KÝ ỨC CHÓI LỌI 118

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Trận Làng Vây Năm 68 – Quân Giải Phóng Như Cơn Lốc Quét VNCH Chỉ Trong 4 Tiếng Hiệp Đồng Binh Chủng

Trận Làng Vây, nét đặc sắc của tác chiến hiệp đồng binh chủng

QĐND - Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng trận tiến công Cứ điểm Làng Vây tháng 2-1968 - trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng của quân đội ta vẫn để lại ký ức khó quên và những bài học kinh nghiệm về tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc...

QĐND - Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng trận tiến công Cứ điểm Làng Vây tháng 2-1968 - trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng của quân đội ta vẫn để lại ký ức khó quên và những bài học kinh nghiệm về tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc.
Cứ điểm Làng Vây nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, cách quận lỵ Hướng Hoá 7km và cách sân bay Tà Cơn 8km về phía tây nam, nằm trên trục Đường 9, từ Lao Bảo đi Đông Hà, Quảng Trị. Phía nam Cứ điểm có độ dốc tương đối lớn, cách Cứ điểm khoảng 2km là làng Troài và dòng sông Xê Pôn, chạy dài theo chiều tây bắc, đông nam. Đây là phía sau lưng địch và là hướng địch chủ quan, phòng ngự sơ hở, mỏng yếu.
Cứ điểm Làng Vây tương đối độc lập, được địch bảo vệ bằng 5 lớp hàng rào kẽm gai, chia thành 6 khu, có một tiểu đoàn biệt kích đóng giữ, dưới sự chỉ huy của các cố vấn Mỹ. Tổng lực lượng địch lên tới hơn 1000 tên.
Lực lượng của ta tham gia tiến công Cứ điểm Làng Vây gồm có: Trung đoàn 24 thiếu 1 tiểu đoàn, Tiểu đoàn bộ binh 3 Sư đoàn 325; 2 đại đội xe tăng (3 và 9) thuộc tiểu đoàn 198; 1 tiểu đoàn pháo lựu 122mm; 1 đại đội pháo phòng không 37mm và 3 xe AM bảo đảm phòng không; 2 đại đội đặc công; 2 tiểu đoàn công binh công trình; 1 trung đội M72.
Sơ đồ trận tiến công Cứ điểm Làng Vây của Trung đoàn 24 ngày 7-2-1968 . Ảnh Ngọc Mai
Ngày 4-2-1968, Trung đoàn 24 được cấp trên chính thức giao nhiệm vụ tiến công Cứ điểm Làng Vây. Hướng tiến công chủ yếu do Tiểu đoàn bộ binh 3 đảm nhiệm. Giai đoạn hoả lực chuẩn bị thực hành mở cửa, đánh chiếm đầu cầu từ 23 giờ 15 phút ngày 6-2 đến 0 giờ ngày 7-2-1968. Sau 10 phút hoả lực bắn phá, lúc 23 giờ 25 phút, Đại đội xe tăng 9 bật đèn pha theo đường ôtô vào chiếm lĩnh trận địa triển khai, dùng hoả lực tiêu diệt ụ súng, lô cốt chi viện cho bộ binh, đặc công  mở cửa. Thấy bộ binh mở cửa chậm, xe tăng 1 tiến lên sát hàng rào thứ 2 chi viện cho mở cửa, bắn được 2 quả thì xe tăng 1 trúng đạn, pháo thủ bắn thêm được 3 quả đạn nữa thì xe bốc cháy. Bộ binh, đặc công tiếp tục mở cửa, khi mở được 3 lớp hàng rào, địch phát hiện dùng hoả lực tập trung ngăn chặn quyết liệt không cho ta mở cửa. Vì vậy, đội mở cửa bị thương vong một số đồng chí. Đến 0 giờ ngày 7-2, sau khi chấn chỉnh lại lực lượng, Tiểu đoàn bộ binh 3 tiếp tục mở cửa và đã mở xong cả 5 lớp hàng rào. Lực lượng đột kích 1 cùng với Trung đội tăng 1 gồm: (xe tăng 2 và xe tăng 3) xung phong.
Hoả lực địch lúc này bắn mạnh vào hai bên sườn để chia cắt bộ binh với xe tăng. Xe tăng 3 do Đại đội trưởng Đại đội tăng 9 chỉ huy thọc thẳng vào khu cột cờ, không thấy bộ binh, nên xe tăng cũng dừng lại dùng hoả lực tiêu diệt hoả điểm địch, bộ binh theo xe tăng 2 tiếp tục phát triển diệt địch. Đại đội đặc công 40 cùng Trung đội tăng 2 gồm: (xe tăng 4,5,6) vượt qua cửa mở thọc thẳng vào khu VI ở phía đông. Xe tăng 6 sau khi vượt qua cửa mở dừng lại chi viện hoả lực cho bộ binh, xe tăng 4, xe tăng 5 xung phong thì bị trúng đạn bốc cháy, hy sinh 3 đồng chí trong đó có đồng chí Chính trị viên Đại đội tăng 9. Xe tăng 5 sau khi diệt xong lô cốt hoả điểm ở khu VI được lệnh phát triển sang khu I phối hợp với hướng thứ yếu 1 phía tây, mới cơ động 1 quãng xe tăng 5 bị địch bắn chặn, vì cự ly quá gần không sử dụng được pháo, pháo thủ mở nắp xe quan sát và dùng 12,7mm trên xe diệt địch và bị trúng đạn, đồng chí pháo thủ bị hy sinh…
Hoả lực địch lúc này phục hồi, bắn mạnh ra cửa mở khiến đột kích 2 và xe tăng 7 không vào được. Đột kích 1 và Trung đội tăng 1 đã đánh vào đến cột cờ chưa bắt được liên lạc với hướng thứ yếu 1, cùng lúc đó phát hiện hoả điểm địch đang bắn mạnh ra cửa mở, đột kích 2 chưa vào được lại tổ chức đánh từ trong đánh ra. Lúc 0 giờ 15 phút, đột kích 2 cùng xe tăng 7 đã vượt qua cửa mở đánh thẳng vào khu V, khu VI và đến 2 giờ 30 phút ngày 7-2 giải quyết xong khu V, bắt được liên lạc với Tiểu đoàn bộ binh 5 tiến công trên hướng thứ yếu 1.
Hướng tiến công thứ yếu 1 do Tiểu đoàn bộ binh 5 thiếu Đại đội 7 đảm nhiệm. Theo kế hoạch Đại đội 6 mở cửa ở bắc Đường 9, nhưng do bị lộ và thấy phía nam Đường 9 hàng rào thưa hơn nên đã chuyển về phía nam mở bằng bộc phá liên tục. 23 giờ 30 phút, Đại đội tăng 3, một bộ phận vượt qua đội hình Đại đội 6 chiếm lĩnh trận địa chi viện cho bộ binh mở cửa, đến 0 giờ 20 phút ngày 7-2 Đại đội 6 mở cửa xong, đột kích 1 vượt qua xe tăng 1 (đang nằm ở cửa mở), dùng B40, B41 tiêu diệt lô cốt, hoả điểm địch chi viện cho bộ binh, xe tăng xung phong. Trung đội tăng 1 có cả xe của đại đội trưởng cùng bộ binh xung phong. Xe tăng 1 trúng đạn, Xe tăng 2,3,4 nhanh chóng vượt qua xe tăng 1 đánh thẳng vào trung tâm bật đèn pha quan sát tiêu diệt các mục tiêu rất hiệu quả. Bộ binh cùng xe tăng đánh thẳng vào khu cột cờ, có lúc bộ binh vượt lên trước dẫn dắt xe tăng, số xe tăng còn lại ở ngoài cũng đã được lệnh bước vào chiến đấu. Đến 1 giờ 10 phút ngày 7-2, đột kích 1 bắt đầu đột phá khu trung tâm. Đến 2 giờ 25 giải quyết xong địch trên mặt đất, 2 giờ 30 bắt được liên lạc với hướng chủ yếu.
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 thấy địch bị tiêu diệt nhanh quá, sinh nghi và nhận định địch có thể rút xuống hầm ngầm liền ra lệnh cho các đơn vị lùng sục tìm hầm ngầm.
Tiểu đoàn 4 thiếu 2 đại đội đảm nhiệm tiến công hướng thứ yếu 2. 23 giờ 45 mới mở được 2 hàng rào thì bị hoả lực địch ngăn chặn quyết liệt, Tham mưu trưởng tiểu đoàn lên chỉ huy thì bị hy sinh, đại đội phó, đại đội trưởng cũng hy sinh, Chính trị viên thì bị thương nặng, đến 0 giờ 20 phút mở xong được hàng rào thứ 4 thì hết bộc phá. Lúc này, hoả lực địch phục hồi bắn rất mạnh ra cửa mở, Tiểu đoàn trưởng lệnh cho B41 tiêu diệt hoả điểm tạo điều kiện cho mở cửa mở, một mặt đề nghị trung đoàn tăng cường bộc phá, mặt khác ra lệnh dùng kìm, kéo cắt hàng rào để chui vào. Lúc 1 giờ 10, Tiểu đoàn trưởng lệnh cho B41 tiêu diệt hoả điểm địch ở lô cốt số 2 và tự tay nâng dây thép để bộ đội chui qua hàng rào số 5 và 1 giờ 20, đột kích 1 đã chui qua hàng rào 5 vào chiến đấu, 1 giờ 30 bộc phá và cắt rào xong, lực lượng còn lại của đột kích 1 tiếp tục vào đánh chiếm. Đến 2 giờ 40 làm chủ hoàn toàn phía đông bắc Cứ điểm.
Sau khi làm chủ trên mặt đất, bắt được tù binh địch khai ra hầm ngầm có cả Mỹ-nguỵ ở dưới đó, Trung đoàn trưởng 24 ra lệnh đánh hầm ngầm. Địch trong hầm ngầm bắn ra rất mạnh, Tham mưu trưởng Trung đoàn lệnh bắn 3 quả B41 nhưng không có kết quả và đạn B40, B41 đã hết. Tham mưu trưởng ra lệnh khênh 1 tấm bê tông lớn đập lên nóc hầm ngầm kết hợp địch vận gọi hàng. Kết quả có 50 tên ra hàng. Trong số tù binh mới bắt có tên khai là còn hầm ngầm nữa. Lúc này không quân địch đánh cả bom phá, bom bi vào trong Cứ điểm ta bị thương vong một số đồng chí. Trong Cứ điểm còn lại Đại đội 7 tản ra lùng sục truy quét địch, một số tên địch sống sót chạy tìm hầm ẩn nấp đã bị bộ đội Đại đội 7 tiêu diệt và bắt sống. Đến 11 giờ ngày 7-2-1968, trận tiến công  Cứ  điểm Làng Vây kết thúc giành thắng lợi.
Trận tiến công cứ điểm Làng Vây để lại bài học về xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng, có xe tăng của ta tham gia lần đầu tiên trên chiến trường Miền Nam. Điều làm cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn lo lắng cần tập trung giải quyết, đó là đơn vị chưa có kinh nghiệm đánh trong công sự vững chắc. Trước đó Trung đoàn đánh trận Huội San, tuy có kinh nghiệm bước đầu, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ đánh Làng Vây thì quá lớn đối với trung đoàn. Triển khai chiến đấu trong điều kiện gấp, thời gian nắm địch chưa nhiều, bộ đội mới vào chiến trường, thiếu kinh nghiệm từ việc ăn, ở, đi lại đến trú quân. Trước khi đánh phải đưa bộ đội đến làm quen, hợp luyện với xe tăng. Trước tình hình đó, trung đoàn kịp thời nắm bắt tình hình các mặt của đơn vị, nhất là tư tưởng của bộ đội. Lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đã kịp thời động viên, chấn chỉnh đội ngũ đi đôi với xây dựng quyết tâm, tổ chức luyện tập đánh địch trên sa bàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng cho đội ngũ cán bộ. Do vậy, đơn vị sôi nổi hẳn lên, cán bộ đại đội bồi dưỡng cho cán bộ trung đội, tiểu đội bồi dưỡng cho chiến sĩ của mình với tinh thần quyết tâm cao, dám đánh và quyết đánh thắng địch.
Trận Làng Vây cũng là trận ta đã quán triệt tốt phương châm “chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đánh chắc thắng”. Dù thời gian chuẩn bị chiến đấu gấp, nhưng công tác chuẩn bị chiến đấu khẩn trương, kiên quyết và thận trọng. Được biểu hiện trong việc nghiên cứu nắm địch, địa hình, thời tiết thuỷ văn trong khu vực tác chiến. Đặc biệt là địch, địa hình ở Cứ điểm Làng Vây và các địa hình có liên quan, để tạo lập thế trận hoàn chỉnh trước khi nổ súng tiến công, gây bất ngờ đối với địch. Quyết tâm chiến đấu sát với tình hình thực tiễn, có kế hoạch đánh đêm và sẵn sàng chuyển sang đánh ngày chu đáo.
Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm qua trận đánh này. Như nghiên cứu dự kiến địch bên trong Cứ điểm chưa triệt để, dẫn đến công tác chuẩn bị thiếu đồng bộ. Khi gặp tình huống đánh địch trong hầm ngầm xảy ra, chỉ huy còn lúng túng, buộc thời gian đánh địch phải kéo dài. Công tác tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng chưa được chặt chẽ. Bộ đội đánh nhanh, đánh lướt dẫn đến bỏ sót mục tiêu, buộc phải tổ chức đánh từ trong đánh ra gây tổn thất về lực lượng, phương tiện chiến đấu.
Đại tá, TS LÊ QUANG TRUNG (Khoa Chiến thuật-Chiến dịch, Học viện Chính trị)
 
Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng Nhiều Ca Sĩ Lyrics MV

Làng Vây 1968: tăng PT-76 “đứng vững” trước 100 phát M72?

(Kiến Thức) - Tại sao trong trận Làng Vây 1968, quân Mỹ bắn khoảng 100 phát đạn chống tăng M72 vào xe tăng PT-76 của Việt Nam nhưng không phá hỏng được chiếc nào?

"Sát thủ diệt tăng" không xuyên nổi giáp dày 20mm

Năm 1968, bước vào chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, lực lượng Tăng – Thiết giáp lần đầu tiên ra trận sau gần 10 năm ra đời (5/10/1959, Binh chủng Tăng – Thiết giáp ra đời với sự kiện Trung đoàn xe tăng 202 được thành lập).

Ngày 5/8/1967, Tiểu đoàn 198 thuộc Trung đoàn 203 được lệnh vào Nam chiến đấu. Tiểu đoàn 198 gồm 2 đại đội (đại đội 3 và 9) trang bị 22 xe tăng lội nước PT-76.

Ngày 14/10/1967, Tiểu đoàn 198 từ Lương Sơn – Hòa Bình bắt đầu hành quân vào Nam theo đường Trường Sơn. Để đảm bảo yếu tố bất ngờ trong lần đầu tiên ra trận của các xe tăng, công tác ngụy trang trong hành quân rất được chú trọng.

Sau 50 ngày đêm hành quân dưới bom đạn đánh phá ác liệt của địch, tiểu đoàn đã đến các điểm tập kết. Đại đội 3 vượt 813 km tập kết ở Nậm Khang, Đại đội 9 vượt 1.438 km tập kết ở ngã ba Mường Noọng, phía nam đường 9.

Lần đầu xuất hiện tại chiến trường, đơn vị xe tăng 198 được giao nhiệm vụ hiệp đồng với bộ binh tiêu diệt địch tại căn cứ Làng Vây – một tiền đồn của Khe Sanh.
Xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 của quân đội ta chỉ bọc giáp dày 20mm (vị trí dày nhất).

Cứ điểm Làng Vây là một tiền đồn của của căn cứ Khe Sanh nằm trên đường 9. Tại đây có 4 đại đội Ngụy quân cùng với một số sĩ quan Mỹ chỉ huy, được trang bị hỏa lực rất mạnh gồm nhiều pháo cối, pháo không giật ĐKZ, súng phóng lựu M-79 và súng chống tăng M72.

Trong số các loại vũ khí ở Làng Vây, đáng lưu ý là có sự xuất hiện của súng chống tăng M72 LAW được đưa vào trang bị trong quân đội Mĩ năm 1963. Súng có cỡ 66mm, dài 0,89m, nặng 2,5kg. Tầm bắn hiệu quả 150-170m, tầm bắn tối đa lên đến 1.000m, khả năng xuyên giáp được cho là lên đến 300mm.

Khi tham chiến ở Việt Nam, M72 LAW được tuyên bố là có tính năng kĩ chiến thuật ngang với súng chống tăng RPG-7 (Việt Nam gọi là B-41) của Liên Xô.

Trước một loại xe tăng hạng nhẹ như PT-76 (nơi giáp dày nhất chỉ là 20mm), rõ ràng M72 LAW chỉ cần đạt được một phần nhỏ những tính năng lí thuyết là đã có thể hạ gục được đối phương.

Những thực tế diễn biến lại khác, trận đánh bắt đầu lúc 23h30 ngày 6/2/1968 với lực lượng ta gồm: Trung đoàn bộ binh 24, 2 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn pháo và 2 đại đội đặc công cùng với Tiểu đoàn xe tăng 198.

Sau loạt đạn của pháo binh bắn chế áp mục tiêu, các mũi tiến công xông lên tấn công cửa mở từ 3 hướng. Ở hướng Tây và Nam, xe tăng lần đầu xuất hiện đã tỏ rõ giá trị đột kích của nó. Các hàng rào trước đây bộ binh phải vất vả mở bằng bộc phá thì nay chẳng khác gì mạng nhện với xe tăng. Các lô cốt hoặc bị hỏa lực của pháo từ xe tăng bắn sập hoặc bị xe lao vào húc đổ, dùng xích sắt nghiền nát.

Nhờ sức đột kích lớn của xe tăng, đến 1h ngày 7/2, các cánh quân ta đánh vào đến trung tâm cứ điểm và nhanh chóng đánh chiếm nốt các khu vực còn lại. Đến sáng ngày 7/2, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Làng Vây, diệt và bắt sống toàn bộ quân Mỹ - Ngụy và Lào chốt giữ ở đây.
PT-76 đã đánh bại được "sát thủ diệt tăng" M72 và "nghiền nát" cứ điểm Làng Vây.

Trong trận đánh này ta cũng bị địch đáng hỏng vài xe tăng, nhưng “tác giả” không phải là “sát thủ diệt tăng” M72 LAW mà là vũ khí khác.

Theo một số tài liệu, trong trận đánh Làng Vây, trước xe tăng PT-76, súng chống tăng M72 đã thể hiện rất tồi. Hơn 100 phát đạn bắn ra, hoặc bắn trượt, hoặc trúng vào lớp giáp nghiêng của PT-76 và … bật ra ngoài.

Vậy tại sao một loại vũ khí diệt tăng của nền quốc phòng tiên tiến bậc nhất thế giới lại thua thảm hại trước xe tăng bọc giáp dày 20mm PT-76.

Tại sao M72 LAW vô dụng?


Sự tệ hại của súng chống tăng M72 LAW nằm ở cơ cấu điểm hỏa, điểm hỏa từ dưới lên. Trong khi đó, súng chống tăng B-41 sử dụng trạm truyền nổ chữ U.

Với trạm truyền nổ chữ U trên đạn B41, khi nổ thì khối vật chất năng lượng cao tạo bởi tấm tích năng lượng nổ được dồn thành một hình cầu nhỏ, tập trung năng lượng ở cả chiều ngang và chiều dài. Khối vật chất nén có mật độ rất cao, với tấm tích năng lượng bằng đồng, có mật độ 20-30 tấn/m3. Chính vì vậy, nó tạo lỗ khoan nhỏ (xuyên vào giáp xe), ít tốn năng lượng cho mỗi đơn vị chiều sâu và nhờ đó xuyên sâu hơn. Điều này cũng lí giải vì sao ngay cả xe tăng M1 Abrams hiện đại nhất của Mĩ cũng bị đạn B41 xuyên thủng.

Còn với loại đạn có trạm truyền nổ từ dưới lên như M72, phản ứng nổ vượt trước khối vật chất năng lượng cao, vì tốc độ nổ là 9km/s, trong khi đó tốc độ dòng vật chất năng lượng cao chỉ đạt cao nhất 2km/s. Điều này khiến việc nổ phía trước cản trở chuyển động của vật chất năng lượng cao đi chậm hơn.

Với cơ cấu truyền nổ này, khối vật chất năng lượng cao không dồn thành một hình cầu như trạm truyền nổ chữ U, mà kéo dài thành hình “que đũa”. Mỗi đoạn của “que đũa” dài có năng lượng thấp, sẽ bị giáp nghiêng đẩy ra ngoài phần lớn năng lượng, và cả “que đũa” không tập trung sẽ có các đoạn lần lượt bị đẩy ra ngoài. Đây chính là điều đã “hạ nhục” M72, khiến nó trở thành “thùng rỗng kêu to” khi tính năng được cho là tương đương B-41, nhưng không xuyên qua nổi giáp dày 20mm của xe tăng PT-76.
Binh sĩ Mỹ với súng chống tăng M72 LAW.

Không chỉ có sức xuyên kém mà tầm bắn hiệu quả của M72 cũng rất thấp. Do đây là loại súng dùng một lần, không có kính ngắm. Trong khi đó, xạ thủ B-40, B-41 lại phải nắm rất nhiều công thức ước lượng tầm, ước lượng cự li, có yếu lĩnh bắn nên đương nhiên súng phải chính xác hơn.

Tuy nhiên, M72 lại có một mặt mạnh về chiến thuật. Đây là một súng dùng một lần, dễ sử dụng. Với B-41 thì cả tiểu đội mới có một khẩu, còn M72 thì bất cứ lính bộ binh nào cũng có thể mang theo như một vũ khí dùng thêm. Trong chiến đấu, khi xe tăng địch vào gần thì đồng loạt khai hỏa, hỏa lực của tiểu đội sẽ tăng lên rất mạnh. Nếu cần, cũng có thể sử dụng nhiều M72 bắn đồng loạt như một dàn hỏa tiễn, để áp chế đội hình địch.

Nhìn chung, M72 LAW là một “nỗi xấu hổ” với nền công nghiệp quốc phòng Mĩ. Khẩu súng tự cho là tương đương súng chống tăng B-41, nhưng không bắn xuyên được giáp của xe tăng hạng nhẹ PT-76.
Trận đầu ra quân đánh thắng của bộ đội Tăng - Thiết giáp
5/2/2015 23:12'
Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày ra quân đánh thắng trận đầu (06-02-1968 - 06-02-2015), chúng tôi đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (nguyên trưởng xe tăng 555, Tiểu đoàn xe tăng 198 Anh hùng) về sự kiện lịch sử quan trọng này.

PV: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, bộ đội xe tăng lần đầu tiên ra quân đánh thắng trận đầu ở Làng Vây, Thiếu tướng vui lòng cho biết đôi điều về trận đánh này?

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu: Sau 9 năm thành lập, bộ đội Tăng - Thiết giáp ra quân và đánh thắng trận đầu ở Làng Vây. Trận đánh diễn ra đêm ngày 6 rạng ngày 07-02-1968. Với ý chí quyết tâm sắt đá và sức mạnh trí tuệ Việt Nam, bộ đội Tăng - Thiết giáp đã vượt qua mọi khó khăn ác liệt, bí mật, bất ngờ, cơ động lực lượng đưa xe tăng bơi dọc sông Sê Pôn, đẩy địch vào thế bất lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho ta nhanh chóng tiêu diệt quân địch, nên trận đánh cứ điểm Làng Vây diễn ra nhanh gọn, đạt hiệu suất chiến đấu cao, giành thắng lợi giòn giã. Sau 4 giờ chiến đấu dũng cảm, ta đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Ngụy phòng ngự trong công sự vững chắc trên điểm cao. Xe tăng cùng bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống gần 1.000 tên địch, thu toàn bộ vũ khí trang bị. 3 giờ sáng ngày 07-02-1968, ta cơ bản chiếm xong cứ điểm và làm chủ trận địa.

Ra quân đánh thắng trận đầu, bộ đội Tăng - Thiết giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột kích trong chiến đấu, dẫn dắt bộ binh xung phong giành thắng lợi. Đây là trận đánh điển hình về tinh thần đoàn kết chiến đấu hiệp đồng giữa bộ binh, công binh, pháo binh... với Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Chiến thắng Làng Vây đã góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ chiến lược đường số 9 của Mỹ - ngụy, dồn địch vào thế bị động, đối phó; phối hợp kịp thời với các chiến trường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất mùa Xuân năm 1968.

PV: Nhiều người nói rằng ta đánh thắng trận Làng Vây vì đã tạo ra được những điều bất ngờ thú vị. Vậy, sự bất ngờ đó là gì?

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu: Sự xuất hiện của xe tăng ta trên chiến trường là một bất ngờ lớn đối với Mỹ - ngụy. Nhưng chúng càng bất ngờ hơn về việc chọn hướng tiến công của ta. Đó là, ta đã lợi dụng sông Sê Pôn cho xe tăng bơi theo dòng nước, bất ngờ tiến công địch từ hướng Nam - hướng chủ yếu do Đại đội tăng 9 đảm nhiệm. Một mũi khác tiến công địch từ hướng Tây là hướng thứ yếu do Đại đội tăng 3 đảm nhiệm. Địch phán đoán ta sẽ tiến công Làng Vây từ hướng Tây, vì hướng Tây có trục đường 9 rất thuận lợi cho xe tăng ta cơ động, nên chúng tập trung phòng ngự ở hướng này là chính. Hướng Nam có địa hình phức tạp, dòng sông Sê Pôn bao quanh như một vật cản tự nhiên, địch cho rằng xe tăng ta không thể vượt qua, nên ở hướng này chúng phòng ngự yếu hơn. Ta chọn chỗ yếu để đánh, nên đánh thắng. Khi xe tăng ta xuất hiện, địch bị động đối phó chống cự rất quyết liệt, một số cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh, nhưng lực lượng xe tăng ta đã phát huy sức mạnh đột kích cùng bộ binh nhanh chóng thọc sâu, chia cắt tiêu diệt địch. Chỉ sau 4 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch, làm chủ căn cứ Làng Vây.

PV: Chiến thắng Làng Vây là kết quả phát huy sức mạnh tổng hợp của tình đoàn kết quân - dân, của phương thức tác chiến binh chủng hợp thành. Vậy, biểu hiện cụ thể của những vấn đề đó là gì, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu: Chiến thắng này là kết quả của tình đoàn kết quân - dân trong chiến đấu. Bộ đội xe tăng đã được nhân dân các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là nhân dân xã Thuận, giúp đỡ, như giữ bí mật khu trú quân, trinh sát nắm địch, dùng thuyền độc mộc vận chuyển đạn pháo, bình điện cho xe tăng.
Chiến thắng Làng Vây là chiến thắng của tinh thần đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể giữa xe tăng với các quân chủng, binh chủng bạn (pháo binh, thông tin, bộ binh, đặc công). Đặc biệt, bộ đội công binh đã mở đường trên cạn, phá đá ngầm dưới dòng sông Sê Pôn và quấn dù trắng trên người đứng làm cọc tiêu sống báo hiệu chỗ có đá ngầm, nước cạn để xe tăng ta bơi đến vị trí xuất phát tiến công bí mật, an toàn.

PV: Thưa Thiếu tướng, bằng cách nào ta đưa được những chiếc xe tăng “siêu trọng” vào tận chiến trường để chiến đấu với quân địch?

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu: Xe tăng vào chiến trường như thế nào? Đối với nhiều người, đến nay đó vẫn là một điều kỳ bí. Có người cho rằng, ta đã tháo xe tăng thành từng bộ phận rồi gùi vào chiến trường. Tất nhiên, mắt xích xe tăng tháo rời ra thì có thể “gùi” được, đạn pháo xe tăng cũng có thể “gùi” được… nhưng không ai có thể “gùi” được thân xe tăng và tháp pháo vì đó là những khối thép nặng hàng chục tấn. “Gùi xe tăng vào chiến trường” là cách nói văn nghệ thôi. Thực chất là ta đã tổ chức hành quân bằng xích để đưa xe tăng vào chiến trường. “Đây là cuộc hành quân bằng xích dài nhất của xe tăng, có một không hai trong lịch sử chiến tranh trên thế giới”.

Ngày 05-08-1967, Bộ Tư lệnh Thiết giáp đã được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đưa 2 Đại đội xe tăng PT-76 vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Đây là tin vui đối với bộ đội xe tăng, bởi sau gần 9 năm thành lập, bây giờ mới có thời cơ để bộ đội xe tăng xung trận bằng chính vũ khí, trang thiết bị của mình.

Căn cứ nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã chọn Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9 thuộc Trung đoàn 203 để thành lập một Tiểu đoàn mới có phiên hiệu là Tiểu đoàn 198, đưa xe tăng vào chiến trường. Ngay sau khi được thành lập, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tăng 198 đã khẩn trương làm công tác chuẩn bị củng cố xe pháo, trang bị kỹ thuật, tranh thủ thời gian huấn luyện bổ sung, đặc biệt là tổ chức huấn luyện cho xe tăng bơi nước tại đập Đồng Tranh, Hòa Bình. Ngày 14-10-1967, Tiểu đoàn tăng 198 bắt đầu thực hiện cuộc hành quân bí mật bằng xích vào chiến trường (điểm xuất phát là Lương Sơn, Hòa Bình). Sau hơn 50 ngày đêm hành quân, vượt hơn 1.000km đường Trường Sơn với nhiều địa hình phức tạp, dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, toàn Tiểu đoàn đã đến vị trí tập kết với 100% trang bị chiến đấu, người và xe tới đích an toàn. Đại đội tăng 3 hành quân 931km, ngày 21-12-1967 tới vị trí tập kết ở Nậm Khang trên đường số 9. Đại đội tăng 9 vượt qua chặng đường dài gần 1.500km tập kết tại phía Nam đường 9.

PV: Xe tăng to như thế làm thế nào để giữ được bí mật?

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu: Cuộc hành quân của Tiểu đoàn 198 vào chiến trường chủ yếu được thực hiện vào ban đêm. Để giữ bí mật, các xe tuyệt đối không được bật đèn pha mà phải sử dụng đèn gầm có lắp thêm thiết bị hạn chế ánh sáng. Những đêm mù sương các đồng chí trưởng xe (hoặc pháo thủ số 2) phải đi bộ trước mũi xe, khoác vải trắng dẫn đường. Các kíp xe phải dùng cành cây tươi che bớt bụi lửa phóng ra từ ống xả, khi lá khô phải kịp thời thay cành cây mới, nhờ đó mà giữ được bí mật, an toàn.

Để che mắt không quân Mỹ, xe tăng hành quân chủ yếu về ban đêm, còn ban ngày tạm trú quân và củng cố kỹ thuật xe máy. Để giữ bí mật, các kíp xe “Phải ngụy trang cho thật tốt”. Đây là điều cực kỳ quan trọng và vất vả. Công việc đầu tiên là phải xóa hết vết xích trên lối rẽ vào nơi giấu xe. Nếu là bãi đất trống thì dùng hai cành cây to có nhiều lá buộc vào sau chiếc xe cuối cùng, những cành cây này sẽ xóa đi các vết hằn của xích trên mặt đất (Tất nhiên vẫn phải kiểm tra lại chỗ nào chưa xóa được thì phải xóa cho hết). Nếu phải đi qua đồi cây lúp xúp hay đồi cỏ tranh thì phải đào cây mới trồng lên và tưới nước để cây không bị khô héo. Còn nếu trú quân ở rừng le thì tuy có khó khăn về phòng, chống cháy nhưng dễ ngụy trang hơn, chỉ cần buộc vít các ngọn le lại với nhau, tạo thành các đường vòm che vết xích đi là được… Làm như vậy nghĩa là thực hiện được nguyên tắc “đi không có dấu”, còn khi “nấu” không được để có khói bằng cách đào bếp Hoàng Cầm.

Tuyến đường hành quân được chia thành nhiều cung, mỗi cung chia thành 3 chặng, mỗi chặng (đi trong 1 đêm) trung bình dài 30km - 45km (Đại đội tăng 3 hành quân 15 chặng; Đại đội tăng 9 hành quân 23 chặng). Đường Trường Sơn là đường rừng núi hiểm trở, nhiều cua ngoặt gấp khúc, máy bay địch đánh phá ác liệt nên thường xảy ra sự cố kỹ thuật và có thương vong, nhưng do được Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Binh chủng quan tâm theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ, được các đơn vị thanh niên xung phong, trung đoàn pháo phòng không Nguyễn Viết Xuân, các đơn vị bạn cùng nhân dân địa phương và nhân dân các bộ tộc Lào hết lòng giúp đỡ, che chở, bảo vệ nên các khó khăn về bảo đảm đường cơ động, sửa chữa, cứu kéo, vận chuyển đều được giải quyết kịp thời, giúp đơn vị hành quân tới đích an toàn, đúng quy định.

Do hành quân đường dài nên bánh đỡ nặng và xích xe bị hư hỏng nhiều, bánh đỡ nặng vỡ hết phần cao su, chốt xích mòn vẹt, vấu xích gãy, cong, vênh, rạn, nứt. Đơn vị phải khắc phục bằng cách đảo xích bên phải sang trái và ngược lại, lắp xen kẽ mảnh xích lành với mảnh xích hỏng để tiếp tục hành quân... Do trình độ tổ chức chỉ huy và trình độ kỹ thuật tốt, do tinh thần sáng tạo và ý chí quyết tâm cao, tiểu đoàn 198 đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ hành quân, bước vào củng cố xe pháo, sẵn sàng tham gia chiến đấu.

PV: Cuộc hành quân này có ý nghĩa gì trong thực tiễn?

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu: Đây là cuộc hành quân lịch sử bằng xích của xe tăng ta từ hậu phương vào chiến trường, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Binh chủng, mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Cuộc hành quân thắng lợi đã khẳng định được vấn đề: Trong điều kiện địa hình hiểm trở của tuyến đường chiến lược, không quân địch đánh phá ác liệt suốt ngày đêm, nhưng với khả năng thực tế, ý chí quyết tâm cao và phương pháp tổ chức khoa học, ta vẫn có thể đưa được một lực lượng lớn xe tăng vào chiến trường (gồm cả con người và đầy đủ vũ khí, trang bị) để tham gia chiến đấu. Đây là mốc mở đầu cho quá trình triển khai lực lượng Tăng - Thiết giáp ở các địa bàn chiến lược trên chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng. Ta đưa được xe tăng vào chiến trường là một bất ngờ lớn đối với bộ máy chiến tranh xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai của chúng.

Riêng đối với bộ đội xe tăng, chiến thắng Làng Vây là chiến công đầu chói lọi, thể hiện quyết tâm đánh thắng trận đầu của Binh chủng, góp phần làm rạng rỡ lịch sử, truyền thống của Quân đội ta. Nó khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển Binh chủng Tăng - Thiết giáp những năm qua, cũng như quyết định thời cơ sử dụng lực lượng Tăng - Thiết giáp tham gia chiến đấu và giành thắng lợi vẻ vang. Nó cũng là cơ sở thực tiễn đầu tiên về nghệ thuật tác chiến của xe tăng, của chỉ huy tác chiến binh chủng hợp thành có xe tăng tham gia, giúp cho việc nghiên cứu chỉ đạo huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Binh chủng Tăng - Thiết giáp và cho những trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn sau này./.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH