HÉT LÊN ĐI, ƠI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU! 50

"NHÀ CHIA DỌC, THÓC CHIA NGANG"! ông bà dạy đơn giản thế mà cố tình không thuộc. Đúng là lũ mất dạy!
--------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Bản án ‘trên trời’ của tòa án khiến người dân có nhà mà không có đường vào | Điều tra | ANTV

Thi hành án và tòa ‘chỏi’ nhau, dân lo lắng



Thi hành án và tòa ‘chỏi’ nhau, dân lo lắng
(PL)- Cơ quan thi hành án hướng dẫn người dân kiện ra tòa, còn tòa thì trả đơn kiện vì cho rằng sự việc đã được giải quyết...
Tháng 12-2015, TAND quận 1, TP.HCM ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo quyết định này, Công ty Đ. có trách nhiệm trả cho một ngân hàng (NH) hơn 50 tỉ đồng trong thời hạn ba tháng, hạn cuối cùng là ngày 17-3-2016. Nếu đến hạn mà không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ thì NH được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án (THA) dân sự có thẩm quyền phát mại 18 lô đất tại TP Vũng Tàu mà Công ty T. thế chấp để đảm bảo cho khoản vay trên.
Đã chuyển nhượng đất thế chấp
Sau khi nhận ủy thác từ Chi cục THA dân sự quận 1, tháng 10-2016, Chi cục THA dân sự TP Vũng Tàu ra quyết định THA. Do Công ty Đ. và Công ty T. không trả được nợ nên chi cục đã tổ chức kê biên 18 lô đất để THA.
Qua xác minh, chấp hành viên phát hiện trước đây Công ty T. có nhận tiền của một số hộ dân để chuyển nhượng các lô đất trên.
Theo biên bản làm việc hồi tháng 5-2018, giám đốc Công ty T. cam kết hạn chót trong thời hạn hai tháng sẽ có trách nhiệm làm việc với NH để xin giảm lãi, trả nợ, nhận lại tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau đó phía công ty không thực hiện. NH thì không đồng ý giảm lãi và đề nghị Chi cục THA dân sự TP Vũng Tàu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Vì vậy, tháng 8-2018, chi cục thông báo cho các hộ dân có tranh chấp đối với tài sản kê biên là 18 lô đất nêu trên về quyền được khởi kiện tại TAND TP Vũng Tàu theo Điều 75 Luật THA dân sự. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ mà người có tranh chấp không khởi kiện hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì tài sản kê biên được tiếp tục xử lý theo quy định.
Ngày 14-8, chi cục tiếp tục mời các bên đến làm việc. Tại buổi làm việc này, đại diện NH đề nghị chi cục đưa 18 lô đất ra bán đấu giá từng lô theo quy định. Về phía các hộ dân, đề nghị NH xem xét giảm lãi tối đa cho công ty T. để tạo điều kiện thuận lợi cho công ty này trả nợ nhưng NH không đồng ý nên các hộ dân thống nhất khởi kiện ra tòa.
Theo chấp hành viên, trường hợp các hộ dân có tranh chấp khởi kiện tại tòa hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của tòa hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Thi hành án và tòa ‘chỏi’ nhau, dân lo lắng - ảnh 1
Một lô đất mà người dân mua của Công ty T. và đã xây nhà ở. Ảnh: YC
Tòa trả đơn, cho rằng vụ việc đã được giải quyết
Thực hiện hướng dẫn trên, một số hộ dân, trong đó có hộ ông Bùi Thiếu Quốc đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND TP Vũng Tàu buộc Công ty T. phải tiếp tục thực hiện theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký.
Ngày 23-8, TAND TP Vũng Tàu ra thông báo trả đơn khởi kiện cho ông Quốc với lý do các lô đất mà các hộ dân khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết đã được giải quyết trong vụ án giữa Công ty Đ. với NH theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngày 25-12-2015 của TAND quận 1, TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật. Xét thấy đơn khởi kiện của các hộ dân thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện nên tòa trả lại đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho các hộ dân.
Trao đổi với PV, ông Quốc và các hộ dân lo lắng khi cơ quan THA hướng dẫn họ khởi kiện ra tòa, tòa thì trả đơn kiện khiến họ không biết phải làm sao để bảo vệ mình.
Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã liên hệ TAND TP Vũng Tàu. Đại diện tòa này lý giải quan hệ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ dân với Công ty T. và quan hệ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty Đ. với NH trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND quận 1, TP.HCM là hai quan hệ tranh chấp khác nhau nhưng cùng liên quan tới một tài sản (18 lô đất - PV) và tài sản này đã được giải quyết, xử lý trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND quận 1. Như vậy, đây là trường hợp “sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, nên căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015, tòa trả lại đơn khởi kiện.
Phải khiếu nại giám đốc thẩm?
Cũng theo đại diện TAND TP Vũng Tàu, ông Quốc và các hộ dân mua đất của Công ty T. có quyền làm đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm nếu cho rằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND quận 1 ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Được biết các hộ dân đã làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm, đề nghị hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND quận 1. Theo các hộ dân, Công ty T. bán đất cho họ trước khi đem thế chấp, NH có thiếu sót khi không kiểm định tài sản nhận thế chấp nhưng các hộ dân lại không được TAND quận 1 mời tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, các hộ dân cũng làm đơn đề nghị ngăn chặn quyết định THA của Chi cục THA dân sự TP Vũng Tàu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới.
Tòa, VKS xem xét giải quyết khiếu nại
Theo đại diện TAND TP Vũng Tàu, việc tòa trả đơn khởi kiện là làm theo quy định tố tụng dân sự, còn việc cơ quan THA dân sự hướng dẫn các hộ dân khởi kiện là quan điểm của cơ quan THA. Nếu các hộ dân không đồng tình với việc trả đơn kiện của tòa thì có quyền khiếu nại và tòa sẽ giải quyết theo quy định.
Trao đổi, đại diện VKSND TP Vũng Tàu cho hay đã nhận được đơn khiếu nại của hai hộ dân và đang xem xét. Đối với các thông tin PV đề nghị cung cấp, VKS sẽ xem xét và sớm trả lời. Một số hộ dân cho biết họ đã làm đơn khiếu nại thông báo trả lại đơn khởi kiện của TAND TP Vũng Tàu.
CHÂU YẾN

Cho ở nhờ, mất luôn nhà: Vì sao thi hành án ‘đứng bánh’ 17 năm?

10 Thanh Niên Online
Cơ quan thi hành án lý giải vì sao “đứng bánh” thi hành vụ án dân sự “cho ở nhờ, mất luôn nhà” có hiệu lực từ 17 năm trước. Đây là chuyện "oái ăm" ở Bến Tre mà Thanh Niên ngày 20.7 đề cập...
Ngôi nhà dột nát của gia đình ông Lý Minh Tài, con của cụ Võ Thị Thảnh, người cho mượn nhà ở và sau đó bị mất nhà
ẢNH: BẮC BÌNH
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002 của TAND tỉnh Bến Tre, tuyên buộc ông Liêu Việt Khánh (bên mượn nhà lúc còn đi học), ngụ 157/1 đường 3.4, P.4, TP.Bến Tre phải trả tài sản là nhà, đất tại địa chỉ này cho cụ Võ Thị Thảnh (bên cho mượn nhà), ngụ xã Hương Mỹ, H.Mỏ Cày Nam (Bến Tre).
Thế nhưng, bản án có hiệu lực thi hành đã 17 năm trôi qua, nhưng con cháu cụ Thảnh - người cho mượn nhà, rơi vào tình cảnh bi đát, đang phải thường xuyên chịu cảnh sống cơ hàn, vì “ngôi nhà cho mượn bị mất mà mãi không đòi lại được”.

Nơi quyết thi hành theo luật, nơi "đòi" tạm dừng

Ông Nguyễn Duy Thành, Chi cục phó Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre (Bến Tre), nơi chịu trách nhiệm thi hành vụ án này, cho biết trong 17 năm qua, đơn vị đã nhiều lần được Ban chỉ đạo Thi hành án TP.Bến Tre ký quyết định cho phép triển khai kế hoạch cưỡng chế, buộc hộ ông Liêu Việt Khánh phải trả toàn bộ ngôi nhà cho cụ Võ Thị Thảnh. Cùng với đó, chấp hành viên phụ trách thi hành vụ án cũng đã hàng trăm lần đến tận nhà vận động, giải thích nhưng cũng đều bất thành.
Theo ông Nguyễn Duy Thành, năm 2003, Cơ quan Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre đã ra quyết định thi hành án và đã không được phía gia đình ông Liêu Việt Khánh tự nguyện thi hành. Năm 2005, quyết định cưỡng chế tiếp tục được ban hành, nhưng tổ công tác chưa đến nơi, thì bị UBND TP.Bến Tre yêu cầu tạm dừng.
Lý do mà UBND TP.Bến Tre yêu cầu tạm dừng thi hành quyết định cưỡng chế, là vì đối tượng Liêu Thế Thuận (36 tuổi, con trai ông Liêu Việt Khánh) rãi truyền đơn tại nhiều cơ quan, nơi đông người như trường học, bệnh viện… nhằm kích động dư luận gây hiểu sai lệch về bản chất của vụ án. Sau đó, đối tượng Liêu Thế Thuận bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre xử lý.
Cùng năm đó, ông Liêu Việt Khánh có đơn “kêu oan” gửi Công an TX.Bến Tre (nay là TP.Bến Tre) qua đường bưu điện, cho rằng phần đất của căn nhà 157/1 đường 30.4 mà gia đình ông đang ở, được mua lại từ chủ đất là bà Dương Thị Hòa.
Mặc dù, trong bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002 của TAND tỉnh Bến Tre đã giải thích, chứng minh rất rõ rằng, giao dịch này là không có căn cứ, vô hiệu. Nhưng, đáng nói là vào thời điểm đó, Trưởng Công an TP.Bến Tre, thượng tá Nguyễn Văn Thuận đã ký công văn yêu cầu tạm hoãn thi hành bản án, vì cho rằng phần đất của ngôi nhà chưa xác định là của ai cả, đang tranh chấp (!?)

Cho ở nhờ, mất luôn nhà: Vì sao thi hành án ‘đứng bánh’ 17 năm? - ảnh 1
Cụ Võ Thị Thảnh cho con hàng xóm mượn nhà ở nhờ đi học, và sau đó cụ lại bị mất luôn nhà, nay con cái của cụ sống trong cảnh túng thiếu, nhà cửa tạm bợ ở quê
BẮC BÌNH

Thi hành án… đã hết cách?

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Chi cục phó Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre, từ năm 2007 - 2015, Cơ quan thi hành án nhiều lần có thư mời vợ chồng ông Liêu Việt Khánh đến giải quyết, đối thoại với phía gia đình cụ Võ Thị Thảnh về các đơn thư khiếu nại của vợ chồng họ, nhưng đều không đến và cũng không nêu rõ lý do.
Trong khi tại các lần cưỡng chế khác trong suốt thời gian từ 2005 - 2015, vợ chồng ông Liêu Việt Khánh liều lĩnh, nguy hiểm, đương đầu với cơ quan chức năng trong tư thế “sẵn sàng chết”, nên các đoàn cưỡng chế đành bất lực bỏ về.
Ông Nguyễn Duy Thành cho rằng, từ nhận định tính chất của bản án chưa chính xác của Công an TX.Bến Tre vào năm 2007; tiếp sau đó, một số cơ quan là thành viên khác của Ban chỉ đạo Thi hành án TP.Bến Tre suy diễn bản án tuyên trả lại nhà, chứ không cần trả đất, hoặc còn tranh chấp; một số ý kiến khác thì cho rằng chủ trương của tỉnh là không được cưỡng chế nhà cửa để người dân phải ra đường…, cũng khiến cho việc thi hành án “đứng bánh”.
“Khó khăn đến nỗi đơn vị chúng tôi phải sang Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cố xin được ngôi nhà trong chương trình Đại đoàn kết, giao cho hộ ông Liệu Việt Khánh để tự nguyện thi hành án. Nhưng ông Khánh cũng không chịu”, ông Thành cho biết.
Trong bối cảnh đó, đại diện Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre, khẳng định rằng quan điểm của đơn vị trước sau vẫn như một, đó là gia đình ông Liêu Việt Khánh bắt buộc phải trả toàn bộ nhà, đất cho gia đình cụ Võ Thị Thảnh vì bản án có hiệu lực thi hành đã rất rõ ràng.
“Chúng tôi cũng rất trăn trở, bức xúc cho cụ Võ Thị Thảnh vì đến chết vẫn không đòi được nhà mình đã bỏ tiền ra mua rồi bị mất vì cho ở nhờ”, vị này nói.

Thanh Niên tiếp tục phản ánh về vụ việc này.

Vụ Thủ Thiêm có trở thành đại án quốc gia?



Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.
Kể từ thời điểm ngày 7 tháng 9 năm 2018 khi cơ quan Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn, vụ Thủ Thiêm cũng mang chiều hướng chính thức trở thành một đại án quốc gia - còn lớn hơn nhiều so với số tiền suýt bị thất thoát đến hơn 8.000 tỷ đồng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’.
Hố khác biệt giữa hai bản kết luận
Động thái Thanh tra Chính phủ công bố kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm và ngay lập tức được báo Thanh tra - ‘cơ quan ngôn luận’ của ngành thanh tra đăng tải toàn văn bản kết luận này, cùng lúc được báo chí nhà nước ồ ạt đưa tin bài, có ý nghĩa tương đương với hành động cũng Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ vào đầu tháng Ba năm 2018 để mở màn cho chiến dịch khởi tố bắt giam một số quan chức liên quan ba tháng sau đó, dù cho đến nay hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn được xem là ‘hạ cánh an toàn’ mà chưa phải tra tay vào còng.
Đã có một hố khác biệt lớn giữa bản kết luận kiểm tra trên của Thanh tra chính phủ với ‘kết luận kiểm tra’ cũng của cơ quan này về vụ Thủ Thiêm vào tháng Bảy năm 2018 nhưng chưa bao giờ được công bố.
Vào ngày 15 tháng Bảy năm 2018 - thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây, không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… Facebook Lê Nguyễn Hương Trà.
Tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao. Kết luận trên vẫn ghi nhận “thành tích” của thành ủy và Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM trong việc giải tỏa 99% “đất sạch,” trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 hécta theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức “ăn đất,” đặc biệt là bí thư thành ủy thời đó là Lê Thanh Hải, bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua - phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố vào thời đó…
Trước đó khi sắp diễn ra kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền TP.HCM không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền TP.HCM cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền TP.HCM, mà chỉ thòng một câu ‘UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.
Còn Thủ tướng chính phủ?
Cùng thời điểm Ủy ban nhân dân TP.HCM phát ra báo cáo trên, như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, vào trung tuần tháng Năm năm 2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Sau đó, trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, cả bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.
Thậm chí kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018 đã kết thúc với một kết luận bất ngờ và rất đáng nghi ngờ: ban lãnh đạo thường vụ quốc hội cho rằng ‘do nội dung không nằm trong chương trình nên đề nghị của một số đại biểu Quốc hội về việc giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng như: AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn Mường Thanh, các dự án thua lỗ, đội vốn nhiều…. chưa được Quốc hội bổ sung vào chương trình giám sát năm 2019’.
Kết luận trên là hoàn toàn phản dội với một trong những kiến nghị khẩn thiết của dân oan thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM: Quốc hội Việt Nam và Hội đồng nhân dân TP.HCM phải giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện Dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.
Từ hiện tượng ‘lột xác’, nhìn lại Ngô Văn Khánh
Vào lúc này, hiện tượng có vẻ lạ lùng là bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ như thể lột xác, trở thành bản kết luận kiểm tra chi tiết nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm ròng rã khiếu nại của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm. Trong đó có những kết luận được xem là lần đầu tiên có vẻ hợp lòng dân:
- Kết luận rằng 4,3 ha đất ở của dân ngoài ranh quy hoạch nhưng lại bị quy hoạch. Tuy nhiên bản kết luận đã không nhắc tới khiếu nại của hơn 100 hộ còn lại, cũng không làm rõ việc xử lý khu 4,3 ha khi diện tích này đã nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng không để dân ở tại chỗ mà lại tái định cư;
- Quy hoạch chi tiết 1/2000 của chính quyền TP.HCM là không đúng thẩm quyền;
- Chính quyền TP.HCM và chính quyền Quận 2 thu hồi đất của dân khi chưa đủ cơ sở pháp lý;
- Chính quyền TP.HCM và chính quyền Quận 2 không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng;
- Có đến 113,9 ha trong tổng số160 ha tái định cư chưa được chính quyền TP.HCM quy hoạch, bố trí tái định cư;
- Vụ Thủ Thiêm đã phá vỡ quy hoạch tổng thể;
- Kiến nghị xử lý sai phạm nhiều cơ quan, đơn vị như Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Kiến trúc sư trưởng, Sở Địa chính, Ủy ban nhân dân Quận 2 và Ủy ban nhân dân TP.HCM…
Tuy không có một cái tên quan chức nào được nêu ra trong kết luận kiểm tra của Thanh tra chính phủ, nhưng bản kết luận này vẫn có thể được xem là ‘quyết liệt’ nhất từ trước đến nay, nếu đối chiếu với vụ ‘thanh tra’ Thủ Thiêm vào năm 2015 do Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh ‘cầm đầu’.
Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Sài Gòn. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà Nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.
Cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Trong số những quan chức liên quan và phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Cho dù vào thời gian đó Ngô Văn Khánh có cho công bố kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm chăng nữa, dư luận vẫn tin chắc rằng ông Khánh đã làm nhẹ đi rất nhiều các sai phạm ghê gớm của giới quan chức từ Sài Gòn đến các bộ ngành trung ương mà do đó bản kết luận này về thực chất là “ăn bẩn.”
Có trở thành đại án quốc gia?
Sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm và cả những cái chết tự treo cổ vì phẫn uất tột cùng của người dân nơi đây, cuối cùng những nạn nhân của nạn cướp đất cũng có hy vọng được bồi thường tạm gọi là ‘thỏa đáng’ trong thời gian tới, lấy lại một phần công lý đã bị cướp đoạt bởi ‘Hai - Ba - Sáu’… (Hai Nhật - tức Lê Thanh Hải, Ba Đua - tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang - tức Tất Thành Cang).
Những nội dung kết luận vi phạm trên cũng là một cú đánh vỗ mặt dành cho Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà trong thực tế chưa hề có bất cứ hành động nào giúp đỡ dân oan Thủ Thiêm ngoài những lời hứa có cánh và chỉ muốn ‘lùa’ người dân vào các khu tái định cư cho êm chuyện.
Trong vài tháng qua và cho đến tận gần đây, vẫn có một luồng dư luận có vẻ được tung ra từ nội bộ ‘đảng bộ TP.HCM’ cho rằng ‘vụ Thủ Thiêm êm rồi’ do ‘thế lực anh Hai vẫn còn mạnh lắm’.
Nhưng cái cách mà Thủ tướng Phúc chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm theo hướng ‘trảm’ chứ không phải thỏa hiệp đã vừa ghi một điểm chính trị có thể quan trọng cho ông Phúc trên cung đường chinh phục chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, nếu quả thực ông Phúc muốn thế và sẽ còn có đại hội đó, cũng vừa khiến phần lớn giới chóp bu TP.HCM từ cựu chức đến đương chức từ ‘sụm bánh chè’ đến ‘tâm thần phân liệt’.
Liệu bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm đã được công bố, công khai toàn văn có phải là tín hiệu cho thấy sau một thời gian nữa, bản kết luận này sẽ được Thanh tra chính phủ chuyển cho cơ quan điều tra của Bộ Công an, để khi đó, Thủ Thiêm sẽ chính thức trở thành một đại án quốc gia với những cái ‘tội phạm ăn đất’ khủng khiếp chưa từng có trong triều đại cộng sản ở Việt Nam?
Giờ đây, nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều, đã trở nên khô cạn và nhường chỗ cho cặp mắt cảnh giác cao độ trước những động thái của chính quyền. Người dân luôn sợ họ bị biến thành nạn nhân của một trò lừa gạt mới.
Bởi dù Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận và đã thỏa mãn được một số nội dung chính, nhưng vẫn chẳng có gì đảm bảo là vụ việc sẽ không một lần nữa bị cho chìm xuồng nếu xảy đến một chiến dịch ‘đi đêm’ giữa các nhóm lợi ích mới và cũ, để sau đó một số nội dung về vi phạm và mức độ vi phạm trong kết luận thanh tra sẽ bị ‘hô biến’.

  • Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH