Chuyển đến nội dung chính

TIN BUỒN 25

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                      VÕ SƯ THU VÂN - VÕ THUẬT VÀ SÂN KHẤU...

Tâm thư của Nhà giáo ưu tú Võ sư Nguyễn Thu Vân.

Email In PDF.
Các bạn yêu võ thân mến!

Dân tộc Việt Nam vốn có nền võ học cổ truyền, được sản sinh ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Các thế hệ nối tiếp đã kế thừa và phát triển để kho tàng võ học ngày càng thêm phong phú, góp phần không nhỏ trong lịch sử dụng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Khi đề cập đến võ thuật cổ truyền, tôi chỉ có kì vọng là mong những người có trách nhiệm, có năng lực, cùng nhau nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp hệ thống một cách khoa học môn võ Việt Nam thành môn Quốc võ, xứng đáng với hùng khí của dân tộc.

Tuổi trẻ có ai có chút ít suy tư khi nghĩ đến các võ sư già đã tận tụy một đời mang sự hiểu biết của mình trao cho thế hệ trẻ. Những chuyến ra đi không về, mãi mãi nằm sâu trong lòng đất mẹ của các bậc võ sư chân tài đã làm chúng ta mất đi biết bao vỗn quý báu bởi quy luật sinh diệt của tạo hóa trong tuần hoàn vũ trụ. Có còn chăng kho tàng võ học quê hương?


Điều chắc chắn là những tài hoa, những vốn quý của các bậc tiền bối mà chúng ta đã có ai tâm đắc được. Thời vàng son của các vị võ sư lão thành đã trôi qua. Những đường quyền uy hùng như mãnh hổ, những ngọn cước rạt rào mãnh liệt chỉ còn là âm vang. Tiếng réo của đường roi Tề Mi tấn nhất ồ ạt, tiếng rít của đường gươm, thanh kiếm chỉ còn là dư hương vô vị đầu môi trong buổi hàn huyên hay cơn đối thoại âm thầm quyến luyến.

Riêng ở chúng ta còn lại gì trong kho tàng võ học Việt Nam. Lấy võ ngoại lai làm Quốc võ ư? Chúng ta giới trẻ Việt Nam, yêu Quê Hương Tổ Quốc, yêu lịch sử oai hùng của dân tộc. Đừng để võ cổ truyền đi vào quên lãng hay chỉ còn là hư danh. Đừng để võ học Việt Nam mất vị thế xứng đáng trong nước và trên trường Quốc Tế.

Chúng ta hãy chung nhau nối vòng tay lớn, góp phần và kế thừa phát triển bộ môn võ học Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, rộng khắp. Để nền võ học Việt Nam mãi mãi là hào khí bất tận của mọi lứa tuổi. Nền võ học Việt Nam sẽ sống mãi với dân tộc trên quê hương Việt Nam cũng như truyền bá trên khắp năm châu bốn bể.

Điều tôi nghĩ vậy và mong sẽ được như vậy. Hy vọng nền Quốc võ Việt Nam sẽ bừng lên. Sống mãi trong lòng mỗi thanh niên, học sinh sinh viên trong các học đường. Võ học Việt Nam sẽ là mùa xuân bất tận của mọi lứa tuổi.

Nhà giáo ưu tú Võ sư Nguyễn Thu Vân

Nhà giáo ưu tú - võ sư Thu Vân: Ước mơ đưa võ cổ truyền thành quốc võ

Sinh năm 1945, theo nghiệp võ thuật từ năm 13 tuổi, đến năm 1988 võ sư Thu Vân được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu cao nhất: cấp Bạch đai 18/18.

 
 Võ sư Thu Vân và một võ sinh nhí
Bà nổi tiếng trong nước và quốc tế về nhiều đóng góp to lớn cho việc bảo tồn, phát triển võ cổ truyền và nghệ thuật sân khấu - điện ảnh Việt Nam. Tháng 11-2011 bà vừa được Bộ VH-TT-DL tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa và thể thao.
Năm 1959, bà nhập học Trường Ca kịch dân tộc Hà Nội, được học võ và diễn xuất cải lương rồi trở thành học trò cưng của võ sư - NSND Tám Danh (tức Nguyễn Phương Danh). Năm 1962, là diễn viên của Đoàn cải lương Nam bộ, sau đó làm giảng viên môn vũ đạo trình thức cải lương Trường Sân khấu Việt Nam.
Mang theo những tinh hoa võ cổ truyền do võ sư - NSND Tám Danh truyền lại từ năm 16 tuổi, tính đến năm 2009, Nhà giáo ưu tú - võ sư Thu Vân đã truyền nghề cho các môn sinh trên 40 khóa học về trình thức võ thuật ứng dụng trong sân khấu và điện ảnh trên cả nước.
Võ sư Thu Vân đã lập nên võ phái “Thu Vân quốc tế võ đạo” lấy nền tảng từ các bài bản võ thuật
được sư tổ truyền thụ. Gắn bó với nghề võ và công tác giảng dạy, bà luôn trăn trở làm thế nào để giữ lại chất ngọc cho nghề. Bà đã sáng tạo ra bộ môn võ thuật mới - võ nghệ thuật ở Việt Nam để đưa vào sân khấu cải lương và điện ảnh; biên soạn 8 tập tài liệu làm giáo trình giảng dạy cho học sinh, môn sinh các trường võ thuật, nghệ thuật, sân khấu và điện ảnh.
Cô giáo Thu Vân đã nghiên cứu thành công trong việc biến những chiêu thức võ cổ truyền thành những điệu múa mềm mại, uyển chuyển giúp người xem cảm nhận được cái hay, cái đẹp của võ cổ truyền dân tộc và trở nên hấp dẫn, gần gũi như lời ca tiếng hát... Hiện môn phái Nguyễn Phương Danh - Thu Vân quốc tế võ đạo đã phát triển trên địa bàn TPHCM, ở các chùa, các trung tâm khuyết tật và làng SOS để giúp các em xoa dịu nỗi đau.
Ngoài việc dạy võ nghệ thuật cho trường sân khấu - điện ảnh, Trường Văn hóa Nam Quốc Cang, Đoàn cải lương Trần Hữu Trang, hiện nay, võ sư Thu Vân còn dạy võ cho học sinh, sinh viên nhiều trường… Bà nói: “Tôi mong từ các cháu lớp tiểu học cho đến sinh viên đều được học võ cổ truyền Việt Nam và mơ ước đưa võ cổ truyền Việt Nam thành quốc võ trong giảng đường”.

Triết lý sống độc đáo của một nữ võ sư

Sáng sớm, bà dạy dưỡng sinh cho các cụ ở Lăng ông Võ Tánh, sau đó chạy quanh TP.HCM với hơn mười địa điểm dạy võ thuật khác nhau, và rồi lại quay lại lăng để kịp giờ dạy lớp võ tình thương cho các em cơ nhỡ do một tay bà gây dựng.

Về tới nhà, vội ăn ổ bánh mỳ, bà lại ngồi vào bàn viết, ngẫm ngợi về cuộc đời, trằn trọc cho bao số phận, sâu lắng với những chiêu thức quyền cước và thế là các tác phẩm võ học lần lượt được xuất bản. Sáu mươi tám tuổi đời nhưng nghiệp võ với bà còn nặng lòng như thủa khai môn.
Võ sư Thu Vân khi dạy trẻ khuyết tật.
Biến võ thuật thành nghệ thuật
Trong làng võ Việt Nam, nữ võ sư Thu Vân được biết đến như nữ cao thủ hiếm hoi. Ngoài ra bà còn là một người luôn hết lòng tận tâm với nghiệp truyền dạy võ học. Sinh năm 1945 tại Hà Nội, theo nghiệp võ thuật từ năm 13 tuổi, đến năm 44 tuổi bà được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu đẳng cấp cao nhất: Bạch đai 18/18.
Năm 1997, bà tiếp tục được nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú vì những đóng góp trong ngành giáo dục. Ngoài công việc của một võ sư, một nhà giáo, võ sư Thu Vân còn là một cascadeur hàng đầu trong ngành điện ảnh, chuyên đóng thế những cảnh quay gay cấn, nguy hiểm.
Bà cũng là người khai sinh ra một môn võ mới, gọi là Võ Nghệ Thuật được ứng dụng trong hình thức sân khấu cải lương. Căn cốt của môn võ này đó là những chiêu thức võ thuật cổ truyền được bà nghiên cứu, sáng tạo và biến thành những điệu múa mềm mại, uyển chuyển giúp người thưởng thức cảm nhận được cái hay, cái đẹp của võ Cổ truyền dân tộc.
Tôi được diện kiến nữ võ sư đáng kính này tại một lò võ ở Lăng ông Võ Tánh (Hẻm số 19 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận). Nhìn thấy tôi, bà bước tới hỏi thăm bằng cái giọng khàn khàn. Thân hình bà nhỏ bé, tóc ngắn, đã điểm sương, từng đọn quăn tít, dường như thời gian đã làm dáng bà hơi còng về phía trước, nhưng bước chân vẫn nhanh lẹ đến lạ thường.
Anh Vũ Xuân Tài, một môn sinh lâu năm của bà cho biết về sư phụ của mình: "Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ thấy một người thầy nào lại tận tâm, tận lực với học trò như sư phụ.
Cô không chỉ dạy võ thuật, cách ăn nói mà còn dạy bọn trẻ hát, dạy đàn, dạy tuồng, dạy kể chuyện. Cô dạy hát cả khi đã khản tiếng, múa võ cho các em học theo cả lúc ho sặc sụa. Cô chạy tới chạy lui với từng lớp cả khi đang điều trị (trốn viện) chỉ vì muốn biết hôm nay lớp có vắng đứa nào không, tiến độ tập luyện thế nào, học trò nào mới đến chưa có đồng phục? Chỉ vậy thôi ta đã biết tấm lòng quyện với cái nghiệp như thế nào trong con người cô rồi".
Đem chuyện này hỏi Võ sư Thu Vân, bà tủm tỉm cười rồi bắt đầu kể về nguyên nhân mà vì nó bà đã gắn bó cuộc đời mình với bọn trẻ. Trong một lần đến Trung tâm trẻ khuyết tật huyện Củ Chi, bà phát hiện ra khả năng thông minh của những đứa trẻ bị câm điếc. Chính hình ảnh tàn mà không phế của các em là tấm gương sáng cho mình noi theo, bà nghẹn ngào nói.
Võ sư Thu vân và lớp học tình thương.
Trước đó không lâu bà bị suy sụp, buồn chán khi phát hiện mình đang mang trong người căn bệnh ung thư hiểm ác. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, bà đã gạt đi tất cả những lo ngại ấy và lao vào công việc.
Võ sư Thu Vân luôn trăn trở: "Làm sao để cho những đứa bé chưa nhìn thấy ánh sáng, chưa bao giờ có khái niệm hình tượng về bất cứ động tác hình thể nào đều có thể học được võ, những đứa chưa từng nghe thấy có thể hát theo nhạc và đúng tiết tấu, âm điệu.
Và rồi từ những trăn trở đó, hàng loạt các địa điểm dạy cho trẻ khuyết tật, trẻ cơ nhỡ được bà khai môn ở các chùa, các Trung tâm khuyết tật và làng SOS”.
Ai cũng biết, việc đào tạo cho trẻ khuyết tật quả không hề đơn giản chút nào. Trẻ khiếm thị hát lên mà không biết lời ca của mình có đúng với động tác của người múa hay không. Còn những đứa trẻ múa bị câm điếc lại không nghe được nhưng vẫn phải múa sao cho khớp với lời ca, tiếng đàn.
Điều này đòi hỏi người luyện tập cho các em phải có kinh nhiệm lâu năm và phải có những sáng tạo và quyết tâm trong công tác giảng dạy.
Hiện tại, Võ sư Thu Vân đang có kế hoạch xuất bản cuốn sách thứ 3 với những tuyệt chiêu mà cô đã nghiên cứu và giữ gìn suốt 50 năm qua. Thế nhưng dự định này còn gặp nhiều khó khăn vì kinh phí eo hẹp. Cuốn sách mang tựa đề: "Tuyệt chiêu của Võ cổ truyền Việt Nam ứng dụng trên Sân khấu - Điện ảnh - Tự vệ ngoài đời. Võ sư Thu Vân hy vọng những nhà hảo tâm, những Mạnh Thường Quân sẽ hợp tác, hỗ trợ cùng chung sức xuất bản cuốn sách, nhằm góp phần truyền bá võ học dân tộc trong dân gian và lưu giữ cho hậu thế”.
Cho đồng nghĩa là nhận
Dù khó khăn chồng chất là thế, nhưng với tấm lòng và tài năng của mình, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thu Vân đã giúp những đứa trẻ khuyết tật ấy đã và đang trở thành những nghệ sĩ đích thực của nghệ thuật diễn xướng dân tộc.
Có thể kể đến trường hợp một đội lân ở trường Khuyết tật Hóc Môn do một mình bà trực tiếp chỉ dạy. Đó là nơi những cậu bé bị tật chân mà vẫn có thể ngồi xe lăn cầm đầu lân nhún nhảy, phía sau là người bạn khác bị khiếm thính điều khiển lân di chuyển, lượn sóng.
Khi đi biểu diễn, chỉ một mình bà, một tay bấm em này, một tay ra tín hiệu cho em khác, đôi khi bà còn ra hiệu cho các em bằng ánh mắt, bằng nụ cười. Nhìn các em biểu diễn tiết mục đó nhiều người xem không kìm được nước mắt.
Bà hóm hỉnh kể, không chỉ đầu tư thời gian, công sức, 2 lần bà lấy trộm tiền của chồng mang đi cho. Một lần bà lấy 100 USD mua quà phát cho bà con nghèo dưới Tường Đa - Bến Tre. Lần khác bà lấy 50 USD đi mua lân tặng các cụ ở ấp Tân Long 3 Mỏ Cày Bến Tre.
Sau đó, đội lân ấy đã đoạt giải II trong một cuộc thi múa lân cấp tỉnh. Cả hai lần ông đều cười xòa trước "kẻ trộm" giàu lòng nhân ái này.
Khi chồng bà còn sống, ông hiểu được nỗi lòng của vợ, nên cả hai ông bà cùng chung sức, giúp đỡ hết mình cho những số phận hẩm hiu. Bất chấp khi đang lâm bệnh hay lúc khó khăn phải bán cả nhà, ông bà đều không mảy may do dự.
Bà tâm sự: "Tuy mình khổ, nhưng có rất nhiều người còn khổ hơn mình. Vì vậy hãy giúp họ khi có thể. Của cho là của còn, của ăn là của mất. Bà chỉ có một ước mơ cháy bỏng là làm sao mỗi em đều có một bộ võ phục mặc cho tươm tất, có sàn tập để ngã xuống cho êm. Nhìn các em ngã, bị đất cát văng vào mặt, thương quá là thương".
Võ sư - nhà giáo ưu tú Nguyễn Thu Vân luôn hướng đạo cho các em trước khi học võ. Với bà, học đạo là học làm người, có đạo mới là anh hùng, tuấn kiệt. Vì thế, chính người thầy phải là tấm gương sáng cho môn sinh. Bà luôn nêu cao ngọn cờ; "Giáo bất nghiêm, sư chi đọa (người thầy không dạy dỗ nghiêm chỉnh đó là một người thầy xấu xa), để răn dạy chính mình và học trò. Chính cái tâm này của bà đã làm anh Nguyễn Hoàng Huy Phát (một võ sư trẻ ẩn dật) cảm phục và xin bái lĩnh theo bà tầm đạo.
Với những đóng góp to lớn cho việc bảo tồn, phát triển võ Cổ truyền và Nghệ thuật sân khấu điện ảnh Việt Nam, võ sư Thu Vân đã được Bộ VH - TT - DL trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa và Thể thao. Hiện nay cô đang đảm nhiệm chức Chủ nhiệm CLB Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, Cascadeur thuộc Trung tâm UNESCO Điện ảnh Đa truyền thông và cố vấn nhiều CLB võ thuật khác.
Danh xưng “nghệ thuật vị nhân sinh”
Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét: "Võ sư Thu Vân đã đi đến bước cao nhất của nghệ thuật đó chính là nghệ thuật vị nhân sinh. Trong đó, Thu Vân biến thành tiên, đem con mắt cho người không thấy, đem lỗ tai cho người không nghe. Sức khỏe yếu kém vì bạo bệnh nhưng Thu Vân đã đòi lại sức sống, không phải cho mình mà cho trẻ khuyết tật. Đối với tôi, Thu Vân có Hạnh Bồ Tát, Thu Vân là một người toàn vẹn, không chỉ có tài mà còn có đức, có tâm”.
Đăng Văn

Vĩnh biệt võ sư Thu Vân - người đưa võ nghệ vào sân khấu

Hãy like fanpage của chúng tôi để ủng hộ chúng tôi duy tri website này.
 16/04/2017 7:01:30 CH   36 lượt xem

10h sáng 14-04-2017, Nhà giáo ưu tú - võ sư Thu Vân đã chính thức thanh thản ra đi trong niềm thương yêu của gia đình.

Nhận tin Nhà giáo ưu tú (NGƯT) - từ người con gái khiến chúng tôi bất ngờ, dù biết rằng trong suốt 2 năm qua cô là bệnh nhân đặc biệt trong khoa cấp cứu của bệnh viện Nguyễn Trãi.
Nhắc đến bà, là nhắc đến một nhà giáo ưu tú tận tâm, yêu thương học trò bằng một tình thương bao la. Nhũng ai biết bà đều phải nể phục ở tư cách của một nữ võ sư từng hai lần sang Pháp để giảng dạy các chiêu thực võ thuật độc đáo của Việt Nam, khiến giới võ thuật pháp phải nghiêng mình kính nể ở sự khéo léo và tinh thông thập bát ban binh khí của một người đàn bà Việt cao chưa tới 1,55m.
Vĩnh biệt võ sư Thu Vân - người đưa võ nghệ vào sân khấu
Võ sư Thu Vân qua đời vào 10h sáng nay
Ở vai trò đồng sáng lập CLB Cascadeur TPHCM đầu năm 1992, với tư cách Phó chủ nhiệm CLB, bà như lá cờ đầu xông pha ở các mặt trận, từ việc xin tài trợ để các bạn được tập luyện, soạn giáo trình với các chiêu thức ứng dụng cho phim ảnh, cải lương.
Có lúc người ta còn thấy bà bán nhẫn, dây chuyền vàng để lo tiền sân tập. Và câu chuyện đi vay tiền lãi cao, để in băng dĩa, các tài liệu võ thuật tặng cho hầu hết các em sinh viên trên toàn quốc, khiến chồng và các con dở khóc dở cười vì sự đam mê không tưởng đã trở thành những giai thoại đẹp với hầu hết các đồng nghiêp trong nghề.
Vĩnh biệt võ sư Thu Vân - người đưa võ nghệ vào sân khấu
Tin võ sư Thu Vân qua đời khiến nhiều thế hệ học trò của bà không khỏi tiếc thương
Trước khi võ sư Thu Vân qua đời hay lâm vào bệnh tật, năm 2005, bà về làm Giám đốc Trung tâm đào tạo Võ thuật–Sân khấu–Điện ảnh–Cascadeur tại trường Đại học Hồng Bàng. Với sự năng nổ của mình, bà đã giúp trường phát triển rất mạnh đạt nhiều huy chương, bằng khen của các bộ môn bóng đá, cầu lông, võ thuật, ca múa toàn quốc.
NGƯT Nguyễn Thu Vân sinh ngày 17/10/1945 trong một gia đình có 11 anh chị em ở Hà Nội. Bà là một võ sư nổi tiếng đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển võ thuật cổ truyền và nghệ thuật sân khấu, điện ảnh Việt Nam.
Năm 1962, là diễn viên của đoàn cải lương Nam bộ và sau này là giảng viên môn vũ đạo cải lương tại trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TP.HCM.
Trong suốt quá trình hoạt động, võ sư Thu Vân từng ra mắt sách: Võ thuật ứng dụng trên sân khấu -điện ảnh, Võ thuật cơ bản môn phái Nguyễn Phương Danh, Thu Vân quốc tế võ đạo, Sự tuyệt diệu của võ cổ truyền cho phái nữ, Giữ lại chất ngọc cho nghề… cũng như từng sáng tạo ra Bộ môn Võ nghệ thuật để đưa vào Sân khấu cải lương và điện ảnh.
Vĩnh biệt võ sư Thu Vân - người đưa võ nghệ vào sân khấu
Võ sư Thu Vân và nghệ sĩ cải lương cải lương Lệ Thủy
Trong số này có đến 8 tập tài liệu là nền tảng như các tư thế đánh quyền cước, mã tấu, song kiếm, phối hợp giữa múa võ thuật... làm giáo trình giảng dạy cho học sinh. Biến những chiêu thức Võ cổ truyền thành những điệu múa mềm mại, uyển chuyển giúp người xem cảm nhận được cái hay cái đẹp của Võ cổ truyền dân tộc và trở nên gần gũi như lời ca tiếng hát rất hấp dẫn...
Năm 2002 bà về nghỉ hưu. Bà đã tham gia đào tạo hơn 30 khóa diễn viên kịch, cải lương, điện ảnh cho các trường nghệ thuật trong Nam, ngoài Bắc, được C hủ tịch nướcphong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1997.
Vĩnh biệt võ sư Thu Vân - người đưa võ nghệ vào sân khấu
Võ sư Thu Vân nhận hoa từ đạo diễn cải lương và cũng là võ sư Lý Huỳnh
Nhận xét về bà, Giáo sư Trần Văn Khê từng nói: "Thu Vân đã đi đến bước cao nhất của nghệ thuật: nghệ thuật vị nhân sinh. Trong đó, Thu Vân biến thành tiên, đem con mắt cho người không thấy, đem lỗ tai cho người không nghe. Sức khỏe yếu kém vì bạo bệnh nhưng Thu Vân đã đòi lại sức sống, không phải cho mình mà cho trẻ khuyết tật. Đối với tôi, Thu Vân có hạnh Bồ Tát. Thu Vân là một người toàn vẹn, không chỉ có tài mà còn có đức, có tâm”.
Võ sư Thu Vân từng đóng thế rất nhiều phim và vở cải lương, trong đó nổi bật thế vai Lệ Thủy trong video cải lương: Cát bụi hồng trần, chỉ đạo võ thuật phim Kỳ tích núi Bà Đen. Bà cũng đã tham gia các bộ phim nước ngoài như: Miền Nam xa xăm, Hồng Hải tặc, Kế hoạch 99, Người Mỹ trầm lặng...
Vĩnh biệt võ sư Thu Vân - người đưa võ nghệ vào sân khấu
Võ sư Thu Vân bên cạnh các bạn bè quốc tế
Hơn 50 năm theo nghiệp, bà gần như cả đời gắn liền với võ thuật và nghệ thuật. Học trò bà là hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi thành danh như: Cảnh Đôn, Phương Điền, Lê Bảo Trung, Lý Hùng, Ngọc Hiệp, Mộng Vân… Trước khi v
õ sư Thu Vân qua đời, trong những ngày trên bệnh viện, bà vẫn mong muốn nếu có kiếp sau, xin cho bà được làm nhà giáo và hoạt động trong nghệ thuật...
Hiện linh cữu của NGƯT - Võ sư Thu Vân đang ở nhà Tang lễ Bệnh viện Thống Nhất Số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình. Lễ nhập quan diễn ra vào 17h ngày 14/04/2017 còn lễ động quan diễn ra lúc 11h ngày 18/04/2017, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Lữ Đắc Long
 

Nhà giáo ưu tú - võ sư Thu Vân: Mang hơi ấm từ ngọn lửa nhỏ!


Tin nhà giáo ưu tú, võ sư Nguyễn Thu Vân từ trần làm nhiều người yêu quý bà không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Ngọn lửa thắp lên trái tim yêu nghề, yêu đời, yêu người cho biết bao thế hệ đã tắt giữa một ngày tháng tư.
Vĩnh biệt võ sư Thu Vân - người đưa võ nghệ vào sân khấu
Nhà giáo ưu tú - võ sư Thu Vân đang dạy võ cho các em khuyết tật. Ảnh: T.L
Tận tâm với nghề
Trước khi qua đời, võ sư Thu Vân đã chiến đấu với bệnh tật một thời gian dài. Dẫu vậy, nghị lực phi thường trong người phụ nữ bé nhỏ ấy chưa lúc nào làm bà bi quan, chán nản. Bà lại càng gắng sức nhiều hơn và lấy việc dạy võ cho trẻ khuyết tật làm động lực tiếp tục sống.
Sinh năm 1945, võ sư Thu Vân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền ở Việt Nam. Theo nam cascadeur Quốc Thịnh, bà Thu Vân là một trong những người đi tiên phong của giới cascadeur Việt Nam. Năm 1992, bà tham gia sáng lập câu lạc bộ cascadeur đầu tiên. Nữ võ sư từng góp mặt trong các phim “Tây Sơn hiệp khách”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Hồng hải tặc”, “Bước qua quá khứ”...
Là một võ sư nổi tiếng đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển võ thuật cổ truyền và nghệ thuật sân khấu, điện ảnh Việt Nam, những ai từng được võ sư Thu Vân giảng dạy, từng có cơ hội được làm việc chung với bà dường như lúc nào cũng thấy bà đầy “lửa” với nghề. Năm 1989, võ sư Thu Vân được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu cao nhất của ngành võ và trở thành Trưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền của TP.HCM. Năm 1997, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đây là thành quả cho những nỗ lực, cố gắng bền bỉ suốt những năm dài của võ sư Thu Vân. Từng là đồng nghiệp với võ sư Thu Vân tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, đạo diễn Lê Văn Tỉnh có nhiều kỷ niệm gắn bó với võ sư Thu Vân. Trong mắt ông và đồng nghiệp, nữ võ sĩ Thu Vân là một cô giáo tận tâm với nghề, luôn giúp đỡ học trò từ những bước đi đầu tiên. “Võ sư Thu Vân chẳng khi nào phiền hà việc giúp đỡ người khác. Tôi nhớ có lần mình bị đau, bà đến thăm tôi, gửi thuốc để tôi uống mau phục hồi sức khỏe. Nhiệt tình với những người xung quanh, đam mê với nghề nghiệp, luôn có mặt trên mọi nẻo đường vì tình yêu với công việc nên dễ hiểu vì sao, võ sư Thu Vân luôn được nhiều người yêu quý”, đạo diễn Lê Văn Tỉnh cho biết.
Năm 2005, bà về làm Giám đốc Trung tâm Đào tạo Võ thuật - Sân khấu - Điện ảnh - Cascadeur tại Trường ĐH Hồng Bàng. Mong muốn truyền lại những kiến thức về võ thuật và vũ đạo của mình, võ sư Thu Vân đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị như: “Võ thuật ứng dụng trên sân khấu - điện ảnh”, “Võ thuật cơ bản môn phái Nguyễn Phương Danh - Thu Vân quốc tế võ đạo” và “Sự tuyệt diệu của võ cổ truyền cho phái nữ”... Bà cũng là người đã sáng tạo ra bộ môn võ nghệ thuật để đưa vào sân khấu cải lương và điện ảnh.
Đam mê được cống hiến
Võ sư Thu Vân đã ba lần sang Pháp, truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam cho tám võ đường ở Paris. Khi mang trong người căn bệnh ung thư nhưng bà vẫn nhận lời mời mang nét đẹp võ dân tộc truyền bá đến xứ người.
Năm 2002 khi về nghỉ hưu, bà đã tham gia đào tạo hơn 30 khóa diễn viên kịch, cải lương, điện ảnh cho các trường nghệ thuật trong Nam, ngoài Bắc. Tang lễ của Nhà giáo ưu tú - nghệ sĩ - võ sư Thu Vân được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (số 1 Lý Thường Kiệt, P.7, quận Tân Bình, TP.HCM). Lễ nhập quan lúc 17 giờ ngày 14-4, lễ động quan 11 giờ ngày 18-4, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM.
Được võ sư Thu Vân trực tiếp giảng dạy nhiều năm liền, nhà báo, cascadeur Lữ Đắc Long luôn xem võ sư Thu Vân như thần tượng của mình. Anh luôn quan sát, lắng nghe, góp nhặt những bài học về nghề, về kinh nghiệm sống của người cô mà anh quý mến, trân trọng truyền dạy lại. “Võ sư Thu Vân là người có ảnh hưởng nhiều đến tôi trên con đường sự nghiệp. Dường như lúc nào tôi cũng thấy cô trong tâm thế làm việc hăng say, hết mình, tận tâm truyền cho các môn sinh những thế võ lợi hại, bí kíp độc đáo mà cô may mắn được tiền bối truyền dạy. Có những chương trình, đáng lý cô ngồi ở hàng ghế dành cho lãnh đạo nhưng cô luôn lăng xả, hỗ trợ mọi người hết mình”, nhà báo, cascadeur Lữ Đắc Long chia sẻ.
Biết bao thế hệ học trò đã được võ sư Thu Vân giảng dạy, truyền nghề. Cuộc đời võ sư Thu Vân đã dành trọn vẹn cho võ thuật. Bà cứ lặng lẽ tận tụy với nghề, không bận tâm đến sự nổi tiếng. “Khi tham gia đoàn làm phim Tây Sơn Hào Kiệt, võ sư Thu Vân để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người bởi sự nhiệt tình, cần mẫn dẫu khi ấy, bà đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Tôi còn nhớ có những ngày quay phim “Tây Sơn Hào Kiệt” đến tận 1 giờ sáng nhưng võ sư Thu Vân vẫn không tỏ vẻ mệt mỏi. Cô luôn cố gắng để làm tốt mọi việc, không phiền hà đến ai”, nghệ sĩ Lý Hùng kể lại.
Dường như đối với bà không bao giờ có cụm từ “nghỉ ngơi”. Chính vì vậy, cho dù là thời còn tuổi trẻ, hay khi trên đầu đã hai thứ tóc và cả khi phải chiến đấu với bệnh tật, võ sư Thu Vân vẫn luôn được những bạn đồng hành đủ mọi lứa tuổi yêu quý, nể trọng. Ngọn lửa huyền thoại của võ thuật Việt Nam đã vụt tắt ở tuổi 73 trong niềm tiếc thương của nhiều người.
Yên Hà
Nguồn: cailuongvietnam.com

Tiễn đưa nữ võ sư Thu Vân về nơi an nghỉ

18/04/2017 13:50 GMT+7
    TTO -  Đúng 11h ngày 18-4, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM gia đình cùng học trò, đồng nghiệp, người ái mộ đã tiễn đưa võ sư Thu vân về nơi yên nghỉ cuối cùng.
    Tiễn đưa nữ võ sư Thu Vân về nơi an nghỉ
    Người nhà võ sư Thu Vân đau buồn tiễn đưa người thân về chốn vĩnh hằng - Ảnh: DUYÊN PHAN
    Đến nhà tang lễ từ lúc 10h, NSƯT Thành Lộc, học trò võ sư Thu Vân, ngồi lặng lẽ một góc bàn hướng mắt nhìn linh cữu cô giáo.
    Anh tâm sự: “Tôi là lứa học trò khóa 3, niên khóa 1978- 1982 Trường Nghệ thuật sân khấu 2, cô Thu Vân dạy môn vũ đạo cải lương. Mặc dù là sinh viên kịch nói nhưng tôi thích học môn vũ đạo của cô Thu Vân lắm. Bởi cô chưa bao giờ nhận mình là thầy của bất kỳ ai.
    Cô vừa dạy vừa học những cái hay ở học trò. Cô và trò như những người bạn cùng trao đổi về vũ đạo chứ không có khoảng cách thầy trò. Tôi và cô hoạt động ở hai lĩnh vực khác nhau, số lần gặp nhau không nhiều.
    Tôi nhớ trong một lần gặp mặt, cô lật giở album ảnh “khoe” với tôi  cô vừa đi Pháp biểu diễn về.  “Tui cũng có học trò người Pháp á nha”, cô nói rồi cười tít mắt. Cô Thu Vân lúc nào cũng vậy. Hồn nhiên lắm…”.
    Tại tang lễ, người bạn từ những ngày chập chững vào nghề cùng sinh hoạt chung câu lạc bộ Cascadeur trực thuộc Hội Điện ảnh TP.HCM những năm 1990, ông Lê Công Thế bày tỏ cảm xúc: “Hồi đó chị Vân nhiệt tình lắm. Câu lạc bộ đâu có tiền sinh hoạt định kỳ hằng tuần hằng tháng gì đâu. Chị bỏ tiền túi ra lo cho anh em để mọi người không nản chí mà vững lòng sinh hoạt.
    Cuộc đời chị đi khắp nơi, mang tình yêu nghề võ đi truyền cho bao người. Nay chị nằm xuống, tôi tiếc thương vô hạn. Nhưng tôi tin chị ra đi thanh thản, đồng nghiệp và thế hệ học trò vẫn luôn nhớ ơn chị”.
    Võ sư Trần Hữu Hoàng tuổi đã ngoài 80 cũng đến thắp nhang tiễn đưa học trò Thu Vân. “Ngày đó, Thu Vân đã là võ sư, đã đi dạy, đi biểu diễn khắp nơi và được khán giả biết đến. Nhưng cô vẫn tới gặp tôi “bái sư” học võ.
    Thu Vân thua tôi vài tuổi nhưng vẫn gọi tôi bằng thầy. Cô là học trò nữ duy nhất của lớp tôi. Thu Vân ham học hỏi, hăng say luyện tập và luôn tìm hiểu sáng tạo các thế võ. Tôi thật sự tiếc thương và xót xa khi hay tin Thu Vân mất. Tôi mong Vân lên đường thanh thản…”.
    Dòng người viếng tang lễ đứng xếp thành hàng dài đưa tiễn võ sư Thu Vân trong niềm tiếc thương...
    Võ sư, Nhà giáo ưu tú Thu vân qua đời lúc 10h30 ngày 14-4 tại bệnh viện NguyễnTrãi TP.HCM, hưởng thọ 73 tuổi. Linh cữu võ sư Thu Vân được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM.
    Tiễn đưa nữ võ sư Thu Vân về nơi an nghỉ
    Võ sư Trần Thế Hoàng đứng lặng lẽ một góc - Ảnh: DUYÊN PHAN
    Tiễn đưa nữ võ sư Thu Vân về nơi an nghỉ
    NSUT Thành Lộc có mặt từ rất sớm để tiễn đưa võ sư Thu Vân - Ảnh: DUYÊN PHAN
    Tiễn đưa nữ võ sư Thu Vân về nơi an nghỉ
    Linh cữu của võ sư Thu Vân được đưa từ nhà tang lễ ra nghĩa trang Bình Hưng Hòa - Ảnh: DUYÊN PHAN
    Tiễn đưa nữ võ sư Thu Vân về nơi an nghỉ
    Sự ra đi của võ sư Thu Vân để lại niềm tiếc thương cho nhiều người - Ảnh: DUYÊN PHAN
    Tiễn đưa nữ võ sư Thu Vân về nơi an nghỉ
    Rất đông bạn bè thân hữu đã đến tiễn đưa võ sư Thu Vân - Ảnh: DUYÊN PHAN
    Tiễn đưa nữ võ sư Thu Vân về nơi an nghỉ
    Cascadeur Lê Thế đau buồn trước sựu ra đi của đồng nghiệp - Ảnh: DUYÊN PHAN
    ĐỖ TRƯỜNG

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    MIỀN TÂY HOANG DẠI

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/153

    VẪN THẾ MÀ!