Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

CHUYỆN ÍT BIẾT 55

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Hé lộ vũ khí bí mật mà Nhật chuẩn bị cho vụ Trân Châu Cảng thứ hai

Sĩ quan điện đài Nhật châm ngòi cho trận tập kích Trân Châu Cảng

Sự cố tình chậm trễ của sĩ quan điện đài ở Tokyo đã đẩy Nhật và Mỹ vào vòng xoáy đối đầu, bắt đầu bằng trận đánh Trân Châu Cảng.


Sáng 7/12/1941, khoảng 350 chiến đấu cơ Nhật Bản bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng, căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ quần đảo Hawaii. Cuộc tấn công khiến 2.403 người thiệt mạng và 19 tàu chiến bị phá hủy, trong đó thiết giáp hạm USS Arizona bị phá hủy hoàn toàn.
Trân Châu Cảng được xem là trận đánh thay đổi lịch sử Mỹ và Thế chiến II và sử gia Craig Nelson cho rằng trong trận chiến này có vai trò không nhỏ của thiếu tá Morio Tomura, sĩ quan phụ trách Phòng điện báo Tokyo, theo Popular Mechanics.
Trước khi trận chiến Trân Châu Cảng nổ ra, Mỹ và Nhật đã có nhiều cuộc đàm phán hòa bình nhằm tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai nước. Phương tiện liên lạc chủ yếu và hiệu quả nhất giữa Washington và Tokyo trong thời gian này là các bức điện báo vô tuyến. Những bức điện này trước khi đến được tay Nhật hoàng sẽ phải qua Phòng điện báo Tokyo của thiếu tá Tomura.
Ngày 6/12/1941, Tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin D. Roosevelt gửi một bức điện báo cho Thiên hoàng Hirohito, kêu gọi hai nước xây dựng quan hệ hữu nghị và hòa bình lâu dài. Đây được coi là thông điệp hòa giải quan trọng, thể hiện thiện chí của Mỹ nhằm tránh chiến tranh với Nhật.
Tuy nhiên, thiếu tá Tomura đã cố tính trì hoãn và chỉ mang bức điện tới Cung điện Hoàng gia sau 10 tiếng, bởi ông này cho rằng chiến tranh là vận mệnh không thể tránh khỏi với nước Nhật.
Khi bức điện được Tomura đưa đến nơi, chính phủ Nhật đã soạn xong tuyên bố kết thúc đàm phán và tuyên chiến với Mỹ. Họ yêu cầu Tomura gửi bức điện thể hiện tuyên bố này đến Mỹ khoảng 30 phút trước cuộc tấn công, nhằm thể hiện tinh thần mã thượng và võ sĩ đạo của người Nhật.
Tuy nhiên, thiếu tá Tomura lại một lần nữa cố tình trì hoãn và chỉ gửi bức điện cho người Mỹ khoảng hai giờ sau trận tập kích Trân Châu Cảng, khiến Mỹ coi vụ tấn công là hành động đánh lén đê hèn và tuyên chiến với Nhật.
"Có thể nói toàn bộ những sự kiện xảy ra ngày hôm đó đều do thiếu tá Tomura gây ra", sử gia Nelson nhận xét. Ông cũng cho rằng ngoài hành động cố ý của Tomura, những hiểu lầm trước đó của Mỹ và Nhật trên bàn đàm phán cũng khiến họ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh.
Trước trận tập kích Trân Châu Cảng, Mỹ coi Nhật Bản là đối thủ giống Đức Quốc xã, do chủ nghĩa quân phiệt của Nhật khá tương đồng với tư tưởng phát xít. Tuy nhiên, họ không biết chính trường Nhật Bản rối ren đến mức chính quyền thay đổi 15 lần chỉ trong 14 năm.
Từng có thời điểm Washington có thể đàm phán hòa bình với Tokyo, khi đó sắp nằm trong quyền kiểm soát của Fumimaro Konoe, thủ tướng dân sự cuối cùng của đế quốc Nhật. Nhận định sai lầm về chính trường Nhật Bản của Mỹ chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới xung đột không thể tránh khỏi giữa hai quốc gia.
Về phía Nhật, không phải quan chức cấp cao nào trong chính quyền nước này cũng ủng hộ giải pháp đối đầu quân sự với Mỹ, trong đó có cả đô đốc Isokoru Yamamoto, tư lệnh hải quân Nhật và cũng là người lên kế hoạch tập kích Trân Châu Cảng.
Tàu khu trục USS Shaw phát nổ sau khi trúng bom. Ảnh: US Navy.
Tàu khu trục USS Shaw phát nổ sau khi trúng bom. Ảnh: US Navy.
"Ông ấy đã cảnh báo cuộc tấn công như vậy sẽ đánh thức con rồng đang ngủ say, khiến Nhật khó có hy vọng giành chiến thắng. Tuy nhiên, ý kiến của ông ấy đã bị phớt lờ", Keith Huxen, giám đốc nghiên cứu và lịch sử ở Bảo tàng Quốc gia Thế chiến II của Mỹ, cho biết. Nhận định của đô đốc Yamamoto được chứng minh là chính xác, khi Mỹ bắt đầu tham chiến và giành lại lợi thế từ đối phương.
Trận tập kích Trân Châu Cảng của Nhật không chỉ khiến 2.403 người chết và hơn 1.100 người bị thương. Nhiều người sống sót sau trận đánh đã bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD), chứng rối loạn tâm lý chưa được biết đến khi đó.
Theo một báo cáo năm 1989, 65% người thoát chết vẫn mắc chứng PTSD trong hàng chục năm sau vụ tập kích Trân Châu Cảng. 25% trong số này tiết lộ những thứ bình thường như tiếng động cơ cũng khiến họ giật mình và hồi tưởng lại sự kiện bi thảm này.
Đài tưởng niệm xây trên xác tàu Arizona. Ảnh: US Navy.
Đài tưởng niệm xây trên xác tàu Arizona bị đánh chìm trong trận tập kích. Ảnh: US Navy.
Sterling Cale, dược sĩ hải quân trên thiết giáp hạm USS Arizona, là một trường hợp điển hình của di chứng tâm lý sau vụ Trân Châu Cảng. Ông đã nhảy xuống biển và cứu hàng chục đồng đội khi máy bay Nhật bắt đầu cuộc tấn công. Tàu Arizona nổ tung không lâu sau đó, khi Cale vẫn đang giải cứu những người dưới biển.
6 năm sau, khi Cale và gia đình đi nghỉ ở biển, một cơn sóng bất ngờ kéo con trai hai tuổi của ông ra khơi. Cale nhảy xuống biển để cứu con, nhưng ngay lập tức bị hoảng loạn và cứng đờ người. Chú chó của gia đình đã kéo đứa bé vào bờ an toàn, nhưng chấn thương tâm lý khiến Cale không bao giờ còn dám lại gần bờ biển nữa.
Duy Sơn


Trận đánh hạ gục thiết giáp hạm lớn nhất mọi thời đại

Hàng trăm máy bay Mỹ và đồng minh đồng loạt tấn công chiến hạm Yamato, khiến thiết giáp hạm khổng lồ của Nhật Bản chìm xuống đáy biển.

tran-danh-ha-guc-thiet-giap-ham-lon-nhat-moi-thoi-dai
Tàu Yamato trong quá trình thử nghiệm năm 1941. Ảnh: Wikipedia.
Đầu năm 1945, Hải quân Đế quốc Nhật Bản (IJN) đưa ra quyết định khó khăn khi hy sinh Yamato, thiết giáp hạm lớn nhất từng được đóng, để bảo vệ đảo Okinawa, cửa ngõ dẫn đến đất liền của họ. Tuy nhiên, việc này không thể giúp họ ngăn bước tiến của Mỹ và đồng minh, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng Yamato nằm trong số các thiết giáp hạm uy lực nhất mọi thời đại. Năm 1937, tàu được đóng bí mật ở quân cảng Kure, gần Hiroshima để tránh bị Mỹ phát hiện. Trước đó, Nhật Bản đã rút khỏi hiệp ước giới hạn kích cỡ thiết giáp hạm.
Với chiều dài 263 m và giãn nước toàn tải 71.000 tấn, tàu Yamato là thiết giáp hạm lớn nhất trong lịch sử. Chỉ các tàu sân bay Mỹ phát triển sau Thế chiến II mới có trọng tải vượt qua nó. Lớp Yamato gồm hai tàu là Yamato và Musashi, chiếc thứ 3 mang tên Shinano được hoán cải thành tàu sân bay.
Mỗi tàu được trang bị 9 pháo hạm cỡ nòng 457 mm trên ba tháp pháo lớn, 6 pháo thứ cấp cỡ 155 mm, 24 pháo 127 mm, 162 pháo phòng không 25 mm và 4 súng máy hạng nặng cỡ 13,2 mm.
Với hỏa lực mạnh như vậy, Yamato có khả năng đánh chìm nhiều thiết giáp hạm địch trong một lần đồng loạt khai hỏa. Trong đợt nâng cấp năm 1944 và 1945, Yamato được bổ sung số lượng lớn pháo phòng không. Mục đích chính của chúng là giúp tàu trụ vững trước hỏa lực của Không quân Mỹ, cho đến khi Yamato tiếp cận đủ gần để khai hỏa vào chiến hạm đối phương.
Tuy nhiên, vào thời điểm hạ thủy năm 1941, Yamato đã trở nên lạc hậu. Tàu sân bay cơ động nhanh mang theo máy bay ném bom và ngư lôi của Mỹ đã có khả năng tấn công đối phương trong phạm vi 320 km, đủ xa để tránh được các khẩu pháo cỡ lớn trên thiết giáp hạm.
Đầu năm 1945, diễn biến chiến lược trở nên bất lợi với Nhật Bản. Họ liên tiếp bị đẩy lùi trên mặt trận Thái Bình Dương sau khi quân Đồng minh đổ bộ xuống đảo Guadalcanal tháng 8/1942. Nhật Bản để mất Philippines, quần đảo Solomon, Gilbert và Caroline, sau đó phải đối mặt với quân Mỹ áp sát nhóm đảo chính. Okinawa là pháo đài cuối cùng án ngữ trước đất liền Nhật Bản, chỉ cách thành phố Kagoshima hơn 257 km.
Quân Đồng minh bắt đầu tấn công Okinawa ngày 1/4/1945, buộc IJN tiến hành chiến dịch Ten-Go để đối phó. Theo kế hoạch, thiết giáp hạm Yamato được hộ tống bởi tuần dương hạm Yahagi và 8 tàu khu trục sẽ di chuyển đến Okinawa. Mang tên Lực lượng Tác chiến Mặt nước đặc biệt, nhóm tàu này có nhiệm vụ chia cắt lực lượng tấn công của quân Đồng minh.
Sau đó, Yamato sẽ lao lên bờ biển, trở thành một pháo đài cố định án ngữ đảo Okinawa. Đây được coi là kết cục đáng buồn đối với thiết giáp hạm khổng lồ có tốc độ tối đa tới 50 km/h, nhưng quân Nhật buộc phải đưa ra quyết định này khi nhiên liệu và các nguồn lực khác trở nên khan hiếm.
Ngày 6/4, thiết giáp hạm Yamato và Lực lượng Tác chiến Mặt nước Đặc biệt khởi hành từ Tokuyama, tiến theo hướng nam để quá cảnh ở eo biển Bungo mà không biết hai tàu ngầm Mỹ đang phục kích phía trước.
Nhờ giải mã được các thông điệp của Nhật Bản, quân đội Mỹ đã biết trước kế hoạch Ten-Go và triển khai hai tàu ngầm để đánh chặn pháo đài nổi này. Yamato và biên đội tàu hộ tống hoàn toàn không biết đang bị theo dõi, nhưng các tàu ngầm Mỹ cũng không thể tấn công do đội tàu Nhật Bản di chuyển quá nhanh và lắt léo. Họ quyết định báo cáo về bộ chỉ huy.
Hải quân Đồng minh xung quanh đảo Okinawa nhận được thông tin về hạm đội khổng lồ của Nhật Bản đang hướng đến. Họ bắt đầu triển khai lực lượng sẵn sàng đối phó, trong đó chú trọng sử dụng không quân.
Sáng 7/4, máy bay trinh sát từ tàu sân bay Đô đốc Mistcher phát hiện tàu Yamato khi nó đi được nửa đường đến Okinawa. Ngay sau đó, 280 tiêm kích, oanh tạc cơ và máy bay trang bị ngư lôi xuất kích, bắt đầu cuộc tấn công.
tran-danh-ha-guc-thiet-giap-ham-lon-nhat-moi-thoi-dai-1
Thiết giáp hạm Yamato cơ động né các đợt tấn công của máy bay Mỹ. Ảnh: Wikipedia.
Trong vòng hai giờ, nhóm tàu Nhật Bản bị tấn công không ngừng nghỉ bởi số máy bay nhiều đến mức các chỉ huy Mỹ đã lo ngại về nguy cơ va chạm trên không. Phi công Mỹ nào cũng muốn trở thành người đầu tiên đánh trúng Yamato, khiến kế hoạch tấn công được chuẩn bị kỹ lưỡng ban đầu bị phá sản, các phi công được tự do đánh phá.
Yamato bị trúng hai quả bom và một quả ngư lôi trong đợt tấn công đầu tiên. Sau đó các máy bay nhằm vào hai tàu khu trục hộ tống.
Đợt tấn công thứ hai diễn ra với sự góp mặt của 100 phi cơ. Nhận thấy tàu Yamato bắt đầu nghiêng về một bên, máy bay Mỹ thay đổi chiến thuật, sử dụng ngư loại lôi xuyên kích nổ ở độ sâu lớn hơn. Điều đó cho phép ngư lôi đánh vào phần vỏ mỏng phía đáy tàu, thay vì lớp giáp dày bên sườn.
Tàu Yamato nghiêng sang trái hơn 20 độ, buộc thuyền trưởng phải ra lệnh xả nước vào khoang động cơ mạn phải để cân bằng, làm 300 thủy thủ trong khoang thiệt mạng.
Tàu Yamato lúc này đã trúng 10 quả ngư lôi, 7 quả bom và bị hỏng nặng. Bất chấp nỗ lực chống nước biển tràn vào, tàu tiếp tục nghiêng đến góc 35 độ. Thuyền trưởng ra lệnh cho thủy thủ đoàn bỏ tàu, sau đó cùng nhiều sĩ quan trên đài chỉ huy tự trói mình vào ghế và chìm cùng con tàu. Những người còn lại cố gắng thoát hiểm khỏi Yamato.
Lúc 14h23, hầm đạn ở mũi tàu phát nổ, tạo thành cột lửa khổng lồ cao 2.000 m và đám mây hình nấm cao 6.000 m, tương tự một quả bom hạt nhân cỡ nhỏ. Ánh sáng phát ra từ vụ nổ có thể nhìn thấy từ thành phố Kagoshima trên đất liền. Vụ nổ cũng phá hủy một số máy bay Mỹ đang quan sát chiếc tàu chìm.
tran-danh-ha-guc-thiet-giap-ham-lon-nhat-moi-thoi-dai-2
Cột khói bốc ra từ vụ nổ của Yamato. Ảnh: Wikipedia.
Lực lượng Tác chiến Mặt nước Đặc biệt của Nhật gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Thiết giáp hạm Yamato, tuần dương hạm Yahagi và 3 khu trục hạm bị đánh chìm. Một số tàu hộ tống khác bị hư hỏng nghiêm trọng. 2.498 người trong tổng số 2.700 thủy thủ trên Yamato thiệt mạng.
"Vụ đánh chìm thiết giáp hạm Yamato là bằng chứng rõ ràng cho thấy kỷ nguyên tàu sân bay thay thế thiết giáp hạm. Sự cố chấp, bám víu lấy công nghệ quân sự lạc hậu đã hủy hoại sức chiến đấu của Nhật Bản, khiến hàng nghìn thủy thủ của họ bỏ mạng vô ích", Mizokami nhận định.
Duy Sơn

Dự án điệp viên mèo triệu USD của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh

Cục Tính báo Trung ương Mỹ (CIA) chi tới 20 triệu USD cho việc cấy ghép thiết bị gián điệp lên mèo để do thám Liên Xô nhưng không mang lại kết quả.


du-an-diep-vien-meo-trieu-usd-cua-my-trong-chien-tranh-lanh
Các thiết bị cảm biến trên mèo sẽ ghi âm cuộc trò chuyện từ xa. Ảnh: Imgsafe.
Sau Thế chiến II, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô gia tăng, khiến hai siêu cường này luôn tìm cách để giành lợi thế trước đối phương. Không chỉ chạy đua về công nghệ và vũ khí, họ còn tạo ra các phương thức gián điệp độc đáo, trong đó có việc biến các loài động vật thành điệp viên, theo War History Online.
Tài liệu giải mã của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ năm 2001 đã tiết lộ một dự án bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mang tên  "Mèo nghe lén" (Ascoustic Kitty), được tiến hành trong thập niên 1960.
Năm 1961, Phòng nghiên cứu và phát triển của CIA bắt đầu triển khai dự án này. Mèo được chọn vì đây là động vật nhỏ, có thể di chuyển lặng lẽ mà không thu hút sự chú ý. CIA đưa ra ý tưởng gắn một cục pin, máy ghi âm, ăng ten và thiết bị truyền dẫn lên những con mèo để chúng do thám Liên Xô.
Các thiết bị như vậy phải đủ nhỏ để không gây nghi ngờ, chịu được sự cọ sát hoặc liếm. Ngoài ra, các yếu tố hóa học, độ ẩm, thân nhiệt và tính tò mò của loài mèo cũng được tính đến.
Việc đưa các trang bị vào vòng cổ mèo không khả thi, do trình độ công nghệ lúc bấy giờ còn sơ khai. Mỹ quyết định cấy chúng vào trong thân mèo. CIA đã thuê một chuyên gia âm thanh để tiến hành công việc, nhưng không tiết lộ mục đích sử dụng. Sau vài lần kiểm tra trên mô hình, họ bắt đầu thử nghiệm trực tiếp trên thân mèo.
Bộ phận truyền dẫn dài 19 mm được cấy ghép vào đáy hộp sọ mèo, cùng một microphone trong ống tai, pin điện được đặt trong khoang ngực. Đoạn dây lưới đóng vai trò ăng ten được kéo từ gáy đến đuôi và ẩn trong lông mèo.
du-an-diep-vien-meo-trieu-usd-cua-my-trong-chien-tranh-lanh-1
Bản thiết kế hệ thống do thám của dự án "Acoustic Kitty". Ảnh: War History Online.
Nhóm mèo thí nghiệm được giám sát để xem cách phản ứng với thiết bị, đảm bảo chúng thấy thoải mái và di chuyển bình thường để không gây chú ý. Lo ngại bị công chúng phát hiện và phản ứng tiêu cực, CIA điều chỉnh thiết bị để cuộn dây ăng ten không buộc vào cổ mèo. Thay vào đó, chúng được cấy dọc theo cột sống.
Giai đoạn cuối là huấn luyện nhóm mèo điệp viên, khiến chi phí cho toàn bộ dự án lên tới 20 triệu USD.
Năm 1966, mèo được huy động thực hiện nhiệm vụ đầu tiên ở thủ đô Washington DC. Mục tiêu là hai người đàn ông ngồi bên ngoài đại sứ quán Liên Xô. Một con mèo được thả xuống từ xe tải chứa nhiều thiết bị do thám điện tử và các nhân viên tình báo sẵn sàng tiếp nhận tín hiệu được con mèo thu lại.
Nhưng khi băng qua đường để tiếp cận mục tiêu, con mèo bị một chiếc taxi cán phải, công sức đầu tiên của CIA tan thành mây khói. Tuy nhiên, kết quả nhiệm vụ cho thấy điệp viên mèo có thể tập trung vào mục tiêu mà không bị xao nhãng.
Năm 2013, Robert Wallace, cựu giám đốc phòng kỹ thuật của CIA tiết lộ con mèo đó không chết. Nó được mang về để công nghệ nghe lén không bị rơi vào tay người khác. Các trang thiết bị do thám trên thân mèo được gỡ bỏ, sau đó nó được trả về cuộc sống đời thường.
CIA đã tốn tới 20 triệu USD mà không mang lại kết quả nào. Dự án bị hủy năm 1967, CIA chuyển sang sử dụng robot cỡ nhỏ và máy bay do thám của Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA).
Duy Sơn

10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào "vùng nhạy cảm"

Thái Bình, Theo Trí thức trẻ 00:10 13/12/2018

Các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm để chúng ta đỡ phải tò mò mà thử nghiệm.

Tài liệu lịch sử y học đã ghi lại rất nhiều nghiên cứu, thí nghiệm kỳ lạ mà gần như chắc chắn sẽ không bao giờ được áp dụng ngày nay. Lấy ví dụ, vào đầu những năm 1900, nhà khoa học pháp y người Romania, Nicolae Minovici, người muốn tìm hiểu cảm giác bị treo cổ. Vì vậy, ông đã tự treo cổ mình nhiều hơn một lần (Thí nghiệm có trợ lý để đỡ nhà khoa học xuống đất trước khi ông nghẹt thở đến chết).
Kể cả cho đến bây giờ, khoa học luôn đi kèm với những ý tưởng điên rồ. Dưới đây là top 10 thí nghiệm kỳ lạ trong lịch sử y khoa thế giới:
    1. Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được cho uống say khướt:
    10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 1.
Nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông hay sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông nguy hiểm hơn.
Nghiên cứu này được công bố năm 2006, trong cuốn tạp chí Human Factors. Các tác giả chọn 40 đối tượng có tiền sử uống rượu thường xuyên và cho họ tham gia bài kiểm tra lái xe 4 lần.
Ở lần kiểm tra đầu tiên, họ phải sử dụng điện thoại cầm tay; lần kiểm tra thứ hai, sử dụng thiết bị nghe từ xa để nghe điện thoại. Lần thứ 3, các tác giả cho họ uống rượu nhưng chỉ đến khi nồng độ cồn trong máu còn hợp pháp. Cuối cùng, họ được tham gia lần kiểm tra cuối trong trạng thái tỉnh táo, không có bất kỳ yếu tố gây phân tâm nào.
Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy sử dụng bất kể loại điện thoại nào cũng đều có khả năng gây tai nạn nhiều hơn với việc lái xe khi say rượu.
Trên thực tế, tham gia giao thông có sử dụng điện thoại gây tai nạn nhiều gấp 5 lần so với tham gia giao thông không có yếu tố gây phân tâm.
2. Bơm tinh trùng vào da:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 2.
Người ta có thể có những phản ứng kỳ lạ với quan hệ tình dục, nhưng người phụ nữ nước Anh này có thể là trường hợp kỳ lạ nhất.
Người phụ nữ này, được biết bị dị ứng với quả hạch Brazil từ trước, đã phát ban và lên cơn khó thở sau khi quan hệ tình dục với bạn trai của mình. Trước đó 3 tiếng đồng hồ, anh bạn trai này đã ăn 1 hũ hạch trộn, trong đó có 5 quả hạch Brazil.
Mặc dù anh bạn trai biết rõ cô bị dị ứng và đã tắm giặt, đánh răng sạch sẽ nhưng người phụ nữ này vẫn có hàng loạt những biểu hiện dị ứng. Và những triệu chứng này cũng không phải do nhạy cảm với nhựa mủ, vì cặp đôi này không hề sử dụng bao cao su.
Buổi xét nghiệm dị ứng đã tìm ra thủ phạm chính xác: bác sĩ tiêm vào da người phụ nữ nước Anh này tinh trùng của bạn trai cô sau khi anh ta ăn hạch Brazil 4 tiếng trước đó. Kết quả cho thấy cô có phản ứng dị ứng với các phần tử nhỏ của hạch Brazil có trong tinh trùng của bạn trai.
3. Dùng tay của tử thi để đấm và tát:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 3.
Mục đích của nghiên cứu này là “nghiên cứu sự tiến hoá của con người”.
So sánh với tay của khỉ, 1 người trưởng thành có gang tay và ngón tay ngắn hơn nhưng có ngón cái dài hơn. Một số nhà khoa học tranh cãi rằng sự khác biệt này không chỉ là lý do giúp con người có các động tác khéo léo hơn, mà còn làm tăng lực của cú đấm.
Để chứng minh giả thuyết này, các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm đáng sợ, sử dụng 8 cái tay của 8 thi thể nam trưởng thành. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Experimental Biology vào năm 2015. Mỗi cánh tay được gắn trên một tấm ván bằng gỗ và treo lơ lửng từ một con lắc. Vì vậy, nó có thể tấn công tấm đệm với lực mạnh ở trạng thái nắm đấm hoặc tát bằng gan bàn tay.
Kết quả cho thấy lực của nắm đấm gấp đôi so với lực của gan bàn tay. Và nắm đấm chặt cũng tạo lực lớn hơn 55% so với nắm đấm lỏng.
Nắm đấm chặt cũng có tác dụng bảo vệ các xương bàn tay khỏi chấn thương trong va đập.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến trái chiều nảy sinh xung quanh thí nghiệm này. Họ cho rằng nếu bàn tay tiến hoá để đánh nhau thì mặt - mục tiêu chính của một cú đấm - phải tiến hoá để có thể tự bảo vệ mình. Trong khi đó thì khuôn mặt là nơi có nhiều khớp xương dễ tổn thương nhất.
4. Tự uống máu của mình:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 4.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2018 trên cuốn tạp chí European Gastroenterology. Các đối tượng tham gia nghiên cứu phải uống chính máu của bản thân với mục đích tìm ra phương pháp chẩn đoán các bệnh viêm ruột (IBD), bao gồm Crohn và viêm loét dạ dày tá tràng.
Trong thí nghiệm kỳ lạ này, 16 tình nguyện viên khoẻ mạnh phải uống 100ml - 300ml máu của chính mình. Sau 1 tháng, họ quay lại và đổi nhóm.
Sau mỗi lần uống, các nhà nghiên cứu đo nồng độ 1 loại protein tên là calprotectin, loại protein xuất hiện trong phân khi có viêm nhiễm đường tiêu hoá. Nhưng xuất huyết tiêu hoá cũng có thể khiến nồng độ protein này tăng cao, gây khó khăn trong việc chẩn đoán của bác sĩ.
Thật vậy, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng máu trong đường tiêu hóa nên là một lý do gây tăng calprotectin nhẹ ở phân. Nồng độ calprotectin rất cao có thể cho thấy người bệnh bị bệnh viêm ruột IBD
5. Nhà nghiên cứu tự nội soi đại tràng cho bản thân:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 5.
Vào năm 2006, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá, Akira Horiuchi, đã tự thực hiện nội soi đại tràng cho bản thân nhiều lần. Sau đó, quá trình thực hiện nội soi đại tràng của ông đã được công bố trên tạp chí Gastrointestinal Endoscopy.
Horiuchi muốn chứng minh cho mọi người thấy nội soi đại tràng thực sự không đau và đáng sợ như mọi người nghĩ. Vì thế, ông sử dụng ống nội soi nhỏ để thực hiện nội soi đại tràng ở tư thế ngồi.
Thủ thuật nội soi đại tràng bình thường được thực hiện khi bệnh nhân nằm nghiêng 1 bên và sử dụng ống nội soi cỡ to và dày.
Horiuchi thực hiện thủ thuật này 4 lần trong vòng 2 tháng. Các lần ông đều sử dụng phương pháp vệ sinh và nội soi như nhau. Nhưng cảm giác khó chịu của mỗi lần lại khác nhau. Có lẽ đây là lí do mỗi người cảm thấy đau khác nhau khi thực hiện thủ thuật này.
6. Mặc đồ lót ướt trong tiết trời lạnh:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 6.
Trong một nghiên cứu nhỏ mà kết quả khá hiển nhiên, các nhà nghiên cứu ở Na Uy nhận thấy mặc đồ lót ướt trong tiết trời lạnh rất khó chịu.
Nghiên cứu này được công bố năm 1994, trong cuốn tạp chí Ergonomics. Họ cho 8 người đàn ông mặc đồ lót ngồi trong phòng có nhiệt độ 10 độ C trong 60 phút. Một số người mặc đồ lót ướt, phần còn lại mặc đồ lót khô. 4 loại vải được sử dụng trong thí nghiệm bao gồm vải cotton, len, vải polypropylene và vải trộn polypropylene và len.
Trong suốt thời gian 60 phút trong phòng thí nghiệm, nhiệt độ ngoài da, nhiệt độ trực tràng, và cân nặng của các tình nguyện viên được theo dõi cẩn thận. Cứ 10 phút một lần, những người đàn ông này tự đánh giá xem mình run rẩy, đổ mồ hôi và cảm thấy không thoải mái như thế nào.
Thật “ngạc nhiên” khi những người mặc đồ ướt cảm thấy lạnh hơn và ít thoải mái hơn. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng để giữ thoải mái trong điều kiện ẩm ướt và lạnh, độ dày của đồ lót quan trọng hơn cả chất liệu vải của nó.
7. Bác sĩ tự cho ve vào tai của mình:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 7.
Ve tai là loài sinh vật có khả năng gây nhiễm trùng nặng ở tai mèo và chó. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người bị nhiễm trùng cho ve tai? Một bác sĩ thú y đã tình nguyện cho ve vào tai mình để tìm hiểu.
Bác sĩ thú y, Robert Lopez, đến từ New York, đã mô tả thí nghiệm vào năm 1993 trên Tạp chí Hiệp hội Y học Thú y Hoa Kỳ. Lopez nhét ve tai từ một con mèo bị nhiễm trùng vào tai trái của mình. Anh ngay lập tức nghe thấy tiếng  cào và di chuyển khi bọ ve khám phá ống tai của anh. Sau đó, anh ngứa dữ dội, và những âm thanh cào lớn hơn khi những con ve tiến về phía màng nhĩ của anh.
Lopez cho biết, phải mất một tháng để hội chứng nhiễm trùng biến mất. Nhưng điều đó không ngăn cản anh lặp lại thí nghiệm thêm hai lần nữa. Nhưng với mỗi lần nhiễm trùng tiếp theo, các triệu chứng của anh trở nên ít nghiêm trọng và giải quyết nhanh hơn, cho thấy anh đã phát triển khả năng miễn dịch đối với những sinh vật đáng sợ này.
8. Ngồi trong phòng đầy khói thuốc lá:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 8.
Nếu bạn đã từng ở cùng phòng những người hút thuốc lá, bạn có thể nhận thấy mùi khói ám vào quần áo của bạn. Và năm ngoái, các nhà khoa học đã đặt ra đề tài về hiện tượng này trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Indoor Air.
Để tìm hiểu xem nicotine có thể hấp thụ bao nhiêu phần vào quần áo và da sau khi tiếp xúc với thuốc lá, 6 nhà nghiên cứu nam, tất cả đều là những người không hút thuốc, ngồi trong một căn phòng đầy khói thuốc lá (phả ra từ cỗ máy hút thuốc) trong 5 giờ đồng hồ. Nồng độ nicotine trong phòng tương đương nồng độ nicotine trong các quán rượu cho phép hút thuốc ở Anh.
Bốn nhà nghiên cứu chỉ mặc quần đùi, trong khi hai người kia mặc quần áo sạch. Hai tuần sau đó, 2 người mặc quần áo sạch mặc bộ họ mặc trước đó, trong khi 4 người trần ngực tắm ngay sau thí nghiệm.
Mặc dù các nhà khoa học đã nghĩ rằng da tạo một rào cản tốt chống lại nicotine, nhưng nghiên cứu này cho thấy da của người không hút thuốc có thể hấp thụ nicotine từ khói thuốc lá ở mức tương tự nồng độ nicotine khi hít qua phổi. Chất này mất vài ngày để giải phóng khỏi cơ thể.
Tắm ngay sau khi tiếp xúc với khói thuốc hay thay quần áo ngay có thể làm giảm nồng độ nicontine hấp thụ vào da.
9. Các tình nguyện viên phải hôn nhau trong 2 phút:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 9.
Nghiên cứu này được công bố năm 2013, trên tạp chí Forensic Science International: Genetics.
Các nhà nghiên cứu ở Slovakia đã phát hiện ra rằng DNA nam giới có thể phát hiện được trong nước bọt của người phụ nữ 10 phút sau một lần hôn dữ dội; và có thể tìm thấy vật liệu di truyền trong ít nhất 60 phút sau khi hôn.
Trong thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 12 cặp đôi hôn nhau nồng nhiệt trong ít nhất 2 phút. Các nhà khoa học đã kiểm tra nước bọt của người phụ nữ để lấy bằng chứng về DNA nam ngay lập tức và 5, 10, 30 phút sau khi các cặp dừng lại.
Các tác giả cho biết kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng trong việc điều tra tội phạm. Việc thu thập nhanh chóng nước bọt của một người phụ nữ có thể là bằng chứng có giá trị để xác định các nghi phạm trong các trường hợp tấn công tình dục và hãm hiếp.
10. Để ong đốt rất nhiều:
10 thí nghiệm khoa học kỳ lạ nhất lịch sử, từ uống rượu say xong lái xe cho tới để ong đốt vào vùng nhạy cảm - Ảnh 10.
Bị ong đốt thực sự rất đau, nhưng nhà côn trùng học Micheal Smith đã để ong đốt nhiều chỗ khác nhau để thực hiện thí nghiệm của mình.
Để tìm ra vị trí bị đốt sẽ đau nhất, Smith cho loài ong châu Âu đốt từ đầu xuống chân trong 38 ngày. Có 25 bộ phận cơ thể khác bị đốt như má, nách, ngón tay, sườn, bụng, và cẳng chân.
Dựa vào đánh giá mức độ đau của chính ông, Smith nhận thấy có 3 điểm đốt đau nhất. Trong đó lỗ mũi là vị trí đau nhất, sau đó đến nách, cuối cùng là dương vật. Vị trí ít đau nhất là ở đầu, ngón chân và phần cánh tay.
Ông Smith cho biết, thí nghiệm này chỉ thử nghiệm trên duy nhất 1 người đàn ông vì vậy không thể đánh giá mức độ đau ở giới nữ.
Nguồn: howstuffworks.com

Bí ẩn những bộ lạc sống biệt lập: Thổ dân giết người lạ, dùng cung tên đối đầu trực thăng

Tất Đạt |

Bí ẩn những bộ lạc sống biệt lập: Thổ dân giết người lạ, dùng cung tên đối đầu trực thăng
Các thổ dân Sentinel cầm cung trên bãi biển. Ảnh: Dailymail

Sau cái chết đáng tiếc của nhà truyền giáo Mỹ, những thổ dân sống biệt lập trên một hòn đảo ở Vịnh Bengal đột nhiên trở thành tâm điểm của dư luận thế giới.

Công dân Mỹ John Allen Chau được cho là đã bị trọng thương và thiệt mạng bởi những người Sentinel - một bộ lạc biệt lập với thế giới và nổi tiếng vì "truyền thống" giết chết bất kì người lạ mặt nào xuất hiện trên lãnh thổ của họ.
Bộ lạc Sentinel là một trong số những đại diện hiếm hoi còn sót lại của cộng đồng người hoàn toàn không giao tiếp và chịu ảnh hưởng của thế giới hiện đại.
Nhưng họ không phải là những người duy nhất. Theo ông Jonathan Mazower từ tổ chức giúp bảo tồn bộ lạc biệt lập Survival International, có khoảng hơn 100 bộ lạc như vậy trên thế giới.
Đa số các bộ lạc như vậy có thể được tìm thấy ở những cánh rừng Amazon, trong khi một số nhóm được ít biết hơn sinh sống tại New Guinea, trong rừng và những đảo ít người tiếp cận trên khắp thế giới. Những bộ lạc như vậy thường tránh xa thế giới hiện đại bằng mọi cách - và thông thường khi hai bên tiếp xúc, va chạm và bạo lực là chuyện không thể tránh khỏi.
Bí ẩn những bộ lạc sống biệt lập: Thổ dân giết người lạ, dùng cung tên đối đầu trực thăng - Ảnh 1.
Những thổ dân trên bờ biển đảo North Sentinel. Ảnh: Dailymail
"Đôi lúc họ nhớ về những vụ thảm sát, những vụ tấn công bạo lực, hoặc bệnh dịch và thảm họa - vậy nên thông thường các bộ lạc có lí do để không giao tiếp với thế giới bên ngoài," ông Mazower trả lời CNN.
Khi người của bộ lạc gặp người từ bên ngoài, đa phần trường hợp họ sẽ tấn công bằng vũ khí thô sơ và đôi lúc còn khiến nạn nhân gặp các bệnh phổ thông như cúm - căn bệnh không ảnh hưởng tới thổ dân nhờ vào hệ miễn dịch của họ. "Họ rất sợ người hiện đại - vì những lí do khá hợp lí," ông Mazower nói.
Bộ lạc Sentinel
Công dân Mỹ Chau không phải là người đầu tiên trở thành nạn nhân của Sentinel sau khi "đột nhập" lên hòn đảo của họ. Năm 2006, các thành viên bộ lạc này đã giết chết 2 người đánh bắt cá trộm ở vùng biển xung quanh đảo sau khi thuyền của 2 người này đổ bộ.
Năm 2004, sau khi xảy ra vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương, một nhóm thổ dân đã dùng cung tên tấn công chiếc trực thăng được gửi tới để kiểm tra xem họ có gặp vấn đề gì không.
Bí ẩn những bộ lạc sống biệt lập: Thổ dân giết người lạ, dùng cung tên đối đầu trực thăng - Ảnh 2.
Thổ dân Sentinel giương cung bắn trực thăng. Ảnh: Survival International
Một số đoàn thám hiểm đã thường xuyên tới thăm đảo vào những năm 1980-1990 và tặng quà cho thổ dân, nhưng những hoạt động này đã giảm nhiều trong thời gian gần đây. Theo số liệu của Ấn Độ năm 2011, hiện chỉ còn khoảng 11 người Sentinel còn ở trên đảo.
Chính phủ Ấn Độ vẫn đang thực hiện chính sách "theo dõi nhưng không can thiệp" để đảm bảo những kẻ săn trộm không xâm nhập vùng đảo của người Sentinel.
Bộ lạc Kawahiva
Thường xuyên di chuyển xuyên qua vùng Mato Grosso (Brazil), hàng chục năm qua, bộ lạc Kawahiva chỉ để lại dấu vết về sự có mặt của họ bằng những công cụ và đồ đạc để lại.
Nhưng năm 2013, một đoàn cán bộ chính phủ Brazil đã vô tình gặp những thổ dân này, lần đầu tiên ghi hình họ bằng máy quay. Trong clip, các thành viên của bộ lạc đi bộ qua cánh rừng, không mặc gì và tay cầm mũi tên. Khi phát hiện có người lạ, họ nhanh chóng "biến mất".
Nhưng đây không phải là cuộc tiếp xúc duy nhất giữa người Kawahiva với người hiện đại. "Hiện giờ chỉ có khoảng dưới 30 người Kawahiva còn sống, những người khác đã bị tàn sát bởi lâm tặc," ông Mazower ước tính.
Tương lai của bộ lạc này cũng bấp bênh, khi khu vực xung quanh lãnh thổ của họ liên tục bị thu hẹp vì hoạt động khai hoang của nông dân Brazil. "Tình cảnh của bộ lạc Kawahiva là đáng báo động nhất, bởi họ sống ở nơi đặc biệt khó khăn của Brazil".
Bộ lạc thung lũng sông Javery
Hồi tháng 8, lần đầu tiên, một bộ lạc biệt lập ở Amazon đã được ghi hình lại. Một drone (thiết bị bay gắn camera) đã phát hiện những thổ dân ở thung lũng sông Javery, mặc dù những người này không biết họ đang bị theo dõi. Một trong số các thổ dân cầm một vật thể giống cây giáo hoặc cây gậy, trong khi 4 hoặc 5 người khác đứng gần một nhà lớp mái tranh.
Drone phát hiện các thổ dân biệt lập ở Brazil
Khu vực dọc theo biên giới Brazil - Peru là nhà của khá nhiều bộ lạc biệt lập. "Không hẳn là các bộ lạc hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài - họ vẫn kết nối với các bộ lạc khác, thậm chí kết bạn và kết hôn liên bộ lạc," Evan Killick - giảng viên nhân chủng học tại Đại học Sussex chuyên nghiên cứu về các bộ lạc địa phương - tiết lộ.
"Lí do họ sống cách biệt là vì lịch sử giao tranh bạo lực và bị lạm dụng," ông Killick nói.
Bộ lạc Xinane
Không giống những bộ lạc biệt lập khác, những thổ dân này đã tự tìm cách liên hệ với thế giới bên ngoài. Một đoạn video từ Quỹ Quốc gia Brazil cho thấy các thổ dân sống tại Peru tự rời khỏi lãnh thổ của mình để xin chuối từ dân làng gần đó.
"Một trong những người đó hỏi quan chức Brazil: 'rani mi mulher?' (những người phụ nữ đâu?)," Giancarlo Rolando, một nhà nhân chủng học tại Đại học Virginia dịch lại. "Trong những video đó, có thể thấy một nam thổ dân trẻ cầm khẩu súng thu được từ những người bên ngoài".
"Tại vùng Amazon, các thổ dân sử dụng cung tên để săn bắn. Họ cũng làm nông, chủ yếu là ngô, ngoài ra họ còn trồng cây yucca và chuối. Các thổ dân cũng khai thác và thu hoạch lâm sản như nấm, hoa quả, cây thuốc và lá cọ để lợp mái. Theo truyền thống, họ sống trên nhà gỗ dáng dài, xây trên đồi."
Kể từ cuộc gặp gỡ nói trên, người Xinane đã được các cán bộ Brazil chuyển tới định cư ở một khu gần đó.
Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa bộ lạc biệt lập với người Brazil
Bộ lạc Waorani
Năm 1987, một giáo sĩ Công giáo và một nữ tu với ý định giảng đạo đã gặp tai nạn còn kinh hoàng hơn công dân Chau. Những người tấn công họ là thổ dân Waorani, một nhóm người Mỹ bản địa ở Ecuador.
Giáo sĩ Alejandro Lavaca và xơ Ines Arango đã bị các thổ dân giết hại dã man bằng 21 cây giáo. Theo tờ Washington Post, thổ dân Waorani còn nhét lá vào các vết thương để ngăn máu lưu thông.
Hầu hết các bộ lạc sau này đều phải chuyển nơi sinh sống vì hoạt động tham dò dầu mỏ trên đảo. Bộ lạc Waorani thường xuyên giao tranh với bộ lạc Taromenane - một nhánh nhỏ của Waorani - và nhiều vụ án mạng đẫm máu đã xảy ra.
Bộ lạc Ayoreo
Rất nhiều thổ dân Ayoreo đã hòa nhập vào thế giới hiện đại, nhưng vẫn còn những thành viên còn sống trên các hòn đảo biệt lập ở Nam Mỹ.
Bệnh dịch là mối đe dọa lớn đối với các nhóm thổ dân biệt lập trên khắp thế giới.
"Chúng tôi muốn nói tới bệnh cúm và bệnh sởi bởi những thổ dân không hề có miễn dịch hoặc kháng thể, vậy nên những bệnh này gây ra tỉ lệ chết cao," một chuyên gia nói. Hàng chục người Ayorea đã chết vì bệnh hô hấp trong những năm 1980.
Những tổ chức như Survival International đã cố gắng đưa thông tin về các bộ lạc này cho thế giới bên ngoài, để hạn chế những hoạt động lấn chiếm đất do nông nghiệp, khai thác rừng và bạo lực.
Mặc dù bộ lạc Sentinel được bảo vệ bởi pháp luật Ấn Độ - cấm người ngoài đặt chân lên đảo - những bộ lạc khác không được may mắn như vậy. Lãnh thổ của họ thường xuyên bị quấy rầy bởi những người lạ mặt.
"Thách thức quan trọng nhất ở đây là bảo vệ lãnh thổ của họ. Đây là điều đặc biệt thiết yếu. Nếu họ giữ được lãnh thổ, thì họ sẽ tiếp tục sinh tồn và phát triển được," ông Mazower nói.

 

Chiến dịch Mỹ bí mật hỗ trợ Liên Xô tiến đánh Nhật năm 1945

Mỹ bí mật chuyển giao 180 tàu chiến và huấn luyện 15.000 thủy thủ cho Liên Xô để nước này chiếm quần đảo Kuril của phát xít Nhật.



Tàu hộ vệ USS Albuquerque trước khi được chuyển cho Liên Xô năm 1945. Ảnh: US Navy.
Tàu hộ vệ USS Albuquerque trước khi được chuyển cho Liên Xô năm 1945. Ảnh: US Navy.
Đầu năm 1945, khi phát xít Đức sắp bại trận, quân Đồng minh chuyển hướng sang mặt trận Thái Bình Dương để đánh bại đế quốc Nhật Bản. Nhằm thuyết phục Liên Xô hỗ trợ, Mỹ đã bí mật chuyển giao 180 tàu chiến để giúp nước này tấn công vùng lãnh thổ Viễn Đông của Nhật Bản, theo War History.
Sau cuộc giao tranh đẫm máu ở khu vực Khalkhin-Gol, Mông Cổ vào năm 1939, Liên Xô và Nhật Bản từ năm 1941 quyết định tránh đối đầu nhau để tập trung vào các mặt trận khác nhau. Liên Xô chống cuộc xâm lược của phát xít Đức ở châu Âu, trong khi Nhật Bản tập trung đối phó quân Đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương.
Cuối năm 1944, Nhật Bản vẫn còn khoảng nửa triệu quân ở Trung Quốc để đảm bảo các tuyến đường tiếp tế thiết yếu. Tổn thất nặng nề sau cuộc tấn công đảo Okinawa khiến phe Đồng minh hiểu rằng họ cần sự giúp đỡ của Liên Xô. Tại hội nghị Yalta diễn ra từ ngày 4/2 đến 11/2/1945, các nước phương Tây đã thuyết phục được Moskva tham chiến.
Liên Xô từng tiến hành một số chiến dịch hải quân quy mô nhỏ ở bán đảo Crimea, nhưng không có kinh nghiệm tiến hành các chiến dịch chiếm đảo kiểu nhảy cóc như Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như thiếu cả nhân lực và vật lực để tiến hành các chiến dịch đổ bộ hải quân.
Chuẩn đô đốc Clarence E. Olsen, phó chỉ huy phái đoàn quân sự Mỹ tại Moskva, đề xuất huấn luyện thủy thủ Liên Xô cùng lúc với việc bàn giao từng loại tàu chiến.
Giữa tháng 2/1945, Mỹ chính thức khởi động chương trình huấn luyện và chuyển giao tàu chiến cho Liên Xô với tên gọi "Dự án Hula". Toàn bộ kế hoạch được tiến hành bí mật để tránh khiêu khích Nhật Bản và khiến nước này chủ động tấn công Liên Xô.
Thủy thủ Liên Xô (trái) và thủy thủ Mỹ trong một buổi huấn luyện. Ảnh: US Navy.
Thủy thủ Liên Xô (trái) và thủy thủ Mỹ trong một buổi huấn luyện. Ảnh: US Navy.
Tổng cộng 15.000 thủy thủ Liên Xô đã được Mỹ huấn luyện và 180 tàu chiến được bàn giao cho Liên Xô trong giai đoạn giữa năm 1945. Uy lực nhất trong số tàu chiến này là 30 khinh hạm lớp Tacoma, mỗi chiếc có lượng giãn nước 1.415 tấn, trang bị ba pháo 76 mm, nhiều pháo phòng không và ống phóng bom chìm. Ngoài ra, Washington cũng chuyển cho Moskva các tàu quét mìn lớp Admirable, tàu săn ngầm, tàu phóng lôi vỏ gỗ và tàu đổ bộ có thể chở 200 binh sĩ.
Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Ba ngày sau, Liên Xô dùng các tàu mới được Mỹ cung cấp để tấn công Bắc Sakhalin và quần đảo Kuril đang nằm dưới sự kiểm soát của quân Nhật.
Ngày 4/9/1945, cuộc chiến kết thúc với phần thắng thuộc về Hồng quân Liên Xô. Nước này sau đó bắt đầu trao trả số tàu chiến trên cho Mỹ, nhưng Chiến tranh Lạnh khiến quá trình liên tục bị chậm trễ. Khi hầu hết chiến hạm tới tay Mỹ, chúng xuống cấp đến mức hải quân Mỹ phải đánh chìm hoặc tháo dỡ sắt vụn.
Duy Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét