KÝ ỨC CHÓI LỌI 122
(ĐC sưu tầm trên NET)
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (Xử lý ảnh: Đỗ Linh)
Những thước phim quý về đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy | ANTV
Phi công Nguyễn Văn Bảy - người anh hùng chân đất
Áp sát các máy bay địch để nhắm chính xác, bảy lần đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy nổ súng là bảy chiếc máy bay Mỹ rơi.
"Tao đâu có ngờ, tao chưa bao giờ nghĩ sẽ lái máy bay", ông Bảy nói khi phóng viên VnExpress
đến thăm nhà đầu năm 2018. Căn nhà cấp bốn lọt thỏm dưới những rặng tre
và vườn cây trái sum sê, xanh mát ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp, được xây
trên mảnh đất cha mẹ ông để lại.
Ông Bảy (bìa phải) và các đồng đội. Ảnh tư liệu.
|
Năm 1936, cậu bé Bảy ra đời trong khu vườn này với tên khai sinh là
Nguyễn Văn Hoa. Vì tên giống con gái, và người Nam Bộ hay gọi tên theo
thứ tự trong gia đình nên Nguyễn Văn Bảy dần trở thành tên chính. Bảy
học hết lớp ba rồi bỏ học, vì "hồi đó biết học làm chi đâu, biết đọc
biết viết là được rồi".
17 tuổi, độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu", ông bị ép cưới vợ. Vì không muốn
lập gia đình sớm, ông trốn cha mẹ đi theo cách mạng. Thời ấy, bộ đội tối
tối thường xuống xóm để tuyên truyền. "Tao nghe tao thích. Hồi đó 17
tuổi nói đến cách mạng mình đâu có biết gì đâu. Chỉ biết đánh thằng áp
bức dân mình, phải chống lại và đánh lại những thằng đó", ông Bảy nói.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc sau một năm tham gia quân đội. Sáu năm sau,
có đợt tuyển chọn binh sĩ để đào tạo phi công. Ông Bảy khi đó 24 tuổi,
cao 1m67, nặng 69 kg là người được chọn với "tỷ lệ chọi" ba trên một vạn
người.
Những lãnh đạo chiêu mộ ông hoàn toàn tinh tường. Trong bảy ngày được
bồi dưỡng ở trường Bổ túc văn hóa Lạng Sơn, ông đã nắm được căn bản về
đại số, các định luật vật lý, công thức tính toán...
Xong phần lý thuyết cơ bản về lái máy bay học trong nước, ông được đưa
sang Trường Hàng không Số 3 ở TP Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh - nơi đào tạo
lái máy bay tốt nhất nhì của Trung Quốc bấy giờ. Đoàn học viên của Việt
Nam được đào tạo lái máy bay MiG-17, lúc đó có 34 người, tuyển chọn từ
Nam chí Bắc.
"Ở đây có chú nào người miền Nam thì giơ tay lên cho Bác biết", Chủ tịch
Hồ Chí Minh nói trước đoàn học viên trước giờ lên đường sang Trung
Quốc. Ông Bảy là một trong hai người miền Nam khi đó được Chủ tịch Hồ
Chí Minh dặn dò riêng.
Sang Trung Quốc, ông Bảy phải học ngày học đêm vì thầy giáo dạy bằng
tiếng nước ngoài. Ban đầu thầy bay trước một vòng cho học viên xem, rồi
sau đó các học viên bay cho thầy xem. Ông Bảy thông minh nên hầu như
những gì thầy giáo làm, ông đều bắt chước được y hệt.
Khi mới học lái, tiền đình ông Bảy không được "ngon lắm", theo cách nói
của người Nam Bộ. Khi lên máy bay là ông ói mửa. Để khắc chế những cơn
nôn thốc nôn tháo, ông Bảy bổ ruột trái banh, cắt bỏ 1/3 rồi đeo vào cổ,
lúc nào buồn nôn thì ói vào đó. Mất một năm ông mới hết say.
Trong thời gian đó, ông tiếp tục bổ túc thêm kiến thức đại số, các định
luật, thiên văn khí tượng, cách nhìn đám mây. Với ngoại ngữ, ông chỉ học
những từ ngữ quan trọng nhất như quẹo trái, quẹo phải, kéo cần lên -
xuống.
Lần đầu tiên lái máy bay cánh quạt K-56, khi ông vừa nhấn công tắc thì
máy nổ, quay rào rào. Chàng phi công mới khoái chí, bỏ cần lái rồi vỗ
tay. Thầy giáo phía sau vội chụp lấy cần điều khiển rồi gắt giọng: "Đồng
chí vô kỷ luật".
Ông Bảy thanh minh rằng từ nhỏ chưa hề biết việc này, tự nhiên "một cục
sắt, vừa ấn cái nó quay rào rào" nên ông mới làm vậy. Nhớ lại kỷ niệm
này, ông cười: "May có thầy giáo giữ cần điều khiển cho mình nếu không
nó đâm vào đâu thì chết".
Năm 1965, tốp phi công đầu tiên của Việt Nam từ Trung Quốc lái máy bay
về Gia Lâm. Ông Bảy được biên chế ở Trung đoàn không quân tiêm kích 923
và tham gia tham chiến trận đầu tiên trên vùng trời Bắc Sơn - Chi Lăng.
Ngày 19/6/1965, lần đầu tiên cất cánh chiến đấu trên bầu trời Yên Thế
(Hà Bắc cũ - nay là Bắc Giang), máy bay của ông bị trúng đạn, thủng kính
buồng lái.
Nguyên tắc của phi đội bay là luôn bảo vệ máy bay số một. Lúc đó, ông
Bảy điều khiển máy bay số ba, đi theo bảo vệ thì bị máy bay địch bắn từ
phía sau. Khi kiểm tra, máy bay có 82 lỗ, lỗ lớn nhất to bằng cái mũ. Từ
chuyến bay này, ông rút ra kinh nghiệm khi xung trận thì phải luôn cảnh
giác phía sau.
"Lần sau biết chiêu của địch, tao cứ áp sát máy bay chúng mà đánh. Vì
máy bay của chúng to hiện đại hơn, bay nhanh và trang bị súng đạn nhiều
hơn, trong khi MiG-17 chỉ có 3 khẩu pháo với 200 viên đạn, bắn 7 giây là
hết. Bởi vậy, phải tiếp cận gần và mạo hiểm thì mới thắng được", ông
đúc rút.
Ông Bảy tham gia chiến đấu 13 trận, năm 1966 và 1967, 7 lần ông bóp cò
thì 7 máy bay Mỹ bị bắn hạ. Chưa lần nào ông phải nhảy dù. Chiến công
đầu tiên được xác lập vào ngày 21/6/1966, ông bắn hạ máy bay F8 Crusader
của phi đội 211 do Cole Black điều khiển.
Đến các ngày 24 và 29/6/1966, phi công Bảy tiếp tục bắn rơi các loại máy
bay F-4C và F105D. Ngày 21/9/1966, 16 máy bay F-4 và F105 của Mỹ chia
thành nhiều tốp, nhiều tầng, nhiều hướng bao vây biên đội bốn máy bay
Việt Nam trên bầu trời Hải Dương. Ông Bảy hạ một chiếc F-4 trong tổng số
ba máy bay Mỹ bị bắn hạ.
Sang năm 1967, ông tiếp tục bắn rơi ba máy bay khác. Sau năm đó, theo
chính sách giữ gìn phi công giàu kinh nghiệm, ông không trực tiếp chiến
đấu mà được rút về làm chỉ huy, huấn luyện, đào tạo và truyền thụ kinh
nghiệm cho lớp phi công mới.
Trong thời gian chiến đấu, ông còn được học bổ túc ở Học viện Không quân
Gagarin (Liên xô). Năm 1972, ông cùng trung đoàn trưởng bắt đầu chỉ huy
đánh trận 12 ngày đêm ở Hà Nội (Điện Biên Phủ trên không).
Máy bay Mỹ đánh suốt đêm Hải Phòng, Hà Nội. Khi đó, ông có vợ và hai
con, chia nhau mỗi người giữ một đứa. Có đêm báo động 12 lần. Mỗi lần
báo động ông Bảy và con nhảy vào hầm. "Có lúc con nó hỏi máy bay còn bao
nhiêu cây số nữa ba. Tao bảo chắc hết rồi. Mới nói thì một loạt bom rải
ngay trên hầm. Hai cha con ôm nhau chạy", ông Bảy hồi tưởng lại ký ức
chiến tranh.
Hòa bình lặp lại, ông chỉ huy tiếp quản sân bay Cần Thơ; sau đó tham gia
điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Biên Hoà, Tân Sơn Nhất; chỉ
huy không quân làm nhiệm vụ tại Campuchia.
Năm 1989, ông nghỉ hưu, làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không
quân tại TP HCM, một năm sau thì về TP Sa Đéc sống cùng gia đình. 10 năm
qua, ông cùng gia đình chuyển về quê ở huyện Lai Vung sống bằng nghề nông.
Trong vườn của ông có nhiều loại cây ăn trái, hoa lá: cà phê, ca cao, đu
đủ, vú sữa, hoa anh đào Nhật... Tất cả loại cây ông khoe xin được từ
khắp các vùng miền. Trước và sau nhà ông là ao cá và ao sen. Đầm sen của
gia đình ông rộng hơn 5.000 m2.
Trong khu vườn ấy, những người hàng xóm luôn thấy ông lão dáng vẻ quắc
thước, chòm râu bạc, quần áo lấm lem bùn đất. Về cuối đời, đôi tai ông
lão đã lãng đi nhiều, nhưng cánh tay vẫn cuồn cuộn cơ bắp.
Một năm trước, khi đang chặt tre để gia cố ao cá, ông Bảy nói: "Hôm bữa
báo đài về quay tao, lính tao gọi điện, viết thư, nó bảo nhà nước không
đãi ngộ hay sao mà ông phải làm khổ vậy. Tao bảo tao khoái thì làm thôi.
Giờ tao ngồi chơi là tao buồn. Chán lắm. Nhà nước đãi ngộ tao quá đủ
rồi".
Một ngày của ông Bảy bắt đầu từ 4h30 bằng việc dậy đi bộ tới nhà bạn
cách đó khoảng 200 m để uống trà, cà phê cho tỉnh ngủ. 6h, ông dọn dẹp
vườn tược, cho cá ăn, hoặc lội đầm hái sen. Đến 7h ông cùng gia đình ăn
sáng sau đó tiếp tục làm việc cho đến 11h nghỉ ngơi, xem phim truyền
hình. Công việc xoay vòng ngày này qua ngày khác. "Lao động là khỏe
nhất", ông tâm sự.
Ông Bảy trèo cây hái vú sữa gửi lên cho con cháu ở TP HCM vào đầu năm 2018. Ảnh: Thành Nguyễn.
|
Sáng thứ hai tuần trước (ngày 16/9), ông Bảy đi uống cà phê với hàng xóm
rồi về coi sóc mấy gốc chanh không hạt vừa trồng. Khi đang làm vườn thì
ngã do đột quỵ.
Ông Bảy Bút, hàng xóm của ông Bảy nhớ lại, trưa hôm đó, trời mưa, ông
chạy xe ngang nhà thấy ông Bảy đang thăm hai cái lú (bẫy cá) dưới rạch.
Ông Bảy kêu ông dừng xe đợi rồi bắt một mớ cá và bảo đem qua nhà hàng
xóm để chiều làm mồi nhậu.
Đến chiều, mọi người tìm không thấy ông Bảy. Họ nhảy xuống mương, rạch
mò tìm. Cuối cùng, vợ ông Bảy tìm thấy chồng nằm ở bên hè, quần áo ướt
hết vì mắc mưa. Mọi người liền khiêng ông vào nhà, lau mình, thay quần
áo rồi đưa đi cấp cứu.
Ông Bảy Bút nói, hai vợ chồng ông Bảy sống rất tốt với bà con xóm giềng.
Bà con gọi ổng là "ông Bảy phi công". Từ khi về đây ông đã bắt tay cùng
bà con vận động mạnh thường quân và bỏ tiền túi ra làm đường sá, góp
sức xây dựng nông thôn mới. Chòm xóm ai khó khăn gì, ông hay biết là sẵn
sàng giúp đỡ.
"Ông ấy đi trị bệnh mới khoảng một tuần mà bà con ở đây thấy lâu lắm vậy. Tối qua, hay tin ông không qua khỏi
ai cũng buồn rười rượi. Vậy là không còn dịp cà phê lúc hừng đông cùng
ông ấy nữa rồi... Cầu mong ông ra đi thanh thản", ông Bảy Bút bùi ngùi.
Đang ở TP HCM cùng lo hậu sự cho anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, một
đại tá quân đội về hưu, đồng đội cũ của ông nhận xét, ông Bảy là một
trong những thủ trưởng gắn bó, mẫu mực nhất. Sau lên cấp, ông vẫn giữ
nếp sống rất bình dân. Kỷ niệm ông nhớ nhất là những năm tháng khó khăn,
tiêu chuẩn ăn uống của bộ đội thì không như phi công. Suốt thời gian
dài, ông luôn cẩn thận chừa lại một phần suất ăn của mình san sẻ với bộ
đội.
"Không những người Việt mà ngay cả những phi công Mỹ mà khi đã gặp được
bác Bảy thì ai cũng đều rất kính phục. Thứ nhất là đức độ, thứ hai là
tài năng. Con người xuất thân từ một nông dân chân đất nhưng rất tài
năng trong không chiến", đồng đội của ông Bảy nói.
Trong những năm cuối đời, ông Bảy cùng các cựu phi công trong chiến
tranh từng nhiều lần gặp mặt những cựu binh Mỹ. Năm 2017, trong cuộc gặp
ở thành phố San Diego, bang California, ông Bảy nói với các cựu phi
công Mỹ: "Phi công Mỹ được lệnh đến Việt Nam để chiến đấu cho nước Mỹ.
Nếu chúng tôi không bắn họ, họ sẽ bắn chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc
của mình. Đó là quá khứ. Giờ chúng tôi là bạn".
Khi biết tin ông Bảy ốm, nhiều cựu phi công Mỹ đã gửi lời hỏi thăm, động
viên ông. Cựu phi công David Vipperman nói: "Tôi rất buồn. Tôi hy vọng
ông ấy có mặt trên cuộc đời để gặp lại một lần nữa".
Ông David Vipperman từng là phi công tham chiến ở Việt Nam năm 1966,
1967. "Khi đó Văn Bảy là một phi công giỏi", ông Vipperman nói. Năm
2018, khi các cựu phi công Mỹ gặp các cựu phi công Việt Nam, ông
Vipperman đã cùng ông Bảy đi xem biểu diễn ở nhà hát TP HCM. Ông Bảy còn
mời cựu binh Mỹ về nông trại của mình.
"Ông ấy thật thú vị. Tôi rất hạnh phúc được làm bạn với ông ấy và những
người khác. Đó là thời khắc của tình bạn và hòa giải", cựu phi công Mỹ
nói.
Ông Bảy (giữa) tặng hình cho các cựu phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam trong chuyến tham quan Mỹ vào tháng 9/2017. Ảnh: Thành Nguyễn chụp lại.
|
Ông Nguyễn Văn Bảy (84 tuổi) qua đời tại Bệnh viện Quân Y 175 tại TP HCM, đêm 22/9, sau sáu ngày nhập viện vì đột quỵ do xuất huyết não.
Ông là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACE, một danh hiệu có
từ chiến tranh thế giới thứ hai, dành cho những phi công lái máy bay
quân sự bắn hạ năm máy bay đối phương trở lên; được Nhà nước phong Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967.
Theo Quân Chủng Phòng không Không quân, từ ngày 24/9 đến ngày 25/9, lễ
viếng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy sẽ diễn ra tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng
(số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM).
Lễ truy điệu và di quan linh cữu đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân Nguyễn Văn Bảy được tổ chức ở quê nhà tại huyện Lai Vung (Đồng
Tháp) từ 5h ngày 26/9.
Lễ viếng tại quê nhà sẽ được tổ chức từ 12h ngày 26 đến 10h30 ngày 27/9. Lễ an táng diễn ra trưa cùng ngày.
Huy Phong - Thành Nguyễn - Phạm Linh
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy qua lời kể của cựu phi công Mỹ
Hơn 20 năm sau chiến tranh, cựu đại tá Mỹ quay lại Việt Nam gặp phi công Nguyễn Văn Bảy, người đã bắn hạ 7 tiêm kích hiện đại.
Ralph Wetterhahn từng là phi công điều khiển tiêm kích F-4 Phantom tham
chiến ở Việt Nam và may mắn sống sót sau khoảng 180 lần thực hiện nhiệm
vụ. Năm 1997, ông quay lại Việt Nam để tìm kiếm thông tin về thiếu tá
phi công John Robertson, người bị bắn hạ trong chiến dịch ném bom miền
Bắc Việt Nam tháng 6/1966.
Trong chuyến đi này, Wetterhahn được bố trí gặp một số cựu phi công
Không quân Nhân dân Việt Nam, trong đó có anh hùng Nguyễn Văn Bảy, người
đã lập thành tích bắn hạ 7 chiến đấu cơ Mỹ và đạt đẳng cấp Ace.
"Đó là người đàn ông hơn 60 tuổi với thân hình nhỏ bé, mảnh khảnh và
khuôn mặt nhiều nếp nhăn. Ông trồng xoài và nuôi cá trong trang trại gần
TP Hồ Chí Minh, nơi ông chuyển đến sau khi chiến tranh kết thúc", cựu
đại tá không quân Mỹ Wetterhahn kể về lần gặp đầu tiên với đại tá anh
hùng phi công Nguyễn Văn Bảy trong bài viết đăng trên tạp chí hàng không
Airspace Mag năm 2000.
Trong căn phòng nơi gặp gỡ, thông qua người phiên dịch, ông Bảy cầm mảnh
giấy và đọc cho Wetterhahn về những trận không chiến mà ông tham gia,
liệt kê rõ ràng ngày tháng cùng những thông tin chi tiết về trận đánh
như vị trí, điều kiện thời tiết, chủng loại và số lượng máy bay tham
gia, những lần cơ động và kết quả trận đánh.
Phi công Nguyễn Văn Bảy (ngoài cùng, bên phải) thuật lại một trận không chiến với các đồng đội. Ảnh: Osprey.
|
Người phiên dịch phải cố hết sức để theo kịp lời kể của ông Bảy, còn
Wetterhahn kiểm tra tài liệu do Mỹ và Việt Nam cung cấp trước đó.
Wetterhahn ngạc nhiên nhận ra lời kể của ông Bảy giống hệt các báo cáo
chính thức của phía Mỹ.
Khi ông Bảy nhắc đến sự kiện ngày 16/9/1966, Wetterhahn ngừng viết, bởi
đó chính là ngày Robertson, bạn của ông, bị bắn hạ. "Tôi nhìn lên, ông
Bảy cũng rời mắt khỏi tờ giấy và dừng lại một chút. Rồi ông Bảy gật đầu,
tôi cảm nhận được rằng ông ấy biết mình sắp mô tả cuộc chiến mà tôi có
liên quan phần nào", cựu phi công Mỹ kể.
Trong ngày hôm đó, Robertson thực hiện phi vụ ném bom Hà Nội ngay trước
Wetterhahn và không trở về. "Tôi nói mình gần như đã ở đó, ông Bảy gật
đầu rồi kể tiếp", Wetterhahn cho biết.
Theo lời kể của ông Bảy, còi báo động vang lên ở sân bay Gia Lâm vào đầu
giờ chiều ngày 16/9. Ông Bảy bay ở vị trí thứ ba trong biên đội 4 chiếc
MiG-17 do phi công Hồ Văn Quý dẫn đầu. Vào thời điểm này, ông Bảy đã hạ
một tiêm kích F-4, một tiêm kích hạm F-8 và một tiêm kích bom F-105.
Chiếc F-4 của Robertson và phi công phụ Hubert Buchanan cũng bay ở vị
trí thứ ba trong đội hình khi trận không chiến nổ ra với biên đội của
ông Bảy.
"Chúng tôi tìm cách tránh radar, bay xuống không quá thấp. Rồi chúng tôi
bị phòng không và tiêm kích Việt Nam tấn công. Ở đâu đó giữa Hải Phòng
và Hà Nội, tôi nghĩ gần Hà Nội hơn, một thành viên trong tốp hét lên
rằng có MiG ở hướng 6 giờ", Buchanan kể lại.
Ông Bảy là người đầu tiên phát hiện nhóm tiêm kích F-4 Mỹ, nhưng biên
đội trưởng Quý không chắc những chiếc MiG-17 có thể bắt kịp chúng. Tuy
nhiên, phi công Mỹ mắc sai lầm khi nâng độ cao và ngoặt trái. Ông Bảy
tiếp cận tốp F-4 của Mỹ ở khoảng cách 100-150 m và khai hỏa.
Hubert Buhanan (trái) và thiếu tá John Robertson (phải) đứng trước chiếc
F-4C-20-MC số hiệu 63-7643 tại căn cứ không quân Ubon, Thái Lan ngày
15/9/1966. Ảnh: US Air Force.
|
Loạt đạn thứ hai bắn hạ chiếc F-4 của Robertson và Buchanan. "Chiếc máy
bay bốc cháy và lao xuống. Tôi chỉ thấy một chiếc dù bung ra", ông Bảy
nói. Buchanan nhảy dù xuống một ngôi làng, bị bắt làm tù binh và được
trả tự do năm 1973, còn Robertson vẫn trong tình trạng mất tích.
Theo quan điểm của Wetterhahn, việc mẫu tiêm kích "cổ lỗ sĩ" như MiG-17
có thể sống sót trong cuộc chiến đã là một điều thần kỳ, chứ chưa nói
đến thành tích bắn hạ chiến đấu cơ Mỹ. Điều đó khiến ông tò mò và muốn
hỏi ông Bảy kỹ hơn về quá trình huấn luyện và kinh nghiệm tác chiến.
Càng trò chuyện, cựu đại tá phi công Mỹ càng hiểu nhiều hơn về bản lĩnh,
trình độ của những phi công chiến đấu Việt Nam.
Ông Bảy sinh năm 1936, là con thứ bảy trong gia đình 11 người con. Năm
1962, ông xung phong tham gia khóa huấn luyện phi công tiêm kích tại
Trung Quốc. "Chúng tôi tiến thẳng từ xe đạp lên máy bay. Tôi chỉ học lái
ôtô sau khi lái được máy bay", ông Bảy nói.
Các học viên bắt đầu với máy bay huấn luyện Yak-18, sau đó chuyển sang
MiG-15 rồi MiG-17 trong bốn năm với sự hướng dẫn của giảng viên Liên Xô
và trở về Việt Nam năm 1965. Trước khi xuất kích trận đầu, phi công
Nguyễn Văn Bảy mới chỉ có khoảng 100 giờ bay trên MiG-17.
Ông Bảy lập chiến công bắn hạ chiếc F-4 đầu tiên vào cuối tháng 4/1966,
khi bốn chiếc MiG-17 trong biên đội của ông đối đầu với 8 máy bay F-4
của Mỹ tiếp cận vùng trời Bắc Sơn - Chi Lăng.
Ông Bảy lúc đó mới cưới vợ hơn một tuần. "Đám cưới của tôi diễn ra trong
15 phút. Tôi cởi bộ đồ bay, mặc quần áo dân sự, làm lễ cưới rồi hút một
điếu thuốc. Sau đó tôi quay lại đơn vị và chiến đấu liên tục trong 12
ngày trước khi gặp lại vợ", ông Bảy cho biết.
Đồng đội chúc mừng phi công Nguyễn Văn Bảy (phía trên, bên trái) sau
chiến công đầu tiên bắn hạ tiêm kích F-4C ngày 26/4/1966. Ảnh: Bảo tàng Không quân.
|
Giữa năm 1966, Mỹ thường xuyên ném bom Hà Nội, Hải Phòng cùng các trung
tâm công nghiệp và quốc phòng khác ở miền Bắc. Ông Bảy bắn hạ một chiếc
F-8 và một chiếc F-105 vào tháng 6/1966. Sau trận không chiến bắn hạ
chiếc F-4 của Robertson và Buchanan tháng 9/1966, ông Bảy hạ thêm ba máy
bay Mỹ khác.
"Tôi thấy mình như một võ sĩ hạng nhẹ tự tin bước lên so găng và cố gắng
hạ gục những đối thủ hạng nặng. Không phải một trận mà là hàng chục
trận. Chúng tôi thường đối đầu với tỷ lệ một chọi bốn hoặc năm", ông
nói.
Tiêm kích MiG-17 của ông được chế tạo từ những năm 1950, rất khó điều
khiển khi bay vòng và liệng ở tốc độ cao. Vũ khí của nó chỉ là hai pháo
23 mm và một pháo 37 mm, không có radar đo khoảng cách hay tên lửa.
Ông Bảy hiểu rõ máy bay Mỹ hiện đại hơn rất nhiều, nhưng cũng có điểm
yếu. "Họ phải bay rất xa và luôn cảm thấy hàng nghìn con mắt, khẩu pháo
chĩa vào từ dưới đất. Mắt họ không thể tập trung 100% vào máy bay của
chúng tôi, nên chúng tôi thường phát hiện ra họ trước", ông nói.
Theo ông, điều quan trọng nhất là phát hiện kẻ thù trước, để có thể đạt
tốc độ, độ cao lớn hơn và chiếm lợi thế. "Ai khai hỏa trước, người đó
thắng", ông nói với Wetterhahn.
Sau cuộc trò chuyện, hai cựu phi công, những người từng đối đầu nhau
trên bầu trời Việt Nam, đến một nhà hàng. "Ông Bảy và tôi giờ đây đấu
rượu với nhau như những phi công chiến đấu xuất sắc khác", cựu đại tá
phi công Mỹ kể. "Khi tạm biệt, ông Bảy ôm lấy tôi, mỉm cười và đi vào
nhà. Vợ ông Bảy nói rằng trong mắt bà, ông luôn là một anh hùng".
Đại tá Nguyễn Văn Bảy, phi công anh hùng của Không quân Nhân dân Việt
Nam, qua đời ngày 22/9 tại Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng, hưởng
thọ 84 tuổi.
Nguyễn Tiến (Theo Airspace Mag)
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và những trận không chiến đỉnh cao: Chuyên gia Liên Xô kinh ngạc, phi công Mỹ sừng sỏ khiếp vía
Trà Khánh |
Chỉ trong khoảng thời gian từ 1965-1967, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy cùng tiêm kích MiG-17 đã 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ và góp sức giúp đồng đội bắn hạ nhiều máy bay khác.
Trận đánh đầu tiên với MiG-17 khiến chuyên gia Liên Xô kinh ngạc
Chỉ
trong hai năm 1966-1967, với 94 lần xuất kích trong đó có 13 trận không
chiến, Đại tá - Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (Bảy A) đã bắn rơi 7
máy bay Mỹ giúp ông trở thành một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng
cấp ACE của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Những
chiến công của ông cùng đồng đội đã góp phần quan trọng giúp quân và
dân ta đánh bại Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc
Mỹ.
Vào tháng 4/1965, Anh hùng phi
công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội trở về nước sau nhiều năm học lái máy
bay MiG-17 ở nước ngoài, Ông và một số đồng đội được biên chế về Trung
đoàn Không quân tiêm kích 923 (mật danh Đoàn Yên Thế).
Trận
đánh đầu tiên của phi công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội tại Trung đoàn
923 diễn ra vào lúc 10h sáng ngày 6/10/1965 khi biên đội MiG-17 của ông
được lệnh cất cánh đánh chặn một phi đội máy bay Mỹ hoạt động trên vùng
trời Bắc Sơn - Chi Lăng.
Vào khoảng
10 phút sau đó, biên đội MiG-17 của phi công Nguyễn Văn Bảy phát hiện
máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Thế và quyết định tấn công. Tuy nhiên, phi
đội máy bay Mỹ dựa vào ưu thế vượt trội về số lượng cũng như máy bay tốt
hơn đã ngay lập tức phản công lại biên đội MiG-17 của ta.
"Khi
MiG-17 của tao lao tới, chúng nó kéo cả bầy ùa lại phản kích, bắn đạn
quá rát làm tao phải luồn lách liên tục để né. Tới chừng MiG-17 của tao
lắc quá, biết máy bay mình bị thương nhiều rồi, tao liều mình bay vút ra
ngoài vòng vây máy bay Mỹ rồi tìm chỗ hạ cánh", Anh hùng Nguyễn Văn Bảy hồi tưởng lại trận đánh đầu tiên với các phóng viên.
Khi
hạ cánh xuống mặt đất, ông mới biết chiếc MiG-17 của mình bị một tên
lửa AIM-7 của một chiếc F-4 bắn ra nổ rất gần, để lại trên thân máy bay
của ông ít nhất 82 vết thủng lỗ chỗ.
Thế nhưng ông vẫn giữ bình tĩnh lái máy bay hạ cánh an toàn trước sự kinh ngạc của đồng đội và các chuyên gia Liên Xô.
Đây
được xem là kỳ tích khi hiếm có vào thời điểm đó, khi chưa có phi công
tiêm kích phản lực nào trên thế giới cùng chiếc máy bay chi chít vết
thương (phần đuôi gần như bị bắn nát) vẫn có thể bay về hạ cánh an toàn.
Chiến công đầu tiên bắn hạ "con ma" F-4
Sau
vài lần bay lên nghênh chiến với máy bay Mỹ, dù không tiếp cận được,
nhưng cũng giúp phi công Nguyễn Văn Bảy và đồng đội có thêm nhiều kinh
nghiệm chiến đấu quý báu, nhất là tìm ra được cách khắc phục được các
nhược điểm của MiG-17 trước các chiến đấu cơ hiện đại hơn của Mỹ, từ tốc
độ, trang bị hỏa lực cho đến phương tiện kỹ thuật.
Năm 2017 khi được phóng viên hỏi về cách đánh máy bay Mỹ vốn vượt trội hơn hẳn, Đại tá Nguyễn Văn Bảy nhận định, "Máy bay Mỹ toàn loại siêu đẳng, nên muốn đánh thắng chúng thì ta phải có cách riêng của mình..."
Và
khi nắm được thóp giặc lái Mỹ, phi công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội đã
có cách đối phó với những kẻ thù được trang bị tốt hơn mình, mặc dù
chiếc MiG-17 của ông không được trang bị tên lửa mà chỉ có 3 khẩu pháo.
Anh
hùng Nguyễn Văn Bảy – phi công ACES huyền thoại của Không quân Nhân dân
Việt nam, bắn rơi 7 máy bay Mỹ, chưa một lần bị bắn hạ.
Đại tá Nguyễn Văn Bảy kể lại cách khắc chế địch trong cuộc phỏng vấn cách đây 2 năm:
"Biết
chiêu của địch rồi nên mình phải dùng chiêu đối phó, đó là phải áp sát
máy bay địch mà đánh. Vì máy bay của chúng to hiện đại hơn, bay nhanh và
trang bị súng đạn nhiều hơn. Bởi vậy phải tiếp cận gần và mạo hiểm thì
mới thắng được, thế là mỗi lần tôi siết cò là một máy bay Mỹ ra đi".
Và
rồi điều gì đến cũng đã đến, phi công Nguyễn Văn Bảy cùng chiếc MiG-17
đã có chiến công đầu tiên trong một đợt xuất kích đánh chặn máy bay Mỹ
vào cuối tháng 4/1966.
Khi đó hệ
thống radar cảnh giới mặt đất của Quân chủng Phòng không - Không quân
cho biết máy bay Mỹ đang tiến đến Bắc Sơn và Đình Ca, lập tức 4 máy bay
chiến đấu MiG-17 của Nguyễn Văn Bảy, Lưu Huy Chao, Trần Triềm theo sau
biên đội trưởng Hồ Văn Qùy xuất kích đánh chặn địch.
Ngay
sau khi xuất kích, các máy bay ta phát hiện phi đội 8 chiếc F-4 của
địch. Phi công Nguyễn Văn Bảy quan sát thấy một máy bay địch bay cách xa
đội hình. Chiếc MiG-17 của ông nhanh chóng vòng tới phía sau và áp sát
kẻ thù rồi khóa mục tiêu và nã đạn.
"Khi
nhìn thấy toàn bộ chiếc F-4 nằm gọn trong kính chắn gió, ba bóp cò và
chiếc F-4 rơi. Đây là máy bay Mỹ đầu tiên bị ba bắn hạ", ông kể lại
trong một bức thư gửi cho con dâu vào năm 2000, khi đó còn là một sinh
viên theo học khoa kế toán của một trường đại học ở Hà Nội.
5 lần bắn hạ tiêm kích F-4: Chiến tích hiếm có
Sau
chiến thắng đầu tiên, trong trận không chiến ngày 21/6/1966 phi công
Nguyễn Văn Bảy tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình khi đối mặt với máy
bay Mỹ.
Trong trận này, biên đội gồm
bốn chiếc MiG-17 của ông có nhiệm vụ đánh chặn một tốp máy bay Mỹ dẫn
đầu là một chiếc máy bay trinh sát RF-8A được hộ tống bởi bốn chiếc tiêm
kích F-8 Crusader đang tiến hành do thám hệ thống đường sắt ở phía Đông
bắc Thị trấn Kép, Bắc Giang.
Dù bị
áp đảo về số lượng cũng như hỏa lực, phi công Nguyễn Văn Bảy không hề
nao núng, bình tĩnh cùng đồng đội bắn hạ một chiếc F-8E dẫn đầu phi đội
hộ tống do Trung úy phi công Cole Black điều khiển.
Trong
khi đó, chiếc RF-8A do Trung úy phi công Leonard Eastman lái bị biên
đội trưởng MiG-17 - phi công Phan Thành Trung tiêu diệt.
Ba
ngày sau, trong trận đánh ngày 24/6/1966, khi phát hiện phi đội máy bay
Mỹ đang ném bom, biên đội MiG-17 của Nguyễn Văn Bảy từ xa bất ngờ lao
thẳng vào đội hình địch.
Chiếc
MiG-17 của ông cơ động mạnh, lúc vút lên, lúc lại bổ nhào xuống, làm đội
hình máy bay địch lúng túng và khi thời cơ tới, ông nhấn cò, một "con
ma" F-4 Phantom II trúng đạn bốc cháy trên không trung.
Theo
lời kể của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, trong thời gian từ
1965-1968, với 94 lần xuất kích ông đã 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ, trong đó
có tới 5 chiếc F4 "con ma", một chiếc F-105 "thần sấm" và một chiếc F-8
"thập tự quân".
Ở thời điểm đó F-4
Phantom II được xem là chiến đấu cơ tốt nhất của Mỹ và thường do các phi
công sừng sỏ điều khiển nên việc Nguyễn Văn Bảy cùng các đồng đội sử
dụng MiG-17 vốn thua kém hơn nhiều về tính năng kỹ-chiến thuật nhưng vẫn
dám đánh và đã đánh thắng giòn giã, khiến các phi công Mỹ khiếp vía.
Ngày
24/4/1967, biên đội MIG-17 cất cánh từ Kiến An gồm Võ Văn Mẫn, Nguyễn
Bá Địch, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Thế Hôn bắn rơi 2 chiếc F-4 của Mỹ. Ảnh:
Phi công Nguyễn Văn Bảy sau chiến thắng trở về. Ảnh: Tư liệu.
Tuy
nhiên, điều khiến các phi công sừng sỏ lái những F-4 "con ma" của Mỹ
không thể ngờ họ là bại tướng trước một phi công có xuất thân nông dân
chưa hề có kinh nghiệm chiến đấu và số lần không chiến chỉ vỏn vẹn chục
lần.
Không những thể mỗi lần nổ súng, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đều quyết tâm tiêu diệt kẻ thù ngay trên không.
Bởi
trong số 10 phi công trên 5 chiếc F-4 Mỹ bị ông bắn hạ chỉ có duy nhất 3
người kịp nhảy dù, 7 người còn lại không có may mắn như vậy.
Đó
là một tỷ lệ thiệt hại về người cực lớn đối với Không quân Mỹ, bởi lẽ
để đào tạo được 1 phi công chiến đấu người ta ước tính phải tiêu tốn số
tiền quy ra vàng tương đương với trọng lượng cơ thể phi công.
Và
theo như phi công Nguyễn Văn Bảy kể, khi giao chiến ông bắn cùng lúc cả
ba khẩu pháo trên chiếc MiG-17 (2 pháo 23mm và 1 pháo 37mm). Tầm bắn
hiệu quả của 2 loại vũ khí này là khác nhau nên để đồng thời phát huy
tốt nhất uy lực, ông thường bắn ở khoảng cách rất gần.
Ông
cho biết là chỉ bắn khi đã nhìn thấy rõ số hiệu máy bay và buồng lái
của phi công đối phương. Nếu bị bắn trúng, cơ hội sống sót của các phi
công Mỹ là rất thấp bởi ở tầm gần, pháo 37mm và 23mm của MiG-17 hoàn
toàn có thể xé toạc thân hay phá tung buồng lái máy bay Mỹ.
Có
lẽ chỉ các phi công tiêm kích mới hiểu sự nguy hiểm chết người của một
loạt đạn pháo 23mm đan xen với 37mm vào thẳng buồng lái là thế nào. Và
có lẽ nhiều phi công Mỹ khiếp vía và cảm thấy may mắn khi không phải
không chiến với Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.
Phi
công Át (ACE) là một danh hiệu công nhận cho các phi công lái máy bay
quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số 5 trở lên, xuất
hiện lần đầu tiên trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất.
Anh
hùng phi công Nguyễn Văn Bảy là một trong 19 phi công chiến đấu của
Không quân Nhân dân Việt Nam đạt danh hiệu ACE trong Kháng chiến chống
Mỹ.
Chân dung Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay Mỹ
theo Trí Thức Trẻ
Cuộc sống vườn tược của đại tá phi công từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ
Rời binh nghiệp năm 1990, ông Nguyễn Văn Bảy (82
tuổi), đại tá anh hùng phi công về quê nhà Đồng Tháp trồng rau, nuôi cá,
hái sen.
Thành Nguyễn
Nhận xét
Đăng nhận xét