Chuyển đến nội dung chính

TIN BUỒN (Nguyễn Văn Bảy) 52

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Chân dung Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay Mỹ

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy lội đồng hái sen ở tuổi 83


Anh hùng Nguyễn Văn Bảy lội đồng hái sen ở tuổi 83
(PL)- Không có anh cán bộ địa phương giới thiệu trước, chúng tôi không thể ngờ ông già quấn khăn rằn rất giản dị là anh hùng phi công Đại tá Nguyễn Văn Bảy - người từng bắn rơi bảy máy bay Mỹ vào những năm 1966-1967.
Dù ở tuổi 83, ông Bảy vẫn lội đồng hái sen, bắt cá làm mồi nhậu mỗi khi có khách đến nhà… Lúc nào ông Bảy cũng cười hiền khô, rõ thật nhân cách người lính Cụ Hồ ngời sáng.

Clip: Mô hình bắn rơi máy bay Mỹ của ông Nguyễn Văn Bảy
“Tao có duyên với con số 7”
Lần đầu tiên tiếp xúc với ông Bảy, chúng tôi bị cuốn hút bởi chất Nam bộ của ông qua cái áo, chiếc khăn rằn và đặc biệt là những khẩu ngữ đặc sệt Nam bộ hay như cách ông xưng tao, gọi mày. Ông Bảy nói: “Cuộc sống của tao bây giờ gắn bó với ao cá, ruộng sen và mấy cái dơn đặt cá dưới sông. Một ngày không lao động là tao khó chịu lắm, mặc dù cuộc sống của tao được Nhà nước lo rất đủ đầy”.
Sau khi giở mấy cái dơn dưới sông, ông Bảy bước lên bờ mang theo túi cá nặng trịch. Ông lựa mấy con cá lau kiếng, mè vinh… dành lại đãi khách. Số còn lại ông mang thả xuống cái ao sau nhà để khi nào cần ăn, chỉ cần thả lưới là có cá ăn, có mồi đãi khách.
Ngụm một tách trà nóng, ông Bảy nói: “Cuộc đời tao có duyên với con số 7 thì phải. Sinh ra cha mẹ đã đặt tên Bảy. Rồi học bảy ngày lên bảy lớp; năm 1966-1967 bắn rơi bảy máy bay Mỹ…”.
Ông rôm rả kể câu chuyện bỏ nhà đi theo bộ đội vì cha mẹ bắt cưới vợ. Theo ông Bảy, năm đó ông vừa 18 tuổi, cha mẹ bắt ông cưới vợ. Ông hoảng quá, không còn cách nào khác, ông quyết định bỏ nhà trốn theo bộ đội. Cũng may thời đó ông có tài bắt cá, bẫy chuột, trồng rau giỏi… nên bộ đội tiếp nhận để tăng gia, cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Năm 1954 ông được chọn vào lính bộ binh.
Đến năm 1958, trung ương đến chọn ông vào lính phi công. Theo ông, thời điểm đó mỗi sư đoàn chỉ chọn ba người vào lính phi công và ông chẳng ngờ rằng một người lính học mới lớp 3, thuộc tầng lớp bần nông như ông lại được trung ương chọn học lái máy bay.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy lội đồng hái sen ở tuổi 83 - ảnh 1
Nhiều năm qua, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vui thú điền viên tại quê nhà Lai Vung,  Đồng Tháp. Ảnh: VẠN LÝ
Ông Bảy kể: “Do đòi hỏi lính phi công phải học tối thiểu lớp 10 để biết tính toán, chuyển động hóa… nên tao được bồi dưỡng lớp đặc biệt, học bảy ngày lên bảy lớp. Sau đó tao được cử đi Trung Quốc học lái máy bay quân sự”.
Đến năm 1965 ông Bảy trở về Việt Nam, thuộc biên chế Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Ông tham gia đánh 13 trận (từ năm 1966-1967) và bắn rơi bảy máy bay Mỹ trên bầu trời Thái Nguyên, Việt Trì và Hà Nội. Nhờ thành tích này, ông Bảy được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Sau chiến công ấy, chỉ huy có lệnh cho ông ngưng chiến đấu, sau đó cho ông đi học chỉ huy ở Liên Xô. Ông Bảy nói: “Khi bắn hạ được bảy máy bay, tao hăng lắm. Bởi vậy khi chỉ huy không cho lái máy bay chiến đấu nữa, tao tức lắm! Nhưng bây giờ mới hiểu, chỉ huy muốn giữ mình lại để truyền kinh nghiệm cho lứa sau, giữ mình lại để làm nhân chứng sống như bây giờ”.
Hôm 16-9 vừa qua, khi đang làm vườn, ông Bảy ngất xỉu và được người nhà chuyển đến BV đa khoa Sa Đéc, sau đó chuyển đến TP.HCM cấp cứu. Sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe ông Bảy được cải thiện nhưng vẫn đang được các bác sĩ chăm sóc tích cực trong phòng cách ly. 
Thích cuộc sống ruộng vườn
Khi tiếp xúc với anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, điều làm chúng tôi bất ngờ đầu tiên là thân thể cứng cỏi, tay chân nhanh nhẹn và trí nhớ tuyệt vời của ông dù ông đã bước qua tuổi 83. Sau khi giới thiệu cho chúng tôi xem mô hình máy bay do chính tay ông tái dựng và những tấm ảnh kỷ niệm thời trai trẻ, ông Bảy dẫn chúng tôi ra thăm ao cá, ruộng sen sau nhà. Ông vững chãi đi trên chiếc cầu khỉ mà không cần sự trợ giúp nào.
Ông Bảy với tay hái một đài sen, bóc tách lấy ra từng hạt sen đưa cho mọi người ăn chơi. Vừa đi ông vừa chỉ tay những cây mãng cầu, cây xoài mà ông trồng cách đây vài năm đã bắt đầu cho trái. Riêng ruộng sen rộng khoảng 3.000 m2, ông trồng chỉ để cho vui, cho bà con hàng xóm khi cần, chứ không phải vì kinh tế.
Nhìn cuộc sống bình dị của ông, chẳng ai ngờ rằng ông Bảy là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có thành tích bắn hạ trên năm máy bay của đối phương.
Cuốn truyện ký về người anh hùng chân đất 
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy lội đồng hái sen ở tuổi 83 - ảnh 2
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy tặng cuốn truyện ký cho Tướng Phan Khắc Hy trong một lần đến thăm ông. Ảnh: Phong Điền 
“Trân quý tấm chân tình chân chất của anh Nguyễn Văn Bảy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh em đồng đội chúng tôi đã chung tay hỗ trợ anh ra mắt cuốn truyện ký Người anh hùng chân đất dựa trên lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Bảy. Cuốn hồi ký đã khắc họa chân dung người nông dân chân đất gắn với vùng quê Nam bộ đi theo tiếng gọi cách mạng, trở thành phi công anh hùng, trở về với đời thường bình dị và sinh động như tính cách thường thấy ở anh.
Gắn bó với anh 10 năm trong quân ngũ, chúng tôi cảm nhận anh là con người chân chất của miền đất Nam bộ. Thế nhưng trong chiến đấu anh là một người hoàn toàn khác, luôn thể hiện bản lĩnh, gan góc, táo bạo, đầy sáng tạo. Chính anh đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ trong lực lượng phi công như chúng tôi”.
Đại tá NGUYỄN THANH BÌNH, nguyên Phó Giám đốc
Xí nghiệp Hải Âu (Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam)
VẠN LÝ

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bị đột quỵ

TP HCMÔng Nguyễn Văn Bảy 83 tuổi, đại tá phi công, hôn mê do xuất huyết não, đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 175.
Ông Bảy ngất xỉu khi đang làm vườn nhà ở Đồng Tháp, chuyển đến TP HCM cấp cứu ngày 16/9, tiên lượng nặng. Sau 3 ngày điều trị, các chỉ số sức khỏe cải thiện hơn nhưng bệnh nhân vẫn còn hôn mê, được chăm sóc tích cực trong phòng cách ly.
Ngày 18/9, bác sĩ cho chụp CT để kiểm tra, hội chẩn hướng điều trị tiếp theo.
Cựu phi công Nguyễn Văn Bảy chèo ghe bắt cá tại vườn nhà năm 2018. Ảnh: Thành Nguyễn.
Cựu phi công Nguyễn Văn Bảy chèo ghe bắt cá tại vườn nhà năm 2018. Ảnh: Thành Nguyễn.
Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu chảy vào trong hoặc xung quanh nhu mô não, chiếm khoảng 15% các ca đột quỵ (nhồi máu não chiếm khoảng 85%). Bệnh nhân xuất huyết não tỷ lệ tử vong cao hơn nhồi máu não, khả năng sống phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ trong não. Kích thước khối máu tụ càng lớn thì bệnh nhân nguy cơ tử vong hoặc tàn phế càng cao.
Đại tá Nguyễn Văn Bảy là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên. Trong hai năm 1966-1967, ông bắn rơi 7 máy bay Mỹ và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. 
Nghỉ hưu năm 1990, ông Bảy trở về quê nhà ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp, để trồng rau, nuôi cá trong khu vườn rộng hơn 5.000 m2.
Lê Phương

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy qua đời

TP HCMÔng Nguyễn Văn Bảy, phi công bắn rơi 7 máy bay Mỹ, qua đời lúc 21h ngày 22/9 ở tuổi 84 tại Bệnh viện Quân Y 175, Bộ Quốc phòng.


Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy ở quê nhà Đồng Tháp năm 2018. Ảnh: Thành Nguyễn
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy ở quê nhà Đồng Tháp năm 2018. Ảnh: Thành Nguyễn
Ông Bảy ngất xỉu khi đang làm vườn nhà ở Đồng Tháp, chuyển đến Bệnh viện Quân y tại TP HCM cấp cứu hôm 16/9 trong tình trạng hôn mê do xuất huyết não. Sau một tuần điều trị tích cực, ông không qua khỏi.
Ông Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bảy trong gia đình 10 người con. Do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên cái tên Nguyễn Văn Bảy dần thành tên chính.
Ông là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.
Trong hai năm 1966-1967, ông Bảy bắn rơi 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105, 5 chiếc F-4) và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ông sau đó làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.
Ông Bảy (bên phải) và các đồng đội. Ảnh tư liệu.
Ông Bảy (bên phải) và các đồng đội. Ảnh tư liệu.
Năm 1975, ông Bảy là một trong những người tiếp quản sân bay Cần Thơ, tham gia điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa.
Sau khi nghỉ hưu năm 1990, ông Bảy về quê nhà ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) trồng rau, nuôi cá, sống cuộc đời bình dị.
Lê Phương - Trung Sơn

Huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy qua lời kể của cựu phi công Mỹ

Lâm Vy |

Huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy qua lời kể của cựu phi công Mỹ

"Đó là người đàn ông 63 tuổi với dáng người nhỏ, thanh mảnh, gương mặt hằn sâu nhiều nếp nhăn" - cựu phi công Mỹ Wetterhahn nhớ lại lần gặp gỡ phi công Nguyễn Văn Bảy.

Cuộc gặp gỡ tình cờ
Nhắc tới anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, ông Ralph Wetterhahn – cựu phi công F-4 Phantom của Mỹ - bồi hồi nhớ lại cuộc gặp gỡ năm 1997, khi ông cùng với quan chức ngoại giao Mỹ Ken Quinn [Đại sứ Mỹ tại Campuchia từ năm 1996-1999] tới Hà Nội để tìm kiếm thông tin về một số lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Trong số này có Thiếu tá John "Robbie" Robertson, một người bạn và đồng đội cùng phi đoàn của Wetterhahn. Robertson mất tích khi thực hiện nhiệm vụ tấn công vào ngày 16/9/1966 cùng Wetterhahn.
Dựa vào một bức ảnh, phía Mỹ nghi rằng Robertson còn sống và nằm trong số 3 tù nhân chiến tranh đang bị giam giữ tại Lào. Tuy nhiên, hóa ra sau này đó chỉ là một trò chơi khăm.
Trước khi sự thật được làm sáng tỏ thì Quinn và Wetterhahn đã nhận được sự giúp đỡ từ phía Việt Nam.
"Những quan chức Việt Nam mà chúng tôi có dịp trao đổi đã hứa sẽ giúp chúng tôi điều tra về bức ảnh.
Họ còn cho tôi liên hệ với một số phi công của Không quân miền bắc Việt Nam… đó là phi công Đỗ Huy Hoàng và Nguyễn Văn Bảy. Tôi chính là phi công Mỹ đầu tiên mà hai phi công Việt Nam từng gặp mặt" – ông Wetterhahn kể lại trong bài viết đăng trên tạp chí Air & Space.
Nói về ấn tượng đầu tiên khi gặp Nguyễn Văn Bảy – anh hùng phi công bắn rơi 7 máy bay Mỹ, ông Wetterhahn mô tả lại rằng, đó là một người đàn ông 63 tuổi với "dáng người nhỏ, thanh mảnh, gương mặt hằn sâu nhiều nếp nhăn". Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Bảy chuyển tới gần TP. HCM, trồng xoài và nuôi cá trong một trang trại nhỏ tại đây.
MiG-17 đánh bại F-4
Trưa ngày 16/9/1966, khi còi báo động xuất kích réo lên tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ông Bảy đã điều khiển chiếc MiG bay ở vị trí số 3 trong đội hình 4 máy bay do phi công Hồ Văn Quỳ dẫn đầu. Ở vị trí yểm trợ là phi công Lưu Huy Chao.
Tính đến thời điểm này, ông Bảy đã tiêu diệt được một chiếc F-4, một chiếc F-8 Crusader và một chiếc F-105 Thunderchief của Mỹ.
Nguyễn Văn Bảy phát hiện ra máy bay của Robbie đầu tiên. Sau khi xin lệnh tấn công, phi công Quỳ tỏ ra hơi nghi ngại: Liệu những chiếc MiG, với tốc độ chậm hơn, có thể bắt kịp những chiếc F-4 hay không?
Thế nhưng cơ hội đã đến. Trong lúc gắng hết sức để áp sát F-4, ông Bảy phát hiện phi công của những chiếc Phantom đã phạm phải một sai lầm lớn…
Huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy qua lời kể của cựu phi công Mỹ - Ảnh 1.
Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (đứng trên bên trái), người anh hùng từng bắn rơi 7 chiếc máy bay của Mỹ trong một lần chiến thắng trở về.
Vài tháng sau khi gặp gỡ phi công Nguyễn Văn Bảy, ông Wetterhahn có dịp trò chuyện với Hubert Buchanan – phi công ngồi sau Robbie vào cái ngày định mệnh ấy. Họ cũng bay ở vị trí thứ 3 trong đội hình phía Mỹ. Đó là nhiệm vụ chiến đấu thứ 17 của Buchanan và một trong những đợt tấn công quy mô lớn hơn mà phi công này được tham gia.
"Khi ấy chúng tôi đang tìm cách tránh bị radar phát hiện", Buchanan nói, "chúng tôi bay thấp xuống, nhưng không thấp tới mức có thể trúng hỏa lực từ mặt đất, và cuộc tấn công lớn đang diễn ra.
Máy bay ở khắp mọi nơi. Ở đâu đó giữa Hải Phòng và Hà Nội - tôi đoán nghiêng về phía Hà Nội nhiều hơn – một thành viên trong đội bay của chúng tôi hét lên rằng anh ta phát hiện thấy những chiếc MiG ở hướng 6 giờ".
"Vào thời khắc ấy, chúng tôi thả xuống mọi thứ - toàn bộ đạn dược và thùng nhiên liệu – rồi bắt đầu kéo lên, ngoặt trái… đó không phải là một kế hoạch khôn ngoan" – Buchanan nhớ lại.
Ba khẩu pháo trên chiếc MiG của phi công Nguyễn Văn Bảy đều đã được nạp đạn vào thời điểm đó. "Tôi bay tới phía sau chiếc Phantom", ông Bảy nói, "Do ống ngắm tương đối kém nên tôi phải áp sát [máy bay đối phương] 100-150m trước khi khai hỏa. Tôi điều chỉnh hướng bắn sau khi quan sát các vệt khói".
Một loạt đạn màu cam, cỡ quả bóng golf lóe sáng phía trên vòm kính che buồng lái của Buchanan. Phát bắn đầu tiên đã trượt. Buchanan thấy chiếc MiG của phi công Nguyễn Văn Bảy áp sát lần nữa và khai hỏa. Một bánh răng văng ra từ phía dưới cánh của chiếc F-4 và vọt qua vòm che buồng lái. Buchanan thấy mọi thứ bỗng chốc trở nên tối sầm.
"Tôi thực sự không nhớ rõ ràng về giây phút phóng ra ngoài, cảm giác như một giấc mơ… Tôi có thể nghe thấy tiếng ‘bùm’, như thể vòm kính buồng lái bị bật ra ngoài. Tôi cảm nhận được những luồng gió. Và điều tiếp theo tôi nhận thức được, đó là dù của tôi đang mở ra" – Buchanan nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng trong cuộc đời mình.
"Khi dần hạ xuống, tôi có thấy nhiều người đang di chuyển xung quanh mặt đất trong một ngôi làng nhỏ. Tôi nhìn thấy một người đàn ông ở phía bên phải, dường như mặc quân phục và mang súng trường, chạy về hướng tôi" – Buchanan nói. Viên phi công Mỹ đã bị bắt giữ và trở thành tù binh chiến tranh cho tới năm 1973.
Phi công Nguyễn Văn Bảy điều khiển chiếc MiG tránh xa khỏi chiếc Phantom đang bốc cháy, sau đó vòng ngược lại để quan sát. "Tôi thấy có một người nhảy dù xuống" – ông Bảy nói.
Phi công ACE của Việt Nam
Trong số 16 phi công ACE của Việt Nam, chỉ có 3 người, gồm phi công Nguyễn Văn Bảy và Lưu Huy Chao, lái những chiếc MiG-17. 13 phi công còn lại điều khiển phiên bản mới nhất của MiG-21, có tốc độ và độ cơ động ngang ngửa hơn hẳn.
Ông Bảy sinh năm 1936 gần Sài Gòn. Năm 16 tuổi, ông Bảy ra Bắc nhập ngũ và tham gia cuộc chiến chống Pháp. Khi chiến tranh kết thúc vào tháng 7/1954 với hiệp ước hòa bình được ký kết, ông Bảy quyết định ở lại miền Bắc. Lúc này, ông đã mất liên lạc với gia đình.
Ông Bảy tình nguyện tham gia đợt huấn luyện bay năm 1962 và là một trong những phi công đầu tiên được cử sang Trung Quốc học lái máy bay chiến đấu.
Các học viên bắt đầu khóa huấn luyện với máy bay Yak-18, sau đó tiến tới MiG-15 và cuối cùng là MiG-17.
"Quá trình huấn luyện phải mất tới 4 năm, tất cả đều diễn ra tại Trung Quốc", ông Bảy kể, "Chúng tôi có cả giáo viên hướng dẫn người Nga".
Huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy qua lời kể của cựu phi công Mỹ - Ảnh 2.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: TPO
Tương tự như phi công Mỹ, các phi công miền Bắc Việt Nam trải qua 200 giờ bay huấn luyện trước khi đi vào tác chiến thực. Các phi công Bảy, Chao và Hoàng có khoảng 100 giờ bay huấn luyện trên MiG-17.
Khóa huấn luyện không mấy dễ dàng với ông Bảy. "Tôi bị ốm suốt giai đoạn đầu của khóa huấn luyện", ông Bảy nói, "vì thế tôi đã cắt nửa trên của quả bóng đá, tròng vào một sợi dây và đeo lên cổ khi bay. Khi muốn ói, tôi sẽ ói vào đó".
Ông Bảy vẫn đang trong quá trình huấn luyện vào năm 1964, khi miền bắc Việt Nam lần đầu tiên bị máy bay Mỹ tấn công. Năm 1965, ông Bảy trở về nước, lúc này Mỹ đang phát động chiến dịch ném bom dài hơi mang tên Rolling Thunder (Sấm Rền). Không quân Nhân dân Việt Nam (VPAF) đã điều động các máy bay MiG tham chiến.
Trận đánh đầu tiên của phi công Nguyễn Văn Bảy diễn ra vào tháng 6/1965 khi máy bay của ông bị một chiếc F-4 tấn công. Máy bay Mỹ, do phi công hải quân Dan McIntyre điều khiển cùng sĩ quan đánh chặn radar Alan Johnson, đã bắn tên lửa AIM-7D nhằm vào chiếc MiG-17 của phi công Nguyễn Văn Bảy.
Nhớ lại khoảnh khắc tên lửa phát nổ ở phía cánh trái máy bay, ông Bảy kể "Tôi có thể cảm nhận được sức nóng từ vụ nổ, máy bay bắt đầu rung lắc và lảo đảo". Ông Bảy ngay lập tức điều khiển máy bay quay về phía sân bay Nội Bài. Sau khi hạ cánh an toàn, ông Bảy đếm có tới 82 lỗ đạn trên thân máy bay.
"Tôi có cảm giác giống như một võ sĩ hạng nhẹ tự tin tiến vào sàn đấu và tìm cách hạ knock-out đối thủ hạng siêu nặng", ông Bảy nói, "Đó không phải là một mà là hàng chục trận không chiến không cân xứng về lực lượng. Tất cả những gì chúng tôi suy nghĩ khi ấy, không gì khác, là về sự sống còn".
Tháng 4/1966, khi mạng lưới radar phát hiện thấy máy bay Mỹ đang tiếp cận huyện Bắc Sơn và thị trấn Đình Cả, đội hình gần 4 chiếc MiG-17 do phi công Bảy, Chao, Trần Triêm và Hồ Văn Quỳ nhận lệnh xuất kích.
Không bao lâu sau khi cất cánh, phi công Bảy phát hiện 8 chiếc F-4. Một trong số những máy bay này lượn góc rộng hơn khi cả đội hình bắt đầu ngoặt. Phi công Bảy đã áp sát và khai hỏa.
"Khi tôi nhìn thấy chiếc F-4 trên màn hình hiển thị, tôi liền bắn", ông Bảy nói, "và chiếc F-4 rơi xuống".
Trong bức thư gửi cho người vợ mới cưới của mình – một sinh viên kế toán tại đại học ở Hà Nội – ông Bảy kể "đó là chiếc máy bay đầu tiên mà anh bắn hạ được".
Khi ấy, ông Bảy mới cưới được hơn một tuần. Đám cưới diễn ra vội vã trong vòng vài chục phút. "Tôi cởi bỏ bộ đồ bay, mặc quần áo bình thường rồi tổ chức lễ cưới, thậm chí còn đủ thời gian để hút một điếu thuốc", ông Bảy kể, "sau đó tôi lại mặc đồ bay và trực chiến. Tôi bay liền 12 ngày trước khi gặp lại vợ mình lần nữa".
Nhiều năm sau đó, ông Wetterhahn có dịp gặp lại ông Bảy, lúc này người phi công đang miệt mài viết lại những kinh nghiệm chiến đấu của mình.
"Điều quan trọng là phải phát hiện ra địch đầu tiên", ông Bảy nói, "để chuẩn bị được tốc độ cao hơn và độ cao lớn hơn, ở thế có lợi hơn.
Chúng tôi đã đúc rút được nhiều bài học và nghiên cứu nhiều trận không chiến nổi tiếng từ Thế chiến II giữa Liên Xô và Đức, cũng như các trận không chiến ở Thái Bình Dương với máy bay cánh quạt và pháo. Bên nào bắn trước, bên đó thắng".
Ngày 5/9/1966, sĩ quan kiểm soát mặt đất cấp cao Lê Thành Chơn (cựu phi công MiG-17) đã dẫn hướng cho phi công Nguyễn Văn Bảy và phi công yểm trợ Võ Văn Mẫn xuất kích từ sân bay Gia Lâm lúc 16h, bay về phía một mục tiêu không xác định ở phía nam.
Trong lúc bay về phía Nam, ông Bảy phát hiện ra một nhóm máy bay tấn công A-4 đang bay khỏi một chiếc cầu bốc khói.
Ngay phía trước ông là hai chiếc F-8 đang tiếp cận những chiếc A-4 này từ phía bên phải của một cụm mây lớn mà phi công Bảy và Mẫn đang bay tới.
Những chiếc MiG bắt đầu vứt bỏ các thùng nhiên liệu ngoài để chuẩn bị chiến đấu. Hai chiếc F-8 bay về vị trí phía sau những chiếc A-4 để làm nhiệm vụ hộ tống chúng tới khu vực mục tiêu. Đôi hình máy bay Mỹ bắt đầu di chuyển xung quanh phía bên trái của cụm mây.
Sĩ quan Chơn đã quan sát được hết những gì diễn ra thông qua radar CGI, ông lệnh cho phi công Nguyễn Văn Bảy tiếp tục tiến về phía trước, bay men theo phía bên phải cụm mây và cho phép tấn công.
Bằng hai phát bắn, với phát bắn thứ hai ở cự ly 80-100m, phi công Nguyễn Văn Bảy đã hạ gục một chiếc F-8. Trận đánh kéo dài 45 giây, chiếc máy bay Mỹ rơi xuống, viên phi công nhảy thoát ra ngoài nhưng sau đó bị bắt giữ.
4 tháng đầu năm 1967, phi công Nguyễn Văn Bảy bắn hạ được thêm 3 máy bay Mỹ. Ông trở thành một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy qua lời kể của cựu phi công Mỹ - Ảnh 4.
Anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy sau khi về hưu sống giản dị như người nông dân tại quê nhà Đồng Tháp. Ảnh: VietnamNet
*** Nội dung được lược dịch và biên tập từ bài viết "Nguyễn Văn Bảy và các phi công ACE từ miền Bắc Việt Nam" của tác giả - cựu phi công Ralph Wetterhahn.
theo Trí Thức Trẻ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH