung là biểu dương cho nhân dân cả nước biết về sức mạnh phòng thủ của thủ đô Matxcơva, chứ không phải để tham gia duyệt binh.
Cơ quan khí tượng dự báo ngày 7/11 thời tiết Matxcơva nhiều tuyết, gió mạnh, vì vậy nên không quân Đức cũng khó có thể oanh tạc nhiều như khi thời tiết đẹp.
Ngày 6/11/1941, thay vì tại Nhà hát Lớn lúc bấy giờ đã dược đặt mìn phòng thủ, buổi lễ trọng thể kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng 10 của chính quyền thành phố Matxcơva được tổ chức ngay tại nhà ga tàu điện ngầm Mayakovskaya.
Bàn tiệc đặt trong các toa tàu điện ngầm, ghế ngồi bố trí ngay trên hành lang chờ tàu trong nhà ga, khán đài dựng trong nhà ga, khách khứa xuống ga theo thang máy, còn thành viên chính phủ thì tới nơi tổ chức bằng một chuyến tàu khác đỗ ở đường ray bên cạnh.

moscow-red-square-parade-07-10-1941-01

 Các binh sỹ Hồng quân Liên Xô trên Quảng trường Đỏ ngày 7/11/1941


Tại lễ kỷ niệm Stalin có bài phát biểu nêu những nguyên nhân khiến quân địch tạm thời chiếm ưu thế trong thời kỳ đầu chién tranh và nhấn mạnh kẻ thù nhất định sẽ bị đánh bại, tuy nhiên trong bài phát biểu này của Stalin không có bất cứ lời nào về cuộc duyệt binh sẽ được tổ chức vào sáng hôm sau.
Bài phát biểu này được phát sóng trực tiếp trên dài phát thanh và in thành truyền đơn rải ở những vùng bị quân Đức chiếm đóng.
Chỉ sau khi lễ kỷ niệm kết thúc Stalin mới thông báo cho Bộ Chính trị, Đảng bộ và chính quyền Matxcơva về thời gian bắt đầu lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ vào sáng hôm sau được tổ chức sớm lên 2 tiếng - vào lúc 8 giờ sáng chứ không phải 10 giờ như lệ thường các năm trước.
Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh chỉ được biết lịch này vào lúc 11 giờ đêm ngày 6/11, còn khách mời và khối nhân dân lao động được thông báo về giờ tổ chức lúc 5 giờ sáng ngày mùng 7.
Trong đêm mùng 6 rạng ngày mùng 7/11 các ngôi sao điện Kremli mới được gỡ chụp bảo vệ và được thắp sáng, lăng Lê-nin được dỡ bỏ ngụy trang. Quảng trường Đỏ đón chào ngày kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng 10 với đầy vẻ trang trọng và hùng tráng.
Bí mật về lễ duyệt binh được giữ kín đến phút chót, cũng như việc dời thời điểm khai mạc sớm hơn 2 tiếng, khi trời Matxcơva chưa sáng rõ, đã khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ. Nhật ký chiến trường cho biết chỉ khoảng 1 tuần trước lễ duyệt binh, Liên Xô đã vô hiệu hóa hơn 100 biệt kích gián điệp của Đức.
Với mật độ phá hoại của quân Đức dày đặc như vậy có thể thấy bí mật về sự kiện 7/11 đã được phía Nga giữ bí mật tuyệt đối.
Từ ngày 5/11 các lực lượng không quân - Hải quân Liên Xô đã có nhiều đợt tấn công ngăn chặn vào các sân bay Đức. Không quân cũng điều 550 máy bay chiến đấu từ mặt trận về chi viện bảo vệ thủ đô trong ngày lễ. Trong ngày 7/11 Matxcơva không bị ném bom lần nào.
Theo đánh giá của Viện lịch sử quân sự Nga, trận chiến bảo vệ thủ đô Matxcơva có quy mô lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô cũng như trong cả hai cuộc Chiến tranh thế giới.
Số người tham gia các trận đánh trên chiến trường ngoại ô Matxcơva cả hai phe Liên Xô và Đức nhiều hơn số người tham gia trận Stalingrad sau này tới 3,4 triệu người, nhiều hơn trận chiến vòng cung Kursk 3 triệu người, hơn trận chiến Berlin 3,5 triệu người.
Tổng số quân Đức và quân Đồng minh (Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch…) cũng ít hơn số quân tham chiến ở Matxcơva 100 nghìn người, số quân tham gia các chiến dịch quân sự lớn nhất trong Chiến tranh thế giới I cũng ít hơn trong trận chiến phòng thủ Matxcơva tới 3,5 lần.
Thu Hương (Nguồn: nuocnga.net)

Ngày 7/11/1941: Lễ duyệt binh huyền thoại từ Quảng trường Đỏ thẳng ra mặt trận

Infonet 1 đăng lại 10 liên quan

Ngày 7/11/1941, nhân kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười, nước Nga đã tổ chức một buổi diễu binh, bất chấp những khó khăn, phức tạp của thời chiến khi quân phát xít Đức đang ở cửa ngõ Moskva.
Ngay 7/11/1941: Le duyet binh huyen thoai tu Quang truong Do thang ra mat tran - Anh 1
Sau lễ duyệt binh, từ Quảng trường Đỏ, các chiến sĩ Hồng quân đã tiến thẳng ra mặt trận chiến đấu với quân thù, bảo vệ thủ đô và đất nước thân yêu của mình, đồng thời cứu loài người khỏi thảm họa phát xít. Sự kiện lịch sử này đã ghi một dấu ấn sâu đậm về lòng dũng cảm của chiến sĩ và nhân dân Xô Viết, và là một cột mốc lịch sử quan trọng của toàn nhân loại.
Ngay 7/11/1941: Le duyet binh huyen thoai tu Quang truong Do thang ra mat tran - Anh 2
Ngay 7/11/1941: Le duyet binh huyen thoai tu Quang truong Do thang ra mat tran - Anh 3
Ngay 7/11/1941: Le duyet binh huyen thoai tu Quang truong Do thang ra mat tran - Anh 4
Ngược thời gian, trở lại thời điểm ngày này cách đây 73 năm, sau khi chiếm hầu hết châu Âu, phát xít Đức đã xóa bỏ mọi điều ước đã ký kết trước đó giữa hai nước, tung một lực lượng mạnh nhất bao gồm bộ binh, thiết giáp, không quân bất ngờ tấn công Liên Xô.
Cuộc chiến tranh Liên Xô - Đức bắt đầu và cũng mở màn cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và thiêng liêng của nước Nga. Kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng nghìn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt, cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã lôi cuốn hàng triệu người con của Liên bang Xô Viết cùng nhân dân các quốc gia châu Âu tham gia.
Sau những năm tháng chiến đấu trong điều kiện bất lợi, phía Liên Xô đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Quân Đức triển khai chiến dịch bao vây đánh chiếm Moskva mang tên "Bão biển” từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/1941 và dự định chiếm thủ đô của nước Nga trước ngày 7/11.
Để thực hiện kế hoạch này, máy bay Đức liên tục ném bom oanh kích Moskva. Một bộ phận quân Đức đã chọc thủng hai vị trí thuộc phòng tuyến bảo vệ Moskva. Và ở một số vị trí, quân Đức chỉ cách thủ đô Liên Xô khoảng 25-30 km.
Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Liên Xô vẫn quyết định tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm Cách mạng tháng 10 vào ngày 7/11 tại Quảng trường Đỏ như truyền thống bao năm trước đó. Đây là một sự kiện đột phá, có tác dụng cực kỳ lớn lao khích lệ tinh thần quân và dân Liên Xô vào thời điểm nước sôi lửa bỏng.
Đúng 7h50 ngày 7/11/1941, Stalin và các thành viên chính phủ Liên Xô bước ra lễ đài.
Tham gia lễ duyệt binh có một không hai này có 15 chiếc xe tăng T-34; các tiểu đoàn học viên Trường Sĩ quan Chính trị Quân khu; Trường Sĩ quan Pháo binh cờ đỏ; trung đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 của Quân khu Moskva; trung đoàn thuộc Sư đoàn 332 mang tên Frungie; các đơn vị bộ binh, kỵ binh và xe tăng thuộc Sư đoàn mang tên Dzeginski; tiểu đoàn đặc biệt của Hội đồng quân sự Bộ Quốc phòng; Tiểu đoàn cận vệ Cờ Đỏ; hai trung đoàn pháo binh thuộc khu vực phòng thủ Moskva; Trung đoàn phòng không; hai tiểu đoàn xe tăng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh và một số đơn vị khác.
Đích thân Stalin chủ trì cuộc duyệt binh. Phát biểu tại buổi lễ, ông nhấn mạnh, cuộc chiến tranh mà Liên Xô đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh chính nghĩa. Nhân danh Đảng và Nhà nước Liên Xô, Stalin kêu gọi các chiến sĩ Xô-viết: "Các dân tộc bị nô dịch của châu Âu đang sống dưới ách của bọn xâm lược Đức trông chờ vào các đồng chí như là những người sẽ giải phóng cho họ. Sứ mệnh giải phóng vĩ đại đã trao cho các đồng chí. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh đó... Dưới ngọn cờ của Lênin, tiến lên giành thắng lợi!"
Diễn ra vỏn vẹn trong 25 phút, lễ duyệt binh năm 1941 không chỉ là lễ duyệt binh ngắn nhất trong số các lễ duyệt binh trong lịch sử Liên Xô trước đây mà còn là lễ duyệt binh mạo hiểm nhất. Bởi lẽ, ngay sau đó, từ Quảng trưởng Đỏ, các chiến sĩ Hồng quân đã tiến thẳng ra tiền tuyến, cách thủ đô Moskva không xa, để viết nên trang sử bất hủ, mở ra cục diện mới cho Chiến tranh thế giới lần thứ Hai.
Đối với toàn thể nước Nga, cuộc duyệt binh này là một sự kiện bất ngờ, một niềm hân hoan cực độ. Đó là cuộc duyệt binh truyền thống, nhưng thật khác thường và đầy ý nghĩa.
Lễ duyệt binh này là lời thách thức, miệt thị kẻ thù, là lễ duyệt binh diễn ra vào buổi bình minh của Chiến thắng, tuy còn rất xa, nhưng đã được linh cảm là sẽ đến. Nó nâng tinh thần nhân dân lên một tầm cao chưa từng có, và đồng thời cũng giáng một đòn trí mạng vào tinh thần quân phát xít.
Kẻ địch đã không thể động đến Moskva. Vẫn còn có ném bom, đột kích, vẫn còn những cuộc oanh tạc từ pháo tầm xa nhưng bánh xe chiến tranh kể từ sau lễ duyệt binh huyền thoại ấy đã bắt đầu quay ngược trở lại. Ngày 5-12 năm ấy quân đội Liên Xô phản công, và kẻ thù phải lùi xa, cách Moskva 250-300 km.
Tiếp đó, quân đội Liên Xô từng bước đánh bại hoàn toàn quân Đức trên các mặt trận và trong các trận đánh quyết định: Trận Stalingrad (mùa Đông 1942), Vòng cung Kursk (1943)…Tới cuối năm 1944, quân đội Liên Xô giành lại phần lớn lãnh thổ bị Đức chiếm đóng. Trên đà thắng lợi, quân đội Liên Xô không chỉ giải phóng Tổ quốc mình mà còn giải phóng một loạt nước Đông Âu khỏi ách phát xít Đức, tiến thẳng tới Berlin vào năm 1945, buộc quân Đức phải đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.
Các chuyên gia quân sự và các nhà sử học Nga cũng như toàn thế giới đánh giá, cuộc duyệt binh nãm 1941 có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc chiến ngang với một chiến dịch quân sự. Nó cho cả thế giới thấy rõ Moskva trong thời điểm khó khăn ác liệt của thời kỳ đầu chiến tranh ấy vẫn đứng vững và chắc chắn sẽ chiến thắng. Hơn 70 nãm đã đi qua nhưng phẩm chất của những người lính Xô Viết vẫn sáng mãi trong lòng những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Theo TTXVN

Cuộc duyệt binh có một không hai trong lịch sử nước Nga và thế giới

Toàn cảnh đội hình cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ cách đây 75 năm
Toàn cảnh đội hình cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ cách đây 75 năm
Cách đây vừa đúng 75 năm, sau khi chiếm hầu hết châu Âu, ngày 22-6-1941, phát xít Đức tung một lực lượng mạnh nhất bao gồm các lực lượng bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân và hải quân bất ngờ tấn công Liên Xô, vi phạm thô bạo các hiệp định đã ký kết trước đó giữa hai nước. Cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô của phát xít Đức mở màn cũng khởi đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và thiêng liêng của Liên Xô kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt, lôi cuốn hàng triệu người con Xô-Viết cùng nhân dân các quốc gia châu Âu tham gia.
Để phát huy tinh thần của Cách Mạng Tháng Mười, ngày 7/11/1941, nhân kỷ niệm 24 cuộc Cách mạng vĩ đại này, Chính phủ Liên Xô quyết định tổ chức cuộc duyệt binh đặc biệt trên Quảng trường Đỏ trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp của thời chiến khi quân phát xít Đức đã tiến sát cửa ngõ thủ đô Mat-xcơ-va. Từ Quảng trường Đỏ, sau khi kết thúc cuộc duyệt binh, các binh chủng của Hồng quân Liên Xô trong trang phục và vũ khí chiến đấu tham gia sự kiện này đã tiến thẳng ra mặt trận.
Vào thời điểm đó, có tin đồn rằng Xta-lin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã rời khỏi thành phố Mat-xcơ-va. Để xua tan những tin đồn đó và củng cố tinh thần của nhân dân trong cả nước, ngày 24-10-1941 Xta-lin cho triệu tập Tư lệnh Quân khu Mat-xcơ-va và ra lệnh bắt đầu chuẩn bị cho cuộc duyệt binh trong điều kiện giữ bí mật tuyệt đối. Ngày 6-11-1941, nghĩa là một ngày trước khi có cuộc duyệt binh, Hội đồng thành phố Mat-xcơ-va tiến hành cuộc họp như thường lệ để chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.
Nhưng cuộc họp lần này của Hội đồng thành phố Mat-xcơ-va không tổ chức ở Nhà hát Lớn như thường lệ mà là tại một ga tàu điện ngầm. Tại đây bàn ghế và mọi dịch vụ cần thiết được bố trí phục vụ Hội nghị. Hôm đó, Xta-lin đã có một bài phát biểu quan trọng và được phát trên Đài Phát thanh Mat-xcơ-va, sau đó được in thành các tờ truyền đơn để rải vào các khu vực bị quân phát xít Đức chiếm đóng. Trong bài phát biểu này, Xta-lin giải thích nguyên nhân chủ yếu mà Liên Xô tạm thời bị thất bại trong thời kỳ đầu chiến tranh. Đó là do xe tăng của Liên Xô tuy có chất lượng tốt hơn xe tăng của Đức nhưng quá ít về số lượng so với địch. Vì vậy mà quân Đức đã giành thắng lợi trong thời kỳ đầu. Trong phần kết luận, Xta-lin nhận định, thất bại của quân đội Đức là không thể tránh khỏi.
Sau khi kết thúc Hội nghị, Xta-lin thông báo cho các thành viên của Bộ Chính trị và Bí thư quận ủy Mat-xcơ-va về thời điểm bắt đầu cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ sẽ được thực hiện sớm hơn 2 giờ so với thường lệ, nghĩa là vào 8 giờ sáng. Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh được biết về kế hoạch này vào lúc 23 giờ đêm hôm trước. Còn đại diện của tầng lớp lao động được mời đến Quảng trường Đỏ để thông báo về cuộc diễn tập vào 5 giờ sáng ngày 7-11-1941.
Khó khăn lớn nhất đối với việc tổ chức cuộc duyệt binh chính là mối lo ngại quân Đức có thể tiến công vào Quảng trường Đỏ để tiêu diệt Ban lãnh đạo Liên Xô. Do đó, bắt đầu từ ngày 5-11-1941, Không quân Liên Xô đã tiến hành các cuộc ném bom vào các sân bay của quân Đức. Một ngày trước khi diễn ra cuộc duyệt binh, các chuyên gia dự báo thời tiết cho biết, ở Mat-xcơ-va nhiều mây và tuyết rơi nặng nên tình hình này đã phần nào giảm bớt mối lo ngại trên. Vào đêm trước ngày duyệt binh, Xta-lin đã trực tiếp ra lệnh thắp sáng các ngôi sao trên Điện Krem-li và dỡ bỏ hàng rào ngụy trang lăng mộ của Lê-nin.
Cuộc duyệt binh này không chỉ là cuộc duyệt binh ngắn nhất trong số các cuộc duyệt binh thời Xô-viết, mà còn là cuộc duyệt binh mạo hiểm nhất, bởi lẽ ngày hôm đó các đơn vị tiền duyên của phát xít Đức chỉ đứng chân cách thủ đô Mat-xcơ-va 50 km. Cuộc duyệt binh đó đã có tác động to lớn đối với cục diện chiến tranh, được xem như một chiến dịch quân sự cực kỳ quan trọng, góp phần nâng cao tinh thần của quân đội và nhân dân, chứng tỏ cho toàn thế giới biết rằng, Liên Xô không khuất phục trước hành động chiến tranh xâm lược của phát xít Đức. Ngày hôm đó, nhiều đơn vị quân đội tham gia duyệt binh đã tiến thẳng ra mặt trận.
Tham gia cuộc duyệt binh chưa từng có này có 15 chiếc xe tăng T-34; các tiểu đoàn học viên Trường Sĩ quan Chính trị Quân khu Mat-xcơ-va; Trường Sĩ quan Pháo binh mang tên Cờ Đỏ; trung đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 của Quân khu Mat-xcơ-va; trung đoàn thuộc Sư đoàn 332 mang tên Phrun-de; các đơn vị bộ binh, kỵ binh và xe tăng thuộc Sư đoàn mang tên Đơ-gie-gin-xki; tiểu đoàn đặc biệt của Hội đồng quân sự Bộ Quốc phòng; Tiểu đoàn cận vệ Cờ Đỏ; hai trung đoàn pháo binh thuộc khu vực phòng thủ Mat-xcơ-va; Trung đoàn phòng không; hai tiểu đoàn xe tăng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh và một số đơn vị khác.
Đích thân Xta-lin tiếp nhận cuộc duyệt binh. Ông nhấn mạnh, cuộc chiến tranh mà Liên Xô đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh chính nghĩa. Trong thời gian duyệt binh, Ban Tổ chức phải áp dụng các biện pháp an ninh đặc biệt, theo đó tất cả các binh sĩ tham gia duyệt binh không được mang theo đạn, kể cả xe tăng và pháo cũng được tháo hết đạn. Điều may mắn và kỳ lạ là ngay hôm đó, không một máy bay nào của quân Đức bay vào vùng trời Quảng Trường Đỏ, mặc dù hôm sau, Quân đoàn không quân tiêm kích số 6 và lực lượng Phòng không Mat-xcơ-va đã bắn rơi 34 máy bay của quân Đức ngay tại khu vực này.
Trong cuộc duyệt binh hôm đó, một chuyện xảy ra bất ngờ. Có ba chiếc xe tăng phải đi phía cuối đội hình. Trong khi đang chạy trên Quảng Trường Đỏ, một trong ba chiếc xe tăng đó bị trượt trên mặt đường lát đá trơn. Thế là hai chiếc xe tăng đi trước đã quay vòng lại để kéo cứu chiếc xe bị trượt, chứ không thể tiếp tục bám theo đội hình cuộc duyệt binh. Lý do là, các chiến sĩ lái những chiếc xe tăng T-34 này được lệnh từ mặt trận đi tới tham dự lễ duyệt binh. Họ tự hào và hồi hộp đến mức vẫn nghĩ mình đang ở trên mặt trận chứ không phải đang tham gia duyệt binh và vì thế, theo điều lệnh chiến đấu, một khi xe đồng đội bị lâm nạn, các xe khác phải cứu kéo giúp. Và họ đã quay lại giúp chiếc xe tăng bị trượt trên mặt đá ở Quảng Trường Đỏ.
Tin về sự cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Các tờ báo của Anh và Mỹ đưa tin nhận xét, việc Liên Xô tổ chức một cuộc duyệt binh ở Mat-xcơ-va ngay sát chiến tuyến của phát xít Đức là biểu hiện tuyệt vời về lòng gan dạ và dũng cảm của nhân dân Liên Xô.
Không thể đánh giá hết ý nghĩa cực kỳ quan trọng của cuộc duyệt binh đặc biệt này  trong lịch sử nước Nga và toàn thế giới. Hình ảnh của cuộc duyệt binh và bài phát biểu của Xta-lin sau đó được sử dụng để xây dựng bộ phim tư liệu mang tựa đề "Thất bại của quân đội Đức ở ngoại ô Mat-xcơ-va". Bộ phim này sau đó được nhận Giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá nhất thế giới vào năm 1942.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Chính phủ Liên bang Nga quyết định không tiến hành duyệt binh trên Quảng Trường Đỏ. Truyền thống duyệt binh chỉ được khôi phục lại vào ngày 9-5-1995 nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Sau đó, hàng năm, các cuộc duyệt binh lại được tiến hành trên Quảng trường Đỏ nhưng không có các đơn vị cơ giới. Mãi đến ngày 9-5-2008, các đơn vị cơ giới lại tham gia cuộc duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mat-xcơ-va./.

Đại tá Lê Thế Mẫu

Chiến sĩ Hồng quân người Việt - Những chuyện chưa bao giờ được kể

Phan Việt Hùng - Đức Huy |
Chiến sĩ Hồng quân người Việt - Những chuyện chưa bao giờ được kể
Lữ đoàn OMSBON (ảnh tư liệu)

Hành trình tìm lại danh tính và những câu chuyện chưa bao giờ được kể về các chiến sĩ Hồng quân người Việt trong cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại 70 năm về trước ở đất nước Xô viết.

Ngày 9/5 năm nay, nhân loại kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng hoàn toàn của các nước Đồng Minh (trong đó có Liên Xô) đối với quân đội Đức Quốc xã.
Để đi đến Ngày Chiến thắng 9/5, quân và dân Xô viết đã trải qua những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh với những chiến công hiển hách, trong đó, không thể không nhắc đến trận đánh bảo vệ thủ đô Moscow.
Nguyên soái Liên Xô Georgy Konstantinovich Zhukov từng nói rằng: "Khi người ta hỏi tôi, điều gì khiến tôi nhớ nhất trong cuộc chiến tranh vừa qua, tôi luôn trả lời: Đó là trận đánh bảo vệ Moscow".
Có một điều vô cùng thiêng liêng và đặc biệt mà không nhiều người Việt Nam hiện nay được biết: Đó là trong chiến công đi vào lịch sử ấy, có sự đóng góp máu xương của những người con ưu tú đất Việt.
Những ngày mùa đông lạnh lẽo cuối năm 1941, đã có những chiến sĩ Hồng quân người Việt Nam ngã xuống ngay ở cửa ngõ Moscow.
Hành trình đi tìm danh tính của các chiến sĩ này từ phía Liên Xô và Việt Nam đã cho chúng ta biết được tên tuổi của những người anh hùng đó. Đã có 5 tấm Huân chương Vệ quốc hạng nhất được truy tặng cho các chiến sĩ Hồng quân người Việt, từ năm 1987.
Nhưng vẫn còn những câu chuyện khác, những câu chuyện chưa bao giờ được kể về họ, những người đã viết nên một trong những trang cảm động nhất trong quan hệ giữa hai nước.
Hành trình tìm danh tính
Trong cuộc hành trình đi tìm lại thân nhân những chiến sĩ Hồng quân Việt Nam, bằng nhiều mối quan hệ, chúng tôi đã có trong tay bản gốc bài báo “Những người đồng hương từ Nghệ Tĩnh” đăng trên tạp chí “Người cộng sản” số 11/1987 (từ trang 95 - 101).

Ảnh bài báo trên tạp chí Người cộng sản
Ảnh bài báo trên tạp chí "Người cộng sản"
Ở trang 99, bài báo của hai tác giả E.Kobelev và N.Solntsev có đoạn viết:
Tháng 11/1967, trong một buổi chiều hiếm hoi không vang lên tiếng còi báo động máy bay, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng thông báo trong cuộc trò chuyện với một trong hai tác giả bài báo này:
Khoảng đầu năm 1942, tôi bị giam trong nhà lao thuộc địa ở Côn Đảo. Chúng tôi nhận được thông tin từ đất liền về chiến thắng của Hồng quân ở ngoại ô Moscow.
Các đồng chí khi đó còn nói rằng, trong số những chiến sĩ tham gia trận đánh có mấy người Việt Nam…
Tiếp tục thu thập tư liệu, chúng tôi tiếp cận được với cuốn hồi ký “Những chiến sĩ của mặt trận thầm lặng” của Ivan Vinarov, được dịch từ tiếng Bulgaria, do NXB Quân đội Liên Xô xuất bản năm 1971.
Ivan Vinarov (1896-1969) là một chiến sĩ cộng sản Bulgaria đã nhiều năm hoạt động ở các nước châu Âu và Liên Xô.
Năm 1941, Ivan Vinarov được chỉ định làm Chính ủy trung đoàn quốc tế, thuộc Lữ đoàn mô-tô cơ động đặc nhiệm (OMSBON), đơn vị thành lập ngay sau khi chiến tranh nổ ra (ngày 22/6/1941).
Trong hồi ký, trung tướng Vinarov cho biết trung đoàn này có khoảng 1.000 chiến sĩ, là người Tây Ban Nha, Bulgaria, Hy Lạp, Pháp… và 6 chiến sĩ người Việt Nam.

Lữ đoàn OMSBON (ảnh tư liệu)
Lữ đoàn OMSBON (ảnh tư liệu)
Cùng với các đồng đội trong trung đoàn quốc tế của OMSBON, 6 chiến sĩ Việt Nam đã có mặt trên Quảng trường Đỏ tham dự Lễ duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941, để rồi từ đó tiến thẳng ra mặt trận, khi đó chỉ cách trung tâm thủ đô chưa đầy 30 km.
Theo nhà Việt Nam học người Nga A.A.Sokolov, người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong loạt bài này, thì vào nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, có hai người Nga đã khởi xướng việc tìm kiếm các chiến sĩ quốc tế người Việt Nam tham gia bảo vệ Moscow.
Đó là nhà báo, nhà sử học E.V.Kobelev và nhà báo N.N.Solnsev (khi đó là lãnh đạo Ban tiếng Việt Đài phát thanh nước Nga).
Nhờ sự nỗ lực của Ban biên tập tiếng Việt Đài phát thanh Moscow thông qua cuộc thi “tìm kiếm quốc tế” tổ chức trên Đài, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Hội hữu nghị Việt-Xô, Xô-Việt mà dần dần, danh tính của 4 trong 6 chiến sĩ Hồng quân người Việt đã sáng tỏ.
Đó là các chiến sĩ Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất. Trong số họ, 3 chiến sĩ Hồng quân Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã anh dũng hi sinh trong trận chiến với phát xít Đức ở cửa ngõ thủ đô Moscow vào tháng 12/1941.
Ngoài ra, nhóm tìm kiếm cũng đã xác định được danh tính ông Lý Phú San, người không tham gia chiến đấu mà làm công tác hậu cần tại quân y viện Moscow ngay trong những ngày thủ đô Liên Xô bị quân Đức bao vây.
Ngày 12/12/1986, theo Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, Nhà nước Liên Xô đã truy tặng Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.
Huân chương này ghi nhận “lòng dũng cảm thể hiện trong các trận chiến đấu chống bọn xâm lược Đức phát xít để bảo vệ Moscow” của các chiến sĩ. Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng.

Bản chụp Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô
Bản chụp Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô
Theo tin trên báo Nhân dân ra ngày 17/12/1986, phái đoàn Liên Xô do ông E.K. Ligachev, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng dẫn đầu sang Hà Nội dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã trao những tấm Huân chương này cho thân nhân các chiến sĩ.

Ảnh chụp trang báo Nhân dân số ra ngày 17/12/1986.
Ảnh chụp trang báo Nhân dân số ra ngày 17/12/1986.

Đại sứ Liên xô tại Việt Nam D.I.Kachin trao tặng những tấm Huân chương cho thân nhân các chiến sĩ Hồng quân người Việt.
Đại sứ Liên xô tại Việt Nam D.I.Kachin trao tặng những tấm Huân chương cho thân nhân các chiến sĩ Hồng quân người Việt.

Huân chương Chiến tranh Vệ quốc
Huân chương Chiến tranh Vệ quốc
Nhờ vào các thông tin phản hồi nhận được từ nhiều phía, đến tháng 12/2014, nhà báo Aleksey Syunnerberg (Đài tiếng nói nước Nga) đã chính thức công bố thêm danh tính hai chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại, đó là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông.
Những câu chuyện chưa bao giờ được kể
Nay, nhân dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử của quân và dân Xô Viết, phóng viên chúng tôi đã may mắn tìm đến được với thân nhân của các chiến sĩ Hồng quân người Việt năm nào, những người từ trước đến nay mới chỉ được biết đến qua những cái tên.
Mong rằng, qua những cuộc trò chuyện của chúng tôi với người thân của những chiến sĩ này, quý độc giả sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời họ, những người con Việt Nam đã mang dòng máu thanh xuân góp phần vào một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong kỳ tới, kính mời quý độc giả đón đọc bài viết về cuộc đời nhiều thăng trầm và ly tán của ông Lý Phú San, người duy nhất còn sống trong số 5 người Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc.
(Còn tiếp...)
theo Trí Thức Trẻ

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét