Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 47

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Giải Cứu Tàu Ngầm Nga
Hải quân Anh đã giải cứu tầu ngầm Nga như thế nào?  
Venus travel corporation (Phần 1)
Chiếc tàu ngầm loại nhỏ AS-28 của Nga là tàu cứu hộ, đã gặp phải vận rủi hôm 4-8-2005 khi chân vịt của nó vướng vào những lưới cá trong một cuộc diễn tập ngoài khơi bán đảo Kamchatka.
Cả đội tàu bị mắc kẹt ở vị trí 200m dưới mực nước biển. Lúc đó kể cả cử động nhỏ nhất cũng làm bạn khó thở. Tuy nhiên đây là chuyện nội bộ của nước Nga, tất nhiên Nga phải tự giải quyết. Và đây là một trong những cuộc giải cứu kịch tính nhất trong lịch sử tàu ngầm.
Chỉ huy Piz Slava Milashevsky và kỹ sư Ganady Bolonin
Chỉ huy Piz Slava Milashevsky và kỹ sư Ganady Bolonin
Tình thế nguy cấp
Tại bán đảo Kamchatka – Vịnh Berezovaya – Nga. Cách bờ biển 18 km ngoài khơi ngày 4-8-2005 Hải quân Nga chuẩn bị phóng tàu ngầm nhỏ Piz AS-28. Đội tàu gồm bảy người và đang tận hưởng những giây phút cuối trên boong tàu trước khi lặn. Họ hút thuốc nói chuyện vui vẻ. Đại úy chỉ huy tàu Slava Milashevski.
Anh nói “đây là một cuộc lặn như thường lệ và không phải lần đầu, chẳng có gì bất thường cả”.
Kỹ sư Ganady Bolonin là người lớn tuổi nhất trong đội tàu “họ là những người đã cùng tôi làm việc trong nhiều năm. Chúng tôi không chỉ là đồng nghiệp mà còn là bạn”. Lúc 11 giờ phút sáng cả đội tàu bắt đầu làm việc. Tàu ngầm nhỏ của họ có tuổi thọ 16 năm và được thiết kế để cứu các tàu ngầm hạt nhân bị nạn. Nó dài 13m và có thể sửa chữa bằng hai cánh tay cơ học phía trước. Nó có cửa sập kín khí để chuyển ô-xy và hàng tiếp tế, hay sơ tán đội tàu bị nạn. Hôm nay Piz có nhiệm vụ khác. Đội lên kế hoạch sửa chữa một di vật từ cuộc Chiến tranh lạnh giữa Soviet và phương Tây. Đó là thiết bị nghe lén dùng để dò tìm tàu ngầm Mỹ, một trong nhiều di vật nằm dưới đáy biển này. Họ đến đây vì vị trí Kamchatka đối diện với nước Mỹ qua Bắc Thái Bình Dương, gúp Nga giám sát hoạt động Hải quân Mỹ cho đến bây giờ. Các thiết bị nghe cần được bảo trì thường xuyên, cần gỡ bỏ lưới bắt cá đôi khi mắc vào chúng. Cả đội nghĩ nhiệm vụ hôm nay kéo dài không quá 6 giờ. Piz chạy bằng ắc quy và không thể kéo dài thời gian hoạt động dưới nước. Khi tàu lặn xuống áp suất nước bắt đầu tác động lên thân tàu tăng lên. Tại độ sâu 65m áp suất là 7kg/1cm2. Bỗng có những tiếng động lạ vang lên, đội tàu rất lo lắng. Từ khi Chiến tranh lạnh  kết thúc việc cắt giảm mạnh ngân sách của Hải quân Nga đã tác động xấu đến việc bảo trì. Những tai nạn do thiết bị trục trặc làm rất nhiều thủy thủ bị chết. Càng lặn sâu tàu ngầm càng dễ bị trục trặc. Tại độ sâu 200m áp suất là 21kg/1cm2 đủ để nghiền nát một người. Thiết bị nghe trộm đã vào tầm quan sát của Piz. Hai ống trụ dài 100m chứa hàng trăm ống phóng thanh được bật lên để dò tàu ngầm đối phương. Cả đội phải cẩn thận vì họ không nhìn xa quá 10m. Quan trọng nhất là tránh dây cáp điện nối với thiết bị nghe vì tàu ngầm có thể làm hỏng chúng. Có thứ gì đó đang ẩn trong bóng tối, Piz tới gần hơn và đột nhiên thấy lưới đánh cá. Milashevsky yêu cầu người lái quay tàu, nhưng một phần lưới đã ở phía sau tàu.
“Khi chúng tôi đang quay tàu thì lưới đã dính vào một chân vịt. Cơ chế bảo vệ động cơ được kích hoạt. Chúng tôi biết đã xảy ra chuyện gì. Tàu bị vướng vào lưới”.
Vài giây sau họ thấy Piz lắc lư rồi dừng hẳn. Milashevsky tự trấn an mình, anh biết tàu vẫn có thể thoát ra. Anh thử mọi cách có thể nhưng tàu vẫn không nhúc nhích.
Kỹ sư Ganady Bolonin nói “chúng tôi không lao vào đám lưới mà cố lái đi. Cố quay tàu. Chúng tôi làm mọi thứ có thể. Nhưng không được”.
Cả đội tàu thấy lo lắng. Ác mộng lớn nhất của mọi thủy thủ tàu ngầm là bị kẹt dưới nước với lượng ôxy có hạn.
1 giờ chiều chuẩn úy Anatoly Popov gọi khẩn cấp cho tàu mẹ đang ở phía trên 200m: “Chúng tôi không thể tự cứu mình và phải chờ bên ngoài cứu trợ”.
Đội Piz biết Hải quân Nga không có tiếng tăm và kinh nghiệm trong việc giải cứu thủy thủ tàu ngầm bị mắc kẹt. Họ vẫn bị ám ảnh từ sự kiện trước đây. Năm năm trước một quả ngư lôi phát nổ trên tàu ngầm hạt nhân Kursk. Các thủy thủ sống sót đã bị kẹt dưới 108m ở biển Barents, các tàu ngầm loại Piz đã cố gắng giải cứu nhưng thất bại và Chính phủ đã dấu chuyện này không thông báo cho nước ngoài cứu trợ. Tất cả 118 người trong tàu đã bị chết. Piz nằm sâu gần gấp đôi so với tàu ngầm Kursk xấu số. Milashevsky nghĩ rằng “tôi nghĩ các lực lượng của Nga sẽ không tiến hành giải cứu”.
Chuông điện thoại reo và tàu mẹ gọi lại đưa ra một giải pháp, họ quyết định phóng thiết bị lặn điều khiển từ xa gọi tắt là “ROV” với tên gọi “VENOM”. Tàu này có hai cánh tay robot có thể cắt lưới cho Piz. Nhưng thuyền trưởng đang gặp rắc rối, đội vận hành thường xuyên đang nghỉ phép. Công việc điều khiển được giao cho một kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm. Và sau vài giây hoạt động con tàu đã mất kiểm soát, cáp trung tâm xoắn lại làm “VENOM” quay vòng tròn và dây cáp trung tâm bị đứt. VENOM ngừng hoạt động. PIZ được thông báo sự việc và đội tàu hiểu rằng họ sẽ chết chắc trừ phi có kỳ tích xảy ra. Milashevsky biết sự giải cứu là rất nhỏ nhưng anh vẫn quyết tâm tìm cách giải cứu tàu và hy vọng.
“Hy vọng không bao giờ tắt, chúng tôi vẫn hy vọng. Chúng tôi nghĩ đến khả năng xấu nhất và sẵn sàng đương đầu. Cả đội đã được dạy điều này”. Milashevsky kiểm tra đồ dự trữ. Trên tàu có 7 bình tạo oxy khẩn cấp và tình cờ tìm thấy chiếc can chứa 3-4 lít nước nhưng không rõ có uống được không. Họ cũng không hiểu cần bao nhiêu để duy trì, họ chỉ còn bánh quy. Milashevsky đưa ra giải đáp rất đáng sợ. Mỗi bình oxy có thể duy trì được 9 giờ.  Với 7 bình chỉ duy trì được 63 giờ và nếu tiết kiệm cũng chỉ được 80 giờ. Milashevsky yêu cầu mọi người mặc đồ giữ nhiệt và tắt tất cả các thiết bị không cần thiết gồm cả hệ thống sưởi ấm để tiết kiệm ắc quy, ngồi im, thở chậm và hạn chế nói.
“Điều quan trọng nhất là tính kỷ luật, ưu tiên số một là không được hoảng sợ và phải nghĩ về cơ hội được sống sót. Phải hy vọng sẽ cải thiện tình hình”. Kỹ sư Ganady Bolonin nói.
Trong khi đó Hải quân Nga huy động đội giải cứu gồm 10 tàu và giống như trường hợp tàu Kursk họ giữ kín chuyện này. Họ không còn tàu ngầm lớp Piz ở Thái Bình Dương. Họ chỉ còn cách cố móc cáp vào AS-28 và kéo nó vào vùng nước nông.
Sau khi tắt thiết bị sưởi ấm, mấy giờ sau nhiệt độ trong tàu hạ xuống còn 4oC. Các thủy thủ tay run lên vì lạnh. Sau mỗi hơi thở làm không khí trong tàu thay đổi, họ hít oxy và thở ra CO2. Thời gian đó là chu trình chết người. Nếu lượng oxy trong tàu giảm từ 21% xuống dưới 10% tất cả mọi người sẽ bất tỉnh và bị chết. Nhưng khí cacbonic mới nguy hiểm nếu vượt quá 2% đến 10% sẽ gây chết người. Milashevsky mở bình tạo oxy đầu tiên, nó chứa hóa chất KO2 phản ứng với không khí để tạo ra oxy, quan trong hơn nó hấp thụ cacbonic.
Sáng hôm sau ở Petropavlovsk thủ phủ Kamchatka, phóng viên Guzek Latypova nghe điện vào lúc 11 giờ sáng “tôi nghe thấy một phụ nữ khóc, nói rằng một tàu ngầm có 7 thủy thủ đã chìm xuống dưới 200 mét nước. Tôi hỏi cô ấy là ai nhưng cô ấy không nói”. Khi Hải quân Nga từ chối bình luận, Guzek biết chuyện này là sự thật. Cô lập tức phát tin, tin tức lập tức lan nhanh trên các phương tiện truyền thông. Chiều hôm đó người phát ngôn Hải quân Nga xác nhận sự thật. Vợ của Milashevsky, chị Elena đang ở nhà với 2 cô con gái song sinh là Sasha và Nastya đang làm bữa tối và nghe thấy bản tin trên truyền hình nói đến từ “tàu ngầm nhỏ”.
“Tôi biết chỉ có tàu ngầm nhỏ của Slava đang làm nhiệm vụ vào thời gian đó”.
Chị hiểu rằng cơ hội giải cứu là rất nhỏ, chị lo sợ đến điều xấu nhất sẽ xảy ra.
“Tôi nghĩ sẽ nói điều gì đó với hai con khi chúng hỏi: “Bố đâu? Với chúng Bố là tất cả”.
Tàu đã ở dưới nước 32 tiếng đồng hồ. Họ kìm mình để làm bình tạo oxy duy trì lâu nhất có thể. Họ cố tiết kiệm chỉ mở bình mới khi không còn thở nổi nữa.
“Chúng tôi cố dùng nó lâu hơn so với hướng dẫn sử dụng” Milashevsky nói.
Oxy bắt đầu cạn và khí cacbonic độc hại bắt đầu có tác động. Họ thở hổn hển, choáng váng, buồn nôn và đau đầu.
Cách đó 8000 km ở Anh
7 giờ sáng tại Briston bản tin radio đưa tin “Hải quân Nga đang giải cứu khẩn cấp… 9 tàu của hạm đội Hải quân…”
Trung tái Ian Riches thức dậy với bản tin buổi sáng. Anh là sĩ quan Hải quân phụ trách trung tâm cứu nạn tàu ngầm Anh.
“Một bản tin rất ngắn về tàu ngầm Nga bị kẹt dưới đáy Thái Bình Dương. Tôi lập tức dậy mặc đồ và nhanh chóng đi làm.”
Trung tâm dịch vụ giải cứu tàu ngầm Vương quốc Anh cách đó 600 km về phía Glasgow – Scotland. Đội trưởng Stuart Gold cùng nghe thấy tin đó trên đường đi làm. Bản tin đã gây xúc động mạnh. Đội của Stuart Gold đã từng nhanh chóng cứu hộ tàu Kursk 5 năm trước, khi Nga cầu cứu nhưng rất tiếc đã quá muộn.
“Chúng tôi rất xúc động về thảm họa tầu ngầm Kursk, chúng tôi đã rất đau lòng”, Stuart Gold nói.
Nếu kịp tới vị trí của Piz, họ có thể ngăn chặn thảm họa thứ hai.
“Chúng tôi đã cam kết với Bộ Quốc phòng, luôn ở trên đường bên ngoài trụ sở trong vòng 12 giờ, để sẵn sàng được huy động nhanh nhất có thể, để tới được bất cứ đâu”.
Không khí tại trung tâm rất khẩn trương. Đội cứu hộ hiểu rằng họ có phương tiện làm việc. Chiếc ROV đã qua thử nghiệm gọi là Scorpion 45, nó có thể lặn sâu 1000m, cánh tay cơ học của nó có thể cắt cáp bằng thép. Điều quan trọng là nó sẽ được mang đến Kamchatka và hoạt động hàng giờ dưới biển. Tuy nhiên Stuart Gold không thể dùng ROV nếu như Nga không cầu cứu Anh.
Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương không cho người ngoài tới gần khu vực thiết bị nghe lén, họ giải thích đang dùng dây cáp để kéo Piz. Nhưng người Nga gặp khó khăn ở độ sâu 200m, cơ hội thành công rất nhỏ.
Tàu giải cứu ROV - Scorpion
Tàu giải cứu ROV – Scorpion
ROV_Hercules_2005
Nếu Nga không sớm cầu cứu sẽ không ai có thể cứu kịp Piz, nó đã bị kẹt hơn 30 giờ, bảy người trong tàu đang bị lạnh cóng và khát nước. Họ chỉ được phép nhấp 4 ngụm một ngày, không khí trong tàu cũng đang dần tệ hơn.
“Càng lúc càng khó thở, chỉ một cử động nhỏ nhất, hay một vài bước đi cũng làm bạn mất hơi. Hy vọng đang dần tan biến.” Milashevsky nói.
Cả đội chìm đắm trong cảm xúc riêng. Một số bắt đầu khóc. Milashevsky
nghĩ về gia đình. Anh viết lời tạm biệt cho Elena và hai con gái sinh đôi.
Tại Petropavlovsk, Elena đang xem mọi tin tức về chồng.
“Tôi hoàn toàn vô vọng. Chắc 100% họ sẽ không được cứu. Tim tôi đau nhói, tôi không thể kiểm soát tay chân. Tôi không làm được gì”.
Tại Moscow, người của Tổng thống Putin đang tóm tắt thông tin về vụ tai nạn cho ông nghe. Putin không thể để xảy ra căng thẳng chính trị, do thảm họa giống như vụ tàu ngầm Kursk. Ông lập tức ra lệnh cho Đô đốc nhờ nước ngoài giúp đỡ.
Tại Đơn vị lặn của Hạm đội Thái Bình Dương – San Diego – California cách Kamchatka 7000km về phía đông nam. Họ cũng được trang bị ROV lớp Scorpion. Trung tá Hải quân Ken Van Horn phát biểu trên truyền thông.
“Chúng tôi sẽ đến đó nhanh nhất có thể”.
Tại Đại sứ quán Anh ở Moscow, Đại tá Jonathan Holloway, tùy viên quân sự Hải quân Anh đang lo liệu mọi việc. Ông là cựu thủy thủ tàu ngầm.
“Tôi cố gắng làm hết sức có thể. Bị kẹt dưới biển là ác mộng của thủy thủ tàu ngầm. Bạn có rất ít oxy và nếu không được cứu, bạn sẽ chết và rất đau đớn”.
Nga vẫn chưa liên lạc với Anh, nhưng Holloway vẫn gọi cho Trung tâm giải cứu tàu ngầm Anh. Sau đó đội cứu  hộ bắt đầu lên đường. Đội tưởng Stuart Gold bắt đầu đưa Scorpion lên máy bay.
“Lúc đầu tất cả như diễn tập, tôi nghĩ phía Mỹ sẽ đến đó trước.”
Máy bay C-17 của không lực Hoàng gia đã sẵn sàng đưa ROV cùng cabin điều khiển đến Kamchatka.
“Chúng tôi đã ra quyết định táo bạo, rất may đã được ủng hộ. Bộ Quốc phòng nhanh chóng giao nhiệm vụ cho máy bay phối hợp giải cứu và ra lệnh đưa thiết bị lên trước để tiết kiệm thời gian.” Ian Riches.
Stuart Gold tập hợp đội vận hành gồm 8 người nhưng lại gặp khó khăn, trưởng vận hành Scorpion vắng mặt và ông biết chỉ có một người có đủ kinh nghiệm làm việc này. Đó là Peter Nuttal. Khi  anh chuẩn bị dự tiệc đám cưới người bà con thì nhận được cuộc gọi của Stuart Gold.
“Chúng ta đang có nhiệm vụ lớn. Anh có thể đến được không?”
“Lúc đầu tôi nghĩ ông ấy đùa, ông ấy biết tôi dự đám cưới nên đùa như vậy. Nhưng khi nghe giọng nói tôi biết ông ấy rất nghiêm túc và tôi đã lập tức đến ngay”. Peter đã bỏ dự tiệc cưới.
Tại Moscow, Holloway đang đến Bộ Quốc phòng Nga để trình thư ngoại giao đó là đề nghị giúp đỡ chính thức của Vương quốc Anh.
Nếu người Nga nói “không”. Mọi thứ Anh đã chuẩn bị sẽ thành vô nghĩa.
“Tôi ngồi đó trình bày những gì chúng tôi có thể làm và trình bức thư. Rồi tôi được yêu cầu chờ đợi. Lúc đó tôi hiểu thời gian của chúng tôi đang dần hết”.
Không uổng công. Những gì Holloway trình bày được gửi đến Hải quân Nga và đã được chấp nhận ngay.
Mặc dù Scorpion đã được đưa tới sân bay nhưng cơ hội thành công rất mong manh. Nếu suôn sẻ phải mất 24 giờ mới đưa Scorpion tới chỗ Piz, bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy.
Các thủy thủ tàu Piz chỉ còn 50 giờ có oxy. Tất cả đang chạy đua với thời gian.
Phía Anh đã cho tất cả máy móc lên C-17 và cất cánh lúc 20h15 giờ Anh. Họ sẽ đến Kamchatka sau 10 giờ bay.
Người Mỹ rời San Diego 2 giờ sau đó.
Hết phần 1
Đức Dũng
Hải quân Anh đã giải cứu tầu ngầm Nga như thế nào?
Venus travel corporation (phần cuối)
Cuộc giải cứu bắt đầu
46 giờ sau khi tàu mắc kẹt. Đội tàu cứu hộ nước ngoài đang tới làm thủy thủ Piz vui hẳn lên nhưng không được lâu khi tình hình đang xấu đi. Sự cứu trợ có thể đến quá muộn.
“Chúng tôi không rõ bao giờ họ đến, ngày hôm nay? Ngày mai? Hai tiếng hay 72 tiếng nữa?”
Ngày thứ 3 lúc 6h22 tại Kamchatka. Máy bay Anh đáp xuống sân bay Petropaviovsk trước Mỹ. Họ mong đưa Scorpion xuống thật nhanh. Nhưng rủi thay phía Nga có xe tải nhưng lại không có xe nâng hạng nặng. Không có xe nâng sẽ không thể đưa các contener ra khỏi C-17. Sau 20 giờ cố gắng với quãng đường dài 8000 km, nhiệm vụ giải cứu đang bị bế tắc. Sinh mạng 7 thủy thủ đang phụ thuộc vào chiếc xe nâng, họ phải tìm ra thật nhanh. Ngoại trừ một số đồ đạc được xe nâng loại nhỏ đưa xuống thì chẳng còn gì để làm. Bế tắc!
“Tất cả đang thất vọng vì cuộc giải cứu sẽ không thành công. Chúng tôi chỉ có thể đưa Scorpion xuống bằng xe nâng cỡ lớn”. Ian Riches.
Một tiếng rưỡi sau đội giải cứu Mỹ đã có mặt. Như đáp lại lời cầu nguyện từ phía Anh họ đem cả xe nâng cỡ lớn được chở trên máy bay C5. Ngay lập tức phía Mỹ đã giúp Anh giải quyết khó khăn bốc dỡ hàng.
“Phía Mỹ đến không bất ngờ lắm, nhưng không quá muộn. Họ xuất hiện như đội kỵ binh thứ 7”
Stuart và đội tới cảng Petropaviovsk 45 phút sau đó, để Mỹ lại phía sau.
“Trời rất tối cứ như phim Điệp viên 007 vậy, rất nhiều người qua lại và ổ gà, con đường trong tình trạng tệ hại. Tài xế phóng rất nhanh và vượt qua các ổ gà, người chúng tôi xóc nẩy lên liên tục. Chúng tôi bắt đầu lo các thiết bị không được nguyên vẹn”.
Mất một giờ để tới bến tàu. Nhưng cổng đang bị đóng.
“Họ không cho bọn tôi vào, đơn giản là vậy. Người gác cổng đã không được báo trước nên không cho chúng tôi vào. Chuyện gì đang xảy ra thế này?”
Tàu giải cứu đang chờ ở đầu cầu cảng. Piz chỉ còn 3 bình tạo oxy. Thủy thủ không còn đủ sức để mở chúng.
“Phải cần hai người để mở bình. Một người cầm kìm và một ngừoi cầm cà lê. Sức khỏe suy sụp vì nhiễm độc từ CO2”.
Trong khi đó cuộc tranh luận tại cổng bến tàu đang tiếp diễn. Mọi người bắt đầu mất bình tĩnh.
“Chúng tôi hiểu thời gian đang dần hết, các nạn nhân đang nguy kịch. Mọi việc tiến triển rất chậm”. Ian Riches.
Phải mất nửa giờ để cấp trên bảo vệ mới cho phép mở cổng.
Stuart Gold và Ian Riches đến Petropaviovsk từ sáng sớm. Tất cả mọi người đều hứng khởi vì đột nhiên có một người tóc vàng xuất hiện.
“Họ nhận ra đó là Dmitri Podkapaev quan chức Hải quân Nga chịu trách nhiệm giải cứu. Anh ấy tới như vị cứu tinh”.
Dmitri Podkapaev cũng trong đội cứu hộ tàu ngầm Kursk, đã làm việc với phía Anh trong đợt huấn luyện tại Italia hai tuần trước.
“Ông ấy rất vui vì biết chúng tôi làm được những gì. Ông ấy hiểu chỉ có chúng tôi mới có thể giải quyết được việc này”.
Đội cứu hộ bắt đầu đưa Scorpion lên trên tàu và phải mất vài tiếng.
Dmitri Podkapaev đang trao đổi với phía Anh. Một máy quay dưới nước của Nga cho thấy Piz mắc vào 10 sợi dây thừng. Stuart nghĩ Scorpion sẽ cắt được chúng, nhưng một vấn đề khác lại nảy sinh.
“Tàu có hệ thống định vị vệ tinh không?” Ian Riches hỏi.
“Không có” Podkapaev trả lời.
Tất cả đều lắc đầu buồn bã. Lúc đó thế giới như sụp đổ. Máy ROV được vận hành với một động cơ đẩy vòm và đuôi tàu. Kết nối với hệ thống định vị toàn cầu. Chúng sẽ tự động cố định tàu ngay trên mục tiêu của nó. Nhưng tàu ngầm giải cứu của Nga lại không có công nghệ này. Chuyển động trong lúc giải cứu có thể kéo Scorpion lệch khỏi vị trí dây cáp điều khiển trung tâm. Lúc đó Podkapaev đã nghĩ ra một giải pháp: Hai tàu sẽ neo sâu hai bên để giữ hai đầu của tàu cứu hộ và cố định bằng dây thừng.  Giải pháp này chỉ hiệu quả khi biển lặng và nó hoàn toàn mất tác dụng khi biển động vì độ lắc của tàu sẽ làm Scorpion lệch tâm. Thực ra không còn lựa chọn nào hơn và đội cứu hộ nhanh chóng bắt tay vào việc. Tàu cứu hộ được đưa đến vịnh Bererovaya. Quãng đường dài 70km sẽ mất thêm 5 giờ nữa. Thời gian vẫn tiếp tục cạn dần.
Elena vợ Milashevsky tin rằng chiến dịch giải cứu sẽ vô ích. Chị không tin vào sự thành công.
“Tôi đã nghi ngờ đội giải cứu sẽ không thể cứu được thủy thủ tàu Piz vì khi đến nơi dưỡng khí đã không còn”.
Phía Mỹ đã đến cảng Petropaviovsk nhưng người Nga không cho họ đi vì tại hiện trường đã có người Anh. Khi tới Vịnh  Bererovaya mọi người thở phào vì biển lặng. Tàu giải cứu hoạt động ngay trên thiết bị nghe lén. Hai tàu khác vừa thả neo để cố định tàu cứu hộ.
200m bên dưới các thủy thủ đang trong giai đoạn nguy kịch. Họ đã nhiễm độc CO2. Người khỏe nhất đội cũng rất yếu, họ đang nôn mửa.
Bước sang ngày thứ 4 lúc 10h25 sáng, cuối cùng Scorpion đã làm việc. Stuart Gold và đội phối hợp với Peter trong phòng điều khiển. Họ đã không ngủ gần 2 ngày.
“Tôi luôn tự nhủ bảy mạng sống đang nguy kịch”.
Scorpion đang lặn xuống đồng thời Piz chỉ còn dưỡng khí trong 10-12 giờ nữa. Scorpion cách mục tiêu 150m, 100m, 50m và Piz trong bóng tối đã hiện ra trước máy quay. Tất cả reo lên: Thấy rồi! Nó kia rồi!
“Lúc đó chúng tôi đã thở phào. Ơn Chúa chúng tôi đã tới đó sau một chuyến hành trình đầy khó khăn”, Ian Riches.
Sau 72 giờ dưới nước, không khí trong tàu trở nên rất độc. Đội bị tê liệt vì kiệt sức. Milashevsky chỉ nhận thức được mọi thứ trong lờ mờ. Anh mê thấy hai con gái đang nâng quả cầu đồ chơi chứa chất lỏng cùng những lân tinh trong đó, hai con gái chạy đuổi nhau và chạy xe đạp đâm vào nhau, đâm nhiều lần. Anh bỗng mở bừng mắt, anh nghe có tiếng động đang gõ vào thành tàu. Ở trên cách đó 200m Peter đang điều khiển cánh tay máy của Scorpion để gõ vào thân tàu.
“Chúng tôi muốn báo hiệu cho họ thấy cứu hộ đã tới và đang cố gắng cứu họ” Peter nói.
Tiếng gõ và thân Piz như một lời chào: Chào các chàng trai.
Họ biết chúng ta đã tới. Milashevsky cố gắng bò tới kính viễn vọng và nhìn thấy thiết bị ROV đang chiếu sáng đèn. Toàn đội như được tiếp thêm sức mạnh, tinh thần phấn chấn và tràn đầy hy vọng. Cả đội ngẩng đầu lên và hy vọng sống rất lớn.
Stuart Gold cầm bộ điều khiển vận hành Scorpion. Máy quay sẽ chiếu rõ cho anh thấy những gì cần phải làm, nó cũng là công cụ để thao tác được chính xác. Bộ điều khiển được gắn chặt một đầu trên tường. Anh bắt đầu di chuyển cánh tay máy để cắt dây thừng, tất nhiên dao cắt nằm ở phía đầu cánh tay nên sự linh hoạt rất hạn chế. Công việc điều khiển đòi hỏi phải có kinh nghiệm và khéo léo. Không ai rõ việc cắt thừng sẽ mất bao nhiêu thời gian và đội tàu còn bao nhiêu oxy nữa. Tất cả chỉ được tính từng phút. Peter bắt đầu chỉnh Scorpion vào vị trí để cắt dây thừng đầu tiên.
“Tôi phải đặt dao cắt đúng chỗ để cắt hay kẹp dây bằng một cánh tay máy và sau đó đưa nó đến vị trí khác”.
Một công việc không hề dễ dàng. Điểm trung tâm của Scorpion kết nối với tàu giải cứu luôn bị tròng trành gây khó khăn cho thao tác, mặc dù được giữ cố định bởi hai tàu ở trên.
40 phút sau khi tiếp cận Piz.
Scorpion tiến gần vào sợi dây thừng, Peter điều khiển cho cánh tay máy có dao cắt ngửa lên trên định vị sợi dây thừng vào giữa hai dao. Gần vào rồi, oke nó đã vào giữa dao cắt, cánh tay máy bắt đầu được điều khiển để kẹp chặt sợi dây thừng. Bắt đầu cắt: Nó đứt rồi, thật tuyệt vời. Làm tốt lắm.
Tất cả thốt lên trong sự phấn khích cả Dmitri Podkapaev cũng vậy. Xong một dây, còn chín sợi nữa. Mỗi lần cắt là một thách thức lớn. Nhiều dây quấn chặt và rất khó chộp, dao cắt lại không được thiết kế để cắt lưới nên đội phải làm mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Ở trong Piz mọi người thì thầm “họ đã tới vào bắt đầu cắt dây. Chúng ta đang nhận thấy điều đó.”
Milashevsky nói “bạn thấy như ai đang xoa vào trán mình, như đang xoa dịu. Cảm giác đó thật dễ chịu”.
Đội cứu hộ đã cắt được 3 tiếng và chỉ còn 3 sợi dây nữa là hoàn thành. Stuart Gold và Peter vẫn cố gắng tập trung để điều khiển, nhìn vẻ mặt căng thẳng để điều khiển dao cắt mới thấy áp lực lớn đến mức nào. Cánh tay tiếp tục tiếp cận dây thừng. Bỗng đèn đỏ nhấp nháy, tiếng bíp bíp cảnh báo vang lên bảng điều khiển vang lên.
Hộp đầu nối điện của Scorpion đang bắt đầu bị mất áp lực. Nước có thể tràn vào hệ thống.
“Không ai muốn nước tràn vào hệ thống thiết bị điện”, Ian Riches nói
Đội vẫn mạo hiểm và tiếp tục cắt. Di chuyển xuống dưới chút nữa, chút nữa, ok rồi. Họ cố gắng tóm lấy sợi dây thứ 8, nhưng chỉ vài dây sau họ sững sờ khi thấy vành dao cắt cụp xuống và đè vào lưỡi dao, giờ thì máy không thể cắt được nữa.
Stuart Gold thông báo “vành dao đã cụp xuống, không thể cắt được nữa”. Khó khăn lại chồng chất.
“Chúng tôi luôn phải vượt qua những trở ngại”, Ian Riches.
Stuart hiểu rằng phải đưa Scorpion lên sàn tàu và sửa ngay. Tuy nhiên Dmitri Podkapaev khăng khăng chỉ vào màn hình “ROV đang làm việc mà, nó phải tiếp tục làm việc”. Dmitri Podkapaev bắt đầu to tiếng và rất căng thẳng. Ian Riches thuyết phục Dimitri việc sửa chữa sẽ nhanh thôi.
“Một chút thôi Dimitri, hãy để chúng tôi tự làm” Ian Riches nói.
Nhưng Dimitri vẫn làm rất căng. Chúng tôi đã nói với ông ấy là dao bây giờ không thể cắt được nữa vì mảnh kim loại đã chặn vào giữa và không thể đưa dây vào được. Hãy nói với Đô đốc của anh đi.
Khi Dimitri rời phòng điều khiển để hội ý với cấp trên. Phía Anh đã tự ra quyết định để giải quyết vấn đề. Họ đưa Scorpion trở lên mặt nước.
Đội tàu Piz nhìn thấy ROV rời đi không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
“Đột nhiên các âm thanh dừng lại và biến mất, chúng tôi nhìn nhau tự hỏi: Chuyện gì thế? Chuyện gì đã xảy ra?”
Scorpion đã được đưa lên sàn tàu. Khó khăn lại xuất hiện làm cản trở công việc. Nếu nhóm giải cứu không sửa máy thật nhanh, bảy người có thể chết. Đây là tình thế khẩn cấp, ngàn cân treo sợi tóc. Đội tàu Nga đang cạn dần oxy. Nhưng máy giải cứu lại bị hỏng.
Stuart cùng đội đã đã mệt nhoài nhưng vẫn làm việc với một sức ép rất lớn.
“Sáu người chúng tôi tập trung vào sửa máy.”
Đội phải thay vành bị cong bịt vào dao cắt và bơm dầu vào hộp dầu nối điện. Trong lúc sửa chữa họ lại phát hiện ra một vấn đề nữa. Một chân vịt bị hỏng.
Dimitri thúc giục hỏi “hỏng à? Có vấn đề à?”
Chúng tôi trả lời “một chút thôi. Một chút thôi. Không mất nhiều thời gian đâu. Ông yên tâm”.
Rất may chúng tôi là những người dày dạn kinh nghiệm và làm việc rất thành thạo. Đội sửa chữa chỉ mất 15 phút đã xong. Scorpion tiếp tục được đưa xuống nước và làm việc như đã hứa với Dimitri. Chúng tôi rất mừng.
Đội tiếp tục cắt dây còn lại và chỉ còn một sợi dây duy nhất. Nhưng oái oăm là nó lại ở dưới thân tàu Piz. Nếu Scorpion tiếp cận từ bên dưới sẽ làm sợi dây trung tâm bị vướng. Cả Piz và ROV sẽ bị kẹt.
“Tôi không muốn cắt dây cuối cùng vì nó quá nguy hiểm”.
Việc cả Piz và Rov đồng thời bị kẹt dưới biển sẽ biến thành một tai họa khủng khiếp. Stuart chỉ còn duy nhất một cách “giải phóng đồ dằn”. Nếu Piz xả hết nước từ các khoang đồ dằn tàu sẽ nổi lên và làm đứt thừng tự giải thoát khỏi đám dây, việc giải cứu sẽ được hoàn tất.
Một lần nữa Dimitri lại phản đối “Không, không, không được”.
Ông đưa ra lý do chỉ còn một ít khí để giải phóng đồ dằn và chỉ được một lần. Đây là cơ hội duy nhất của họ.
Stuart to tiếng “chúng ta không còn cách nào khác, phải giải phóng đồ dằn”.
Chúng tôi đã tranh luận to tiếng với nhau và nó gần như là cuộc tranh cãi. Ông ấy cho rằng sẽ không hiệu quả. Đó là sự lựa chọn tồi, sự thoái lui.
Tuy nhiên cuối cùng Dimitri cũng phải chấp nhận ý kiến của phía Anh. Giờ lại phải thuyết phục cấp trên gồm cả Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nga.
Dimitri gọi điện cho cấp trên và cuộc tranh luận lại tiếp tục diễn ra. 40 phút căng thẳng trôi qua.
“Chúng tôi rất thất vọng và phải làm điều gì đó. 40 phút đã trôi qua, mạng sống của họ đang bị đe dọa. Phải thử”, Ian Riches.
Dimitri quay lại phòng điều hành với một quyết định “tôi đã được cho phép”.
Hải quân Nga đã lệnh cho Piz giải phóng đồ dằn. Nhưng không có gì xảy ra và không thể tìm ra được lý do. Ắc quy đã gần hết điện và đội tàu không thể  trả lời.
“Lúc đó chúng tôi bắt đầu lo lắng là họ không giải phóng đồ dằn”.
Trong tàu Piz thủy thủ đã nhận được lệnh. Đội đang tranh luận có nên giải phóng đồ dằn hay không. Cuối cùng họ tin vào các nhà giải cứu dày dạn kinh nghiệm.
“Chúng tôi ngồi trong tàu. Nhận được lệnh giải phóng đồ dằn. Đây là cơ hội cuối cùng của chúng tôi. Chúng đã tôi tiến hành”. Milashevsky nói.
Trong khi đó tất cả trên tàu, những người cứu hộ tự hỏi “liệu họ còn sống không? Họ bất lực? Hay hết không khí?”
Nhưng nhìn kìa, cái gì đang xảy ra thế? Chờ đã. Sau 6 giờ làm việc Piz bắt đầu từ từ nổi lên. Thủy thủ trong tàu bắt đầu nghe tiếng động, tiếng răng rắc của sự di chuyển. Trên phòng điều khiển mọi người hét lên “nó đang nổi. Nó đang nổi kìa. Nhìn đi”.
Dimitri vội vàng mở cửa phòng điều khiển lao ra bong tàu vì họ biết Piz nổi cách tàu chỉ 200m.
Stuart Gold hy vọng sẽ không quá muộn. Còn Peter lo rằng dây thừng vẫn bám vào đuôi tàu làm tàu vẫn kẹt dưới đáy biển.
1 phút, 2 phút trôi qua cảm giác của mọi người dài như vô tận. Bất ngờ có ai đó hô to “Nó kìa, khoáy nước của nó kìa, nó trôi về phía bên cạnh tàu kìa”.
Một nhà quay phim nghiệp dư đã ghi lại khoảnh khắc Piz nổi lên mặt nước. Khi đó nhiều người đã không còn kìm nén được cảm xúc nữa, họ ôm chầm lấy nhau, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên má những người đàn ông dày dạn kinh nghiệm.
Một nhà quay phim đã quay được cảnh PIZ nổi lên trên mặt nước
Một nhà quay phim đã quay được cảnh PIZ nổi lên trên mặt nước
“Tôi đã khóc và nhiều người cũng khóc. Vì quá mừng và hạnh phúc khi thấy tàu ngầm nổi lên”. Ian Riches.
“Chúng tôi vui mừng vô cùng khi tàu nổi lên mặt biển. Chúng tôi rất vui. Cám ơn Chúa. Mọi người đã được an toàn”. Kỹ sư Ganady Bolonin.
55854311
Chiếc tàu ngầm bị kẹt dưới nước hơn 3 ngày nhưng cả 7 thành viên đều sống sót.
“Thật tuyệt vời khi được thở. Tôi thấy ngực mình như muốn vỡ ra. Tôi thấy mặt trời, thấy các tàu xung quanh. Như thấy một thế giới mới vậy. Tôi cảm giác như thế”. Milashevsky.
Tôi (Jonathan Holloway) nhìn Ian Riches như đã biết nhau từ lâu vì chúng tôi hiểu rằng: Tất cả đã làm một việc có ý nghĩa.
Hải quân Nga đã điện cho Elena thông báo chồng của chị đã được an toàn.
“Là một thành viên trong đoàn giải cứu bảy người trong tàu ngầm bị mắc kẹt dưới biển. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó. Đây là điểm nhấn trong cuộc đời tôi” Ian Riches.
Hai tháng sau Tổng thống Vladimir Putin tới Luân Đôn ông đã trao huân chương cao quý nhất của Hải quân Nga cho đội cứu hộ. Được vinh danh về tinh thần hợp tác Quốc tế. Nhưng với đội cứu hộ họ chỉ nhớ đó là ngày họ đã cứu mạng cho bảy người.
Đức Dũng

Cú điện thoại cứu mạng 7 thủy thủ Nga

Không có cú điện thoại đẫm nước mắt của một người phụ nữ giấu tên đến đài phát thanh địa phương, thế giới có lẽ chỉ biết về vụ tàu ngầm Nga bị mắc nạn tại Thái Bình Dương khi đã quá muộn.

Guzel Latypova, phóng viên tại thành phố cảng Petropavlovsk-Kamchatsky, cho biết cú điện thoại đó đã phá vỡ sự im lặng và buộc giới chức phải cầu cứu nước ngoài, giải thoát cho 7 thủy thủ dưới đáy đại dương.

Tiếng điện thoại vang lên tại đài phát thanh số 3 nơi Latypova làm biên tập viên thời sự khoảng 24 giờ sau khi con tàu ngầm AS-28 bị mắt kẹt dưới độ sâu 190 m dưới lòng Thái Bình Dương.

"Một phụ nữ vừa gọi vừa khóc. Bà ấy nói rằng một chiếc tàu ngầm với 7 thủy thủ trong đó đã bị mắc kẹt tại Vịnh Berezovaya," Latypova, 32 tuổi, kể lại. Người phụ nữ bí mật đó cho biết bà nghe tin từ "một người" trong quân đội.

"Bà ấy đã cứu các thủy thủ. Cần dựng tượng đài cho bà ấy. Nếu không có cú điện thoại đó chắc chắn vụ việc đã bị bưng bít", Latypova nói.

Latypova cũng làm cho đài truyền hình Kamchatka và hãng tin Interfax của Nga. Lúc đầu, cô không biết xử lý thông tin giật gân đó như thế nào.

"Cả ngày hôm đó chúng tôi gần như chẳng có tin tức gì. Tôi gọi cho đồng nghiệp Oksana Guseva ở hãng thông tấn Ria Novosti và chúng tôi cố thẩm định thông tin bằng những nguồn tin chúng tôi có".

Guseva tìm cách tiếp cận tổng tư lệnh khu vực đông bắc Nga Viktor Gavrikov. "Giọng ông ấy thay đổi ngay lập tức. Ông ấy nói: "Không bình luận gì" rồi gác máy và khiến chúng tôi tin rằng vấn đề rất nghiêm trọng", Latypova nói.

5 phút sau, bà phát tin đó lên đài và chẳng bao lâu tin này lan khắp nước Nga thông qua các hãng tin và truyền hình.

Nhờ có báo chí mà vợ của Vyacheslav Miloshevsky, 25 tuổi, người chỉ huy con tàu ngầm, mới biết chuyện.

"Cô ấy nghe tin trên đài địa phương lúc 7h tối. Cô ấy không nhận được thông tin chính thức", Latypova nói.

Khi gia đình này cố hỏi lực lượng hải quân về cơ hội gặp lại người thân của họ, một nhà tâm lý quân sự đến và nói với Yelena, vợ của Miloshevsky: "Đây là nước Nga - hãy cầu nguyện đi!".

"Đó là kiểu giúp đỡ về tâm lý duy nhất mà họ nhận được", Latypova bình luận.

Chỉ vài giờ sau, quân đội Nga tại Moscow và tại thành phố Vladivostok bên bờ Thái Bình Dương xác nhận thông tin này.

Nhưng ở Petropavlovsk-Kamchatsky, các sĩ quan quân sự địa phương không nói gì về vụ việc, mãi cho đến tận hôm qua, hai ngày sau khi mọi chuyện đã được giải quyết. 

Theo Ngọc Sơn
Vnexpress/AFP

Tổng tư lệnh hải quân Nga "sắp bị sa thải"

  Tổng tư lệnh hải quân Nga "sắp bị sa thải"

Tờ Kommersant hôm qua trích một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga đưa tin, tổng chỉ huy lực lượng hải quân, thuỷ sư đô đốc Vladimir Kuroyedov, sẽ bị cách chức vào ngày 5/9 tới. Cũng theo nguồn tin này, quyết định được đưa ra trước khi xảy ra vụ tàu ngầm Priz mắc cạn.

Ông Vladimir Kuroyedov nhận quyết định sa thải từ sau vụ chiếc tàu đô đốc Neukrotimy thuộc hạm đội Baltic trúng thuỷ lôi trong một cuộc thao diễn ngay tại trung tâm thành phố St. Peterburg, ngày 30/7.

Tờ Kommersant cho biết thêm, vào ngày 5/9 tới đô đốc Vlaidimir Kuroyedov tròn 61 tuổi và đây sẽ là lý do chính thức được đưa ra để giải thích cho việc ông bị gạt ra khỏi ban lãnh đạo lực lượng hải quân.

Kể từ khi đô đốc Kuroyedov lãnh chức tổng tư lệnh hải quân tháng 11/1997, Nga đã mất 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân. Đầu tiên là vụ chìm tàu Kursk tháng 8/2000 dưới biển Barent, làm toàn bộ 118 thành viên thuỷ thủ đoàn thiệt mạng. Đến tháng 8/2003, đến lượt chiếc tàu ngầm đến tuổi nghỉ hưu K-159 bị chìm với 9 thuỷ thủ trong khoang.

Sau thảm kịch tàu Kursk, thuỷ sư đô đốc Kuroyedov từng đệ đơn từ chức lên Tổng thống Vladimir Putin nhưng không được chấp thuận. Các chỉ huy của hạm đội Biển Bắc bị cáo buộc gây ra cả hai vụ chìm tàu ngầm hạt nhân nói trên.

Trong suốt chiến dịch giải cứu tàu ngầm Priz vừa qua, ông Kuroyedov đang nằm điều trị trong một quân y viện. Tham mưu trưởng hải quân Nga, đô đốc Vladimir Masorin, là người chỉ đạo chiến dịch kết thúc có hậu này. Tờ Kommersant nhận định, ông sẽ là ứng viên chính ngồi lên chiếc ghế tổng tư lệnh hải quân Nga thay đô đốc Kuroyedov.

Theo Đình Chính
Vnexpress/Mosnews, AP
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét