Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

KÝ ỨC CHÓI LỌI 63

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                Khâm phục trình độ sáng tạo cải tiến vũ khí chỉ có ở Việt Nam

Nguyễn Thị Thu, người phụ nữ Vũng Liêm trung kiên, bất khuất (1)

Năm 1954, Vũng Liêm phát động phong trào vận động phụ nữ xung phong lấy chồng thương binh, người có công hiến một phần xương máu cho kháng chiến thắng lợi. Nguyễn Thị Thu vừa tròn 19 tuổi, lúc bấy giờ là cán bộ Phụ nữ cứu quốc xã Quới An, là đảng viên cộng sản – một trong những người con gái đi đầu trong cuộc vận động ấy.
Anh Hà Thành Mậu, thương binh hạng 3/4 (mất 4 ngón tay), Nguyễn Thị Thu đã kết nghĩa châu trần. Ngày đám cưới của hai đồng chí không có xe hoa, pháo hồng, chỉ có vòng hoa chiến thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở địa phương. Hưởng hạnh phúc không đầy một tháng, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nguyễn Thị Thu tiễn đưa chồng và người anh trai Nguyễn Việt Hồng xuống tàu đi tập kết mà nước mắt đầm đìa, hẹn với nhau chung thủy đợi chờ.
Sông Măng Thít có dòng nước xoáy
Rạch Vũng Liêm nước chảy vòng cung
Người đi xa cách nhớ nhung
Sống thì một dạ thủy chung đợi chờ.
Chị Nguyễn Thị Thu (Lệ Thu) còn có tên Nguyễn Thị Lệ Thu, tên thật là Dương Thị Thu (là con gái thứ năm trong gia đình có 9 anh em, có 3 liệt sĩ thời kỳ đánh Pháp và Mỹ). Lệ Thu sinh năm 1953, tại Trường Định, xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mẹ là ông Nguyễn Văn Tuội (*) và bà Lê Thị Mười, ở đợ cho địa chủ, không đủ tiền đóng thuế thân, bỏ xứ tha phương cầu thực bên dòng sông Trường Định, xã Quới An, miền châu thổ sông Cửu Long.
Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng thực hiện chính sách ruộng đất cho nông dân. Cha mẹ của Lệ Thu được nhận phần đất do Cách mạng tháng Tám đem lại. Cả gia đình và bà con xóm ấp bám chặt ruộng vườn, tích cực tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp, đóng góp nuôi quân và đưa những người con lớn vào bộ đội, tham gia hoạt động trong chính quyền cách mạng.
Nguyễn Thị Thu sinh ra và lớn lên trong thời kỳ quê hương bị chiến tranh tàn phá nên phải chịu bao cảnh mất mát thiệt thòi. Anh thứ ba là Nguyễn Văn Hồng – tình nguyện quân Cao Nguyên – hy sinh năm 1948. Lệ Thu mới học lớp 5, phải bỏ học vì chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Trong gia đình tuy đông anh em nhưng Lệ Thu là người chịu thương chịu khó giúp cha mẹ để các anh chị lớn đi tham gia kháng chiến.
Cuộc sống của Lệ Thu đi lên cùng những chiến công của nhân dân ta giành được, nhưng cũng là lúc giặc Pháp đang mở rộng chiến tranh trong kế hoạch “bình định gấp rút và phản công quyết liệt”. Ở Vũng Liêm, xã Quới An là xã cuối cùng giặc Pháp trở lại chiếm đóng, chúng đã gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Lòng Lệ Thu quặn đau khi thấy bà con mình bị giặc Pháp bắn chết, nhà cửa bị đốt cháy, xóm làng xác xơ. Nhìn quân thù mà lòng Lệ Thu căm giận.
Nguyễn Thị Thu vào Hội Phụ nữ cứu quốc xã, tích cực xây dựng Hội, vận động phong trào nuôi quân và thanh niên tòng quân giết giặc xâm lược. Rồi Lệ Thu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với niềm vui chung cả nước Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Hòa bình lập lại, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ khắp xóm làng.
Mùa xuân 1954, Lệ Thu gạt lệ tiễn chồng ra đi tập kết, hẹn rằng chờ đợi (sau hai năm Tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà), gia đình đoàn tụ. Bao lưu luyến, nhớ nhung cố nén lại nhưng dòng lệ cứ tuôn trào như báo trước một cuộc chia ly còn phải trải bao thử thách khắc nghiệt mà mỗi người phải phấn đấu tích cực mới vượt qua.
Đầu năm 1956, Mỹ – Diệm bội ước Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Đảng chủ trương đưa cán bộ – đảng viên bị lộ chuyển vùng hoạt động để che mắt địch. Nguyễn Thị Thu (Năm Thu) được điều về làm Bí thư xã Tân An Luông. Để đảm bảo bí mật hoạt động, Lệ Thu đã cải trang lúc thì mua bán gà vịt, lúc thì quảy gánh đi bán giá đậu xanh, nghi trang thật khéo léo. Cứ như thế, chỉ một thời gian ngắn, Lệ Thu đã tổ chức nhiều cơ sở ở 8 ấp trong xã, kể cả trong lòng địch. Tổ chức các mẹ, chị em vào tổ đấu tranh chính trị, vận động quần chúng đấu tranh thi hành hiệp nghị, tổ chức biến tướng đoàn thể cách mạng thành hội đình, hội miễu, hội banh và các vạn vần đổi công, qua đó đưa đường lối chủ trương của Đảng vào quần chúng. Do đó, được cấp trên tín nhiệm, quần chúng yêu thương, đùm bọc. Qua bao lần giặc càn, vây bắt, Lệ Thu đều thoát khỏi.
Kẻ thù vô cùng bực tức, tìm mọi cách truy lùng bắt Lệ Thu, nhưng được nhân dân che chở. Các cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển.  
Trần Hữu Vị - Theo sách Những người con trung hiếu
——————————-
(*) Tên thật Dương Văn Tuôi, quê ở miền Trung, vì nghèo phải trốn xâu, lậu thuế, bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực, phải thay tên đổi họ.

Nguyễn Thị Thu, người phụ nữ Vũng Liêm trung kiên, bất khuất (2)

Năm 1957, trong chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, địch tung hết lực lượng cảnh sát, bảo an, dân vệ và công dân vụ đi bắt dân tố cộng. Ở tại nhà đồng chí Bảy Huế, ấp 4 – xã Tân An Luông, trong cuộc họp, tên Ba Khương phản bội, bất ngờ dẫn lính ập đến. 4 cán bộ vào vách đôi, nhưng địch phát hiện, kêu gọi ra đầu hàng, nếu không thì chúng xả súng bắn. Để bảo vệ đồng đội, Lệ Thu xông ra nói : “Đừng bắn, chỉ có mình tôi thôi!”. Lệ Thu đỡ đầu họng súng, giằng co với giặc cho 3 cán bộ (trong đó có đồng chí Lê Ngọc Huế [Bảy Huế], sau này làm Bí thư Huyện ủy) thoát khỏi.
Địch bắt được Nguyễn Thị Thu mừng như đã thắng một trận lớn. Tại Khám đá Vũng Liêm, trong Phòng điều tra, tên quận Biên và Ba Sáu ác ôn đã hành hạ Lệ Thu bằng mọi cực hình man rợ nhất, tra khảo để tìm ra các cơ sở hoạt động của Lệ Thu. Chị cứ trơ như đá, vững như đồng, không một lời khai báo. Đến khi địch dùng kim đâm vào 10 ngón tay, chị lại thét to : “Tao không biết ai là cộng sản, bây đừng hòng làm nhụt ý chí của tao!”. Lệ Thu đưa hai bàn tay lên trời, đóng mạnh vào tường cho ngập cả 10 cây kim vào 10 ngón tay. Trước hành động gan dạ tuyệt vời đó, kẻ địch đã thua chị. Chúng lại tiếp tục dùng hàng chục cách độc ác khác để tra khảo Lệ Thu. Dã man nhất là bọn Mỹ – ngụy dùng con lươn cho chui vào “cửa mình”. Chị vẫn cắn răng chịu đựng. Thâm độc hơn nữa, chúng dùng họng lave (bia) sục lên đưa vào “cửa mình”, làm chị chết đi sống lại nhiều lần. Nhưng người nữ đảng viên cộng sản – Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Thu đều thể hiện sự trung kiên, bất khuất trước mặt quân thù, không khai báo nửa lời để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.
Bọn địch bất lực, thất vọng trước một người phụ nữ gan dạ. Chúng đày chị đi các nhà tù : khám Vĩnh Long, Chí Hòa và Phú Lợi, trong các chuồng cọp, khám chẹt, khám tối. Cứ như thế, chúng tiếp tục khảo tra với tất cả nhục hình. Một thân hình vốn đã mảnh mai nay trở nên gầy yếu và xơ xác. Trong các nhà tù, Lệ Thu luôn luôn nhạy bén, hoạt bát, thương yêu đồng đội, thu hút tình cảm của mọi người nên Lệ Thu cùng Ban lãnh đạo trong tù vận động được đông đảo chị em tù nhân liên tục đấu tranh : không chào cờ ngụy, đòi quyền dân chủ, đòi cải thiện đời sống chế độ tù…
Cuối cùng, không đủ bằng chứng để kết tội, địch đã thả Nguyễn Thị Thu và chị Ba Hạnh (xuội cả tay chân) về để làm lung lay ý chí người khác. Lệ Thu dìu bạn lê từng bước về vùng giải phóng. Trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn, Lệ Thu tiếp tục hoạt động cách mạng.
Năm 1960, Nguyễn Thị Thu đã trở thành Huyện ủy viên, tích cực lãnh đạo phong trào phụ nữ huyện, vận động đắc lực trong cuộc “Đồng khởi” ngày 14/9/1960. Lệ Thu cùng Đảng bộ lãnh đạo toàn dân nổi dậy bằng ba mũi giáp công, quét sạch hệ thống kềm kẹp cơ sở của địch, giải phóng 60/79 ấp và hơn 80.000 dân. Từ năm 1960 – 1964, Lệ Thu cùng Ban lãnh đạo Đảng bộ tổ chức các mẹ, các chị em đi đấu tranh trực diện với địch trên 4.000 cuộc với 40.000 lượt người tham gia. Phong trào nổi dậy phá ấp chiến lược trở về ruộng vườn cũ của nông dân, phụ nữ đóng vai trò tích cực. Học tập gương bất khuất của Nguyễn Thị Thu, Đảng bộ đã phát động nhiều mẹ, nhiều chị em Vũng Liêm mỗi lần đi đấu tranh chính trị thà hy sinh chứ không chịu lùi bước, bằng tay không dám đánh trả kẻ địch có vũ khí để giải vây cho những người bị bắt. Nhiều người đã ngã xuống, hoặc bị đánh đập, tù đày mà không run sợ, tinh thần vẫn bình thản ung dung, sáng đi đấu tranh trực diện, chiều về sản xuất, tiếp lương, tải đạn không hề biết mệt mỏi.
Tháng 5/1964, nơi họp BCH Huyện ủy bị địch phát hiện. Nguyễn Thị Thu liền nghĩ cách cải trang đi xúc cá tép dưới sông để tìm hiểu địch và địa hình bí mật, điều hết cán bộ trong cuộc họp ra khỏi vòng vây địch. Nhưng sau đó, một chiếc L.19 (đầm già) quan sát phát hiện. Chúng điện cho lính bảo an và Sư đoàn 9 đang hành quân càn quét. Tên Ba Sáu nhận ra Lệ Thu và ra lịnh bắn bỏ. Tên thiếu úy bảo an bắn chị nát một bên đùi, Lệ Thu hô to : “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam muôn năm!”. Trước hành động gan dạ đó, một tên trung úy Sư đoàn 9 (có người nói Binh vận) nói : “Xưa nay, tôi thấy rất nhiều người con gái Việt cộng gan dạ, nhưng chưa thấy ai bằng tên này. Thật là một người con gái anh hùng! Cho tôi nhận để khai thác và hành quyết tên nữ Việt cộng này!”. Nhưng sau đó, tên trung úy bảo y tế băng bó kỹ vết thương cho Lệ Thu và gửi lại cho gia đình má Năm chăm sóc. Khi địch rút quân, nhân dân chở Lệ Thu vào Dân y huyện. Ở đó, được y – bác sĩ hết lòng cứu chữa, Lệ Thu đã hồi phục và tiếp tục hoạt động cách mạng.   
Trần Hữu Vị - Theo sách Những người con trung hiếu

Nguyễn Thị Thu, người phụ nữ Vũng Liêm trung kiên, bất khuất (3)

Năm 1965, từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển thành “Chiến tranh cục bộ”, tăng cường quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam. Ở Vũng Liêm, Mỹ bắt đầu đưa lính Mỹ trực tiếp càn quét lúc cao điểm. Hạm đội nhỏ trên sông, pháo bầy (nhân dân thường gọi dàn nhạc Tân Tây Lan) bắn phá tan nát xóm làng, chất độc khai hoang triệt phá địa hình. Lệ Thu đã tổ chức các mẹ, các chị em vào xã – quận – tỉnh, vào Ban chỉ huy hành quân tố cáo Mỹ rải chất độc hóa học, bắn pháo vào dân, chống địch gom dân lập ấp đời mới… dấy lên thành cao trào du kích chiến tranh, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp ba mũi giáp công, lôi cuốn được đông đảo phụ nữ tham gia ở toàn huyện. Hầu như gia đình nào cũng có từ 1 đến 2 – 3 người đi đấu tranh trực diện với quân thù. Mặc dù mỗi cuộc đấu tranh đều bị địch đàn áp và có người hy sinh, nhưng không vì thế mà mọi người lùi bước. Địch gọi các mẹ, chị em là “bộ đội tóc dài” đáng sợ.
Có một lần, do yêu cầu cần thiết trong cuộc đấu tranh, Nguyễn Thị Thu dẫn đầu đoàn biểu tình kéo vào thị xã Trà Vinh. Địch dồn chị em vào sân vận động Vĩnh Bình phơi nắng. Tên Tỉnh trưởng ra khuyến dụ một hồi, hứa nếu ai đối được thì thả mọi người tự do ra về. Tỉnh trưởng đọc :
“Đi lính quốc gia vàng đeo đỏ cổ
Đi lính cụ Hồ cực khổ muôn năm”.
Lệ Thu đứng lên nói : “Tỉnh trưởng nói thì phải nhớ giữ lời hứa, không được làm khó dễ bà con nghen!”. Rồi chị đọc vế đối :
“Đi lính quốc gia vàng đeo có lúc
Đi lính cụ Hồ hạnh phúc muôn năm”.
Tỉnh trưởng đã thua chị.
Năm 1967 là năm chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, động viên sự nỗ lực lớn nhất của toàn dân, của cả miền Nam tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Lúc này, Lệ Thu là Thường vụ Huyện ủy, Hội trưởng Phụ nữ giải phóng huyện. Chị cùng với BCH Huyện hội, các đoàn thể trong Mặt trận dân tộc giải phóng tích cực vận động đồng bào góp sức người sức của cho cách mạng. Đã có nhiều gia đình vui vẻ hiến lúa gạo, heo bò, vòng vàng và có gia đình hiến cả nửa gia tài.
Đêm 30 Tết năm Mậu Thân, cùng cả miền Nam, Vũng Liêm đồng loạt tấn công vào các chi khu, quận lỵ, công sở tề, đồn bót và ấp chiến lược của địch. Riêng mũi chính trị do Lệ Thu chỉ đạo đã nổi dậy phối hợp địa phương quân và du kích giải phóng hai xã, tiêu diệt hơn 350 tên địch, vận động 6 vụ khởi nghĩa mang 23 súng về với cách mạng. Quần chúng nổi dậy 1.014 cuộc với 9.487 lượt người tham gia, góp phần cùng quân dân miền Nam thúc đẩy quân Mỹ chuyển hướng chiến lược chiến tranh, chịu ngồi đàm phán với Chính phủ ta, rút quân Mỹ và chư hầu về nước.
Tháng 11/1968, cơ quan Huyện ủy và Huyện hội Phụ nữ về đóng tại Quang Đước (xã Trung Hiệp). Địch phát hiện, điều 3 đại đội biệt động quân tỉnh, bảo an và dân vệ, tổng số gần 3.000 tên đến bao vây ngày đêm (từ ngày 3 -5/12/1968). Chúng dàn đều quân phát quang cả một ấp. Sau đó, bọn lính dùng chĩa để xom tìm hầm bí mật. Trong tình huống hết sức phức tạp, Lệ Thu chỉ huy các chiến sĩ bảo vệ chiến đấu dũng cảm và khéo léo đưa hết cán bộ ra khỏi vòng vây của địch. Lúc này còn lại cái hầm bí mật của Lệ Thu và đ/c Ba Hạnh, địch xom trúng và kêu gọi đầu hàng. Lệ Thu đứng dậy tung nắp hầm, cầm súng lục bắn từng tên địch, kềm chế cho đ/c Ba Hạnh – Hội phó Phụ nữ – thoát thân an toàn. Sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng làm chết 3 tên địch rồi ném khẩu súng vào đầu lũ giặc, Nguyễn Thị Thu cùng 4 chiến sĩ bảo vệ ngã xuống như những người anh hùng. Chị đã trọn đời thủy chung, trung kiên, bất khuất và triệt để cách mạng, thà chết không đầu hàng quân giặc.
Nguyễn Thị Thu là người cán bộ chính trị, đảng viên cộng sản trung kiên, mẫu mực. 15 năm hoạt động cách mạng, ba lần giáp mặt với quân thù, ba lần chiến thắng. Ở hoàn cảnh nào, Lệ Thu cũng thể hiện vai trò tiền phong gương mẫu, nhận việc khó về mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với kẻ thù thì kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, đối với đồng bào, đồng chí thì hiền từ, mẫu mực, đôn hậu, dịu dàng, được dân yêu, đồng đội cảm mến. Chị là một mẫu người phụ nữ hoàn thiện, luôn nêu cao ý chí tổ chức kỷ luật, biết bảo vệ lẽ phải, tôn trọng sự thật, không giấu diếm thiếu sót, nhược điểm.
Ghi nhận công lao đóng góp cách mạng của Nguyễn Thị Thu, Nhà nước đã khen tặng :
- Huân chương Chiến công hạng Nhất
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
- Huân chương Giải phóng hạng Nhất
- Huân chương Quân công hạng Nhì.
Ngày 23/5/2005, Nguyễn Thị Thu được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký Quyết định số 494/CTN truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trần Hữu Vị - Theo sách Những người con trung hiếu

Trần Thanh Liêm, người mũi trưởng đánh sân bay Vĩnh Long (1)

Liệt sĩ Trần Thanh Liêm (*), sinh năm 1941, quê quán xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Đồng chí tham gia cách mạng năm 1960, là du kích xã Phong Hòa. Tháng 6/1962 được chọn đi học đặc công. Tháng 6/1963 bổ sung vào trung đội đặc công Tỉnh đội Vĩnh Long, là chiến sĩ đặc công, đoàn viên. Sau đó, đồng chí được đề bạt Tiểu đội trưởng.
Tháng 4/1965, Trần Thanh Liêm được đề bạt Trung đội phó và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1966, đồng chí được đề bạt Trung đội trưởng đặc công, rồi Đại đội phó đặc công Tỉnh đội Vĩnh Long.
Lúc hy sinh, Trần Thanh Liêm là Đại đội phó Đại đội 203, Tiểu đoàn 857 bộ đội địa phương tỉnh Vĩnh Long.
Đồng chí Trần Thanh Liêm là cán bộ được rèn luyện thử thách từ người chiến sĩ đặc công của Tỉnh đội. Sau nhiều năm chiến đấu, ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, có tư tưởng vững vàng và căm thù giặc sâu sắc, được đồng đội tin tưởng quý mến vì những hành động dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong những trận tấn công đồn tiêu diệt địch.
Đầu năm 1967, địch tăng cường bình định ác liệt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Hệ thống đồn bót, khu trù mật, hậu cứ địch được xây dựng dày đặc để kềm kẹp nhân dân, đàn áp cách mạng. Trước tình hình khó khăn đó, yêu cầu chiến đấu của bộ binh ngày càng cao, cần phải có cách đánh đặc công hóa bộ binh mới phá vỡ được kế hoạch bình định của địch. Vì vậy, Tỉnh đội quyết định điều đồng chí Liêm từ Đại đội đặc công về Tiểu đoàn 857 của tỉnh, đảm nhiệm chức vụ Đại đội phó Đại đội 203 – Tiểu đoàn 857. Đồng chí đã huấn luyện cho Đại đội 203 trở thành đại đội đặc công hóa bộ binh theo yêu cầu chỉ đạo điểm của Đảng ủy Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 857. Sau hơn 4 tháng vừa huấn luyện vừa chiến đấu, Đại đội 203 đã thật sự đủ khả năng đánh công đồn và phá hậu cứ địch.
Tháng 5/1967, yêu cầu khẩn trương phải tiêu diệt đồn Trà Khiết – xã Mỹ Thuận – huyện Bình Minh. Nhiệm vụ được giao cho Đại đội 203 và đồng chí Liêm trực tiếp chỉ huy. Thời gian nghiên cứu thực địa chỉ có một đêm. Với quyết tâm cao và mưu trí linh hoạt, nhận định đúng về địch, đại đội bước vào chiến đấu. Sau hơn 30 phút chiến đấu quyết liệt, đơn vị đã chiếm được hai góc của đồn Trà Khiết bố trí theo kiểu hình tam giác. Địch trong đồn bị tiêu diệt một số, chúng co cụm về một góc còn lại và phản ứng quyết liệt, cầm cự chờ cứu viện. Các mũi tiến công của đại đội hầu hết đã bị thương vong. Trước những khó khăn ác liệt, đồng chí Liêm đã nhanh chóng tổ chức một tổ nghi binh đánh lạc hướng. Riêng đồng chí cùng với hai chiến sĩ đã mưu trí luồn lách, ép sát góc tam giác còn lại, dùng thủ pháo, lựu đạn tiêu diệt toàn bộ quân giặc ngoan cố. Đại đội 203 làm chủ đồn Trà Khiết, tiêu diệt toàn bộ một trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng.
Tháng 9/1967, đồng chí Liêm trực tiếp chỉ huy Đại đội 203 kết hợp với Đại đội 205 có nhiệm vụ diệt đồn Bình Tiên và một đại đội cảnh sát dã chiến đóng quân ở chùa gần đồn Bình Tiên. Sau khi trinh sát kỹ địa hình, hai đại đội làm kế hoạch hợp đồng chiến đấu, cụ thể : Đại đội 203 đánh chiếm đồn Bình Tiên, Đại đội 205 đánh một đại đội cảnh sát dã chiến đang hành quân dã ngoại. Khi đưa quân vào theo kế hoạch thì trinh sát cơ sở báo cho biết hiện có 10 đoàn bình định đang ở trong đồn Bình Tiên cùng với một trung đội dân vệ. Đây là tình hình khó khăn cho mũi tiến công của đại đội vì quân số địch tăng lên rất đông so với dự kiến. Với quyết tâm đã ra quân là phải đánh, đã đánh là phải thắng, đồng chí Liêm suy nghĩ : “Nếu diệt được 10 đoàn bình định sẽ có ý nghĩa lớn đối với trận đánh này vì ngăn chặn được kế hoạch bình định của địch”. Vậy đánh bằng cách nào khi địch mạnh hơn ta cả về binh lực và hỏa lực? Đồng chí quyết định tổ chức các mũi tiến công theo phương án đã hợp đồng kết hợp với đột nhập lót ổ theo cách đánh nở hoa trong lòng địch. Lực lượng lót ổ chỉ có Trần Thanh Liêm và 2 đồng chí. Thực hiện thành thạo các động tác đặc công, tổ đột nhập đã vào đúng theo ý định an toàn. Đến giờ điểm hỏa, ngoài đánh vào, trong đánh ra làm bất ngờ, hỗn loạn quân địch, là thời cơ tốt nhất để lực lượng Đại đội 203 và Đại đội 205 tiêu diệt đồn Bình Tiên và đại đội cảnh sát dã chiến. Kết quả trận đánh này, ta tiêu diệt và bắt sống 21 tên, thu toàn bộ súng các loại và quân trang quân dụng.
PHẠM CÔNG LỘC – Theo sách “Những người con trung hiếu”           
——————————-
(*) Trần Thanh Liêm còn gọi là Trần Văn Liêm

Trần Thanh Liêm, người mũi trưởng đánh sân bay Vĩnh Long (2)

Chiến dịch Tổng tấn công xuân 1968, Tiểu đoàn 857 được Quân khu 9 giao nhiệm vụ đánh tiêu diệt sân bay Vĩnh Long với 66 máy bay các loại, trên 150 tên Mỹ gồm sĩ quan, chuyên viên kỹ thuật, giặc lái.
Khi nhận nhiệm vụ đánh sân bay, cán bộ – chiến sĩ Tiểu đoàn 857 rất phấn khởi. Nhưng có một điều lo lắng là tiểu đoàn chưa nghiên cứu sân bay. Chỉ có đại đội đặc công được nghiên cứu chiến đấu.
Tiểu đoàn làm phương án chiến đấu. Muốn đánh chiếm sân bay phải có mũi thọc sâu. Đây là lực lượng quyết định cho thắng lợi của trận đánh.
Cán bộ được triệu tập, phát động chọn người mũi trưởng. Tất cả biết rằng, đánh mũi trưởng mũi thọc sâu vào sân bay có thể hy sinh. Hàng trăm cán bộ – chiến sĩ đưa tay quyết tâm. Đồng chí Liêm không để tay xuống nếu không được chọn.
Với tài năng, bản lĩnh chỉ huy và lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết tâm hoàn thành thắng lợi trận đánh”, đồng chí Liêm đã được chọn làm mũi trưởng mũi thọc sâu đánh vào sân bay Vĩnh Long.
Tinh thần dũng cảm và lời hứa nhiệt huyết của Trần Thanh Liêm đã thể hiện qua hành động. Sau tiếng nổ bộc phá cuối cùng, cửa mở đã thông. Hỏa lực địch ngăn chặn quyết liệt, nhưng mũi thọc sâu do đồng chí Liêm làm mũi trưởng như mũi tên lao thẳng vào tim quân thù.
Đang đánh chiếm đường băng thứ nhất thì một tốp quân Mỹ ra ngăn chặn, cả mũi thọc sâu dũng cảm kiên cường tiêu diệt và đẩy lùi bọn này.
Tiếng hô xung phong của đồng chí mũi trưởng đã thúc giục toàn đội hình không sợ hy sinh, xông lên tiêu diệt từng tên Mỹ và chiếm đường băng thứ hai. Mục tiêu phải đạt được của mũi thọc sâu là dùng thủ pháo phá hủy máy bay. Gần 33 phút chiến đấu, tiếng thủ pháo nổ liên tục. Kết quả là 63 máy bay các loại đã bị phá hủy. Mỹ đưa xe “nồi đồng” phản kích, bịt cửa mở của ta. Đồng chí động viên anh em hãy bình tĩnh và sáng tạo trong chiến đấu. Đồng chí cùng một tổ phát triển đánh cháy kho đạn rốc-két. Đây là kho đạn đầy tội ác của giặc Mỹ đổ lên đầu người dân vô tội. Đạn trong kho nổ tứ tung cùng phản ứng dữ dội của xe “nồi đồng”, nhưng mũi tiến công của đồng chí Liêm vẫn phát triển đến kho xăng của sân bay, sau khi đánh cháy kho xăng mới chịu rút ra để bảo toàn lực lượng. Khi lọt vào hàng rào phòng ngự chống xung phong của địch, Trần Thanh Liêm đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đồng chí đã hy sinh lúc 5 giờ ngày mùng Một Tết năm 1968.
Trận đánh vào hậu cứ sân bay Vĩnh Long, lực lượng không cân xứng, địch 10 ta 1, hỏa lực địch hơn hẳn ta, nhưng ta có lòng dũng cảm, chí căm thù giặc của cán bộ – chiến sĩ, tiêu biểu là đồng chí Trần Thanh Liêm, Đại đội phó, mũi trưởng mũi thọc sâu. Ta đã tiêu diệt và phá hủy 63 máy bay, hàng trăm tên giặc Mỹ xâm lược, tạo điều kiện thuận lợi cho các mũi khác đánh chiếm, làm chủ thị xã Vĩnh Long 6 ngày đêm.
Đơn vị đánh sân bay đã được tặng một Huân chương Quân công hạng Nhì.
Anh hùng LLVTND – Liệt sĩ Trần Thanh Liêm
Đồng chí Trần Thanh Liêm đã chiến đấu với tinh thần lạc quan cách mạng, kiên cường, mưu trí, dũng cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đồng chí đã tạo nên những chiến công làm cho đồng đội kính nể, kẻ thù khiếp sợ. Những chiến công đó khẳng định, không có gian khổ khó khăn nào lung lay được ý chí người chiến sĩ đặc công được tôi luyện trong chiến đấu. Không sức mạnh nào hơn quyết tâm chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Là người chỉ huy năng động dũng cảm, đã ra quân là phải đánh, đánh là phải thắng, nhưng trong tập thể, đồng chí Trần Thanh Liêm vẫn giữ tác phong bình dị, chân thành, cởi mở, luôn hòa mình giúp đỡ đồng đội, luôn nhận những khó khăn về mình, tiêu biểu là hành động dũng cảm trong trận đánh chiếm sân bay Vĩnh Long. Đồng chí mất đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và nhân dân.
Đồng chí Trần Thanh Liêm được Đảng và Nhà nước tặng thưởng :
- Huân chương Chiến công hạng Nhất
- Huân chương Chiến công hạng Nhất (đánh sân bay)
- Nhiều Bằng khen, giấy khen của Tỉnh đội và Quân khu 9
Ngày 30/8/1995, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký lệnh số 557/CTN tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Liệt sĩ Trần Thanh Liêm.
PHẠM CÔNG LỘC – Theo sách “Những người con trung hiếu”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét