Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

KÝ ỨC CHÓI LỌI 106

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Thuật lại trận đặc công so tài với cả thầy trò biệt kích VNCH

Đặc công Việt Nam “xuất quỷ nhập thần” (kỳ 1)

(Kiến Thức) - Ra đời trong kháng chiến chống Mỹ nhưng lực lượng Đặc công Việt Nam "phôi thai" từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 19/3/1967, Binh chủng Đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam mới thành lập nhưng danh từ "đặc công" thì đã ra đời từ trước đó 17 năm, gắn với một chiến thuật mới của quân ta để đối phó với hệ thống lô cốt kiên cố của Pháp.

Sáng kiến lô cốt, tháp canh

Sau thất bại ở Việt Bắc, Pháp thấy không thể giải quyết chiến tranh bằng một vài cuộc hành quân lớn. Chúng liền chuyển sang siết chặt những vùng đã chiếm được bằng một hệ thống đồn bốt để thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt".

Với chiến lược mới, quân Pháp chia lực lượng thành hai bộ phận gồm: một phần gồm các đội ứng chiến nhỏ và phần lớn hơn rải ra đóng giữ đồn bốt trên các trục đường giao thông, xung quanh đô thị và các địa bàn quan trọng.

Đội ứng chiến nhỏ là lực lượng cơ động vừa để tấn công bộ đội và đánh phá cơ quan, kho tàng của ta và vừa để ứng cứu các đồn bốt khi bị ta tiến công.  Các đồn bốt, tháp canh dùng để bảo vệ vùng trọng yếu, chia cắt, ngăn chặn ta từ xa và là chỗ dựa cho bọn hội tề, gián điệp hoạt động chống phá ta. Đến năm 1948, quân Pháp đã xây dựng xong hàng ngàn cứ điểm, đồn bốt, tháp canh trên chiến trường cả nước.

Một lô cốt ở đê sông Đuống do quân Pháp xây dựng để kiểm soát giao thông.

Ở Nam Bộ, thực dân Pháp tăng quân, xây dựng hệ thống tháp canh “Đờ La-tua" xung quanh các thị xã, thành phố và trên các trục đường giao thông quan trọng. Tháp canh Đờ La-tua là một loại công sự vững chắc, cao từ 7-12m, xây bằng gạch, đá, súng bộ binh thông thường không bắn thủng. Ở trên cao, ban ngày địch quan sát được rất rộng và xa.

Thủ đoạn mới của địch đã gây khó khăn rất lớn cho bộ đội ta. Trong thời gian này, trang bị của quân đội ta vẫn còn chủ yếu là giáo mác.

Hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn viết rằng, đến những năm 1949 mà quân ta khi công đồn vẫn còn dùng dao để chặt tre, phá rào. Với tình trạng trang bị như vậy, bài toán đánh địch trong lô cốt là một thách thức rất lớn đòi hỏi ta phải giải quyết để đưa kháng chiến tiến lên.

FT và manh nha một lối đánh mới

Không chịu bó tay trước thủ đoạn của địch, quân ta đã tích cực nghiên cứu và thử nghiệm các chiến thuật mới để đánh địch trong lô cốt. Ngày 19/3/1948, trong trận đánh tháp canh Cầu Bà Kiên, lần đầu tiên du kích Nam Bộ đã diệt gọn địch.

Để thực hiện trận đánh, 3 chiến sĩ cởi trần, bôi lên người một lớp màu giống với màu địa hình khu vực quanh tháp canh, vượt qua các vật chướng ngại, bí mật đến sát tháp canh. Lợi dụng lúc địch thay gác, ba chiến sĩ nhanh chóng dùng thang leo lên ngang lỗ bắn, ném 8 quả lựu đạn vào trong, diệt toàn bộ 10 tên địch, thu 8 khẩu súng và 20 quả lựu đạn, bí mật rời khỏi trận địa về căn cứ an toàn.

Trận đánh mới chỉ thành công một nửa vì chưa phá hủy được tháp canh do không có vũ khí đủ sức phá. Sau trận này, các xưởng quân giới Nam Bộ tích cực nghiên cứu chế tạo vũ khí có sức công phá lớn để phá được tháp canh.
 Một công binh xưởng của quân ta năm 1950.

Vụ Quân giới Khu 7 đề xuất phương án cải tiến mìn lõm Ba-dô-min để đánh tháp canh. Sau một thời gian nghiên cứu, loại mìn mới đã được chế thử thành công. Các thành phần gồm thuốc nổ lấy từ bom và đạn pháo không nổ của địch.

Vì không có kíp nổ điện, ta có sáng kiến dùng một bóng đèn pin mài thủng vỏ, bỏ thuốc cháy vào trong, dùng giấy mỏng bịt lại, gắn dây điện vào hai cực dây tóc đèn. Khi đấu điện vào hai đầu dây, dây tóc cháy đỏ bén vào thuốc làm cháy thuốc, gây nổ mìn.

Cuối tháng 11/1949, ta đem mìn này đánh thử, phá được bức tường dày 0,8m. Vũ khí mới được đặt tên là phá tường, viết tắt là FT. Sau thử nghiệm thành công, rất khẩn trương, hàng trăm quả FT được các xưởng quân giới sản xuất.

Để làm quen với vũ khí mới, Tỉnh đội Biên Hoà, huyện đội Tân Uyên và Ban chỉ huy Liên Trung đoàn 301-310 điều động 300 bộ đội và du kích ưu tú về Chiến khu Đ để luyện tập đánh tháp canh bằng FT. Lớp học được chia làm 50 tổ, tập luyện gần 3 tháng tại Suối Đá trong khu rừng Tân Hoà.

Đêm 21 rạng ngày 22/3/1950, trên chiến trường Biên Hoà, 50 tổ chiến đấu đồng loạt sử dụng FT đánh vào 50 tháp canh dọc theo các trục lộ 15, 16 và quốc lộ 1.

Sách Lịch sử bộ đội đặc công Việt Nam viết: “Tất cả các tháp canh bị đánh bằng FT đều bị thủng một lỗ có đường kính từ 0,8 đến 1,5m song không có tháp canh nào bị sập. Bọn lính trong 50 tháp canh đều bị chết nhưng những tên lính gác trên nóc vẫn còn sống và dùng súng trường, lựu đạn đối phó lại ta.

Tình huống này không được dự kiến trước. Các tổ chiến đấu đều bị bất ngờ, lúng túng nhưng đều an toàn trở về căn cứ. Quân địch vô cùng hoang mang lo sợ. Bọn địch ở những tháp canh gần đó hốt hoảng chạy về thị xã Biên Hoà… Báo chí của địch hốt hoảng đưa tin về một loại vũ khí mới của Việt Minh đánh sập tháp canh, làm rạn nứt thủ đoạn quân sự của tướng Pháp Đờ La-tua”.

“Đặc Công” ra đời

Từ trận đánh đồng loạt 50 tháp canh, tỉnh đội Biên Hoà và Phòng Tham mưu Khu 7 tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm. Hội nghị nhất trí gọi cách đánh đặc biệt này là “công đồn đặc biệt” gọi tắt là “đặc công”, danh từ đặc công chính thức ra đời từ đó.

Cùng với lực  lượng “công đồn đặc biệt”, từ năm 1946 các Ban công tác thành ở Sài Gòn đã được tướng Nguyễn Bình thành lập để thu thập tin tức và quấy rối phá hoại hậu phương địch.

Tháng 3/1948, 6 chiến sĩ trong Ban công tác số 3 đột nhập vào kho bom của Pháp ở Ngã tư Bảy Hiền đặt mìn có ngòi nổ hẹn giờ, làm nổ 300 quả.

Ngày 2/4/1948, 4 chiến sĩ trong Đội Minh Khai do Mạc Thị Lan chỉ huy đánh vào rạp chiếu bóng Ma-giét-tích bằng lựu đạn, diệt và làm bị thương 30 sĩ quan Pháp. Những trận đánh này đã đặt truyền thống cho lực lượng Biệt động Sài Gòn lừng danh sau này.
 Một lô cốt kiêm tháp canh do quân Pháp xây ở thị trấn Phùng – Đan Phượng – Hà Nội.

Trên sông nước, cuối 1948, đơn vị công binh thủy 21 của Khu 7 và Đội biệt động Dương Văn Dương ở Sài Gòn đã cải tiến thủy lôi 250 kg, ngòi nổ tự động thành ngòi nổ chậm điều khiển nổ bằng nguồn pin và đánh chìm chiếc tàu chở đạn Xe-luýt-blơ của Pháp trên sông Sài Gòn, phá hủy 400 tấn đạn.

Đầu năm 1950, biệt động Hải Phòng tập kích cảng Hải Phòng, đánh chìm chiếc tàu hãng Pha-nếch của Pháp. Những trận đánh này mở đầu cho truyền thống của lực lượng đặc công nước. 

Như vậy trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng Đặc công đã dần hình thành với 3 bộ phận: Biệt động, Đặc công bộ, Đặc công nước. Bước vào kháng chiến chống Mỹ, Đặc công phát triển nhanh chóng và đã đánh nhiều trận táo bạo vào hang ổ, đầu não của địch gây tiếng vang ra cả thế giới, trở thành một nỗi ám ảnh thường xuyên của Mỹ - Ngụy.

Đặc công Việt Nam “xuất quỷ nhập thần” (kỳ 2)

(Kiến Thức) - Giữa Sài Gòn hoa lệ được canh phòng cẩn mật, Đặc công Việt Nam vẫn lọt vào và tặng cho kẻ thù màn đạn pháo 75mm.

Kỳ công lập trận địa pháo

Năm 1966, Ngụy quyền có kế hoạch tổ chức lễ quốc khánh rầm rộ vào ngày 1/11/1966. Tất cả các phương tiện thông tin của chính quyền Sài Gòn được huy động để quảng cáo rùm beng cho ngày lễ này. Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định quyết tâm đánh địch ngay trong buổi lễ. Nhiệm vụ khó khăn này được giao cho Tiểu đoàn 6 Bình Tân và Tiểu đoàn 8 pháo binh quân khu.

Qua nghiên cứu, ta chủ trương dùng cách đánh pháo kích. Một trận địa pháo đặt ở Nhà Bè do Tiểu đoàn Bình Tân đảm nhiệm sẽ bắn vào lễ đài khi bắt đầu buổi lễ. Và trận địa thứ 2 đặt ở Thủ Đức do Tiểu đoàn 8 pháo binh quân khu thực hiện sẽ bắn vào đội hình diễu binh của địch nếu chúng vẫn tổ chức diễu binh sau khi bị pháo ở Nhà Bè bắn. Vũ khí sử dụng ở hai trận địa là pháo không giật DKZ 75mm.
Đặc công rừng Sác chuẩn bị cho một trận đánh.

Chuẩn bị cho trận đánh, khẩu đội DKZ 75mm của Tiểu đoàn 8 phải đi vòng từ Củ Chi qua Thủ Dầu 1, sang Biên Hòa, vòng sang Bà Rịa lên Long Thành rồi về Thủ Đức. Đường hành quân qua nhiều đồn bốt địch nên mất cả tháng trời và hy sinh 5 pháo thủ. Vì thương vong nặng, khẩu đội này không thể chiến đấu được nên Đoàn 10 Đặc công rừng Sác nhận lệnh thay thế.

Dùng lối đánh bí mật và hiểm hóc của đặc công, hai trận địa pháo được đưa vào sát nách địch. Trận địa Nhà Bè nằm cách địch hơn 6.000m và trận địa Thủ Đức cách mục tiêu hơn 5.000m. Cả hai trận địa đều được xây dựng rất kỳ công.

Cuốn sách Biệt động Sài Gòn – những chuyện giờ mới kể viết: “Trên ấp Chánh Bình (Bình Hưng, Nhà Bè), khẩu DKZ 75mm được đặt trên “cái giá” gồm 50 cây cọc tràm, chà là xốc thành 3 tầng giữa ruộng bùn. Các ngọn lúa cao quá đầu người được câu lại làm “giàn rỡ" ngụy trang.

Trên rạch Bà Vạt, ấp Đồng Phú (An Phú, Thủ Đức), pháo được giá trên 1.000 bao cát dìm xuống nước và các ruột xe hơi đắp lên nền nhà cũ. Số cát này, những người nông dân là cơ sở cách mạng trong “ấp chiến lược” phải mua đến 3 ghe đầy luồn lách trên sông rạch chuyển đến trận địa. Đêm trước của buổi lễ, mọi việc chuẩn bị xong, các họng pháo đã chĩa về mục tiêu chờ phát hỏa.

Hai trận pháo kích hiểm hóc

Cũng theo cuốn Biệt động Sài Gòn - những chuyện bây giờ mới kể viết: "Sáng 1/11, ở trận địa Nhà Bè, qua nóc tháp chuông nhà thờ Đức Bà, mục tiêu được xác định. Về giờ nổ súng, quân ta dựa vào chiếc đài bán dẫn. Ngay khi đài Sài Gòn phát thanh trực tiếp buổi lễ thì làn sóng phát thanh của địch trở thành người trinh sát hoàn hảo cho ta.

6h05 ngày 1/11, tướng Nguyễn Cao Kỳ bắt đầu đọc diễn văn: “Thưa quý quan khách, thưa...”. Đúng lúc này, khẩu DKZ ở Nhà Bè khai hỏa. Một tiếng nổ vang, khẩu pháo khẽ chồm lên, tiếng nổ từ nội đô vọng lại làm chiến sĩ phấn khởi. Radio tắt ngấm khi Nguyễn Cao Kỳ chưa kịp đọc hết lời kính thưa.

Khẩu đội DKZ bắn tiếp quả thứ hai thì chiếc máy ngắm bị văng ra. Lý do là ngày 31/10, địch cho bộ binh và không quân đánh ra các vùng ven Sài Gòn để đảm bảo an ninh cho buổi lễ hôm sau. Bom, pháo địch bắn gần trận địa đã làm máy ngắm của DKZ bị hỏng, pháo binh lấy khăn buộc máy ngắm súng cối của Đức vào DKZ để thay thế.

Trước tình hình đó, pháo thủ vẫn bình tĩnh buộc lại máy ngắm rồi bắn tiếp 2 quả đạn nữa. Từ trong các đồn bốt xung quanh, pháo địch cũng bắn bừa ra một loạt nhưng chỉ một lát chúng lại nín khẽ vì các đơn vị bạn kiềm chế chúng bằng những loạt đạn chính xác.

Tranh thủ, khẩu đội liền bắn hết cơ số đạn 12 quả trong vòng 10 phút. Trận địa phủ mờ khói trắng, những cây lá mỏng manh không thể che giấu nổi nữa, các chiến sĩ thu pháo rút khỏi trận địa. Lúc này, pháo địch bắt đầu phản ứng dồn dập vào một vùng khá rộng xung quanh. Trên đầu 4 trực thăng vũ trang quần thảo, bắn phá ầm ĩ. Vừa may lúc ấy, một chiếc ghe lườn nổ máy lướt tới, đầu mũi cắm một lá cờ “ba que" nhỏ. Ghe dân! Anh em vẫy chiếc ghe cập lại.

Bác nông dân nói nhanh: “Các chú lên ghe lẹ đi. Tụi nó đã ra đầu ấp kia”. Vài phút sau, cả khẩu đội và pháo đã nằm gọn trong lòng ghe trở về điểm ém tại ấp Gò Bầu,xã Phước Lạ an toàn.

Trận đánh của đặc công ta giữa đô thành Sài Gòn làm quân Mỹ - Ngụy khiếp sợ. Ảnh minh họa.

Ở Thủ Đức, nghe đài đột ngột mất tín hiệu, biết trận địa ở Nhà Bè đã bắn, đặc công Đoàn 10 phấn khởi chờ đợi màn diễu binh của địch để đánh bồi trận nữa. Hơn 1 giờ trôi qua, chiếc đài bán dẫn lặng thinh. Ai cũng lo địch giải tán cuộc lễ sớm. Trong lúc đó, pháo địch rồi trực thăng quần đảo trên vùng Bưng sáu xã có lúc sà thấp ngay trên đầu quân ta nhưng không phát hiện ra.

Mười phút sau, bỗng đài phát thanh lại oe óe. Tên tướng Vĩnh Lộc lên tiếng điều khiển cuộc diễu binh. Không bỏ lỡ cơ hội, Khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Nga ra lệnh bắn. Những quả đạn liên tiếp lao vào trung tâm Sài Gòn. Cùng lúc đó, sáu trận địa nghi binh, bộc phá của du kích nổ ầm ầm tứ phía. Cánh đồng như thở ra những đám khói kỳ lạ đánh lừa hỏa lực địch làm pháo và đạn của chúng rơi vu vơ cách xa trận địa thật.
Mười hai quả đạn giật liên tục khiến nền pháo sạt lở, khẩu đội quyết định thôi bắn vì sợ đạn sẽ rơi tản mát vào dân. Các pháo thủ tiếc rẻ, song đành vội thu pháo và vũ khí đem dìm xuống nước để giấu. Đến tối, phản ứng của địch lắng xuống, pháo thủ Đoàn 10 đặc công lại lần về trận địa vớt pháo lên đưa về một căn cứ ở vùng giải phóng cánh đó 5 km an toàn.

Xấu hổ vì lỡ lời

Ngay trong ngày, cơ sở ta ra thông báo kết quả: 24 quả đạn rơi vào khu vực lễ đài và đội hình diễu binh của địch. Số đạn tản mát không đáng kể, địch chết và bị thương khoảng dưới 100 tên, trong đó có 1 Đại tá Mỹ. Một trái pháo nổ ngay giữa đội hình bọn cán bộ bình định nông thôn, đây là lực lượng chúng đang ra sức đề cao. Quả đạn đó rơi cách Nguyễn Cao Kỳ 4m.

Hãng thông tin Mỹ UPI nói: “Một quả đạn rơi cách lễ đài 4 m nhưng bị lép... Vợ các đại sứ lăn ra khi đạn bắt đầu nổ”. “Trên hàng ghế danh dự của quân lực Mỹ, Đại tá hải quân Mỹ Richard vật vã trên vũng máu...”.

Một hãng thông tấn phương Tây trong bài “Ngày quốc khánh đẫm máu” viết rằng: “Từ khi xảy pháo kích cho đến những ngày sau đó, những người cầm đầu chính phủ Việt Nam cộng hòa và Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge, Đại tướng Westmoreland không dám gặp mặt nhau. Họ muốn tránh mặt nhau và tránh mặt tất cả. Hình như cả hai đều xấu hổ bởi những biện pháp an ninh mà họ nói rằng “đặc biết hữu hiệu” đã trở thành vô hiệu ..." .

Trong cuốn hồi ký Tường trình của một quân nhân, Westmoreland thừa nhận: "Ngày 1/11/1966, Việt cộng đã bắn 14 loạt đạn pháo không giật trong buổi lễ diễu hành, đủ để nhắc nhở mọi người phải tiếp tục chiến tranh".

Đặc công Việt Nam “xuất quỷ nhập thần” (kỳ 3)

(Kiến Thức) - Năm 1965, đặc công biệt động Sài Gòn thực hiện trận đánh "kinh thiên động địa" vào tòa Đại sứ Mỹ.

    Lọt vào tầm ngắm

    Theo sự can thiệp ngày càng sâu vào tình hình Việt Nam, tòa đại sứ Mỹ cũng được dựng lên bề thế giữa Sài Gòn để điều khiển toàn bộ cuộc chiến. Tòa nhà nằm ở giao lộ phố Hàm Nghi - Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu) gồm 5 tầng được bố trí bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt.

    Chiếc cổng sắt trông ra đường Hàm Nghi luôn đóng kín, chỉ được mở tự động theo lệnh của cảnh sát dã chiến Mỹ đứng gác tại cổng. Mọi xe cộ đều bị cấm dừng, đậu bên hông tòa nhà. Xung quanh khu vực tòa đại sứ được bố trí rất nhiều cảnh sát chìm, mật vụ trà trộn giả dạng dân thường để bảo vệ từ vòng ngoài. Chưa yên tâm bọn chúng lại bố trí một khẩu đại liên trên nóc tòa nhà cao tầng đối diện với đại sứ quán để sẵn sàng ứng cứu khi hữu sự.

    Năm 1965, quân Mỹ bắt đầu ồ ạt vào miền Nam. Để đánh đòn phủ đầu, Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam giao cho Quân khu Sài Gòn - Gia Định đánh vào tòa đại sứ quán Mỹ để gây tiếng vang cổ vũ chiến trường Nam Bộ và cả nước. Tổ biệt động F21 của Bảy Bê (người đã chỉ huy thành công các trận đánh cư xá Brink, khách sạn Caravelle trước đó) lại được Quân khu tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng này.

    Sau nhiều lần lân la đến gần tòa đại sứ để nghiên cứu cộng với tin tức từ cơ sở mật trong lòng địch báo ra, F21 đã tìm được điểm yếu của địch. Cấu trúc của tòa nhà sứ quán Mỹ có mặt hông phía đường Võ Di Nguy dài hơn mặt tiền ở đường Hàm Nghi. Bên cạnh đó, các ô cửa kính nằm hết ở mặt này và trong các ô kính là phòng làm việc của quan chức và nhân viên. Ở đây cũng chỉ có hàng rào chắn bằng gỗ, xe chở thiết bị nổ có thể lao qua để áp sát vào tường nhà.
    Tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi trước khi bị tấn công.

    Trinh sát mục tiêu đã khó nhưng chuyển vũ khí từ chiến khu vào nội thành còn khó hơn nhiều lần. Địch canh gác vòng trong vòng ngoài suốt trên các nẻo đường dẫn vào nội thành. Để qua mắt chúng, ta đặt thuốc nổ vào trong các bánh mủ cao su rồi chất lên xe tải với những vật dụng lỉnh kỉnh.

    Về tới nội thành, số vũ khí này được phân tán trên các xe lam chở về các cơ sở cất giấu. Thuốc nổ được cho vào bọc ni lông mấy lớp buộc kỹ dìm xuống kênh rạch vùng Bà Chiểu và những nơi không ai ngờ.

    Bên cạnh súng, vũ khí dùng cho trận đánh cũng phải rất khó khăn mới đưa vào được. Sách Biệt động Sài Gòn – Những chuyện bây giờ mới kể viết về đường vận chuyển súng: “ Trên đường từ Củ Chi về Hóc Môn, tới ấp Đồn (trên quốc lộ 1 - nay là quốc lộ 22), Bảy Bê bị cảnh sát gọi lại kiểm tra. Sau khi xem giấy tờ (dấu giả) hợp pháp của hai người, chúng vẫn chưa tin. Một tên cho tay vào túi định lục lọi "kiếm ăn" bỗng thấy quần áo lót phụ nữ nên rụt tay lại, mặt sượng cứng; nói lí nhí: "Toàn khô mực, cá tra". Cả bọn hiểu ý, liền bỏ đi. Bảy Bê và Minh Nguyệt qua cơn "thót tim”, lên xe phóng như bay về thành phố.

    Tổ chức cũng đã bỏ ra 270.000 đồng mua chiếc xe du lịch hiệu Frégate màu đen. Có xe rồi, Bảy Bê tìm cách thiết kế một thùng sắt để khít trong cốp xe để chứa thuốc nổ. Sau nhiều trục trặc, chiếc thùng sắt chứa 150 kg thuốc nổ đã đặt vừa khít vào cốp xe chỉ chờ ngày xung trận.

    Trận cường tập bất thần

    Ngày 30/3/1965, ngày N của kế hoạch, đội hình hành quân chuyển bánh. Đội trưởng Bảy Bê đi đầu vừa lái chiếc Frégate chứa 150kg thuốc nổ vừa chỉ huy đồng đội. Trên xe có Trần Văn Thế bảo vệ, Năm Bắc và Tư Việt chạy xe gắn máy yểm trợ phía sau. Sau cùng là Trần Thị Minh Nguyệt chạy xe gắn máy. Mọi người đều thủ súng ngắn và lựu đạn. Sau khi chạy qua các cung đường đã định sẵn, tổ chiến đấu đã tiếp cận được mục tiêu.

    Thấy xe Bảy Bê lao tới, Tư Việt rút súng hạ gục hai tên cảnh sát. Xe thuốc nổ đã ép sát rào chắn bằng gỗ bên hông tòa nhà. Bảy Bê điều chỉnh kíp nổ còn 30 giây rồi giật nụ xòe, gây nổ trực tiếp. Cả Bảy Bê và Thế nhảy ra khỏi xe, chạy về giải vây cho Tư Việt đang bị số đông mật vụ và công an bao vây.
    Cảnh tượng đổ nát tan hoang trong 1 căn phòng của tòa nhà được 1 tờ báo đăng sau vụ tấn công.

    Liền sau đó, nhằm đánh lạc hướng địch, Bảy Bê lao nhanh ra đường Tôn Thất Đạm đón chiếc taxi đợi sẵn chạy về hướng chợ Bến Thành. Vừa lúc ấy, một tiếng nổ long trời làm rung chuyển phố xá. Cửa kính trên các nhà cao tầng vỡ tung.  Lúc đó là 9h55 phút.

    Khối thuốc nổ 150kg cấu trúc hình lõm hướng vào tòa nhà đã thổi rỗng từ tầng 1 đến tầng 3. Các cửa song sắt vặn đi biến dạng, mảnh kính cùng gạch đá, tài liệu tung tóe khắp nơi. Khi nghe tiếng súng bắn nhau dưới đường, các quan chức và nhân viên tranh nhau xuống tầng trệt là lúc khối nổ công phá nên thương vong rất lớn. Có tới 195 tên chết và bị thương trong tòa nhà. Phó đại sứ Mỹ A. Johonson được đồng bọn dìu ra từ đống gạch vụn, mặt bê bết máu.

    Bọn ngụy Sài Gòn hoang mang dao động, ra lệnh kiếm soát gắt gao thành phố, còn dân chúng không ngớt lời bàn tán thán phục tài “xuất quỷ nhập thần" của Biệt động Sài Gòn.Cuộc trao đổi tù binh không thành

    Tuy nhiên trong trận đánh này, Tư Việt bị đám cảnh sát bu bám đã không rút lui được. Anh vừa bắn trả bọn địch vừa rút ra chợ Bến Thành rồi chạy ra đường Công Lý (Nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đến đây anh bị một tên mật vụ đứng ở khu vực đó bắn trúng. Viên đạn xuyên qua bụng làm ruột đổ ra. Bọn địch đuổi theo cũng vừa tới, chúng nhào tới bắt Tư Việt.

    Anh lấy tay nhét ruột vào, chỉ còn 2 viên đạn, anh bắn vào tên gần nhất rồi rút lựu đạn định cho nổ tung không cho địch bắt nhưng không may quả lựu đạn không nổ. Không chút hoảng sợ, Tư Việt nhảy vào vật lộn với bọn địch cho đến khi kiệt sức mới bị bắt và 8 ngày sau bị đưa ra tòa kết án tử hình.

    Tuy nhiên địch chưa dám thi hành án ngay vì phía Mặt trận giải phóng miền Nam tuyên bố nếu chính quyền Sài Gòn xử tử Lê Văn Việt thì phía Cách mạng sẽ xử bắn trung tá Mỹ Hertz, tình báo CIA, y là anh vợ Kennedy.

    Tuy vậy, kế hoạch trao đổi tù binh không thành vì sau đó tên trung tá Hertz bị ốm chết, còn Tư Việt bị địch đày ra Côn Đảo. Tại đây, anh tổ chức vượt ngục hai lần đều bị địch bắt trở lại. Anh bị địch tra tấn, đày ải nơi chốn địa ngục trần gian. Sức con người có hạn, Tư Việt đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội ngày 4/10/1966.

    Đặc công Việt Nam “xuất quỷ nhập thần” (kỳ 4)

    (Kiến Thức) - Cuối năm 1968, đặc công nước của ta lập công đánh chìm tàu chở dầu 13.000 tấn "trước mũi" hàng nghìn tên địch.

      Con ruồi cũng khó lọt

      Cảng Nhà Bè vốn là một thương cảng nằm cách Sài Gòn 16km về phía đông Nam. Khi Mỹ vào miền Nam đã biến nơi đây thành một quân cảng lớn với chiều rộng 2km, dài 7km nằm ở phía tây sông Nhà Bè. Trong cảng có các khu: xăng dầu – có kho xăng thuộc hãng Shell; trận địa pháo; khu hải quân với sân bay trực thăng và sân bay cho máy bay trinh sát L-19 cất hạ cánh.

      Lực lượng bảo vệ cảng có khoảng 1 trung đoàn, trang bị 400 tàu xuồng được vũ trang đầy đủ. Lực lượng ở đây gồm đủ các sắc lính: Hải quân, lính thủy đánh bộ, pháo binh, công binh, không quân.

      Hàng ngày, máy bay trinh sát L-19 thường xuyên do thám trên diện rộng và tìm kiếm những nơi nghi ngờ. Trên các sông Lòng Tàu, Soài Rạp, Nhà Bè ở gần cảng, nhiều trạm kiểm soát cố định và lưu động được tổ chức để kiểm tra tàu thuyền qua lại. Mặt sông thường có 6-8 tàu chiến cùng 4-6 trực thăng thay phiên nhau quần đảo, quét đèn pha tìm kiếm từng đám bèo tây, bụi cỏ ven bờ.

      Những khi có tàu lớn cập cảng thường có 2 tàu chiến hộ tống 2 bên, theo sau là ca nô với đầy đủ vũ khí. Lính trên bờ cũng được huy động đến làm việc đông hơn với đèn pha, pháo sáng làm cho cảng sáng như ban ngày. Trong cảng, những tàu lớn, đặc biệt là tàu Mỹ, cứ 5-7 phút bọn thủy thủ lại bắn súng hoặc ném lựu đạn xuống sông dọc 2 bên sườn tàu.
       Cảng Nhà Bè năm 1967.

      … nhưng đặc công thì ngoại lệ
      Với lực lượng bảo vệ đông đảo và hiện đại như thế, tưởng chừng một con ruồi cũng khó lọt qua để vào trong cảng. Nhưng vành đai bảo vệ ấy đã trở thành mù lòa trước các chiến sĩ đặc công của ta. Rạng sáng 5/12, chiến sĩ đặc công ta đã lọt vào cảng, đặt thuốc nổ đánh chìm chiếc tàu chở dầu 13.000 tấn ngay trước mắt địch.

      Theo cuốn Một số trận chiến đấu của lực lượng đặc công trong kháng chiến chống Mỹ, 18h ngày 1/12, lợi dụng đêm tối và sông nước, tổ trinh sát của đội 5 Đặc công rừng Sác đã bí mật đột nhập vào cảng. Đến 4h ngày 2/12 còn cách mục tiêu 5 km nhưng trời sắp sáng không thể vào sâu hơn, phải dừng lại quan sát bằng ống nhòm.

      Qua ống nhòm, trinh sát đã phát hiện được một tàu trọng tải 13.000 tấn. Nửa đêm 2/12, tổ trinh sát để lại 1 đồng chí để nắm mục tiêu còn 2 người về căn cứ báo cáo tình hình và lập kế hoạch tấn công.

      Kế hoạch chiến đấu được phác thảo: Tổ chiến đấu gồm 3 người sẽ lợi dụng dòng chảy của sông Lòng Tàu, sông Nhà Bè để di chuyển, luồn lách qua trạm kiểm soát của địch, tiếp cận mục tiêu. Vị trí đặt bộc phá là mạn tàu, chính giữa khoang buồng máy. Sau khi đặt bộc phá vào đúng vị trí, ta sẽ hẹn giờ kíp nổ để đảm bảo khi vụ nổ xảy ra, các chiến sĩ đã đi xa trận địa để dễ dàng tránh địch truy lùng.

      Đốt tàu trước mắt địch

      Tối 4/12 tổ chiến đấu bắt đầu di chuyển. Khi ra đến cửa rạch Chà Là trên sông Lòng Tàu tổ gặp biệt kích địch, phải dìm bộc phá sâu xuống nước và thả ống theo sông Lòng Tàu. Đi được 1 đoạn, thủy triều bắt đầu rút nên phải bơi ngược nước 3 km.

      Đến 22h, tổ đến được ngã 3 sông Soài Rạp và sông Nhà Bè. Khu vực này có nhiều tàu thuyền của dân đậu ở bến, phải len lỏi mất khá nhiều thời gian mới qua được. Nhưng ra đến giữa sông lại gặp phải nước xoáy, 3 chiến sĩ vừa phải giữ bí mật lại có khối bộc phá nặng nên phải chống chọi rất vất vả mới thoát được.

      23h đêm 4/12, khoảng cách đến mục tiêu vẫn còn 5km nữa. Càng vào gần cảng, tàu thuyền tuần tiễu càng dày hơn. Lúc này thủy triều đã lên song nước còn chảy chậm nên tốc độ bơi thả rất chậm, chỉ nhích được từng đoạn một. Có chiến sĩ đã chần chừ muốn dừng trận đánh sang đêm sau. Cả tổ hội ý rồi quyết định khắc phục khó khăn để đánh đúng kế hoạch. Nửa giờ sau, nước triều bắt đầu chảy xiết nên tốc độ bơi thả nhanh hơn.

      Vượt qua 3 tuyến tàu các loại của địch ở vòng ngoài, tổ chiến đấu tiến thẳng đến cầu tàu số 4, nơi có chiếc tàu 13.000 tấn. Một chiến sĩ bơi lên mũi tàu bám chặt vào dây neo. Một chiến sĩ khác bám vào bánh lái ở đuôi tàu còn tổ trưởng đẩy khối bộc phá áp sát mạn tàu ở vị trí đã định.

      Sau khi bóp kíp hẹn giờ, chiến sĩ tổ trưởng lặn xuống buộc khối bộc phá 200kg cố định vào dây chuẩn (sợi dây buộc từ bánh lái vào dây neo để giữ cho khối bộc phá không bị nước làm trôi đi). Sau 5 phút thao tác, cả tổ thoát ra khỏi mục tiêu.
      Sơ đồ trận đánh tàu chở dầu 13.000 tấn.

      3 chiến sĩ rời cảng được chừng 800m thì bộc phá nổ. Chiếc tàu 13.000 tấn chở đầy dầu nên bắt lửa cháy nổ dữ dội khiến các tàu xung quanh phải dạt ra không thể chữa cháy được. Tàu 13.000 tấn từ từ chìm xuống sông kéo theo toàn bộ thủy thủ ở trên tàu.


      Địch phản ứng dữ dội, cho máy bay trinh sát, trực thăng vũ trang quần đảo trên khu vực nhằm phát hiện bộ đội ta trên đường rút ra. Pháo địch từ trận địa pháo trong cảng bắn vào các cửa sông rạch mà chúng nghi ngờ để chặn đường rút của lực lượng tấn công.

      Trái với địch dự đoán, đặc công không rút ra ngay mà lại bơi tiếp theo sông lên ẩn nấp ở Rạch Cá, cách cảng không xa. Ngày hôm sau, địch chạy loạn xạ trên sông, trên đường để tìm những kẻ tấn công đêm trước nhưng vô hiệu nên đến tối phản ứng của chúng cũng dịu dần. Chờ đến tối tổ chiến đấu bơi theo sông về đến căn cứ an toàn lúc đến 23h30 đêm 5/12.

      Tàu chở dầu 13.000 tấn bị đánh chìm ngay trong một cảng có hàng ngàn quân bảo vệ vòng trong vòng ngoài đã khiến địch vô cùng hoang mang. Suốt 15 ngày sau trận đánh, cảng Nhà Bè phải dừng không cho tàu lớn cập cảng để khắc phục hậu quả.

      Nhận xét về ý nghĩa của trận đánh, cuốn Một số trận chiến đấu của lực lượng đặc công trong kháng chiến chống Mỹ viết: “ Trận đánh không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho địch mà còn gây tiếng vang chính trị lớn ngay trong sào huyệt của chúng buộc địch phải điều chỉnh lực lượng, bố trí lại thế phòng thủ vốn đã bị động càng bị động hơn”.

      Đặc công Việt Nam “xuất quỷ nhập thần“(kỳ 5)

      (Kiến Thức) - Năm 1970, lực lượng đặc công ta đã thực hiện một cuộc tập kích tấn công vào doanh trại biệt kích Ngụy.

      Mai Lộc – sào huyệt của những bại tướng

      Đặc công là lực lượng tinh nhuệ của quân ta thì quân Ngụy cũng xây dựng một lực lượng đặc biệt gọi là Biệt kích. Loại lính này được huấn luyện và trang bị đặc biệt để chuyên đánh phá đường Trường Sơn và vùng hậu phương của ta.

      Để đánh phá Trường Sơn, địch xây dựng căn cứ biệt kích ở Làng Vây để làm bàn đạp. Tuy nhiên, nơi này bị quân ta 2 lần tiến đánh (năm 1966, 1967) buộc chúng phải rút về lập căn cứ trên đồi Mai Lộc (thuộc xã Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

      Đến năm 1970, ở Mai Lộc có 2 trung đội Mỹ và 5 trung đội Ngụy cùng 1 sở chỉ huy hỗn hợp với tổng quân số khoảng 500 tên. Trại Mai Lộc bố trí hệ thống phòng thủ rất chặt chẽ và phức tạp, bao quanh là 1 dải hàng rào với nhiều lớp rào đủ loại từ rào đơn tới bùng nhùng, rào cũi lợn, rào mắt cáo. Và xen với hàng rào là các bãi mìn với mìn sáng, mìn định hướng, mìn sát thương…

      Trong lớp rào là hàng chục lô cốt, ụ chiến đấu bằng bê tông cốt thép xen với nhà ngủ. Trong cùng có 2 hầm ngầm chứa được khoảng 200 người. Đây là khu vực đặt sở chỉ huy hỗn hợp của biệt kích Mỹ - Ngụy, cùng với lô cốt kiên cố là hỏa lực rất mạnh với 2 cối 106,7mm, 4 cối 81mm, 15 đại liên cộng với 2 xe tăng và nhiều cối cá nhân.
       Sơ đồ căn cứ Mai Lộc và các mũi tấn công của quân ta

      Bên cạnh đó, Mai Lộc còn được yểm trợ mạnh mẽ từ các căn cứ xung quanh. Phía Bắc Mai Lộc 600m có cụm cứ điểm do 1 tiểu đoàn chủ lực Ngụy đóng, ở đây chúng có 1 đại đội pháo 105mm và 3-5 xe tăng có thể chi viện cho Mai Lộc.

      Hướng tây và tây bắc là ấp chiến lược Hướng Hóa có 1 đại đội bảo an. Hướng đông, cách 2km có cụm cứ điểm Mai Đang, thỉnh thoảng bộ binh cơ giới Mỹ cỡ động ra chốt giữ 1 thời gian.

      Hạ quyết tâm diệt biệt kích

      Theo cuốn Một số trận chiến đấu của lực lượng đặc công trong kháng chiến chống Mỹ, tì tính chất nguy hiểm của căn cứ Mai Lộc, từ tháng 2/1970, mặt trận Trị - Thiên đã có ý tấn công nó. Đơn vị nhận nhiệm vụ đã tiến hành trinh sát chuẩn bị nhưng sơ suất bỏ lại một số vật dụng trong hàng rào làm địch phát hiện ra nên phải dừng trận đánh lại.

      Cuối tháng 3/1970, nhiệm vụ tiêu diệt Mai Lộc được giao cho đặc công. Tối 27/3, đoàn trinh sát đặc công bí mật cắt rào để lọt vào căn cứ Mai Lộc song không thể vượt qua lớp rào cuối cùng do địch canh gác chặt. Mặc dù vậy, với những gì đã quan sát được, đơn vị vẫn tự tin có thể đánh được.
      Chiến sĩ đặc công huấn luyện vượt hàng rào thép gai.


      Qua nghiên cứu, ta nhận thấy địch có những điểm yếu, sau trận Làng Vây, lính Mỹ và lính Ngụy không tin tưởng nhau. Ở vòng ngoài, địch lùng sục kỹ nhưng ở trong căn cứ lại lơ là, canh gác còn hay nói chuyện và chỉ canh gác cố định, không tuần tra.

      Thêm nữa, lính địch có tâm lý coi đây như một đơn vị thu dung để củng cố nên sức đối phó tại chỗ yếu. Với lớp rào và bãi mìn ta cũng phát hiện thấy địch chỉ tập trung đề phòng hướng nam là hướng mà đoàn trinh sát lần trước đã lộ còn các hướng khác có sơ hở.

      Phía ta, lực lượng có Đại đội 6 của Tiểu đoàn đặc công 33 và Đại đội 7 của Tiểu đoàn đặc công 29 (thuộc Sư đoàn 304). Đại đội 6 có 50 người, số ít đã qua chiến đấu nhưng chưa từng đánh công sự vững chắc còn phần lớn là tân binh. Đại đội 7 được huấn luyện cơ bản nhưng mới vào chiến trường chưa qua chiến đấu. Mặc dù vậy, sau khi phân tích tình hình địch ta, ban chỉ huy vẫn hạ quyết tâm tấn công địch.

      Biệt kích giáp mặt Đặc công

      Ngày 8/4, các đơn vị đặc công xuất phát theo kế hoạch, cũng trong ngày, địch tăng cường một đại đội đến Mai Lộc để phòng thủ những hướng ta đã lộ lần trước. Đến 13h ngày 9/4 đội hình chiến đấu đến được vị trí tập kết và chia ra ẩn nấp trong rừng, tránh gặp dân để giữ bí mật.

      22h10 ngày 9/4, toàn đội hình đã vào cách lớp rào ngoài cùng 100m. Ở hướng chủ yếu, 45 chiến sĩ của đại đội 7 chia thành 3 mũi đánh vào hướng: tây, tây nam và nam.

      Hướng thứ yếu, 52 chiến sĩ của Đại đội 6 chia thành 3 mũi đánh vào các hướng: đông, bắc và tây bắc. Trang bị ở các mũi tiến công của ta gồm B40, AT và bộc phá.

      Ngoài ra còn có đội dự bị 14 người để bổ sung cho mũi 1 nếu cần thiết cùng một đội 38 người dùng cối 82mm, B41 và trung liên để kiềm chế các trận địa pháo và đánh viện binh địch.

      1h20 phút ngày 10/4, mũi số 2 ở hướng tây nam còn 1 lớp rào nữa nhưng lỡ làm nổ mìn sớm. Lô cố địch đã ở trước mặt, ta chủ động bắn luôn B40. Cùng lúc, chỉ huy ra lệnh cho cả 6 mũi đồng loạt nổ súng, sớm hơn 40 phút so với kế hoạch, trận đánh bắt đầu.
      Chiến sĩ đặc công huấn luyện chiến đấu.


      Các hướng nhanh chóng tấn công làm chủ các khu vực được phân công. Riêng có hướng mũi 3 gặp khó khăn và thương vong lớn. Mũi này ở hướng nam là nơi địch tăng cường đề phòng, trong lúc cắt rào đã có 3 người bị thương vì mìn. Vào phút nổ súng, vẫn còn 3 lớp rào chưa cắt được, bị địch bắn mạnh, phần lớn chiến sĩ mũi 3 thương vong, chỉ còn lại 4 người nhưng vẫn kiên quyết xông lên đánh địch. Các chiến sĩ đã diệt được 1 xe tăng và 6 lô cốt cùng với nhà ngủ nhưng không đủ sức để diệt gọn quân địch và làm chủ khu vực được giao.

      Đến 2h30 sáng, pháo địch bắn mạnh vào cứ điểm đồng thời trực thăng bay đến quần đảo bên trên. Lực lượng kiềm chế bắn pháo hiệu xanh để đánh lừa nhằm thu hút hỏa lực của pháo và máy bay địch. 3h ngày 10/4, quân ta rút hết khỏi trận địa. Sau gần 2 giờ chiến đấu, trận đánh kết thúc.

      Sách Một số trận chiến đấu của lực lượng đặc công trong kháng chiến chống Mỹ viết: “ Kết quả ta diệt được 350 địch, bắt sống 1 tên và phá hủy 2 pháo cối 106,7mm, 4 pháo cối 82mm, 1 số xe tăng, ô tô cùng 1 kho xăng bị…. Ta hy sinh 9, mất tích 14 và bị thương 35 người”.

      Với quân số tham chiến gần 200 người, đây là một trong những trận đánh lớn của Đặc công. Tuy nhiên, phải nhìn nhận đây là trận công đồn diệt địch chứ không phải lén vào cài mìn phá hoại địch. Thêm nữa, lực lượng địch cũng là 1 lực lượng tinh nhuệ, có kinh nghiệm đối phó với cách đánh đặc công, lại có công sự kiên cố và hỏa lực mạnh yểm trợ và quân số gấp hơn 3 lần quân ta. So về mọi mặt binh, hỏa lực, ta vẫn ở thế yếu hơn.

      Tuy nhiên, quân ta đã thắng dù phần đông lực lượng chưa có kinh nghiệm đánh công sự vững chắc và mới lần đầu tiên ra trận. Điều đó đã củng cố niềm tin của đơn vị và nhân dân về cách đánh và hiệu quả chiến đấu của đặc công.

      Đặc công Việt Nam “xuất quỷ nhập thần“(kỳ 6)

      (Kiến Thức) - Trong trận đánh cuối tháng 12/1972, chỉ với 5 chiến sĩ đặc công quân ta đã thiêu rụi 18.000 quả bom trong kho vũ khí địch.

      Chưa thỏa mãn chiến công

      Kho bom thành Tuy Hạ được xây dựng từ thời Pháp, được Mỹ mở rộng quy mô nhằm dự trữ cho cả chiến trận nam Đông Dương. Vào cuối năm 1972, ta nhận được tin Mỹ sắp mở cuộc tấn công lớn bằng không quân ra miền Bắc. Bộ tư lệnh B2 lệnh cho Đoàn 10 Đặc công rừng Sác tìm mọi cách đánh vào kho bom thành Tuy Hạ để phá hủy bom đạn dự trữ của địch.

      Đại đội 32 Đoàn 10 nhận nhiệm vụ tập kích vào Tuy Hạ, từ 12/10-21/10/1972, tổ trinh sát của đơn vị đã 6 lần tìm cách đột nhập vào Tuy Hạ để xác định kế hoạch nhưng đều không thành công do đụng địch và các vật cản dày đặc.

      Đêm 7/11, 2 tổ trinh sát táo bạo đột nhập từ hướng tây tây bắc, ở vị trí sát nách quân cảng được bảo vệ cẩn mật. Trinh sát đã chui qua 8 lớp rào, ém lại một ngày giữa rào bùng nhùng và đêm sau lọt được vào khu kho. Một tổ khác vào từ phía nam gặp địch, 1 trinh sát vấp phải mìn đứt cả hai chân, cõng ra đến ngoài thì hy sinh.

      Ban chỉ huy quyết định phải đánh ngay đề phòng địch thay đổi quy luật tuần tra bố trí. Đêm ngày 11 rạng 12/11, trời tối đen như mực, 4 chiến sĩ cùng 16 khối thuốc nổ lặng lẽ nhích lên từng bước một theo con đường đã bò qua khi tiềm nhập. Khéo léo vượt qua hết hàng rào, bãi mìn và những trạm gác của địch, 4 chiến sĩ đến được bờ tường kho. Cả 4 người nhanh chóng thao tác theo kế hoạch đã thực tập từ ở nhà rồi tuần tự rút lui an toàn.

      Khoảng 4h sáng, từ phía thành Tuy Hạ, những tiếng nổ rền vang, lửa rực sáng cả một góc trời. Mấy ngày sau, nguồn tin nội bộ báo ra, ta chỉ mới đánh trúng khu thuốc nổ và bom napan, thiêu huỷ 23 nhà kho chứa thuốc nổ tương đương 23.000 mét khối và 9 nhà kho bom napan khoảng 20.000 quả.
       Sơ đồ kho bom thành Tuy Hạ.

      Vét túi bom Mỹ

      Không bằng lòng với kết quả trận tập kích, nửa tháng sau Đoàn 10 lại chỉ đạo đại đội 32 đi điều nghiên tiếp hướng quân cảng Tuy Hạ để đánh trúng kho bom.

      Đêm 8/12/1972, tổ trinh sát gồm 5 người lọt vào đến khu kho thì trời sắp sáng không lùi ra kịp nên tổ phải ém lại giữa ban ngày với gạo rang cơm nắm, chờ đến tối sục sạo thêm.

      Tham mưu trưởng Đoàn 10 – Lê Bảy nhận định: " Ta vừa đánh, địch chưa kịp hoàn hồn, còn sơ hở, chúng cũng không nghĩ rằng đặc công lại dám đánh trận thứ hai trong vòng 1 tháng, cần chớp thời cơ đánh vào kho bom". Đại đội 32 quyết định đêm 11/12 sẽ đánh tiếp.

      Trong tập hồi ký Một thời rừng Sác, Đại tá Lê Bá Ước kể về trận tập kích lần 2: “Đêm 11/12, tổ chiến đấu gồm 5 người do đồng chí Hai Quyết làm tổ trưởng, đồng chí Hòa tổ phó xuất kích. Trước 4h sáng ngày 12/12 tất cả đã lọt vào giữa ruột khu kho. Tổ trưởng và tổ phó mỗi người một mũi thọc sâu và trung tâm tìm đúng kho bom thì trời sắp sáng. Cả tổ phải ém lại trong khu cỏ tranh ở giữa khu kho. Tổ chiến đấu quyết định ẩn nấp ở đây, nếu lộ sẽ đánh quyết tử. Năm người nằm đấu chân vào nhau quay đầu ra các hướng để quan sát.

      Đến xế chiều một chiếc máy xúc tiến lại định xúc đống sắt vụn bên cạnh tổ đặc công nằm. Tổ phó Hòa giắt quả thủ pháo vào lưng rồi khom người tiến lên đón đầu chiếc xe. Tên lính định bỏ chạy nhưng Hòa một tay chỉ vào miệng, một tay chỉ vào quả thủ pháo.
      Chiến sĩ Đặc công thời nay đang luyện tập vượt rào thép gai.

      Tên lính hiểu ra: “Câm mồm, nếu không thì chết”. Sau đó Hòa chọn chỗ khuất ngồi giám sát tên lính làm việc. 8h tối, tên lính chưa dám rời khỏi xe trong khi 4 chiến sĩ đặc công của ta đã tỏa đi các mục tiêu. Hoà ở lại trèo lên xe cảnh cáo tên lính: “Muốn sống về với vợ con, anh cứ làm việc bình thường, sau 9 giờ sẽ ra về theo tốp lính thợ, thấy gì để yên đó, không được nói với một ai”.

      Rồi Hoà cũng lao tiếp theo anh em, tổ chiến đấu mải miết đặt mìn, gắn kíp hẹn giờ vào kho bom. Mìn được gắn vào giữa ruột quả bom dưới cùng để nếu có tình huống lộ thì địch vẫn thua vì nổ 1 quả sẽ kích nổ cho cả kho. Nửa đêm, cả tổ rời kho Tuy Hạ sau khi tìm cách giải thoát cho người lính Sài Gòn.

      2h55 phút khi tổ đặc công về đến Bàu Sen thì lửa đỏ rực trời. Kho bom Tuy Hạ bị dìm dưới những quầng lửa khổng lồ, nổ và cháy suốt cả 3 ngày 3 đêm liền, tung toé cả một vùng mấy cây số vuông, làm cho phần nhiều cửa kính cao tầng nội đô Sài Gòn rạn nứt, tất cả chướng ngại vật, mìn trái bị quét sạch gần hết, 1 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn quân cụ, cùng với 1 đại đội quân khuyển hơn 100 chó béc-giê tan xác.

      Các dũng sỹ đặc công Đoàn 10 đã lập được chiến công vang dội, 80% kho bom ở Tuy Hạ bị phá hủy. Tổng cộng kho bom chứa khoảng 60.000 quả bom tương đương 18.000 tấn trong đó có nhiều bom CBU – một loại bom có sức công phá chỉ xếp sau bom nguyên tử. 

      Lực lượng đi vào huyền thoại

      Chiến tranh là cuộc đấu trí, đọ sức toàn diện, các bên thường xuyên thay đổi thủ đoạn, chiến thuật. Đối với cách đánh Đặc công, kẻ địch cũng tìm nhiều biện pháp để chống lại.

      Đồn bốt từ chỗ xây hình vuông, hình chữ nhật chuyển sang xây theo hình tam giác, hoặc 5-6 cạnh, từ xây bằng gạch, gỗ, đất tiến lên xây bằng xi măng cốt thép. Từ chỗ chỉ có ở 4 góc, công sự đã được xây ngay trong nhà ngủ. Rồi tăng cường vật cản, ngoài những lớp rào xung quanh, chúng rào cả trên mặt công sự, trùm lên lô cốt hầm ngầm. Chúng cũng đốt sạch vùng xung quanh căn cứ và nuôi nhiều chó, ngỗng, vịt hơn trước để dễ phát hiện ta.

      Nhưng dù chúng bố trí phức tạp, tinh vi như thế nào cũng vẫn không ngăn được bước chân của đặc công vào đánh. Bởi lẽ dù cho bố trí phức tạp thế nào cũng không tránh khỏi những sơ hở. Bám sát địch, phát hiện và lợi dụng sơ hở để diệt địch chính là bí quyết bách chiến bách thắng của đặc công. 
       Chiến sĩ Đặc công nước trên sông Rạch Lá trong đặc khu rừng Sác.

      Trong 2 cuộc kháng chiến, lực lượng đặc công đã đánh hàng nghìn trận, diệt nhiều sinh lực và phá hủy khối lượng rất lớn vũ khí và phương tiện địch, góp công lao vào thắng lợi của cả dân tộc.

      Trong hàng nghìn trận đánh của đặc công, mỗi trận có nét sáng tạo riêng, phần nhiều là dùng lực lượng nhỏ nhưng cũng có khi huy động hàng trăm chiến sĩ. Tuy nhiên tất cả đều mang tư tưởng bí mật, táo bạo tiến công, sử dụng mưu trí để lợi dụng sơ hở của địch mà đánh địch.

      Thực tế lịch sử của Đặc công Việt Nam đã chứng minh con người là nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Phần tổng kết của sách Lịch sử bộ đội Đặc công Việt Nam cũng khẳng định: “ Đánh quân địch có đầy đủ vũ khí, phương tiện hiện đại, Đặc công chỉ có những vũ khí hết sức thô sơ và kém hiện đại hơn chúng nhiều lần, nhưng với cách đánh đặc biệt và sự phát huy sáng tạo tài tình của cán bộ, chiến sĩ đặc công, vũ khí trang bị thô sơ, kém hiện đại đó đã làm cho quân địch thua đau. Điều đó chứng tỏ yếu tố con người là nhân tố quyết định thắng lợi”.

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét