Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

ĐẠI GIA, NGÀI LÀ AI? 18

-Tỷ phú là những người thiên bẩm kiếm tiền. Họ là những con người tưởng tài giỏi nhưng thật ra là quá ngu ngốc!
-Biết vậy nhưng ai cũng thích mình ngu ngốc!!!
--------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tiểu Sử QUÁCH ĐÀM - Từ Cậu Bé Ve Chai Nhặt Rác Trở Thành Ông Chủ Chợ Bình Tây Giàu Nhất Sài Gòn Xưa

Người vô gia cư thành ông chủ khu chợ lớn nhất Sài Gòn

Quách Đàm từng phải lượm ve chai, đêm ngủ vỉa hè nhưng nhờ mánh lới làm ăn, ông mua khu ruộng hoang hóa để xây chợ Bình Tây lớn nhất Sài Gòn.


Với người dân Sài Gòn và các vùng phụ cận, cái tên chợ Bình Tây hay còn gọi là chợ Lớn mới (quận 6) thân thuộc, đầy ý nghĩa. Khu chợ sầm uất bậc nhất xứ Nam bộ là chốn đi về của hàng triệu người gần trăm năm qua.
Giữa chợ, một khu vực tĩnh lặng với 4 con rồng phun nước và 4 con kỳ lân thờ bức tượng bán thân của Quách Đàm (1863-1927), người đàn ông đã bỏ tiền xây chợ. Tiểu thương trong chợ thường xuyên lui tới hương khói, cầu buôn may bán đắt. 
nguoi-vo-gia-cu-thanh-ong-chu-khu-cho-lon-nhat-sai-gon
Chợ Bình Tây hay còn gọi là Chợ Lớn mới do Quách Đàm bỏ tiền xây dựng. Ảnh: Panoramio
Quách Đàm tên thật là Diệm, vốn người Triều Châu, Trung Quốc. Khởi thủy, chú Quách cũng quàng trên vai đôi quang gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm khu vực Chợ Lớn để mua bán ve chai. Không nhà cửa, người thân thích, ông cứ đi mua bán cả ngày, tối về lại kiếm mái hiên ở chợ Lớn ngủ.
Nghèo khổ nhưng Quách Đàm không bỏ ý định làm giàu. Ngày làm cật lực, đêm ngủ vỉa hè, ăn uống lại kham khổ nên sau một thời gian buôn bán ve chai, ông để dành được ít vốn. Bỏ nghề buôn bán ve chai, ông chuyển sang buôn da trâu, vi cá. Quách Đàm đi khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận thu mua mặt hàng này rồi xuất bán sang nước ngoài.
Làm ăn khấm khá, ông thuê căn nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông mở cửa hiệu lớn. Giống như nhiều Hoa kiều ở Sài Gòn, khi buôn bán đều xin chữ đặt tên hiệu buôn, Quách Đàm được một ông thầy người Tàu viết hai câu:
"Thông thương sơn hải
Hiệp quán càn khôn"
Hai câu này nhằm chúc việc buôn may bán tốt nên chú Quách rất thích thú bèn lấy chữ đầu của hai câu là "Thông Hiệp" đặt cho hiệu buôn. Hiện một căn nhà cổ vốn là trụ sở công ty của Quách Đàm trên đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn còn logo hai chữ T & H lồng vào nhau. 
nguoi-vo-gia-cu-thanh-ong-chu-khu-cho-lon-nhat-sai-gon-1
Tượng Quách Đàm đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Ảnh: S.H
Vài năm sau nữa, Quách Đàm có được số vốn lớn nên mướn thêm một căn phố ở chợ Kim Biên ngày nay. Ngôi nhà gần con rạch, thông ra kênh Tàu Hủ nên chú Quách chuyển sang thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây. Ban đầu buôn nhỏ, sau phát triển to dần, ông trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn. Hầu hết những “chành” gạo ở dọc theo vùng bến Bình Đông, Lê Quang Liêm ngày nay, có thời của Quách Đàm.
Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển kể một trong những mánh lới làm ăn giúp Quách Đàm phất lên nhanh chóng. Một năm, ông sai mua lúa khắp miền Tây chở về dự trữ ngập trong các nhà kho chờ ngày xuất bán sang nước ngoài. Nhưng do nắm tin thị trường chưa kỹ, năm đó giá lúa quốc tế sụt giảm nặng. Với kho lúa hiện tại, Quách Đàm có thể lỗ nặng, phá sản nên người nhà, nhân công hết sức lo lắng. Ông lúc đó vẫn bình tĩnh như thường, ra mật lệnh cho nhân viên dưới miền Tây tiếp tục mua lúa giá như cũ. Không những thế, ông còn trả giá lúa cao hơn các thương lái khác để gom mua bằng hết.
Mặt khác, Quách Đàm gửi thư cho đại diện ở nước ngoài tung tin đồn giá lúa sắp tăng vọt lên cao. Mánh lới này của ông nhanh chóng khiến các thương lái “sập bẫy”. Họ đua nhau thu mua lúa trong nước với giá cao chờ bán kiếm lời. Lúc này, Quách Đàm mới âm thầm dừng mua lúa đồng thời xuất lúa chứa trong kho ra bán. Kho lúa vơi dần cũng là lúc các nhà buôn khác phát hiện bị lừa. Họ chia nhau gánh thay phần lỗ của ông.
Trong làm ăn Quách Đàm nhiều mưu mẹo nhưng về đời sống ông rất được dân chúng quý mến vì thường xuyên giúp đỡ người nghèo. Ông mở quỹ từ thiện rồi cùng gia đình phân phát khắp nơi.
Nhờ tài kinh doanh, Quách Đàm dần vươn lên thành người giàu có nổi tiếng ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Vì quá giàu nên người Pháp vừa năn nỉ vừa ép buộc ông mua lại các doanh nghiệp nợ nần, sắp phá sản. Nhiều công ty mía đường vì lý do này lúc đó cũng rơi vào tay ông và dần khởi sắc, mang lại cho gia đình Quách Đàm thêm nhiều tiền.
nguoi-vo-gia-cu-thanh-ong-chu-khu-cho-lon-nhat-sai-gon-2
Chợ Bình Tây ngày nay. Ảnh: Hữu Công
Giàu "nứt đố đổ vách", ông mua khu đất ruộng rộng lớn còn hoang hóa ở vùng Bình Tây (quận 6 ngày nay) rộng 17.000 m2. Với khu đất này, Quách Đàm tính toán xây dựng một khu chợ lớn nhất Nam bộ. Ông cho người thiết kế khu chợ theo lối Á – Âu kết hợp, tạo các gian hàng rập khuôn rồi mời các tiểu thương vào buôn bán.
Mọi thiết kế, nhân lực, tiền của đã chuẩn bị xong thì năm 1927, Quách Đàm qua đời. Việc xây dựng dời lại một năm sau và đến năm 1930 chợ mới hoàn thành. Chợ mới mang tên Bình Tây nhưng hầu hết người Nam bộ đều gọi nó bằng cái tên Chợ Lớn mới, thay cho chợ Lớn cũ bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Trong chợ, người dân và gia đình Quách Đàm cho lập khu vực thờ cúng ông để tưởng nhớ người sáng lập.
Quách Đàm chết, đám ma lớn không nơi nào bằng. Khách từ các quan chức chính quyền thuộc địa, từ Trung Quốc và các đối tác làm ăn trong ngoài nước đổ về không thể đếm. Đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên... Khách đi đường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa, tặng một quạt giấy có kèm năm đồng bạc đền ơn đưa đón.
Sau khi qua đời, cơ nghiệp nhà họ Quách được 2 con trai thay nhau quản lý. Các con của Quách Đàm giống cha tiếp tục đứng ra bảo lãnh nhiều ngành hàng có nguy cơ đổ nợ. Trong số đó có "Ngân hàng Đông Dương", nhà băng lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ. Nhưng do gặp đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam bị ảnh hưởng, các nhà buôn thi nhau vỡ nợ khiến nhà băng phá sản kéo theo kho gia tài nhà họ Quách sụp đổ.
Gần 100 năm hình thành và phát triển, chợ Bình Tây ngày nay đã phát triển khá hoành tráng về quy mô, cũng như chủng loại hàng hóa. Tuy các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên dày đặc nhưng nơi này vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn hàng đầu ở TP HCM. 
Ngôi chợ được Quách Đàm thai nghén xây dựng gần 90 năm trước hiện sắp được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Với lối kiến trúc cổ xưa, cùng bề dày lịch sử, đang từng ngày góp phần để chợ phát triển theo hướng điểm đến du lịch, mua sắm của thành phố. 
Sơn Hòa

Sài Gòn xưa:

Đám tang 'ông trùm' Sài Gòn: Ai đến viếng cũng mời bia, tặng tiền

- Ngày 14/5/1927, ông Quách Đàm qua đời tại tư gia ở số 114, đại lộ Gaudot, Chợ Lớn, thọ 65 tuổi. Một đám tang lớn chưa từng có đã diễn ra ở Sài Gòn
Đưa tang được mời bia và tặng tiền
Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, Quách Đàm có những thành công vượt bậc. Ông cũng đã có lần thua lỗ, trở về con số 0 nhưng cũng từ đó ông gây dựng lại cơ đồ.
Trước khi mất, ông nằm liệt giường trong nhiều năm nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Ông điều khiển công việc làm ăn ngay trên giường bệnh.
Đám tang 'ông trùm' Sài Gòn: Ai đến viếng cũng mời bia, tặng tiền
Khu vực nhà lồng của chợ Bình Tây sửa chữa. Các gian hàng bên ngoài vẫn hoạt động bình thường.
Tin ông Quách Đàm mất đã làm nhiều người bất ngờ. Trên một tờ báo thời bấy giờ đã tường thuật lại đám tang: "Xe tang là xe vận tải trang trí đầy hoa và quả. Trước xe là di ảnh của ông Quách Đàm trang trọng, mỉm cười và trên ngực là các huy chương.
Quan tài được làm từ gỗ quý. 50 chiếc xe hơi sang trọng đi theo sau, chậm rãi đến nghĩa trang Phú Thọ.
Đám tang kéo dài 2 giờ với nhiều loại âm nhạc lạ kỳ. Dân chúng cả người Hoa lẫn người Việt ở đầy vỉa hè, các cửa sổ, trên các cành cây, trên nóc nhà để chứng kiến".
Trong cuốn "Sài Gòn năm xưa" của học giả Vương Hồng Sển cũng có đoạn: “Khi Quách Đàm chết, đám ma lớn không đám nào bằng với đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên…
Khách đi dường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa hay lave (bia) và tặng một quạt giấy có kèm một tấm giấy “ngẫu” (một số tiền) đền ơn có lòng đưa đón.
Quách Đàm được chôn ở gần chùa Giác Lâm, giáp ranh Chợ Lớn và Gia Định”.
Di sản chợ Bình Tây
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi đến chợ Bình Tây. Sau gần một thế kỷ tồn tại, đến nay đây vẫn là ngôi chợ lớn nhất và đẹp nhất của Sài Gòn.
Đám tang 'ông trùm' Sài Gòn: Ai đến viếng cũng mời bia, tặng tiền
Rào chắn bằng tôn bao bọc khu nhà lồng chợ.
Hiện nay, chợ đang trong giai đoạn trùng tu. Đây là đợt trùng tu lần thứ 3 và cũng là lần lớn nhất sau 2 lần vào năm 1992 và 2006. Bốn phía chợ được dựng vách tôn che chắn không ai vào được bên trong.
Toàn bộ tiểu thương đều phải dọn ra chợ tạm trên đường Tháp Mười phía trước mặt chợ Bình Tây đang sửa chữa.
Chợ Bình Tây là công trình do ông Quách Đàm "thai nghén". Mọi chuẩn bị cho ngày khởi công theo dự định vào năm 1927 đã xong nhưng chưa kịp động thổ thì ông qua đời. Phải đến năm sau, gia đình ông mới thực hiện theo di nguyện của ông.
Năm 1992, UBND quận 6 đã cho tu sửa xây dựng thêm một tầng lầu trong chợ, khiến chợ không còn cao và thoáng mát như xưa nhưng mở rộng thêm được 748 sạp.
Tổng số sạp trong chợ được nâng lên hơn 2.300 sạp, trong đó 1.446 sạp nằm trong nhà lồng chợ, 912 sạp nằm xung quanh chợ thuộc đường Lê Tấn Kế, Phan Văn Khoẻ, Trần Bình.
Các sạp kinh doanh với hơn 30 nhóm ngành hàng như gia vị (bào ngư, vi cá, bong bóng cá, kim châm, các loại nấm…), bánh kẹo (mứt, bánh các loại) và quần áo, giày dép, túi xách, đồ gia dụng (sành sứ, nhựa, nhôm, inox...), trang sức, vàng bạc đá quí…
Các mặt hàng tại chợ rất phong phú và đa dạng về chủng loại, giá cả phù hợp với sức mua của người có thu nhập trung bình. Hình thức kinh doanh tại chợ chủ yếu vẫn là bán buôn đi các địa phương.
Đợt trùng tu lần thứ 3 này bắt đầu từ tháng 11/2016 và sẽ hoàn thành sau 1 năm thi công.
Mặc dù hiện nay, hệ thống các siêu thị hoạt động rất rầm rộ và lan tỏa khắp nơi nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến sức mua bán tại chợ Bình Tây. Với vị thế chợ đầu mối nắm giữ việc kinh doanh của thành phố, chợ Bình Tây ngày càng được bà con tiểu thương và khách hàng tin yêu và mến mộ.
Sắp tới đây, với lối kiến trúc cổ xưa và bề dày lịch sử lâu năm của chợ, chợ đang mở ra một hướng phát triển mới.
Chợ Bình Tây sẽ là điểm du lịch tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước.


Trần Chánh Nghĩa

Khối tài sản kếch xù của 'tỷ phú lúa gạo' Sài Gòn

Có người cho rằng, sở dĩ Quách Đàm thành công, sở hữu khối tài sản kếch xù vì vị trí của hiệu buôn nằm trên long mạch. Nhưng đó không phải là lý do chính...
Những năm cuối của thế kỷ 19, có một cậu bé chừng 15 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ ở khu Chợ Lớn. Ban ngày, cậu lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm kiếm sống. Đêm về, mái hiên của một căn nhà là chỗ trú chân ngủ qua đêm của cậu. Cuộc sống của cậu bé cứ trôi qua như vậy...
Cậu bé mồ côi lấy mái hiên làm nhà
Cậu bé ấy có tên là Quách Diệm (SN 1863) nhưng thường được gọi là Quách Đàm, gốc là người Triều Châu, Trung Quốc.
Quách Đàm có tuổi thơ hết sức cơ cực. Tuổi còn nhỏ nhưng suy nghĩ của cậu rất người lớn. Cậu không chấp nhận là kẻ ăn không ngồi rồi, dựa dẫm vào người khác. Cậu đã phải đổ sức lao động để kiếm lấy bát cơm.
Khối tài sản kếch xù của 'tỷ phú lúa gạo' Sài Gòn
Ông Quách Đàm thời trai trẻ (ảnh tư liệu)
Công việc của cậu bé Quách Đàm là hàng ngày quảy 2 giỏ đan bằng tre trên vai, đi khắp các con đường trong thành phố để tìm mua phế liệu. Những gánh phế liệu này đã nuôi sống cậu để cậu lớn lên thành một Quách Đàm trưởng thành và chững chạc.
Cuộc sống của Quách Đàm đến lúc này vẫn còn bấp bênh nhưng trong tâm vẫn nuôi chí làm giàu. Ngoài mua bán phế liệu, Quách Đàm tích góp được số vốn nhỏ nhoi để buôn bán thêm các mặt hàng quý hiếm như da trâu, vi cá.
Việc làm ăn buôn bán của Quách Đàm khá suôn sẻ. Số vốn càng ngày càng lớn nhưng vì vẫn phải ngủ bờ ngủ bụi, Quách Đàm trở thành đích nhắm của bọn bất lương.
Nhiều lần bị lấy cắp hết số tiền dành dụm được. Quách Đàm vẫn không nản, tiếp tục làm lại từ đầu.
Khối tài sản kếch xù của 'tỷ phú lúa gạo' Sài Gòn
Khu vực chợ Kim Biên nơi ngày trước là con kênh. Ông Quách Đàm thuê nhà ở đây và bắt đầu buôn lúa gạo.
Trong một tác phẩm viết về Sài Gòn, học giả Vương Hồng Sển từng ghi về Quách Đàm: "Ngày ngày Đàm thả rong làng xóm, hai giỏ tre trên vai, quản bao mưa gió. Buổi trưa, Đàm thuờng nằm nghỉ hàng ba phố trống, ghe phen bị một phu vác lúa làm khổ, móc túi lấy đi giấy thuế-thân để chẹt Đàm chuộc 5 xu 1 hào".
Vừa bị móc lấy tiền, vừa bị bắt chẹt làm tiền nhưng chỉ trong một thời gian Quách Đàm đã tích cóp được số vốn kha khá. Đàm bỏ nghề buôn phế liệu sang mặt hàng da trâu, vi cá. Ông lặn lội đi khắp các nơi từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây tìm mua cho được mặt hàng này để xuất ra nước ngoài.
Ông phất hẳn lên, vốn liếng tích cóp được nhiều và công cuộc làm ăn có dấu hiệu phát triển.
Ông chủ của khối tài sản kếch xù
Ông quyết định thuê hẳn một căn nhà để mở tiệm buôn (Căn nhà này đến nay vẫn còn nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông). Ông đặt tên cho hiệu buôn của mình là Thông Hiệp mà theo giải thích hai chữ này xuất phát từ 2 câu "Thông thương sơn hải" (bán buôn khắp chốn), "Hiệp quán càn khôn" (thu tóm cả đất trời).
Hiệu buôn Thông Hiệp từ đó phất lên như diều gặp gió. Có người cho rằng, sở dĩ ông thành công vì vị trí của hiệu buôn nằm trên long mạch. Nhưng đó cũng chỉ là sự suy đoán thiếu tính khoa học. Sự thành công của ông ngoài sự cần mẫn phải kể đến cách tính toán, sáng tạo thêm cả sự liều lĩnh.
Vài năm sau, vốn liếng tăng cao, ông tiếp tục thuê một căn nhà sát bờ kênh. Con kênh này ăn thông với kênh Tàu Hủ là khu vực chợ Kim Biên bây giờ. Hàng ngày, trên kênh ghe thuyền tấp nập.
Nhìn cảnh mua bán nông sản, lúa gạo, Quách Đàm nghĩ đến một lĩnh vực làm ăn khác đỡ vất vả hơn nhưng lợi nhuận lại nhiều. Từ đó, ông trở thành nhà buôn lúa gạo...
Ban đầu Quách Đàm chỉ buôn bán nhỏ rồi từ đó lớn dần. Ông mở rộng mạng lưới thu mua khắp các tỉnh miền Tây, trở thành nhà cung cấp gạo cho cả Sài Gòn - Chợ Lớn. Những "chành" gạo dọc theo bến Bình Đông, Lê Quang Liêm ngày nay một thời là của ông. Ông là cổ đông chính nhà máy xay lúa Di Xương, sau lại mở thêm 3 nhà máy Thông Mậu, Thông Thạnh, Thông Nguyên (ở Mỹ Tho).
Cứ thế, ông Quách Đàm ngày một giàu lên, trở thành một trong những người có khối tài sản kếch xù ở miền Nam.
Từ một cậu bé lang thang cơ nhỡ, Quách Đàm nhờ vào sự chí thú làm ăn, đã nhanh chóng thành công và là tấm gương cho nhiều thế hệ.

Trần Chánh Nghĩa

Bỏ hết sản nghiệp, tỷ phú Sài Gòn bất ngờ về quê ở ẩn

- Năm 1960, tỷ phú Nguyễn Văn Hảo tròn 70 tuổi. Ở giai đoạn này mọi công việc ông làm đều diễn ra suôn sẻ và thuận buồm xuôi gió. Thế nhưng vào tuổi về chiều, dường như ông muốn tìm đến sự yên tĩnh để có thời gian chiêm nghiệm lại những gì đã qua.
"Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự
Giao lại hết mọi việc kinh doanh cho vợ con, ông Hảo trở về quê nhà ở Càng Long (Trà Vinh) mua một miếng đất rộng 15ha để xây dựng một ngôi chùa. "Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự có từ đó.
Chùa ông Hảo được xây dựng theo thiết kế của kỹ sư Phan Hiếu Kỉnh, trên khuôn viên đất rộng 8000m2. Đây là một ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo nửa tây nửa ta. Chùa có ngôi tháp 9 tầng, có phù điêu rạp hát Nguyễn Văn Hảo và chiếc du thuyền của ông.
Bỏ hết sản nghiệp, tỷ phú Sài Gòn bất ngờ về quê ở ẩn
"Chùa ông Hảo" hay Hảo Tâm tự xưa. Ảnh: Edward P. Metzner
Việc xây dựng chùa diễn ra khá chậm bởi vật liệu mua từ Pháp được chuyển từ xa đến trong khi giao thông khó khăn. Phải mất 8 năm ngôi chùa mới hoàn thành.
Gần chùa, ông còn cho xây thêm một dãy phố lầu và một ngôi chợ để người dân địa phương lui tới mua bán, tạo điều kiện để bà con sinh sống. Chùa xây xong cũng là lúc chiến sự đến hồi ác liệt. Người dân bỏ cả ruộng vườn tìm nơi lánh nạn. Họ đã tìm đến chùa được ông cho tá túc và giúp đỡ lương thực, thuốc men.
Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện bằng cách cho bà con mượn đất quanh chùa để trồng trọt, cấy hái phụ vào miếng ăn hàng ngày. Những người có tuổi ở Càng Long hiện nay không ai có thể quên được thiện tâm của ông. Ông rất giàu nhưng biết sẻ chia cho bà con cùng khổ.
Ngôi chùa được ông ủy nhiệm lại cho vợ ông là bà Nguyễn Thị Dài đứng ra chăm sóc nhang khói thờ tự sau khi ông mất. Hết đời bà Dài, ông Nguyễn Tâm Thạnh, con ông Hảo sẽ kế tiếp, tiếp tục chăm sóc ngôi chùa. Ý nguyện này được ông Hảo đã cho khắc chúc thư bằng đá trắng để tại chùa.
Ngày nay trở lại nơi đây, ngôi chùa đã trở thành phế tích. Thế nhưng, hình ảnh ông Hảo vẫn còn phảng phất đâu đây. Rõ nét nhất có lẽ là trên búc phù điêu còn sót lại hình ảnh rạp hát Nguyễn Văn Hảo, chiếc du thuyền của ông dùng rong ruổi từ Sài Gòn về Càng Long, dãy biệt thự hương thôn...
Tâm sáng, lòng son
Ông Hảo mất năm 1971. Năm 1975, chính quyền tiếp quản ngôi chùa. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Dài tiếp tục ở chùa cho đến năm 1979 bà mất. Huyện Càng Long thu lại toàn bộ khu vực này.
Bên cạnh chùa hiện nay vẫn còn một khu đất được xem như nghĩa trang gia tộc của ông Hảo. Ở nghĩa trang nhỏ này có 6 phần mộ trong đó có vợ chồng ông cùng mẹ ruột, mẹ vợ. Cả 6 ngôi mộ này đều xây dựng giống nhau. Trên mộ có hình quyển sách và 4 góc đều có sư tử đá.
Năm 1996, cháu nội ông Hảo nghe lời cha trở về nơi đây cất một cái chòi ở cạnh chùa để sinh sống và có điều kiện sớm hôm nhang khói. Về sau, khu vực này được chính quyền sử dụng làm bệnh viện, rồi thư viện, sau cùng là khu vui chơi cho trẻ em.
Ngẫm lại, cả cuộc đời ông Nguyễn Văn Hảo chỉ có chí thú làm ăn. Đồng tiền ông kiếm được phải trả bằng những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt. Về cuối đời, ông còn xây chùa, tạo điều kiện giúp người cơ nhỡ.
Khác với những đại gia khác, khi đạt được những thành quả tốt đẹp đôi khi sa ngã vào những tệ nạn. Với ông Hảo, từ một thanh niên tay trắng, ông làm nên một sản nghiệp lớn lao. Ông không để lại một điều tiếng gì ảnh hưởng đến thanh danh và sự nghiệp.
Tâm ông trong sáng. Tấm lòng ông son sắt. Một doanh nhân như thế thực rất đáng để cho mọi người học hỏi và noi gương.
Trần Chánh Nghĩa

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

Ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia, tỷ phú ô tô của Sài Gòn xưa vì quá yêu cải lương đã mở nguyên một rạp hát lớn nhất, 1200 chỗ mang tên mình: Rạp Nguyễn Văn Hảo.
Nằm cách tòa nhà 4 mặt tiền không xa, cũng trên đường Trần Hưng Đạo, rạp Công Nhân được xem là 1 trong những rạp cải lương lâu đời nhất ở miền Nam. Trước khi mang tên Công Nhân, rạp mang tên chính chủ nhân của nó, rạp Nguyễn Văn Hảo...
Quá mê nghệ thuật cải lương, năm 1905 thầy năm Tú, một nhà giáo ở Mỹ Tho đã bỏ tiền ra lập nên gánh hát và xây dựng rạp hát Thầy Năm Tú. 35 năm sau, năm 1940 ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hảo - một thương gia - tỷ phú ô tô ở Sài Gòn cũng đã tìm được một miếng đất rộng để xây dựng nên rạp hát mang tên mình - rạp Nguyễn Văn Hảo.
Ông Hảo cũng như thầy năm Tú và bao người dân miền Nam khác, rất mê nghệ thuật cải lương. Dường như cải lương đã đi vào máu thịt của từng người. Họ không hề bỏ một vở diễn nào. Vì thế, rạp Nguyễn Văn Hảo mở cửa đã đáp ứng được sự mong muốn của khán giả và của chính người trong cuộc, ông Hảo.
Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?
Rạp Nguyễn Văn Hảo trước đây. Ảnh tư liệu
Rạp khá rộng. Mặt tiền trên đường Trần Hưng Đạo và mặt hậu giáp với đường Bùi Viện. Qui mô của rạp khá lớn với tổng cộng 1200 chỗ ngồi chính thức. Ngoài ra trên các lối đi còn có những hàng ghế phụ dành cho những khách không mua đươc vé chính thức.
Rạp có 3 tầng. Tầng trệt dành cho người có vé hạng nhất với 500 ghế bọc nệm da màu đỏ. Tiếp đến lầu 2 có 400 ghế dành cho khách có vé hạng nhì. Cả tầng trệt và lầu 2 đều có ghế dựa và bọc nệm. Riêng tầng 3, ghế được đóng bằng ván dài xếp thành nhiều tầng có thể chứa khoảng 300 người, dành cho những vé rẻ tiền hơn.
Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?
Rạp Công Nhân số 30 Trần Hưng Đạo ngày nay
Với sức chứa lớn cùng với sân khấu rộng và thoáng nên khi rạp Nguyễn Văn Hảo bắt đầu hoạt động, một lượng khá giả đến ủng hộ. Những rạp hát cùng thời như rạp Aristo trên đường Lê Lai, rạp Thành Xương đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đakao đều là những rạp dành cho cải lương nhưng không còn đáp ứng được yêu cầu của khán giả.
Các đoàn cải lương ở khắp 3 miền, gánh nào cũng muốn được trình diễn trên sân khấu Nguyễn Văn Hảo. Vì ở đó có những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.
Có thể nói, trong suốt một thời gian khá dài nhờ có rạp Nguyễn Văn Hảo với những tiện nghi vào bậc nhất thời bấy giờ, nghệ thuật cải lương càng có điều kiện phát triển lên tới đỉnh cao.
Từ khi thành lập đến trước 1954, nhiều đoàn hát với những vở tuồng rất ấn tượng được trình diễn tại đây. Người mê cải lương không thể quên "Tây Thi gái nước Việt" do đoàn Năm Châu biểu diễn, "Đoàn chim sắt" của đoàn Hoa Sen...
Chuyện kể về những đoàn hát đến rạp biểu diễn thì nhiêu vô kể. Trong số đó, câu chuyện về đêm khai trương vở tuồng "Đoàn chim sắt" thật ấn tượng. Ngoài 1200 chỗ ngồi chính thức, khán giả còn đứng đông nghẹt ở hai bên vách tường, chật cả lối đi ở giữa. Thậm chí, có một số khán giả còn đứng trước sân khấu che cả tầm nhìn của khách có vé thượng hạng khiến nhiều người lên tiếng phản đối...
Đến năm 1970, gia cảnh ông Hảo có nhiều biến động khiến cho ông không còn toàn tâm toàn ý với công việc kinh doanh. Ông cho thuê rạp hát để sau đó, người chủ mới đã biến nơi đây thành rạp chiếu bóng với cái tên mới, ciné Nguyễn Văn Hảo.
Bộ phim đầu tiên được trình chiếu tại đây là "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài" rồi đến "Thích Ca đắc đạo". Đây là những bộ phim gây được ấn tượng và có tiếng vang lúc bấy giờ.
Sau 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo được đổi tên thành rạp Công Nhân đến bây giờ...
Trần Chánh Nghĩa

Tưởng phá sản, ai ngờ 'ông trùm' Sài Gòn thắng lớn

- Quách Đàm thu mua nhiều đến nỗi gạo không còn chỗ chứa nhưng không may, thời điểm ấy, giá lúa gạo trên thị trường thế giới bị sụt giảm. Khả năng ông bị lỗ rất nặng. Tuy nhiên, ông vẫn bình tĩnh tiếp tục thu mua, xoay chuyển tình thế một cách bất ngờ.

Thương trường như chiến trường
Là một thương gia thành đạt, ngoài sự nhanh nhẹn, khôn khéo, ông Quách Đàm còn có cách làm quen và giao thiệp khéo léo với quan chức lớn của chính quyền.
Ông đã tạo được một địa vị cao trong xã hội đến nỗi Thống Đốc Nam Kỳ thời đó, Cognacq, vốn là người tự cao tự đại, cũng hạ mình cầu thân với ông.
Thêm nữa, mánh lới làm ăn cũng là một thủ thuật giúp ông thoát được những sai lầm trong tính toán.
Tưởng phá sản, ai ngờ 'ông trùm' Sài Gòn thắng lớn
Tượng ông Quách Đàm trước đây được đặt bên trong chợ. Sau này, tượng được di dời về Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.
Chuyện kể, ông thao túng thị trường lúa gạo bằng cách cho người đi khắp miền Tây thu mua toàn bộ gạo về chứa đầy trong các kho với mục đích xuất bán qua Singapore. Ông thu mua nhiều đến nỗi gạo không còn chỗ chứa nhưng không may cho ông, thời điểm ấy, giá lúa gạo trên thị trường thế giới bị sụt giảm.
Với sức mua đó so với giá bán, khả năng ông bị lỗ rất nặng. Thế nhưng ông vẫn bình tĩnh tiếp tục thu mua thậm chí với giá còn cao hơn trước như không có gì xảy ra.
Ông âm thầm ra mật lệnh cho nhân viên ở Singapore (lúc đó Singapore còn đang thuộc Anh rồi sau đó là Nhật, cho đến khi trở thành một nước cộng hòa độc lập vào ngày 9 tháng 8 năm 1965), tung tin đồn giá lúa sắp tăng, đồng thời cũng ngưng không thu mua tiếp. Thương lái trong nước nghe tin đồn tung hết vốn liếng ra để dự trữ lúa gạo. Ông bắt đầu mở kho xuất bán và bán cho đến khi kho vơi đi thì thương lái cũng vừa kịp biết mình bị lừa. Ông đã thoát lỗ một cách ngoạn mục.
Trong thương trường, Quách Đàm là người mưu lược và rất lợi hại. Thế nhưng đối với xã hội ông rất được lòng mọi người. Ông thường xuyên giúp đỡ những người nghèo khổ cơ nhỡ. Gia đình ông cũng lập ra một quỹ từ thiện để giúp người.
Ông cũng không quên thuở hàn vi. Ông tìm lại anh phu vác lúa một thời đã trấn lột ông và bố trí cho anh này làm sếp chỉ huy nhóm vác lúa. Tính vị tha và rộng lượng đó dường như đã góp phần giúp ông thành công trên thương trường...
Tưởng phá sản, ai ngờ 'ông trùm' Sài Gòn thắng lớn
Chợ Bình Tây
Với tài kinh doanh của ông, người Pháp hết sức khâm phục. Ông nghiễm nhiên trở thành "ông trùm lúa gạo", giàu có và có thế lực nhất thời bấy giờ. Người Pháp còn phải nhờ ông mua lại các doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Cũng nhờ vậy mà sản nghiệp ông càng lúc càng phình to ra.
Do quá giàu, ông xoay qua đứng bảo lãnh cho các con nợ của ngân hàng Đông Dương. Mỗi lần xin chữ ký bảo chứng, các con nợ ngân hàng phải chịu cho ông một khoản hoa hồng theo quy định.
Chợ Bình Tây
Sau những thành công vượt bậc, ông Quách Đàm nghĩ ngay đến việc xây dựng một ngôi chợ. Ông tiến hành mua một khu đất vốn là ruộng hoang hóa có diện tích 17.000 m2 ở vùng Bình Tây. Trong tính toán của ông, ngôi chợ này phải là chợ lớn nhất miền Nam.
Vì thế, ông đã nhờ đến các kiến trúc sư thiết kế. Ông yêu cầu kỹ thuật xây dựng chợ xây theo kỹ thuật phương Tây với bê tông cốt thép, nhưng hình dáng phải mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc.
Tưởng phá sản, ai ngờ 'ông trùm' Sài Gòn thắng lớn
Giữa chợ có một công viên nhỏ, nơi đặt tượng đồng Quách Đàm (Ảnh Zing).
Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có “lưỡng long tranh châu”, 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng.
Quách Đàm cũng yêu cầu, riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát.
Theo dự tính, ông sẽ tạo ra nhiều gian hàng rập khuôn nhau rồi mời các tiểu thương vào buôn bán. Dọc theo bên ngoài chợ là 2 dãy nhà theo kiểu phố buôn bán và vận động động chính quyền dời Chợ Lớn về đây.
Năm 1927, mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất chỉ còn chờ ngày khởi công thì bất ngờ Quách Đàm qua đời. Việc xây dựng chợ phải đến năm sau mới thực hiện và hoàn tất vào năm 1930.
Ngôi chợ mới, ban đầu mang tên chợ Bình Tây nhưng người đời quen gọi là chợ Quách Đàm hay là Chợ Lớn Mới.
Tên Chợ Lớn Mới có được từ sự cố Chợ Lớn cũ nằm tại vị trí Bưu Điện Chợ Lớn ngày nay bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chợ mới được xây lên cách chợ cũ không xa nhưng lại to lớn và qui mô hơn nên được nhiều người gán cho cái danh "Chợ Lớn Mới".
Sau đó, bên trong chợ gia đình ông và tiểu thương đã cùng nhau lập nơi thờ cúng ông ở giữa chợ. Hàng ngày, những người buôn bán tại chợ thường lui tới đốt nhang khấn vái ông một cách thành kính...
Trần Chánh Nghĩa

Tỷ phú Sài Gòn vung nghìn vàng nuôi mỹ nhân và cái kết bất ngờ

 - Từ lúc khởi nghiệp đến lúc trở thành tỉ phú, triết lý sống của Trần Thành là cần kiệm và tránh xa những chốn ăn chơi. Có 3 thứ mà ông luôn giữ mình không léo hánh tới là rượu chè, cờ bạc và phụ nữ. Thế nhưng...
Sau những chuyến đi ở nước ngoài, nhãn quan của Trần Thành được mở rộng. Ông nhận thấy, mặt hàng bột ngọt có mặt gần như 100% trong sinh hoạt của người dân nên đã quyết định đầu tư sản xuất bột ngọt tại Việt Nam. Thương hiệu bột ngọt Vị Hương Tố ra đời từ đó.
Tỷ phú trẻ lừng lẫy Sài Gòn "Khôn ba năm"...
Dây chuyền sản xuất bột ngọt nhanh chóng được đưa về từ Nhật. Ông giám đốc Trần Thành suốt ngày miệt mài với công việc. Nguyên liệu trong nước sẵn có, những mẻ bột ngọt đầu tiên mang tên Vị Hương Tố ra đời vào năm 1960 trong sự chào đón hân hoan của người tiêu dùng.
Tỷ phú Sài Gòn vung nghìn vàng nuôi mỹ nhân và cái kết bất ngờ
Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố ở P. Tân Thới Hiệp, Q. 12 truớc đây, nay là Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương.
So với các loại bột ngọt sẵn có trên thị trường, Vị Hương Tố có giá thành hạ hơn nhờ vào chính sách nâng đỡ hàng trong nước.
Thương hiệu Vị Hương Tố với chất lượng không thua gì hàng ngoại và giá thành khá phù hợp với mức sống của người dân nên chẳng bao lâu cả Ajinomoto lẫn Vedan đều rút khỏi Việt Nam, để lại thị trường một mình đại gia Trần Thành thao túng.
Rút tỉa ra, bí quyết thành công của Trần Thành không gì ngoài chữ tín. Trong kinh doanh, chữ tín khá quan trọng. Chữ tín và sự trung thực đã giúp Trần Thành nhanh chóng trở thành ông chủ lớn và là một trong những tỷ phú trẻ tuổi ở đất Sai Gòn lúc bấy giờ.
Từ lúc khởi nghiệp đến lúc trở thành tỉ phú, triết lý sống của Trần Thành là cần kiệm và tránh xa những chốn ăn chơi. Có 3 thứ mà ông luôn giữ mình không léo hánh tới là rượu chè, cờ bạc và phụ nữ. Theo ông những thứ đó dể làm hư người dẫn đến tán gia bại sản.
Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, Trần Thành vẫn là con người bằng xương bằng thịt. Ông đã từng nhỏ nước mắt trước những hoàn cảnh khốn khó, từng chia sẻ vui buồn với những người cùng khổ. Ông sống rất tình cảm với mọi người. Trong gia đình ông luôn mẫu mực, là người cha, người chồng đầy tình thương yêu và được mọi người kính trọng.
Thế nhưng, mấy ai học được chữ ngờ. Một đêm nọ trong nhà hàng sang trọng ở Chợ Lớn, chung quanh là các bang chủ các bang, bang chủ Tiều Châu Trần Thành đã phải ngã ngựa trước một nhan sắc khó cưỡng.
... "Dại chỉ một giờ"
Vào khoảng thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, diễn viên Thang Lan Hoa của Đài Loan là một giai nhân sắc nước hương trời. Trong một lần họp mặt với các bang chủ các bang ở Chợ Lớn, người đẹp Thang Lan Hoa được mời đến góp vui trong chương trình văn nghệ. Tỉ phú, chủ nhân thương hiệu bột ngọt Vị Hương Tố là khách mời không thể thiếu trong buổi họp mặt này.
Vừa chạm mặt, tỉ phú Trần Thành đã ngất ngây trước sắc đẹp nghiêng thành của Thang Lan Hoa. Trái tim vốn băng giá từ lâu bắt đầu nóng trở lại. Những triết lý làm người được gạt qua một bên và giờ đây, cuộc hội ngộ đầy bất ngờ giữa 2 người đã xảy ra.
Bàn tiệc được bày ra. Người đẹp được bố trí ngồi cạnh Trần Thành. Rồi sau vài lần nâng ly, một bang chủ xin phép về trước. Một ông, rồi 2 ông. Có người lẳng lặng bỏ ra về để cuối cùng chỉ còn lại 2 người với những lời trò chuyện âu yếm.
Rồi họ đến với nhau. Một bên cần nhan sắc và thân xác, một bên cần tiền tài, danh vọng. Gần như hơn nửa đời người Trần Thành xa lánh mọi thú vui dồn sức cho làm ăn. Giờ đây, nhan sắc mặn mà của người đẹp khiến ông không cưỡng lại được. Những khoản tiền kếch xù liên tục được tung ra đổi lấy nhẫn kim cương, đồng hồ vàng và thời trang hàng hiệu để làm vừa lòng người đẹp.
Rồi sau đó, những chuyến đi Sài Gòn - Đài Bắc diễn ra liên tục đã bào mòn núi tiền của tỉ phú Trần Thành. Công cuộc làm ăn của Vị Hương Tố có dấu hiệu giảm sút.
Chuyện tình Trần Thành và Thang Lan hoa không phải là câu chuyện tình đẹp. Đến với nhau bằng những mưu đồ riêng tư và khi đã thỏa mãn thì cũng nhanh chóng tan vỡ.
Khi đường ai nấy đi và cũng đã quen với ăn chơi, Trần Thành tiếp tục với những mối tình khác. Lần này ông có một đứa con gái với một phụ nữ Singapore rồi trở về cố xứ rơi vào vòng tay một vũ nữ ở nhà hàng Maxim.
Năm 1975, ông rời Việt Nam để định cư ở nước ngoài. Nghe đâu cô vũ nữ ở Maxim đã theo ông đến trọn đời.
Trần Chánh Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét