Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI (Đô Đốc Giáp Văn Cương) 170

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tư liệu hiếm về Đô Đốc Giáp Văn Cương - Vị tướng của Trường Sa

Trường Sa 1988: Những mệnh lệnh lạ lùng của Đô đốc Giáp Văn Cương

Lý Minh Sơn |

Trường Sa 1988: Những mệnh lệnh lạ lùng của Đô đốc Giáp Văn Cương

(Soha.vn) - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục tác chiến, nói: “Đô đốc Giáp Văn Cương suốt đời tận tụy để bảo vệ lợi ích biển đảo của Việt Nam”.

 Thông tin - hình ảnh - video clip giá trị, độc quyền về HẢI CHIẾN TRƯỜNG SA 1988
Nhắc đến Trường Sa là nhắc tới một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nhắc tới “vòng tròn bất tử” và những trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhớ tới Đô đốc Giáp Văn Cương – vị Đô đốc đầu tiên của Việt Nam đã luôn hết mình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn biển đảo mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao phó. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh – nguyên Cục phó Cục tác chiến, người đã có nhiều năm tiếp xúc với Đô đốc Giáp Văn Cương và ra Trường Sa trong những ngày tháng 3 lịch sử này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh mở đầu câu chuyện với chúng tôi về Trường Sa bằng nhận định về những chiếc tàu ngầm Kilo Việt Nam mua của Nga. Vốn là lính tên lửa, tướng Nguyễn Văn Ninh đánh giá vai trò của binh chủng tàu ngầm đối với hải quân Việt Nam, tướng Ninh cho rằng tàu ngầm với hải quân như tên lửa đối với Phòng không – Không quân Việt Nam. Trong chiến tranh, trận thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã nói lên vai trò quan trọng của tên lửa. Trong bối cảnh hiện nay, đối với Hải quân, binh chủng tàu ngầm cũng có vai trò quyết định như thế.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Cục phó Cục Tác chiến (Ảnh: Tuấn Nam)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Cục phó Cục Tác chiến (Ảnh: Tuấn Nam)
Nói về biển đảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho rằng: “Làm chủ đảo, làm chủ chiến trường biển đảo gồm cả biển và cả đảo. Những đảo là những chiến hạm không thể chìm. Hải quân của ta còn yếu nên chúng ta phải có những đảo để giữ biển.
Dù Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa nhưng tôi cũng xin nhắc lại rằng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều không thể phủ nhận. Bằng chứng là người dân của ta vẫn ra đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền Tổ quốc.
Biển là vấn đề chiến lược từ thế kỷ 21. Người ta sẽ giành nhau từng tấc biển. Liên quan đến khủng hoảng chính trị ở Ukreine, trước đây, tôi đã ở Ukraine 9 tháng gần Crimea nên khi ở Ukraine có khủng hoảng chính trị, tôi đã nghĩ ngay rằng Nga sẽ đưa quân đến Crimea và y rằng như thế. Nói như thế để thấy rằng biển ở vị trí nào cũng đều rất quan trọng với bất kỳ một quốc gia nào. Rất khổ cho các nước không có biển”.
Ra Trường Sa nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 1976 cho đến 1995, tướng Nguyễn Văn Ninh là người khá am hiểu cuộc sống người lính trên đảo. Ông Ninh chia sẻ: “Cuộc sống của những anh em giữ đảo trong thời kỳ đó hết sức khó khăn. Ở Trường Sa, anh em có một định nghĩa về nước ngọt, tôi cho là tài tình lắm. Nước ngọt ở Trường Sa là nước nấu chín cơm. Ở đó chỉ có nước lợ thôi, loại nước có hàm lượng muối thấp hơn nước biển thì được gọi là nước ngọt chứ làm sao có nước ngọt như trong đất liền”.
Nhớ về Đô đốc Giáp Văn Cương, ông Ninh không giấu được sự xúc động và nói: “Đô đốc Giáp Văn Cương suốt đời tận tụy để bảo vệ lợi ích biển đảo của Việt Nam. Khi ra đảo, Đô đốc Giáp Văn Cương đi đến đâu cũng hỏi 3 ý. Thứ nhất, sau khi nhìn ra xung quanh đảo, ông Cương hỏi: “Cho các cậu nói, kẻ địch muốn chiếm đảo này thì sẽ đánh như thế nào?”. Khi đó anh em sẽ phân tích đặc điểm địa hình của hòn đảo đó và phát biểu ý kiến.
Đô đốc Giáp Văn Cương với công binh xây dựng đảo Tiên Nữ (Ảnh tư liệu)
Đô đốc Giáp Văn Cương với công binh xây dựng đảo Tiên Nữ (Ảnh tư liệu)

Nghe xong ý kiến của anh em, ông Cương hỏi tiếp: “Nếu quân địch lên đảo để chiếm đảo, ta đánh như thế nào? Các cậu sẽ đánh trả lại như thế nào để chiến thắng, giữ được đảo?”. Sau đó, ông Cương nghe anh em trả lời. Và câu cuối ông ấy mới hỏi “Cuộc sống của các cậu thế nào? Có khó khăn quá không?”. Khi đó anh em mới trả lời là: “Chúng con vất vả lắm bố ơi”. Tướng Cương cười khà khà rồi nói: “Được. Từ từ rồi chúng ta sẽ cùng giải quyết”.
Sau đó ông đưa mọi người đi khắp đảo và nói chuyện với những đảo trưởng, đảo phó. Không những vậy, ông còn viết ra toàn bộ ý kiến của mình về cách giữ đảo đó và dặn rằng khi có kẻ muốn chiếm đảo, anh em đừng có đánh xối xả một lúc, có thể ẩn nấp ở chỗ nào tùy vào đặc điểm của từng đảo. Và cho đến ngày nay, những ý kiến giữ đảo đó vẫn còn nguyên giá trị. Do điều kiện lịch sử và kinh tế khác nhau thì cách giữ đảo có thay đổi chút ít so với ban đầu. Với tư cách là Cục phó Cục tác chiến, những lần sau đó tôi ra, tôi có bổ sung ý kiến và cách đánh để giữ đảo nhưng về cơ bản phương án tác chiến giữ đảo là của Đô đốc Giáp Văn Cương”.
Với điều kiện của ta hiện nay, theo tướng Ninh, quân địch nếu có số lượng áp đảo thì có thể chiếm được đảo nhưng sẽ không giữ được đảo.
Nhớ về kỷ niệm với Đô đốc Giáp Văn Cương, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể tiếp: “Mùa hè năm 1988, anh Giáp Văn Cương dẫn đầu đoàn chúng tôi ra thăm đảo đá Tiên Nữ, đảo xa nhất về phía Đông của Tổ quốc. Anh Cương chỉ cho đoàn biết: “Đây là địa điểm dự định xây ngọn hải đăng” rồi nhìn ra bốn phía trời biển mênh mông. Với nét mặt rạng rỡ, sém nắng, anh bảo chúng tôi phát biểu. Đi cùng trong đoàn, tôi nhanh miệng đọc: “Từ độ ra đây xây đèn biển/ Biển Đông thêm nhớ đất Thăng Long”. Anh Cương liền nói: “Rất Nghệ! Đúng đấy!”.
Nghe anh nói câu đó, tôi cùng cả đoàn cùng cười vui bởi ai cũng hiểu ý anh rằng hai câu đó vừa đậm chất “Huỳnh Văn Nghệ” (Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977, Anh hùng LLVTND): “Ai về xứ Bắc ta đi với. Thăm lại non sông giống Lạc Hồng. Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” - PV), vừa pha màu “đồ Nghệ" (tôi sinh ra ở xứ Nghệ), rất trúng tim mọi người".
Nói về tinh thần chỉ huy của đô đốc Giáp Văn Cương, Tướng Ninh kể: “Đầu năm 1988, với sự nhạy bén trước tình hình đột biến nhanh ở Trường Sa, anh Cương đã có quyết tâm đối phó để chủ động giữ đảo. Vào dịp Tết năm 1988, anh Cương đã ra những mệnh lệnh lạ lùng nhưng rất chuẩn xác: “Không có Tết, tất cả cơ quan báo động, toàn bộ cơ quan vào Cam Ranh”. Anh ấy ra lệnh: “Tình hình này huy động toàn bộ lực lượng ra giữ đảo, tập trung huy động tàu to, tàu nhỏ, tàu đánh cá ra đứng chân trên các đảo, cùng một lúc, trên nhiều điểm, trên nhiều đảo xa bờ. Phải dồn toàn bộ lực lượng huy động giữ đảo, chở đá, cát, xi măng khẩn trương xây đảo”. Vậy là mùng 1 Tết năm ấy tôi ra tiễn anh lên máy bay vào Cam Ranh. Trước khi lên máy bay, tôi đã tặng anh một bao thuốc lá Điện Biên và nói với anh rằng ở ngoài Hà Nội, tôi sẽ liên tục liên lạc với anh để nắm tình hình”.
“Tôi còn nhớ những lần làm việc với anh Giáp Văn Cương, anh thường nhắc lại lời dạy của Bác Hồ ngày 15/3/1961: “Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Nhắc lại lời dạy đó, tôi muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ Việt Nam hãy thấm nhuần lời dạy đó. Phải tâm niệm rằng Việt Nam có giàu có được là phải dựa vào kinh tế biển. Thế nên ta phải gắng giữ gìn từng tấc biển, tấc đảo. Anh em trẻ nên đọc, hiểu và học tập tư tưởng của cha ông ta từ những câu chuyện lịch sử về cha ông ta đã ra Hoàng Sa để làm chủ biển đảo như thế nào. Tôi cũng muốn khẳng định lại một lần nữa: Các bạn trẻ Việt Nam, đừng bao giờ quên Hoàng Sa là của Việt Nam và chúng ta phải đòi lại”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhấn mạnh.
theo Trí Thức Trẻ

Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương

13/03/2017 09:52 GMT+7

TTO - 29 năm sau ngày quân Trung Quốc thảm sát chiếm Gạc Ma ở Trường Sa ngày 14-3-1988 - những người trong cuộc kể lại với Tuổi Trẻ những hồi ức không bao giờ quên của những giờ khắc bi tráng ngày ấy.


Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa tổ chức trên tàu KN409 tháng 4-2016 - Ảnh: N.T.U.
29 năm trước. Sáng 13-3-1988, khi thuyền trưởng tàu vận tải HQ605 Lê Lệnh Sơn đang cho tàu tiếp dầu ở gần đảo Tốc Tan thì cơ yếu của tàu nhận được bức điện tối mật của Tư lệnh hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 hải quân Giáp Văn Cương ký hai ngày trước: ngày 11-3-1988.
“Ngày N” và Len Đao
Cựu thuyền trưởng HQ605 nhớ lại: “Bức điện tối mật ghi rõ: Gửi đồng chí Sơn - thuyền trưởng HQ605. Tư lệnh hải quân lệnh: Đúng 6 giờ ngày N phải đến Len Đao. Sẽ có tàu chở hàng và nhà tới sau...”.
Trong bức điện còn có ghi chú của trung tá Đỗ Xuân Công, lúc đó là phó tham mưu trưởng Vùng 4 (sau này là phó đô đốc, tư lệnh hải quân từ năm 2000 - 2005 - PV):
“N là ngày 14-3. Trước đây có thống nhất với đồng chí Cai là 7 giờ ngày N. Nay quyết định đúng 6 giờ ngày 14-3 tàu 605 phải đến được Len Đao. Để thực hiện được việc đó thì đúng 11 giờ ngày 13-3, 605 phải tập kết ở Tốc Tan”.
Tàu HQ 604 - con tàu đã bị Trung Quốc bắn chìm ngày 14-3-1988
Tàu HQ 604 - con tàu đã bị Trung Quốc bắn chìm ngày 14-3-1988
Tàu 505 - con tàu đã lao lên ủi bãi cạn Cô Lin
Tàu 505 - con tàu đã lao lên ủi bãi cạn Cô Lin
Lý giải về việc thay đổi thời gian có mặt ở đảo chìm Len Đao từ 7 giờ sáng 14-3-1988 thành 6 giờ sáng, phó đô đốc, nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công cho biết: “Nếu đến 7 giờ e rằng sẽ bị muộn. Nếu Trung Quốc đến trước mình thì sẽ cắm cờ ngay. Mình phải đến sớm hơn để giữ đảo”.
Đúng 11 giờ trưa 13-3-1988, tàu 605 đã có mặt ở Tốc Tan và 11 giờ đêm 13-3, 605 tiếp tục cơ động từ Tốc Tan qua Len Đao.
“Chúng tôi phải tính toán để làm sao đến Len Đao đúng 6 giờ sáng với nhiệm vụ cụ thể là ủi tàu lên đảo, khẳng định chủ quyền của mình. Không sớm hơn mà càng không được muộn hơn. Nếu sớm hơn thì bình minh chưa lên, không nhìn thấy đảo. Nếu muộn đảo sẽ bị Trung Quốc chiếm mất”, ông Lê Lệnh Sơn kể lại.
Đúng 6 giờ sáng, tàu HQ605 đã đến Len Đao, thả neo chờ lệnh. Trong khi đó, từ chiều tối 13-3, tàu HQ604 và 505 đã đến đảo Gạc Ma và Cô Lin. Theo kế hoạch, buổi sáng 14-3, các tàu phải cùng lúc có mặt ở các đảo trước khi Trung Quốc đến. Nhưng HQ605 đã không thể ủi lên bãi cạn Len Đao.
2 tàu cháy và 1 công sự thép
Hơn hai tiếng đồng hồ sau khi HQ605 đến Len Đao, tàu chiến Trung Quốc xuất hiện, lúc 8 giờ 05. Bất ngờ, từ khoảng cách hơn 1 hải lý, loạt pháo đỏ rực từ tàu khu trục Trung Quốc bắn xé lửa về phía HQ605.
Ngay từ loạt bắn đầu, Trung Quốc đã bắn trúng vào khoang máy và đài chỉ huy - hai vị trí quan trọng nhất trên một con tàu. Tàu 605 bị tê liệt hoàn toàn. Không thể cơ động. Không thể tiến, lùi.
Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn bị thương nặng ở đầu và chân. Một chiến sĩ thợ máy hi sinh. Con tàu bốc cháy ngùn ngụt như bó đuốc. HQ605 là tàu vận tải nhỏ, chỉ có một lớp thép nên khi bị pháo bắn là xuyên thủng.
Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ. Nguồn điện bị cắt đứt hoàn toàn. Cơ yếu không thể gửi điện về Bộ chỉ huy Vùng 4 báo cáo. Ba tiếng đồng hồ sau khi bị bắn, sắt thép trên con tàu chảy tràn, nóng rực, những người lính buộc phải rời tàu bơi về đảo Sinh Tồn.
Sáu tiếng đồng hồ sau họ mới bơi đến Sinh Tồn. Trong khi đó, ở Gạc Ma, tàu HQ604 đã bị bắn cháy và chìm, cuốn theo những cán bộ chiến sĩ hi sinh và cả người bị thương xuống đáy biển.
Còn ở Cô Lin, tàu HQ505 đã kịp ủi lên bãi, biến con tàu trở thành công sự thép khẳng định chủ quyền.
“Việc HQ505 lao lên đảo không nằm ngoài kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân. Trước khi tàu ra Trường Sa, Bộ tư lệnh Quân chủng đã có rất nhiều phương án trong nhiều tình huống.
Trước đó chỉ vài ngày, chúng ta đã lao tàu lên đảo Đá Lớn khi bị các tàu Trung Quốc bao vây và nhờ vậy mà mình giữ được Đá Lớn”, phó đô đốc Đỗ Xuân Công kể.

Cựu thuyền trưởng tàu HQ 605 Lê Lệnh Sơn nhớ lại sự kiện 14-3-1988 - Ảnh: My Lăng
Dù phải hi sinh đến người cuối cùng...
Khi ba tàu HQ604, 605 và 505 ra Trường Sa làm nhiệm vụ, Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng nhiều lãnh đạo hàng đầu của Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân đã vào Bộ chỉ huy Vùng 4 trực tiếp theo dõi, chỉ huy.
“Tôi còn nhớ hôm đó giao ban buổi sáng 14-3-1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương thông báo: Trung Quốc đã cướp đảo! Bộ đội mình đã bị bắn, nhiều người hi sinh. 605 và 604 bị bắn chìm. 505 đã lao lên đảo Cô Lin... Mọi người lặng đi.
Chúng tôi lặng đi vì thương tiếc anh em đồng chí đồng đội mình, và vì quá bất ngờ trước sự liều lĩnh, bất chấp của Trung Quốc. Ai cũng bất bình”, phó đô đốc Đỗ Xuân Công nói.
Ông Đỗ Xuân Công vẫn còn nhớ rất rõ sự điềm tĩnh và quyết đoán của Tư lệnh Giáp Văn Cương - một vị tướng kinh qua nhiều trận chiến.
Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại Vùng 4 Hải quân - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân
Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại Vùng 4 Hải quân - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân
Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại quân cảng Cam Ranh - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân
Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại quân cảng Cam Ranh - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân
Sau khi phân tích tình hình, Tư lệnh Giáp Văn Cương truyền đi hai bức điện khẩn: lệnh cho các đơn vị trong bờ đưa ngay các tàu ra cứu hộ và bức điện thứ hai lệnh cho các đảo gần đó cấp cứu, chữa trị những đồng chí bị thương và chôn cất liệt sĩ khi về đảo.
Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng điện báo cáo Bộ Quốc phòng và gửi cho Bộ Ngoại giao để phản đối Trung Quốc. Ông còn động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân chủng, tiếp tục ra Trường Sa làm nhà cấp tốc để khẳng định chủ quyền ở tất cả các đảo chìm còn lại.
“Tư lệnh Giáp Văn Cương nói: dù phải hi sinh đến người cuối cùng vẫn phải giữ đảo! Chúng ta không được sợ! Phải nhanh chóng khẳng định chủ quyền ở các đảo chìm khác trước khi Trung Quốc đến! Không thể để họ cướp đảo như Gạc Ma lần nữa.
Nếu lúc đó mà sợ, không dám đưa thêm tàu ra, đưa bộ đội ra làm nhà giữ những đảo khác thì không giữ được các đảo cho đến hôm nay.
Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng khẳng định quyết tâm phải giành lại Len Đao. Anh Cương ra lệnh cho các tàu vận tải chở bộ đội ra chi viện giữ đảo Cô Lin và các đảo chìm khác”, ông Đỗ Xuân Công nhớ lại.
Những ngày không ngủ
Phó đô đốc Đỗ Xuân Công cho biết những ngày sau 14-3 ở Bộ chỉ huy Vùng 4, tất cả mọi người từ tướng đến quân không ai ngủ. Không khí rất căng thẳng.
Trung tá Đỗ Xuân Công được bổ nhiệm lên làm phó chỉ huy Vùng 4 (tương đương phó tư lệnh bây giờ - PV). Ông là người viết các bức điện do tư lệnh chỉ đạo và gửi ra đảo, ra tàu cũng như nhận báo cáo tình hình hằng ngày từ Trường Sa về để báo cáo tư lệnh.
“Tư lệnh Giáp Văn Cương làm việc bất kể ngày đêm. Bình thường một ngày họp giao ban một lần nhưng những ngày đó một ngày họp ba lần: sáng, trưa, tối. Lúc nào cần là họp, là triệu tập ngay. Có lúc họp 12 giờ đêm. Có hôm 1-2 giờ sáng triệu tập toàn bộ chỉ huy đầu não của Quân chủng, Vùng 4 lại họp”, ông Công kể.
Ông Đỗ Xuân Công cho biết những ngày đó cả Quân chủng hừng hực khí thế. Lực lượng từ các nơi được điều về Cam Ranh: đặc công nước, tàu vận tải, hải quân đánh bộ...
Kể cả học viên của Học viện Hải quân cũng được huy động, tạm thời ngừng học ra đảo để tập kết vật tư, vật liệu cấp tốc làm nhà khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm còn lại. Sau đó mấy ngày, các tàu dân sự hàng nghìn tấn cũng được huy động chở vật tư, vật liệu ra đảo làm nhà.
Có một chuyện rất ít người biết. Đó là ngay trong ngày 14-3, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã ra lệnh điều cả tàu chiến của lữ đoàn 171 ở Vũng Tàu ra sẵn sàng chiến đấu.
Ông Đỗ Xuân Công cho hay: “Lúc đó anh Cương đã lệnh cho các tàu săn ngầm của lữ đoàn 171 xuất phát ra đánh tàu mặt nước của Trung Quốc. Nhưng tương quan lực lượng của chúng ta với Trung Quốc quá chênh lệch.
Tàu chiến của mình lúc đó chỉ có mấy chiếc tàu pháo mà loại tàu rất nhỏ, còn tàu săn ngầm thì chỉ có pháo, ngư lôi, trong khi Trung Quốc có tàu khu trục, tàu pháo, tàu tên lửa rất to, rất hiện đại”.
Phó đô đốc, nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công - phó tham mưu trưởng Vùng 4 thời điểm tháng 3-1988 - Ảnh: My Lăng
Nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công nói: “Việc Trung Quốc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam mình càng thúc đẩy thêm quyết tâm phải nhanh chóng nắm giữ, khẳng định chủ quyền các đảo chìm còn lại...

Đô đốc Giáp Văn Cương và câu chuyện anh lính hì hụi “giấu đảo”

Thứ sáu, 14/03/2014, 06:23 (GMT+7)
(Biển Đảo) - Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu…Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng.
Đảo chìm là một tập truyện – ký nổi tiếng của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết năm 2000, được nhà văn Lê Lựu đánh giá là “Thần bút”. “Tất cả những câu chuyện trong “Đảo chìm” đều là thật. Thật đến nỗi chính tác giả Trần Đăng Khoa đã chia sẻ rằng năm 1987 ông đã viết xong cuốn tiểu thuyết dày 300 trang, song vì đọc thấy truyện thật mà hóa giả thành ra vứt vào sọt rác…”, Lê Lựu nhận xét.
Tập truyện có 2 phần và ngay chương đầu tiên đã có tên: “Vị tướng già và chàng lính trẻ”. Vị tướng già ở đây chính là Đô đốc Giáp Văn Cương – Đô đốc đầu tiên của Việt Nam đã luôn hết mình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn biển đảo mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao phó. Nhắc đến Trường Sa là nhắc tới một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nhắc tới “vòng tròn bất tử” và những trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo, và cũng không thể nhắc tới Đô đốc Giáp Văn Cương
Lê Lựu giới thiệu: “Cuộc đối thoại tuy ngắn ngủi nhưng phần nào dựng lên được hình tượng của một vị Đô đốc luôn quan tâm sát sao đến đời sống, lắng nghe tâm sự của những người lính hải quân. Kiên cường giữ từng tấc đất hương hỏa cha ông, “dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu…”. Bên cạnh đó, Đô đốc còn là một vị chỉ huy luôn giữ đúng lời hứa, dù lời hứa đó chỉ là một cái xẻng, hay là những cô gái có khả năng “chữa sang vành mắt” cho những anh lính trẻ cô đơn trên đảo.
Dưới đây là chương 1 của cuốn tiểu thuyết có tiêu đề “Vị tướng già và chàng lính trẻ”, chương đầu tiên của “Đảo chìm”, khắc họa một phần hình tượng của Đô đốc Giáp Văn Cương.
Bìa cuốn sách Đảo chìm của tác giả Trần Đăng Khoa
Bìa cuốn sách Đảo chìm của tác giả Trần Đăng Khoa
“Các bạn thân mến!
Tôi muốn đưa các bạn đi chu du một vòng ra hải đảo. Hòn đảo xa lắc ấy nằm trong quần đảo Trường Sa. Vậy Trường Sa là gì? Trường Sa ở đâu? Nếu tôi đọc số kinh tuyến, vĩ tuyến nơi vị trí của hòn đảo thì chắc các bạn cũng khó mà hình dung được, vì nó trìu tượng quá, mung lung quá. Các bạn hãy nhìn lên bản đồ. Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta trên bản đồ thế giới trông giống như một bà mẹ già gày gò đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn còn lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra đại dương. Cái phên dậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa đấy.
Trường Sa, nói theo chữ của các cụ ta xưa thì nó là một dải cát dài. Nhưng cái hòn đảo tôi dẫn các bạn tới còn chưa có cả cát nữa kia. Nó mới đang là một vùng san hô ngầm còn chìm sâu dưới nước ba mét. Các chàng lính trẻ của chúng ta đã dựng chòi giữa sóng gió hoang vu để canh giữ, bảo vệ.
Nhiều đêm ngồi trên cái chòi bạt này, giữa một bầu mây nước hỗn mang, tôi cứ ngỡ mình đang ở thời tiền sử, đang chứng kiến cái giây phút sinh thành của trái đất. Hòn đảo vẫn réo gầm dưới sóng. Nó như đang quẫy đạp, đang dãy dụa, muốn xé toang cái bầu nước âm u vây bọc kia để ra đời. Nhưng theo cách tính toán của các nhà khoa học, thì phải hơn một trăm năm nữa, nó mới nhô lên kia. Còn bây giờ, nó mới đang còn là một cái bào thai, hay nói cách khác, nó là một mô hình Tốt đẹp. Nhưng tốt đẹp như thế nào thì chịu, không thể hình dung được, vì tất cả vẫn còn đang chìm lặn trong sóng gió hỗn mang. Bao nhiêu thế hệ thay nhau bảo vệ cái mô hình tốt đẹp ấy. Nhưng đó là chuyện có ở tương lai. Còn hiện tại, chưa có gì cả. Một bầu mây nước âm u, hoang dã. Vậy mà bao nhiêu kẻ đã nhòm ngó, rình rập, tranh chấp. Máu đã đổ ở Trường Sa rồi đấy.
Nếu bây giờ, các bạn có dịp đặt chân thực sự lên hòn đảo huyền thoại ấy các bạn sẽ thấy hòn đảo khác rất nhiều với những gì tôi kể. Một căn nhà vững chãi như lô cốt hai tầng bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên. Bên cạnh cái “lô cốt” sừng sững như một pháo đài này, Bộ tư lệnh Hải Quân vẫn giữ lại cái lều bạt hoang sơ mà những người lính biển chúng tôi đã ở, như một bảo tàng giữa trời nước, lưu giữ dấu ấn của những ngày gian khổ chưa xa. Nhưng dù chúng ta có nâng nưu gìn giữ thế nào thì sắt thép cũng sẽ bị hoen rỉ trong nước mặn. Mọi sự việc dù cảm động đến đâu rồi cũng phai mờ qua những biến động của thời gian. Tôi nghĩ thế và tôi đã lẩn mẩn ghi lại tất cả những gì mình thấy, làm một cái bảo tàng nho nhỏ cho bạn đọc, những người đến sau, không được thấy những gì tôi thấy.
Nào, các bạn hãy cùng tôi ngược thời gian, trở lại những ngày gian khổ đó nhé!
Chương 1: Vị tướng già và chàng lính trẻ
Gọi tiểu thuyết mi ni, nhưng đây lại là truyện thật mà tôi không hề hư cấu, bịa đặt. Chuyện xảy ra ở Đảo Chìm. Nhưng trước khi đến xứ Đảo Chìm, tôi muốn mời bạn đọc ghé qua một hòn đảo nổi. Lính Đảo Chìm gọi là Thủ đô Trường Sa. Thủ đô Trường Sa là một hòn đảo rất bé. Nó bé tới mức, người đời khó mà tưởng tượng được. Đến nỗi, một nhà thơ đã phải thốt lên: “Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết”.
Tôi đã tới cái hòn đảo “Nói một chữ là hết” ấy. Nó chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.
– Vất vả không, các cậu?
Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Cậu lính trẻ cười khì khì:
– Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!
– Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi. – Giọng Tư lệnh bùi ngùi – Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu.
– Thế bố cho con được nói thật nhé!
– Ừ, thì phải nói thật chứ! – Tư lệnh mỉm cười. – Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây với các cậu, để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à?
– Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ…
– Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy!
Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên:
– Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái…
Anh lính trẻ bỗng bối rối trước cái nhìn ngỡ ngàng của Tư lệnh. “Thì con đã vòi bố trước rồi, là bố phải tha thứ cho con, không được phê phán con lãng mạn”.
– Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả?
– Không, không! – Anh lính bỗng luống cuống. – Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xem ra xa vời quá! Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chẳng phải hát hò gì. Chỉ mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con “chỉnh” mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!..
Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười. Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế. Sau đó, quả như niềm ao ước của anh lính trẻ, các cô gái lần lượt ra thăm đảo. Không phải cánh nuôi quân mà các cô văn công mặt hoa da phấn hẳn hoi. Trông cô nào cũng đẹp, cũng thơm phức và lộng lẫy như những nàng tiên cá. Các cô múa hát và khâu vá cho chiến sĩ. Nhiều anh áo quần còn mới nguyên, cũng bí mật xé ra, rồi nhờ các cô vá. Thế là từ đấy, lần nào Tư lệnh ra đảo, các chiến sĩ cũng được dự những bữa tiệc mắt linh đình. Nhưng đó là chuyện sau này, còn chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thực sự coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh:
– Bố thấy Vuơng quốc của chúng con thế nào?
Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.
– Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. Ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi. – Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi. – Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hoả của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu…
– Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!
Tư lệnh ôm lấy đôi vai trần cháy khét nắng gió của người lính trẻ xứ Nghệ. Đôi mắt ông bỗng cay xè, ầng ậng nước. Anh lính trẻ cũng nắm chặt bàn tay xù xì thô ráp của Tư lệnh:
– Bố đừng lo! Chúng con ở đây quen rồi! Khổ mấy chúng con cũng chịu được! Nhưng đúng như bố nói đấy. Rất vất vả, cực nhọc. Nhiều lúc mệt quá, con liều nghĩ, hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi!
Tư lệnh ngạc nhiên:
– Giấu đảo à? Mày nói gì lạ thế? Giấu thế nào?
Anh lính trẻ vui vẻ:
– Bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!
Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. Con tàu bấy giờ đang bập bềnh buông neo ngay bên ngoài mép san hô. Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng.
– Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu giấu đảo!
Cứ tưởng anh lính trẻ sẽ lắc đầu quầy quậy. Nào ngờ anh vồ vập đón chiếc xẻng từ tay Tư lệnh. Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay
– Mày làm cái gì thế mày? Giấu đảo à?
– Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! – Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhoá nước – Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!
(Theo Trí Thức Trẻ)

Lúc đầu kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng là làm nhà trên 12 đảo chìm trong 3 năm để khẳng định chủ quyền. Nhưng khi xảy ra sự kiện ngày 14-3, chúng ta làm chỉ trong 1 năm. Nhanh gấp 3 lần!”.
-------
MY LĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét