KÝ ỨC CHÓI LỌI 82

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
"Thiên thần mũ đỏ" của Quân lực VNCH và Mặt trận Thượng Đức
Mặt trận Thượng Đức nơi chôn vùi uy danh “Thiên thần mũ đỏ”
Người đăng: ADMIN .Ngày đăng: 29/07/2014 .Lượt xem: 12863 lượt.
Sau 10 ngày chiến đấu quyết liệt, đúng 8 giờ 30 phút ngày 7/8/1974, Chiến dịch Thượng Đức (mang mật danh K.711) thắng lợi. Cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng của địch bị mở toang. Mất Thượng Đức là một đòn nặng cả về quân sự lẫn tâm lý đối với địch. Chính vì vậy, Bộ tổng tham mưu ngụy quyết định điều phần lớn sư đoàn dù - lực lượng tổng trừ bị chiến lược - mở cuộc hành quân đánh chiếm lại Thượng Đức. Ngày 8/8/1974, lữ đoàn 1 dù từ Sài Gòn được khẩn cấp không vận đến Đại Lộc bằng máy bay C130, còn các thiết bị nặng như đại bác 105 ly được đưa ra bằng tàu của Hải quân. Ngày 11/8/1974, lữ đoàn 3 dù được lệnh di chuyển bằng máy bay từ sân bay Phú Bài (Huế) xuống sân bay Đà Nẵng. Bộ Tư lệnh sư đoàn dù cùng chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng (Tư lệnh Sư đoàn dù) di chuyển đến Đà Nẵng, đặt bản doanh tại sân bay Non Nước. Tư lệnh sư đoàn dù hung hăng tuyên bố trước các nhà báo: Sẽ đánh bật lực lượng Cộng sản ra khỏi vùng Đại Lộc trong tháng 8/1974 và "nếu không tái chiếm được Thượng Đức thì xin thượng cấp giải tán sư đoàn dù" (!)
              Sư đoàn dù (binh chủng nhảy dù) của quân đội Sài Gòn chính thức được thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1955 tại Nha Trang với cấp liên đoàn nhảy dù do đại tá Đỗ Cao Trí chỉ huy. Ngày 26 tháng 10 năm 1959, liên đoàn nhảy dù được nâng lên thành lữ đoàn nhảy dù Việt Nam. Hơn 6 năm sau, lữ đoàn nhảy dù được nâng lên thành sư đoàn nhảy dù. Đến cuối năm 1974, sư đoàn dù khá hùng hậu, có 3 lữ đoàn nhảy dù gồm 9 tiểu đoàn tác chiến, bộ chỉ huy tổng hành dinh, bộ chỉ huy pháo binh với 3 tiểu đoàn trực thuộc, tiểu đoàn quân y, tiểu đoàn yểm trợ, tiểu đoàn truyền tin, tiểu đoàn công binh, đại đội khoá sinh Vương Mộng Hồng, 3 đại đội trinh sát, đại đội tổng Hành dinh, đại đội 204 quân cảnh, trung tâm huấn luyện nhảy dù, khối bổ sung, bệnh viện Đỗ Vinh (điều trị thương bệnh binh dù). Sư đoàn dù  là một đơn vị chính quy được thành lập sớm nhất và được xem là lực lượng thiện chiến nhất, “con át chủ bài tin cậy của nền Cộng hòa" và là "lực lượng tổng trừ bị của Quân lực Việt Nam Cộng hòa". Kể từ ngày thành lập, các đơn vị của sư đoàn dù đã tham dự hơn 30.000 cuộc hành quân lớn nhỏ: nhảy dù, trực thăng vận, hành quân bộ… Với quân kỳ mang hình con diều hâu nhảy dù và dòng chữ "Thiên thần sát Cộng", quân dù rất kiêu ngạo, huênh hoang tự xưng mình là "đàn anh", là "những chiến binh mũ đỏ từng dẫm nát các căn cứ hậu cần, các mật khu trên lãnh thổ 4 Quân khu, tiêu diệt hàng trăm đơn vị chính quy Cộng sản Bắc Việt và địa phương" (!).
Điểm cao 1062 trên bản đồ quân sự của địch
Trước việc địch điều động lực lượng tổng dự bị chiến lược "vào cuộc", Bộ Tổng tham mưu đã giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 phải giữ vững khu vực Thượng Đức mới giải phóng, đánh bại cuộc hành quân "tái chiếm Thượng Đức" của sư đoàn dù; tuyệt đối không được để thành tiền lệ là "quân dù đi đến đâu là giải tỏa được đến đó". Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng đã triệu tập Thiếu tướng Hoàng Văn Thái và Thiếu tướng Lê Linh (Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn 2) về Hà Nội và chỉ thị: "Việc giữ Thượng Đức và đánh bại quân dù đi giải tỏa có một ý nghĩa chính trị, quân sự lớn đối với địch cũng như đối với ta. Vì vậy, vấn đề nóng bỏng của Quân đoàn hiện nay là Thượng Đức. Phải tìm mọi cách làm suy yếu, giam chân quân dù trên chiến trường này càng lâu càng tốt, suốt cả mùa Xuân năm 1975 để tạo điều kiện cho các nơi khác hoạt động".
          Như vậy, mặt trận Thượng Đức đã trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng chủ lực cơ động của ta phối hợp cùng lực lượng tại chỗ với lực lượng tổng dự bị động viên của địch.
             Cậy có quân đông, hỏa lực mạnh, trong những ngày trung tuần tháng 8-1974, địch tổ chức tiến công ồ ạt hòng nhanh chóng chiếm các trận địa của trung đoàn 3 để tạo bàn đạp đánh vào Thượng Đức. Thế nhưng, sau 13 ngày tiến công vào khu vực điểm cao 52, Bàn Tân 2 không thành công, chỉ huy sư đoàn dù ngụy quyết định bỏ hướng đường 14 để tập trung đánh lên các điểm cao 109,  700, 1062. Về chiến thuật, địch bỏ lối đánh ồ ạt chuyển sang áp dụng chiến thuật "lấn dũi" (đã từng được dùng vào năm 1972 ở miền tây Quảng Trị). Chúng hy vọng,  với cách đánh "lấn dũi" cộng với bom,  pháo bắn vào trận địa ta, quân ta sẽ bị hao mòn dần,  không còn  đủ sức giữ trận địa. Và khi đó, chúng sẽ "gặm nhấm" dần vùng giải phóng Thượng Đức.
           Đối mặt với lực lượng tổng  trừ bị chiến lược của địch, ở  thời điểm này, lực lượng của ta gặp rất nhiều khó khăn: Quân số hao hụt nhiều sau chiến dịch giải phóng Thượng Đức. Đạn súng lớn phải tính từng viên trong ngày. Bộ đội ngày đêm giữ chốt  không chỉ đối phó với bom đạn mà còn phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt: mưa nhiều, hầm sụt lở từng mảng, trong hầm lúc nào cũng có nước và bùn ngập tới mắt cá chân. Đường vận chuyển, tiếp tế luôn gặp ách tắc. Ăn uống thiếu  thốn lại phải chiến đấu căng thẳng khiến sức khỏe của chiến sĩ ta giảm đi rõ rệt. Thêm vào đó, chiến  thuật "lấn dũi" của địch tỏ ra có hiệu quả: Một số chốt (như 700, 109, 383) của ta bị địch chiếm. Việc mất một số cao điểm  đã có ảnh hưởng đến tư tưởng và tinh thần chiến đấu của một số cán bộ,  chiến sĩ.
        Trước tình hình đó, cuối tháng 10.1974, Đảng ủy sư đoàn 304 họp mở rộng và thống nhất nhận định: Địch tuy chiếm được một số chốt nhưng chúng đã  bị động và sa lầy  ở mặt  trận Thượng Đức. Quyết tâm của Đảng ủy sư đoàn là nhanh chóng rút kinh nghiệm chiến đấu,  tổ chức lại trận địa phòng ngự,  nhất là hầm hào, chặn đứng sư đoàn dù, đánh bại âm mưu tái chiếm Thượng Đức.     Lúc này, đồng chí Hoàng Đan, Tư lệnh phó Quân đoàn 2 trở lại Thượng Đức cùng với trung đoàn 24, hai tiểu đoàn công binh và 4.000 viên đạn pháo cối để hỗ trợ cho lực lượng đang bảo vệ Thượng Đức. Trong hồi ký của mình, ông cho biết: “Vào đến sư đoàn, việc đầu tiên tôi đề xuất với Bộ Chỉ huy sư đoàn là phải tiến hành tập huấn về phòng ngự ngay cho cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn. Mỗi lớp tập huấn được tổ chức 3 ngày. Một hình  mẫu trận địa được xây dựng ngay cạnh lớp học. Các cán bộ được tự do nêu ý kiến phân tích, tranh luận đến cùng”. Kết thúc lớp học, đồng chí  Hoàng Đan nêu vấn đề: "Với hệ thống chốt được xây dựng thành nhiều tuyến, cho dù địch cứ 3 ngày lấn chiếm được một chốt của ta thì cũng phải mất 3 tháng địch mới mò tới Thượng Đức. Ba tháng nữa là đã đến mùa khô, tình hình lúc đó lại đã khác rồi". Nhờ tổ chức tập huấn và xây dựng trận địa làm mẫu, nội dung huấn luyện sát với những thực tế đòi hỏi nên hiệu quả mang lại rất cao: Tất cả cán bộ đều biết cách xây dựng trận địa, biết cách đánh và tin tưởng ở cách đánh. Ngày 28.10.1974, sư đoàn 304 tổ chức một trận phản kích, chiếm lại toàn bộ điểm cao 1062. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 sư đoàn dù.
          Tháng 11.1974, sư đoàn dù đưa tiếp lữ dù 2 vào cuộc chiến. Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta nhận định: Địch tung lực lượng dự bị vào không phải để thay đổi thế trận mà chủ yếu là hoạt động hỗ trợ cho lữ dù 1 và 3 đã mất sức chiến đấu. Với lực lượng mới này, địch chỉ đủ quân để rải ra trên các tuyến chiến đấu với ta chứ không thể có lực lượng tiến công nữa. Thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy chiến dịch,  khi  lữ dù  2 vừa chân ướt chân ráo đến khu vực tập kết,  pháo binh ta đã đánh phủ đầu khiến chúng bị thương vong khá nhiều. Ta còn cho trinh sát luồn vào nơi đóng quân của địch để tập kích trận địa pháo, đốt cháy kho đạn. Công binh dùng đạn pháo chưa nổ của địch liên kết với mìn làm giàn phóng vào đội hình chúng gây hoang mang, lo sợ,  không hiểu ta đã có vũ khí gì mới.
Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (sư đoàn 304) Phạm Xuân Thệ (bìa bên phải,
người cầm súng ngắn) cùng các chiến sĩ sư đoàn 304 trong lực lượng thọc
 sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập bắt tổng thống Dương Văn Minh
và thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng
          Cuộc chiến trên dãy Sơn Gà ngày ấy diễn ra rất ác liệt. Điểm cao 1062 là đỉnh cao của cuộc đọ sức giữa lực lượng chủ lực của ta và địch, là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tập thể cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 304 và sư đoàn 324 kiên cường: Trung úy Nguyễn Văn Áy bị thương cả hai chân và một tay vẫn nằm lại trên chốt để chỉ huy và động viên bộ đội chiến dấu. Chính trị viên Thuyết bị thương, vẫn ở lại cùng đồng đội giữ trận địa cho tới lúc có lực lượng phía sau lên thay. Chiến sĩ Nguyễn Văn Thơ chiến đấu dũng cảm, mưu mẹo chụp bắt và ném trả hàng chục quả lựu đạn địch để diệt chúng. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Văn Thơ còn bình tĩnh động viên anh em quyết đánh thắng địch. Anh hùng LLVT Phạm Văn Thọ, nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8, trung đoàn 3, sư đoàn 324 nhớ lại: “ Ngày 18/11/1974, địch cho 12 lần máy bay A37 ném bom đào xới bình độ 400 thành đồi đỏ hoẻn, không còn cây cối. 17 chiến sỹ của đại đội 6 bị điếc, thương vong nhưng vẫn bám trụ đánh địch hết đợt này đến đợt khác. Song, lực lượng địch quá đông, chúng tràn lên chốt. Đến 18 giờ 30 phút, đồng chí Trần Quang Diễn- chính trị viên bị thương nặng, lệnh cho anh em xuống hầm moi  (đào sâu dưới lòng đất từ 5 mét trở lên, chống được đạn pháo của địch) và yêu cầu hoả lực bắn trùm lên chốt. Đồng chí Hồ Hữu Lan- trung đoàn trưởng lệnh cho pháo cối 120. Tôi lệnh cho cối 82, 60 ĐK bắn trùm lên chốt. Địch thương vong nhiều, bỏ lại 43 xác. Chiến sĩ ta lại sửa lại trận địa chốt và hứa với Phó Tư lệnh Hoàng Đan là đại đội 6, tiểu đoàn 8 luôn giữ vững trận địa chốt thép T2”.
          Cuối năm 1974, qua 4 tháng bị giam chân ở chiến trường rừng núi, sư đoàn dù đã bị đánh quỵ và phải rút khỏi mặt trận Thượng Đức. Đây là trận đánh lớn nhất và cũng là trận thất bại nặng nề nhất của quân dù kể từ khi thành lập (các tài liệu của địch thú nhận đã bị thiệt hại đến 50 phần trăm quân số). Uy danh của những "thiên thần mũ đỏ" đã bị chôn vùi hoàn toàn. Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận định: "... Cùng với Nông Sơn, Trung Phước và các hướng khác, việc quân ta tiêu diệt Thượng Đức và đánh bại các đợt phản kích của sư đoàn dù cơ động, xương sống của ngụy, cho phép khẳng định: Lực lượng so sánh trên chiến trường đã thay đổi, quân ta có thể tiến công địch trong công sự kiên cố, diệt cụm cứ điểm quận lỵ địch và giữ được mục tiêu mới chiếm ... Điều có thể khẳng định là chủ lực cơ động của ta đã hơn hẳn chủ lực cơ động của địch. Kết luận đó có liên quan không nhỏ đến quyết tâm chiến lược của ta ...".
           Sau chiến công đánh quỵ sư đoàn dù và bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức, tháng 3/1975, các cán bộ, chiến sĩ ngoan cường của sư đoàn 304 anh hùng được lệnh tiến đánh giải phóng thành phố Đà Nẵng theo hai hướng: Trung đoàn 9 nhanh chóng hành quân theo trục đường 14 phá vỡ tuyến phòng ngự của sư đoàn 3 ngụy, vượt qua núi Phước Tường, Hòa Khánh, chiếm tòa thị chính Đà Nẵng vào lúc 13 giờ ngày 29/3/1975. Còn hai trung đoàn 66 và 249 đập tan sự chống cự của địch ở Phú Hương, Đồng Lâm, chuyển sang truy kích, chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm vào lúc 12 giờ 30 và tiến vào đánh chiếm sân bay Đà Nẵng.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử- trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 66, sư đoàn 304 nằm trong đội hình Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 dũng mãnh tiến công theo trục đường số 15, xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, thần tốc tiến vào nội đô Sài Gòn. Lịch sử thêm một lần ghi nhận: Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng các chiến sĩ từng hạ uy danh của “thiên thần mũ đỏ” ở mặt trận Thượng Đức 4 tháng trước đó đã bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn ngay tại Dinh Độc Lập, đưa tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 30/4/1975. 
- Vân Trình -

Giải phóng Thượng Đức
Đăng ngày:  14-05-2010
Thư mục: 35 năm Giải phóng miền Nam

QĐND - Chủ Nhật, 09/05/2010, 18:33 (GMT+7)

Cách thành phố Đà Nẵng 40 km theo đường chim bay, Thượng Đức là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng-một trong những căn cứ lớn nhất của địch ở miền Nam. Địa hình Thượng Đức ba bề là núi cao có nhiều dốc dựng đứng, phía đông bằng phẳng lại là nơi hợp điểm của sông Côn và sông Vu Gia. ở đây chỉ có đường số 4 là đường bộ duy nhất qua ái Nghĩa về Đà Nẵng. Địch đã xây dựng một hệ thống giao thông hào liên hoàn trong căn cứ cùng với 35 lô cốt nửa chìm nửa nổi, nhiều công sự có nắp và một hệ thống nhà hầm và hầm ngầm. Trong những năm 1969 và 1970, ta đã tổ chức đánh chi khu quận lỵ Thượng Đức nhưng không thành công. Sau mỗi lần ta đánh, địch lại tăng cường phòng ngự kiên cố hơn.

Xe tăng dẫn đầu mũi tiến công. Ảnh: Internet

Lực lượng tham gia tác chiến chủ yếu của ta ở Thượng Đức là Sư đoàn 304 được tăng cường các đơn vị: Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 219 công binh, Đại đội tên lửa A72, Đại đội tên lửa B72 của  quân đoàn, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện. Sau đó sư đoàn được tăng cường Trung đoàn 3 của Sư đoàn 324 vừa mới tham gia đánh trận Đắc Pét thắng lợi trở về. Trận Thượng Đức do cán bộ Sư đoàn 304 trực tiếp chỉ huy. Quân đoàn 2 tổ chức một bộ phận tiền phương đi cùng do Đại tá Hoàng Đan, Phó Tư lệnh quân đoàn phụ trách.

Sau khi cử trinh sát thăm dò và nhận được báo cáo chi tiết, cán bộ chỉ huy quân đoàn và sư đoàn quyết định: ngày 20 tháng 7 phải làm xong đường để đưa các lực lượng cơ bản vào đánh chiếm Thượng Đức.

Sau hơn một tháng vật lộn với con đường, đêm 17- 7- 1974, các xe pháo của ta đã bí mật kéo vào tập trung ở thôn Hiên. Pháo 122 ly được bố trí trong các làng bản không có người ở, vì dân đã bỏ đi từ lâu. Cối 160 ly vào tới vị trí an toàn cách địch ba ki-lô-mét. Hôm sau, bộ đội và dân công lại đưa pháo 85 ly vượt qua một bãi lầy và dốc lên điểm cao 118 để bắn trực tiếp vào Thượng Đức. Mũi tiến công chủ yếu do Trung đoàn 66 đảm nhiệm: Tiểu đoàn 7 tiến công từ hướng tây bắc xuống khu biệt động; Tiểu đoàn 9 diệt địch ở khu bảo an rồi tiến xuống chiếm quận lỵ; Đại đội 10 Tiểu đoàn 9 do đại đội trưởng Hoàng Văn Nam chỉ huy chặn địch ở cầu Hà Tân. Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) tăng cường diệt địch ở Ba Khe, bao vây địch ở điểm cao 52; đại đội 17 của trung đoàn này cắm cọc, chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia chặn không cho địch chạy về Đà Nẵng, đồng thời không cho chúng tiếp tế bằng đường sông lên Thượng Đức. Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Đà và dân quân du kích diệt bọn địch ở các thôn 12, 13, 14, 15 cùng bọn nguỵ quyền ở đây.

Bọn địch có phần nào đoán được ý đồ tiến công của ta ở Thượng Đức nên đã tăng cường phòng ngự và đổ thêm xuống Thượng Đức hai đại đội và cho đưa bớt những gì nặng nề về phía sau, pháo lớn lui về gần cầu Chìm. Chúng còn cho biệt kích nằm sẵn ở các mỏm đồi phía tây bắc để khi ta đánh Thượng Đức sẽ tập kích sau lưng.

5 giờ 1 phút ngày 28-7 -1974, pháo ta bắn mãnh liệt vào khu quân sự Thượng Đức sau đó bộ binh vượt qua khu rừng keo tiến xuống cánh đồng chiếm các tiền đồn A, B, C, Gò Cấm, Ba Khe. Kho đạn của địch bốc cháy, nhiều công sự lô cốt bị phá huỷ. Bộ đội dùng bộc phá mở hàng rào.Ở hướng chính, Tiểu đoàn 7 do không diệt được trung đội bảo an và bị một khẩu 12,8 ly của địch ở Trúc Hà bắn lướt sườn nên không tiến lên được. Khi pháo 85 của ta diệt được khẩu 12,8 ly và trung đội bảo an, Tiểu đoàn 7 tiếp tục đưa lực lượng vào đột phá nhưng cũng không thành công. Hướng tiểu đoàn 9, khi ta mở đến hàng rào thứ tư thì bọn địch đánh trả rất mạnh, nhiều anh em bị thương vong nên đành phải dừng lại. Đến chiều ta mới diệt được khu đồi Ông Máy. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go và quyết liệt cho tới ngày 31- 7- 1974, Trung đoàn 66 liên tục đưa lực lượng vào mở cửa nhưng địch chống trả dữ dội, Đại đội 2 và Đại đội 6 bị thương nhiều mà hàng rào vào quận lỵ vẫn chưa mở hết được. Trước tình hình khó khăn trên, sư đoàn lệnh cho trung đoàn ngừng tiến công và chuyển sang phòng ngự giữ bàn đạp đã chiếm được để tổ chức một cuộc tiến công mới. Sau những ngày chiến đấu đầu tiên ở Thượng Đức, quân số Trung đoàn 66 đã hao hụt nhiều. Gần 300 cán bộ, chiến sĩ thương vong.

Trong khi đó địch cũng ráo riết huy động lính củng cố, tăng cường công sự hầm hào. Phát hiện được lực lượng đang bao vây Thượng Đức là bộ đội chủ lực của ta vừa cơ động từ Quảng Trị vào, chúng đã cho máy bay đánh phá dữ dội vào đội hình vây lấn của sư đoàn. Bộ binh và xe tăng địch ở Đà Nẵng cũng chuẩn bị mở cuộc hành quân giải toả.

Đợt tiến công mới bắt đầu. Pháo bắn thẳng, pháo phòng không hạ nòng bắn tập trung diệt từng lô cốt một. Lúc này quân địch phản ứng rất nhanh, ta vừa bắn pháo chuẩn bị, chúng đã cho máy bay và trọng pháo đánh phá dữ dội khu vực cửa mở. Rút kinh nghiệm của đợt tiến công trước, đội hình bộ binh ta áp sát mục tiêu hơn và có công sự chu đáo nên thương vong không đáng kể. Cối 160 ly của ta nện chính xác vào khu trung tâm rồi đột nhiên chuyển làn, bắn một loạt hố đạn dích dắc làm nơi ẩn nấp cho bộ đội trên đường tiến. Hướng chủ yếu, bộ đội dùng bộc phá để mở cửa nhưng bị bọn địch nấp trong các lô cốt bắn trả quyết liệt. Hướng Tiểu đoàn 9, lúc 5 giờ 30 phút Đại đội 9 đã chiếm được tiền đồn C. Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Du dũng mãnh dẫn đầu tiểu đoàn xông lên, anh ra lệnh cho Đại đội 11 cởi áo và quần dài vứt ra hàng rào còn lại cho bộ đội có chỗ đặt chân nhảy qua, tiến công địch. Đại đội trưởng đại đội 10 Hoàng Văn Nam bình tĩnh chỉ huy đơn vị giằng co với địch từng lô cốt. Địch đã núng thế chạy tản ra các ngách để bắn vào lô cốt chính vừa bị ta chiếm. Trung đội trưởng Lữ Tung Hoành cùng trung đội phó Nguyễn Ngô Vinh dẫn đơn vị thọc sâu hỗ trợ cho trung đội của Nguyễn Huy Thường. Đại đội trưởng Hoàng Văn Nam trực tiếp chỉ hoả điểm địch vừa xuất hiện cho xạ thủ B41. Nguyễn Huy Thường chỉ huy trung đội phát triển rất sâu, vây chặt, lấn chặt. Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Hoà yểm hộ cho Trương Xuân Đào diệt địch ở cánh trái. Bùi Hữu Trụ dùng lựu đạn đánh chiếm từng hầm. Bắt được tù binh là anh hỏi ngay hầm ngầm ở đâu, tìm cách diệt bằng được.

Suốt một ngày và đêm chiến đấu liên tục, trên hướng Tiểu đoàn 9, ta đã nhanh chóng mở xong cửa đột phá và đánh chiếm được một số lô cốt, tuyến chiến hào thứ nhất. Khi phát triển vào trung tâm các mũi tiến công của quân ta bị chững lại trước hệ thống hoả lực dày đặc của địch. Quân địch ở Thượng Đức không còn cơ hội rút chạy đã điên cuồng đánh trả các cuộc xung phong của bộ binh ta. Máy bay A37 của địch cũng liên tục quần đảo bắn phá và bổ nhào cắt bom đánh ngay vào khu vực hàng rào căn cứ, chi viện cho quân đồn trú ở Thượng Đức giữ vững khu vực còn lại.

1 giờ sáng ngày 7-8 cán bộ chỉ huy sư đoàn hội ý thống nhất nhận định tình hình và đi đến quyết định: Chuyển hướng tiến công của Tiểu đoàn 9 thành hướng chủ yếu. Trung đoàn 66 mở đợt tiến công cuối cùng đánh chiếm quận lỵ Thượng Đức. Hoả lực của sư đoàn bắn chi viện cho Tiểu đoàn 8 tiếp tục mở cửa. Quả bộc phá nổ cuốn theo lớp hàng rào cuối cùng. Trung đội trưởng Chu Ngọc Oanh dẫn trung đội lao lên. Bọn địch hốt hoảng chui vào lô cốt ngầm bắn ra như điên dại. Từ một lô cốt ở địa thế cao bất thần xuất hiện một khẩu đại liên nhằm đúng hướng của ta nhả đạn, bộ đội không vượt lên được. Trung đội trưởng Chu Ngọc Oanh quyết định dùng bao cát bịt lỗ châu mai của địch để cả Đại đội 6 xông lên đánh chọc thẳng vào trung tâm. Tiểu đoàn 9 đã chiếm được khu bảo an và đang phát triển xuống khu cảnh sát, quận lỵ. Tiểu đoàn 7 từ hướng tây bắc đã sang hướng Tiểu đoàn 9, đột phá vào khu biệt động. 8 giờ 30 phút ngày 7- 8- 1974, lá cờ cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay trên cứ điểm Thượng Đức. Thượng Đức hoàn toàn được giải phóng.

Đại tá Phạm Quang Định
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #53 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2010, 09:52:14 AM »

Bài này đăng ở báo quảng nam sơ lược về trận đánh nhau của quân ta với quân dù nguỵ ở thượng đức

30 năm trước, Sư đoàn dù đã bị đánh quỵ ở Thượng Đức như thế nào ?
Thứ ba, 24 Tháng 10 2006 23:40

Sau khi để mất Thượng Đức - cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng ở  phía tây nam, địch quyết định điều động phần lớn sư đoàn dù lực lượng tổng dự bị chiến lược mở cuộc hành quân đánh chiếm lại Thượng Đức. Được Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn khích lệ,  tên sư trưởng sư đoàn dù hung hăng tuyên bố : "Nếu không tái chiếm được Thượng Đức thì xin thượng cấp giải tán sư dù”.

Ngày 16-8-1974,  lữ đoàn dù 1 và trung đoàn 2 sư đoàn 3 ngụy bắt đầu mở cuộc tiến công vào vùng giải phóng Thượng Đức theo hai hướng : Hướng thứ nhất theo trục đường số 14 đánh vào trận địa cua trung đoàn 3 - sư đoàn 304 của ta  ở  khu vực điểm cao 52, 126, 109, Hà Nha, Bàn Tân 2. Hướng thứ hai đánh vào trận địa tiểu đoàn 7 trung đoàn 66 trên các điểm cao phía tây Thượng Đức. Cậy có quân đông, hỏa lực mạnh, trong những ngày trung tuần tháng 8-1974, địch tổ  chức tiến công ồ ạt hòng nhanh chóng chiếm các trận địa của trung đoàn 3 để tạo bàn đạp đánh vào Thượng Đức.

Thế nhưng, sau 13 ngày tiến công vào khu vực điểm cao 52, Bàn Tân 2 không thành công, bọn chỉ huy sư đoàn dù ngụy quyết định bỏ hướng đường 14 để tập trung đánh lên các điểm cao 109,  700, 1062. Về chiến thuật, địch bỏ lối đánh ồ  ạt chuyển sang áp dụng chiến thuật "lấn dũi" (đa từng được dùng vào năm 1972  ở  miền tây Quảng Trị). Chúng hy vọng,  với cách đánh "lấn dũi" cộng với bom,  pháo bắn vào trận địa ta, quân ta sẽ bị hao mòn dần,  không còn  đủ sức giữ trận địa. Và khi đó, chúng sẽ "gặm nhấm" dần vùng giải phóng Thượng Đức.

Đối mặt với lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, ở  thời điểm này, lực lượng của ta gặp rất nhiều khó khăn :  Quân số hao hụt nhiều sau chiến dịch giải phóng Thượng Đức.  Đạn súng lớn phải tính từng viên trong ngày,  bộ đội ngày đêm giữ chốt  không chỉ đối phó với bom đạn mà còn phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt : mưa nhiều,  hầm sụt lở từng mảng,  trong hầm lúc nào cũng có nước và bùn ngập tới mắt cá chân. Đường vận chuyển, tiếp tế luôn gặp ách tắc. Ăn uống thiếu  thốn lại phải chiến đấu căng thẳng khiến sức khỏe của chiến  sĩ ta giảm đi rõ rệt. Thêm vào đó, chiến  thuật "lấn dũi" của địch tỏ ra có hiệu quả : Một số chốt (như 700, 109, 383) của ta bị địch chiếm. Việc mất một số cao điểm  đã có ảnh hưởng đến tư tưởng và tinh thần chiến đấu của một số cán bộ,  chiến sĩ.

Trước tình hình đó,  cuối tháng 10-1974, Đảng ủy Sư đoàn 304 họp mở rộng và thống nhất nhận định : Địch tuy chiếm được một số chốt nhưng chúng đã  bị động và sa lầy  ở mặt  trận Thượng Đức. Quyết tâm của Đảng ủy sư đoàn là nhanh chóng rút kinh nghiệm chiến đấu,  tổ chức lại trận địa phòng ngự,  nhất là hầm hào, chặn đứng sư đoàn dù, đánh bại âm mưu tái chiếm Thượng Đức.

Lúc này,  đồng chí Hoàng Đan, Tư lệnh phó Quân đoàn 2 trở lại Thượng Đức cùng với trung đoàn 24, hai tiểu đoàn công binh và 4.000 viên đạn pháo cối để hỗ trợ cho lực lượng đang bảo vệ Thượng Đức.  Trong hồi ký của mình, ông cho biết : Vào đến sư đoàn,  việc đầu tiên tôi đề xuất với Bộ Chỉ huy sư đoàn là phải tiến hành tập huấn về phòng ngự ngay cho cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn. Mỗi lớp tập huấn được tổ chức 3 ngày. Một hình  mẫu trận địa được xây dựng ngay cạnh lớp học. Các cán bộ được tự do nêu ý kiến phân tích, tranh luận đến cùng. Kết thúc lớp học, đồng chí  Hoàng Đan nêu vấn đề : Với hệ thống chốt được xây dựng thành nhiều tuyến,  cho dù địch cứ 3 ngày lấn chiếm được một chốt của ta thì cũng phải mất 3 tháng địch mới mò tới Thượng Đức. Ba tháng nữa là đã đến mùa khô, tình hình lúc đó lại đã khác rồi.

Tuy chỉ tổ chức tập huấn trong 3 ngày nhưng nhờ xây dựng trận địa làm mẫu, nội dung huấn luyện sát với những thực tế đòi hỏi nên hiệu quả mang lại rất cao : Tất cả cán bộ đều biết cách xây dựng trận địa, biết cách đánh và tin tưởng  ở  cách đánh. Với khẩu hiệu : "Tất cả cho phía trước”.  "Tất cả để chiến thắng quân  dù”,  cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn mặt trận Thượng Đức đều hướng về các trận địa chốt lao động quên mình, khắc phục mọi khó khăn để chuyển vật liệu  đạn dược, gạo lên phía trước.

Ngày 28-10-1974, sư đoàn 304 tổ chức một trận phản kích, chiếm lại toàn bộ điểm cao 1062. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 sư đoàn dù.

Tháng 11-1974, sư đoàn dù đưa tiếp lữ dù 2 vào cuộc chiến. Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta nhận định : Địch tung lực lượng dự bị vào không phải để thay đổi thế trận mà chủ yếu là hoạt động hỗ trợ cho lữ dù 1 và 3 đã mất sức chiến đấu. Với lực lượng mới này, địch chỉ đủ quân để rải ra trên các tuyến chiến đấu với ta chứ không thể có lực lượng tiến công nữa.

Thực hiện chủ trương của Bộ  Chỉ huy chiến dịch,  khi  lữ dù  2 vừa chân ướt chân ráo đến khu vực tập kết,  pháo binh ta đã đánh phủ đầu khiến chúng bị thương vong khá nhiều.  Ta còn cho trinh sát luồn vào nơi đóng quân của địch để tập kích trận địa pháo, đốt cháy kho đạn. Công binh của sư đoàn 304 dùng đạn pháo chưa nổ của địch liên kết với mìn làm giàn phóng vào đội hình chúng gây hoang mang, lo sợ,  không hiểu ta đã có vũ khí gì mới.

Cuối tháng 12-1974, qua 4 tháng bị giam chân  ở  chiến trường rừng núi, sư đoàn dù, một sư đoàn được coi là thiện chiến bậc nhất nằm trong lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, đã bị đánh quỵ ở  mặt trận Thượng Đức. Điều này cho phép khẳng định : quân chủ lực ngụy không thể đương đầu nổi với quân chủ lực của ta. Và,  ngày toàn thắng giải  phóng miền Nam, thống nhất  đất nước - không còn xa nữa.


Thu Minh

Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Thượng Đức

.
Chiến thắng Thượng Đức đã đi vào lịch sử của vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ và của cả nước với vị trí là trận thắng bước ngoặt, tạo đà cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng tiến tới tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức. (Ảnh tư liệu)
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức. (Ảnh tư liệu)
Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), Đảng ta quán triệt tinh thần tuyệt đối tuân thủ những điều khoản mà các bên đã thống nhất, chủ trương đấu tranh chính trị quần chúng, không sử dụng đấu tranh vũ trang. Ngược lại, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn trắng trợn phá hoại hiệp định. Tại chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, chỉ hai giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân Việt Nam Cộng hòa tập trung càn quét các vùng tây Duy Xuyên, vùng B Đại Lộc và các vùng tranh chấp giữa hai bên. Trong nội thành Đà Nẵng, chúng thành lập lực lượng cảnh sát dã chiến, được trang bị đầy đủ đánh phá các lực lượng cách mạng, đàn áp nhân dân, lợi dụng thời cơ dồn dân chiếm đất.
Trước tình hình đó, nhằm đối phó với mưu đồ lật lọng của kẻ thù, Đảng ta quyết định chuyển sang chuẩn bị lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược. Tại Hội nghị lần thứ 21 vào tháng 7-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích tình hình và đề ra Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”; khẳng định cách mạng miền Nam chỉ có thể giành thắng lợi bằng con đường vũ trang cách mạng. Tháng 8-1973, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy khu V triệu tập Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà để truyền đạt tinh thần Hội nghị Trung ương 21 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ để đưa phong trào đấu tranh ở Quảng Nam và Đà Nẵng phát triển kịp với tình hình mới. Bộ máy tổ chức cán bộ, các lực lượng quân đội, biệt động, tự vệ được phục hồi và củng cố vị trí như trước khi ký Hiệp định Paris.
Thường vụ Khu ủy Khu V xác định nhằm đột phá dứt điểm khai thông toàn bộ chiến trường sau trận thắng Nông Sơn - Trung Phước thần tốc chỉ trong vòng 1 ngày đêm (từ đêm 17-7-1974 đến chiều ngày 18-7-1974), Thượng Đức được chọn là trận đánh tiếp theo và buộc phải thắng cả trên mặt trận quân sự lẫn chính trị bởi tính chất cực kỳ quan trọng của cứ điểm này. Nhiệm vụ quân sự là phải tiêu diệt gọn quân địch. Về chính trị là phải giải phóng cho được hơn một vạn dân trong khu dồn; đồng thời từ trận đánh này cho phép ta nhận định khả năng ứng phó của quân chủ lực của chính quyền Sài Gòn sau khi Mỹ rút để so sánh tương quan lực lượng đôi bên nhằm làm cơ sở để Trung ương đề ra những chủ trương, chiến lược mới trong chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nói về Chi khu quận lỵ Thượng Đức: Nằm ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày nay, nơi ngã ba sông Côn gặp sông Vu Gia, cạnh tỉnh lộ 609, cách thành phố Đà Nẵng chừng 45km về phía tây nam. Phía tây dựa vào dãy Trường Sơn với nhiều vách đá dựng đứng, phía nam và đông bắc được bao bọc bởi các con sông. Theo đánh giá của địch, Thượng Đức là một “căn cứ bất khả xâm phạm” nằm trong thế phòng thủ chung thuộc Vùng I chiến thuật của chúng. Với địa hình hiểm trở như vậy, chỉ huy của ta nhận định căn cứ Thượng Đức chỉ có thể tiếp cận được từ phía tây. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, ta đã có thông tin: Mỹ-chính quyền Sài Gòn có bố trí tiền đồn bảo vệ và hoàn toàn có thể phát hiện đối phương từ xa. Chúng xây dựng tại đây hệ thống 35 lô cốt lớn và hầm ngầm bằng bê-tông cốt thép hai tầng, hàng trăm lô cốt tiền duyên, ụ súng nửa chìm, nửa nổi. Tất cả mọi hoạt động khi xảy ra tác chiến đều ở dưới mặt đất, nên rất khó cho đối phương phát hiện mục tiêu.
Nói về cứ điểm này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kiêu hãnh đặt cho tên gọi “Mắt ngọc của đầu Rồng”. Còn Tỉnh trưởng Quảng Nam trước trận đánh khẳng định chắc nịch đây chính là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm, một điểm chiến lược dễ thủ khó công, là niềm tự hào, là chỗ dựa đáng tin cậy của Vùng I chiến thuật, của căn cứ quân sự liên hợp miền Trung. Nhờ “mắt ngọc” này, địch dễ dàng quan sát và đánh phá đường tiến quân của ta từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Hơn nữa, để tiến quân vào giải phóng Đà Nẵng buộc quân ta phải vượt qua được “thách thức” này vì đây là tiền đồn chiến lược bảo vệ căn cứ quân sự và sân bay Đà Nẵng.
Quân địch kiêu ngạo thách thức bao giờ nước Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới chiếm được Thượng Đức (!). Bởi chúng hoàn toàn tự tin với lối bố trí công sự cẩn mật, tập trung hỏa lực mạnh, quân số đông (có những thời điểm tính cả quân tại chỗ và lực lượng ứng cứu của địch lên đến 16 ngàn tên, trận địa pháo tầm xa và pháo cơ động của Sư đoàn 3 lính ngụy từ 65 – 70 khẩu các loại...); ngoài ra, địch còn chuẩn bị lực lượng yểm trợ chi viện trực tiếp từ các cứ điểm Ba Khe, động Hà Sống, Núi Lở, khi cần có thể điều đến 60 lượt máy bay/ngày từ Đà Nẵng lên viện trợ cho Thượng Đức. Nham hiểm hơn, địch cho dồn 13.000 dân các xã lân cận và thị trấn Hà Tân vào xung quanh căn cứ để dễ bề kìm kẹp và làm bia đỡ đạn cho chúng khi cần.
Trước âm mưu và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, nhiệm vụ giải phóng và làm chủ Chi khu quận lỵ Thượng Đức ngày càng trở nên bức thiết, vừa có tính chiến dịch tại chỗ, vừa có tính chiến lược lâu dài. Tiêu diệt lực lượng địch ở đây là xóa bỏ một mắt xích phòng ngự vững chắc, phá toang “cánh cửa thép”, uy hiếp trực tiếp phía tây nam Đà Nẵng, giải phóng hơn một vạn dân và một vùng địa bàn rộng lớn, từng bước đánh bại kế hoạch “Bình định lấn chiếm” của địch. Cũng tại đây, hỏa lực tầm xa của ta có thể uy hiếp được sân bay Đà Nẵng và Sở chỉ huy Vùng I của chính quyền Sài Gòn, tạo một đòn tấn công mạnh và hiểm vào Đà Nẵng khi thời cơ chiến lược chín muồi.
Đầu tháng 6-1974, Sư đoàn 304 được tăng cường Trung đoàn 3, cùng với Sư đoàn 324 chính thức nhận nhiệm vụ: Phối hợp cùng với Quân khu 5 kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng với sự nổi dậy của quần chúng tiêu diệt Chi khu quận lỵ Thượng Đức, giải phóng nhân dân. Chiến dịch mang biệt danh “K711” sau nhiều ngày đêm ròng rã, với sự giúp sức của nhân dân, quân ta bí mật vận chuyển vũ khí, lương thực áp sát mục tiêu. Có nhiều cách làm sáng tạo được phát huy trong vận chuyển vũ khí và chiến đấu. Khai thác lợi thế địa hình có sông, quân ta cho một số khẩu pháo nặng xuống thuyền, bè mảng xuôi về cứ điểm.
Đêm trước ngày nổ súng, bộ đội và dân công đẩy kéo pháo 85 ly vượt qua bãi lầy và hai dốc lên điểm cao 118 để ngắm bắn trực tiếp diệt lô cốt mẹ và cứ điểm tiền tiêu. Trong các đợt tấn công đầu, do quân địch còn rất mạnh, chống trả ác liệt, hỏa lực từ các lô cốt địch được chuẩn bị công phu, có sức công phá lớn, trong khi quân ta chưa nắm chắc địa hình, tổ chức bố trí binh hỏa lực chưa thật phù hợp... nên cuộc chiến diễn ra khá giằng co, cả quân số của ta và địch đều thương vong khá nhiều.
Sau khi họp bàn rút kinh nghiệm đề ra kế hoạch tác chiến mới, tổ chức lại lực lượng, ta chuyển từ chiến thuật đánh nhanh thắng ngay sang “bao vây đánh lấn”. Với sự giúp sức quên mình của nhân dân địa phương, ta có sáng kiến khai thác cây song mây loại lớn về làm dây chằng, ròng rọc, đốn cây rừng làm đòn khiêng. Đến nửa đêm 5-8-1974, các khẩu pháo đã nằm vào đúng vị trí như kế hoạch, sẵn sàng đợi lệnh để dội bão lửa xuống quân thù. Rạng sáng 7-8-1974, khi lớp sương mù dày đặc trên các sườn núi vừa tan, từ trên cao dùng ống nhòm có thể nhìn thấy rõ từng tên lính và công sự địch, thì các khẩu pháo bắn thẳng từ trên đồi nhả đạn tới tấp vào công sự cố thủ của chúng.
Sức công phá và sức nóng như thiêu đốt của đạn pháo gây nên nỗi kinh hoàng chưa từng có trong quân địch. Quân địch hoảng loạn, kéo chạy hàng loạt về phía đông, nhiều tên nhảy xuống nước. Hàng trăm tên rơi vào ổ phục kích của ta và bị bắt sống. Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng bị trúng đạn, biết không thể thoát nên đã tự sát tại chỗ. Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng 79 biệt động quân Hà Văn Lầu và quận phó Vũ Trung Tín bị bắt. Đến 8 giờ 15 phút sáng 7-8-1974 “cánh cửa thép” đã bị mở toang, căn cứ Thượng Đức hoàn toàn sụp đổ.
Lá cờ chiến thắng của quân ta đã tung bay trên nóc hầm công sự Thượng Đức. Sư đoàn 304 làm chủ hoàn toàn Chi khu quân sự Thượng Đức, tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động quân 79, san bằng hệ thống cứ điểm kiên cố án ngữ phía tây nam thành phố Đà Nẵng. Không dừng lại ở đó, với khí thế phấn khởi của chiến thắng vang dội, quân ta gan dạ chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng đất vừa giành lại được, đánh bại cả âm mưu phản kích điên cuồng của Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho máy bay A37 quần đảo ném bom hủy diệt hòng “tái chiếm Thượng Đức”, nhưng tất cả đều thất bại.
Từ chiến thắng Thượng Đức đến chiến dịch giải phóng Đà Nẵng và Cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa lịch sử:
- Chiến thắng Thượng Đức như tiếp thêm sức mạnh cho ta tiến tới tiêu diệt các cứ điểm: Hòn Chiêng, Núi Gai, Động Mông, Lạc Sơn, Đá Hàm, ép địch lui về Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn. Nhờ sự giúp sức mạnh mẽ của Sư đoàn 2, lực lượng vũ trang Quảng Nam, Quảng Đà tiêu diệt 70 cứ điểm, mở rộng vùng giải phóng ở huyện Điện Bàn, tây Tam Kỳ, Quế Sơn, bức hàng trung đội dân vệ Gò Đa, phá sập cầu Thủy Tú, Giao Thủy, Bà Bầu, bắn phá sân bay, đánh chìm tàu quân sự tại quân cảng Đà Nẵng, thành phố của thủ phủ miền Trung trong tình thế bị cô lập, uy hiếp.
Cũng từ thắng lợi quân sự này, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển mạnh mẽ bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), quần chúng liên tục tấn công địch buộc chúng rút khỏi nhiều thôn ở Phú Hương, Rừng Lớn (Quế Sơn), Vườn Cốc (Tam Kỳ)… phá vỡ nhiều khu dồn, vận động binh lính phản chiến… Phong trào đấu tranh cách mạng lên cao hơn lúc nào hết, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
- Nói về chiến thắng Thượng Đức, Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công nhận xét: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ phá tan “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng, mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Từ thực tiễn đó góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân lịch sử năm 1975”.
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trận Thượng Đức cho phép ta rút ra nhận định: Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của địch. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: Địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh”. Nhận định đầy sức thuyết phục này của Đại tướng liên quan rất lớn đến hạ quyết tâm chiến lược với những trận quyết chiến giành toàn thắng.
- Chiến thắng Thượng Đức cũng được nhắc đến trong Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30-9-1974 đến 8-10-1974, như để khẳng định thêm thời cơ của cách mạng Việt Nam, là niềm cổ vũ lớn lao, có sức lay động mãnh liệt tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta không chỉ ở Quảng Nam-Đà Nẵng mà còn trên nhiều chiến trường, không chỉ trên mặt trận quân sự mà cả trên đấu tranh chính trị và ngoại giao. Từ cột mốc quan trọng đó, Bộ Chính trị khẳng định đã đến thời điểm ra trận quyết chiến cuối cùng giành toàn thắng và chọn Tây Nguyên là chiến trường chính trong hoạt động mùa khô của toàn miền Nam.
Trung ương quyết định lấy Buôn Ma Thuật làm trận mở màn của chiến dịch nam Tây Nguyên vì đây là thủ phủ Tây Nguyên thuộc tỉnh Đắc Lắc nằm trên trục đường 14 và 21, thuận lợi cho việc phát triển chiến đấu của các tỉnh Tây Nguyên xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ, rộng đường cho giải phóng toàn miền Nam, thống nhất nước nhà như di nguyện tha thiết của Bác Hồ trước lúc ra đi và cũng là mong mỏi cháy bỏng của mỗi người dân Việt Nam, nhất là đồng bào miền Nam từng ngày từng giờ đang rên xiết dưới sự kìm kẹp của quân thù.
… Thấm thoắt thời gian đã 40 năm trôi qua! Khoảng thời gian chưa phải quá dài đối với đời người, lại càng ngắn so với bề dày lịch sử của một dân tộc gan góc dạn dày qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó cũng đủ cho chúng ta, những người đã đi qua kháng chiến và kể cả lớp thanh niên sinh ra và lớn lên trong hòa bình suy ngẫm nhìn lại, cúi đầu tri ân trước sự hy sinh cao cả của biết bao anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công cách mạng, trong đó có cả những chiến sĩ trận đánh Thượng Đức anh hùng. Trận đánh đã đi vào lịch sử của vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ và của cả nước với vị trí là trận thắng bước ngoặt, tạo đà cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng tiến tới tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.
Chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Tượng đài chiến thắng Thượng Đức hòa cùng hồn thiêng sông núi, sống mãi với dân tộc Việt Nam!
NGUYỄN VĂN CHI
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương,
nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH