Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 247

(ĐC sưu tầm trên NET)

Mặt trận phản gián qua cuốn sách của Trung tướng tình báo Nga

Hồng Sơn (tổng hợp) |



Mặt trận phản gián qua cuốn sách của Trung tướng tình báo Nga
Trung tướng Valentin Klimenko và cuốn sách "Những ghi chép của nhân viên phản gián. Cái nhìn từ bên trong cuộc đối đầu giữa KGB với CIA, và không chỉ có vậy...".

Vị tướng lão luyện của tình báo Nga Valentin Klimenko mới đây đã cho ra mắt cuốn sách có tên "Những ghi chép của nhân viên phản gián. Cái nhìn từ bên trong cuộc đối đầu giữa KGB với CIA, và không chỉ có vậy...". Cuốn sách đã mô tả nhiều lát cắt khá thú vị về cuộc đấu trí quyết liệt trên mặt trận phản gián của KGB từ những năm 1980…

Trung tướng Valentin Klimenko từ Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) từng có một thời gian dài phục vụ trong các cơ quan an ninh quốc gia từ năm 1973 đến 2005.
Ông đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ một chuyên gia phản gián chuyên đấu trí với cơ quan tình báo Mỹ, cho tới chỉ huy Cục phụ trách các chiến dịch phản gián của Ủy ban an ninh quốc gia (KGB) và sau đó là Phó cục trưởng Cục phản gián của FSB, đại diện FSB tại Israel…
Vị tướng lão luyện của tình báo Nga mới đây đã cho ra mắt cuốn sách có tên "Những ghi chép của nhân viên phản gián. Cái nhìn từ bên trong cuộc đối đầu giữa KGB với CIA, và không chỉ có vậy...". Cuốn sách đã mô tả nhiều lát cắt khá thú vị về cuộc đấu trí quyết liệt trên mặt trận phản gián của KGB từ những năm 1980…
Mặt trận bên ngoài đại sứ quán Mỹ
Theo như tướng Klimenko, người Mỹ có tổng cộng 17 cơ quan mật vụ (đáng chú ý có Cơ quan tình báo quân sự - DIA, Cục điều tra liên bang - FBI, Cơ quan an ninh quốc gia - NSA v.v…), nhưng lực lượng xung kích chính hoạt động ở nước ngoài vẫn là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Tại Moskva, các điệp viên CIA chủ yếu hoạt dưới vỏ bọc của đại sứ quán. Nhóm các tình báo viên tại đại sứ quán không nhiều, chỉ chưa tới 20 người. Tuy nhiên, tổng số nhân viên của cả cơ quan đại diện ngoại giao này lên tới gần 1.500 người (hiện giờ tại Nga chỉ còn vài trăm).
Nhiệm vụ khó khăn của cơ quan phản gián là phải xác định được những điệp viên thực sự trong cả một bộ máy khá lớn trên.
Nhiệm vụ chính của nhóm nhân viên tình báo trên là làm việc với các gián điệp đã được cài cắm hay tuyển mộ trong số các công dân Xôviết. Tất nhiên, người Mỹ đã áp dụng mọi thủ đoạn và biện pháp có thể để che giấu những cuộc tiếp xúc, liên lạc.
Đầu tiên là việc sử dụng các hộp thư bí mật được ngụy trang tinh vi dưới dạng một cành cây, khúc gỗ, tấm biển hay cục than. Sau đó là những hộp thư bằng chất dẻo bề ngoài có hình thù như một tảng đá, trong có chứa thiết bị phục vụ hoạt động gián điệp, sổ mật mã, chỉ thị và tiền…
Trước khi có thể đặt được những hộp thư này, tất nhiên phải thoát khỏi con mắt giám sát chặt chẽ của các nhân viên phản gián Xôviết. Người Mỹ đã nghĩ ra rất nhiều chiêu trò khác nhau để có thể đạt được mục đích.
Như vào năm 1983, chính tướng Klimenko đã phát hiện một người đàn ông giả dạng phụ nữ đi ra từ một khu nhà ở của đại sứ quán. Anh ta được hóa trang gần như giống hệt một nữ nhân viên Mỹ đang sống trong tòa nhà trên.
Cũng mới vào năm 2015, truyền hình Nga còn công khai phát lại một đoạn phim tác nghiệp của FSB, trong đó ghi lại cảnh hai phụ nữ, là vợ của các nhân viên CIA, rời khỏi khu vực đại sứ quán Mỹ.
Sau khi ghé vào một quán cà phê, một người chui vào trong nhà vệ sinh. Một thời gian ngắn sau, bước từ trong đó ra lại là một người đàn ông đội mũ lưỡi trai. Đó chính là nhân viên tình báo Timothy Felligen.
Cần nói thêm, vợ của các nhân viên CIA trước khi sang Moskva thường phải trải qua một khóa đào tạo đặc biệt, nhiều người trong số này thậm chí cũng là những nhân viên chính thức của tình báo Mỹ.
Nhờ những tiết lộ của Edward Lee Howard (cựu nhân viên CIA đào thoát sang Liên Xô), phản gián Xôviết mới biết thêm được chiêu "ve sầu thoát xác" được áp dụng khá hữu hiệu trước đó của các điệp viên Mỹ. Đó là một chiếc hộp chứa manơcanh có thể bơm lên rất nhanh chóng đặt trên ghế ngồi trước của chiếc xe hơi.
Tất cả có tổng cộng 10 manơcanh được đặt làm với quần áo và nét mặt giống các nhân viên tình báo làm việc tại Moskva. Thông thường, hai vợ chồng tình báo viên Mỹ sẽ rời khỏi đại sứ quán trên xe với cô vợ ngồi sau tay lái.
Hành trình đã được tính toán kỹ từ trước sao cho tới đoạn đường mà khả năng giám sát của cơ quan phản gián bị gián đoạn trong một thời gian ngắn. Khi đó, tay điệp viên sẽ nhanh chóng chuồn khỏi xe, còn cô vợ chỉ bằng một cái nhấn nút khiến con manơcanh được bơm phồng như vẫn có người ngồi trên xe.
Chưa kể có bộ phận điều khiển khiến cho manơcanh có thể xoay đầu qua lại như thể đang nói chuyện. Người điều hành bộ phận ngụy trang của CIA hồi cuối những năm 1970 là Macintosh đã nghĩ ra trò này. Đích thân ông ta đi mua những con búp bê tình dục về cải biến và hóa trang lại để sử dụng cho các điệp viên tại Moskva.
Chiến dịch Phantom
Trong một thời gian khá dài, KGB biết được CIA có nhiều phương pháp khác nhau để giúp những điệp viên đặc biệt quan trọng của mình đào thoát khỏi Liên Xô - điển hình như các trường hợp của Popov, Penkovski, Tolkachev… - nhưng chưa thể làm rõ được.
Năm 1985, đến lượt người Anh tổ chức thành công cho nhân viên tình báo Xôviết Gordievski chạy trốn. Năm 1988, Moskva mới biết được về chuyên gia mật mã tại KGB Sheimov (người trước đó đã mất tích cùng gia đình vào năm 1980 và được cho rằng đã chết) lại đang sinh sống yên ổn tại Mỹ.
Chủ tịch KGB khi đó đã giao cho cơ quan phản gián bằng mọi cách phải làm rõ thủ đoạn của người Mỹ.
Mặt trận phản gián qua cuốn sách của Trung tướng tình báo Nga - Ảnh 2.
Nhân viên CIA Luis Thomas bị bắt giữ vào năm 1983.
Sau khi tính toán kỹ càng, nhiệm vụ quan trọng này được giao cho một nhân viên có mật danh Edwin. Anh này liên hệ với người Mỹ, khẳng định biết rõ một nhân viên CIA đã bị tình báo Xôviết tuyển mộ, hiện đang làm việc tại Washington và thường xuyên gửi thông tin về Moskva.
Nhân vật này còn úp mở về một số nhà ngoại giao Mỹ khác cũng đang làm việc cho KGB sau khi trở về từ Moskva. Edwin sẵn sàng tiết lộ tên tuổi của những người này, nhưng chỉ với điều kiện sau khi anh ta được bố trí trốn sang Mỹ thành công.
Edwin được bố trí tiếp xúc với người đứng đầu bộ phận tình báo CIA khi đó tại Moskva là Jack Downing trên đoàn tàu theo lộ trình Moskva-Leningrad. Quan chức này khi đó đang theo định kỳ hàng tháng đi kiểm tra nhóm tình báo viên của mình trong lãnh sự quán ở Leningrad.
Chiến dịch có mật danh "Phantom" đã được kiên trì triển khai trong suốt 2 năm - trong quá trình đó, CIA đã liên lạc với Edwin bằng rất nhiều cách: gặp gỡ trực tiếp trên tàu, trong thành phố, liên lạc qua hộp thư bí mật, qua bưu điện và cả vô tuyến điện.

Để lấy lòng tin của người Mỹ, Edwin thỉnh thoảng còn "giới thiệu" thêm một vài nhân viên KGB muốn được hợp tác với CIA. Mỗi lần như vậy, CIA huy động nhân lực tổ chức những kế hoạch chi tiết nhằm tiếp xúc, kiểm tra; qua đó giúp cơ quan phản gián nắm được toàn bộ lực lượng tình báo Mỹ trong đại sứ quán.
Tất nhiên, Edwin cũng phải trải qua những thủ tục kiểm tra khá kỹ càng. Đến khi tin chắc anh ta thực sự muốn chạy trốn, Edwin được yêu cầu đưa ảnh để làm hộ chiếu. Một thời gian sau, một nhân viên CIA có ngoại hình rất giống Edwin đã nhập cảnh vào Liên Xô bằng tấm hộ chiếu ngoại giao có ảnh của chính anh ta.
Sau khi trao cuốn hộ chiếu trên cho Edwin, nhân viên trên đã xuất cảnh về Mỹ bằng giấy tờ thật của mình. Kế hoạch chạy trốn đã được cơ quan phản gián làm rõ: Edwin với giấy tờ của một nhà ngoại giao nước ngoài sẽ đi phà từ Tallin tới Helsinki.
Phía Liên Xô sau đó đã cảnh báo với CIA về việc một nhân viên của họ đã dùng giấy tờ giả đi lại khắp nơi, lấy cớ đó để tạm thời từ chối việc xuất cảnh của nhân vật có hộ chiếu trên. Dù rất bất bình, nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục cộng tác với Edwin.
Sau khi chiến dịch "Phantom" đạt được mục tiêu đã định, Edwin biến mất không tiếp xúc với CIA. Người Mỹ khi đó còn cho rằng, chính Aldrich Ames (nhân viên tình báo nổi tiếng của Mỹ hợp tác với KGB) đã khai ra Edwin, nhiều khả năng nhân vật này đã chết trong nhà tù của mật vụ Xôviết.
Một vài năm sau, phía Mỹ đã sốc thực sự khi thấy Edwin đi cùng Klimenko trong một cuộc gặp chính thức với CIA tại Moskva. Nhiều chi tiết cụ thể về chiến dịch rất thành công trên đã được mô tả trong bộ phim 2 tập được xây dựng trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày truyền thống cơ quan an ninh.
Những chiến công đáng ghi nhận
CIA trước các biện pháp giám sát chặt chẽ của cơ quan phản gián nên về cơ bản không tiếp xúc trực tiếp với các công dân Xôviết. Đội ngũ điệp viên của họ chủ yếu vẫn là những thành phần tự nguyện hợp tác vì vấn đề tiền bạc. Đó là lý do người Mỹ thường để cửa sổ xe hé mở mỗi khi đậu gần đại sứ quán, để bất cứ ai cũng có thể nhét vào đó những mẩu giấy đề nghị được gặp gỡ.
Sau khi đã tìm hiểu và dự định hợp tác, CIA chủ yếu liên lạc qua các hộp thư bí mật. Còn một phương pháp nữa là tuyển mộ từ các mối quan hệ ở nước ngoài. Mỗi khi có một công dân Xôviết nộp đơn xin định cư dài hạn tại Israel hay Mỹ, họ chắc chắn sẽ được các nhân viên từ Cục Điều tra liên bang (FBI) gặp gỡ tìm hiểu.
Nếu như người này cho biết có bạn bè đang làm việc tại cơ quan có khả năng tiếp cận các bí mật và không hài lòng với cuộc sống hiện tại, anh ta chắc chắn sẽ được yêu cầu viết thư về nhà, đề xuất khả năng hợp tác, kèm theo đó là hứa hẹn sẽ được tạo điều kiện sang Mỹ.
Trong tất cả các chi nhánh lớn của CIA ở nước ngoài, đều có những nhóm tuyển mộ viên chuyên tìm kiếm khả năng tiếp xúc với các công dân Nga.
Biện pháp đầu tiên vẫn là "đánh trực diện" - đề xuất một số tiền lớn để đổi lấy khả năng hợp tác.
Cách thứ hai là gây dựng dần mối quan hệ thân quen, trong đó có hỗ trợ về mọi chuyện - tiền bạc, giúp tránh khỏi rắc rối tại nước sở tại (như tai nạn giao thông)… - sau đó mới đề nghị hợp tác.
Còn cách cuối cùng vẫn được đánh giá khá hiệu quả là dựng lên những chiếc "bẫy mỹ nhân kế".
Tính ra, phản gián Xôviết đã bắt tận tay 11 nhân viên tình báo CIA bên ngoài đại sứ quán Mỹ. Điển hình như trường hợp của Luis Thomas, làm việc tại đại sứ quán dưới vỏ bọc một sĩ quan an ninh.
Để tóm được nhân vật này, phía Liên Xô đã sử dụng một cựu điệp viên của tình báo Mỹ, người đã tìm cách liên hệ với đại sứ quán đòi phải bồi thường về vật chất cho anh ta sau 15 năm bị tù. Thomas bị bắt giữ ngay trong chuyến đi tiếp xúc với nhân vật này.
Cũng cần nói thêm, Thomas là một trong những điệp viên Mỹ đã đóng giả phụ nữ rất thành công trong một số nỗ lực tiếp xúc với các nguồn tin của mình.
Một điệp viên khác là Michael Sellars bị bắt giữ khi giả mạo một tùy viên quân sự da đen, đi ra ngoài bằng chính chiếc xe của anh ta. Với lý do gặp gỡ trái phép một nhân viên phản bội của KGB, Sellars đã bị trục xuất ngay sau đó.
Cũng nhờ việc theo dõi sát sao, cơ quan phản gián đã phát hiện và bắt giữ được Leonid Poleshuk, một nhân viên KGB từng hoạt động tại Nepal. Vốn là một kẻ nghiện rượu và mê cờ bạc, Poleshuk không còn cách nào khác đã tìm tới đại sứ quán Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi trở lại Liên Xô, hắn đã không liên lạc với CIA trong suốt 10 năm vì lo ngại vẫn đang bị giám sát. Tận dụng chuyến công tác tiếp theo tới Nigeria, Poleshuk lại tới đại sứ quán Mỹ tại đây. Hắn yêu cầu người Mỹ đưa cho mình 20 ngàn rúp để mua nhà.
CIA đồng ý nhưng không trực tiếp đưa tiền cho Poleshuk, lo ngại hắn sẽ bị bắt giữ khi mang số tiền lớn nhập cảnh. Dù không biết gì về Poleshuk, nhưng cơ quan phản gián đã lần theo hắn qua việc theo dõi nhân viên CIA Paul Zallaghi, kẻ đã bí mật đặt một hòm thư bí mật, trong có rất nhiều tiền tại khu vực ngoại ô Moskva.
Sau hai tuần bí mật theo dõi hòm thư trên, các chiến sĩ an ninh đã tóm được Poleshuk khi hắn tới định lấy tiền.
Theo Trung tướng Klimenko, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của cơ quan phản gián là tướng Krasilnikov, người được mệnh danh là "thợ săn gián điệp". Trong suốt 10 năm lãnh đạo bộ phận phản gián chuyên về tình báo Mỹ, ông đã có công trong việc phát hiện 20 điệp viên CIA, chưa kể 15 kẻ phản bội đang tìm cách liên hệ với người Mỹ.
Cơ quan phản gián còn vạch trần được hai chiến dịch hết sức tinh vi do CIA phối hợp cùng với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) triển khai trên lãnh thổ Liên Xô.
Trong chiến dịch đầu tiên, họ đã phát hiện ra một chiếc container chuyển từ Nhật, được vận chuyển dọc theo đường sắt, trong có các thiết bị tinh vi ghi nhận bức xạ có thể phát hiện ra khu vực có chứa vũ khí hạt nhân.
Trong chiến dịch thứ hai, phản gián đã phát hiện người Mỹ lắp đặt được thiết bị thu trộm thông tin lắp đặt trên tuyến cáp kết nối giữa Bộ Quốc phòng và một căn cứ nghiên cứu sản xuất vũ khí laser tại Troisk.
theo Công an Nhân dân

Muốn gây bất ổn cho TQ thời Mao Trạch Đông, Liên Xô giăng lưới tình báo "sát sườn" Bắc Kinh

Thi Anh |
Muốn gây bất ổn cho TQ thời Mao Trạch Đông, Liên Xô giăng lưới tình báo "sát sườn" Bắc Kinh
Ảnh minh họa: CNN

Các mạng lưới tình báo của KGB ở Bắc Kinh bị giải thể khi quan hệ Nga - Trung xấu đi, vì vậy KGB cần một căn cứ không chính thức khác ở châu Á.

Đường dây Line K của Liên Xô
Nằm ở một vị trí đặc biệt sát sườn Trung Quốc, Hong Kong thời nằm dưới sự cai quản của Anh đã trở thành trung tâm của hoạt động tình báo bí mật. Tuy nhiên, không phải chỉ có mỗi phương Tây sử dụng vùng lãnh thổ này làm căn cứ tình báo.
Trong thập niên 70, Hong Kong nổi tiếng là vùng hoạt động sống còn cho cơ quan tình báo Liên Xô (KGB), chịu trách nhiệm cho những hoạt động mà giới tình báo gọi là Line K (bài Trung Quốc).
Sau khi Trung Quốc - Liên Xô chia tách vào cuối những năm 1950 do bất đồng về học thuyết chính trị, mục tiêu chính của KGB ở châu Á là Trung Quốc. Các mạng lưới tình báo của KGB ở Bắc Kinh bị giải thể khi quan hệ Nga - Trung xấu đi, vì vậy KGB cần một căn cứ không chính thức khác ở châu Á.
"Bởi tình hình an ninh rất nghiêm ngặt ở Trung Quốc nên Hong Kong trở thành một căn cứ quan trọng hơn Bắc Kinh cho những chiến dịch Line K", tài liệu mới giải mật gần đây của tình báo Mỹ đề ngày 20/4/1978 cho hay.
Đây là bối cảnh cho câu chuyện về điệp viên Nga ở Hong Kong vào năm 1972, từng lên trang nhất của SCMP và khiến Hong Kong rúng động.
Muốn gây bất ổn cho TQ thời Mao Trạch Đông, Liên Xô giăng lưới tình báo sát sườn Bắc Kinh - Ảnh 1.
Bài viết của Sinclair trên trang nhất tờ SCMP năm 1972. Ảnh: SCMP
Vào ngày 25/8 năm đó, với bài viết "Cảnh sát triệt phá đường dây tình báo của Liên Xô ở thuộc địa", Kevin Sinclair đã tiết lộ cách Liên Xô thiết lập đường dây đặc vụ KGB ở Hong Kong từ năm 1969.
Trong vụ việc này, 2 điệp viên Nga, Andrei Ivanovic Polikarov và Stepan Tsunaev đã bị bắt giữ cùng 2 doanh nhân địa phương không rõ tên, với cáo buộc thiết lập một đường dây tình báo để phá hoại Trung Quốc dưới thời của Mao Trạch Đông.
Theo nguồn tin của Sinclair, các doanh nhân địa phương đã được đặc vụ KGB Alexander Trusov, người vào vai quản lý đội tàu buôn ở một trong những bến tàu của Hong Kong, huấn luyện.
Thông tin do 2 doanh nhân thu thập được chuyển cho các đặc vụ ngầm của Nga, vốn ngụy trang dưới vỏ bọc của thuyền trưởng, đầu bếp và thủy thủ trên những con tàu Nga ghé thăm thành phố.
Sinclair đã gọi tổ chức này là "James Bond di động của hạm đội thương nhân Nga" và viết rằng 2 doanh nhân đã "sẵn sàng phản bội Hong Kong vì đồng rúp".
Khi tàu chở khách treo cờ Liên Xô Khabarovsk, một trong khoảng 80 tàu buôn của Nga tới Hong Kong mỗi năm, thả neo ở bến Ocean Terminal vào ngày 17/7/1972, cả Polikarov và Tsunaev đều có mặt trên tàu.
Tsunaev được ghi danh trên bản kê của tàu là một người đốt lò, nhưng kỳ thực lại là một chuyên gia tiếng Trung và là giảng viên từ một trường đại học top đầu của Liên Xô.
Cảnh sát đã ập vào nhà của 1 doanh nhân khi cuộc gặp giữa 2 điệp viên KGB và ông ta diễn ra. Khám người Polikarov, họ tìm thấy một kế hoạch chiêu mộ nguồn tin cho KGB ở châu Á.
Hai điệp viên được dẫn quay trở lại tàu và sau đó, một cảnh báo chính thức được gửi tới Vladivostok. Về phần các doanh nhân, 1 người trở về Đài Loan và người còn lại sau đó cũng được thả vì thiếu chứng cứ. London đã gửi công hàm ngoại giao tới Moscow, thể hiện sự bất ngờ và không hài lòng.
Muốn gây bất ổn cho TQ thời Mao Trạch Đông, Liên Xô giăng lưới tình báo sát sườn Bắc Kinh - Ảnh 2.
Hong Kong những năm 1970. Ảnh: m20wc51/Flickr
Mức độ chi tiết mà Sinclair có thể khai thác được từ nguồn tin của mình rất đáng ngạc nhiên. Thậm chí ông còn lấy được những bức ảnh chụp 2 đặc vụ KGB để đăng báo.
Điều thú vị về thời điểm của vụ việc này là chỉ 5 tháng trước đó, ngày 13/3/1972, Trung Quốc và Anh đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện. Tiến triển này diễn ra vài tuần sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ khi đó Richard Nixon.
Hong Kong tiếp tục là nguồn ngoại tệ chủ yếu cho người láng giềng, lúc đó vẫn đang chật vật phục hồi sau ảnh hưởng kinh tế tồi tệ từ cuộc Cách mạng Văn hóa.
Vụ việc đã khiến mối quan hệ mong manh nhưng "giàu lợi nhuận" với Trung Quốc trở nên thân mật hơn. Trước đó, các quan chức Trung Quốc từng cảnh báo về những hoạt động ngày càng lan rộng của KGB ở Hong Kong.
Theo SCMP, nhiều khả năng việc Sinclair đưa tin là hành động được thiết kế để Hong Kong thuộc Anh đảm bảo với Trung Quốc về nỗ lực đối phó với KGB và nhằm làm thân với Bắc Kinh.
Nếu chuyện này là đúng thì Sinclair không phải là phóng viên Hong Kong duy nhất đóng một vai trò chủ chốt trong một vụ phản gián.
Mua ngân hàng để đánh cắp công nghệ
Năm 1974, doanh nhân Hong Kong Amos Dawe, một nhà kinh doanh gốc Singapore có nhiều mối làm ăn ở Hong Kong, đã tiến hành một kế hoạch KGB táo bạo nhằm mua rất nhiều ngân hàng ở Mỹ.
Theo các tài liệu từ tòa án, kế hoạch của KGB do ngân hàng Moscow Narodny ở Singapore rót tiền. Ngân hàng này đã cung cấp cho Dawe một hạn mức tín dụng lên tới 50 triệu USD.
Năm 1974, Dawe tìm cách mua các ngân hàng Mỹ có liên hệ mật thiết tới các công ty công nghệ cao và các nhân viên của họ ở khu vực California.
Logic của KGB vô cùng đơn giản: Vì sao phải chiêu mộ gián điệp để đánh cắp những bí mật công nghiệp sống còn về cách mạng công nghệ mới của Mỹ nếu anh có thể lấy được chúng từ những ngân hàng đang cho các công ty này vay tiền?
Dawe mua thành công 2 ngân hàng Mỹ vào tháng 6/1975 với 7,9 triệu USD, nhưng một đặc vụ CIA đã để ý thấy khoản vay đáng ngờ này từ ngân hàng Nga. Hành động của Dawe thì chẳng có gì bất hợp pháp nhưng khoản đầu tư nước ngoài này chắc chắn không được chính quyền Mỹ chào đón.
"Tôi luôn luôn xem đó là một hành động cố ý thâm nhập vào hệ thống ngân hàng Mỹ của KGB", Bartholomew Lee, một luật sư San Francisco liên quan tới vụ việc ở Mỹ chia sẻ với NYTimes.
Kế hoạch của KGB đã đứt gánh giữa đường vào tháng 10/1975 khi CIA tiến hành Chiến dịch Thung lũng Silicon, công khai chi tiết kế hoạch cho nhà báo Hong Kong Raymonde Sacklyn.
Sacklyn không tiết lộ nguồn tin của mình nhưng viết trong tập san tài chính của mình, Target, ông đưa tin rằng ngân hàng Moscow Narodny đang tìm cách gây bất ổn hệ thống ngân hàng của Mỹ.
Dawe vội vàng tẩu thoát, trong khi bị CIA, KGB và những chủ nợ người Hong Kong truy lùng gắt gao. Cuối cùng ông ta đồng ý tự giao nộp mình cho Mỹ.
Sau đó Dawe bị dẫn độ tới Hong Kong, nơi ông ta phải ra tòa với 4 cáo buộc lừa đảo nhưng đều trắng án vào tháng 11/1981. Phán quyết trắng án bị lật ngược vào 1 năm sau đó và Dawe lãnh mức án 5 năm tù giam.
Dawe không ra tòa nhận án mà lẩn trốn ở Thái Lan. Chính quyền Hong Kong đã phát lệnh truy nã Interpol đối với trường hợp của ông ta. Chạy trốn suốt 2 năm, cuối cùng, Dawe bị bắt ở sân bay Heathrow (London) và bị trục xuất về Hong Kong. Tại đó, ông ta thụ án 2 năm 8 tháng trong trại giam Stanley.
Sau này, không ai biết số phận của ông trùm bí ẩn, từng có thời được KGB tài trợ nhưng có tin rằng điểm dừng cuối cùng của Dawe là ở Đài Loan.


Tìm thấy thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin tại Đức

Phạm Nghĩa |

Tìm thấy thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin tại Đức
Thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin được tìm thấy ở Đức. Ảnh: BStU

Một thẻ Stasi được Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng khi ông còn là điệp viên của Liên Xô ở Đông Đức (cũ) đã được tìm thấy trong một kho lưu trữ ở TP Dresden – Đức.

Theo đài Sputnik, Stasi (Bộ An ninh Quốc gia) là Cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại của Cộng hoà Dân chủ Đức (hay còn gọi là Đông Đức), viết tắt là MfS.
Trong những năm 1980, ông Putin hoạt động với vai trò sĩ quan KGB ở TP Dresden – Đức. Thẻ Stasi nói trên của nhà lãnh đạo Nga được tìm thấy trong quá trình nghiên cứu về sự hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan Tình báo Nga (KGB) và Stasi.
Ông Putin - khi đó là thiếu tá KGB – đã nhận nó vào năm 1985. Chiếc thẻ giúp ông ra vào các cơ sở của Stasi nhưng đài BBC cho biết có thể ông không làm điệp viên cho tổ chức này.
Trong một tuyên bố hôm 11-12, Cơ quan Lưu trữ Hồ sơ Stasi (BStU) nói rằng ông Putin "đã nhận được chiếc thẻ để ông thực hiện công việc mà KGB giao cho khi hợp tác với Stasi".
"Nghiên cứu hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy ông Vladimir Putin làm việc cho MfS" – BstU khẳng định.
Theo đài BBC, ông Putin sinh ra ở Leningrad (nay là St Petersburg) và được gửi đến Đông Đức từ năm 1985 ở tuổi 33. Hai cô con gái của ông cũng được sinh ra trong quãng thời gian đó. Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga đã bước sang tuổi 66.
Tìm thấy thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin tại Đức - Ảnh 1.
Chữ ký của ông Putin. Ảnh: BStU
Tìm thấy thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin tại Đức - Ảnh 2.
Quãng thời gian ông Putin hoạt động tại TP Dresde. Ảnh: BStU
Ông Putin làm việc cho KGB ở TP Dresden cho đến tháng 12-1989, khi Đông Đức sụp đổ. Thẻ Stasi của ông được gia hạn 3 tháng một lần. Không rõ lý do ông để lại chiếc thẻ trong kho lưu trữ ở TP Dresden.
Thời điểm đó, ông Putin thông thạo tiếng Đức và xác nhận mình đích thân trấn an đám đông ở TP Dresden khi họ bao vây tòa nhà Stasi. Trong thời gian phục vụ KGB tại TP Dresden, ông Putin được thăng lên cấp bậc trung tá.
Năm 1989, ông Putin được Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) trao tặng huy chương đồng "vì sự phục vụ trung thành dành cho Quân đội Nhân dân Quốc gia", trang web Điện Kremlin viết.
Sau khi trở về Nga, ông Putin vươn lên vị trí người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB - kế thừa của KGB) và trở thành tổng thống vào năm 2000.
Tháng 6-2017, phát biểu trên truyền hình nhà nước Nga, ông Putin mô tả các điệp viên KGB là những người có "phẩm chất, niềm tin và tính cách đặc biệt".
Tìm thấy thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin tại Đức - Ảnh 3.
Ông Putin (trái) dự đám tang hôm 11-12. Ảnh: EPA
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, từ chối đề cập chi tiết về sự xuất hiện của chiếc thẻ Stasi của ông Putin. "KGB và Stasi là các cơ quan tình báo đối tác nên không loại trừ việc trao đổi những chiếc thẻ như vậy" - ông Peskov nói.
Trong một diễn biến khác, hôm 11-12, đám tang của nhà hoạt động nhân quyền Lyudmila Alexeyeva được tổ chức sau khi bà qua đời hôm 8-12 ở tuổi 91. Tham dự buỗi lễ tiễn đưa bà Alexeyeva về nơi yên nghỉ cuối cùng có cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.
theo Người lao động



Nóng: Putin từng là điệp viên Đông Đức?

Thứ Tư, ngày 12/12/2018 14:10 PM (GMT+7)

Đang có nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể từng là một điệp viên của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức cũ) hồi những năm 80 của thế kỷ trước.

Nóng: Putin từng là điệp viên Đông Đức? - 1
Ông Vladimir Putin (trái ngoài cùng) đứng cùng với Thiếu tướng Horst Boehm (phải, ngoài cùng) - người đứng đầu trụ sở Stasi tại Dresden (Đức) trong một buổi tiệc ăn mừng hàng năm. Ảnh: Stasiunterlagenbehörde Dresden.
Vào hôm qua, tờ báo Bild của Đức đã công bố một bức ảnh chụp một thẻ căn cước cảnh sát mật Stasi - cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại của Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức cũ) – được cấp cho Vladimir Putin khi ông còn là một sĩ quan Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB, thuộc Liên Xô cũ) tại Dresden (Đức) thời Chiến tranh Lạnh.
Tấm thẻ căn cước có màu xanh, in tên hiệu chính thức của Stasi là Bộ An ninh Nội địa cùng với ảnh của ông Putin và một mã số căn cước bên dưới. Tờ Bild tiết lộ tấm thẻ căn cước - tìm thấy tại phòng “cán bộ và giáo dục” tại trụ sở Stasi ở Dresden – được ban hành ngày 31.12.1985 cho Thiếu tá Vladimir Putin, có hiệu lực tới cuối năm 1989.
Nóng: Putin từng là điệp viên Đông Đức? - 2
Tấm căn cước của Thiếu tá Vladimir Putin, được ban hành ngày 31.12.1985 và có hiệu lực tới cuối năm 1989 do Bild phát hiện. Ảnh: Stasiunterlagenbehörde Dresden.
Theo Konrad Felber – người đứng đầu nhóm nghiên cứu tài liệu lưu trữ của Stasi thuộc chính quyền thành phố Dresden, nếu chiếc thẻ căn cước là “hàng thật”, ông Putin sẽ “không phải công khai về thân phận điệp viên KGB” khi công tác tại Đức. Qua đó, ông sẽ dễ dàng làm tròn nhiệm vụ mở rộng mạng lưới điệp viên do KGB giao phó.
Tuy nhiên, theo RT, tấm thẻ căn cước có tên Vladimir Putin không đồng nghĩa với việc ông là điệp viên Stasi. Cụ thể, theo ông Alexander Mikhailov – cựu tướng của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), tấm thẻ căn cước “rất có thể” chỉ dùng để “ra vào” tòa nhà của Stasi tại Dresden.
Về phía mình, Điện Krenlin chưa chính thức lên tiếng xác nhận hay phủ nhận thông tin của tờ báo Bild. Thế nhưng, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định rằng trong giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước, KGB và Stasi đang là “đối tác” nên hoàn toàn có khả năng “hai cơ quan trao đổi thẻ căn cước cho các đặc vụ, điệp viên của nhau”.

Theo Tiểu Đào (Theo RT) (Dân Việt)

Dự án điệp viên mèo triệu USD của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh

Cục Tính báo Trung ương Mỹ (CIA) chi tới 20 triệu USD cho việc cấy ghép thiết bị gián điệp lên mèo để do thám Liên Xô nhưng không mang lại kết quả.

du-an-diep-vien-meo-trieu-usd-cua-my-trong-chien-tranh-lanh
Các thiết bị cảm biến trên mèo sẽ ghi âm cuộc trò chuyện từ xa. Ảnh: Imgsafe.
Sau Thế chiến II, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô gia tăng, khiến hai siêu cường này luôn tìm cách để giành lợi thế trước đối phương. Không chỉ chạy đua về công nghệ và vũ khí, họ còn tạo ra các phương thức gián điệp độc đáo, trong đó có việc biến các loài động vật thành điệp viên, theo War History Online.
Tài liệu giải mã của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ năm 2001 đã tiết lộ một dự án bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mang tên  "Mèo nghe lén" (Ascoustic Kitty), được tiến hành trong thập niên 1960.
Năm 1961, Phòng nghiên cứu và phát triển của CIA bắt đầu triển khai dự án này. Mèo được chọn vì đây là động vật nhỏ, có thể di chuyển lặng lẽ mà không thu hút sự chú ý. CIA đưa ra ý tưởng gắn một cục pin, máy ghi âm, ăng ten và thiết bị truyền dẫn lên những con mèo để chúng do thám Liên Xô.
Các thiết bị như vậy phải đủ nhỏ để không gây nghi ngờ, chịu được sự cọ sát hoặc liếm. Ngoài ra, các yếu tố hóa học, độ ẩm, thân nhiệt và tính tò mò của loài mèo cũng được tính đến.
Việc đưa các trang bị vào vòng cổ mèo không khả thi, do trình độ công nghệ lúc bấy giờ còn sơ khai. Mỹ quyết định cấy chúng vào trong thân mèo. CIA đã thuê một chuyên gia âm thanh để tiến hành công việc, nhưng không tiết lộ mục đích sử dụng. Sau vài lần kiểm tra trên mô hình, họ bắt đầu thử nghiệm trực tiếp trên thân mèo.
Bộ phận truyền dẫn dài 19 mm được cấy ghép vào đáy hộp sọ mèo, cùng một microphone trong ống tai, pin điện được đặt trong khoang ngực. Đoạn dây lưới đóng vai trò ăng ten được kéo từ gáy đến đuôi và ẩn trong lông mèo.
du-an-diep-vien-meo-trieu-usd-cua-my-trong-chien-tranh-lanh-1
Bản thiết kế hệ thống do thám của dự án "Acoustic Kitty". Ảnh: War History Online.
Nhóm mèo thí nghiệm được giám sát để xem cách phản ứng với thiết bị, đảm bảo chúng thấy thoải mái và di chuyển bình thường để không gây chú ý. Lo ngại bị công chúng phát hiện và phản ứng tiêu cực, CIA điều chỉnh thiết bị để cuộn dây ăng ten không buộc vào cổ mèo. Thay vào đó, chúng được cấy dọc theo cột sống.
Giai đoạn cuối là huấn luyện nhóm mèo điệp viên, khiến chi phí cho toàn bộ dự án lên tới 20 triệu USD.
Năm 1966, mèo được huy động thực hiện nhiệm vụ đầu tiên ở thủ đô Washington DC. Mục tiêu là hai người đàn ông ngồi bên ngoài đại sứ quán Liên Xô. Một con mèo được thả xuống từ xe tải chứa nhiều thiết bị do thám điện tử và các nhân viên tình báo sẵn sàng tiếp nhận tín hiệu được con mèo thu lại.
Nhưng khi băng qua đường để tiếp cận mục tiêu, con mèo bị một chiếc taxi cán phải, công sức đầu tiên của CIA tan thành mây khói. Tuy nhiên, kết quả nhiệm vụ cho thấy điệp viên mèo có thể tập trung vào mục tiêu mà không bị xao nhãng.
Năm 2013, Robert Wallace, cựu giám đốc phòng kỹ thuật của CIA tiết lộ con mèo đó không chết. Nó được mang về để công nghệ nghe lén không bị rơi vào tay người khác. Các trang thiết bị do thám trên thân mèo được gỡ bỏ, sau đó nó được trả về cuộc sống đời thường.
CIA đã tốn tới 20 triệu USD mà không mang lại kết quả nào. Dự án bị hủy năm 1967, CIA chuyển sang sử dụng robot cỡ nhỏ và máy bay do thám của Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA).
Duy Sơn


Truyền kỳ về gốc tích thần bí của Putin ở Iraq và Syria

Thứ Hai, ngày 11/01/2016 00:05 AM (GMT+7)

Tại Syria và Iraq, Tổng thống Nga Putin được gọi bằng tên “Abu Ali Putin”, cùng với đó là cách lý giải huyền hoặc về tổ tiên của ông với lãnh tụ Hồi giáo dòng Shiite.

Tại các quán cà phê nằm sau Thánh đường Hồi giáo Grand Umayyad của thủ đô Damascus, Syria, những câu chuyện bị gián đoạn bởi tiếng ồn phát ra từ máy bay phản lực xé toang bầu trời.
Nhấp từng ngụm từ những tách trà nhỏ, các vị khách ngước lên nhìn trời, nheo mắt xem máy bay ở đâu mà không thấy. Chúng bay nhanh hơn là người Syria tưởng.
“Anh có nghe thấy gì không” – Mahmoud, một thợ may ở Damascus, hỏi. Một người khác đáp, đó là máy bay của Nga. Câu chuyện của hai người đàn ông nói chuyển sang hai nhân vật: Abu Ali và Abu Hussain.
Một người nói: “Abu Hussain yếu xìu, nhưng Abu Ali thì đúng là đàn ông đích thực”.
Truyền kỳ về gốc tích thần bí của Putin ở Iraq và Syria - 1
Tổng thống Nga Putin được người Syria xem là đàn ông đích thực
Câu chuyện dần sáng tỏ về hai nhân vật được đề cập. “Abu Hussain” (hay Abu Hussein) chính là biệt danh mà người Syria gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama, và “Abu Ali” là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Sami Moubayed, chuyên gia về Syria và cũng là cây bút bình luận của tờ Gulf News, cách gọi này có từ hơn 70 năm trước, khi người ta gọi Adolph Hitler là “Abu Rashid” và Charles de Gaulle là “Abu Abdo” – một cách nói tránh về các chính trị gia để không bị tình báo Syria nghe lỏm.
Tác giả Josh Rogin trên tờ Bloomberg của Mỹ đưa ra thêm kiến giải về các biệt danh này.
Người Syria bắt đầu gọi ông Obama là “Abu Hussein” từ năm 2008. (“Abu” có nghĩa là “cha của” – theo cách gọi tên của người Ả Rập). “Abu Hussein” nhằm ám chỉ ông Obama bởi tên đệm của ông có từ Hussein (ông nội của Obama có họ là Hussein).
Biệt danh “Abu Ali” nhằm ám chỉ Tổng thống Putin bắt nguồn từ nhân vật Ali ibn Abi Talib – con rể của nhà tiên tri Muhammad.
Người Allawite (trong đó có gia đình Tổng thống Syria Assad) coi Ali là Imam (lãnh tụ Hồi giáo) đầu tiên của họ.
Kể từ khi Nga đem quân vào Syria hồi tháng 9/2015, “Abu Ali Putin” dường như hiện diện khắp nơi – từ các móc chìa khóa, cho tới cáo thị, các trang nhất của báo, và kênh radio.
Trong các khu chợ của người bản địa, người ta nói về Putin – về quá khứ của ông, cuộc sống đời tư, rồi về hình thể vạm vỡ, và chương trình nghị sự của ông trên toàn cầu.
Truyền kỳ về gốc tích thần bí của Putin ở Iraq và Syria - 2
Một họa sĩ Iraq đang vẽ ông Putin tại phòng tranh ở Baghdad ngày 7/10 (Ảnh: AFP)
Trên trang counterpunch, tác giả Franklin Lamb nói về “sinh khí” mới của Nga tại Syria. Viên đại tá trong văn phòng nhập cảnh giải thích “Mọi người dân Syria đều yêu Putin. Chúng tôi gọi ông ấy là Abu Ali Putin”.
Không chỉ ở Syria, tiếng tăm của Abu Ali Putin còn nổi như cồn ở Iraq. Các chiến dịch không kích của Nga tại Syria khiến cho Tổng thống Vladimir Putin trở thành chủ đề chính cho các bài hát, các bức ảnh và video có tính chất tôn vinh, ca ngợi của đa số người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq.
Trang Daily Caller cho hay, hình ảnh Putin lan truyền trên các trang mạng ở Iraq. Cùng với đó là các đoạn video có hình ông Putin trên nền nhạc ái quốc của Iraq.
Đáp lại, người Iraq dòng Sunni lại nghĩ ra một câu chuyện khác theo kiểu của họ, thậm chí, nâng sự tôn sùng Putin của người Shiite lên một bậc nữa, và mô tả ông Putin như thể chiến binh huyền thoại sát cánh với Hussein –  lãnh tụ và cũng là một trong những nhân vật lịch sử quan trọng nhất của người Hồi giáo dòng Shiite.
Những tuần gần đây, trên mạng internet, cộng đồng người Shiite ở Iraq còn kháo nhau rằng một trong các tổ tiên của ông Putin là chiến binh Cơ đốc từng trợ giúp cho Hussein trong trận chiến Karbala (năm 680 sau Công nguyên).
Bằng một cách nào đó, những câu chuyện đồn thổi huyễn hoặc về thân thế kỳ bí của ông Putin trở thành một thứ quyền lực mềm, kết hợp với sức mạnh quân sự, mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Tại Iraq, đa số người Shiite không thấy có bất kỳ lực lượng nước ngoài nào giải cứu họ khỏi phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS).
Mới đây, chính phủ Iraq do người Shiite cầm quyền đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nga, cho phép quân đội Nga thực hiện không vận qua không phận Iraq.
Họ công khai hoan nghênh sự can thiệp của ông Putin: một nghị sĩ người Shiite nói với tờ Times rằng những người Shiite ‘cảm thấy Nga nghiêm túc hơn là Mỹ’.

Theo Đặng Lê (tổng hợp) (danviet.vn)

Báo cáo sốc: CIA thất bại muối mặt, mạng lưới tình báo bị Iran vô hiệu hóa bằng... Google

Hải Võ |
Báo cáo sốc: CIA thất bại muối mặt, mạng lưới tình báo bị Iran vô hiệu hóa bằng... Google
(Ảnh: AP)

Hãng Yahoo News mới đây đăng tải báo cáo điều tra về một trong những thất bại được cho là lớn nhất trong lịch sử của tình báo Mỹ.

Báo cáo của Yahoo dựa trên các cuộc phỏng vấn với 11 cựu nhân viên tình báo và quan chức chính phủ Mỹ, với điều kiện ẩn danh.
Theo đó, một số nguồn tin trong chính phủ và tình báo Mỹ hé lộ hệ thống thông tin trên nền tảng Internet mà Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) sử dụng để trao đổi với các đầu mối của họ trên khắp thế giới đã bị người Iran phát hiện bằng cách sử dụng... công cụ tìm kiếm của Google.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết những lỗ hổng trong mạng lưới của Mỹ đã được xác định nhiều năm trước khi có những diễn biến kể trên.
Vào năm 2008, nhà thầu quốc phòng John Reidy - có nhiệm vụ xác định, liên lạc và quản lý các nguồn cung cấp thông tin cho CIA tại Iran - được cho là đã cảnh báo về "thất bại tình báo khổng lồ" liên quan đến "vấn đề trao đổi thông tin" với các nguồn tin.
CIA đã có thể ngăn chặn vụ việc nếu họ lưu ý tới cảnh báo của Reidy, nhưng 1 năm sau đó thì "kịch bản ác mộng" của ông trở thành hiện thực và ông bị sa thải. Cấp trên của Reidy nói nguyên nhân sa thải ông là do xung đột lợi ích, nhưng ông tin rằng lý do thực tế là để trả đũa.
"Đây là một trong những thất bại thảm họa kể từ vụ 11/9, và CIA lại trừng phạt người đã đưa vấn đề ra ánh sáng," Irvin McCullough, nhà phân tích an ninh của dự án Government Accountability nói.
Các nguồn tin của Yahoo khẳng định người Iran đã tìm ra cách vượt qua hệ thống của tình báo Mỹ - vốn không được được thiết kế để chịu những hành động phản gián phức tạp - mà không gặp khó khăn nào.
"Nó (hệ thống trao đổi thông tin của tình báo Mỹ) chưa từng đặt ra vấn đề sử dụng dài hạn để trao đổi với các nguồn tin. Vấn đề là nó đã hoạt động tốt trong thời gian dài và với rất nhiều người. Nhưng nó vẫn là một hệ thống sơ cấp," cựu quan chức giấu tên tiết lộ với Yahoo.
Trên thực tế, báo cáo còn cho hay mạng lưới thông tin này từng bị vô hiệu hóa tại Trung Quốc, nên dường như những rủi ro của hệ thống đã bị những người có trách nhiệm phớt lờ.
Năm 2010, Tehran đã đạt được bước tiến trong nỗ lực "vạch mặt" và định danh các điệp viên CIA. Một năm sau đó, nước này tuyên bố đã vô hiệu được một mạng lưới gián điệp của CIA - theo tiết lộ của 7 cựu nhân viên CIA với Yahoo.
Các tác giả của báo cáo nêu, vào năm 2011, truyền hình Iran cáo buộc các điệp viên Mỹ đã phát triển một loạt website cho các công ty ma nhằm tuyển dụng gián điệp tại Iran, bằng cách hứa hẹn cho họ công ăn việc làm, thị thực và giáo dục ở nước ngoài, nhưng cuối cùng những người ứng tuyển lại gặp nhân viên CIA và trở thành đầu mối cho tình báo Mỹ.
Một cựu quan chức khác nói đã có tình trạng "sốc và sợ hãi" bên trong CIA khi chứng kiến cách thức vượt rào đơn giản của Iran.
Dù vẫn chưa rõ Iran đã làm như thế nào để xâm nhập mạng lưới thông tin của Mỹ, hai cựu quan chức tình báo nói với Yahoo rằng [Iran] đã cài được điệp viên hai mang, và nhân vật này cuối cùng dẫn dắt họ phá vỡ hệ thống giao tiếp bí mật của Mỹ.
Theo báo cáo, người Iran sử dụng công cụ tìm kiếm Google để xác định các website mà CIA sử dụng trong liên lạc với điệp viên, đồng thời tận dụng tối đa chức năng của Google để phân loại và sàng lọc các website có dấu hiệu tương tự.
Cơ quan tình báo Iran sau đó đã theo dấu vết những người truy cập các website trên và từ đó khám phá mạng lưới của CIA.
Một quan chức Mỹ cho hay, tình báo nước này chưa thể chắc chắn liệu Trung Quốc và Iran đã hợp tác với nhau, hay "lật mặt" các mạng lưới của Mỹ một cách riêng biệt, nhưng những hệ thống [của Mỹ] tại hai nước này là tương đồng.
CIA từ chối bình luận về báo cáo của Yahoo, trong khi Phái bộ ngoại giao Iran tại Liên hợp quốc không phản hồi đề nghị cung cấp thông tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét