CÂU CHUYỆN KHOA HỌC 86
(ĐC sưu tầm trên NET)
Bản chất của con người là thiện hay ác? (P.1): Học thuyết của Sigmund Freud
Những vụ tội phạm tầy trời xẩy
ra liên tiếp trong thời gian gần đây, với sự gia tăng cả về tần suất lẫn
mức độ tàn bạo, là những tiếng chuông báo động tình trạng suy đồi đạo
đức và băng hoại lương tri trong xã hội.
Đặc biệt, sự xuất hiện của những tội
phạm cực kỳ nguy hiểm nhưng có gương mặt sáng sủa trí thức như Nguyễn
Đức Nghĩa, có tuổi đời non choẹt như Lê Văn Luyện, có nghề nghiệp tử tế
như cô giáo Nguyễn Thị Thuận, …buộc chúng ta phải xem xét lại vấn đề từ
gốc rễ:
Bản tính con người là thiện hay ác?
Hơn 2500 năm trước, Đạo Khổng – Mạnh đã
trả lời rành mạch: “Nhân chi sơ tính bản thiện” – Con người sinh ra vốn
có bản tính thiện.
Nhưng hơn hai trăm năm sau, Tuân tử lại
nêu lên học thuyết về “tính ác”, khẳng định bản chất con người là ác, vì
ác nên mới cần phải giáo hoá.
Trên thực tế, học thuyết của Khổng tử đã
thắng thế tại Đông phương. Trong mỗi người Việt Nam chúng ta, ít hay
nhiều đều đã chịu ảnh hưởng của Khổng giáo (Nho giáo). Tuy nhiên, học
thuyết của Sigmund Freud trong thế kỷ 20 về cái Eros và Thanatos lại phù
hợp với tư tưởng của Tuân tử. Thậm chí trên thế giới ngày nay, đặc biệt
tại Mỹ, nhiều dự án nghiên cứu tội phạm học chủ trương tìm kiếm gien
tội phạm, tức là đang vô tình tìm cách xác minh luận điểm của Tuân tử
bằng thực nghiệm.
Vậy đâu là sự thật? Học thuyết nào đúng?
Sống trong một nền văn hoá pha trộn ảnh
hưởng của Nho giáo truyền thống với các trào lưu tư tưởng Tây phương
hiện đại, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào tình trạng do dự nước
đôi. Nhưng Francois Julien, một triết gia Pháp hiện đại, trong cuốn “Xác
lập cơ sở cho đạo đức”[1], đề nghị phải có một câu trả lời dứt khoát.
Loạt bài “Luận về bản tính thiện/ác” là
một cuộc lội ngược dòng lịch sử từ Sigmund Freud tới Tuân tử, Khổng tử,
suy ngẫm những kiến giải sâu sắc của cổ nhân kết hợp với thực tiễn xã
hội ngày nay để từ đó đi tới một câu trả lời dứt khoát về bản tính con
người.
Học thuyết của Freud về Eros và Thanatos
Sigmund Freud (1856-1939) là một trong
những nhà khoa học được liệt kê trong cuốn “On Giants’ Shoulders” (Đứng
trên vai những người khổng lồ) của Melvyn Bragg, bên cạnh những tên tuổi
vĩ đại khác như Archimedes, Galileo Galilei, Isaac Newton, Henri
Poincaré, Albert Einstein.
Công lao chủ yếu của Freud là khám phá ra
vô thức (unconsciousness) như tầng tư duy nền tảng định hướng mọi hành
vi của con người.
Khám phá này được coi như một cuộc cách
mạng trong nhận thức về bản chất của hành vi, bởi trước đó nền văn minh
có xu hướng đề cao ý thức như phần tư duy chủ yếu của con người.
Con người luôn tin rằng mình hơn hẳn
loài vật ở chỗ có ý thức. Ý thức là tầng tư duy vượt lên trên bản năng,
kiềm chế bản năng. Loài vật hành động thuần tuý theo bản năng. Vì thế ý
thức phải là tư duy đặc trưng của con người, chỉ loài người mới có. Ý
thức là đặc ân của Thượng đế ban phát cho loài người.
Nhưng Freud kéo loài người về vị trí
khiêm tốn hơn: tư duy chủ yếu quyết định hành vi thực ra không phải là ý
thức, mà là vô thức.
Vô thức là gì? Đó là trạng thái tư duy
dẫn tới những lời nói và việc làm mà không biết rõ mình đang nói gì, làm
gì. Nói cách khác, đó là tình trạng tư duy theo bản năng, không có sự
can thiệp của lý trí, hoặc lý trí quá yếu, không thể chế ngự hành vi.
Ngủ mê là một biểu hiện rõ nhất của vô
thức. Có những người ngủ mê đang giải một bài toán rắc rối, tranh luận
hung hăng, lập luận lộn xộn, vừa logic vừa phi logic. Có những giấc mơ
kỳ lạ như giấc mơ của Mendeleev: nhờ ngủ mê mà khám phá ra Bảng nguyên
tố tuần hoàn.
Mặc dù đến nay người ta chưa biết bản
chất của vô thức là gì – một ẩn số vĩ đại của Tự Nhiên – nhưng sự tồn
tại của vô thức là điều không ai còn tranh cãi. Freud khẳng định sự hiện
hữu của vô thức, phân biệt nó một cách rành mạch với ý thức mà bao lâu
trước đó người ta vẫn còn lẫn lộn. Ông nói: “Tinh thần, bất kể bản chất
nó có thể là cái gì, bản thân nó là vô thức”[2]. Muốn tìm hiểu vô thức,
hãy tìm hiểu các giấc mơ. “Giấc mơ thường sâu nhất khi nó điên rồ nhất”,
Freud nói.
Tuy nhiên vô thức không chỉ hoạt động
trong giấc mơ, mà hoạt động ngay cả khi ta tỉnh thức. Nói một cách bóng
bẩy, nếu coi vô thức là “tư duy trong mơ” thì cuộc đời quả thật là một
giấc mơ, một ảo mộng, một ảo ảnh, một kiếp phù du, một kiếp tạm bợ, …
bởi vì theo Freud, vô thức choán hầu hết tư duy của con người. Vô tình,
tư tưởng về vô thức của Freud đã giải thích thuyết vô minh của Phật giáo
– con người chủ yếu sống theo bản năng nên nói chung là vô minh. Theo
Phật giáo, ý nghĩa của kiếp sống là tu luyện để thoát khỏi vô minh (giác
ngộ).
Một người suốt ngày chỉ biết tất bật
chạy chợ làm ăn là một người tư duy chủ yếu bằng vô thức. Kiếm được
nhiều tiền thì hỉ hả, không kiếm được tiền thì buồn lo, ấy là vô minh.
Tuy nhiên, ngay cả những “bậc chữ nghĩa đầy mình”, bề ngoài ta tưởng họ
tư duy chủ yếu bằng ý thức, nhưng thực ra phần lớn cũng hành động theo
vô thức.
Chẳng hạn, một nhà khoa học tham gia vào
việc sản xuất bom hạt nhân. Ông ta là một người có học, thừa trí tuệ để
giải quyết những bài toán khoa học và kỹ thuật phức tạp, nhưng có thể
hoàn toàn vô thức về ý nghĩa của công việc mình đang làm. Những khái
niệm về đạo đức vốn thuộc về ý thức, nhưng không đủ mạnh để ngăn trở ông
ta tham gia vào một công việc mang tính chất chống nhân loại. Khi ấy,
cái vô thức hướng dẫn ông ta lao vào làm việc say mê. Sự hướng dẫn này
có thể xuất phát từ những bản năng rất thô sơ – bản năng sinh tồn (kiếm
tiền), bản năng bầy đàn (người khác làm thì mình cũng làm), bản năng
phục tùng trong bầy đàn (làm theo sự chỉ huy của cấp trên), hay thậm chí
cao cấp hơn là bản năng thoả mãn trí tò mò (bản thân trí tò mò vẫn chỉ
là bản năng. Nếu nó dẫn tới một hành vi có lợi thì sẽ được gọi là khát
vọng sáng tạo. Ngược lại thì không đáng được gọi như thế).
Hãy suy ngẫm về trường hợp Werner
Heisenberg[3], cha đẻ của Nguyên lý Bất định nổi tiếng trong Cơ học
lượng tử, từng là Giám đốc chương trình chế tạo bom nguyên tử của Đức
quốc xã trong Thế chiến II. Có vẻ như nghịch lý khi gán cho một nhà bác
học xuất chúng như Heisenberg cái “tội” vô thức hoặc vô minh. Nhưng nếu
không kết tội như thế thì chẳng lẽ nói rằng Heisenberg cam tâm phục vụ
Hitler sản xuất bom nguyên tử là một hành động xuất phát từ ý thức hay
sao? Điều đáng tiếc là cho đến nay giới học thuật khoa bảng vẫn né tránh
việc nhắc đến sai lầm của Heisenberg. Có lẽ vì truyền thống trọng vọng
những người tài giỏi uyên bác đã ngăn cản họ phê phán Heisenberg. Nếu
vậy thì bản thân thói sùng bái này cũng là vô thức và vô minh.
Tất nhiên không phải nhà bác học nào
cũng như Heisenberg. Albert Einstein là một tâm hồn nhân bản sâu sắc khi
ông lên tiếng mạnh mẽ chống đối vũ khí hạt nhân. Nhưng có bao nhiêu nhà
khoa học có tinh thần nhân bản mạnh mẽ như Einstein? Có bao nhiêu nhà
khoa học có ý thức rõ ràng về công việc mình đang làm? Nếu tất cả các
nhà khoa học đều có ý thức mạnh mẽ về lương tri thì tại sao thế giới lại
hiện hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ đủ sức xoá sạch 6 lần bản đồ
thế giới? Tại sao có vũ khí sinh học, hoá học? Tại sao có không biết bao
nhiêu phương tiện huỷ diệt khác?
Vào thời của Freud, thế giới thô sơ hơn
hiện nay rất nhiều, nhưng bản chất con người chẳng khác gì hôm nay.
Freud nhìn thấu bản chất ấy và nhận ra hai xu hướng bản năng đối lập mà
ông gọi là Eros và Thanatos[4]:
– Eros là một từ gốc
Hy-Lạp, Ἔρως, được Freud sử dụng để biểu thị cái “libido” hoặc bản năng
sống hướng tới thoả mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn. Ham ăn,
ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi,
… là những thứ ham muốn nằm trong cái Eros nói chung. Những ham muốn
này là tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Đối lập với bản năng
sinh tồn là bản năng Thanatos.
– Thanatos cũng là một
từ gốc Hy-Lạp, Θάνατος, dịch ra tiếng Anh là “death wish”. Freud sử dụng
thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn huỷ hoại” – một trạng thái tâm lý
tiêu cực như muốn đập phá, huỷ hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải
quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống. Biểu lộ thấp nhất của
cái Thanatos là thói tự ái, nóng giận, nổi khùng mà ai cũng có thể có.
Rất nhiều đổ vỡ trong hôn nhân hay trong quan hệ giữa người với người
nói chung xuất phát từ những cơn tự ái bất chấp. Đó là lúc bản năng
Thanatos trỗi dậy, không thể kiểm soát. Sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm
hại lẫn nhau là biểu hiện cao hơn của Thanatos. Thù oán, giận dữ đến mức
giết hại đồng loại là biểu hiện tột cùng của Thanatos.
Cả hai bản năng nói trên không chỉ tồn
tại trong từng cá thể, mà có thể tồn tại ngay cả trong một cộng đồng xã
hội, tạo nên một xu thế sống trong cộng đồng đó. Những vụ tự tử tập thể
là một bằng chứng. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bề ngoài được che đậy
bởi mục tiêu tôn giáo, nhưng thực chất cũng là một biểu hiện của cái
Thanatos lên tới cực điểm. Có thể chỉ ra hàng đống ví dụ khác để thấy
vai trò của Thanatos tác động tiêu cực đến xã hội loài người như thế
nào.
Tất nhiên bản năng vô thức bị kiềm chế
bởi lý trí – ý thức làm cho con người hơn hẳn con vật. Nhưng khả năng
kiềm chế của lý trí lớn đến đâu? Lý trí có thể chiến thắng bản năng Eros và Thanatos hay không?
Đây chính là câu hỏi khó nhất và cũng là quan trọng nhất khi nhận định
về tương lai của nền văn minh. Nếu lý trí thắng, nền văn minh sẽ tiến
lên. Nếu bản năng thắng, nền văn minh sẽ sụp đổ.
Thực tế cho thấy tuỳ theo từng trường
hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, từng cá nhân mỗi con người hoặc từng xã hội,
khả năng và mức độ kiểm soát của lý trí đối với bản năng Eros và
Thanatos là khác nhau.
Những cá nhân như Nguyễn Đức Nghĩa và Lê
Văn Luyện có lẽ thuộc loại thuần tuý bản năng. Trước khi thực hiện hành
vi man rợ, chúng tính toán kế hoạch rất tỉ mỉ. Những kế hoạch này càng
quỷ quái ranh ma bao nhiêu càng chứng tỏ cái bản năng Eros và Thanatos
lớn bấy nhiêu.
Có những xã hội cũng hành động điên rồ
như những cá nhân tội phạm. Chủ nghĩa quốc xã Đức là cái gì nếu không
phải là một tập thể hành động theo cái Eros (tranh giành quyền lợi) và
Thanatos (tiêu diệt người Do Thái, lập nên những trại tập trung, lò
thiêu người, …). Những mồ chôn tập thể của Khơ-Me đỏ những năm 1970 hay
của Gaddafi mới được phát hiện trong Tháng 9/2011 vừa qua là cái gì nếu
không phải là kết quả của một nền chính trị bị chi phối bởi những con
quỷ Eros và Thanatos?
Đôi khi những con quỷ ấy bị nguyền rủa
như một thứ “bản năng dã thú” hay “bản năng súc vật”. Sự nguyền rủa này
có phần oan uổng cho loài vật, vì thú dữ chỉ dữ khi chúng đói hoặc bị
tấn công. Khi chúng được ăn no, chúng trở nên hiền lành đến mức có thể
sai bảo. Đó là bí quyết của các môn xiếc động vật. Nói cách khác, bản năng của động vật là có giới hạn, và giới hạn này do Tự Nhiên quy định, đó chính là luật cân bằng sinh thái.
Chỉ có con người mới phá vỡ luật cân bằng sinh thái,
đơn giản vì cái Eros và Thanatos ở con người không có giới hạn, đúng
như ngạn ngữ Việt Nam đã nói: “Lòng tham không đáy!”. Thật vậy, cái Eros
của con người vượt xa con vật. Đã có 1 tỷ đô-la lại muốn có 10 tỷ, bỏ
ngoài tai lời tâm sự của Warren Buffet[5]: “Khi tôi đã có 1 tỷ, mọi đồng
tiền kiếm thêm đều vô nghĩa”. Trong hơn 6 tỷ người trên trái đất, có
bao nhiêu người thấm thía ý kiến của Honoré de Balzac trong “Tấn trò
đời”: “Đằng sau những tài sản kếch xù đều là máu và nước mắt”? Bao nhiêu
người lắng nghe Lão tử: “Hoạ mạc đại ư bất tri túc; cữu mạc đại ư dục
đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ” (Không cái hoạ nào lớn hơn là
không biết tri túc; không sai lầm nào lớn hơn là tham lam. Cho nên kẻ
biết cái đủ là đủ thì không bị nhục và bao giờ cũng thấy đủ)?[6]
Vì thế không ngạc nhiên khi thấy
Sigmund Freud, ngay từ năm 1930, trong tác phẩm “Civilization and Its
Discontents”[7] (Nền văn minh và sự bất mãn của nó), đã sớm có một cái
nhìn đầy bi quan về mối quan hệ xung đột giữa nền văn minh với chính chủ
thể sáng tạo ra nền văn minh đó: Nền văn minh muốn tiến lên để đem lại
hạnh phúc cho con người, nhưng luôn luôn bị chệch hướng và thậm chí bị
huỷ hoại bởi cái Eros và Thanatos.
Freud đáng được thông cảm, bởi ông đã
chứng kiến cuộc Thế chiến I. Ở một mức nào đó, cảm nhận của ông về tương
lai của nền văn minh nhuốm vẻ tiên tri – chưa bao giờ xã hội loài người
lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng như hiện nay: mất cân bằng
sinh thái; chiến tranh khu vực; khủng bố; suy đồi đạo đức; khủng hoảng
tội ác; đám mây hạt nhân treo lơ lửng trên bầu trời; bất công xã hội lên
đến mức vô đạo (90% của cải vật chất tập trung vào 5% dân số thế giới,
bất chấp ngót 1,5 tỷ người đang sống nghèo đói và bệnh tật); v.v.
Bình luận về vấn đề này, học giả David Peat viết[8]:
“Lý trí, cái vốn được coi là nền tảng
chắc chắn của một xã hội, thực ra chỉ là bề nổi của một đại dương vô
thức mênh mông – một tầng tâm lý nằm sâu bên dưới, ẩn giấu những khát
vọng điên cuồng và những cơn bốc đồng thôi thúc. Sức mạnh của cái vô
thức này thường xuyên đe doạ nổ tung trong cuộc sống tỉnh thức của chúng
ta… Theo Freud, tình trạng căng thẳng này là không thể giải quyết được,
do đó không bao giờ có thể có một xã hội thật sự lý tưởng, cũng như
không bao giờ có một hạnh phúc và sự hài hoà thuần khiết của con người.
Có lẽ đây là lý do căn bản để sự cùng khốn, bất công xã hội, và sự bất
bình đẳng chính trị châm ngòi cho sự bùng nổ bạo lực và những căng thẳng
xã hội.
Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của những
căng thẳng đó chính là cái Thanatos – trạng thái muốn huỷ hoại được
phóng chiếu lên các quốc gia, các nhóm sắc tộc, và các cá nhân. Vì cái
Eros và Thanatos không thể hoà giải được với nhau nên tội lỗi của con
người và sự thiếu vắng của một hạnh phúc trọn vẹn là điều khó tránh. Tất
cả mọi hình thái của nền văn minh, từ nền tảng cốt lõi của chúng, đã là
một sự đối kháng đối với xu thế bản năng và khát vọng căn bản nhất của
chúng ta”.
Đáng tiếc là Freud có một số quan điểm
thái quá khi bàn đến bản năng dục vọng, vì thế số người chống đối ông
không ít (bao gồm cả tác giả bài viết này). Cách nhìn bi quan của ông về
con người và tương lai của nền văn minh cũng khiến một số người kết tội
ông là hạ thấp gía trị của con người, thiên về cái xấu của con người
thay vì đề cao giá trị của ý thức.
Tuy nhiên, sẽ có ý nghĩa tích cực nếu ta
coi ý kiến của Freud như những lời cảnh tỉnh. Chẳng hạn, ông nói: “Cái
tôi không phải là ông chủ trong căn nhà của chính nó” (The ego is not
master in its own house), đại ý ông muốn nói: thay vì làm chủ được chính
mình, con người chỉ là những tên nô lệ của bản năng mà thôi. Nhận định
này có thể đúng với người này, sai với người khác. Nhưng người nào càng
tự phụ cho rằng ý thức của mình mạnh hơn bản năng, người ấy càng có nguy
cơ rơi vào cạm bẫy của bản năng nhiều hơn.
Cảm nhận bi quan của Freud về tương lai
của nền văn minh có thể là sai, và mong rằng nó sẽ sai, nhưng đó là
tiếng chuông cảnh báo để tất cả chúng ta phải tỉnh thức!
Chú thích:
[1] “Xác lập cơ sở cho đạo đức”, Francois Julien, bản dịch tiếng Việt của Hoàng Ngọc Hiến, NXB Đà Nẵng, năm 2000.
[2] Những ý kiến của Freud trích dẫn trong bài này có thể tìm thấy trên trang mạng:
http://www.brainyquote.com/quotes/authors/s/sigmund_freud.html
[3] Xem loạt bài “Chương trình chế tạo bom
nguyên tử của Hitler” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Đời sống từ
27/06/2005 đến 15/07/2005, hoặc trên các trang mạng:
http://vietsciences.free.fr/ và https://viethungpham.wordpress.com/
[4] Eros và Thanatos là hai nhân vật đối
lập trong thần thoại Hy-Lạp: Eros là vị thần của sắc đẹp, tình yêu nhục
dục và sự sinh sản; Thanatos là thần chết.
[5] Đại tỷ phú Mỹ, tuyến bố sẽ hiến tặng
hầu hết tài sản cho từ thiện sau khi ông mất. Ngay bây giờ ông đã hiến
tặng một phần đáng kể tài sản. Ông kêu gọi các tỷ phú khác cũng làm như
ông. Ông đang sống trong một căn nhà bình dân, đi một chiếc xe bình dân
như mọi người bình dân khác.
[6] Đạo Đức Kinh, Lão tử, NXB Văn học, 2001, trang 58.
[7] Xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức dưới
tiêu đề “Das Unbehagen in der Kultur” (Sự bất ổn trong nền văn hoá),
được xem là một trong những công trình quan trọng nhất và được phổ biến
rộng rãi nhất của Freud.
[8] Xem “From Certainty to Uncertainty”, David Peat, Joseph Henry Press, Washington, D.C., 2002
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây
Luận về bản tính thiện, ác (2): HỌC THUYẾT TUÂN TỬ – HÀN PHI
Chúng ta đã biết
Sigmund Freud ví tâm lý con người như một tảng băng, trong đó ý thức
chỉ là phần nổi bên trên, còn phần lớn chìm bên dưới là vô thức. Đáy của
vô thức là những bản năng nguyên sơ, có ngay từ lúc mới sinh, được
Freud gọi là “id”. Chẳng hạn khi bị đói thì bản năng
“id” thúc giục em bé khóc đòi ăn, v.v. Bản năng này là hoàn toàn tự
nhiên, không đạo đức và cũng không vô đạo đức. Sau vài năm tuổi, khi
đứa trẻ bắt đầu biết phân biệt bản thân với môi trường xung quanh, trong
tâm thức của nó sẽ dần dần hình thành nên “cái tôi” (ego) – tâm lý muốn
thoả mãn bản năng “id” bằng cách giành giật những điều kiện tốt nhất
trong môi trường xung quanh về cho mình. Freud nhận xét: “Trẻ em hoàn toàn vị kỷ; chúng có những đòi hỏi mãnh liệt và nằng nặc đòi thoả mãn những đòi hỏi đó”. Cái tôi ấy sẽ phát triển ngày càng sâu sắc hơn và đeo đẳng suốt đời người, ngay cả khi đã hình thành ý thức: “Ở đâu có bản năng id, ở đó cái tôi sẽ có mặt”,
Freud kết luận. Đó chính là bản năng vị kỷ, vụ lợi – nguồn gốc tạo nên
“tính ác” trong con người – mà Tuân tử và Hàn Phi đã từng lên án từ hơn
2200 năm trước. 1* Học thuyết “tính ác” của Tuân tử:
Tuân tử là một nhân vật rất độc đáo trong
các đại hiền của Trung Hoa cổ đại. Độc đáo ở tính cách “hiện đại” – tư
tưởng của ông có những điểm rất giống tư tưởng của con người trong xã
hội hiện đại. Chẳng hạn, trong khi hầu hết các tôn giáo đều khuyên con
người phải chế dục thì ông lại chống đối thuyết quả dục và khử dục. Theo
ông, “tình và dục là tự nhiên ai cũng có, không thể bớt đi hay bỏ
đi mà không hại. Hữu dục mà hợp đạo cũng không hại, khử dục mà trái đạo
cũng vô ích”.
Điều này cho thấy Tuân tử là một người rất thực tế, thậm chí thực dụng.
Tính cách này tạo nên cái độc đáo thứ hai – tính cách độc lập, không nô
lệ vào các bậc tiền bối.
Thật vậy, sinh sau Khổng tử hơn 200 năm,
sau Mạnh tử hơn 50 năm, và mặc dù cũng đi theo tôn chỉ của Nho giáo – đề
cao lễ nghĩa, trung dũng, hiếu nghĩa – nhưng Tuân tử đã mạnh mẽ bác bỏ
học thuyết tính thiện của Khổng-Mạnh, nêu lên học thuyết “Tính ác”, khẳng định bản chất con người là ác.
Sự đối lập trong nhận định về bản tính thiện/ác rất quan trọng, vì nhận định thế nào thì sẽ có một chính sách cai trị thế ấy: học thuyết “Tính ác” của Tuân tử dẫn tới hệ quả trực tiếp là học thuyết pháp trị của Hàn Phi.
“Tuân tử nói có điều gì đó
sai trong quan điểm của Mạnh tử khi cho rằng bản chất con người là
thiện. Ông nghĩ rằng quan điểm này quá lý tưởng và ông không tin vào
điều đó. Bản chất con người, ông nói, không thực sự thiện. Quan điểm của
ông có xu hướng Machiavelli nhiều hơn; ông tin rằng
bản chất con người là xấu, và cần phải kiểm soát nó, và đây chính là chỗ
làm nẩy sinh ra triết học pháp trị – một triết học gây nên nhiều tranh
cãi”. Đó là nhận định của một bài báo trên trang mạng “Chinese Philosophy” (Triết học Trung Hoa).
Nhưng nói Tuân tử có “xu hướng Machiavelli” có nghĩa là thế nào?
“Xu hướng Machiavelli” là một thuật ngữ,
trong tiếng Anh là “Machiavellian” (một tính từ) hoặc “Machiavellianism”
(một danh từ chỉ xu hướng), xuất phát từ tên của Nicolò Machiavelli
(1469-1527) – người được coi là một trong những cha đẻ của chính trị học
hiện đại. Quan điểm của Machiavelli về chính trị có ảnh hưởng sâu rộng
trên khắp Châu Âu từ thế kỷ 16 đến nay, tạo nên một kiểu nhận thức chính
trị được gọi là “xu hướng Machiavelli”.
Xu hướng này lộ rõ trong các tác phẩm của Machiavelli, nổi bật là cuốn “The Prince”
(Ông hoàng), trong đó tác giả thể hiện thái độ chấp nhận, thậm chí cổ
võ cho những nhân vật có quyền lực nhưng vô đạo đức. Từ đó sản sinh ra
thuyết “mục đích biện minh cho phương tiện” (the end justifies the
means) và hình thành nên một cách hiểu khái niệm “chính trị” theo hướng
tiêu cực, như Bách khoa toàn thư Wikipedia đã giải thích:
“Machiavelli
là nhà tư tưởng chính trị độc nhất mà tên tuổi của ông đã được sử dụng
phổ biến để ám chỉ một kiểu chính trị được hướng dẫn thuần tuý bởi việc
sử dụng mọi thủ đoạn để đạt tới mục đích, bất chấp phương tiện là tốt
hay xấu”.
“Đôi khi công trình của ông cũng
bị coi là đã góp phần vào việc tạo ra hàm ý tiêu cực hiện nay trong các
từ ngữ “chính trị” và “nhà chính trị”, và đôi khi người ta cho rằng
chính vì ông mà cái tính từ Machiavellian trở thành một thuật ngữ có hàm
ý xấu để mô tả những người chủ trương lừa dối và lôi kéo người khác để
giành giật lợi ích cho cá nhân mình”.
Từ đó, khái niệm “xu hướng Machiavelli”
lan rộng ra phạm vi nghiên cứu xã hội học và tâm lý học. Thậm chí trong
những năm 1960, Richard Christie và Florence Geis còn tiến hành một thí
nghiệm mang tên Mach-IV để đo “xu hướng Machiavelli”, nhằm đánh giá mức
độ tiêu cực trong tâm lý của mỗi người. Thí nghiệm này đưa ra 20 câu hỏi
trắc nghiệm.
Chẳng hạn:
– Đừng nói với ai lý do thực sự để bạn
làm một việc nào đó, trừ khi việc nói rõ lý do là có lợi, bạn có đồng ý
như thế không? (câu hỏi 1).
– Phải chăng hầu hết mọi người đều có bản chất tốt và tử tế? (4).
– Không thể tha thứ cho việc nói dối, bạn có đồng ý không? (7).
– Phải chăng phần lớn những người thành đạt trên thế giới đều có cuộc sống trong sạch và đạo đức? (11).
Tuỳ theo câu trả lời “yes” hay “no”, giám
khảo sẽ cho điểm. Tổng số điểm được gọi là “chỉ số Mach” – chỉ số thể
hiện tâm lý và thái độ của mỗi người đối với bản chất con người và xã
hội. Chỉ số Mach cao có nghĩa là xu hướng Machiavelli cao, tâm lý thất
vọng và thái độ tiêu cực cao. Chỉ số Mach thấp, xu hướng Machiavelli
thấp, tương ứng với thái độ chấp nhận các tiêu chuẩn đạo đức và quy phạm
xã hội đã được thừa nhận rộng rãi.
Đến đây đã có thể hiểu vì sao học thuyết
Tuân tử “bị” coi là “có xu hướng Machiavelli nhiều hơn”, đơn giản vì học
thuyết này thiên về bản chất tiêu cực của con người nhiều hơn. Thật
vậy, Tuân tử nói: “Nay cái tính của người ta sinh ra là có hiếu lợi.
Thuận cái tính ấy thì thành ra sự tranh đoạt, mà sự từ nhượng không có
vậy; sinh ra là có đố kị, thuận cái tính ấy thì thành ra tàn tặc, mà
lòng trung tín không có vậy; sinh ra là có lòng muốn của tai mắt, có cái
thích về thanh sắc, thuận cái tính của người ta, ắt là sinh ra sự tranh
đoạt, hợp với việc phạm phận, loạn ly mà thành ra tàn bạo. Lấy thế mà
xem thì cái tính của người ta ác là rõ lắm, mà cái thiện của tính là
người ta gây ra (tạo ra) vậy”.
Tuy nhiên so với Freud, cái nhìn của Tuân tử có phần tích cực hơn:
Trong khi Freud bi quan đến mức cho rằng con người chủ yếu là nô lệ của bản năng và do đó “rất vô đạo đức hơn ta tưởng” thì Tuân tử vẫn tin vào khả năng cải tạo con người. Ông nói: “Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã”
(Bản tính của người là ác, những điều thiện là do con người đặt ra), có
nghĩa là tuy con người có bản chất xấu, nhưng bản chất đó có thể cải
tạo được nhờ cái thiện do con người tạo ra – cái thiện ấy là sản phẩm
của giáo dục, lễ nghĩa, hình pháp, mà Tuân tử đặc biệt coi trọng.
Vậy, khi nói Tuân tử “có xu hướng
Machiavelli nhiều hơn” thì điều đó chỉ có nghĩa là học thuyết của ông
thiên về việc tố cáo tính ác nhiều hơn, thay vì hiểu lầm rằng bản thân
ông chấp nhận tính ác đó.
Tuy nhiên, vì học thuyết của ông xuất
phát từ “tính ác”, nên hệ quả tất yếu của nó là tư tưởng coi trọng hình
pháp. Tư tưởng này đã được một học trò xuất sắc của ông là Hàn Phi phát
triển lên thành một học thuyết, được gọi là “học thuyết pháp trị”
(Legalism), một học thuyết đến nay vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi, kẻ
khen, người chê đều không thiếu. Nhưng dù khen hay chê cũng đều phải
thừa nhận rằng, nếu có một học thuyết Đông phương cổ đại có xu hướng
Machiavelli rõ rệt thì đó chính là học thuyết pháp trị của Hàn Phi.
2* Học thuyết pháp trị của Hàn Phi:
Cuối đời chiến quốc (thế kỷ 3 trước CN),
Trung Hoa rơi vào loạn lạc, chiến tranh liên miên, lòng người phân tán,
ai nấy chỉ còn biết lo cho bản thân mình. Lý thuyết Khổng-Mạnh lúc này
trở thành quá lý tưởng, xa rời thực tế, không thể giúp các nhà chính trị
ứng phó với thời cuộc để ổn định quốc gia và xã hội. Bối cảnh ấy thúc
đẩy sự ra đời của học thuyết “Tính ác” của Tuân tử và hệ quả tất yếu của
nó là học thuyết pháp trị của Hàn Phi.
Toàn bộ tư tưởng của Hàn Phi được gói
trong bộ “Hàn Phi tử”, gồm 55 thiên, nội dung xoay quanh câu hỏi chủ yếu
là “làm thế nào để xây dựng một nhà nước vững mạnh có trật tự?” và câu
trả lời chủ yếu là “pháp trị” – dùng luật pháp để cai trị. Hệ thống luật
pháp phải công khai, chặt chẽ, quy củ, thưởng phạt đâu ra đấy, đủ
nghiêm khắc để người cai trị không cần bận tâm nhiều đến lễ nghĩa, giáo
dục, mà vẫn đảm bảo xã hội yên ổn trật tự. Đó là dấu hiệu rõ rệt của “xu
hướng Machiavelli”.
Tiếp thu và thấm nhuần học thuyết “Tính
ác” từ sư phụ của mình, Hàn Phi có nhiều dịp kiểm nghiệm học thuyết ấy
thông qua những điều mắt thấy tai nghe trong cái xã hội tranh giành, vụ
lợi, tha hoá đạo đức cuối thời chiến quốc. “Cả kinh nghiệm sống lẫn
nền giáo dục mà ông được thụ hưởng cùng đóng góp vào việc định hình tư
tưởng của bộ Hàn Phi tử – tư tưởng về một nền luật pháp được xây dựng
trên cơ sở nhận thức bản chất con người là vô luân và vụ lợi”.
Nếu bức tranh của Tuân tử về con người
chứa đầy những mảng xám thì thực tiễn đen tối thời cuối chiến quốc làm
cho bức tranh của Hàn Phi trở thành một mầu đen tuyệt đối. Hãy xem những
bức tranh ông vẽ sau đây:
“Bất chấp quan hệ máu mủ ruột thịt,
có những cha mẹ đẻ ra con trai thì ăn mừng trong khi đẻ ra con gái thì
đem giết bỏ. Cả hai hành động đều xuất phát từ cùng một cha mẹ, nhưng
đối xử phân biệt hết sức tàn nhẫn, chỉ vì cân nhắc và tính toán mối lợi
của gia đình trong tương lai lâu dài”
“Một đứa con bị cha mẹ đối xử không
tốt, nó sẽ lớn lên với nỗi oán hận cha mẹ. Lúc trưởng thành, nó không
phụng dưỡng cha mẹ cho tử tế, cha mẹ lại oán giận nó. Do đó, quan hệ
giữa cha mẹ với con cái, vốn là quan hệ thân thiết nhất trong tất cả các
quan hệ, vẫn gây ra những oán thoán thù hận, tất cả đều do lợi ích của
mỗi người không được đáp ứng như người đó mong muốn”
“Thợ xe ngựa làm ra xe ngựa, nên mong
có nhiều người giầu; thợ áo quan làm ra áo quan, nên mong có nhiều
người chết. Không phải thợ xe ngựa có lòng tốt, ấy chỉ vì được lợi khi
có nhiều người giầu; cũng chẳng phải thợ áo quan ghét bỏ mọi người, ấy
chỉ vì được lợi khi có nhiều người chết. Tất cả đều do vụ lợi mà ra”.
“Thầy thuốc rút máu độc ra khỏi vết
thương của bệnh nhân, không phải vì ông ấy là cha đẻ của bệnh nhân, mà
chỉ vì nhận được lệ phí do bệnh nhân chi trả”.
Những mô tả “đầy máu lạnh” nói
trên giúp các nhà sử học hiểu được rất nhiều sự thật ở Trung Hoa thời
chiến quốc. Hiện thực phũ phàng ấy làm cho Hàn Phi hoàn toàn mất niềm
tin vào khả năng giáo hoá con người bằng lễ nghĩa, đạo lý, và do đó hối
thúc ông đi tới chỗ cho rằng chỉ có thể cai trị con người bằng sức mạnh
trừng trị của pháp luật. Ông nói: “Chỉ có vài người có thể bị ảnh hưởng bởi những học thuyết chính trực, (trong khi) mọi người đều phục tùng sức mạnh”.
Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia, trong học thuyết của mình, Hàn Phi không chú trọng đến đạo đức, vì theo ông, “đạo đức là một công cụ lỏng lẻo và không hiệu quả để giáo dục một dân số khổng lồ”. Ông tán thành lý thuyết của thầy ông về “tính vô đạo bẩm sinh” của con người. Nhưng thay vì đề xuất một chương trình giáo dục hướng tới đạo đức (như thầy ông chủ trương), “ông
lại đi theo xu hướng thực dụng, đề nghị một chương trình lèo lái con
người bằng chính cái bản chất vụ lợi của họ, để họ chủ động tham gia vào
cuộc chạy đua hoặc chiến tranh nếu cần thiết, miễn là cải thiện được xã
hội và phát triển nhà nước”.
Hàn Phi hoàn toàn xứng đáng để cùng với
Machiavelli được coi là những cha đẻ của chính trị học hiện đại. Nếu
Machiavelli vừa được khen vừa bị chê thì dư luận đối với Hàn Phi tất
nhiên cũng như vậy.
Khen vì Hàn Phi là người đầu tiên nêu cao
tư tưởng pháp trị: “nước phải có phép, xã hội phải có lề luật”, đó là
cái mà xã hội hiện đại gọi là “xây dựng nhà nước pháp quyền”. Trong tinh
thần pháp trị ấy, Hàn Phi có những luận điểm rất “hiện đại”, đặc biệt
là tư tưởng công bằng. Ông nói:
“Pháp luật không hùa theo người sang …”.
Nói cách khác: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Đó là tuyên ngôn đầu tiên của hầu hết mọi bản hiến pháp hiện đại!
Tất nhiên, trong thời đại của Hàn Phi,
luật pháp vẫn là ý chí của vua, có nghĩa là vẫn có “một người sang” đứng
trên pháp luật. Đó là hạn chế của thời đại mà chúng ta không thể đòi
hỏi nhiều hơn ở Hàn Phi được.
Vậy làm thế nào để có một bộ luật đứng trên mọi cá nhân?
Câu trả lời: Đó là thể chế cộng hoà và
dân chủ mà Cách mạng tư sản Pháp 1789 được xem như đã có công khai sáng.
Vậy là phải đợi hơn 2000 năm sau, tư tưởng công bằng của Hàn Phi mới
trở thành hiện thực!
Để đảm bảo tính công bằng pháp trị đó, Hàn Phi đòi hỏi tính công khai minh bạch: “Pháp
là phép tắc hiệu lệnh rõ ra ở chỗ công, hình phạt là để cho lòng dân
quyết chắc mà theo. Ai giữ phép cẩn thận thì thưởng, trái lệnh thì phạt”. “Pháp là biên rõ ra ở trong sách vở, bày ra ở chỗ công và tuyên bố ra chỗ trăm họ”.
Vào thế kỷ 3 trước công nguyên mà đã có
những tư tưởng văn minh như vậy thì quả là ông đã đi trước thời đại quá
xa. Tinh thần văn minh ấy còn biểu lộ rất rõ ở đòi hỏi của ông về tính
trong sạch của bộ máy thực thi luật pháp: “Hàn Phi ghét những người
trị nước không trau dồi làm cho pháp chế sáng rõ, mà muốn dùng cái thế
của mình để chế ngự bầy tôi, không lo việc làm cho nước giầu, binh mạnh
bằng cách tìm người xứng đáng, dùng người hiền, trái lại dùng những bọn
tham nhũng, dâm loạn, sâu mọt, đặt chúng ở địa vị cao hơn những người có
công lao và có thực tài”.
Ông viết “Cô phẫn” (sự phẫn nộ của người cô độc) để bầy tỏ sự “thương xót đối với những người thanh liêm chính trực không được bọn gian tà dung tha”. Ông lên án “bọn nhà Nho dùng lời văn làm rối loạn luật pháp; bọn du hiệp dùng võ lực phạm đến điều ngăn cấm”.
Qua đó có thể thấy tính cách nổi bật của Hàn Phi là cương trực, ngay
thẳng, khát khao trông thấy một xã hội ngay ngắn, thượng tôn pháp luật,
trong đó bất kể già trẻ trai gái, sang hèn cao thấp, ai ai cũng có tinh thần luật pháp.
Sau Hàn Phi 20 thế kỷ, Charles de Secondat Montesquieu cho ra đời tác phẩm trứ danh: “Tinh thần luật pháp”
(L’Esprit des Loix), được coi như một ngọn đuốc khai sáng làm thức tỉnh
nhân loại về sự cần thiết của một xã hội pháp quyền, và dạy cho chúng
ta hiểu rằng:
Montesquieu lên tiếng tha thiết: “Không
có quốc gia nào mạnh bằng một quốc gia tuân thủ luật pháp của nó không
phải vì sự sợ hãi hoặc lý lẽ, mà vì một tình cảm mạnh mẽ”. Tình cảm mạnh mẽ ở đây là gì, nếu không phải là một tinh thần luật pháp mạnh mẽ nằm trong trái tim của mọi người?
Cách mạng tư sản Pháp 1789 đã thừa hưởng
tư tưởng đó để thiết lập nên thể chế cộng hoà, trong đó pháp luật trở
thành công cụ điều chỉnh mọi hành vi của xã hội. Từ đó “tinh thần luật
pháp” lan rộng ra khắp thế giới và trở thành một trong những chuẩn mực
văn minh của xã hội hiện đại.
Nhưng nếu Montesquieu được suy tôn và
biết ơn thì Hàn Phi lại không gặp thời: Ông đã dâng lên vua Hàn kế sách
pháp trị, nhưng không được dùng. Chẳng bao lâu sau, nước Hàn bị nước Tần
thôn tính.
Trớ trêu thay, Tần Thuỷ hoàng rất ngưỡng
mộ Hàn Phi, nhưng lại nghe dèm của Lý Tư mà giết Hàn Phi. Đó là bi kịch
thứ nhất. Bi kịch này không liên quan đến học thuyết của Hàn Phi. Nó chỉ
nói lên rằng Tần Thuỷ hoàng, mặc dù thông minh đến mức phải thốt lên
rằng “Than ôi, Quả nhân mà được chơi bời với con người này thì có chết cũng không ăn năn”,
nhưng lại không đủ thông minh để thực lòng trọng kẻ sĩ, kính người tài.
Đó là nguồn gốc dẫn tới bi kịch thứ hai: Tần Thuỷ hoàng áp dụng chính
sách pháp trị của Hàn Phi đến mức khốc liệt, đốt sách chôn nho, gây nên
oán hận muôn đời.
Một số học giả cho rằng Hàn Phi cũng phải chịu một phần trách nhiệm của bi kịch đó, bởi “cái
học của Hàn Phi là chủ ở cái chính sách chuyên chế độc tôn, lấy pháp
luật mà trị nhân chúng, chứ không cần đến nhân nghĩa và tài trí”. Quả thật, Hàn Phi từng nói: “Bỏ đạo thường, chuộng kẻ hiền, thì loạn; bỏ phép, dùng kẻ trí, thì nguy. Cho nên nói: chuộng phép mà không chuộng hiền”. Nếu coi đây là chỗ đáng chê của Hàn Phi thì xét cho cùng, đó là cái lỗi thái quá, chưa đạt đến Trung Dung.
Phàm cái gì thái quá đều hỏng.
Trung dung là chiếc kim thăng bằng của cán cân vũ trụ. Sự thái quá của
học thuyết pháp trị của Hàn Phi là ở chỗ chỉ nhìn thấy tính ác của con
người mà không thừa nhận tính thiện, cho dù tính ác cũng là điều không
thể phủ nhận được.
CK, Ngày 01 tháng 11 năm 2011
Nhận xét
Đăng nhận xét