Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

CHUYỆN ÍT BIẾT 56

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Những Vũ Khí Kỳ Dị Trong Thế Chiến 2 [Part 1]

 
Những Vũ Khí Kỳ Dị Trong Thế Chiến 2 [Part 2]

Mèo và lạc đà giúp Hồng quân đè bẹp phát xít Đức thế nào?

SONG HY |


Mèo và lạc đà giúp Hồng quân đè bẹp phát xít Đức thế nào?

Mèo và lạc đà góp công không nhỏ vào chiến thắng của các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Lạc đà
Lạc đà lần đầu tiên xuất hiện trên các mặt trận của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là tại trận Stalingrad, thành phố Stalingrad (nay là Volgograd) ở miền Tây Nam nước Nga. Trận đánh diễn ra từ ngày 17/7/1942 đến 2/2/1943. Trận đánh là một bước ngoặt quan trọng và bước đầu làm xoay chuyển cục diện trong Chiến tranh Thế giới thứ II, thậm chí là một trong những bước ngoặt lớn nhất của nền quân sự thế giới vào thế kỷ XX.
Khi đó, quân đội Liên Xô gần Astrakhan đang chuẩn bị tham gia vào một trong những trận đánh quan trọng nhất của cuộc chiến nhưng lại thiếu trầm trọng xe tải và ngựa.
Mèo và lạc đà giúp Hồng quân đè bẹp phát xít Đức thế nào? - Ảnh 1.
Bên cạnh ngựa, lạc đà cũng được sử dụng để chuyên chở hàng hóa và pháo binh. (Ảnh: RBTH)
Những người lính bắt đầu tìm kiếm những con lạc đà hoang dã ở các vùng bán sa mạc như lựa chọn thay thế cho nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và pháo binh. Mặc dù là "lính mới" nhưng binh đoàn này lại rất thạo việc và nhanh chóng trở thành những người đồng đội thực sự của quân đội Liên Xô.
Có tổng cộng gần 350 con lạc đà đã tham gia vào cuộc chiến. Nhiều trong số chúng đã bị quân địch sát hại, số khác sau khi hoàn thành nhiệm vụ được đưa về các sở thú địa phương trên tuyến đường xuyên Đông Âu. Một số thậm chí được đưa tới tận Berlin.
Mèo
Mèo dù không tham gia chuyên chở hàng hóa như lạc đà hay chiến đấu trực tiếp với quân địch như chó cảm tử hay ngựa, nhưng vẫn có những đóng góp đáng kể trong chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức. Trong cuộc vây hãm Leningrad (Thành phố St. Petersburg ngày nay) 900 ngày của quân phát xít, người dân do thiếu thức ăn trầm trọng đã phải ăn tất cả các con mèo sống trong thành phố, điều này dẫn tới sự hoành hành của lũ chuột. Bầy gặm nhấm đột nhập vào nhà kho, vét sạch những nguồn cung thực phẩm khan hiếm cuối cùng.
Mèo và lạc đà giúp Hồng quân đè bẹp phát xít Đức thế nào? - Ảnh 2.
Những chú mèo giúp người Liên Xô thoát khỏi cơn ác mộng vì lũ chuột hoành hành. (Ảnh; RBTH)
Chính quyền thành phố đã phải săn, bắn thậm chí là đè bẹp lũ chuột bằng xe tăng nhưng không hiệu quả. Vì vậy, vào năm 1943, những chiếc xe chở đầy mèo được huy động tiến vào thành phố. Ngay sau đó, lũ mèo đã cho thấy năng lực diệt chuột thượng thừa của mình, qua đó giải cứu toàn thành phố sau những ngày tháng ác mộng vì lũ chuột. Nhiều tượng đài mèo cho tới nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi tại St.Petersburg.
Những chiến binh thầm lặng khác
Mặc dù Thế chiến II là cuộc chiến của xe tăng và thời kỳ hoàng kim của kỵ binh đã qua từ lâu, nhưng ngựa vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến.
Mèo và lạc đà giúp Hồng quân đè bẹp phát xít Đức thế nào? - Ảnh 3.
Các đơn vị kỵ binh chiếm gần 1/4 tổng số sư đoàn Liên Xô. (Ảnh: RBTH)
Được trang bị súng pháo hạng nhẹ, các kỵ binh Liên Xô xuất hiện ở những nơi quân địch không ngờ đến, tạo điều kiện để hồng quân Liên Xô bắn phá ác liệt quân Đức. Chiến thuật này được áp dụng hết sức hiệu quả trong Trận chiến Matxcơva năm 1941 khi mà các đơn vị kỵ binh chiếm gần 1/4 tổng số sư đoàn Liên Xô.
Bên cạnh việc tham gia chiến đấu trực tiếp, ngựa còn làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, pháo binh trên các địa hình hiểm trở. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa thu và mùa đông ở Nga, ngựa có lợi thế hơn hẳn so với xe tải vì không mắc kẹt trong bùn hoặc tuyết.
theo VTC News


Ly kỳ hành trình CIA Mỹ 'đánh cắp' tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển

Thu Hằng |


Ly kỳ hành trình CIA Mỹ 'đánh cắp' tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển

Chiến dịch tuyệt mật do CIA chỉ huy đã trục vớt lên được con tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo của Liên Xô bị đắm trên Thái Bình Dương dưới một vỏ bọc không ngờ.

 Ly kỳ hành trình CIA Mỹ đánh cắp tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển  - Ảnh 1.
Đồ họa về sứ mạng trục vớt tàu ngầm K-129 dưới vỏ bọc tàu thăm dò khoáng sản.
Năm 1968, khi Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào, tàu K-129 – tàu ngầm Liên Xô được trang bị ba quả tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung R-21 – đắm trên Thái Bình Dương sau khi rời cảng trên bán đảo Kamchatka.
Sau những nỗ lực tìm kiếm bất thành, chính phủ Liên Xô đành từ bỏ chiến dịch tìm tàu đắm bởi thiếu công nghệ. Nhận thấy người Liên Xô vẫn chưa nắm được vị trí chính xác của tàu K-129, vốn được ví như "một mỏ vàng" thông tin tình báo về Liên Xô, chính phủ Mỹ đã nảy ra ý tưởng đánh cắp con tàu để tìm hiểu về vũ khí chiến lược của đối thủ.
Sứ mạng này được đặt mật danh là Dự án Azorian. Dự án tuyệt mật Azorian được giao cho Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Mỹ chỉ huy, phối hợp với Lầu Năm góc.
Rất nhanh sau khi tàu Liên Xô chìm, Hải quân Mỹ đã huy động thiết bị định vị thủy âm để xác định vị trí xác tàu. USS Halibut, tàu ngầm trinh sát tinh vi của Mỹ, được lệnh tìm kiếm con tàu của Liên Xô. Halibut được trang bị các phương tiện tìm kiếm và cứu hộ biển sâu hiện đại.
Nó đi vào khu vực nghi tàu ngầm Liên Xô chìm và triển khai tàu ngầm không người lái điều khiển từ xa (ROV) để tìm kiếm. Đội ngũ tìm kiếm chụp khoảng 20.000 bức ảnh và xác định được vị trí xác tàu ngầm Liên Xô. Thì ra K-129 chìm ở độ sâu 4,8km, cách tây bắc Hawaii khoảng 2.900km.
Để trục vớt được con tàu ngầm nặng 1.750 tấn, dài 40 mét đang nằm sâu gần 5km dưới đáy đại dương, CIA đã thuê các kỹ sư và nhà thầu mà họ tin rằng có thể hoàn thành nhiệm vụ gần như bất khả thi này bằng cách sử dụng một chiếc máy kẹp cơ khí khổng lồ, có nhiệm vụ ngoạm lấy thân tàu ngầm và đưa lên mặt nước.
 Ly kỳ hành trình CIA Mỹ đánh cắp tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển  - Ảnh 2.
Tàu thăm dò khoáng sản Glomar Explorer được huy động để che mắt cho chiến dịch.
Trong những năm 1970-1974, chiếc máy này được bí mật chế tạo. Để che đậy việc trục vớt, CIA trưng dụng tàu Glomar Explorer chuyên thăm dò khoáng sản biển sâu thuộc sở hữu của tỷ phú Howard Hughes, Chủ tịch Summa Corporation. Sứ mệnh "lấy trộm" xác tàu ngầm Liên Xô được ngụy trang dưới vỏ bọc hoạt động thăm dò hải dương và khai khoáng ở đáy biển.
Phần đáy tàu Glomar Explorer được cắt một khoang lớn chứa chiếc máy trục vớt. Khoang có cửa để đóng lại trong quá trình di chuyển. Để tránh những con mắt dòm ngó từ các máy bay, tàu thuyền và vệ tinh do thám của Liên Xô, toàn bộ sứ mạng trục vớt tàu K-129 đều diễn ra ngầm trong lòng biển.
Ngày 4/7/1974, tàu thăm dò Hughes Glomar Explorer di chuyển từ Long Beach, California tới địa điểm xác tàu K-129 và ở lại khu vực này trong hơn một tháng mà không bị nghi ngờ, kể cả khi bị các tàu và máy bay Liên Xô theo dõi suốt thời gian đó.


 Ly kỳ hành trình CIA Mỹ đánh cắp tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển  - Ảnh 3.
Khu vực K-129 bị đắm (chữ đỏ) so với Trân Châu cảng, Hawaii, Mỹ.
Nhưng chiến dịch "ăn trộm" tàu ngầm K-129 cũng đặt ra những rủi ro lớn với thủy thủ đoàn. Khi K-129 đang được máy kẹp nâng lên, một khoang lớn của tàu ngầm bất ngờ vỡ rời, chìm ngược trở lại đáy đại dương sâu thẳm.
Thủy thủ đoàn chỉ vớt lên được khoang nhỏ hơn của tàu có chứa thi thể của sáu thủy thủ Liên Xô. Các thủy thủ xấu số được làm nghi lễ hải táng. Phải tới tận năm 1992, Giám đốc CIA Robert Gates mới cung cấp đoạn băng ghi hình buổi lễ hải táng này cho Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin.
Sau khi vuột mất một khoang quan trọng của tàu ngầm, một sứ mạng thứ hai, tương tự như Dự án Azorian đã được lên kế hoạch để tiếp tục trục vớt khoang bị vỡ. Tuy nhiên, một sự cố tai hại đã xảy ra ngay trước khi sứ mạng này được tiến hành. Những tên trộm đã đột nhập vào một số văn phòng của tỉ phú Howard Hughes, lấy đi nhiều tài liệu mật tiết lộ mối quan hệ của Hughes với CIA. Dự án mật nhanh chóng bị phơi bày.
CIA phối hợp với Cục Điều tra Liên bang (FBI) cùng Sở cảnh sát Los Angeles truy bắt tên trộm để lấy lại tài liệu tuy nhiên, nhiều thông tin đã rò rỉ ra ngoài.


 Ly kỳ hành trình CIA Mỹ đánh cắp tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển  - Ảnh 4.
Một phần xác tàu ngầm Liên Xô mà Mỹ trục vớt được.
Giám đốc CIA William E. Colby khi đó phải gặp riêng tờ Los Angeles Times đề nghị họ không công bố thông tin. Tuy nhiên, vào ngày 18/2/1975, Los Angeles Times đã tung lên mặt báo toàn bộ những thông tin mà họ nắm được về Dự án Azorian.
Phóng viên điều tra Jack Anderson còn tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng các chuyên gia hải quân khẳng định tàu ngầm Liên Xô bị chìm không chứa bí mật đáng kể nào và dự án trục vớt nó là sự lãng phí tiền của người nộp thuế.
Trong khi đó, khi vụ việc vỡ lở, Liên Xô lập tức điều tàu đến bảo vệ khu vực tàu đắm, và để tránh leo thang căng thẳng, Nhà Trắng đã hủy bỏ sứ mạng trục vớt khoang tàu còn lại của K-129. Theo các tài liệu được giải mật, Chính phủ Mỹ đã chi tới 800 triệu USD (tương đương với 3,8 tỷ USD theo tỷ giá năm 2016) cho Dự án Azorian, khiến nó trở thành chiến dịch tình báo tốn kém nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh.
Dự án Azorian không thành công về mặt tình báo nhưng đã tạo ra bước đột phá về kỹ thuật trong cứu hộ biển sâu. Nó mở đường cho sự phát triển của công nghệ khai thác khoáng sản ở độ sâu lớn.
Link gốc bài viết tại đây.
theo Báo Tin tức

Vũ khí kỳ dị thời thế chiến 2 - Kỳ 1: Sử dụng động vật

(ĐTTCO) - Trong những tình huống khó khăn nhất, sức sáng tạo của con người được phát huy đến mức tối đa. Có những sáng tạo mang lại hiệu quả đảo ngược tình thế, nhưng có những sáng tạo lại chẳng đi đến đâu, thậm chí trở thành trò cười. Trong thế chiến thứ 2, đã có rất nhiều sáng tạo “độc lạ”, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí.


Những con vật bình thường có thể trở thành những thứ vũ khí chết người, giúp đảo ngược tình thế. Đó là ý tưởng của những “nhà phát minh” thời thế chiến 2 khi dùng động vật để làm vũ khí. Liệu họ có giành được lợi thế nhờ “sáng kiến cải tiến” này?
Bom dơi liều chết
Sau trận Trân Châu Cảng, bác sĩ phẫu thuật nha khoa Lytle Adams đã đề xuất ý tưởng gắn thuốc nổ lên thân những con dơi, rồi dùng máy bay thả xuống các thành phố của Nhật Bản, biến chúng thành những “quả bom tự sát” gieo rắc kinh hoàng. Adams quan sát thấy rằng các cấu trúc của Nhật Bản đặc biệt nhạy cảm với các thiết bị gây cháy vì nhiều tòa nhà được làm bằng giấy, tre và các vật liệu dễ cháy khác.
Kế hoạch là thả bom dơi vào các thành phố của Nhật Bản có các mục tiêu công nghiệp phân tán rộng rãi. Những con dơi sẽ bay xa khỏi điểm phóng thích do được thả từ độ cao tương đối cao, sau đó sẽ trốn trong các tòa nhà trên khắp thành phố vào lúc bình minh. Bộ hẹn giờ tích hợp sẽ đốt cháy bom, gây ra hỏa hoạn và hỗn loạn lan rộng.
Mỹ quyết định phát triển bom dơi trong thế chiến 2 vì 4 yếu tố sinh học đã hứa hẹn cho kế hoạch này. Đầu tiên, dơi có số lượng lớn, như trong 4 hang động ở New Mexico, mỗi hang có vài triệu con dơi. Thứ hai, dơi có thể mang nhiều hơn trọng lượng của chúng trong khi bay. Thứ ba, dơi ngủ đông và trong khi không hoạt động chúng không cần thức ăn. Thứ tư, dơi bay trong bóng tối, sau đó tìm những nơi hẻo lánh (thường trong các tòa nhà) để ẩn nấp vào ban ngày.
Vũ khí kỳ dị thời thế chiến 2 - Kỳ 1: Sử dụng động vật ảnh 1 Bom dơi. 
Ý tưởng này được Tổng thống Roosevelt cho phép. Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ  (NDRC) quyết định triển khai dự án tối mật có mật danh Dự án X-Ray. Đến tháng 3-1943, một loài phù hợp đã được chọn là loài dơi đuôi dài Mexico. Louis Fieser, người phát minh ra napalm quân sự, đã thiết kế các thiết bị gây cháy nổ nặng 17gr và 28gr gắn lên dơi.
Để mang những con dơi đến những địa điểm chiến đấu, người ta chế tạo thiết bị đặc biệt hình quả bom bên trong chứa các con dơi đang ở trạng thái ngủ đông (do nhiệt độ lạnh) trong những khay chứa đặc biệt. Mỗi quả bom dơi chứa 40 con dơi. Các bom dơi sẽ được thả từ độ cao 1.525m. Khi quả bom thả xuống, vỏ bọc bên ngoài sẽ tự động bung ra, một chiếc dù hãm sẽ làm chậm thời gian rơi của các khay đủ để các con dơi tỉnh lại và bay đi tìm chỗ nấp.
Sau nhiều thử nghiệm và điều chỉnh hoạt động, NDRC kết luận X-Ray là vũ khí hiệu quả. Báo cáo của Giám đốc hóa học tuyên bố trên cơ sở trọng lượng, X-Ray có hiệu quả hơn so với các loại bom gây cháy nổ tiêu chuẩn được sử dụng vào thời điểm đó. Nhiều cuộc thử nghiệm đã được lên kế hoạch vào giữa năm 1944. Vào thời điểm đó ước tính 2 triệu USD đã được chi cho dự án. Tuy nhiên, chương trình đã bị hủy bỏ bởi sự phát triển của bom dơi tiến triển quá chậm, đã bị dự án bom nguyên tử qua mặt.

Binh đoàn chó cảm tử
Đối diện với lữ đoàn xe tăng hùng mạnh của phát xít Đức, bạn sẽ làm gì? Câu trả lời của Hồng quân Liên Xô là dùng đội chó chống tăng. Năm 1924, Hội đồng Quân sự Cách mạng Liên Xô đã phê chuẩn việc sử dụng chó cho mục đích quân sự, bao gồm một loạt nhiệm vụ như cứu hộ, sơ cứu, liên lạc, theo dõi mìn và người, hỗ trợ chiến đấu, vận chuyển thức ăn, y học và binh lính bị thương trên xe trượt tuyết, tiêu diệt các mục tiêu kẻ thù.
Với những mục đích này, một trường huấn luyện chó chuyên biệt đã được thành lập tại Moscow Oblast. 12 trường trong khu vực đã được mở ngay sau đó, 3 trong số đó đã huấn luyện chó chống tăng. Chó chăn cừu Đức được yêu thích cho chương trình vì khả năng thể chất và dễ huấn luyện, nhưng các giống chó khác cũng được sử dụng. Ý tưởng sử dụng chó chống tăng được phát triển vào những năm 1930, cùng với thiết kế bộc phá phù hợp với chó. Năm 1935, các đơn vị chó chống tăng đã chính thức được đưa vào Quân đội Liên Xô.
Ý tưởng ban đầu là cho con chó mang quả bom được buộc vào cơ thể của nó, tiến tới mục tiêu tĩnh cụ thể. Con chó sau đó sẽ thả quả bom bằng cách kéo dây đai và quay lại với người điều khiển. Bom sau đó được kích nổ bằng bộ hẹn giờ hoặc điều khiển từ xa. Một nhóm chó đã thực hành điều này trong 6 tháng, nhưng các báo cáo cho thấy không con chó nào có thể làm chủ nhiệm vụ.
Chúng hoạt động tốt trên 1 mục tiêu nhưng trở nên bối rối sau khi mục tiêu hoặc địa điểm bị thay đổi và thường quay trở lại người điều khiển với quả bom chưa được thả. Vì vậy, quả bom đã được gắn chặt vào con chó và phát nổ khi tiếp xúc với mục tiêu, giết chết cả con vật. Theo đó, mỗi con chó được gắn trên mình bộc phá chứa 10-12kg thuốc nổ. Khi thả chó tiến cận xe tăng, chốt an toàn của bộc phá được gỡ bỏ. Khi con chó chui xuống dưới xe tăng, va chạm sẽ khiến bộc phá phát nổ.
Việc sử dụng chó chống tăng đã leo thang trong năm 1941-1942, khi Quân đội Liên Xô nỗ lực ngăn chặn bước tiến của quân Đức tại mặt trận phía Đông. Trong thời kỳ đó, các trường dạy chó chủ yếu tập trung huấn luyện chó chống tăng. Khoảng 40.000 con chó đã được triển khai cho các nhiệm vụ khác nhau trong Quân đội Liên Xô. Nhóm chó chống tăng đầu tiên đã đến tiền tuyến vào cuối mùa hè năm 1941, bao gồm 30 con chó và 40 huấn luyện viên.
Việc triển khai của họ cho thấy một số vấn đề nghiêm trọng. Trong trận chiến, những con chó không chịu chui xuống dưới những chiếc xe tăng đang di chuyển. Một số con chó chạy gần xe tăng, chờ chúng dừng lại nhưng bị bắn chết. Tiếng súng từ xe tăng khiến nhiều con chó sợ hãi, chạy trở lại chiến hào và gây thương tích cho chính lính Liên Xô. Để ngăn chặn điều đó, những con chó trở về phải bị bắn chết.
Trong số 30 con chó đầu tiên, chỉ có 4 con có thể kích nổ bom của chúng gần xe tăng Đức, gây ra thiệt hại không xác định. 6 con đã phát nổ khi trở về chiến hào của Liên Xô. 3 con chó đã bị quân đội Đức bắn và đưa đi. Một chiến dịch tuyên truyền của Đức đã tìm cách làm mất uy tín của Quân đội Liên Xô, nói rằng những người lính Liên Xô sợ chiến đấu nên nhờ chó chiến đấu thay. Một sai lầm đào tạo nghiêm trọng khác đã được tiết lộ sau đó: Liên Xô đã sử dụng xe tăng động cơ diezel của mình để huấn luyện chó, trong khi xe tăng Đức có động cơ xăng. Vì vậy, những con chó với khứu giác nhạy bén đã tìm đến những chiếc xe tăng quen thuộc của Liên Xô thay vì những chiếc xe tăng có mùi lạ của Đức. 
 Có những tuyên bố của các nguồn tin Liên Xô rằng khoảng 300 xe tăng Đức đã bị hư hại bởi những con chó chống tăng của Liên Xô. Tuyên bố này bị các nhà sử học Nga nghi ngờ. Sau năm 1942, việc sử dụng chó chống tăng của Quân đội Liên Xô đã giảm xuống và các trường huấn luyện đã được chuyển hướng để dạy những con chó tìm kiếm và giao hàng cần thiết hơn.

(còn tiếp)
Hồng Định

Vũ khí kỳ dị thời thế chiến 2 - Kỳ 2: Những ý tưởng vượt thời đại

(ĐTTCO) - Dù không được ứng dụng trong thực tế thời Thế chiến 2 do mặt bằng khoa học-kỹ thuật của con người khi đó còn thấp, nhưng những ý tưởng vũ khí này được cho là tiền đề của các loại vũ khí và ngành khoa học hiện đại.


Súng mặt trời
Nhà khoa học tên lửa nổi tiếng của Đức Quốc xã Hermann Oberth đã đưa ra khái niệm gương không gian vào năm 1923. Ý tưởng này sau đó được xuất bản vào năm 1929. Theo NASA, Oberth ban đầu dự định dùng chiếc gương không gian cho mục đích hòa bình như chiếu sáng các bến cảng và làm tan băng các dòng sông đóng băng, nhưng khái niệm này có thể đã được lồng vào chương trình phát triển vũ khí chiến tranh của Đức Quốc xã vào những năm 1930.
 Nhiều loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu vượt âm F-86 Sabre, tên lửa hành trình JB-2 Loon hay trực thăng cứu hộ HH-43 của Mỹ đều được chế tạo dựa trên sự cải biến những ý tưởng về vũ khí kỳ dị của Đức thời Thế chiến 2.
Ý tưởng của Oberth là sử dụng một tấm gương cầu lõm có đường kính tới 1,6km nhằm tập trung năng lượng mặt trời vào một điểm nhất định trên trái đất. Chiếc gương vũ trụ sẽ nằm ở độ cao khoảng 35.000km cách mặt đất. Oberth dự tính chi phí cho chương trình khoảng 3 triệu marks, thời gian xây dựng khoảng 15 năm. Người ta sẽ đưa các thành phần của gương vũ trụ lên quỹ đạo, sau đó sẽ lắp ráp tổng thể bằng một tàu vũ trụ có người lái. Chương trình còn có kế hoạch xây dựng một trạm không gian có người lái làm nơi sinh hoạt tạm thời cho nhân viên trong quá trình lắp ráp gương vũ trụ. Trạm này có một lỗ đường kính 9,1m cho các tên lửa cập cảng tiếp tế hàng hóa và nhu yếu phẩm. Một khu vườn thủy canh để cung cấp oxy cho trạm và máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời. Oberth mô tả, tấm gương vũ trụ của ông ta là một “vũ khí tối thượng” cho phép tấn công mọi nơi trên trái đất mà đối phương chỉ biết đứng nhìn. Tuy nhiên, với mặt bằng công nghệ thời Thế chiến 2, ý tưởng của Oberth là điều gì đó quá xa vời và viển vông.
Sau chiến tranh, Oberth đã cố gắng đưa các quốc gia khác đến với ý tưởng này, một lần nữa thúc đẩy ứng dụng thời gian phản chiếu gương không gian. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1961, các nhà khoa học của Mỹ đề nghị xây dựng một tấm gương đường kính 300 dặm và có khả năng địa khai hóa các hành tinh, sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ mặt trăng để giảm chi phí. Mặc dù ý tưởng phát triển súng mặt trời của Oberth kỳ quái nhưng nó đã tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành không gian vũ trụ về sau. Trạm vũ trụ quốc tế ISS ít nhiều có ảnh hưởng từ ý tưởng trạm không gian của Oberth. Các tên lửa đẩy mang vệ tinh lên quỹ đạo hay phóng các tàu thăm dò vũ trụ bắt nguồn từ tên lửa đẩy V2 mà Oberth đã thiết kế.
Vũ khí kỳ dị thời thế chiến 2 - Kỳ 2: Những ý tưởng vượt thời đại ảnh 1 Thần công âm thanh. 
Có lẽ ý tưởng của Oberth đã khơi mào những ý tưởng về vũ khí ngoài vũ trụ. Trong Chiến tranh Lạnh, nhà khoa học tên lửa Mỹ gốc Đức, Wernher von Braun đã vận động quân đội Mỹ chế tạo vũ khí trên không gian để chống lại Liên Xô. Von Braun cho biết: “Nếu chúng ta không muốn họ giành quyền kiểm soát không gian của chúng ta, đây là thời gian và thời gian cao điểm để chúng ta phải hành động”. Đến năm 1999 Nga tiếp nối ý tưởng của Oberth, khi công bố kế hoạch xây dựng một tấm gương vũ trụ nhằm phản chiếu năng lượng mặt trời trong mùa đông khắc nghiệt trên trái đất.

Súng thần công âm thanh
Nghe giống như trong chuyện viễn tưởng, nhưng vào đầu thập niên 1940, các kỹ sư đã cố gắng phát triển một loại súng thần công âm thanh có thể khiến con người lảo đảo ngay trong tầm ảnh hưởng của súng. Được thiết kế bởi nhà khoa học Đức, TS. Richard Wallauschek, loại súng thần công âm thanh này bao gồm buồng đốt khí methane với 2 tấm phản xạ parabol lớn, phiên bản cuối cùng có đường kính trên 3m. Các chảo bắn xung điện vào khoảng 44Hz và được kết nối với buồng có chứa vài ống phóng phụ.
Những ống này sẽ cho phép một dung lượng hỗn hợp methane và oxygen có trong buồng đốt bị đốt cháy, sẽ biến khí đốt thành âm thanh có thể tiêu diệt đối phương. Dạng sóng âm tiếp đó sẽ được khuếch đại bởi các chảo phản xạ gây ra các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn ở cách đó 274m, bằng cách làm rung xương tai giữa và rung lắc dịch trong ốc tai ngay trong tai trong. Sóng âm được tạo ra có thể thủ tiêu một người đàn ông ở cách đó 50m trong vòng nửa phút.
Tuy nhiên, thần công âm thanh mới chỉ được thử nghiệm trên động vật, chưa được thử nghiệm trên con người nên tính năng của nó vẫn chưa được kiểm chứng. Mặt khác, thiết kế của nó quá cồng kềnh, tính ứng dụng thực tế không cao. Gương phản xạ có đường kính tới 3m nên rất dễ bị tấn công bởi đối phương. Nếu gương phản xạ bị hư hỏng, khẩu thần công này hoàn toàn trở nên vô dụng. Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của súng quá ngắn nên không phát huy được sức mạnh.
Mặc dù súng thần công âm thanh của Đức đã không thể đưa vào sử dụng, nhưng ý tưởng này đã tạo tiền đề cho một hướng nghiên cứu phát triển vũ khí phi sát thương mới sử dụng sóng âm thanh ngày nay. Điển hình là chương trình Long Range Acoustic Device (LRAD) của Mỹ. Chương trình được phát triển bởi công ty LRAD cho quân đội và lực lượng thực thi pháp luật Mỹ vào năm 2002. LRAD có thể phát ra sóng âm thanh tần số 2,5kHz, sóng âm thanh này có thể gây cảm giác đau đớn cho con người trong phạm vi 300m, gây thiệt hại thích giác vĩnh viễn trong phạm vi 100m.
LRAD đã được sử dụng trong lực lượng cảnh sát nhằm giải tán các đám đông biểu tình, nó cũng được sử dụng trên một số tàu chiến của Mỹ nhằm mục đích chống cướp biển, xua đuổi các tàu thuyền xâm nhập vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế trái phép. Mặc dù LRAD không dựa vào thiết kế của súng thần công âm thanh, nó sử dụng điện để tạo ra sóng âm, thiết kế của nó cũng nhỏ gọn hơn, tính ứng dụng thực tế cao hơn. Nhưng LRAD được phát triển dựa trên ý tưởng sử dụng sóng âm như một vũ khí của các nhà thiết kế Đức Quốc xã hơn nửa thế kỷ trước.

Thần công gió lốc
TS. Mario Zippermayr, một nhà phát minh người Áo lập dị làm việc tại một cơ sở thử nghiệm tại Lofer ở Tyrol, đã thiết kế và chế tạo một loạt vũ khí phòng không rất phi chính thống, được Reichsluftfahrtamt (Văn phòng Hàng không) quan sát rất chặt chẽ ở Berlin. Do sự vượt trội về số lượng không quân của quân Đồng minh, mọi nỗ lực đã được thực hiện trong năm cuối của cuộc chiến để tìm cách khai thác bất kỳ hiện tượng nào có thể hạ được các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ và Liên Xô. TS. Zippermayr đã chế tạo cả Wirbelwind Kanone (pháo lốc xoáy) và Turbulenz Kanone (pháo gió xoáy) khổng lồ. Cả hai đều có chung mục tiêu hạ gục máy bay ném bom của kẻ thù thông qua thao tác thông minh trên không - gọi chung là Thần công gió lốc (Wind Cannon).
Để đạt được điều này, Wirbelwind Kanone đã sử dụng một vụ nổ hydro và oxy để tạo ra luồng khí nén rất mạnh được truyền qua đoạn ống dài được uốn cong ở một góc và bắn như đạn pháo vào máy bay địch. Có vẻ như Wirbelwind Kanone đã làm rất tốt trên mặt đất - phá vỡ những tấm gỗ dày 1inch từ phạm vi 200m Tuy nhiên, sự phát triển đầy hứa hẹn này không có ý nghĩa đối với các máy bay ném bom của quân Đồng minh bay ở độ cao hơn 6.000m.
Và chính vì không tạo ra được lốc xoáy ở những vị trí cao nên dự án này đã bị hủy bỏ. Trong khi đó, Turbulenz Kanonelà khẩu súng cối cỡ lớn chôn xuống mặt đất với bụi than và đạn nổ chậm để tạo ra một cơn lốc nhân tạo. Điều này cũng hoạt động tốt trên mặt đất nhưng vấn đề là làm thế nào để tạo ra hiệu ứng đủ lớn để tiếp cận máy bay. TS. Zippermayr không biết liệu sự thay đổi áp suất của thiết bị này có đủ để gây ra thiệt hại cấu trúc cho máy bay hay không, nhưng cơn lốc chắc chắn có ảnh hưởng đến tải trọng cánh vì sự nhiễu loạn không khí đã làm giảm tốc độ máy bay dân sự.
Hồng Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét