CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 51

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Chiến dịch giải cứu con tin táo bạo của đặc nhiệm Israel

Chiến dịch Entebbe

 



IMG_2894
Đăng ngày Thứ tư, 28 Tháng 12 2016 09:39
*
Khi cho phép khủng bố giam con tin trên đất nước mình, Tổng thống Uganda hẳn không ngờ quân đội Israel lại có thể thực hiện được chiến dịch táo bạo và kinh điển đến như vậy.
Sáng sớm ngày 4/7/1976, gần 200 lính đặc nhiệm của Israel bất ngờ tập kích vào sân bay Entebbe (Uganda), vô hiệu hóa không tặc, giải cứu toàn bộ con tin.
Chiến dịch này đã thực hiện thành công một kế hoạch mạo hiểm, gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế.
*     *
*
Lúc hơn 8 giờ ngày 27/6/1976, chiếc Airbus chuyến bay số 139 của hãng hàng không Pháp chở 245 hành khách cất cánh từ sân bay Almza (Hy Lạp) bị hai tên không tặc, 1 nam 1 nữ đe dọa bay về hướng Nam Phi, máy bay hạ cánh tiếp dầu tại sân bay Benghazi (Lybia). Sau đó nó tiếp tục cất cánh, và địa điểm phía trước của chiếc Airbus là: Sân bay Entebbe, Uganda.
Trong lúc đó, ở dinh thủ tướng Israel, thủ tướng Yitzhak Rabin vừa bước vào văn phòng, Bộ trưởng Bộ Vận tải Jacobi đưa tận tay Thủ tướng Rabin một bức điện khẩn.
Bức điện viết: “Lúc 8 giờ 50 phút sáng hôm nay, một chiếc Airbus của hãng hàng không Pháp chuyến bay số 139 bị bắt cóc khi bay từ sân bay Almaza (Hy Lạp) đến Paris, hiện chưa có thông tin cụ thể”.
3 giờ ngày 28/6/1976, chiếc máy bay chuyến 139 hạ cánh trong màn đêm xuống sân bay Entebbe tại thủ đô Kampala của Uganda, miền Trung Châu Phi.
Vào lúc hơn 7 giờ sang cùng ngày, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Israel Simon Peres vừa từ sân bay quay về văn phòng nhận được tin tình báo chiếc máy bay bị bắt cóc đã hạ cánh xuống sân bay Entebbe tại Kampala của Uganda.
Trong văn phòng rực sáng ánh đèn của bộ quốc phòng, bản đồ và các tấm ảnh chụp được trải rộng trước mặt tổng tham mưa trưởng Gor và các phụ tá, họ đang nghiên cứu kế hoạch sử dụng lính đặc nhiệm tấn công giải cứu con tin.
Hàng loạt vấn đề hóc búa cần tìm lời giải, đường bay ngắn nhất cũng là 3.652km, nếu không có điểm đỗ máy bay chiến đấu không thể quay về, đường bay của máy bay phải qua đều là những nước thù địch, nhóm khủng bố lại được chính quyền sở tại hậu thuẫn,…
Trong quá trình này, các kênh thông tin của Israel được phát huy tối đa, gồm kênh ngoại giao lẫn tình báo. Qua các kênh này, người Israel biết rằng sẽ không thể nào đàm phán với lực lượng khủng bố thả con tin, vì lập trường của họ là không nhân nhượng và những tên khủng bố cũng vậy. Dù vậy, Israel quyết định đàm phán để kéo dài thời gian, chuẩn bị cho một cuộc giải cứu có 1 không 2.
Các sĩ quan Israel tính toán, nếu sử dụng lực lượng không quân, các máy bay chiến đấu bắt buộc phải vòng tránh các nước Arab và các nước châu Phi, tránh tầm kiểm soát của hệ thống radar cảnh giới của Somali do Liên Xô chế tạo.
Ngoài ra còn cần tính đến cự ly bay của máy bay chiến đấu, bắt buộc phải có căn cứ tiếp dầu. Phương án dự phòng là sử dụng trực thăng đổ bộ ban đêm hoặc cho lính dù đổ bộ đường không, nhưng phương án này bị loại trừ do tốc độ tác chiến chậm, thiếu tính bất ngờ.
Cuối cùng giải pháp sử dụng máy bay vận tải C-130 bất ngờ hạ cánh tập kích đã được chọn.
Để nâng cao khả năng thành công của chiến dịch, sau khi thu thập đầy đủ các thông tin về sân bay Entebbe như tình trạng đường băng, radar cảnh giới, pháo phòng không, lực lượng bố phòng của quân Uganda tại sân bay, sơ đồ nơi giam giữ con tin…, đặc nhiệm Israel đã tiến hành diễn tập đổ bộ.
Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, dự kiến thời gian tập kích kéo dài trong 55 phút, dự kiến trong tình huống xấu nhất số người thương vong, gồm cả con tin và lính đặc nhiệm khoảng 30-35 người.
Thời gian tiến hành tập kích cần chọn đúng thời điểm không có máy bay chở khách nào cất hạ cánh tại Entebbe.
Thông tin cho biết từ 12 giờ ngày thứ bảy đến 2h30 ngày hôm sau sẽ không có máy bay hạ cánh, và quyết định được đưa ra là lực lượng tham chiến sẽ rút khỏi sân bay trước 2h30.
Tổng chỉ huy là tư lệnh không quân Pered đi trên chiếc Boeing-707 bay đến khu vực hồ Victoria gần ngoại ô thủ đô Kampala, từ vị trí này ông điều hành toàn bộ chiến dịch.
Chuẩn tướng Danfi Melon đi trên chiếc C-130 số 1, chỉ huy lực lượng tập kích, trung tá Jonathan Nentayahu (anh trai thủ tướng Israel Benjamin Nentayahu) chỉ huy giải cứu con tin.
Bốn chiếc C-130 đã nằm chờ lệnh trên đường băng. Các khí tài trang bị như xe jeep gắn súng máy, xe thiết giáp, tên lửa chống tăng……Tất cả đều được đưa lên máy bay.
Tấm bản đồ sân bay Entebbe được trải rộng trước mắt các thành viên lực lượng đặc nhiệm, trung tá J. Nentayahu lấy tòa nhà của phòng đợi cũ của sân bay làm trung tâm trình bày kĩ về tình trạng sân bay.
Tiếp đó lực lượng đặc nhiệm được cung cấp các bức ảnh chụp bọn khủng bố. Ông Nentayahu nhấn mạnh: “Thành công hay không sẽ được quyết định trong vài giây, phải cố gắng hết sức, khi tiếp cận vị trí con tin bị giam giữ, tiêu diệt bọn khủng bố, không để chúng có cơ hội bắn lại dù chỉ một phát súng”.
Ông không biết rằng, trận đánh này sẽ là trận đánh vinh quang nhất cuộc đời ông, và cũng là trận đánh cuối cùng của người anh trai thủ tướng Israel sau này.
Tổng cộng 4 chiếc C-130 tham chiến, 1 chiếc C-130 dự bị, 1 chiếc C-130 làm nhiệm vụ chuyển tiếp liên lạc giữa lực lượng tập kích và Tel Aviv, 1 máy bay tiếp dầu, 8 chiến đấu cơ F-4E bảo vệ, 2 chiếc Boeing-707 chỉ huy và cứu thương. Và các nhân vật chính, 280 lính đặc nhiệm chủ yếu lấy từ lữ đoàn Golan.
Lúc 3h30 phút chiều ngày 3 tháng 7 năm 1976, những chiếc máy bay C-130 này đã cất cánh, nhằm thẳng hướng thủ đô Kampala, Uganda.
Lúc 15h10 ngày 3/7/1976, trước thời gian nội các Israel biểu quyết khoảng 20 phút lực lượng tập kích đã xuất phát trên đường bay sang Uganda. Họ nhận được mệnh lệnh là nếu các thành viên nội các không nhất trí với kế hoạch sử dụng vũ lực thì tất cả sẽ quay về.
Cuộc họp nội các kết thúc với mệnh lệnh “xuất kích” đã được ban ra, lúc này thì những chiếc C-130 đã vượt qua phía Nam bán đảo Sinai.
Cả 4 chiếc C-130 đều mang biểu tượng của máy bay dân dụng, bay theo đường bay dành cho máy bay dân dụng. Ra khỏi không phận Israel bay sang vùng trời biển Đỏ, biên đội hạ thấp độ cao, để tránh bị các tàu trinh sát Arab phát hiện, biên đội khi thì bay sát mặt biển, khi thì bay thẳng vào các dòng khí lưu.
Chiếc Boeing-707 số 1, trên đó có Tư lệnh không quân Pered, đã được tiếp dầu và cất cánh từ Nairobi (Kenya) và đã có mặt trên vùng trời hồ Victoria phía Nam của Entebbe. Chiếc máy bay này sử dụng radar bám sát di chuyển của lực lượng tập kích, duy trì liên lạc với Bộ Tổng tham mưu tại Tel Aviv.
Sau 7 giờ bay liên tục, lực lượng tập kích theo đúng kế hoạch lúc 22h40 đã đến vùng trời trên hồ Victoria, trước mặt họ là sân bay Entebbe. Chỉ một lát sau, 4 chiếc máy bay chia làm 2 nhóm bắt đầu hạ cánh, chiếc số 1 và số 2 hạ cánh xuống đường băng cũ, chiếc số 3 và 4 hạ cánh xuống đường băng mới.
Máy bay cố gắng giảm bớt tiếng ồn của động cơ và bắt đầu lướt trên đường băng. Sau chiếc máy bay số 1, chiếc số 2 cũng tiếp đất sau đó nó dừng lại ở vị tri sẵn sàng cất cánh. Chiếc số 1 dừng lại trước bãi đỗ đối diện phòng chờ cũ của sân bay. Sân bay vẫn lặng như tờ, lính gác vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra.
Cầu thang đuôi máy bay được hạ xuống, một chiếc Mercedes màu đen lăn bánh ra khỏi máy bay. Chiếc Mercedes này được sử dụng để làm binh lính Uganda tưởng đây là chiếc xe của Tổng thống Uganda cùng đoàn tùy tùng. Nhưng họ đã lầm, tổng thống Amin đã đổi chiếc Mercedes màu trắng mới thay cho chiếc màu đen, còn những binh sĩ Uganda thì tinh ý hơn, lính cảnh vệ Uganda ra hiệu cho chiếc xe dừng lại, sự mẫn cán này đã hại họ, một loạt đạn giảm thanh đã giết chết tại chỗ 1 lính Uganda, người lính còn lại kịp phát hiện ra sự việc thì loạt đạn súng trường của Israel đã hạ gục anh ta. Những loạt đạn này cũng đã báo động cả sân bay, trận chiến bắt đầu.
Đặc nhiệm Israel phát lệnh tấn công, đài chỉ huy sân bay cũng phát hiện những kẻ lạ mặt, liền tắt điện sân bay, cả sân bay chìm trong bóng tối.
Chiếc C-130 cuối cùng thực hiện đúng yêu cầu khi tập luyện, trong bóng tối đã hạ cánh xuống đường băng mới. Tên khủng bố người Đức đứng canh ngoài phòng chờ cũ của sân bay, chưa kịp định thần thì lính đặc nhiệm đã ập vào, hắn định nâng súng lên thì nhận một loạt đạn gục xuống.
Lính đặc nhiệm vừa hét to bằng tiếng Hebrew và tiếng Anh : “Nằm xuống! Nằm xuống! Chúng tôi là Quân đội Israel” vừa xông vào tòa nhà sân bay. Trong phòng lớn 2 tên khủng bố bắn trả điên cuồng nhưng rồi cũng bị hạ gục bởi cơn mưa đạn của lính Israel.
Đáng tiếc, 1 phụ nữ 56 tuổi người Israel và 1 thanh niên 19 tuổi thiệt mạng vì đạn lạc. Trận đọ súng trong phòng lớn sân bay diễn ra vỏn vẹn 1 phút 54 giây. Trung tá Nentayahu và binh sĩ leo lên tầng 2 tiêu diệt thêm 2 tên khủng bố nữa, ngoài ra 1 tên trốn ở phía Bắc phòng lớn cũng bị phát hiện và bắn hạ. Như vậy số tên khủng bố bị tiêu diệt là 7 tên trong 10 tên dự đoán. Có nguồn tin nói rằng 3 tên còn lại đã trốn thoát hoặc bị bắt về Israel.
Lúc này, binh sĩ Uganda bảo vệ sân bay cũng bắt đầu phản kích, lính Israel sử dụng tên lửa chống tăng và súng máy hạng nặng bắn trả, đội đặc nhiệm trang bị xe thiết giáp và xe gắn súng cối, chặn tại cửa sân bay đánh chặn lực lượng Uganda từ Kampala kéo tới, trung tá Nentayahu bị trúng đạn hy sinh.
Một đơn vị đặc nhiệm khác, trong lúc đó đã đặt thuốc nổ phá hủy đài radar và các máy bay chiến đấu Mig-21 đề phòng Không quân Uganda truy kích.
Sau khi trận chiến bắt đầu được 53 phút, chiếc máy bay số 2 chở con tin bắt đầu cất cánh, sau đó là các chiếc số 3, số 4. Chiếc máy bay số 1 cất cánh sau cùng. Tất cả diễn biến được thực hiện gần như đúng kế hoạch, con tin được giải thoát trong vòng 53 phút, sớm hơn 2 phút so với dự định.
Cả 4 chiếc C-130 đều còn nguyên vẹn trở về, trong số 10 con tin có 3 người chết, 1 người mất tích, lực lượng giải cứu chỉ có 1 người hy sinh, chính là trung tá Jonathan Nentayahu.
Chiếc dịch giải cứu con tin tại sân bay Entebbe đã kết thúc thành công, lính đặc nhiệm Israel, theo như lời khen ngợi của chính Tổng thống Uganda, quả thật là những chiến binh ưu tú trong một cuộc tấn công hoàn hảo.
Chính phủ Israel để tưởng nhớ chiến công của trung tá Nentayahu, đã đặt tên cho chiến dịch này là “Chiến dịch Jonathan”.

Những chiến dịch giải cứu con tin nổi tiếng thế giới

Những chiến dịch giải cứu con tin nổi tiếng thế giới
 

Khôn khéo và dứt khoát là những bí quyết dẫn tới thành công của những vụ giải cứu con tin hiểm hóc nổi tiếng trên thế giới.

Israel giải cứu 103 con tin bị không tặc bắt cóc
Nhà kho ở Uganda nơi những kẻ bắt cóc giam giữ con tin.
Ngày 27/6/1976, chuyến bay 139 của hãng hàng không Air France, một chiếc Airbus A300, cất cánh từ Tel Aviv, Israel hướng tới Paris. Nhưng ngay sau lúc cất cánh, chiếc máy bay đã bị không tặc là hai người Palestine thuộc Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine và hai người Đức thuộc Các chi bộ Cách mạng Wilfried Böse và Brigitte Kuhlmann khống chế.
Những kẻ không tặc yêu cầu máy bay chuyển hướng tới Benghazi, Libya và ở đó trong 7 giờ để nạp nhiên liệu. Một phụ nữ đã được trả tự do tại đây khi cô có dấu hiệu sắp bị sẩy thai. 15h15 cùng ngày, Airbus A300 bị buộc cất cánh lần nữa hướng tới sân bay Entebbe ở Uganda.

Tại Entebbe, bốn kẻ không tặc được tăng cường thêm ít nhất bốn tên khác, với sự hỗ trợ của các lực lượng ủng hộ người Palestine của Tổng thống Uganda, Idi Amin. Chúng yêu cầu một cuộc thương lượng ngoài sức tưởng tượng là trao trả tự do cho 40 người Palestine đang bị giam giữ tại Israel và 13 người khác đang bị bỏ tù tại Kenya, Pháp, Thuỵ Sĩ và Tây Đức. Chúng đe doạ nếu các yêu cầu này không được thoả mãn, chúng sẽ bắt đầu giết hại con tin vào ngày 1/7/1976.
Việc giải cứu con tin bị đặt vào tình huống vô cùng khó khăn khi các quốc gia châu Phi trên đường từ Israel tới Uganda thì Israel đều không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ phía Chính phủ của họ. Khó khăn thứ hai là nhóm khủng bố có tai mắt ở tất cả các sân bay trên tuyến đường trên.

Vào hạn chót mùng 1/7, Chính phủ Israel một mặt đề xuất đàm phán với những kẻ không tặc kéo dài thời hạn tới ngày 4/7, mặt khác cho triển khai một chiến dịch giải cứu bí mật mang tên Chiến dịch Entebbe (còn được gọi là Chiến dịch Yonatan).

Sau nhiều ngày thu thập thông tin tình báo và lên kế hoạch, một đội bay chở lính đặc nhiệm đã được huy động gồm 4 chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules của Không quân Israel bí mật bay tới sân bay Entebbe mà không có sự trợ giúp của không lưu mặt đất sân bay này và vượt qua cả radar theo dõi của Ai Cập, Sudan, Ả Rập Saudi với 35 lính đặc nhiệm và một đội hỗ trợ mặt đất xấp xỉ 100 người. Chiến dịch nằm dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Yekutiel Adam, trên chiếc Boeing bay trên sân bay Entebbe trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.
Toàn bộ chiến dịch chỉ diễn ra trong vòng 53 phút trong đó thời gian tấn công chỉ kéo dài 30 phút. Khi tiến vào khu vực giam giữ con tin, một người lính đặc nhiệm Israel hét lên bằng tiếng Do Thái “Nằm xuống! Nằm xuống! Chúng tôi là lính Israel”. Theo hiệu lệnh, tất cả các con tin đều nằm xuống đất, trong khi những kẻ khủng bố vẫn đứng im và trở thành mục tiêu của những người giải cứu. Toàn bộ cuộc đọ súng chỉ diễn ra trong 45 giây.

Kết quả của hành động tấn công táo bạo trên đã tiêu diệt  toàn bộ không tặc và chỉ có 3 trong số 105 con tin thiệt mạng, 1 lính Israel thiệt mạng cùng khoảng 5 người khác bị thương.

Tuy nhiên có thông tin cho hay, Idi Amin, lãnh đạo Uganda ở thời điểm đó đã bị bẽ mặt bởi cuộc đột kích bất ngờ. Ông tin rằng Kenya đã hợp tác với Israel trong việc lập kế hoạch đột kích và hàng trăm người Kenya sống tại Uganda đã bị thảm sát ngay sau đó.

Lính đặc nhiệm Pháp giải cứu con tin trong 10 phút
Ngày 24/12/1994, một chiếc máy bay của hãng Air France tại sân bay Houari Boumedienne của Algieria bị một nhóm khủng bố vũ trang đột ngột tấn công và bắt 265 hành khách cùng 12 thành viên phi hành đoàn làm con tin.

Những kẻ khủng bố là những người Hồi giáo cực đoan gồm 4 thanh niên trẻ tuổi thực hiện vụ bắt cóc nhằm yêu cầu trả tự do cho hai nhà lãnh đạo của họ đang ở trong tù.   

Tới ngày 26/12, chiếc máy bay bị bắt cóc đã được hướng dẫn tới sân bay ở Marseille, Pháp. Những kẻ bắt cóc từ chối trao trả các con tin trừ phi yêu cầu của chúng được đáp ứng khiến cảnh sát quyết định dùng vũ lực để giải cứu.

Khoảng 17h ngày 26/12, các không tặc từ buồng lái bắt đầu bắn súng vào tháp kiểm soát sân bay để gây áp lực. 15 phút sau, hơn 50 cảnh sát đặc nhiệm thuộc Lực lượng đặc nhiệm của Pháp (GIGN) nhanh chóng được triển khai chia thành các nhóm áp sát phần đầu, giữa và đuôi máy bay thực hiện một cuộc giải cứu.

Một nhóm cố gắng mở cửa khẩn cấp để cho thang bộ trượt xuống trong khi một nhóm cảnh sát khác tiến vào khu phòng lái khống chế các tay súng và giải phóng con tin. Tất cả quá trình giải cứu chỉ diễn ra trong vòng 10 phút.

Sau 54 giờ bọn cướp khống chế máy bay, tất cả các con tin vẫn còn sống và chỉ có một vài người bị chấn thương nhẹ. 4 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt. Tên tuổi của GIGN kể từ đó được nhắc tới gắn liền với sự kiện trên. Hiện nay, GIGN đang hỗ trợ cho các nước khác trên thế giới trong việc đào tạo và huấn luyện các lực lượng chống khủng bố chuyên nghiệp và lực lượng đặc biệt của Hàn Quốc (Korean Special Force) là một ví dụ điển hình.

Đào hầm dưới Đại sứ quán giải phóng các chính trị gia
Đêm 18/12/1996, Đại sứ quán Nhật Bản tại Peru đang tổ chức lễ kỷ niệm, đột nhiên một nhóm vũ trang chuyên nghiệp người Peru xuất hiện. 400 chính trị gia, nhà ngoài giao và những người khác đã bị bắt cóc làm con tin. Những kẻ bắt cóc tự xưng là người thuộc phong trào Cách mạng Tupac Amaru.

Hai bên bế tắc trong nhiều tháng vẫn không thể đàm phán thành công vụ trao trả con tin. Tổng thống  Peru Alberto Fujimori lúc bấy giờ quyết định kéo dài thương lượng để lấy thời gian ngày đêm đào một hầm quân sự bí mật vào tận sào huyệt của những kẻ bắt cóc.

Sau 127 ngày khủng hoảng kéo dài, vào lúc 15h27 theo giờ địa phương, một tiếng nổ lớn vang lên và từ đường hầm dưới Đại sứ quán, một nhóm biệt kích xuất hiện, chỉ 10 phút, tất cả các kẻ khủng bố đã thiệt mạng mà không có một con tin nào bị thương vong.

Nga giải cứu chóng vánh máy bay bị cướp tại Moscow
Ngày 28/7/2010, Nga thực hiện thành công chiến dịch giải thoát máy bay nhanh nhất trong lịch sử hàng không dân dụng nước này khi giải thoát 105 hành khách đồng thời bắt giữ kẻ cướp máy bay chỉ trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm máy bay bị tấn công.
Âm mưu không tặc bất thành xảy ra tại sân bay Domodedovo của Moscow. Chuyến bay từ Mineralnye Vody ở Caucasus đến Moscow bị một người đàn ông khống chế. Kẻ bắt cóc đặt điều kiện thả con tin là được nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Nga Vladimir Putin.

Lực lượng đặc nhiệm cải trang thành các bác sĩ để lên máy bay và giải thoát an toàn các hành khách.

Người phát ngôn sân bay Domodedovo xác nhận đây là chiến dịch giải thoát máy bay nhanh nhất trong lịch sử hàng không dân dụng Nga, nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh Liên bang.

Kẻ bắt cóc được nhận dạng là Magomet Bakyev, không mang theo chất nổ hay vũ khí lên máy bay. Bakyev là một người gốc Ingushetia, đòi gặp Thủ tướng Putin để thảo luận tình hình ở khu vực thuộc Nga này.
Theo Bee

Căng thẳng cuộc giải cứu con tin người Do Thái - Kỳ 1: Vũ khí khủng bố lên máy bay chở khách

Thứ Sáu, 23/11/2012 22:59

    Lợi dụng việc kiểm soát lơ là của nhân viên an ninh tại sân bay Aten (Hy Lạp), bốn kẻ khủng bố đã lên máy bay trót lọt. Mục tiêu của bọn chúng là khống chế những hành khách người Ixraen và Do thái làm con tin để đổi lấy 53 tên khủng bố đang bị giam giữ tại Ixraen, CHLB Đức, Pháp, Thụy Sĩ… Một cuộc đấu trí và đấu súng đầy căng thẳng đã diễn ra từ đây…

    Kỳ 1: Vũ khí khủng bố lên máy bay chở khách

    Chuyến bay số 139 của hãng hàng không Pháp khởi hành từ Ten Avíp đi Pari vào buổi sáng chủ nhật, ngày 27/6/1976 với một điểm dừng giữa chặng bay ở Aten. An ninh ở sân bay Aten vốn có tiếng là lỏng lẻo. Không có nhân viên an ninh nào sử dụng máy dò kim loại và những người làm nhiệm vụ kiểm tra hành lý bằng máy X quang lại thường không quan sát kỹ màn hình.

    Quang cảnh sân bay quốc tế Entebbe.

    Bốn hành khách đến từ một chuyến bay chuyển tiếp từ Bahrain - một người đàn ông, một phụ nữ quốc tịch Đức và hai người Palextin - không mấy khó khăn, đã lên được máy bay cùng với những khẩu súng ngắn và lựu đạn được cất giấu kỹ lưỡng trong người và những vali hành lý. Chiếc Airbus 300 rời Aten lúc 12 giờ 20 chiều. Và những hành khách trên chuyến bay không hề biết rằng, tính mạng của họ đã rơi vào tay những kẻ khủng bố.

    Sau khi cất cánh được bảy phút, người đàn ông Đức tiến về phía khoang lái của cơ trưởng, trong khi đồng bọn của hắn bắt đầu khống chế khoang hành khách. Chúng tuyên bố cướp máy bay và buộc cơ trưởng Michel Bacos chuyển hướng máy bay về phía nam.

    Cơ trưởng Michel Bacos và một kẻ khủng bố.

    Việc mất liên lạc và chiếc máy bay thay đổi lịch trình bay đã báo hiệu cho chính quyền Ixraen biết rằng chiếc máy bay, với phần đa là hành khách Ixraen và người Do thái, đã bị cướp. Máy bay chuyển hướng đến Benghazi (Libi) để tiếp nhiên liệu và tiếp tục cất cánh lúc 9 giờ 30 phút tối. Một nữ hành khách giả vờ cần phải cấp cứu khẩn cấp và van xin bọn khủng bố để được xuống máy bay ở Benghazi nên thoát nạn.

    Chiếc Airbus hạ cánh xuống sân bay Entebbe (Uganđa) vào lúc 3 giờ 15 phút sáng thứ hai. Trên máy bay lúc này, ngoài bốn tên không tặc còn có 243 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Sau đó có thêm 6 tên khủng bố nữa, vốn hoạt động ở thủ đô Môgađixu của Xômali, tham gia vào kế hoạch cướp máy bay này. Chúng mang thêm các vũ khí khác bao gồm cả súng tiểu liên AK-47 để khống chế con tin.

    Lúc nửa buổi ngày thứ hai, các con tin được chuyển từ máy bay đến một nhà ga cũ kỹ đổ nát mà người ta sử dụng làm nhà kho kể từ khi nhà ga và đường băng mới được xây dựng vào đầu những năm 1970. Lúc này, có thêm rất nhiều binh lính Uganđa với súng ống lăm lăm canh gác các con tin. Người Ixraen sớm nhận thấy rằng, Tổng thống Uganđa, Idi Amin, không chỉ ủng hộ mà còn tích cực tham gia chiến dịch cướp máy bay này của những tên không tặc. Một nhóm khủng bố mới được điều đến canh giữ con tin để những tên không tặc nghỉ ngơi sau một “chiến dịch” được coi là thành công với bọn chúng.

    Cho đến tận 3 giờ chiều thứ ba, những tên không tặc mới đưa ra yêu sách thông qua Đài phát thanh Uganđa. Theo đó, nếu 53 phần tử khủng bố - 40 tên trong số này khi đó đang bị Ixraen giam giữ và những tên khác bị giam ở CHLB Đức, Kênia, Pháp và Thụy Sĩ - không được thả tự do trước 2 giờ chiều thứ ba (giờ Ixraen), tất cả các con tin sẽ bị xử tử, không trừ một ai.

    Ixraen đã từng đối mặt với các vụ bắt cóc con tin trước đây, và nước này thường giải cứu con tin thông qua hành động quân sự, thay vì nhượng bộ các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, cũng có vài lần bọn khủng bố đạt được những gì chúng yêu cầu. Trong vụ cướp một máy bay dân dụng của hãng hàng không El Al năm 1968, Ixraen đã thả 15 tên khủng bố để đổi lấy các con tin. Trong một lần khác, họ phải thả 50 tên khủng bố để đổi lấy hai phi công người Ixraen lái một máy bay dân dụng của hãng hàng không TWA cất cánh từ thủ đô Đamát của Xyri.

    Trong khi đó, kết quả của các hành động quân sự nhằm giải cứu con tin cũng rất khác nhau. Năm 1972, bọn khủng bố cướp một máy bay dân dụng của hãng hàng không Sabena khi máy bay này hạ cánh xuống Ten Avíp, và yêu cầu thả 317 “chiến binh tự do”. Lính Ixraen cải trang thành nhân viên kỹ thuật tấn công giết chết hai tên không tặc và bắn bị thương tên thứ ba trong một cuộc đọ súng diễn ra vẻn vẹn chỉ trong 90 giây. Tất cả 101 con tin được giải thoát ngoại trừ một phụ nữ do quá hoảng loạn nên đã nhảy lên và bị bắn chết.

    Trong một vụ khủng bố khác vào năm 1974, cuộc giải cứu 88 con tin, chủ yếu là trẻ em, bị các phần tử khủng bố người Palextin giam giữ tại một trường học ở thành phố Ma’alot của Ixraen lại là một thảm hoạ. Tất cả các phần tử khủng bố đều bị lực lượng biệt kích Ixraen tiêu diệt, nhưng 22 trẻ em cùng với 56 người khác đã bị thương.

    Trong khi đó ở Entebbe, những con tin bị dồn vào một không gian chật hẹp ở nhà ga cũ vốn đã xuống cấp nghiêm trọng. Tổng thống Idi Amin đến đó bằng máy bay trực thăng. Ông ta nói với các con tin rằng, cuộc khủng hoảng này là lỗi của Ixraen vì đã không chấp thuận yêu sách của những tên không tặc. Amin lên làm Tổng thống Uganđa sau một cuộc đảo chính diễn ra năm 1971. Vẻ bề ngoài của ông ta khiến những ai từng gặp liên tưởng đó là một anh hề khệnh khạng. Bộ quân phục mà ông ta mang trên mình được gắn đủ mọi loại huân huy chương mà Amin tự phong cho mình. Nhưng thực tế, Amin không đơn giản như vẻ bề ngoài, mà là một con người rất nguy hiểm. Đã có hàng chục nghìn người bị giết trong các vụ thanh trừng và đàn áp do ông ta chỉ đạo. Những người Ixraen từng làm công tác huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Uganđa trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1972 biết rất rõ về ông ta. Amin tuyệt giao với người Ixraen khi họ từ chối giúp ông ta tấn công Tandania và Kênia.

    Đình Vũ (tổng hợp)

    Căng thẳng cuộc giải cứu con tin người Do Thái - Kỳ 2: Phương án cứu mạng


      Với vụ không tặc này, khi nhóm khủng bố đưa ra các yêu sách của chúng, nội các Ixraen phải chịu rất nhiều áp lực từ phía các gia đình có người thân bị bắt làm con tin. Họ muốn Ixraen ngay lập tức thả những tên khủng bố ra để đổi lấy tính mạng của người thân. Tuy nhiên, chính quyền Ixraen vẫn chưa quyết định chọn giải pháp nào - tiến hành giải cứu bằng chiến dịch quân sự hay chấp nhận yêu sách của bọn khủng bố - trong khi thời gian cho họ suy nghĩ, đắn đo không còn nhiều.

      Chiếc C-130 chở đội đặc nhiệm đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Entebbe.

      Sau khi đưa ra yêu sách cho Ixraen, những kẻ khủng bố bắt đầu thu hộ chiếu và các giấy tờ của các con tin. Chúng chia hành khách làm hai nhóm, một nhóm hành khách người Ixraen, Do Thái và một nhóm hành khách mang các quốc tịch khác. Chiều thứ tư, ngày 30/6/1976, bọn chúng thả 47 con tin, chủ yếu là người Pháp. Cơ trưởng Bacos từ chối được trả tự do chừng nào mà bất kỳ hành khách nào trên chuyến bay của ông vẫn còn bị giam giữ. Trước hành động này của ông, các thành viên khác của phi hành đoàn cũng có động thái tương tự. Đêm hôm đó, các đặc vụ Ixraen đến gặp các con tin mới trở về Pháp và thu thập thông tin về tình hình ở Entebbe.

      Thêm 101 con tin nữa được trả tự do vào sáng thứ năm. Số con tin còn lại chỉ là 95 hành khách Ixraen và người theo đạo Do Thái cùng các thành viên phi hành đoàn.

      Ảnh chụp từ trên không quang cảnh thành phố Entebbe và sân bay quốc tế Entebbe.
      Giải pháp thực hiện chiến dịch giải cứu bằng quân sự sau đó đã được Ixraen tính đến. Các lực lượng quân đội Ixraen có thể tiến hành một cuộc giải cứu thành công trong trường hợp họ hạ cánh và bất ngờ chiếm được nhà ga cũ. Lực lượng giải cứu cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại nặng nề nếu họ bị phát hiện trước khi đến được nhà ga. Khi đó, các con tin sẽ khó có thể được an toàn tính mạng.

      Thủ tướng Yitzhak Rabin, người đã từng nắm giữ chức vụ Tham mưu trưởng không quân Ixraen trong cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, không muốn cho phép tiến hành một chiến dịch quân sự để giải cứu con tin. Tham mưu trưởng của ông, Trung tướng Mordechai Gur, cũng có quan điểm tương tự. Người chủ trương ủng hộ biện pháp quân sự là Bộ trưởng Quốc phòng Shimon Peres. Ông không phải là quân nhân nhưng leo lên được vị trí này sau khi đã trải qua các nấc thang quyền lực trong chính phủ. Thiếu tướng Benny Peled, Tư lệnh lượng không quân Ixraen, nhất trí với Peres về hành động quân sự.

      Bản đồ kế hoạch giải cứu con tin.
      Khi các kế hoạch giải cứu vẫn đang được nội các Ixraen tiếp tục cân nhắc, các lực lượng vũ trang đề xuất một vài sáng kiến, bao gồm cả việc nhảy dù xuống hồ Victoria, ngay sát với sân bay Entebbe và lực lượng đột kích sẽ lên bờ bằng xuồng cao su. Tất nhiên, không quân Ixraen sẽ là lực lượng không thể thiếu trong chiến dịch. Các máy bay C-130 Hercules đang được sử dụng trong quân đội Ixraen có thể bay đến Entebbe mà không có bất kỳ khó khăn nào. Khi Ixraen đã duy trì được sự hiện diện của số lượng lớn binh sĩ ở Uganđa, không quân nước này sẽ sử dụng các máy bay C-130 để tiếp tế.

      Ngoài việc phải giành được lợi thế bất ngờ, còn có một khó khăn khác nổi lên; đó là việc tiếp nhiên liệu. Sau khi hạ cánh, các máy bay sẽ chỉ còn đủ nhiên liệu để bay thêm một tiếng rưỡi nữa. Kênya có thể cho phép tiếp nhiên liệu ở Nairôbi trong hành trình bay trở về, nhưng có một phương án nữa được tính đến là cướp nhiên liệu từ các bể chứa ở sân bay Entebbe.

      Nhờ có thời gian ở Uganđa, người Ixraen nắm được đôi chút về hệ thống tiếp nhiên liệu tại sân bay Entebbe. Ngoài ra, nhà ga cũ trước đây lại do một công ty của Ixraen xây dựng. May mắn hơn, công ty này vẫn còn giữ bản thiết kế và họ trao lại cho chính phủ Ixraen. Cơ quan tình báo nước này, Mossad, cũng cung cấp thêm những thông tin quý giá về sơ đồ, địa hình khu vực Entebbe. Lực lượng này trước đó đã thuê một máy bay hạng nhẹ ở Nairôbi, và giả vờ đang có trường hợp cấp cứu trên máy bay để lượn quanh sân bay Entebbe chụp ảnh.

      Chuẩn tướng Dan Shomron, chỉ huy lực lượng bộ binh và lính dù Ixraen, cho biết, vấn đề khó khăn nhất là liệu không quân Ixraen có thể đưa lực lượng vào sân bay Entebbe mà không đánh động bọn khủng bố không? “Khi đã đổ bộ được xuống sân bay Entebbe, chúng tôi có thể tiến hành chiến dịch một cách dễ dàng”, Chuẩn tướng Dan Shomron khẳng định chắc như đinh đóng cột.

      Đến chiều ngày thứ năm, ngày 1/7/1976, 90 phút trước khi đến thời hạn chót mà nhóm khủng bố đưa ra, chính quyền Ixraen vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch chắc chắn nào. Sau đó, Ixraen chính thức tuyên bố, nước này sẽ đàm phán với bọn khủng bố để giải quyết vấn đề con tin. Sau khi nhận được tin phản hồi, nhóm khủng bố ra hạn cho phía Ixraen, thời hạn cuối là 2 giờ chiều ngày chủ nhật.

      Cuối buổi tối hôm đó, quân đội đệ trình một bản kế hoạch chi tiết về chiến dịch giải cứu con tin lên chính phủ Ixraen. Người có công đóng góp lớn trong việc soạn thảo là Peled và Shomron. Theo đó, một lực lượng hỗn hợp sẽ được đưa đến sân bay Entebbe bằng máy bay để tiến hành một cuộc đột kích bất ngờ vào ban đêm. Lực lượng làm nhiệm vụ chuyên chở quân sẽ được rút xuống còn bốn máy bay C-130. Kế hoạch được đặt tên là chiến dịch Thunderbolt (Thần sấm). Thiếu tướng Yekutiel Adam, Cục trưởng Cục tác chiến và đồng thời là nhân vật số hai trong quân đội, sẽ là tổng chỉ huy. Shomron được chỉ định là người chỉ huy trên mặt đất.
      Đình Vũ (tổng hợp)

      Căng thẳng cuộc giải cứu con tin người Do Thái - Kỳ 3: Đánh vào phút chót

      Vai trò trung tâm trong trận đánh được giao cho đơn vị biệt kích của lục quân Ixraen, Saycret Matkal. Chỉ huy đơn vị là Trung tá Jonathan Netanyahu hay thường được gọi bằng cái tên thân mật “Yoni”.

      Chiếc Mercedes màu đen giả làm xe mà Idi Amin sử dụng.

      Năm đó, Yoni mới 30 tuổi. Anh đảm nhiệm vị trí này mới được hơn một năm. Ban đầu, Shomron chỉ định Đại tá Ehud Barak, một cựu chỉ huy dày dạn kinh nghiệm của đơn vị này, là người chỉ huy trận đột kích vào nhà ga cũ, còn Yoni là cấp phó cho Barak. Nhưng tối hôm thứ sáu, Adam đã phái Barak đến Kênia để đàm phán việc các máy bay hạ cánh và tiếp nhiên liệu sau khi thực hiện xong sứ mệnh trở về, nên Netanyahu rõ ràng là người được lựa chọn.

      Yoni và đơn vị biệt kích gồm 29 thành viên đi trên chiếc C-130 đầu tiên. Họ mặc quân phục của lục quân Uganđa, và phải nhanh chóng đến được nhà ga cũ trước khi chiến dịch bị phát hiện. Chiếc C-130 không thể đến quá gần mà không bị bọn khủng bố nhận ra nên họ phải đi bằng ô tô một quãng đường khá xa sau khi xuống máy bay.

      Máy bay C-130 cất cánh từ Ophir.

      Máy bay C-130 có thể chở theo ba xe ô tô, những chiếc xe này được dùng để giả làm một đoàn xe hộ tống Tổng thống Idi Amin. Ông ta thường đi lại bằng chiếc Mercedes màu đen, có vài xe hộ tống đi kèm. Ông ta đã đến thăm các con tin một lần và do đó, một chuyến thăm nữa của Amin đến Entebbe là điều hoàn toàn có thể.

      Đội biệt kích quyết định sử dụng một xe Mercedes và hai xe Land Rovers để di chuyển từ chỗ máy bay hạ cánh đến nhà ga. Tuy nhiên, chiếc xe Mercedes mà họ có được lại là màu trắng nên người ta đã khẩn trương sơn lại thành màu đen. Trớ trêu thay, họ không hề hay biết Idi Amin hiện đang sử dụng một chiếc Mercedes màu trắng thay vì màu đen. Đơn vị biệt kích làm các biển số giả từ bìa các tông và những lá cờ nhỏ để cắm phía trước mũi xe, như những gì họ thấy trong những bức ảnh chụp chiếc xe của Amin. Lực lượng tham gia chiến dịch có một buổi diễn tập đổ bộ vào đêm thứ sáu (ngày 2/7/1976) ở Ophir, ở mỏm nam của bán đảo Sinai.

      Trung tá Jonathan Netanyahu- chỉ huy trận đột kích.
      Không quân Ixraen sử dụng bảy máy bay tham gia chiến dịch, hai Boeing 707 và năm máy bay C-130 Hercules. Các máy bay Boeing 707 với phù hiệu của hãng hàng không El Al và số hiệu đăng ký dân sự bay theo đường bay thương mại về hướng Nam Phi. Chiếc 707 thứ nhất là máy bay chỉ huy và điều khiển, với Adam và Peled đi cùng. Chiếc thứ hai được thiết kế như một bệnh viện dã chiến. Dưới vỏ bọc máy bay dân sự, cả hai có thể tiếp nhiên liệu ở Nairôbi.

      Các máy bay C-130 cất cánh từ Ophir, sân bay nằm ở cực nam Ixraen, và nạp đầy nhiên liệu cho chặng bay dài 4.500 km. An ninh được bảo vệ chặt chẽ nhưng đã suýt bị lộ khi một phi công của hãng hàng không nội địa của nước này là Arkia phát hiện thấy hoạt động bất thường ở Ophir và bình luận công khai trên sóng phát thanh: “Trông giống như sắp sửa diễn ra một trận đánh”. May thay, điều này đã không dẫn đến một tai họa nào.

      Chiếc C-130 đầu tiên cất cánh lúc 3 giờ 30 chiều thứ bảy, ngày 3/7/1976, và theo sau là những chiếc còn lại. Khi đó, nội các Ixraen thậm chí vẫn còn đang tranh luận xem nên “lùi” hay “tiến” nên tất nhiên là vẫn chưa phê duyệt chiến dịch. Có vài người tham gia chiến dịch vẫn tính đến phương án các máy bay sẽ được gọi quay trở lại.

      Chiếc đi đầu chở Yoni và 29 người lính trong đội biệt kích của anh, chiếc xe Mercedes và hai chiếc Land Rover chở chỉ huy trên mặt đất là Shomron và 52 lính dù. Hai chiếc tiếp theo chở hai xe Jeep có vũ trang cùng một số lính và một xe Jeep chỉ huy của Shomron. Máy bay thứ tư sẽ được dùng để chở con tin sau khi họ được giải cứu. Nó cũng mang theo một đội nhân viên y tế, máy bơm nhiên liệu lắp trên một chiếc xe tải nhỏ và đội tiếp nhiên liệu của Không quân Ixraen bao gồm 10 người. Tổng cộng, lực lượng đột kích có 170 người.

      Các máy bay C-130 bay qua Biển Đỏ ở độ cao 60 m so với mặt nước biển để tránh các rađa của Arập Xêút và Ai Cập; sau đó vượt qua không phận Êtiôpia. Chiến dịch Thần sấm không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của nội các Ixraen cho đến tận lúc các máy bay C-130 qua không phận Êtiôpia. Phi đội C-130 vượt qua khu vực tây Kênia và đến hồ Victoria vào lúc 10 giờ 30 tối. Lúc này, họ đã ở ngoài tầm thu tín hiệu của các nước Arập nên chiếc C-130 thứ nhất tiến hành liên lạc với máy bay chỉ huy Boeing 707.

      Đình Vũ (tổng hợp)

      Căng thẳng cuộc giải cứu con tin người Do Thái - Kỳ cuối: Trận đấu súng trong đêm

      Chiếc C - 130 đầu tiên tiếp cận sân bay Entebbe từ hướng nam và dừng ở đường băng chính chạy dọc theo cạnh phía tây của sân bay. Bởi máy bay không bật đèn trong khi bay nên từ mặt đất không thể phát hiện ra sự hiện diện của các máy bay. Phi hành đoàn có thể quan sát thấy nhà ga mới và tháp điều khiển không lưu ở phía bên phải, và ở đằng xa là nhà ga cũ, nơi các con tin đang bị giam giữ. Nó nằm ở sườn dốc ngay sát đường băng cũ. Cách đó khoảng hơn 2 km về phía đông là một đường băng dành cho các máy bay quân sự, nơi mà năm chiếc MiG - 21 và ba chiếc MiG - 17 đang đậu gần đó.


      Cảnh ăn mừng tại sân bay Ben Gurion sau khi giải cứu con tin thành công.
      Máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay lúc 23 giờ 1 phút theo giờ Ixraen, nghĩa là vừa quá nửa đêm theo giờ Uganđa. Phi công tắt hết động cơ máy bay để giảm tiếng ồn và điều khiển máy bay vào một đường nhánh nằm chéo góc với đường băng. Những người lính dù nhảy xuống và nhanh chóng đặt các đèn hiệu cho các máy bay khác hạ cánh đề phòng hệ thống đèn hiệu trên sân bay bị tắt.

      Chiếc Mercedes và những chiếc Land Rover chở Yoni và những người lính của anh lao về phía nhà ga cũ ở cách đó khoảng 1,5 km. Những chiếc xe bật đèn sáng trưng và chạy với tốc độ 64 km/giờ để trông giống như một đoàn xe hộ tống của Tổng thống Uganđa. Ngay trước lúc họ đến được tháp điều khiển không lưu cũ, một lính gác Uganđa chĩa súng vào đoàn xe và tìm cách dừng chúng lại. Tên lính gác biết chiếc Mercedes màu đen không phải là xe của Idi Amin. Yoni và đồng đội của anh buộc phải nổ súng để xông lên nhưng ngay lập tức vấp phải hỏa lực bắn ra từ tháp điều khiển không lưu cũ. Khi chỉ còn cách mục tiêu hơn chục mét, họ buộc phải xuống xe và chạy bộ.

      Một con tin bị thương nặng được chuyển đến bệnh viện ở Nairôbi.
      Có bảy tên khủng bố và hàng chục lính Uganđa đang canh giữ con tin ở tầng trệt. Bọn khủng bố lúng túng, không hiểu tại sao lính Uganđa lại xả súng. Trong loạt đạn đáp trả đầu tiên, bốn tên khủng bố bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhưng một tên đã bắn trúng ngực Netanyahu. Vết thương quá nặng khiến anh không qua khỏi mặc dù bác sĩ của đơn vị đã kịp thời có mặt.

      Lực lượng đột kích tản ra khắp tòa nhà và tiêu diệt thêm ba tên khủng bố nữa. Hai con tin cũng bị tử nạn.

      Chiếc C - 130 thứ hai hạ cánh xuống sân bay lúc 23 giờ 6 phút, trong khi chiếc thứ ba hạ cánh ngay sau đó trong tình trạng đèn tín hiệu trên đường băng bất chợt phụt tắt. Khi những người lính dù đã làm chủ nhà ga mới và đài kiểm soát không lưu, bốn chiếc xe jíp vũ trang, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Shaul Mofaz, phi như bay trên đường băng chéo. Họ chiếm giữ một vị trí trọng yếu phía trước căn cứ quân sự và nã đạn như mưa vào các máy bay MiG. Một số chiếc MiG bị nổ tung trong khi những chiếc còn lại đều bị hư hỏng nặng. Hỏa lực từ những xe jíp cũng khiến cho bọn lính trên tháp điều khiển không thể ngóc đầu lên được.

      Không có thêm đơn vị lính Uganđa nào tiếp viện. Idi Amin và các sĩ quan cấp cao không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Entebbe. “Có thể đây là một cuộc đảo chính” - ông ta nghĩ vậy. Idi Amin tìm chỗ ẩn nấp đợi cho đến khi tình hình yên ắng trở lại.

      Chiếc C - 130 thứ tư chạy đến một vị trí gần nhà ga cũ để đón con tin. Lúc này bị thiếu một con tin. Hôm ấy, Dora Bloch, 75 tuổi, bị nghẹn thở nên đã được đưa đến một bệnh viện ở Kampala, cách đó hơn 33 km. 104 con tin được nêm chật cứng trên chiếc C - 130 cùng với thi thể của Netanyahu và hai con tin bị chết trước đó.

      Khi các nhân viên kỹ thuật của không quân Ixraen đang chuẩn bị bơm nhiên liệu từ các bể chứa ở sân bay Entebbe, Peled truyền lệnh từ máy bay chỉ huy rằng, các máy bay C - 130 có thể được tiếp nhiên liệu ở Nairôbi (Kênia). Chiếc C - 130 thứ tư là chiếc đầu tiên cất cánh. Chiếc cuối cùng cất cánh lúc 0 giờ 40 ngày 4/7 theo giờ Ixraen. Khi họ đến được Nairôbi, tất cả những người trên máy bay cố làm ra vẻ bình thường. “Nhật ký trận đánh” của quân đội Ixraen viết: “Không một chút ầm ĩ, các xe tiếp nhiên liệu chạy đến bên sườn máy bay và bắt đầu tiếp nhiên liệu, trong khi các tài xế chuyển các giấy tờ cho phi công ký như thể họ làm với bất kỳ chuyến bay thương mại nào. Người ta không hỏi han bất cứ câu hỏi nào và không ai vô tình để lộ thông tin”.

      Con tin bị thương nặng ở Entebbe được chuyển đến một bệnh viện ở Nairôbi để phẫu thuật nhưng cũng không qua khỏi. Như vậy, tổng số người thiệt mạng trong trận giải cứu con tin này gồm 3 con tin, 20 lính Uganđa, 7 tên khủng bố và Yoni Netanyahu, người chỉ huy chiến dịch giải cứu con tin.

      Idi Amin bổ sung thêm số người bị chết do liên quan đến vụ giải cứu này bằng cách ra lệnh tử hình 4 nhân viên kiểm soát không lưu do đã không phát hiện ra các máy bay C - 130 của Ixraen.

      Trong hành trình bay trở về, các máy bay C - 130 được các máy bay chiến đấu Ixraen hộ tống đến căn cứ không quân Tel Nof ở phía nam thủ đô Ten Avíp. Sau khi báo cáo nhanh tình hình, họ tiếp tục bay đến sân bay Ben Gurion, nơi có một lễ hội hoành tráng đang đợi họ mang chiến thắng trở về.
      Cuộc giải cứu con tin này đã đi vào lịch sử ngành quân sự Ixraen và chiến dịch “Thần sấm” sau này được đổi tên thành Chiến dịch Jonathan để tưởng nhớ đến người chỉ huy đã anh dũng ngã xuống.

      Đình Vũ (tổng hợp)

      Nhận xét

      Bài đăng phổ biến từ blog này

      TT&HĐ I - 9/d

      MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

      MỌC CÁNH