Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

KIẾP GIANG HỒ 162/a (Bạch Hải Đường)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
VÉN MÀN BÍ ẨN | TƯỚNG CƯỚP BẠCH HẢI ĐƯỜNG | SINH RA KHÔNG ĐỂ NGỒI TÙ | TẬP 1
  
VÉN MÀN BÍ ẨN | TƯỚNG CƯỚP BẠCH HẢI ĐƯỜNG | SINH RA KHÔNG ĐỂ NGỒI TÙ | TẬP 2

Hé lộ những bí ẩn về tướng cướp Bạch Hải Đường (kỳ 1)

08:30 07/02/2018

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ký đặc biệt về cuộc đời của tướng cướp Bạch Hải Đường vào lúc 7h sáng hàng ngày.



he-lo-nhung-bi-an-ve-tuong-cuop-bach-hai-duong-ky-1
Diễn viên Thương Tín trong vai tướng cướp Bạch Hải Đường

Bạch Hải Đường (tên cúng cơm là Nguyễn Ngọc Truyện) nổi tiếng là một tên cướp có biệt tài xuất quỷ nhập thần, đã thực hiện hàng ngàn vụ trộm cướp; nhiều lần bị cảnh sát chế độ cũ bắt và cả cảnh sát của Công an tỉnh An Giang bắt sau năm 1975, nhưng hắn vẫn trốn thoát… hắn còn là tên cướp đa tình, lãng mạn. Chính vì thế, mà hắn trở thành nhân vật cho không ít cuốn tiểu thuyết, phim truyện. Và tất nhiên, xung quanh hắn cũng có nhiều giai thoại.
Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chính hắn đã làm cho tình hình trật tự an toàn xã hội của tỉnh An Giang trở nên nóng bỏng bởi hàng loạt vụ cướp táo tợn do hắn và đồng bọn gây ra. Phòng Cảnh sát Hình sự của Công an tỉnh An Giang do Thiếu tá Nguyễn Thanh Sang hay thường được gọi là anh Năm Sang đã lập kế hoạch tiêu diệt Bạch Hải Đường. Và nhiệm vụ nặng nề đó được giao cho Thượng úy Phạm Thanh Sơn, Đội trưởng Đội trọng án, một người được coi là có biệt tài về đánh án hình sự. (Sau này, Phạm Thanh Sơn được đề bạt lên làm Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang. Nhưng anh đã mất và cái chết của anh là một câu chuyện buồn. Đồng chí Nguyễn Thanh Sang cũng đã mất vì tuổi cao).
Trong lần đi công tác tại tỉnh An Giang vào cuối năm 1983, phóng viên đã được nghe đồng chí Năm Sang và Phạm Thanh Sơn kể lại và cung cấp toàn bộ tài liệu về cuộc đời của Bạch Hải Đường cũng như cuộc lùng bắt hắn. Lúc này, Bạch Hải Đường vừa chết (7/1983).
Thời Mới xin đăng lại cuộc lùng bắt tướng cướp Bạch Hải Đường để bạn đọc thấy rõ hơn bản chất thực của một tên tướng cướp được liệt vào hàng lắm “huyền thoại” nhất, cũng như tinh thần dũng cảm, mưu trí của những chiến sĩ công an trong những năm đầu sau giải phóng.
Xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh và phóng viên Trần Trung Sơn của báo CA TP HCM, đồng chí Vũ Hữu, Chánh văn phòng Công an tỉnh An Giang đã giúp tác giả thêm những tài liệu về Bạch Hải Đường.
Bạch Hải Đường lúc ở trong trại tạm giam
Kỳ I
…Vào một buổi trưa ngày đầu năm 1962, trời đổ mưa tầm tã. Đó là cơn mưa mà xưa nay chưa bao giờ có vì miền Tây đang giữa mùa khô. Không khí mát lạnh, ẩm ướt làm cho đất trời như nở ra, dịu dàng hẳn. Thằng Truyện đi học trường tư về. Mặc cho sách vở ướt tùm lum, nó vẫn nhảy cẫng lên, ngẩng mặt đón từng giọt nước mưa to như hạt bắp ném vào mặt mát lạnh. Quần áo nó ướt lướt thướt nhưng không sao, miễn là được tắm mưa. Nó lăn xả vào đám trẻ con, bốc bùn ném vào nhau.
Tiếng hò hét, tiếng cười của chúng át tiếng mưa rơi, tiếng gió gào. Nhìn thấy trước mặt có đám đông người đứng lố nhố, thằng Truyện vội vàng chạy tới. Đến gần, nó nhận ra đó là những cảnh sát và một số người thị trấn Phú Tân. Thấy thằng Truyện, một ông già bận quần cộc, cởi trần, khắp người xăm đủ các thứ hình thù rồng rắn, kêu lên:
- Trời, thằng Truyện về đây rồi!
Cả đám người dạt ra. Một bàn tay đẩy thằng Truyện vào giữa. Nó bỗng đứng sững lại. Trên nền đường đất mẹ nó đang ôm xác cha nó gào khóc thảm thiết. Khắp người cha nó lỗ chỗ vết đạn. Khủng khiếp nhất là vết đạn côn 9 ly bắn thẳng giữa trán, xuyên qua sau phá bung mảnh ót, máu, óc lẫn nước mưa nhầy nhụa.
- Nè con! – Một viên trung sĩ cảnh sát tóm tai nó nói:
- Cha mày ăn cướp, tụi tao bắn bỏ. Mày trông đấy mà làm gương nghe con!
Thằng Truyện trợn mắt nhìn viên cảnh sát có bộ mặt xương xương, nước da trắng mai mái, hai con mắt thụt sâu vào trong hai hốc má. Bọn cảnh sát phá lên cười. Một tên nhảy lên chiếc xe Zeép có gắn loa gào lên:
- Bà con Phú Tân nghe đây! Thằng Nguyễn Ngọc Của là tướng cướp đã bị bắn chết. Nội nhật ngày hôm nay, không ai được đem chôn xác nó. Ai phát hiện được đồng đảng của nó, nếu tố giác với cảnh sát sẽ được trọng thưởng, ai che giấu thì sẽ bị trừng phạt theo pháp luật hiện hành.
Ngẩng đầu lên, trông thấy con trai, má nó gào lên và vươn tay níu áo nó. Nhưng thằng Truyện gạt ra. Bọn cảnh sát hô hố cười:
- Đó, cha nó làm cướp, nó cũng coi ra gì đâu.
- Thằng nè coi bộ tướng mạo cũng khá đây. Chắc theo nghiệp cha nó quá.
Thằng Truyện nhìn bọn cảnh sát bằng cặp mắt nảy lửa. Nỗi tức giận làm người nó rung lên, hai bàn tay nó vặn chéo nhau… một luồng hơi nóng bốc lên làm nó muốn nghẹt thở. Nó lừ lừ nhìn lại một lượt những bộ mặt đang hả hê, khoái chí rồi lẳng lặng gạt đám đông đi ra, bỏ lại ngoài tai tiếng má nó gào khản đặc.
Tối hôm đó, ông Sáu Giảng, chú ruột của thằng Truyện đang ngồi nhậu với đám đệ tử học võ thì thằng Truyện nhào vô nhà. Nó gục vào lòng chú khóc tức tưởi.
- Chú ơi! Con tức chết mất.
- Ủa, sao vậy, chuyện gì nói chú nghe coi.
-Tụi cảnh sát bắn chết ba con rồi!
- Trời! Chuyện sao? – Người chú thốt lên, ôm chặt đứa cháu.
Vừa khóc, thằng Truyện vừa kể việc ba nó bị bọn cảnh sát bắn. Nó nhắc lại rành rọt từng lời của cảnh sát.
- Chú ơi, chú dạy võ cho con, để con trả thù cho ba.
Ông chú ngồi lặng đi một lúc lâu rồi chậm chạp đứng dậy thắp mấy nén nhang trên ban thờ ông tổ nghề võ. Ông lôi thằng Truyện đến, bắt nó vái năm vái. Ba ngày sau, mẹ thằng Truyện, bà Đặng Thị Huệ, một người đàn bà to béo đến Thất Sơn gặp em chồng:
- Thế là tôi hết đất sống rồi chú Sáu à.
- Vậy chị tính sao?
- Chú thay cha thằng Truyện chăm nom giùm nó. Tôi cũng chưa biết sẽ đi đâu, nhưng sống ở Phú Tân hết nổi. Hễ cứ nhắm mắt lại là thấy ba nó nằm rộng cẳng giữa lộ, khắp người bị đạn bắn nát bươm. Tụi nó phơi xác ảnh đúng một ngày rồi mới cho đem đi chôn.
Người em chồng khẽ rùng mình. “Chết cha thì còn chú” ông lẩm bẩm.
- Tùy chị thôi, còn thằng nhỏ chị khỏi lo. Tui sẽ thay ảnh.
Đêm hôm ấy, thằng Truyện nằm gọn lỏn trong lòng má. Cả đêm má nó không ngủ, nước mắt má thấm ướt tóc nó. Khi thằng Truyện tỉnh giấc thì má nó đã đi đâu mất. Nó loạng quạng đi ra vườn. Chợt có một thằng chỉ nhỉnh hơn nó một chút ít ở đâu lừ lừ đến. Chẳng nói chẳng rằng, nó đấm luôn hai cú làm thằng Truyện ngã bổ chửng. Nó ngơ ngác chưa hiểu vì sao lại bị đòn thì thằng kia lại xông tới. Vẫn đang nằm ngửa, Truyện co chân lên đạp đúng bụng thằng đó. Rồi hai thằng quần thảo nhau, một bên biết võ, một bên không. Truyện cứ lăn xả vào để đón nhận những cú đạp, đấm, chặt. Thật kỳ lạ, đòn đau chỉ làm nó hăng máu, càng đánh nó càng dạn đòn và lì lợm. Nó giả vờ đuối sức để thằng kia mất cảnh giác. Nó đứng lảo đảo, đầu rũ xuống, máu mồm trào ra ướt cả tay áo. Thằng kia đến túm tóc nó:
- Thế nào, tao tưởng mày gan lắm?
Chỉ chờ có thế, một miếng võ hình thành trong đầu Truyện ngay tức khắc: Nó dẫm bàn chân phải lên bàn chân trái của đối thủ, tay phải đánh ngược từ bụng dưới trượt lên mỏ ác rồi thẳng tới cằm. Cú đấm hiểm khiến thằng kia chỉ há miệng ngáp không khí rồi từ từ đổ gục xuống chân nó.
Vừa lúc đó, có tiếng cười ha hả:
- Khá lắm, khá lắm. Thật là “hổ phụ sinh hổ tử”.
Từ trong nhà, chú nó bước ra, ông nhấc bổng thằng cháu ruột lên, dụi cả bộ râu quai nón vào bụng nó.
***
Ở Cần Thơ, có một tiệm giải khát khá nổi tiếng – đó là tiệm “Hương Xuân”, nằm cách bến phà Cần Thơ không xa. Chủ tiệm là một tay anh chị có tiếng từ thời Pháp – hắn tên là Sổ – người ta vẫn thường gọi là Sổ “chuột” bởi lão ra có hàm răng nhọn như răng chuột. Lão Sổ năm đó đã hơn sáu mươi tuổi, tuy thế, đám du đãng ở Cần Thơ không đứa nào dám dàn mặt hay gây sự với lão. Lão không giỏi võ nhưng bắn súng ngắn rất giỏi và phi dao bách phát bách trúng. Vợ lão cũng là một ả giang hồ ở tít ngoài Đà Nẵng, mụ có thân hình gầy gò, nom như con gà mái mới ấp xong, lúc nào cũng xơ xác, còm cõi. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài che đậy một bản lĩnh vững vàng, một sự tàn bạo trong con người.
Cảnh sát Cần Thơ gọi mụ là “Võ Tắc Thiên”, không tên nào dám xấc xược khi đến quán của mụ hoặc quỵt nợ bởi vì mụ sẵn sàng đến tận chi khu cảnh sát, tụt quần ra và réo tam tứ đại nhà tên Chi khu trưởng, thậm chí cả Nguyễn Văn Thiệu ra chửi. Chính vì thế nên mặc dù biết nhà mụ là nơi chứa đồ ăn cắp, là nơi trú ngụ của bọn đầu trộm đuôi cướp nhưng cảnh sát vẫn làm ngơ. Vả lại, mụ cũng là người “biết điều” đối với số cảnh sát hay qua lại.
Một buổi sáng, Sổ “chuột” vừa dọn quán thì một thanh niên có vóc người nhỏ bé bước vào – đó là Truyện – Năm Truyện. Hắn ngồi phịch xuống chiếc ghế bố, vẻ mệt mỏi. Sổ “chuột” nhũn nhặn:
- Tôi mới dọn hàng, chưa có đồ bán, cậu làm ơn sang tiệm khác nếu vội…
- Khỏi, ông cứ làm cho đàng hoàng. Tôi xin ly cà phê sữa. Nghe giọng hắn nói, Sổ ngạc nhiên vì chưa có thằng nhãi nào dám nói với lão bằng cái ngữ điệu ngang ngạnh như vậy. Vừa cặm cụi dọn đồ, Sổ vừa chú ý nhìn “thằng nhãi” và tò mò đoán xem nó thuộc loại người nào. Hàng vừa dọn xong thì đám đệ tử của Sổ kéo đến. Chúng có năm thằng cũng xin “anh cả” cho uống cà phê sữa. Sáu ly cà phê sữa được Sổ đem ra. Chẳng hiểu vì ghét bỏ “thằng nhãi” hay vì pha tồi, nên vừa bưng ly cà phê sữa lên nhấp được một ngụm, Truyện nhăn mặt nhổ toẹt ra sân và tiện tay hắt luôn cả ly vào gốc cây vú sữa trước cửa. Móc tiền đặt lên bàn. Truyện lên giọng:
- Ông làm giàu chưa đủ hay sao mà còn pha hạt điệp rang thay cà phê, uống đắng thấy mồ. Lần này tôi trả tiền, lần sau còn gặp, đừng hòng nghe!
Nói rồi, Truyện lững thững đi ra. Máu nóng bốc lên tận cổ, Sổ “chuột” gầm lên:
- Thằng chó đẻ, mày không biết cha mày là ai sao?
Truyện lừ lừ quay lại:
- Tôi không biết ông là thằng nào, nhưng biết ông là thằng lừa bịp.
Sổ “chuột” gào lên, hắn rút con dao Mỹ nhảy qua bàn xông ra. Mạnh “Tắc Giăng”, một gã cao lớn, có mái tóc hung và cặp mắt tròn như mắt diều hâu kéo Sổ lại:
- Đại ca để đàn em, thằng này tới số rồi. Bữa nay thì hết đường về quê nghe con!
Mạnh “Tắc Giăng” lao vào Truyện. Cả bọn đứng ngoài đều nghĩ thằng nhãi con kia sẽ đo đất ngay từ cú đấm đầu tiên, nhưng không, hàng loạt đòn tay, đòn chân của Mạnh “Tắc Giăng” tung ra đều đánh vào khoảng không. Truyện nhảy đỡ đòn rất lẹ. Rồi chỉ bằng một cú đánh quyết định, hai chân tung lên đá song phi, chân phải nhằm vào mỏ ác, chân trái nhằm vào hạ bộ, trong khi người còn lơ lửng trên cao thì cả hai bàn tay chặt vào xương quai xanh đối phương, Truyện đã bắt Mạnh “Tắc Giăng” nằm bất tỉnh, máu trào ra miệng, hai xương quai sanh bị chém gãy. Hạ thủ xong Mạnh “Tắc Giăng”. Truyện bình thản quay lại, vẫy tay:
- Cả bốn thằng trẻ và thằng già kia ra đây!
Lập tức cả bốn thằng rút dao, nhảy ra vây tròn Truyện lại, còn trong nhà, Sổ “chuột” thổi phù phù vào nòng khẩu côn. Mặc dù phải đối phó với cả bốn tên nhưng Truyện vẫn nhớ tới Sổ và khẩu côn Rulô trong tay hắn- Phải xử lý thằng già trước – Truyện nghĩ vậy. Sau hàng loạt động tác gạt đỡ, Truyện nhảy ra khỏi vòng vây, dựa lưng vào tường.
Giờ chỉ còn lo đối phó từ phía trước mặt. Một con dao vừa đâm bổ xuống, Truyện đỡ và cướp lại được dao. Nhanh như tia chớp, con dao vừa cướp được lao thẳng vào ngực Sổ. Phản xạ của những năm đi cướp đã hại tên Sổ. Hắn cúi xuống tránh thì vừa vặn mũi dao cắm vào giữa mũi. Và cũng trong khoảnh khắc, ba tên còn lại lãnh đủ mỗi đứa một cú đá vào bụng, mụ vợ Sổ “chuột” nhào đến ôm chồng, gào lên: “Ối cướp… cướp”. Nhưng hàng xóm chẳng ai dám tới cứu vì họ nghĩ: Vợ chồng mụ chẳng cướp của ai thì thôi chứ ai mà dám cướp nhà mụ.
Không chút chậm trễ, Truyện giật hai chiếc đồng hồ và ra cướp xe Honda của đám đệ tử dựng ngoài cửa chạy mất. Chỉ nửa ngày, cái tin Sổ “chuột” bị phi dao găm giữa mặt, năm đệ tử bị đo ván, mất hai đồng hồ, một xe Honda đã lan đi khắp thị xã.
Một vở cải lương về Bạch Hải Đường được diễn trước năm 1975
Sổ “chuột” không chết nhưng phải nằm viện mất nửa tháng và mũi dao để lại vết sẹo tròn giữa khoảng cách hai con mắt. Suốt thời gian nằm viện, Sổ “chuột” đã ra lệnh cho đám đệ tử tìm bằng được “thằng nhãi” và giết chết nó. Cũng từ ngày đó, không mấy khi ở Cần Thơ không xảy ra những vụ cướp lớn. Đám đệ tử của Sổ “chuột” đôi ba lần gặp “thằng nhãi” nhưng chưa lần nào dám bén mảng đến gần hắn. Sổ “chuột” ra viện buổi sáng thì buổi chiều “thằng nhãi” đó đến. vẫn đi chiếc xe Honda hắn cướp bữa trước, Truyện dựng xe rồi đàng hoàng bước vô nhà. Trong khi Sổ còn sờ ngăn kéo tìm khẩu côn Rulô thì Truyện đã chĩa súng vào mặt:
- Tôi khuyên ông chớ có vội vàng. Tôi đến để gửi lại ông chiếc xe Honda tôi mượn bữa trước và hai chiếc đồng hồ – tôi tên là Truyện – Nguyễn Ngọc Truyện.
Sổ “chuột” tròn mắt, nhìn khẩu Vonte báng ngà đang chĩa thẳng vào mình, hắn vội để tay lên bàn. Truyện cười móc trong túi lấy ra một nắm dây chuyền thả vào tay Sổ.
- Gởi ông chút ít để ông chữa vết thương. Thật tình bữa đó tôi không muốn vậy. Nhưng đám đệ tử của ông đã dốt mà còn ngu nên phải cho chúng biết tay và đừng xấc láo nữa. Cái thằng bị gãy xương vai đâu rồi?
- Nó chết rồi. Chú đá nó dập gan, dập hòn cà, gãy xương quai sanh, cứu không kịp.
- Tội nghiệp, thằng cha đẹp trai tàn bạo!
(Phần tiếp theo mời quý độc giả đón đọc vào 7h sáng mai 8/2 trên Tin tức Việt Nam)

Hé lộ những bí ẩn về tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 2)

07:24 08/02/2018

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ký đặc biệt về cuộc đời của tướng cướp Bạch Hải Đường vào lúc 7h sáng hàng ngày.



Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ II)
Ngay trong bữa tiệc mừng nhập băng, Truyện đã thấy không thể nào gắn bó với lão Sổ “chuột” để làm ăn lâu dài…
Ở Cần Thơ, đám tay chân của Sổ “chuột” có đến gần trăm thằng, trong đó có cả cảnh sát dã chiến cũng “tự nguyện” gia nhập. Băng của Sổ “chuột” không có tên. Sự hoạt động của chúng không thống nhất, mạnh thằng nào thằng nấy làm và “trúng mánh”, chúng tự giác đến nộp cho Sổ “chuột”. Dưới trướng vợ chồng Sổ “chuột” có bốn tay chân là Mạnh “Tắc Giăng”, Sơn “lì”, Hải và Tư Đen. Lũ bốn tên này chuyên đi đòi nợ và rình bọn đàn em ăn lẻ ở đâu, bắt chia cho Sổ. Đám tay chân của Sổ rất ghét bốn thằng này, nhưng không ai dám ra mặt phản đối, bởi vì chúng sẵn sàng cho đi uống nước sông Hậu hoặc mượn tay cảnh sát để trị. Vì thế khi biết Năm Truyện, một kẻ mới chân ướt chân ráo đến Cần Thơ mà đã đánh đo ván cả sáu thầy trò Sổ “chuột” thì bọn chúng mừng lắm.
Ngay trong bữa tiệc, có tên đã ngỏ ý: “Phải anh Năm làm thủ lãnh thì mới làm ăn được”. Trong lúc nhậu nhẹt, lão Sổ thỉnh thoảng lại nhìn trộm Truyện và hai con mắt tối om đó lại lóe lên tia sáng nham hiểm. Năm Truyện ghi nhớ rất kỹ ánh mắt ấy. Tiệc tan, Năm Truyện về khách sạn và sai bọn tiểu yêu đi kiếm con gái. Hắn thuê một phòng trên lầu tư, nhưng ngủ với gái xong, Năm Truyện đuổi cô ta đi ngay và lặng lẽ lên lầu thượng. Quả nhiên tới quá nửa đêm, cảnh sát ập đến phá cửa phòng. Không thấy Năm Truyện đâu, tên thiếu úy chửi thề:
– Đù má thằng Sổ, làm tụi ông mất một tiêu điểm!
Ông Nguyễn Thanh Sang (đứng thứ nhất từ phải sang) khi đang đi học ở Liên Xô (cũ)
Năm Truyện nghe rất rõ tiếng chửi đó và thấy không thể tha thứ cho Sổ “chuột” được nữa. Bọn cảnh sát vừa đi khỏi, Năm Truyện lẻn xuống, đến nhà Sổ “chuột”. Bữa đó, vợ Sổ đi Sài Gòn cất hàng, nên lão dắt gái về ngủ. Truyện dỡ mái bếp chui vào nhà rồi đàng hoàng đánh thức Sổ dậy. Không dùng dao, súng, Năm Truyện đã bóp cổ Sổ “chuột” chết ngay trên giường, đứa con gái sợ quá ngất luôn, giết Sổ xong Năm Truyện trở về khách sạn, vào phòng ngủ ngon lành cho tới khi thằng Hùng tới báo:
– Anh Năm ơi, lão Sổ tiêu rồi?
– Ủa, sao vậy!- Năm Truyện ngơ ngác và ngay sau đó bộ mặt Năm Truyện chảy dài, thiểu não:
– Tội nghiệp ổng? Tụi bay nghi thằng nào không?
– Cho thằng già chết. Tụi em biết ngay mà. Ác giả ác báo, nó chuyên cậy thế ăn hiếp người ta thì “cao nhân tất đắc cao nhân trị”.
Ngừng lời, Hùng nhìn Năm Truyện vẻ dò hỏi rồi nói thẳng:
– Đàn em muốn theo đại ca. Ta lập băng riêng, dễ làm ăn hơn.
Năm truyện không trả lời và cùng Hùng đến viếng Sổ “chuột”. Trong suốt thời gian lo chôn cất cho Sổ “chuột”, Năm Truyện giữ bộ mặt buồn rầu vừa phải và lo lắng rất chu đáo. Khi ra về, Năm Truyện còn đưa cho vợ Sổ “chuột” 2 lượng vàng gọi là “của anh em viếng đại ca”.
Chỉ ít ngày sau, Năm Truyện đã lập được một băng cướp gồm sáu thằng, trong đó có ba tên là đệ tử cũ của Sổ “chuột”. Đó là tên Hùng, Bé “sáu ngón”.
cuoc chien dau voi tuong cuop bach hai duong ky 2
Thị xã Long Xuyên ngày nay. 

II.

– Hiếu là đại úy thiết giáp của quân đội Sài Gòn cũ , có vóc người to lớn, nước da ngăm đen khỏe mạnh, tiếng nói oang oang và không thể nói nhỏ được… Hình như đó là bệnh nghề nghiệp của những người lái xe tăng. Mặc dù Phạm Thanh Sơn đã năm lần bảy lượt yêu cầu nhưng anh ta vẫn gọi Sơn, Kha, Quân bằng “anh” xưng “em”. Phút e dè ban đầu qua đi, Hiếu nói năng hoạt bát và cố gắng tỏ ra trung thực trong mỗi lời nói.
– Dạ thưa các anh, sau năm 1975, em được gọi đi học tập cải tạo ở trại Núi Cấm. Học tập được 6 tháng thì em được chuyển sang tổ cơ khí, sửa chữa máy nông nghiệp cho trại. Dạ em có tay nghề khá, lại chịu khó nên được các anh tín nhiệm… Năm 1978 bọn Pôn Pốt đem quân đánh vào trại, thế là em đã xung phong xin ở lại, đi tiếp đạn, đem nước cho các anh em. Khi một anh bị hy sinh, ông trại trưởng giao cho em khẩu súng AK. Ông không nói gì nhưng nhìn ánh mắt ổng, em thấy chỉ có thể lấy máu mình mà trả ơn cách mạng. Em “oánh” tới số, cho tới lúc bị mảnh đạn quệt vào bắp tay.
Hiếu vén ống tay áo, để cho mọi người nhìn thấy vết sẹo chạy dài trên bắp tay to nần nẫn.
“Ông trại trưởng bắt em rút lui, nhưng em đâu có chịu… Chà, bắn AK đã quá, ngon lành hơn cạcbin “Mẽo” nhiều. Em nghĩ thế này, mình làm lính ngụy có tội với dân, với nước. Nhưng mình là người Việt Nam, mình phải biết giữ đất ông bà mình để cho, mắc mớ chi đến cha con nhà thằng Pôn Pốt mà nó đánh mình. Em nghe các anh trong trại nói, ngày xưa mình đổ máu cho đất Campuchia đâu có ít… Sau đợt ấy em được trở về nhà, em xin chính quyền cho mở tổ hợp sửa chữa máy nổ, xe ôtô… Dạ thưa các anh, cũng kiếm được đủ nuôi sắp nhỏ và má nó”.
– Chị ấy đi đâu rồi anh Tư? – Kha hỏi.
– Cô ấy đem thằng thứ ba lên Sài Gòn chơi, Sơn chấm dứt câu chuyện phiếm:
– Anh Hiếu à, nghe nói ngày xưa anh có quan hệ với Bạch Hải Đường, hay nói rõ hơn là anh nhận Đường làm em nuôi?
– Dạ đúng vậy.
– Dạo này Đường có hay đến đây không?
– Dạ! Hơn nửa năm rồi, không thấy tới.
– Anh có nghe nói một số vụ cướp xảy ra gần đây không?
– Có! Em biết chỉ có Bạch Hải Đường mới đủ tài nghệ làm như vậy. Trên đời này không có tướng cướp nào vượt qua được Bạch Hải Đường.
Sơn cười:
– Anh tin thế sao? Còn Điền Khắc Kim?
– Tôi có biết Kim trong lần đi Sài Gòn chơi với Đường. So với Đường thì Kim chỉ tàn bạo hơn, tánh tình nóng nảy, liều lĩnh đến mất khôn ngoan. Vì thế cảnh sát ngụy đã nhiều lần tóm được Kim và đưa đi đày Côn Đảo, Đường khôn ngoan, ăn nói khá hiền lành, lễ phép và có tài thuyết phục, cảm hóa người khác, vì thế số đệ tử của Đường rất trung thành với chủ và ít người phản bội Đường, trừ có vợ chú ấy.
– Chuyện vợ chồng Đường, tụi tôi đã biết. Hiện nay chúng tôi đang truy bắt Bạch Hải Đường, vì vậy tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về hắn.
– Dạ, em hiểu. Em biết Đường từ năm 1971, trong một đêm…
…Trời mưa như trút nước, Hiếu giao ca trực chỉ huy xong, Đại úy Hiếu lên xe Zeép đi về cư xá dành cho sĩ quan. Từ nơi đóng quân về nhà ở chỉ khoảng sáu cây số nhưng mưa to quá nên Hiếu không dám phóng nhanh. Xe đang bon, bỗng từ một hẻm bên đường có người lao vọt ra, nhảy gọn vào ghế trước, một họng súng thúc vào sườn Hiếu:
– Chạy lẹ hơn!
Không kịp suy nghĩ phản ứng trước sự việc quá bất ngờ, Hiếu vội rồ ga, chiếc xe lao vọt đi, bỏ lại đằng sau tiếng còi cảnh sát ré lên và tiếng súng đì đoành bất lực. Chạy được cây số, họng súng mới rời khỏi mạng sườn:
– Tôi là Bạch Hải Đường, cám ơn ông sĩ quan đã đến đúng lúc.
Nghe nói đến Bạch Hải Đường, Hiếu run người. Thì ra cái tên cướp khét tiếng ở vùng Bốn chiến thuật lại là thằng này, một thằng nhỏ con, sức Hiếu chỉ cho một đấm là có khi văng vài mét. Hắn bật công tắc ngọn đèn nhỏ lắp trên gióng sắt căng bạt.
– Ông muốn nhòm mặt tôi hả? – Đường quay sang Hiếu cười, để lộ một hàm răng trắng bóng.
– Vừa cướp sao? – Hiếu hỏi giọng bề trên.
– Ờ, gặp tụi cảnh sát đi tuần bất tử, tôi đánh lộn một chặp rồi chạy.
– Giờ tính đi đâu?
– Chưa biết nữa – Đường nói rồi cười ha hả – Đời tướng cướp, đâu chả là nhà. Vũ trụ là nhà của ta mà.
– Tôi nghe danh chú đã lâu. Còn tôi tên là Hiếu, đại úy.
– Anh thứ mấy?
– Kêu tôi tên Tư Hiếu.
– Cha, nghe ngộ quá. Anh Tư chắc về nhà – Đường reo lên.
– Ờ, hết phiên trực rồi. Nè lúc nãy nếu tôi không chạy lẹ hơn, chú tính sao?
– Thì để con chó lửa này làm việc – Đường giơ khẩu Vonte cỡ 5.56 ly. Liếc nhìn Đường, Hiếu thấy lạ. Thằng cha bé nhỏ như con nít, mặt mũi nom hiền khô mà lại là tướng cướp. Hẳn nó phải có những gì ghê gớm lắm mới có được cái danh như vậy chớ. Ý nghĩ được làm thân với Đường chợt đến.
– Chú có sợ tôi không?- Hiếu hỏi làm Đường ngạc nhiên.
– Đến cả đại đội cảnh sát, tôi còn không ngán nữa là anh. Trên đời này tôi đâu có sợ ai. Ai đối tốt với tôi, tôi chịu ơn. Ai xấu, tôi xa họ. Ai phản phúc, tôi trừng phạt. Cuộc đời gói trọn mấy chữ vậy thôi.
– Vậy mời chú về nhà tôi.
– Ô kê! – Đường thoải mái reo lên nho nhỏ và như một kẻ vô tư nhất trên đời. Sẵn sàng kết bạn với bất cứ ai, không bao giờ phải lo nghĩ, cảnh giác, hắn ngúc ngoắc cái đầu cắt hớt cua, tóc dựng lên:
– Nghỉ nhà anh Tư chắc hay quá ta. Bữa nay gặp anh Tư hên hết chỗ nói.
Hiếu cười ngạc nhiên, dường như anh ta vẫn không tin người ngồi cạnh mình là Bạch Hải Đường, tướng cướp gì mà cả tin đến vậy.
– Chú không sợ tôi báo cho cảnh sát khi chú đang ngủ say à?
– Anh không phải là người lừa dối – Đường nói chắc chắn. Sự khẳng định đó làm Hiếu cảm động.
– Lần đầu tiên tôi gặp chú, nhưng đã biết chú là người hào hiệp, nghĩa khí, coi trọng tình bạn. Từ nay chú có thể tin tôi.
Những điều Hiếu nói làm Đường thấy tủi tủi. Đã lâu lắm rồi hắn mới được nghe những lời nói chân tình đến vậy – Chẳng phải trong tiệc rượu, chẳng phải trong thề thốt, chẳng phải thử thách. Tình bạn đến bất ngờ, không ai dám nghĩ trước.
Về tới nhà, Hiếu đàng hoàng giới thiệu Đường với vợ, một người phụ nữ mang tất cả những đức tính tốt đẹp mà người vợ phải có. Chị không tỏ chút băn khoăn lo lắng khi trong nhà chứa chấp một tên tướng cướp, bởi lẽ chị tin chồng và bản thân chị đã mang sẵn trong mình ý thức phục tùng chồng tuyệt đối. Mọi việc làm của chồng không bao giờ chị can thiệp hoặc có ý kiến – ngoài mỗi việc nấu đồ ăn là chị chẳng tin anh.
Họ nhanh chóng thân nhau, Đường phải sống phiêu bạt từ bé nên rất khát khao tình cảm, vì thế có được người thông cảm với mình như Hiếu, Đường mừng lắm. Đường nhận Hiếu làm anh nuôi và đối xử với vợ chồng Hiếu theo đúng phận sự làm em. Thời gian đầu vợ Hiếu quý Đường vì thấy “chú ấy hiền lành, nói năng lễ phép, cư xử có trên có dưới”. Nhưng chỉ được mấy tháng, chị bắt đầu sợ Đường. Bởi lẽ không mấy ngày là không thấy có vụ cướp do thằng em nuôi gây ra, mà vụ nào cũng lớn. Bình thường Đường luôn giữ vẻ mặt hiền lành, thậm chí hơi ngây ngô, nhưng hễ nói đến chuyện làm ăn là mặt hắn thay đổi hẳn. Giọng nói lạnh, rin rít thoát ra từ hai hàm răng đều đặn; cặp mắt nhỏ gườm gườm nhìn những người đối diện… những cái đó khiến chị sợ hắn. Cũng đã đôi lần, lựa lúc vui vẻ, chị can hắn, nhưng bao giờ Đường cũng cười nhạt: “Chuyện làm ăn của em, chị xía vô làm gì”.
Từ đầu năm 1971, tiếng tăm của tướng cướp Bạch Hải Đường đã lừng lẫy vùng Bốn chiến thuật – đặc biệt là ở Long Xuyên. Nhiều đảng phái ở Long Xuyên muốn mua Đường để làm kẻ thi hành các “phi vụ đặc biệt” nhưng Đường đều lạnh nhạt từ chối: “Tôi là cướp, tôi không thích dây vào ba thằng làm chính trị”.
Một bữa Hiếu đang họp giao ban thì có điện gọi ra có khách. Đó là L. Đảng trưởng đảng uốc gia Thốt Nốt. Tên L. này Hiếu đã biết từ lâu với chiến tích chuyên đi bắt cóc tống tiền. Cả Long Xuyên biết bọn này nhưng đều phải làm ngơ. L. có vóc người cao dong dỏng, mắt một mí, giọng the thé. Mặt lúc nào cũng như cười cợt nhưng lại rất thâm hiểm và ti tiện.
– Tôi có chút việc riêng muốn trao đổi với đại úy – L. vào chuyện ngay.
– Xin ông cứ nói.
– Nghe nói ông nhận Bạch Hải Đường làm em nuôi?
– Đúng vậy, có chuyện chi không? – Hiếu hỏi vẻ lo lắng. L. lắc đầu:
– Đã mười ngày nay tôi đi tìm Đường, nhưng không gặp, phiền đại úy có thể thu xếp cho chúng tôi gặp Đường trao đổi chút việc riêng.
Hiếu cảnh giác
– Tôi không dám hẹn trước. Bởi vì…
– Ông khỏi lo – L. cắt ngang – Chúng tôi muốn mời Đường cộng tác, không phải có ý xấu.
– Vậy ông có thể nói trước với tôi được không?
– Xin lỗi đại úy, đây là việc tuyệt mật – L. chán nản đứng lên – Thôi vậy, chúng tôi phải tìm gặp Đường, chỉ có anh ta mới đủ sức giúp chúng tôi.
Nghe ông ta nói, Hiếu cười khẩy. Hiếu lạ gì cái bộ mặt thơn thớt của L. hắn muốn Đường cộng sự với hắn, chắc là muốn mượn tay Đường để cướp của hay tống tiền nhà nào đây. Nhưng cũng lạ, được gọi là “đao phủ” chuyên để sử dụng vào các “phi vụ đặc biệt”, vậy bọn này chưa đủ sao mà còn mời Đường. L. ra về, Hiếu liền tìm gặp Đường, nhưng không thấy. Mãi 4 ngày sau, Đường mới trở về, thấy Đường có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, Hiếu gợi hỏi:
– Sao rầu vậy chú?
– Anh Tư, có việc này em muốn hỏi ý kiến anh Tư – Nghe Đường rụt rè hỏi, Hiếu ngạc nhiên vì từ trước tới nay, ít khi Đường bàn chuyện làm ăn với anh.
– Sao vậy. Chắc có chuyện khúc mắc hả?
Đường moi túi lấy ra khẩu côn rulô, tháo đạn ra lau rồi thủng thẳng.
– Em tính cho Lê Phước Sang tiêu, anh Tư à.
(Phần tiếp theo mời quý độc giả đón đọc vào 7h sáng mai 9/2 trên Tin tức Việt Nam)

Hé lộ những bí ẩn về tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 3)

07:00 09/02/2018

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ký đặc biệt về cuộc đời của tướng cướp Bạch Hải Đường vào lúc 7h sáng hàng ngày.



Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ III)
Đại tá Nguyễn Đức Ngân (Trưởng phòng Hồ sơ Công an Tỉnh An Giang) đang xem lại hồ sơ tướng cướp Bạch Hải Đường
Hiếu trố mắt. Anh biết. Lê Phước Sang là một tên được Mỹ cưng, nghe đâu hắn là người của CIA, chả thế mà từ tỉnh trưởng trở xuống phải nể.
- Sao lại giết Sang, nó làm gì chú?
- Bọn L.Q.L thuê, hai triệu đồng!
- Trời, sao đến thế!
Hiếu bóp trán suy nghĩ:
- Thì ra bữa rồi lão ấy đến gặp tôi chắc cũng vì công chuyện này.
- Ờ, lão nói là anh cũng ưng mà.
- Đâu có – Hiếu thốt lên – Tôi không cho nó gặp chú mà.
Đường nhăn mặt khó chịu.
- À, vậy thằng này nói xạo. Nó nói là gặp anh, bàn với anh và anh cũng ưng em giết thằng Sang.
Hiếu hỏi:
- Chú có biết vì sao nó tính giết thằng Sang không?
- Nghe nói thì thằng Sang cậy thế “Mẽo”, cản mũi kỳ đà công việc làm ăn của bọn L. Vừa rồi, tụi Sang hớt tay trên của lão 5 ký hêrôin; lại báo cáo cho bọn chống ma túy của Mỹ tóm mất hai nguồn cấp ma túy cho lão ở Băng Cốc. L. cay cú nên đã ba lần tìm cách giết Sang nhưng không được. Sang rất khôn ngoan, lần ra tung tích Sang đã kho,ù chứ chưa nói đến giết hắn.
- Chú nghĩ sao mà nhận lời giết Sang?
Đường cười khùng khục, hai mắt tròn xoe:
- Anh Tư ơi, hai triệu đồng đâu có ít, bằng một trăm cái xe Honda 67 đấy. Nhưng đó là chuyện sau, còn em cũng đâu có ưa cái thằng ăn lương bọn mũi lõ, đi hiếp đáp người mình.
Hiếu lắc đầu:
- Chú làm như vậy không ổn. Chú tính xem, không phải thằng L. không giết nổi thằng Sang, nó có quân, có tướng. Còn Sang đây có phải ghê gớm gì. Một trái na thảy vô xe, một nhát dao, một quả mìn… tiêu mạng như bỡn. Nhưng hắn không dám giết, vì sau Lê Phước Sang còn Đại úy Triệu, Phó trưởng Chi khu cảnh sát; còn Trung tá tỉnh trưởng; còn người Mỹ. Liệu biết L giết Sang, tụi nó có để yên không – Chỉ hai ngày thì cái Đảng Quốc gia Thốt Nốt với lá cờ nửa đen nửa đỏ sẽ vô khám hết. Vậy thì nó đâu có dại. Nó phải mướn chú. Chú giết được Sang, nó mừng. Cảnh sát đi lùng chú, nếu bị bắt, chú lên đoạn đầu đài, còn nó khui bia ăn mừng và “ôkê”. Vả lại chú giết Sang, chú được cái gì ngoài một trăm ngàn đồng, nhưng uy tín với đám anh em mất hết. Tụi nó sẽ xì xèo: “Anh Năm giờ cũng đi đâm thuê chém mướn”… Hơn nữa, chú giết Sang xong, thể nào L. cũng giết chú để bịt đầu mối.
Nghe Hiếu phân tích, Đường toát mồ hôi. Hồi lâu Đường rụt rè hỏi:
- Anh Tư biểu em sao bây giờ. Đã nhận lời và một trăm ngàn đồng rồi.
Đắn đo suy nghĩ hồi lâu Bản nói:
- Vậy thế này, chú tỏ ra cho L. thấy chú có thể giết thằng Sang bằng cách nào đó thì tùy, trả lại tiền cho lão và từ nay đừng có dính dáng vào ba cái thằng nửa chính khách, nửa lưu manh đấy nữa. Giờ chú biết Sang ở đâu không?
- Đàn em cho hay, nó đang ở trên lầu ba khách sạn Đông Kinh. Có bốn vệ sĩ bảo vệ.
- Chú tính tối nay giết ư?
- Vâng, nhưng thôi, em theo ý anh Tư.
Tối hôm ấy, Đường cho Tư Đen bí mật đến khách sạn Đông Kinh và trao nhiệm vụ cho Tuyết Mai, cô gái bán “bar” phải tìm cách cho Sang ngủ say. Đường trao cho Tư Đen gói thuốc ngủ không mạnh nhưng cũng không phải là loại nhẹ. Tám giờ tối, khách sạn mở khiêu vũ, Tuyết Mai đã tỉ tê tán tỉnh được Sang và hơn thế nữa Sang ngỏ ý muốn cô ta lên phòng ngủ. Chẳng mong gì hơn thế, Tuyết Mai theo Sang lên ngay sau khi đã báo tin cho Đường biết.
Ở cái tuổi gần 50, Sang đã đuối sức khi gần gũi cô gái mới hai mươi tư tuổi, cộng thêm liều thuốc ngủ pha trong ly sữa “tăng lực” khiến Sang ngủ say như chết. Bọn vệ sĩ kê ghế ngồi ngoài cửa và chặn ở cầu thang. Chúng đã biết thế nào L. cũng tính chuyện trả thù nên hết sức cảnh giác. Quá nửa đêm. Đường ra lệnh cho chủ khách sạn cắt cầu giao điện rồi bám ống máng trèo lên lầu ba. Đường mở cửa sổ chui vào lấy của Sang một catáp, trong đó có 5 vạn đồng, một tập tài liệu báo cáo cho CIA về hoạt động của Đảng Quốc gia Thốt Nốt, hai khẩu súng ngắn.
Đọc những báo cáo của Sang về đồng đảng mình, L. uất đến nghẹt thở. Thông qua đồng bọn Lê Phước Sang. L. tuyên bố “không đội trời chung với Sang”. Còn Sang hoảng sợ trước đòn cảnh cáo của L. (hắn không biết Đường làm việc này), hắn đã phải xuống nước và hẹn gặp L. để bàn về mối quan hệ lâu dài. Sang cũng sẵn sàng bồi thường cho lão 5 ký hêrôin theo lý do: Nhầm lẫn khi thực hiện công vụ.
Cũng sau lần đó, bọn L. hết sức mua chuộc Đường, nhưng Đường đều nhũn nhặn từ chối. “Chú nên tỏ ra lép vế với bọn thằng L. thằng Sang… có vậy chúng sẽ là bình phong che chở cho chú làm ăn”- Hiếu căn dặn Đường như vậy.
Trong số các nhân vật tai to mặt lớn ở Long Xuyên, Bạch Hải Đường đặc biệt căm ghét Đại úy Triệu, Phó trưởng Chi khu Cảnh sát, và ngược lại, Triệu cũng mạnh mồm tuyên bố đặt Đường ra ngoài vòng pháp luật. Bọn cảnh sát ngụy được lệnh bắn chết Đường nếu gặp. Chẳng muốn dây dưa với cảnh sát làm gì, hơn thế nữa nếu lúc nào cũng canh cánh lo cảnh sát bắt thì chịu sao thấu. Đường tính kế dàn hòa, Đường cùng Tư Đen tìm cách gặp và làm thân với một trung úy tên Hải, sĩ quan văn phòng ở Chi khu Cảnh sát. Đường đã đưa cho Hải mười lạng vàng và để nghị với Hải một hợp đồng béo bở: Nếu thuyết phục được Triệu làm ngơ cho bọn Đường làm ăn, Hải sẽ có 50 cây vàng. Còn Đại úy Triệu mỗi tháng được 10 cây vàng. Không lượng sức mình và thăm dò ý kiến Triệu trước, Hải hăng hái nhận lời. Khốn nỗi, Triệu lại là tên khá có bản lĩnh trong hàng ngũ cảnh sát ở Long Xuyên. Tuy không giỏi nghề nhưng Triệu đặc biệt hăng hái trấn áp bọn tội phạm hình sự. Họng súng của Triệu đã bắn oan không ít người, vì vậy bọn tội phạm hình sự ở Long Xuyên đứa nào cũng gờm Triệu. Đường thừa biết Triệu che chở cho hai băng “Cua vàng” và “Rồng lửa”. Bọn Tư Rỗ, thủ lĩnh của băng “Cua vàng” và Bay Khê, thủ lĩnh băng “Rồng lửa” thường lén đến nhậu ở nhà Triệu, một căn nhà hai trầng lầu nằm sát cạnh khách sạn Đại Hàn, Triệu sống dựa vào vàng, tiền của hai băng này và thực sự chúng chu cấp cho Triệu khá đầy đủ, vì thế hắn luôn tỏ ra liêm khiết, bất cần tiền. Hầu hết các vụ án hình sự hay là các án buôn lậu nếu bị Triệu bắt, khó có ai mà mua được hắn. Càng thẳng tay trừng trị, càng tỏ ra liêm khiết, coi rẻ đồng tiền. Triệu càng được cấp trên tin cậy. Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Giám đốc Tổng nha cảnh sát đã đích thân về Long Xuyên gắn huân chương “Anh dũng hạng Ba” cho Triệu và coi hắn là một người hùng.
Không có tài ngoại giao, ăn nói thiếu tế nhị, nên ngay từ đầu Hải đã vấp phải thất bại khi mở mồm ra định nói chuyện với Triệu về bọn Đường. Nghe những câu rời rạc, chắp nối thiếu logic của Hải, Triệu hiểu rằng, Hải đã bị bọn Đường “mua”. Hắn cho bắt bí mật Hải, tự mình thẩm vấn, và khi nắm được ý đồ của Đường, Triệu tương kế tựu kế. Hắn sử dụng Hải làm kẻ môi giới và đồng ý với đề nghị của Đường. Triệu sẵn sàng gặp một mình cá nhân Đường tại nhà hàng Mỹ Hương.
Với sự từng trải đường đời của mình, Hiếu đã phân tích cho Đường thấy âm mưu của Triệu: “Chú không thấy lạ sao? Thằng Triệu xưa nay có khi nào nương tay với bọn chú. Hắn có thế, có lực, có nhiều tiền. Mỗi tháng có thêm chục cây vàng ăn thua gì với hắn. Nếu hắn có ngơ đi cho chú làm ăn, rủi lộ ra hắn hết đường sống tức khắc. Còn nếu hạ sát được chú, từ Đại úy lên Thiếu tá, con đường đâu có dài. Tôi không tin là hắn thật lòng muốn gặp chú để bàn công chuyện, vì vậy chú phải hết sức cẩn thận”.
Nghe lời anh, Đường tương kế tựu kế chơi lại Triệu. Đúng ngày hẹn, Đường cho một đàn em có vóc dáng giống mình, thuê người hóa trang mặt mũi rồi lảng vảng ở cửa nhà hàng Mỹ Hương. Bọn Tư Đen, Mạnh… sẽ yểm trợ. Nếu thấy Triệu có bố trí cảnh sát thì báo cho Đường biết. Thằng đàn em cốt sao hút bọn cảnh sát vô đó là chắc ăn, còn Đường cùng Năng và hai tên nữa thuê một chiếc ôtô GMC 12 chỗ đến phục sẵn ở ngã tư cạnh nhà Triệu. Đúng giờ, Triệu mặc áo sơ vin lên xe Zeép đi ra nhà hàng. Một trung đội cảnh sát đặc biệt mai phục trong nhà hàng dưới đủ hình thức. Để đề phòng bất trắc, hắn còn bắt một trung đội nữa ngồi sẵn trên xe đậu trong chi khu, nếu có lệnh là đến tiếp cứu. Mọi chi tiết của cuộc lừa bắt Bạch Hải Đường được Triệu tính toán rất kỹ, thậm chí nếu Đường có thoát ra khỏi nhà hàng thì cũng không chạy nổi ra ngoài đường lớn. Cách nhà hàng Mỹ Hương ba trăm mét có một tiểu đội cảnh khuyển phục sẵn. Đánh lại người thì dễ chớ đánh lại cả bầy chó bẹcgiê thì quảt là không đơn giản chút nào.
Triệu đến trước, hắn chọn một chỗ kín đáo nhất trong góc nhà hàng, ngồi dựa lưng vào tường, mặt quay ra cửa. Chiếc máy phát tín hiệu báo động được đặt kín đáo ngay dưới gầm bàn. Bàn bên cạnh đã có hai cảnh sát dã chiến cùng hai nữ binh cộng hòa cải trang đang ngồi nhậu. Ở bàn gần ngoài cửa cũng có ba cảnh sát đặc biệt to con như những võ sĩ ngồi chơi bài “cạctê”. Để tiện bề theo dõi, Triệu còn đưa hai tên cảnh sát nữa làm chân bồi bàn. Ngắm nghía thế trận xong, Triệu cười đắc chí, Chuyến này thằng oắt con Bạch Hải Đường ắt sẽ vong mạng. Hắn đã nắm chắc phần thắng trong tay. Mọi việc đã xong giờ chỉ còn chờ Đường dẫn xác tới. Duy trong cuộc này chỉ có một người lo đến đứng tim – đó là Bảy Phê, chủ nhà hàng Mỹ Hương, Phê biết rằng nếu Đường tới, cuộc đụng độ thế nào cũng xảy ra, mà Bạch Hải Đường có khi nào chịu giơ tay dễ dàng. Sẽ có ẩu đả, sẽ có nổ súng… Nếu vậy sẽ đổ vỡ ắt không tránh khỏi. Nghĩ đến những bức tranh lồng trong khung kính, những bộ ly chén của Trung Hoa, những ngọn đèn Nhật… trị giá hàng vạn đồng bị đập vỡ, lão thấy như ai cứa dao vào tim lão. Mặc dù cảnh sát Triệu đã hứa nếu xảy ra thiệt hại hắn sẽ bồi thường. Nhưng thực tế đã cho thấy, tin vài lời hứa của cảnh sát chỉ có những kẻ ngu.


Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ III)
Bản tự khai của Bạch Hải Đường
- Thưa Đại úy, Bạch Hải Đường đang đậu xe Honda ngoài cửa tiệm – Gã bồi bàn “dởm” ghé vào tai Triệu nói thầm thì. Triệu lên tiếng sau khi đã ấn nút máy phát tín hiệu báo động.
Cẩn thận hơn, Triệu xem lại khẩu Côn nòng ngắn giấu trong bụng, rồi với vẻ bình thản, Triệu ngồi bắt chéo chân, ngả người ra ghế, miệng khẽ huýt sáo. Có tiếng Honda rồ máy dữ dội ngoài cửa tiệm. Triệu chột dạ.
Gã bồi bàn vội vã đi tới:
- Báo cáo Đại úy, Đường đã đi mất.
- Cứ yên trí – Triệu bình tĩnh – Hắn cảnh giác đó thôi.
Triệu nâng ly bia hộp ướp đá lên tợp một ngụm nhỏ. Hơi bia mát lạnh chảy đến đâu hắn thấy người khỏe khoắn đến đấy. Năm phút, rồi mười phút trôi qua. Gã bồi bàn lại vào:
- Thưa Đại úy thằng Đường đậu xe ngoài cửa tiệm. Nhưng nó chưa vào mà còn đứng lại hỏi chuyện mấy con mẹ bán thuốc lá…
- Tốt rồi, mọi việc chờ lệnh ta – Triệu nói và uống nốt bia.


Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ III)
Phạm Thanh Sơn, người đã bắt Bạch Hải Đường năm 1983. Sau này là Phó Giám đốc Công an Tỉnh An Giang
Trong thời gian đó, tại nhà Triệu, Bạch Hải Đường cùng Mạnh và Năng mở cửa khóa cổng, đàng hoàng vọt vào nhà Triệu. Vợ Triệu nằm trên lầu hai, tên hạ sĩ phục vụ đang lúi húi quét dọn. Hắn chỉ kịp trợn mắt nhìn họng súng đen ngòm từ phía tay Năng rồi đổ vật xuống bởi một cú đấm nhanh như chớp của Đường vào bụng. Trói tên hạ sĩ và nhét hắn vào “toalét”, Đường và Năng chạy lên lầu. Đang nằm xem tiểu thuyết tình “Vòng tay học trò”, vợ Triệu giật mình khi cánh cửa xịch mở. Hai người ăn vận đồ ký giả lịch sự, súng ngắn cầm tay bước vào.
- Xuỵt! – Đường giơ ngón tay lên miệng – Xin bà chớ làm ồn, tôi là Bạch Hải Đường đến thăm bà và ông nhà.
Vợ Triệu run bần bật, hai con mắt bạc đi vì khiếp sợ. Mụ ríu lưỡi:
- Xin… xin hai ông… nhà tôi…
- Vâng, ông nhà đang chỉ huy quân lính vây bắt tôi. Đường nói – Phiền bà một chút.
Đường hất đầu ra hiệu, Năng nhảy lên giường, vừa lúc mụ há mồm ra định kêu thì một quả chanh to đã chui tọt vào miệng. Năng nhanh nhẹn quấn vải bịt miệng, trói tay mụ ta lại. Và cuộc lục soát bắt đầu. Chiếc xe được lái vào tận trong sân. Tư Đen và tên lái xe khuân xuống tivi, tủ lạnh, các đôn sứ, chậu sứ cả những bộ ly chén đắt tiền, rồi quần áo, vải vóc… Đường lục chìa khóa trong túi mụ, mở tủ lấy hết vàng, tiền. Nhìn Bạch Hải Đường lấy hết của cải, mụ vợ Triệu uất quá ngất luôn. Thấy mụ bị ngất, Đường cười ha hả rồi đeo vào cổ chân mụ sơi dây chuyền ba chỉ. Chỉ trong mười lăm phút, nhà Triệu sạch trơn. Trong nhà Triệu còn một tủ lạnh 300 lít, nặng quá bọn Đường không khiêng nổi. Đường mở tủ thấy có đĩa đu đủ ướp lạnh, hắn đàng hoàng chén hết. Xong xuôi, Đường ra lệnh rút. Ra tới cửa, nghĩ thế nào Đường quay lại gọi điện thoại đến chi khu cảnh sát:
- Alô trực ban đó hả. Phiền hạ sĩ báo cho Đại úy Triệu là Bạch Hải Đường mượn tạm ông ấy ít đồ về sài đỡ.
Triệu đang sốt ruột chờ Bạch Hải Đường vào gặp thì một viên cảnh sát hốt hoảng phóng xe Zeép tới. Hắn chạy xộc vào chỗ Triệu và nói nhỏ. Chẳng hiểu hắn nói gì mà cảnh sát và những người ngồi nhậu ở đó thấy Triệu đập tan ly bia gầm lên tức giận:
- Thằng chó đẻ!
Nói xong, hắn bỏ mặc đám thuộc hạ, quên cả chiếc máy báo động, tự lái xe về nhà…
Hai ngày sau, khắp thị xã Long Xuyên nhan nhản những tờ thông cáo khổ 40×30 đem dán ở các bức tường:
“Nguyễn Ngọc Truyện tức Bạch Hải Đường là một tên cướp đặc biệt nguy hiểm, đã gây nhiều tội ác, xâm hại đến an ninh của Chính phủ Quốc gia”. Nay công bố:
Ai bắt được Bạch Hải Đường, thưởng 5 triệu đồng.
Ai giết được Bạch Hải Đường, thưởng 3 triệu đồng.
Ai chứa chấp, dung túng cho Bạch Hải Đường và đồng bọn sẽ bị nghiêm trị.
Ký tên: Phó trưởng Chi khu.
Cảnh sát Long Xuyên.
Đại úy Nguyễn Triệu”.
(Phần tiếp theo mời quý độc giả đón đọc vào 7h sáng mai 10/2 trên Tin tức Việt Nam)

Hé lộ những bí ẩn về tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 4)

07:00 10/02/2018

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ký đặc biệt về cuộc đời của tướng cướp Bạch Hải Đường vào lúc 7h sáng hàng ngày.

Có lẽ trong mười hai năm làm cảnh sát, chưa có kẻ nào dám cả gan đùa cợt với Triệu như Bạch Hải Đường.
Tivi, tiền và hai chục lượng vàng cùng nhiều thứ đồ khác mất đi còn kiếm lại được. Nhưng danh dự và uy tín nghề nghiệp đâu có phải một sớm một chiều mà xây dựng nên. Mặc dù Triệu đã ra lệnh cho đám thuộc hạ phải bí mật về việc Đường đến cướp và lăng nhục Triệu, nhưng tin Bạch Hải Đường đột nhập nhà Triệu giữa ban ngày, đàng hoàng chất đồ lên xe ôtô vẫn lan nhanh như gió khắp Long Xuyên. Thậm chí người đời còn thêu dệt thêm là Đường còn bắt vợ Triệu cởi quần áo để coi xem “co” bà đại úy phu nhân có đẹp không và được kể bằng giọng đặc biệt khoái chí của những kẻ không ưa Triệu. Tiếng đồn đến tận Tổng nha Cảnh sát, tới tai Giám đốc Trần Văn Hai. Nhân một chuyến đi công du vùng Bốn chiến thuật, Hai đến Long Xuyên và hỏi về chuyện đó. Nghe Triệu kể lại xong, Hai cười sằng sặc, cười đến nỗi nước mắt chảy giàn giụa.
- Ông đại úy, đó là tên cướp “năm bơ oăn”, ông ráng bắt được nó, đem về Tổng nha cho tôi và tôi xin hứa nếu đích thân ông bắt được nó, ông sẽ được thăng hai ngôi sao liền. Còn bất kể ai bắt được Đường cũng đều được trọng thưởng.
Rồi với giọng nói đầy hãnh diện, Hai kể về việc chính hắn đã chỉ huy vây bắt Điền Khắc Kim ra sao. Kết thúc câu chuyện, Hai cao giọng:
- Các ông làm cảnh sát, qua vụ này tôi thấy tay nghề của các ông còn non lắm. Tại sao các ông cứ làm rầm rộ, để lộ hết. Với thằng như Bạch Hải Đường có huy động một tiểu đoàn vây bắt cũng chắc gì? Phải có mưu. Tôi nghe nói, hắn không nghiện rượu, không hút thuốc, không cà phê mà chỉ mê gái, đúng không đại úy?
- Dạ thưa chuẩn tướng đúng ạ.
- Đó, các ông thiếu gì gái đẹp, thiếu gì tiền, vậy mà không đưa nó vào bẫy. Từ xưa tới nay, bao bậc “chính nhân, quân tử”, uy danh lừng lẫy bốn phương trời vậy mà chết trong vòng tay đàn bà. Tây Thi làm vua Ngô mất nước, Điêu Thuyền khiến Đổng Trác phải tiêu mạng…
- Dạ, thưa chuẩn tướng dạy rất đúng. Xin hứa với chuẩn tướng trong vòng hai tháng chúng tôi sẽ tóm được Bạch Hải Đường đem về Sài Gòn trình chuẩn tướng.
Trần Văn Hải tươi nét mặt:
- Bữa rồi, có một tên đặc công ra đầu thú. Tại Tổng nha Cảnh sát, tôi đã cho hắn biểu diễn lại cách trèo tường vượt cổng, đột nhập lấy trộm tài liệu. Các ông có biết không? Một trung đội cảnh sát bảo vệ tòa nhà trung tâm điện toán, vậy mà hắn lọt vào, lấy ra ba tập tài liệu hồ sơ. Đứng về mặt đạo đức thì tất cả các tên đầu thú đều không đáng một xu, nhưng về tài năng nghề nghiệp, tôi khâm phục tên đó. Hèn gì, các khách sạn, các cư xá lính Mỹ nối tiếp nhau nổ tung. Các ông ráng lên, tóm được tên Bạch Hải Đường, tôi sẽ cho hắn cùng tên đặc công đó thi tài.


cuoc-chien-dau-voi-tuong-cuop-bach-hai-duong-ky-ii-44-.9861.jpg
Đường phố ở Trung tâm TP Long Xuyên
- Xin chúc sức khỏe các chiến hữu!
Tiếng ly chén chạm nhau lanh canh, tiếng nhạc xập xình cuốn hút, hơi men bốc lên rần rật làm Triệu thấy rạo rực trong người. Hắn nắm chặt bàn tay và tưởng tượng ra Bạch Hải Đường đang đứng trước mặt, tay bị trói quặt ra sau…
Ngày hôm sau, Triệu tung tay chân đi tuyển dụng được trên hai mươi cô gái ở các khách sạn trong thị trấn Long Xuyên và Châu Đốc. Bọn này được giao hai nhiệm vụ: Thứ nhất, báo cho cảnh sát biết, nếu Bạch Hải Đường đến khách sạn. Thứ hai, quyến rũ bằng được Bạch Hải Đường cố gắng bỏ thuốc ngủ vào nước ngọt cho Đường uống. Để tránh nhầm lẫn, mỗi cô gái đều có hai tấm hình Đường, một chụp thẳng, một chụp nghiêng. Tự nhiên, Triệu cũng lờ mờ hiểu rằng khách sạn nào cũng có người của Bạch Hải Đường, vì thế, số cô gái này khó mà quyến rũ được Bạch Hải Đường. Cần phải có những gương mặt mới hơn – Triệu nghĩ vậy và đích thân đi tìm một con “chim mồi”. Triệu về Cần Thơ, đến gặp “Tú bà” Lệ Thi chủ nhà chứa Hương Đêm, người đã có một thời Triệu yêu say đắm. Nghe Triệu nói rõ yêu cầu, Lệ Thi khoái chí:
- Anh biết không. Phủ đặc ủy tình báo cũng phải đến khách sạn của em tìm “Thiên nga”. Ở khách sạn của em, không thể có những cô gái nhan sắc tầm thường và như anh biết đó, những người tới đây tìm thú vui, không có ai đeo lon đại úy như anh đâu.
Lệ Thi bấm điện thoại gọi một cô gái tên là Xuân tới. Thoạt nhìn, Triệu cũng phải bàng hoàng, cô gái có “phoóc” người đẹp như một vũ nữ, trên khuôn mặt trái xoan là chiếc mũi thẳng, cao vừa phải, đôi môi đỏ mọng như quả anh đào chín, cặp mắt hơi dài luôn mở to trong sáng, ánh mắt nhìn tình cảm nhưng nghiêm nghị; thân mật, dịu dàng nhưng không lẳng lơ.
- Thưa, dì kêu con?
- Ờ, Xuân nè, ngài đại úy cảnh sát đây có việc nhờ đến tài năng của con giúp đỡ. Dì đã đồng ý với ngài là để con giúp. Nhưng con có quyền tự quyết, dì không cản.
- Dạ, xin đại úy cho phép – Xuân khép nép ngồi xuống salon.
Cố lấy giọng của kẻ có quyền thế, Triệu nói nhỏ đủ nghe:
- Cô Xuân à, cô biết tên tướng cướp Bạch Hải Đường chứ?
- Dạ, thưa đại úy em có nghe nói.
- Hắn là tên cướp đặc biệt nguy hiểm cho sự bình an của chính thể Việt Nam cộng hòa. Lực lượng cảnh sát Long Xuyên chúng tôi đã nhiều lần vây bắt hắn nhưng hắn đều thoát. Qua nghiên cứu cá tính và sở thích của hắn. Chúng tôi biết tên này đặc biệt thích gái đặc biệt là gái đẹp. Hắn ít chữ nhưng tán gái giỏi, đó là điểm yếu duy nhất của Bạch Hải Đường, chúng tôi đưa cô về Long Xuyên, cô sẽ vào khách sạn Thái Bình, và ở đó cô sẽ có dịp gặp gỡ làm quen với Bạch Hải Đường. Nhiệm vụ bước đầu là như vậy, sau đó chúng tôi sẽ trao đổi thêm. Với cô, một hoa hậu lại là người được bà chủ Lệ Thi đặc biệt quý mến, vì thế mọi đền bù đều không có giới hạn. Chỉ có thể nói trước với cô rằng: Một cú điện thoại của cô báo tin Bạch Hải Đường đến, là cô có 10 vạn đồng. Nếu cô trói được Đường bằng vòng tay của cô, cô sẽ có 4 triệu đồng và có một chuyến du lịch Singapore hay Hồng Công.
Thật là một hợp đồng hấp dẫn và ngon ăn, tuy nhiên kinh nghiệm của nghề nghiệp cho Xuân thấy không bao giờ vội vã nhận lời. Phải biết kiêu kỳ cho đúng giá trị của bản thân.
- Thưa đại úy, tôi xin phép trả lời đề nghị của đại úy vào sáng mai. Có lẽ dì Lệ Thi chưa giới thiệu tôi với đại úy, tôi còn má già 60 tuổi, hoàn toàn trông vào đồng lương hàng ngày của tôi.
- Cô khỏi lo – Triệu nói ngay – Kể từ lúc cô rời Cần Thơ về Long Xuyên, sẽ có người đến hầu bà. Chi phí tôi sẽ tính.
Xuân cúi đầu im lặng vì không còn cách nào có thể viện lý do từ chối được nữa. Lệ Thi khẽ khàng:
- Con cứ đi giúp đại úy, không phải suy tính gì cả – Quay sang Triệu, mụ nói thêm – Xin nói trước để đại úy rõ, đây là cô gái số một của em, và không phải bất cứ ai – cho dù là tỉ phú – có thể được Xuân tiếp rượu. Cô ấy có tâm hồn của nghệ sĩ đó.
Triệu gật đầu đồng ý nhưng trong lòng thầm nghĩ: Chả có đứa con gái nào lọt vào nhà chứa mà hiền lành tử tế cả. Chúng chỉ là bọn thích ăn diện và lười chảy thây chảy xác. Mọi hình thức bề ngoài chỉ là cái áo che đậy một tâm hồn bệnh hoạn, một suy nghĩ đơn giản – Tiền! Đó là mục tiêu của chúng.
Không phải đợi đến hôm sau mà ngay chiều hôm đó, Triệu đưa Xuân về Long Xuyên đưa Xuân đến khách sạn Thái Bình, gặp chủ khách sạn, kèm theo lời giới thiệu ngắn gọn.
- Đây là cháu gái tôi, rất mong ông coi cô Xuân cũng như những cô gái mà ông yêu quý.
- Xin lĩnh ý ngài trung Tá. Dạ, xin ngài cứ yên tâm chẳng hay ngài muốn để cô cháu làm việc gì ở đây ạ?
Trung tá Vĩnh nheo mắt:
- Tùy ông thôi, nhưng tôi có cảm giác nếu để cháu làm việc gì tiếp xúc nhiều với khách hàng thì hợp với nó hơn.
Chủ khách sạn tròn mắt ngạc nhiên trước lời nói của Trung tá Vĩnh, nhưng hắn không dám nói. Để tiếp xúc nhiều với khách thì chỉ có làm bồi bàn, rồi ngồi kề đùi kề vế với đám đàn ông, cốt làm sao cho họ nốc càng nhiều rượu càng tốt, bất đắc dĩ lắm các cô gái mới chịu đi làm việc mồi chài khách. Vậy mà sao ngài tỉnh trưởng lại muốn cho cháu gái làm việc đó.
Xuân quả là một cô gái có sắc đẹp hiếm có. Kể từ ngày có cô, khách sạn tươi mát hẳn lên. Trong phòng bar rộng lớn ở tầng trên khách sạn, cô ta đi tới dâu là muôn ánh mắt thèm khát nhìn theo. Bàn tiệc nào được cô ta đến ngồi, nán lại năm mười phút, mời khách uống rượu bằng giọng nói êm dịu. lịch sự, điểm vài câu tiếng Anh phát âm rất chuẩn, là coi như hạnh phúc lắm rồi. Xuân về khách sạn mới có chục ngày mà tiếng tăm cô đã bay khắp Long Xuyên, doanh thu của khách sạn tăng vọt và lương của cô cũng tăng gấp rưỡi so với người cùng làm.
Vào khoảng nửa buổi sáng của ngày thứ ba, đó là lúc vắng khách nhất trong ngày, Xuân đang ngồi nói chuyện tầm phào với mấy chị em cùng làm thì có hai người khách bước vào. Người đi trước bé nhỏ, mặc bộ ký giả màu ghi đá may rất khéo, ôm gọn lấy thân hình tròn lẳn, mái tóc dài vừa phải được xẻ ngôi giữa làm cho khuôn mặt bầu bầu có cái trán cao càng tăng thêm vẻ khôi ngô lịch thiệp. Người đi sau to lớn, có nước da ngăm đen, mái tóc xoăn tít, có cái nhìn sắc sảo và lạnh như thép. Ngay từ lúc bước vào khách sạn, ánh mắt đó đã lướt qua mặt các nhân viên, sục sạo vào phía trong quầy rượu – Đó là Bạch Hải Đường và Tư Đen. Họ ngồi vào phía góc trong của phòng, quay mặt ra ngoài đường.
Xin hai ly cà phê đen đặc biệt – Đường nói vừa đủ nghe khi một cô gái phục vụ đem thực đơn tới. Hai tay chống cằm. Đường ngồi nhìn như xoáy vào các cô gái và ánh mắt dừng lại rất lâu vào Xuân. Từ lúc Đường và Tư Đen vào, tự nhiên Xuân có linh cảm là lạ. Cô len lén theo dõi hai người, nhất là người bé nhỏ. Những nét nhận dạng về Đường lần lượt hiện ra trong trí óc cô: cao chừng một mét sáu ba, sáu tư, người tròn lẳn, môi dày vừa phải, thoáng nhìn nom như mắt một mí nhưng thực ra là hai mí… đúng rồi! – Tóc màu đen nhạt – cũng đúng: tai to vểnh ra phía trước… phải rồi. Hay mặc đồ ký giả… gã này có bộ ký giả may rất đẹp… chắc may tiềm Sài Gòn, đi đâu hay xách catáp Nhật… súng ngắn nhét trong túi áo… không biết có không? Không bao giờ uống rượu, hút thuốc lá… cô phục vụ đem cà phê ra rồi. Có lẽ đây là Bạch Hải Đường – Xuân khẳng định rồi đứng lên đi vào phòng riêng lấy ảnh ra so sánh. Không thể nhầm được nữa. Bỗng dưng cô thấy hồi hộp, tim đập như gõ trống. Gọi têlêphôn cho Triệu ngay hay ra tiếp chuyện? Thôi tốt nhất là cứ “phôn” cho Triệu. Xuân nhấc máy quay số 0, tiếng tút… tút kéo dài báo hiệu tổng đài tự động đang rỗi. Ngón tay trỏ thon dài vừa đưa tiếp vào con số 2 thì Xuân chợt dừng lại, cô thấy tiếc rẻ khi phải gọi cảnh sát sớm quá. Bạch Hải Đường chẳng lẽ tướng cướp mà có bộ mặt hiền khô vậy ư? Phải ra nói chuyện chơi chút đã, vội gì. Mà nếu đưa được Đường lên lầu ba thì… chao ôi, bốn triệu đồng và một vé du lịch Hồng Công đâu có phải là ít. Xuân đặt máy xuống, thoa thêm ít phấn hồng, soi lại mình trong gương, rồi cố gắng giữ vẻ bình thản bước ra khỏi phòng, đến thẳng nơi Đường và Tư Đen đang ngồi. Mắt Đường sáng lên khi Xuân tiến lại!
- Anh Hai chê tiệm của em út hay sao mà chỉ xài cà phê. Xuân ngồi xuống cạnh Đường, mắt nhìn thẳng vào mặt Đường.
- Buổi sáng tôi chỉ ưa dùng cà phê – Đường trả lời rồi hỏi – Coi bộ cô mới về đây?
- Trời, chắc anh Hai là khách quen của khách sạn?
- Đúng, mới cách đây nửa tháng, tôi tới nghỉ ở đây lúc đó đâu thấy cô.
- Dạ, em mới về, kêu tên em là Mỹ Hoa nghen!
- Chà tên đẹp quá ha! Tên đẹp như người – Đường thốt lên.
Xuân hơi cúi đầu ngượng ngịu:
- Anh Hai, đừng dỡn em út, còn anh Hai kêu tên gì?
- Tên là Hai, cứ gọi vậy được rồi – Đường nói rồi liếc mắt ra hiệu cho Tư Đen uống nốt ly cà phê và đi ra cửa.
- Em uống chút gì với anh cho vui – Đường đề nghị.
- Cho em xin một ly Mactini.
- Cho một ly Mactini – Đường lên tiếng gọi.
- Anh Hai coi bộ là ký giả? – Xuân gợi hỏi, Đường cười: “Nụ cười đặc biệt hiền lành và dễ tin”- Xuân nghĩ.
- Anh đi chạy mánh kiếm sống chớ đâu có biết ký giả, ký thiệt. Thấy bộ đồ đẹp thì mua mặc chơi.
Rất tự nhiên, Đường cầm bàn tay trắng nõn của Xuân lên ngắm nghía.
- Tiếc thiệt, bàn tay này mà phải đi vô nhà hàng, em không học đàn dương cầm sao?
- Nhà em nghèo mà anh Hai.
- Anh muốn bàn tay em đẹp thêm, em ưng chớ?- Đường mạnh dạn hỏi. Xuân hơi ngơ ngác:
- Em không hiểu ý anh Hai.
- Em nhắm mắt lại.
Xuân nũng nịu ngả đầu vào vai Đường, mắt nhắm lại trong lòng thầm nghĩ: “Một anh chàng dại gái, cả tin đến khờ khạo thế này mà sao cảnh sát mãi không tóm được. Kể ra phải nạp anh ta cho Triệu cũng tiếc đấy”. Đường mở catáp lấy ra một chiếc nhẫn một chỉ vàng có nạm mặt đá xaphia xanh Ấn Độ, khéo léo xỏ vào ngón tay Xuân:
- Trời!- Xuân mở mắt và thốt lên – Anh Hai cho em út quà lớn quá ha!
- Có chi đâu, để kỷ niệm buổi gặp gỡ mà. Nè Mỹ Hoa, em thuê cho anh một phòng trên lầu ba, rồi em lên đó với anh chớ?
- Dạ!- Xuân nói nhỏ ưng thuận rồi gọi người:
- Anh Hai đây muốn một phòng thượng hạng trên lầu ba.
Trở về phòng, Xuân quay têlêphôn cho Triệu và nói ngắn gọn: “20 phút nữa, đại úy tới. Đường mặc đồ ký giả màu ghi”. Đặt máy xuống, Xuân lấy gói thuốc ngủ bỏ vào xách rồi đi lên lầu.
(Phần tiếp theo mời quý độc giả đón đọc vào 7h sáng mai 11/2 trên Tin tức Việt Nam)

Hé lộ những bí ẩn về tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 5)

07:00 11/02/2018

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ký đặc biệt về cuộc đời của tướng cướp Bạch Hải Đường vào lúc 7h sáng hàng ngày.



cuoc-chien-dau-voi-tuong-cuop-bach-hai-duong-ky-v
Ảnh minh họa
Quá mê mẩn trước sắc đẹp của Mỹ Hoa nọ, Bạch Hải Đường đã phạm phải sơ suất không thể sửa chữa.Nhận được điện thoại báo, Triệu sung sướng đến nghẹt thở. Hắn ra lệnh báo động toàn bộ các trạm gác, bắt giữ tất cả những ai mặc đồ ký giả, nếu bỏ chạy cho phép bắn chết, còn đích thân Triệu chỉ huy ba mươi cảnh sát dã chiến trang bị cả súng bắn thuốc mê và trung liên cùng năm con chó đến khách sạn.
Quá mê mẩn trước sắc đẹp của Mỹ Hoa nọ, Bạch Hải Đường đã phạm phải sơ suất không thể sửa chữa, Đường không báo cho Tư Đen biết phòng sẽ thuê, vì thế khi cảnh sát ập đến thì Tư Đen lặng lẽ chuồn ngay. Ra khỏi vùng nguy hiểm. Tư Đen chĩa súng về phía khách sạn bắn hết bảy viên để báo động cho Đường. Đang đắm đuối với Mỹ Hoa, Bạch Hải Đường nghe tiếng súng, hắn vội mở cửa ngó xuống thì thấy cảnh sát đứng đầy dưới sân, mặt trước khách sạn bị vây kín. Đường chạy ra cửa sổ thấy dưới đó có những đống cát lớn, vòng quanh là bức tường thấp khoảng 2 mét, nếu vượt qua được thì coi như thoát.
- Tạm biệt em nghen, cảnh sát đến bắt anh đó. Anh là Bạch Hải Đường.Bọn Triệu chỉ chú ý canh chừng phía trước, vả lại Triệu hoàn toàn nghĩ rằng, Đường không thể nào chạy thoát khỏi khách sạn, trừ phi hắn biến thành chim, không chờ đợi đủ 10 phút, Triệu xua lính dắt chó xông lên lầu. Tuy nhiên, để đề phòng Đường bám ống máng tụt xuống phía sau khách sạn. Triệu cho hai tên đứng phục sẵn. Tình thế nguy cấp vậy mà Đường vẫn còn cố ôm hôn người đẹp.
Dứt lời, Đường bế Xuân bỏ vô phòng toalét, khóa cửa lại rồi chạy lên tầng thượng. Ý định của Đường là quyết ăn thua với cảnh sát phen này. Hai khẩu súng ngắn với hai mươi viên đạn, đủ cho Đường cầm cự và Đường tin chắc, nếu Đường nổ súng, thế nào Tư Đen cũng “chia lửa”.
Khách sạn Thái Bình có bốn tầng lầu, nếu kể cả tầng trệt là năm. Đứng trên đó nhìn được khắp thị xã Long Xuyên. Đường kéo cửa chặn lối đi lên tầng thượng. Từ trên cao Đường thấy rõ Đại úy Triệu đang đứng trên chiếc xe Zeép có gắn loa, cầm máy bộ đàm chỉ huy lính. Trút tất cả căm hờn vào nòng súng, Đường nhằm Triệu nghiến răng bóp cò. Phát đạn đi không theo ý muốn. Viên đạn bắn thủng kính chắn gió, găm vào đùi Triệu. Lập tức các cỡ súng quét lên tầng thượng rèn rẹt. Đường không kịp bắn tiếp vì đã có tiếng phá cửa sắt, hắn nã liền mấy phát súng vào cửa, rồi chạy lại phía góc sân, ở đó có sẵn hàng chậu trồng các loại cây cảnh và những chiếc ô lớn để che nắng cho cây. Ngó xuống sân sau, thấy hai tên lính đang đứng, Đường tặc lưỡi rồi nhổ chiếc ô làm dù nhảy xuống.
Hai gã cảnh sát tưởng như ngủ mê khi thấy từ trên lầu 4 một người đang rơi từ từ xuống bằng chiếc ô. Bằng sự tính toán hết sức chính xác, khi còn cách mặt đất chừng năm mét, Đường bỏ ô rơi đúng vào đống cát. Ngay khi còn nằm trên đống cát, Đường đã nổ súng. Gã cảnh sát đứng gần nhất bị vỡ mặt chết luôn. Lăn một vòng tránh đạn của gã thứ hai, Đường bóp cò, viên đạn găm trúng tay cầm súng của hắn, Đường đứng dậy chỉ có cảm giác hơi nhức ở đầu gối, nhưng không hề gì. Chỉ vài bước chân, Đường đã đến được bức tường. Nhanh như vượn, Đường nhảy lên vắt người qua lớp mảnh chai cắm chi chít… gã cảnh sát bị đạn bắn trúng cổ tay chỉ kịp nhìn thấy một màu xám bạc bay qua tường, gã đứng ngây người ra quên hết cả vết thương đang tuôn máu…
Nhìn cây ô lớn nằm chỏng chơ và tên cảnh sát bị đạn bắn giữa mặt… Xuân chợt thấy nhẹ người. Lúc này cô mới lờ mờ hiểu rằng, có một tình cảm nào đó của cô với tên tướng cướp nổi danh đang xảy ra. Nếu bữa nay, Đường bị bắt hay bị bắn chết, cô sẽ ân hận mãi.
Một ngày sau, khi dư âm về vụ Bạch Hải Đường nhảy từ lầu 4 khách sạn Thái Bình xuống vẫn còn lan truyền ở thị xã Long Xuyên và Xuân chưa kịp về Cần Thơ thì Bạch Hải Đường lại đến khách sạn đúng lúc Xuân đang trang điểm để chuẩn bị đi.Đêm hôm đó, Xuân không sao chợp mắt được. Cô cứ nằm mân mê chiếc nhẫn mà mơ tưởng tới một người con trai tuy cô mới được gặp có ít phút mà đã chinh phục trái tim của cô bằng hành động hào hiệp, quả cảm và mọi việc xảy ra như một cuốn phim chưởng nào đó.
- Chào cô Mỹ Hoa! – Giọng nói quen quen vang lên sau lưng cô. Xuân quay lại, cô há miệng định kêu nhưng Bạch Hải Đường đưa tay lên miệng cười hiền lành:
- Bữa đó tiếc quá, chưa được tâm sự nhiều với cô. Mời cô ra xe, khách sạn này không phải là tổ ấm của tôi nữa rồi.
Không kịp phản ứng trước đề nghị đột ngột của Đường, cô vội vã ra đi cùng với Đường trước bao cặp mắt ngạc nhiên và không ai để ý tới lão chủ tiệm đang quay điện thoại báo cảnh sát.
Đêm hôm đó, lần đầu tiên Xuân ngủ với một tên tướng cướp chính cống trên chiếc tàu đậu giữa sông Tiền…”.
Hiếu ngừng lời và chợt cảm thấy mình đã nói quá những điều hiểu biết về Bạch Hải Đường, anh ta ngượng nghịu:
- Xin các anh cảm phiền, dăm câu chuyện ba láp đó chắc không giúp gì được cho các anh.
Sơn lắc đầu:
- Không, có ích cả đấy, chúng tôi cần phải hiểu rõ con người hắn. Sau ngày giải phóng, Đường ở đâu? – Sơn hỏi.
Hiếu khẽ thở dài:
- Trước khi tôi được gọi tập trung học tập, Đường có đến thăm và đưa cho vợ tôi năm cây vàng rồi bỏ đi đâu mất. Tôi cứ nghĩ chú ấy đã qua Thái Lan hoặc Malaysia. Không dè…?”.
***
Đêm đã khuya lắm rồi mà Thiếu tá Năm Sang vẫn không sao ngủ được, hai mí mắt nặng trĩu cứ sập xuống, nhức nhối, nhưng đầu óc lại tỉnh rụi. Có lẽ trời sắp sáng, thỉnh thoảng có tiếng rú ga gấp gáp của những chiếc xe Honda lôi vượt cầu Hoàng Diệu đi ra bến đò và những tiếng máy đuôi tôm từ dưới kênh Long Xuyên vọng lên.
Anh nhẹ nhàng ngồi dậy mở cửa đi ra ngoài ban công. Trời sáng bạc. Ngôi sao Hôm đỏ đục như mắt người mất ngủ đang nhạt dần. Có tiếng súng nổ từ xa vọng về. Năm Sang chợt đưa tay lên ôm ngực, anh thấy nhói lên tưởng như viên đạn từ tiếng nổ đó bắn vào. Lại tên nào vậy… Sang “búa” hay Thạch “râu”; Lâm “trọc” hay Bạch Hải Đường? Trước mặt anh như hiện lên tên khổ người cao lớn và bộ mặt rỗ chằng chịt của tên tướng cướp Tư “rỗ”, thủ lãnh băng cướp “Lá bùa đen”. Rồi hình ảnh Bảy Khê, thủ lãnh băng cướp “Rồng lửa”, hai tay hai súng “côn rulô” bắn trúng từng quả xoài trên cây, bắn thủng từng lon bia do bọn đàn em tung lên trời; rồi Thạch “râu” thủ lãnh băng cướp “Nhạn trắng”, bắt các cô gái ngồi vào chậu, chúng đổ bia chai vào cho tắm và cả bọn múc bia nhậu nhẹt… Nhưng đọng lại vẫn là tên tướng cướp Bạch Hải Đường “Tên tướng cướp trí thức”, “Tên cướp huyền thoại”, “Tên cướp số một”, “Tên cướp của thế kỷ XX” – Đủ các danh hiệu mà bọn lưu manh du đãng đặt cho hắn. Bữa trước, khi tổ chức tang lễ cho đồng chí Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế – Công an Tân Phước bị hy sinh trong khi vây bắt bọn cướp. Năm Sang đã dẫn hầu hết số trinh sát của đội trọng án và thường án xuống viếng. Trước vong linh người đã khuất, anh đã thề sẽ cùng đồng đội dẹp hết các băng cướp ở đất Long Xuyên, đem lại sự bình an cho dân. Đưa đám xong, một ông già đến gặp Năm Sang, ông hất hàm:
- Nè, mày còn nhớ tao không?
Năm Sang ngẩn người ra một lúc lâu mà vẫn không nhớ nổi:
- Đó, thấy chưa – Ông cười – Tụi bay thành quan cách mạng hết rồi. Nè, hồi bảy hai, ai đưa chú mày vượt sông Hậu?…
- Trời, chú Bảy – Năm Sang thốt lên, anh ôm lấy ông già hồi trước vẫn đóng xuồng ba lá đưa anh đi công tác.
- Chú tha lỗi cho con…
- Nói vậy thôi, chớ tao biết tụi bay bận việc. Nè, tao hỏi thiệt – Ông nhìn thẳng vào Năm Sang, ánh mắt giận dữ – Tụi bay có thương bà con không hả?
- Dạ, thưa chú Bảy, tụi con làm điều chi sai, chú Bảy cứ dạy.
Ờ, ngày xưa, bà con, cô bác đùm bọc cho tụi bay để tụi bay đánh Mỹ ngụy. Đất nước thống nhất rồi, sao tụi bay để ba cái thằng cướp nó hoành hành dữ quá. Ban đêm dân không dám ra đường, đàn bà con gái không dám mặc cái áo đẹp. Mà nói chi dân, đến công an tụi bay còn bị cướp đánh chạy tứ tán. Bữa qua ở thị trấn, hai công an tụi bay, thấy cướp giật đồng hồ chạy, không dám hó hé… Năm Sang, lá gan của mày bé bằng lá đa quá. Khi cướp đến thì chả thấy công an đâu, khi cướp đi thì cảnh sát mũ mãng nghiêm chỉnh, kéo nhau vô quán…
- Thưa chú, tụi con đâu có dám biếng nhác, ngơi nghỉ một ngày, một giờ. Ngặt vì dẹp không xuể. Ngày xưa chú còn lạ gì đất An Giang này. Tụi con đánh cũng hết mình lắm chớ.
Năm Sang kéo Sơn, Kha, Quân, Minh và một số anh em lại gần:
- Chú coi, chúng nó sức vóc thế này, tuổi mới 19, 20 mà đây nè. Thằng Sơn đây, bắt Tư “rỗ”, bắt Bảy Khê, thằng Quân đây đánh gục Sáu “đầu bò”, thằng Kha đây bắt sống Lãng “xì ke”… Giờ chỉ còn Bạch Hải Đường… Dạ, thế nào tụi con cũng nắm đầu nó đưa về cho chú và bà con coi đó.
Ông Bảy tươi nét mặt:
- Thôi, đừng giận qua nghe, bực quá, nói xằng dăm câu. Nè, Năm Sang đây biết qua là người thế nào, chớ các chú thì chưa biết. Trong đám bay, thằng nào giỏi võ, thử với qua một chút coi.
Ông quay qua Năm Sang:
- Hay bữa nào tao về chỗ mày, có ít miếng võ ông cha để lại phòng thân, tao truyền cho tụi bay.
- Dạ, thưa chú Bảy, nếu chú ưng, ngày mai con sẽ cho anh em đến học.
Thấy Năm Sang và anh em cảnh sát hình sự nói chuyện với ông Bảy, bà con Tân Phước xúm đến. Thôi thì đủ các thứ đề nghị, yêu cầu, thậm chí có người còn kêu: “Nói ông Mười Việt đuổi Trưởng Công an huyện về nuôi heo”.
Nhớ lại buổi đó, Năm Sang thấy ấm lòng, và anh nhớ tới lời Bác Hồ: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Quả thật, không có bà con, cô bác giúp một tay thì ba mươi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hình sự chớ đến ba trăm người cũng chưa chắc làm được trò trống gì. Ôi, cái khó của thời bình cũng phức tạp lắm, dù nó không phải suốt ngày đêm chui trong hang núi, bom đạn địch đánh đất đá tơi như bột, đêm chịu đói băng đồng lội rạch đi móc nối cơ sở. Cái khó bây giờ nói chung cũng ly kỳ, không kém gì khi đối mặt với kẻ thù.
Năm Sang quay trở vào nhà, anh bật đèn rồi mở tủ lấy ra tập hồ sơ về Bạch Hải Đường từ thời ngụy để lại. Nhìn tấm hình Bạch Hải Đường đầu cắt cua, hai con mắt tròn thô lố mở to như thách thức và khắp người xăm chằng chịt đủ thứ, chữ nghĩa và hình chim cò, rồng rắn. Năm Sang thấy ghê ghê. Quả là chỉ có chế độ như chế độ cũ mới sản sinh ra được những loại người thú quái đản này. Hừ, nếu chế độ cũ đẻ ra tướng cướp Bạch Hải Đường, Tư “rỗ”, Bảy Khê… thì cách mạng đã có những con người như Phạm Thanh Sơn, Bùi Hữu Kha, Võ Thái Quân, Hoàng Minh, Trường Thanh… và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác của Phòng Cảnh sát hình sự, để chấm dứt sự tồn tại của chúng.
Hồ sơ về Bạch Hải Đường do cảnh sát chế độ cũ để lại không nhiều, nhưng nếu đọc hết thì cũng thấy khá rõ được sự thực của hắn.
Bạch Hải Đường sinh tháng 6-1950 và có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Truyện , tuổi Canh Dần và là con cả. Dưới Truyện còn có 4 cô em gái nữa. Tuổi thơ của Bạch Hải Đường là cả một chuỗi ngày vất vả. Mới chỉ 6 tuổi, Bạch Hải Đường đã phải kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng cách đi nhặt vỏ chai, lon bia… Và có thể nói, cuộc sống giang hồ bắt đầu đối với hắn là ngay từ tuổi ấu thơ. 13 tuổi, Bạch Hải Đường đã phải đi làm phụ giúp cho lơ xe chính trên các chuyến xe đò của Hãng Tam Hữu chạy từ Long Xuyên về Sài Gòn… Chính do cuộc sống lang thang và đụng chạm với đủ loại người thuộc tầng lớp đáy của xã hội, đặc biệt là cám băng nhóm trộm cắp, cướp giật, cho nên Bạch Hải Đường sớm trở thành kẻ mưu mẹo, lì lợm, lạnh lùng, và không từ bất cứ thủ đoạn nào để kiếm được miếng ăn. Ngoài học võ Thiếu Lâm của ông Sáu Giảng, Bạch Hải Đường còn học võ ở nhiều lò khác thuộc các tỉnh miền Tây. Khi lâm trận, Bạch Hải Đường không múa may hoa mỹ mà thường dùng các ngón đòn độc để hạ đo ván đối thủ.
Năm 19 tuổi, Bạch Hải Đường đã lấy vợ. Người vợ đầu tiên của Đường tên là Hồ Thị Lãnh và sau đó theo vợ về sống tại Thốt Nốt (Cần Thơ). Tại đây, Bạch Hải Đường làm nghề chạy xe lôi và thi thoảng lại phải trốn chui, trốn lủi để tránh bắt quân dịch. Hai đứa con trai lần lượt ra đời chỉ trong 2 năm và những năm tháng vất vả kiếm sống nuôi con này của Bạch Hải Đường lại là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời, bởi hắn sống bằng chính mồ hôi của mình.
Khoảng đầu năm 1970, Bạch Hải Đường lại đưa vợ con về Long Xuyên và vẫn hành nghề chạy xe lôi. Nhưng cũng từ ngày về Long Xuyên, Bạch Hải Đường đã gặp một số đại ca có máu mặt tại đây như Nguyễn Văn Năng, Tư Đen… Cả bọn kết thân với nhau và chúng tôn Bạch Hải Đường lên làm thủ lĩnh… Và ngay sau đó, nhóm này đã gây ra hàng chục vụ trộm cướp ở Long Xuyên. Chúng đột nhập vào nhà những nhân vật tai to mặt lớn trong chính quyền, những đại gia, rồi cả nhà của cảnh sát, sĩ quan quân đội, dân biểu hạ viện, rồi đột nhập cả kho xăng, căn cứ quân sự… Chúng lấy từ tivi, tủ lạnh, xe máy, tiền bạc, tư trang, cho tới cả những chiếc máy xay sinh tố… Nghĩa là chúng lấy tất cả những gì có thể mang đi được, và bán được. Có thời gian như tháng 5-1971, Bạch Hải Đường và đồng bọn lấy được 20 chiếc xe máy. Tháng 6-1971, một tên trong nhóm bị bắt, Đường phải ẩn náu một thời gian ngắn, rồi tiếp tục hành nghề. Bạch Hải Đường đã thực hiện nhiều vụ trộm nổi tiếng và mang tính chất “trêu ngươi” chính quyền và cảnh sát. Đó là vụ đột nhập nhà Lê Phước Sang, dân biểu hạ viện Sài Gòn; nhà Nguyễn Văn Triệu, Phó chỉ huy Cảnh sát thị xã Long Xuyên… Trong quãng thời gian tung hoành ở An Giang, Bạch Hải Đường gặp một người phụ nữ có tên là Nguyễn Thị Lệ và yêu nhau say đắm. Từ khi gặp Lệ, Bạch Hải Đường quên phắt người vợ cũ và lao vào cuộc tình mới như thiêu thân say ánh đèn. Lệ quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Khoảng năm 1972, Lệ lúc đó mới 21 tuổi và là cô gái rất đẹp. Lệ và Đường yêu nhau theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Hai người có với nhau một đứa con trai và đặt tên là Trò. Lệ yêu Bạch Hải Đường mãnh liệt và rất thương Bạch Hải Đường, nhưng lại là cô gái có máu ghen khủng khiếp. Chính vì máu “Hoạn Thư” này mà Lệ đã lấy trộm một khẩu súng của Đường rồi đem tố cáo với Đại úy Cảnh sát Nguyễn Văn Triệu, để Triệu tổ chức vây bắt Đường. Sau cái lần phản bội đó, cuộc tình của hai người chấm dứt.
Anh lật giở từng trang bản khai của Bạch Hải Đường khi bị cảnh sát ngụy bắt trước đây. Bản khai các vụ cướp của Bạch Hải Đường rất ngắn gọn – Năm Sang thầm nghĩ – Tên hỏi cung này chắc hài lòng, vì có một đối tượng “ngoan” thế này:
- Hỏi: Anh có cướp nhà ông Trần Sơn, là dân biểu ở Cần Thơ không?
“Trả lời: Có
“Hỏi: Anh lấy đi bốn mươi lượng vàng?
“Trả lời: Đúng
“Hỏi: Số vàng đó để ở đâu?
“Trả lời: Xài hết rồi…”.
Khủng khiếp thiệt – Năm Sang lẩm bẩm – Hắn cướp ngót một ngàn xe Honda, hàng trăm lượng vàng… vậy tiền vàng hắn để đâu cho hết.
Mà theo anh biết, Bạch Hải Đường hầu như không bao giờ ném tiền vào các cuộc nhậu nhẹt, chơi bời. Trên đời, gái là thú vui duy nhất của hắn, và nếu là loại “bóc bánh trả tiền” cũng chỉ được hắn trả cao lắm 5 chỉ vàng cho một ngày đêm.
Gập lại tập hồ sơ về Bạch Hải Đường, Thiếu tá Năm Sang bỗng nhớ tới một người, đó là Thượng úy Phạm Thanh Sơn, Đội trưởng Đội Trọng án. Ông tự hỏi mình, không biết giờ này Sơn đang ở đâu? Nghĩ đến Phạm Thanh Sơn, trong ông bỗng dấy lên một cảm xúc khó tả… Đó là sự lo lắng, thương yêu và xen lẫn chút cảm phục.
(Phần tiếp theo mời quý độc giả đón đọc vào 7h sáng mai 12/2 trên Tin tức Việt Nam)

Hé lộ những bí ẩn về tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 6)

07:00 12/02/2018

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ký đặc biệt về cuộc đời của tướng cướp Bạch Hải Đường vào lúc 7h sáng hàng ngày.



he-lo-nhung-bi-an-ve-tuong-cuop-bach-hai-duong-ky-1
Diễn viên Thương Tín - người nổi tiếng với vai tướng cướp Bạch Hải Đường
Đoàng! Đoàng…! Đoàng! Ba phát đạn vang lên. Trượt rồi, Thanh nghiến răng thầm nghĩ. Chiếc xe loạng quạng bên trái, có tia chớp từ phía sau xe, Thanh lăn người tránh luồng đạn thẳng căng bắn gần, đạn cày văng cả nhựa đường ném vào mặt anh.Ông không bao giờ quên được vào một ngày cuối năm 1978, anh Tám Liễn, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ của Công an tỉnh dẫn đến phòng một thanh niên chưa đến 20 tuổi, nhưng lại có gương mặt khá già dặn, từng trải và trong cách nói chuyện thì ngay từ đầu đã tỏ ra người có nhiệt huyết. Phạm Thanh Sơn – tên người thanh niên đó – có một lý lịch đáng tự hào.
14 tuổi Sơn đã đi làm giao liên cho Cơ quan Trung ương Cục. Phạm Thanh Sơn được kết nạp Đảng trước tuổi quy định 2 năm và đã được thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen. Sơn được cấp trên chú ý đưa vào diện cán bộ có khả năng phát triển và đưa đi học văn hóa. Nhưng đang học thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Sơn và nhiều học sinh khác đã bỏ học, tìm đến các đơn vị công an vũ trang và bộ đội đang chiến đấu xin nhập ngũ. Sơn làm đơn gửi Ban giám hiệu xin thôi học, nhưng ông Hiệu trưởng không đồng ý và động viên Sơn chịu khó ở lại học.
Sơn viết ba lá đơn liền, lá đơn thứ ba được viết bằng máu trích từ đầu ngón tay – Xin nhập ngũ nhưng vẫn không được. Đúng lúc đó, có một người bạn tên là Tâm, đang là Công an vũ trang chiến đấu ở Tịnh Biên đưa Sơn đến Công an tỉnh An Giang, gặp Giám đốc Mười Việt. Nghe Sơn trình bày nguyện vọng xong, Giám đốc Mười Việt đồng ý ngay và bảo đồng chí Tám Liễn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ làm thủ tục tiếp nhận.
Đọc hồ sơ của Phạm Thanh Sơn, đồng chí Tám Liễn mừng lắm vì thấy quá trình công tác của anh rất tốt. Còn Sơn thì khấp khởi mừng thầm vì tin chắc sẽ được vào Công an vũ trang, đi chiến đấu với bọn quân Pol Pot. Nhưng sau khi có quyết định tiếp nhận, lãnh đạo Công an tỉnh lại đưa Sơn đi học Trường Đảng 6 tháng, với ý định bồi dưỡng cho anh trở thành cán bộ nguồn.
Nhận được thông báo Phạm Thanh Sơn tiu nghỉu, anh chạy lên gặp Tám Liễn và nằn nèo xin đi chiến đấu. Và Sơn cũng bộc lộ luôn ý định là, nếu không được đi chiến đấu thì lại “chạy” sang đơn vị khác. Nghe Sơn nói, đồng chí Tám Liễn hỏi: “Cậu muốn đi chiến đấu, thôi được. Tôi sẽ điều cậu về Phòng Cảnh sát hình sự”. Sơn ngơ nghác hỏi lại: “Cảnh sát hình sự là cái gì?”. Đồng chí Tám Liễn bật cười, giải thích: “Đó là đơn vị cảnh sát chuyên đấu tranh, bắt bọn tội phạm giết người, cướp của, trộm cắp…”.
Sơn vò đầu: “Không, ý tôi là xin đi chiến đấu ở biên giới. Còn nếu các chú không đồng ý, cho tôi xin lại hồ sơ”. Nghe nói vậy, đồng chí Tám Liễn nghiêm mặt: “Đồng chí là Đảng viên phải không?”. Sơn giật mình: “Vâng, nhưng sao chú hỏi vậy? Trong lý lịch có ghi rồi mà?”. Đồng chí Tám Liễn vẫn nghiêm nghị, nói rành rẽ: “Đồng chí là Đảng viên, vậy không nghe sự phân công của Đảng thì nghe ai? Đảng phân công, đồng chí có chấp hành không?”.
Sơn bỗng dưng thấy sợ, anh ấp úng: “Đảng phân công thì tôi chấp hành, nhưng nguyện vọng của tôi là… vẫn muốn đi chiến đấu”. Đồng chí Tám Liễn cười: “Anh bạn trẻ ơi, không phải bỗng dưng chúng tôi muốn đưa anh bạn về đó… Nơi ấy cũng ác liệt không kém đánh giặc đâu”.
Khi Phạm Thanh Sơn về thì Thiếu tá Năm Sang cũng chỉ mới được đưa về trước đó 3 tháng để củng cố Phòng Cảnh sát hình sự đang có quá nhiều điều tiếng. Sau khi tâm sự với Sơn về tất cả những uẩn khúc của đơn vị, Năm Sang xếp Sơn làm tham mưu cho chỉ huy. Nhưng đúng Phạm Thanh Sơn sinh ra để làm Cảnh sát hình sự, nên chỉ sau vài ba lần theo anh em đi khám nghiệm hiện trường, đi truy bắt những tên cướp, anh đã bộc lộ năng khiếu hiếm có. Biết được khả năng của Sơn, Thiếu tá Năm Sang gửi anh đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn của Bộ…
Và chỉ sau một năm, Phạm Thanh Sơn đã có sự trưởng thành vượt bậc. Có năng khiếu về điều tra, lại giỏi võ và đặc biệt là Phạm Thanh Sơn không ngại trước bất cứ khó khăn gian khổ nào, cho nên anh sớm trở thành một Cảnh sát hình sự được anh em nể trọng.
Vào thời điểm này, các vụ trộm cướp ở An Giang xảy ra liên tục, nhưng Cảnh sát hình sự chỉ tìm được các vụ lặt vặt, còn những vụ lớn, nhất là các vụ do Bạch Hải Đường gây ra thì không có tăm hơi gì. Sau khi họp rút kinh nghiệm, mọi người thấy kết quả phá án thấp là do không có mạng lưới cơ sở bí mật.
Từ nhận xét đó, Phạm Thanh Sơn đã đề nghị chỉ huy cho anh được “xã hội hóa”, để có thêm sự hiểu biết về thế giới tội phạm ở An Giang. Sau khi bàn đi tính lại và được sự đồng ý của Giám đốc Mười Việt, kế hoạch của Sơn được thực hiện. Anh xâm nhập vào các băng du đãng ở Long Xuyên với biệt danh “Năm Nhỏ”, và nhanh chóng trở thành đại ca của chúng…
Đang mải nghĩ về Sơn, chợt có tiếng chuông điện thoại réo vang. Năm Sang cầm máy:
- Alô! Năm Sang nghe đây!
Từ đầu dây bên kia Phạm Thanh Sơn nói như reo:
- Trời, chú Năm không ngủ sao mà tới máy lẹ vậy?
- Sơn đó hả, nào có gì mới không?
- Báo cáo chú, một cơ sở vừa tới báo khoảng 3 giờ bọn Bạch Hải Đường cùng Tư Đen sẽ đến cướp nhà ông Phú, chủ tiệm cầm đồ Như Ý. Chú liệu tính ngay, còn sáng tụi tôi sẽ về.
Năm Sang đặt máy xuống rồi anh quay lại điện thoại xuống trực ban:
- Alô, trực ban đấy hả? Báo động toàn đơn vị. Trừ nuôi quân, văn thư, còn tất cả tập trung tại phòng họp. Mặc cảnh phục, mang súng, đèn pin, đội xe chuẩn bị hai xe Zeép và tất cả số xe Honda.
Anh bước lại gần tấm bản đồ có ghi các số nhà trọng điểm cần phải chú ý bảo vệ, xây dựng màng lưới cơ sở quanh đó, nhưng nhìn đi nhìn lại mãi vẫn không thấy tiệm cầm đồ Như Ý nằm ở đâu – không lẽ anh em lại bỏ sót! Không thể sót được – Anh khẳng định, suốt hai tháng trời cật lực, anh em đội trọng án mới làm nên được tấm bản đồ này, mức độ chính xác của nó đã làm trưởng công an các phường khác phải kinh ngạc. Anh nhìn như dán mắt vào tấm bản đồ.
Không, đúng là có tiệm cầm đồ Như Ý, anh đã có làn nghe nói tới cái tên đó, Năm Sang bóp trán như muốn nặn trong óc ra cái địa chỉ đơn giản ấy. Ai nói đến tiệm nhỉ? – Hình như năm 1978, ở đó đã xảy ra vụ buôn vàng? Báo cáo tại buổi giao ban… hai trinh sát của Phòng Cảnh sát kinh tế phục ba ngày… một được thưởng… có ông làm ở tòa án tỉnh chạy… Giám đốc nổi nóng… ông cán bộ tòa án biếu tiền… chủ tiệm cầm đồ Như Ý…
Tiệm hớt tóc Như Ý nằm ở đường Nguyễn Huệ, tiệm may Như Ý nằm ở ngã tư vào chợ Long Xuyên; tiệm sửa chữa xe máy Như Ý nằm đồi diện với Công an phường Mỹ Phước. Còn gì Như Ý nữa, à tiệm uốn tóc Như Ý ở cạnh Trường THCS Hoàng Diệu… À, thôi nhớ ra rồi. Người phát hiện ra ông chủ tiệm cầm đồ Như Ý là Phó Công an phường Tân Thành, vì nhà ông ta ở đối diện với công an phường…
Nghĩ tới đó, Năm Sang lại ngẩn người: Bạch Hải Đường đâu có phải là thằng ngu mà tổ chức cướp một nhà ngay cạnh Công an phường, thiếu gì nơi cho chúng cướp. Liệu có phải cơ sở cho Sơn “leo dây” không? Tại sao cơ sở ở Tân Phước lại biết Đường cướp ở Long Xuyên, hai địa điểm cách nhau 60 cây số! Vả lại, Bạch Hải Đường vốn là tên thận trọng, thường thường các vụ cướp chỉ có hắn vơi Tư Đen biết, bọn đàn em chỉ làm nhiệm vụ yểm hộ, hoặc gây “nhiễu”… những loại đệ tử làng nhàng còn ít tên biết mặt Đường.
Vậy sao một cơ sở loại 3 của Sơn lại biết. Hay là… hay là Đường dùng kế “điệu hổ ly sơn” hắn tung tin cướp nơi này nhưng làm ăn nơi khác… Có thể lắm. Vậy thì, phải làm gì bây giờ? Trước hết vẫn phải đảo qua tiệm cầm đồ Như Ý. À thôi, không cần – Năm Sang quay điện thoại đến phường Tân Thành.
- Alô, trực ban Công an phường Tân Thành nghe đây!
- Tôi Năm Sang, Cảnh sát hình sự đây. Tình hình địa bàn phường từ tối tới giờ có chuyện gì xảy ra không?
- Thưa thủ trưởng, không ạ.
- Đồng chí để ý tới tiệm cầm đồ Như Ý, coi có sự gì khác biệt không?
- Dạ, tôi ngồi đây vẫn trông rõ chữ “Tiệm cầm đồ Như Ý”, báo cáo thủ trưởng, mọi việc bình thường. Có chuyện gì vậy?
- Đồng chí báo cáo với sĩ quan, trực chỉ huy lấy một tổ ba người đi tuần ngay quanh khu vực tiệm cầm đồ. Sau đó chốt ở ngã ba cầu Sỏi giữ lại tất cả người đi xe qua, kiểm tra giấy tờ và nhớ mang theo hình Bạch Hải Đường để nhận dạng. Chúng tôi sẽ đi kiểm tra.
- Báo cáo rõ ạ!
Đặt máy xuống, Năm Sang thoáng suy nghĩ về phương án tác chiến rồi mặc quần áo đi lên phòng họp. Anh em cán bộ, chiến sĩ vừa tập hợp xong. Bùi Hữu Kha đứng nghiêm:
- Báo cáo đồng chí Thiếu tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Tôi Chuẩn úy Bùi Hữu Kha, sĩ quan trực chỉ huy, tập hợp đơn vị theo lệnh đồng chí. Tổng quân số 28, có mặt 20, đồng chí Sơn và Minh B đi công tác, bốn đồng chí ở tổng hợp, nội cầu và hồ sơ lưu trữ về nhà riêng, hai đồng chí đi lãnh vật tư ngoài Bộ B chưa về, tất cả đã sẵn sàng xin ý kiến đồng chí.
Nghe giọng báo cáo nghiêm trang, rắn rỏi của Kha, Năm Sang hài lòng. Anh lướt nhìn qua các khuôn mặt trẻ trung, có anh còn ngái ngủ. Ánh mắt dừng lại ở chỗ nữ đồng chí Thiện, nhân viên trực ban:
- Đồng chí Thiện bắt cướp luôn chớ?
- Báo cáo thủ trưởng, chỉ sợ thủ trưởng chê con gái thôi ạ – Thiện vui vẻ.
- Thôi, đùa chút chơi, đồng chí có thể về nghỉ.
- Dạ, báo cáo…
- Tôi hiểu – Năm Sang ngắt lời – Chưa đến lúc “nữ tướng” phải xuất trận, bao giờ có tướng cướp nào cao thủ, cô sẽ đi.
Nghe Năm Sang nói, anh em cười ồ lên, tiếng cười làm họ tỉnh táo hẳn. Năm Sang đến sa bàn nổi, nghiêm giọng:
- Như thế này các đồng chí ạ. Trinh sát của ta vừa tin về, tối nay tụi Đường, Tư Đen tính cướp tiệm cầm đồ Như Ý, nhưng đó chỉ là thủ đoạn đánh lừa. Rất có thể chúng sẽ làm ăn ở nơi nào đó trong thị xã này. Vì vậy ngay bây giờ, ta chia làm sáu tổ, hai tổ đi xe Zeép, bốn tổ đi xe Honda, đến các địa bàn trọng điểm, theo phương án 1 đã được tập dượt. Tôi sẽ đi với tổ hai. Các tổ nhớ đem theo máy bộ đàm và kiểm tra máy trước khi đi. Có vậy thôi, năm phút nữa lên đường. À, Võ Thái Quân phát ảnh Bạch Hải Đường và Tư Đen cho tất cả tổ. *** Võ Thái Quân cùng Minh A và Trường Thanh đi một tổ. Minh A và Quân đi chung một xe Honda, còn Thanh đi xe Breston. Gió lướt ào bên tai, hai chiếc xe ngon trớn nối đuôi nhau ra thẳng con đường đi về Cần Thơ. Đến khu vực cửa ngõ thị xã, Quân cho xe chạy chậm và vòng qua bốn gia đình được ghi vào danh sách là hộ lắm của nhiều tiền. Tất cả vẫn yên lặng, giấc ngủ về sáng bao giờ cũng ngon. Không ai có thể biết trong lúc đó, cả Phòng Cảnh sát hình sự đang chia nhau đi bảo vệ cho họ. Kiểm tra xong, thấy yên ổn. Quân cho chốt lại bên đường. Ba anh em đứng dưới gốc một cây điệp to. Trên cây có con tắc kè, thỉnh thoảng lại rúc lên: Tắc kè…è! Tắc… kè… è! Quân đếm tiếng tắc kè kêu thấy chẵn, anh bảo:
- Chẵn mưa, thừa nắng, tắc kè nó báo đó, các cậu tin không?
Minh A lắc đầu:
- Tin thế nào được. Có thuốc ngon đấy. Sài Gòn xanh hẳn hoi – Minh chìa bao thuốc ra. Quân kêu lên:
- Chà, sang quá cha nội. Thuốc ai cho đó?
- Bí mật! Cho mỗi vị một điếu, hút hết cấm xin thêm.
- Thế thì thuốc em cho rồi – Trường Thanh vui vẻ.
Quân bật công tắc máy bộ đàm:
- Alô! Tổ một đây. Báo cáo anh Năm, tình hình không có gì xảy ra. Hiện đang chốt bên lộ.
Tiếng Năm Sang nghe trong loa như ngạt mũi:
- Để máy canh. Nhớ giữ bí mật. Đứng vô bóng tối, không hút thuốc.
- Báo cáo rõ – Quân nói rồi bỏ micrô vào túi áo ngực, anh bảo:
- Đem xe vô sau gốc điệp. Nè, hôm nay mình linh cảm có chuyện gì xảy ra các cậu ạ.
- Hai giờ hai mươi rồi, chắc chả có tên cướp nào còn lần mò đi giờ này đâu – Minh A nói.
- Hừ, giờ này mới là giờ làm ăn của tụi nó, cậu không nhớ mấy vụ trước à. Nè, vụ Tư Rỗ cướp nhà Chính Tài, chủ tiệm hủ tiếu Nam Vang, vụ Thạch Râu cướp cây xăng số hai…
Quân rít nốt hơi thuốc rồi dụi vào thân cây, anh định vứt mẩu thuốc còn dài phân nửa đi, nhưng nghĩ thế nào lại đút vào túi áo, Minh A cười:
- Đó, từ ngày lấy vợ, coi bộ căn cơ dữ ha. Mẩu thuốc thừa cũng nhét vô túi.
Quân gật gù:
- Tiết kiệm là quốc sách. Một ngày lương của mình chỉ mua nổi có ba điếu thuốc, vậy tại sao lại không biết tiếc. Tôi chúa ghét mấy thằng cha làm chẳng ra xu cắc, thứ bảy, chủ nhật về lần túi vợ, vậy mà lúc nào cũng tính chơi sang. Ăn sáng phải mì bò kho, cà phê Buôn Mê Thuột thứ thiệt, hễ hút thuốc lá phải thứ có cán. À, nghe nói tuần tới Phạm Thanh Sơn đưa ra họp chi đoàn bàn về cấm nhậu nhẹt và hút thuốc hả?
Trường Thanh gật gù:
- Tớ nhất trí ngay. Chớ nhìn cảnh sát đi ra đường, mặt đỏ tía tai, miệng sặc hơi rượu… chịu không thấu. Bà con họ khinh cho. Nè, các cậu biết vụ Ba Lem nhà ta vừa nhậu say ở đồn Vĩnh Xương không?
- Sao, tớ chưa biết! – Quân nói.
- Cha nội nhậu say quá, đi bằng bốn chân. Loạng choạng thế nào, vớ được khẩu súng AK, và thế là chơi trọn cả băng, anh em đồn Vĩnh Xương hoảng tam tinh, nhảy cả xuống sông.
- Ba lem bê bết quá, hễ có rượu, bia là bữa nào cũng say. Mà đã say là bắn bậy, chửi bới tùm lum… Nghe đâu, trên tính đưa cha nội đi nơi khác. Bỗng từ tổ hợp có giọng vang lên vội vã:
- Tôi, tổ ba đang ở ô số 4 đây. Báo động, tất cả về vị trí chiến đấu, xin chi viện thêm. Tại nhà xay xát gạo Hợp Thành, ba tên đã vào nhà. Chúng tôi đang triển khai đội hình bao vây.
Tiếng Năm Sang dõng dạc:
- Tôi sẽ đến ngay. Chú ý ngăn chặn từ đầu, tổ năm, tổ sáu, dàn về quanh ô số 4. Riêng tổ hai vẫn ở vị trí cũ.
Quân nói to:
- Mình biết ngay mà. Thế nào đêm nay cũng có chuyện. Nè, Kha ở tổ hai phải không?
- Ờ, Kha, Đạt, Bình – Thanh nói – Từ ô số 4 đến mình chỉ chừng cây số rưỡi. Nếu họ nổ súng ta sẽ nghe rõ.
Vừa nói dứt lời, từ xa vọt lên trên trời đen kịt đang nổi mây mưa những tia lửa đạn đỏ rực, sau đó vài giây mới có tiếng nổ lục bục. Minh réo lên:
- Đụng rồi. Tiếng AK của thằng Kha đó.
Quân đẩy chiếc xe Honda ra dựng dưới đường, anh nổ máy sẵn, rồi lên đạn khẩu M16 nòng ngắn. Tiếng súng AK nổ rẹt từng loạt ngắn xen lẫn tiếng côn bắn phát một chắc nịch. Nghe tiếng súng cũng biết bọn cướp đã ẩn được vào chỗ tương đối an toàn. Tiếng Năm Sang trong máy oang oang:
- Các tổ ép sát vào. Cố gắng bắt sống, đừng bắn nhiều, vây chặt bên ngoài, chờ trời sáng.
Ba anh em chụm đầu vào nghe máy bộ đàm, bỗng Kha hét to:
- Nó vọt rồi. Bắn chặn ngay!
- Truy đuổi ngay – Tiếng Năm Sang – Tổ hai chú ý, bọn cướp đi một xe Honda, ba tên, có thể chạy về hướng đó.
Có tiếng xe máy rú ga dội đến, Quân quát khẽ
- Minh lên xe với tôi, Thanh chặn xe chúng lại!
Từ xa, một ánh đèn pha xé toạc màn đêm lướt như bay tới chỗ bọn phục kích. Thanh cầm đèn pin tay trái, súng ngắn cầm tay phải, đứng ra giữa đường. Không nghi ngờ gì nữa, đúng là bọn cướp chạy trốn khỏi vòng vây rồi. Chỉ có tụi chúng mới dám chạy xe đến tốc độ ghê người trong đêm thế này. Phải bắn ngay từ đầu. Trong khoảng khắc ánh đèn pha đã lao vọt tới và đằng sau là ánh đèn đỏ lừ. Tiếng còi rú của xe Zeép Năm Sang đuổi tới. Thanh mím môi, anh bắn vào phía đuôi đèn pha.
- Đoàng! Đoàng…! Đoàng! – Ba phát đạn vang lên. Trượt rồi, Thanh nghiến răng thầm nghĩ. Chiếc xe loạng quạng bên trái, có tia chớp từ phía sau xe, Thanh lăn người tránh luồng đạn thẳng căng bắn gần, đạn cày văng cả nhựa đường ném vào mặt anh. Chiếc xe vọt qua. Khẩu M16 trong tay Minh A rẹt một loạt ngắn, đạn găm xuống trước xe, trượt trên đá tóe lửa. Chiếc xe Honda của Quân chồm dựng bánh trước lên, vọt giữa đường đuổi theo.
(Phần tiếp theo mời quý độc giả đón đọc vào 7h sáng mai 12/2 trên Tin tức Việt Nam)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét