Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Phút giây cảnh giác 15

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                   Gặp phải cao thủ #HTV PGCG

Bóc mẽ những mánh khóe lừa đảo của cửa hàng sửa xe máy

Bên cạnh những cửa hàng sửa xe chân chính thì cũng có không ít cửa hàng sửa xe giở trò ranh mãnh để moi tiền khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng nữ giới - những người không biết nhiều về xe cộ.
Thứ Bảy, ngày 13/06/2015 11:24 GMT +7 / bởi Thiên Minh
Những cửa hàng sửa xe lừa đảo thường có nhiều mánh khóe ranh mãnh nhưng cũng hết sức tinh vi để moi tiền khách hàng khiến nạn nhân chỉ còn biết ngậm ngùi rút ví trả tiền. Các mánh khóe đó bao gồm chọc thủng xăm, làm hỏng IC để lừa tiền triệu của khách, đáng sợ hơn, nhiều quán sửa xe lừa đảo còn hù dọa, ép khách phải trả tiền.
Mới đây, chị Nguyễn Hồng Minh - nhà ở Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội đã kể lại việc gặp phải cửa sửa xe lừa đảo. Số là chị chở con đi học, trên đường về xe bị chết máy và phải ghé một cửa hàng sửa xe gần đó.
Chỉ kiểm tra sơ, ngay lập tức người sửa xe này nói rằng xe chị bị hỏng ắc-quy và bugi, bắt buộc phải thay thế với giá gần 600.000 đồng. Chị nghe theo thợ sửa xe này mà không mảy may nghi ngờ.
Chiếc xe của chị đi được đúng 1 tuần thì lại chết máy. Lần này chị mang xe đến trung tâm bảo hành ngay gần đó. Sau khi nhân viên kĩ thuật kiểm tra kĩ lưỡng, họ kết luận ắc-quy và bugi mà xe của chị được thay cách đây 1 tuần đều là hàng kém chất lượng.
Thực tế cho thấy thì không những chị em phụ nữ mà cả cánh đàn ông cũng có thể bị lừa đảo tương tự như trên. Dưới đây là những mánh khóe lừa đảo bạn nên nhớ kỹ để tránh bị mất tiền oan khi mang xe đi sửa tại những cửa hàng sửa xe tư nhân.

Dọa dẫm để gạ thay đồ

Hầu hết các cửa hàng sửa xe máy đều có thêm dịch vụ thay phụ kiện, phụ tùng xe. Đây được coi là nguồn lợi nhuận lớn của các cửa hàng sửa xe bởi ngoài hưởng chênh lệch giá phụ tùng (gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với giá gốc), thì việc thay đồ khá dễ dàng, nhanh gọn hơn cả việc sửa chữa, phí dịch vụ cũng cao.
Đơn cử, một bộ chân chống xe được các cửa hàng sửa xe mua vào với giá 150.000 đồng, nhưng nếu bạn mua và thay chân chống ở đó thì có thể bị chặt chém lên tới 300.000 đồng. Do lợi nhuận thu được cao như vậy mà nhiều cửa hàng sửa xe lừa đảo luôn tìm cách gạ gẫm, thậm chí là hù dọa để thuyết phục khách thay thêm phụ tùng.
Các mánh khóe mà các cửa hàng này thường áp dụng như: nói về mối nguy hiểm tới tính mạng nếu bạn không thay phụ tùng; xe không lắp khung bảo hiểm thì dễ xuống giá hoặc gạ gẫm khách lắp thêm bộ chuông chống trộm thì bọn trộm chỉ mấy giây là mở được, mà bộ chuông chống trộm cũng chỉ có giá 300.000 đồng...
Đa số khách hàng khi mang xe vào hiệu sửa xe đều muốn xe của mình được sửa tốt nhất, an toàn nhất nên nếu thợ sửa xe khéo léo gạ gẫm thì khách dễ dàng gật đầu đồng ý.
Như trường hợp của chị Hằng ở Từ Liêm, Hà Nội đã phải mất tiền triệu chỉ vì chiếc xe bị thủng lốp sau. Bình thường, chiếc xe bị thủng lốp thì chi phí vá xe hết khoảng 10-20.000 đồng, tuy nhiên sau khi thợ sửa xe lại nói lốp của chị là lốp ăn săm nên cần thay và anh này còn ngỏ ý muốn kiểm tra xe miễn phí cho chị. Sau khi kiểm tra, thợ sửa xe này liệt kê ra rất nhiều bệnh mà xe chị đang gặp phải: má phanh mòn, nhông xích nhão... và những hỏng hóc này có thể gây tai nạn khi đi trên đường. Tưởng việc thay thế không hết nhiều tiền nên chị đồng ý. Khi thanh toán, hóa đơn lên tới gần 1 triệu đồng. Lúc về nhà, chị còn bị chồng mắng vì những đồ đó còn tốt, còn lâu mới phải thay thế.
Một cửa hàng sửa xe đông khách
Để tránh gặp phải tình huống như chị Hằng, bạn có thể mang theo một bộ đồ nghề sửa chữa thông dụng bao gồm keo, miếng vá, miếng chà săm, 1 bơm tay, kìm, mỏ lết và cờ lê loại nhỏ. Chị em phụ nữ thì nên tìm hiểu và xin số điện thoại của một số cửa hàng sửa xe máy uy tín để tránh bị lợi dụng, lừa đảo.
Trong trường hợp xe bị hỏng mà không có cửa hàng nào quen biết trên đường thì nên tìm đến những cửa hàng lớn, đông khách. Nếu không thì bắt buộc phải vào các cửa hàng lạ nhưng tránh nghe theo lời phán thay thế phụ tùng nếu thấy nghi ngờ.

Giở trò ranh ma phá hoại

Ngoài gạ gẫm khách thay thế phụ tùng thì nhiều thợ sửa xe còn có hành vi vô đạo đức như tráo đồ, phá đồ của khách. Một trò phá hoại mà các thợ sửa xe thường xuyên áp dụng là cố giật tung chân van trong lúc tháo săm để buộc chủ xe phải thay săm mới. Giá vá săm chỉ có 10-20.000 đồng nhưng giá thay săm mới có thể lên tới 100-120.000 đồng và như vậy cửa hàng sẽ lời rất nhiều.
Một số hành động phá hoại mà thợ sửa xe có thể dễ dàng thực hiện mà khách khó phát hiện ra đó là đánh cao áp làm thủng IC, bẻ chân dây côn hay đá gẫy giảm sóc. Và chị em phụ nữ - những người không am hiểu về xe cộ, thường là nạn nhân của những trò này.
Để tránh trường hợp này, bạn cần chăm chú quan sát khi thợ sửa xe chạm vào bất cứ đồ gì trên xe. Yêu cầu thợ sửa xe hỏi bạn trước khi sửa bất cứ thứ gì.
XEM THÊM:

Thay thế, đánh tráo phụ tùng kém chất lượng

Xe của bạn bị hỏng một phụ tùng nào đó nhưng cửa hàng sửa xe có thể thay cho bạn loại phụ tùng không tốt hoặc là đồ cũ được tân trang.
Để tránh tình huống đó xảy ra, trước hết, bạn cần mang xe đến các trung tâm bảo hành sửa chữa uy tín. Nếu bắt buộc phải đến các cửa hàng tư nhân thì bạn nên yêu cầu họ cho kiểm tra hàng trước khi thay và yêu cầu thợ sửa viết giấy bảo hành cho những phụ tùng này.
Xe của bạn cũng có thể bị các cửa hàng sửa xe đánh tráo phục tùng, thay thế bằng loại phụ tùng kém chất lượng.
Để khắc phục tình trạng này, trước khi mang xe đi sửa, bạn cần đánh dấu những phụ tùng dễ bị đánh tráo bằng các ký hiệu riêng để có thể theo dõi. Nếu chưa đánh dấu được thì bạn cần kiểm tra kỹ các phụ tùng này trước khi thanh toán và nhận xe.
Để tránh mất tiền oan, lời khuyên đưa ra là các bạn nên tìm những cửa hàng lớn, uy tín, có đông khách. Bạn cũng nên mang xe đi kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để tránh hỏng hóc rồi mới mang xe đi sửa.
Cuối cùng, hãy trang bị cho mình những kiến thức về xe để có thể hiểu sự cố xảy xa đối với xe của mình.
 Theo Nguoiduatin/Autopro

“Mánh khóe” lừa đảo tiền tỷ gọi qua điện thoại


Uyên Châu

Nắm chắc sinh hoạt của nạn nhân rồi giả giọng y chang người quen, Ngoan nhờ cậy, hối thúc sự giúp đỡ tiền bạc cho người thân gặp nạn. Bằng thủ đoạn trên, đối tượng đã lừa đảo hơn 1 tỷ đồng.


Đối tượng Ngoan tại cơ quan điều tra

Ngày 21/7, Phòng cảnh sát Kinh tế và Chức vụ (PC46, Công an TP.HCM) ra thông báo việc khám xét khẩn cấp, đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp và gia hạn tạm giữ lần 1 đối với Phan Văn Ngoan 57 tuổi ngụ tại ấp Gia Bẹ, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nạn nhân của Ngoan là bà Võ Thị Ánh T. (ngụ Q.1, TP.HCM). Theo đó,  ngày 14/4/2016, bà T. nhận cuộc gọi vào số máy bàn với đầu dây bên kia là người đàn ông xưng tên Sĩ vốn là bạn thân tại TP.HCM.

Ban đầu, người phụ nữ này cũng nghi ngờ nhưng cái giọng nói y chang người bạn thân nên bà T. đã không suy nghĩ gì khi được Ngoan thông báo tin dữ. Thời điểm Ngoan báo tin, chồng bà T. đang đi đá banh.

Tạo được sự tin tưởng, người đàn ông 57 tuổi, giọng trùng xuống than thở: Tôi đang cùng vợ đi Mỹ thăm con, nhưng nhà lại có đứa cháu bị tai nạn giao thông ở Cần Thơ, cần gấp số tiền 45 triệu để mổ cấp cứu, nhưng do ở Mỹ không về kịp, nhờ bà T. chuyển số tiền trên vào tài khoản số 0601 2173 2486, ghi tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Ánh Hồng, hứa sẽ trả lại tiền cho bà Tuyết vào hai hôm sau.

Không nghi ngờ, bà T. đã chuyển ngay lập tức qua tài khoản số tiền theo như yêu cầu. Tiếp đó, đến chiều cùng ngày, đối tượng giả giọng Sỹ tiếp tục gọi điện cho bà T. khẩn khoản nói do người bị nạn làm khó đòi thêm 100 triệu mới chịu bãi nại, nhờ bà T. cứu giúp.
Điện thoại và các sim số rác của Ngoan mua để thực hiện lừa đảo


Chuyển tiếp 100 triệu vào tài khoản nói trên, bà T. lại bị Sĩ tiếp tục gọi điện với “mồi câu” là các anh em của Sĩ ở Mỹ, có góp lại được 350 triệu đồng cho đứa cháu để lo chi phí điều trị, nhờ bà Tuyết chuyển số tiền trên trước cho cháu của Sĩ và hứa ngày hôm sau sẽ trả lại cho bà.

Vẫn không mảy may nghi ngờ, bà T. chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản số 0601 2082 3038, ghi tên chủ tai khoản Lê Thị Bích Ngọc và chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản số 0601 2173 2486, ghi tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Ánh Hồng.

Đến hẹn trả tiền, bà T. thấy người bạn tên “Sĩ” bặt âm vô tín nên phát hiện bị lừa đảo, bà Tuyết gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra.

Nhận được tin tố cáo, Công an TP.HCM đã vào cuộc, phát hiện ít nhất đã có 5 bị hại viết đơn trình báo cơ quan công an, trong đó có hai người ở Cần Thơ với thủ đoạn tương tự.

Cơ quan điều nhanh chóng bắt giữ Ngoan để điều tra làm rõ. Ngoan khai nhận, do không có việc làm ổn định, lại mê cờ bac (cá độ bóng đá) và dẫn đến nợ nần không còn khả năng trả nợ. Đầu năm 2016, Ngoan nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùa người khác. Để thực hiện, Ngoan gọi điện thoại vào số máy đăng ký nhà riêng của các bị hại, giả là người thân của các bị hại để lừa đảo, giả mượn tiền, chuyển vào các tài khoản do Ngoan chỉ định, sau đó rút chiếm đoạt.

Để có thẻ ngân hàng, Ngoan ra khu vực bến xe Miền Tây liên hệ một số cá nhân làm cò và mua bán dạo nơi đây (không biết tên họ và địa chỉ) mua các tài khoản thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/thẻ. Tiếp đó, đối tượng mua các sim rác, tìm hiểu kỹ các nạn nhân thông qua danh sách các số điện mua được và tiến hành thực hiện hành vi lừa đảo.

“Ngoan khai còn thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác bằng thủ đoạn như trên, nhưng hiện tại không nhớ hết”, một cán bộ điều tra thông tin.

Đối tượng mà Ngoan nhắm tới những người già tuổi, có người thân ở nước ngoài. Hiện vụ việc đang được công an tiếp tục làm rõ.

Lật tẩy các mánh khóe lừa đảo trực tuyến

Kỷ nguyên internet là đòn bẩy cho sự phát triển vượt bậc của truyền thông đa phương tiện. Ngày nay, bạn chẳng cần phải đặt chân ra khỏi phòng mà vẫn cập nhật được mọi thông tin cần thiết, từ chính trị, kinh tế đến đời sống, giải trí. Tuy nhiên, cũng bởi tính đa dạng và khó xác thực của thông tin mạng, thế giới ảo vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình là tình trạng lừa đảo trực tuyến.
 Lừa đảo trực tuyến – thuật ngữ tiếng anh là Social Engineering (SE) – là minh chứng hùng hồn cho luận điểm “nhà chưa hẳn là nơi an toàn nhất”, khi chúng ta vẫn có thể bị mất tiền dù chưa hề tiếp xúc với kẻ xấu. Không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như Hacking – tấn công an ninh mạng – SE đánh vào tâm lý chung của người tiêu dùng. Ắt hẳn bạn đã quá quen thuộc với các chương trình ưu đãi “không tưởng” như tặng … máy bay, xe ô tô hay mua một được mười. Bạn nghĩ rằng chiêu trò này quá ấu trĩ và chẳng có ai mắc bẫy?
Thực tế là vào năm 2014, người tiêu dùng đã mất khoảng 13 tỷ đô la Mỹ vì lừa đảo trực tuyến. Số tiền này đủ để tài trợ cho 501.604 trẻ em nghèo hay cung cấp lượng mì gói đủ dùng trong ba ngày cho bảy tỷ người trên thế giới.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về SE, bài viết sau đây sẽ đưa ra những ví dụ thực tế, đặc điểm nhận biết, biện pháp phòng tránh cũng như cách phân biệt giữa lừa đảo trực tuyến và thông báo thương mại.

Ma trận ưu đãi “ảo”

Thế giới thương mại điện tử luôn không ngừng chuyển động, với hàng nghìn chương trình, sản phẩm ưu đãi được đổi mới từng ngày. Đối diện với “bão thông tin”, bạn cần phải giữ cho mình một cái đầu lạnh nếu không muốn trở thành nhà hảo tâm bất đắc dĩ cho bọn lừa đảo.

Cầu cứu khẩn cấp

“Kẻ thù có thể là người ở ngay cạnh chúng ta”, quan điểm này hoàn toàn chính xác, nhất là khi tình trạng đánh cắp và giả mạo tài khoản ngày càng trở nên thông dụng.
Vaccine cho trường hợp này chính là: trực tiếp xác minh thông tin với chủ tài khoản.

Món hời khả nghi

Nếu bạn vừa đặt mua một món hàng chỉ với mức giá bằng 1/10 giá gốc, hai trường hợp sau đây có thể xảy ra:
Một là, sản phẩm bạn vừa mua là đồ giả hoặc hàng kém chất lượng.
Hai là, bạn đã chính thức nối dài danh sách nạn nhân của kẻ lừa đảo.

Thông báo thương mại

Có một hiện thực đáng buồn là: trong khi bẫy lừa đảo đang ngập tràn thế giới mạng thì những email đầy thiện chí từ thương hiệu lại bị xếp vào mục spam trong hộp thư điện tử. Sau đây là một ví dụ điển hình về thông báo thương mại.

Ngạc nhiên chưa? Đây không phải là lừa đảo

So với các tin nhắn khuyến mãi, trúng thưởng trị giá… hàng tỷ đồng, tin nhắn xác nhận tài khoản từ ngân hàng có vẻ không quá được chờ đón. Tuy nhiên, đây là bước bảo mật cần thiết, giúp bạn dễ dàng quản lý những biến động, dù là nhỏ nhặt nhất, trong tài khoản của mình.
 
Bây giờ thì bạn đã hiểu rõ bí quyết bảo vệ bản thân khỏi bẫy lừa đảo online rồi. "Lên dây cót" và sẵn sàng mua sắm thôi!
Inforgraphic này sẽ không thể được hoàn thiện, nếu thiếu đi những nguồn thông tin sau đây:


(Theo nguồn: Iprice.vn)
Lật tẩy mánh khóe bán hàng đa cấp lừa đảo
30-07-2016 08:07
Kinhtedothi - Đẩy giá lên cao, thổi phồng công dụng của sản phẩm, hoặc cấp giấy phép kinh doanh ở địa phương này nhưng lại mở mạng lưới ở địa phương khác, không đăng ký với cơ quan chức năng… là mánh khóe của nhiều công ty bán hàng đa cấp.
Đánh vào tâm lý ham tiền, cộng với việc thiếu kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực bán hàng đa cấp khiến hàng vạn người sập bẫy.
Đội giá gấp nhiều lần, doanh nghiệp bị rút giấy phép
Hiện nay, các sản phẩm đa cấp không có cơ quan thẩm định giá mà DN tự quyết định giá bán như các mặt hàng thông thường. Do chưa có cơ quan nào quản lý về giá, dẫn đến việc các công ty đa cấp lợi dụng, thổi phồng công dụng của sản phẩm, đội giá gấp nhiều lần. Qua thanh tra, Sở Công Thương Hà Nội phát hiện mức giá sản phẩm Công ty CP Đầu tư & Thương mại Trường Giang Việt Nam (Trụ sở chính tại quận Hà Đông, Hà Nội) đội lên rất nhiều lần. Cụ thể, mức giá sản phẩm TruongGiang Liver Công ty nhập với giá 18.000 đồng, TruongGiang Calcium nhập với giá 12.000 đồng, TruongGiang Calcium Kid nhập với giá 12.000 đồng, TruongGiang Queen nhập với giá 12.000 đồng, nhưng được bán cho người tham gia bán hàng đa cấp với giá 990.000 đồng (chưa có VAT). Mức chênh lệch giữa giá nhập – xuất bán từ 50 - 82 lần.

Lễ ra mắt Công ty CP Đầu tư & Thương mại Trường Giang Việt Nam hồi tháng 6/2015, bị rút giấy phép sau hơn một năm hoạt động.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hàng loạt DN đẩy giá bán sản phẩm lên cao hơn nhiều lần so với giá đầu vào. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận, đây là vấn đề cần được nghiên cứu, về lâu dài phải có cơ quan quản lý về giá các loại sản phẩm đa cấp.
Ngày 19/7 vừa qua, Công ty CP Đầu tư & Thương mại Trường Giang Việt Nam chính thức bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thu hồi giấy phép kinh doanh. Ngoài việc bị phanh phui đội giá bán sản phẩm quá cao, DN này cũng bị phát hiện hàng loạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Trước đó, Công ty này từng bị Cục Quản lý cạnh tranh và Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội xử phạt 3 lần với tổng số tiền lên tới 892 triệu đồng.
Đây là DN thứ 6 bị Cục Quản lý cạnh tranh tước giấy phép kinh doanh sau những cái tên như Công ty CP Sản xuất thương mại Con Đường Việt, Công ty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 668, Công ty CP Xuất nhập khẩu & Thương mại Quốc tế TNC, Công ty CP New Power Việt Nam - sau đổi tên thành Trái tim Ngọc Việt, Công ty Liên Kết Việt.
Phanh phui sai phạm, liên tiếp xử phạt

Từ ngày 18/7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với Lâm Phúc Hùng (SN 1959, ở phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á với vai trò cầm đầu đường dây kinh doanh thương mại điện tử đa cấp xuyên quốc gia. Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 2/8 tới.

Ngày 27/7, Cục Quản lý cạnh tranh đã công bố xử phạt 2 DN 870 triệu đồng vì những vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Trong đó, Công ty CP Japan Life Việt Nam bị phạt hành chính với số tiền 410 triệu đồng; Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam bị phạt số tiền 460 triệu đồng.
Trước đó, ngày 19/7, Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt Công ty CP Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam với tổng số tiền 350 triệu đồng. Đây không phải lần đầu tiên DN này vi phạm, bị xử phạt. Trước đó, DN này từng bị Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội và Cục Quản lý cạnh tranh phạt hơn 300 triệu đồng.
Các sai phạm của các DN bán hàng đa cấp được chỉ ra: Các DN đưa thông tin sai lệch về công dụng của hàng hóa; Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp/mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; Không ký hợp đồng bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp; Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa…
Điều đáng nói, hàng loạt công ty sai phạm bị phát hiện trên cơ sở đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp và phản ánh của báo chí, mà Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra và xử lý. Cụ thể, mới đây, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp và phát hiện hàng loạt sai phạm đối với Công ty CP Liên kết tri thức (K-Link); Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long; Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam. Trong đó, Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long từng bị báo Kinh tế & Đô thị phanh phui sai phạm, phải thanh lý hợp đồng, trả lại tiền cho nạn nhân tham gia.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, qua thanh, kiểm tra đã phát hiện ra 2 đối tượng tham gia bán hàng đa cấp. Trường hợp thứ nhất, họ đóng tiền cho công ty, sau đó nhận lại hàng để đi bán. Nhưng vì một số lý do nào đó, họ không tiêu thụ được hàng nên mong muốn trả lại cho công ty để lấy lại tiền. Với trường hợp này, nếu công ty từ chối không nhận lại hàng mà không có lý do chính đáng, Bộ Công Thương sẽ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia. Còn đối tượng thứ 2, họ không phải là người bán hàng đa cấp thực sự. Họ đưa tiền cho công ty để mong chờ khoản lãi do công ty chi trả, mà không nhận hàng, thậm chí từ chối nhận hàng. Đây không phải là quan hệ bán hàng đa cấp. Cho nên, khi xảy ra tranh chấp giữa các bên với nhau, cần có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu tranh chấp dân sự thì ra tòa dân sự. Còn nếu một bên cho rằng, bên kia có dấu hiệu lừa đảo thì nên báo với cơ quan công an để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Lành mạnh hóa thị trường kinh doanh hàng đa cấp
Vấn đề đặt ra, làm thế nào để lành mạnh hóa thị trường kinh doanh hàng đa cấp? Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, đừng bao giờ đổ lỗi cho người dân tham lam, kém hiểu biết. Người dân bị lừa do thủ đoạn lừa đảo trắng trợn, nhưng vì cơ quan quản lý không thể kiểm soát nên khi hậu quả xảy ra khủng khiếp, người dân tố cáo quá nhiều, mới bắt đầu xem xét. Làm thế nào để cơ quan quản lý cấp phép xong phải đảm bảo không bị lợi dụng. Nếu không thể quản lý được, cơ quan quản lý đừng cấp phép, nếu đã cấp phép rồi thì phải xử lý và thu hồi đúng lúc.
Trên thực tế, Bộ luật Hình sự chưa có điều khoản nào xử lý bán hàng đa cấp biến tướng và những hệ lụy của nó. Vì thế, các chuyên gia pháp lý cho rằng, các bộ như Công Thương, Tư pháp, Tài chính cần có Thông tư liên bộ để quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên rà soát, bổ sung sửa đổi Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp để có những chế tài phù hợp với từng trường hợp, tránh để những biến tướng từ hoạt động đa cấp do lợi dụng kẽ hở pháp luật hoành hành.

16 doanh nghiệp bán hàng đa cấp không phép
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, cả nước có 16 DN bán hàng đa cấp không phép tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa. Trong đó, riêng tại Hà Nội có 10 DN: Công ty CP Everrichs Global; Công ty CP Thương mại Merro; Công ty CP Thương mại quốc tế Focus Việt Nam; Công ty Công nghệ mới và Phát triển quốc tế Amkey Việt Nam; Công ty CP Phát triển thương mại Lotus Việt Nam; Công ty CP Đầu tư và phát triển Union Việt Nam; Công ty CP BigForest; Công ty CP Thiên Phương Việt Nam. 6 DN còn lại là hộ kinh doanh Trương Thị Kim Nguyệt tại Quảng Nam; Công ty CP Khoa học Công nghệ Trường Sinh tại Nghệ An; Công ty CP Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 tại Bà Rịa Vũng Tàu; Công ty TNHH Hải Nam Quy Nhơn tại Bình Định, Công ty CP Đầu tư xúc tiến thương mại Hợp Phát tại Thanh Hóa. 

Mánh khóe lừa đảo mua chung cư “vẽ” của “nữ quái”

14:05 ngày 22/10/2016
(PL&XH) - Để có tiền trả nợ và chi tiêu, Nguyễn Thị Nhung, SN 1984, tạm trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội “chém gió” mình có mối quan hệ thân thiết với chủ đầu các dự án chung cư, có thể mua giúp các căn hộ suất ngoại giao giá gốc, sau đó làm giả hợp đồng để chiếm đoạt tài sản…
Theo thông tin từ CQĐT, vào đầu năm 2015, bà Trương Thị Bích T, ở tỉnh Bắc Giang là bạn của mẹ chồng Nhung có nhu cầu mua căn hộ chung cư ở Hà Nội. Thấy con dâu làm về bất động sản nên mẹ chồng Nhung giới thiệu cho bà T để nhờ Nhung mua giúp căn hộ chung cư giá gốc. Trong lần gặp gỡ với bà T, Nhung ngon ngọt nói mình là chỗ thân thiết với Chủ tịch HĐQT Cty Vinaconex 3, chủ đầu tư dự án chung cư ở Trung Văn và hứa sẽ giúp bà T mua  căn hộ  ở tòa CT1 với  giá  19,5 triệu đồng/m2 và 120 triệu đồng tiền chênh.

Nhung
Chân dung “nữ quái” lừa đảo Nguyễn Thị Nhung. Ảnh tư liệu

Sau đó, Nhung nhờ người đóng giả nhân viên Cty Vinaconex 3 liên lạc với bà T thông báo có suất ngoại giao và thỏa thuận bán lại cho bà T. Ngày 27-2-2015, tại nhà mẹ chồng của Nhung, bà T đã đặt cọc 70 triệu đồng. Để bị hại tin tưởng, Nhung tìm cách lập hợp đồng và phiếu thu tiền giả mạo của Cty Vinaconex 3. Các lần giao dịch tiếp theo, Nhung đều hẹn bà T đến trước trụ sở Cty Vinaconex 3. Tổng số tiền Nhung chiếm đoạt của bà T hơn 1 tỷ đồng.  
Thấy “ngon ăn”, Nhung tiếp tục lên “kịch bản” mới, thông tin cho bà T biết Cty Vinaconex 3 đang có chương trình hỗ trợ khách hàng mua căn hộ tại chung cư Trung Văn, nếu chưa có nhu cầu ở thì sẽ cho thuê giúp với giá 5 triệu đồng/tháng. Với chương trình này, bà T chỉ phải đóng thêm 48 triệu đồng là tiền hoàn thiện nội thất. Lúc này, bà T mới bắt đầu nghi ngờ nên đã âm thầm xác minh rồi ngã ngửa khi biết được mình đã rơi vào bẫy lừa đảo của Nhung. Sau đó, bà T đã đến CQCA tố cáo sự việc.
Vào cuộc điều tra, xác minh cùng với những thông tin người bị hại cung cấp, sáng 22-8-2016, tại trước cửa trụ sở Cty Vinaconex 3, đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội khi Nhung và chị gái là Nguyễn Thị Như Trang đang nhận 18 triệu đồng (số tiền này nằm trong lời Nhung yêu cầu của gói hoàn thiện căn hộ) từ bà T thì bị lực lượng CA mật phục bắt quả tang. Thu giữ tại chỗ 4 hợp đồng thuê căn hộ ghi ngày 22-8-2016, 2 phiếu thu tiền, 4 mẫu phiếu thu chưa có nội dung, 1 mẫu hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Nhung khai nhận, sáng cùng ngày, trước khi gặp bà T, cô ta đã đến cửa hàng photocopy ở gần nhà làm giả các giấy tờ trên.
Quá trình điều tra mở rộng, CQCA xác định vào tháng 10-2015, sau khi chiếm đoạt tiền của bà T, để dễ bề hoạt động lừa đảo, Nhung thành lập Cty TNHH đầu tư và quản lý An Bình Home, có trụ sở tại khu đô thị Dịch Vọng, quận cầu Giấy, đăng ký kinh doanh môi giới bất động sản. Tháng 11-2015 qua tìm hiểu, vợ chồng anh H, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã đến Cty An Bình Home nhờ Nhung đại diện mua giúp căn hộ chung cư tại khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông do tập đoàn Cen Group làm chủ đầu tư.
Thời cơ đến, Nhung liền giới thiệu cho vợ chồng anh H mua một căn hộ ở tiểu khu Park View Residence, KĐT Dương Nội. Theo lời Nhung quảng cáo, dự án này có nhiều điểm thuận lợi, nằm trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, chủ sở hữu căn hộ đang có nhu cầu chuyển nhượng. Nếu đồng ý mua, vợ chồng anh H sẽ được vay ngân hàng 70% giá trị căn hộ. Với chiêu thức quảng cáo khôn khéo của Nhung, đánh đúng tâm lý của người mua nhà, vợ chồng anh H đồng ý mua và ký hợp đồng đặt cọc số tiền 100 triệu đồng.
Thời gian ngắn sau đó, Nhung lại thông báo với anh H, cần nộp thêm tiền để được nhận ưu đãi hỗ trợ gói  nội thất cơ bản trị giá 100 triệu đồng. Mỗi lần nhận tiền Nhung đều sử dụng pháp nhân Cty An Bình Home khiến anh H tin tưởng nên đã nộp tổng cộng 312 triệu đồng trên tổng giá trị trong hợp đồng đặt cọc là 1.040.000.000 đồng, tương ứng 30% giá trị căn hộ theo đúng tiến độ.
Ngày 25-11-2015, Nhung hẹn vợ chồng anh H đến trụ sở Cty An Bình Home để ký hợp đồng mua nhà. Nhung đưa ra 5 bản hợp đồng để vợ chồng anh H ký vào các mục của khách hàng, hẹn sau vài ngày sẽ chuyển lại bản sao hợp đồng có đóng dấu, chữ ký của chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, chờ mãi không thấy đến ngày nhận nhà, anh H đi xác minh và biết mình bị lừa. Tại CQĐT, Nguyễn Thị Nhung khai nhận số tiền chiếm đoạt được của các bị hại, cô ta đã sử dụng vào việc trả nợ, chi tiêu, không có khả năng thanh toán.
Ngày 21-10, cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Nhung để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan CSĐT đề nghị, ai là bị hại của Nguyễn Thị Nhung, liên hệ cán bộ điều tra Lê Huy Hoàng, đội 9 Phòng Cảnh sát kinh tế, CATP Hà Nội để giải quyết. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 0979813990.

Mai Chi / PL&XH
Mánh khóe ca nhng trung tâm gia sư lừa đảo.
Chào các bạn! Mình là Mai, sinh viên năm ba trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. hiện giờ mình đã không còn là tân sinh viên nữa nhưng những tình huống xin việc “dở khóc, dở cười” mình gặp phải năm nhất có lẽ sẽ là kinh nghiệm nhớ đời không phải của riêng mình mà hẳn rất nhiều sinh viên đã gặp phải.
Lên Hà Nội học tập, gia đình mình không thuộc hạng khá giả. Bố mẹ ở quê làm ruộng trang trải việc học hành cho hai anh em học đại học. Cuộc sống sinh viên đến năm thứ hai mình bắt đầu quen với guồng học tập nên quyết định kiếm công việc làm thêm để phụ giúp bố mẹ.
Có rất nhiều công ty đăng tuyển nhân viên nhập liệu, trực điện thoại, bán hàng part-time, phát tờ rơi… với mức lương hấp dẫn khiến mình cảm thấy kiếm tiền thật đơn giản.
Lần đầu mình tìm đến văn phòng công ty đăng tin tuyển dụng cần nhân viên phát dán rơi tại các nhà hàng, khách sạn với gián 1000 đồng/ 1 tờ, . Mình làm được 1 tháng rồi xin nghỉ vì làm rồi mới biết rất khó để nhà hàng, khách sạn nào đồng ý cho dán. Đồng lương bèo bọt quá. Đến một ngày vô tình mình đi qua một văn phòng gia sư gần trường Đại học Sư phạm, mình vô thức vào đó và nhận ngay một lớp gia sư tiếng anh, đóng học phí 40% ngay. Sau hôm đó mình đến nhà học viên để nhận lớp thì chủ nhà nói là đã có gia sư rồi. Mình tìm hiểu rõ thì biết được cùng 1 lớp đó mà chị tư vấn gia sư giao cho cả mấy chục người. Vừa tiếc tiền vừa ngậm ngùi, uất ức vì bị lừa nhưng không có cách nào có thể lấy lại tiền.


Các bạn hãy thận trọng với những văn phòng gia sư như vậy bạn nhé!
Bạn Mai – sinh viên năm 3 ĐH Sư Phạm.
Nguồn: Mai - sinh viên năm 3 Đại học Sư Phạm Hà Nội – khi bạn đăng lại bài viết.


Xin chân thành cảm ơn!

CÔNG TY CỔ PHẦN GIÁO DỤC TIT

LIÊN HỆ NHẬN LỚP

Trụ sở
Địa chỉ : Ngõ 11, Đường Thanh Lãm, Quận Hà Đông, TP. Hà Nội
Điện thoại

0916 06 7726

0961 553 173

Tài khoản giao dịch
Nguyễn Đình Đề_0650107768003_Ngân Hàng Quân đội, chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội.

 


www.tit.edu.vn


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét