TIN BUỒN 48 (Nghệ sĩ Giang Châu)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Ban tổ chức Bức tường nghệ sĩ ghé thăm nhà NSND Giang Châu

‘Trùm sò’ Giang Châu của sân khấu cải lương đã vĩnh viễn ra đi

Mtđt, 12:43 08/05/2019

Nghệ sỹ ưu tú Giang Châu - một trong những nghệ sỹ gạo cội của sân khấu cải lương Việt Nam đã qua đời sáng 8/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh.



Nghệ sỹ ưu tú Giang Châu (ngoài cùng bên trái) trong vai Trùm Sò ở vở "Ngao, Sò, Ốc, Hến".
Theo thông tin từ gia đình, nghệ sỹ ưu tú Giang Châu (một trong những đại thụ của làng cải lương Việt Nam) đã qua đời sáng nay (8/5) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghệ sỹ ưu tú Giang Châu tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952 tại Bến Tre.
Nghệ sỹ Giang Châu đến với cải lương khá sớm. Từ năm 15, 16 tuổi, ông đã theo các gánh hát (Phước Châu, Hương Mùa Thu…) đi biểu diễn ở nhiều nơi. Ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước, ông đã được đánh giá là một nghệ sỹ triển vọng và được nhiều đoàn cải lương mời về cộng tác.
Ông tạo được dấu ấn trong lòng công chúng nhiều thế hệ với cách ca vọng cổ hơi dài độc đáo và lối diễn xuất sinh động, linh hoạt trên sân khấu. Sinh thời, nghệ sỹ Giang Châu từng hóa thân vào nhiều dạng vai với những kiểu tính cách khác nhau trên sân khấu cải.
Nhắc đến nghệ sỹ ưu tú Giang Châu, công chúng khó có thể quên được những vai diễn như: Trần Hùng (Tìm lại cuộc đời), Trùm Sò (Ngao, Sò, Ốc, Hến), Thừa (Tiếng hò sông Hậu), Thái Ngọc (Khách sạn Hào Hoa), Tâm (Tô Ánh Nguyệt)...
Năm 2018, nghệ sỹ Giang Châu (cùng nghệ sỹ Minh Vương, Thanh Tuấn) được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân. Ngày 12/7/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đăng tải danh sách 77 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân trong đợt xét tặng lần thứ chín (năm 2018) được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua, để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước. Nhiều nghệ sỹ gạo cội của lĩnh vực sân khấu (trong đó có nghệ sỹ ưu tú Giang Châu…) không có mặt trong danh sách này đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Sau đó, ngày 26/7, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú (lĩnh vực sân khấu) lần thứ chín (năm 2018) tiếp tục họp tại Hà Nội. Hội đồng đã xem xét 22 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân và thông qua bảy hồ sơ (với tỷ lệ phiếu đồng thuận từ 90% trở lên) để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước theo quy định; trong số đó có hồ sơ của nghệ sỹ ưu tú Giang Châu.
Tiếp đó, Hội đồng cấp Nhà nước đã xem xét, bỏ phiếu thông qua 84 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, trong đó có nghệ sỹ ưu tú Giang Châu.
Tang lễ của nghệ sỹ ưu tú Giang Châu sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Thành phố Hồ Chí Minh). Lễ viếng bắt đầu lúc 20 giờ cùng ngày./.
Theo Vietnam+/TTXVN



Vĩnh biệt nghệ sĩ Giang Châu, ông trùm Sò nức tiếng



Vĩnh biệt nghệ sĩ Giang Châu, ông trùm Sò nức tiếng
(PLO)- Vào lúc 6 giờ 35 ngày 8-5, nghệ sĩ cải lương Giang Châu đã qua đời tại nhà riêng vì bạo bệnh, để lại sự thương tiếc trong giới nghệ sĩ và khán giả.
Nghệ sĩ Giang Châu đã mắc căn bệnh thoái hóa não từ nhiều năm nay. Sức khỏe ông dần yếu đi và từ hơn một năm qua bắt đầu quên nhiều việc, nhiều người. Dẫu vậy, ở đám tang một số đồng nghiệp – những nghệ sĩ lớn tuổi nổi tiếng như Thanh Sang, Út Bạch Lan… một măm trở lại đây, ông vẫn cố gắng có mặt để viếng.
Vĩnh biệt nghệ sĩ Giang Châu, ông trùm Sò nức tiếng - ảnh 1
Nghệ sĩ Giang Châu nhận hoa sau đêm diễn nhiều năm trước. Ảnh tư liệu.
Theo gia đình, nghệ sĩ Giang Châu đã nhiều tháng điều trị ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) mà tình hình sức khỏe vẫn không khả quan. Gia đình đã đưa ông về nhà vào sáng 7-5 để chăm sóc. Bắt đầu từ lúc đó bệnh tình ông chuyển biến xấu, rồi hôn mê. Đến sáng nay thì ông đã ra đi, hưởng thọ 67 tuổi.
Đồng nghiệp, khán giả thương tiếc ông, một nghệ sĩ có làn hơi ca độc đáo, khả năng diễn đa dạng với nhiều vai diễn xuất sắc, để đời như: Trùm Sò trong Ngao Sò Ốc Hến, Thừa trong Tiếng hò sông Hậu, Trần Hùng trong Tìm lại cuộc đời
Vĩnh biệt ông, một nghệ sĩ cải lương tài năng, người cả đời gắn với nghiệp cầm ca.
HÒA BÌNH
 
Nghệ Sĩ GIANG CHÂU - Cải Lương Gìn Vàng Giữ Ngọc với Hồng Loan (Part 1)
                Nghệ Sĩ GIANG CHÂU - Cải Lương Gìn Vàng Giữ Ngọc với Hồng Loan (Part 2)

TP.HCM kiến nghị đặc cách xét NSND cho Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu

11/07/2018 16:52 GMT+7

TTO - Sắp tới TP.HCM sẽ có văn bản kiến nghị Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) xem xét đặc cách đối với ba nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu.

TP.HCM kiến nghị đặc cách xét NSND cho Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu - Ảnh 1.
Nghệ sĩ Quế Trân phát biểu tại phiên thảo luận sáng 11-7 - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 11-7, thảo luận tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quế Trân chia sẻ bức xúc về các tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND).
Theo đại biểu Quế Trân, những ngày gần đây dư luận quan tâm về một trong những tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND là nghệ sĩ phải có đủ số lượng huy chương tại các liên hoan biểu diễn.
Tuy nhiên, theo cô, các nghệ sĩ hoạt động lâu năm, hơn nửa thế kỷ gắn bó, đưa loại hình nghệ thuật ấy đến gần hơn với công chúng thì nên có sự đặc cách.
"Nhiều tiếng hát đã đi vào lòng người. Nhiều nghệ sĩ có rất nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, tham gia giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò, làm giám khảo ở các liên hoan nghệ thuật nhưng không đủ huy chương nên vẫn không được xét tặng. Tôi đề nghị TP quan tâm, sớm có kiến nghị ra Hội đồng xét tặng trung ương để ghi nhận công lao đóng góp của các nghệ sĩ", đại biểu Quế Trân kiến nghị.
Về việc này, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cho biết không chỉ việc phong tặng danh hiệu NSND mà ngay việc phong tặng danh hiệu cao quý của nhà nước cho các nghệ nhân, bên lãnh đạo TP cũng rất quan tâm.
Theo ông Nhân, vừa qua, thành phố đã trình danh sách các nghệ sĩ đề nghị phong tặng danh hiệu nhưng ra trung ương xem xét thì không được duyệt. TP.HCM căn cứ vào sự cống hiến của các nghệ sĩ và có trao đổi thêm với một số nghệ sĩ lão thành để làm cơ sở đánh giá và lập danh sách đề nghị phong tặng gửi đi.
Ông Nhân cho rằng tuy các nghệ sĩ đã được đề nghị không có đủ số huy chương theo quy định nhưng sự cống hiến của họ là rất lớn nên TP sẽ đề nghị Trung ương đặc cách trong việc phong tặng danh hiệu nhà nước xứng đáng với sự cống hiến của các nghệ sĩ.
"Sắp tới thành phố sẽ có văn bản kiến nghị xem xét đối với ba nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu. Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã kiến nghị vấn đề này với Ban Tuyên giáo Trung ương", ông Nhân cho hay.
MAI HOA - PHƯỚC TUẦN

Nghệ sĩ Giang Châu qua đời sau thời gian lâm nhiều trọng bệnh

08/05/2019 09:28 GMT+7

TTO - Theo thông tin từ gia đình, NSƯT Giang Châu đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6h30 sáng 8-5 tại nhà riêng ở quận Tân Phú (TP.HCM)

Nghệ sĩ Giang Châu qua đời sau thời gian lâm nhiều trọng bệnh - Ảnh 1.
NSƯT Giang Châu - Ảnh: LINH ĐOAN
Diễn viên Ngọc Duyên, vợ của nghệ sĩ Thế Sơn (con trai đã mất của nghệ sĩ Giang Châu), cho hay ba chồng cô mắc nhiều căn bệnh tuổi già nhiều năm qua như thoái hóa não, tiểu đường, tim mạch… dù gia đình cố gắng chạy chữa nhưng tuổi cao, sức yếu nên ông không vượt qua nổi.
Nghệ sĩ Giang Châu sinh năm 1952 tại Chợ Lách, Bến Tre. Từ làng quê Bến Tre, ông thấm nhuần và yêu đờn ca tài tử, cải lương lúc nào không hay. 15, 16 tuổi ông đã rời gia đình theo gánh hát với các đoàn như Phước Châu, Hương Mùa Thu, Sài Gòn 2, Sài Gòn 1…
Với chất giọng khỏe khoắn, mùi mẫn, ca vọng cổ hơi dài ngọt xớt, ông nổi tiếng qua các vở Con cò trắng, Hai chiều ly biệt, Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu
Nghệ sĩ Giang Châu qua đời sau thời gian lâm nhiều trọng bệnh - Ảnh 2.
Nghệ sĩ Giang Châu (bìa phải) nhận danh hiệu NSƯT cùng đợt với nghệ sĩ Minh Vương và Thanh Tuấn năm 2007 - Ảnh: Linh Đoan
Tuy nhiên, vai diễn được công chúng nhắc nhiều nhất vẫn là vai Trùm Sò trong vở Ngao Sò Ốc Hến. Với lối diễn chân chất, tỉnh rụi, linh hoạt, giọng ca cải lương hài nhấn nhá, nhừa nhựa, ông khiến khán giả không thể ghét mà còn tức cười, lại thấy thương lão Trùm keo gì keo thấy sợ.
Vai Trùm Sò đã trở thành khuôn mẫu cho các thế hệ nghệ sĩ sau này học hỏi theo và có thể nói cho đến nay không ai vượt qua được tài năng của Giang Châu trong vai diễn này. Thời gian sau này do sức khỏe kém nên nghệ sĩ Giang Châu ít xuất hiện trên sân khấu.
Trong đợt phong tặng NSƯT - NSND sắp công bố, ông đã được xét duyệt để trao tặng danh hiệu NSND cùng với NSƯT Minh Vương và NSƯT Thanh Tuấn.
Tang lễ của NSƯT Giang Châu sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu lúc 20h ngày 8-5-2019. Lễ động quan lúc 6h ngày 11-5-2019, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
LINH ĐOAN
 
Giang Châu bài Trùm sò - Hoàng Phúc đàn guitar

Vở cải lương Ngao, Sò, Ốc, Hến được dàn dựng lại

10/01/2006 03:05 GMT+7

TT - Vở cải lương Ngao, Sò, Ốc, Hến nổi đình nổi đám một thời vừa được sân khấu Phú Nhuận dàn dựng lại (do chính bà bầu Hồng Vân và Hồng Dung đạo diễn), sẽ ra mắt tối nay 10-1.

fWZ3UlHU.jpg
Minh Nhí (vai Trùm Sò) và Thanh Thanh Tâm (Thị Hến) trong vở cải lương Ngao, Sò, Ốc, Hến - Ảnh: H.Sơn
TT - Vở cải lương Ngao, Sò, Ốc, Hến nổi đình nổi đám một thời vừa được sân khấu Phú Nhuận dàn dựng lại (do chính bà bầu Hồng Vân và Hồng Dung đạo diễn), sẽ ra mắt tối nay 10-1.
Chỉ có mỗi Thanh Thanh Tâm (vai Thị Hến) là nghệ sĩ cải lương thứ thiệt, còn lại là một dàn nghệ sĩ hài nổi tiếng như Bảo Quốc (quan huyện), Anh Vũ (thầy đề), Minh Nhí (Trùm Sò), Tiểu Bảo Quốc (Ngao), Lê Giang (Cua), Hồng Tơ (cô bóng Năm), Văn Ruy (Ất)...
Trong khi đó, Nhà hát Chèo Hà Nội tối nay sẽ diễn tại nhà hát Bến Thành (TP.HCM) với các trích đoạn chèo nổi tiếng.
H.SƠN


Nghệ sĩ Giang Châu: 3 vai diễn lớn và một cuộc đời buồn



Nghệ sĩ Giang Châu: 3 vai diễn lớn và một cuộc đời buồn
(PL)- Nghệ sĩ Giang Châu diễn vai Trùm Sò, khán giả cười nghiêng ngả. Ông khóc trên sân khấu mà khán giả cũng cười. Nhưng mà cuộc đời riêng của ông, cuối đời lại có nhiều tiếng khóc.
Sáng 8-5, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Giang Châu đã qua đời vì bạo bệnh, để lại rất nhiều sự thương tiếc trong giới nghệ sĩ và khán giả bởi tài năng đặc biệt và cuộc đời riêng nhiều nỗi buồn của ông.
Ba vai diễn để đời của anh kép hát nông dân
Nghệ sĩ Giang Châu vốn là con nhà nông dân miền Tây, thuở nhỏ chỉ biết đi chăn trâu, chăn bò và lội ruộng mần lúa. 15-16 tuổi Giang Châu đi làm tài công và được ông chủ tàu biết đờn dạy cho ca bài bản cải lương. Giang Châu lúc đó được khen có giọng ca hay như Minh Cảnh. Nhân một lần lên hát một bài vọng cổ giúp vui khi đội văn nghệ ở quê nhà đang trình diễn, Giang Châu được nhận vô đội văn nghệ này. Không lâu sau đó, Giang Châu trốn nhà theo gánh hát Phước Châu và lang bạt kỳ hồ qua nhiều gánh hát nhỏ khác nhờ hơi ca dài, trời phú của mình. Đến năm 1968, Giang Châu được đầu quân vào đoàn cải lương đại bang là Hương Mùa Thu và bắt đầu được phân vai phụ trong những vở tuồng nổi tiếng của đoàn như Gánh cỏ sông Hàn, Hai chiều ly biệt, Con cò trắng, Tiếng súng một giờ khuya… Tại đây, Giang Châu lập gia đình với cô đào Ngọc Hiền cùng đoàn.
Sau tháng 4-1975, đoàn Hương Mùa Thu tạm nghỉ hát, Giang Châu và vợ rời đoàn sống trôi nổi. Đến cuối năm 1975, Giang Châu được nhận vào Đoàn cải lương Sài Gòn 2, rồi Sài Gòn 1. Tại đây, Giang Châu nổi bật với giọng ca độc đáo, cách diễn sáng tạo giàu tài năng, làm nên ba vai diễn để đời của mình, cho dù đó không là vai chính. Đó là vai Thừa trong Tiếng hò sông Hậu với giọng hò dài hơi tếu táo mà người nghe không thôi cũng muốn đứt hơi xỉu theo. Giang Châu là điển hình của người nông dân Nam bộ, hào sảng, chân chất mà khí khái.
Vai để đời thứ hai của Giang Châu là Trần Hùng - một thương phế binh trong vở cải lương cách mạng Tìm lại cuộc đời. Với cách diễn nửa tỉnh nửa say, với giọng nói vừa mai mỉa chua cay vừa rưng rưng chua xót, Trần Hùng của Giang Châu khiến khán giả nhớ mãi những câu thoại đầy chất đời sống của mình như “Chỉ cần một trái lựu đạn”, “Rớt Tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ sinh con. Bao giờ yên chuyện nước non, anh về anh có Mỹ con anh bồng”… Những câu nói này qua diễn xuất của nghệ sĩ Giang Châu đã đi vào đời sống, phổ biến cho tới tận nay.
Nghệ sĩ Giang Châu: 3 vai diễn lớn và một cuộc đời buồn - ảnh 1
Khán giả nhớ mãi nghệ sĩ Giang Châu - Trùm Sò của Ngao Sò Ốc Hến. Ảnh: Tư liệu
Tuy nhiên, vai diễn để đời thứ ba, vai Trùm Sò trong vở Ngao Sò Ốc Hến mới là vai diễn khán giả cả nước nhớ Giang Châu nhất. Trùm Sò của Giang Châu nào mặc áo rách bên trong áo đẹp, nào cầm guốc cắp nách vì sợ mang nó mòn, nào bòn tro đãi trấu bắt đầy tớ nhịn đói, nhịn khát vì sợ hao cơm, tốn nước… đã khiến cái tên Trùm Sò cho đến hôm nay trở thành ám chỉ người nào hà tiện, keo kiệt quá. Vai Trùm Sò của Giang Châu cũng lưu truyền vào cuộc sống những câu nói cửa miệng trong đời sống như “Người đâu của đó”, “Hở là nó chớp, hở là nó chộp”… Trùm Sò của Giang Châu độc đáo với giọng khóc tỉ ti ò e như kéo đàn cò khiến khán giả cười bể bụng và công nhận rằng không có ai đóng vai Trùm Sò qua Giang Châu.
Tài năng của nghệ sĩ Giang Châu thuộc hàng hiếm có, cả giới nghệ sĩ, khán giả đều biết tiếng, công nhận, song trong cuộc đời riêng, ông chưa bao giờ giàu có xa hoa. Lúc cải lương hưng thịnh nhất, vở Ngao Sò Ốc Hến mà Giang Châu diễn vai Trùm Sò diễn ngày mấy suất quanh năm suốt tháng thì gia đình nghệ sĩ Giang Châu cũng chỉ sống đầy đủ ở mức sung túc mà thôi.
Đầu thập niên 1990, cải lương sa sút, nghệ sĩ Giang Châu phải hùn với nghệ sĩ Dương Thanh mở quán nhậu sinh sống. Nhưng vì khán giả ái mộ mời cụng ly riết, sức khỏe sa sút, Giang Châu đành thoái vốn, đi hát hội chợ lô tô, đám ma, đám cưới để mưu sinh. Và Giang Châu được mời hát rất đắt show. Tuy nhiên, nghệ sĩ nổi tiếng mà đi hát hội chợ lô tô, đám ma, đám cưới lắm lời đàm tiếu. Có lúc Giang Châu ngậm ngùi: “Người nghệ sĩ nào cũng muốn được hát trên thánh đường sân khấu và tôi đã sống dưới hào quang của nghệ thuật đã lâu nên khi hát trong không gian người ta ăn uống là chính mà nghe hát là phụ, tôi tủi thân. Nhưng nếu không hát thì lấy gì nuôi con”. Nhưng với bản tính hiền lành, hài hước, có lúc nghệ sĩ Giang Châu lại bông đùa, tự trào: “Tôi không quan tâm hát ở sân khấu lớn hay sân khấu nhỏ, miễn là có khán giả yêu cải lương thì tôi hát. Nhiều khi hát ở đám ma còn... vui hơn đám cưới”. Bởi ông nói, hát ở đám cưới khách lo ăn nhiều hơn nghe hát nên mình buồn, còn ở đám ma người ta không ăn, chăm chú nghe nghệ sĩ hát nên mình vui.
Cuộc sống cứ tưởng như vậy mà an lành trôi qua bởi nghệ sĩ Giang Châu tuy không giàu nhưng đủ sống, vợ hiền, con ngoan, gia đình êm ấm. Vậy nhưng năm 2013, con trai của Giang Châu là nghệ sĩ trẻ Thái Sơn, cộng tác ở Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã qua đời vì ung thư não ở tuổi 29, khi tên tuổi bắt đầu được biết đến. Vài năm sau, con gái của nghệ sĩ Giang Châu do không đủ duyên nối nghiệp cha đã chuyển nghề đạo diễn sang kinh doanh và thua lỗ vài tỉ đồng, tay trắng. Tuổi già sức yếu, Giang Châu lại phải bôn ba đi hát đám để nuôi ba cháu nhỏ. Ông nói: Tôi biết nhiều người nhìn vào thương cảm cho tôi lắm. Nhưng tôi thấy mình cần phải đứng vững vì con, vì cháu. Nếu bây giờ tôi ngã quỵ thì các cháu sẽ rất khổ”.
Trước những cú sốc như thế, vợ Giang Châu đã xuống tóc quy y để quên nỗi buồn lo. Bản thân Giang Châu tuy kiên cường chống chỏi với cuộc đời nhưng nỗi buồn cứ mãi gặm nhấm ông. Rất nhiều đồng nghiệp trong nhóm cà phê của nghệ sĩ Minh Vương đã bao lần an ủi, động viên, chia sẻ để nghệ sĩ Giang Châu bỏ xuống nỗi buồn nhưng có lẽ ông không làm được. Những năm cuối đời Giang Châu thường ở nhà nhiều, ít giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp. Nay thì ông đã thật sự bỏ nỗi buồn ở lại thế gian để ra đi mãi mãi. Đồng nghiệp, khán giả thương tiếc ông, một tài năng lớn của sân khấu cải lương và cầu chúc ông an vui nơi cõi khác.
Khán giả chờ mong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho Giang Châu
Thông tin từ Bộ VH-TT&DL cho biết đã có sự xem xét lại về việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho ba nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu và tên họ đã có trong danh sách cuối cùng trình lên Chủ tịch nước ký quyết định. Dự kiến ngày 2-9 tới đây nghệ sĩ Giang Châu sẽ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cùng hai đồng nghiệp. Tiếc rằng ông đã ra đi khi chưa nhận được danh hiệu cao quý này. Vậy nên đồng nghiệp, khán giả mong sẽ thay ông đón nhận danh hiệu trên.
HÒA BÌNH

Con gái Giang Châu: 'Cha tôi không còn thiết tha danh hiệu NSND'

Nghệ sĩ gạo cội hiện phải điều trị chứng thoái hóa não do đột quỵ nên chuyện xét thưởng huy chương với ông không còn ý nghĩa.


Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM mới đây cho biết sẽ kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc cách trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho ba tên tuổi: nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu. Trước đó, cả ba bị loại khỏi danh sách xét duyệt ở cấp Bộ. Con gái NSƯT Giang Châu - nghệ sĩ Xuân Thảo - chia sẻ gia đình ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị muốn giúp cha chị có danh hiệu sau nhiều năm làm nghề. Tuy nhiên, chị chia sẻ: "Cha tôi đang bệnh nặng nên không còn thiết tha gì với việc được trao danh hiệu".
Nghệ sĩ Ưu tú Giang Châu.
Nghệ sĩ Ưu tú Giang Châu.
Nghệ sĩ Giang Châu bị thoái hóa não - biến chứng từ lần đột quỵ năm 2017. Một lần chạy xe ngoài đường, ông bị tai biến, té ngã, người quen phát hiện đưa đi cấp cứu. Trước đó, ông có tiền sử huyết áp cao, tim mạch... Nghệ sĩ hiện ngồi xe lăn để di chuyển, giao tiếp khó khăn... 
Chị Thảo kể nhiều năm qua, cha chị nhận thấy chuyện xét duyệt còn nhiều bất cập, khiến không ít nghệ sĩ lão thành buồn tủi. Ông cho rằng sự cống hiến của các tên tuổi gạo cội không nên tính bằng số lần tham gia liên hoan, số huy chương đạt được... Giai đoạn thập niên 1960, 1970, nhiều nghệ sĩ cải lương - trong đó có Giang Châu - hoạt động sôi nổi, ca diễn bằng đam mê để có những tác phẩm đi vào lòng khán giả, chứ không nhằm mục đích thi thố để kiếm huy chương.
Nghệ sĩ Giang Châu quây quần bên con gái Xuân Thảo (phải) và bạn bè.
Nghệ sĩ Giang Châu quây quần bên con gái Xuân Thảo (phải) và người thân, bạn bè. Ảnh do gia đình cung cấp.
Vài năm trước, trong lần được trao NSƯT, Giang Châu định không làm đơn vì quan niệm danh hiệu không phải là thứ đi xin. Sợ thiệt thòi cho cha, chị Thảo tìm hiểu cách làm hồ sơ rồi giúp cha ghi chép, ông chỉ cần ký tên vào hồ sơ. Đến lần xét Nghệ sĩ Nhân dân gần đây, Giang Châu cũng không chủ động, Hội sân khấu TP HCM phải hỗ trợ ông trong việc kê khai.
"Cha tôi vẫn luôn nghĩ, nếu thấy các nghệ sĩ xứng đáng thì hãy trao tặng cho họ, thay vì bắt làm đơn để kêu gọi tôn vinh thì quá kỳ cục", chị Thảo kể.
* NSƯT Giang Châu diễn vở 'Kép hát làm vua'
NSƯT Giang Châu diễn vở 'Kép hát làm vua'
Trước khi bị tai biến, nghệ sĩ Giang Châu vẫn đi diễn, dẫu không còn nhiều show như thời đỉnh cao. Ông chỉ tham gia những tụ điểm có khán giả bình dân. Khi sức khỏe xuống dốc, ông nghỉ hát, ở nhà cùng vợ chồng con gái ở quận Tân Phú, TP HCM. Ông có ba người con nhưng một người qua đời sớm, còn người thứ hai - nghệ sĩ Thế Sơn - qua đời năm 2013 ở tuổi 29 vì lao phổi. Chị Xuân Thảo trước kia kế tục đam mê nghệ thuật của cha, theo đuổi công việc biên kịch sân khấu. Sau này, vì mưu sinh, chị chuyển sang làm kinh doanh. 
Giang Châu và con trai - cố nghệ sĩ Thế Sơn - trong vở Ngao Sò Ốc Hến. Ảnh: Thanh Hiệp.
Giang Châu và con trai - cố nghệ sĩ Thế Sơn - trong vở "Ngao Sò Ốc Hến". Ảnh: Thanh Hiệp.
Đầu tháng 7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 77 hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT. NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu không có mặt trong số này. Theo quy định, các hồ sơ đạt tiêu chuẩn phải có 90% tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Khi ấy, Minh Vương thể hiện sự thất vọng và cảm thấy thiếu công bằng
Trước kiến nghị của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM về việc đặc cách xét danh hiệu NSND,  Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện nói sẽ trình Thủ tướng về một số trường hợp. 
Nghệ sĩ Giang Châu, tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952. Năm 1968, ông theo gánh hát cải lương Hương Mùa Thu và được giao những vai quan trọng. Sau năm 1975, đoàn hát giải thể, Giang Châu gia nhập đoàn cải lương Sài Gòn 2. Nhờ có lối ca vọng cổ dài hơi và lối diễn xuất sống động, ông nổi tiếng qua vai Trần Hùng trong tuồng Tìm lại cuộc đời. Ông còn được biết đến nhiều với vai diễn Trùm Sò trong Ngao Sò Ốc Hến và vai Thừa trong Tiếng hò sông Hậu.
Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức tám đợt xét duyệt vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015. Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.
Mai Nhật

Trùm sò Giang Châu trăn trở về cải lương hài

CLB sân khấu Lạc Long Quân đã tổ chức chương trình chuyên đề “Vì sao cải lương hài thiếu vắng ngôi sao?” tại sân khấu Khu công nghiệp quận Bình Tân, TPHCM thu hút đông đảo khán giả là công nhân, quan tâm đến nghệ thuật cải lương hài.
  NSƯT Giang Châu cho biết, xưa nay trong một kịch bản cải lương tác giả đều viết thêm những lớp diễn vui nhộn nhằm phá đi sự căng thẳng của các tình huống. Vai hài hay còn gọi là vai hề vì thế rất cần cho một vở diễn. Do vậy, trên chặng đường phát triển của sân khấu cải lương đã hình thành sở trường diễn hài độc đáo đầy duyên dáng của rất nhiều nghệ sĩ chuyên đóng vai hề. Ngày nay, chưa nói đến việc sàn diễn bị hạn chế, vai hề dành cho các diễn viên trẻ và cách diễn hài để bật lên tiếng cười trong sáng, ý nghĩa vẫn là một lỗ hỏng to lớn.
trum-so-giang-chau-tran-tro-ve-cai-luong-hai
NSƯT Giang Châu trong vai Trùm Sò (vở “Ngao sò ốc hến”)
  Điểm lại những nghệ sĩ đã tạo được uy tín khi đến với sở trường hề sẽ thấy họ đã tạc được ấn tượng khó quên cười qua cách thể hiện nhân vật. Sự nghiên cứu vai diễn đã tạo nên ý thức giúp nghệ sĩ sáng tạo tiếng cười cho những vai để đời như: Trùm sò (NSƯT Giang Châu – vở Ngao sò ốc hến), Quan huyện Chìa (NSƯT Thanh Điền – vở Ngao sò ốc hến), Tiểu đồng (cố NS Kim Ngọc – Trăng thề vườn Thuý), Bảy cán (NSND Ngọc Giàu – Đời cô Lựu), thầy bói (NSND Thanh Tòng – Gánh cải Trạng Nguyên), Hiệp sĩ mù (NSƯT Bảo Quốc – vở cùng tên đã giúp danh hài Bảo Quốc đoạt HCV Thanh Tâm năm 1972), Hậu (NS Kiều Mai Lý – vở Chuyện cổ Bát Tràng), bà Tám bán chè (NS Hồng Nga – vở Bến phà kỷ niệm)… và còn nhiều, nhiều nữa những nghệ sĩ hề đã là “thương hiệu” của 22 đơn vị nghệ thuật cải lương thập niên 80 tại TPHCM như: NSƯT Hoàng Giang, NS Tư Rợm, Hề Minh, Văn Chung, Bảo Chung, Linh Trung, Bo Bo Hoàng, Bạch Long, Mai Lan, Tô Kiều Lan, Vũ Đức, Hề Sa, Mỹ Chi, Phú Quý, Hồng Tơ, Tấn Beo… Đến hôm nay trong số họ người còn, người mất, nhưng hễ nhắc đến vai hề của sàn diễn cải lương, khán giả không thể quên những vai hề của họ.
trum-so-giang-chau-tran-tro-ve-cai-luong-hai-1
NSƯT Bảo Quốc và NS Kiều Mai Lý
   Đề cập đến sự rơi rụng ấn tượng khi thể hiện những vai hề trên sân khấu cải lương hiện nay, NSƯT Giang Châu nhận xét: “Hồi đó thầy tuồng cải lương chăm chút cho vai hề lắm. Đâu có để mình muốn ra sàn diễn nói gì, hát gì cũng được. Để diễn vai Trùm Sò trên sân khấu đoàn Sài Gòn 1 tôi tập sáu tháng dưới sự chỉ đạo của NSND Ba Vân. Áp lực nhiều lắm. Vì chúng tôi biết muốn làm cho vai diễn tạo tiếng cười phải đòi hỏi mình có những dấu ấn mới và vai Trùm Sò – vở Ngao sò ốc hến nhờ vậy đã tạo được thành công”.
  Còn nghệ sĩ hài Bảo Chung kể: “Vở Chắp cánh chim bằng trên sân khấu đoàn Sài Gòn 3 hồi đó là vai diễn giúp tôi tự tin đến với sở trường hề. Trước đó tôi đóng vai kép có nghệ danh Phương Lâm. Nhờ anh Thanh Điền giao vai này mà tôi đi theo nghề hài. Vai diễn chỉ có một trang bản thảo. Vậy mà ấn tượng nhờ cách diễn, cách lắng nghe góp ý của đàn anh đi trước”. Và Bảo Chung đã thành danh nhờ ghép hai phong cách chọc cười của hai bậc thầy: Văn Chung, Bảo Quốc để hình thành “thương hiệu” cho mình.
trum-so-giang-chau-tran-tro-ve-cai-luong-hai-2
NS hài Mỹ Chi, Kiều Mai Lý và Kim Ngọc 
   Các nghệ sĩ hài tham gia chuyên đề này đều nhận định, hiện nay trên sân khấu cải lương các diễn viên được giao vai hề đều quá tự tin trong việc cương ẩu để tạo tiếng cười. Các vở cải lương tại các mùa liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc có quá ít vai hài được khán giả khen ngợi. Chưa kể có một số diễn viên chính diễn xuất lấn lướt cả vai hề dẫn đến tính cách nhân vật bị… “vô duyên”. Trên thực tế, khi yếu tố hài đặt không đúng chỗ dễ dẫn đến kém hiệu quả cho vở diễn.
  Mới đây trong chương trình vinh danh hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng tổ chức tại Nhà văn hoá Thanh Niên, lớp diễn ba nhân vật Tùng, Diệu, Hương gặp nhau đã đi vào lòng người xem khi nhắc đến vở Nửa đời hương phấn, thế nhưng ba diễn viên này lại cố tình diễn hài, tạo tiếng cười không đúng chỗ làm giảm đi giá trị chương trình. Hoặc trong vở Gánh cải Trạng Nguyên (chương trình Hội ngộ tài danh), nghệ sĩ đóng vai chính lại cười giỡn với cha vợ một cách sổ sàng, trong khi nhân vật của anh là một thư sinh nho nhã.
trum-so-giang-chau-tran-tro-ve-cai-luong-hai-3
Danh hài Bảo Quốc (vai Chư Hầu) và cố NS Văn Ngà (vai Tô Định) – vở “Tiếng trống Mê Linh”
   Để hiểu được cái hài đúng nghĩa, đem lại tiếng cười thâm thuý, sâu sắc, việc trang bị kiến thức đối với diễn viên cải lương đang là một lỗ hỏng lớn để họ có thể khẳng định sở trường. Việc tập dợt thiếu nghiêm túc, tập tành vội vã đã dẫn đến việc cương ẩu, đùa cợt khiến vai hề mất tiếng cười trong sáng trên sân khấu cải lương hiện nay. NSƯT Giang Châu đã phát biểu: “Tiếng cười ý nghĩa là được bộc lộ đúng lúc. Nhiều khi chỉ với một động tác nhỏ, một bài bản ngắn nhưng làm bật lên một vai hề ấn tượng. Cái hài trên sân khấu cải lương bao giờ “thiếu” một chút vẫn hay hơn là “dư”. Hiện nay các bạn diễn viên hề trẻ đã quá tham khi muốn cái hề lấn lướt bạn diễn. Điều đó không chấp nhận được”.
Bài và ảnh: TRỌNG HIỆP
                                      
                                           Ngao Sò Ốc Hến (Phần 1) | Cải Lương Việt Nam 
 
Ngao Sò Ốc Hến (Phần 2) | Cải Lương Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH